Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 04:46:39 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung tướng Nguyễn Bình  (Đọc 20296 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:49:08 pm »

     
        - Tên sách: Trung tướng Nguyễn Bình
        - Tác giả : Nguyễn Thế Trường
        - NXB: Quân đội Nhân dân
        - Năm xuất bản: 2001
        - Số hóa : hoi_ls




Trung tướng Nguyễn Bình (1906 - 1951)

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

        Nguyễn Bình, một trong những người lãnh đạo Chiến khu Trần Hưng Đạo, Khu trưởng chiến khu miền duyên hải Bắc Bộ, Tư lệnh Nam Bộ, được phong Trung tướng năm 1948, lúc đồng chí 40 tuổi. Nguyễn Bình là người chỉ huy quân sự có tài, dũng cảm, quyết đoán.

        Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội và thanh niên ta học tập noi theo.

        Do những công lao to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đồng chí là người đầu tiên của quân đội ta được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất. Và đặc biệt năm 2000, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

        Trong những năm trước đây nhiều sách báo của ta cũng như của phương Tây đã viết về Nguyễn Bình. Nhìn chung các bài viết ấy, bài thì nói rõ thời kỳ ông hoạt động ở miền Bắc, sơ lược phần Nam Bộ; bài thì viết rõ thời kỳ ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, sơ lược phần miền Bắc. Những sách, báo ấy đã viết đúng những công lao, thành tích của Nguyễn Bình, đã ca ngợi đồng chí là một vị tướng tài, dũng cảm. Riêng phần tiểu sử thì các sách, báo đều chưa nêu được đầy đủ.

        Thể theo yêu cầu của nhiều người, nhất là các bạn chiến đâu ở Chiến khu Trần Hưng Đạo, biệt động Sài Gòn, cần có một công trình viết tương đối đầy đủ và đúng đắn về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình, ông Nguyễn Thế Trường là cháu ruột của đồng chí Trung tướng Nguyễn Bình đã cố gắng sưu tầm, tập hợp những tư liệu lịch sử về “chú Ba Thảo” - tức Ba Bình, thành tập sách "Trung tướng Nguyễn Bình".

        Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng vì điều kiện và trình độ có hạn nên dẫu có nhiều tư liệu mới, thì tập sách này vẫn còn có nhiều điều cần bổ sung.

        Trân trọng giới thiệu với bạn đọc tập sách nhỏ này và mong nhận được ý kiến phê bình, góp thêm tư liệu lịch sử về Nguyễn Bình.

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN        
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2017, 11:05:26 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:51:46 pm »


LỜI NÓI ĐẦU

        Tháng 5 năm 1987, lần đầu tiên vào thăm Thành phố  Hồ Chí Minh với mục đích viếng mộ và sưu tầm kỷ vật của chú tôi : ông Ba Thảo - tức Nguyễn Bình. Hồi ấy mộ ông còn là nấm đất, mới có hàng gạch chỉ xây viền quanh, trên có tấm bia ghi sai địa chỉ quê quán ở nghĩa trang Thủ Đức.

        Viếng mộ xong, tôi ghé thăm bà Hoàng Thị Thanh (vợ Trung tướng Nguyễn Bình) ở phố Lý Tự Trọng. May mắn làm sao tôi được gặp nhà văn Nguyên Hùng (tác giả tập sách Người Bình Xuyên ở đó. Gặp tôi, nhà văn mừng lắm vì biết tôi là cháu ruột “anh Ba Bình”, và tôi cũng rất mừng vì cuộc gặp nhà văn tôi hằng ngưỡng mộ. Hai chúng tôi chuyện trò rất tâm đắc vì tôi thì muốn biết nhiều chuyện về chú Ba Thảo ở miền Nam còn nhà văn thì muốn biết tiểu sử "anh Ba Bình" và những chuyện về ông ở ngoài Bắc. Lúc chia tay, nhà văn bảo tôi : “Anh cố gắng viết tiểu sử “anh Ba” để đáp ứng nguyện vọng của nhiều người ngưỡng mộ và nhất là những người đồng chí, đồng đội của anh “Ba Bình”.

        Biết rằng viết về thân thế, sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình là rất khó. Vì ông luôn sống một cuộc đời trôi nổi từ lúc còn ít tuổi, những người đương thời với ông thì đến nay trong họ, ngoài làng chẳng còn ai. Vả lại khả năng viết lách của tôi cũng rất hạn chế.

        Biết vậy, nhưng được sự động viên, thúc giục của nhiều người, đặc biệt là nhà văn Nguyên Hùng, và ý thức về người chú của mình - một con người của lịch sử, tôi quyết tâm sưu tầm tư liệu để hy vọng hoàn chỉnh một tập sách nhỏ về ông.

        Tôi đem chuyện này về bàn với ông Nguyễn Hoàn Long (tức Hùng Phong) bạn chiến đấu của chú tôi từ hồi còn ở Chiến khu Trần Hưng Đạo, vì ông trước đây đã làm nghề dạy học, ông đã vui vẻ góp ý và cung cấp thêm tư liệu, góp phần tạo nên tập sách này.

        Nhiều năm gần đây (1991-1998) sách báo đã có nhiều bài giới thiệu ghi nhận công lao của Trung tướng Nguyễn Bình. Năm 1999, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã đúc tượng đồng Trung tướng Nguyễn Bình. Nhờ có sự ưu ái giúp đỡ của những bạn chiến đấu của chú tôi trên cả hai miền đất nước, tôi đã thu thập được nhiều lư liệu nói và viết về ông.

        Đặc biệt trong bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Bộ Chỉ huy quân sự Hải Phòng ngày 28 tháng 5 năm 1998, nhờ chuyển đến cuộc họp mặt kỷ niệm 53 năm ngày thành lập Đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo và 90 năm ngày sinh cố Trung tướng Nguyễn Bình, có đoạn viết : “Tôi cũng mong các đồng chí tập hợp được những tư liệu lịch sử về Trung tướng Nguyễn Bình - người đã có cống hiến xứng đáng không những với Chiến khu mà về sau này với cuộc kháng chiến Nam Bộ trên cương vị Tư lệnh chiến trường Nam Bộ...”, đã thúc giục tôi phải cố gắng nghiên cứu nhũng tư liệu đã có, rồi sao chép, trích dẫn tổng hợp lại cho có hệ thống, tạo nên cuốn sách nhỏ này để người đọc hiểu rõ hơn, chính xác hơn về thân thế và sự nghiệp của liệt sĩ - Anh hùng Nguyễn Phương Thảo tức Trung tướng Nguyễn Bình.

        Dù chỉ là người sao chép, trích dẫn nhưng vì trình độ hạn chế nên chắc chắn không sao tránh khỏi thiếu sót. Kính mong được người đọc lượng thứ và góp ý kiến phê bình. Nhân đây, xin cám ơn Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Duy Tường đã giúp tôi hoàn chỉnh tập sách này.

Tác giả       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:53:32 pm »

       
PHẦN I

QUÊ HƯƠNG, GIA ĐÌNH VÀ NHỮNG THÁNG NGÀY XÂY DỰNG ĐỆ TỨ CHIẾN KHU, CHIẾN ĐẤU TRÊN CHIẾN TRƯỜNG DUYÊN HẢI ĐÔNG BẮC

        Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30 tháng 7 năm 1908 (Mậu Thân) tại làng Bần An Phú, tổng An Phú, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) trong một gia đình nông dân. Cụ tổ tám - chín đời của ông là một vị khoa bảng. Cha là Nguyễn Thế Pho, hồi còn trẻ làm công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng rồi chuyển sang làm cai thầu cho Sở Vệ sinh thành phố. Mẹ là Ngô Thị Long, người làng Hà Nhuận, huyện An Dương, tỉnh Kiến An. Hai người kết hôn rồi về quê làm ruộng, sinh được năm người con (bốn trai, một gái). Nguyễn Phương Thảo là con trai thứ ba, nên người làng gọi là Ba Thảo.

        Theo những tư liệu biết được khoảng thế kỷ 10 - 13, vùng đất Giai Phạm, Yên Mỹ, Hưng Yên ngày nay còn giáp sông, giáp biển. Dân tứ xứ về đây lập ấp khẩn hoang, thường gọi là dân trại, dân nghịch. Cụm dân cư này gồm bảy làng Bần : nên gọi là Tổng Bần. Về sau triều đình phong kiến đặt tên các làng đều bắt đầu bằng chữ "An" - với ý ngụ là "yên" - yên dân nghịch. Bởi vậy, dân chúng quen gọi là "yên". Bần An phú gọi là Bần Yên Phú. Nơi đây đã sinh ra một số nhân vật. danh nhân lịch sử tiêu biểu, như : Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19. Bần Yên phú cũng là quê hương của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm - nổi danh tài sắc một thời - tác giả dịch cuốn thơ "Chinh phụ ngâm khúc" của Đặng Trần Côn từ chữ Hán sang chữ Nôm.

        Quê hương với hết thảy những nét đẹp của văn hóa và truyền thống chống ngoại xâm đã thổi vào tâm hồn thơ trẻ của Nguyễn Phương Thảo những tình cảm tốt.

*

*        *

        Năm 1919 mới 11 tuổi, Ba Thảo đã theo anh ruột là Nguyễn Thế Nức về ở phố Cát Cụt thành phố Hải Phòng. Ông Nức là viên chức nhà Dây thép (Bưu điện) và là một trí thức yêu nước. Ông đã tham gia sáng lập “Hội Dục Anh" và "Hội Trí Tri" nhằm vận động và giúp đỡ những người có tài năng đi học trong nước và nước ngoài để đào tạo nhân tài cho đất nước thời kỳ đó. Ông tham gia Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học và Xứ Nhu.

        Hồi nhỏ, Ba Thảo thông minh, ham học, thích luyện tập võ nghệ. Bản tính trung thực, thẳng thắn. Bà Nguyễn Thị Kỷ (nay đã 80 tuổi) con gái ông Nức cho biết : Khi gia đình chuyển về Hải Phòng, cả hai chú cháu đều được đi học. Và chú đã học hết Thành chung năm thứ hai (2ème année). Chú Ba rất ham mê đá bóng, nhất là sau buổi học chiều thường đi đá bóng nên về nhà rất muộn. Có lần trong một trận đá bóng, không kìm nén nổi sự gây gổ của một học sinh người Pháp, chú Ba đã cùng bè bạn đánh trọng thương học sinh này, nên bị đuổi học.

        Do ảnh hưởng của người anh ruột, Ba Thảo sớm tham gia phong trào yêu nước. Do có quan hệ bạn bè rộng rãi, ông thường hoạt động trong giới thanh niên và học sinh. Năm 1925, ông đã từng tham gia tổ chức học sinh Trường kỹ nghệ Hải Phòng bãi khóa để phản đối chế độ hà khắc của thực dân Pháp. Năm 1926, ông tham gia lãnh đạo học sinh làm lễ truy điệu nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh tại Dư Hàng Kênh (Báo Hải phòng chủ nhật số 39 ngày 24-9-1995). Sau khi bị đuổi học, ông ở nhà làm thợ giặt rồi làm công nhân tàu biển D'Artagnan của hãng Métsagiơri Maritim (Messageries Maritimes) còn gọi là hãng Đầu Ngựa.

        Năm 1922, theo tục lệ cổ, các cụ gọi ông về quê cưới vợ. Vợ ông là bà Ngô Thị Cậy, sinh năm 1909, người làng An Lạc (nay là xã Lạc Hồng, huyện Yên Mỹ) và là cháu nội cụ Ngô Quang Huy - đồng lãnh đạo nghĩa quân Bãi Sậy với cụ Tán Thuật. Bà là người con gái nết na, xinh đẹp.

        Sau khi cưới vợ, Ba Thảo vẫn tiếp tục sống cuộc đời lênh đênh nay đây mai đó trên tàu biển. Nhiều lần tàu Đáctanhăng (D'Artagnan) cặp cảng Sài Gòn ăn hàng hoặc sửa chửa phải đậu lại nhiều ngày, Ba Thảo lại có dịp lên bờ chơi bời kết bạn. Do đó đã làm quen với nhà văn giang hồ kỳ hiệp Sơn Vương (tên thật là Trương Văn Thoại) và nhiều tay giang hồ hảo hán Bình Xuyên. Ông thích đi ngao du tìm hiểu tình hình thành phố, tìm hiểu phong tục tập quán và đời sống của nhân dân trên mảnh đất phương Nam. Do đó tầm nhìn ngày càng mở rộng. Năm 1928, Ba Thảo tham gia Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Lúc này Quốc dân đảng còn là một Đảng tiến bộ hoạt động chống Pháp xâm lược.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Hai, 2017, 11:06:19 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 06:07:50 am »

      
        Năm 1929, ông bị dịch bắt. Bà Cậy cho biết : Ba Thảo bị bắt ở Mác-xây. Thực dân Pháp đưa ông về Sài Gòn, bị Tòa đề hình Sài gòn kết án 5 năm tù đày ra Côn Đảo.

        Trong thời gian bị đi đày, ông đã nhiều lần viết thư về khuyên bà đi lấy chồng khác, vì đời ông trôi nổi vất vả chưa biết sau ra sao. Bố mẹ chồng cũng bảo : "Mẹ Ba ! Chồng mày viết thư về bảo không biết sống chết thế nào, mà mày còn trẻ, nó cho mày về đi chồng khác, mày nghĩ sao?”. Bà Cậy đáp : "Con đi lấy chồng, chỉ biết thờ cha mẹ chồng, cha mẹ thương con phần nào, con được nhờ phần ấy, con không đi đâu cả". Bà vẫn tiếp tục làm ruộng, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Lúc thời vụ nông nhàn, bà còn chạy chợ buôn bán thêm rau quả.

        Hết hạn tù, từ năm 1935 đến 1937 ông bị quản thúc ở quê nhà. Ông vẫn khuyên bà như vậy, nhưng bà không nghe. Cực chẳng đã, ông phải vờ dùng hình thức nặng nề hơn : đuổi bà trở về nhà cha mẹ đẻ. Bà Cậy đã tái giá nhưng không có con và ít lâu sau người chồng này qua đời, bà ở vậy nuôi đứa con chồng. Từ ấy, bà vẫn đi lại thăm viếng gia đình Ba Thảo và thắp hương những ngày giỗ tết.

        Cụ Cậy càng già càng đẹp, đẹp như một bà tiên, tóc cụ bạc trắng dài tới khoeo chân, gương mặt rất thánh thiện.

        Trong những ngày cuối đời, khi nằm trên giường bệnh, cháu ruột Ba Thảo là Nguyễn Thế Cửu coi bà như mẹ, chăm chút từng ly cho đến khi bà quy tiên năm 1984.

        Sau khi lãnh án tù đi đày Côn Đảo, từ năm 1930  đến năm 1933, Ba Thảo bị đày ở đảo Hòn Cau - một đảo hoang nhỏ gần Côn Đảo. Ở đây tù nhân được tự do sinh sống, lao động sản xuất, có tàu định kỳ tiếp tế lương thực, nước uống từ Côn Đảo.

        Ông Dương Chính (tên thật là Phan Dương Chuyên) đảng viên Cộng sản năm 1930 bị Tòa đề hình Hải phòng kết án 15 năm tù cầm cố cũng bị đày ra đảo Hòn Cau, cho biết : "Cuối năm 1932 hoặc đầu năm 1933 có bảy tù Quốc dân đảng gồm : Nguyễn Phương Thảo, Phạm Tuấn Tài, Trần Huy Liệu, một đội khố đỏ và vài người nữa đã chặt cây đóng bè vượt biển nhưng gặp gió ngược, bè lại trôi về đảo Hòn Cau. Nguyễn Phương Thảo, Trần Huy Liệu... bị chuyển về Côn Đảo, bị phạt giảm ba tháng trong hầm xay lúa, rồi giam tại banh II...

        Ở đây Ba Thảo được tiếp xúc với những tù Cộng sản như: Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt... Dần dần ông nhận thấy chỉ có những người Cộng sản mới có thể thành công trong việc lãnh đạo quần chúng lao động đánh đuổi thực dân, giải phóng dân tộc, giải phóng con người. Từ đó ý thức hệ quốc tế vô sản đã hình thành thay thế ý thức hệ quốc gia "Tam dân chủ nghĩa" ở trong ông. Cũng từ đó Ba Thảo tích cực tham gia đấu tranh và học tập theo tinh thẩn của những người Cộng sản. Ba Thảo có sáng kiến khoét tường, tạo thành những chỗ cất giấu tài liệu, sách báo..."1.

        Cũng do được tiếp xúc với những người tù Cộng sản mà dần dần đội ngũ tù nhân Quốc dân đảng có sự phân hóa sâu sắc : "Phái cực đoan đứng đầu là Đội Sơn, Nhượng Tống ra sức bảo vệ chủ nghĩa quốc gia thuần túy. Phái tả đại diện là Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Phương Thảo đã nghiêng hẳn về chủ nghĩa Cộng sản. Phái giữa mà đại diện là Phạm Tuấn Tài, Trần Huy Liệu thì say mê lý tưởng Cộng sản nhưng lại không nỡ để Quốc dân đảng chết”2. Nhiều người đã nghiêng hẳn về lập trường vô sản như các anh Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Phương Thảo, Nguyễn Đức Chính. Trần Huy Liệu... đứng hẳn vào hàng ngũ những người Cộng sản và tích cực tham gia hoạt động đấu tranh"3.

        Được giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản, Nguyễn Phương Thảo quay lại chống trả khá quyết liệt những người tù Việt Nam Quốc dân đảng cực đoan. Có lần Trần Huy Liệu tranh luận với những người bảo thủ này về quốc gia và Cộng sản, đuối lý họ quay ra "luận chiến bằng gậy” xông vào đánh ông. Lập tức bóng đèn bị ném vỡ và một người lực lưỡng nhảy ra ôm anh Liệu đưa về phía sau. Người đó là Nguyễn Phương Thảo - một thanh niên cao to, khỏe mạnh và dũng cảm, thường lấy thân mình che chở cho anh em tù Cộng sản chống những đòn tiểu nhân của tù Quốc dân đảng xấu4.

        Do có sự phân hóa mâu thuẫn nội bộ ngày càng tăng dẫn đến các phe phái thanh trừng lẫn nhau. Tưởng Dân Bảo, Nguyễn Phương Thảo, Trần Huy Liệu... đứng hàng đầu trong danh sách phải bị thanh trừng về tội phản đảng. Nhóm Quốc dân đảng cực đoan đã dùng dao cắt cổ Tưởng Dân Bảo và Trần Huy Liệu, may là được các bạn tù cứu thoát nên chỉ bị thương. Còn Nguyễn Phương Thảo chỉ bị đâm hỏng một mắt trái.

        Tuy hỏng một mắt, nhưng Ba Thảo lại thấy mình được sáng hơn trước, sáng hơn ở thuật đối nhân xử thế, sáng hơn ở thuật gạn đục khơi trong. Ba Thảo đã có ánh sáng của chính Đảng vô sản như ngọn đèn pha soi sáng con dường cứu nước mà ông lựa chọn.

--------------------
       1. Bài viết về Nguyễn Bình của Phùng Đức Thắng - Tạp chí Cộng sản số tháng 6-1991.

        2. Nhà tù Côn Đảo - Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.96.

        3. Nhà tù Côn Đảo - Nxb Sự thật, Hà Nội, 1984, tr.112.

        4. Tư liệu của đồng chí Ngọc An.

« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2017, 11:02:15 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 06:13:41 am »


        Năm 1935, Ba Thảo được ra tù. Địch đưa ông về quản thúc tại quê nhà. Bất chấp sự quản thúc của chính quyền địa phương, Ba Thảo lại hăng hái hòa mình vào phong trào đấu tranh với một mềm tin mãnh liệt vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Là một con người có khí phách bất khuất và ngang tàng, Ba Thảo không chịu đến huyện trình diện hàng tháng, viện lẽ đã bị quản thúc thì không đi đâu cả, nếu tri huyện muốn biết thì đến nhà. Thế là tri huyện đã phải nhiều lần đến nhà để gặp Ba Thảo. Vốn là người hào hiệp, tính tình cởi mở, chuyện trò có duyên và đầy tính thuyết phục, Ba Thảo đã quy tụ được nhiều thanh niên có chí khí đánh đuổi thực dân. Hàng ngày số thanh niên này đến nhà ông luyện tập võ nghệ, hò hát, bình phẩm thơ văn. Ba Thảo rất thích thơ và cũng có làm thơ. Trong cuốn sổ tay cũ còn ghi lại một bài thơ do ông sáng tác với tiêu đề ghi bằng tiếng Pháp: “Dans la paillotte - Trong lều tranh”. Toàn văn bài thơ như sau :

                                           Trong lều tranh
                                           Trong lều tranh một người thiếu phụ
                                           Ngồi bên đèn ru ngủ con thơ
                                           Đêm khuya đã quá ba giờ
                                           Mắt nàng đăm đắm như chờ đợi ai
                                           Gió giận dữ thét ngoài khung cửa
                                           Tiếng nhát gừng chó sủa xa xa
                                           Kêu đêm tiếng cú bay qua
                                           Dường như tiếng quỷ, tiếng ma gọi người
                                           Đám mây đen đầy trời u ám
                                           Kéo cơn mưa ảm đạm nặng nề
                                           Âm thầm trời đất ủ ê
                                           Sấm ran tứ phía càng ghê sởn lòng
                                           Nàng mong ngóng tin chồng đi mãi
                                           Nay chưa về hay lại làm sao?
                                           Trong lòng càng nghĩ càng nao
                                           Bên ngoài tiếng gió vẫn gào gọi mưa
                                           Nhà đổ nát, rào thưa trống trải
                                           Gió bão này lo ngại thâu canh
                                           Mưa rào trút nước mái tranh
                                           Ôm con bên ngọn đèn xanh hãi hùng
                                           Tiếng sét nổ đùng đùng dữ dội
                                           Như tiếng gầm muôn đội thiên binh
                                           Ôm con cho khỏi giật mình
                                           Trong lòng trăm mối tơ tình vấn vương
                                           Nàng nghĩ đến chồng đương đánh cá
                                           Ở ngoài khơi vất vả dãi dầu
                                           Bây giờ chàng ở nơi đâu ?
                                           Hay theo ngọn sóng bạc đầu cuốn đi?
                                           Mưa sầm sập áo thì tơi tả
                                           Tiếng sét trời hay đã ra tro
                                           Trong lòng muôn mối tơ vò
                                           Lòng đau quặn một nỗi lo cho chồng
                                           Còn bao kẻ chăn bông đệm gấm
                                           Đang giờ này nằm ấm lầu cao
                                           Mặc cho gió thét mưa gào
                                           Trong lòng trăm giấc chiêm bao êm đềm
                                           Họ đâu biết tiếng rên khóc đói
                                           Cảnh dân chài chìm nổi ngoài khơi
                                           Trong cơn bão tố tơi bời
                                           Đuối tay bị lớp sóng vùi mất tăm
                                           Nàng nghĩ đến khôn cầm lệ nhỏ
                                           Lặng cúi nhìn con nhỏ đang mơ
                                           Đầy trời sấm chớp gió mưa!


NGUYỄN PHƯƠNG THẢO 1940       

        Có lẽ Ba Thảo là người đầu tiên hướng dẫn thanh niên trong làng hát bài "Cùng nhau đi Hồng binh" của nhạc sĩ Đinh Nhu. Lời của bài ca ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ hát, nhịp điệu thật hùng dung, dễ thuyết phục lòng người. Vì vậy thanh niên rất thích. Cứ tối đến lời ca hùng tráng của bài hát từ sân nhà Ba Thảo vang vọng khắp xóm làng, khiến cha con viên lý trưởng khiếp sợ. Có lần cả hai cha con lý trưởng khăn áo chỉnh tề đến nhà lạy van Ba Thảo xin tha tội. Ông bảo: Nếu không cản trở việc ông làm, không sách nhiễu hại dân thì sẽ được an toàn.

        Các chức sắc trong làng rất mực kính nể Ba Thảo. Từ đó, ông thường lên Hà Nội, xuống Hải Phòng gặp Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu, Trần Huy Liệu, Lê Phùng1... rồi lại trở về làng tập hợp một số đông thanh niên trong làng và các vùng lân cận hoạt động cách mạng. Trong thời kỳ này, vì sức khỏe chưa hoàn toàn bình phục, ông đã tự bồi dưỡng sức khỏe bằng cách dùng nhau thai ép tươi lấy nước hòa rượu uống (những nhau thai này do Nhà thương Bần Yên Nhân chọn cung cấp). Có lần Lê Phùng đến nhà giữa lúc bí không có người đi chợ mua thức ăn, ông đã bảo bạn ngồi chơi rồi xuống bếp tự chế biến thử thực phẩm này để mời bạn dùng cơm.

-------------------
        1. Bí danh của đồng chí Hạ Bá Cang - tức Hoàng Quốc Việt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 06:17:30 am »

         
        Với gia đình, Ba Thảo là người con có chí hiếu. Về điều này trong bài “Độc Nhãn tướng quân", đăng ở báo Tiền phong, tác giả Mạnh Việt có viết : "Nhiều lần ông đã tâm sự với bạn bè rằng : Ông nhớ thương mẹ tha thiết vì mẹ ông chỉ có mong ước duy nhất là ông được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng từ khi còn rất nhỏ, 11 tuổi, ông đã phải đi biền biệt như vậy. Rất nhiều lần bọn địch về lục soát tìm tài liệu, tra khảo hạch sách mẹ, mẹ ông vẫn âm thầm chịu đựng vì thương con. Hồi còn bị giam cầm ở Côn Lôn, bỗng một đêm ông nằm mơ thấy mẹ mình ra đi vĩnh viễn. Tỉnh dậy, ông than khóc mãi như một đứa trẻ. Người bạn tù thân thiết bên cạnh lúc đó là Trần Huy Liệu đã ra sức khuyên ông rằng đó chẳng qua chỉ là một giấc mơ. Có ai ngờ đâu rằng đúng đêm hôm đó mẹ ông đã vĩnh biệt cõi đời, trước lúc phân ly mẹ còn khắc khoải lần cuối trông ngóng nhìn thấy mặt con trai. Điều đó khiến ông day dứt không nguôi trong tâm thức của đứa con có lỗi...".

        Có lẽ từ nỗi day dứt trong tâm thức này nên sau khi ra tù, ông hết lòng phụng dưỡng cha già như để bù lại những gì ông chưa làm được đối với mẹ. Những lúc ở nhà, ông phục vụ cụ ông chu đáo từng bát cơm, chén nước. Những lúc cụ ông đau yếu, ông chăm sóc cụ từng viên thuốc, mũi tiêm, xoa bóp cho cụ thâu đêm. Nhiều lần ông giành phần tự tay tắm rửa và giặt giũ áo quần cho cụ. Đôi khi có điều gì làm cụ phật ý, ông quỳ lạy tự nhận mình là đứa con bất hiếu. Thực tình thì cụ biết rất rõ việc ông làm, cụ không bao giờ trách mắng mà chỉ thương ông vất vả. Họ hàng còn nhớ mãi vào đêm cụ hấp hối (tháng 3 năm 1940), mọi người trong nhà còn đang quy tụ bên giường chăm sóc cụ, thì có một người ăn mặc nhếch nhác, đạp cổng chạy vào đúng lúc cụ nhắm mắt trút hơi thở cuối cùng. Người đó là Ba Thảo. Ông lăn vào ôm lấy xác cha gào khóc thảm thiết, ông vật vã khóc than tự trách mình không về kịp để cha nhìn thấy mặt.

        Với họ hàng, làng xóm ông luôn tỏ ra là người biết kính trên nhường dưới, kính già yêu trẻ, luôn giúp đỡ và bênh vực người nghèo. Không biết ông học được nghề y tá từ bao giờ mà ông tiêm rất giỏi. Ông thường tiêm thuốc chữa bệnh giúp bà con làng xóm. Cũng có khi ông tự tiêm thuốc cho chính bản thân mình. Do vậy, mọi người trong họ, ngoài làng đều rất yêu quý, mến phục đức độ của ông.

*

*      *

        Năm 1937, Ba Thảo với người em ruột là Nguyễn Công Cẩn cùng với Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu, Trần Huy Liệu, Lê Phùng... lên Thái Nguyên mua một khu đồn điền của bà Lan - người Hải Phòng, nay là khu Độc Lập, xóm Yên Bình, huyện Đại Từ, làm kinh tế trang trại và dùng làm căn cứ hoạt động cách mạng. Người em ruột được phân công mở cửa hiệu thuốc Bắc (hiệu Hưng Tường) để làm trạm liên lạc, Tô Quang Đẩu làm thư ký. Ba Thảo nhận một thanh niên nghèo, khỏe mạnh, tháo vát tên là Trần Xuân Giao làm con nuôi, đổi tên là Nguyễn Thế Giao để trông nom trang trại và làm liên lạc. Năm 1938, Ba Thảo bị sở mật thám Thái Nguyên bắt giam rồi chuyển giao cho sở mật thám Hưng Yên quản lý. Cơ sở này bị bọn cường hào dòm ngó, đe đoạ nên không hoạt động được nữa. Người em ruột và người con nuôi ở lại Đại Từ làm ăn, không kinh doanh thuốc Bắc nữa và rút vào hoạt động bí mật.

        Trong thời gian bị sở mật thám Hưng Yên quản lý gắt gao, để che mắt kẻ thù, năm 1940-1941 Ba Thảo cùng Nguyễn Xuân Phúc (tức Lý Trung Kiên) người cùng làng Yên Phú nấu dầu thảo mộc, chế biến từ nhựa thông để thắp đèn thay dầu hỏa lấy tên là dầu PHÚC THẢO. Trụ sở kinh doanh của hãng dầu đặt tại ngôi nhà số 32 (nhà ông Hai Gián) thị trấn Bần Yên Nhân và giao cho một thanh niên trí thức tên là Phạm Khổng Giai phụ trách. Ngoài ra còn có nhiều cửa hàng đại lý bán dầu ở bến ô tô và ga xe lửa Hải Phòng. Những nơi này đều là những điểm hoạt động bí mật. Không được bao lâu, hãng dầu PHÚC THẢO tự giải tán. Sau này Phạm Khổng Giai là cháu rể của ông Ba Thảo (hiện nay ông Giai là cán bộ quân đội, cấp đại tá, đã nghỉ hưu).

        Giữa năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Cách mạng Việt Nam đã chuyển hướng đấu tranh. Ba Thảo thấy thời cơ sắp tới của cách mạng là phải nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang. Trong hoạt động, ông thường gắn bó với Tô Quang Đẩu, Trần Huy Liệu, Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) nên sớm móc nối liên lạc được với Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2017, 11:03:19 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 08:21:08 pm »

  
        Năm 1942, ông dược đồng chí Hạ Bá Cang phái lên Lai Châu hoạt động sưu tầm nhiên liệu để chế lựu đạn. Năm 1943, Ba Thảo được Trung ương giao nhiệm vụ phụ trách việc mua sắm vũ khí cho cách mạng ở Hà Nội và Hải Phòng. Đây là nhiệm vụ xuyên suốt hoạt động của Ba Thảo cho đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Lúc này, Ba Thảo đã lấy tên NGUYỄN BÌNH. Ông đã thực thi nhiệm vụ Trung ương giao cho một cách tích cực, mưu trí, sáng tạo, độc đáo là kết hợp giữa vận động thuyết phục binh lính địch với đánh địch để lấy vũ khí, biến lực lượng quân sự của địch thành lực lượng quân sự của ta. Với nhiệm vụ này Ba Thảo thường đi lại vùng Hải Phòng, Quảng Yên để móc nối liên lạc với các bạn tù chính trị, tù Côn Đảo để gây cơ sở hoạt động cách mạng.

        Mùa hè năm 1944, Ba Thảo về Hải Phòng tìm gặp Dương Chính (bạn tù Côn Đảo), bộc bạch chính kiến của mình : "Cách mạng đã chín muồi. Trung ương cho phép chuẩn bị vũ trang bạo động cướp chính quyền. Tao được giao nhiệm vụ mua chất nổ Chlorate de Potasse, Salpêtre, mìn, dây mìn, kíp mìn và súng đạn các loại". Ông động viên Dương Chính : "Hoàng Quốc Việt bảo tao xuống bảo chúng mày ra tiếp tục hoạt động, nằm im mãi!". Từ đó, Dương Chính trở lại tiếp tục hoạt động và dẫn Nguyễn Bình đi gặp số anh em tù chính trị, tù Côn Đảo ở Hải Phòng như Lê Quốc Trọng, Lê Phê, Tư Thành, Tỉnh, Nghiễm; ở Kiến An có Trần Đình Quý, cùng một người bạn tốt trong phong trào dân chủ (1936-1939) là Phạm Khang - chủ tiệm may Robert Taylor và Tùng Lĩnh ở phố Chợ Con.

        Gặp lại anh em bạn tù, lúc đầu Nguyễn Bình chỉ giao một việc tìm mua chất nổ và súng đạn các loại. Bản thân Nguyễn Bình cũng tự gây được nhiều cơ sở. Dưới ngã năm Lạc Viên có ông Trần Doãn Tắc (bố đồng chí Trần Doãn Tòng) là bạn thân cùng làm tàu biển đã cùng Nguyễn Bình gây dựng cơ sở hoạt động cách mạng ở đây.

        Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương. Hàng ngũ binh lính khố xanh, khố đỏ hoang mang dao động đến cực độ. Binh lính ở đồn Bần Yên Nhân lúc này có một trung đội lính khố xanh, do một viên sĩ quan Pháp chỉ huy. Nguyễn Bình đã cùng một giáo viên tiểu học ở Mỹ Hào, là thầy dạy con tên đồn trưởng, có điều kiện ra vào thuận lợi để tiếp xúc với binh lính làm công tác binh vận và đã gây được nhân mối là anh Nguyễn Văn Việt - một binh lính ở trong đồn. Bằng nhiều cách, anh Việt đã cung cấp tình hình cho ta và cũng đã lôi kéo dược một vài anh em binh lính khác.

        Nhật đảo chính Pháp là một thời cơ thuận lợi để ta có thể đóng giả quân Nhật tranh thủ tước vũ khí của binh lính ở đồn này. Nguyễn Bình báo cáo kế hoạch này với Xứ ủy và được Xứ ủy đồng ý. Ngày 10 tháng 3 năm 1945, Nguyễn Bình tổ chức một cuộc họp tại nhà đồng chí Xuân ở Mỹ Hào gồm các đồng chí Nguyễn Ngọc Vân (tức Vân Ngạnh) và đồng chí Lê Huỳnh (tức Lê Trần Trừ - Tỉnh ủy viên Hưng Yên) để thông báo quyết định của cấp trên. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, Nguyễn Bình tổ chức một cuộc họp khác tại nhà cụ Hai ở làng Buộm (thuộc xã Giai Phạm) gồm các đồng chí Nguyễn Văn Học (tức Kỷ), Nguyễn Trọng Côn (tức Luật - sau Cách mạng tháng Tám 1945 lấy tên là Trần Sâm –  Phó bí thư Thành ủy Hà Nội), đồng chí Dũng, đồng chí Vân và đồng chí Lê Huỳnh để bàn kế hoạch cụ thể và phân công các mũi. Bộ phận chủ chốt xung phong vào đồn do Nguyễn Bình phụ trách, đồng chí Côn và đồng chí Học giám sát tên lý trưởng Phách ở Bần Yên Nhân, đồng chí Lê Trung Hiệu và đồng chí Đoàn Mậu Bách (tức Đoàn Thế Hùng) khống chế cầu Giai Phạm, không để người tràn ra đường số 5, tránh thương vong. Đồng chí Thắng, đồng chí Chân (tức Nguyễn Quang Phụng) và đồng chí Lê Thành Công (tức Công Sạch) có nhiệm vụ cắt dây điện thoại, không cho địch liên lạc với tỉnh lỵ Hưng Yên và Hà Nội. Đêm 12 tháng 3 năm 1945, các bộ phận đến địa điểm tập trung ở ngã ba Quán Chuột, cách đường 5 khoảng 200 mét. Khi đã đông đủ, mọi người im lặng nghe đồng chí Phúc (tức Nguyễn Khang, lúc đó là Xứ ủy viên) thay mặt cho Tổng bộ Việt Minh nói về mục đích ý nghĩa của trận đánh, căn dặn và giao nhiệm vụ. Tới giờ xuất quân, đi đầu đội quân đóng giả Nhật này là Nguyễn Bình, Nguyễn Ngọc Vân và Sơn Chè (tức Trần Phong), với quân phục sĩ quan Nhật có đầy đủ trang bị, có cả lon và băng đeo tay. Riêng Nguyễn Bình có cả thanh trường kiếm giống hệt sĩ quan Nhật. Đồng chí Bang (tức Lê Liêm) ăn mặc dân sự sang trọng đóng vai người đại diện cho đảng Đại Việt giả làm người thông ngôn đi theo. Trận đánh đã diễn ra chớp nhoáng, nhanh gọn nhờ có nhân mối bên trong làm đúng quy ước ám hiệu. Sau một tiếng pháo nổ thay tiếng súng, cổng đồn được mở toang, quân ta ào ạt xông vào làm cho quân địch không kịp trở tay. Kết quả, ta thu được 24 súng trường và 6 hòm đạn, lựu đạn.

        Trận đánh này về sau được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là : "Một trận đánh du kích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc Bộ"1.

-------------------
       2. Theo Vũ Xuân Hoa - bài đăng trên nguyệt san báo Hưng Yên (báo Hưng Yên hàng tháng), số 32.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2017, 11:03:50 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 08:27:23 pm »

  
        Thắng lợi trận đánh đồn Bần Yên Nhân thổi một luồng sinh khí phấn khởi, dạt dào tin tưởng vào các làng xóm. Nhân dân như bừng tỉnh trước sức mạnh của cách mạng, hết lời ca ngợi Việt Minh có tài "xuất quỷ nhập thần" đã phỗng súng tay trên quân Nhật.

        Thời gian này cao trào kháng Nhật dã bùng nổ. Hầu hết các làng xã vùng bắc Hưng Yên đều có cơ sở Việt Minh. Sau đêm 12 tháng 3 năm 1945, lực lượng cách mạng chuyển sang trấn áp bộ máy tổng lý ở các làng, xã, khiến nó ngày càng rệu rã bất lực; phần lớn họ tỏ thái độ lừng chừng, hoài nghi hoặc co vòi nằm im nghe ngóng. Có một số ít tên vì "tay đã nhúng chàm", có nhiều tội ác cố tình hung hăng chống lại cách mạng. Những tên này đều bị tổ chức và Nguyễn Bình trừng trị theo một phong cách riêng là lập Tòa án cách mạng xử công khai. Điển hình như tên Lý Phách ở làng Bần Yên Nhân nổi tiếng gian ác, hà hiếp nhân dân, làm chỉ điểm cho Nhật. Nguyễn Bình đã chỉ huy anh em tự vệ chặn xe hắn lại ở Phố Nối giữa ban ngày, ngăn cả xe ô tô chở khách dừng lại để công khai xử án.

        Những việc làm nói trên đã tạo thêm uy thế của cách mạng, thanh danh Việt Minh càng vang dội. Xứ ủy quyết định thành lập các khu an toàn trực thuộc Xứ ủy để bảo đảm sự đi lại, ăn ở, hội họp của Xứ ủy và của Trung ương. Hai huyện Yên Mỹ - Mỹ Hào và một số làng của huyện Văn Lâm (Hưng Yên) thành Khu An toàn Bãi Sậy. Sau khi đánh hạ đồn Bần, tước vũ khí của binh lính trao cho địa phương, Nguyễn Bình về ở hẳn Hải Phòng để củng cố và phát triển phong trào cách mạng.

        Lúc này ở Hải Phòng, Đảng bộ bị địch đánh phá dữ dội; Thành ủy chưa kịp lập lại, nhưng chính sách đúng đắn, phù hợp của Mặt trận Việt Minh đã thổi bùng lên cao trào cách mạng trong nhân dân. Về phong trào cách mạng ở thời điểm này, đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng đã viết : "Cả Đông Dương như một cánh đồng cỏ khô, tàn lửa cách mạng động đụng vào đâu là có thể bốc cháy". Hải Phòng là một vùng đất trong "cánh đồng cỏ khô" ấy, đã "bốc cháy" khi tiếp nhận ngọn lửa cách mạng từ ngôi nhà 88, đại lộ Đô đốc Cuốc bê (Boulevard Amiral Courbet), còn gọi là phố La Côm (La Combe), nay là nhà số 162 phố Hoàng Văn Thụ.

        Ngôi nhà này là của ông Thái Văn Cốc - chủ hiệu sản xuất kinh doanh hàng thêu. Bà Phan Thị Chợ (chị họ của Dương Chính) là vợ kế của ông Thái Văn Cốc. Do đó, Nguyễn Bình và Dương Chính đã biến ngôi nhà này thành cơ quan của Mặt trận Việt Minh trong sự che chở, nuôi dưỡng của gia đình ông Thái Văn Cốc thời kỳ tiền khởi nghĩa ở Hải Phòng. Việc chọn ngôi nhà này làm cơ quan của Mặt trận Việt Minh là cả một sự tính toán kỹ càng : Một phố "Tây", đông người Hoa, ít người Việt, có nhiều cửa hàng lớn, buôn bán sầm uất, ông chủ Thái Văn Cốc rất mực tin cậy. Đúng là "hở mà kín".

        Khi về đây, Nguyên Bình đã mang theo nhiều tài liệu, trong đó có tập Cương lĩnh Việt Minh, giao thêm nhiệm vụ cho Dương Chính và các bạn tù chính trị có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, tổ chức các đoàn thể cứu quốc, nhất là các binh sĩ yêu nước. Ông nhấn mạnh cần vận động binh lính địch đào ngũ mang theo vũ khí về với cách mạng. Từ đó, ngôi nhà 88 phố La Côm đã thực sự là cơ quan đầu não và lực lượng Việt Minh do Nguyễn Bình - Dương Chính tổ chức mang mật danh CQ88. Chỉ trong thời gian ngắn CQ88 đã tập hợp được các nhóm Việt Minh thuộc nhiều đường dây khác nhau và mở rộng địa bàn hoạt động ở thành phố Hải Phòng, Đồ Sơn, tỉnh lỵ Kiến An và Quảng Yên. Các tổ chức phát triển nhanh chóng về số lượng và chất lượng hội viên. CQ88 không những tập hợp được quần chúng nông dân, ngư dân, lao động tự đo, dân nghèo... mà còn tập hợp được cả các tầng lớp viên chức, thanh niên, học sinh, trí thức, những người theo Thiên chúa giáo, phật giáo, quan lại và những binh lính yêu nước. CQ88 vừa xây dựng lực lượng chính trị, vừa xây dựng lực lượng vũ trang. đồng thời trừng trị những tên Việt gian phản động, để đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.

        CQ88 đã nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (năm 1941) : Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết; trên cơ sở đoàn kết toàn dân, xây dựng một mặt trận thật rộng rãi là Mặt trận Việt Minh, giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng, trong đó có việc xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng, khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa.

        Trước yêu cầu vũ trang cách mạng, ở thời điểm này, có vũ khí là một vấn đề tối ư quan trọng, là một yếu tố trung tâm của xây dựng lực lượng vũ trang, của xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đảng đã giao trọng trách này cho Nguyễn Bình, thật hợp với bản lĩnh và phong cách của ông.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2017, 11:04:21 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 08:30:38 pm »

  
        Trong điều kiện Đảng không có nhiều tiền để mua vũ khí, hơn nữa mua vũ khí đâu có phải là chuyện dễ vì nó là hàng quốc cấm, Nguyễn Bình đã dùng công tác binh vận, giác ngộ vận động binh sĩ trong hàng ngũ địch để họ ủng hộ vũ khí cho ta và hơn nữa nếu họ rời hàng ngũ địch theo ta, ta sẽ có nhiều cán bộ quân sự. Nguyễn Bình chọn Hải Phòng vả vùng lân cận để tiến hành nhiệm vụ vì đây là hải cảng có nhiều đồn binh quan trọng của Pháp, Nhật. Ông cũng chọn Quảng Yên - Hòn Gai là nơi có truyền thống đấu tranh của giai cấp công nhân, nơi có sẵn các loại thuốc nổ, dây mìn, kíp mìn. Phải chăng ở những nơi này ông có nhiều đồng chí, nhiều bạn tù Côn Đảo, có họ hàng làm nơi đứng chân?

        Ngay từ mùa hè năm 1944, Nguyễn Bình đã phái người ra Quảng Yên, Hòn Gai gây cơ sở Việt Minh và tìm mua thuốc nổ, dây mìn, kíp mìn. Ở Hải Phòng, ông và các đồng chí của ông đã gây cơ sở và đặt nhân mối trong các trại lính khố xanh, khố đỏ, các trại bảo an binh Kiến An, Đồ Sơn, sở sen đầm Đồ Sơn, đồn muối Tiểu Bàng (Đồ Sơn)... Có nơi, ông vận động binh lính lấy, vũ khí ra ngay, mỗi ngày một vài thứ; có nơi ông tạm gửi lại để khi có thời cơ làm binh biến - lấy cả người lẫn súng.

        Đặc biệt sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật làm đảo chính, tịch thu được rất nhiều vũ khí của Pháp tập kết ở Sáu Kho chờ tàu biển chuyển đi. Ông Trần Doãn Tắc đã cùng con trai là Trần Doãn Tòng tổ chức anh em "bấu xấu" (giang hồ hảo hán) chui vào các kho trong cảng để "đánh" hàng, nhằm vào các kho vũ khí này lấy ra đưa về các thôn xóm khu vực Lạc Viên, chia đi các ngả trang bị cho dân quân, tự vệ. Và chính tại nơi này Trần Doãn Tòng đã tổ chức được một lực lượng tự vệ khá mạnh.

        Trong việc tìm kiếm vũ khí, tư tưởng của Nguyễn Bình còn đi xa hơn : tìm đến công cụ để làm ra vũ khí. Ông đã giao nhiệm vụ cho Nguyễn Hoàn Long (tức Hùng Phong)1 lên Phú Thọ điều tra nhà máy đúc đạn Cartoucherie Phú Thọ, để nếu có điều kiện thì bê cả máy móc về chiến khu. Tiếc rằng ngày Nhật đảo chính Pháp, chủ Pháp dã tháo gỡ một số bộ phận quan trọng, nên cỗ máy đồ sộ ấy không còn vận hành được nữa. Cùng với tư tưởng này Nguyễn Bình đã tiếp nhận một máy tiện cũ của Tài Khánh (một bạn tù Quốc dân đảng đã "xích hóa") ủng hộ. Ông đã giao cho Nguyễn Ngọc Xuân sửa chữa và chuyển máy đi Bắc Ninh giao công binh xưởng.

        Phương pháp tìm mua vũ khí của Nguyễn Bình thật là độc đáo : dùng phương pháp binh vận để có cả người lẫn súng, dùng biện pháp đánh đồn diệt địch để vừa có súng vừa mở rộng địa bàn hoạt động, vừa đạt hiệu quả cao mà lại đỡ tốn ngân quỹ.

        Sau khi đảo chính Pháp, giặc Nhật độc chiếm Đông Dương, chúng đã sử dụng luôn bộ máy ngụy quân ngụy quyền cũ của Pháp rồi đưa bọn tay sai vào nắm các chức vụ, thay đổi tên gọi như tuần phủ thành tỉnh trưởng, tri phủ - tri huyện thành phủ trưởng - huyện trưởng... để tô vẽ cho chiếc áo độc lập giả hiệu mà chúng khoác cho bọn ngụy quân, ngụy quyền. Mặt khác chúng lập ra các tổ chức phản động thân Nhật như Đại Việt quốc gia liên minh, Đại Việt xã hội, Quốc dân đảng, Thanh niên Đại Việt... chúng ra sức tuyên truyền cho thuyết "Đại Đông Á", "Khối thịnh vượng chung". Về kinh tế chúng nắm độc quyền ngoại thương, kiểm soát hoạt động của các cơ sở công nghiệp, bắt nông dân nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu. Chúng ra sức vơ vét thóc gạo gây nên nạn đói nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước ta : Hơn hai triệu người chết đói bên cạnh những kho lúa gạo đầy ắp của giặc Nhật. Một bầu không khí ngột ngạt bức bối bao trùm khắp thành thị, nông thôn.

        Cũng như nhân dân cả nước, nhân dân Hải Phòng, khu mỏ Quảng Yên - Gòn Gai và các tỉnh miền Đông Bắc ngày càng cùng cực. Thảm cảnh chết đói diễn ra hàng ngày ở khắp mọi nơi. Quần chúng sôi sục căm thù quân cướp nước và bè lũ bán nước, sẵn sàng theo tiếng gọi của Đảng, của Mặt trận Việt Minh vùng lên đấu tranh để cứu nước, cứu nhà. Chính vì vậy Nguyễn Bình quyết định về ở hẳn Hải Phòng để chuyển hướng mở rộng đường dây hoạt động ra các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa để lập căn cứ địa cách mạng.

----------------------
       1. Nguyễn Hoàn Long là giáo viên trường tư thục Hùng Vương (Phú Thọ) sau về làm giáo viên trường tư thục Nguyễn Trường Tộ (Hải Phòng).
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2017, 11:05:01 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 12:28:23 am »

  
        Ở Kiến An lúc này đã có cơ sở Việt Minh do Trần Đình Quý (Quý đen) và Bùi Đình Cầu - thông phán Ty Địa chính, cùng vợ là Nguyễn Thị Yên (hai cựu chính trị phạm ở Hỏa Lò - Hà Nội) phụ trách. Đã có nhân mối tổ chức được cơ sở trong trại lính. Song còn có một đường dây Việt Minh khác do đồng chí Mai Côn (tức Phạm Văn Thuyên) tổ chức, đã xây dựng được lực lượng tự vệ ở hai huyện Kiến Thụy và Tiên Lãng. Ngày 11  tháng 7 năm 1945, lực lượng tự vệ Kiến Thụy tập kích tước vũ khí địch ở đồn Tiểu Bàng (giáp Đồ Sơn) rồi cùng lực lượng tự vệ huyện Tiên Lãng huy động lực lượng quần chúng nhiều làng, xã kéo về xóa bỏ chính quyền địch, thiết lập chính quyền cách mạng ở xã Kim Sơn. Trong lực lượng này có dư luận cho rằng các tổ chức Việt Minh của Nguyễn Bình là Việt Minh giả nên không chịu hợp tác. Để xua tan mọi nghi ngờ, Nguyễn Bình cử Tùng Lĩnh đi Kim Sơn, nhưng anh đã bị kẻ địch thủ tiêu1. Nguyễn Bình cử tiếp Tư Thành đi Kim Sơn thì Tư Thành lại bị bắt trói, bị giam giữ. Đúng lúc ấy giặc Nhật càn quét vào Kim Sơn, thấy người bị trói, chúng thả cho Tư Thành về.

        Phía Thủy Nguyên có sư Lương (tức Hoàng Ngọc Lương, tên thật là Hoàng Thiếu Minh) tu ở chùa Phương Mỹ (xã Mỹ Đồng) để hoạt động cách mạng và là bạn hàng xóm với Dương Chính (Dương Chính ở nhà số 6, sư Lương ở nhà số 4 phố Avenue Belgique, nay là phố Lê Lợi) và cũng là bạn thân hoạt động cách mạng với Hoàng Sĩ Lễ, Hải Thanh, Nguyễn Kiên Tranh (sư Tuệ) và Lê Tâm từ năm 1937. Cho đến lúc này, sư Lương đã tổ chức được nhiều cơ sở Việt Minh, nhưng chưa bắt được liên lạc với Xứ ủy.

        Ngày 10 tháng 3 năm 1945 (sau Nhật đảo chính Pháp một ngày) sư Lương được Dương Chính đưa đến 88 phố La Côm giới thiệu với Nguyễn Bình và sư Lương hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Nguyễn Bình từ đó.

        Qua hồi ức của Hoàng Ngọc Lương, cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Bình với sư Tuệ và những vấn đề của hai ông có liên quan đến việc thành lập Chiến khu Trần Hưng Đạo - Đệ tứ Chiến khu, diễn ra như sau :

        Sư Tuệ sinh trưởng ở Nam Định đã từng tham gia phong trào chống Pháp ở quê nhà, sau đi tu ở chùa Nứa - Đông Phan và chùa Vạn Tuế ở Thanh Hà (Hải Dương). Cuối năm 1938, Tuệ rủ một số bạn thân vào đồn điền Trảng Bảng (Đông Triều) thuê đất trồng dâu nuôi tằm, lập nghiệp ở đó để tính chuyện lâu dài sau này.

        Công việc đang tiến hành tốt thì xảy ra vụ xô xát ở Vạn Tuế. Tuệ bị bắt, bị đày đi Căng Bá Vân (Thái Nguyên) rồi chuyển về nhà tù Nghĩa Lộ (Yên Bái) nên bỏ dở việc trồng dâu nuôi tằm. Vào tù, Tuệ và Hải Thanh (tức Nguyễn Văn Roanh) gặp lại nhau. Tháng 2 năm 1945, Tuệ được đưa từ ngục Nghĩa Lộ về quản thúc ở quê nhà. Mới về tới Nam Định, còn nằm ở sở mật thám chờ làm thủ tục giao về địa phương, thì nổ ra cuộc Nhật đảo chính Pháp, anh đã cùng một số bạn tù trốn về cơ sở cũ, tìm cách hoạt động. Đến Hải Dương, được tin Hải Thanh vừa trốn từ ngục Nghĩa Lộ về, Tuệ đến gặp Hải Thanh bàn bạc rủ nhau vào Đông Triều hoạt động. Hai người phân công : Tuệ đi trước gây cơ sở, Hải Thanh đi bắt liên lạc với Đảng, sẽ vào sau.

        Chia tay Hải Thanh, sư Tuệ định đến Bác Mã (Đông Triều) ở nhà Võ Giác Thuyên ít ngày tìm hiểu tình hình rồi đặt kế hoạch hoạt động. Nhưng mới đi đến phố huyện Đông Triều, sư Tuệ hay tin Giác Thuyên đã từng đi Hà Nội học tiếng Nhật, đã từng đón thầy Tàu về chùa dạy võ, nay là người cầm dầu đảng Bạch Xỉ... Nghe vậy, anh không dám tìm gặp Giác Thuyên ngay, vì không hiểu trong 6 năm xa cách, Giác Thuyên đã thay đổi thế nào! Tuệ liền đi Thủy Nguyên tìm Hoàng Ngọc Lương để hỏi về Giác Thuyên, đồng thời rủ Lương vào Đông Triều cùng hoạt động.

        Gặp nhau, Hoàng Ngọc Lương cho sư Tuệ biết thêm về sư Võ Giác Thuyên, đồng thời cho hay rằng chính bản thân ông đã liên lạc được với một cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ là Nguyễn Bình; hiện đang hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Bình, không thể vào Đông Triều được.

        Sư Tuệ cũng bộc bạch để Hoàng Ngọc Lương hay rằng, nhóm của họ đã phân công Hải Thanh tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng, nhưng chưa có kết quả. Bây giờ đã có cán bộ Xứ ủy, nên tạo điều kiện để ông sớm gặp Nguyễn Bình và Dương Chính. Nếu được gặp, ông sẽ đề nghị với Nguyễn Bình và Dương Chính hợp nhất lực lượng, cùng vào Đông Triều xây dựng phong trào kháng Nhật, tiễu phỉ, lập chiến khu. Điều cơ bản là Đông Triều có địa thế đẹp, rất tốt cho hoạt động vũ trang đánh địch; hiện thời thổ phỉ đang hoành hành, dân chúng đang nóng lòng chờ Việt Minh.

----------------------
       1. Tùng Lĩnh đã được công nhận là liệt sĩ.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2017, 11:05:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM