Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 10:33:11 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung tướng Nguyễn Bình  (Đọc 20306 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 12:31:11 am »

  
        Trước yêu cầu tha thiết của sư Tuệ. Hoàng Ngọc Lương đã đưa "nhà sư" tới gặp Dương Chính và Nguyễn Bình tại nhà số 88 phố La Côm. Nhưng Nguyễn Bình đi vắng. Thời gian quá gấp gáp, sư Tuệ không thể chờ đợi, phải về ngay Đông Triều và nhờ Hoàng Ngọc Lương chuyển đạt những điều anh muốn bàn với Nguyễn Bình. Ngay sau đó tại nhà số 88 phố La Côm, Hoàng Ngọc Lương dã truyền đạt lại những điều sư Tuệ dặn. Nguyễn Bình chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng hỏi thêm những điều cần thiết. Cuối cùng ông dặn Hoàng Ngọc Lương gắng "nhập tâm" một số điểm (không được ghi chép) về truyền đạt lại với sư Tuệ, rằng : Nguyễn Bình rất cảm ơn sư Tuệ đã tin cậy, tìm gặp tranh thủ ý kiến và có ý định cộng tác. Vì điều kiện không gặp trực tiếp để bàn bạc, nên chỉ góp ý hai vấn đề :

        1. Lập chiến khu là một việc lớn, sau khi hỏi ý kiến các anh phụ trách binh vụ của Tổng bộ Việt Minh, sẽ trả lời cụ thể. Riêng Nguyễn Bình rất hoan nghênh và tán thành.

        2. Việc sư Tuệ có ý định dựa vào Giác Thuyên làm cơ sở hoạt động, nhưng lại ngại bị chê cười là không biết làm cách mạng. Cách mạng là phải dựa vào giai cấp cần lao (thợ thuyền, dân cày), nay mình lại dựa vào tu sĩ, những người không làm ra của cải, thì ngại là điều dễ hiểu. Nhưng, theo tôi về mặt kinh tế, chùa nào cũng quản lý một số ruộng, ít là vài ba mẫu, nhiều là vài chục mẫu, thóc gạo đủ ăn quanh năm. Bác Mã là một chùa lớn, ruộng có hàng chục mẫu, trong chùa lúc nào cũng có mấy cây thóc, chưa kể bổng lộc của khách thập phương lễ bái...

        Nếu ta định lập chiến khu thì phải tính đến nhiều mặt. Chẳng hạn, chiến khu là phải có người, có quân lính, phải ăn. Trong lúc này ta lấy đâu ra lương thực nuôi quân? Quân đội phải có vũ khí, dù là vũ khí thô sơ như : dao, kiếm, giáo, mác cũng phải mua sắm. Muốn chiến đấu tốt thì phải có vũ khí tốt; không thể dao, kiếm mãi được, chưa kể các khoản chi tiêu khác đều cần đến tiền. Vậy chùa Bác Mã là chỗ dựa tốt, nhất là lúc này.

        Còn về con người, tôi chưa gặp, chưa nghe nói đến Giác Thuyên bao giờ. Nhưng cũng theo các anh kể lại, thì ông ta là người khảng khái, hào hiệp, có nghĩa khí, lại có bản lĩnh, đã dám làm đơn thương độc mã đứng ra chống bọn Nguyễn Văn Tái - đương kim tri huyện Đông Triều và Ngô Quốc Lâm bố đẻ của Ngô Quốc Côn - tri phủ Kiến An; kết quả ông đã thắng cuộc. Thế thì ông ta là người có bản lĩnh, có tinh thần dân tộc, mặc dù trình độ còn hạn chế, chưa thấy rõ đường lối cách mạng. Nhưng ông vẫn là người yêu nước, người đồng chí của ta, nếu không là người cùng ta cầm súng ra trận, thì ít nhất cũng là một mạnh thường quân tin cậy. Vậy chẳng có gì phải ngại. Vả lại, đường lối của Việt Minh công bố rõ ràng : Kể cả quan lại, những người đã có tội với nhân dân, với cách mạng, nay biết hối cải đi theo Việt Minh cứu nước, thì Việt Minh cũng sẵn sàng đón tiếp.

        Mặt khác ta dựa vào Giác Thuyên, không phải chỉ dựa vào cá nhân một ông thầy tu, mà là dựa vào đằng sau thầy tu ấy; đó là ngôi chùa và đông đảo phật tử. Sư nói một câu tín đồ nghe theo răm rắp. Họ vận động quần chúng hữu hiệu và nhanh chóng. Những tín đồ ấy lại đều là cha mẹ nam nữ thanh niên nông thôn. Ta nắm được một vị thầy tu có uy tín là đã nắm được số lượng đông đảo nông dân...

        Theo Nguyễn Bình, thì chùa Bác Mã là một cơ sở quý hiếm, không dễ dàng tìm được. Vì vậy Nguyễn Bình đã bảo với Hoàng Ngọc Lương nói với sư Tuệ cứ mạnh dạn tiến hành theo ý định.

        Hoàng Ngọc Lương vừa từ chỗ gặp Nguyễn Bình về đến nhà, đã thấy Nguyễn Bình đạp xe theo, bảo ông quay lại CQ88 bàn lại công việc. Tại CQ88, Nguyễn Bình hỏi Hoàng Ngọc Lương rằng : đã đọc Báo Cứu quốc số xuân chưa. Hoàng Ngọc Lương gật đầu. Nguyễn Bình nói tiếp : Bài thơ "Tiễn bạn lên chiến khu", của Chu Lang1, trong số báo đó có câu:

                                         "Giờ khởi nghĩa hẹn hò năm Ất Dậu
                                          Trận đầu tiên ai thắng, đấy là anh...".


        Theo Nguyễn Bình, lời thơ ấy chính là lời "hịch" của Tổng bộ Việt Minh. Giờ khởi nghĩa vào ngày tháng nào chưa rõ, nhưng nhất định chỉ là trong năm Ất Dậu này.

        Hôm đó chỉ là ngày 23 tháng 2 năm Ất Dậu, Nguyễn Bình khẳng định : thời gian không còn nhiều, mọi việc phải khẩn trương. Vì vậy, việc lập Chiến khu Đông Triều nếu chờ hỏi ý kiến Tổng bộ Việt Minh, e rằng quá muộn. Và ông muốn trực tiếp bàn bạc với sư Tuệ triển khai ngay, sau đó sẽ báo cáo lên Xứ ủy.

------------------
       1. Chu Lang tức Nguyễn Trọng Nhâm - tức Xuân Thuỷ.
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2017, 11:06:23 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 12:32:58 am »

  
        Liền đó, Nguyễn Bình bảo Hoàng Ngọc Lương về Phương Mỹ mời sư Tuệ qua lại gặp ông. Nếu sư Tuệ đi rồi, thì đuổi theo gặp bằng được, hẹn ngày giờ, vị trí họp, để Nguyễn Bình sẽ tới gặp, bàn việc. Nguyễn Bình rút ví đưa cho Hoàng Ngọc Lương hai đồng bạc Đông Dương, để thuê xe đạp đi cho nhanh.

        Hoàng Ngọc Lương về đến Phương Mỹ (Thủy Nguyên, Kiến An, Hải Phòng) thì sư Tuệ đã vào Đông Triều. Hoàng Ngọc Lương đạp xe thẳng vào chùa Bác Mã, tìm gặp sư Tuệ thống nhất địa điểm để làm việc với Nguyễn Bình là chùa Phương Mỹ; thời gian họp là 8 giờ sáng ngày 8 tháng 4 năm 1945.

        Đúng ngày giờ quy định, Nguyễn Bình trong trang phục khách hành hương, tay xách giỏ hương hoa vào chùa Phương Mỹ. Sư Tuệ về đó từ đêm trước. Nguyễn Bình và Nguyễn Văn Tuệ bàn công việc với nhau trong diện Tam Bảo. Hoàng Ngọc Lương và sư cụ Lương Ngọc Trụ canh gác.

        Tại cuộc họp, Nguyễn Bình và Nguyễn Văn Tuệ đã nhất trí cho các vấn đề :

        1. Sáp nhập hai tổ chức của hai đường dây Việt Minh làm một, tập trung mọi khả năng, khẩn trương xây dựng chiến khu.

        2. Hoạch định kế hoạch xây dựng chiến khu, tuy chỉ mới là bước đầu và đơn giản, nhưng đã tương đối cụ thể. Ví dụ : hình thức tổ chức của chiến khu như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của ta lúc ấy, công việc của chiến khu có những gì cần làm ngay trước mắt...

        3. Nhiệm vụ chung là cả hai bên cùng tích cực, khẩn trương phát triển tổ chức, chọn người thích hợp đưa vào chiến khu. Giữa hai anh có sự phân công : Nguyễn Bình đặc trách việc tìm kiếm vũ khí. Sư Tuệ đặc trách vấn đề lương thực cả trước mắt và lâu dài.

        Cơm trưa xong, Nguyễn Bình chia tay sư Tuệ ra về và bắt tay ngay vào công việc.

        Bác Mã là một ngôi chùa cổ nằm cách quốc lộ 18 hơn một kilômét về phía bắc, cách huyện lỵ Đông Triều sáu kilômét về phía tây bắc. Trước chùa là cánh đồng rộng sát quốc lộ phía sau là cụm đồi rừng. Xa nữa về phía bắc bốn kilômét là núi Hổ Lao, rồi đến khu rừng già nối liền với dãy núi Yên Tử hiểm trở. Trụ trì chùa này là sư cụ Võ Giác Thuyên (còn gọi là sư Nguyệt), một người có học vấn khá và giàu lòng yêu nước, tính tình khí khái theo kiểu anh hùng hảo hán. Ông là thủ lĩnh đảng Bạch Xỉ. Đảng này chiêu tập một số thanh niên trong vùng, sắm sửa vũ khí, thỉnh thoảng đi cướp của nhà giàu quanh vùng đem chia cho nhà nghèo. Ông có uy tín trong giới tăng ni và các hào mục khu vực này.

        Theo lời khuyên của Nguyễn Bình, sư Tuệ trở lại chùa Bác Mã xúc tiến việc thành lập Chiến khu Đông Triều. Tại đây, sư Tuệ đã hợp sức với sư Võ Giác Thuyên, gây dựng cơ sở, thành lập tiểu đội "Du kích cách mạng quân", đội nghĩa quân đầu tiên của chiến khu do anh em dòng họ Mạc ở Hổ Lao làm nòng cốt. Cùng với sư Tuệ, các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh... cũng ráo riết gây dựng cơ sở, tập hợp lực lượng tiến tới thành lập Chiến khu Đông Triều.

*

*       *

        Đầu tháng 4 năm 1945, Xứ ủy viên Trần Đức Thịnh, được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng các tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương. Trung tuần tháng 4, Trần Đức Thịnh về Hải Dương triệu tập cuộc họp các cán bộ Đảng của tỉnh tại Đông Thôn, huyện Thanh Miện. Tham dự cuộc họp có Nguyễn Văn Kha, Trần Cung, Nguyễn Công Hòa, Vũ Duy Hiệu và Hải Thanh. Trần Đức Thịnh phổ biến chỉ thị : "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" và nhận định các đồng chí phụ trách phong trào cách mạng Hải Dương hoạt động quá thận trọng, dè dặt, nên tình hình trong tỉnh còn trầm lặng. Hiện nay thời cơ đã đến rồi, phải xốc phong trào lên. Đồng chí nhắc chủ trương của Xứ ủy về việc xây dựng một chiến khu kháng Nhật ở vùng Duyên hải Đông Bắc, mà Hải Dương có vùng núi tiếp giáp với Bắc Giang là nơi để lập chiến khu. Qua thảo luận, các đại biểu nhất trí phải đẩy phong trào cách mạng Hải Dương lên cao cho kịp với các tỉnh bạn. Các đồng chí Trần Cung, Hải Thanh cho rằng Chí Linh, Đông Triều có tầm quan trọng về kinh tế và quân sự, là nơi có địa thế dụng võ nên đề nghị chọn hai huyện này để thành lập chiến khu. Đồng chí Trần Đức Thịnh cho biết : Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ đã quyết định tổ chức bốn chiến khu:

        - Chiến khu I gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn (đến tháng 4 năm 1945 đổi gọi là Chiến khu Lê Lợi).

        - Chiến khu II gồm các tỉnh : Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang và một phần Lạng Sơn, Phú Thọ, Vĩnh Yên (sau gọi là Chiến khu Hoàng Hoa Thám).

        - Chiến khu III gồm các tỉnh : Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, một phần Sơn Tây (sau gọi là Chiến khu Quang Trung).

        - Chiến khu IV gồm : Móng Cái, Hải Ninh, Hòn Gai, Quảng Yên, Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương (sau gọi là Chiến khu Trần Hưng Đạo).
« Sửa lần cuối: 18 Tháng Hai, 2017, 11:07:08 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 10:56:37 pm »

        
        Cuộc họp này còn công bố quyết định của Xứ ủy lập lại Ban Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hải Dương gồm 5 người là : Nguyễn Văn Kha, Trần Cung, Nguyễn Công Hòa, Vũ Duy Hiệu và Hải Thanh. Hội nghị phân công Nguyễn Văn Kha làm Bí thư. Trần Cung phụ trách ba huyện Chí Linh, Nam Sách, Thanh Hà. Hải Thanh phụ trách ba huyện Đông Triều, Kinh Môn, Kim Thành. Sau hội nghị, có sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy mà đại diện là hai Tỉnh ủy viên phụ trách phong trào các phủ, huyện phía bắc, việc gây dựng cơ sở Việt Minh cũng được đẩy mạnh ở Chí Linh, Đông Triều, Nam Sách, Thanh Hà và phát triển sang cả đông bắc Kinh Môn, một phần Thủy Nguyên, tỉnh Kiến An.

        Tại khu vực Mạo Khê, huyện Đông Triều và khu vực Nhị Chiểu, phủ Kinh Môn. Nguyễn Văn Đài1 sau khi ở tù về, tuy vẫn bị quản thúc, nhưng theo lời dặn của đồng chí Lê Thanh Nghị, vẫn đứng ra tổ chức các cơ sở Việt Minh ở khu mỏ này. Ông đã thành lập chi bộ Đảng ở đây và tổ chức được hai tổ Việt Minh. Tổ 1 do Nguyễn Đức Quất phụ trách hoạt động trong nhà máy. Tổ 2 do Tạ Quang Ngân phụ trách hoạt động ở mỏ Văn Lôi, Nhị Chiểu, phố Mạo Khê.

        Sau khi bắt liên lạc được với Nguyễn Bình, các cơ sở Việt Minh được mở rộng nhanh chóng trong các nhà máy, hầm lò, các làng có công nhân mỏ, mà còn được mở rộng sang cả khu gia đình công chức mỏ và phố Mạo Khê. Trước tình hình nạn đói nghiêm trọng hàng ngày cướp đi bao sinh mạng, thanh niên cứu quốc trong khu mỏ đứng ra quyên góp những gia đình khá giả, những nhà thầu khoán và lấy gạo trong kho của chủ mỏ để nấu cháo cứu đói cho dân. Thanh niên cứu quốc ở phố, các làng xung quanh tổ chức phá kho thóc của Nhật và thóc của các nhà kỳ hào đem chia cho dân nghèo. Lợi dụng danh nghĩa phòng chống phỉ, cơ sở Việt Minh nhà máy cơ khí tiến hành rèn giáo, mác để trang bị cho lực lượng tự vệ.

        Với những hoạt động tuyên truyền gây cơ sở của Nguyễn Văn Đài, các tổng Vạn Chánh, Kim Lôi, Đường Nham, Đích Sơn và thị trấn An Lưu cũng đã hình thành các tổ Việt Minh.

        Tại đồn bảo an binh Đông Triều, Nguyễn Bình và Nguyễn Văn Đài đã giác ngộ được Nguyễn Hiền đồn trưởng. Viên đồn trưởng này đã lợi dụng cương vị chỉ huy của mình để dò xét tư tưởng binh lính dưới quyền, phân loại đối tượng, tích cực tuyên truyền giác ngộ những ngụy binh có tinh thần yêu nước để họ sẵn sàng quay sang đi theo cách mạng.

*

*       *

        Cho tới trung tuần tháng 4 năm 1945, chiến tranh thế giới đã ở vào giai đoạn bại vong của phát xít Đức và ngày càng nguy ngập của phát xít Nhật. Hồng quân Liên Xô sau khi giải phóng đất nước mình, giải phóng một số nước Đông Âu, đã mở cuộc tổng tiến công vào thủ đô nước Đức phát xít. Trên chiến trường Thái Bình Dương, phát xít Nhật cũng bị lực lượng Đồng minh tiến công ráo riết. Ở nước ta, cao trào kháng Nhật cứu nước được dâng lên mạnh mẽ trên hàng loạt tỉnh ở Bắc Kỳ và nhiều tỉnh ở Trung Kỳ và Nam Kỳ. Trong đó rộ lên phong trào vũ trang phá kho thóc ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, phong trào du kích ở vùng nông thôn Việt Bắc và các tỉnh phụ cận.

        Trước sự chuyển biến của cục diện chiến tranh thế giới và của phong trào cách mạng nước ta, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) từ ngày 15 đến 20 tháng 4 năm 1945 đã xác định : "Tình thế đã dặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này. Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật, để chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ". Tiếp đó, bản nghị quyết của Hội nghị đề ra nhiệm vụ thứ nhất là cần phải vạch rõ và phân định nhiệm vụ của các chiến khu. trong đó có vấn để thành lập chiến khu thứ tư ở vùng Duyên hải Bắc Kỳ "Chiến khu Trần Hưng Đạo".

        Có lẽ tinh thần Nghị quyết này cùng bài thơ của Chu Lang (Xuân Thủy) là động lực mạnh mẽ thúc đẩy quyết tâm thành lập chiến khu của Nguyễn Bình. Sau khi thống nhất kế hoạch thành lập chiến khu ở Đông Triều với sư Tuệ, Nguyễn Bình về Hải Phòng sắp xếp chuyển toàn bộ hoạt động của CQ88 vào việc xây dựng chiến khu. Ông chia lực lượng thành hai bộ phận : Một bộ phận vào Đông Triều với sư Tuệ, một bộ phận ở Hải Phòng tiếp tục hoạt động.

        Hai cán bộ đầu tiên được cử sang Đông Triều để phối hợp với sư Tuệ là Đỗ Duy Phúc (tức Phúc Lộc) và Nguyễn Hoàn Long (tức Hùng Phong). Sau vụ ám sát tên Hồ Sĩ Trù - một tên tay say đắc lực của giặc Nhật ở bến dò Khuể do hai anh Phúc và Long thực hiện không thành công; sợ bị lộ, Nguyễn Bình điều hai anh sang Đông Triều gặp sư Tuệ ở chùa Bác Mã. Sau hai ngày tìm hiểu nắm tình hình, Đỗ Duy Phúc ở lại cùng sư Tuệ, Hải Thanh, còn Nguyễn Hoàn Long trở về Hải Phòng nhận nhiệm vụ tìm mua vũ khí ở Tiên Yên - Móng Cái. Mặc dù tình thế cấp bách phải xây dựng khu căn cứ, nhưng Nguyễn Bình vẫn không quên nhiệm vụ tìm mua vũ khí của Trung ương giao.

----------------------
       1. Trước là đảng viên Quốc dân đảng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo, là bạn tù của Nguyễn Bình, được đồng chí Lê Thanh Nghị kết nạp vào Đảng cộng sản năm 1937, sau đó bị địch bắt và được ra tù tháng 10-1944.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 11:13:59 pm »


        Việc tìm mua vũ khí cũng lắm nỗi gian nan vất vả. Ngoài biện pháp chủ yếu là binh vận và đánh đồn trại của địch. Nguyễn Bình còn nắm được một nguồn vũ khí quan trọng ở Tiên Yên. Ở đây, Pháp đã xây ba đồn binh lớn trên ba quả đồi làm thế ỷ dốc cho biên giới hai tỉnh Móng Cái và Lạng Sơn. Ngày quân Nhật làm đảo chính, quân Pháp đã ném nhiều súng, đạn xuống sông, để tẩu thoát sang Trung Quốc. Hơn nữa, được Lê Bảy cho biết Tiên Yên còn là một chợ trời mua bán vũ khí từ Trung Quốc sang, cứ có tiền là mua được, Nguyễn Bình đã giao cho Hùng Phong phụ trách công việc quan trọng này.

        Lúc đầu, Hùng Phong phải dùng tiền mua; sau Hùng Phong cùng các đồng chí của ông vận động nhân dân ủng hộ. Từ đó, nhiều chuyến thuyền từ Đông Triều và Hải Phòng ra chuyển tải vũ khí về chiến khu. Việc chuyển tải bằng thuyền gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm vì bọn Nhật và bảo an ninh đóng ở Point Pagode (Mũi Chùa) cấm thuyền bè qua lại từ xẩm tối tới sáng. Có lần thuyền từ Tiên Yên ra phải đi thẳng sang Tài Xá cất giấu vũ khí rồi cho thuyền trở lại đậu qua đêm và trình giấy tờ để sáng hôm sau trở lại Tài Xá lấy vũ khí. Có lần đến Mũi Chùa, Lê Bảy và Hùng Phong bị lính Nhật và bảo an binh bắt giam, phải hối lộ tiền cho bảo an binh và bốn thúng muối cho quân Nhật mới thoát thân.

        Ở Hải Phòng, Nguyễn Bình và Dương Chính đã hai lần sang Mỹ Đức (An Lão) nhận 7 khẩu súng trường Mousqueton tháo rời, bó chiếu, do Quý đen giao cho. Hai người buộc súng vào xe đạp chuyển thẳng đến chùa Bác Mã.

        Để có vũ khí mạnh, Nguyễn Bình gặp Lê Phú1 bàn kế hoạch đánh chiếm pháo thuyền Com măng đăng Buốc đe (Canonnière Commandant Buordais) của Hải quân Pháp bị lọt vào tay Nhật. Phát xít Nhật đưa tàu này về đậu ở bờ sông Tam Bạc để tránh máy bay Mỹ ném bom. Kế hoạch đánh chiếm là dùng thuốc độc đầu độc lính Nhật rồi chiếm cả tàu và vũ khí. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được. Nguyễn Bình quyết định phải tháo lấy hai khẩu đại liên để mang về chiến khu. Lê Phú đã cùng Hoàng Vinh và Hà Phượng Tiên2 tháo lấy được hai khẩu đại liên, một hộp băng đạn, một cuốn bản đồ đi biển, một viễn vọng kính đưa xuống một chiếc xuồng chèo vào bờ, rồi vác bộ qua sở dầu chừng 2 kilômét rẽ xuống sông Cấm. Nguyễn Bình đã cùng chiếc thuyền chờ sẵn ở đó, và tất cả xuống thuyền về chùa Ngọc Thanh làng Đạm Thủy.

        Nguyễn Bình còn lo tổ chức cho chiến khu một nhà máy in để in tài liệu và báo "Sóng Bạch Đằng". Biết sư Lương vốn là thợ in nên Nguyễn Bình giao cho sư Lương nhiệm vụ này. Sư Lương và Ngô Thế Ân đã vận động Lưu Văn Di - con cả ông Hàn Điềm ở Khinh Giao (huyện An Dương) ủng hộ 2 hòm chữ và 6 hòm ét-pát, một số súng và đạn bắn chim. Nguyễn Bình chỉ huy, Phạm Khang dẫn đường, Tư Thành kéo xe ba gác để nhận hàng, Dương Chính cầm súng ngắn quanh quẩn đầu ngõ Hàn Điềm để bảo vệ. Nhận hàng xong, Tư Thành kéo xe về nhà Nghiễm ở chợ Cột Đèn. Đồng chí Nghiễm cũng là bạn tù Côn Đảo được Nguyễn Bình giao việc in truyền đơn, áp phích.

        Cuối tháng 4 năm 1945, tại nhà Nguyễn Văn Đài ở phố Mạo Khê, Nguyễn Bình đã gặp Hải Thanh để bàn việc phối hợp hoạt động xây dựng lực lượng chuẩn bị cho việc thành lập chiến khu. Tiếp đó, Nguyễn Bình gặp cả Trần Cung, Hải Thanh ở chùa Bác Mã để thống nhất lực lượng cách mạng: Chí Linh - Đông Triều - Mạo Khê - Thủy Nguyên - Hải Phòng - Kiến An... nhằm chiếm lĩnh một địa bàn dài và rộng nối liền với chiến khu Bắc Giang để làm căn cứ.

        Được biết Nguyễn Bình và Dương Chính chuẩn bị vũ trang, xây dựng căn cứ du kích Đông Triều, đồng chí Đặng Văn Tỉnh cùng các đồng chí Vỹ, Khiêm, Tư Thành dùng thuyền của tổ Việt Minh do Tư Hàm phụ trách ra Cửa Ông đón tiểu đội Cai Hà3 vào Đông Triều.

        Tư Hàm (Nguyễn Quang Hàm) là cán bộ Việt Minh đã giác ngộ và tổ chức được một số ngư dân Đồ Sơn dùng thuyền thành lập tổ vận tải thủy. Chính tổ vận tải thủy này đảm nhiệm việc vận chuyển vũ khí từ Tiên Yên về Đông Triều. Sau ngày thành lập chiến khu, tổ vận tải đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyển quân trong những trận đánh Uông Bí, Bí Chợ và Quảng Yên. Họ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm tiếp tế cho chiến khu.

        Hạ tuần tháng 5 năm 1945, Nguyễn Bình bảo Dương Chính đưa Lê Hai và một số thanh niên cứu quốc ở Đồ Sơn, Kiến Thụy gồm có : Ngô Biền, Nguyễn Mục, Lưu Văn Cao, Đoàn Văn Thiềm cùng vào ở hẳn Đông Triều. Ở CQ88 lúc này có các đồng chí : Lê Phê, Lê Quốc Trọng, Bùi Ngọc Tiễu, Trần Ngọc Tràng, Trần Doãn Tắc và Trần Doãn Tòng cùng đồng chí Khoát là bảo vệ CQ88.

----------------------------
        1. Trước là đảng viên Quốc dân đảng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo, là bạn tù cua Nguyễn Bình, được đồng chí Lê Thanh Nghị kết nạp vào Đảng cộng sản năm 1937, sau đó bị địch bắt và được ra tù tháng 10-1944.

        2. Một nhân viên thủy quân lục chiến của Pháp đã giác ngộ cách mạng, là một nội ứng trên tàu.

        3. Sau Tổng khởi nghĩa, Hà Phượng Tiên là cán bộ đại đội trên đồn Cao, huyện Đông Triều.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 11:16:08 pm »


        Chùa Bác Mã lúc này đã trở thành đại bản doanh của Ban cán sự Việt Minh khu căn cứ cách mạng Đông Triều. Tại đây đã mở lớp đào tạo cán bộ Việt Minh đầu tiên để đáp ứng nhu cầu mở rộng phong trào cho các phủ, huyện. Dương Chính được giao nhiệm vụ làm giảng viên. Sư Võ Giác Thuyên lo liệu hậu cần. Chương trình khóa đào tạo là 10 ngày, nhưng mới được ba ngày thì một sự kiện quan trọng diễn ra khiến lớp học phải dừng lại.

        Biết được lực lượng vũ trang cách mạng đang hoạt động mạnh ở Đông Triều, Chí Linh, phó tướng phỉ ở Đông Triều là Lương Đại Bân gửi thư cho mời Hải Thanh (tại lớp học chính trị ở chùa Bác Mã) sang trại Cổ Mạnh để bàn bạc công việc.

        Vừa để giữ quan hệ bình thường với cánh phỉ Lương Đại Bân, vừa để nắm tình hình của chúng, Hải Thanh và Trần Cung trực tiếp sang Cổ Mạnh gặp Lương Đại Bân. Điều quan trọng nhất mà Hải Thanh và Trần Cung biết được trong quá trình tiếp xúc với phó tướng phỉ là ngày 8 tháng 6 năm 1945 quân phỉ sẽ đánh huyện lỵ Chí Linh. Khi Hải Thanh cho biết lực lượng vũ trang cách mạng cũng có kế hoạch đánh Chí Linh và một số đồn Nhật dọc đường 18, thì Lương Đại Bân đề nghị ông đưa lực lượng đến để tướng phỉ thống nhất chỉ huy - với lý do trình độ tổ chức tác chiến của lực lượng vũ trang cách mạng ở Chí Linh, Đông Triều còn non. Điều này thì Hải Thanh và Trần Cung không đồng ý, với lý do phải xin ý kiến cấp trên.

        Trở về chùa Bác Mã, đang tính chuyện tìm một giải pháp tối ưu, triệt để chớp thời cơ, khi chưa có ý kiến của xứ ủy, thì may mắn Nguyễn Bình xuất hiện. Đêm hôm đó, ngay trước điện Phật chùa Bác Mã, một cuộc họp khẩn cấp diễn ra giữa Nguyễn Bình, Hải Thanh và Trần Cung. Khi bàn đến vấn đề phỉ, cả ba đều nhận định lực lượng phỉ dọc đường 18 hầu hết mang màu sắc chính trị : ăn cướp, làm tướng, nếu quân Trung Hoa vào thì làm quan; do đó chúng mới gạ gẫm hợp tác với lực lượng vũ trang cách mạng. Khách quan mà nói, lực lượng ta ở Chí Linh - Đông Triều lúc đó còn yếu, chưa thể cùng lúc tiêu diệt nhiều kẻ thù. Biết rõ ý đồ của chúng, ta phải triệt để tranh thủ sử dụng, nhưng hạn chế không cho phỉ cướp của, giết dân; cảm hóa chúng theo chính nghĩa. Nếu chúng vẫn giữ bản chất lưu manh; khi có thực lực, ta sẽ quét hết phỉ, thu toàn bộ vũ khí.

        Muốn tranh thủ, sử dụng phỉ, lúc này ta cần nhường cho chúng lấy Chí Linh; còn ta tập trung lực lượng đánh Đông Triều, Mạo Khê, Tràng Bạch.

        Hội nghị quyết định : ngày 8 tháng 6, Chiến khu Trần Hưng Đạo khởi nghĩa. Mặc dù đã thống nhất quyết định ngày khởi nghĩa, nhưng Nguyễn Bình, Hải Thanh và Trần Cung, với ý thức tổ chức kỷ luật đều thấy việc khởi nghĩa, thành lập chiến khu là một việc lớn, hệ trọng, cần phải được sự phê chuẩn của Xứ ủy. Nhưng trong lúc này, chờ quyết định của trên mà không quyết đoán, cũng chẳng khác nào để quả chín trên cây tự rụng xuống đất, vỡ tan tành. Bởi vậy, ba ông quyết định khởi nghĩa, và dám chịu kỷ luật trước Đảng, nếu như có gì sai sót.

        Hôm sau Nguyễn Bình đi Hải Phòng ngay để chuẩn bị thêm vũ khí, băng, cờ cho lực lượng khởi nghĩa. Trần Cung và Hải Thanh gặp các nhóm học viên lớp huấn luyện chính trị để phổ biến nghị quyết khởi nghĩa và phân công anh chị em về địa phương chuẩn bị hưởng ứng. Cả khu căn cứ sôi động hẳn lên. Chùa Bác Mã những ngày này được canh phòng, bảo vệ chu đáo và trở thành đại bản doanh của Ban lãnh đạo khu căn cứ.

        Đến ngày 7 tháng 6 năm 1945, phần lớn những công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa đã được hoàn tất. Sân chùa Bác Mã đầy những gạo, bò, lợn do nhân dân địa phương đem đến cung cấp cho nghĩa quân.

        Buổi tối Ban lãnh đạo khu căn cứ họp kiểm điểm việc chuẩn bị và bàn phương án đánh chiếm các vị trí địch và phân công :

        - Hải Thanh và Lê Hai mang theo các chỉ thị, truyền đơn cách mạng đến huy động các lực lượng vũ trang của địa phương phối hợp với quân phỉ của Lương Sâm đánh đồn Chí Linh.

        - Nguyễn Bình, Dương Chính và Hùng Phong phối hợp với đồn trưởng bảo an binh Nguyễn Hiền hạ đồn Đông Triều và giải phóng huyện lỵ Đông Triều.

        - Trần Cung, Lê Phú và Phan Mạnh Hà tổ chức đánh đồn Tràng Bạch và Nguyễn Văn Đài chỉ huy giải phóng khu mỏ Mạo Khê, thu súng của sở mỏ.

        Cuộc họp còn nhận thấy cơ sở Việt Minh, ở phủ Kinh Môn đã phát triển khá mạnh, quyết định tịch thu vũ khí địch ở phủ lỵ Kinh Môn và giao cho sư Tuệ thực hiện.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 10:37:14 am »


        Rạng sáng ngày 8 tháng 6 năm 1945, tất cả các mũi đều nhất loạt tiến công theo kế hoạch tác chiến đã định sẵn. Giải phóng đến đâu lật đổ chính quyền cũ và thành lập chính quyền cách mạng đến đó.

        Riêng lực lượng nghĩa quân lấy đồn Đông Triều tập trung ở chùa Bác Mã, khi xuất phát trên cánh tay trái mỗi người đều đeo một băng vải đỏ có ba chữ "Việt Minh quân" thêu bằng chỉ vàng. Nguyễn Bình cài ở ngực một phù hiệu vải đỏ hình chữ nhật thêu ba chữ "TCH" (Tổng chỉ huy) cũng bằng chỉ vàng. Khi đoàn quân đến ngã tư huyện lỵ, Nguyễn Bình cho bắn bốn phát súng vừa nhằm thị uy vừa làm hiệu lệnh cho nghĩa quân xông lên chiếm đồn bảo an binh. Đồn trưởng Nguyễn Hiền ra đón và lệnh cho hai lính gác mở to cổng đồn để nghĩa quân tiến vào. Chỉ trong chốc lát nghĩa quân đã chiếm xong đồn, cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc lô cốt, tịch thu toàn bộ hơn 50 khẩu súng trường cùng đạn dược; 40 binh sĩ được tập trung tại sân nghe Nguyễn Bình giải thích về đường lối cứu nước của Mặt trận Việt Minh, tuyên bố từ nay chính quyền tay sai của Nhật đã bị giải tán, kêu gọi mọi người hãy đi theo Việt Minh chống Nhật cứu nước. Một số cai và lính tình nguyện di theo cách mạng sung vào hàng ngũ nghĩa quân. Số binh sĩ còn lại vì hoàn cảnh gia đình khó khăn xin được về quê và được cấp lộ phí.

        Trong khi chủ lực chiếm đồn trên sườn đồi đông nam thì một tiểu đội nghĩa quân do Dương Chính và Hùng Phong chỉ huy tiến lên sườn đồi phía tây bắc chiếm huyện đường, tước súng đạn của lính cơ; một tiểu đội khác do Lê Tâm (Ngô Xuân Lựu) chỉ huy tiến lên ngọn đồi phía bắc chiếm nhà Dây thép và tỏa ra các ngả đường cắt dây điện thoại.

        Lấy đồn xong, nghĩa quân liền mở kho thóc ở huyện lỵ để cứu đói cho dân. Tiếp đó, Nguyễn Bình giao nhiệm vụ cho một tổ nghĩa quân do Vũ Đình Thiệp chỉ huy, được trang bị đầy đủ súng ống vừa mới tịch thu trong kho của đồn, tiến nhanh về phía bến đò Triều bắt giữ ba thuyền thóc mà hôm qua huyện trưởng Đỗ Văn Cang nộp cho Nhật, nhưng bọn lính áp tải chưa kịp chở đi. Sau đó một cuộc mít tinh, quần chúng được tổ chức ngay tại ngã tư cổng huyện. Thay mặt Ban chỉ huy khởi nghĩa. Nguyễn Bình tuyên bố giải tán chính quyền tay sai Nhật, thành lập "Đệ tứ chiến khu" và kêu gọi đồng bào hăng hái tham gia Mặt trận Việt Minh, gia nhập hàng ngũ "Du kích cách mạng quân". Cũng tại cuộc mít tinh này huyện trưởng Đỗ Văn Cang và viên nghị Tuệ bị đưa ra xét xử công khai trước quần chúng nhân dân. Do tội lỗi của chúng chưa nhiều. Ban chỉ huy khởi nghĩa thể theo ý kiến của nhân dân, đã tha thứ cho hai tên tay sai này.

        Trong khi cánh quân do Nguyễn Bình chỉ huy đánh đồn Đông Triều giành thắng lợi thì lực lượng do các đồng chí Hải Thanh, Lê Hai chỉ huy phối hợp với quân phỉ tiến công huyện lỵ Chí Linh và cánh quân của Trần Cung, Lê Phú đánh đồn Tràng Bạch, tuy có gặp khó khăn nhưng cũng giành thắng lợi.

        Chiều ngày 8 tháng 6 năm 1945, các đoàn quân khởi nghĩa cùng những binh sĩ mới tình nguyện quay súng về với cách mạng đều tập trung đông đủ tại làng Hổ Lao trong không khí tưng bừng của ngày hội chiến thắng. Ông bá Niết cùng đồng bào địa phương đóng góp gạo, bò, lợn, tổ chức khao mừng thắng lợi.

        Buổi chiều tại đình Hổ Lao, Ban lãnh đạo khởi nghĩa họp kiểm điểm việc thực hiện kế hoạch khởi nghĩa và đề ra những nhiệm vụ trước mắt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ chiến khu. Cuộc họp quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng gồm 4 người để lãnh đạo mọi mặt công tác. Ủy ban phân công :

        - Hải Thanh : Bí thư thường trực ủy ban Quân sự cách mạng, phụ trách công tác chính trị.

        - Nguyễn Hiền : ủy viên quân sự.

        - Nguyễn Bình: ủy viên kinh tế (tài chính, quân nhu, vũ khí).

        - Trần Cung : ủy viên phụ trách công tác dân vận, xây dựng chính quyền và liên lạc với cấp trên.

        Nhân đà thắng lợi, Ban lãnh đạo chiến khu quyết định tiến hành tước vũ khí địch ở phủ lỵ Kinh Môn mà sư Tuệ chưa làm được và giao cho Lê Tâm tổ chức lực lượng Việt Minh tại chỗ thực hiện nhiệm vụ này vào sáng ngày 10 tháng 6.

        Thành tích đánh thắng cùng một lúc bốn đồn binh địch ở Đông Triều, Chí Linh, Mạo Khê, Tràng Bạch là chiến công vang dội, đánh dấu ngày chính thức ra đời của "Đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo" (gọi tắt là Chiến khu Trần Hưng Đạo) một căn cứ địa có ý nghĩa và tầm quan trọng về nhiều mặt trong giai đoạn tiền khởi nghĩa và trong Cách mạng tháng Tám ở vùng Duyên hải Đông Bắc Tổ quốc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 10:39:24 am »


        Việc thành lập chiến khu là một việc ngoài dự kiến của Xứ ủy, vì cuối tháng 4 Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương tuy chấp nhận đề nghị của Trần Cung và Hải Thanh về việc thành lập Chiến khu Đông Triều, nhưng Xứ ủy viên Trần Đức Thịnh cho cho rằng đây là một vấn đề rất lớn, cần phải xem xét tình hình cụ thể tại chỗ và báo cáo lên Thường vụ Xứ ủy, chờ được sự chuẩn y mới tiến hành. Xứ ủy viên Trần Đức Thịnh đã cùng Trần Cung và Hải Thanh vào Chí Linh - Đông Triều - Mạo Khê thị sát tình hình phong trào tại chỗ. Đại diện Xứ ủy đã thấy rõ sự cần thiết phải thành lập chiến khu trên địa bàn này. Đồng chí chỉ thị cho hai Tỉnh ủy viên phụ trách phong trào trong khi chờ đợi quyết định chính thức của Thường vụ Xứ ủy cần phải xúc tiến việc xây dựng cơ sở rộng hơn nữa và bắt đầu tập hợp các đội tự vệ và cơ sở vũ trang lại. Đồng chí còn nói sẽ đề nghị cấp trên cử một cán bộ có kinh nghiệm lập chiến khu về giúp đỡ. Nhưng tình hình phong trào chuyển biến quá mau lẹ, ban lãnh đạo căn cứ đã nhạy bén nắm chắc thời cơ và đã lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi trước khi có quyết định của Thường vụ Xứ ủy. Cho mãi tới chiều ngày 18 tháng 6, Xứ ủy viên Trần Đức Thịnh, có một tự vệ đi cùng từ Bắc Ninh tới chùa Bác Mã để gặp Ban lãnh đạo khu căn cứ để truyền đạt ý kiến của Thường vụ Xứ ủy về việc xúc tiến thành lập "Đệ tứ chiến khu" lấy Đông Triều - Chí Linh làm trung tâm.

        Sau khi gặp Ban lãnh đạo Chiến khu, Xứ ủy viên Trần Đức Thịnh dã góp ý với Ban lãnh đạo chiến khu trên mấy vấn đề quan trọng :

        + Đã lập chiến khu thì phải giành lấy thắng lợi liên tục, nếu thoái thủ là dễ đi đến thất bại.

        + Phải tăng cường giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự cho du kích. Du kích quân phải làm cho nhân dân thương yêu, quý trọng và giúp đỡ về mọi mặt.

        + Phải khẩn trương củng cố tổ chức, phiên chế du kích quân từng tiểu đội, trung đội theo lối tam tam chế, phải nắm vững danh sách từng dội viên và cán bộ chỉ huy từ tiểu đội trở lên. Dùng khả năng của anh em binh lính cũ để hướng dẫn cho anh em tự vệ và thanh niên mới ngập ngũ.

        + Đối với bọn phỉ, cần tiếp tục liên lạc và kiềm chế chúng, tiến tới phán hóa chúng bằng thuyết phục. Ráo riết trừng trị bọn Việt gian.

        Thường xuyên có mặt tại Ủy ban quân sự cách mạng là Hải Thanh và Ủy viên quân sự Nguyễn Hiền. Còn Ủy viên kinh tế Nguyễn Bình thường đi lại Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên để liên hệ, phối hợp với các tổ chức Việt Minh, thúc đẩy phong trào hoạt động cách mạng các địa phương, mở rộng địa bàn và tổ chức các trận đánh đồn, diệt địch để tước vũ khí trang bị cho quân du kích.

        Từ sau ngày đánh đồn Chí Linh, bọn trùm phỉ đã đổi vị trí đóng quân của chúng từ rừng sâu ra gần đường cái hơn. Bản doanh của chánh tướng Lương Sâm rời Hố Sếu xuống đồn điền Bắc Nội, một thung lũng trù phú cách Hố Sếu sáu kilômét. Bản doanh của phó tướng Lương Đại Bân cũng từ Cổ Mệnh ra đóng ở Lộc Đa cách đường 18 chừng bốn kilômét. Mặc dù bọn tướng phỉ từng cam kết là cùng nhau hợp tác chống Nhật và không quấy nhiễu, cướp bóc nhân dân nữa, nhưng ngay sau khi tới vị trí đóng quân mới, bọn phỉ lại liên tục gây các vụ cướp bóc mới. Ban lãnh đạo chiến khu đã kịp thời ngăn chặn và kiên quyết trừng trị chúng.

        Đêm 18 tháng 6, khi cơ quan chiến khu cùng trung đội của Nguyễn Quý Đôn đang hành quân lưu động thì được báo tin đêm qua bọn phỉ đã đến cướp bóc ở làng Vẻn (làng An Biên), Nguyễn Quý Đôn liền chỉ huy đơn vị canh gác, chặn đường và bắt sống 9 tên phỉ vai đeo súng, gồng gánh các thứ cướp của đồng bào. Ban lãnh đạo chiến khu lập Tòa án nhân dân xét xử và đem 5 tên ra chợ Ngái (Chí Linh), 4 tên ra chợ Cột (Đông Triều) tuyên đọc tội trạng của chúng trước đồng bào rồi xử bắn...

        Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Đông Triều - Chí LInh - Kinh Môn làm cho bọn chỉ huy Nhật và nguy quyền tỉnh Hải Dương lo sợ. Chúng điều động lực lượng mở nhiều cuộc càn quét vào sâu chiến khu.

        Ngày 10 tháng 6, trinh sát ta báo quân Nhật đến phố huyện Đông Triều. Tại xã Hổ Lao, do chưa kịp củng cố sắp xếp lại lực lượng, ta phải rút lên chùa Ngọa Vân, chân núi Yên Tử. Tại đây, Trần Cung và Hải Thanh chủ trương giải tán quân du kích về địa phương. Nguyễn Bình thì khác, chủ trương giữ lại một bộ phận nòng cốt để phát triển. Đem ra trưng cầu ý kiến anh chị em, mọi người tán thành chủ trương của Nguyễn Bình. Chẳng phải anh chị em có kiến thức quân sự, mà họ là thanh niên, vốn hăng hái thôi.

        Có vậy về sau mới có những chuỗi chiến thắng : Uông Bí, Bí Chợ, Quảng Yên...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 10:43:21 am »


        Ngày 16 tháng 6, ba xe ô tô chở quân Nhật tiến công vào Bắc Nội vì chúng tưởng lầm là nơi đóng quân sở chỉ huy chiến khu. Mấy tay súng máy giặc Nhật chỉ trong chốc lát bắn gục tại chỗ hàng chục tên phỉ cùng chánh tướng Lương Sâm.

        Nghe tiếng súng nổ trong Bắc Nội, biết là quân Nhật đánh vào sào huyệt phỉ, một trung đội du kích nhanh chóng tổ chức trận địa phục kích. Khi quân Nhật từ Bắc Nội kéo ra bãi để xe, các tổ du kích đồng loạt nhả đạn vào đội hình giặc, một tên quan hai bị bắn chết và năm tên lính bị thương. Bị đánh bất ngờ, bọn Nhật phải co cụm lại chống trả, vừa bắn vừa tìm đường rút lui.

        Lúc này ở phía Thủy Nguyên, lực lượng Việt Minh vùng Thượng Huyện, dưới sự chỉ huy của Bùi Tống Thủy và có một tiểu đội du kích Kinh Môn sang trợ lực, gấp rút triển khai kế hoạch tước vũ khí địch trong phủ lỵ. Viên phủ trưởng Nguyễn Quang Tạo1 lấy cớ về tỉnh lỵ Kiến An gặp tỉnh trưởng coi như không biết sự việc xảy ra tại huyện mình. Chiều 17 tháng 6, lực lượng nghĩa quân khởi sự. Một tổ được lệnh đi gài mìn và chuẩn bị vật cản ở hai đầu cầu Trịnh Xá phòng khi quân Nhật từ núi Đèo đánh tới. Gần hai tiểu đội áp sát cổng phủ đường sẵn sàng chờ hiệu lệnh. Sư Lương đóng vai sĩ quan Nhật và Nguyễn Thế Dĩnh đóng vai thông ngôn cùng tiến vào phủ đường. Qua cổng gác, viên "thông ngôn" cho biết "quan Nhật" về huyện kiểm tra súng đạn, đòi viên cai - vốn là hội viên cứu quốc ra lệnh cho binh lính đem hết súng đạn ra sân để kiểm tra. Khi tiểu đội lính cơ đã tập trung đầy đủ súng đạn, viên "quan Nhật" liền rút súng ngắn và thổi còi hiệu. Nghĩa quân từ ngoài cổng nhanh chóng ập vào tước hết súng đạn. Bấy giờ Hoàng Ngọc Lương mới tuyên bố đây là đại diện quân du kích Đệ tứ chiến khu đến tước vũ khí của đồn, ai chống cự sẽ bị trừng trị. Đa số binh lính là hội viên cứu quốc hoặc có cảm tình với cách mạng nên vui mừng, số còn lại không dám hành động gì. Đoàn quân khởi nghĩa ra tới phố huyện; Bùi Tống Thủy tuyên bố đây là du kích cách mạng quân tới đánh Nhật, cứu nước, đề nghị đồng bào yên tâm làm ăn, có quân cách mạng gần gũi bảo vệ.

        Ngày 18 tháng 6, lực lượng khởi nghĩa bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng huyện Thủy Nguyên do Hoàng Ngọc Lương làm Chủ tịch. Hoàng Ngọc Lương cùng phần lớn lực lượng nghĩa quân đem theo súng sang Đông Triều. Dọc đường gặp sáu thuyền chở thóc thuế của Nhật trên sông Kinh Thầy, nghĩa quân tịch thu đưa cả vào bến Triều, bàn giao cả lương thực và chiến lợi phẩm cho đại diện Ủy ban Quân sự cách mạng của chiến khu là Hải Thanh tại chùa Bác Mã. Xong việc, sư Lương quay trở lại Thủy Nguyên để lãnh đạo phong trào.

        Mấy ngày sau, phủ trưởng Nguyễn Quang Tạo lại tìm cách xin tỉnh trưởng Kiến An và bọn chỉ huy Nhật ở núi Đèo cấp thêm 15 khẩu súng trường và cho ô tô chở tới đồn trong phủ lỵ. Nguyễn Quang Tạo lập tức báo tin cho Hoàng Ngọc Lương cử người đón đưa số binh lính cùng vũ khí vào chiến khu theo du kích.

        Thắng lợi trong trận chống quân Nhật càn quét lần thứ hai vào chiến khu của quân du kích, cùng với việc giành chính quyền bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng huyện Thủy Nguyên càng làm cho thanh thế của Chiến khu Trần Hưng Đạo lan xa hơn, không chỉ ở vùng Duyên hải Đông Bắc mà ngay cả các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều cơ sở Việt Minh cử cán bộ về bắt liên lạc, phối hợp cùng chiến khu thống nhất hành động. Nhiều thanh niên ở Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên tìm về chiến khu xin gia nhập hàng ngũ du kích. Ủy ban Quân sự cách mạng Chiến khu Trần Hưng Đạo quyết định mở rộng phạm vi hoạt động tới các vùng ven biển Quảng Yên, Hải Phòng, Kiến An. Mục tiêu được chọn đánh trước là đồn bảo an binh Uông Bí và Trại huấn luyện sĩ quan của bọn Đại Việt ở Bí Chợ. Uông Bí nằm về phía tây bắc tỉnh Quảng Yên. Các mỏ than ở đây do Pháp quản lý. Sau ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật duy trì sản xuất than qua bộ máy điều hành sản xuất của Pháp. Giữa năm 1930 đã có chi bộ Đảng Cộng sản hoạt động trong công nhân lò, cơ khí, sàng tuyển than. Lúc này số hội viên cứu quốc Uông Bí đã có hơn 50 người. Thời gian này, Việt Minh ở Uông Bí đã có ý thức chuẩn bị vũ trang như huấn luyện quân sự, sắm vũ khí và vận động binh lính. Từ thượng tuần tháng 6 năm 1945, Nguyễn Bình thường xuyên qua lại Uông Bí để nắm cơ sở cách mạng và nắm tình hình hoạt động của trại thanh niên Đại Việt Bí Chợ và đồn binh Uông Bí.
       
        Trại thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ do viên quan hai Nhật chỉ huy huấn luyện, đây cũng là trường đào tạo sĩ quan của đảng Đại Việt do xếp Sâm phụ trách. Trại này thường xuyên có 70 học viên và án ngữ trên trục đường 18, chếch về phía bắc phố Uông Bí. Trong trại có Bùi Sinh là người của Việt Minh do Nguyễn Bình và Dương Chính cài vào để làm công tác binh vận. Sau một thời gian, Bùi Sinh đã làm quen với Nguyễn Văn Mộc - một trong số ba trung đội trưởng của trại và là một nhân mối đáng tin cậy của ta. Sau khi nắm tình hình trại, Bùi Sinh viết báo cáo và đề nghị phương án đánh trại gửi về chiến khu cho Nguyễn Bình.

-------------------------
        1. Nguyễn Quang Tạo đã được Hoàng Ngọc Lương giác ngộ là người của Việt Minh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 11:40:50 pm »


        Nhận được báo cáo, Nguyễn Bình phái nữ đồng chí Lê Thị Bích đến Bí Chợ và đưa Bùi Sinh về Đông Triều để bàn cách đánh trại.

        Từ trại thanh niên Đại Việt xuôi về phía đông nam theo trục đường 18 là đồn Uông Bí. Đồn đóng trên một đồi cao, cây cối xanh tốt. Dưới chân đồi ở hướng đông nam là ngã ba sông. Ở điểm cao khống chế này, địch có thể kiểm soát toàn bộ hoạt động trên sông và trung tâm thị trấn Uông Bí. Đồn Uông Bí có 4 viên sĩ quan và một lính Nhật chỉ huy 80 lính bảo an binh và lính khố đỏ. Trong đồn có cai Dung là nhân mối của chiến khu và đội xếp Cẩn, đội nhì Kinh là những người có cảm tình với cách mạng.

        Ngày 28 tháng 6 năm 1945, Ban lãnh đạo chiến khu quyết định cùng một lúc đánh trại thanh niên Đại Việt ở Bí Chợ và đồn Uông Bí. Lực lượng đánh trại Bí Chợ là một tiểu đội du kích của chiến khu do Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy. Theo kế hoạch, khi tiểu đội du kích đến điểm tập kết cách đồn Trại chừng ba kilômét thì có Bùi Sinh từ đồn ra đón đưa đội du kích vào khu vườn của đồn. Ở đây Bùi Sinh và Nguyễn Văn Mộc vào đồn lấy súng ra trang bị đủ cho lực lượng du kích vào đánh chiếm đồn.

        Ngày 29 tháng 6, Bùi Sinh trở về đồn để đêm 30 tháng 6 đón đội du kích của Nguyễn Bình, thì nhận được tin có kẻ nghi ngờ Bùi Sinh, chờ tên quan hai Nhật để báo cáo với nó về mối nghi ngờ này. Lập tức, Bùi Sinh tìm Nguyễn Văn Mộc bàn cách đối phó. Buổi chiều, khi tên quan hai Nhật về, Nguyễn Văn Mộc gặp nói với y phải đi ngay Hòn Gai theo lệnh quan tư Nhật. Viên quan hai tất tưởi chuẩn bị đi ngay. Khoảng 11 giờ đêm, theo hiệp đồng, Bùi Sinh ra cách đồn khoảng 3 kilômét đón du kích. Đêm tối, trời mưa to nên gần một nửa đội du kích bị lạc. Bùi Sinh bổ đi tìm gần một giờ nhưng không thấy đành quay lại. Nguyễn Bình ra lệnh đưa lực lượng còn lại vào đồn. Không có cách nào khác, còn sáu người cũng đánh. Theo đồng chí Bùi Sinh kể lại : "Tới hàng rào, tôi chui vào vườn tìm Mộc. Mộc vẫn ngồi đợi tôi trong miếu con ở giữa vườn. Thấy tôi về, Mộc mừng lắm hỏi : "Anh em tới chưa ?". Tôi đáp : "Tới rồi, việc cậu đã làm xong chưa ?". Mộc nói : "Đã cho cát vào hai khẩu trung liên. Đợi mãi không thấy cậu về, tớ lo quá". Tôi trao đổi nhanh với Mộc : "Đội du kích lạc mất một nửa rồi. Mình đi tìm mãi không thấy. Còn có sáu người. Bây giờ chia nhau mỗi người chịt một buồng. Mình với cậu và hai du kích chịt bốn buồng trên gác, còn anh em khác chịt bốn buồng dưới nhà. Cậu vào lấy hai khẩu tiểu liên ra đi. Mình dẫn anh em vào đây rồi sẽ lấy bốn súng trường ra sau".

        Tôi ra ngoài, dẫn du kích chui vào trong miếu. Sau đó chạy vào lấy bốn khẩu súng trường và một bao đạn ra. Lê Phú giữ một tiểu liên, tôi giữ một tiểu liên. Đồng chí Bình và Mộc, mỗi người một khẩu súng ngắn. Bốn khẩu súng trường chia cho bốn đồng chí khác. Bao đạn lấy ra chia cho bốn khẩu súng trường, mỗi khẩu được có hai, ba viên. Phân phối vũ khí xong thì trời mờ sáng, tôi chỉ kịp cho Nguyễn Bình và Lê Phú dẫn hai du kích đánh vào bốn gian ở tầng dưới, thì kẻng báo thức vang lên. Đã đến giờ dậy rồi. Đánh hay rút ? Chúng tôi không ai bảo ai đều nhìn vào đồng chí Nguyễn Bình.

        - Đánh! - đồng chí Nguyễn Bình khoát tay ra lệnh. Chúng tôi từ vườn chạy ập vào tòa nhà hai tầng. Tên gác cổng thấy động quay vào trong đồn, nhìn thấy chúng tôi nhưng nó chưa kịp hiểu là chuyện gì, thì chúng tôi đã người lên gác, người dưới nhà, vừa bắn chỉ thiên vừa hét :

        - Việt Minh đã đến! Muốn sống nằm yên!

        Một số tên nghe kẻng báo thức đã lóp ngóp bò dậy, một số tên đang nằm nán, nghe tiếng súng, tiếng hét, liền nằm im không nhúc nhích. Mùi thuốc súng khét lẹt trong tòa nhà hai tầng. Tiếng súng nổ trong nhà nghe âm như tiếng đại bác. Một tên huấn luyện viên người Việt vùng dậy định lấy súng đối phó thì Mộc đã kịp thời nhảy tới, giằng lại súng quật ngã nó...

        Cuộc chiến đấu kết thúc rất nhanh chóng. Chỉ độ năm phút sau, tất cả hai trung đội địch bị tám người của ta dồn gọn vào một căn buồng dưới nhà. Bọn chúng vẫn còn run sợ, mặt cắt không còn hột máu. Đồng chí Nguyễn Bình lệnh cho chúng ra sân tập hợp. Trời đã sáng rõ. Lúc này tôi mới để ý đến cách ăn mặc của đồng chí Nguyễn Bình : quần áo nâu, quần xắn móng lợn ống cao ống thấp, đầu trần, chân đi đất, mắt đeo kính đen, trông thật là một con người bình thường nhưng lại rất oai phong, đang đứng trước đám tù binh. Đồng chí rút ở thắt lưng ra một lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ chỉ to bằng một vuông vải, nhưng nó có sức truyền cảm làm tôi xúc động vô cùng, toàn thân như có một luồng điện chạy qua, mắt đăm đăm nhìn lá cờ không chớp. Đó là lần đầu tiên tôi trông thấy lá cờ đỏ sao vàng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 11:44:06 pm »


        Đồng chí Nguyễn Bình, tay giơ cao lá cờ, ôn tồn giải thích cho đám tù binh :

        - Nhật đảo chính Pháp, chỉ là chuyện hai con chó cắn nhau. Nước ta nô lệ vẫn hoàn toàn nô lệ. Bọn Đại Việt và Quốc dân đảng phản động ôm chân phát xít Nhật, lợi dụng tiếng "Việt Nam độc lập" lừa dối anh em đi lính làm bia đỡ đạn cho Nhật. Chúng tôi, những người Việt Minh, chủ trương đánh Nhật, cứu nước. Các anh em đều là người Việt Nam, chỉ vì bị lừa dối đi lính cho chúng. Chúng tôi không giết hại anh em. Ai muốn theo chúng tôi thì đi, ai muốn về chúng tôi phát tiền lộ phí cho về, chỉ khuyên anh em một điều là từ nay về sau đừng đi lính cho giặc nữa.

        Ánh hào quang của lá cờ đỏ sao vàng và lời lẽ ôn tồn của đồng chí Nguyễn Bình đã chiếu rọi vào lòng những con người bị lừa gạt này. Nét mặt họ dần dần tươi tỉnh lại.

        Trước sau chỉ có ba lần gặp anh mà với trọng trách người chỉ huy một chiến khu, đã dám đưa năm du kích với hai súng ngắn, cùng tôi xông vào diệt đồn Bí Chợ có một đại đội địch thì quả thật anh như người tay không xông vào hang hùm, diệt bầy cọp dữ. Chỉ cần qua một trận đánh đó cũng đủ nói lên cái đức, cái tài, cái dũng, cái nhân của anh Nguyễn Bình..."1.

        Trận này ta thu trên 100 súng, trong đó có hai trung liên, hai tiểu liên Tomxơn cùng toàn bộ quân trang, quân dụng, đạn dược. Có bốn người xin theo du kích cách mạng quân.

        Lực lượng đánh đồn Uông Bí có năm người trang bị năm súng ngắn, ăn mặc kiểu lính bảo an, do Nguyễn Quý Đôn chỉ huy. Chiều 29 tháng 6, đội du kích xuống thuyền, xuôi dòng Đá Bạc, qua Mạo Khê, bến đò Đụn, rồi qua cầu Đá Bạc. Trời sáng, thuyền đi lẫn vào các thuyền đánh cá của dân. Tối 30 tháng 6, thuyền tiếp tục xuôi dòng, đến cửa sông Uông Bí thì gặp thuyền Nguyễn Bình. Nguyễn Bình bổ sung và nói rõ thêm nhiệm vụ đánh đồn Uông Bí cho Nguyễn Quý Đôn. Đến Uông Bí, anh em lên hết bờ thì đã có nhân mối ra đón. Khi thuyền cập bến, Nguyễn Bình lên bờ và giới thiệu cai Dung, cơ sở cách mạng với Nguyễn Quý Đôn.

        Được đội Cẩn, đội Kinh và cai Dung làm nội ứng, lực lượng đánh Uông Bí chỉ 5 người, do Nguyễn Quý Đôn chỉ huy đã lập công xuất sắc. Toàn bộ quân Nhật bị diệt gọn, ta thu hơn 60 súng trường, 3 súng máy cùng nhiều đạn dược, thuốc men. Lính khố đỏ không ai chống cự, cả 9 người đều tình nguyện xin gia nhập du kích. Riêng đội Cẩn, đội Kinh cùng 60 lính bảo an ở lại Uông Bí. Đoàn quân chiến thắng nhanh chóng rời khỏi đồn, hành quân về chiến khu nhờ một xe ô tô chở chiến lợi phẩm.

        Chiến thắng Uông Bí và Bí Chợ tiếp tục tạo thế và lực mới cho lực lượng chiến khu mở hướng phát triển về phía Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Phòng và Kiến An.

        Nhờ thu được số lượng lớn vũ khí, lực lượng vũ trang có diều kiện phát triển. Lúc này số quân của chiến khu đã lên tới hơn 400 người được biên chế thành các trung đội tương đối hoàn chỉnh. Trung đội Hoàng Văn Thụ do Nguyễn Quý Đôn làm trung đội trưởng, trung đội Hoàng Hoa Thám do Phan Mạnh Hà làm trung đội trưởng. Tiểu đội Ký Con do Lê Phú làm tiểu đội trưởng, tiểu đội nữ vũ trang tuyên truyền nòng cốt là các chị Lê Thị Bích, Nguyễn Thị Ngọc Khanh, Nguyệt, Thông, Hạnh... Khi thành lập trung đội Ký Con thì tiểu đội nữ này được phiên chế vào trung đội Ký Con. Ngoài ra còn có một trung đội thường trực bảo vệ cơ quan, một tiểu đội nữ du kích, một tiểu đội nữ cứu thương. Sau đó tổ chức thêm đơn vị thủy binh gồm một tàu do công nhân mỏ Mạo Khê chiếm được trên sông Kinh Thầy cùng với một số thuyền.

        Quân phỉ sau lần tổn thất nặng nề ở Bắc Nội không những yếu đi do nội bộ chia rẽ mà chủ yếu vì phong trào cách mạng ngày càng cao, đã cô lập chúng. Quần chúng ở những vùng bị phỉ khống chế dần dần thoát ly ảnh hưởng của chúng, buộc chúng phải chuyển hướng về Hải Ninh. Do vậy Ủy ban Quân sự cách mạng của chiến khu càng rảnh tay tập trung lực lượng chống Nhật và mở rộng địa bàn.

        Những chiến thắng vang dội của chiến khu đã ảnh hưởng tích cực đến phong trào cách mạng tỉnh Quảng Yên : quần chúng nhân dân phấn khởi, không khí chuẩn bị khởi nghĩa hừng hực, khiến bọn Nhật và những tên tay sai lo lắng, run sợ.

--------------------------
        1. Bùi Sinh: "Chuyện kể về Trung tướng Nguyễn Bình" , Nxb Quân dội nhân dân, Hà Nội, 1998, tr.31-35.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM