Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:14:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tết Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt lớn của cuộc KCCM cứu nước  (Đọc 28995 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 08:09:22 am »


CHƯƠNG III

HIỆU QUẢ “TẾt MẬU THÂN” VÀ MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ “TẾT”

        Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy "Tết Mậu thân" 1968 của quân và dân ta, không chỉ sau này mà ngay từ ngày đó - khi chiến sự đang diễn ra ở khắp các đô thị trên toàn miền Nam, đã đưa lại những hậu quả và hệ lụy nặng nề cho phía Mỹ. Nó giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Mỹ sau bao năm theo đuổi chiến tranh Việt Nam, nó buộc Mỹ phải đơn phương "xuống thang", thay đổi chiến lược rút dần quân Mỹ về nước... Nó trở thành nỗi ám ảnh không nguôi trong chính giới Mỹ, trở thành một "hội chứng Việt Nam" của Mỹ suốt bao năm qua, trở thành một kỷ niệm không vui của nước Mỹ nói chung - một nước lần đầu tiên bị thua trận trong lịch sử 200 năm lập nước của mình.

        Với "Tết Mậu thân", dù chưa đạt được yêu cầu của khả năng thứ nhất - một trong ba khả năng mà Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 dự kiến và dù phải hy sinh to lớn nhưng Đảng ta, nhân dân ta và quân đội ta đã xoay chuyển được cục diện tình hình mà trước đó ta chưa bao giờ tạo được. Cục diện đó cho phép quân và dân ta tiếp tục đưa cách mạng miền Nam tiến lên theo phương hướng chiến lược mới như lời Thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trước khi Người đi xa:

“... Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào"

        Chỉ sau khi Mỹ cút, Mỹ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, chúng ta mới có thể tính đến chuyện dồn hết tâm lực đánh cho ngụy NHÀO với khí thế áp đảo "một ngày bằng hai mươi năm” đặng tiến thẳng tới dinh Độc Lập, giữ được một Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, không diễn ra một cuộc "tắm máu” nào ở các đô thị miền Nam như nhiều người ở phía bên kia từng tường tượng vào mùa Xuân năm 1975. Để có được MÙA XUÂN TOÀN THẮNG này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã phải trải qua chặng đường dài mấy mươi năm chiến đấu với biết bao thử thách hy sinh mà XUÂN MẬU THÂN 1968 là một CỘT MỐC LỚN - ghi dấu BƯỚC NGOẶT LỚN của cuộc chiến tranh.

        Thế nhưng lý giải về nguyên nhân, tác động của “Tết Mậu thân” giới quân sự, chính trị cũng như một số tác giả Mỹ - và ngay cả một số nhà nghiên cứu trong nước - thường vẫn chỉ tập trung vào các sự kiện như: sự bí mật, bất ngờ trong "Tết Mậu thân"; việc đưa tin và tô đậm ấn tượng về “Tết Mậu thân" của các phương tiện truyền thông Mỹ; sự phản ứng không đúng lúc của giới quân sự Mỹ; phong trào phản đối chiến tranh bùng lên dữ dội giữa lòng nước Mỹ v.v... Những điều đó đều đúng cả. Nhưng nó chỉ là những hệ quả, là những biểu hiện bên ngoài của "Tết Mậu thân" mà thôi. Những hệ quả và biểu hiện đó không phải là động lực chính làm cho chính giới Mỹ phải đi từ chỗ chủ động đến bị động; từ thế công đến thế thủ, và phải soát xét lại toàn bộ đường lối tiến hành chiến tranh để cuối cùng chịu thất bại cay đắng trên chiến trường Việt Nam.

        Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, SỰ THỰC là chỉ khi bị thất bại về QUÂN SỰ thì Mỹ mới chịu "xuống thang" chiến tranh ở chiến trường này - cái chiến trường mà ngay từ đầu Mỹ muốn "đánh nhanh, rút nhanh", nhưng thực tế đã cho thấy là “vô vọng", là không bao giờ có thể thực hiện được. Vấn đề này, từ trước "Tết Mậu thân" và ngay cả nhiều năm sau đó, giới tướng lĩnh quân sự và nhiều tác giả Mỹ đã lấy tiêu chí của một trận đánh để xem xét một chiến lược, lấy việc "đếm xác”, dựa vào con số thống kê về thương vong của hai bên để so sánh rồi phân thắng - bại. Phía Mỹ đã không hiểu được rằng một nước nhỏ như Việt Nam, khi chấp nhận cuộc đụng đầu với một "siêu cường" như thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vì tự do và độc lập của dân tộc mình, thì, mọi người Việt Nam yêu nước đều chung một ý chí: "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Ý chí đó, quyết tâm đó của ngày đầu toàn quốc kháng chiến năm 1946, gần hai mươi năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại một lần nữa tuyên bố: "Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu; dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn". Vậy, xem xét thắng - bại của một chiến lược quân sự, một cuộc chiến tranh, điều chủ yếu là xem xét hiệu lực thực tế của chiến lược đó, của cuộc chiến tranh đó so với mục tiêu chiến lược đề ra ban đầu. Vì thế, để làm rõ sự thất bại của phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong dịp "Tết Mậu thân" - mà trước hết là thất bại vế quân sự, cần nhìn lại một cách toàn diện hơn hiệu quả của sự kiện này từ hai phía.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 08:17:24 am »

   
        I. HIỆU QUẢ "TẾT MẬU THÂN"

        1. Bước ngoặt chiến lược trên chiến trường miền Nam Việt Nam


        Từ những ngày đầu tiến hành chiến tranh cục bộ, mục tiêu bao trùm của Mỹ là dùng sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ để tiêu diệt lực lượng vũ trang và cơ sở chính trị của cách mạng miền Nam, khủng bố tinh thần kháng chiến của nhân dân ta, củng cố chính quyền và quân đội Sài Gòn làm cơ sở cho sự thống trị miền Nam bằng chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Để đạt tới mục tiêu chiến lược đó, Mỹ liên tục tăng.. quân Mỹ vào miền Nam, kể cả việc lôi kéo và thúc ép một số đồng minh đưa quân vào cùng Mỹ trực tiếp tham chiến; sử dụng không quân, hải quân - hai “át chủ bài" trong thành phần lực lượng quân sự Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với quy mô, cường độ ngày càng mở rộng và ngày càng khốc liệt. Mỹ đưa vào sử dụng và khai thác triệt để những thành tựu tiên tiến nhất của nền khoa học - công nghệ để tăng tính tàn phá và sức hủy diệt đối với một đất nước thua kém Mỹ nhiều lần về tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự... Ví như, để phát hiện vị trí của các đơn vị Quân giải phóng miền Nam, giới quân sự Mỹ đã dùng các máy ra đa nhỏ xách tay và các "máy ngửi" có thể phát hiện cả mùi nước tiểu; dùng máy tính 1430 của hãng IBM lập trình để dự toán thời gian và địa điểm mà đối phương có thể đánh. Trên miền rừng núi hay dọc theo lác dải rừng ngập mặn, Mỹ đã rải một khối lượng lớn chất độc hóa học nhằm làm rụng lá cây, "khai quang" để đối phương không còn chỗ ẩn náu(!). Sau này, một số tác giả Mỹ cho biết: "Phi hành đoàn trên máy bay C.123 thấm nhuần một khẩu hiệu rất mỉa mai "chỉ có các anh là chặn được các khu rừng" và đã rải khoảng 50.000 tấn hóa chất mang tên "tác nhân da cam" lên hàng triệu a cơ1 rừng, hủy diệt khoảng 1/2 rừng cây lấy gỗ của Nam Việt Nam và để lại những tổn thất đối với con người mà nhiều thập kỷ sau cũng chưa xác định được"2. Cần lưu ý thêm rằng, nhận xét trên đây của tác giả là xác đáng. Theo con số thống kê (chưa thật đầy đủ), hiện nay, ở hai miền Nam và Bắc có khoảng 2.000.000 người bị nhiễm chất độc hóa học và khoảng 500.000 trẻ em sinh ra bị dị dạng do chất độc "màu da cam" mà Mỹ đã rải xuống miền Nam trong những năm chiến tranh). Bên cạnh đó, Mỹ còn sử dụng một khối lượng bom đạn khổng lồ để tiến hành "một kiểu chiến tranh điên cuồng nhất" - như lời nhận xét của tác giả G.C. Hê-ring trong cuốn sách Cuộc chiến tranh dài ngày nhất nước Mỹ của ông, hòng đánh nát các căn cứ của Quân giải phóng miền Nam. Kiểu chiến tranh ấy, như lời của viên tướng Mỹ Uy-li-am Đi-puy - một trong những “kiến trúc sư” chính của chiến lược "tìm diệt", rằng: "Giải pháp ở Việt Nam là thêm bom, thêm pháo, thêm napan... cho đến khi phía bên kia sụp đổ và đầu hàng"3. Cũng theo tác giả, năm 1965 nước Mỹ dấn bước vào cuộc chiến tranh trên bộ ở miền Nam và leo thang đánh phá miền Bắc Việt Nam với niềm tin và sự lạc quan vào một thắng lợi quán sự chớp nhoáng và dễ dàng. Niềm tín ấy được diễn đạt trong lời nhận xét của một nhà báo Mỹ trên hàng không mẫu hạm Rêngiơ ngoài khơi Việt Nam nam 1965: "Cần phái phô diễn hạm tàu này cho Việt cộng thấy, như vậy, sẽ khiến họ dầu hàng”. Và Hê-ring nhận xét: "Điều quan trọng nhất của chủ nghĩa lạc quan mà đất nước này mang theo vào cuộc chiến tranh chính là điều giải thích rõ tại sao sau này lại có tâm trạng vô cùng thất vọng. Thất bại không bao giờ đến dễ dàng, trái lại nó đặc biệt khó khăn, chỉ vì trước đó người ta đã dự kiến chiến thắng với giá rẻ"4. Nhận xét ấy một lần nữa cho ta thấy rằng, trong mọi cuộc chiến tranh, Oa-sinh-tơn đều tính đến "từng xu” lỗ, lãi (!).

        Dựa vào sức mạnh quân sự hùng hậu, trong những năm 1965, 1966, 1967, Mỹ sử dụng quân Mỹ mở các cuộc hành quân "tìm diệt" chủ lực Quân giải phóng và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam, dùng quân đội Sài Gòn yểm trợ chương trình "bình định" nông thôn miền Nam, dùng không quân và hải quân Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân miền Bấc, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho cách mạng miền Nam... Và quả thật, trong khoảng thời gian này, trên cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam, 3 quân chủng là lục quân, không quân và hải quân Mỹ đã có thể đánh phá và uy hiếp những nơi nào mà Mỹ muốn, hòng "dồn đối phương vào chân tường" như nhận xét của nhiều tác giả Mỹ khi đề cập tới cuộc chiến tranh Việt Nam...

-------------------
       1. A cơ là mẫu Anh, bằng 4,050m2.

        2, 3, 4. G.C. Hê-ring: Cuộc chiến tranh dài ngày nhất nước Mỹ, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1998, tr.192, 193.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 08:22:45 am »


        Thế nhưng trải qua hai mùa phản công chiến lược, các biện pháp trên đây không mang lại hiệu quả như Mỹ trông đợi. Ngược lại, qua hơn hai năm trực tiếp đương đầu với lục quân, không quân và hải quân Mỹ, lực lượng, thế trận chiến tranh nhân dân của ta không những không bị tiêu diệt và đẩy lùi mà càng phát triển trên khắp ba vùng chiến lược là rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; ý chí, quyết tâm đánh Mỹ được tăng cường trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc. Lực lượng, thế trận, ý chí, quyết tâm đó cho phép quân và dân ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu thân 1968.

        Trong gần hai tháng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam như những đợt sóng đánh vào 4 trong 6 thành phố lớn, 37 trong số 44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ.

        Tại nhiều đô thị, lực lượng vũ trang ta đã chiếm giữ nhiều nơi trong nhiều ngày, nhiều giờ. Hầu hết các cơ quan đầu não từ trung ương tới địa phương của Mỹ, ngụy bị tiến công. Bộ binh, pháo binh, đặc công, biệt động Quân giải phóng đã đánh mạnh, đánh trúng 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 trong số 11 bộ tư lệnh sư đoàn quân Sài Gòn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ cùng nhiều bộ tư lệnh lữ đoàn, trung đoàn, các tiểu khu, chi khu và hàng trăm căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay bến cảng. Nhiều tuyến giao thông thủy bộ bị chặn cắt, nhiều cơ sở thông tin bị tiến công khiến hoạt động vận chuyển, liên lạc tại nhiều vùng do Mỹ, ngụy kiểm soát bị ngừng trệ. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ, ngụy đã bị cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đầu Xuân Mậu thân 1968 của quân và dân miền Nam phá vỡ, hậu phương, hậu cứ chiến tranh của địch trở thành chiến trường - nơi đọ sức quyết liệt giữa hai bên tham chiến trong nhiều tuần, nhiều tháng.

        Trong cuộc đọ sức đó, bằng lối đánh táo bạo và dũng mãnh, các đơn vị vũ trang Quân giải phóng miền Nam đã tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy, phá hỏng nhiều vũ khí và dự trữ chiến tranh, làm rối loạn hậu phương, hậu cứ an toàn của chúng. Cho đến nay, thương vong của mỗi bên trong dịp Tết Mậu thân đã được một số sách đề cập. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa các con số trong các cuốn sách này là khá lớn. Ví như, cuốn Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975 - những sự kiện quân sự do Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức biên soạn, được xuất bản năm 1988, cho rằng, trong 2 tháng đầu Xuân 1968, có 147.000 sĩ quan và binh lính địch bị diệt (trong đó có 43.000 quân Mỹ). Theo P.B. Đa-vít-xơn trong cuốn sách Những bí mật của chiến tranh Việt Nam xuất bản năm 1992 thì, tại cuộc họp báo ngày 7 tháng 3 năm 1968, Oét-mo-len cho rằng phía Mỹ và đồng minh đã tiêu diệt được 50.000 quân đối phương dịp Tết. Thực ra, trong giao tranh quyết liệt dịp Tết Mậu thân, các bên tham chiến đều bị tổn thất nặng nề so với thời kỳ trước đó. Tuy vậy, con số tổn thất của mỗi bên như các tài liệu nêu trên rõ ràng là quá cao so với thực tế. Gần đây, 2 tác giả Mỹ là J. Stêin và Mc.Lép-sơn trong cuốn Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam - sách do Nxb Chính trị quốc gia và trung tâm báo chí nước ngoài - Bộ Ngoại giao dịch và phát hành - ghi nhận: Năm 1968 "là năm gia tăng ghê gớm số thương vong của Mỹ ở miền Nam. Nó gần gấp 2 lần tổng số thương vong của tát cả các nam trước gộp lại (30.610 so với 16.201)". Cũng theo 2 tác giả này, số binh lính Mỹ bị giết ở miền Nam năm 1968 là 14.589. Chỉ trong 1 tuần từ ngày 10 đến ngày 17 tháng 2 năm 1968, đã có tới 543 lính Mỹ bị bỏ mạng trong các cuộc giao tranh nhằm giành lại quyền kiểm soát các đô thị từ tay Quân giải phóng. "Đó là một trong những tuần thương vong cao nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam"1. Sách cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa của Việt cộng Mậu thân 1968 của Quân đội Sài Gòn xuất bản tháng 8 năm 1968, cho biết con số cụ thể về thương vong của Mỹ, ngụy và chư hầu trong tháng 2 và tháng 3 năm 1968: Quân đội Sài Gòn bị tổn thất 20.977, có 4.909 chết. Quân Mỹ và đồng minh bị tổn thất 24.013, có 4.124 chết). Mặc dù cho đến nay, về số thương vong của mỗi bên vẫn chưa được phía Mỹ và Việt Nam công bố chính xác nhưng có thể khẳng định được rằng: Trong dịp Tết Mậu thân, tất cả các bên tham chiến đều bị hao tổn nặng nề về lực lượng, phương tiện chiến tranh.

----------------------
        1. Sổ tay sự kiện chiến tranh Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - 1993, tr.81.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 08:31:24 pm »


        Tuy nhiên, điều quan trọng khiến cho dư luận Mỹ và thế giới kinh ngạc lại là ở chỗ: Quân giải phóng miền Nam đã có thể mở cuộc tiến công rộng khắp, đồng loạt vào hàng trăm đô thị trên toàn miền và gây cho Mỹ bị nhiều thương vong trong khi họ chi sử dụng một bộ phận lực lượng không nhiều. Theo nhận định của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn lúc đó và được nhiều tác giả Mỹ sau này trích dẫn thì, Bộ chỉ huy Cộng sản đã tung vào một lực lượng ước chừng 67.000 quân trong tổng số 240.000 ở miền Nam Việt Nam... Dàn ra để chống lại họ là 1.100.000 tay súng – 492.000 quân chiến đấu Mỹ, 61.000 quân Nam Triều Tiên, Thái Lan và các nước trong "Thế giới tự do" khác, 342.000 quân thường trực của chính phủ Việt Nam cộng hòa và 284.000 quân địa phương và phòng vệ dân sự. Ngoài ra, Mỹ còn huy động 2.600 máy bay, 3.000 trực thăng và 3.500 xe thiết giáp"1 mong chống đỡ cuộc Tổng tiến công này. Cho dù sự chênh lệch về quân số, hỏa lực, phương tiện chiến tranh là hết sức lớn - nghiêng hẳn về phía Mỹ, nhưng Quân giải phóng miền Nam không những đã phá vỡ tuyến phòng thủ đô thị kiên cố của địch, gây cho chúng những tổn thất nặng nề về sinh lực, phương tiện chiến tranh mà còn ghìm chân được một đội quân đông hơn 1 triệu tên được trang bị hiện đại vào mặt trận đô thị. Mười bảy năm sau "Tết Mậu thân", G. Côn-cô trong Giải phẫu một cuộc chiến tranh đã xem đây là "một trong những bài học cay đắng nhất trong chiến đấu của Mỹ"2.

        Trong khi cuộc tấn công "Tết" đang lên tới đỉnh cao, Uy-lơ - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã báo cáo về Oa-sinh-tơn ngày 17 tháng 2 năm 1968 rằng: Cuộc tấn công ban đầu của Việt cộng đã "gần thành công" ở hàng chục địa điểm. Để tránh được thất bại, Mỹ chỉ có thể có những biện pháp “phản ứng kịp thời". Sự phản ứng kịp thời đó đã buộc quân Mỹ phải sử dụng ồ ạt hỏa lực trọng pháo, máy bay và thiết giáp để san bằng nhiều khu phố, giết hại nhiều dân thường ngay ở giữa hậu cứ hậu phương chiến tranh của chúng. Tại Huế, “hỏa lực Mỹ đã biến 80% thành phố thành gạch vụn". Trọng pháo và máy bay Mỹ còn san bằng một nửa tỉnh lỵ Mỹ Tho - thị xã có 80.000 người dân sinh sống. Thị xã Bến Tre cũng chịu chung số phận.

        “Cần phải hủy diệt thành phố này đế cứu nó". Đó là lời của một viên sĩ quan Mỹ nói trong lúc đang chỉ huy quân Mỹ tàn phá thị xã Bến Tre, ngày 7 tháng 2 năm 1968. Cùng với hình ảnh trùm cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan dí súng vào đầu một chiến sĩ biệt động Quân giải phóng và bóp cò được trình chiếu trên màn ảnh nhỏ vô tuyến truyền hình Mỹ3, lời nói điển hình đó như một hình ảnh thu nhỏ về sự tàn bạo, tính hủy diệt của cuộc chiến tranh mả Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Nó lập tức được phổ biến rộng rãi trên báo chí Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Và, vô hình trung, những hình ảnh và lời nói này đã vạch trần sự trớ trêu đầy mâu thuẫn giữa mục đích và biện pháp của cuộc chiến tranh mà Mỹ đề ra từ ban đầu, hy vọng sẽ chinh phục được "khối óc và trái tim" người dân bản xứ; hy vọng có thể làm cho mọi người tin rằng sự có mặt của Mỹ là nhằm giúp cho nhân dân miền Nam Việt Nam bảo vệ và xây dựng một quốc gia tự do không cộng sản! Như vậy, cho dù sau đó, với quan điểm thuần túy quân sự, Mỹ có đẩy được Quân giải phóng ra khỏi các đô thị và xem đấy là một thắng lợi của mình thì "Tết Mậu thân, thực chất vẫn là một thất bại nặng nể về chính trị của Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Thật chí lý khi mà, ngay trong "Tết Mậu thân", nhiều nhà bình luận Mỹ đã nhận ra rằng: việc ném bom và pháo kích bừa bãi của Mỹ có thể sẽ "đẻ ra nhiều Việt cộng hơn là giết họ"4.

------------------------
        1. Dẫn theo Đôn O-bớc-đoi-phơ: Tết, Sđd, tr.78.

        2. Dẫn theo G. Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđa, T1, tr.287.

        3. Ghi chép sau đây của tác giá Đôn O-bớc-đoi-phơ cho người đọc hình dưng thêm về sự tàn bạo của tên trùm cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan. Theo đó, lúc Nguyễn Ngọc Loan đi về phía khu vực chùa Ấn Quang thì một thủy quân lục chiến Việt Nam bắt một người tình nghi là Việt cộng và trói lại. Người này... chỉ mặc một cái áo ca rô và một cái quần sóc. Tay anh ta bị trói quặt ra sau lưng và bị đánh đập. Người bị bắt bước xuống đường, tiến về phía Loan thì viên tướng này rút súng ngắn ra, vẫy tay xua lính và những người đứng gần tản ra. Người bị bắt đứng cách khoảng 3 hoặc 4 bước, mắt nhìn xuống... Viên tướng đưa cánh tay phải ra và ngón trỏ ấn vào cò. Một tiếng súng nổ. Người bị bắt chân bị trói nên quỵ xuống đường và sau đó ngã sóng soài, máu từ đầu vọt ra, Loan đút súng vào bao và bỏ đi". Chứng kiến từ đầu cảnh tượng đó, phóng viên ảnh Ét-đi A-đam chớp được thời khắc ấy và lập tức gửi bức ảnh về Mỹ. Bức ảnh được phóng to và in trên trang đầu của nhiều tớ báo, tạp chí ở Mỹ và trên thế giới. Cùng với Ét-đi A-đam, phóng viên hãng NBC Võ Sửu cũng đã quay trọn cuộc hành quyết và gửi về Mỹ cuốn phim này. Ngay sau đó, cuốn phim được biên tập và trình chiếu trên chương trình truyền hình, gây xúc động mạnh trong dư luận công chúng Mỹ và thế giới.

        4. Tạp chí Tin Mỹ và Thế giới, ngày 1 tháng 4 năm 1968.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 08:38:20 pm »


        Tại nông thôn đồng bầng và rừng núi, đòn Tổng tiến công “Tết Mậu thân" đã làm cho bộ máy kìm kẹp của chế độ Sài Gòn và 50.000 cán bộ bình định thuộc 555 đội chẳng được ai ngó ngàng tới, làm mục rã một trong những "gọng kìm" của Mỹ. Bởi vì, một khi phần lớn các sinh lực Mỹ bị kìm chân ở đô thị, thì, ngay lập tức lực lượng vũ trang tại chỗ đã hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy diệt ác, trừ gian, giải tán dân vệ, giành quyền làm chủ, mở rộng vùng giải phóng, giáng đòn nặng vào hệ thống chính quyền cơ sở địch ở nông thôn.

        Tại Trị - Thiên, hơn 20 vạn dân thuộc 40 xã, 300 thôn đã phá rã ách kìm kẹp của địch, đưa vùng giải phóng toàn khu lên tới bốn phần năm số thôn.

        Tại Khu 5, Khu 6 đòn tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đã "làm sụp đổ phần lớn bộ máy kìm kẹp của địch” ở nhiều tỉnh đồng bằng vùng duyên hải.

        Tại Tây Nguyên, được hỗ trợ của lực lượng vũ trang, đồng bào nhiều nơi đã phá bung khu tập trung, bỏ về buôn làng cũ làm ăn và xây dựng buôn làng thành các làng chiến đấu.

        Ở Nam Bộ, chính quyền cơ sở địch bị phá rã từng mảng, vùng làm chủ và vùng giải phóng được mở rộng tới sát nhiều thị trấn, quận lỵ...

        Tình hình trên đây đã được chính Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ thú nhận trong báo cáo gửi Giôn-xơn ngày 17 tháng 4 rằng: "Trên một phạm vi rộng lớn, Việt cộng đã nắm quyền kiểm soát nông thôn"... Chương trình "bình định” mà lúc đó Mỹ gọi là "Chương trình phát triển cách mạng" đã bị "thụt lùi nghiêm trọng"1. Vào thời gian này tại Oa-sinh-tơn, Văn phòng Hệ thống phân tích tình hình của Bộ quốc phòng Mỹ đưa ra nhận xét: "Cuộc tấn công Tết hình như đã vĩnh viễn giết chết chương trình bình định". Thậm chí, "do nhận thức sâu sắc thực tế sức mạnh quân sự của Cộng sản và dự kiến những hoạt động sắp tới của họ, một số người Mỹ đã bắt đầu nói đến khả năng thất bại"2 của Mỹ tại Việt Nam. Một quan chức Lầu Năm Góc chịu trách nhiệm nghiên cứu lịch sử cuộc chiến tranh vốn là người có nhiều kinh nghiệm ở Việt Nam đã đánh giá cao khả năng của đối phương dịp Tết Mậu thân và ghi trong bản báo cáo gửi lên cấp trên rằng: "Làn sóng đỏ của ảnh hưởng cách mạng sẽ tràn khắp nông thôn đến tận mép các tỉnh lỵ, quận ly"3. Ông ta cũng dự kiến rằng đến đáng 4 năm 1968, quân đội Sài Gòn sẽ có hiện tượng đào ngũ tập thể, có thái độ hoàn toàn lãnh đạm với chính quyền Sài Gòn, sẽ bắt tay với Cộng sản và trong dân chúng sẽ có biểu tình làm cho tình hình hỗn loạn...

        Sau này, một số tác giả Mỹ trong các công trình nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam cũng gặp nhau ở những nhận thức về thất bại này của Mỹ. Ấy là khi họ đều nhận xét rằng: thật khó mà minh họa được tình hình kiểm soát của mỗi bên ở nông thôn. G.Côn-cô cho biết thêm vào dịp "Tết Mậu thân" từ Oa-sinh-tơn lẫn Sài Gòn dều đã phải nhất trí rằng: "Mặc dù Mặt trận Dân tộc Giải phóng không thành công ở các đô thị, nhưng họ đã thu được những thành tựu ở nông thôn"4. Lời thú nhận từ phía Mỹ, ngụy ở thời điểm "Tết Mậu thân" trên đây đã chứng minh rõ rằng: "Tết Mậu thân" không chỉ đưa chiến tranh vào tận hang ổ của Mỹ, ngụy mà còn là đòn nặng giáng vào chương trình “bình định" trên phạm vi toàn Miền.

        Tình hình đó khiến cho nhiều người Mỹ làm việc trong chương trình "bình định" hoang mang, kinh hãi. Và họ đã tỏ ra ngây thơ trong sự ngạc nhiên khi thấy rằng: "Việt cộng đã vào được tất cả các thành thị để tiến công mà không có một người Việt Nam nào báo cho chính phủ Nam Việt Nam biết”5. Tình hình đó rõ ràng đã là mối đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn - một cơ cấu chính trị mà Mỹ từ lâu đã dựa vào để tiến hành chiến tranh xâm lược kiểu chủ nghĩa thực dân mới. Vì thế, cuối tháng 2 năm 1968, Uỷ ban Clíp-phớt - được thành lập theo sự chỉ định của Giôn-xơn nhằm cứu xét yêu cầu xin tăng viện 206.000 quân của tướng Oét-mo-len và của Hội đồng tham mưu trưởng hên quân Mỹ để ứng phó với đòn tiến công "Tết Mậu thân" - đã nhận thấy rằng: “Sự đáp ứng chính trị không có hiệu quả chính phủ Việt Nam cộng hòa có thể còn giúp cho Việt cộng cải thiện sự nghiệp của họ trong các đô thị cũng như nông thôn"6.

--------------------
        1. Dẫn theo Tài liệu mật Bộ quốc phòng Mỹ, T2, Tlđd, tr.249.

        2, 3. Đôn O-bớc-đoi-phơ: Tết, Sđd, tr.129.

        4. G.Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, T1, tr.289.

        5. Dẫn theo: Trần Văn Giàu: Miền Nam giữ vững thành đồng. Sđd, T5, tr.55.

        6. Dẫn theo G.Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Sđd, T1, tr.303.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 08:49:23 pm »


        "Sự đáp ứng" chính trị mà Mỹ nói ở đây không phải là cái gì khác mà chính là Mỹ giật dây Thiệu - Kỳ - Hương bắt giam các nhân vật đối lập thanh lọc các cơ quan hành chính, ban hành lệnh "tổng động viên" để bắt lính, đôn quân1 và đẩy việc "tổ chức phòng vệ dân sự" lên thành "quốc sách", cấm tụ họp quá 3 người, cấm ra vào các thành phố, phát "thư tố cáo" cho các gia đình... Hậu quả của những "đáp ứng chính trị" đó thực chất lại mang lại kết quả trái với mong muốn ban đầu của Mỹ. Nó càng làm tăng thêm sự thù địch và chống đối của nhân dân miền Nam, thu hẹp hơn cơ sở xã hội của chế độ Sài Gòn và làm suy yếu thêm lực lượng ngụy quân - một lực lượng vốn đã bại trận trước khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, ngày càng lệ thuộc vào sự có mặt của quân đội Mỹ; và ngay trong nhiệm vụ "bình định" nông thôn trước đây nó cũng đã tỏ ra thụ động, bất lực2. Vì thế, người ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy vào lúc "Tết Mậu thân" nổ ra - hơn cả lượng định của quan chức Lầu Năm Góc mà chúng tôi vừa dẫn ra trên đây - tỷ lệ đào ngũ trong quân đội Sài Gòn đạt tới cạnh cao hơn bao giờ hết. Các tiểu đoàn chiến đấu của nó, trong hai tuần đầu của “Tết", chỉ còn một nửa số quân. Sau "Tết", tình trạng đào ngũ tiếp tục tăng lên, đặc biệt trong hàng ngũ binh lính mới3. Cũng từ đây, hiện tượng phản chiến ngày càng phổ biến, không chỉ trong hàng ngũ binh lính mà cả trong hàng ngũ sĩ quan, không chỉ có ở quân đội Sài Gòn mà cả ở quân đội Mỹ - một đội quân mà từ sau tuyên bố ngày 31 tháng 3 năm 1968 của vị tổng thống - tổng tư lệnh Giôn-xơn, đã bước vào thời kỳ thoái chí. Vì thế, hơn lúc nào hết, giờ đây trong các đơn vị quân Mỹ ở miền Nam, tình trạng khủng hoảng tinh thần, buông lỏng kỷ luật, sa sút ý chí chiến đấu trở nên phổ biến và ngày càng trầm trọng. Người ta nhận thấy rằng: "Chính từ năm 1968, đã phổ biến việc sử dụng ma túy và những vụ tấn công sĩ quan bằng lựu đạn" trong các đơn vị quân Mỹ và chủ trương "Việt Nam hóa" chiến tranh không những không ngăn được tình hình này "mà lại còn đẩy mạnh hơn"4. Hãy "tự lo lấy sinh mạng của mình, sống qua thời kỳ này" và cố gắng “đừng là người lính chết sau cùng ở Việt Nam" là tâm lý chung của đội quân viễn chinh Mỹ ở giai đoạn "kiên trì trong cơn ác mộng này"5.

        Như vậy, "Tết Mậu thân" đã phơi bày toàn bộ những yếu kém và bất lực của chính quyền Sài Gòn - một chính quyền mà quân đội và toàn bộ nền kinh tế của nó ngày càng lệ thuộc vào sự có mặt của Mỹ. Không ai ở Sài Gòn và Oa-sinh-tơn có thể tin rằng, một mai quân Mỹ rút, chính phủ Sài Gòn lại có thể tự tồn tại được6. Đó là lý do vì sao dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã bước vào "Tết Mậu thân" một cách tự tin, dũng cảm và quyết liệt đến nhường ấy. Bởi đây là đòn tiến công bất ngờ, với quy mô to lớn, nhằm vào chỗ yếu kém nhất của Mỹ ở miền nam là chính quyền Sài Gòn để làm nản lòng giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn7, đặng đè bẹp Ý CHÍ XÂM LƯỢC của Mỹ.

-------------------------
        1. Lệnh "tổng động viên" này quy định tuổi nhập ngũ của nam giới là từ 18 đến 50. Để bắt lính, chính quyền Sài Gòn đã áp dụng nhiều thủ đoạn và biện pháp như vây ráp các khu dân cư, bắt các nhà sư, đánh trượt phần lớn số học sinh thi tú tài...

        2. Việc Mỹ đẩy quân đội Sài Gòn vào nhiệm vụ "lính giữ nhà", có nghĩa là đảm trách gọng kìm "bình định", sau này đã được nhiều nhà phân tích bình luận rằng: quyết định đó đã làm suy yếu khả năng tác chiến của nó. Hơn nữa, những năm chiến tranh cục bộ, một số "tiến bộ" trong nỗ lực "bình định" nông thôn miền Nam lại đã bị chính các đơn vị quân Sài Gòn phá hỏng. Nhiều nơi, các đơn vị này bắt dân làng phải nộp thuế và tự đặt ra nhiều thứ "lệ phí" khác; ăn cắp cả lợn, gà của nông dân. Thế nên, khi được hỏi nhân tố hàng đầu nào giúp vào việc "bình định" trên địa bàn mình phụ trách, một cố vấn Mỹ lập tức trả lời: Hãy đuổi sư đoàn 22 Việt Nam cộng hòa ra khỏi khu vực đó (!).

        3. Nhiều tác giả Mỹ thừa nhận từ sau “Tết Mậu thân", việc Mỹ thực hiện chiến lược "Phi Mỹ hóa" rồi "Việt Nam hóa chiến tranh" đã đặt gánh nặng quá lớn lên vai quán đội Sài Gòn, làm nảy sinh hiện tượng đào ngũ. Hiện tượng này trở nên phổ biến. Chỉ riêng năm 1969, con số đào ngũ của quân ngụy là 107.000 người.

        4. Lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, bài viết của Laurent Césari, đăng trong Tạp chí Xưa và Nay, số 225, tháng 12 nam 2004.

        5. Dẫn theo Mai-cơn Mác-li-a: Việt Nam - cuộc chiến tranh mười nghìn ngày. Nxb Sự thật, H, 1990, tr.172.

        6. "Tết Mậu thân" đã là đòn nặng giáng vào chính quyền và quân đội Sài Gòn. Về điều này, tác giả cuốn: Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-zơ-ven đến Ních-xơn cho rằng: "Bài học cơ bản của TẾT là: Nam Việt Nam còn rất lâu mới tự đứng vững được với tư cách là một quốc gia không Cộng sản". Từ thực tế đó, Hen-ri Kít-xinh-gơ trong một bài đăng trên tạp chí Đối ngoại tháng 1 năm 1969 đã đi đến kết luận: Sức mạnh quân sự của Mỹ không thể đạt được mục tiêu chính trị ở Nam Việt Nam. "Cho đến nay, Mỹ vẫn không thể nào tạo ra được một cơ cấu chính trị có thể tự tồn tại được ở miền Nam Việt Nam sau khi Mỹ rút đi".

        7. Cuốn Cuộc Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa của Việt cộng của Ban Quân sử Bộ tổng tham mưu Quân lực Việt Nam cộng hòa cũng xác nhận: "Sự thật trong cuộc tổng công kích này, quân địch đã không đánh vào bất cứ một cơ sở Hoa Kỳ nào". Về phía ta, Đại sứ quán Mỹ mãi tới ngày 25 tháng 1 năm 1968 mới được bổ sung vào mục tiêu tiến công của biệt động.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 08:59:06 pm »


        Đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ là mục tiêu quán xuyến của chúng ta. Bởi thế, ngay từ mục tiêu chiến lược ban đầu, Đảng ta không hề ảo tưởng thắng Mỹ trên thế mạnh đơn thuần về quân sự hay tiêu diệt toàn bộ quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam mà đã chủ trương đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng sức mạnh tổng hợp mọi mặt về chính trị - tinh thần, về quân sự, về thế và lực của chiến tranh nhân dân… Sức mạnh đó bắt nguồn từ ý chí gang thép, từ quyết tâm sắt đá của cả một dân tộc không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ ; bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc đầy mưu trí sáng tạo của cha ông trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước1.

        Để phát huy cao độ sức mạnh đó, trong "Tết Mậu thân", Đảng ta đã chủ trương, một mặt, đánh mạnh đồng loạt vào các thành phố, các cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy bằng lực lượng tại chỗ để gây "cú xốc" mạnh, tác động nhanh tới ý chí xâm lược của Mỹ, mặt khác, rất chú trọng tới lực lượng nổi dậy đồng loạt của quần chúng ở nông thôn và đô thị. Việc tấn công đồng loạt vào các đô thị đã buộc toàn bộ lực lượng Mỹ đang từ thế phản công "tìm diệt" chủ lực Quân giải phóng và cơ quan đầu não của Cách mạng miền Nam phải dồn về mặt trận đô thị, lâm vào thế phòng ngự bị động chống đỡ. Tình hình quân Mỹ đã như vậy, nên lực lượng "Việt Nam cộng hòa" trong dịp "Tết Mậu thân" cũng lâm vào thế thủ co cụm quanh các thành phố, thị xã và thị trấn khiến cho Uy-lơ - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã phải kêu gọi chính phủ Sài Gòn đưa quân đội đánh thốc ra vùng ven và vòng ngoài để giải tỏa áp lực cho Sài Gòn và các đô thị khác đang bị đối phương vây hãm. Thế nhưng, quân đội "Việt Nam cộng hòa" - theo chính lời họ nói - đang ở trong tình thế khó xử, vì họ không thể nào đối phó được với bất kỳ cuộc tấn công nào của "địch" vào các thành phố. Trong tình huống như vậy, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (M.A.C.V) buộc phải dốc hết lực lượng của mình để giải quyết vấn đề hòng làm giảm áp lực của đối phương ở các đô thị, các căn cứ quân sự, các đầu mối giao thông. Nhưng quan trọng hơn còn là ở chỗ, từ “Tết Mậu thân", Mỹ đã phải huy động toàn bộ 50% quân số ra các mặt trận phía Bắc để đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra ở đây. Và việc này lại đặt Mỹ trước một tình thế khó khăn mới là lực lượng dự bị của Mỹ trên chiến trường đã bị tước đi quá mỏng. Điều đó sẽ rất nguy hiểm cho Mỹ nếu như Khe Sanh, Huế, Quảng Trị, Tây Nguyên và Sài Gòn lại bị đồng loạt tiến công. Vì những lẽ đó, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ước tính là cần phải xin tăng gấp 206.000 quân Mỹ sang Việt Nam vừa để giúp đỡ và khuyến khích quân đội Sài Gòn rời các thành phố, thị xã và thị trấn trở lại nông thôn, vừa để tăng cường khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công kiểu "Tết Mậu thân" của đối phương. Việc xin tăng quân Mỹ vào miền Nam làm nổ ra sự tranh cãi gay gắt ở trong giới chức cao cấp Oa-sinh-tơn đến mức mà một số thành viên chính phủ Mỹ đã phải thẳng thừng nói rằng: ông Oét-mo-len không được sợ thua nếu yêu cầu xin thêm quân của ông ta không được Oa-sinh-tơn chấp thuận2, Oét mo-len viết: tôi trình bày nhu cầu tăng quân không phải bởi vì tôi sợ thua trận nếu không được tăng cường, nhưng bởi lẽ tôi không cảm thấy có thể hoàn toàn nắm thế chủ động bởi vì địch vừa mới tàng cường lực lượng của họ. Mặt khác, một sự thất bại có thể xảy ra nếu tôi không được tăng cường lực lượng và rất có thể chúng ta sẽ bị lấn chiếm ở các khu vực khác nếu tôi buộc phải thực sự tăng quân vào vùng 1 chiến thuật"3. Vào giữa tháng 3 năm 1968, đề nghị tăng thêm quân của Oét-mo-len và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã bị bác bỏ. Điều đó có nghĩa là Mỹ không thể có quân số cần và đủ để tiếp tục theo đuổi chiến lược "tìm và diệt" như trước đây. Chính vì vậy mà từ sau Tết Mậu thân, quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường miền Nam chuyển sang làm nhiệm vụ chiếm đóng, phòng thủ, thực hiện chiến lược quân sự "quét và giữ".

        Thế là sau bao năm tháng không "tìm diệt" được chủ lực Quân giải phóng miền Nam, quân Mỹ lại phải quay sang làm nhiệm vụ "linh giữ nhà" của quân đội Sài Gòn trước kia để tránh bị thương vong cao, để đẩy dần đội quân này ra trận trực tiếp đương đầu với chủ lực Quân giải phóng4!

------------------------
        1. Về điều này, ngay từ tháng 8 năm 1967, đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Lê Duẩn đã viết: "Phải thấu hiểu con người Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam, có quyết tâm làm cách mạng đến cùng thì mới đánh giá được đúng sức mạnh to lớn đó" (Bài đăng trong Tạp chí Quân đội nhân dân, tháng 3 năm 1967).

        2. Trong bản phúc trình gửi Uy-lơ (Wheeler) - đại tướng, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, ngày 12 tháng 2 năm 1968.

        3. Văn kiện của Bộ tư lệnh viện trợ quân sự, số 02018, 1218282 tháng 2 năm 1968. Dẫn theo H.Y. Schandler: Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ... Sđd, tr.181.

        4. Trong tổng số 300 tiểu đoàn chủ lực Mỹ, ngụy và chư hầu lúc bày giờ trên chiến trường miền Nam, có xấp xỉ 61% trong số đó, bao gồm 52 tiểu đoàn Mỹ, 107 tiểu đoàn ngụy, 23 tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên, Thái Lan... được triển khai xung quanh các thành phố lớn miền Nam. Tại Sài Gòn và Đà Nẵng, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ bố trí 3 lớp phòng thủ theo chiều sâu. Đó là sự kết hợp giữa bộ binh với hỏa lực của pháo binh và không quân, giữa lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động, giữa các lớp hàng rào với hỏa lực bắn chặn... Mục đích của Mỹ khi chuyển sang chiến lược "quét và giữ” là nhằm tránh cho quần Mỹ đỡ bị Quân giải phóng tiến công, là nhằm ngăn chặn và đẩy lùi mọi cuộc tiến công kiểu "Tết Mậu thân"... Tuy nhiên, hiệu lực thực tế của chiến lược quân sự này vẫn không hề mang lại kết quả như giới lãnh đạo Mỹ hy vọng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2017, 09:09:21 pm »


        Thế nhưng, việc chuyển sang chiến lược quân sự "quét và giữ" trên đây, trên thực tế, cũng không mang lại thay đổi là bao so với tính toán của Mỹ. Bởi vì, từ sau "Tết Mậu thân", các đô thị trên toàn miền Nam vẫn bị Quân giải phóng tiến công, số lính Mỹ 'bị thương vong ngày càng nhiều Người ta thấy được rằng, tổng số lính Mỹ bị diệt trong năm 1968 lên tới đinh cao chưa từng thấy trong lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ...

        Như vậy với “Tết Mậu thân”, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã giành được những kết quả to lớn: tiêu hao, tiêu diệt thiếu sinh lực địch; phá hủy, phá hỏng nhiều phương tiện chiến tranh; phá rã chính quyền cơ sở địch ở nhiều vùng nông thôn; phá vỡ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ, ngụy trên quy mô toàn miền; làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng ở miền Nam Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn là sự kiện "Tết Mậu thân" đã như một phép thử nhiệm màu làm phơi bày toàn bộ những mâu thuẫn mà Mỹ, ngụy đã không sao khắc phục được trong đường lối và cách thức điều hành chiến tranh; phơi bày toàn bộ sự thất bại về quân sự, chính trị của Mỹ trong suốt những năm chiến tranh cục bộ. Không phải đợi đến sau này mà ngay trong Tết Mậu thân, Cục tình báo trung ương Mỹ (C.I.A) cũng buộc phải thừa nhận rằng "những người Cộng sản đã đạt được các mục tiêu quân sự, chính trị và tâm lý lớn. Họ đã kiểm soát được những vùng nông thôn mới rộng lớn, đập tan hệ thống chính trị, kinh tế và quân sự của Việt Nam cộng hòa và ít ra là liên hệ được với khu vực đô thị một cách trực tiếp hơn và có tác dụng hơn1. Và: Cuộc tiến công của cách mạng đã thành công với một mức độ trọng yếu trong tất cả các mục tiêu ban đầu cửa mình, trừ cuộc khởi nghĩa ở đô thị"2. Thành công đó của "Tết Mậu thân" đã giáng một đòn quyết liệt vào ưu thế của quân đội Mỹ trên chiến trường Việt Nam, làm suy giảm vị trí và ảnh hưởng của chính quyền và quân đội Sài Gòn cả ở thành thị lẫn nông thôn, khiến cho giới lãnh đạo cao cấp Oa-sinh-tơn phải bàng hoàng, sửng sốt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm lập nước của mình, khả năng Mỹ có thể bại trận - mà lại là bại trận ở một nước nhỏ bé, yếu kém về kinh tế và về vũ khí trang bị, kỹ thuật chiến tranh - là chiến trường Việt Nam, đã hiện ra trước mắt nhân dân Mỹ.

        2. Những chấn động dữ dội giữa lòng nước Mỹ

        Thực ra, không phải đợi đến "Tết Mậu thân" mà như ở chương I đã trình bày, ngay từ khi Mỹ đem quân kéo vào miền Nam Việt Nam, đến năm 1968, Mỹ đã gặp nhiều lúng túng, giới lãnh đạo quân sự Mỹ đã bị đặt trước ngã ba đường, "tiến thoái lưỡng nan", không thể đánh theo bài bản định sẵn của Mỹ. Và điều này đã làm cho chính giới Mỹ nhiều lúc đã có ý xem xét lại đường lối quân sự và biện pháp chiến lược của Mỹ ở Việt Nam. Chính thế mà "Tết Mậu thân" đã như giọt nước cuối cùng làm tràn đầy cốc nước - làm bộc lộ sự phân hóa mạnh mẽ trong chính giới Mỹ. Người ta thấy từ những ngày đầu, khi cuộc tấn công "Tết Mậu thân" vừa xảy ra, nhiều nhà hoạt động chính trị Mỹ đã ý thức được ngay rằng: cuộc tấn công "Tết Mậu thân" chứng tỏ Mỹ hoàn toàn không kiểm soát được gì đất nước này"3, "Tết chứng tỏ nhân dân Việt Nam ủng hộ kẻ thù của Mỹ"4 (Lời của E.Mc. Các-ti, G.Rôn-nây, R.Ken-nơ-đi. Dẫn theo Đôn O-bớc-đoi-phơ: TẾT. Sđd, tr.116), “Tết đã đập tan cái mặt nạ của những ảo tưởng chính thức từng che đậy không cho Mỹ nhìn thấy hoàn cảnh thực của Mỹ"5 (Lời của E.Mc. Các-ti, G.Rôn-nây, R.Ken-nơ-đi. Dẫn theo Đôn O-bớc-đoi-phơ: TẾT. Sđd, tr.116) ở Việt Nam. Thế nên, khi "cái mặt nạ của những ảo tưởng" đó bị "Tết Mậu thân" đập tan, mâu thuẫn trong tập đoàn cầm quyền Mỹ vốn đã gay gắt, lại càng gay gắt thêm.

---------------------
        1, 2. Nhận định của CIA, ngày 10 tháng 2 nam 1968. Dẫn theo G.Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiên tranh. Sđd, T1, tr.288.

        3, 4, 5. Lời của E.Mc. Các-ti, G.Rôn-nây, R.Ken-nơ-đi. Dẫn theo Đôn O-bớc-đoi-phơ: TẾT. Sđd, tr.116.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 08:54:28 pm »


        Cuộc đấu tranh nội bộ diễn ra trong chính quyền Mỹ, ngay từ đầu là việc xoay quanh các giải pháp cấp thời nhằm ứng phó với “Tết Mậu thân". Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho rằng: phải gửi thêm quân sang Việt Nam. Nhưng mâu thuẫn là ở chỗ: khi gửi bất kỳ một người lính nào, Mỹ cũng phải tìm cho được giải pháp tối ưu để không làm nóng thêm lực lượng dự bị chiến lược vốn đã đến giới hạn nguy hiểm. Giải pháp đó, giờ đây, chỉ có thể là gọi lực lượng trù bị vào quân đội. Đó là điều Tổng thống Mỹ Giôn-xơn trong suốt 3 năm leo thang chiến tranh đã tìm mọi cách né tránh để tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội và dư luận công chúng. Thế nhưng, Mắc-na-ma-ra vẫn cho sang miền Nam Việt Nam 10.500 quân và khuyên Tổng thống Giôn-xơn không gọi lực lượng trù bị nhập ngũ.

        Cho đến thời điểm đó, Mắc-na-ma-ra vẫn là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ mặc dù ba tháng trước, vào ngày 28 tháng 11 năm 1968, ông đã được Tổng thống Mỹ Giôn-xơn thông báo sẽ để ông thôi giữ chức, rời Lầu Năm Góc để sang Ngân hàng thế giới. Là người can dự trực tiếp vào chính sách của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cho đến những tháng cuối của năm 1966, đầu năm 1967, Mắc-na-ma-ra bắt đầu tỏ ra "vỡ mộng" về một thắng lợi nhanh chóng của Mỹ tại đất nước này. Ông phản đối yêu cầu tăng quân và mở rộng phạm vi ném bom, phong tỏa cảng Hải Phòng của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Oét-mo-len. Trong bức thư đề ngày 1 tháng 11 năm 1967 gửi Giôn-xơn, ông đã trình bày nhận thức của mình về vấn đề này. Theo đó - như lời ông trong cuốn hồi ký Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, ông đã "đi đến kết luận và nói thẳng với tổng thống rằng, chúng ta không thể đạt được mục tiêu ở Việt Nam bằng biện pháp quân sự nào, và vì thế chúng ta phải tìm kiếm một mục tiêu chính trị nhỏ bé hơn thông qua đàm phán. Tổng thống Giôn-xơn không sẵn sàng chấp nhận điều đó”. Không làm cho Giôn-xơn thay đổi nhận thức về cuộc chiến mà Mỹ đang sa lầy ở Việt Nam, nhưng bức thư ngày 11 tháng 11 năm 1967 của Mắc-na-ma-ra lại đã như chính lời của ông, "làm căng thẳng mối quan hệ giữa hai người (Giôn-xơn và Mắc-na-ma-ra) vốn rất yêu mến và tôn trọng nhau, đi đến chỗ tan vỡ"1.

        Ngay sau khi tết Mậu thân" nổ ra, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Oét-mo-len hối thúc Giôn-xơn tăng quân sang miền Nam Việt Nam. Nhưng vấn đễ là ở chỗ: họ yêu cầu tổng thống phải gọi quân trù bị trước khi gửi bất cứ đơn vị nào sang miền Nam Việt Nam. Làm như vậy, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân muốn nước Mỹ cam kết dấn sâu hơn vào cuộc chiến này để giành chiến thắng.

        Giữ vững quan điểm của mình, Mắc-na-ma-ra một mặt vẫn gửi sang miền Nam Việt Nam 10.500 quân ứng phó cấp thời với "Tết Mậu thân” và mặt khác, khuyến nghị Giôn-xơn không động viên quân trù bị. Ông xem đó như một cử chỉ phản đối thái độ hiếu chiến của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và Oét-mo-len2.

        Nhằm ứng phó với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ và tướng Oét-mo-len yêu cầu được tăng viện thêm 206.756 quân vào miền Nam - bao gồm 3 sư đoàn bộ binh, 15 phi đoàn máy bay chiến thuật cùng một số phi đoàn khác bổ sung cho lực lượng quân Mỹ hiện tại đang làm nhiệm vụ ở Việt Nam. Điều đó có nghĩa là Mỹ phải công khai đặt đất nước vào trạng thái có chiến tranh, đẩy quy mô chiến tranh lên mức độ mới mà hậu quả sẽ ra sao thì chính quyền Mỹ, cho đến tháng 2 năm 1968, vẫn chưa lường định được. Dễ hiểu vì sao giới chức cao cấp Mỹ đã phải sững sờ khi nhận được đề nghị xin tăng viện; Giôn-xơn phải cử người bạn thân cận là Clác Clíp-phớt - người vừa được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ thay Mắc-na-ma-ra, chủ trì một ủy ban bao gồm những nhà lãnh đạo cao cấp của Mỹ để nghiên cứu yêu cầu tăng viện của tướng Uy-lơ và Oét-mo-len vào thời điểm ấy. Ông Các Clíp-phớt từng phục vụ tại Nhà Trắng, dưới thời Tổng thống Mỹ Tru-man, từ tháng 5 năm 1945 đến tháng 2 năm 1950 với tư cách là cố vấn đặc biệt. Là người có mối quan hệ rộng rãi với giới kinh doanh lớn ở Mỹ, người rất nhạy bén về chính trị nên ông được cả Tổng thống Mỹ J.Ken-nơ-đi và tiếp đó là Tổng thống L.Giôn-xơn đặc biệt tín nhiệm. Trước "Tết Mậu thân 1968", ông là một trong số rát nhiều người ủng hộ mạnh mẽ chính sách leo thang chiến tranh của Giôn-xơn.

----------------------
        1. R.S. Mắc-na-ma-ra: Nhìn lại quá khử - tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, tr.306.

        2. Trong hồi ký, Mắc-na-ma-ra ghi nhận: "Ngày 27 tháng 2 năm 1968, hoạt động chính thức cuối cùng của tôi, trong vấn đề Việt Nam là phản đối việc Westy (tức Oét-mo-len) nhắc lại đề nghị đưa thêm 200.000 quân trên cơ sở kinh tế, chính trị và đạo đức" (Sđd, tr.309).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2017, 09:02:51 pm »


        Cuối tháng 11 năm 1967, bình luận với Giôn-xơn về đề nghị ngừng ném bom miền Bắc để mở đường cho khả năng tiếp xúc với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Mắc-na-ma-ra, Các Clíp-phớt đã mạnh mẽ khẳng định: "Việc ngừng ném bom không điều kiện mà không có cố gắng nào để đòi hỏi một sự đáp ứng tương xứng, liệu có làm cho Hà Nội tin rằng chúng ta kiên quyết và không nhân nhượng trong niềm tin buộc họ phải từ bỏ ý đồ xâm lược không? Cáu trả lời lớn tiếng và đanh thép sẽ là "Không"1!. Quan điểm này của Các Clíp-phớt cũng là quan điểm của nhóm cố vấn cấp cao "Những nhà thông thái" trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ Giôn-xơn cuối tháng 11 năm 1967. Tại cuộc họp này, chỉ trừ ông Gioóc-giơ Bon (George Ball), còn tất cả các thành viên của nhóm đã "nói với Tổng thống là ông đang đi đúng đường và tổng thống rất hài lòng... Mỹ đang thắng cuộc và không nên thay đổi. Dường như Mỹ sẽ chiếm ưu thế, do đó nên duy trì áp lực," bằng cách tiếp tục leo thang đánh phá miễn Bắc và giữ vững cam kết của Mỹ ở miền Nam2.

        Ngay từ phiên họp đầu, thay vì việc bàn bạc vấn đề tăng quân, giới chức Mỹ đã quay sang kiểm điểm toàn bộ chính sách chiến tranh và chiến lược quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Sở dĩ có sự thay đổi trong cách thức tiếp cận đối tượng như thế là bởi giờ đây, việc tăng quân không còn đơn thuần chỉ gói gọn và xoay quanh vấn đề là lấy lực lượng nào để gửi sang Việt Nam mà không cần phải động viên đến các lực lượng dự bị của Hoa Kỳ... như những lần trước đây. Quả thật, giờ đây, dưới tác động dữ dội và rộng lớn của "Tết Mậu thân" - như chính ông Clíp-phớt sau này nhắc lại, "toàn bộ đối tượng của công tác nghiên cứu, tìm hiểu đã bắt đầu thay đổi"3. Theo ông, "khi chúng tôi bắt đầu nói đến ảnh hưởng của việc gửi 206.000 quân, đến việc gọi nhập ngũ lực lượng dự bị cần thiết, đến tính cách bấp bênh của đồng đô la, chúng tôi thấy là đang đứng trước hậu quả của việc ấy đối với đất nước sẽ thực sự vô cùng to lớn. Chỉ riêng các vấn đề tài chính đã là khủng khiếp rồi"4.

        Kiểm điểm chính sách Việt Nam và chiến lược quân sự mà nước Mỹ đang triển khai thực hiện trên chiến trường này, lẽ đương nhiên, những người trong Ủy ban Clíp-phớt buộc phải quay về với những mục tiêu ban đầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trên vấn đề này, phụ tá Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, ông A-len E-thô-ven (Alain Enthoven) đã phác họa ra một bức tranh ảm đạm. Theo đó, lúc đầu, vào năm 1965, khi tung những đơn vị quân Mỹ vào miền Nam vào leo thang đánh phá miền Bắc, mục tiêu thứ nhất đã được công bố của Mỹ là gây khó khăn và tốn kém càng nhiều càng tốt cho Bắc Việt Nam nếu họ muốn tiếp tục yểm trợ có hiệu quả cho Việt cộng, và buộc Bắc Việt Nam phải chấm dứt việc chỉ đạo cuộc nổi dậy của Việt cộng. Thế nhưng, theo E-thô-ven, "trong khi buộc Bắc Việt Nam phải trả giá đắt thì người ta vẫn thấy là họ không thiếu khả năng để đối chọi với mỗi lần leo thang mới của Hoa Kỳ. Chiến lược "tiêu hao" của Mỹ đã không hiệu nghiệm. Gửi thêm 206.000 quân Mỹ vào lực lượng 525.000, 17 tiểu đoàn và 70 máy bay chiến đấu rõ ràng là tiêu phí thêm cho Hoa Kỳ 10 tỷ đô la mỗi năm, sự kiện đó sẽ nêu lên câu hỏi là ai sẽ gây tốn kém cho ai"5. Còn mục tiêu thứ hai là mở rộng quyền điều khiển và kiểm soát toàn cõi Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn thì, "cuộc tấn công vào dịp Tết không những đã chứng minh là Hoa Kỳ không bảo vệ được một cánh hữu hiệu, mà còn chứng nhận rằng, chính phủ và quân lực Việt Nam cộng hòa không thực hiện được những tiến bộ thực sự trong công tác bình định bước đầu thiết yếu trên con đường mở rộng uy quyền, sự điều khiển và kiểm soát của chính phủ Nam Việt Nam"7.

----------------------
        1. Dẫn theo H.Y. Sehandler: Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ: L.Johnson và Việt Nam. Nxb T.p Hồ Chí Minh, 1999, tr.232.

        2. Sách trên, tr.233.

        3. Phỏng vấn trực tiếp ông Chác Clíp-phớt ngày 10 tháng 11 năm 1972 của tác giả Schandler, trong Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Sđd, tr.249.

        4. Phỏng vấn trực tiếp ông Chác Clíp-phớt ngày 10 tháng 11 năm 1972 của tác giả Schandler, trong Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ Sđd, tr.249.

        5. Văn phòng trợ lý Bộ trưởng quốc phòng các vấn đề an ninh, bản thảo bị vong lục: Sự lựa chọn về chiến lược, ngày 29 tháng 2 năm 1968. Dẫn từ H.Y. Schandler, Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ... Sđd, tr.253, 254.

        6. Văn phòng trợ lý Bộ trưởng quốc phòng các vấn đề an ninh, bản thảo bị vong lục: Sự lựa chọn về chiến lược, ngày 29 tháng 2 năm 1968. Dẫn từ H.Y. Schandler, Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ... Sđd, tr.253, 254.

        7. Văn phòng trợ lý Bộ trưởng quốc phòng các vấn đề an ninh, bản thảo bị vong lục: Sự lựa chọn về chiến lược, ngày 29 tháng 2 năm 1968. Dẫn từ H.Y. Schandler, Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ... Sđd, tr.253, 254.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM