Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 10:30:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên  (Đọc 19211 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:41:48 am »


Khám thi hài Cấn thì quả như lời Sĩ đã khai. Lúc chết Cấn mặc một bộ quần áo vải vàng, ngoài khoác một chiếc áo nhuộm chàm, đầu đội mũ dạ, chân đi giày lính Tây, đầu gối một chiếc khăn xám. Trong chăn có một số đồ dùng cá nhân. Bọn Pháp cho Tường nhận đúng đấy là thi thể Cấn rồi cho ô tô mang thi thể Cấn về Thái Nguyên.

Quan năm Me-ác tiếp được tờ bẩm liền về trình lại quan thống sứ rồi cả hai người này đều đi ô tô lên Thái Nguyên. Sau khi mổ thi thể của Đội Cấn ra, chúng lấy lại gan, mình Cấn cho đem chôn còn đầu Cấn thì cho tẩm thuốc rồi bêu qua những chỗ có nhiều người qua lại để làm gương cho những người làm loạn và cũng là để tỏ cho quần chúng biết.

Sau khi Cấn chết, đồng đảng của Cấn cũng còn nhiều nhưng điều cốt yếu nhất là bọn giặc muốn bắt Cấn, giết Cấn thì nay Cấn đã chết, chính phủ cũng chẳng phải nhọc lòng lưu ý đến nữa, vì vậy ông Me-ác chỉ để riêng ra 100 người lính và một ít tuần trang đi tiêu trừ những đồng đảng của Cấn. 150 người này cũng chia ra làm ba toán như trên đã kể và những toán quân này đều dưới quyền của ông Rây-nê.

Sáng 19 tháng 1 năm 1918 có người về báo đồng đảng của Cấn hiện giờ vẫn còn ở làng La Bằng. Được tin này ông Rây-nê báo cho toán C biết và tức khắc về ngay làng La Bằng đuổi bắt những đồng đảng còn lại của Cấn. Đang khi quân của chính phủ đánh nhau với đồng đảng thì Cai Xuyên cho quân đến cứu nên toán C thôi không đánh nhau nữa.

Lại nói về Cai Xuyên, lúc qua một khu rừng ở La Bằng thì gặp một người cháu tên là Áo, tên này đã về hàng Rây-nê rồi. Khi chú cháu gặp nhau Áo có khuyên chú nên trở về hàng chính phủ để cho tấm thân được an nhàn, còn nếu cứ làm như thế thì e rằng cứ tiếp tục phải chạy trốn nay đây mai đó sẽ thêm khổ. Khi hai chú cháu Xuyên đang nói chuyện với nhau thì có một tên quan tỏ ý không bằng lòng trước những lời của Áo. Hắn tức khắc chém chết ngay tên quan và mang thủ cấp về nộp cho ông Rây-nê. Thấy cảnh tượng đó Xuyên biết là không thể một lòng sắt đá được đành phải về hàng quân của chính phủ.

Tình đồng đảng của Cấn giờ đây chỉ còn có Đội Giá, Tư Lùn, Ba Môn, Đương Văn Khâu, Nghi và Đàm là những tay đáng cho quân Pháp phải nể mặt.

Ngày 19 tháng 2 năm 1918 ông Rây-nê cho toán B đi về Phú Bình, còn hai toán A và C thì đi về mạn Bảo Năng, Hồ Mai, Phán Mệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:42:07 am »


Đêm 20 tháng 2 năm 1918, toán C chia thành hai toán nhỏ hơn. Một toán do ông Um-bê chỉ dẫn, còn một toán nữa thì do Đội Uôm trông coi, còn bao nhiêu quân khác thì kéo về Phú Bình chỗ quân của Đội Giá. Chúng giữ hết gia nhân thân thích của Đội Giá, quật hết mồ mả tổ tiên của Đội Giá lên. Được tin này Giá căm giận vô cùng nhưng nếu không chịu theo chúng thì cả gia tộc nhà Giá bị liên lụy theo, vả lại bản thân Giá cũng khó lòng giữ được. Vì vậy Giá đã làm giấy kêu ông Rây-nê cho mình được ăn tết xong rồi sẽ ra hàng. Ông này được tin thì đồng ý ngay nhưng vẫn cảnh giác và canh chừng Giá vô cùng.

Đến mùng 3 tháng 3 năm 1918, Đội Giá đưa ba tên đồng đảng, ba khẩu súng trường, một cái ống nhòm, 221$ ra nộp cho ông Rây-nê.

Theo lời Giá nói cho ông Rây-nê thì hiện quân của Cấn còn sáu tên nữa. Sáu tên này đã giúp Cấn rất nhiều việc và hiện giờ còn hành hung dữ dội ở các vùng nhà quê. Trong sáu tên đó có Dương Văn Khâu, Nghi, Tư Lùn và Ba Môn là quân của Giá nhưng khi thấy Giá muốn ra hàng chính phủ thì đã bỏ đi rồi. Ông Rây-nê cho rằng đã diệt cỏ thì phải diệt tận gốc nên cho quân đi lùng sục và kết cục sáu đồng đảng của Cấn cuối cùng chẳng có một người nào được yên thân cả.

Cấn khởi loạn Thái Nguyên đúng đêm 30 rạng ngày 31 tháng 8 năm 1917 đến ngày 29 tháng 3 năm 1918 thì những đồng đảng cuối cùng của Cấn cũng bị bắt.

Kết thúc một cuộc khởi nghĩa lừng danh. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng là một đòn đánh ghê gớm vào sào huyệt bọn giặc Pháp, khiến chúng phải mất bao nhiêu công sức, tiền của, vũ khí để đánh bại quân của Đội Cấn. Cuộc khởi nghĩa này cũng chứng tỏ với thực dân Pháp một điều rằng: Chúng đã đưa ra một đường lối vô cùng sai lầm trong chiến tranh ở Việt Nam đó là đã "Dùng người Việt đánh người Việt". Cuộc khởi nghĩa thất bại do nhiều nguyên nhân khách quan trong thời điểm lúc bấy giờ bởi ta chưa có một Đảng chính thức cầm quyền. Mọi tổ chức đấu tranh vẫn còn lỏng lẻo nhưng đây cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh và báo hiệu cho những cuộc khởi nghĩa tiếp theo sẽ rực rỡ huy hoàng hơn. Cuộc đời Đội Cấn khép lại nhưng đây là tấm gương của lòng quả cảm, đức hy sinh lớn lao của người anh hùng dân tộc xứng đáng cho con cháu ngàn đời phải noi theo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:42:50 am »


Câu hỏi 19: Hãy nêu những bài học rút ra từ cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên?
Trả lời:


Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên thất bại do nhiều nguyên nhân. Nhưng đây là một cuộc khởi nghĩa binh lính lớn nhất từ trước tính đến năm 1917. Tham gia cuộc khởi nghĩa này còn có đông đảo nhân dân của các địa phương. Tất cả điều đó chứng tỏ rằng: Tinh thần dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước là bất diệt trong thẳm sâu tâm hồn người Việt Nam cho dù họ đứng ở vị trí nào trong xã hội.

Xét về phương diện thuần túy quân sự, việc nghĩa quân cố thủ Thái Nguyên để chờ quân tiếp viện quả thực là một sai lầm, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của cuộc khởi nghĩa. Tại sao vậy? Tỉnh lỵ Thái Nguyên là nơi trấn ngự cả phía tây bắc. Kẻ thù hiểu rất rõ địa thế nơi đây nên không thể nào để cho nghĩa quân tồn tại dẫu chỉ là một thời gian như kiểu Yên Thế của Hoàng Hoa Thám. Trong điều kiện sức ta và địch có sự chênh lệch lớn như vậy, khi cố thủ ở Thái Nguyên, nghĩa quân bị cô lập, gặp khó khăn và thất bại là điều đương nhiên.

Việc trông chờ ngoại viện của Lương Tam Kỳ, Quách Cự và Việt Nam Quang Phục hội từ ngoài về biểu lộ nhãn quan chính trị hạn hẹp của chỉ huy nghĩa quân mà đứng đầu là Trịnh Văn Cấn. Ngoài ra khởi nghĩa Thái Nguyên không tạo được thế liên tục tấn công, dầu chỉ là giành giật những thắng lợi nhỏ mà chuyển vào phòng ngự công sự ở một địa bàn không thật hiểm yếu, thì khó tránh khỏi những thất bại bởi phòng ngự là con đường chết của khởi nghĩa vũ trang.

Về chiến thuật, nghĩa quân không chiếm cứ và quản lý ngay nhà bưu điện khi khởi nghĩa nổ ra vì vậy địch đã dùng cơ quan thông tin lợi hại đó để báo tin về cấp chỉ huy tối cao. Chúng sớm bố phòng nghiêm ngặt khi nghĩa quân bị bao vây và tiến công. Chúng có những kế hoạch rất hợp thời để tiêu diệt bằng được nghĩa quân trong khi nghĩa quân của ta lại chưa có thời gian củng cố và xây dựng lực lượng.

Có lẽ đây là những thiếu sót đáng kể nhất mà nghĩa quân của Đội Cấn mắc phải, suy cho cùng là hạn chế của lịch sử, hạn chế của giai cấp. Dù không thành công, nhưng bằng máu của mình, những người khởi nghĩa đã góp phần tô thắm thêm cho trang sử truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:43:27 am »


Tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tư do là một truyền thống lớn, nổi bật và xuyên suốt trong lịch sử dân tộc ta.

Hồ Chủ tịch đã từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. (Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II, 1951). Quả thật, lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử giai đoạn 1914-1918 nói riêng đã thể hiện đậm nét và chân thực tất cả những điều đó. Trong một điều kiện vô cùng khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Trong khi giặc Pháp đang tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong biển máu, thì những con người như Trịnh Văn Cấn, Lương Ngọc Quyến... lại là những người chiến sĩ quả cảm, dám đương đầu và cùng với anh em binh lính, dám chống đối lại cả một nền chuyên chính mà Pháp đã dày công xây dựng. Ngoài tinh thần độc lập tự chủ, ngoài ý chí và niềm tin vững chắc vào một tương lai tươi thắm của vận mệnh dân tộc thì đây chính là lòng yêu nước nồng nàn đã ăn vào tiềm thức, đã chảy trong huyết quản của mọi người dân Việt Nam.

Qua câu chuyện về cuộc đời Trịnh Văn Cấn, Lương Ngọc Quyến... Và những thất bại đau đớn của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên chúng ta có thể rút ra những bài học xác đáng như sau:

1. Cần phải kết giao với những người bạn tốt:

Con người không thể không có bạn bè, nếu không sẽ không thể sinh tồn và phát triển được, đồng thời về mặt tinh thần cũng sẽ cảm thấy vô cùng cô độc. Trong "Lễ ký, học ký" có viết: "Học mà không có bạn, thì sự hiểu biết cũng sẽ nông cạn, phiến diện”. Một số câu ngạn ngữ của các dân tộc khác trên thế giới cũng dùng cách nói sinh động và hình tượng để làm toát lên tầm quan trọng của bạn bè như: "Không có bạn bè thi cuộc sống sẽ giống như không có ánh mặt trời" (Ngạn ngữ Pháp). Hay "Nhìn xung quanh không có một người bạn, thì gặp người khác không dám ngẩng đầu lên" (Ngạn ngữ Thụy Điển). Người Ý có câu "Không có bạn bè, lại không có anh em, thì chẳng khác nào cánh tay bị cong, mềm yếu không một chút sức lực".

Kết bạn có hai lợi ích thấy rõ nhất. Lợi ích thứ nhất là nhận được sự trợ lực, giúp đỡ cho sự nghiệp của mình từ những người bạn. Trịnh Văn Cấn là người tài giỏi, có ý chí, có lòng yêu nước căm thù giặc cao độ. Ông đã biết tìm đến người bạn có trí tuệ như Lương Ngọc Quyến mà cùng nhau bàn định công việc lớn nên đã góp phần làm nên thắng lợi bước đầu của khởi nghĩa Thái Nguyên. Cũng từ đó nêu cao ý thức quật khởi của anh em binh lính và những người dân Việt Nam đang bị áp bức bóc lột. Một lợi ích nữa của việc kết giao với những người bạn tốt là có thể thông qua bạn bè mà làm nên được việc lớn. Lương Ngọc Quyến với những tháng năm lăn lộn trên nước Nhật, có vinh hoa nhưng cũng vô cùng đắng cay tủi hờn nhưng ông lại biết tìm đến những người bạn cùng dòng máu đỏ, da vàng. Ngoài việc được Phan Bội Châu coi trọng giúp đỡ Lương Ngọc Quyến còn có những người bạn Trung Hoa, những người bạn Nhật sẻ chia giúp đỡ ông hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử giao phó, một lòng vì Tổ quốc Việt Nam. Sau này khi Lương Ngọc Quyến bị giam cầm trong nhà tù Thái Nguyên, dù què chân vì những hình thức tra tấn của giặc Pháp nhưng Lương Ngọc Quyến vẫn tìm cách tiếp cận với Đội Cấn để truyền bá tư tưởng yêu nước và quyết tâm làm nên cuộc khởi nghĩa. Hai người bạn ấy đáng được lịch sử ghi nhận và tôn vinh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:44:13 am »


Một người nếu muốn thành công thì phải biết kết thân với những người bạn tốt. Vậy một người bạn như thế nào được gọi là bạn tốt?

a) Kết bạn lâu dài với những người có thể giúp ta sửa chữa những sai sót. Mỗi người đều có ít nhất một người bạn có thể chỉ ra những sai lầm cho mình. Những người bạn này thường chân thành, thẳng thắn. Mức độ tin cậy trong những câu nói của họ rất cao. Họ có thể làm thay đổi ý chí của ta, cuộc đời của ta. Lương Ngọc Quyến và Đội Cấn là hai người bạn như vậy.

b) Vào những lúc thích hợp bạn tốt đã vì ta mà cung cấp thông tin có lợi cho ta để giúp ta vượt qua những trở ngại và khó khăn. Chúng ta cùng đến với mẩu chuyện sau đây để thấy rõ điều đó:

"Đội Cấn có lòng kính mến những người đã vì việc nước mà bị tù tội, cho nên thường tìm cách giao thông giúp đỡ họ. Có mấy người tù nhẹ vẫn đi ra ngoài để làm việc hoặc là bọn lính canh gác đề lao. Nhất là đối với Lương Ngọc Quyến, Cấn tỏ lòng kính trọng vô cùng bởi Cấn hiểu rõ gia thế, học thức của ông. Ngọc Quyến cũng biết Cấn là người hữu tâm với Tổ quốc cho nên ra sức khích lệ, hứa sẽ đem hết tài năng giúp đỡ một khi mưu đồ việc lớn. Với tư cách là ủy viên quân sự của Bộ chấp hành Việt Nam Quang Phục hội, Lương Ngọc Quyến đã đem tôn chỉ mục đích của Hội trình bày với Đội Cấn. Thế là Đội Cấn tự nguyện đứng dưới lá cờ của Việt Nam Quang Phục hội. Ông Quyến báo cho Đội Cấn biết là nếu ở trong nổi dậy thì quân Quang Phục ở ngoài sẽ có thể tiếp ứng.

Thế rồi hai người trao đổi ý kiến tổ chức cuộc khởi nghĩa, kế hoạch này được anh em lính tráng, tù nhân tập hợp lực lượng giữ gìn kín đáo, tai mắt tây đặt khắp nơi mà chẳng hay biết gì cả".

c) Đừng bao giờ có ý nghĩ rằng mình thiếu bạn mà kết giao với những người bạn thiếu trung thực.

Tình cảm của những người bạn không coi trọng lợi ích vật chất mà chỉ coi trọng tình nghĩa là vô cùng quý báu. Nó có thể làm cho bạn thấy tấm lòng khi sống trong một xã hội đầy rẫy những mưu mô giả tạo. Nhưng việc lựa chọn bạn sai lầm sẽ dẫn đến cuộc đời có những nỗi đau đáng tiếc. Điều ta ghi nhận lớn nhất của người anh hùng Đội Cấn là lựa chọn được những người bạn như Ngọc Quyến, Đội Giá, Tư Lùn... nhưng đáng tiếc cho ông là lại kết thân với những người bạn như Đội Tường, Sĩ. Đội Tường đã phản bội Đội Cấn, phản bội lại lời thề đau đáu trong tình trạng nước sôi lửa bỏng. Cũng vì sự phản bội của Đội Tường mà bao nhiêu bí mật của nghĩa quân đã bị quân địch biết cả. Cũng vì thế mà sau trận ấy quân của Đội Cấn chết gần hết và Đội Cấn cũng chỉ biết ôm mặt khóc rưng rức khi hiểu ra sự tình. Sĩ được tiếng là bề tôi trung thành của Đội Cấn nhưng con người giảo manh này đã phản bội ở phút cuối cùng vì vinh hoa phú quý. Sĩ đã đi ngược lại lời trăng trối cuối cùng của một người bạn chiến đấu. Việc phản bội ấy của Sĩ đã khiến cho kẻ thù phanh thây, xé xác, mổ bụng, bêu đầu Đội Cấn, có đáng chăng?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:44:53 am »


Sau đây là một đoạn kể về sự sai lầm khi chọn bạn của Đội Cấn:

"Sĩ nghĩ, nay Cấn đã chết mà cái chết ly kỳ ấy nếu có giữ bí mật cũng là vô ích nên Sĩ nhất định phải đi báo cáo cho chính phủ biết. Bởi vậy sáng hôm ấy Sĩ đến rất sớm, khi đến tòa sứ tỉnh Vĩnh Yên thì trời vẫn chưa sáng rõ nên Sĩ phải ra chỗ gốc cây của tòa sứ ngồi đợi, hai tay bưng lấy bộ mặt rắn rỏi chỉ để lộ hai con mắt thô lố nhìn ra.

Ngồi dưới gốc cây chừng non nửa giờ thì trời mới tang tảng sáng, Sĩ đứng dậy sửa lại quần áo rồi tiến vào tòa sứ.

Lúc đó vào khoảng sáu giờ sáng mà sáu giờ sáng của một ngày đông thì vẫn còn sớm lắm, vậy mà ông Quy-lơ-rê (chánh sứ tỉnh Vĩnh Yên ngày đó) cũng đã dậy rồi. Thấy có lính vào báo có một người nhà quê đến báo tin về Đội Cấn thì ông ta mừng rỡ và lệnh cho lính đưa người đó vào. Sau khi khai qua căn cước, Sĩ nói với ông Quy-lơ-rê rằng chính mình đã giết được Cấn và đã chôn cất Cấn cẩn thận, giờ đây mới về phi báo.

Ông Quy-lơ-rê nghe nói Cấn đã bị giết thì lấy làm ngờ vực nên hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Sau khi thấy Sĩ nói quả quyết và mặt lại lộ vẻ tự đắc tôn công nên ông ta tạm tin.

Đợi sáng rõ ông Quy-lơ-rê đi ô tô lên Thái Nguyên mang theo mấy tên lính và cả Sĩ nữa.

Đến Thái Nguyên, ông Quy-lơ-rê nói với quan ba Sa-len là tên này (trở vào Sĩ) đã giết Cấn. Ông Sa-len nói nếu muốn chứng thực thì phải đến tận làng Cự Văn quật thi hài hắn lên thì mới tin. Nên đúng 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 1 năm 1918 thì quan ba Sa-len, ông Quy-lơ-rê cùng quan sứ Thái Nguyên, Đội Tường, Sĩ và 30 người lính có súng đạn, xẻng, cuốc kéo đến nơi chôn cất Cấn, đến 11 giờ thì đến Cự Văn. Khu rừng này vẫn ở trong bầu yên tĩnh xưa nay nên lúc có lính đến những đàn chim trên cây đang cùng nhau ca hót nghe thấy tiếng động thì bay dáo dác. Tuy bay đi nhưng con nào con ấy vẫn có vẻ quyến luyến nhau. Cảnh tượng ấy khiến cho Sĩ nhớ lại trận đánh cuối cùng ở Núi Pháo, quân của Cấn bị thua phải chạy trốn về nơi này, nay trông thấy loài cầm thú còn biết quyến luyến nhau nên Sĩ thấy xấu hổ nhưng mặt vẫn lạnh lùng.

Đến nơi ông Quy-lơ-rê cho đào xác Cấn và ngay chiều hôm ấy đã đưa về tới Thái Nguyên. Ông Sa-len làm tờ trình lên quan năm Me-ác.

Trong tờ trình ông Sa-len cũng nói rõ: Hồi 10 giờ sáng ngày 11 tháng 1 năm 1918 thì ông Quy-lơ-rê dẫn lên Thái Nguyên tên Sĩ người Vĩnh Yên. Tên này nhận đã bắn Cấn ngày 5 tháng 1 năm 1918 ở Cự Văn.


Sau hỏi Sĩ tại sao lại bắn Cấn thì Sĩ nói: Xưa có người anh làm xã đoàn bị Cấn giết ngày 18 tháng 9 năm 1917 nên Sĩ bắn Cấn để rửa thù cho anh. Vì muốn báo thù nên Sĩ đã xin vào làm một người quân cận tín của Cấn để dễ hành động.

Lúc đến nơi, ông Sa-len muốn được biết rõ ràng hơn nên bảo Sĩ diễn lại cuộc giết Đội Cấn. Sĩ lấy ba người lính, một làm Đội Cấn còn hai tên kia làm hai tên cận tín của Cấn. Theo lời Sĩ thì lúc ở lại Cự Văn chỉ có hai tên quân nữa thôi. Sĩ lại nói: Ý Sĩ muốn báo thù cho anh đã từ lâu nhưng không được dịp thi hành. Nhân lúc bây giờ cả bốn người (Cấn, Sĩ, hai tên kia) suốt ngày phải đi vào rừng lẩn trốn và tìm kiếm thức ăn nên người đã bị mệt. Lúc ăn xong mỗi người một gốc cây nghỉ rồi thiu thiu ngủ, Sĩ biết lúc này có thể giết được Cấn nên vội vàng đứng cách Cấn khoảng năm thước mà bắn súng. Sĩ bắn phát đầu trúng vào đùi Cấn, Cấn choàng dậy, định sấn lại, nhưng Sĩ nhanh tay hơn nên đã bắn luôn một phát nữa vào mang tai Cấn. Sau phát súng này thì Cấn khuỵ xuống đất, Sĩ liền tiến lên bắn thêm một phát thứ ba nữa vào thái dương để cho Cấn chết hẳn. Hai tên quân nữa đang thiu thiu ngủ bỗng nghe tiếng súng tưởng là quân của chánh phủ vào nên cùng nhau bỏ chạy. Khi giết xong Cấn, Sĩ khâm liệm vội vàng rồi đào huyệt chôn cất, đoạn về Vĩnh Yên báo cho quan sứ Quy-lơ-rê...".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:45:48 am »


2. Đánh thắng địch tạm thời không đồng nghĩa với mình đã thành công:

Trong suy nghĩ của một số người anh hùng đã tồn tại một quan niệm như sau: Đánh thắng được kẻ thù mình sẽ gặt hái được những thành quả. Thực tế không phải lúc nào cũng như thế, bởi chúng ta phải cắt nghĩa được kẻ thù mà ta đang chiến thắng là ai? Chúng có sức mạnh như thế nào? Chúng có lật ngược được quân bài chiến bại hay không? Sai lầm của người anh hùng Đội Cấn trong cuộc chiến một mất một còn này chính là chỗ ấy.

Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên lúc đầu không diễn ra suôn sẻ như dự định bởi phương pháp tổ chức vẫn còn mang tính cá nhân, lỏng lẻo nhưng sau những thắng lợi bước đầu mà Đội Cấn cùng nghĩa quân thu hoạch được thì nghĩa quân hồ hởi, phấn khởi, coi như mình đã làm chủ được tình thế nên lơ là không nghĩ đến những va vấp tiếp theo, có thể làm đảo ngược lại tình thế. Sau đây là những ví dụ:

"... Làm chủ được trại lính khố xanh rồi, nghĩa quân chia nhau đi chiếm các dinh thự, công sở và phá nhà lao. Đáng tiếc là tên công sứ Đạc và phó công sứ Tuýt-tơ hôm ấy đều đã đi nghỉ mát ở Đồ Sơn. Tên chủ kho bạc thì đã chạy khỏi kho bạc sang trại lính Pháp. Vì vị trí kho bạc ở ngay cạnh trại lính Pháp nên nghĩa quân không cướp ngay được, mãi đến tận chiều hôm sau mới chiếm được. Tuy vậy số bạc chiếm được vẫn còn nguyên vẹn và cũng khá lớn. Tổng số bạc là: 71 ngàn đồng (trong đó có 30 ngàn đồng bạc giấy và 41 ngàn đồng bạc đồng). Tại sở hiến binh Pháp, tên chủ là Li-ông thấy động nhưng chưa rõ nguyên nhân nên đã cùng tên thầu khoán Gô-chi-lê bỏ chạy sang chỗ giám binh Nô-en, liền bị từng tràng súng ở trong bắn ra, hai tên vẫn còn bình tĩnh chạy núp vào trại lính Pháp".

"... Thế là ngoài trại lính Pháp, nghĩa quân hoàn toàn làm chủ tình thế tỉnh lỵ Thái Nguyên, lá cờ đề bốn chữ "Nam binh phục quốc" treo cao ngoài tỉnh lỵ. Dân chúng trong, ngoài tỉnh lỵ hết sức phấn khởi và sung sướng. Một số người kéo đến xin gia nhập hàng ngũ nghĩa quân, trong đó có ông Ký Kính là người nổi tiếng. Sau khi chiếm được tỉnh lỵ, phá nhà lao, ông Trịnh Văn Cấn tuyên bố: "Ai muốn ở lại giết giặc cứu nước thì xung phong vào nghĩa quân, còn nếu ai muốn giải ngũ thì về nhà cũng được". Hầu hết mọi người đều xin ở lại để giết giặc, chỉ có bảy người là xin rút lui, nộp súng lại và được trở về. Nghĩa quân lúc này đã biên chế thành đội ngũ cẩn thận. Nghĩa quân khố xanh được gọi là lính cũ, anh em phạm nhân và dân chúng mới gia nhập được gọi là lính mới. Số người lúc đó điểm được là 623 người, vũ khí cướp được là hơn 600 khẩu súng, con số đó đủ trang bị cho nghĩa quân. Trong hàng ngũ lính mới, ngoài một số nghĩa quân Đề Thám, trước đây là những người chiến đấu giỏi, còn đại đa số họ chẳng hiểu gì về quân sự. Lúc đó những người đã có kinh nghiệm phải mở lớp huấn luyện cấp tốc để biết sử dụng súng giết giặc".

Sau chiến thắng, như một quy luật tất yếu, ai mà chẳng phấn khởi hồ hởi nhưng điều mà người chiến thắng hay bỏ quên đó là chủ quan, tự tin quá mà coi thường thế giặc. Đội Cấn không hiểu được rằng giặc Pháp rất canh chừng vùng đất Thái Nguyên vì đây là cửa ngõ của vùng Tây Bắc nên chúng đã bí mật thông tin cho nhau chỉ bằng một chiếc máy điện thoại cá nhân còn sót lại khi quân của Đội Cấn không canh phòng cẩn mật ở nhà thông tin. Đây là một sơ hở mà bản thân Đội Cấn và binh lính Thái Nguyên không biết. Từ sơ hở này liên tiếp dẫn đến những sơ hở khác nên cuộc khởi nghĩa sớm bị dìm trong biển máu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:46:37 am »


3. Khôn khéo nắm bắt thời cơ:

Chần chừ, do dự sẽ khiến cho ta đánh mất đi nhiều cơ hội, có khi còn gây tai họa cho một tổ chức, thậm chí mất một nước. Ngược lại với chần chừ, do dự là lòng quả cảm, quyết đoán. Quả cảm, quyết đoán là một trong những tố chất của người lãnh đạo giỏi. Khả năng quyết đoán là gốc rễ trong công việc lãnh đạo thành công. Trở lại với người anh hùng lãnh đạo nghĩa quân ở Thái Nguyên ta thấy rất rõ mặt hạn chế này, đó là sự chần chừ, do dự ngày khởi nghĩa.

"... Sau khi những binh lính và chính trị phạm đã kết thành một khối thì việc khởi nghĩa định vào tháng Năm âm lịch năm 1917, nhân dịp tên giám binh Nô-en đi đốc thuế ở huyện Đại Từ. Trong đoàn lính cử đi bảo vệ món tiền thuế từ Hùng Sơn về tỉnh lỵ Thái Nguyên, lúc đó có Đội Lữ là một người trong nghĩa quân. Nhân đó ông Lữ đã có ý xếp đặt những binh lính đi theo đều là những người tham dự cuộc âm mưu bạo động. Kế hoạch của họ là làm sao phải giết chết được tên giám binh ở giữa đường, cướp hết tiền bạc thuế rồi lặng lẽ kéo về tỉnh lỵ cùng những bạn đồng chí nổi dậy. Việc ám sát này đáng lẽ diễn ra ở bến đò Huy Ngạc cách phủ lỵ Đại Từ chừng một cây số, nhưng có việc trở ngại nên lại thôi. Lực lượng quân sự của giặc Pháp ở Thái Nguyên bấy giờ, ngoài lính khố xanh canh gác các công sở và nhà tù ra, còn có một đoàn lính Pháp phòng vệ tỉnh thành. Vì vậy, trọng tâm của khởi nghĩa là phải diệt được đoàn lính Pháp hoặc bằng vũ lực hoặc bằng mưu kế. Có thanh toán được thực lực của giặc thì mới làm chủ được thành phố. So sánh tương quan lực lượng giữa quân khởi nghĩa và lính Pháp thì nghĩa quân phải tìm cách hạ chúng bất thình lình chứ không thể tuyên chiến được. Do đó, kế hoạch khởi nghĩa lần đầu phải hoãn lại.

Kế hoạch lần thứ hai của nghĩa quân là một hôm nào đó, vào một buổi tối đốt một cái rạp hát ở ngoài phố, tất nhiên bọn lính Pháp phải ra chữa cháy. Nhân đó lính Nam một mặt vây đánh bất ngờ, một mặt xông vào trại lính Pháp cướp súng và đánh chiếm tỉnh thành. Nhưng một lần nữa kế hoạch này lại không thực hiện được.

Lần thứ ba, kế hoạch khởi nghĩa định vào ngày 14 tháng 7 năm 1917. Hôm ấy là ngày kỷ niệm phá ngục Bát-ti, tất cả lính Pháp và lính Nam đều được lệnh sửa soạn một cuộc duyệt binh. Theo thường lệ, binh lính ít khi mang súng có lắp đạn. Những người chỉ huy khố xanh định cho quân khởi nghĩa chuẩn bị đầy đủ súng đạn đánh úp bọn lính Pháp. Rút cuộc kế hoạch này không thi hành vì sợ dân chúng đi xem "hội Tây" hôm ấy bị chết lây.

Sau ba lần dự định khởi nghĩa không thành, những tiếng đồn đại từ trong binh lính và chính trị phạm đã lan ra nhân dân ngoài phố. Cũng vì bộ máy mật thám Pháp lúc bấy giờ ở trong một tỉnh đường rừng như Thái Nguyên không được chu đáo lắm, nên tin tức vẫn chưa lọt đến tai bọn thống trị. Sang tháng 8 năm 1917 có tin sắp có một cuộc thuyên chuyển trong đám cai, đội khố xanh. Cũng có tin đồn là ông Đội Cấn và mấy yếu nhân nữa phải chuyển đi nơi khác. Đã đến lúc cuộc khởi nghĩa phải nổ ra, không thể lần lữa được nữa. Cuối cùng ngày khởi nghĩa được quyết định vào cuối tháng. Ông Cấn mật viết thư cho các đồng chí ở các đồn lẻ trong tỉnh về lĩnh lương hôm ấy cùng nổi dậy. Đêm 30 rạng ngày 31 cuộc khởi nghĩa bùng nổ (lúc đó khoảng 11 giờ)".

Nhìn lại kế hoạch khởi nghĩa chúng ta thấy sốt ruột và lo lắng. Hết lần này đến lần khác, khất lần khất lượt mãi mà cuộc khởi nghĩa vẫn chưa nổ ra được. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý mệt mỏi của người lãnh đạo cũng như binh lính tham gia khởi nghĩa. Mặt khác cũng ảnh hưởng không ít đến tình trạng thiếu đi ý thức tự chủ, lòng quyết tâm cùng sự ăn không ngồi rồi của binh lính. Bởi vậy sau những thắng lợi bước đầu, nghĩa quân của Đội Cấn sớm bị tiêu hao, thâm hụt rồi rơi vào hoàn cảnh thiếu ăn, thiếu ngủ, chui rúc cầm cự qua ngày... Tất yếu dẫn đến thất bại.

Trong khởi nghĩa vũ trang một điều tối kỵ là tình trạng thiếu ăn, thiếu ngủ. Nhiều lần quân của ông phải chui rúc, ăn gió nằm sương. Đêm thì đi đào củ mài, củ sắn, đói khát khổ sở, ngày thì bị giặc truy đuổi... lấy sức đâu mà chiến đấu? Hỏi làm sao không thất bại? Nguyên nhân cũng một phần bởi sự chần chừ, lề mề, thiếu quyết đoán của người lãnh đạo, chỉ huy.

Sự lề mề, thiếu quyết đoán làm lãng phí thời gian. Ngày tháng cứ trôi đi trong sự do dự và càng do dự bao nhiêu thì tư tưởng sẽ càng cảm thấy bất an bấy nhiêu. Nhà thơ Shakespear có một câu danh ngôn nổi tiếng "Những người vứt bỏ thời gian, thì thời gian cũng vứt bỏ họ". Điều đó đúng và đã được lịch sử chứng minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:48:17 am »


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đội Cấn năm 1917 của Nguyễn Văn Hoàn, Tài liệu trước năm 1930.
2. Danh nhân quê hương, tập 2, Ty Văn hóa Thông tin Hà Tây, 1974.
3. Khởi nghĩa Thái Nguyên - 80 năm nhìn lại, sở Văn hóa Thông tin Thái Nguyên.
4. Khởi nghĩa Thái Nguyên, Truyện lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Phổ thông, 1977.
5. Cách mạng cận đại Việt Nam, tập 3, Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Nhà xuất bản Văn sử địa, Ha Nội, 1958.
6. Lịch sử 80 năm chống Pháp, quyển 1, Trần Huy Liệu, Nhà xuất bản Văn sử địa, Hà Nội, 1957.
7. Những bài học từ lịch sử, tập 2, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008.
8. Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 2, Giáo sư Đinh Xuân Lâm chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2006.
9. Lịch sử quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM