Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:03:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 27895 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #90 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 10:43:58 pm »


Xuất thân là một nông dân nghèo khổ, Đề Thám tuy giàu chí căm thù giặc và bền gan chiến đấu, nhưng không sao tránh khỏi nhãn quan hẹp hòi cô độc, bắt nguồn từ phương thức sản xuất lạc hậu. Việc từ chối không thu nạp vào hàng ngũ nghĩa quân những sĩ phu yêu nước và những người có bầu nhiệt huyết giết giặc cứu nước thuộc các tầng lớp khác, mà Đề Thám thường gọi là "những người áo dài", là một biểu hiện rõ rệt nhất của khuynh hướng hẹp hòi cô độc đó. Lực lượng vũ trang của nghĩa quân vì thế mà phát triển rất chậm, ngay cả trong những năm dài đình chiến là thời cơ thuận lợi nhất. Cũng do khuynh hướng hẹp hòi cô độc mà Đề Thám đã coi nhẹ việc phối hợp với phong trào yêu nước chống Pháp khác đang ngày một sôi nổi trong toàn quốc, việc phát triển lực lượng và cơ sở yêu nước sang các tỉnh khác.

Trong giai đoạn đầu, Đề Thám chẳng những đã không liên lạc phối hợp được với hoạt động của Phan Đình Phùng trong miền Trung, mà ngay ngoài Bắc thì cuộc khởi nghĩa Yên Thế cũng chỉ bó hẹp trong phạm vi địa phương nhỏ hẹp, hầu như không có liên hệ gì với các phong trào khác. Song trong giai đoạn sau thì tuy có tiếp xúc với Phan Bội Châu, dung nạp nghĩa sĩ Trung Kỳ, nhưng Đề Thám vẫn không nhận thức được bước biến chuyển của tình thế để gắn liền hoạt động vũ trang của mình với các phong trào mới như Đông Kinh nghĩa thục, Đông Du. Còn những nhóm nghĩa quân nhỏ được phái sang Đông Triều, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Thái Nguyên... cũng không đạt được thành tích đáng kể trong việc gây cơ sở trong nhân dân, phát triển lực lượng và hoạt động vũ trang. Kết quả là đến khi Yên Thế bị giặc Pháp đại tấn công, nghĩa quân buộc phải phân tán lực lượng sang các vùng lân cận, nhưng vì không có cơ sở vững vàng, lại thêm giặc Pháp ráo riết truy kích bao vây, cuối cùng các nhóm nghĩa quân đành phải lục tục kéo về địa bàn hoạt động cũ là Yên Thế. Tình huống ấy đã ảnh hưởng lớn đến tinh thần chiến đấu của tướng tá và binh sĩ nghĩa quân, gây một tâm trạng hoang mang dao động trong đội ngũ. Mà ngay sức ủng hộ của nhân dân Yên Thế đến giai đoạn này, do sự khủng bố ác liệt, chính sách chia rẽ thâm độc cùng thủ đoạn tuyên truyền xảo trá của quân thù cũng đã bị suy giảm rất nhiều. Chính vì vậy, các nhóm nghĩa quân lần lượt bị tiêu diệt ngay trên đường về, hoặc mới về tới Yên Thế đã bị bao vây và tan rã. Nếu nghĩa quân Đề Thám coi trọng việc xây dựng và phát triển cơ sở rộng rãi sang các địa bàn hoạt động lân cận thì còn có thể kéo dài cuộc chiến đấu, gây cho giặc Pháp nhiều thiệt hại hơn nữa.

Ngoài ra còn một nguyên nhân khách quan khác không kém quan trọng làm cho phong trào Đề Thám, sau non ba mươi năm bền bỉ đương đầu với giặc, cuối cùng phải tan rã. Trong giai đoạn này, tình hình thế giới đã có nhiều điểm bất lợi cho một cuộc khởi nghĩa có tính chất địa phương như cuộc vũ trang đấu tranh của nông dân Yên Thế. Trên thế giới, tư bản chủ nghĩa đã bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và đang bành trướng với một tốc độ khủng khiếp. Đây là thời gian ổn định để chúng thi nhau giành giật thị trường, củng cố những nơi đã chiếm cứ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #91 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 10:44:15 pm »


Đối với đế quốc Pháp ở Việt Nam nói riêng thì tới đầu thế kỷ XX, căn bản chúng đã hoàn thành cuộc bình định quân sự và là thời kỳ đẩy mạnh khai thác thuộc địa, củng cố chính quyền thực dân. Cho nên không nói gì đến phong trào Văn Thân lúc trước đã tàn từ lâu, ngay các phong trào có tính chất tư sản của thời kỳ này như Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, trước sức khủng bố gắt gao của quân thù, cũng đã trải qua những giờ phút khó khăn nhất.

Cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế cuối cùng đã thất bại. Bọn thực dân cướp nước đã tàn bạo dập tắt phong trào trong máu lửa. Nhưng chúng làm sao dập tắt được chí căm thù giặc, lòng yêu nước thiết tha của những người Yên Thế. Tấm gương hy sinh, tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu đến cùng của nghĩa quân Đề Thám còn đời đời sáng chói trong lòng mỗi người dân Việt. Phong trào Yên Thế đã đánh dấu sức quật khởi vĩ đại, khả năng hùng hậu của giai cấp nông dân trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.

Nhìn tổng quát toàn bộ quá trình diễn biến của cuộc khởi nghĩa, nghĩa quân Yên Thế đã thực hiện đánh lâu dài, vừa đánh vừa đàm, đàm rồi lại đánh. Mặt hạn chế của nghĩa quân là nặng về phòng ngự, nhẹ về tiến công. Trong khởi nghĩa vũ trang, nguyên tắc hàng đầu là phải liên tục tiến công, bởi vì, chỉ có liên tục tiến công cuộc khởi nghĩa mới mong mở rộng địa bàn, mở rộng lực lượng, duy trì và tăng cường được sức mạnh để vươn lên giành thắng lợi ngày càng to lớn hơn, vững chắc hơn... Tuy vậy, cũng phải thấy đây chỉ là một cuộc khởi nghĩa cục bộ, gần như lẻ loi trong một tương quan lực lượng khá chênh lệch, cho nên cái chính vẫn là phải thủ hiểm, chống càn. Nếu có tiến công mở rộng được địa bàn thì cũng không giữ được đất ngoài vùng thủ hiểm.

Với những nét chủ yếu như trên, có thể thấy rằng, cuộc khởi nghĩa Yên Thế cho dù cuối cùng đã bị thất bại, nhưng tinh thần chiến đấu của nghĩa quân đã tô thêm truyền thống vũ trang chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc, để lại những bài học quý cho đời sau.

Nghĩa quân Đề Thám đã rạng rỡ tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc. Nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và chính đảng của nó là Đảng Cộng sản Đông Dương trước kia và Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay, đã và đang tiếp tục truyền thống ấy một cách thắng lợi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #92 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:06:07 am »


Câu hỏi 33: Hãy cho biết đôi nét về các chỉ huy xuất sắc của nghĩa quân Đề Thám?
Trả lời:


Vì căm thù giặc Pháp, lại cảm phục đức tài của Đề Thám, nhiều người đã gia nhập nghĩa quân và trở thành những chỉ huy xuất sắc của phong trào. Trong hàng chỉ huy nghĩa quân có những người trước đây đã tham gia nghĩa quân Đề Hả của cụ Thám; có những người là con cháu các chỉ huy các phong trào trước; cũng có nhiều người khi mới tham gia chỉ là một binh sĩ thường sau nhờ có tài đức và có tinh thần chiến đấu chống Pháp mà được phong làm tướng lĩnh.

Họ phần đông chôn rau cắt rốn ở Yên Thế và các huyện khắp tỉnh Bắc Giang.

Tuyệt đại đa số đều xuất thân từ những lớp người nghèo khổ, một vài người là lý dịch trong làng đi theo nghĩa quân dần dần được cảm hóa và trở thành những chỉ huy tốt.

Những người chỉ huy nghĩa quân đều chiến đấu rất gan dạ, quả cảm, lại là những tay súng cừ khôi làm giặc rất khiếp đảm.

Một số thủ lĩnh tiêu biểu:

Cả Trọng, là con cả của cụ Thám và là một người chỉ huy xuất sắc của nghĩa quân. Ông có tài bắn trăm phát trăm trúng. Giặc Pháp cũng thường buộc lòng phải khen ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng, chí khí quật cường của ông. Khi ra trận thường cưỡi con ngựa cướp được của giặc Pháp trong trận Việt Yên. Ông được nhân dân yêu mến và binh sĩ nghĩa quân tín phục. Sau này khi một lần mang quân đi đánh trận, ông bị Cả Can là em vợ ba của cụ Thám và cũng là một chỉ huy nghĩa quân vì kèn cựa địa vị mà dụng tâm bắn ông bị thương nặng. Ông phải nằm điều trị một thời gian dài không khỏi. Trong lúc bệnh nặng ông vẫn khẩn khoản khuyên cha nên sáng suốt trong hành xử để khỏi hỏng đại sự. Được ít lâu, phần bị thương nặng, phần quá lo nghĩ, ông đã tự tử chết. Cụ Thám rất buồn rầu khi ông mất. Nghĩa quân và nhân dân địa phương rất thương tiếc người chỉ huy nghĩa quân trẻ tuổi xuất sắc.

Cả Dinh, là con Đề Sử (một chỉ huy nghĩa quân thời Đề Hả) người làng Dinh. Lớn lên đã có chí khí, ông rất ghét bọn Pháp và vua quan, khi nghĩa quân Đề Hả tan, bố ông là Đề Sử ra hàng, nhưng ông bỏ đi theo cụ Thám. Ông là một chỉ huy giỏi và được cụ Thám rất tin cẩn phong cho làm Thống lĩnh đóng quân ở Bắc Dinh cách đồn Phồn Xương một cây số. Ông bắn rất giỏi. Nhân dân địa phương kể lại, trong một buổi đi săn, Cả Huỳnh chỉ một ngọn cây cao trong rừng cách xa độ một trăm thước và đố ai bắn gẫy thì được một túi đạn. Cả Dinh cược lại nếu không bắn trúng ông sẽ mất thêm hai bao đạn. Rồi ông nổ súng bắn ba phát, hai phát đầu trúng vào hai cành cây, phát thứ ba trúng giữa thân cây và ngọn cây gẫy gục xuống. Mọi người đều khâm phục tài của ông. Sau đình chiến lần thứ hai, ông nhận lệnh đem theo một đơn vị nghĩa quân đánh rộng về Phúc Yên để phát triển thân thế nghĩa quân. Trong trận đánh ngày 20 tháng 10 ở núi Lang, địch tấn công liên tiếp mà nghĩa quân thì hết đạn, quân tiếp viện đã rút hết, ông lại bị thương nên cuối cùng phải ra hàng. Giặc Pháp đưa ông về Nhã Nam phong cho làm Phó đô đốc và tìm cách mua chuộc. Chúng cho ông một xe độc mã đi đâu cũng có quân hầu, thầy tớ phục vụ nhưng thực sự những tên hầu cận ấy toàn là tay chân của Lê Hoan, có nhiệm vụ canh phòng ông nghiêm mật. Về sau thấy mua chuộc không kết quả, địch đưa ông đi đày cùng nhiều người khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #93 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:06:28 am »


Cả Huỳnh, là con Chánh Tả (một chỉ huy nghĩa quân trước cụ Thám), người làng My Điền, huyện Yên Dũng. Tên thực là Lê Văn Huỳnh. Vì nhà nghèo nên từ nhỏ ông đã phải đi ở cho tên Chánh Hán ở Hoàng Mai. Lớn lên ông giúp cha trong sự nghiệp chống Pháp. Đến khi Chánh Tả ra hàng giặc, ông bỏ đi theo nghĩa quân Đề Thám. Cụ Thám tin cậy phong cho chức Lãnh binh, rồi Phó thống. Khi còn ở Phồn Xương, ông đóng quân ngay cạnh đồn Cả Dinh. Sau đình chiến lần thứ hai, vào khoảng tháng 3 năm 1909, Cả Huỳnh hoạt động ở Phúc Yên. Ở đây ông đã chỉ huy liên tiếp các cuộc phục kích tiêu diệt được rất nhiều giặc. Sau mấy trận kịch chiến với quân Pháp ở Hàm Lợn, ông bị trúng đạn chết.

Cai Cờ, tên là Giáp Văn Phức quê ở làng Trũng. Ông sinh năm 1857, kém cụ Thám một tuổi. Khi còn ở làng làm ăn, vì nghèo khổ nên ông bị áp bức nhiều. Năm 27 tuổi, ông bỏ nhà theo nghĩa quân Yên Thế. Ông đánh giặc rất gan dạ. Ra trận thường cầm cờ xông lên trước, cờ phất đến đâu là nghĩa quân ào ào xông lên đến đó làm giặc khiếp sợ. Vì vậy ông được cụ Thám phong cho làm Cai Cờ. Trong trận chiến đấu ở Hom, địch bắn trái phá lên chỗ nghĩa quân bố trí. Đạn không nổ, ông vác ném xuống chỗ quân giặc đang hành quân. Cụ Thám bảo làm như thế thì dễ chết lắm đấy. Ông trả lời: "Bẩm quan lớn, chết một mình tôi còn hơn chết cả đồn ạ”. Khi đình chiến, ông đóng quân ở Yên Thế. Sau khi thất trận ở Phồn Xương, ông bị lạc đường một mình nên phải ra hàng giặc. Giặc xử án ông 13 năm, sau giảm xuống 6 năm. Hết hạn tù, ông trở về quê làm ruộng. Năm 1941 ông chết, thọ 84 tuổi.

Ông Tề, là con Đề Tước (một chỉ huy nghĩa quân trước Đề Thám), em con chú con bác với Cả Huỳnh, quê ở My Điền, huyện Yên Dũng, ông là một trong những tướng giỏi của nghĩa quân Đề Thám. Sau khi vỡ đồn Phồn Xương ông đem quân về Việt Yên, định qua Yên Dũng rồi sang Đông Triều tạm trú một thời gian, ông hẹn với Lý Bắc (một chỉ huy khác của nghĩa quân Trung Dũng) đem đò ra đón ở phía Trung Dũng, nhưng Lý Bắc lại đi báo tri huyện Yên Dũng đến vây bắt. Ra đến bờ sông không thấy đò giang gì cả, ông biết Lý Bắc đã bội phản, định quay lại tìm để xử tội thì tên tri huyện đã ập tới. Ông bắn chết tên tri huyện khiến bọn lý bỏ chạy tán loạn, rồi lội qua sông về nhà bảo mẹ: "Con đã giết chết tên tri huyện, chắc chúng không để yên đâu, mẹ trốn đi". Sau đó ông đưa quân lên Mỏ Thổ. Giặc Pháp đem rất nhiều quân lên Mỏ Thổ định tâm tiêu diệt toán nghĩa quân của ông. Về phía nghĩa quân chỉ còn mười hai người nhưng vẫn kiên quyết đánh, địch chết rất nhiều vẫn không làm gì nổi nghĩa quân. Lính địch bảo nhau: Không hiểu sao thằng áo đỏ (chỉ ông Tề vì ông mặc áo đỏ) nó giỏi thế, chỉ có một hòn đá nó ẩn hiện chớp nhoáng không sao bắn được nó, lại bị nó bắn chết bao nhiêu người.... Sau trận này, ông chỉ còn lại tám nghĩa quân. Mặc dù thế ông vẫn tiếp tục đánh vào Sàn Cầu, Khánh Giá, Cầu Trang. Sau vì hết quân, hết đạn ông phải ra hàng giặc ở Nghi Thiết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #94 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:07:08 am »


Câu hỏi 34: Hãy cho biết một số di tích còn lại của phong trào nông dân Đề Thám?
Trả lời:


Ở các vùng thuộc tỉnh Bắc Giang, nhất là vùng Yên Thế là địa bàn hoạt động cũ của nghĩa quân, hiện nay còn lại nhiều di tích lịch sử của phong trào nông dân Yên Thế. Những di tích ấy phần lớn đã bị thời gian xóa nhòa gần hết dấu vết, nhưng vẫn còn vài vùng đến nay vẫn còn rõ nét. Đó là những ngôi đền chùa, miếu mạo do nghĩa quân xây dựng giúp nhân dân, những đồn trại nghĩa quân cùng những dấu vết còn lại của cuộc trường kỳ kháng chiến, nhất là những nơi xảy ra các trận đánh lớn, những đồ dùng và vũ khí của nghĩa quân.

Đình Hả, xây dựng trên một quả đồi nằm giữa ba thôn Khủa, Khuyên, Lẽ. Cạnh đình là chùa Hả. Đình và chùa này đều có từ trước. Khi giặc Pháp mang quân lên đánh nghĩa quân Đề Hả, chúng đã đốt phá và dỡ gạch ngói, tre gỗ đi xây dựng đồn Luộc Hạ ở gần đấy để đàn áp nghĩa quân. Mãi cho đến thời kỳ đình chiến lần thứ hai, cụ Thám mới cho làm lại đình Hả. Cụ xuất tiền công quỹ của nghĩa quân, trả công thợ mộc, thợ nề, thợ nung gạch ngói, thợ lấy gỗ... còn tiền nuôi ăn cho thợ thì do nhân dân địa phương đài thọ. Cụ Thám lại vạch kiểu mẫu kích thước cho thợ làm. Đình Hả mới làm lại gồm năm gian tiền dinh và hai gian hậu dinh, mỗi gian rộng 3 mét. Trước cửa đình có hai gian tiền tế và ba gian nhà gỗ. Hiện nay đình Hả đã hỏng nát, tiều tụy. Hậu cung tường đổ mái xiêu, hai gian tiền tế nay chỉ còn một mà cũng bị dột nát nhiều.

Nhà thờ và đình chùa Quang Châu, do cụ Thám làm đều được xây dựng ở Chủng Ngoài thuộc xã Quang Minh, Yên Thế cách Cao Thượng 6 cây số. Chùa gồm ba gian và một gian tam bảo, trong đó có sáu tượng phật. Đình cũng gồm ba gian và một gian tam bảo. Đó là những ngôi đình chùa nhỏ. Nhà thờ Quang Châu gồm bảy gian dài, mỗi gian rộng hai thước, có bảy hàng cột cao hơn hai thước. Trong nhà thờ trước kia có đủ cờ quạt, trống... nay không còn lại thứ gì, trừ một cỗ đòn đám ma sơn son thếp vàng. Xung quanh nhà thờ có sân gạch. Phía mặt nhà thờ, trên tường có hai vế câu đối từ đời cụ Thám, hiện nay không còn đọc được đó là những chữ gì. Đình chùa và nhà thờ Quang Châu đến nay đều đã bị đổ nát nhiều.

Chùa Cao Thượng, ở cạnh làng Cao Thượng, dưới chân núi Yên Ngựa. Trước kia là một ngôi chùa lớn gồm một trăm gian. Chùa bị giặc Pháp đốt phá trụi khi chúng tiến đánh nghĩa quân. Sau đó cụ Thám đã cho làm lại chùa độ bảy mươi gian, nhỏ hơn trước. Trong thời kỳ kháng chiến toàn quốc, máy bay địch thường lên bắn phá. Hiện nay chỉ còn lại một ngôi chùa bị hư hỏng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #95 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:07:46 am »


Chùa Lèo, thuộc xã Hữu Xương cạnh đường cái Nhã Nam đi Mỏ Trạng (cách Nhã Nam 3 cây số). Chùa làm trên ngọn đồi, tên chữ là chùa Phổ Cao. Đường lên chùa khá rộng. Qua tam quan vào tới đình, qua đình tới chùa. Chùa Lèo là một ngôi chùa lớn trên bốn mươi gian do cụ Thám làm hồi đình chiến lần thứ hai. Theo các cụ già ở gần đó kể lại, cụ Thám trước kia thường năng đi lại lễ bái ở chùa này, xin quẻ nên đánh hay không, vì vậy nhân dân địa phương hồi đó tin rằng Đức Ông chùa Lèo thường hiện về báo mộng cho cụ biết trước về những trận đánh sắp tới. Về sau, có tên Quảng Ngọ tưởng cụ Thám giấu vàng ở chùa nên lợi dụng danh nghĩa tu bổ chùa để tìm vàng. Nó đã phá bớt đi và chỉ để lại bảy gian chùa ngoài và hai gian hậu cung. Chùa đã được sửa sang lại. Chùa này từ lâu lắm không có sư trụ trì, theo nhân dân kể lại thì sư ông chùa Lèo rất giống cụ Thám. Khi giặc Pháp lùng bắt mãi không được cụ, chúng đã giết ông sư chùa Lèo, bêu đầu ở Nhã Nam để đánh lừa mọi người. Cũng từ đó chùa Lèo không có sư trụ trì vì nhân dân cho rằng chùa này sát sư. Nhân dân đã có câu ca về đình và chùa Lèo: "Đình không có mõ, chùa không có sư".

Chùa Phồn Xương, có từ trước thời cụ Thám. Hồi giặc Pháp đánh nghĩa quân, chúng đã dùng chùa này làm nhà thương cho binh lính. Sau chúng định dỡ chùa về xây đồn Nhã Nam, nhưng nhân dân đấu tranh xin lại được. Trong chùa còn mười sáu pho tượng và bốn bát hương.

Đình làng Lan, trước kia ở gần làng Lan và đã bị giặc Pháp đốt cháy. Sau cụ Thám làm lại trên một khoảng đất khác sau làng. Trong đình Lan còn có ba bộ ngai và một hương án do cụ Thám làm; ba bộ ngai thì đã hỏng hai, một hương án làm bằng gỗ lim, bốn chân chạm trổ tứ quy rất công phu. Sau khi cụ Thám chết, nhân dân làng Lan đã tôn làm hậu thân của đình làng và hàng năm đến ngày mồng 5 tháng Giêng làm lễ cúng cụ tại đình.

Đồn Phồn Xương, là vị trí đóng quân của cụ Thám trong thời kỳ đình chiến lần thứ hai. Nhân dân địa phương thường gọi là đồn Cụ. Đồn Phồn Xương rộng chừng một mẫu. Nhân dân vùng Cao Thượng, Yên Thế đã cùng nghĩa quân xây dựng. Đồn có hai lớp tường dày, tường ngoài bao bọc kín toàn bộ khu vực của đồn, dày tám mươi phân và cao bốn thước, tường trong quy vuông bao bọc lấy những ngôi nhà trong đồn, đắp bằng đất dày 2 mét và cao 3 mét. Trong đồn có nhà quân lính ở, nhà cụ Thám, nhà thờ, những dãy nhà dài để không phòng lúc hội hè giỗ chạp. Trong đồn còn có một sân tập một sào rưỡi và một ngôi nhà vuông có trần, quét vôi dùng để tiếp bọn Tây trong thời kỳ đình chiến. Đồn có cổng chính (ít khi mở), cổng tiền (vào cổng tiền là nhà tiếp bọn Tây) và cổng hậu trông ra rừng. Đồn Phồn Xương chỉ còn lại một vài dấu vết như chân móng tường trong và tường ngoài mà thôi, ngoài ra không còn di tích nào khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #96 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:08:16 am »


Trại Cọ, trước kia chỉ là một khu rừng rậm. Sau cụ Thám cho bà vợ cả cùng các ông Tâm, Hòe, Các và một số người nữa lên đây khai phá làm ruộng. Tất cả được tới vài chục mẫu. Nghĩa quân có xây dựng ở đây một đồn trại, chắc là để đề phòng giặc đến cướp phá. Hiện nay ở đây chỉ còn lại nền nhà và hai vọng gác ở hai đầu.

Dĩnh Thép, là nơi nhân dân rất hăng hái trong việc tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Ngay cả trong lúc giặc Pháp bao vây càn quét, nhân dân ở đây vẫn tìm mọi cách tiếp tế cho nghĩa quân. Cụ Thám có làm ở đây một ngôi đình ba gian. Ngôi đình này đã hoang tàn, mái thủng tường xiêu.

Hố Chuối, là nơi cụ Thám rút quân vào xây dựng công sự ẩn náu tạm thời và cũng là nơi nghĩa quân tiêu diệt hàng trăm quân giặc. Ở Hố Chuối còn có một số hầm hố nghĩa quân đào để chiến đấu với quân Pháp, nhưng cây cỏ mọc rậm rạp không trông thấy gì.

Ao Bò, thuộc thôn Trũng, nơi cụ Thám thường tổ chức khao quân mỗi khi thắng trận. Nghĩa quân thường làm thịt trâu, thịt bò ở ao này nên có tên gọi là ao Bò. Ao này rộng độ hai sào và rất sâu. Hiện còn hai tảng đá rất to bên bờ gọi là tảng đá mài dao.

Thác Thần, là nơi cụ Thám chỉ ở một thời gian chứ không có trận đánh nhau nào tại đây. Gần đây có ngôi nghè nhỏ gọi là nghè Thác Thần. Hiện còn nền của ba bốn cái nhà và xung quanh đó còn một số hầm hố tác chiến. Đây là nơi cụ Thám dùng làm nơi trú quân một, hai đêm rồi lại hành quân đi nơi khác.

Rừng Dài, thuộc thôn Thượng, xã Hữu Xương. Nghĩa quân đã chặn đánh toán giặc đang hành quân lên Mỏ Trạng tại chỗ này. Hiện còn lại dấu vết một số hầm hố chiến đấu của nghĩa quân.

Rừng Cả Dinh, là một khu rừng thôn Trũng (trong khu vực Am Động). Đầu rừng là chùa Am Động, cuối rừng là nơi Cả Dinh, Cả Huỳnh đóng quân, nhân dân thường gọi là rừng Cả Dinh.

Rừng Xã Ớt, là chỗ trú quân tạm thời của nghĩa quân trong thời gian lưu động tác chiến với giặc Pháp, ở đây chỉ còn lại dấu vết một số hầm hố chiến đấu, phần lớn đã bị nhân dân lấp để trồng sắn.

Đồng Vương, thuộc xã Tam Hiệp, chung quanh có lũy tre dày, lại có hào sâu bao bọc. Nghĩa quân có đóng ở đây một thời gian. Hiện vẫn còn nền nhà và hầm hố chiến đấu bị cỏ lau mọc kín.

Hố Lẫy, là nơi cụ Thám bị mưu sát. Vẫn còn ba hố chiến đấu do cụ Thám và những thủ hạ cuối cùng của cụ đào dưới gốc ba cây trám lớn. Nhân dân đã lấp hố để trồng sắn.

Đền Đề Thám, ở thôn Tri Cụ, trước gọi là Trảm Lớn. Cụ Thám đã làm ngôi đền này nên nhân dân thường gọi là đền Đề Thám. Hiện còn một gian nhỏ.

Ngoài những di tích trên đây của cụ Thám và nghĩa quân Yên Thế còn tìm thấy dấu vết một số đồn binh của giặc Pháp đóng trong thời đó như đồn Bằng Cục, đồn Cao Thượng nay chỉ còn là những ngôi tường đổ nát, hoặc những móng tường và lô cốt giặc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #97 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:11:17 am »


Câu hỏi 35: Nhân dân đã làm một bài vè về cụ Thám, hãy cho biết nội dung về bài vè này?
Trả lời:


Ai làm ra bài vè này hiện nay không rõ. Có người nói do một cụ đồ Nghệ trước ở trong trại nghĩa quân làm ra. Có người nói là của cô Thể, con gái vợ ba Đề Thám. Nhân dân địa phương cũng có người tin chính là bà Ba Cẩn làm ra bài này để tự đề cao tài đức, tự so sánh với vợ ba Cai Vàng trước kia mà bà Ba Cẩn vừa là học trò vừa là bạn. Do đó, bài vè này, về nội dung lẫn hình thức có nhiều điểm giống bài vè "Truyện Cai Vàng” được phổ biến trong vùng. Lại có người căn cứ vào bài vè này rất được phổ biến trong binh lính Pháp và nhân dân địa phương hồi đó, mà giặc Pháp không hề ngăn cấm, để ước đoán rằng có lẽ bài này chính do tay sai của Pháp làm ra với dụng ý thâm độc đề cao quá mức vai trò bà Ba Cẩn, cốt gây mâu thuẫn trong hàng ngũ nghĩa quân.

Bài này do nhân dân truyền miệng lại, nhưng không ai nhớ hết nên mặc dù đã bỏ công sưu tầm, bài vẫn còn thiếu mấy chục câu.

Đây là một tài liệu lịch sử quý nên chúng tôi ghi lại để giúp cho việc tham khảo tìm hiểu thêm phong trào nghĩa quân, đồng thời cũng mong bạn đọc bổ sung thêm cho bài vè được đầy đủ.

VÈ CỤ THÁM

Kể từ Tự Đức một khi,
Người lên trị vì tam thập lục niên1
Tỉnh thành thất thủ mấy phen
Khen ai xây dựng mới nên cơ đồ.
Từ ông Thành Thái2 đến giờ,
Hao binh tổn tướng biết cơ nhường nào.
Lòng trời vận chuyển làm sao,
Để cho thiên hạ lao đao mấy lần.
Đoạn rồi đến hiệu Duy Tân3
Cũng mong sao được muôn dân thái hòa.
______________________________________
1. Tự Đức làm vua từ năm 1847 đến năm 1883.
2. Thành Thái làm vua từ năm 1889 đến năm 1907.
3. Duy Tân làm vua từ năm 1907 đến năm 1916.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #98 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:13:29 am »


Bấy giờ đến năm thứ ba,
Có ông Đề Thám ra hòa đã lâu.
Quan Tây nghị định mưu sâu,
An Nam diệt hết đâu đâu yên rồi.
Chỉ còn có đấy mà thôi,
Cho nên Nhà nước1 ngậm ngùi chưa yên.
Đã nhiều tổn hại binh quyền,
Mong sao dẹp được cho yên mới đành.
Nào là khố đỏ khố xanh
Giấy quan chạy khắp tỉnh thành thiếu đâu.
Nói rằng: "Đi đánh giặc Tàu"
Ai ngờ Nhà nước mưu sâu đánh lừa.
Vô tình nào có ai ngờ
Tây quan đến đánh bao giờ không hay.
Lính ta cho chí lính Tây
Ông hai, ông một cho rầy ông ba.
Cùng nhau vâng lệnh quốc gia
Tháng Giêng mồng tám nó ra đánh đồn2.
Quan năm thì xếp câu lôn
Giấy cho trước đến ba đồn khố xanh
Đem quân trước đánh tiền binh
Thử xem trong đó binh tình làm sao.
May mà thua được thế nào
Thời sau sẽ tiếp quân vào tới nơi.
Lệnh quan ai dám cưỡng lời
Dẫu rằng sinh tử việc chơi đó mà.
Sớm ngày mùng tám tinh mơ
Cao Thượng, Bố Hạ tới vô đồn điền3
Nhã Nam sắp sửa binh quyền
Vào qua Luộc Giới đánh đồn Cả Dinh
Cùng nhau súng bắn rình rình
__________________________________
1. Chỉ chính phủ thực dân.
2. Tức ngày 29 tháng 1 năm 1909 dương lịch.
3. Là đồn điền Phồn Xương - đại bản doanh nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #99 vào lúc: 25 Tháng Hai, 2017, 10:15:42 am »


… (mất một câu) …
Bà Ba1 khi ấy thưa vào:
"Tôi xin lĩnh lấy binh đao phen này.
May mà thắng được thì hay,
Nhược bằng sinh tử, tôi nay cũng đành”.
Ngoài thời súng bắn đoành đoành,
Ông Hoàng2 không biết tình hình làm sao
Ta hòa nhà nước đã lâu
Đánh không chạy giấy cho nhau thế này!
Sai người thủ hạ đi ngay
Cưỡi ngựa cầm giấy ra giày Nhã Nam
Xem rằng có thực hay man,
Ông Đại3 thu giấy bắt giam tức thì
Cả Dinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh
Quan Hoàng Thám bảo binh tình làm sao?
Rằng Tây đã đánh đồn ta
Thì ba bác Cả luận bàn làm sao?
Cả Dinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh
Ba người kêu hết sự tình với quan.
Cùng nhau thi sức thi gan
Ra tay địch với tây quan một kỳ
……………………
Rồi ra ra đến sự gì thì ra.
Ắt là lại lụy đến ta
Xin quan, ta đánh cho mà biết tay.
Bà Ba khi ấy mới hay
Quần trăn, áo chít mặc ngay vào mình
Chạy lên đứng đỉnh mặt thành.
Gọi là khố đỏ, khố xanh đâu là:
"Các anh thời phải nghe ta,
Đây ta chính thức vợ Ba quan Hoàng
Cũng mong khôi phục Nam bang,
Các anh cũng ở Nam bang đó mà!
Việc gì mà đến ghẹo ta?
Biết điều thời kéo quân ra chớ chày!
Để ta đối địch với Tây
Cho chúng nó biết rằng tay đại tài".
__________________________________
1. Bà Ba Cẩn, vợ ba Đề Thám.
2. Chỉ Hoàng Hoa Thám.
3. Ông Đại là tên đại lý người Pháp ở Nhã Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM