Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:37:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân-1968‎  (Đọc 31269 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 12:11:51 am »


        3. Westmoreland xin tăng quân cho năm 1968.

        Từ giữa năm 1967, phải xác định tổng số quân Mỹ ở Việt Nam trong năm 1968. Năm 1966, Westmoreland đã xin cho năm 1967 là 124 tiểu đoàn chiến đấu gồm 555.741 người, nhưng chỉ được duyệt là 470.366 người.  Westmoreland trình bày với Johnson là 70.000  quân Mỹ của năm 1967 không đặt Mỹ trong tình trạng nguy hiểm, nhưng không đủ để đối phó với sự tăng cường của địch, gây một cuộc chiến tranh tiêu hao ở Đông Nam Á, phải tăng quân để giành thắng lợi. “Trừ phi quyết tâm của địch bị sụp đổ hay trừ phi có sự cân đối thâm nhập (so với thương vong), cuộc chiến tranh còn kéo dài 5 năm. Nếu tăng thêm 23 sư đoàn thì thời gian còn 3 năm”.

        Theo “Tài liệu của Lầu năm góc” thì lực lượng cần thêm tối đa để giành thắng lợi là 43 sư đoàn, 10 đại đội máy bay chiến thuật, 1 sân bay mới, 1 đội tàu cơ động trên sông. Số quân ước 201.250 cộng với trần của 1967 là 470.366 nâng tổng số lên 671.616 năm 1968.

        Westmoreland chỉ yêu cầu như đề nghị năm 1966 là’ 555.741 người, nhưng thay cơ cấu, tức xin thêm 28 sư đoàn, còn hậu cần cho số đơn vị mới này sẽ xin sau. Thực tế được duyệt là 525.000 (sau Tết 68, Johnson cho phép trần của 1968 là 549 .500). Như vậy theo tính toán của Westmoreland với số quân lược tăng thêm phải 3 năm mới giành được thắng lợi với quân giải phóng là 299.000 người không kể quân du kích.

        Lực lượng các bên trước cuộc tổng tiến công tết 1968:

        Tổng số quân mỹ và quân đồng minh là 1.292.000.

        Quân Sài Gòn: Có 342.951 quân chính quy: lục quân, hải quân, không quân, lính thủy đánh bộ. Có 12.000 cố vấn Mỹ trong các đơn vị lục quân, mỗi sư đoàn có 300 cố vấn Mỹ làm các nhiệm vụ liên lạc, cố vấn, chuyên viên hậu cần. Mỗi tiểu đoàn có một tổ 3 đến 5 cố vấn Mỹ. Người cố vấn Mỹ nào cũng có máy thông tin riêng nên họ liên lạc rất nhanh với hệ thống hỏa lực của họ.

        Trước hết, phần lớn các đơn vị thiếu phương tiện thông tin, phương tiện cần thiết để gọi pháo và không quân chi viện. Về trang bị, chỉ những đơn vị xung kích nhất mới được trang bị M16 như các tiểu đoàn của dù, lữ đoàn lính thủy đánh bộ, một trung đoàn bộ binh và 5 tiểu đoàn biệt động quân. Những đơn vị khác được trang bị súng lạc hậu hơn, rõ ràng là thua loại AK-47 của các đơn vị Bắc Việt Nam và lực lượng chủ lực quân giải phóng.

        Điểm yếu của quân đội Sài Gòn là Thiệu củng cố quyền lực nên bố trí các người chỉ huy là tay chân của mình nên sự chỉ huy chiến đấu kém; người lính đều hiểu rằng sĩ quan làm giàu nhờ Mỹ. Mỹ đánh giá là 6 trong số 10 sư đoàn Sài Gòn không có hiệu quả.

        Ngoài quân chính quy, còn 151.376 quân địa phương, 148.789 bảo an và 42.000 dân vệ; cảnh sát quốc gia có 70.000.

        Quân Mỹ:

        Có 9 sư đoàn, 1 trung đoàn kỵ binh cơ giới và 2 lữ đoàn độc lập. Số đơn vị trên có 100 tiểu đoàn bộ binh và cơ giới, quân số 331.098 lục quân và 78.013 lính thủy đánh bộ. Các đơn vị có tinh thần chiến đấu cao là lính thủy đánh bộ, Sư đoàn ky binh số 1, Lữ đoàn nhảy dù 173 và Trung đoàn thiết giáp 11. Tất cả có 3.100 trực thăng.

        Yếu điểm của quân Mỹ là chế độ luân phiên 1 năm ở Việt Nam. Một sĩ quan Mỹ nói nước Mỹ không phải có 10 năm kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam mà có “kinh nghiệm mười lần một năm”. Thường lính Mỹ chiến đấu khá là từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 8. Họ nghĩ chiến tranh không thắng lợi trong nhiệm kỳ của họ, dại gì mà cố gắng, sĩ quan thường 6 tháng ở đơn vị, 6 tháng ở cơ quan tham mưu.

        Quân đồng minh của Mỹ:

        Đội đặc nhiệm Úc số 1 (3 tiểu đoàn khoảng 6.000 người).

        Trung đoàn tình nguyện quân đội Thái (2.400 quân).

        Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ Nam Hàn;Sư đoàn số 9 Bạch Mã Nam Hàn: Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 2 Nam Hàn.  Tổng quân số Nam Hàn là 48.800.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2017, 12:14:12 am »


        Quân giải phóng:

        Có hai thành phần rõ rệt: Bắc Việt Nam và quân giải phóng (VC). Tình báo Mỹ đánh giá thời gian tấn công Tết, khoảng 50% số 197 tiểu đoàn chủ lực là quân chính quy Bắc Việt Nam. Đầu 1968, tình báo Mỹ phát hiện 7 sư đoàn Bắc Việt Nam, quân số khoảng 60.000 người, không kể một số quân Bắc Việt Nam biên chế vào các đơn vị chủ lực của quân giải phóng.

        Sĩ quan và chiến sĩ sống liên tục ở chiến trường miền Nam, không có chế độ đi phép, không có giải trí, nói chung thiếu thốn về vật chất, tình cảm...

        Quân giải phóng có 2 trình độ: Lực lượng chủ lực có khoảng 60.000 người và các lực lượng bán vũ trang hoặc du kích, lực lượng bán vũ trang đánh rồi chuồn, phục kích, đặt mìn. Rất khó xác định các tổ chức bán vũ trang nhưng cơ quan chỉ huy của Westmoreland cho là độ 400.000 người.  Chủ yếu chiến đấu theo đơn vị bộ binh nhẹ, không có hỏa lực pháo binh và không quân, nên chủ trương đánh gần và dụ địch vào những nơi rừng núi, địch không phát huy được không quân, pháo binh. Thường trinh sát rất kỹ mục tiêu sẽ tấn công. Thường dùng lực lượng địa phương làm liên lạc dẫn đến cận mục tiêu để quan sát khi vẽ, làm sa bàn để phổ biến cho cán bộ chiến sĩ.

        Không có pháo binh, nhưng thay vào đó là rốc-két, súng không giật, cối 82mm và 120mm. Cối 120 là loại nguy hiểm nhất, bắn xa 6 km, chia làm 3 bộ phận để mang vác qua địa hình khó. Xạ thủ trực tiếp tính toán các phần tử bắn, thường loại 120 bắn khá chính xác.

        Còn loại rốc-két l07mm, 122mm và 140mm kém chính xác hơn - nhưng bắn khối thuốc nổ lớn hơn, nhẹ nhàng dễ mang vác hơn.

        4. Năm 1968 là năm bầu cử tổng thống, Westmoreland đề cao khả năng giành thắng lợi cuộc chiến tranh Việt Nam.

        Tổng thống Johnson thuộc đảng Dân chủ trong nhiệm kỳ đã có một số hoạt động đáng kể về mặt kinh tế, xã hội, nhưng uy tín về điều hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam ngày một giảm. Trong nội bộ đảng Dân chủ, Eugene Mc Carthy tuyên bố sẽ ứng cử với đề tài “hòa bình ở Việt Nam” và cuộc thăm dò dư luận cho thấy có khả năng được đảng đề cử thay Johnson. Johnson muốn tuyên truyền cuộc chiến tranh Việt Nam phát triển thuận lợi, chiến thắng đã trong tầm tay. Ông gọi Westmoreland về nước báo cáo. Trong cuộc họp kín với ủy ban quân lực ngày 16-11-1967, Westmoreland nói là có thể giành thắng lợi trong 2 năm và “mọi hy vọng của cộng sản đã phá sản”. Ngày 21-11-1967, ông ta nói trong câu lạc bộ Báo chí Quốc gia là bây giờ chỉ còn việc quét sạch kẻ địch ra khỏi Việt Nam, chỉ cần 2 năm.

        Johnson rất phấn khởi cho tiến hành một chiến dịch tuyên truyền là cộng sản đang từ từ thua cuộc chiến tranh. Ngày 24-1-1968, Robert Komer phụ trách chương trình bình định họp báo ở Sài Gòn tuyên bố: “Chúng ta bắt đầu năm 1968 trong tư thế thuận lợi hơn bất kỳ thời gian nào trước đây”. Như vậy cuối năm 1967, đầu 1968, Nhà trắng và Lầu năm góc sống trong sự lạc quan giả tạo được tô hồng bởi các cấp do sự áp đặt từ trên. Tuy nhiên các cơ quan quyền lực cao nhất chia làm hai phái:

        MACV (Bộ tư lệnh Mỹ ở Việt Nam), CIHCPAC (Bộ tư lệnh Thái Bình Dương), Tham mưu trưởng liên quân, cơ quan sứ quán Mỹ ở Sài Gòn có quan điểm là có thể thắng cuộc chiến tranh nếu tăng quân.

        CIA, Bộ trưởng Quốc phòng, hệ thống thống kê, Bộ Ngoại giao có quan điểm là Mỹ đang thất bại ở Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2017, 04:29:14 am »


        5. Những tin tức thu lượm được trước cuộc tiến công.

        Mỹ biết có cuộc họp quan trọng ở Hà Nội giữa năm 1967, có mời đại sứ ở các nước về dự, nên Mỹ phán đoán có thể Việt Nam sẽ có sáng kiến nào đó về ngoại giao, không hề biết đó là cuộc họp quyết định cuộc Tổng tiến công Tết 1968.

        Bắt được một tài liệu ủy ban tỉnh Bình Định gửi cán bộ:

        “Tổng tấn công 1.000 năm mới có một lần, sẽ quyết định số phận đất nước, sẽ chấm dứt chiến tranh. Đó là ý muốn của Đảng và nhân dân”.

        Ngày 25-11-1967, thu được một tài liệu gửi cán bộ quân sự chính trị “Quán triệt tình hình và nhiệm vụ mới” vạch rõ 3 bước là tấn công các căn cứ quân sự Mỹ, gây cho quân ngụy tan rã và vận động quần chúng nổi dậy. Ngày 5-1-1968, MACV ra một thông cáo báo chí “Tài liệu bắt được 25-11-1967 chứng tỏ đã đến giai đoạn quyết định trong đã có đoạn: “tấn công quân sự mạnh mẽ, kết hợp với nổi dậy của quần chúng địa phương để chiếm thành phố và đô thị. Lực lượng vũ trang dồn xuống đồng bằng, chiếm lấy chính quyền và cố gắng lôi kéo từng đơn vị lữ đoàn, trung đoàn của ngụy. Tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân và rải truyền đơn tới sĩ quan và binh lính ngụy”.

        Tài liệu này được tình báo đánh giá là không tin cậy, chỉ nhằm mục đích động viên nội bộ. Về cuộc họp anh hùng chiến sĩ thi đua lần thứ 2, có nêu một số điển hình về dũng sĩ diệt Mỹ: Một chiến sĩ cụt một tay, tập bắn với vai đã giết được 2 Mỹ, một chuyên gia về mìn đã giết được 400 tên địch, 1 em 17 tuổi cũng là dũng sĩ diệt Mỹ nói “Nếu căm thù địch thì một trẻ em cũng giết được Mỹ”. phát hiện cuộc họp này chỉ chứng minh quyết tâm chống Mỹ còn cao, chưa suy giảm như ước đoán của Mỹ. Ngày 20-11-1967, Sư đoàn 23 ngụy bắt được kế hoạch tấn công Ban Mê Thuộc. Đại tá Đào Quang An không đi phép, phái tuần tiễu đi cách thị xã 10 km để thăm dò tình hình. Quy Nhơn: ngụy cũng phát hiện được tin sẽ có cuộc tấn công vào Quy Nhơn, nhưng không có biện pháp gì. Đà Nẵng: một nhân viên cảnh sát ngụy lọt được vào hàng ngũ Việt Cộng và biết sẽ có cuộc tấn công. Hoàng Xuân Lãm (chỉ huy Quân đoàn 1) khi được nhân viên tham mưu báo tin trên thì trả lời “vô nghĩa”; khi cuộc tấn công diễn ra, Lãm phải lái xe qua làn đạn để đến chỉ huy sở.  Ngày 30-1-1968 một đài truyền tin Mỹ nhận được tin về lệnh tấn công của cộng sản vào Huế đêm 30-1, tin được báo cáo lên các cấp, nhưng đơn vị bảo vệ Huế không nhận được.  Đó cũng là một thất bại của tình báo.

        Ngô Quang Trưởng, Sư trưởng sư 1 ngụy được Westmoreland yêu cầu bỏ lệnh ngừng bắn Tết. Trưởng báo động 100%, nhưng sư đoàn chỉ còn một nửa quân số. Trưởng không nghĩ là cộng sản sẽ tấn công Huế, nên bố trí quân ở phía ngoài thành phố. Đây cũng là sự thất bại trong công tác chuẩn bị.

        Westmoreland ngày 20-12-1967 có báo cáo về Mỹ là địch sẽ có một cố gắng tối đa, nhưng lại nghĩ là sẽ tập trung vào Khe Sanh. Đô đốc Sharp, Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương lại cho là ít có khả năng Việt Cộng hoạt động lớn. Một sĩ quan Mỹ sau này nói “Nếu chúng tôi bắt được toàn bộ kế hoạch tấn công, chúng tôi cũng không thể tin được”.  Có thể nhận xét về tin tức tình báo về cuộc tấn công Tết 1968:

        Một là: không có người dân nào báo cho địch về hoạt động chuẩn bị tấn công của quân giải phóng (di chuyển hàng vạn con người, hàng vạn tấn vũ khí, lương thực vào vùng đô thị xưa nay bất khả xâm phạm). Suốt thời gian chuẩn bị không có người nào đào ngũ để địch khai thác.

        Hai là: địch có thu được một số tin tức lẻ tẻ nhưng bộ máy, chiến tranh của Mỹ - ngụy đều đánh giá quá thấp đối phương, đang say sưa với thắng lại (giả tạo) nên không tin là VC có thể tấn công vào các đô thị. Riêng Westmoreland nghĩ rằng đối phương sẽ cố gắng lớn nhưng lại phán đoán sai là sẽ tập trung vào Khe Sanh, muốn biến Khe Sanh thành Điện Biên Phủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2017, 04:32:45 am »

         
PHẦN II

DIỄN BIẾN CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN

(Qua tài liệu thu thập của các nhà báo)        

        Đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968, quân giải phóng đã tấn công vào tất cả các căn cứ quan trọng của Mỹ, vào các thành phố và đô thị ở miền Nam Việt Nam, lực lượng ước chừng 84.000 người đã đột nhập đồng thời vào 5 trên 6 thành phố, 36 trên 44 thị xã, 36 trên 242 huyện ly, 25 sân bay, nhiều kho tàng, ấp chiến lược, trụ sở chính quyền, trạm cảnh sát.

        Cuộc chiến đấu làm chấn động dư luận nhiều nhất là trận đánh ở Sài Gòn và Huế.

        1. Cuộc tiến công vào Sài Gòn.

        Quân giải phóng sử dụng 35 tiểu đoàn, đánh vào 6 mục tiêu chính: sứ quán Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, dinh Độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh Hải quân, Đài phát thanh.  11 tiểu đoàn khoảng 4.000 người phần lớn là người địa phương, cả nam lấn nữ, tấn công trung tâm thành phố. Tiểu đoàn đặc công số 10 của Sài Gòn có 250 nam nữ, rất thạo nội thành phố, một số là người đạp xích lô, lái xe tải, dẫn đầu các cuộc tấn công, chiếm giữ một số mục tiêu rồi đợi viện binh tới. Vũ khí đạn dược được chuyển vào nội thành bằng cách giấu trong các xe chở rau, chở hoa quả, các quan tài, chở bằng ghe thuyền theo sông rạch, được tập trung cất giấu trong các nhà là cơ sở cách mạng. Còn người thì vào bằng nhiều ngả, mặc như dân, có người mặc quân phục ngụy hoặc cảnh sát, tất cả đều lọt qua sự kiểm soát của định.

        Quân Mỹ đóng ở ngoài thành phố, trong nội thành chỉ có Tiểu đoàn quân cảnh 716 gồm 1.000 tên phải bảo vệ 130 cơ sở của Mỹ, chỉ có 300 tên sẵn sàng chiến đấu; quân cảnh ngụy có 300 tên nhưng chỉ có 25 tham gia cùng với Mỹ.  Quân ngụy còn có 3 sư đoàn để bảo vệ thành phố nhưng đi phép Tết một nửa quân sổ. Đêm 30 tháng 1, dân Sài Gòn nô nức ra phố mừng xuân, đốt pháo thoải mái (bỏ lệnh cấm đốt pháo Ngày tết).

        * Trận tiến công sứ quán Mỹ.

        Từ một xưởng sửa chữa Ô tô cách sứ quán 5 khối nhà, 19 đặc công thuộc Đại đội 10 lên một xe vận tải nhỏ Peugot và một xe taxi tiến ra phía sứ quán. Một cảnh sát Sài Gòn thấy xe không có đèn không muốn rắc rối nên không có hành động gì . Ra đường Thống Nhất, 4 cảnh sát bảo vệ vòng ngoài sứ quán bỏ chạy mà không bắn một phát đạn nào. Khi xe đến gần cổng sứ quán thì 2 quân cảnh Mỹ bị bắn, có bắn lại rồi chạy vào đóng cửa lại. Đặc công xuống xe, dùng thuốc nổ phá thủng một lỗ rộng 1m của bức tường cao 2m50. Lúc này là 2 giờ 47 phút sáng 31-1-1968. Quân cảnh Mỹ báo qua máy thông tin: “Sứ quán bị tấn công, định đã lọt vào sứ quán, cứu tôi với”, Một xe jeep có 2 quân cảnh Mỹ nghe được và chạy đến cứu viện bị đặc công bên ngoài sứ quán bắn chết. Bên trong khuôn viên sứ quán, bắn nhau giữa hai bên, phút đầu tiên 2 quân cảnh rút vào trong cổng bị bắn chết, ta có 2 cán bộ hy sinh. Ta bắn rốc-két phá hỏng biểu tượng của sứ quán, làm bị thương nặng một quân cảnh, trong 5 phút đầu tiên, 5 lính Mỹ bị bắn chết.

        Bên ngoài quân tăng viện Mỹ đã tới nhưng do hỏa lực của ta khá mạnh khiến họ không vào sứ quán được, đêm tối họ không nhìn thấy lỗ thủng ở tường.

        * Tin điện qua rađìo của tiểu đoàn quân cảnh Mỹ:

        3.59: Cối và rốe-két bắn vào sứ quán, yêu cầu tăng viện.

        4.07: Xe gíp số C9A báo cáo có xe vận tải 2 tấn chở 25 lính Mỹ đến tăng viện cho nhà sĩ quan độc thân số 3 bị trúng rốc-két và mìn, thương vong nặng.

        4.08: Xe gíp số C9A trúng đạn, 2 quân cảnh chết.  

        4.19: Nhà sĩ quan độc thân số 3 yêu cầu tiếp tế đạn.

        4.20: Tướng Westmorelanđ ra lệnh ưu tiên cướp lại sứ quán.

        4.30:  Yêu cầu xe thiếp giáp và trực thăng để tấn công sứ quán.

        Số phóng viên phương Tây cơ trú gần sứ quán, khi nghe tiếng súng đã đến ngay sứ quán để quan sát tại chỗ. Một phóng viên AP hỏi đại úy quân cảnh đứng bên ngoài sứ quán và được trả lời “Việt Cộng đang ở trong sứ quán. Chúng tôi đang bị bắn từ phía trên kia, hãy cúi thấp đầu xuống”. Thế là đủ để phóng viên gửi bản tin về Mỹ chỉ 15 phút sau khi cuộc tấn công bắt đầu: Việt Cộng đã chiếm một phần sứ quán Mỹ ở Sài Gòn sớm ngày thứ tư... Biệt kích cộng sản đã đột nhập được vào tòa nhà bất khả tiến công bằng một cuộc phối hợp pháo binh và xung phong của du kích, đưa cuộc chiến tranh hạn chế vào Sài Gòn”.

        Bản tin đến vừa kịp chỉ đăng các báo buổi sáng ở miền Đông nước Mỹ gây chấn động dư luận là kẻ địch đã chiếm biểu tượng của uy tín Hoa Kỳ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2017, 04:36:38 am »


        Khi biết sử quán bị tấn công, đại sứ Mỹ Ellsworth Bơnker đang ngủ ở biệt thự cách sứ quán vài ngôi nhà, chuồn đến ẩn nấp ở nhà một nhân viên sứ quán. Nhà ngoại giao trực đêm ở sứ quán, Allen Wendt, chui vào buồng mật mã và khóa trái lại. Tin của hãng AP gửi về làm Johnson bật dậy gọi điện đến sứ quán hỏi tin tức.

        Lúc 5h00’, theo yêu cầu từ Hoa Thịnh Đốn, Westmorelan điều động một trung đội dù, bay trực thăng đến định đổ bộ trên nóc sứ quán nhưng bị bắn mạnh quá phải quay về. Đến khi trời sáng, quân tiếp viện Mỹ vào được sứ quán, sau một thời gian chiến đấu, làm chủ được tình thế thì các nhà báo cũng ào vào.

        9h30’ Westmoreland mới đến, vội vã tổ chức họp báo. Trong khi máu me, chết chóc, tàn phá đầy rẫy trong khuôn viên sứ quán thì Westmoreland lại nói một cách lạc quan là VC không vào được tòa nhà của sứ quán, họ đã thất bại, Mỹ đã làm chủ tình hình; nhiều nhà báo không tin ở tai mình nữa.  Người Mỹ rất sửng sốt khi phát hiện xác VC nằm cạnh khẩu đại liên Liên Xô là anh lái xe nhiều năm của sứ quán.  Khi người Mỹ đọc báo buổi sáng, họ có cảm tưởng là VC đã chiếm sứ quán và Westmoreland nói láo.

        * Tiến công dinh Độc Lập.

        Các phóng viên truyền hình vừa theo dõi xong cuộc tấn công vào sứ quán thì một trận đánh khác lại diễn ra ngay gần đó. Đó là trận đánh gần dinh Độc Lập. Những xác chết của Mỹ và ngụy còn nằm dọc đường, đơn vị của họ đang bao vây một căn nhà trong đó có 13 nam và 1 nữ đặc công phòng thủ, sau khi rút khỏi cuộc tấn công vào dinh của Thiệu.

        1 giờ 30 sáng 31 tháng 1 một đội đặc công 34 người tấn công dinh Độc Lập theo như cách đánh vào sứ quán, dùng B40 bắn vào cổng, rồi đột nhập vào trong khuôn viên. Đây là nơi phòng thủ mạnh nhất ở Sài Gòn, có lực lượng bảo vệ, quân cảnh, cảnh sát và 2 xe tăng. Lực lượng tấn công yếu hơn nhiều nên sau một thời gian chiến đấu ác liệt, đã rút khỏi căn nhà nói trên và giữ được 2 ngày, đẩy lui cuộc tấn công của Mỹ - ngụy, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng (tổng số hy sinh trong dinh Độc Lập và căn nhà phòng thủ trên là 32 người).

        * Đánh chiếm Đài phát thanh.

        Phóng viên phương Tây không có ai được đi theo quân giải phóng nên không rõ tình tiết trận này. Cho đến nhiều năm sau cuộc chiến tranh, có người may mắn tìm gặp được một cựu chiến binh của quận giải phóng trực tiếp chỉ huy trận đánh này. Đó là anh Đặng Xuân Tèo, câu chuyện anh nói lên nhiều vấn đề trong đó có khả năng cộng sản tổ chức một trận chiến lớn như thế mà Mỹ và ngụy không phát hiện được.

        Anh Tèo người nhỏ con, đã suýt chết trong chiến dịch Lédar Falls năm 1966 ở vùng tam giác sắt gần biên giới Cam-pu-chia phía Bắc Sài Gòn. Tháng 11 năm 1967, cấp trên của Tèo giao cho anh huấn luyện một đội 14 người để tấn công Đài phát thanh Sài Gòn, coi nhiệm vụ này đời người mới có một lần. Nhiệm vụ của đội là giữ tòa nhà trong 2 tiếng đồng hồ, sau đó đơn vị chính quy sẽ đến thay thế. Tèo hiểu những khó khăn của trận đánh. Đài phát thanh là phương tiện thông tin chủ chốt, thường là mục tiêu ưu tiên tranh chấp trong các cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Sài Gòn. Nghiên cứu kỹ các cuộc đảo chính, Tèo thấy đội của anh dễ dàng diệt trung đội bảo vệ đài và làm chủ khu vực Nhưng vấn để thực tế là làm sao giữ cho được đến khi có viện binh đến.

        Tèo ăn tết sớm hơn 2 ngày, cúng lễ tổ tiên theo đúng phong tục. sau đó bắt tay vào hành động. Từ nhiều năm trước, người của VC đã mua được một villa cách đài phát thanh gần 200 mét, giấu trong lầm nhà vũ khí dùng trong hoạt động khủng bố hoặc trong các nhu cầu như cuộc tấn công hiện nay. Các đồng chí của Tèo thâm nhập vào thành phố riêng từng người bằng xe buýt, xe vận tải, xe máy và đến tập trung ở nhà villa, đến đó họ hơi thất vọng vì phần gỗ của súng bị mối xông, phải lấy giẻ để bọc lại. Đúng 3h00’ sáng 31-1-1968 đúng giờ các nơi khác cùng nổ súng, họ xuất phát đi làm nhiệm vụ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2017, 04:38:40 am »


        Đội đặc công được tổ chức rất tốt, đi trên một xe chứa thuốc nổ, tiến qua cổng vào sân đài phát thanh trong khi có đại liên ở mái nhà gần đó yểm trợ. Đợt tấn công ngay bước đầu đã tiêu diệt gần hết trung đội bảo vệ đang ngủ ở trên sân thượng. Cuộc chiến đấu kết thúc trong 10 phút và quân giải phóng đã làm chủ đài phát thanh. Một chuyên viên về phát thanh của Bắc Việt Nam đi theo đội đặc công, có mang theo một băng cát-sét ghi sẵn tuyên bố Sài Gòn đã được giải phóng và một số tài liệu tuyên truyền. Anh này có sơ đồ tỉ mỉ bố trí trong đài phát thanh và có những chìa khóa chính do một nhân viên trong đài đã dập mẫu đưa ra từ trước.  Kế hoạch phát thanh đã không thực hiện được do viên trung tá quân đội Sài Gòn phụ trách đài đã dự kiến trường hợp bị tấn công, sẽ phát một tín hiệu tắt nguồn điện của đài phát cách đấy 20 km, và chỉ cho chạy các băng nhạc cổ điển, nhạc hành khúc. Quân tiếp viện đã không đến đúng hẹn. Trời sáng, đội đặc công bị quân Sài Gòn vây bên ngoài. Tèo thấy triển vọng rất mong manh, quân số chỉ còn 8 người.  Nhưng chúng tôi còn một số thuốc nổ. Súng đã hết hạn.  Chúng tôi không biết nên tiếp tục giữ hay phá hủy đài phát thanh này. Các đồng chí của tôi quyết định tôi phải tìm cách thoát ra khỏi đây để về báo cáo với cấp trên và sẽ trở lại với lệnh mới. Tôi rút ra được không lâu sau đó, các bạn tôi đã cho nổ khối thuốc nổ phá tan toà nhà và tất cả hy sinh theo.  Khán giả đài truyền hình Mỹ thấy sau đó trên màn hình cảnh các lính Sài Gòn lục soát thi hài VC để tìm tiền và đồ vật có giá trị, lục lọi ngay đài phát thanh và ăn cắp những trang bị còn nguyên vẹn.

        Nhưng đài truyền hình đưa tiếp một hình ảnh đáng ghi nhớ nhất trong cuộc nổi dậy ở Sài Gòn, một cảnh tượng nóng bỏng của toàn bộ cuộc chiến tranh xảy ra ở góc một đường phố. Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc cảnh sát quốc gia Nam Việt Nam, là người cảnh sát thô bạo nhất, đã đàn áp dã man những người phật giáo bất mãn ở Huế 2 năm trước đây. Bây giờ ông ta còn hung hăng hơn nhiều. Loan đi tua trong thành phố để củng cố sự phòng thủ. Sáng hôm đó phóng viên nhiếp ảnh AP là Eddie Adams và nhà quay phim Võ Sửu làm việc cho NBC thấy gần chùa Ấn Quang một toán tuần tra dẫn một tù binh đã bị trói, anh này mặc quần cộc đen và sơ mi thể thao. Đám lính giao tù binh cho Loan.  Không một chút do dự, Loan rút súng ngắn ra làm hiệu cho những người đứng gần lùi ra xa, rồi gí súng vào đầu tù binh và nổ súng. Người tù binh nhăn mặt rồi từ từ ngã xuống, máu trong đầu tuôn ra hè phố. Sự việc xảy ra tức thì, chỉ nghe tiếng nổ súng của Loan, tiếng chụp ảnh của Adams và tiếng máy quay phim của Võ Sửu. Ngày hôm sau, các báo đều đăng trên trang nhất cảnh Loan bắn chết tù binh. Buổi chiều đài truyền hình phát phim đặc biệt của NBC về sự kiện này, có bớt đi đoạn chảy máu từ đầu tù binh để khán giả khỏi phải xem cảnh hãi hùng này.

        * Cuộc tiến công vào Bộ Tổng tham mưu.

        Bắt đầu lúc 2h00’, đơn vị đặc công tấn công vào cổng số 5 thì một xe quân cảnh Mỹ xuất hiện. Quân tấn công bắn vào xe quân cảnh làm cho lính Sài Gòn ở cổng sổ 5 vội đóng cổng lại và chuẩn bị đối phó. Có thêm nhiều quân cảnh Mỹ đến trợ giúp quân ngụy nên cuộc tấn công của đặc công vào cổng số 5 không kết quả. Trong khi đó, một lực lượng khác, Tiểu đoàn 2 địa phương, có nhiệm vụ tấn công vào cửa số 4, nhưng đến chậm nên đến 7 giờ sáng mới tới nơi. Tiểu đoàn này đã đột phá được và vào chiếm tòa nhà có biển to đề là Bộ Tổng tham mưu. Thực ra đây chỉ là một trong các tòa nhà chỉ huy, nhưng không phải là tòa nhà quan trọng nhất.

        Đơn vị tấn công quan niệm là đã hoàn thành nhiệm vụ, đào hầm để phòng thủ, đợi đơn vị tiếp viện đến. Thực ra nếu họ linh hoạt đánh chiếm tiếp các tòa nhà khác thì có thể làm tê liệt toàn bộ hệ thống thần kinh của quân đội Sài Gòn lúc này không được bảo vệ . Đáng lẽ lực lượng tấn công đạt được thắng lợi xuất sắc nhưng do máy móc thực hiện kế hoạch, đến trưa thì quân dù và lính thủy đánh bộ đã đẩy lùi được Tiểu đoàn 2 ra khỏi Bộ Tổng tham mưu. Sau đó, một máy bay lên thẳng Mỹ đã đưa Nguyễn Văn Thiệu đến, Thiệu biến nơi đây thành chỉ huy sở khẩn cấp, sử dụng các phương tiện chưa bị phá hoại để điều hành đối phó với cuộc tấn công của quân giải phóng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2017, 04:49:25 am »


        * Sân bay Tân Sơn Nhất.

        Một đơn vị giải phóng tấn công vào hàng phòng thủ dày đặc của sân bay, đốt cháy nhiều máy bay và trực tiếp giao chiến với quân Mỹ. Chỉ huy sở của MACV (còn gọi là Lầu năm góc Phương Đông) cũng bị đạn rốc-két và bộ binh tấn công.

        Địch đối phó chủ yếu bằng trực thăng vũ trang. Số này bị bắn trả rất mạnh khiến nhiều chiếc bị thương...

        * Bộ tư lệnh Hải quân.

        Một đội 12 đặc công, dùng thuốc nổ phá thủng tường, đột nhập vào chiếm được cơ quan chỉ huy, bố trí ở đó để đợi lực lượng tiếp sau, nhưng lực lượng này không đến, 10 hy sinh.

        Toàn cảnh cuộc chiến đấu ở Sài Gòn không được các báo chí phản ánh hết vì họ không đủ phóng viên đi khắp các nơi mà chỉ tập trung vào các mục tiêu chính. Đến tờ mờ sáng 31 tháng 1 thì quân giải phóng đột nhập chủ yếu từ hướng Tây và Nam của Sài Gòn, làm chủ phần lớn Chợ Lớn, tấn công tiêu diệt nhiều trạm cảnh sát, cơ quan chính quyền quận, khu phố, kho tàng khắp thành phố. Tướng Mỹ Weygand chỉ huy khu vực Sài Gòn không thể có khái niệm gì về chiến thuật của cuộc tiến công nhiều hướng, nhiều mũi. Từ 3h00’, ông ta điều khẩn cấp từ ngoài thành phố vào 5.000 lính Mỹ để tăng cường bảo vệ các cơ sở của Mỹ trong nội thành Sài Gòn.

        Các đơn vị giải phóng tiến công Sài Gòn không có khái niệm về toàn cảnh cuộc tấn công. Phần lớn chỉ được phổ biến là họ tham gia một cuộc tấn công, quy mô không được biết, điều này cần thiết vì lý do bảo mật, việc này đã hạn chế sự phối hợp của các đơn vị. Vì thế lúc đầu đạt được nhiều thắng lợi, nhưng một khi trụ lại, đơn vị giải phóng phải phòng thủ chống với sự phản công ngày càng lớn của Mỹ - ngụy.

        Bị đẩy lùi khỏi 6 mục tiêu chính, bên tấn công phân tán thành các đơn vị nhỏ và ẩn nấp trong nhiều nhà khắp Sài Gòn. Đặc biệt nhiều bộ phận đã bám vào khu vực trường đua Phú Thọ. Tiểu đoàn 6 giải phóng đã chiếm trường đua từ ngay đợt tấn công đầu tiên. Những nhà làm kế hoạch tấn công đã đánh giá mục tiêu trường đua là đầu mối của nhiều tuyến giao thông lớn, nếu kiểm soát được khoảng đất trống sẽ làm cho đối phương không thể dùng để trực thăng chuyên chở tăng viện và là nơi dễ nhận biết đối với nhiều chiến sĩ giải phóng sống ở nông thôn không quen đường phố Sài Gòn.

        Bắt đầu phát hiện có lực lượng giải phóng ở Phú Thọ vào hồi 4h4’5 sáng 31-1 khi một xe tuần tiễu của tiểu đoàn quân cảnh Mỹ số 716 báo điện về “người lái xe đã bị một mảnh dạn vào ruột và tôi đang bị súng máy hạng nặng bắn. Có thể giúp tôi được không?” sau đó đài im bặt. Trước khi tiếp viện đến, hai quân cảnh đã bị bắn chết.

        Một đại đội Lữ đoàn 199 bộ binh Mỹ lên xe vận tải và xe thiết giáp 8h00’ sáng 31-1 tiến về phía trường đua, cách 6 khối nhà thì bị súng đại liên bắn từ các mái nhà dọc bên đường. Một quả rốc-két bắn trúng xe thiết giáp đi đầu giết chết trung đội trưởng và hai người lái. Súng trường, súng đại liên, súng phóng lựu đạn của quân giải phóng làm cho cuộc tấn công cửa Mỹ rất chậm; đẩy lùi cuộc tấn công, đại đội Mỹ phải tổ chức lại và tiến lên dưới sự yểm trợ của trực thăng vũ trang và súng không giật, đến 4h30 nhiều thì tới được trường đua. Đến tối, một đại đội được chuyển đến để tăng cường và lính Mỹ tổ chức một vành đai phòng thủ. Trong nhiều ngày sau đó, thêm viện binh đến trong đó có Tiểu đoàn 33 biệt động quân của Sài Gòn, hai bên cùng mở rộng vành đai kiểm soát gần Phú Thọ. Nhưng không dễ dàng. Một đại đội cơ giới Mỹ tiến theo một phố hẹp cách trường đua có 3 khối nhà, bất ngờ bị phục kích bởi rốc-két và đại liên, đợt bắn đầu phá hủy 2 xe thiết giáp và làm hỏng chiếc thứ 3. Xe còn lại dùng hỏa lực yểm trợ cho việc lấy xác và người bị thương. Rồi những tên sống sót quay trở về trường đua vừa kịp để giúp đẩy lùi một cuộc phản kích qúy mô lớn của quân giải phóng. Cuộc chiến đấu khi tăng khi giảm còn diễn ra nhiều ngày ở Phú Thọ. Các đơn vị đã đánh các mục tiêu lớn ở Sài Gòn đóng góp lực lượng cho cuộc chiến đấu ở đây kéo dài trong 2 tuần.

        Thành phố rất lộn xộn. Những lính Mỹ và dân sự sống ngoài các doanh trại và ngoài trung tâm thành phố buộc phải ẩn nấp trong nhà mình và tự bảo vệ bằng loại súng nhỏ. Cách sứ quán Mỹ nửa dặm, người ta trông thấy cán bộ chính trị của Mặt trận giải phóng đi từng nhà giải thích về chiến thắng của Mặt trận. Có cuộc bắn nhau ở quảng trường gần đó giữa lính ngụy và quân giải phóng mặc quân phục ngụy. Các đơn vị xe tăng tràn vào các phố, phá hủy nhiều tòa nhà trên đường tiến. Cháy lan rộng cả khu vực nhà tranh và nhà mới làm bị san phẳng. Từng đoàn dân hoảng sợ quân đội và máy bay ném bom, tràn ra phố mang theo người chết và bị thương trên xe đạp hoặc xích lô.  Cho đến ngày 3-3, 5 tuần sau cuộc tấn công đầu tiên, các đơn vị biệt động quân Sài Gòn mới làm chủ được thành phố ban ngày. Ở Sài Gòn có 9.580 nhà bị phá, hàng nghìn dân thương vong, theo điều tra của MACV thì chủ yếu do Mỹ gây ra.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2017, 04:51:38 am »


        2. Tiến công Long Bình, Biên Hòa.

        Nằm ở phía Bắc Sài Gòn gần 30 km, hệ thống kho hậu cần hiện đại Long Bình nối liền vời căn cứ không quân to lớn Biên Hòa là những mục tiêu to lớn của Mỹ mà quân giải phóng rất quan tâm. Sáng ngày 31-1, bất đầu trận pháo kích dữ dội bằng rốc-két và súng cối vào căn cứ trên. Trung đoàn kỳ cựu số 275 của quân giải phóng tấn công phía bắc căn cứ Long Bình trong khi tiểu đoàn địa phương đánh nghi bình vào các lô cốt phía Đông. Đồng thời đặc công đột nhập kho đạn ở ngay phía Bắc Long Bình gây ra tiếng nổ long trời và khói cao hàng nghìn mét. Trong khi đó trung đoàn giải phóng số 274 tấn công Biên Hòa. Nhiều toán nhỏ đột nhập vào Đông Nam và Tây Nam sân bay. Thiếu úy John A.Novak chỉ huy lực lượng bảo vệ đã không đối phó nổi, phải yêu cầu đại đội trực thăng vũ trang Cobras đến yểm trợ. Kế hoạch tấn công của quân giải phóng rất nhịp nhàng và dũng mãnh.  Sau đợt pháo kích nửa giờ, Đại đội 2 Tiểu đoàn 47 Mỹ  được điều từ Bến Cát đến Long Bình. Trời bắt đầu sáng, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 560 được chở bằng máy bay đến Biên Hòa. Trung đoàn ky binh cơ giới số 11 phải mất 12 tiếng đồng hồ hành quân để trong ngày đến được Long Bình. Hoạt động mạnh hơn cả là bộ phận kỵ binh cơ giới của sư 9 bộ binh Mỹ đóng ở Đông Bắc Sài Gòn: 7 giờ sáng 31-1 được lệnh phái đội A đến cứu Biên Hòa, chỉ đoàn để lại 1/3 quân số để bảo vệ căn cứ pháo binh rồi tiến thẳng lên Biên Hòa.  Ra khỏi doanh trại chưa được bao xa thì chi đoàn rơi vào trận địa phục kích, vừa tiến vừa dùng hỏa lực xe thiết giáp yểm trợ trên đoạn đường 2 km.

        Chiếc xe tăng dẫn đầu đoàn xe đến một cầu xi măng nhỏ, vượt qua dễ dàng. Bỗng nhiên một tiếng nổ rung trời làm sập cầu Đoàn xe thiết giáp phải tìm đường ngầm vượt qua, nhưng chiếc xe tăng phải nằm lại. Đội A đi trước tới thị xã Biên Hòa thấy ở quảng trường giữa thị xã có rất đông người, bỗng nhiên phát hiện đám đông đó toàn là địch. Quân giải phóng nổ súng phá hỏng 2 xe thiết giáp. Nhiều xe thiết giáp khác tham gia bắn bằng các loại súng, làm cho quân giải phóng phân tán nấp vào các nhà, đẩy các xe hỏng ra một bên để cố vào tới sân bay. Bây giờ chi đoàn chỉ còn 1 xe tăng và 8 xe thiết giáp.  May mắn cho họ là khi gần đến sân bay, trực thăng phát hiện có nhiều địch bố trí dọc đường số 1 mục đích để chặn các  đoàn tiếp viện. Thế là đoàn xe cơ động sang một đường khác song song với đường số 1 và cuối cùng vào được sân bay. Sự có mặt của đoàn xe đã giúp Tiểu đoàn 2 Trung đoàn bộ binh số 506 đang thất bại đẩy lùi được nhiều đợt xung phong. Đến cuối ngày, chiếc xe tăng bị 1 lần trúng đạn, 2 lần phải thay đổi tổ lái Trong số 12 xe thiết giáp lúc ban đầu, đến chập tối chỉ còn 6 chiếc. Lực lượng bộ binh bị thiệt hại nặng. Số sống sót xưa nay ấm ức vì chỉ bị phục kích, bị bắn nhưng không thấy địch, lần này hai bên đối diện đánh nhau kịch liệt. Trong ngày 1-2-1968 Mỹ phải huy động tất cả 5 chi đoàn thiết giáp hơn 500 xe đến tác chiến ở Sài Gòn, Biên Hòa và Long Bình.

        3. Đà Nẵng.

        Một cảnh sát ngụy thâm nhập được vào tổ chức giải phóng địa phương, báo cáo là sẽ có cuộc tấn công; một đại đội dược tăng cường đến chỉ huy sở Quân đoàn 1 ngụy ở ngoại Ô thành phố. Khi tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy. Quân đoàn 1 được sĩ quan tham mưu báo cáo là cuộc tấn công Đà Nằng sẽ xảy ra, ông ta phán: “vô nghĩa”.

        Các đơn vị giải phóng quân địa phương, đặc công tham gia tấn công đợt đầu tiên vào các chỉ huy sở sân bay Đà Nẵng, căn cứ huấn luyện và hậu cần đài phát thanh. Quân giải phóng đã chiếm được một số khu vực trong thành phố, sân bay bị tê liệt. Hoàng Xuân Lãm phải lái xe qua làn đạn đến chỉ huy sở. Ông ta yêu cầu cố vấn Mỹ cho ném bom vào quân giải phóng, loại bom to, bất kể là khu vực ném bom quá gần các vị trí quân ngụy, kể cả chỉ huy sở Quân đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2017, 04:52:32 am »


        4. Đồng bằng sông Cửu Long: 13 trên 16 tỉnh ly bị tấn công.

        - Mỹ Tho: 3 tiểu đoàn quân giải phóng và một đại đội đặc công vào được nội thành, còn 1 tiểu đoàn trụ lại ngoại ô. Lực lượng của Sư đoàn 7 ngụy không chống cự nổi (4.000 có mặt, 3.500 đi phép) phải xin tiếp viện của lực lượng cơ động trên sông của Mỹ (Mobile Riverine Foree), 2 tiểu đoàn của lực lượng này được phái đến. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt, đánh từng nhóm là cách đánh không quen đối với lực lượng cơ động trên sông và trang bị vũ khí cũng không thích hợp. Phải mất 3 ngày mới kiểm soát được Mỹ Tho sau khi Mỹ dùng bom đạn phá hủy 1/3 thành phố này.

        - Bến Tre: có 35.000 dân. Một trung đoàn tăng cường của quân giải phóng gồm 2.500 người đã đánh chiếm được thị xã này. Mỹ đã huy động pháo binh, máy bay đánh phá không phân biệt, tiêu hủy hoàn toàn một nửa thị xã.

        Chính ở đây một viên thiếu tá Mỹ trước cảnh ảô nát, chết chóc của thành phố đã nói một câu nổi tiếng “cần thiết phải phá hủy thành phố để cứu lấy nó”.

        - Cần Thơ, Rạch Giá, Vĩnh Long cũng bị quân giải phóng đánh chiếm. Sự chống cự của quấn ngụy rất yếu ớt, Mỹ đối phó là chính, chủ yếu bằng lực lượng cơ động trên sông và máy bay ném bom, hoạt động liên tục trong một tháng để giành lại quyền kiểm soát các đô thị và thị trấn ở đồng bằng sông Cửu Long. Người Mỹ thừa nhận: Ơ đây cũng như ở các nơi khác, những thắng lợi về chiến thuật không che giấu được sự thật là quân giải phóng đã chứng minh cho dân chúng đồng bằng Cửu Long là mặc dù có sự giúp đỡ của Mỹ, họ có thể tấn công bất cứ nơi nào, và bất cứ lúc nào. Vì cuối cùng chiến tranh thắng hay bại cũng là do sự cố gắng của nhân dân Nam Việt Nam nên sự chứng minh đó là góp phần vào thắng lợi chiến lược của cộng sản.

        Một thuyền trưởng trong lực lượng cơ động trên sông hiểu rất rõ hậu quả của cuộc tấn công Tết đối với đồng bằng Cửu Long: “Sau Tết toàn bộ vùng này đã thay đổi thực sự”. Nói về một thành phố bị tàn phá nặng nề trong chiến đấu, ông ta tiếp: “VC làm cho nơi này tan tác và tôi nghĩ là người Mỹ bị phê phán nhiều hoặc ít về việc này. Chúng ta phải rút khỏi thành phố, đến khi quay trở lại thì có rất ít người Việt Nam có cảm tình với chúng ta”.

        Sự việc ở tỉnh Bến Tre đã chứng minh điều nhận xét của viên thuyền trưởng là đúng.

        Người Mỹ nhận xét tướng tá ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long: viên thiếu tướng chỉ huy Quân khu đã ở lý trong chỉ huy sở nhiều ngày liền, được bảo vệ bởi xe tăng và thiết giáp, mặc cho cố vấn Mỹ chỉ huy cuộc phòng thủ. Cũng như vậy, đại tá chỉ huy tỉnh Vĩnh Long suy sụp trước diễn biến tình hình, khi một cố vấn Mỹ hỏi là trực thăng bị bắn có quyền bắn trả lại không thì ông đại tá chỉ trố mắt nhìn.  Một cố vấn khác thấy ông tỉnh trưởng mặc thường phục bên ngoài bộ quân phục.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2017, 04:53:37 am »


        5. Miền Trung.   

        Cuộc chiến đấu ác liệt diễn ra ở 12 tỉnh miền Trung. Những cuộc tấn công bộ binh lớn vào 7 thị xã và 3 mục tiêu khác. Ở Quy Nhơn, trước cuộc tấn công, lực lượng phòng thủ của ngụy bắt được 11 nhân viên của quân giải phóng, do đó biết được kế hoạch cuộc tấn công. Nhưng nội bộ quân Sài Gòn lộn xộn không coi trọng tin này; quân giải phóng tấn công đúng như kế hoạch được biết và chiếm được các mục tiêu kể cả nhà tù giam 11 người bị bắt trước đó và bắt được tên đại úy Sài Gòn đã vây bạt 11 người trên.

        Quân giải phóng tấn công Nha Trang, Tuy Hòa, Chu Lai, Phú Bài và căn cứ Mỹ ở Cam Ranh. Đà Lạt, nơi nghỉ mát của các tướng ngụy và có Học viện quân sự đã bị 6 tiểu đoàn quân giải phóng tấn công, đánh chiếm trong nhiều ngày.  Khi chiếm Quảng Ngãi, quân giải phóng đã mở cửa nhà tù và thả hàng ngàn người bị bắt.

        Tiêu biểu là cuộc chiến đấu ở Ban Mê Thuộc. Ở đây Sư đoàn 23 ngụy bắt được kế hoạch tấn công thành phố từ ngày 20-1. Chỉ huy sư đoàn là đại tá Đào Quang An đã hủy việc đi phép Tết của đơn vị, phải tuần tiễu đi cách xa thành phố gần 10 km, đội tuần tiễu đã phát hiện bộ phận của Trung đoàn 33 Bắc Việt Nam đang chuyển vào vị trí tấn công. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở Ban Mê Thuột trong 3 ngày rưỡi, quân ngụy bị thiệt hại rất nặng vì không quen chiến đấu trong thành phố. Do đó An phải sử dụng pháo binh và máy bay đánh phá gây sự tàn phá tai hại cho dân chúng. Cuộc chiến đấu còn diễn ra trong 9 ngày nữa, trung tâm thành phố 4 lần thay quyền kiểm soát của bên này hay bên kia trước khi Sư đoàn 23 làm chủ được tình hình.  Đến ngày 21-2, có tin là cơ quan chỉ huy của quân giải phóng ra lệnh rút khỏi các đô thị (trừ Huế), chuyển sang pháo kích bằng cối và rốc-két, đánh bằng đặc công và rút.

        Đáng chú ý là ngày 7-2-1968, quân Bắc Việt Nam có xe tăng dẫn đầu đã chiếm Làng Vây là một vị trí của lực lượng đặc biệt gần Khe Sanh. Cơ quan chỉ huy Mỹ lại đau đầu xem có phải đây là trận mở đầu cho việc tấn công Khe Sanh,  nhưng sau thấy đây chỉ là thời cơ vị trí này sơ hở nên đơn vị Bắt Việt Nam tranh thủ tiêu diệt.

        6.  Huế.

        Trận đánh ở Huế là trận ác liệt nhất, một thành phố cổ, gồm nhiều đền chùa và lâu đài do vua Gia Long xây dựng vào thế kỷ 19, theo kiểu cấm thành ở Bắc Kinh. Ở trong thành có một cột cờ cao nhất miền Nam Việt Nam. Có cầu đường sắt và đường bộ qua sông Hương là con đường chính tiếp tế cho các đơn vị ngày càng đông ở phía nam khu phi quân sự. Cuộc tấn công Huế được chuẩn bị từ 5 tháng trước, sĩ quan tình báo quân giải phóng đã có danh sách 196 mục tiêu ưu tiên tấn công, đồng thời có danh sách của những người cần bắt giữ. Từng cơ sở dân sự, quân sự đều được đánh dấu.  Chủ trương bắt cả người nước ngoài trừ người Pháp (có thể do De Gaulle hay phát biểu chống Mỹ).

        Ngày 30-1-1968, một đài thông tin của Lục quân Mỹ thu được một lệnh tấn công Huế đêm đó, nhưng lực lượng bảo vệ Huế không nhận được thông báo. Trong thành phố, chuẩn tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy trưởng Sư đoàn 1 ngày, nhận được báo động của Westmoreland yêu cầu hủy bỏ ngừng bắn. Trưởng được Mỹ coi là tướng khá nhất của Nam Việt Nam, họp các sĩ quan ở chỉ huy sở và tuyên bố báo động 100% đều được bố trí phòng thủ vòng ngoài thành phố. Nhưng một nửa số quân nhân của sư đoàn đã đi phép. Khi cuộc tiên công bắt đầu, chỉ có đại đội trinh sát Hắc Báo bảo vệ chỉ huy sở ở góc phía bắc thành phố Huế. Các đơn vị yểm trợ bố trí rải rác trong thành phố. Bên kia bờ sông Hương, bờ phía nam có cơ quan MACV (chỉ huy trợ giúp quân sự ở Việt Nam) ở đó có các cố vấn quân sự Mỹ và cơ quan tham mưu. Trên đây là 2 cứ điểm cô lập chống lại cuộc tấn công khi tiểu đoàn đặc công số 12 của quân giải phóng người Huế, 2 trung đoàn bộ binh Bắc Việt Nam và 1 tiểu đoàn rốc-két tràn vào chiếm thành phố Huế.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM