Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:36:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên  (Đọc 19209 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 10:01:54 am »


Xuống Vĩnh Yên và Phúc Yên: Sau khi không thấy dấu vết hoạt động của nghĩa quân ở Thái Nguyên, quân Pháp chuyển binh lực sang phía Vĩnh Yên. Chúng bố trí một hàng rào dày đặc ở mé núi Tam Đảo về phía Vĩnh Yên, đồng thời cho những đạo quân khác tuần tiễu các ngả. Thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh cho thiếu tá Đờ-vi-le đóng ở Vĩnh Yên phối hợp với một đạo quân của Tổng đốc Vĩnh Yên là Mai Trung Cát, bố trí đề phòng.

Ngày 12 tháng 9, một toán quân Pháp định phục kích nghĩa quân vây lại. Từ 13 đến 16 tháng 9, nghĩa quân vẫn ẩn hiện ở mấy làng phía tây bắc chân núi Tam Đảo. Có lần họ kéo vào đồn điền Nguyễn Hữu Cự lấy xẻng cuốc đào công sự. Khi kéo quân qua đồn Liễn Sơn, nghĩa quân có đánh nhau với quân Pháp nhưng không kịch liệt lắm. Chiều 18 tháng 9 nghĩa quân tiến đến phía nam và đóng ở làng Hoàng Xá Hạ, phía bắc con đường xe lửa Vĩnh Yên - Việt Trì. Chiều ngày hôm sau quân Pháp đến vây Hoàng Xá Hạ. Nghĩa quân từ trong chiến hào bắn ra, quân Pháp không thể tiến vào được. Kết quả Pháp chết một hạ sĩ quan, hai lính và bị thương sáu.

Sau đó nghĩa quân tiến xuống miền triền sông Hồng Hà. Giặc Pháp vội vàng bố trí miền trung du và thông tri cho công sứ các tỉnh chuẩn bị đối phó với nghĩa quân. Ngày 20 tháng 9, tên đại tá May-a ra làm tổng chỉ huy các đạo quân Pháp.

Từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 9, nghĩa quân vẫn hoạt động ở phía sông Hồng, có ý muốn vượt qua sông sang Sơn Tây rồi vào Hòa Bình. Trong khi phá hàng rào bao vây của giặc, nghĩa quân đã thắng nhiều trận lớn. Nhưng trên sông Hồng, giặc Pháp đã cho nhiều tàu chiến và xuồng máy cản đường, nên nghĩa quân lại quay về phía đông đi theo con đường đê từ Vĩnh Yên sang Phúc Yên. Quân Pháp vẫn đuổi theo sau.

Ngày 22 tháng 9, hai bên gặp nhau ở Trung Nha và Trung Thôn. Một trận kịch chiến diễn ra. Làng này có đê bao vây xung quanh như hình lòng chảo, hai bên đều nấp vào vệ đê bắn nhau. Sau đó, nghĩa quân tiến vào được trong làng, đứng trong luỹ tre bắn ra. Quân Pháp chết khá nhiều. Nhưng trong trận này, vì nắm được địa hình, địa vật có lợi, ông Ba Chén không chịu kéo dài thế cầm cự, mấy lần chỉ huy nghĩa quân xông ra, do đó nghĩa quân thiệt hại cũng không ít. Nửa đêm hôm ấy, nghĩa quân rút khỏi làng, trưa hôm sau vào đóng ở làng Thượng Lệ. Ba giờ chiều hôm ấy, hai bên lại đánh nhau, kéo dài đến chín giờ tối. Sáng hôm sau quân Pháp huy động rất nhiều quân đến vây bọc lấy Thượng Lệ. Nghĩa quân đánh lại rất hăng. Đêm 24 rạng ngày 25 nghĩa quân đánh tháo ra được. Trong trận này, lực lượng nghĩa quân bị ngắt làm hai bộ phận. Đại bộ phận có ông Cấn ở trong kéo về phía Cổ Bài. Một toán ít người bên trong đó có (vợ chồng số) 1035 kéo về Tân Ấp gần núi Thanh Tước. Sau mấy trận chiến đấu, toán Tân Ấp chỉ còn vợ chồng số 1035 và sáu người nữa rút vào trong làng Nội Đồng. Một trận quyết tử, cả tám người đã hy sinh, về phía đoàn quân ông Cấn, sau trận chiến đấu ở Cổ Bài vào đêm 25 rạng ngày 26 tháng 9, họ đã rút ra kéo về mạn Đa Phúc. Nhưng lúc này nghĩa quân đi đến đâu cũng bị đánh trước mặt và đuổi sau lưng nên nhiều chỗ phải trở đi trở lại và sau những trận xung đột số người càng hao hụt dần. Hai ngày 28 và 29, nghĩa quân lại kéo về phía Cổ Bài.

Ngày 30, một vài toán nhỏ nghĩa quân bị tách rời với đại bộ phận phải vượt qua dãy núi Tam Đảo, sang địa hạt Thái Nguyên. Một toán bảy người khi đi qua quốc lộ từ Hà Nội lên đã đánh nhau với một toán quân Pháp. Cùng ngày, một toán nghĩa quân kéo về đóng ở làng Xuân Phách cũng đã giao chiến với quân Pháp.

Từ đó, nghĩa quân dần dần rút khỏi địa hạt Phúc Yên và Vĩnh Yên, vượt qua dãy núi Tam Đảo trở lại Thái Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 10:02:36 am »


Trở lại Thái Nguyên sang Yên Thế: Ngày 3 tháng 10 nghĩa quân đã đến hạt Thái Nguyên đóng trong làng Lai, gần Sơn Cốt. Đến đây nghĩa quân bị tử thương và ly tán khá nhiều. Theo tài liệu của giặc Pháp thì kể từ ngày nghĩa quân vượt Tam Đảo sang Vĩnh Yên (12-9-1917) quân số có 120 người, tới nay (3-10) chỉ còn 80 người. Sau đó mấy người lại bị bắt, chỉ còn độ 70 người.

Mười giờ sáng ngày 5 tháng 10, sau trận xô xát với quân thám thính Pháp ở trong rừng, nghĩa quân rút lên thủ hiểm trên đèo Nứa. Đèo Nứa có mỏm Vung, triền núi dốc, xung quanh toàn bụi rậm. Nghĩa quân đào từng hàng chiến hào phòng thủ. Ngày 9 tháng 10 quân Pháp kéo đến vây đánh. Mấy lần chúng xông lên đều bị nghĩa quân từ chiến hào và bụi rậm bắn xả xuống chết khá nhiều. Viên thiếu tá Xa-lê mấy lần đốc quân lên đều bị chặn lại. Một nghĩa quân kể lại là trong những trận giao chiến đã qua thì trận này kịch liệt và thắng lợi nhất. Theo thông báo thì chúng cũng phải nhận là số tử thương của Pháp là 40 tên. Một lính khố đỏ nói là khí giới hư hỏng của quân Pháp phải chở bảy xe mới hết. Mặc dầu bị thiệt hại nặng nhưng quân Pháp vẫn kéo đến rất đông. Đêm 6 tháng 10 nghĩa quân rút về phía tây bắc.

Ngày 16 tháng 10, gần Hoàng Đờm thuộc Phổ Yên (Thái Nguyên) nghĩa quân gặp quân Pháp ở trước mặt tiến lại. Hai bên đều tìm địa hình thuận lợi. Nghĩa quân kéo được vào làng Nội Thôn cạnh đường. Làng này có nhiều ao chuôm và xung quanh có luỹ tre dày. Quân Pháp mấy lần xông vào đều bị bắn chặn lại. Bấy giờ vào vụ mùa tháng 10, ngoài đồng còn nhiều ruộng chưa cắt rạ. Sẩm tôi, trong lúc hai bên đang cầm cự, mấy nghĩa quân bò theo bờ ruộng vòng ra phía ngoài rồi bất thình lình đánh thốc vào sau lưng quân Pháp làm cho chúng hết sức rối loạn và chết một số đông. Trong toàn trận đánh, nghĩa quân cũng bị chết bảy người và bị bắt hai người. Họ rút về phía bắc, ngày 17 vượt qua sông Cầu đến làng Đạo Xá rồi rút về Yên Thế.

Ngày 18, quân Pháp được tin nghĩa quân đóng trong rừng Bảo Nàng cách đông Thái Nguyên 14 cây số trên con đường mỏ Na Lương. Vì nghĩa quân đóng ở trong rừng sâu, nên quân Pháp chỉ biết sai quân đi thám thính, chờ dịp tấn công. Ngày 23 tháng 10, chúng lại nghe tin ông Cấn về gần Tràng Xá. May-a đến đóng ở Đình Cả trên ngã ba đường Tràng Xá (Thái Nguyên), Bình Gia (Lạng Sơn). Tới ngày 31 chúng lại trở về Thái Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 10:02:55 am »


Để bao vây nghĩa quân ở trong rừng sâu, chúng đã triệt lương của nghĩa quân và cắt đứt liên lạc giữa nghĩa quân và dân chúng. Chúng bắt đồng bào xung quanh núi phải ở dồn lại rồi đặt một đồn canh giữ. Bao nhiêu lương thực của đồng bào chúng bắt tập trung vào đồn Pháp. Mỗi nhà chỉ được lĩnh một số gạo đủ ăn hàng ngày. Một số chức dịch yêu nước, thường bí mật cung cấp lương thực cho nghĩa quân, sau này bị chúng tàn sát. Tuy vậy dân chúng vẫn cất giấu thóc lúa không cho quân Pháp tập trung và thỉnh thoảng ủng hộ nghĩa quân. Nghĩa quân nhờ mùa ngô chín nên đã có thức ăn và được nghỉ ngơi ít ngày.

Suốt tháng 11, nghĩa quân vẫn ở trên núi Bảo Nàng. Một đêm họ xuống những nhà ở gần đồn điền Vân Gia để xin lương. Có lần họ kéo cả tiểu đội xuống lấy lương của một địa chủ cách Phú Bình hai cây số. Thời gian này nghĩa quân bị thiệt mất chín người, trong đó có ông Vũ Sĩ Lạp, phần nhiều đã do bọn hương lý phản động bắt nộp cho giặc Pháp.

Ngày 30 tháng 11, nghĩa quân có chừng 40 tay súng từ Bảo Nàng kéo về phía đông. Tên đại tá May-a về đóng ở Nhã Nam. Ngày 9 tháng 12, trong khi tiến từ mỏ Na Lương về Diệu Khê, nghĩa quân đã đánh nhau với quân Pháp. Một tên cai số 893 trong hàng ngũ nghĩa quân ra hàng Pháp và báo cho chúng là nghĩa quân chỉ còn 29 tay súng, trong đó có Đội Cấn, Đội Giá, Đội Tường, Cai Sơn đang theo lối Lĩnh Sơn, Lưu Xá, Tĩnh Danh, Ký Phú, Quân Chu... để về Tam Đảo, do đó quân Pháp biết trước kế hoạch hành quân của nghĩa quân. Đến ngày 10 tháng 12 nghĩa quân qua sông Cầu, tiến vào làng Dầu, đã bị hai toán quân của tên thiếu tá Mông-xô và Ăng-đơ-rê-a-ni đuổi theo. Nghĩa quân cứ theo đường đã định mà tiến. Ngày 15 tháng 12 họ lại bị một toán quân Pháp gồm năm lính Pháp, năm lính khố xanh và 30 lính dõng chặn lại. Lúc đó toán quân Mông-xô cũng đuổi đến nơi. Sau trận xung đột nghĩa quân thiệt mất hai người.

Đến cuối năm 1917, nghĩa quân đã suy kiệt và tan rã từng mảng. Trịnh Văn Cấn cùng với những người còn lại rót về đóng ở Pháo Sơn thuộc địa hạt Thái Nguyên giữa vòng bao vây của địch. Cho đến ngày 10 tháng 1 năm 1918, sau nhiều trận chiến đấu tuyệt vọng, vị thủ lĩnh Thái Nguyên anh dũng đã tự sát để biểu dương tinh thần bất khuất, thà chết không chịu đầu hàng giặc. Những liệt sĩ trong đám nghĩa quân như Ba Chén, Quyền Nhiêu, Ba Quốc, Tú Hồi Xuân và người lính số 1035 hoặc chết trong chiến đấu, hoặc bị giặc Pháp xử tử, đều hy sinh vì nước. Người ra hàng cuối cùng là ông Đội Giá vào ngày 4 tháng 3 năm 1918. Tính từ ngày nổ ra cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên cho đến lúc kết thúc là sáu tháng bảy ngày.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 05:41:11 pm »


Câu hỏi 11: Sau nhiều ngày đêm chiến đấu anh dũng, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên đã thất bại nhưng tiếng súng vẫn còn tiếp diễn ở những đoàn quân lẻ, điếu đó đã thể hiện tinh thần yêu nước bất diệt. Hãy trình bày những hiểu biết của mình về những đội quân lẻ. Họ đã chiến đấu như thế nào và số phận của họ sẽ về đâu?
Trả lời:


Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên mặc dù bị thất bại nhưng không có nghĩa là đã hết, bởi vẫn còn đây những đoàn quân lẻ tiếp tục truyền thống chống Pháp. Họ sẽ là những tấm gương tiêu biểu nối nhịp cầu cho một cuộc đấu tranh mới của dân tộc về sau.

Sau lệnh rút quân ra khỏi địa bàn tỉnh Thái Nguyên của ông Đội Cấn, do điều kiện khách quan, một số đoàn quân bị thất lạc. Mặc dù không tìm được đồng đội nhưng họ đã lập thành những đoàn quân lẻ bí mật chiến đấu.

Đội thứ nhất do ông Quyền Nhiêu cai quản, bị tách ra ngoài đoàn quân sau trận Hùng Sơn. Họ vượt qua dãy núi Tam Đảo sang miền Vĩnh Yên. Ngày 20 tháng 9, sau một trận xung đột ở làng Hiền Lương thuộc Kim Anh (Phúc Yên) nghĩa quân vượt sông Cà Lồ kéo về mạn Xuân Lai. Ở đây lại diễn ra một cuộc ác chiến mới. Ngày 23 tháng 9, nghĩa quân vượt qua sông Cái kéo về phía Bắc Ninh, hôm sau tràn vào địa hạt Hưng Yên. Họ đóng ở chùa Yên Viên, tục gọi là chùa Quàn, bí mật vận động với lính khố xanh Hưng Yên định đánh úp tỉnh lỵ, nhưng việc không thành. Ngày 28 tháng 9 nghĩa quân phá vòng vây vượt sông lần nữa tràn vào huyện Phú Xuyên (Hà Đông).

Trước đó giặc Pháp cũng đoán là đội quân này thế nào cũng vượt sông Hồng Hà tràn vào Hà Nam, vì ông Quyền Nhiêu người Hà Nam. Chúng cho một tàu chiến có đại bác tuần tiễu trên sông Hồng. Tuy vậy nghĩa quân vẫn vượt qua sông, qua Phú Xuyên đánh nhau với quân Pháp rồi kéo về làng Hòa Khê, huyện Duy Tiên (Hà Nam). Sau đó họ kéo về núi Hương Tích và đóng quân ở chùa Tuyết Sơn. Ngày 30 tháng 9, đạo quân Pháp đóng quân ở Phủ Lý kéo đi chặn đường. Nghĩa quân sau khi đánh nhau với quân Pháp ở Tuyết Sơn, 17 người theo dải núi Cốc Sơn, tiến về phía Bồng Lạng rồi đóng ở chùa Bích Động. Giữa vòng vây ngày càng chật của địch, họ vẫn ẩn nấp trong đồn điền cà phê của một thực dân Pháp ở Chi-nê. Đêm mùng 3 rạng mùng 4 tháng 10, tên chủ đồn điền Cổ Nghĩa là Bô-ren và tên lục lộ Ca-li-ti dẫn quân Pháp đến vây bắt thình lình nghĩa quân trong một căn nhà bỏ trống. Sau một hồi xô xát, nghĩa quân bị chết ba người, số còn lại đến ngày 10 tháng 10 cũng hy sinh hết.

Đội quân thứ hai bị tách khỏi đại quân sau trận Xuân Phách (Phúc Yên), họ tràn về huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Sau đó họ nhập với bảy nghĩa quân lưu vong nữa hoạt động ở vùng Bắc Ninh.

Có thể nói đây là những người con quyết tử của dân tộc. Chiến thắng giặc không được bao nhiêu nhưng họ đã thể hiện sức mạnh hun đúc lòng căm thù giặc cao độ và lòng quyết tâm đánh Pháp cho những thế hệ sau. Lịch sử Việt Nam giai đoạn đại chiến thế giới thứ nhất đã ghi nhận họ như những người con ưu tú nhất của dân tộc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 05:42:15 pm »


Câu hỏi 12: Bạn biết gì về những ngày cuối cùng của người anh hùng Trịnh Văn Cấn?
Trả lời:


Cuối năm 1917, thế lực của nghĩa quân đã suy kiệt. Giặc Pháp đã phái những toán quân nhỏ lưu động, đi càn quét các vùng, cấm vận nghĩa quân bằng mọi thủ đoạn, mục đích làm cho nghĩa quân tan rã. Chúng bắt hết cha, mẹ, vợ, con và những người thân của các ông Cấn, Giá, Tường, Xuyên... Và cả cha mẹ, vợ con của những người trong nghĩa quân. Chúng bắt người nhà phải viết thư cho nghĩa quân xui ra hàng. Chúng chú ý canh phòng cẩn mật ở quê hương nghĩa quân. Một số người sau những trận kịch chiến tìm về quê hương đã sa vào tay giặc.

Sau những ngày bị đuổi dồn dập, ông Cấn dẫn 25 nghĩa quân đến đóng ở Pháo Sơn, phía tây nam Cù Vân (Thái Nguyên). Sáng hôm sau, ngày 21 tháng 12 hơn 40 quân Pháp từ Thái Nguyên đến vây đánh. Một toán Pháp khác ở đồn Phú Lương cũng đóng ở Phấn Mễ để chặn đường.

Ngày 21 tháng 12, Đội Tường ra hàng Pháp đem theo một súng mút-cơ-tông. Người ta nói, trước ngày ra hàng, Tường đã gặp vợ con một đêm ở trong rừng. Nhưng ông Cấn thì khác hẳn. Trong trận đánh ở Pháo Sơn, quân Pháp bắt mẹ và vợ ông theo sau. Lúc giáp trận ông nghe thấy tiếng kêu gào của mẹ và vợ, nhưng ông vẫn chỉ huy nghĩa quân chiến đấu không ngừng. Ngày 24 tháng 12, lại một trận đánh nhau kịch liệt nữa, nghĩa quấn hy sinh thêm ba người, ông Cấn bị thương vào đùi. Mấy hôm sau quân Pháp vây đánh ráo riết, ông Cấn phải thủ hiểm một chỗ. Thấy tình hình đã quá nghiêm trọng, ông phái hai ông Giá và Xuyên trở sang Yên Thế lần nữa để tìm một nơi có thể dung thân ít lâu sẽ quay lại đón ông sau. Nhưng các ông Giá và Xuyên vừa ra khỏi Pháo Sơn thì quân Pháp đã đuổi theo chặn đánh, không thể nào đi theo phương hướng đã định được. Cuối cùng ông Xuyên tìm về quê ở La Bằng (Thái Nguyên), ông Giá về quê ở Phú Bình (Thái Nguyên) rồi ra hàng Pháp. Thế là trên núi Pháo Sơn chỉ còn lại một mình người chiến sĩ Trịnh Văn Cấn. Hai ngày 8 và 10 tháng 1 năm 1918, ông Cấn vẫn tiếp tục đánh nhau với quân Pháp. Theo báo cáo của chúng thì lúc này nghĩa quân chỉ còn từ 10 đến 15 người. Mấy hôm sau bên mình ông Cấn chỉ còn bốn người: hai khố xanh cũ số 1134 và 1327 cùng hai thường phạm cũ là Thọ và Sĩ.

Đã đến lúc người anh hùng Thái Nguyên phải tìm một cái chết để không rơi vào tay giặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 05:42:38 pm »


Theo một tài liệu Pháp thì 10 giờ sáng ngày 11 tháng 1 năm 1918, công sứ Vĩnh Yên dẫn tên Sĩ ra hàng. Sĩ khai rằng hắn đã giết ông Cấn ở Pháo Sơn ngày 5 tháng 1. Hắn bịa ra rằng ngày 18 tháng 9 năm 1917, ông Cấn đóng quân ở Hoàng Xá Hạ đã giết anh nó là xã đoàn trong làng, vì vậy, nó phải báo thù ông Cấn. Công sứ Thái Nguyên Pu-lanh cùng công sứ Vĩnh Yên Ghi-ơ-rê dẫn tên Sĩ và Đội Tường đến chứng nhận thi thể của ông Cấn. Đến Cù Vân chúng len lỏi qua một khu rừng rậm toàn tre nhỏ với sườn núi dốc thì gặp được mộ của ông Cấn. Trước mặt giặc Pháp tên Sĩ phản bội đã diễn lại cái kịch bản khốn nạn mà nó tưởng tượng ra: chín giờ tối mùng 5 tháng 1, trong khi ông Cấn nằm cách nó chừng ba thước và đang thiu thiu ngủ thì nó cầm khẩu mút-cơ-tông bắn vào ông Cấn hai phát. Thấy tiếng súng nổ ba người nằm bên cạnh là số 1134, 1327 và Thọ hoảng hốt chạy vào rừng tưởng quân Pháp đánh úp. Thấy ông Cấn gượng dậy, Sĩ bắn thêm một phát nữa, ông Cấn gục xuống. Sau đó hắn chôn ông Cấn cùng ba khẩu súng của ba người kia để lại.

Nhưng sau đó, theo biên bản của ông thiếu tá Sa-lê thì hố chôn ông Cấn rất chỉnh tề, xác ông bọc trong một cái chăn rất cẩn thận. Ông đội mũ đen, mặc áo dạ vàng, phủ ngoài bằng một áo màu xanh. Tay phải ông còn nắm chặt một khẩu súng lục có một viên đạn đã bắn ra. Bên người ông là một ống nhòm, ba khẩu mút-cơ-tông còn lắp đạn. Thi thể của ông chỉ có một vết thương ở bắp đùi bên trái, đó chính là vết thương trong trận chiến đấu ngày 24 tháng 12 ở Pháo Sơn. Một vết thương ở cuống dạ dày (bắn vào bằng một viên đạn nhỏ), đó chính là viên đạn súng lục mà ông đã (…đoạn này trong sách thiếu…) nhưng mùng 10 tháng 1 ông Cấn vẫn còn chiến đấu, vả lại nếu tên Sĩ có giết ông Cấn thì không thể nào hắn còn đủ thì giờ và tình nghĩa để chôn cất ông Cấn cho tử tế như vây. Thế là những lý do ngu ngốc của tên phản bội đưa ra để mạo công với giặc đã không thành.

Sự thật thì ông Cấn đã chết như thế nào và bằng cách gì? Sau khi đã quyết định tự sát để tỏ ra tinh thần thà chết chứ nhất định không chịu hàng giặc, ông Cấn đã tự sắp đặt lấy cái chết của mình. Bấy giờ bên mình ông chỉ còn hai người là Thọ và Sĩ (chứ không phải bốn người như trong tài liệu của Pháp). Ông đã bảo hai người đào một cái hố sâu rồi tự mình nằm xuống, các vật dụng hàng ngày và khí giới đều xếp bên cạnh, sắp đặt xong xuôi rồi, chính ông đã dùng súng tự sát. Trước khi chết, ông dặn Thọ và Sĩ lấp đất chôn cẩn thận, đừng để dấu vết gì khả nghi để giặc không thể tìm thấy.

An táng ông Cấn xong, Thọ và Sĩ mỗi người đi một nơi. Nhưng tên Sĩ phản bội đã lưu manh lập công với giặc. Giặc Pháp đã chở xác ông Trịnh Văn Cấn về trại lính khố xanh Thái Nguyên. Một lần nữa quân cướp nước lại rêu rao nghiệp "dẹp loạn" của chúng.

Tính ra từ ngày binh lính Thái Nguyên vùng dậy (30-8-1917) cho đến ngày Đội Giá ra hàng giặc (4-3-1918) được sáu tháng bảy ngày. Đàn áp xong khởi nghĩa Thái Nguyên, thực dân Pháp lập hội đồng đề hình do công sứ Tít-sô làm chủ tịch để cầm tù những người chiến sĩ Thái Nguyên. Hầu hết họ đều bị chúng bắt đi làm khổ sai chung thân hoặc đưa ra nhà tù Côn Đảo hoặc bị đày đi I-ni-li.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 05:46:55 pm »


Câu hỏi 13: Lương Ngọc Quyến là một người anh hùng trí thức, tài ba, anh dũng và mưu lược được Đội Cấn tin cẩn. Hãy trình bày chi tiết về cuộc đời của Lương Ngọc Quyến?
Trả lời:


Năm Ất Dậu (1885) giữa lúc tiếng đại bác của giặc Pháp nổ rung kinh thành Huế, mở đầu một chương sử mất nước, thì ở trong ngôi nhà cổ số 4 Hàng Đào - Hà Nội, Lương Ngọc Quyến cũng cất tiếng khóc chào đời.

Ông là con trai thứ hai của Lương Văn Can, nhưng trong gia đình họ Lương có thói quen không phân biệt con trai, gái theo thứ tự sinh trước sau mà gọi, nên ông được gọi là Ba Quyến. Nguyên quán của ông ở làng Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Tây (nay thuộc huyện Thường Tín - Hà Nội).

Từ nhỏ cho đến tuổi trưởng thành, Ngọc Quyến là người có chí khí. Trong gia phả, cụ Lương Văn Can gọi ông là người: Bất cơ tức nghĩa là không chịu sự bó buộc, quyết tâm thực hiện bằng được hoài bão của mình.

Khi còn học ở nhà với cha, Lương Ngọc Quyến thích học võ hơn văn chương nên thường bị cụ Lương Văn Can dùng thước kẻ đánh vào đầu. Sau đó ông cũng vâng lời cha theo học cử nghiệp để mong có ngày đỗ đạt theo thói thường hồi đó. Năm 15, 16 tuổi ông đã nổi tiếng là người học giỏi. Đến khoa Quý Mão (1903) ông thi khoa Hương trường Nam Định, vì xuất vần bài phú nên bị đánh hỏng. Cảnh lại càng buồn khi vợ ông thấy ông thi không đỗ, tự ý bỏ đi, để lại cho ông một mụn con gái mới lên hai tuổi.

Lúc bấy giờ những sách cổ động dân quyền, dân chủ của các nhà cách mạng Pháp 1789 cũng như các sách của những nhà Duy Tân ái quốc Trung Hoa đã truyền bá sang nước ta rất nhiều. Lương Ngọc Quyến được đọc những sách ấy, thấy rõ lối học từ chương là hủ lậu. Từ đó ông không thèm đeo đuổi thi cử nữa, mà nuôi ý chí tự cường, đi học cứu nước.

Năm Giáp Thìn (1904) có việc Phan Bội Châu đi Đông Du, Lương Ngọc Quyến cùng cha là Lương Văn Can và anh ruột là Lương Trúc Đàm hợp sức với một số người yêu nước khác giúp cho cụ Phan đi được. Khi Phan Bội Châu về nước, cùng anh em quyết định phái thanh niên, học sinh sang Nhật cầu học. Lúc đó Ngọc Quyến mới 19 tuổi, đang sống trong cảnh phong lưu, lại có con nhỏ không ai nghĩ rằng Lương Ngọc Quyến lại có thể vứt bỏ tất cả mà đi cầu học ở nước ngoài, nhưng ông đã khảng khái nói: "Kìa Đại Bỉ đắc (Tức là Pi-e đệ nhất) ở nước Nga còn vứt bỏ phú quý tôn vinh mà đi ở nước ngoài để học lấy kỹ thuật cường quốc, huống chi là mình. Tôi xin làm tên tốt đầu của đội quân xuất dương đi trước anh em".

Thế là ông quả quyết từ biệt cha mẹ, gửi lại đứa con gái nhỏ cho cha mẹ nuôi rồi ra đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 05:47:18 pm »


Khi Lương Ngọc Quyến ra đi, người đồng chí đã xếp đặt có người tâm phúc làm việc ở một chiếc tàu từ Hải Phòng đi Hương Cảng, tức là người đã đưa Phan Bội Châu đi được hai chuyến an toàn trót lọt. Nhưng Lương Ngọc Quyến lo lâu dài bèn tính với bạn: "Việc đi học còn cần phải nhiều người kế tiếp, nay mình mới nhờ một chiếc tàu mà đi được thế này, vạn nhất tiết lậu, nghẽn mất đường thì sao? Mình phải lo mở ra nhiều con đường khác cho người đi sau mới được chứ!".

Nghe lời Lương Ngọc Quyến nói phải, người bạn đồng chí của ông đã tìm cách đưa ông đi bằng con đường Móng Cái sang Trung Quốc, rồi đáp tàu sang Nhật. Ngày 14 tháng 8 năm Ất Tỵ (1905) ông cùng bạn từ Hà Nội đáp xe lửa đi Hải Phòng, đến trưa ngày 16 tháng 8 ra đến Móng Cái. Vì người bạn khi ở Hà Nội có quen con ông lãnh binh tên là Đào, làm quả đạo Móng Cái đã về hưu nên hai người tìm vào nhà ông Lãnh Đào. Ở được ít hôm, biết ông là người tốt bụng có tình với nước nhà, hai người bèn ngỏ lời nhờ ông giúp đỡ. Hôm sau ông Lãnh Đào dẫn hai người đến gặp người đoàn trưởng bên Đông Hưng tỏ hết câu chuyện rồi nhờ ông ta hỏi hộ kỳ tàu ở Bắc Hải và thuê giùm một người tin cẩn dẫn đường đi Bắc Hải để kịp xuống tàu. Người đoàn trưởng phái một thủ hạ đưa hai người đến Bắc Hải vì đã có thư của người đoàn trưởng ân cần giới thiệu với chủ hiệu Long Hải nên ông này đối đãi hết sức tử tế, lại nhận lời từ nay trở đi hễ có người xuất dương đến đây chờ tàu thì sẽ cho trú ngụ. Thế là Lương Ngọc Quyến đã thành công trong việc mở một con đường xuất dương chắc chắn yên ổn cho những người đi sau.

Từ Bắc Hải, Lương Ngọc Quyến một mình xuống tàu xuất dương, đến ngày 2 tháng 9 năm đó tới Hương Cảng, ngày 5 thì đáp tàu sang Hoành Tân, ngày 14 thì đến nơi, ông ở lại khách sạn để chờ gặp Phan Bội Châu.

Mùa thu năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu bí mật về nước, được vài ba tháng lại lật đật xuất dương ngay vì mật thám Pháp đã dò biết, bủa vây, tầm nã rất ngặt. Trong "Ngục trung thư" Phan Bội Châu có viết: Tháng 10 năm ấy tôi đến Hoành Tân, vô ở nhà trọ cũ thấy một vị thanh niên học sinh tên Lương quân Lập Nham đã tới ở đó trước rồi. "Tôi xem ra người thật có khí phách hăng hái, đầu tóc còn để bờm xờm. Dò hỏi mới biết Lương quân bỏ nhà trốn sang Nhật, trơ trọi một thân lúc lên bến thì hành trang vừa cạn, trong túi chỉ còn vẻn vẹn ba đồng xu không hơn không kém".

"Thấy thế tôi vừa mừng vừa chưng hửng. Vì bạn nhỏ tuổi nước ta, một thân một bóng mà dám liều mạng xông pha sóng gió muôn trùng đến một nước xưa nay mình chưa quen biết bao giờ. Lương quân chính là người như vậy”.

"Té ra Lương quân vốn là một thanh niên chứa sẵn kỳ khí, có hoài bão cao xa, chỉ nghe nói tôi đã sang đây cho nên mạnh bạo bỏ nhà ra đi, không kể gì mọi nỗi gian nan nguy hiểm".

"Bọn thiếu niên anh tuấn nước ta sau đây có mấy người được như Lương quân?".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 05:47:36 pm »


Khi gặp Phan Bội Châu, Lương Ngọc Quyến bày tỏ ý chí của mình mong được đóng góp vào công cuộc hoạt động cứu quốc của các bậc đàn anh. Nhưng sở vọng cấp bách của thanh niên lúc này là sự cầu học, trước hết là binh học mới mà Tổ quốc đang cần. Bấy lâu ta thua kém quân thù môn học ấy, cho nên không tránh khỏi vấp ngã.

Hồi đó Phan Bội Châu ra nước ngoài, lúc đầu cốt có mục đích cầu viện khí giới ở Trung Hoa hay Nhật Bản nhưng việc giao thiệp ở đâu cũng không đạt được nguyện vọng. Sau đó Phan xem xét tình thế thiên hạ, trở lại nhận rõ dân trí nước mình còn thấp kém mà nhân tài còn thiếu thốn trăm bề, dù có xin được khí giới cũng chẳng thể làm gì được. Phan đang băn khoăn lo nghĩ về nhân tài, nay được nghe ý kiến của Lương Ngọc Quyến càng thấy việc nuôi dưỡng nhân tài là việc khẩn thiết, bèn gác chuyện mưu tính quân giới lại mà lo lắng việc cổ động thanh niên xuất dương cầu học đã.

Ở Hoành Tân cùng Tăng Bạt Hổ vài tháng, Lương Ngọc Quyến đi Đông Kinh. Một mặt ông lo học tiếng Nhật để sửa soạn vào trường, một mặt gửi thư về nước thúc giục đồng chí mau lựa chọn thanh niên phái sang học cho đông.

Tiếp được thư ông thôi thúc, đồng chí trong nước lật đật phái người ra, trong số đó có cả em trai của Lương Ngọc Quyến là Lương Ngọc Nhiễm tự là Nghị Khanh, đã thi đỗ tú tài, lập tức lên đường. Trong lúc chờ đợi thanh niên trong nước tiếp tục sang Nhật học, Phan Bội Châu thu xếp chỗ ăn ở cho mấy anh em mới sang. Ba ông: Lương Ngọc Quyến, Trần Hữu Công, Nguyễn Điển vào học Chấn Vũ học hiệu tại Đông Kinh để nghiên cứu binh học, còn Lương Nghị Khanh thì học ở Đồng Văn thư viện, nghiên cứu về chính trị - kinh tế.

Chấn Vũ là trường quân sự của Nhật mở cho học sinh Trung Quốc. Sau ba năm học ở Chấn Vũ, nếu tốt nghiệp thì được vào học hai năm ở trường sĩ quan. Chương trình học tập hàng ngày là tiếng Nhật, văn Nhật cùng các môn khoa học thường thức như toán học, sử học, địa lý, nhưng chú trọng nhất là học các môn quân sự. Ngày nào cũng dành riêng buổi chiều để học quân sự. Thỉnh thoảng lại có buổi sinh hoạt tập thể để học thêm tinh thần đoàn kết thân ái và chống Pháp. Du học sinh học tập dưới sự kiểm tra đôn đốc của Hội Cống hiến do Phan Bội Châu làm tổng lý kiêm giám đốc. Ngoài ra còn có Cục Kiểm tra do Lương Ngọc Quyến, Trần Hữu Công và Nguyễn Điển phụ trách, chuyên theo dõi công việc của nhân viên các bộ. Cống hiến mỗi tuần sinh hoạt một kỳ để kiểm điểm công việc và gây tình đoàn kết với nhau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 01 Tháng Ba, 2017, 03:40:40 pm »


Giữa lúc ấy Hà Nội có phong trào Đông Kinh nghĩa thục mà Lương Văn Can là một lãnh tụ hoạt động tích cực. Trường Đông Kinh nghĩa thục mới mở được bảy tháng, giặc Pháp đã bắt đóng cửa, vì chúng sợ sự ảnh hưởng sâu rộng của nó. Lại thấy từ vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Thành, có liên lạc với Đề Thám ở Yên Thế, cho đến phong trào biểu tình kháng thuế ở Quảng Nam và nhiều tỉnh Trung Kỳ, nhất nhất có ảnh hưởng bởi phái Đông Du bên trong cho nên Pháp tìm cách trừ diệt bằng được.

Đầu năm Mậu Thân (1908), Pháp ký hiệp ước kinh tế với Nhật để cho hàng hóa của Nhật đem sang bán ở nước Pháp cùng các thuộc địa Pháp đều được đánh thuế nhập cảng nhẹ hơn lệ thường. Để đáp lại, Chánh phủ Nhật hạ lệnh trục xuất cảnh tất cả các đảng viên cách mạng và học sinh Việt Nam, hạn trong 48 giờ phải rời khỏi nước Nhật. Nhiều học sinh phẫn uất trước thái độ giở mặt của Nhật liền bỏ sang Trung Quốc, sang Thái Lan hoặc trở về nước. Nhưng Lương Ngọc Quyến, Lương Nghị Khanh và một số người khác thì tìm cách ở lại. Họ làm bộ thu xếp ra trường để che mắt thế gian, rồi vài ba hôm sau quay trở lại với một căn cước khác. Mấy chính khách Nhật giao thiệp với sứ quán Trung Hoa hộ ta, thay đổi giấy tờ chứng nhận quốc tịch Trung Hoa, xong rồi anh em trở về trường học như thường. Giờ là học sinh Trung Hoa chứ không phải học sinh Việt Nam nữa.

Đến năm 1911 Lương Ngọc Quyến thi tốt nghiệp đỗ thứ ba sau một người Nhật và Đường Kế Nghiêu - người Trung Hoa, sau này là đô đốc Vân Nam. (Theo ông Lương Dân Nguyên là con trai Lương Ngọc Quyến nói thì hiện nay ở bên Nhật vẫn còn tấm bảng khắc tên ba người đỗ đạt năm ấy).

Về giai đoạn này "Việt Nam nghĩa liệt sử” của Đặng Đoàn Bằng soạn, Phan Thị Hán tu đính chép như sau:

Sau khi Lương Ngọc Quyến tốt nghiệp, bộ tham mưu Nhật vì lý do ngoại giao không cho ông vào liên đội. Ông yêu cầu với Tham mưu trưởng Phúc Đảo mà cũng không được, ông tức giận mà nói rằng: "Chí tôi là muốn học lục quân, nay đã không được vào liên đội thì còn luyến tiếc nước này làm gì nữa". Thế rồi ông bỏ nước Nhật trở về Quảng Đông xin vào Trường Lục quân trắc hội.

Hai năm sau vừa lúc cách mạng Trung Hoa lần thứ nhất nổi lên, nhà trường đóng cửa, ông đi Nam Kinh bày tỏ ý nguyện của mình với lữ trưởng Trần Dụ Thời, xin vào quân dinh luyện tập chiến thuật kỵ binh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM