Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:01:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên  (Đọc 19082 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:16:41 pm »


Ngày 30 tháng 9, 20 người lính hôm qua chưa về thì lại có quân do thám về báo có đội quân của Cấn đông tới 80 người đi qua đi lại ở Phúc Yên, Tam Đảo và Lang Lai thuộc địa phận Thái Nguyên, gần Sơn Cốt. Được tin Me-ác cũng định đến ngày 3 tháng 10 sẽ kéo quân đến Sơn Cốt đánh Cấn. Ngay hôm gần đến Sơn Cốt, Cấn đã có thêm 20 quân nữa. 20 người này là quân lính bị thua ở Hùng Sơn tháng trước. Suốt một tháng trời 20 người này cứ ngày ngày ra kiếm ăn mỗi người một ngả, còn tối đến lại cùng nhau tụ họp trong một ngôi chùa cổ. Nghe nói có đạo quân do Đội Cấn đưa đường, 20 người này mới cùng nhau gia nhập bọn. Ngày hôm sau có khoảng 17, 18 người nữa cùng nhập quân với Cấn.

Ông Ca-lít-ti làm ở lục lộ được tin báo của một người tây ở Cổ Nghĩa báo tin: Quân Cấn hiện giờ còn ở trong một ngôi nhà lá ở Cổ Nghĩa. Được tin, ngay tối mùng 3 rạng mùng 4 tháng 10 ông ta cùng mấy chục người đến Cổ Nghĩa. Đến nơi hai bên đánh nhau một hồi lâu, quân của Cấn chết mất ba người. Từ hôm đó đến ngày 10 tháng 10 ông Ca-lít-ti đuổi Cấn rất gấp.

Toán quân hơn một trăm người của Cấn lúc đi Tam Đảo để qua Vĩnh Yên về Thái Nguyên thì đến đồn điền Rây-nốt gần làng Lang Lai chỉ còn hơn 20 người nữa. Vì lúc ấy ông Me-ác được tin Cấn ở Tam Đảo đã cho một toán quân đến Sơn Cốt đón đánh Cấn. Quân của Cấn bị đánh bất ngờ nhưng không bị thiệt hại nhiều mà chỉ tản mát đi các nơi khác.

Ngày 5 tháng 10 quân của Cấn lại bị đánh ở Xuân Phách. Ngày 6 tháng 10, hồi chín giờ Cấn gặp quân của chính phủ. Thấy quân của chính phủ, Cấn liền kéo quân lên một ngọn đồi hiểm trở nấp vào trong hang đá chờ quân chính phủ tới nơi rồi cứ thế bắn xuống. Thấy đánh như thế không có lợi nên ông quan năm Bẹc-giê liền cho ông Sa-len đưa quân lên một ngọn đồi khác gần chỗ Cấn. Trận này quân của Cấn cũng không thiệt hại nhiều, nhưng xét ra thì không thể làm thế mãi được nên tối mùng 6 rạng ngày 7 tháng 10 Cấn kéo quân về Hoàng Đờm. Sáng mùng 7 tháng 10, quân chính phủ tưởng quân của Cấn vẫn ở trên đồi mà không ra nên cứ đánh mãi. Phải mất khá lâu chúng mới biết quân của Cấn đã kéo về Hoàng Đờm rồi. Ông Bẹc-giê lại cho quân đuổi theo đánh Cấn, từ hôm đó đến ngày 31 tháng 10 quân của Cấn ẩn nấp trong những khu rừng rậm rạp xa các con đường cái quan. Cấn nghĩ quân mình bây giờ mệt từng ngày, chi bằng cùng nhau ẩn nấp dưới một khu rừng nào đó đợi lúc quân của chính phủ thiếu đề phòng thì ra đánh úp. Cũng vì thế, nhiều lần Cấn cho lính của mình phao tin rằng Cấn đã chết. Nhưng chính phủ không tin những điều phao ngôn ấy. Chúng vẫn vô cùng cảnh giác Cấn và tìm cơ hội để giết Cấn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:17:09 pm »


Ở trong rừng, Cấn và quân lính hết sức khổ sở. Lương thực không có mà ăn, số tiền cướp được ở kho bạc thì phải tiêu pha ngay từ khi bắt đầu ra làm loạn đến bây giờ. Giờ Cấn và quân phải ăn kham khổ trong rừng, muốn mua những thứ khác thì không có tiền, mà kiếm củ sắn củ mài thì ăn không đủ. Nhiều lúc quân của Cấn thấy sự nhịn đói của Cấn mà lo, cho nên những đêm khuya thanh vắng họ cùng nhau đi cướp bóc những làng lân cận để kiếm cái ăn. Cấn biết rõ hành động ấy là không tốt nhưng chẳng còn cách nào khác và sau mỗi lần như thế, quân của Cấn mới được no say, đủ sức đánh giặc.

Đêm ngày 29 tháng 10, quân của Cấn chia nhau đi các ngả để kiếm ăn như mọi đêm khác. Nhưng chẳng may cho đêm hôm ấy, năm quân lính của Cấn đi về phía làng Nhã Lộng, lúc vào cướp của một nhà có máu mặt trong làng thì bị dân làng vây bắt. Những người này lúc chạy về Đình Ca thì bị quan năm bắt được. Ngày hôm sau bị giải lên Thái Nguyên cùng với Vũ Sĩ Lạp (một người tù ở Thái Nguyên lúc đó) cùng một cái đầu tên quan của Cấn. Đưa năm người này về Thái Nguyên hỏi thì mới biết quân của Cấn hiện vẫn còn ở trong rừng. Thế là ngày hôm sau quan năm cho người vào rừng vây bắt.

Một buổi trưa, Cấn đang cùng đồng đảng ngồi bàn tán công việc thì quân canh vào báo cho Cấn biết: có quân của chính phủ đến. Được tin Cấn cùng với quân lính của mình chạy trốn chứ không đánh nhau với quân của chính phủ nữa. Cấn chạy mãi cho đến ngày hôm sau thì đóng quân ở Bảo Năng mà chính phủ không hề biết. Ngày ngày Cấn cùng với đồng đảng tìm mưu tính kế để thu phục quân binh và lo cách thông tin cho các đồng đảng chạy trốn ở những nơi khác. Nghĩ vậy, Cấn chia ra mỗi người đi một ngả để kiếm đồng đảng.

Quân của Cấn ở Bảo Năng ngày một đông. Đêm 30 tháng 11, Cấn cho 40 người ra khỏi địa phận Bảo Năng và đi về phía đông. Ý Cấn định cho 40 người đó đi các nơi xin viện trợ lương thực.

Quan năm Me-ác hồi đó đóng quân ở Nhã Nam đã mấy tuần lễ nay không biết tin tức gì về Cấn nên việc đề phòng vô cùng cẩn thận. Ông ta sợ Cấn vẫn quanh quẩn đâu đây rồi nhân lúc quân ông ta sơ ý lại đi vào các nơi để làm loạn. Vì vậy ở Bắc Giang luôn có một toán lính đi tuần các phố để dò la tin tức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:17:31 pm »


Lúc này Cấn cho ba tên quân đi tìm đồng đảng, lúc đến Đông Yên thì biết hiện đang có 40 người ở đó. Ba tên quân lần mò tìm vào được đến sào huyệt thì gặp quân canh. Ba người nghe thấy tiếng súng tưởng là quân của chính phủ đuổi bắt nên cùng nhau bỏ chạy. Thấy thế quân canh lại càng nghi, rồi cùng đuổi theo. Lúc ba người này bị bắt, nhìn kỹ có một người trọc đầu, biết là quân của Cấn trước. Nên khi người tù hỏi thì cứ thực tình nói là quân của Cấn sai đi tìm đồng đảng bị thất lạc ở những trận trước. Nhân bây giờ biết chắc là những người đóng ở đây trước là đồng đảng của Cấn thì mới dám vào. Nhưng vừa vào tới nơi thì nghe thấy tiếng súng bắn nên cùng nhau bỏ chạy. Đưa vào trong nhà thì gặp ngay Đội Giá, ba người cùng chào và nói rõ để Giá biết cách sinh sống của Cấn từ một tháng trước đến giờ và cứ mỗi nơi ở được một tuần lễ thì lại bị quân của chính phủ đuổi đánh. Hơn một tuần nay, Cấn đã cho quân đi tìm đồng đảng cũ và cũng có bao nhiêu người về với Cấn rồi. Nghe xong Giá tỏ vẻ hơi nhăn đôi lông mày sâu róm. Nhưng Giá cũng nói với ba tên quân rằng sẽ về cùng Cấn đoàn kết làm nên chiến thắng. Giá cũng hỏi lại: Hiện Cấn còn bao nhiêu quân và khi đi đến đây ba người có bị quân của chính phủ theo dõi không? Ba tên quân nói rằng lúc đi đường đã dò xét thì biết quan năm Me-ác còn đóng ở Nhã Nam. Còn Cấn thì bây giờ rất nhiều quân vì Cấn có biệt tài dụ quân rất giỏi. Nhiều người còn mang cả tiền bạc, trâu bò đến để dâng cho Cấn. Những người không có tiền bạc, trâu bò dâng thì thường đi thăm thú các vùng quê và mách cho Cấn nơi nào có của để Cấn đi liên hệ viện trợ. Ba tên quân lại nói thêm: Ý Cấn bây giờ muốn thu thập hết tất cả các quân luyện tập các môn như bắn cung, bắn súng thật giỏi để chờ lúc động dụng. Giá bảo ba người cứ ở lại rồi sẽ về Bảo Năng với Cấn. Lúc Giá mới bước chân ra khỏi đồi đã thấy những sự khó khăn trắc trở. Mỗi lúc có cơn gió lạnh là Giá lại muốn rút quân về ngay chỗ cũ để cùng nhau sống cảnh yên bình. Nhưng nghĩ lại những ngày cùng Cấn ở tỉnh Thái, cùng Cấn thề thốt anh em sống chết đoàn kết làm nên việc lớn, chẳng nhẽ bây giờ công chưa thành, danh chưa đạt, anh em mỗi người một nơi lại chia lìa tan tác. Giá thương Cấn đã từng lao lung khổ sở, còn mình thì riêng hưởng những ngày yên tĩnh. Nghĩ vậy, Giá cùng quân tiến bước trên đường cứ ngày đi đêm nghỉ chỉ mong sao chóng gặp Cấn.

Từ hôm cho quân đi tìm đồng đảng, Cấn vẫn ngày đêm trông ngóng tin tức. Một hôm Cấn đang ngồi trong nhà thì quân vào báo có quân của Đội Tường về. Xiết bao mừng rỡ, Cấn ra nghênh tiếp, vào tới nhà hai người nói hết tất cả những chuyện xảy ra ở Hùng Sơn, mới biết Tường chạy vào rừng ở mãi đến hôm sau thì có hai tên quân tự xưng là quân của Cấn và nói rõ hiện giờ Cấn đang có nhiều người giúp sức nên mới về đây. Tường lại hỏi ý Cấn bây giờ định như thế nào? Cấn trả lời: "Hiện giờ quân của ta còn ít lương thực, thì chi bằng chúng ta hãy cùng nhau sống lặng lẽ trong ít lâu để chờ quân ở các nơi cùng về cả lúc ấy sẽ liệu".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:17:55 pm »


Vào một buổi chiều, mặt trời đã ẩn đằng sau những dãy núi, chỉ còn để lại những ánh sáng ở phía xa. Cấn và Tường đang cùng nhau bàn bạc thì quân vào báo có một toán ước chừng khoảng 40 người muốn xin vào yết kiến Cấn. Cấn bảo cứ mở cửa cho vào. Vào đến sân, Cấn và Tường mới nhận ra người cưỡi ngựa đi đầu là Đội Giá. Anh em gặp nhau biết bao mừng rỡ, có những lúc chuyện trò bàn luận suốt đêm. Cấn thường nói anh em mình cùng nhau khởi xướng nên việc này lẽ dĩ nhiên là chúng ta phải phấn đấu cho đến thắng lợi cuối cùng.

Tường nói: "Kể ra từ lúc chúng ta bắt đầu làm loạn ở Thái Nguyên đến giờ thì nhiều trận được mà cũng nhiều trận thua, nhưng không có trận nào bị thua lớn như ở Hùng Sơn. Cũng vì trận ấy mà anh em mỗi người một ngả. Cũng từ ngày đó mà anh em chúng ta mỗi người phải ẩn núp một nơi, ăn gió nằm sương, để mong có cơ hội đánh giặc. Những hôm cùng nhau họp mặt như thế này, tôi không dám màng tưởng đến thế mà nó lại được như thế. Trong số anh em ta, không kể Ngọc Quyến còn thì chỉ thiếu Cai Xuyên, Luận và Chén không biết hiện giờ họ ở đâu, sống chết ra sao. Bây giờ anh em ta đây phải cùng nhau hợp sức đánh quân chính phủ một phen kịch liệt. Trước là để tỏ cho quân của ta và mọi người biết chúng ta không phải thường, nhân đó chúng ta sẽ làm cho Cai Xuyên, Luận, Chén biết ta vẫn sống và vẫn đang rất giàu chí phấn đấu. Biết đâu Xuyên, Luận, Chén chẳng vẫn luẩn quẩn ở các khu rừng quanh đâu đây và chờ cơ hội họp mặt với chúng ta mà chúng ta cứ im lặng thì họ biết ở đâu mà lần?".

Tường dứt lời, Cấn nói: "Bây giờ chúng ta đang nhân chính phủ không để ý...", Giá lại ngắt lời Cấn: "Không phải chúng không để ý mà chẳng qua là chúng chưa biết chúng ta ở đâu thôi". Tường lại nói: "Phải, chúng ta nhân cơ hội này cứ luyện tập quân cho giỏi đã và cho các quân dò hỏi khắp các nơi để chiêu mộ thêm đồng đảng, nhân tiện tìm luôn tin tức của Xuyên, Luận và Chén. Quân ta còn yếu, những người biết dùng súng, dùng cung thì ít, hoặc chưa thông thạo, về vấn đề lương thực chúng ta chỉ nên cho quân vào rừng kiếm các lâm sản rồi đem về các chợ miền dưới mà bán lấy tiền hay đổi lấy gạo, ngô. Ngăn cấm không cho lính ra ngoài làm những điều bậy bạ như cướp bóc của dân để tránh phiền phức. Khi quân chính phủ luôn đề phòng ta thì ta cũng nên đề phòng quân chính phủ. Cách đề phòng tốt nhất là nên đưa một số quân ra xa chúng ta khoảng vài ba cây số để canh giữ và dò la tin tức khi quân của chính phủ đến. Nếu quân của chính phủ nhiều, thế mạnh ta sẽ tạm lánh một nơi, trái lại nếu quân chính phủ ngang sức với chúng ta thì có thể quyết chiến được. Những quân canh cần phải lựa những người khỏe mạnh, tinh nhanh và cẩn thận, cho đi các ngả và mỗi người làm một việc riêng và chung quy cũng chỉ là những tay ở trong ban thông tin cả. Những người nào được về miền dưới thì cho họ hoặc mở hàng ở đường cái quan, hoặc buôn nước hay làm xe. Còn những người nào cho đi miền trên thì cho họ làm những tiều phu đẵn củi, hay đi kiếm các thứ như mây, song, củ mài, củ nâu... đưa về đây rồi ta cùng nhau đem ra chợ bán". Tường nói đến đây thì nghe thấy tiếng ồn ào ở ngoài. Ba người ngơ ngác nhìn nhau tỏ vẻ ngạc nhiên. Một lúc sau thì thấy một toán khoảng hơn 10 người, đi đầu là ông Cách. Sau khi chào hỏi Cấn, Giá, Tường thì Cách kể hết những cuộc đánh nhau của mình và tại sao lại về được đến đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:18:17 pm »


Số là sau khi Cách bị đánh ở Hưng Yên thì cùng nhau tìm đường chạy về quê nhà. Quân chính phủ thấy Cách chạy thì hết sức dồn đuổi nhưng đường lối ở vùng đó Cách rất thông thạo thành thử quân của chính phủ đuổi mãi đến tận đêm mà vẫn quanh quẩn ở Hưng Yên. Nấn ná ở trong các làng mất mấy hôm Cách lại tìm được đường về quê. Cách về gần tới nhà thì vẫn còn sớm. Cách phải đợi cho đến tối mới dám về và định chỉ một mình vào nhà thôi.

Vào khoảng tám, chín giờ đêm, trời tối như mực nên Cách về nhà cũng chẳng ai biết. Không hiểu sao nỗi nhớ nhà của Cách lúc ở xa thì bồng bột thế. Bồng bột tới mức không quản gì những khó khăn, mấy lần bị quân lính đánh đuổi mà Cách cũng cố về, về để thăm nhà nhưng trái hẳn, lúc về đến ngõ không hiểu Cách nghĩ sao mà chỉ gạt nước mắt để nén những nỗi thương cha mẹ, nhớ vợ con rồi quay gót cùng anh em theo việc đã làm. Cách cùng 10 người quân cứ ngày đi đêm nghỉ, sau đi tới một cánh rừng thấy địa thế hiểm hóc thì bàn anh em cùng ở lại đó nghỉ ngơi ít lâu. Ngày qua ngày, Cách cùng anh em vào rừng kiếm ăn, rồi cứ ở đó mãi. Thấm thoắt đã hơn một tuần lễ, một hôm trong đám quân đi kiếm ăn về thấy có hai người lạ mặt từ xa đến. Quân của Cách sợ nên cùng nhau nấp ở đằng sau những hàng cây to hoặc giả vờ lánh ra xa cố ý tránh mặt hai người lạ. Hai người kia cứ tiến mãi về phía quân của Cách, vì hai người này từ xa đã nhăm nhe mấy tên quân của Cách và để ý đến Cách. Cử chỉ của mấy người này như vậy là do họ tin ngay đây chính là quân của Cấn. Họ sừng sộ tiến lên ý hỏi han. Sau đó hai người kia cũng theo về chỗ Cách ở và thú thực với Cách rằng mình là quân của Cấn sai đi. Hai người ngỏ ý bảo Cách về luôn Bảo Năng để giúp Cấn. Cách bằng lòng đến Bảo Năng ngay chiều hôm ấy. Khi Cấn, Tường, Giá đang nói chuyện thấy Cách vào thì thôi và ngay tối hôm ấy, ba người đi chọn quân canh giữ ở các nơi và cho một số quân vào rừng. Từ hôm ấy trở đi không có ngày nào là không có người về Bảo Năng tìm tướng cũ là Cấn.

Đáng khen cho tài cán của Cấn vì từ hôm đó quân của Cấn ngày một đông hơn, lương thực ngày một dồi dào. Cấn, Tường, Giá ngày thì luyện binh, tập lính, đêm thì cùng nhau bàn bạc trao đổi.

Lại nói về ông Me-ác sau khi cho ông Sa-len đi về Yên Thế để theo lời báo cáo của quân do thám thì chỉ ngồi nghe tin tức không rõ thắng bại thế nào. Ba hôm sau thấy ông Sa-len đưa quân về, hỏi ra mới biết lúc ông Sa-len đến Yên Thế thì không thấy quân của Cấn đâu cả. Hỏi dân quanh làng thì được biết là quân của Cấn đã đi ngay đêm hôm trước rồi.

Ông Sa-len có theo đường của dân quê chỉ để đi tìm Cấn nhưng không thấy nên đành quay trở về Nhã Nam. Ông Me-ác muốn cho quân đi ô tô đuổi theo, nhưng đã ba ngày rồi đuổi sao cho kịp nên đành ở lại Nhã Nam, đành đợi quân do thám về báo tin. Từ hôm đó ông ta hết sức canh chừng vùng Nhã Nam và cho quân do thám đi khắp nơi để tìm quân của Cấn. Ông Me-ác dặn quân do thám phải cẩn thận và hết sức dò xét tin tức quân địch, nhất là trong các khu rừng rậm hay những chỗ đồi núi hiểm trở. Mỗi khi có dấu hiệu gì lạ là quân lính phải về ngay Nhã Nam báo tin.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:18:46 pm »


Ở Bảo Năng, Cấn, Tường, Giá thấy quân mình càng ngày càng tinh ranh, nhiều nhuệ khí nên cùng nhau bàn về phương pháp và tìm chỗ để đánh nhau với quân chính phủ.

Một hôm, Cấn, Giá, Tường đang cùng nhau bàn định về cách đối phó với chính phủ thì có tin báo là Cai Xuyên đưa đồng đảng về. Ba người ra tận cổng đón Cai Xuyên. Lúc hỏi đến Chén và Luận thì Xuyên trả lời không rõ. Còn Cai Xuyên thì sau khi chạy khỏi Hùng Sơn cũng lẩn lút ở trong các khu rừng, cũng thiếu lương thực, cũng phải đi đào lâm sản rồi cho quân đi đổi lấy thóc gạo như các ông Cấn, Giá, Tường mà thôi. Nhân hôm nọ có mấy tên quân đi đào củ sắn về nói: có gặp một đội quân vừa tù, vừa nhà quê do ông Giá mang đi. Mấy tên quân này cũng theo ông Giá về Bảo Năng nên mới biết ở đây mà đưa nhau về.

Từ lúc Cấn, Giá và Tường thêm Cai Xuyên thì câu chuyện lại càng thêm phần hấp dẫn. Bàn đi tính lại, Cấn, Giá, Tường và Cai Xuyên định đến ngày 9 tháng 12 năm 1917 thì cùng nhau kéo quân về Tam Đảo đi qua Đinh Sơn, Lưu Xá... Đi mãi đến ngày hôm sau, ngày 13 tháng 12, đến Lang Đàm thì gặp đội quân của Mông-cô và của ông Ăng-đrê-mi.

Lúc đó Cấn nhanh trí chia quân ra mỗi ngả. Nhưng đến ngày 15 tháng 12 thì quân của Mông-cô đã bắt đầu đánh quân của Cấn ở làng Lục Bá về phía nam Hùng Sơn. Đánh nhau với Cấn từ chín giờ sáng mãi đến tám giờ tối ngày 15 tháng 12 mà Cấn vẫn rất găng. Tối ngày 15 tháng 12 ông Mông-cô sợ rằng quân của Cấn nhân lúc đang đánh phá vào trại nên hết sức đề phòng. Nhưng về phần Cấn thì lại nghĩ khác nên đang đêm bỏ chạy. Sáng hôm sau gặp ông huyện Đại Từ đưa quân đón đánh. Lúc bấy giờ ông Me-ác đã đưa quân về đến Đa Phúc rồi và định mấy hôm sau, ngày 18 tháng 12 sẽ về Thái Nguyên.

Đêm ngày 20 tháng 12, Cấn đưa quân về Cư Văn và đóng quân ở Núi Pháo. Đến ngày 22 tháng 12 thì Đội Tường đưa cả đồng đảng về Thái Nguyên vào hàng ông Me-ác khi biết Cấn đang ở Núi Pháo.

Không hiểu Đội Tường nghĩ như thế nào mà lại hành động như vậy. Anh em đang cùng nhau một lòng một dạ để trả thù chung mà Tường lại sinh ra hai lòng.

Ông Me-ác được tin Cấn đang ở Núi Pháo thì dẫn một đội quân đến vây bắt. Ông ta lại cho một đội quân nữa về Phấn Mễ để đón đầu nếu Cấn bị bại ở Núi Pháo thì tất phải chạy đến nơi này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:19:31 pm »


Các con đường khác ông Me-ác cũng cho quân đón đầu hết. Ông ta cho rằng chỉ có Cấn là đáng đề phòng thôi và bây giờ nhân thể được Đội Tường nói rõ cho biết cách hành động của Cấn nên ông chắc chắn chỉ lần này nữa là sẽ xử được Cấn.

Ông Me-ác biết tin Cấn ở Núi Pháo liền mang quân đi đuổi đánh. Xem xét địa thế đã cẩn thận, ông ta biết Núi Pháo là một nơi trống trải, chắc Cấn không thể nào trốn thoát được, vả chăng Núi Pháo cũng đứng riêng một mình, không liên tiếp với các khu rừng khác nên ông Me-ác quyết định nếu không đánh thì cũng vây lấy Núi Pháo đợi đến lúc quân của Cấn hết lương thực tất phải ra ngoài kiếm ăn, lúc đó đánh thì lợi trăm đường.

Ngày 21 tháng 12 ông Me-ác hạ lệnh cho quân bắt đầu đánh vào Núi Pháo. Cấn tự biết bây giờ đánh sẽ không lợi vì quân của chính phủ thế mạnh nên Cấn cho quân nấp im lặng trên núi, định chờ đến tối thì kéo nhau trốn vào một khu rừng gần đó. Ý Cấn định như vậy nhưng nào có được. Quân của chính phủ càng đánh càng tiến lên rất dữ, vì thế Cấn đã bị thương ở đùi và thiệt hại mất quá nửa quân.

Đêm hôm ấy, ngày 21 tháng 12 quân của Cấn chỉ còn hơn một chục người. Nhằm lúc quân của chính phủ không đề phòng liền cùng nhau chạy vào một khu rừng gần Cự Văn. Thấy Cấn còn một ít quân mà vẫn trốn thoát, ông Me-ác nghĩ nếu không nhân dịp này đuổi gấp thì lại là một mối lo nguy hiểm về sau, nên ông đã chia quân ra làm ba toán để đuổi theo Cấn.

Toán quân A có ông thanh tra Rây-nê, ông phó quản Um-bê, 70 người lính và 60 người tuần đinh. Toán này đi về mạn Hùng Sơn.

Toán B có ông Ét-ti-bam và ông đội Mô-ri-xê, 60 người lính và 40 người tuần đinh.

Toán C có ông Sa-giê, 60 người lính và 40 người tuần đinh.

Còn Cấn sau khi về Cự Văn thì lương thực vừa hết nên cho 10 tên quân vào các làng quanh đấy xin viện trợ lương thực. Lý Nho, Cai Túc và Sĩ (là những người đi theo Cấn từ lúc mới khởi loạn) đều là những tên cận tín của Cấn thì ở nhà chờ lương thực.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:19:54 pm »


Thật là số Cấn đã tận, giờ Cấn chẳng còn nên chỉ cách đây mấy tuần lễ trong tay Cấn có mấy trăm quân vậy mà trong một thời gian ngắn ngủi Cấn đã mất gần hết, lúc đến Cự Văn thì Cấn chỉ còn hơn một chục quân. 10 tên quân của Cấn đi lấy lương thực, sau khi ra khỏi rừng Cự Văn thì gặp quân của chính phủ đuổi đánh không còn một người nào (sáu người bị chết và bốn người bị bắt).

Đội Cấn, Lý Nho, Cai Túc và Sĩ ở Cự Văn chờ mãi đến mấy hôm sau mà không thấy quân mang lương thực về thì rất lấy làm mong đợi, vì ăn uống lúc ấy rất thiếu thốn. Chờ mãi không thấy họ trở về, đoán rằng 10 tên quân này gặp sự chẳng lành nên mới sinh ra chậm đến thế. Cấn nghĩ đến thân thế của mình bây giờ thật khó xử. Nếu cứ ở trong rừng thì không có cái ăn, đi chỗ khác, gặp quân của chính phủ thì chạy đâu cho thoát mà ra đánh thì không còn quân. Càng nghĩ Cấn càng thấy cực, lắm lúc Cấn ngồi khóc một mình. Thấy Cấn khóc thì ba tên cận tín của Cấn cũng không sao tránh khỏi buồn rầu, cùng nhau tìm lời an ủi Cấn. Mặc dù lời khuyên giải của mấy tên cận tín rất thành thực nhưng Cấn cũng nhất quyết tự ải vì Cấn nghĩ sau này nếu chính phủ bắt được tất cả đều không thể thoát chết. Nghĩ đến vết thương ở đùi và những trận đánh hữu công vô lao thì Cấn lại càng thấy mình hèn hạ. Nghĩ vậy Cấn bảo Lý Nho, Cai Túc và Sĩ đào cho Cấn một cái huyệt và chôn xung quanh huyệt bốn khẩu súng trường.

Đào xong huyệt cho Cấn thì Lý Nho, Cai Túc và Sĩ cũng muốn đào thưởng luôn cho mình mỗi người một cái để cùng chết với Cấn cho trọn đạo. Cấn thấy lòng trung thành quả cảm của ba người bạn thì ái ngại vô cùng nên đã bảo ba người bạn: "Anh em còn khỏe mạnh, hy vọng còn nhiều, không nên quá nóng nảy mà hủy mình như thế. Còn tôi sở dĩ phải làm như thế này bởi sức tôi đã cùng, trí tôi đã kiệt, tự biết không làm được việc gì nữa. Vả lại tôi cũng không muốn cái thân này phải chết về tay quân địch nên tôi phải tính đến kế tự sát này. Tôi cũng muốn cái chết của tôi thêm phần bí mật để sau khi tôi xa lánh cõi đời rồi chính phủ vẫn phải luôn luôn đề phòng và phải tốn công tìm tôi vô ích nữa. Vậy tôi muốn sau khi tôi chết, các bạn nên nghĩ đến tình nghĩa từ bấy đến nay mà cho tôi được yên thân dưới nấm đất và đừng tỏ lộ với ai, các bạn giữ kín việc này cho tôi. Còn các bạn sau khi cùng nhau từ biệt, ai nấy nên về quê mưu lấy sự nghiệp làm ăn. Mong chúc các bạn chóng làm xong ý nguyện và tôi ước ao các bạn sẽ không bỏ qua lời nhờ của một kẻ sắp sửa phải hiến thân cho thần chết". Nói xong Cấn bắt tay cả ba bạn rồi hai tiếng súng lục liên tiếp nhau, vong hồn của Cấn đã lìa khỏi xác.

Sau khi Cấn chết, Lý Nho, Cai Túc và Sĩ đã khóc lóc rất thảm thiết rồi cùng nhau đắp điếm cho Cấn được mồ yên mả đẹp. Đoạn cùng nhau chia tay mỗi người một ngả, trong trí nhớ vẫn in một câu chuyện ly kỳ và bí mật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:39:38 am »



Sau khi Sĩ từ giã Lý Nho, Cai Túc, Sĩ bỗng sinh ra nghĩ ngợi lan man, ý tưởng quay cuồng với hai câu hỏi: Nên giữ bí mật về cái chết của Cấn hay nhân dịp này lấy cái xác của Cấn mà làm thang vinh hiển?

Gần sáng ngày 10 tháng 1 năm 1918 khi ở tỉnh Vĩnh Yên còn bao phủ một bầu sương tuyết nặng nề, thỉnh thoảng có những trận gió bấc lạnh lùng thổi làm rét buốt tới xương mà các ngả đường đã tấp nập những người qua lại vì hôm ấy là phiên chợ. Có lẽ đây là phiên chợ cuối cùng vì năm đã hết, tết đã gần đến. Trong đám người qua lại ấy có một người to lớn, khỏe mạnh lúc ẩn lúc hiện trong màn sương mù, khi rảo cẳng đi nhanh thoăn thoắt, khi lại từ từ bước... Người ấy chính là Sĩ, tên quan cận tín của Cấn mà mấy tháng trước đây đã cùng Cấn chọc trời khuấy nước.

Sĩ nghĩ nay Cấn đã chết mà cái chết ly kỳ ấy nếu có giữ bí mật cũng là vô ích nên Sĩ nhất định phải đi báo cáo cho chính phủ biết. Bởi vậy sáng hôm ấy Sĩ đến rất sớm. Khi đến tòa sứ tỉnh Vĩnh Yên thì trời vẫn chưa sáng rõ nên Sĩ phải ra chỗ gốc cây của tòa sứ ngồi đợi, hai tay bưng lấy bộ mặt rắn rỏi chỉ để lộ hai con mắt thô lố nhìn ra.

Ngồi dưới gốc cây chừng non nửa giờ thì trời mới tang tảng sáng, Sĩ đứng dậy sửa lại quần áo rồi tiến vào tòa sứ.

Lúc đó vào khoảng sáu giờ sáng mà sáu giờ sáng của một ngày đông thì vẫn còn sớm lắm, vậy mà ông Quy-lơ-rê (chánh sứ tỉnh Vĩnh Yên ngày đó) cũng đã dậy rồi. Thấy có lính vào báo có một người nhà quê đến báo tin về Đội Cấn thì ông ta mừng rỡ và lệnh cho lính đưa người đó vào. Sau khi khai qua căn cước, Sĩ nói với ông Quy-lơ-rê rằng chính mình đã giết được Cấn và đã chôn cất Cấn cẩn thận, giờ đây mới về phi báo.

Ông Quy-lơ-rê nghe nói Cấn đã bị giết thì lấy làm ngờ vực nên hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Sau khi thấy Sĩ nói quả quyết và mặt lại lộ vẻ tự đắc tôn công nên ông ta tạm tin.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 05 Tháng Ba, 2017, 10:40:09 am »


Đợi sáng rõ ông Quy-lơ-rê đi ô tô lên Thái Nguyên mang theo mấy tên lính và cả Sĩ nữa. Đến Thái Nguyên ông Quy-lơ-rê nói với quan ba Sa-len là tên này (trỏ vào Sĩ) đã giết Cấn. Ông Sa-len nói nếu muốn chứng thực thì phải đến tận làng Cự Văn quật hài hắn lên thì mới tin. Đúng 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 1 năm 1918 thì quan ba Sa-len, ông Quy-lơ-rê cùng quan sứ Thái Nguyên, Đội Tường, Sĩ và 30 người lính có súng đạn, xẻng, cuốc kéo đến nơi chôn cất Cấn. Đến 11 giờ thì đến Cự Văn, khu rừng này vẫn ở trong bầu yên tĩnh xưa nay nên lúc có lính đến những đàn chim trên cây đang cùng nhau ca hót nghe thấy tiếng động thì bay dáo dác. Tuy bay đi nhưng con nào con ấy vẫn có vẻ quyến luyến nhau, cảnh tượng ấy khiến cho Sĩ nhớ lại trận đánh cuối cùng ở Núi Pháo, quân của Cấn bị thua phải chạy trốn về nơi này, nay trông thấy loài cầm thú còn biết quyến luyến nhau lòng Sĩ thấy xấu hổ nhưng mặt vẫn lạnh lùng.

Đến nơi, ông Quy-lơ-rê cho đào xác Cấn và ngay chiều hôm ấy đã đưa về tới Thái Nguyên. Ông Sa-len làm tờ trình lên quan năm Me-ác.

Trong tờ trình ông Sa-len cũng nói rõ: "Hồi 10 giờ sáng ngày 11 tháng 1 năm 1918 thì ông Quy-lơ-rê dẫn lên Thái Nguyên tên Sĩ người Vĩnh Yên. Tên này nhận đã bắn Cấn ngày 5 tháng 1 năm 1918 ở Cự Văn".

Sau hỏi Sĩ tại sao lại bắn Cấn thì Sĩ nói: Xưa có người anh làm xã đoàn bị Cấn giết hôm 18 tháng 9 năm 1917 nên Sĩ bắn Cấn để rửa thù cho anh. Vì muốn báo thù nên Sĩ đã xin vào làm một người quân cận tín của Cấn để dễ hành động.

Lúc đến nơi, ông Sa-len muốn được biết rõ ràng hơn nên bảo Sĩ diễn lại cuộc giết Đội Cấn. Sĩ lấy ba người lính, một làm Đội Cấn còn hai tên kia làm hai tên cận tín của Cấn. Theo lời Sĩ thì lúc ở lại Cự Văn chỉ có hai tên quân nữa thôi. Sĩ lại nói: Ý Sĩ muốn báo thù cho anh đã từ lâu nhưng không được dịp thi hành. Nhân lúc bây giờ cả bốn người (Cấn, Sĩ, hai tên kia) suốt ngày phải đi vào rừng lẩn trốn và tìm kiếm thức ăn nên người đã mệt. Lúc ăn xong mỗi người một gốc cây nghỉ rồi thiu thiu ngủ, Sĩ biết lúc này có thể giết được Cấn nên vội vàng đứng cách Cấn khoảng 5 thước mà bắn súng. Sĩ bắn phát đầu trúng vào đùi Cấn, Cấn choàng dậy, định sấn lại, nhưng Sĩ nhanh tay hơn nên đã bắn luôn một phát nữa vào mang tai Cấn. Sau phát súng này thì Cấn khuỵ xuống đất, Sĩ liền tiến lên bắn thêm một phát thứ ba nữa vào thái dương để cho Cấn chết hẳn. Hai tên quân nữa đang thiu thiu ngủ bỗng nghe tiếng súng tưởng là quân của chính phủ vào nên cùng nhau bỏ chạy. Khi giết xong Cấn, Sĩ khâm liệm vội vàng rồi đào huyệt chôn cất, đoạn về Vĩnh Yên báo cho quan sứ Quy-lơ-rê.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM