Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:22:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên  (Đọc 19080 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 08:15:53 pm »

Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap


Ban biên soạn:
      Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủ biên)
      Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
      Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
      Thiếu tá HOÀNG THỊ THU HOÀN
      Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
      Trung úy NGUYỄN MINH THỦY


Hoàn chỉnh bản thảo:
      Thiếu tá HOÀNG THỊ THU HOÀN

LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn xâm lược phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể dưới dạng hỏi đáp ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam ” nói chung và cuốn sách "Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên" nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử nguồn cội.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những sai sót và khiếm khuyết, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:43:58 pm »


Câu hỏi 1: Hãy cho biết chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) có ảnh hưởng gì đến cách mạng Việt Nam giai đoạn đó?
Trả lời:


Ngày 1 tháng 8 năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ ở châu Âu, rồi nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Nước Pháp tham chiến nên đã huy động tối đa sức người, sức của trong nước và các thuộc địa để cung cấp cho nhu cầu chiến tranh. Thuộc địa Việt Nam chịu chung trong số phận đó.

Bọn thống trị Pháp ở Đông Dương một mặt chuyên chú người và của để ném vào lò lửa chiến tranh bên Pháp, một mặt tìm mọi cách để đề phòng và đàn áp mọi cuộc cách mạng có thể xảy ra trong khi quân lực và tài lực của chúng đang có nguy cơ bị suy kiệt. Từng đoàn lính chiến và lính thợ Việt Nam cũng như Miên, Lào bị chuyển sang Pháp để làm bia đỡ đạn.

Để bóc lột được nhiều hơn và để đề phòng những cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam buộc thực dân Pháp phải thay đổi chính sách đối với Việt Nam về mọi mặt chính trị - quân sự, kinh tế - tài chính cũng như về văn hóa - xã hội để phục vụ trực tiếp cho mục đích tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực trong nhân dân ta, cung cấp cho nhu cầu ngày càng lớn và cấp bách của chiến tranh đế quốc.

Mặc dù thực dân Pháp đã cố sức tuyên truyền, lừa bịp, đề phòng khả năng nổi dậy của nhân dân Việt Nam nhưng cách mạng Việt Nam không vì thế mà dừng bước. Sau những ngày thảm khốc của các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục và cuộc vận động chống đi phu nộp thuế ở Trung Kỳ; kế đó, sự thất bại của vụ Hà Thành đầu độc, nhất là sự tan vỡ của nghĩa quân Yên Thế thì phong trào cách mạng Việt Nam có lúc như lắng xuống. Nhưng cuộc chiến tranh bùng nổ ở châu Âu có một vài điều kiện thuận lợi khách quan đã như ngọn gió thổi vào đống lửa cách mạng còn âm ỉ cháy. Thấy nước Pháp bị đánh và tài lực của Pháp ở Đông Dương ngày càng suy kiệt, các đảng phái cách mạng ở trong nước đều muốn tính quân bài cuối cùng. Khắp nơi lòng dân hừng hực khí thế chiến đấu, nhiều người trông ngóng ngọn cờ khởi nghĩa trong một cơ hội hiếm có. Mở đầu là Việt Nam Quang Phục hội, một số sĩ phu yêu nước đã tuyên truyền nhân dân nổi dậy chống Pháp. Tiếp sau đó là kế hoạch đánh Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Khẩu (1915). Rồi phá ngục Lao Bảo (28-9-1915)... Đặc biệt là cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916). Mặc dù Thái Phiên và Trần Cao Vân bị xử tử ở An Hà (Huế), vua Duy Tân bị đày ra đảo Rê-uy-ni-ông nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước của nhân dân Trung Kỳ. Lòng căm thù giặc cao độ cùng với sự đồng lòng của binh lính đã làm nên cuộc khởi nghĩa lừng danh năm 1917 ở Thái Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:47:07 pm »


Câu hỏi 2: Cuộc âm mưu khởi nghĩa của vua Duy Tân có vị trí đặc biệt quan trọng vì mặc dầu mang danh nghĩa nhà vua nhưng chủ mưu lại là các sĩ phu ái quốc, động lực là binh lính. Nó như một chất xúc tác góp phần làm nên sự bùng nổ của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên sau này. Hãy trình bày cuộc âm mưu khởi nghĩa của vua Duy Tân (5-1916)?
Trả lời:


Theo chính sách chia để trị, thực dân Pháp chẳng những đem áp dụng với tầng lớp, giai cấp, khu vực trên đất nước Việt Nam mà còn với cả đám người vốn thuần phục chúng. Riêng với hoàng tộc nhà Nguyễn, sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Thuyết chạy sang Trung Quốc thì chỉ còn lại những bù nhìn, cho giặc mượn danh nghĩa hay làm tay sai cho giặc để bóc lột và đàn áp nhân dân. Tuy vậy đem chia để trị triệt để, thực dân Pháp vẫn gây mâu thuẫn giữa các tông phái và nhằm nâng đỡ phái nào có thể cung cấp những bù nhìn ngoan ngoãn nhất, trung thành nhất đối với chúng. Trong đám bù nhìn, có những loại được chủ yêu chuộng như Chính Mông (Đồng Khánh), Bửu Đảo (Khải Định), Vĩnh Thụy (Bảo Đại)... Tuy nhiên cũng có những người không cam tâm thờ giặc, muốn tìm cách thoát ra khỏi vòng cương tỏa của giặc như Bửu Lân (Thành Thái) và Vĩnh San (Duy Tân). Ngày 30 tháng 7 năm 1907, cuộc âm mưu bạo động của Thành Thái bị bại lộ, nhà vua bị thực dân Pháp truất ngôi và bắt đi đày. Kế đó Duy Tân lên ngôi khi mới bảy tuổi. Điểm đáng chú ý là thực dân Pháp muốn có một bù nhìn nhỏ tuổi để dễ sai khiến. Nhưng chịu ảnh hưởng bởi tinh thần bất khuất của dân tộc, Duy Tân cũng như Thành Thái vẫn cố giãy giụa một lần cuối cùng để mong trở lại cuộc sống đường hoàng của một ông vua nước độc lập.

Nhóm sĩ phu vận động cách mạng lúc bấy giờ đã hướng theo dân chủ tư sản nói chung, nhưng đường lối chủ trương lại không hoàn toàn giống nhau. Bên những người mà chủ nghĩa quân chủ đã bị phá sản trong tư tưởng, vẫn có những người mang khuynh hướng dân chủ, nhưng vẫn muốn phò một ông vua nào tiêu biểu cho ý chí độc lập của quốc gia. Vua Duy Tân lúc bấy giờ còn nhỏ nhưng nổi tiếng là thông minh, ông hay làm những bài thơ, câu đối có nghĩa khí nên được một số sĩ phu tỏ ý ủng hộ vua để làm việc nước. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, những điều kiện thuận lợi của khách quan và tinh thần hướng nghĩa của nhân dân càng kích thích một số chí sĩ quyết tâm hành động. Những lãnh tụ trong cuộc âm mưu này là Thái Phiên, Trần Cao Vân và một số nhân sĩ ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Theo kế hoạch, Trần Cao Vân đã liên lạc được với vua Duy Tân ở trong nội thành (Huế) và đã mượn danh nghĩa nhà vua, viết chiếu chỉ gửi cho những nhân sĩ ái quốc. Lực lượng chính mà cách mạng nhắm vào là những binh lính Việt Nam sắp sửa đưa sang Pháp đánh nhau với Đức. Lúc ấy bọn thống trị Pháp ở Việt Nam đang gấp rút tuyển mộ, luyện tập binh lính để ném vào chiến trường bên Pháp. Nguyên ở thành phố Huế đã tập trung tới hàng ngàn lính mộ chưa kể tới các tỉnh bên. Qua các tin bại trận từ bên Pháp truyền sang, phái cách mạng Việt Nam đã biết lợi dụng thời cơ, ném ra nhiều tin đồn để gây hoang mang trong binh lính Pháp. Những lời tuyên truyền ấy đã làm rung động những người đang bị bắt và những người đang làm bia đỡ đạn cho thực dân Pháp. Ấy là chưa kể những bài ca nhớ nhà, nhớ nước, nhớ vợ, con, nhớ cây đa mái đình... của những người nông dân bị bắt đi lính cho giặc. Tinh thần chiến đấu và ảnh hưởng cách mạng trong binh lính ngày một lên cao. Một số thủ lĩnh trong binh lính cũng nhận được chiếu chỉ của vua Duy Tân hiệu triệu khởi nghĩa và phong tước. Theo một số tài liệu thì cuộc âm mưu khởi nghĩa này còn có dính líu tới Việt Nam Quang Phục hội như Hoàng Trọng Mậu được vua Duy Tân phong làm Tổng tư lệnh. Tuy nhiên phần đóng góp của Việt Nam Quang Phục hội vào việc này thì không được rõ ràng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:47:27 pm »


Cuộc khởi nghĩa định vào ngày 3 tháng 5 năm 1916. Theo kế hoạch khởi sự, thì đêm hôm ấy sau khi vua Duy Tân đã được đưa ra khỏi thành, các tân binh Việt Nam trong trại lính Pháp phối hợp với quân dân ở ngoài, sẽ nổi dậy ở Huế và suốt các tỉnh tại Trung Kỳ. Nhưng vì tuyên truyền rộng rãi, thiếu cảnh giác, thiếu tổ chức nên trước ngày khởi sự đã hiện ra cảnh nao núng trong binh lính. Bọn thống trị Pháp liền tung mật thám vào để tìm ra manh mối và cho tay sai khiêu khích để đẩy quần chúng hướng vào cạm bẫy. Đồng thời một vài vụ phá đồn ở Quảng Nam cũng bị khám phá. Đến ngày, giờ khởi sự, mặc dầu vua Duy Tân đã thoát ra khỏi thành, nhưng tiếng súng khởi nghĩa chưa nổ thì các binh lính Việt Nam đã bị tước khí giới và nhốt ở trong trại. Những toán dân quân ở bên ngoài định hưởng ứng với quân khởi nghĩa ở trong đều bị dẹp tan. Cuộc khởi nghĩa đã bị bóp nghẹt ở Huế cũng như ở Quảng Nam, Quảng Ngãi. Riêng ở Tam Kỳ (Quảng Nam), quân khởi nghĩa đã nổi dậy chiếm công sở, giết mấy tên cầm chính quyền của giặc trước khi bị đánh tan.

Vua Duy Tân và mấy yếu nhân trong tổ chức khởi nghĩa đều bị rơi vào tay giặc. Vua bị đày ra đảo Rê-uy-ni-ông. Còn các thủ lĩnh cách mạng như Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phạm Thành Chương, Phan Thành Tài, Lê Đình Dương... đều hy sinh.

Cuộc âm mưu khởi nghĩa của vua Duy Tân mặc dầu mang danh nghĩa nhà vua nhưng chúng ta thấy chủ mưu ở đây lại là các sĩ phu yêu nước, động lực là binh lính và những người nông dân bị bắt đi làm bia đỡ đạn cho giặc Pháp. Sau vụ Hà Thành đầu độc, đây là lần thứ hai binh lính Việt Nam tỏ quyết tâm dùng súng giết giặc. Cuộc khởi nghĩa không thành vì thiếu tổ chức, thiếu cảnh giác, nhất là thiếu một đường lối chính trị rõ rệt, một bộ tham mưu đúng đắn. Nhưng ở đây tinh thần bất khuất của dân tộc luôn luôn biểu lộ ra và cách mạng sẽ ngày một lớn mạnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:48:12 pm »


Câu hỏi 3: Cuộc vận động Việt Nam Quang Phục hội có ý nghĩa đặc biệt đối với binh lính người Việt trong quân đội Pháp nói chung và đối với cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên nói riêng. Lương Ngọc Quyến là cầu nối cho Đội Cấn tin tưởng mà làm nên cuộc khởi nghĩa lừng danh trên đất Thái Nguyên. Hãy trình bày những nét cơ bản về Việt Nam Quang Phục hội và những hoạt động của nó?
Trả lời:


Như chúng ta đều biết Phan Bội Châu là lãnh tụ của Duy Tân hội cùng các đồng chí hoạt động trên đất Nhật.

Cho đến năm 1908 quân phiệt Nhật câu kết với thực dân Pháp hạ lệnh đuổi những người Việt Nam ra khỏi nước Nhật. Từ đó Phan Bội Châu cùng một số nhà cách mạng Việt Nam rời khỏi nước Nhật về Trung Quốc và Thái Lan tìm cách hoạt động. Cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc thắng lợi đã đem lại phấn khởi cho các nhà cách mạng Việt Nam và cho họ điều kiện dễ dàng hơn trên đất nước Trung Quốc. Họ mong sự giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc cũng như đặt triển vọng cách mạng Việt Nam vào triển vọng của Trung Quốc. Phong trào bị sụt đi bởi những biến cố xảy ra ở Nhật nay lại được nhen nhóm. Một số người lưu vong ở Thái Lan hay đang hoạt động trong nước đều tập hợp lại tại Quảng Đông, nơi trọng tâm của cách mạng hồi đó. Năm 1912, một tổ chức cách mạng được thành lập với một danh hiệu mới thay cho Duy Tân hội là Việt Nam Quang Phục hội.

Việt Nam Quang Phục hội thực chất là một tập đoàn cách mạng hơn là một chính đảng cách mạng. Vì ngoài việc tập hợp một số người cách mạng ra, nó chưa có một tổ chức ở trong nước cũng như ngoài nước. Nhưng đường lối chính trị của nó so với Duy Tân hội ngày trước thì đã tiến triển lên nhiều. Theo chương trình hoạt động của Duy Tân hội phác họa ra từ năm 1900, mục đích của nó là khôi phục nước Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập, ngoài ra chưa có một chủ nghĩa nào khác. Riêng đối với Việt Nam Quang Phục hội thì có ghi rõ ràng: Tôn chỉ duy nhất của hội là đánh đuổi thực dân Pháp giành lại nước Việt Nam, thành lập Cộng hòa dân quốc Việt Nam.

Trong Việt Nam Quang Phục hội, ngoài một số nhà cách mạng Việt Nam ở hải ngoại ra, còn có cả một số nhà cách mạng Triều Tiên, Đài Loan... trong hội Đông Dương đồng văn và một số nhân sĩ Trung Quốc trong hội Chấn Hoa Hưng Á. Một điểm đáng chú ý nữa là Việt Nam Quang Phục hội có một bộ máy cồng kềnh ở trên đầu, nhưng không có chân, nghĩa là không có gốc rễ ở dân chúng trong nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:48:33 pm »


Quá trình hoạt động của Việt Nam Quang Phục hội đều nhằm vào việc gây các cuộc bạo động ở trong nước. Việc đầu tiên là tổ chức Quang Phục hội quân, phần lớn là đồng bào miền núi ở gần biên giới Việt - Trung, còn một số thổ phỉ ở Trung Quốc. Chiến sĩ của Quang Phục quân là một số học sinh theo học tại các trường võ bị ở Bắc Kinh, Nam Kinh, Hán Khẩu... Quân kỳ nền đỏ với năm ngôi sao trắng và quốc kỳ nền vàng sao đỏ. Về vũ khí ngoài một số súng mua được, Hội có bí mật lập xưởng chế bom.

Để chi phí vào những trù bị bạo động, Hội cần phải có tiền. Nguồn tài chính của Hội lúc đầu trông vào sự quyên giúp của bạn Trung Quốc tán thành cách mạng Việt Nam, nhưng công tác của Hội ngày càng phát triển. Hội in ra quân dụng phiếu và thông dụng phiếu đem lưu hành trong nước. Những phiếu này là một thứ giấy bạc do Quân Chính phủ lâm thời Việt Nam Quang Phục hội phát hành.

Những năm chiến tranh thế giới nổ ra, cách mạng Việt Nam rơi vào thời kỳ lắng xuống. Thấy thế các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội cho rằng cần phải làm một điều gì đó kinh thiên động địa để "đánh thức đồng bào""gọi hồn nước lại”. Để làm được điều đó thì theo ý kiến của các nhà lãnh đạo là phải khủng bố mấy tên trùm thực dân Pháp và lũ tay sai đắc lực của chúng. Tại Việt Nam hồi ấy, toàn quyền An-be Xa-rô đang giở mọi thủ đoạn phỉnh phờ hòng ru ngủ nhân dân Việt Nam và dập tắt phong trào cách mạng. Mấy tên địa chủ Việt gian như Lê Hoan, Hoàng Trọng Phu, Nguyễn Duy Hàn là những kẻ mà nhân dân đều căm thù và nguyền rủa. Các nhà lãnh đạo Việt Nam Quang Phục hội quyết định trừ khử toàn quyền An-be Xa-rô và hai tên chó săn Hoàng Trọng Phu và Nguyễn Duy Hàn bằng cách phái người mang bom về nước thực hiện kế hoạch trên. Nhưng kết quả không được như dự định vì những điều kiện khách quan khó khăn và cũng vì người thừa hành không đủ quyết tâm làm nhiệm vụ. Việc mưu sát toàn quyền An-be Xa-rô trong dịp phát phần thưởng cho các cử nhân tân khoa tại kỳ thi hương ở Nam Định vào tháng 11 năm 1912 do Nguyễn Cẩm Giàng tức Nguyễn Hải Thần phụ trách không thực hiện được. Đến ngày 13 tháng 4 năm 1913 một tiếng bom nổ ở Thái Bình đã giết chết tuần phủ Nguyễn Duy Hàn do một công nhân lái xe là Phạm Văn Tráng phụ trách. Ngày 16 tháng 4 năm 1913, một quả bom khác lại nổ ở khách sạn Hà Nội, làm chết hai trung tá Pháp và nhiều người bị thương. Tác giả vụ này là Nguyễn Văn Tuý, công nhân xe lửa Gia Lâm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:48:57 pm »


Điểm lại dự định của Việt Nam Quang Phục hội chỉ đạt được một phần kết quả. Thực dân Pháp lại nhân đó khủng bố dã man. Hàng trăm người bị bắt cóc. Những người tham gia trong vụ này là Phạm Văn Tráng, Nguyễn Văn Tuý, Nguyễn Văn Cần, Phạm Đệ Quý, Vũ Ngọc Thụy, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết đều đã hy sinh.

Sau những vụ bạo động kể trên, dưới sức khủng bố của bọn thống trị Pháp, cách mạng Việt Nam càng lắng xuống. Đến khi đại chiến thế giới thứ nhất bùng nổ các nhà Việt Nam Quang Phục hội thấy đó là cơ hội duy nhất để hoạt động trở lại. Nhưng hoạt động ra sao và bằng cách nào? Trong nước, Việt Nam Quang Phục hội không có cơ sở trong dân mà chỉ liên lạc được với một số thổ hào và những khách giang hồ hảo hán. Bên ngoài nước, cách mạng Trung Quốc đang bị khốn đốn nên những nhà cách mạng Việt Nam ngoài việc tạm thời dựa vào một vài đốc quân ở các địa phương, còn phải dựa vào một số nhân sĩ Trung Quốc.

Tuy vậy trong thời kỳ này, một số cuộc bạo động đã nổ ra nhiều nhất ở biên giới, có những cuộc nằm trong kế hoạch của Việt Nam Quang Phục hội, có những cuộc tự phát dưới ảnh hưởng của Việt Nam Quang Phục hội như:

- Cuộc đánh đồn Lục Nam ngày 20 tháng 10 năm 1914.
- Cuộc đánh đồn Nho Quan ngày 7 tháng 1 năm 1915.
- Cuộc đánh đồn Phú Thọ ngày 7 tháng 1 năm 1915.
- Cuộc đánh đồn Móng Cái ngày 7 tháng 1 năm 1915.
- Cuộc đánh đồn Tà Lùng ngày 13 tháng 3 năm 1915.
- Cuộc đánh đồn Bát Xát ngày 8 tháng 8 năm 1916.
- Cuộc đánh đồn Đồng Văn ngày 3 tháng 3 năm 1917...

Điểm lại các cuộc bạo động kể trên, chúng ta thấy mấy cuộc cùng nổ ra một ngày tại những địa điểm khác nhau chứng tỏ có sự liên lạc mật thiết với nhau dưới một bộ chỉ huy chung. Đặc biệt có cuộc bạo động tại Tà Lùng do mấy nhà Việt Nam Quang Phục hội lãnh đạo. Mặc dù những cuộc bạo động trên đều thất bại nhưng đã hun đúc lòng căm thù giặc cao độ của anh em binh lính và nhân dân. Cũng từ đó binh lính Việt trong hàng ngũ quân đội Pháp càng trông ngóng một biến cố lớn mang tầm vóc lịch sử để sớm thoát khỏi ách nô lệ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:49:34 pm »


Câu hỏi 4: Nguyên nhân nào đã khiến thực dân Pháp sử dụng binh lính người Việt như một công cụ chính?
Trả lời:


Chủ trương của bọn thực dân nói chung đối với bất cứ thuộc địa nào cũng là dùng dân thuộc địa đánh dân thuộc địa (dùng người bản xứ đánh người bản xứ). Đối với thực dân Pháp, những kinh nghiệm bản thân của chúng trước đây ở các thuộc địa khác, nhất là ở An-giê-ri, Miến Điện... đã giúp cho chúng có những thủ đoạn thâm độc hơn trong việc dùng người Việt đánh người Việt.

Theo cách tổ chức của chúng, có hai loại lính Việt Nam trong quân đội Pháp: chính quy và địa phương. Chính quy là những lính khố đỏ (tức bộ binh), lính pháo thủ, lính tàu bay (phần nhiều là lính thợ), lính thủy, lính lê dương (ghép với lính ngoại quốc). Địa phương có lính khố xanh thuộc quyền thống sứ, lính khố lục (lính cơ), khố trắng, khố vàng thuộc bọn quan lại Việt Nam, lính dõng tại các châu huyện miền thượng du.

Về kinh tế, việc dùng lính thuộc địa giảm cho thực dân Pháp một món kinh phí lớn như chuyên chở lính Pháp từ chính quốc sang và hàng năm còn đỡ tiền chuyên chở lính Pháp ở Việt Nam về nghỉ tại Pháp, cả tiền chở số lính Pháp sang thay thế cho số lính đến hạn nghỉ. Thêm vào đấy, tiền lương của một người lính thuộc địa rất thấp so với tiền lương của một lính Pháp. Theo lời tên thiếu tá Gác-bi, sĩ quan pháo binh thuộc địa, giảng tại trường thuộc địa Pháp ở Pa-ri ngày 8 tháng 2 năm 1905 thì nuôi một người lính Pháp bằng nuôi bốn người lính Việt Nam. Nhưng theo lời người lính Việt Nam trong quân đội Pháp thì lương một lính Pháp có thể gấp mười lần lương một người lính Việt Nam. Do đó, số lính người Việt hay thuộc các dân tộc ở Đông Dương thay cho lính Pháp càng nhiều bao nhiêu thì càng lợi cho thực dân Pháp bấy nhiêu.

Về quân sự, binh lính Việt Nam là một lực lượng dự trữ to lớn để bổ sung cho quân đội Pháp và ngày càng thay thế cho lính Pháp trong việc giữ trật tự an ninh cũng như chiến tranh. Binh lính Việt Nam lại là những người chịu đựng gian khổ, quen thuỷ, thổ, biết rõ địa lý và tình hình nhân dân, lúc thường thì đóng tại các nơi nước độc, khí hậu xấu hay các đồn bốt địa phương để cho lính Pháp tập trung tại các đô thị và các yếu điểm quân sự, lúc chiến tranh thì đi trước làm bia đỡ đạn cho sĩ quan Pháp.

Về chính trị, ngoài việc dùng người Việt đánh người Việt, thực dân Pháp đỡ phải đem lính Pháp ở chính quốc sang Đông Dương, nhất là những ngày chiến tranh, tránh sự phản đối của nhân dân Pháp. Chẳng những thế, thực dân Pháp còn lợi dụng ngụy binh làm trung gian giữa quân xâm lược với nhân dân, tuyên truyền cho chúng và làm tai mắt cho chúng.

Như vậy việc dùng người Việt đánh trả người Việt là một dã tâm của thực dân Pháp và đồng thời còn là một thủ đoạn bóc lột trắng trợn đối với người dân thuộc địa nói chung và nhân dân Việt Nam nói riêng. Từ một xuất phát điểm thuận lợi trăm bề như vậy nên thực dân Pháp đã sử dụng người Việt như một công cụ chính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 05:50:11 pm »


Câu hỏi 5: Hãy cho biết chế độ đãi ngộ bất bình đẳng của thực dân Pháp đối với binh lính Việt Nam? Cho dẫn chứng minh họa cụ thể?
Trả lời:


Mặc dù công dụng của binh lính Việt Nam như đã phân tích ở trên nhưng thực dân Pháp đãi ngộ với họ vô cùng bất công. Trong hàng ngũ quân đội Pháp cũng như đối với nhân dân thuộc địa vẫn xây dựng trên quan niệm và chính sách bất bình đẳng.

Về lương bổng, phụ cấp, trang bị... sự chênh lệch đã hiện ra rõ rệt giữa binh lính Pháp và binh lính Việt Nam. Cùng một cấp bậc, một nhiệm vụ nhưng công việc của người lính Việt Nam bao giờ cũng nặng nhọc hơn và mức hưởng thụ lại rất thấp. Ví dụ: Lương một tên quan hai Pháp gấp gần 30 lần lương một người lính Việt Nam ở đại đội chủ lực năm 1887 (lương tên quan hai 7.000 phờ-răng mỗi năm; lương người lính Việt Nam 252 phờ-răng mỗi năm). Đó là chưa kể quần áo, nhà ở và các thứ phụ cấp khác. Cũng theo biểu lương năm này, một tên quản người Pháp lương hàng năm 5.000 phờ-răng, một người lính quản Việt Nam 900 phờ-răng.

Về quyền hành và đối đãi, thì bất kỳ người lính Việt nào nói chung, chỉ có thể làm đến hạ sĩ quan là cao nhất, sau khi nổ ra những cuộc bạo động hay âm thầm bạo động của binh lính người Việt, thực dân Pháp mới cho phép binh lính người Việt có thể thăng đến chức đại úy. Nhưng thực sự, ngoài một số mang quốc tịch Pháp hay thân Pháp được vào học tại các trường sĩ quan Pháp hoặc đặc biệt cấp cho cấp bậc sĩ quan cho đến những kẻ phản quốc lập công với giặc được giặc nhấc lên làm quan hai, không kể binh lính Việt Nam nói chung ít có hy vọng vươn lên cấp chỉ huy dù chỉ là chỉ huy trung đội hay đại đội. Ấy là chưa kể những hạ sĩ quan và sĩ quan người Việt, thực dân Pháp cũng khinh khi, bạc đãi.

Kỷ luật trong quân đội đế quốc là một kỷ luật quân phiệt. Những kỷ luật đối với binh lính thuộc địa trong quân đội đế quốc càng dã man hơn. Mục 6 của bản Điều lệnh về tổ chức lính khố xanh ở Đông Dương quy định những tội lỗi xử phạt sau đây: “Bị coi như phạm kỷ luật và bị trừng trị tuỳ theo mức độ nghiêm trọng của tội lỗi: những binh lính nào thì thầm với nhau, nói với nhau những chuyện không tốt...”.

Người lính Việt Nam luôn luôn bị bịt mồm khóa miệng, không được tự do chuyện trò, không được nói những gì mà chỉ huy không muốn. Hình phạt quy định thì có thể từ không cho đi chơi đến bị giam, bị tù, bị cúp lương. Trên đây là những đãi ngộ bất bình đẳng đáng kể nhất mà thực dân Pháp dành cho binh lính người Việt Nam. Đó chính là manh nha cho cuộc bùng nổ của khởi nghĩa Thái Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2017, 07:25:52 pm »


Câu hỏi 6: Ngoài các thủ đoạn dã man mà thực dân Pháp áp dụng ở Việt Nam như lập nhiều nhà tù, đầu độc thanh niên bằng rượu và thuốc phiện... chúng còn dùng chính sách chia để trị. Hãy trình bày những nét chính về chính sách đó của thực dân Pháp đối với binh lính ở Việt Nam?
Trả lời:


Chia để trị là một chính sách được thực dân Pháp vận dụng triệt để nhất ở Việt Nam. Lúc bình thường, chúng gây mâu thuẫn giữa những người ở địa phương này với những người ở địa phương khác (như miền Bắc với miền Nam), những dân tộc này với dân tộc khác (như đồng bào thiểu số với đồng bào người Kinh) đến cả giữa binh chủng này với binh chủng khác (khố đỏ với khố xanh) để tố giác lẫn nhau, đánh lẫn nhau và dồn cả lòng trung thành với chúng. Ngoài ra, chúng còn chia rẽ giữa binh lính với nhân dân, dung túng và xúi cho lính nhũng nhiễu dân. Có khi một đại đội khố xanh hay khố đỏ đến đánh phá một làng nào đó vì đã xảy ra một chuyện xích mích về tiền hay về gái giữa chỉ huy người Việt trong quân đội Pháp với dân làng. Lúc nổ ra những cuộc khởi nghĩa, chúng đem người tộc này đánh người tộc khác và đem binh lính miền này kiềm chế nhân dân miền khác. Năm 1892, đại tá Pháp là Se-vi-e-rờ tổ chức những tiểu đoàn lính thổ để dùng ở đồng bằng. Đại tá Gan-li-ê-ni, một tên có công nhiều trong cuộc bình định bằng quân sự của thực dân Pháp ở Đông Dương, đã thốt ra một câu vạch rõ dã tâm chia rẽ đến triệt để của chúng: "Hành động chính trị mới là quan trọng nhất... Hành động đó phải đưa về chính sách chủng tộc. Bất cứ một tập đoàn, chủng tộc, nhân dân, bộ lạc hay gia đình nào cũng có những quyền lợi chung nhau và đối lập với nhau... cũng có những sự thù hằn và địch đối mà chúng ta phải biết lợi dụng...".
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM