Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:57:21 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên  (Đọc 19203 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 06:20:22 pm »


Bấy giờ, để cai quản đám tù nhân dám "hiên ngang đối đầu cùng cái chết" đã từng chiến đấu dưới ngọn cờ oanh liệt của Hùm thiêng Yên Thế Đề Thám, từng hoạt động trong tổ chức Việt Nam Quang Phục hội... nên nhà cầm quyền đã phái tên Đạc từ Hà Nội lên làm công sứ Thái Nguyên. Sự tàn bạo của y khủng khiếp đến nỗi chính thống sứ Ga-len đã nhiều lần khuyên y không nên giết người tù một cách man rợ và trong dân gian ta đã có câu nguyền rủa: "Nhất Đạc, nhì Ke, tam Be, tứ Bích!". Thế nhưng với dòng máu thực dân sôi sục trong người, Đạc không những cai trị người tù mà còn hành hạ cả đám lính khố xanh với tất cả thú tính. Nhiều lần chứng kiến tội ác của Đạc, Đội Cấn có lần tâm sự với đồng đội: "Thân phận thằng cai tù anh em mình nào khác gì con chó! Chủ lệnh sủa thì sủa, chủ lệnh cắn thì cắn, chứ có biết việc làm của mình đúng sai thế nào đâu!". Chính thái độ của Đạc càng làm Đội Cấn căm thù bọn thống trị.

Cuộc đại chiến thế giới càng làm rõ sự suy nhược của giặc Pháp. Anh em binh lính thừa cơ nổi dậy. Một ban chỉ huy khởi nghĩa được lập ra trong đó có Đội Cấn, Đội Giá, Đội Xuyên. Mọi người đánh địch đến tháng Năm âm lịch nhân dịp tên giám binh Nô-en đi đốc thuế ở huyện Đại Từ sẽ hành động. Trong đoàn lính đi bảo vệ món tiền thuế từ Hùng Sơn về tỉnh Thái Nguyên có Đội Lữ là người trong nghĩa quân. Ông Lữ đã chú ý sắp đặt những binh lính đi theo đều là những người có âm mưu bạo động. Đến bến đò Huy Ngạc, theo kế hoạch họ định giết tên giám binh cướp lấy bạc thuế rồi kéo về tỉnh lỵ cùng bạn đồng hành nổi dậy. Nhưng cân nhắc thấy nếu chưa diệt được đồn lính Pháp phòng vệ tỉnh thành, thì lực lượng nghĩa quân vẫn còn mỏng không thể tuyên chiến trước với chúng, vì vậy mọi người đều lặng lẽ kéo về. Lần khác họ định đốt một rạp hát ngoài phố vào lúc đêm khuya, khi đó lính sẽ phải chạy ra chữa cháy, nhân đó binh lính ta sẽ khởi nghĩa, vừa vây đánh bọn Pháp vừa xông vào trại lính Pháp, cướp súng rồi đánh chiếm tỉnh thành. Nhưng ông Quyến bàn nên hoãn lại vì khởi sự như vậy chưa chắc chắn. Ngày 14 tháng 7 năm 1917 (ngày khởi nghĩa phá ngục Bát-xti) binh lính Pháp, Việt phải đi duyệt binh, súng thường không lắp đạn, quân khởi nghĩa định nhân cơ hội đó sẽ đánh úp bọn Pháp. Nhưng Đội Cấn lại lo dân chúng đi xem hội đông sẽ bị chết lây. Do đó cuộc khởi nghĩa một lần nữa lại phải hoãn lại. Sau ba lần định khởi nghĩa không thành, những tiếng đồn đại từ trong binh lính và chính trị phạm đã lan ra nhân dân ngoài phố. Bọn thống trị cũng đã đánh hơi thấy nên chúng tung lũ tay sai đi dò la nghe ngóng. Sang tháng 8 năm 1917 có tin sắp có cuộc thuyên chuyển trong đám cai đội lính khố xanh. Ông Đội Cấn có tin đồn là sẽ phải đi nơi khác. Đã đến lúc cuộc khởi nghĩa phải nổ ra. Sau khi nhận được tin ông Quyến, Đội Cấn quyết định sẽ khởi nghĩa vào cuối tháng. Ông viết thư mật cho các đồng chí ở các đồn lẻ trong tỉnh như Chợ Chu, Tràng Xá, Đồn Đu... Về tỉnh lĩnh lương hẹn ngày hôm sau nổi dậy. Đêm hôm đó 30 rạng 31 tháng 8 năm 1917 ở trại lính khố xanh Thái Nguyên, binh lính các nơi về lĩnh lương náo nhiệt bàn khởi nghĩa và cuộc khởi nghĩa đã chính thức nổ ra.

Trên đây là toàn bộ quá trình giác ngộ cách mạng cũng như cuộc đời riêng của người anh hùng Đội Cấn lừng danh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 06:21:06 pm »


Câu hỏi 18: Anh hùng Đội Cấn giống như một nhân vật huyền thoại đã đi vào lịch sử dân tộc. Hãy cho biết đôi nét về người lãnh tụ nghĩa quân tài ba cùng những đồng đảng dũng cảm của ông? Họ đã chiến đấu như thế nào cho đến phút cuối cùng?
Trả lời:


Đội Cấn quê ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc xã Thổ Tang - huyện Vĩnh Tường - tỉnh Vĩnh Phúc). Ông ra lính năm 1913. Tính đến lúc có cuộc rối loạn ở Thái Nguyên vừa đúng bốn năm. Ông người đẫy đà, khỏe mạnh, đi đứng nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát, khuôn mặt bao giờ cũng vui tươi, trán cao và gồ, tỏ vẻ cương quyết. Hai con mắt ông sáng quắc lộ vẻ tinh anh. Lúc mới ra tòng chinh, Cấn đóng ngụ tại tỉnh nhà. Sau một năm Cấn lên Thái Nguyên. Cấn làm việc rất siêng năng, cẩn thận nên được đóng Cai rồi được đóng Đội. Những lúc lên Thái Nguyên, Cấn cho là quan trên quá nghiêm khắc vì thế mà Cấn sinh ra những ý nghĩ quật cường. Bạn đồng ngũ với Cấn có Đội Tường, Đội Giá, Đội Xuyên. Những ông này rất ý hợp tâm đầu với nhau. Cũng chính vì vậy họ luôn liên kết và nhiều lần lấy những mục đích khác, dùng những giọng nói hùng hồn để quyến rũ thêm đồng đảng. Những lính tráng trong trại, những người buôn bán trong phố rất ủng hộ những ý nghĩ đó và đợi cơ hội nhập bọn với Cấn. Nhất là những người bị tù, mỗi lần đi làm "cỏ vê" mà có lính của đảng Cấn đi trông nom là họ khóc rưng rức. Vì quá cảm động đến những lời nói của các chú... Và những chuyện rắc rối xảy ra sau này cũng vì đó. Vì tù nhân đi làm "cỏ vê" không đạt hiệu quả cao. Họ ra đến chỗ làm chỉ mải mê nghe các chú thuyết hết vấn đề nọ đến vấn đề kia. Đấy chẳng qua là những mưu mô của Cấn cả. Cấn hiểu rõ những người tù này chỉ vì nghèo đói nên sinh ra làm xằng. Đến khi bị bắt thì hối hận lắm, vậy mà lại bị giam cầm nữa thì càng trở nên bực dọc. Những lúc đó nếu ai khởi xướng một việc gì thì họ sẽ hưởng ứng ngay. Lúc về trại vì công việc không được chu đáo, các chú lính phải mang súng đi quanh sân... Những cách trừng phạt này khiến cho Cấn cùng đồng đảng muốn quên đi cũng không được vì ngày nào cũng thường xuyên xảy ra. Dần dần có người bị phạt tới mức lột hết lon mũ.

Một hôm nhân ngày các tù được xe gạch chở vào trại lính Tây để làm nhà. Đội Cấn biết đích xác những người lính trông tù hôm đó là đồng đảng của mình và các tù nhân đó là những người đã tỏ vẻ bằng lòng với ý nghĩ của Đội Cấn nên đã mật báo cùng các đồng đảng, nhân dịp này cứ trong phá ra mà phân phát súng, đạn cho tù. Nhưng có người đã báo cho quản Lạp nên hắn không cho tù nhân và binh lính ta vào trại làm nữa. Câu chuyện đó thời gian cũng làm quên dần nhưng lòng thù hận của Đội Cấn và đồng đảng thì không bao giờ nguôi được và từ đó ngọn lửa căm thù càng bốc lên ngùn ngụt. Một lần nữa, nhân ngày lễ Chính Trung (ngày 17-7-1917) ở Thái Nguyên có cuộc điểm binh nghiêm ngặt, cấm không cho lính mang đạn ra lúc duyệt binh. Đội Cấn mật báo cho các đồng đảng để lúc duyệt binh thì cứ bắn vào các đội binh của chính phủ thì thế nào cũng được vì tất cả lính đều không có đạn nên không kịp trở tay. Nhưng trong số những người theo Cấn lại có người không hết lòng với Cấn, sợ lụy đến thân nên đã đem chuyện đó báo cho quản Lạp biết. Biết chuyện này, quản Lạp tức lắm, hắn bắt lính ta phải vào cho hắn khám trước khi ra dự cuộc diễu binh. Đội Cấn cũng biết âm mưu của mình bị bại lộ nên báo cho đồng đảng của mình trút hết đạn lại để cho quản Lạp khám.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 06:21:27 pm »


Sau ngày lễ Chính Trung, quản Lạp đã tư giấy lên cho ông Nô-en kể rõ chuyện nghe thấy ngày 14 tháng 7 và nói: Bây giờ muốn tránh mọi sự rắc rối lôi thôi không gì bằng đổi mỗi người một tỉnh là yên, chứ cứ giữ nguyên như thế, tất sẽ có ngày rối loạn lớn. Quản Lạp lại nói vì câu chuyện hôm ấy không có bằng chứng cụ thể nên không thể buộc tội cho ai được. Ông Nô-en nói: "Nếu thế thì đã chắc đâu là chuyện thực xảy ra như vậy". Quản Lạp lại bắt đầu kể vắn tắt vì sao trước đây hai tháng mình không cho tù và lính vào trại làm nhà, sau Lạp lại nói: "Những người lính này cũng lười nhác lắm để ở lại đây cũng chẳng lợi lộc gì thì cứ cho đổi chỗ khác và lấy lính ở tỉnh khác về thì họa may dân tỉnh Thái mới được chắc chắn mà làm ăn chăng?". Nghe xong biết rõ sự tình, ông Nô-en mới đưa ý kiến ra nói cùng ông Đạc (chánh sứ Thái Nguyên thời đó) và ông Tuýt-tơ (phó sứ Thái Nguyên lúc bấy giờ). Cả ba ông đều theo như cách nói của quản Lạp định đến lúc hết hè thì thi hành vì ở Thái Nguyên nóng nực, khó chịu nên ông Đạc đã được phép ra Đồ Sơn nghỉ mát, còn ông Tuýt-tơ thì đến Vân Nam nghỉ. Không hiểu tại sao mà những mưu kế bí mật của Đội Cấn lại đến được tai quản Lạp và trái lại những điều bàn tán kín đáo của ông Đạc, Tuýt-tơ và Nô-en cùng quản Lạp lại cũng bị Đội Cấn và đồng đảng biết hết.

Thấy các việc đều thất vọng, các cơ mưu đều đã bại lộ, anh em binh lính đã một lòng một dạ cùng nhau làm toại nguyện ý định mà giờ đây thì mỗi người sắp mỗi ngả. Đang sum họp một nơi, cùng nhau bàn mưu kế chống kẻ thù, lẽ nào lại phải chia tay kẻ này chốn khác, mọi người đều rất buồn. Họ đã làm một tiệc rượu để cùng uống cho vơi nỗi buồn. Nhân lúc rượu đã ngà ngà say, Đội Tường nói với Đội Cấn: "Chúng ta sở dĩ cùng nhau kết thành đảng phải chăng chỉ vì một mối thù chung. Nhưng vì hai lần trước đều vỡ lở nên công việc nặng nề to tát kia chưa có gì gọi là kết quả. Vậy trước khi anh em chúng ta xa nhau, ông là người phải cho anh em biết ý kiến". Đội Cấn bao giờ cũng để ý đến công việc của đảng mà bây giờ thấy Đội Tường hỏi thì như được nhắc lại trong lòng và thêm phần can đảm. Vì hai lần trước bị thất bại nên Cấn chỉ muốn chờ thêm một cơ hội khác, Cấn hiểu phải có cơ hội thì mới giúp đảng Cấn làm nên việc lớn. Nhưng giờ đây, chỉ nay mai là anh em của Cấn đã phải xa nhau thì dù sau này có cơ hội tốt đến đâu chăng nữa cũng chỉ bằng thừa. Đội Cấn là người được anh em tôn trọng ngay từ khi mới kết thân. Anh em thường nói: Cấn là người quả quyết, can đảm. Khi nghe Đội Tường nói vậy lòng Cấn càng thêm phấn chấn. Chi bằng nhân lúc ông Đạc và ông Tuýt-tơ đi vắng biết đâu lại là một cơ hội tốt cho đảng của Cấn. Nghĩ vậy Cấn liền đứng dậy dõng dạc nói: "Anh em đã hỏi, tôi xin nói để cùng biết. Bây giờ ông Đạc và ông Tuýt-tơ đi nghỉ mát, chúng ta chả nhân lúc này mà làm việc theo chí hướng còn định đợi đến bao giờ. Hôm nay tôi mời các anh em đến đây mục đích cũng chỉ cốt hỏi anh em về việc đó, nhưng chưa tiện nói thì ông Tường đã nhắc tới. Bây giờ trong trại chỉ còn lại ông Nô-en và quản Lạp, chúng ta nên hạ thủ ngay kẻo hoài mất dịp tốt". Đội Cấn nói xong thấy mặt anh em ai nấy đều lộ vẻ vui tươi, hồ hởi. Họ hoan hô hưởng ứng câu nói của Cấn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 09:11:28 pm »


Trong số các anh em đến ăn cơm ở nhà Đội Cấn tối hôm ấy có:

Đội Cấn đứng đầu, quê ở Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc), lính số 71;

Đội Giá, quê ở Nhã Long, Úc Sơn, Phủ Bình, lính số 697;

Đội Tường, tức là Đội Thơ Lại, lính số 788;

Cai Xuyên, lính số 789 sau được Đội Cấn cho đóng làm quan năm.

Và hai người lính nữa là Chén và Luận, người ta vẫn gọi Luận là ông Nớp Săng Đu (số lính của Luận là 912), cả hai người sau đều được Đội Cấn cho đóng quan ba. Sau này Luận bị quân chính phủ bắt được đã đem đày ở Chợ Chu, ở tù được ít lâu lại phá ngục ra làm giặc.

Cơm xong, khoảng 12 giờ đêm, Đội Cấn liền xếp đặt các công việc để các anh em cùng làm. Luận đi giết quản Lạp thì giết được ngay, còn Chén đi giết ông Nô-en thì lại giết hụt nhưng lúc về vẫn nói với Cấn là ông Nô-en đã bị giết.

Lại nói về Nô-en, khi thấy có người đến chực giết thì chạy ngay ra cổng, sau lại chạy về nhà ông chánh sứ Đạc mà gọi Đội Cấn. Nghe tiếng gọi biết là Nô-en còn sống, Đội Cấn mới cùng Đội Tường ra để giết Nô-en. Nô-en gọi mãi không thấy Đội Cấn thưa, lúc đang đêm lại thấy có bóng người tiến lại gần mình, ông nghi là quân gian lúc nãy nên bỏ chạy về nhà riêng.

Vừa về tới nhà thì Cấn và Tường cũng đuổi kịp. Giết được Nô-en, Cấn vào ngay trong nhà riêng của Nô-en lấy cái khăn trải bàn kéo lên làm cờ. Xong rồi Cấn quay về đưa cả đồng đảng vào trại lính khố xanh, ở trại lính lúc bấy giờ còn hơn ba chục người. Trong số đó có tám người vì kháng cự với quân của Cấn nên bị giết ngay. Còn gần ba chục nữa, biết rằng không theo cũng không được nên đành cùng nhau trốn ra phố ăn mặc giả nhà quê, kéo nhau vào trại lính Tây, thấy động liền thổi kèn báo động. Đội Cấn ở trại lính khố xanh biết việc đã vỡ lở cũng cho quân thổi kèn báo động. Quân ở trại lính Tây thấy vậy tưởng là có giặc ở ngoài vào tỉnh, lập tức cho điểm 40 người lính và hai khẩu súng cối do ông quan hai dẫn sang trại lính khố xanh hợp sức lại làm một để cùng đuổi giặc. Nhưng vừa đi đến kho bạc thì bị quân của Cấn cản lại. Biết có nội loạn ông quan hai không dám đánh, đành phải mang quân về trại để rồi xin thêm binh cứu viện.

Thế là đêm hôm 14 tháng Bảy năm Đinh Tỵ (tức đêm 30-8-1917), vào khoảng chín giờ sáng thành phố Thái Nguyên đã tạm về tay Đội Cấn.

Năm giờ sáng hôm ấy, Cấn chia đồng đảng ra làm ba đội. Một toán do Đội Tường trông nom, dẫn ra phá các máy ở nhà dây thép và cắt các dây điện ở các tuyến đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 09:12:37 pm »


Ông Kế, người trông nom nhà dây thép thấy có loạn liền định đánh dây thép báo tin ra các tỉnh lân cận. Nhưng muộn quá! Ông sờ đến máy nào cũng đã bị hỏng cả. Duy chỉ còn một cái máy con mà ông Kế cho là có hy vọng dùng được nên vội vàng mang ngay máy cùng người nhà chạy vào trại lính Tây. Vào đó nhờ có mấy người lính Pháp giúp sức chữa mãi mới dùng được. Ông Kế liền báo tin ngay về phủ Thống sứ Hà Nội, quan thống sứ hồi đó là ông Lơ Ga-lăng.

Còn Đội Giá thì đưa quân vào nhà phá khám cho tù ra. Lúc phá được vào đến sân thì bị ông Lô-ê, người trông nom ở khám ngăn lại, ông Giá tức quá liền giết chết ngay y cùng với vợ của y. Các tù được thả ra đều chạy cả về trại lính khố xanh để mặc áo và mang khí giới. Trong số các tù đó có Ba Chi, tướng của Đề Thám, Nguyễn Gia Cầu, Ba Nho và Lương Ngọc Quyến con ông tử Can. Lương Ngọc Quyến vì bị cùm xích lâu năm nên chỉ ăn uống được mà không thể đi được. Dù vậy Đội Giá biết Ngọc Quyến là một đảng viên cách mạng có tài nên cho người cõng về trại để hỏi các mưu chước. Đưa Ngọc Quyến về đến trại, Đội Cấn hỏi Ngọc Quyến: "Bây giờ đã đến nước này thì nên xử trí ra sao để đối phó với quân chính phủ?". Ngọc Quyến nói: "Ngay đêm hôm nay nên cho quân đào hầm các lối như Gia Sàng, trên đường Hà Nội - Thái Nguyên, ở Chợ Mới - Bắc Kạn và chung quanh tỉnh cho quân mai phục tại đó, chờ quân của chính phủ các nơi đến cứu là đón đánh".

Cai Xuyên cũng đưa các đồng chí trong đảng ra phá kho bạc ngay tối hôm đó. Vào được kho bạc rồi, nhưng vì két bạc khó phá quá nên mãi hôm sau mới lấy được bạc ở trong két ra. Tất cả lấy được 30.000 đồng bạc giấy và 41.000 đồng bạc hào.

Sáng hôm sau, ngày 31 tháng 8 năm 1917, các phố Thái Nguyên nhà nào nhà nấy cửa đóng im ỉm. Cả thành phố vắng lặng như tờ. Ở trại lính khố xanh các quân gác vẫn như cũ, không có gì có thể biết được là tối hôm qua ở đây đã có cuộc rối loạn. Người lính canh cổng vẫn đi lại như ngày thường. Lúc đó có một người đàn bà ăn mặc theo lối nhà quê, tự xưng là vợ của Đội Cấn bày tỏ ý muốn vào thăm Cấn. Thấy có người hỏi, lính canh vào báo cho Cấn biết: "Có vợ ở nhà quê lên thăm". Nghe dứt câu, Cấn hầm hầm nổi giận nói to lên rằng: "Ta bây giờ chỉ có một mình với nước chứ không hề có vợ con chi hết". Quân canh cứ như thế truyền đạt lại với vợ Cấn. Cấn thật giống Lưu Bị đời Tam Quốc bên nước Tàu.

Quan thống sứ Lơ Ga-lăng nhận được tin ở Thái Nguyên có cuộc rối loạn liền gọi ngay dây nói cho ông Đạc ở Đồ Sơn lệnh phải về ngay Hà Nội, sau đó ông lấy ô tô đi đón ông Đạc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 09:13:11 pm »


Ô tô của ông Lơ Ga-lăng đi đến Phú Thụy thì gặp ô tô của ông Đạc. Hai ông cùng đi lên Thái Nguyên. Đến Đa Phúc, cách tỉnh lỵ Thái Nguyên chừng ba cây số thì gặp một toán quân của chính phủ. Ông Ga-lăng lấy 40 người lính ở Hà Nội và ở Bắc Giang do hai ông Pen-lê-gri-ni và Mác-ti-ni chỉ dẫn, vừa đi ô tô tới đó. Ngay đêm hôm đó, ngày 31 tháng 8 năm 1917 có 14 chiếc xe ô tô ca-mi-ông chở toàn lính tráng và súng đạn đến Gia Sàng, cách hầm của Đội Cấn 500 thước. Sáng hôm sau, ngày 1 tháng 9 năm 1917 lại có 80 người lính Đáp Cầu cũng đến Gia Sàng... Sau đó chúng chi viện thêm nhiều lính nữa. Nhưng lúc mới đi đến chân đồi về phía tay trái đường Hà Nội - Thái Nguyên thì gặp quân mai phục của Đội Cấn đổ ra đánh. Lúc ấy quân của Đội Cấn thế rất mạnh, quân của chính phủ lại bị đánh bất thình lình nên đã thua to. 10 giờ sáng ngày 2 tháng 9 năm 1917 quan năm Bẹc-giê đến Gia Sàng. Ngày hôm sau, ngày 3 tháng 9, lại có một đội binh tây chừng 120 người và một toán lính ta chừng 80 người cũng được đưa đến Gia Sàng định đến sáng mùng 4 tháng 9 sẽ đánh để lấy lại tỉnh Thái Nguyên.

Nhưng đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 9, quân mai phục của Đội Cấn đã biết đánh ngay vào đồn Gia Sàng, trong trận đánh này ông Mác-ti-ni bị bắt rồi bị giết. Mặc dầu trận đánh tối hôm ấy bị thua, ông Bẹc-giê ra lệnh cho quân tiến đánh Thái Nguyên. Đến Thái Nguyên thì vừa đúng sáu giờ sáng hôm sau tức là ngày 4 tháng 10. Lúc ấy ông Bẹc-giê ra lệnh cho quân cứ bắn súng cối xay vào hai đầu tỉnh. Đến 4 giờ 30 phút chiều mùng 4 tháng 9 thì đội pháo thủ đã vào được trại Xơ-sa-ri tỉnh Thái rồi. Cũng trong ngày hôm ấy 80 lính lê dương chia ra thành hai đội lại đến Gia Sàng tiếp ứng cho quân chính phủ. Rạng sáng ngày hôm sau, ngày 5 tháng 9 trong trại lính tây ném bom ra như mưa sang phía trại lính khố xanh, kho bạc và nhà tù, vì quân chính phủ tưởng quân địch còn lẩn khuất trong những nơi đó.

Đúng trưa mùng 4 tháng 9 năm 1917 thì quân của chính phủ đã lấy được lại toàn bộ tỉnh Thái Nguyên. Còn quân của Đội Cấn càng chống cự càng bị suy yếu. Sau biết là quân của chính phủ nhiều, lượng sức đánh cũng không có lợi nên đành chia nhau ra mỗi người chạy một ngả. Tính ra trận này quân của chính phủ 15 người chết và 20 người bị thương, còn quân của Đội Cấn hy sinh 50 người và bị thương 35 người cùng với súng đạn. Trong lúc bối rối, Đội Cấn cũng không sao quên được Ngọc Quyến, một người đã bày mưu cho quân mình giành thắng lợi ở trận Gia Sàng. Nhưng đây là lúc nguy biến nhất, mà Ngọc Quyến thì không thể nào chạy theo quân được nên mới dẫn đến cái chết sau này.

Suốt từ mùng 1 đến mùng 4 tháng 9 năm 1917 ông thống sứ và ông Sáu tư giấy đi khắp nơi tin tức cho nhân dân các miền quê biết rằng nếu ai theo Đội Cấn làm loạn thì sẽ bị nghiêm phạt như ở Chợ Chu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 09:14:05 pm »


Quân của Đội Cấn bị bại ở Thái Nguyên thì cùng nhau chạy về phía Chợ Mới, lúc chạy đến Giang Tiên, cách tỉnh lỵ Thái Nguyên chừng 14 cây số, khoảng bốn giờ chiều thì lại họp cùng dân làng Phú Lương để cùng nhau chống giữ con đường dọc sông Don Du. Nhưng trong số dân làng đồng ý theo Đội Cấn có một người tên là Đội Thành đi lính đã mãn khóa về hưu không nghe theo Đội Cấn mà lại muốn nhân dịp này hại Đội Cấn để lập công. Đội Cấn biết ý liền sai Cai Xuyên (bấy giờ đã đóng quan năm rồi) ra đánh giết Đội Thành. Giết được Đội Thành rồi quân của Đội Cấn lại kéo về Bình Sơn. Đến đây Đội Cấn lại gặp ông huyện Đại Từ là ông Trần Văn Trư, ông này được tin Đội Cấn đến liền chạy lên một ngọn đồi cao và hiểm trở. Nhân vì thấy Đại Từ là một người giàu có, thịnh vượng nên Đội Cấn bắt dân làng phải viện trợ lương thực cho quân của mình và viết thư mời ông huyện Đại Từ - Trần Văn Trư lại chơi và ra lệnh phải tìm cho Cấn sáu chỗ đất rộng rãi để quân lính ở. Tiếp được thư ông huyện Đại Từ không biết trả lời ra sao đành làm thinh không. Vì vậy vào khoảng năm giờ chiều ngày 5 tháng 9 năm 1917 Đội Cấn đã đưa một toán quân đến chỗ tri huyện ở để hỏi tội. Ông huyện phải cùng với 20 lính cơ và 20 trai tráng ra chống cự. Đánh nhau mãi đến hơn bảy giờ tối mà không bên nào chịu lui. Đội Cấn bèn thu quân về phía Huy Ngạc ở ven sông Công. Rạng sáng ngày 6 tháng 9 năm 1917 một toán quân do quan hai (Phăng) đưa đi Tam Đảo, lúc qua Hùng Sơn thì đúng sáu giờ sáng. Thấy quân của Đội Cấn xếp thành hàng ngũ sắp sửa đánh đồn, ông Phăng liền cho quân của mình chống cự. Đánh nhau suốt từ sáu giờ sáng đến sáu giờ tối thì mới đuổi được quân của Đội Cấn ra khỏi Hùng Sơn. Đấy là nhờ có những người nhà quê đưa đường chỉ lối cho quân của ông Phăng.

Ở Thái Nguyên sau khi quân của chính phủ đã lấy được tỉnh rồi (5-9) thì được tin ngay từ chiều hôm trước (4-9) quân của Đội Cấn đến Giang Tiên phá phách các nhà của những người Pháp trong hội Manh-lơ-rơ. Được tin như vậy, nhưng muốn để cho quan quân nghỉ ngơi rồi đến ngày 6 tháng 9 mới tờ mờ sáng thì ông Bẹc-giê đưa một đội quân đến Phấn Mễ cách tỉnh lỵ Thái Nguyên 16 cây số để đuổi gấp Đội Cấn. Đội quân này đi mãi đến bốn giờ chiều mới tới Phấn Mễ và gặp được quân của ông Phăng vừa tới. Ông Phăng kể cho ông Bẹc-giê nghe chuyện đánh nhau vô ích của viên tri huyện Đại Từ chiều hôm trước và cách đuổi quân địch của đội quân Tuyên Quang.

Ngày 7 tháng 9 năm 1917, quân lính đều được nghỉ và cùng hôm ấy các quân do thám của chính phủ và các dân quê cho biết cách xếp đặt của Đội Cấn.

Ngày 8 tháng 9 vào lúc năm giờ sáng ông quan năm Bẹc-giê chia ra một toán quân đi đến Hùng Sơn. Đội Cấn biết thế nguy vì về phía nam thì chỉ có hy vọng chiếm được Chợ Chu nhưng lại bị quân địch ở Vân Lang chống giữ, còn phía trên lại có đồn Quảng Nạp canh phòng cẩn mật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 03 Tháng Ba, 2017, 09:14:44 pm »


Quân của chính phủ thế nào cũng có một trận đánh úp với quân địch nhưng đến ngày 8 tháng 9 một người Mán đi do thám về báo tin: Từ sáng cho đến chiều toán quân của Đội Cấn ước chừng độ 120 khẩu súng đã đến chiếm được một làng Mán ở Quân Chu dưới núi Tam Đảo. Chỗ ấy rất hiểm trở vì nhiều lạch và một khu rừng tre rất khó đi lại. Biết vậy ông quan năm Bẹc-giê liền báo cho quân biết là lại phải về Sơn Cốt.

Sáng ngày 9 tháng 9 ông quan năm Bẹc-giê cho ô tô đưa một toán quân có cả lính tập, lính khố đỏ và lính lê dương về Bến Đông và định đánh từ phía nam đánh tới Quân Chu. Quân của Đội Cấn không chạy về phía đông nữa vì ở đó có một con đường đã bị chắn. Bây giờ chỉ còn một lối nhỏ, trắc trở khó đi, muốn chạy thì phải trèo qua núi Tam Đảo, qua Vĩnh Yên và làng Xã Hùng.

Nghĩ vậy, ngày 10 tháng 9, ông Pây-ru đưa quân đánh Quân Chu. Quân của Đội Cấn thấy nguy hiểm liền bỏ chạy và quả nhiên phải chạy qua núi Tam Đảo. Sau toán quân của Đội Cấn có sáu người nữa cũng chạy về miền Sơn Cốt. Quân của chính phủ không nghĩ đến việc đón đánh Đội Cấn ở rừng tre và núi Tam Đảo mà về phía nam thì chỉ cho quân đến Sơn Cốt và Bến Đông, còn về phía bắc thì cho quân đến Cát Nê và Hùng Sơn. Một toán lính và hai, ba chục người nhà quê thì len lỏi vào các rừng từ Bến Đông đến Cát Nê để tìm kiếm quân của Đội Cấn. Đi đầu của toán quân Pháp này có hai người lính và một người cai ta. Ba người này được toán quân sau cho làm do thám đi trước tìm quân Cấn và dẫn đường. Lúc đi, ba người này đã có lệnh nếu gặp nguy hiểm vẫn phải tiến chứ không được quay đầu nhìn lại hay chớ có nấn ná để chờ quân sau khiến bại lộ. Lúc vào đến trong rừng, trên một lối đi bé nhỏ và khúc khuỷu rậm rạp, nếu để ý thì mới thấy ba người ăn mặc theo lối nhà binh đang cùng nhau lần bước. Lúc cúi rạp xuống mặt đất, khi thì đi rất nhanh, khi lại rất chậm.

Đoành! Một tiếng súng nổ, ba người đang đi bỗng giật mình vì tiếng súng rồi một người khuỵ xuống, lúc ngã tay chạm vào cò súng, viên đạn xuyên qua ngực người đi bên cạnh. Thế là một lúc hai người chết. Người cai còn lại sống sót nhưng tránh sao khỏi lo cho bản thân. Đương lúc như vậy thì từ trên cây có một giọng cười nghe rất kiêu căng. Nhìn theo tiếng cười thì thấy trên cây một người mình mặc áo lụa nhuộm nâu, đóng khố, đầu không khăn, chân không giày, hai cánh tay béo tốt nắm chắc khẩu súng đang chĩa về phía người cai mà nói: Giơ tay lên và đứng lại. Người cai thấy hai bạn đã chết, đoán chắc không địch nổi liền tìm lời nói ngọt. Hai tay vẫn giơ cao, người cai lần từng bước tiến đến chỗ gốc cây, từ từ cúi xuống lạy, miệng lẩm bẩm nói: "Mình là bạn với Cấn muốn vào thăm nhưng chẳng may đi đến đây không biết mà nói trước nên hai bạn đã bị thiệt mạng một cách oan uổng". Miệng hắn vẫn lẩm bẩm nói, thân mình thì khi cúi rạp xuống, khi ngẩng lên. Rồi đoành! Cái xác trên cây rơi mạnh xuống, thì ra là lúc người cai lễ phép cũng là lúc người cai tìm cách hạ tên quân canh ngồi trên cây. Nhân tiện có súng mang trên vai, người cai cúi lạy và thừa cơ bóp cò súng. Toán quân đi sau biết được người cai đã giết được quân canh liền kéo nhau tiến vào và đi lùng tìm nơi ở của quân Đội Cấn. Cấn đang ở trong nhà, thấy lính của mình vào báo có quân của chính phủ đến thì ra lệnh cho quân của mình không đánh trả mà tìm đường trốn. Quân của chính phủ tìm mãi không thấy quân của Cấn liền nghi người ngồi trên cây kia là một tay súng thiện xạ chứ không phải quân canh của Cấn. Sau đi mãi mới thấy một khoảng đất rộng cỏ non bị xéo nát, gần đấy có từng bờ đất đắp để làm bếp. Lúc đó quân của chính phủ mới biết rõ là Cấn trốn đi rồi. Quân Cấn chạy về phía núi Tam Đảo và vào đến địa phận Vĩnh Yên mà không gặp sự vụ gì nữa.

Một toán quân của Cấn bị vây ở Quân Chu thì chạy ngay về mạn Tam Đảo cho đến Vĩnh Yên, còn quân lính khố xanh thì lại canh giữ về phía nam của ngọn núi và các ngả đường như Vĩnh Yên, Tuyên Quang. Ngày 11 tháng 9, ông Bẹc-giê chỉ để lại một ít quân đủ sức chống cự với quân của Cấn ở các nơi như Hùng Sơn, Sơn Cốt, còn bao nhiêu thì ngày 12 tháng 9 ông mang về Vĩnh Yên, Phúc Yên do ông Rô-lê, giám binh trại lính khố xanh chỉ dân đi đuổi gấp Đội Cấn. Sáng ngày 12 tháng 9 năm 1917 ông Sứ và ông quan ba Déc-vi-lê cùng lên Vĩnh Yên để giữ trật tự và trông nom binh lính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:15:41 pm »


Những trận đánh ở Vĩnh Yên và Phúc Yên:

Tổng đốc Mai Trung Cát làm quan ở Vĩnh Yên đã gần 10 năm nên ông được trông nom cả việc binh. Từ ngày 13 đến ngày 18 tháng 9 năm 1917, ông luôn luôn được tin: Quân của Đội Cấn vẫn lẩn khuất quanh đây, khi thì ở dưới chân ngọn núi Tam Đảo, khi thì ở Xã Hùng, Lục Liêu, Đạo Trừ. Chiều ngày 18 tháng 9 ông Mai Trung Cát biết đích xác là quân của Đội Cấn đã xuống hẳn phía nam và đóng quân ở Hồng Xá Hạ về phía bắc con đường xe lửa Việt Trì - Vĩnh Yên.

Ba giờ chiều ngày 19 thì quân của chính phủ đã đánh kịch liệt với quân của Đội Cấn ở Hồng Xá Hạ. Tính ra trong trận này quân của chính phủ đã chết mất một đội khố đỏ, hai lính lê dương và năm người bị thương. Còn bên quân của Đội Cấn cũng bị hao hụt ít nhiều.

Vì có giấy phủ thống sứ tư ra nên bắt đầu từ ngày 20 tháng 7 năm 1917 các quân đi đánh đuổi Đội Cấn phải dưới quyền của quan năm Me-ác chỉ huy cho đến ngày 30 tháng 9 quân của chính phủ đánh mấy trận nữa nhưng đều bị thiệt hại nhiều. Từ lúc đánh nhau ở Hồng Xá Hạ, ngày 19 tháng 9 thì Đội Cấn cho quân rút về mé sông Nhị Hà và đóng ở Đông Tam. Sau đó, muốn theo đường về Sơn Tây rồi đi Hòa Bình nhưng đến Đông Tam thì bị quân của chính phủ ở Tần Thủy đánh dồn về miền Đông và cứ theo lên đến mãi Phúc Yên, Vĩnh Yên. Ngày 22 tháng 9, hai bên lại đánh nhau ở Trung Hà, Trung Thôn. Quân của Đội Cấn ngày càng hao hụt và bị thua, sau cứ tìm các bụi rậm có khi phải lội cả xuống hồ đợi đến tối thì lẩn thoát. Trưa ngày 23 tháng 9, quân do thám về báo: Quân của Đội Cấn hôm qua bị thua, hôm nay đã đóng ở Thượng Lệ rồi. Ngay chiều hôm đó, ngày 23 tháng 9, khoảng bốn giờ chiều, quân của chính phủ theo lời do thám đưa đến đánh quân của Cấn. Đánh nhau mãi đến chín giờ đêm thì cả làng Thượng Lệ bị vây. Nhưng đến tối 24 rạng sáng 25 tháng 9 quân của Cấn đã chia làm hai toán chạy trốn. Một toán chạy về Cơ Bai và một toán chạy vế Tân Ấp gần đồi Thanh Tước - Phúc Yên. Ở Cơ Bai quân của Cấn cũng bị đón đánh, nhưng thấy thế yếu nên quân của Cấn chỉ chạy thôi. Trước lúc mới ra làm loạn Cấn có 700 quân, 200 súng ống nhưng bây giờ Cấn chỉ còn hơn 100 quân, số còn lại thì tản mát khắp nơi. Toán chạy về Tân Ấp cũng bị quân của chính phủ đuổi bắn. Quân của Cấn chạy đến Nôi Động thì bị quân của chính phủ đuổi kịp, chúng vừa đuổi vừa bắn súng theo. Biết là chạy cũng không được mà trốn cũng không thoát nên cùng nhau lẩn trốn bên đường chờ quân của chính phủ đuổi theo tới nơi, đang lúc chúng không đề phòng sẽ quyết chiến một trận. Quân chính phủ tưởng quân của Cấn còn chạy nên cứ mải đuổi theo không để ý. Khi đó quân của Cấn ở bên đường xông ra đánh dữ dội. Bị đánh bất thình lình, quân của chính phủ thua, quân của Cấn chết hai người và ba người nữa bị thương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 04 Tháng Ba, 2017, 03:16:18 pm »


Đêm 25 rạng ngày 26 tháng 9, quân của Cấn tràn về phía Đa Phúc thì được tin quân của quan năm Me-ác còn đóng ở đó. Cấn biết quân mình hiện giờ còn mệt lắm, nếu gặp quân của chính phủ thì thế nào cũng phải đánh hoặc phải chạy nên đành phải lùi về phía Cơ Bai. Cũng may mãi đến hôm sau ông Me-ác mới biết tin.

Từ khi chính phủ lấy quân ở các tỉnh miền xuôi lên đánh đuổi Cấn đến giờ, đánh nhau có trận được, có trận thua nhưng trong lòng Cấn không bao giờ được vui vì trước đây Cấn có tất cả hơn 700 quân, súng ống nhiều, đạn dược dư, còn bây giờ các quân của Cấn phần bị chết, phần thì bị bắt, cũng có người ân hận bỏ cuộc.

Ở Bắc Giang thì quan thống sứ và quan sáu ra sức tìm cách đề phòng dân theo loạn. Chúng gia ân cho những người biết lỗi quay về làm ăn lương thiện và thưởng cho những người bắt được quân của Cấn. Đã nhiều lần Cấn cho đồng đảng đi dụ thêm quân nhưng xem ra không có lợi. Vì nghĩ đến công việc của mình nên nhiều lúc Cấn ngồi ở gốc cây ôn lại những ngày qua. Nhớ lại những lúc anh em phá tỉnh Thái Nguyên tưởng là công việc sau này sẽ xiết bao rạng rỡ. Lúc trước Cấn nói ra câu nào ai nấy đều hoan hô hưởng ứng nhưng giờ thì Cấn không muốn nói với ai nữa. Cấn biết rằng trước đây, mình chỉ vì mối thù chung của tất cả anh em mà làm việc. Bây giờ Cấn biết nghĩ sâu sắc hơn về những việc đã làm nhưng chẳng còn cách nào khác. Đúng lúc nghĩ ngợi một mình thì lại có quân báo: Có quân của chính phủ đến. Chỉ một cái tặc lưỡi, Cấn đứng dậy tìm cách đối phó. Cấn nghĩ bây giờ nếu mình cứ nay đây mai đó, thì một ngày kia cũng sẽ bị bắt thôi. Nên nhân khi quân của chính phủ chưa biết đích xác là ta ở chỗ nào và đang chia quân đi khắp nơi để lùng sục ta, bây giờ ta sẽ cho quân về phá lại Thái Nguyên, biết đâu ta chẳng được thêm quân vì ở đó ta quen nhiều, nếu gặp thì sẽ dụ họ về đảng. Ngay tối hôm ấy, ngày 28 tháng 9, Cấn cắt quân qua núi Tam Đảo rồi về Thái Nguyên.

Sáng ngày 29 tháng 9, quan năm Me-ác được tin báo có quân địch đi qua núi Tam Đảo để về Thái Nguyên nên đã cho một toán lính độ 20 người đủ cả súng đạn ra đón đánh. Lúc đến nơi thì thấy một đoàn người độ bảy người đang đi trên con đường Hà Nội - Thái Nguyên. Thấy vậy 20 người lính kia nấp rạp xuống bờ ruộng để cho bảy người đi lại thì mới bắn. Vì mấy người kia còn ở rất xa, lính sợ bắn nhầm người chạy loạn. Còn bảy người đằng xa đã trông thấy lính nên rủ nhau bỏ chạy. Ngay lúc đó một loạt súng cùng vang lên, bảy người kia giờ chỉ còn có năm. Năm người này cố hết sức len lỏi vào các khe núi nên thoát chết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM