Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 02:53:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân-1968‎  (Đọc 31134 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 05:14:13 am »


        Cùng thời gian này, để mở rộng Mặt trận toàn dân tộc đoàn kết chống Mỹ, cứu nước trong các tầng lớp nhân dân, cuối tháng 1 năm 1968, Quân khu ủy Trị Thiên đã chỉ đạo “ủy ban Mặt trận Trị Thiên - Huế” thành lập tổ chức “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành phố Huế ‘ do giáo Sư Lê Văn Hảo làm chủ tịch. Đây là một đoàn thể bao gồm trí thức, tôn giáo yêu nước ở thành - thị tán thành hòa bình hòa hợp dân tộc, sát cánh với Mặt trận dân tộc giải phóng đấu tranh chống Mỹ - ngụy. Sau khi thành lập, ủy ban liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam thành phố Huế đã ra lời kêu gọi đồng bào yêu nước, các bạn thanh niên sỉnh viên, học sinh, giáo chức tiểu học, trung học và đại học, các tín đồ phật giáo, công giáo yêu nước, cùng các anh chị em tiểu thương, lao động đã từng đấu tranh phong Mỹ và tay sai, hãy siết chặt hàng ngũ trong Mặt trận Liên minh dân tộc dân chủ và hòa bình, tiếp tục cuộc chiến đấu chống Mỹ - Thiệu, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập. Liên minh dân tộc dân chủ và hòa bình ra đời đã tập hợp đông đảo các tầng lớp quần chúng cùng với Mặt trận Dân tộc giải phóng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế.

        Nhờ làm tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng đấu tranh chính trị ở cơ sở, nên lực lượng vũ trang toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Ở các huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, quần chúng nhiều xã, thôn được các tổ vũ trang công tác và du kích hỗ trợ, đêm đêm rủ nhau ra gò, bãi luyện võ nghệ, tập dùng gậy gộc, giáo, mác đánh trả quân địch; tập dượt đấu tranh chính trị chống lại chế độ hà khắc bất công, đòi thành lập chính quyền tự do, dân chủ do nhân dân bầu nên. Khắp đường làng, ngõ xóm ở vùng giải phóng xuất hiện các khẩu hiệu “Mâu cầm tay, dao phay tra cán”, “Thà hy sinh chứ không chịu sống quỳ”, “Toàn dân tiến lên giải phóng quê hương” thúc giục mọi người hăng say luyện tập. Để chuẩn bị phục vụ bộ đội tiến công tiêu diệt địch, các làng xã đều tổ chức những đội vận tải, cứu thương, đào hầm bí mật. Một số xã ở phía Bắc, phía Tây thành phố còn lùng diệt bọn ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân, buộc chúng co vào đồn “án binh bất động” để cho các lực lượng cách mạng vận chuyển vũ khí lót ổ, chuẩn bị địa bàn đứng chân tiến công địch. Chị Đặng Thị Chề thôn Mỹ Xá “hóa thân” trong vai người buôn chuyến lương thực, đóng thuốc nổ và súng đạn vào các bao tải lúa gạo, dùng xuồng máy vận chuyển, táo bạo vượt qua các trạm kiểm soát trên sông của địch đưa vũ khí vào bến Tượng an toàn. Anh Trần Điền, một cơ sở cách mạng đầy nhiệt huyết, dùng thuyền nan làm nghề chài lưới trên sông, bất chấp hiểm nguy rình rập, mạo hiểm “dong dần” nhiều bọc vũ khí thả ghìm dưới đáy thuyền giao nộp an toàn cho cơ sở ở cầu Gia Hội. Nhân dân hai thôn Liễu Cốc Thương (cây số 11) và Xuân Hòa thuộc huyện Hương Trà bị các đồn bốt địch theo dõi ngặt nghèo, nhưng vẫn khôn khéo vận chuyển một số lượng lớn vũ khí vào thành phố.

        Phía nam sông Hương, các đoàn thể cách mạng phát triển khá nhanh, ở các phường Phú Ninh, Phú Nhuận, Phú Xuân Phường Đúc, Xuân Giang, Vĩ Dạ, Vân Dượng, Thanh Thủy, sau khi bộ đội tiêu diệt căn cứ Phú Lộe (cuối tháng 12 năm 1967) loại khỏi vòng chiến đấu Trung đoàn 7 ngụy. Hàng chục cơ sở đã bí mật mua sắm quyên góp được hàng tạ thuốc men, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm dự trữ  cho bộ đội vào thành phố. Các mạng lưới giao liên cũng theo “ đó tăng nhanh, mỗi đêm thường xuyên có từ 50 đến 70 người  ra vào thành phố làm nhiệm vụ. Các đoàn xe lam, xe lôi, các  gánh trái cây, các loại thuyền hai đáy chứa đựng vũ khí được đưa vào thành phố ngày càng nhiều.

        Đến cuối tháng 1 năm 1968, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư  lệnh Quân khu Trị Thiên, và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, quân và dân các địa phương đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trên các hướng từ Trung đoàn 5, Trung đoàn 6, các tiểu đoàn đặc công, biệt động, tiểu đoàn độc lập trực thuộc quân khu, đến các Trung đoàn 1, Trung đoàn 9 của Bộ vào đánh phản kích, khi có lệnh xuất quân chiến đấu đều tiếp cận mục tiêu an toàn, đúng thời gian quy định. Việc chuẩn bị chu đáo cùng với việc xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, đã đảm bảo cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thang lợi, tạo đà cho 25 ngày đêm bám rụ chiến trường, đánh phản kích, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chi viện cho các chiến trường khác chiến đấu giành thắng lợi.

        Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Huế giành thắng lợi to lớn, toàn diện về quân sự và chính trị là do nhiều yếu tố. Nhưng có một yếu tố quan trọng là Quân khu ủy Trị Thiên - Huế, Thành ủy Huế đã chuẩn bị tiến công vào thành phố và căn cứ địch từ trước. Nếu không có sự chuẩn bị lâu dài, kiên trì cả thế và lực, cả hình thức tiến công và biện pháp nổi dậy, không có những trận đánh thí điểm để xây dựng lòng tin cho cán bộ chiến sĩ thì không thể có tiến công nổi dậy quy mô lớn như Xuân Mậu Thân 1968. Đây là một bài học quý báu về tổ chức thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ , cứu nước .
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2017, 05:16:35 am »


VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG, NHÂN DÂN TRỊ THIÊN - HUẾ TRONG TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MẬU THÂN 1968.

NGUYỄN VĂN QUANG       

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Trị Thiên - Huế là chiến trường chiếm giữ thành phố lớn được dài ngày nhất - 25 ngày đêm và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cả về tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công trên một hướng chiến lược.

        Đánh giá về cuộc tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên - Huế, trong Xuân 1968, Hội nghị khoa học đợt 3 (8-1986) đã kết luận “... Xuân Mậu Thân, Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt được mục tiêu cao và giành thắng lợi lớn. Đặc biệt, hoạt động nổi dậy của quần chúng có tổ chức và tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu của nhân dân trong thành phố thể hiện rõ hơn và đạt mức độ cao”.

        Thật vậy, cuộc tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên - Huế 1968 đã giành được nhiều kết quả to lớn. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã một bộ phận lớn quân ngụy (khoảng trên 20.000 tên), thu và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

        Ngụy quân, ngụy quyền các cấp ở Huế bị sụp đổ, tan rã: “ngụy quyền các xã, ấp vùng ven và nông thôn bị tê liệt cao độ. Ta đã giải phóng 296 thôn và 227.000 dân, trong đó có 240 thôn đã thành lập được chính quyền cách mạng lâm thời, có gần 10.000 du kích, trong đó có hơn 2.500 người được bổ sung cho chủ lực. Với 25 ngày đêm chiếm giữ thành phố, thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy ở Huế đã có sức cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta trên các chiến trường và gây thối động mạnh đối với bọn đầu sỏ Mỹ-ngụy.

        Trong thắng lợi chung của  cuộc tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên - Huế Xuân 1968, ngoài vai trò có tính quyết định của bộ đội chủ lực, có sự đóng góp to lớn về sức người, sức của, chiến đấu và phục vụ chiến đấu của các tầng lớp nhân dân Trị Thiên - Huế.

        1. Mấy nét về con người và truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Trị Thiên - Huế:

        Tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chiến trường Trị Thiên có một ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng đối với cả địch và ta trong chiến tranh. Vào cuối những năm 60, dân số Trị Thiên có khoảng 80 vạn người (Quảng Trị: 30 vạn và Thừa Thiên: 50 vạn)... vốn có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất, nhân dân Trị Thiên đã trải qua Tổng khởi nghĩa tháng Tám, 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ rồi bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ. Đến năm 1965 phong trào chiến tranh du kích phát triển đều và có những vùng khá mạnh. Tỷ lệ dân số giữa các vùng như sau:

        •   Vùng nông thôn và đồng bằng là 550.000 người;

        •   Các đô thị khoảng 200.000 người, riêng thành phố Huế có khoảng 150.000 người;

        •   Vùng rừng núi chỉ có 50.000 người.

        Quần chúng nhân dân Trị Thiên có lòng yêu nước nồng nàn, được tôi luyện dạn dày trong chiến tranh cách mạng. Trị Thiên từ lâu là một vùng chiến trường trọng điểm, là nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch, Mỹ  ngụy dùng nhiều bom đạn chà đi xát lại nhiều lần. Mặt khác, do thiên tai khắc nghiệt, đây là vùng đất có nền kinh tế nghèo nàn, đa số nhân dân 2 tỉnh - đặc biệt là vùng rừng núi và giáp ranh, đều có cuộc sống khó khăn, lao động cực nhọc, chạy ăn từng bữa. Tuy nghèo khó nhưng nhân dân Trị Thiên đều một lòng tin tưởng hướng về cách mạng, sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho bộ đội, sẵn sàng đứng lên đấu tranh quyết liệt với kẻ thù.

        Là một trong ba thành phố lớn ở miền Nam sau Sài Gòn và Đà Nẵng), Huế có một vị trí chính trị, quân sự hết sức quan trọng. Vốn là một cố đô của triều Nguyễn cũ, trong kháng chiến chống Mỹ, Huế thuỷ quyền kiểm soát của Mỹ-ngụy, là trung tâm chỉ đạo chiến lược của địch trên khu vực tiếp giáp đối đầu với miền Bắc. Ơ đây có trên 45 cơ quan hành chính ngụy quyền, đồng thời là nơi địch bố trí một bộ máy chiến tranh khá mạnh (có khoảng từ 2,5 đến 3 vạn quân) với nhiều vũ khí trang thiết bị tương đối hiện đại của Mỹ. Thành phần xã hội của thành phố Huế đa dạng và khá phức tạp. Số dân đi đạo Thiên chúa và Phật giáo chiếm một tỷ lệ khá lớn. (Riêng Thiên chúa giáo ở Huế có trên 1 vạn giáo dân). Số dân thuộc thành phần công chức và gia đình binh sĩ ngụy có khoảng 3 vạn, số học sinh sinh viên có khoảng 2,5 vạn, nhân dân lao động có khoảng 6 đến 7 vạn, phần đông là gia đình tiểu thương, thợ thủ công, dịch vụ. Nhân dân vùng nông thôn và thành phố có quan hệ chặt chẽ với nhau, nên mỗi biến chuyển về chính trị và quân sự ở nông thôn đều mau chóng ảnh hưởng trực tiếp vào thành phố. (Tháng 10 và 11-1963, phong trào Phật tử ở Huế nổi lên chống lại chinh quyền Diệm - Nhu đạt tới đỉnh cao. Đây là một trong những lý do có tính “châm ngòi” để Mỹ “bật đèn xanh” cho các tướng lĩnh ngụy làm đảo chính lật đổ và giết chết Diệm – Nhu).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 08:33:25 am »


        Giữa những năm 60, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân Trị Thiên, đặc biệt là ở Huế, ngày càng phát triển mạnh. Liên tục có những cuộc đấu tranh chống Mỹ và tay sai như cuộc xuống đường chống Diệm - Nhu năm 1963, chống Khánh - Hương năm 1964, chống Mỹ - Thiệu - Kỳ những năm 1965-1966; phong trào xuống đường đấu tranh của học sinh - sinh viên đòi hòa bình, dân sinh, dân chủ thì hầu như tháng nào cũng xảy ra. Những cuộc đấu tranh này của quần chúng nhân dân đã nhiều phen làm cho Mỹ - ngụy hoảng sợ và tìm cách đối phó vất vả.

        Ở nội thành Huế, lực lượng chính trị và phong trào cách mạng của quần chúng, dưới sự chỉ đạo của 8 chi bộ Đảng ta đã xây dựng được khoảng 100 cơ sở bí mật và nửa công khai. Số quần chúng hướng về cách mạng và san sàng tham gia các cuộc đấu tranh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ta có thể huy động từ 4.000 đến 5.000 người trong một ngày đêm. Ngoài ra, một số khá đông nhân dân lao động, viên chức, tiểu thương tuy không nằm trong các tổ chức cách mạng, nhưng có lòng yêu nước và cảm tình với cách mạng, ta có thể tranh thủ lôi kéo họ khi cách mạng nổ ra.

        Trước khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, ba huyện giáp với thành phố Huế là Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy có nhiều thôn xã đã được ta giải phóng và làm chủ, tạo thành vùng “đệm” quan trọng để chủ lực ta đứng chân và làm bàn đạp tiến vào thành phố. Cụ thể ta đã giải phóng được 86/270 thôn, với trên 70.000 dân. Ở 3 huyện này, ta đã xây dựng được nhiều đội dân quân du kích với quân số lên tới hơn 1.000 người. Các tổ chức quần chúng như: nông hội, thanh niên, phụ nữ thu hút gần 30.000 hội viên; Đoàn thanh niên lao động cũng có gần tới 1.000 đoàn viên. Đây thực sự là những con số đáng kể để ta phát động, nhân giống phong trào nổi dậy của quần chúng khi tổng công kích, tổng nổi dậy nổ ra trên địa bàn Trị Thiên - Huế.

        2. Các hoạt động và những đóng góp của quần chúng nhân dân Trị Thiên - Huế trong các đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

        Theo kế hoạch đề ra trước khi bước vào đợt Tổng tiến  công và nổi dậy trên toàn địa bàn Trị Thiên - Huế, ta đã  khẩn trương và ráo riết chuẩn bị mọi mặt như: làm đường  tiến công, bắc cầu phà, vận chuyển lương thực, vũ khí đạn l dượ, thuốc men, đào hầm hào chiến đấu, chuyển quân...   đồng thời tiến hành các đợt hoạt động nghi binh, đánh lừa  định. Quần chúng nhân dân tại các vùng giải phóng cũng như vùng tạm phiếm đã có nhiều hoạt động tích cực giúp bộ đội hoàn thành tốt nhiệm vụ chuẩn bị chiến dịch. Trong các hoạt động chuẩn bị này hàng chục ngàn nhân dân, học sinh, sinh viên, thanh mền, có cả cụ già, em nhỏ, đã tình nguyện có mặt tại các vị trí phục vụ bảo đảm chiến trường theo sự phân công của chỉ huy và các tổ chức đoàn thể.

        Cùng với bộ đội, nhân dân đã tu sửa và làm mới được gần 100 km đường tiến công, sửa chữa và bắc được hàng trăm cầu cống, bến phà các loại, đào đắp vận chuyển trên 500 nghìn m3 đất đá và hàng ngàn hầm hố phòng tránh, trú ẩn. Trước ngày tổng công kích và nổi dậy, chiến trường mới dự trữ được trên 1.500 tấn gạo, nhưng còn nằm rải rác ở vùng hậu cứ giáp ranh, dự kiến phải mất 4 đến 5 ngày vận chuyển mới đến tay bộ đội tại các hướng tiến công. Đặc biệt là mặt trận trọng điểm Huế lúc này chỉ mới có 130 tấn gạo, so với yêu cầu còn thiếu khoảng 700 tấn mới đủ dự trữ cho bộ đội chiến đấu. Với tinh thần quyết tâm cao độ nhân dân đã được chính quyền và chỉ huy các cấp huy động ra vận chuyển gấp số gạo trên tới các đơn vị, vượt kế hoạch thời gian trước 2 ngày. Ngoài số gạo trên, Bộ cũng đã chuẩn y cấp cho mặt trận Trì Thiên - Huế 350 tấn gạo, 400 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, song số hàng trên còn nằm tại các binh trạm đường 559, cách Huế gần 100 km.  Với các phương tiện vận chuyển như ghe xuồng, xe đạp thồ và bằng cả đôi vai, nhân dân tại các vùng giáp ranh đã giúp bộ đội chuyển hết số hàng trên về nơi tập kết một cách an toàn, bí mật.

        Nhân dân tại các vùng địch kiểm soát và nội đô Huế đã được các tổ chức bí mật của ta tại các cơ sở huy động trong đêm tối tham gia đào được hàng trăm hầm hào chiến đấu, hầm trú ẩn, chuẩn bị các cơ sở nuôi giấu thương binh, đóng góp lương thực, thuốc men cho bộ đội. Đến ngày tổng công kích, khởi nghĩa, nhân dân tại các vùng địch kiểm soát (giáp ranh và thành phố Huế) tổng cộng đã quyên góp được 2000 tấn gạo, 8 tấn thuốc men, dụng cụ y tế, trong đó có gần một nửa số hàng trên đã được vận chuyển tới vị trí tập kết.

        Để chuẩn bị cho phong trào khởi nghĩa và nổi dậy của quần chúng ở các vùng địch kìm kẹp cũng như nội đô Huế, các cơ sở quần chúng bí mật của ta được trên chỉ đạo đã ráo riết in được hàng chục tấn tài liệu, sách báo học tập tuyên truyền, truyền đơn, băng cờ, khẩu hiệu. Các tổ chức đoàn viên, học sinh, phụ nữ trong vùng nội đô đã mở được nhiều lớp tập huấn bí mật học về quân sự, chính trị, công tác binh vận, địch vận, công tác cứu thương, chỉ đường hướng dẫn kho bộ đội cũng như công tác giữ gìn an ninh trật tự khi thành phố được giải phóng.

        Trong quá trinh diễn ra các đợt tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân các tầng lớp quần chúng nhân dân, học sinh, sinh viên cũng đã có nhiều đóng góp to lớn trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, phối hợp với bộ đội nổi dậy giành quyền làm chủ tại hầu hết các thôn, xã, huyện, thị xã, thành phố trên địa bạn Trị Thiền - Huế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 08:34:03 am »


        Do phạm vi của bài viết, chúng tôi không thể trình bày hết được vai trò và những hoạt động to lớn, phong phú của quần chúng nhân dân trong các đợt tổng tiến công và nổi dậy. Ở đây, chỉ xin điểm lại một số hoạt động nổi bật của  quần chúng nhân dân tại những hướng, vùng tiêu biểu.

        Trên cánh bắc Huế, đêm 30 tháng 1 nărn 1968, một  cánh quân của bộ đội ta đánh vào sân bay Tây Lộc. Được quần chúng cơ sở bên trong giúp đỡ và trực tiếp dẫn đường, bộ đội ta đã bí mật đột nhập qua cổng Thủy Quan, nhanh chóng theo sông Ngự Hà vào góc tây nam sân bay, đánh chiếm khu nhà lính bảo vệ, bắn cháy được 20 máy bay và nhiều xe pháo trong khu vực này. Trong lần đánh thứ 2, đêm 31 tháng 1, cũng được cơ sở quần chúng dẫn theo đường tắt bí mật, ta đã diệt gọn và chiếm toàn bộ sân bay, phá 40 máy bay, 100 xe quân sự, đốt 1 kho đạn và 1 kho xăng. Nhờ có quần chúng dẫn đường, kết quả đánh sân bay đã giành thắng lợi lớn.

        Tại các mũi đánh vào nội đô Huế như Đại Nội, Cột Cờ Ngọ Môn, cửa Đông Ba... cũng nhờ có du kích và cơ sở ngầm dẫn đường, bộ đội chủ lực ta đã nhanh chóng đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng, diệt và làm tan rã nhiều địch. Trong thành nội, ta chiếm hết các ty, sở của ngụy quyền. Quần chúng, thanh niên, học sinh, tự vệ cùng bộ đội xông vào từng khu phố, góc nhà truy bắt bọn ác ôn, phản động, kêu gọi nguy quân, ngụy quyền ra hàng chính quyền cách mạng. Mặc bom đạn cày tung mặt đường, hàng ngàn quần chúng vẫn đổ ra đường phố tiếp tế cơm ăn, thuốc men, đạn dược cho quân ta, làm công tác cứu thương, chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau...

        Phối hợp các mũi chủ lực đánh vào nội đô Huế, các lực lượng biệt động, du kích tự vệ mật cùng quần chúng cách mạng đã tiến công nổi dậy làm chủ khu phố Gia Hội, lùng diệt bọn ác ôn, cảnh sát ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền tại các phường, quận, lập chính quyền cách mạng, tổ chức và phát triển tự vệ chiến đấu, trang bị bằng vũ khí lấy được của địch. Phong trào đấu tranh của quần chùng tại nội đô phát triển rất cao từ ngày đầu đến ngày cuối, khi ta rút khỏi thành phố, các tầng lớp nhân dân lại chuyển sang che chở, hỗ trợ cho bộ đội rút ra được an toàn.

        Tại các vùng ngoại vi bắc Huế như La Chữ, Quế Chữ..., lực lượng vũ trang địa phương cùng quần chúng nhân dân đã đồng loạt nổi dậy đánh chiếm các căn cứ, công sở cửa địch, phá ấp chiến lược, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng làng xã chiến đấu, đưa con em bổ sung vào lực lượng vũ trang, đóng góp được nhiều của cải, vật chất ủng hộ bộ đội, triển khai lực lượng chuẩn bị đánh địch phản kích tăng viện vào Huế. Tại huyện Hương Trà đông đảo quần chúng cách mạng cùng lực lượng vũ trang huyện xã... nổi dậy làm chủ trên nhiều vùng, diệt trừ ác ôn, tích cực vây lùng, gọi hàng bọn tàn binh địch, phá hoại và làm tê liệt giao thông. Tại đây, nhiều thôn, xã chính quyền cách mạng đã được thành lập, nhân dân lấy súng địch tự trang bị cho mình. Đối với Hương Trà, một huyện yếu ở Thừa Thiên, trước đây có nhiều cơ sở trắng, nay trong khí thế tiến công và nổi dậy đã có một phong trào phát triển cao chưa từng có. Nhân dân đã gọi hàng được một đại đội bảo an ở An Thành và 1 trung đội dân vệ ở Triều Sơn Tây, thu nhiều súng đạn...

        Tại huyện Hương Thủy (thuộc cánh nam) phối hợp với lực lượng vũ trang tại chỗ, quần chúng nhân dân đã nổi dậy đánh chiếm cầu An Cựu, phát triển bao vây và diệt nhiều vị trí địch ở Miếu Đại Càng, Cầu Lèn, Long Thọ...  Trước sự tan vỡ, hốt hoảng của địch, quần chúng đã nổi dậy khởi nghĩa rầm rộ, mạnh mẽ, nhất là ở các xã Mỹ Thủy, Thanh Thủy, Vân Dương, Hải Thủy, Xuân Hòa.  Nhiều ổ ác ôn tập trung ở Thanh Thủy Thượng, Mỹ Thủy, đã bị nhân dân trừng trị, hàng trăm tên có nợ máu đã phải đền tội. Trong khí thế cao độ, quần chúng đã kéo đến bao  vây, uy hiếp các đồn bốt ở Thanh Thủy Chánh Vân Dương, Xuân Hòa, bọn địch ở đây đã hốt hoảng rút chạy, bỏ lại nhiều súng đạn, thuốc men... Quần chúng nhân dân với súng đạn vừa thu được của địch đã kéo ra phá các bốt dọc trên Quốc lộ 1, bao vây và cắt đứt tuyến giao thông ở đoạn Phú Bài, An Cựu. Du kích, tự vệ tử các xã An Thủy, Thiên Thủy tiến vào khu phố 5, chợ Cống hỗ trợ quần chúng đô thị nổi dậy giành quyền làm chủ. Nhiều vùng trước đây còn yếu nay đã tự giải phóng, giành được quyền làm chủ với mức độ khác nhau.

        Tại huyện Phú Vang, dọc theo tỉnh lộ từ Thuận An đến Huế, quần chúng nhân dân cùng dân quân du kích, các đội công tác đã tiến công, nổi dậy mạnh mẽ trên khu phố 5. Trước sức đấu tranh, nổi dậy của nhân dân, địch ở các vị trí như Phú Thiện, An Thuyền, Tài Mậu hốt hoảng tự tan vỡ... chính quyền cách mạng đã được nhanh chóng thành lập tại các thôn xã này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 08:34:48 am »


        Đặc biệt nổi bật trên hướng nam là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng vũ trang, biệt động với sự nổi dậy đấu tranh chính trị, binh vận của các lực lượng quần chúng nhân dân qua hai sự kiện đánh chiếm nhà lao Thừa Phủ, dinh Tỉnh trưởng (ngày 31-l) và nhà lao Thẩm Vấn (ngày 2-2). Lúc đầu các mũi tiến công này do các đội đặc công tiến công, nhưng không thành công do lực lượng ít, không thông thạo địa hình bố trí của nhà lao, lại gặp địch phản công quyết liệt phải chuyển sang đánh kéo dài. Sau đó nhờ quần chúng nhân dân nổi dậy kéo đến bao vây nhà lao, thuyết phục, gọi hàng lính cai ngục, đồng thời dẫn bộ đội bí mật tiến theo các đường hầm đánh từ trong ra, cuộc đánh chiếm hai nhà lao mới thành công. Quần chúng nhân dân cùng đặc công đã diệt gọn 1 trung đội bảo an canh giữ nhà lao, gọi hàng nhiều tên khác, giải phóng an toàn 2.300 chiến sĩ cách mạng và quần chúng yêu nước bị địch cầm giữ lâu ngày. Trong số tù chính trị này, hơn 1.000 chiến sĩ cách mạng nòng cốt đã được bổ sung ngay tại chỗ cho các mũi, hướng chiến đấu của chủ lực và địa phương.

        Tóm lại, trong những ngày tiến công và nổi dậy ở Trị  Thiên - Huế Xuân 1968, quần chúng nhân dân cùng lực lượng vũ trang 3 thứ quân đã phối hợp chặt chẽ giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, đánh rất trúng vào bọn đầu sỏ ngụy quyền, tay sai, vào những cơ quan đầu não của địch trong tỉnh cho đến các cơ quan ngụy quân, ngụy quyền ở các huyện, quận, thôn xã, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, chế độ tay sai bị tê liệt trong một thời gian dài. Khí thế cách mạng cửa quần chúng nhân dân trong những ngày tiến công và nổi dậy đã được phát động rầm rộ và rộng khắp cao chưa từng có.

        Nhân dân Trị Thiên - Huế như được sống lại trong những ngày quật khởi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trong cao trào cách mạng Xuân 1968, cán tầng lớp quần chúng nhân dân, thanh niên, học sinh, sinh viên, trí thức đã có một cơ hội tốt đẹp để biểu hiện tinh thần yêu nước và ý thức cách mạng bấy lâu nay bị địch kìm kẹp, lung lạc. Đã có hàng ngàn, hàng vạn quần chúng được cống hiến sức mình trong các công việc khác nhau như chiến đấu, phục vụ bảo đảm chiến đấu, làm nội ứng và chỉ đường cho bộ đội, giữ gìn an mình trật tự, vây bắt tề điệp, phản động, đi dân công, cất giấu chăm sóc thương binh, tử sĩ, úy lạo bộ đội, đào hầm hố, xây dựng làng chiến đấu, đóng góp lương thực, thuốc men cho bộ đội. Dù công việc nào, lớn hay nhỏ, họ đều làm với một tinh thần tự nguyện quên mình. Ngoài ra còn có hàng ngàn thanh niên, học sinh, con em nhân dân đã xung phong tòng quân và vào du kích tự vệ.

        Sở dĩ ở Trị Thiên - Huế Xuân 1968 đã phát động được cao độ vai trò của quần chúng nhân dân trong tiến công và nổi dậy là vì mấy nguyên nhân sau:

        •  Một là, nhân dân Trị Thiên - Huế vốn từ lâu có truyền thống yêu nước và cách mạng, tuy bị địch kìm kẹp, khủng bố và lung lạc dài ngày nhưng các cán bộ, đảng viên và cơ sở đảng của ta đã kiên trì bám trụ sâu vào lòng dân tuyên truyền, giáo dục, lôi kéo nên đa số nhân dân vẫn một lòng tin tưởng ở Đảng, hướng về cách mạng, chỉ chờ cơ hội là vùng lên. Bài học về bám trụ, bắt rễ sâu vào lòng dân của cán bộ chiến sĩ ta luôn có giá trị nóng hổi cho đến ngày nay.

        •  Hai là, khi đặt mục tiêu tiến công và nổi dậy, chúng ta đã biết lấy quyền lợi của nhân dân và Tổ quốc đặt lên trên hết, đó là nhằm tiêu diệt và đánh đổ ngụy quân, ngụy quyền phản động, tay sai, giải phóng đất đai và con người khỏi áp bức, kìm kẹp, đem lại cuộc sống hòa bình, tự do, dân sinh, dân chủ cho đại đa số nhân dân. Mục tiêu đó là phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân nên được mọi tầng lớp nhiệt tình ủng hộ.

        •  Ba là, trong tiến công và nổi dậy, đi đội với việc phát động quần chúng đứng lên đấu tranh, bộ đội ta từ chỉ huy đến chiến sĩ đã chấp hành nghiêm kỷ luật quân dân, một lòng đoàn kết và yêu thương nhân dân nên đã gây được niềm tin sâu sắc, được nhân dân coi như con em của mình và hết lòng che chở, bảo vệ .

        Sau 25 ngày đêm chiếm giữ thành phố Huế, trước tình hình mới, bộ đội ta đã lần lượt rút lui khỏi thành phố và các vùng giáp ranh. Trong cuộc rút lui này, nhân dân lại một lần nữa tìm cách giúp đỡ, che chở bộ đội, tìm cách kéo địch về phía mình để bộ đội rút ra an toàn, nhanh chóng.

        Có thể nói, sự hy sinh về sức người, sức của của nhân dân trong cuộc Tổng tiến công là rất lớn. Mặc dù khí thế cách mạng của quần chúng rất cao, nhưng do đòn chủ lực của ta chưa đủ sức đập tan bộ máy sinh lực địch nên tổng khởi nghĩa đã không nổ ra như dự định. Tuy vậy, với tinh thần nổi dậy của nhân dân đã được thể hiện tuyệt vời trong Tết Mậu Thân là bằng chứng tin cậy để Đảng ta khẳng định rằng: nếu đòn chủ lực của ta đủ mạnh, nếu được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và thời cơ lịch  sử chín Muồi thì chắc chắn lần tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo sẽ thành công trọn vẹn. Điều này được thực tế lịch sử chứng minh trong Xuân 1975, chỉ trong vòng không đầy 3 tháng: từ ngày 4 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4, quân và dân toàn miền Nam đã thực hiện xuất sắc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đập tan hoàn toàn bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 08:48:19 am »


ÂM HƯỞNG CỦA TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN  LƯỢC


PTS ĐẶNG DŨNG CHÍ         
Tạp chí Lịch sử Đảng         

        Đòn chiến lược Mậu Thân 1968 (từ đây xin được viết tắt là “Mậu Thân”) quả là hiện tượng “độc nhất vô nhị” trong lịch sử chiến tranh. Hiếm có trận đánh nào lại gây tranh cãi nhiều và dai dẳng đến như thế. Sự khác nhau về đánh giá không chỉ giữa những người ở hai trận tuyến, mà cả giữa những người cùng trận tuyến; không chỉ ngay lúc “nó” đang diễn ra, mà đến nay, 30 năm đã trôi qua, cuộc tranh luận vẫn chưa dứt. Những tư liệu mới được hé mở ngày càng giúp ta hiểu rõ thêm và đánh giá sát hơn “kỳ lạ” này.Trong các cuộc tranh luận ấy, nổi lên một số vấn đề: Đây chỉ là một trận đánh (tuy diễn ra trên quy mô lớn) hay thực sự là đòn quyết chiến chiến lược? Tác động của cuộc đọ sức “Mậu Thân 1968” đối với mỗi bên tham chiến là gì ?

        Đây là một trong những câu hỏi lớn của sự kiện “Mậu Thân 1968”. Bài này chỉ xin góp một vài suy nghĩ nhỏ vào việc làm sáng tỏ vấn đề nêu trên.

        1. “Mậu Thân” là một trận quyết chiến chiến lược.

        Thực ra, trận quyết chiến chiến lược phải được cả hai bên tham chiến chấp nhận từ ý đồ và dốc toàn lực cho trận đấu lại thường diễn ra trên một không gian và thời gian nhất định. Trận “Mậu Thân” lại có nét đặc thù là diễn ra trên quy mô lớn (khắp miền Nam), kéo dài nhiều tháng, phiá Mỹ dường như chưa sẵn sàng cho một trận đánh quyết liệt có tính quyết định này nên cách gọi của nó cũng rất khác nhau. Suốt 30 năm qua, người Mỹ thường gọi là “Cuộc tiến công Tết”; còn chúng ta lại dùng các cụm từ “Cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa”, “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968”, có người lại chỉ xem đó là một trận tập kích chiến lược... Vậy thực chất của cuộc đọ sức này là gì? Nếu xem xét kỹ, chúng ta có thể thấy cuộc đọ sức “Mậu Thân” đã hội đủ những yếu tố của một trận quyết chiến chiến lược.

        Sau hai năm đọ sức trực tiếp giữa quân viễn chinh Mỹ với quân cách mạng (gồm 3 thứ quân) Việt Nam, từ giữa năm 1967, chiều hướng cuộc chiến đã ngày càng rõ rệt. Tình hình ngày càng trở nên bất lợi cho Mỹ, đồng thời những yếu tố tạo ra cơ hội giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cho cách mạng Việt Nam đang dần xuất hiện. Cũng như kháng chiến chống Pháp, chấp nhận cuộc đụng đầu lịch sử với tên đế quốc đầu sỏ là Mỹ, Đảng ta đã đề ra chiến lược đánh lâu dài. Nhưng đánh lâu dài không có, nghĩa là kéo dài vô hạn độ, mà là nhằm không ngừng tạo ra thế và lực cho cách mạng, giành thắng lợi từng bước, tiến lên “giành thắng lợi quyết định” khi thời cơ xuất hiện. Một đòn “quyết định’ đã được trù tính, nhưng Mỹ đưa quân vào quá nhanh. Qua các cuộc thử sức với quân Mỹ, ý định này lại được đặt ra. Từ đầu năm 1967, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã cảm được tình trạng lưỡng nan về chiến lược của Mỹ trong vấn đề Việt Nam. Vì vậy, song song với việt triển khai một chiến lược ngoại giao năng động (và chủ động, từ tháng 1-1967), bộ chỉ huy tối cao đã sớm hình thành ý định đánh một đòn có ý nghĩa quyết định nhằm đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc chúng phải đi vào thương lượng tìm giải pháp cho vấn đề Việt Nam - điều mà giới cầm quyền Mỹ đã bắt đầu nhận thức ra để tìm “lối thoát trong danh dự”. Thời cơ để tấn công địch là vào năm bầu cử tổng thống ở Mỹ. Hướng tấn công là đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã, quận lỵ ở miền Nam, nhất là Sài Gòn và Huế.  Ngày mở màn được xác định là dịp Tết, vào lúc mà địch lơi lỏng nhất. Trước khi tấn công, ta đã thành công lớn trong việc nghi binh, điều địch tới Khe Sanh.

        Chưa bàn tới những mục tiêu (đã nêu trong các văn kiện lúc ấy) đòn “Mậu Thân” đã được hình thành sớm, được chuẩn bị khá kỹ và tài tình, thể hiện sự nhạy cảm và đúng đắn của Bộ chỉ huy tối cao, nhằm làm thay đổi cục diện chiến tranh, có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:05:45 am »


        Đối với Mỹ, đưa quân viễn chinh vào tham chiến là điều bất đầu dĩ khi đang áp dụng chủ nghĩa thực dân mới. Song đã buộc phải sử dụng con bài ấy thì Mỹ bao giờ cũng hy vọng nhanh chóng đè bẹp đối phương, giành thắng lợi quyết định. Đưa hàng vạn quân vào miền Nam, Mỹ hòng sớm lập lại thế ổn định đã bị mất, khôi phục quân ngụy, tìm ra giải pháp có lợi nhất. Mỹ thực hiện chiến lược “tìm diệt” và “bình định”. Chiến lược này bị bẻ gãy. Mỹ không đạt được mục tiêu đặt ra, mà còn chịu những tổn thất lớn. Càng kéo dài chiến tranh ở Việt Nam thì số lính Mỹ bị thương vong càng lớn, chi phí quân sự càng cao. Chính phủ Mỹ vừa phải bắt thêm lính, vừa phải rút lực lượng từ các khu vực chiến lược khác ném vào miền Nam; đồng thời buộc cắt giảm các chi phí xã hội khác và tăng thuế để bù vào khoản ngân sách thiếu hụt. Tất cả những biện pháp chữa cháy ấy thực sự đụng chạm đến lợi ích hàng ngày của người dân Mỹ và làm tan vỡ hy vọng về một “xã hội Mỹ vĩ đại” mà Tổng thống Giôn-xơn từng vẽ lên trước dân chúng Mỹ. Xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc bởi biết bao vấn đề chính trị nội bộ. Càng sa lầy ở việt Nam, các ưu thế của Mỹ bị tước bỏ dần, lợi ích chiến lược của l\iỹ có nguy cơ bị thu hẹp và lấn át. Lợi dụng cơ hội, nhiều đồng minh của Mỹ đã vươn lên giành những vị trí quan trọng về kinh tế, dần thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ. Liên Xô cũng có nhiều cơ hội đuổi kịp và vượt Mỹ trên một số mặt, nhất là về quân sự.

        Tất cả những điều trên đã đưa Mỹ đến chỗ bế tắc và đầy mâu thuẫn, cả về chiến lược, chiến thuật, biện pháp; cả về lợi ích chiến lược và lợi ích bộ phận... Trong chính giới Mỹ đã bắt đầu xuất hiện những tranh cãi gay gắt về cách tiến hành chiến tranh và lối thoát của Mỹ.

        Đúng vào lúc đó, trận “Mậu Thân” đã nổ ra. Đôn O bơ-đo-phơ đã nhận xét: “... Cuộc Tổng tiến công đã đánh vào chế độ chính trị của Mỹ vào đúng lúc nó tỏ ra do dự nhất về đường lối và đang mang những mẩm mống của sự thay đổi”. “Sự thay đổi” ấy là gì, nếu không phải là việc rút W.C. Oét mo-len - Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam - đã “thấy trước khả năng bắt đầu rút quân Mỹ vào năm 1969. Dĩ nhiên là Oét-mo-len tính đến việc rút quân sau khi đã giành được thắng lợi quyết định. Chính Oét-mo-len “... đã một lần công khai nói rằng vào một lúc nào đó, Hà Nội sẽ tạo ra một Điện Biên Phủ thứ hai. Tham vọng của Hà Nội chính là cơ hội cho Oét-mo-len.  Ông ta quyết thực hiện một Điện Biên Phủ đảo ngược”. Và, khi trận Khe Sanh xuất hiện, Oét tin rằng đây chính là điều ông ta đang mong đợi; 40% lực lượng bộ binh và thiết giáp ở miền Nam Việt Nam được ông ta ném vào Khe Sanh và vùng I. Trận đánh ở Khe Sanh quan trọng đến mức, mà chính Giôn-xơn bắt thuộc hạ phải lập một sa bàn về Khe Sanh ở phòng tình hình và Đô đốc Wrô-stâu thường xuyên mô tả diễn biến trận đánh để ông ta rõ. Giôn-xơn còn yêu cầu Oét-mo-len và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân E.Uy-lơ lập văn kiện “được ký bằng máu” cam kết rằng Khe Sanh sẽ không sụp đổ...

        Mặc dù bị mắc lừa, song chỉ chừng ấy bằng chứng công có thể thấy, Mỹ sẵn sàng chấp nhận một cuộc đọ sức để “phân định hơn thua” trước khi đưa quân về nước. Nỗ lực cao độ của cả hai phía, như đã trình bày, có thể giúp ta khẳng định, cuộc đọ sức “Mậu Thân” thực sự là một trận quyết chiến chiến lược. Diễn biến cuộc chiến sẽ cũng chứng minh rõ điều ấy.

        2. Tác động của “Mậu Thân” rút cuộc đều dẫn tới câu hỏi: Vậy thì, trong cuộc “so găng” ấy, ai chẳng ai thua?

        Trả lời câu hỏi này, hầu hết giới chính trị và quân sự Mỹ đều khẳng định dứt khoát là “cộng sản” thất bại về quân sự, nếu có chăng thì cùng lắm là về mặt tâm lý ở nước Mỹ (?!). Đối với chúng ta, không ít ý kiến cũng cho là như vậy, hay có thắng nhưng phải trả giá quá đắt. Những ý kiến ấy không phải chỉ là của lớp hậu sinh, mà cả những người đã từng trực tiếp tham chiến; không chỉ ở cấp thấp, mà cả ở cấp cao. Có không ít chữ “nếu” được nêu ra đối với sự kiện.

        Clau-dư-vit từng viết: Chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng thủ đoạn khác. Như thế, chiến tranh hay kết quả của các hoạt động quân sự không thể tách rời chính trị. Nó chỉ xem xét đơn thuần về mặt quân sự, đôi khi không thấy hết thực chất của một cuộc đọ sức, mà còn cần xem xét tác động của đòn quân sự đến tình hình chính trị của các bên tham chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:06:06 am »


        Đối với cách mạng Việt Nam, “Mậu Thân” đã chứng tỏ nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta, đồng thời phơi bày toàn bộ thế yếu của Mỹ-ngụy. Theo Đon O-bơ-đo-phơ thì, chỉ với lực lượng 67.000 quân trong tổng số 240.000 quân) cộng sản đã buộc chừng 1.100.000 tay súng (cùng khối lượng lớn phương tiện chiến tranh của Mỹ - npụy và chư hầu) phải dàn ra chống đỡ. Cuộc tấn công diễn ra trên một không gian rất rộng mà Mỹ-ngụy không hay biết gì; trận Khe Sanh đã thu hút được 2/5 quân chiến đấu Mỹ và đánh lừa được cả bộ máy quân sự chính trị Mỹ.  Chỉ chừng ấy cũng đủ thấy đâu là khả năng về quân sự của các bên tham chiến. “Mậu Thân” thực sự tạo ra bước ngoặt của  chiến tranh. Mặc dù còn hết sức ngoan cố, sau “Mậu Thân”,  Mỹ đã bắt đầu quá trình rút quân khỏi miền Nam, từng bước xuống thang trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, chấp nhận đàm phán.

        Nếu nói rằng thất bại thì sao chúng ta buộc được Mỹ phải chấp nhận kết cục ấy. Và cũng tại sao chúng ta lại đánh bại được các kế hoạch chiến tranh của định trong các năm 1970, 1971; đặc biệt là đòn tiến công chiến lược vang dội trong năm 1972?

        Đồng chí Trần Bạch Đằng nhiều lần cho biết rằng, ngay từ năm 1969, đồng chí Lê Duẩn đã nói đại ý: “Mậu Thân” như cú giội bom khiến cho các vấn đề chính trị nước Mỹ tung tóe ra.  Đây thực sự là một phát hiện độc đáo “ Cả ý tưởng tiến  hành đòn “Mậu Thân”, cũng như tầm ảnh hưởng của “nó”.  Thực tế lịch sử đã chứng minh phát kiến này. Đó cũng là  nguồn gốc dẫn đến sự thay đổi chiến lược của nước Mỹ và giải thích thái độ của Tổng thống Giôn-xơn ngày đó. Cũng từ đây, đã mở đường cho một mặt trận mới - mặt trận đấu tranh ngoại giao, thực hiện chiến lược “vừa đánh, vừa đàm”  giữa Mỹ và Việt Nam.

        Đối với Mỹ, nếu nói rằng “cộng sản” thất bại về quân sự  thì theo lôgic, hiển nhiên phần thắng thuộc về họ. Nhưng nếu Mỹ thắng thì việc gì Oét phải xin thêm nhiều quân đến thế và rồi phải chấp nhận kết cục thảm hại này: Oét-mo-len bị triệu hồi, Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom và không ra tranh cử nhiệm kỳ nữa, chấp nhận đàm phán và thừa nhận Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam... Nếu Mỹ thắng về quân sự ở miền Nam Việt Nam thì chắc chắn Tổng  thống Giôn-xơn không lâm vào tình trạng lúc nào cũng cảm thấy “đang bị đuổi tứ phía bởi một cuộc nổi dậy khổng lồ đến từ các hướng” và không đến nỗi suốt thời kỳ chiến tranh không bao giờ ông ta được đi ngủ trước 2 giờ sáng?...

        Và nếu Mỹ thắng thì một tổng thống mới - “cỡ” Nic-xơn  không dại gì mà không phát triển thắng lợi để giành thắng lợi lớn hơn, mà lại tiếp tục con đường “phi Mỹ hóa” (mặc dù có xảo quyệt hơn)! Như thế đủ thấy, “Mậu Thân” là một thắng lợi quân sự,chính trị không thể phủ nhận được, không thể “tranh giành” được của lực lượng cách mạng Việt Nam. Đúng là chúng ta đã phải trả giá cho thắng lợi. Song trong chiến  tranh có thắng lợi nào được coi là “rẻ” đâu. Những gì các nhà tổng kết nêu ra và giả thiết “nếu’ thế nọ, “nếu” thế kia, thì đấy chỉ là mong muốn đạt đến cái tối ưu - mà rất hiếm có được trong chiến tranh. Như để có Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, cách mạng Việt Nam phải đi qua 9 năm máu lửa (và có thể còn tính xa hơn nữa); để có được một câu: “Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”; như trong Điều 1, Chương I “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam”  được ký ở Pa-ri (Pháp, 1973), dân tộc Việt Nam phải chiến đấu ngót 30 năm trời, với biết bao tổn thất mà hậu quả của nó còn dai dẳng suốt nhiều thế hệ. Hiểu rõ chân lý ấy sẽ giúp ta hiểu thêm về các đợt tấn công tiếp theo. Chính các đợt tấn công ấy đã góp phần làm lung lay tận gốc ý chí của kẻ xâm lược, thúc đẩy bước ngoặt của chiến tranh - nước Mỹ không đủ kiên nhẫn để chịu thêm những cuộn đấu như vậy nữa. Dĩ nhiên, dưới sự điều khiển của Níc-xơn, nước Mỹ còn để lại nhiều tội ác nữa ở Việt Nam, song cuộc đụng đầu lịch sử đã bước vào hiệp cuối, mà phần thắng không về phía Mỹ.

        “Mậu Thân” đã để lại dấu ấn không phai mờ trong lịch sử Việt Nam và nước Mỹ. Khẳng định lại chiến thắng để chúng ta trân trọng hơn chiến thắng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:07:46 am »


MẬU THÂN 1968 TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ QUÂN SỰ DÂN TỘC

PTS LÊ ĐÌNH SỸ         

        Lịch Sử quân Sự Việt Nam từng ghi đậm những trang hào hùng trên chặng đường dài hàng ngàn năm đánh giặc giữ nước đầy gian lao thử thách nhưng rất vinh quang. Nhân dân ta, trải qua các thời đại, đã phải tiến hành hàng trăm cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng cùng hàng chục cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, mà trong đó có những sự kiện quân sự nổi tiếng, khắc đậm những dấu ấn lớn vào sử sách, để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho hậu thế.

        Tết Mậu Thân 1968 với tính đặc sắc và hiệu quả chiến lược rộng lớn của nó, là một sự kiện lịch sử như thế. Đối với lịch sử Việt Nam, Tết Mậu Thân 1968 là một sự kế thừa truyền thống, một mắt xích trong chuỗi dài những chiến công của người Việt Nam đánh giặc giữ nước. Trong lịch sử dân tộc ta đã từng có những cuộc tiến công lớn, những trận quyết chiến chiến lược diễn ra vào mùa xuân, trong dịp Tết Nguyên đán truyền thống. Cuộc khởi nghĩa vào mùa xuân năm 40 của nhân dân Âu Lạc dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng là thí dụ đầu tiên. Lúc đó, nhân dân ta đã nhất tề nổi dậy tiến công vào 56 huyện, thành trong cả nước, lật nhào chính quyền đô hộ nhà Đông Hán đang lúc cường thịnh, giải phóng toàn bộ đất nước. Tiếp đó, biết bao mùa xuân lịch sử mà quân dân ta đã vùng lên khởi nghĩa, đã ra trận để chống lại ách ngoại xâm, giành lại độc lập dân tộc. Mùa xuân năm 544, Lý Bí đã khởi nghĩa thành công, thiết lập Nhà nước Vạn Xuân và hiên ngang xưng là Lý Nam Đế - Hoàng đế nước Nam đối diện với Hoàng đế Trung Hoa thuở ấy. Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt và Trần Quốc Tuấn đã từng tổ chức và thực hành những cuộc tiến công lớn vào dịp giáp Tết, vào mùa xuân các năm 938, 981, 1077 và 1258. Đặc biệt, Tết Kỷ Dậu, xuân năm 1789, người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyên Huệ đã thực hành cuộc tiến công chiến lược, cùng một lúc, bằng nhiều hướng, tiến vào Thăng Long, bất thần đánh thẳng vào sào huyệt Tôn Sỹ Nghị ở cung Tây Long, khiến quân giặc không kịp trở tay chống đỡ và chỉ trong vòng năm ngày đầu Xuân Kỷ Dậu (từ đêm giao thừa đến sáng mồng 5 Tết) đã đánh tan tành 29 vạn quân Thanh xâm lược cùng hàng vạn quân Lê Chiêu Thống phản bội. Những trận đánh nổi tiếng, những cuộc tiến công trong các thời kỳ đó đều để lại những dấu ấn không thể mờ phai trong lịch sử, đểu để lại những bài học lớn mà các triều đại các thế hệ sau kế thừa và phát huy trong sự nghiệp đánh giặc cứu nước của mình.

        Tết Mậu Thân 1968 là sự kế thừa lịch sử trong điều kiện mới. Lúc đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã phát triển đến đỉnh cao, thế và lực trên chiến trường miền Nam đã thay đổi có lợi cho ta, tình thế cách mạng đã mở ra những điều kiện để Đảng ta tiến hành một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy quy mô lớn trên toàn bộ chiến trường.

        Đối với truyền thống quân sự dân tộc, Tết Mậu Thân 1968 là một bước phát triển sáng tạo. Nếu như cuộc tiến công của Quang trung vào dịp Tết Kỷ Dậu (1789) là một sự kiện điển hình của một cuộc tổng tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thì Tết Mậu Thân 1968 là một điển hình của một cuộc tổng tiến công trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Ở các cuộc tổng tiến công nói trên, các yếu tố bất ngờ, thần tốc, táo bạo và mãnh liệt đều được triệt để phát huy. Song do điều kiện lịch sử khác nhau, trong mỗi cuộc chiến tranh việc sử dụng sáng tạo các yếu tố nghệ thuật và hiệu qua chiến đấu đều có khác. Có thể nói, đó đều là những giai đoạn mà Bộ Tham mưu chiến tranh đã có những quyết sách chiến lược hết sức táo bạo và sáng tạo. Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến công giải phóng Thăng Long khi 29 vạn quân Thanh đang hầu như còn nguyên vẹn, trong khi đó quân ta chỉ có khoảng 10 vạn. Quang Trung đã triệt để khai thác yếu tố bất ngờ, nhân lúc Tôn Sỹ  Nghị đang rất chủ quan, khinh địch, thiếu phòng vệ; khi chúng mới giành được vài thắng lợi ban đầu, đang cho quân nghỉ ngơi đón xuân, ăn mừng chiến thắng. Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 nổ ra vào giai đoạn quân viễn chinh Mỹ đã lên tới gần nửa triệu và quân ngụy có tới gần 70 vạn. Quân và dân miền Nam đã tiến công vào thời điểm mà cả Mỹ, lẫn ngụy đều không ngờ tới. Sự kiện Mậu Thân 1968 là bước tiếp nối đay sáng tạo của truyền thống quân sự dân tộc. Là một cuộc tổng tiến công trong chiến tranh giải phóng, Tết Mậu Thân 1968 đã kết hợp tiến công và nổi dậy, nhằm đạt cả hai mục tiêu quân sự và chính trị. Đây là một cuộc tiến công chiến lược cả về quân sự và chính trị trên cả ba vùng chiến lược, trong đó mặt trận đô thị được xác định là hướng tiến công chủ yếu. Cuộc tiến công nổ ra đồng loạt trên 4 thành phố lớn, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn; đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương và địa phương cả Mỹ lẫn ngụy, bao gồm cả 4 bộ tư lệnh quân khu - quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt -khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến, 30 sân bay và nhiều tổng kho lớn. Trong đó có những trận đánh gây chấn động lớn như đánh tòa Đại sứ Mỹ, dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy ở Sài Gòn và 25 ngày đêm làm chủ thành phố Huế. Đó quả là một sáng tạo về hình thức tiến công, tạo ra một hiệu lực cộng hưởng lớn lao; đánh vào tinh thần quân địch, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2017, 10:08:25 am »


        Trong lịch sử Việt Nam, mùa xuân năm 40, dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, nhân dân Âu Lạc cũng đã có một cuộc tổng tiến công đồng loạt vào 56 huyện thành trong cả nước. Tuy nhiên, thuở đó quân xâm lược chỉ mới làm chủ được các trung tâm huyện ly, còn các vùng nông thôn rộng lớn vẫn thuộc quyền cai quản của các thủ lĩnh người Việt. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, Lê Lợi và Nguyễn Trãi, khi đã làm chủ được tình thế, cũng không thực hiện đồng loạt tiến công vào các hành trì, cho rằng “đánh thành là hạ sách” và chủ trương ‘vây thành diệt viện”. Trong không chiến chống Pháp xâm lược, ngay cả khi quân và dân ta đã giải phóng được nhiều trung nông thôn, rừng núi và đồng bằng rộng lớn, chúng ta cũng không chủ trương một cuộc tổng tiến công vào các đô thị. Chính vì thế, tổng tiến công và nổi đậy đồng loạt của tết Mậu Thân trong kháng chiến chống Mỹ là một sự kế thừa và phát triển rất lớn về phương thức và nghệ thuật tiến hành chiến tranh giải phóng ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

        Tết Mậu Thân là sự tiếp nối, phát triển truyền thống quật cường của người Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì tự do độc lập. Đó là truyền thống dám đánh, quyết đánh, biết đánh và biết thắng những kẻ thù lớn mạnh. Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, dân tộc ta tuy lực lượng quân sự còn rất chênh lệch so với địch, đã thực hành một cuộc tiến công lớn, đánh một đòn bất ngờ và mạnh mẽ vào ý chí của đế quốc Mỹ. Đó là lối đánh chưa từng diễn ra trong kháng chiến và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng. Cuộc tiến công diễn ra khiến những người điều hành chiến tranh ở Hoa Kỳ sững sờ, choáng váng. Chúng không ngờ quân ta lại mở được cuộc tiến công đánh vào những mục tiêu mà trước đến giờ chúng cho là kiên cố nhất. Cuộc tiến công “tết”, vì thế, càng thể hiện ý chí quyết tâm của người Việt Nam trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước.

        Xưa nay dân tộc Việt Nam chiến thắng xâm lược không chỉ bằng chủ nghĩa anh hùng, không chỉ bằng ý chí và lòng yêu nước truyền thống, mà bằng cả trí tuệ của mình, một trí tuệ biết dồn đúc và nhân lên sức mạnh để một dân tộc nhỏ có khả năng chiến thắng một kẻ thù lớn mạnh, có tiềm lực kinh tế, quân sự gấp nhiều lần. Sức mạnh Việt Nam trong chiến tranh là sức mạnh trí tuệ Phù Đổng, vụt lớn lên để chiến thắng bạo tàn. Cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 là một biểu hiện của sức mạnh trí tuệ đó.  Tất cả những cố gắng của quân và dân ta lúc ấy đều nhằm đạt mục tiêu là giáng một đòn thật mạnh và hiểm, bất ngờ và đồng loạt, làm cho đối phương phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho đến lúc đó, chưa có một cuộc động binh và huy động lực lượng nào có quy mô lớn và khí thế cao như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân.

        Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của ta như một đòn sét đánh đối với bọn trùm xâm lược làm choáng váng cả nước Mỹ, làm chấn động cả dư luận thế giới và báo hiệu trước nguy cơ lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, quân đội Mỹ sẽ bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh.

        Thắng lợi của ta trong Tết Mậu Thân thật là to lớn.  Bằng cuộc Tổng tiến công chiến lược này, ta đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ, khiến chúng dù rất ngoan cố và rất đông quân cũng phải bất đầu quá trình xuống thang chiến tranh, phải chuyển sang chiến lược “phi Mỹ hóa chiến tranh”, rồi “việt Nam hóa chiến tranh”, phải bắt đầu rút quân Mỹ về nước, chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bác, phải ngồi vào bàn đàm phán với chúng ta ở Pa-ri. Như thế, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Tết Mậu Thân 1968 là biểu hiện ý chí và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam; biểu hiện tài thao lược, sáng tạo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng: đó là nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; đó là nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngơ, đưa chiến tranh vào đô thị; đó là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng để lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của kẻ xâm lược. Tết Mậu Thân là một sự kế thừa và phát huy lên một tầm cao mới, trong điều kiện mới truyền thống đánh giặc giữ nước và nghệ thuật quân sự của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, Tết Mậu Thân 1968 là một cột mốc lớn, một sự kiện lịch sử nổi bật của lịch sử quân sự dân tộc, làm phong phú thêm kho tàng kinh nghiệm truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM