Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:39:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái  (Đọc 27256 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 07 Tháng Ba, 2017, 05:37:36 pm »


Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap

Ban biên soạn:
      - Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủ biên)
      - Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
      - Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
      - Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
      - Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
      Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY



LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể, theo dạng hỏi đáp, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam” nói chung và cuốn sách "Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Bái" nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử dân tộc.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.

Trân trọng giới thiệu!


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2017, 10:07:38 pm »


Câu hỏi 1: Hãy trình bày quá trình xuất hiện và hoạt động của ba tổ chức cách mạng: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội), Tân Việt cách mạng đảng và Việt Nam quốc dân đảng trong giai đoạn từ 1925 đến 1930 ở Việt Nam?
Trả lời:


Do chịu tác động của các trào lưu tư tưởng mới, nhất là tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào dân tộc ở Việt Nam đã dâng lên sôi nổi và phát triển đến đỉnh cao vào những năm 1925-1926. Từ trong cao trào đấu tranh yêu nước ấy đã dần dần xuất hiện các tổ chức tiến bộ và cách mạng, tiêu biểu nhất là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội), Tân Việt cách mạng đảng và Việt Nam quốc dân đảng. Sự ra đời của các tổ chức cách mạng này đánh dấu bước tiến mới của phong trào dân tộc, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy công cuộc giải phóng đất nước tiếp tục tiến lên.

1. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Sự xuất hiện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên gắn liền với các hoạt động và công lao vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ngay từ giữa năm 1923, trước khi rời nước Pháp đi Liên Xô, trong một bức thư gửi các bạn cùng hoạt động, Nguyễn Ái Quốc đã nói rõ ý định của mình là: "Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập"1. Chính vì vậy, sau một năm rưỡi hoạt động và học tập ở Liên Xô, tháng 11 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về Quảng Châu (Trung Quốc) - nơi đang có rất đông người Việt Nam yêu nước hoạt động - để xúc tiến các công việc chuẩn bị cho sự ra đời của chính đảng mácxít ở Việt Nam.

Sau khi đến Quảng Châu, với tư cách là đặc phái viên của Quốc tế cộng sản, trực tiếp phụ trách Cục phương Nam, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu quan tâm tìm hiểu tình hình hoạt động của những người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Đặc biệt, Người đã được gặp nhóm thanh niên yêu nước trong tổ chức Tâm tâm xã. Trong thư gửi đoàn chủ tịch Quốc tế cộng sản đề ngày 18 tháng 12 năm 1924, Nguyễn Ái Quốc báo cáo: "Tôi đến Quảng Châu vào giữa tháng 12. Tôi đã gặp tại đây vài ba nhà cách mạng quốc gia An Nam, trong số đó có một người đã xa rời xứ sở từ ba mươi năm nay...

Mục đích duy nhất của ông này là trả thù cho nước, cho nhà đã bị Pháp tàn sát. Ông không hiểu chính trị, và lại càng không hiểu việc tổ chức quần chúng. Trong cuộc thảo luận, tôi đã giải thích cho ông hiểu sự cần thiết của tổ chức và sự vô ích của những hành động không có cơ sở...

Ông đã đưa cho tôi một bản danh sách 10 người An Nam đã cùng ông ta hoạt động bấy lâu"2. Trong số 14 người mà Phan Bội Châu giới thiệu, có một số người đã trở thành hội viên của Tâm tâm xã - một tổ chức yêu nước cấp tiến vừa được thành lập năm 1923 tại Quảng Châu.
_________________________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr.192.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 8, 141.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2017, 10:08:58 pm »


Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế, Nguyễn Ái Quốc đã chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã, tổ chức tuyên truyền giác ngộ họ, để trên cơ sở đó lập ra nhóm Cộng sản đoàn vào tháng 2 năm 1925. Trong báo cáo gửi đoàn chủ tịch Quốc tế cộng sản, đề ngày 19 tháng 2 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày khá cụ thể các công việc đã làm được: "Chúng tôi đã lập một nhóm bí mật gồm 9 hội viên, trong đó có 2 người đã được phái về nước.

3 người ở tiền tuyến (trong quân đội của Tôn Dật Tiên).

1 người đang đi công cán quân sự (cho Quốc dân đảng).

Trong số hội viên đó, có 5 người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản" .

Nhóm bí mật đó chính là Cộng sản đoàn gồm có Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lưu Quốc Long, Trương Văn Lĩnh, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ.

Dựa trên nhóm cộng sản này, tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập một tổ chức cách mạng có tính chất quần chúng rộng rãi hơn là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 7 năm đó, cùng với một số nhà cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Inđônêxia..., Nguyễn Ái Quốc còn sáng lập ra tổ chức Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông có quan hệ chặt chẽ với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau khi ra đời, Hội đã công bố Chương trình và Điều lệ thể hiện rõ lập trường chính trị cùng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hội. Bản Chương trình ghi rõ:

I. Tên Hội:

Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

II. Mục đích:

Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mệnh dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành độc lập cho xứ sở) rồi sau đó làm cách mạng thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản).

III. Chương trình:

a) Lựa chọn người giác ngộ, huấn luyện họ, tổ chức họ vào Hội.

b) Cử những hội viên đã được đào tạo vào trong nhân dân để tuyên truyền điều phải và tổ chức các đoàn thể như công hội, nông hội, hội học sinh, hội phụ nữ, v.v...

c) Gặp dịp tốt nào thì huy động lực lượng của những đoàn thể quốc gia để đập tan bọn Pháp và lấy lại chính quyền.

d) Thành lập chính phủ nhân dân gồm đại biểu của các đoàn thể công nhân, nông dân và binh sĩ.

e) Áp dụng những nguyên tắc tân kinh tế chính sách để thúc đẩy sự phát triển các cơ quan sản xuất trong nước, bãi bỏ tư bản tư nhân và sự giao lưu những tài nguyên quốc gia.

g) Đoàn kết với những giai cấp vô sản của tất cả các nước và thành lập xã hội cộng sản.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2017, 10:09:43 pm »


Điều kiện gia nhập Hội đã được ghi rõ trong bản Điều lệ là: "Người Việt Nam nào từ 17 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, tán thành mục đích, chương trình và kỷ luật của Hội và được hai hội viên giới thiệu, thì được gia nhập Hội sau khi được chi bộ đồng ý".

Về tổ chức gồm có 5 cấp: tổng bộ, xứ (kỳ) bộ, tỉnh bộ, huyện bộ và chi bộ. Mỗi chi bộ gồm khoảng 10 hội viên; nếu quá số lượng đó thì lập ra chi bộ khác.

Tóm lại, đường lối chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên thể hiện những nội dung chính sau đây:

1) Thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc rồi sau đó tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

2) Thành lập chính phủ công nông binh, thực hiện chính sách phát triển sản xuất, xóa bỏ tư bản, xây dựng xã hội cộng sản ở Việt Nam và trên thế giới. Trước mắt, sau khi thành lập, chính phủ công nông binh sẽ thực hiện nhiệm vụ chia ruộng cho dân cày, hủy bỏ thuế thân và các thứ thuế vô lý khác; thực hiện ngày làm 8 giờ cho công nhân; thực hiện quyền tự do dân chủ, quyền nam nữ bình đẳng...

3) Đoàn kết với giai cấp vô sản và phong trào cách mạng thế giới.

Như vậy, mặc dù Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chưa phải là một đảng cộng sản, nhưng đường lối chính trị, chương trình hành động và điều lệ của Hội đã in đậm và thể hiện rõ quan điểm, lập trường cách mạng của giai cấp công nhân.

Về thành phần xã hội, lúc đầu các hội viên Thanh niên bao gồm 90% là trí thức tiểu tư sản, chỉ có 10% là công nông, sau này tuy các thành phần công, nông có tăng lên, nhưng lực lượng trí thức vẫn chiếm tới 40%.

Sau khi thành lập, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phái người về nước vận động, lựa chọn và đưa một số thanh niên tích cực sang Quảng Châu để đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng về chính trị, tổ chức. Trong khoảng từ 1924 đến 1927, Hội đã tổ chức được trên 10 lớp huấn luyện, đào tạo được 75 hội viên. Mỗi lớp đào tạo huấn luyện được tiến hành trong thời gian từ 2 - 3 tháng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Ba, 2017, 10:10:15 pm »


Nội dung chương trình học tập ở các lớp huấn luyện khá rộng, bao gồm cả kiến thức lý luận và thực tiễn cách mạng. Học viên được nghiên cứu về tình hình quốc tế, lịch sử tiến hóa nhân loại, các giai đoạn phát triển của chủ nghĩa tư bản, về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước, các phương pháp cách mạng của Tôn Dật Tiên, về Cách mạng tháng Mười Nga. Tại các khóa học, học viên còn được nghe giới thiệu về lịch sử các tổ chức Quốc tế I, II và III, cũng như về các tổ chức quần chúng như Thanh niên quốc tế, Nông dân quốc tế, Công hội đỏ quốc tế. Phần cuối cùng của chương trình huấn luyện là các phương pháp và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong việc vận động và tổ chức xây dựng nông hội, công hội, hợp tác xã...

Ngoài việc mở các lớp huấn luyện ở Quảng Châu, dưới sự tổ chức chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban lãnh đạo Hội còn cử người đi học Trường đại học Cộng sản phương Đông (Liên Xô) và Trường Quân chính Hoàng Phố (của Quốc dân đảng Trung Quốc). Trong số những người được giới thiệu đi học các trường đào tạo nước ngoài có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Bùi Công Trừng, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn...

Kết thúc các lớp đào tạo, phần lớn cán bộ đều được đưa về nước hoạt động trong các tầng lớp công nhân, nông dân, tiểu tư sản thành thị... để tuyên truyền vận động và xây dựng các cơ sở của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.

Cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ mácxít đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên còn cho xuất bản tờ báo Thanh niên làm công cụ truyền bá tư tưởng Mác - Lênin và là cơ quan phát ngôn của Hội. Báo Thanh niên in bằng chữ Quốc ngữ, trên giấy sáp, riêng tên tờ báo được in bằng cả chữ Hán và chữ Việt. Ban biên tập ngoài Nguyễn Ái Quốc là chủ bút, còn có Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu... Số báo đầu tiên xuất bản vào ngày 21 tháng 6 năm 1925. Từ đó cho đến tháng 2 năm 1930, báo Thanh niên ra được 208 số. Trong 88 số đầu, tờ báo tập trung giáo dục lòng yêu nước, khơi sâu chí căm thù của nhân dân ta đối với bọn đế quốc và phong kiến tay sai, đồng thời giới thiệu Cách mạng tháng Mười và nước Nga Xôviết. Từ số 89 trở đi, báo Thanh niên bắt đầu nêu lên những nguyên lý cơ bản về xây dựng đảng kiểu mới, về nhu cầu phải thành lập chính đảng cộng sản ở nước ta, về phương hướng phát triển của cuộc vận động giải phóng dân tộc Việt Nam.

Bằng nhiều con đường, báo Thanh niên đã được bí mật chuyển về trong nước và đã được các tầng lớp nhân dân yêu nước hăng hái tìm đọc, có bài báo còn được chuyền nhau chép đi chép lại nhiều lần.

Nhờ đó, các tư tưởng cách mạng được truyền bá mạnh mẽ vào trong nhân dân, góp phần quan trọng chuẩn bị về mặt tư tưởng, chính trị cho sự ra đời của chính đảng cộng sản ở nước ta.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:06:06 am »


Để đẩy mạnh công cuộc truyền bá tư tưởng Mác - Lênin, tiến tới thành lập Đảng, đầu năm 1927 Bộ tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông đã cho xuất bản cuốn sách Đường kách mệnh, rồi chuyển về trong nước. Cuốn sách chủ yếu tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong các lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Quảng Châu. Nếu trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã bóc trần và tố cáo những hành động xấu xa, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân Pháp ở thuộc địa thì trong cuốn sách này, Người lại tập trung phác họa và chỉ ra phương hướng đấu tranh để giải phóng dân tộc và nhân dân thoát khỏi ách nô lệ. Trên cơ sở phân tích tình hình và mâu thuẫn của xã hội Việt Nam, Đường kách mệnh chỉ rõ cách mạng Việt Nam trước hết phải làm "dân tộc cách mệnh” nhằm đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do, đồng thời tiến lên làm "giai cấp cách mệnh" đánh đuổi tư bản nhằm giải phóng quần chúng lao động.

Cách mạng muốn giành được thắng lợi phải coi "công nông là gốc" của cách mạng, học trò, nhà buôn, điền chủ nhỏ đều là bầu bạn của cách mạng. Đường kách mệnh còn chỉ rõ nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng là sự lãnh đạo của đảng mácxít. Đảng đó phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin bởi vì: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin"1. Đồng thời, tác phẩm Đường kách mệnh còn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ đoàn kết quốc tế giữa cách mạng Việt Nam với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Từ đầu năm 1926, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên bắt đầu phát triển cơ sở ở trong nước. Nhờ có sự hoạt động tích cực của các hội viên nên đầu năm 1927 ở nhiều địa phương đã xây dựng được các cơ sở của Hội. Trên cơ sở đó, các kỳ bộ rồi tỉnh bộ lần lượt được thành lập.

Kỳ bộ Trung Kỳ được thành lập tại Vinh (tháng 2-1927) gồm Vương Thúc Oánh, Lê Hữu Lập, Nguyễn Sĩ Sách (làm bí thư).

Tháng 3 năm 1927, tại Hà Nội, Kỳ bộ Bắc Kỳ được thành lập gồm Nguyễn Danh Đới, Nguyễn Công Thu, Mai Lập Đôn, do Trần Văn Cung làm bí thư.

Tại Sài Gòn, Kỳ bộ Nam Kỳ được thành lập với sự tham gia của Ngô Thiêm, Nguyễn Văn Lợi, do Phan Trọng Bình làm bí thư.

Cùng với việc phát triển hệ thống tổ chức ở trong nước, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên còn chú trọng xây dựng cơ sở trong Việt kiều ở Xiêm (Thái Lan) để hình thành đường dây liên lạc với trong nước. Năm 1926, chi bộ Thanh niên đầu tiên đã được thành lập tại Bạn Thầm (tỉnh Phì Chịt, miền Trung Thái Lan). Tiếp đó, Hội còn lập thêm các chi bộ khác ở tỉnh U Đon, Na Khon... Để mở rộng các hoạt động tuyên truyền vận động trong Việt kiều ở Thái Lan, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã cho xuất bản báo Đồng thanh (sau đổi thành báo Thân ái).

Do đại bộ phận hội viên Thanh niên đều xuất thân từ thành phần trí thức tiểu tư sản, nên từ cuối năm 1928 Hội Việt Nam cách mạng thanh niên chủ trương tổ chức phong trào "vô sản hóa", tích cực đưa các hội viên vào các đồn điền, hầm mỏ, nhà máy, nông thôn để rèn luyện học tập nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời trực tiếp tuyên truyền giác ngộ và tổ chức quần chúng đấu tranh. Nhờ vậy, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của các tầng lớp nhân dân ngày càng phát triển rầm rộ, sôi nổi.

Đến năm 1929, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã xây dựng được cơ sở ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Số hội viên đã lên tới khoảng 1.500 người. Thông qua việc tăng cường phát triển tổ chức, mở rộng địa bàn hoạt động của các hội viên, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã góp phần truyền bá tư tưởng Mác - Lênin, phổ biến chủ trương, đường lối của Hội trong nhân dân, tích cực thúc đẩy phong trào cách mạng Việt Nam chuyển nhanh theo xu hướng cách mạng vô sản. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đóng vai trò tích cực chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập một đảng cộng sản chân chính ở Việt Nam.
________________________________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1995, tr. 268.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:07:20 am »


2. Tân Việt cách mạng đảng

Khác với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Tân Việt cách mạng đảng là một tổ chức yêu nước đã trải qua nhiều thay đổi, cải tổ. Tiền thân của Tân Việt cách mạng đảng là Hội Phục Việt, được thành lập ngày 14 tháng 7 năm 1925 tại Vinh (Nghệ An) gồm hai nhóm chính trị phạm ở Trung Kỳ tiêu biểu như Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên..., và các sinh viên sư phạm Hà Nội như Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai... Chương trình hành động của Hội Phục Việt có ba điểm:

1. Nghiên cứu tình hình chính trị trong nước để quyết định nên bạo động hay hòa bình.

2. Tìm cách liên lạc với các nhà cách mạng ở Tàu và Xiêm xem chủ trương của họ thế nào.

3. Mộ thêm đồng chí mới.

Sau khi ra đời, Hội Phục Việt tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu. Chi hội Phục Việt ở Bắc Kỳ do Tôn Quang Phiệt phụ trách đã in và rải truyền đơn kêu gọi các tầng lớp nhân dân đấu tranh ủng hộ nhà chí sĩ họ Phan. Hoạt động yêu nước của Hội Phục Việt đã làm cho thực dân Pháp theo dõi và tìm cách phá hoại. Trước tình hình đó, Hội Phục Việt đã đổi tên thành Hưng Nam năm 1926. Đến năm 1927, Hội lại đổi tên thành Việt Nam cách mạng đảng, rồi Việt Nam cách mạng đồng chí hội. Cuối cùng tại Đại hội lần thứ nhất tổ chức ở Huế tháng 7 năm 1928, Hội chính thức mang tên Tân Việt cách mạng đảng.

Thời kỳ đầu mới thành lập, Tân Việt cách mạng đảng còn là một tổ chức yêu nước, chưa có lập trường giai cấp rõ rệt, cho rằng chủ nghĩa cộng sản quá cao và chủ nghĩa "Tam dân" của Quốc dân đảng quá thấp. Trong quá trình tồn tại, Tân Việt đã nhiều lần cử người sang Quảng Châu liên lạc và bàn kế hoạch hợp nhất với tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, và ngược lại Tổng bộ Thanh niên cũng đã có lần phái người về nước thảo luận việc hợp nhất với Tân Việt, nhưng không đạt được kết quả. Nguyên nhân là do hai tổ chức có ý kiến khác nhau trong việc đánh giá vai trò của mỗi bên, cũng như xác định quyền lãnh đạo của tổ chức sẽ hợp nhất. Mặc dù vậy, qua những lần tiếp xúc, đặc biệt là nhờ các hoạt động của các hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, lập trường chính trị của Tân Việt dần dần thay đổi và chuyển mạnh sang khuynh hướng cách mạng vô sản. Từ sau Đại hội I (1928), Tân Việt thực sự trở thành một tổ chức cách mạng mang tính chất xã hội chủ nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:08:25 am »


Về tư tưởng chính trị, Tân Việt cách mạng đảng xác định: "Liên hợp cả các đồng chí trong ngoài, trong thì dẫn đạo công nông binh, quần chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa đặng kiến thiết một xã hội bình đẳng bác ái mới". Tân Việt còn đề ra Chương trình hành động và các quy định chặt chẽ về tổ chức, đảng viên. Theo Chương trình hoạt động được soạn thảo năm 1928 thì Tân Việt sẽ phải trải qua hai thời kỳ. Đó là thời kỳ phá hoại tức là dùng vũ lực đánh đổ ách thống trị thực dân phong kiến, giành lấy chính quyền; sau đó chuyển qua thời kỳ quá độ thực hiện chuyên chính vô sản, quốc hữu hóa các ngành kinh tế, thực thi quyền bình đẳng cho mọi giai tầng xã hội, mọi lớp tuổi khác nhau.

Về thành phần xã hội, Tân Việt chủ yếu gồm các phần tử thanh niên trí thức, học sinh, công chức, tiểu thương. Sau này, Đảng có chú ý phát triển đến các thành phần công nông, nhưng số hội viên phần lớn vẫn là trí thức tiểu tư sản. Ngay trong Điều lệ năm 1928 cũng quy định rõ đảng viên phải là người có học, "phải biết đọc, biết viết hoặc Quốc ngữ, hoặc chữ Pháp, chữ Hán và quyết tâm phấn đấu trong hàng ngũ của Đảng"1.

Nắm quyển lãnh đạo các cơ quan Tổng bộ chủ yếu thuộc giới giáo viên, sinh viên, trí thức như Trần Mộng Bạch, Đào Duy Anh, Phan Kiêm Huy, Tôn Quang Phiệt, Ngô Đức Diễn.

Hệ thống tổ chức của Tân Việt bao gồm 6 cấp: Tổng bộ, kỳ bộ, liên tỉnh bộ, tỉnh bộ, đại tổ và tiểu tổ ở cơ sở. Tổ chức cơ sở của Tân Việt xây dựng theo nguyên tắc "tam tam chế", tức là mỗi tiểu tổ chỉ có 3 người, và 3 tiểu tổ hợp thành một đại tổ. Tân Việt có 3 kỳ bộ và 10 liên tỉnh bộ đều được gọi theo bí danh riêng. Bắc Kỳ gọi là "Nhân Kỳ", Trung Kỳ gọi là "Trí Kỳ", Nam Kỳ gọi là "Dũng Kỳ".

Trên tất cả các khu vực Bắc, Trung, Nam, Tân Việt cách mạng đảng đều có cơ sở của mình, nhưng địa bàn hoạt động chính là ở các tỉnh miền Trung, chủ yếu thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
_______________________________
1. Trần Huy Liệu, Văn Tạo, Tài liệu tham khảo lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, tập V, Nxb Văn - Sử - Địa, H. 1958, tr. 15-16.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:09:12 am »


Tại địa bàn trung tâm Nghệ - Tĩnh, từ cuối năm 1928 các tiểu tổ, đại tổ Tân Việt đã phát triển rộng khắp trong các nhà máy, xí nghiệp, đường phố và cả các vùng nông thôn. Số lượng đảng viên lên tới 612 người. Bên cạnh việc bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới, Tân Việt còn chú ý xây dựng các tổ chức quần chúng, các cơ sở cảm tình của đảng. Ở khu vực Vinh - Bến Thủy, Tân Việt đã lập ra các nhóm may quần áo của công nhân nhà máy Tràng Thi, Hưng nghiệp hội xã, hiệu sách "Tam kỳ thư quán". Các cơ sở này vừa làm nơi gặp gỡ, tuyên truyền giác ngộ đảng viên, đồng thời góp phần cung cấp nguồn tài chính cho Đảng. Ở trường quốc học Vinh, Phan Kiêm Huy đã vận động và cùng một số đảng viên khác thành lập Hội sinh đoàn để tập hợp các giáo viên và học sinh yêu nước. Tại các huyện Hưng Nguyên, Anh Sơn, Nghi Lộc, Yên Thành, Thanh Chương, Can Lộc... đều xây dựng được các tiểu tổ, đại tổ và các tổ chức quần chúng của đảng.

Trong quá trình tồn tại, ngoài công tác giáo dục, huấn luyện đảng viên, Tân Việt cách mạng đảng còn tiến hành nhiều hoạt động như lập các lớp học ban đêm, phổ biến các sách báo mácxít..., góp phần quan trọng vào việc khơi dậy lòng yêu nước, truyền bá tư tưởng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Một số cuộc đấu tranh của học sinh, tiểu thương và công nhân do Tân Việt tổ chức và lãnh đạo đã diễn ra trong thời gian này. Tiêu biểu là các cuộc đình công của công nhân nhà máy Diêm (Bến Thủy) ngày 11 tháng 4 năm 1928; bãi công của công nhân đường sắt ở Biên Hòa - Sài Gòn tháng 9 năm 1929; đấu tranh của nông dân làng Yên Dũng (Vinh) chống bọn Pháp lấy 300 mẫu đất ở gần Bến Thủy để xây dựng sân bay. Trong nhiều trường học ở Vinh, tổ chức Tân Việt đã vận động học sinh đấu tranh với các yêu sách cụ thể như:

- Bỏ phạt.

- Học sinh được ra ngoài ký túc xá vào chiều thứ bảy và ngày chủ nhật.

- Bỏ thói đánh đập, miệt thị học sinh và giáo viên người Việt.

- Cải thiện điều kiện sinh hoạt và ăn uống trong ký túc xá.

Từ cuối năm 1928 đầu năm 1929, học tập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, Tân Việt cách mạng đảng cũng phát động phong trào "vô sản hóa", đưa các đảng viên vào hoạt động trong các nhà máy, xí nghiệp, trường học để nâng cao lập trường giai cấp công nhân, đồng thời tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, xây dựng cơ sở của Đảng...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Ba, 2017, 08:11:21 am »


Do tác động của tư tưởng Mác - Lênin, nhiều đảng viên Tân Việt đã chuyển sang Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nội bộ Đảng Tân Việt ngày càng phân hóa sâu sắc thành hai khuynh hướng rõ rệt. Một khuynh hướng nằm trong những người lãnh đạo Tổng bộ chủ trương đứng trên lập trường quốc gia tư sản. Còn số đông đảng viên Tân Việt, nhất là những thanh niên trẻ tuổi giàu nhiệt huyết thì ngả hẳn sang khuynh hướng cộng sản.

Vào giữa năm 1929, để chống lại khuynh hướng cộng sản trong số đông đảng viên, ban lãnh đạo Tổng bộ đã công bố đề án thành lập "Khối quốc gia" và gửi cho các cấp bộ Đảng Tân Việt. Theo bản đề án, ở Việt Nam lúc này chưa có giai cấp công nhân, do đó không có cơ sở để chủ nghĩa cộng sản tồn tại và phát triển. Trước tình hình đó, những đảng viên tích cực nhất của đảng đã họp lại và đi tới quyết định li khai khỏi Tổng bộ Tân Việt, chuẩn bị thành lập một đảng cộng sản lấy tên là Đông Dương cộng sản liên đoàn. Tiếp đó, tháng 9 năm 1929, một cuộc hội nghị của những đảng viên tích cực của đảng đã được tổ chức ở Nam Kỳ nhằm bàn bạc và chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới tổ chức đại hội thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn. Hội nghị đã thông qua tờ Tuyên đạt nói rõ lý do thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn là: Hiện thời trào lưu cộng sản đang dâng cao khắp toàn cầu... ở Đông Dương xu hướng cộng sản đang đâm chồi nảy lộc, nhất là từ ba bốn năm nay, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và Tân Việt cách mạng đảng ra đời thì ảnh hưởng trong đám lao khổ xứ Đông Dương càng hiểu rằng chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng họ khỏi cảnh lầm than, nô lệ, mới đem lại độc lập hoàn toàn cho xứ Đông Dương, xóa bỏ chế độ người bóc lột người...

Cho nên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã tách ra lập nên hai bộ phận cộng sản là Đông Dương cộng sản đảng và An Nam cộng sản chi bộ, cùng tiến hành vận động cộng sản theo chương trình của Đệ tam quốc tế...

Do tình hình trên, những người giác ngộ cộng sản chân chính trong Tân Việt cách mạng đảng trịnh trọng tuyên bố cùng toàn thể đảng viên Tân Việt cách mạng đảng, toàn thể thợ thuyền, dân cày và lao khổ biết rằng chúng tôi đã chính thức lập ra "Đông Dương cộng sản liên đoàn".

Sự chuyển biến của số đông đảng viên Tân Việt theo chủ nghĩa cộng sản là phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của phong trào yêu nước lúc đó. Nó góp phần làm suy yếu và đánh bại chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đồng thời tăng cường thêm sức mạnh cho giai cấp vô sản trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM