Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:10:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên  (Đọc 19090 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2017, 07:26:44 pm »


Câu hỏi 7: Xuất phát từ chế độ đãi ngộ bất bình đẳng mà thực dân Pháp áp dụng với binh lính người Việt nên đã hình thành một làn sóng đấu tranh của binh lính người Việt trong hàng ngũ quân đội Pháp. Hãy trình bày cụ thể về vấn đề này?
Trả lời:


Chúng ta đều biết đại đa số binh lính người Việt trong hàng ngũ quân đội Pháp là nông dân lao động hoặc vì sinh kế, hoặc bị lừa bịp hay bắt buộc phải đi lính cho chúng. Những người hiền lành và quê mùa ấy không có nguyện vọng nào cao hơn là được sống yên tĩnh, có đủ lương nuôi vợ con và sau khi mãn lính về có chút tiền làm vốn sinh sống hay nếu được chút phẩm hàm nữa thì rất vinh dự. Nhưng trong đời ở lính, họ đã chịu bao nhiêu khổ cực, bao nhiêu bất công và bất bình trút lên đầu họ. Thực dân Pháp muốn biến họ thành những con người mù quáng phục vụ cho chúng để quên đi Tổ quốc, phản lại đồng bào, để bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, đồn điền, ngân hàng của chúng, để làm bia đỡ đạn mỗi khi có chiến tranh. Sự thực, âm mưu thâm độc của chúng đã đạt được nhiều kết quả trong những văn thân thổ hào yêu nước và những cuộc quật khởi của nhân dân. Nhưng là những thành phần cơ bản của nhân dân, liên hệ chặt chẽ với gia đình, anh em binh lính vẫn không bị thoát ly nhân dân, nên trừ một số ít thuộc tầng lớp trên đã gắn địa vị quyền lợi của chúng với quân cướp nước, cam tâm làm tay sai cho giặc; còn đại đa số vẫn thông cảm sâu sắc những thống khổ của nhân dân, trong đó có cha mẹ, vợ con, anh em của họ cộng với những khổ nhục mà chính họ phải chịu, nên lòng căm thù vẫn sôi sục, chỉ chờ có dịp là nổ bùng ra.

Từ những cuộc đấu tranh lẻ tẻ phản đối thái độ đối xử của bọn chỉ huy, đòi cải thiện sinh hoạt đến những việc đào ngũ, không tuân lệnh trên và cuối cùng lấy súng giặc giết giặc, tùy theo trình độ tổ chức và lãnh đạo cách mạng ngày một tiến bộ ở trong quân đội cũng như ngoài nhân dân.

Trong những cuộc khởi nghĩa ở Ba Đình, ở Bãi Sậy của các văn thân cũng như cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, thực dân Pháp đem "lính tập" đi đánh quân khởi nghĩa và quân khởi nghĩa cũng đã bắt đầu chú ý tuyên truyền anh em lính tập quay súng lại bắn giặc. Tuy vậy, những lời tuyên truyền chỉ có thể thực hiện được một khi hành động có tổ chức. Do đó, nhiều trận giáp chiến, những binh lính người Việt trong quân đội Pháp nếu có người nào hưởng ứng tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc thì cũng chỉ hành động riêng lẻ và bí mật bằng cách bắn súng lên trời hay chệch ra ngoài mục tiêu. Một số ít người đã đào ngũ mang theo súng đạn chạy sang với nghĩa quân. Một vài trường hợp đã xảy ra là cả một tập đoàn mang khí giới đi theo nghĩa quân như Phù Sá (gần Phù Lỗ) đầu tháng 5 năm 1894, phía đông Kim Anh ngày 16 tháng 5 năm 1894... và cuộc nổi dậy của một số lính khố xanh tại Bắc Ninh bắn chết tên hiến binh Pháp Véc-đêm và tên tây đoan Mun-hô ngày 5 tháng 5 năm 1894. Đêm 28 rạng ngày 29 tháng Giêng năm 1891, một số binh lính người Mường ở đồn Chợ Bờ, tỉnh lỵ Hòa Bình bấy giờ, đã hưởng ứng với nghĩa quân ở ngoài do Đốc Ngữ lãnh đạo, chiếm tỉnh lỵ, phá nhà tù và giết tên công sứ Ru-giơ-ry, đồn trưởng khố xanh Di-ơ-lê và giám thị Lê-vi. Đêm mồng 7 rạng ngày mồng 8 tháng 7 năm 1888 anh em lính khố xanh ở đồn Thanh Trì (Hà Đông) đã hưởng ứng.

Sau những cuộc vũ trang bạo động cuối thế kỷ thứ XIX, đến đầu thế kỷ XX, giữa văn kiện tuyên truyền của các sĩ phu trong phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục... cũng chú trọng đến một giới người tay cầm vũ khí ở ngay trong lòng địch là các binh lính Việt Nam. Bài "Mười điều đồng tâm" của Phan Bội Châu có nhắc đến sự đồng tâm của thuỷ lục quân. Bài kêu gọi "Các chú tập binh" đã nói lên sự liên hệ của anh em binh lính với họ hàng thân thích, đừng để giặc lợi dụng yếm bà lại buộc cổ bà. Cuộc đầu độc của anh em binh lính trong cơ pháo thủ số 9 tại Hà Nội ngày 27 tháng 6 năm 1908 và cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của anh em tân binh tại Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi trong âm mưu khởi nghĩa của vua Duy Tân tháng 5 năm 1916 mặc dầu thất bại nhưng đã tỏ một quyết tâm của binh lính Việt Nam quay súng bắn giặc.

Cho đến thời kỳ đại chiến thứ nhất, thực dân Pháp phải dồn lực lượng vào cuộc chiến tranh đế quốc ở châu Âu, điều kiện khách quan có lợi cho ta, anh em binh lính Việt Nam, lại một lần nữa, nêu cao lá cờ "Nam binh phục quốc" ở Thái Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2017, 07:27:35 pm »


Câu hỏi 8: Hãy nêu hoàn cảnh đặc biệt ở Thái Nguyên trước ngày khởi nghĩa?
Trả lời:


Trước sự suy nhược của thực dân Pháp ở Đông Dương và cuộc vận động của Việt Nam Quang Phục hội, binh lính người Việt trong quân đội Pháp cũng như nhân dân ở bên ngoài mong mỏi một cuộc khởi nghĩa lớn để sớm thoát khỏi ách nô lệ. Những cuộc âm mưu nổi dậy hay bạo động nhỏ đã liên tiếp nổ ra ở khắp nơi. Riêng ở Thái Nguyên, vì điều kiện đặc biệt của nó, một cuộc khởi nghĩa lớn đã nổ ra do binh lính chủ động và dựa vào sự ủng hộ của nhân dân địa phương.

Như chúng ta đều biết, Thái Nguyên từ trước đã có một truyền thống cách mạng. Nơi đó đã in nhiều dấu vết chiến đấu của các thổ hào văn thân chống quân xâm lược Pháp. Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám đã kéo dài hơn 20 năm trên căn cứ địa Bắc Giang và Thái Nguyên, nhân dân Thái Nguyên đã trường kỳ anh dũng đấu tranh. Lúc này ngọn lửa khởi nghĩa đã nhen lên ở một đôi nơi, nhân dân Thái Nguyên cũng đang mong chờ một sự kiện mới nổ ra để sẵn sàng đứng dậy hưởng ứng. Một động cơ trực tiếp nữa là tên công sứ Đạc ở Thái Nguyên (lúc bấy giờ là một tên gian ác nổi tiếng của thực dân Pháp), dưới chính lệnh tham tàn của nó, binh lính và nhân dân trong vùng đều đồng lòng căm phẫn. Nhà lao Thái Nguyên lúc đó là nơi tập trung những tù chính trị bị bắt trong các vụ Đề Thám, Duy Tân, Đông Du... Vì tiếp xúc với những tội phạm chính trị hàng ngày phải làm việc khổ sai, anh em binh lính khố xanh được nghe những vần thơ ái quốc như:

      "Nhọc lòng xe cát bể Đông
      Hao binh mã chẳng nên công cán gì...”.


Rồi những câu chuyện về sự hy sinh của những người anh hùng như đi vào huyền thoại. Cũng chính từ đó tinh thần hướng nghĩa như càng được thời cơ bốc lên rất mạnh. Tình cảnh khổ cực của binh lính và tù phạm càng làm cho hai bên có sự cảm thông với nhau, cột chặt vào nhau chờ ngày khởi nghĩa.

Nói đến cuộc khởi nghĩa này phải kể đến thủ lĩnh Trịnh Văn Cấn. Cấn đi lính khố xanh cho Pháp đã lâu năm, được phong chức đội trưởng. Trong những ngày Đề Thám hành quân ở Thái Nguyên, Cấn phải theo quân Pháp đi đánh dẹp luôn. Cấn quen dần với trận mạc và rất thông thạo đường lối núi rừng. Một ảnh hưởng trái lại là trong khi quân Pháp đánh nhau với nghĩa quân Đề Thám, Cấn đem lòng hâm mộ tinh thần bất khuất và ý chí dẻo dai của vị lãnh tụ nghĩa quân Yên Thế từ lúc nào không biết. Lòng yêu nước của Cấn ngày càng được nâng cao. Quan niệm về bạn và thù dần dần được phân biệt rõ hơn. Cuộc đại chiến nổ ra, lúc đó Cấn đang ở trong quân đội Pháp nên càng nhận thức rõ sự kiệt quệ của thực dân Pháp và rất muốn thừa cơ vùng dậy. Xung quanh Cấn có một số bạn đồng ngũ cũng cùng ý nguyện như Cấn. Vì thế mà không bao lâu họ đã kết thành một tập đoàn. Họ liên kết, liên lạc và trao đổi với nhau những ý kiến về thời cuộc. Một vài tin khởi nghĩa từ các nơi đưa lại càng làm cho họ nóng lòng khởi nghĩa. Tới khi Cấn từ Chợ Chu về đóng ở Thái Nguyên thì tập đoàn âm mưu khởi nghĩa càng liên lạc được thêm nhiều hạ sĩ quan cùng binh lính khố xanh trong quân đội Pháp. Một động lực nữa có tác động không nhỏ đến cuộc khởi nghĩa là sự tiếp xúc của binh lính khố xanh và các tù chính trị như đã nói ở trên. Trong đám chính trị phạm bấy giờ có Lương Ngọc Quyến, một yếu nhân trong Việt Nam Quang Phục hội, đã tốt nghiệp trường Chấn Vũ nước Nhật và năm 1915, bị bọn thống trị Anh bắt ở Hương Cảng, đem dẫn độ cho Pháp. Quyến bị thực dân Pháp kết án khổ sai chung thân và cấm cố tại nhà lao Thái Nguyên. Gặp Lương Ngọc Quyến, Cấn một mặt tin vào bản lĩnh quân sự có thể làm được việc lớn, mặt khác qua lời động viên, khuyên nhủ của Quyến, Cấn rất tin vào Việt Nam Quang Phục hội đã có một lực lượng lớn lao, chuẩn bị tổng khởi nghĩa và chỉ chờ một cuộc nổi dậy ở trong nước là có thể kéo vào tiếp viện. Thế là cái chí lớn mà Trịnh Văn Cấn và các bạn ôm ấp bấy lâu đã khẳng định lòng quyết tâm để biến thành hành động.

Như vậy, nói đến động lực của Thái Nguyên khởi nghĩa chúng ta phải hiểu rằng sự chủ động thuộc về anh em binh lính. Đó là những người nông dân đã bị áp bức ở thôn quê, một thời đương đầu làm bia đỡ đạn, làm công cụ trấn áp của thực dân Pháp trong chính sách "Dùng người Việt trị người Việt". Cuộc liên minh của anh em binh lính với các chính trị phạm làm cho tập đoàn khởi nghĩa càng được củng cố thêm với một tinh thần phấn khởi, một sự tự tin và do đó tiếng súng khởi nghĩa bùng nổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:08:32 am »


Câu hỏi 9: Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên bắt đầu từ thời gian nào? Hãy cho biết những nét chính về vùng đất Thái Nguyên lịch sử?
Trả lời:


a) Định ngày khởi nghĩa:

Sau khi những binh lính và chính trị phạm đã kết thành một khối thì cuộc khởi nghĩa định vào tháng Năm âm lịch năm 1917, nhân dịp tên giám binh Nô-en đi đốc thuế ở huyện Đại Từ. Trong đoàn lính cử đi bảo vệ món tiền thuế từ Hùng Sơn về tỉnh lỵ Thái Nguyên, lúc đó có Đội Lữ là một người trong nghĩa quân. Nhân đó ông Lữ đã có ý xếp đặt những binh lính đi theo đều là những người tham dự cuộc âm mưu bạo động. Kế hoạch của họ là phải giết chết được tên giám binh ở giữa đường, cướp hết tiền bạc thuế rồi yên lặng kéo về tỉnh lỵ cùng những bạn đồng chí nổi dậy. Việc ám sát này đáng lẽ diễn ra ở bến đò Huy Ngạc cách phủ lỵ Đại Từ chừng một cây số, nhưng có việc trở ngại nên lại thôi. Lực lượng quân sự của giặc Pháp ở Thái Nguyên bấy giờ, ngoài lính khố xanh canh gác các công sở và nhà tù ra, còn có một đoàn lính Pháp phòng vệ tỉnh thành. Vì vậy, trọng tâm của khởi nghĩa là phải diệt được đoàn lính Pháp hoặc bằng vũ lực hoặc bằng mưu kế, có thanh toán được thực lực của giặc thì mới làm chủ được thành phố. So sánh tương quan lực lượng giữa quân khởi nghĩa và lính Pháp thì nghĩa quân phải tìm cách hạ chúng bất thình lình chứ không thể tuyên chiến được. Do đó, định ngày khởi nghĩa lần đầu phải hoãn lại.

Kế hoạch lần thứ hai của nghĩa quân là một hôm nào đó, vào một buổi tối đốt một cái rạp hát ở ngoài phố, tất nhiên bọn lính Pháp phải ra chữa cháy, nhân đó lính Nam một mặt vây đánh bất ngờ, một mặt xông vào trại lính Pháp cướp súng và đánh chiếm tỉnh thành. Nhưng một lần nữa kế hoạch này lại không thực hiện được.

Lần thứ ba, cuộc khởi nghĩa định vào ngày 14 tháng 7 năm 1917. Hôm ấy là ngày kỷ niệm phá ngục Bát-ti trong cách mạng tư sản Pháp, tất cả lính Pháp và lính Nam đều được lệnh sửa soạn một cuộc duyệt binh. Theo thường lệ, binh lính ít khi mang súng có lắp đạn. Những người chỉ huy khố xanh định cho quân khởi nghĩa chuẩn bị đầy đủ súng đạn đánh úp bọn lính Pháp. Rút cuộc kế hoạch này không thi hành vì sợ dân chúng đi xem "hội Tây" hôm ấy bị chết lây.

Sau ba lần dự định khởi nghĩa không thành, những tiếng đồn đại từ trong binh lính và chính trị phạm đã lan ra nhân dân ngoài phố. Cũng vì bộ máy mật thám Pháp lúc bấy giờ ở trong một tỉnh đường rừng như Thái Nguyên không được chu đáo lắm, nên tin tức vẫn chưa lọt đến tai bọn thống trị. Sang tháng 8 năm 1917 có tin sắp có một cuộc thuyên chuyển trong đám cai, đội khố xanh. Cũng có tin đồn là ông Đội Cấn và mấy yếu nhân nữa phải chuyển đi nơi khác. Đã đến lúc cuộc khởi nghĩa phải nổ ra, không thể lần lữa được nữa. Cuối cùng ngày khởi nghĩa được quyết định vào cuối tháng. Ông Cấn mật viết thư cho các đồng chí ở các đồn lẻ trong tỉnh về lĩnh lương hôm ấy cùng nổi dậy. Đêm 30 rạng ngày 31 cuộc khởi nghĩa bùng nổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:08:57 am »


b) Những nét chính về vùng đất Thái Nguyên:

Có thể nói cuộc vùng dậy của binh lính Thái Nguyên từ cuối năm 1917 sang năm 1918 là cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Việt Nam trong khoảng đại chiến thế giới thứ nhất. Lúc ấy, cuộc chiến tranh đế quốc đã bước vào năm thứ ba. Thực dân Pháp ráo riết bòn rút xương máu người Việt Nam đổ vào lò lửa chiến tranh. Liên tiếp từng đoàn lính Việt Nam bị kéo xuống tàu chở sang chính quốc. Những cuộc khởi nghĩa ở Nam Kỳ, Trung Kỳ, đặc biệt là phong trào binh lính ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân, những vụ đánh đồn ở miền biên giới Việt - Trung của Việt Nam Quang Phục hội đã kích thích phong trào ái quốc ở khắp nơi. Nhưng vấn đề đặt ra là tại sao cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở Việt Nam thời kỳ này lại nổ ra ở tỉnh Thái Nguyên?

Như chúng ta đều biết tỉnh Thái Nguyên là một nơi từ trước đã mang nhiều thành tích kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của thổ hào. Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám đã kéo dài hơn 20 năm trên căn cứ địa Bắc Giang và Thái Nguyên như một dấu tích đáng nhớ khơi dậy lòng căm thù giặc cao độ và lòng quyết tâm chống Pháp của nhân dân. Nhân dân Thái Nguyên sẵn có một truyền thống đấu tranh anh dũng. Lúc này ngọn lửa cách mạng lại bùng lên. Núi rừng Thái Nguyên như chờ đón một đoàn nghĩa quân vùng dậy với khí thế ngất trời. Với địa bàn rừng núi hiểm trở và nhiều dân tộc anh em sinh sống đoàn kết như Kinh, Tày, Nùng, Dao, Sán Cháy, Sán Dìu, Mông... Đó là những yếu tố lý tưởng để làm nên cuộc khởi nghĩa lớn nhất Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên lúc bấy giờ. Các khám đường mạn ngược và các huyện lẻ của tỉnh Thái Nguyên thượng du rất nhiều những nhà ái quốc, các thanh niên ưu tú của đất nước đã hy sinh cho dân tộc, những người khác thì sống trong cảnh gông cùm, cơ cực.

Thời gian này, Thái Nguyên là tỉnh chứa nhiều phần tử chống Pháp nhất nên quân Pháp cũng phòng thủ kiên cố hơn. Nơi này có một cơ binh hùng hậu gồm cả lính lê dương, lính khố xanh và cả lính dõng nữa (người Thượng) đặt dưới quyền của viên giám binh Bẹc-giê có tiếng là thét ra lửa.

Về hành chính, Thái Nguyên được giao vào tay công sứ Đạc mà người Bắc đã liệt vào loại tứ hung và đặt ra câu ngạn ngữ "Nhất Đạc, nhì Be, tam Ke, tứ Bích". Đó là bốn công sứ (tỉnh trưởng) tàn bạo ở Bắc Kỳ. Đạc ở Thái Nguyên, Be ở Bắc Ninh, Ke đốc lý ở Hà Nội và Bích công sứ Lạng Sơn. Không biết trình độ bạo tàn của chúng hơn kém nhau ra sao nhưng Đạc cầm quyền ở Thái Nguyên là một lựa chọn thích đáng ở toàn quyền Sa Lộ. Đạc nói được tiếng Việt Nam và nói giống như người Việt. Đạc trá hình rất giỏi. Thường đến tối, ngoài phố người ta nghe có tiếng rao "Ai bánh giầy, bánh giò ra mua!". Người ta gọi vào nhà mua ăn thì trời đất ơi! Người ấy là "Quan Công sứ". Đạc bận quần áo vải nâu, đội thúng bánh trên đầu, chân đi đất, dò xét dân tình, xem nhà nào có ý định chống Pháp thì sẽ cắt đầu.

Đạc còn nghĩ ra một nhục hình tra tấn các phần tử ái quốc bị bắt là: cho đi tắm biển "Măng". Có lẽ y động lòng sầu xứ, nhớ đến biển Manche là một biển phân cách Pháp với Anh, y mới nảy ra sáng kiến đào một biển "Măng" ở ngay khám đường. Nhưng biển "Măng" ở đây không lớn, nó cũng không có nước mặn, mà chỉ phát ra hơi thối, ngửi không được. Biển "Măng" của y là hầm chứa phân từ các cầu tiêu chảy đến. Nhà ái quốc nào không chịu khai, là được bọn lính tra tấn bằng cách ngâm mình dưới hầm chứa phân cho đến ngập cổ. Mệt quá vì phân làm bít lỗ chân lông, mặt mày xanh lét, sắp nghẹt thở thì chúng lôi lên xối nước cho hồi dương.

Dưới chính lệnh tham tàn của hắn, từ nhân dân, tù phạm cho đến binh lính đều điêu đứng, khổ sở. Nhà lao Thái Nguyên lúc đó còn là nơi tập trung số đông chính trị phạm thuộc các vụ Duy Tân, Đề Thám... Đặc biệt trong đó có Lương Ngọc Quyến là người hoạt động cách mạng tích cực, bị bắt từ hải ngoại về.

Nói tóm lại, sự thao túng của thực dân Pháp ở Việt Nam, tội ác của công sứ Đạc, đặc biệt là tinh thần hướng nghĩa của nhân dân nói chung và binh lính nói riêng đã kích động lòng công phẫn của binh lính Thái Nguyên. Dưới sự chỉ huy của một số nhà ái quốc trong quân đội và chính trị phạm, binh lính và phạm nhân ở Thái Nguyên đã vùng dậy dùng súng giặc giết giặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:09:58 am »


Câu hỏi 10: Hãy trình bày diễn biến chi tiết cuộc nổi dậy của binh lính Thái Nguyên năm 1917?
Trả lời:


Sau nhiều lần dự định khởi nghĩa không thành, cuối cùng ngày khởi nghĩa cũng được quyết định vào đêm 30 rạng ngày 31 tháng 8 năm 1917. Lúc đó ở trại lính khố xanh Thái Nguyên, binh lính ở các nơi đổ về lĩnh lương cuối tháng rất đông nên náo nhiệt hơn nhiều so với những đêm khác. Một vài chiếu bạc đã trải ra để sát phạt nhau. Có ai ngờ trong những giờ phút ấy, một số yếu nhân quân khởi nghĩa thảo luận kế hoạch tác chiến cụ thể. Chỗ phải đề phòng nhất vẫn là trại lính Pháp ở bên cạnh. Ý kiến mọi người là trước hết phải bí mật hạ sát cho được tên giám binh Nô-en và tên tay sai tin cẩn của nó là quản Lạp. Sau khi làm chủ trại lính khố xanh rồi, sẽ thình lình đánh úp trại lính Pháp. Ông Đội Tường và một nghĩa quân được phân công đi giết đám binh, còn ông Ba Chén đi giết phó quản Lạp. Điều quan trọng nhất là không để cho một tiếng súng nào nổ.

Vào khoảng 11 giờ đêm 30 tháng 8 năm 1917, giờ quyết định đã được bắt đầu.

Lúc ấy giám binh Nô-en đang ngủ trong một căn nhà dựng trên đồi. Ông Tường đến gõ cửa nói là có điện tín cần kíp từ Hà Nội gửi lên. Tên giám binh không mở cửa ra tiếp, chỉ hé cánh cửa vừa đủ thò tay ra cầm bức điện. Người lính theo ông Tường thấy thế sợ lỡ việc lớn, vội vàng xông lại cầm dao xả vào chém. Giám binh bị bất ngờ vội giơ một tay đỡ và tay kia mở mạnh cánh cửa chạy ra ngoài định thoát sang trại lính Pháp. Lúc ấy ông Tường không còn cách nào tốt hơn là rút súng lục bắn. Giám binh Nô-en bị trúng đạn ngã gục xuống. Thế là cuộc hạ sát tuy đã đạt được kết quả nhưng lại sai kế hoạch vì tiếng súng đã nổ. Về phần ông Ba Chén, việc giết phó quản Lạp đã làm xong một cách trót lọt.

Một lát sau hai cái đầu của giám binh Nô-en và phó quản Lạp đã được đặt trong hai cái đĩa lớn để ở giữa trại. Ông Cấn bắt đầu tuyên bố khởi nghĩa.

Sau khi nghe thấy tiếng súng nổ và những tiếng ồn ào từ trại lính khố xanh truyền sang, bọn lính Pháp ngờ có biến động liền cất tiếng hỏi nhau. Mấy nghĩa quân vì quá hăng hái đã đáp lại bằng một tràng những câu chửi rủa quân cướp nước. Tuy vậy bọn lính Pháp đã không dám đối phó ngay, chỉ bắn vài tràng súng vu vơ, sau đó thổi kèn báo động để tập hợp công chức Pháp Nam ở ngoài vào trong trại. Cũng ngay lúc ấy, tên sen đầm Bơ-de và tên cai Rô-sét cùng bốn lính Pháp đã ra sở Bưu điện đánh điện cấp báo về Hà Nội.

Làm chủ được trại lính khố xanh rồi, nghĩa quân chia nhau đi chiếm các dinh thự, công sở và phá nhà lao. Đáng tiếc là tên công sứ Đạc và phó công sứ Tuýt-tơ hôm ấy đều đã đi nghỉ mát ở Đồ Sơn. Tên chủ kho bạc thì đã chạy khỏi kho bạc sang trại lính Pháp. Vì vị trí kho bạc ở ngay cạnh trại lính Pháp nên nghĩa quân không cướp ngay được, mãi đến tận chiều hôm sau mới chiếm được. Tuy vậy số bạc chiếm được vẫn còn nguyên vẹn và cũng khá lớn. Tổng số bạc là: 71.000 đồng (trong đó có 30 ngàn đồng bạc giấy và 41 ngàn đồng bạc đồng). Tại sở Kiến binh Pháp, tên chủ là Li-ông khi thấy động nhưng chưa rõ nguyên nhân nên đã cùng tên thầu khoán Gô-chi-lê bỏ chạy sang chỗ giám binh Nô-en, liền bị từng tràng súng ở trong bắn ra, hai tên vẫn còn bình tĩnh chạy núp vào trại lính Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:10:18 am »


Khó khăn nhất lúc này là việc đánh chiếm nhà lao. Thừa lệnh ông Cấn, ông Đội Giá đem 50 nghĩa quân sang đánh chiếm nhà lao. Lúc ấy, tên Lô-ê thấy kèn báo động đã giới nghiêm, khóa chặt cổng nhà lao và bố trí canh gác cẩn thận. Ông Giá tới nơi nói với Lô-ê là trong tỉnh có động nên giám binh Nô-en phái quân sang bảo vệ nhà lao. Nhưng Lô-ê vẫn nghi ngờ, hỏi mật hiệu thì Đội Giá trả lời đúng. Lô-ê mở cửa cho ông Giá vào. Tuy vậy giám binh Lô-ê vẫn chưa thật tin tưởng. Một tay hắn nhăm nhăm khẩu súng lục đã nạp sẵn đạn, tay kia khoác vai ông Giá cùng đi tuần xung quanh nhà lao. Có mấy người lính gác trên vòm đã dự vào cuộc âm mưu khởi nghĩa từ trước nhưng không làm cách nào hạ thủ được Lô-ê vì chẳng có giây phút nào hắn rời khỏi ông Giá. Mãi sau đến một góc tường, hai người ấy phải dừng bước và đứng so le nhau để đi quành lại thì một phát đạn từ lỗ châu mai bắn tỉa ra, Lô-ê ngã gục xuống. Ông Giá thì vẫn nguyên vẹn. Giám ngục Lô-ê đã chết ngay tại chỗ. Người đội đề lao tên là Năm cũng đi theo về với nghĩa quân. Cửa ngục mở, tiếng reo hò vang dậy. Vợ giám mục Lô-ê cũng bị giết. Tất cả chính trị phạm và thường phạm đều được giải phóng. Nhưng dưới chế độ khổ sai khốc liệt như ở Thái Nguyên hồi ấy, phạm nhân ban ngày phải đeo xiềng ra làm ở ngoài, tối cũng phải xiềng cả hai chân lại. Vì vậy chân của nhiều người đã bị lở loét và sâu quảng. Nhất là ông Lương Ngọc Quyến vì bị xiềng lâu ngày trong ngục tối nên chân ông không đi vững được nữa.

Từ trại lính đến nhà lao chỉ cách nhau độ 200 thước. Trong lúc ngục bị phá, bọn lính Pháp cũng không dám sang cứu chỉ ở trong trại bắn ra. Tất cả những chính trị phạm và thường phạm đều được dẫn sang trại lính khố xanh. Nhiều người chưa kịp chặt xiềng, lê chân kêu xủng xẻng. Khi phải vượt qua trại lính Pháp, mấy người trúng đạn bị thương nhẹ.

Thế là ngoài trại lính Pháp, nghĩa quân hoàn toàn làm chủ tình thế tỉnh lỵ Thái Nguyên. Lá cờ đề bốn chữ "Nam binh phục quốc" treo cao ngoài tỉnh lỵ. Dân chúng trong, ngoài tỉnh lỵ hết sức phấn khởi và sung sướng. Một số người kéo đến xin gia nhập hàng ngũ nghĩa quân, trong đó có ông Ký Kính là người nổi tiếng. Sau khi chiếm được tỉnh lỵ, phá nhà lao, ông Trịnh Văn Cấn tuyên bố: "Ai muốn ở lại giết giặc cứu nước thì xung phong vào nghĩa quân, còn nếu ai muốn giải ngũ thì về nhà cũng được". Hầu hết mọi người đều xin ở lại để giết giặc, chỉ có bảy người là xin rút lui, nộp súng lại và được trở về. Nghĩa quân lúc này đã biên chế thành đội ngũ cẩn thận. Nghĩa quân khố xanh được gọi là lính cũ, anh em phạm nhân và dân chúng mới gia nhập được gọi là lính mới. Số người lúc đó điểm được là 623 người, vũ khí cướp được là hơn 600 khẩu súng, con số đó đủ trang bị cho nghĩa quân. Trong hàng ngũ lính mới, ngoài một số nghĩa quân Đề Thám, trước đây là những người chiến đấu giỏi, còn đại đa số họ chẳng hiểu gì về quân sự. Lúc đó những người đã có kinh nghiệm phải mở lớp huấn luyện cấp tốc để họ biết sử dụng súng giết giặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:10:44 am »


Hai chủ trương, hai chiến lược:

Đêm đó là đêm quyết định cả vận mệnh cuộc khởi nghĩa. Có một hội nghị quân sự đã được mở ra để quyết định đường lối hành động. Trong hội nghị này đã bàn luận về chủ trương thế công và thế thủ một cách gay gắt và là một hội nghị đấu tranh quyết liệt.

Phái chủ trương tấn công, đại biểu là các ông Ba Quốc, Ba Lâm và Tú Hồi Xuân (Ba Quốc và Ba Lâm là người chỉ huy nghĩa quân Đề Thám, còn ông Tú Hồi Xuân là người làng Hồi Xuân ở Trung Kỳ, đã bị bắt trong cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916). Họ đề nghị: Cuộc khởi nghĩa mới nổ, giặc Pháp chưa kịp đề phòng, bởi vậy ngay từ đêm nay nghĩa quân phải dùng xe vận tải mới cướp được chia nhau đi tấn công các tỉnh lân cận như Phúc Yên, Bắc Giang, Bắc Kạn... Và như thế sẽ được nhiều binh lính trong đất nước hưởng ứng. Nếu chiếm được thêm tỉnh nào thì thế mạnh của quân khởi nghĩa sẽ càng được khẳng định, sau đó dùng các cứ điểm đã chiếm được làm bàn đạp để tấn công các nơi khác. Lúc đó quân Pháp bị động sẽ cứu ứng lung tung, không thể chủ động đánh Thái Nguyên được nữa.

Ngược lại phái chủ trương thế thủ mà đại biểu là Lương Ngọc Quyến lại cho rằng: Quân Pháp chưa thể tiến lên Thái Nguyên ngay được. Trong lúc đó ta phải tranh thủ củng cố lực lượng, thao luyện tân binh giữa Thái Nguyên làm căn cứ địa vững chắc. Không nên tấn công vội, vì tấn công chưa chắc đã thắng, mà nếu thất bại sẽ mất cả cứ điểm.

Trong khi bàn cãi, tranh luận gay gắt như vậy, ông Cấn đã ngả theo chủ trương của ông Quyến vì tin ông Quyến là một nhà quân sự giỏi, biết nhìn xa trông rộng. Việc quyết định tức thời của ông Quyến không khỏi gây nên sự bất mãn cho một số nghĩa quân nhất là phái chủ trương tấn công.
Sau khi đã quyết định thế thủ rồi, từng đoàn của nghĩa quân đã chia nhau đi đóng giữ các công sở, dinh thự và các ngả đường, đặc biệt chú ý con đường Hà Nội - Thái Nguyên. Từ đồn điền Gia Sàng đến tỉnh lỵ, hai bên đường đều có chiến hào của nghĩa quân. Ông Cấn đã viết thư báo tin cho Lương Tam Kỳ ở Chợ Chu và Quách Cửu ở Hòa Bình, nhắc lại lời hứa hưởng ứng của họ trước kia. Nhưng lúc này họ vẫn giữ thái độ trông chờ và trả lời lại là họ chỉ có thể nổi dậy một khi nghĩa quân đã làm chủ tình thế ở Hà Nội.

2 giờ 30 phút sáng 31 tháng 8 năm 1917, bọn thống trị Pháp ở Hà Nội nhận được điện tín ở Thái Nguyên đánh về báo tin Thái Nguyên đã bị mất. Tên thống sứ Bắc Kỳ Ga-len vội gọi điện thoại cho công sứ Đạc ở Đồ Sơn. Bốn giờ sáng hôm ấy công sứ Đạc cùng với hai tên giám binh Pen-lê-gri-ni và Mác-ti-ni dẫn bốn khố xanh lên Gia Sàng thăm dò tình hình. Chiều hôm ấy chúng đi Đáp Cầu thảo luận với tên chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ về kế hoạch đàn áp nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 27 Tháng Hai, 2017, 08:11:08 am »


Ngày 1 tháng 9 năm 1917, mười bốn ô tô chở một đại đội Pháp đem liên thanh, moóc-chi-ê đến Gia Sàng. Ngày 2 tháng 9, quân Pháp ở Gia Sàng tấn công ráo riết. Nhưng ngay từ đầu toán lính bộ do thiếu tá Pe-rơ chỉ huy xông lên trước đã bị nghĩa quân từ hai chiến hào trên đồi do ông Cai Mánh chỉ huy bắn lại kịch liệt. Quân Pháp phải lui lại chờ viện binh. Trước sức đánh trả mạnh mẽ của nghĩa quân, tên trung tá Bây-e đến Gia Sàng nghiên cứu, rồi hôm sau, ngày 3 tháng 9, 120 lính Pháp và 150 lính khố đỏ đã đến tiếp viện, chúng định sáng ngày 4 tháng 9 sẽ mở một cuộc đại tấn công. Nhưng nửa đêm mùng 3 tháng 9 ông Cấn đã chỉ huy nghĩa quân từ trong thành đánh ra, bất thình lình tấn công vào đại bản doanh quân Pháp ở Gia Sàng. Giám binh Mác-ti-ni bị cắt đầu, một số quân Pháp bị tiêu diệt, nghĩa quân thắng lợi rút về tỉnh lỵ. Trận thắng này làm tăng sức chiến đấu và tinh thần quyết tâm của nghĩa quân lên rất nhiều.

Đến ngày 4 tháng 9, quân Pháp ồ ạt tấn công, bốn khẩu đại bác của chúng bắn dồn vào hai mặt đông tây, rồi lại chuyển sang phía nam. Đến trưa chúng lại mang theo 80 lính lê dương từ Yên Bái xuống tiếp viện. Ngày 5 tháng 9 quân Pháp đem toàn lực tấn công. Nghĩa quân chống trả anh dũng vô cùng. Đoàn nghĩa quân của ông Cai Mánh có 36 người đã chiến đấu tới lúc hy sinh gần hết. Họ tiến đến đâu quân Pháp chết tới đó, nhưng từ khu nhà thương cũ chúng tìm cách lọt được vào khu nhà thương mới, đến trưa thì chúng vào được cửa ô tỉnh lỵ. (Theo bản đồ (tài liệu) của Pháp thì trận này chúng chết 107 tên, bị thương 17 tên. Còn nghĩa quân của ta thì hy sinh và bị thương 56 người, bị bắt 85 người).

Đến lúc này nghĩa quân của ta phải rút ra ngoài tỉnh lỵ để bảo toàn lực lượng. Trước khi rút, Đội Cấn đã phái liên lạc cầm giấy đi báo cho mọi tổ chiến đấu. Nhưng giữa làn khói lửa mù mịt của súng đạn, công việc truyền báo bị ngăn trở và đứt đoạn. Có nơi nhận được lệnh rút theo lệnh ông Cấn, có nơi không nhận được lệnh rút lui nên đã anh dũng chiến đấu đến lúc hy sinh hết thì mới thôi. Có những nơi biết tin muộn quá nên khi rút quân đi thì nghĩa quân đã đi quá xa và mất liên lạc. Ông Đội Năm được phân công đi chống giữ tại khu nhà thương, phút cuối cùng phải hàng giặc. Ông Đồ Ba là tuỳ tướng của cụ Hoàng Hoa Thám ngày trước cùng 11 lính mới đóng tại kho bạc đã chiến đấu đến phút cuối cùng không còn một người nào. Ông Lương Ngọc Quyến cũng hy sinh trong trận quyết tử này. Vì tình thế gấp rút và liên lạc khó khăn, nghĩa quân rút đi phải chia thành nhiều đoàn kế tiếp nhau. Đoàn thứ nhất gồm đại bộ phận nghĩa quân, do ông Cấn điều khiển, rút về Quán Triều rồi đi ngược lên Giang Tiên. Lúc này trên dọc sông Giang Tiên, giặc Pháp đã huy động lính dõng địa phương đến canh phòng. Khi qua sông, ông Tú Hồi Xuân bị chết. Có người nói là ông chết đuối, có người lại nói là ông bực mình vì ông Cấn không nghe theo kế hoạch tấn công của mình nên đã tự tử. Đoàn thứ hai do ông Đội Giá chỉ huy. Sau khi chống cự ở ngôi nhà thương về, ông Giá thấy ông Cấn đã rút quân đi, vội vàng dẫn quân đi theo. Nhưng vì đi ngả khác nên mãi mấy hôm sau đoàn này mới gặp đại quân ở Quân Chu. Đoàn thứ ba do ông Ba Chén chỉ huy đã rút theo đại quân đến Hùng Sơn thì gặp. Đoàn thứ tư gồm những người còn sót lại, theo kịp quân ông Cấn ở bến đò Huy Ngạc (Đại Từ - Thái Nguyên). Sau khi nghĩa quân rút đi, quân Pháp thấy ngớt tiếng súng nhưng vẫn không dám tiến vào thành ngay, chỉ đứng ngoài nã đại bác vào. Các dinh thự, phố xá bị tàn phá. Nhân dân trong vùng bị chết rất nhiều. Tính từ khi nghĩa quân nổi dậy đến thời điểm này là đúng sáu ngày.

Từ lúc thế thủ trong tỉnh lỵ phải rút ra ngoài, nghĩa quân vẫn chưa có một đường lối nhất định và rõ ràng. Hy vọng cuối cùng của ông Cấn là dựa vào thế hiểm yếu của núi rừng để chống cự với giặc Pháp, đợi sự hưởng ứng của các nơi, đặc biệt là của cách mạng Việt Nam ở Trung Quốc. Nhưng trong lúc mỏi mắt trông chờ những lực lượng không thể có ngay được đó, đoàn nghĩa quân bị giặc Pháp đổ dồn từ nhiều nơi đến chặn đánh liên tiếp. Rơi vào thế bị động và phiêu lưu, suốt mấy tháng sau này nghĩa quân đã cố giữ lấy một dải núi rừng từ Thái Nguyên dọc theo dãy núi Tam Đảo, qua Vĩnh Yên, từ bên này sang bên kia núi, đôi khi tràn xuống những vùng đồng bằng lân cận. Đường lối hành quân của ông Cấn trong những vùng này phần nhiều theo bước đi của cụ Thám ngày trước, cả đến những nơi đóng quân ông cũng áp dụng biện pháp của cụ Đề Thám. Tuy nhiên trong những cuộc chiến đấu và cầm cự hết sức gay go, nguy hiểm, nghĩa quân đã kéo dài cuộc kháng chiến này trong vòng sáu tháng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 10:00:24 am »


Chống càn trên đường hành quân:

Việc nội phản ở Giang Tiên:

Đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng 9 năm 1917, là đêm đầu tiên nghĩa quân dời khỏi tỉnh lỵ Thái Nguyên đến đóng ở Giang Tiên cách Thái Nguyên 14 cây số. Đại quân đóng trong đồn điền của một tên thực dân Pháp ở trên đồi và đặt vọng tiền tiêu dưới cầu Giang Tiên.

Nửa đêm hôm ấy, nghe thấy tiếng súng nổ liên tiếp ở phía dưới cầu, ông Cấn phái Cai Ưng và Ba Quốc xuống xem xét tình hình. Dưới bóng lập lòe của những tia sáng phát ra từ súng đạn, hai người thấy Thành đương chĩa súng bắn vào đồn bên cạnh. Bếp Thành trước kia là một tên thổ phỉ ở vùng Thái Nguyên đã đi lính cho Pháp, sau đó về hưu. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Thành đã gia nhập nghĩa quân và xin làm người bảo vệ cho ông Cấn. Tuy nhiên ông Cấn vẫn tỏ ra nghi ngờ tên Thành nên không cho y ở bên cạnh mình mà chỉ biên chế Thành vào đội lính mới, chuyên làm nghề canh gác ở mọi nơi. Biết chắc là Thành làm phản, Ba Quốc liền núp chỗ khuất bắn trúng đùi Thành làm hắn ngã gục. Điểm lại trong số lính canh có 13 người bị chết. Những người còn sống sót thuật lại là họ chỉ biết đương ngủ thì thấy súng ở bên ngoài bắn vào mà cửa thì khóa kín. Có người nói Thành là gián điệp của công sứ Đạc, sai vào ám hại ông Cấn. Nhưng không ám sát được ông Cấn, y định giết một số nghĩa quân để lập công với Đạc. Sáng hôm sau đầu Thành bị bêu ở cầu Giang Tiên làm gương cho những kẻ phản bội khác.

Trận Hùng Sơn: Từ Giang Tiên ông Cấn kéo quân sang Hùng Sơn là huyện lỵ Đại Từ. Ở Hùng Sơn lúc bấy giờ có 20 lính cơ và 20 lính dõng do tên tri phủ Trần Văn Trụ đốc xuất. Trước khi đến, ông Cấn viết thư cho Trụ bảo sửa soạn chỗ ở và làm cơm cho nghĩa quân ăn. Trụ vốn là một đầy tớ trung thành của giặc Pháp nên không trả lời mà bố trí phòng thủ ở Hùng Sơn. Tức thì ba giờ chiều ngày 5 tháng 9 nghĩa quân đến đánh Hùng Sơn. Đồn này chiếm một vị trí lợi hại trên đồi cao, có thể chế ngự được bốn mặt. Nghĩa quân ở dưới xông lên nên bị hãm vào thế bất lợi. Sau bốn giờ tấn công Hùng Sơn nghĩa quân vẫn không chiếm được, nên phải lui về đóng trong một làng ở bến đò Huy Ngạc. Hai toán quân của Ba Chén và Chu Văn Yên đã tìm đến hợp nhất được với đại quân ở đây. Sáng ngày 7 tháng 9 ông Cấn lại định đến tấn công Hùng Sơn. Nhưng vì đêm trước một toán lính Pháp do tên trung úy Phoong chỉ huy đã đến tiếp viện cho Hùng Sơn, nên ông Cấn phải bỏ ý định trên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 28 Tháng Hai, 2017, 10:00:46 am »


Từ Hùng Sơn đến Quân Chu: Giặc Pháp chú ý bố trí phòng ngự để ngăn cản nghĩa quân không cho tràn về phía Chợ Chu. Chúng cho một đạo quân đóng chặn ở Văn Lãng dưới đèo Khê và một đạo quân đóng ở Quảng Nạp. Từ đèo Vai đến Mỹ Khê chỗ nào cũng có quân Pháp canh phòng. Vì vậy nghĩa quân phải kéo đi ngả khác, từ Hùng Sơn rẽ sang Quân Chu để dựa vào thế núi Tam Đảo. Nhiều đoàn quân thám thính Pháp vẫn theo đằng sau, nhưng cũng chưa nổ ra trận chiến đấu nào. Duy có đội quân ông Giá từ tỉnh lỵ rút ra vẫn theo riết đoàn quân của ông Cấn, mãi đến Quân Chu mới gặp. Trên đường hành quân họ có xung đột với quân Pháp nhưng không kịch liệt lắm.

Đóng quân ở Quân Chu ba ngày, nghĩa quân tập hợp và biên chế những đội quân từ mấy ngả kéo về. Cũng lúc này, vòng vây của giặc Pháp càng sát lại gần. Tên đại tá Bây-e cho một đạo quân từ Hùng Sơn đánh tới, một đạo từ Thái Nguyên theo lối bến Đông kéo lên. Đại bản doanh của chúng đóng ở Phú Thuận. Thế là nghĩa quân chỉ còn một đường rút lên Tam Đảo.

Sau khi lên núi Tam Đảo, nghĩa quân thấy quân Pháp tập trung đông và đề phòng chặt chẽ mặt Thái Nguyên, họ liền vượt qua sang bên kia núi, tràn xuống hoạt động ở địa hạt Vĩnh Yên.

Ngày 10 tháng 9, sau một trận chiến đấu với quân Pháp do tên thiếu tá Pây-tơ chỉ huy ở mé núi, nghĩa quân lại rút lên núi. Quân Pháp sợ bị phục kích nên không dám leo lên, chỉ đóng quân suốt một dải Sơn Cốt, bến Đông về phía nam núi và Cát Nê, Hùng Sơn về phía bắc núi, đồng thời phái bọn lính dõng đi lục lọi khắp các khu rừng.

Tuy vậy, nghĩa quân không thể ở mãi trên núi, thỉnh thoảng phải tràn xuống làng mạc mé núi mong sự giúp đỡ lương thực của nhân dân. Nhưng chỗ nào thực dân Pháp cũng đóng giữ, mỗi khi nghĩa quân xuống núi là chúng bám riết. Những nghĩa quân còn lại thuật rằng: Hồi ấy ban ngàv họ phải ẩn náu trong rừng sâu, không để lọt một chút khả nghi nào ra bên ngoài, ban đêm không dám đốt lửa sợ quân giặc trông thấy bắn vào. Nhiều khi hết lương thực nghĩa quân phải sống bằng củ mài, củ cam đào trong rừng. Đôi khi nghĩa quân phải giả làm dân thường xuống chợ và vào các làng mạc để mua sắm đồ ăn thức uống. Nhưng đó là cả một phen mạo hiểm. Bởi vì thực dân Pháp còn chú ý tiêu diệt nghĩa quân bằng cách khủng bố, bắt bớ nhân dân quanh vùng mỗi khi thấy một dấu hiệu gì khả nghi tỏ ra dân chúng đã ủng hộ nghĩa quân. Do đó tại Thái Nguyên và Vĩnh Yên hồi ấy mỗi khi có người lạ mặt vào làng làm nhiều người kinh hoàng. Nhiều phiên chợ đang họp bỗng có tin đồn "giặc" đến là vỡ chợ ngay. Một lần ông Đội Giá và mấy nghĩa quân vô ý để lộ khẩu súng lục giắt trong áo dài, một vài người khác trông thấy, thế là trong nháy mắt đã vỡ chợ, trong đám người xô đẩy nhau chạy có cả mấy tên lính cơ gác chợ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM