Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:59:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 28079 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 10:03:38 pm »


Trận Yên Lỗ ngày 6 tháng 9:

Sáng ngày 6 tháng 9, khoảng 15 nghĩa quân đột nhập làng Thái Lai (cách Phúc Yên 6 cây số, phía tây trên bờ sông Cà Lồ). Bô-ni-pha-xi được tin liền huy động lực lượng đến bao vây thì nghĩa quân đã rút về Yên Lỗ. Ngay chiều hôm đó, Bô-ni-pha-xi lợi dụng ưu thế về quân số dẫn quân tới bao vây Yên Lỗ.

Bộ binh địch đã tiến sát làng nên trọng pháo không sử dụng được. Phía đông bắc, đại úy La-xôn tiến quân rất chật vật vì nghĩa quân bắn trả lại rất dữ dội. Địch liều mạng xông đến cổng làng phía đông bắc. Dù đã có chất nổ phá cổng nhưng La-xôn vẫn dẫn quân vào làng. Cuộc chiến đấu trong làng diễn ra gay go quyết liệt: địch tiến sát các tường lũy vào chiến hào; nghĩa quân đốt cháy các nhà xung quanh để chặn địch; hai bên đánh giáp lá cà, địch dùng bộc phá để phá công sự của nghĩa quân. Trời tối mịt, nghĩa quân rút qua ao về phía tây bắc để lại 7 xác chết và 4 cây súng. Bên địch chết 8, bị thương 7, trong đó có đại úy Phông-ten (Fontaine).

Sau trận đó, một bộ phận lực lượng địch được nghỉ chiến đấu sau một thời gian hành quân liên miên và hao tổn. Còn nghĩa quân phần bị tiêu hao, phần còn lại cũng rút dần sang Vĩnh Yên sát nhập với bộ phận chính do Đề Thám chỉ huy, lúc này đã lập căn cứ trên núi Lang ở phía bắc Vĩnh Yên.

Ngày 28 tháng 9, được tin báo, Phác-dát cùng Lê Hoan và Bô-ni-pha-xi họp bàn quyết định chuyển quân về Vĩnh Yên tiếp tục truy kích nghĩa quân, còn sự trị an ở Phúc Yên giao cho các lực lượng khố xanh đảm nhiệm.

Như vậy là qua hai tháng trời hành binh mệt mỏi, địch vẫn không đạt mục đích đã định.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 11:32:16 am »


Câu hỏi 29: Hãy cho biết tình hình chiến sự phía bắc Vĩnh Yên và tương quan lực lượng giữa nghĩa quân và quân Pháp?
Trả lời:


Từ sau trận Hiền Lương (ngày 25-7) Đề Thám để một bộ phận nhỏ ở lại Phúc Yên để kiềm chế địch, còn đại bộ phận thì rút về đóng ở chân núi Lang thuộc huyện Lập Thạch, phía bắc Vĩnh Yên.

Cuộc hành quân của Đề Thám hết sức bí mật, suốt hai tháng 8 và 9 địch không dò ra vết tích. Thực ra từ đầu tháng 8, Sốp-lê đã phong thanh nghe tin nghĩa quân xuất hiện ở núi Lang, nhưng đội thân binh của Lê Hoan sau khi điều tra lại không xác nhận tin này. Trung tuần tháng 8, thiếu tá Bô-ni-pha-xi chỉ huy tiểu đoàn đóng ở Việt Trì đã phái trinh sát đến vùng Bình Sơn trên bờ sông Lô nhưng không tìm được manh mối gì. Ngày 12 tháng 9, công sứ Phú Thọ yêu cầu tiểu đoàn Việt Trì phái 20 lính lê dương và 30 lính khố đỏ do trung úy Ghê-ny (Guény) về đóng ở Từ Đà để kiểm soát vùng này, ngăn chặn nghĩa quân tràn sang Phú Thọ. Ngày 21 tháng 9, Ghê-ny được tin báo có khoảng 60 nghĩa quân xuất hiện ở núi Lang, nhưng cuộc hội nghị giữa bọn tuần phủ ở Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Phú Thọ lại không xác nhận tin đó.

Những tin tức không ăn khớp nhau như thế chứng tỏ nghĩa quân hành động hết sức bí mật, đồng thời cũng chứng tỏ thêm nữa sự bất lực của tình báo địch. Điều đó càng giúp Đề Thám có cơ hội tổ chức lại lực lượng, đặng chuẩn bị ứng phó với âm mưu tiến công của quân thù. Cuối tháng 9 địch đã dò được bản doanh của Đề Thám ở núi Lang. Bô-ni-pha-xi cấp tốc điều quân rời khỏi Phúc Yên.

* Một số trận đánh tiêu biểu:

Trận núi Lang ngày 5 tháng 10:

Ngày 29 tháng 9, Bô-ni-pha-xi dẫn đại quân rời Phúc Yên tiến về phía bắc Vĩnh Yên. Bản doanh địch đặt ở Mãn Hóa, còn pháo binh đóng ở Quảng Cư.

Thân binh của Lê Hoan đóng ở Quảng Cư và Liễn Sơn.

Ý định của Bô-ni-pha-xi là dùng thân binh chiếm dần dần các làng Mán chung quanh núi Lang để càng thắt chặt vòng vây và triệt đường tiếp tế của nghĩa quân.

Đêm mùng 2 tháng 10 nghĩa quân đào công sự phòng thủ khá kiên cố trong thung lũng giữa hai mỏm 305 và mỏm 616. Từ ngoài đi vào về phía tây có một con đường nhỏ, chỗ quang chỗ rậm, cỏ lút đầu người, lại qua một cánh rừng có suối chắn ngang, có chỗ dốc ngược rất trơn, địch lần vào được cũng mất khá nhiều công sức.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 11:32:45 am »


Sáng mùng 3 tháng 10, địch chia nhiều ngả tiến vào. Khoảng quá trưa địch chỉ cách nghĩa quân vài trăm thước. Nghĩa quân cảnh giới thoáng thấy bóng địch, từ vị trí tiền tiêu nghĩa quân bắn ra. Cuộc chiến đấu bắt đầu.

Đại úy Sát-tơ-li-ê được lệnh tiến quân lên đồi để tiêu diệt vị trí tiền tiêu và để quan sát vị trí các chiến hào của nghĩa quân. Nhưng bất thình lình từ trong các chiến hào có bụi cây che kín, nghĩa quân bắn ra rất trúng, gây nhiều thiệt hại cho chúng; thêm vào đó, vì địa hình chằng chịt dây leo gai góc, địch tiến quân rất chật vật.

Đến 4 giờ chiều, Sát-tơ-li-ê ra lệnh xung phong chiếm chiến hào nghĩa quân, nhưng vô hiệu quả. Trong đợt chiến đấu này, Đỗ Huỳnh - thư ký của Đề Thám hy sinh.

Trong lúc đó thì đơn vị của đại úy Say-len đang tiến dọc theo suối cũng bị nghĩa quân đón bằng nhiều tràng đạn từ chiến hào bên bờ suối và từ sườn dốc bắn ra.

Đơn vị Say-len liền tản rộng ra hai bên bờ suối để tránh đạn. Dốc cao trơn, khó trèo, đạn bắn như mưa, địch tiến rất chậm, số thương vong khá nhiều. Trung úy Gờ-rét-sanh (Gressin) hạ lệnh ném thủ pháo vào chiến hào của nghĩa quân nhưng chiến hào trên cao, địch ở chân dốc, ném lên khó trúng. Trọng pháo địch không có chỗ đặt nên cũng vô dụng.

Trời về chiều, đại úy La-xôn gửi thêm quân tới tiếp viện. Địch liều mạng xung phong đợt khác, hy vọng chiếm lĩnh chiến hào nghĩa quân trước khi trời tối, nhưng cũng thất bại.

Còn đội tiên phong do trung úy Ghê-ny dẫn đầu thì cũng không tránh khỏi tổn thất nặng nề. Được một tên dẫn đường, đi theo một con đường nhỏ xuyên rừng, vượt suối nhưng đột nhiên một loạt đạn của nghĩa quân bắn ra, tên dẫn đường trúng đạn chết ngay. Đơn vị khố đỏ đi đầu, tiến lên vài bước nữa, lại bị một loạt đạn ở sườn dốc bắn xuống. Địch nháo nhác chạy dạt sang bờ suối bên trái, lùi vào rừng, một bộ phận không rút kịp, để lại bên dòng suối 3 xác chết. Bị thương vong nhiều, Ghê-ny dẫn quân trở ra định xuyên rừng tiến về phòng tuyến quân ta bằng ngả phía tây. Đến 4 giờ chiều, địch chỉ còn cách ta không xa nhưng chúng không sao tiến sát được nữa. Tiểu đội liên thanh chết quá nửa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 11:33:01 am »


Phía bên trái, mấy đợt xung phong của trung đội La-ca-ban (Lacabanne) định tiến về phía đông nhưng cũng thất bại nốt. Nghĩa quân nấp trong các chiến hào ở sườn núi trên cao nên lợi thế, hễ địch ló ra tên nào là ngã luôn tên ấy. Cuối cùng chúng phải lùi về phía tây, sát nhập với cánh quân của Ghê-ny.

Thiếu tá Bô-ni-pha-xi thấy cánh quân của đại úy Sát-tơ-li-ê loay hoay mãi không tiến được đến các chiến hào của nghĩa quân ở trên đồi và dưới suối, bèn ra lệnh cho đại úy A-bơ-la (Abolard) đem quân tiếp viện, hợp với cánh quân của đại úy Sát-tơ-li-ê. Khoảng 4 giờ, A-bơ-la đã nối được với trung đội Ghê-ny, tạo thành một thế bao vây vị trí nghĩa quân trên đồi.

Ba cánh quân A-bơ-la, Ghê-ny, Sát-tơ-li-ê phối hợp mở cuộc tấn công mạnh vào vị trí quân ta. Chúng liệng thủ pháo vào chiến hào của ta rồi xung phong. Bên ta 5 chiến sĩ hy sinh. Nghĩa quân rút khỏi phòng tuyến thứ nhất. Trời tối dần, hai bên ngừng súng, địch đóng quân ngay trên phòng tuyến mới chiếm.

Suốt một ngày chiến đấu, địch tổn thất nặng, ba cánh quân A-bơ-la, Ghê-ny, Sát-tơ-li-ê, phối hợp mới chiếm được phòng tuyến thứ nhất ở sườn bắc. Chiến hào cạnh suối cũng đã bị trung đội Boay có pháo binh trợ lực chiếm được; còn bên kia suối, cánh quân Say-len vẫn nằm bẹp gí cách chiến hào ta mấy thước. Địch có 17 tên chết và 39 tên bị thương.

Đêm hôm đó trời mưa to, nghĩa quân rút khỏi núi Lang tiến về Tam Đảo.

Sớm hôm sau, địch tiến vào chỉ còn công sự bỏ không. Bô-ni-pha-xi chỉ để lại thân binh và dõng để tiếp tục lùng soát trong rừng đề phòng nghĩa quân trở lại, còn chúng thì rút hết lực lượng lê dương và khố đỏ đem theo thương binh về Phương Ngạc, Quế Nhâm, Văn Thạch và Quế Chạo. Trận núi Lang là một thất bại lớn trên chiến trường Vĩnh Yên, mà cũng là trận phòng ngự lớn cuối cùng của nghĩa quân Đề Thám. Một lần nữa, chiến thuật phòng ngự dựa vào địa hình hiểm trở của Đề Thám đã gây cho địch nhiều tổn thất. Bô-ni-pha-xi thú nhận rằng chúng đã đụng phải một đối phương hoàn toàn có tổ chức và thiệt hại của chứng quá nặng nề so với thiệt hại của nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 10:31:29 pm »


Câu hỏi 30: Trên chiến trường Tam Đảo và Thái Nguyên nghĩa quân của Đề Thám khi ẩn, khi hiện gây cho địch nhiều lúng túng, Đề Thám đã dùng cách nào để thực hiện điều đó?
Trả lời:


Sau trận núi Lang, địch vẫn đóng quân quanh quẩn vùng này và vẫn chưa tìm ra manh mối chỗ ở của nghĩa quân. Mãi tới ngày 17 tháng 10 năm 1909, địch mới dò được rằng ngay sau khi rút khỏi núi Lang, Đề Thám đã vượt sông Đáy1 qua lũng Vĩnh Ninh vào rặng Tam Đảo. Ngày 18 tháng 10, Bô-ni-pha-xi cho quân đóng dọc chân núi phía tây nam Tam Đảo từ Đạo Trù qua Vĩnh Ninh, Hoàng La đến Ninh La. Sau trận núi Lang, mặc dù nghĩa quân có gây cho địch thiệt hại nặng nhưng hàng ngũ nghĩa quân cũng bắt đầu lung lay.

Ngày 23 tháng 10, Cả Dinh và sáu nghĩa quân khác đến đồn Liễn Sơn nộp súng đầu hàng. Trong khi đó, Đề Thám dẫn quân vượt tắt rặng Tam Đảo sang địa hạt Thái Nguyên. Được tin nghĩa quân xuất hiện ở phía nam Cát Nê (sườn phía bắc Tam Đảo thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Bô-ni-pha-xi phái A-bơ-la dẫn quân vượt tắt qua núi Tam Đảo đóng dọc từ Mỹ Trạng đến Cát Nê chặn nghĩa quân rút lên chợ Chu. Đại bộ phận lực lượng quân của Bô-ni-pha-xi vẫn đóng tại Vĩnh Ninh chờ thêm tin tức, sẵn sàng men theo phía nam Tam Đảo qua Mỹ Khê, đèo Nhe, quặt lên phía bắc, tạo một thế bao vây gọng kìm đối với nghĩa quân.

Đơn vị của A-bơ-la xuất phát từ Vĩnh Ninh ngày 24 tháng 10. Qua hơn một ngày trèo dốc cao, hôm sau chúng tới Mỹ Trạng lúc 2 giờ chiều. Nghe tin Đề Thám xuất hiện ở Thác Vàng và có ý muốn qua Yên Thái lên Đại Từ rồi ngược lên chợ Chu, A-bơ-la phái một trung đội khố đỏ đóng ở Cù Vân, một trung đội khố đỏ khác đóng ở Phục Linh (trên đường Tuyên Quang - Thái Nguyên), còn tiểu đội lê dương đóng ở Hùng Sơn (huyện lỵ Đại Từ) chặn nghĩa quân. Bị chặn khắp các ngả nên sáng 27 tháng 10, Đề Thám phải dẫn quân trở lại Đồng Bỏng (trên bờ sông Kông cách Thác Vàng 4 cây số). Các trung đội khố đỏ ở Cù Vân và Phục Linh được lệnh về tập trung ở Hùng Sơn, rồi kéo cả về Lục Ba ngay chiều hôm đó. Địch bắt dân chúng tra hỏi dấu vết nghĩa quân nhưng dân chúng một lòng ủng hộ nghĩa quân, hết sức giữ bí mật khiến địch không khai thác được mảy may. A-bơ-la nơm nớp lo nghĩa quân rút được lên phía bắc về phía chợ Chu nên lại dẫn quân trở lại Hùng Sơn. Quân địch vừa lục tục kéo về Hùng Sơn chưa nóng chỗ lại được tin báo nghĩa quân đang hạ trại ở đông bắc Đồng Bỏng. A-bơ-la hấp tấp kéo quân về Bờ Rạ (cách Hùng Sơn 13 cây số). Đồng Bỏng đối diện với Bờ Rạ cách nhau bằng con sông Kông khoảng một cây số. Nghĩa quân ngay đêm hôm đó nhổ trại rút lên phía bắc qua núi Pháo. Sáng ngày 29 tháng 10, địch vượt sông Kông sang Đồng Bỏng lục lọi đến 3 giờ chiều mới tìm ra chỗ đóng quân của Đề Thám, nhưng cũng từ đó chúng mất hẳn dấu vết đường rút lui của nghĩa quân. Địch lại đem quân trở lại Bờ Rạ.

Cuộc hành quân bí mật, nhanh chóng khi ẩn khi hiện của nghĩa quân làm cho địch loay hoay lúng túng trong suốt 13 tiếng đồng hồ. Chúng lặn lội trong rừng, dưới suối mà không đem lại kết quả gì.
_________________________________
1. Sông Đáy: Con sông này còn có tên là Phó Đáy, bắt nguồn từ phía bắc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang qua Vĩnh Yên chảy ra sông Hồng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 10:31:50 pm »


Trong khi đó đại bộ phận lực lượng của Bô-ni-pha-xi đang đóng ở Vĩnh Ninh thì được tin công sứ Thái Nguyên cho biết Đề Thám đang trên con đường từ Đồng Bỏng đến Bến Đông. Bô-ni-pha-xi dẫn quân rời khỏi Vĩnh Ninh (ngày 26-10) men theo sườn phía nam Tam Đảo qua Lưu Quang, Mỹ Khê vòng lên Thanh Lộc (gần trận địa làng Lầy khi trước). Tới đây Bô-ni-pha-xi đã bắt liên lạc được với A-bơ-la đang quanh quẩn ở Đồng Bỏng (từ Đồng Bỏng đi Bến Đông khoảng 13 cây số). Bô-ni-pha-xi đang tính chuyện bao vây tiêu diệt nghĩa quân bằng hai gọng kìm, phía bắc là quân của A-bơ-la và phía nam là quân của Bô-ni-pha-xi, nên ra lệnh cho A-bơ-la phải bám sát nghĩa quân, tìm cách dồn về phía nam, đợi đại quân ở Thanh Lộc sẽ vượt đèo Nhe kéo sang đón đầu. Đồng thời, hắn còn yêu cầu giám binh Thái Nguyên gửi lính khố xanh đến tăng viện. Mưu kế của Bô-ni-pha-xi chưa được thực hiện thì Đề Thám đã khôn khéo rút khỏi Đồng Bỏng vượt qua núi Pháo tràn qua làng Khóc Long sang đóng ở núi Sơn Cẩn (giáp đường quốc lộ 3 cách Thái Nguyên 10 cây số về phía bắc), nghĩa quân đã thoát được gọng kìm ác liệt của địch.

Bô-ni-pha-xi bèn hạ lệnh cho A-bơ-la tiến quân đóng tại Cù Vân và càn quét mạnh vùng rừng núi giữa sông Cầu và Hùng Sơn, bao vây nghĩa quân vùng Sơn Cẩn. Chiều ngày mùng 3 tháng 11, được tin báo nghĩa quân đang dự định vượt sông Cầu ở mạn Hóa Thượng muốn tiến về Yên Thế, Bô-ni-pha-xi hạ lệnh cho đại bộ phận lực lượng tiến xuống Thái Nguyên, còn đại đội La-xôn đóng ở Lý Nhân và đại đội Say-len đóng ở làng Cường chuẩn bị hoạt động ở hữu ngạn sông Cầu đón đánh quân ta.

Trong 14 ngày (từ mùng 4 đến ngày 17-11-1909), nghĩa quân dùng kế nghi binh khiến Bô-ni-pha-xi trong hai tuần lễ càn quét hầu hết các làng hai bên tả hữu ngạn sông Cầu mạn bắc Thái Nguyên không đem lại kết quả gì. Có lúc quân địch vừa định điều đại đội Say-len hấp tấp đi từ Thái Nguyên về cách Mỏ Na Lương (ngày 6-11) hai cây số, lại vừa hấp tấp kéo quân trở lại Thái Nguyên.

Ngày 7 tháng 11, Đề Thám xuất hiện ở Na Nua cách Xa Lung ba cây số về phía nam, đại đội La-xôn vội vã kéo quân đến thì nghĩa quân đã rút tự lúc nào. Từ ngày 10 tháng 11, địch bố trí đóng suốt mấy làng Na Nua, Khe Mo, Phủ Lý, Trại Cả để chặn đường sang Yên Thế. Suốt ngày địch càn đi quét lại lùng bắt nhân dân tra hỏi lấy tin, kiểm soát rất ngặt nghèo, nhưng nghĩa quân vẫn rút được về Mỏ Na Lương trở về Phồn Xương hoạt động trong địa bàn cũ vùng Yên Thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 10:32:45 pm »


Câu hỏi 31: Những ngày cuối cùng của Đề Thám và phong trào Yên Thế diễn ra như thế nào?
Trả lời:


Sau hơn 10 tháng trời quần nhau với địch trên một địa bàn rộng lớn từ bắc Vĩnh Yên qua Phúc Yên đến Thái Nguyên, tuy làm địch tổn hại nhiều nhưng phía nghĩa quân lực lượng cũng hao mòn. Tướng lĩnh giỏi, người thì ra hàng, người thì hy sinh, quân số bị hao hụt mà không bổ sung được. Trung tuần tháng 11, Đề Thám dẫn mấy chục nghĩa quân sống sót trở về Yên Thế.

Ngày 17 tháng 11, địch được tin về nghĩa quân của Đề Thám, chúng liền phái hai đội quận của Arbơ-la và Sát-tơ-li-ê về đóng ở Mỏ Na Lương, hai đại đội Say-len và La-xôn về đóng ở Canh Nậu, còn Bô-ni-pha-xi đóng bản doanh ở Nhã Nam. Các đơn vị địch đóng ở Yên Thế từ sau cuộc hành binh tháng 5 đều được huy động để lùng bắt nghĩa quân.

Ngày 30 tháng 11, được tin báo nghĩa quân hoạt động trong vùng tam giác Mỏ Trạng, chợ Gồ, Dĩnh Thép, Bô-ni-pha-xi phái đại đội Sát-tơ-li-ê và La-xôn đóng ở Mỏ Trạng, Say-len đóng ở chợ Gồ, A-bơ-la đóng ở Nhã Nam để phục kích. Thân binh của khâm sai Lê Hoan đóng thành từng đồn nhỏ, bố trí các ổ phục kích, tạo thành một vòng vây khá chặt. Các đơn vị khố xanh có nhiệm vụ lục soát thật kỹ các cánh rừng và các lối đi.

Cuộc vây lùng làm địch khá mệt mỏi nhưng cũng gây nhiều khó khăn cho bên ta, như việc tiếp tục chiến đấu đã trở nên khó khăn, sự ủng hộ của nhân dân đối với nghĩa quân sút kém vì địch ra tay khủng bố ác liệt.

Kết quả là sau khi trở về Yên Thế, lực lượng nghĩa quân càng ngày càng suy mòn rất chóng. Sáng ngày 1 tháng 12, bà Ba Cẩn bị bắt sống trong lúc gặp địch đi tuần. Hôm sau, hồi 1 giờ 30 sáng ngày 2 tháng 12, Đề Thám và năm nghĩa quân bị rơi vào một ổ phục kích của giặc, Đề Thám nhờ lúc trời chưa sáng rõ nên chạy thoát. Chiều ngày 3 tháng 12, có ba nghĩa quân chạy sang hàng ngũ thân binh của Lê Hoan. Ngày 4 tháng 12, một người anh con ông bác vừa là tâm phúc của Đề Thám tên là Cõn ra hàng; ngày 5 tháng 12, ba nghĩa quân nữa ra hàng. Từ đây Đề Thám chỉ còn mấy thủ hạ thân tín. Địch ra công lùng để bắt bằng được Đề Thám trong rừng cũng như ngoài xóm.

Lực lượng nghĩa quân như vậy có thể xem như đã tan rã. Mười tháng qua, sau mỗi trận đánh, mặc dầu nghĩa quân đã gây ra cho địch tổn thất nặng nề nhưng nghĩa quân cũng bị tiêu hao nhiều sức lực cũng như quân số. Cuối tháng Giêng năm 1909, khi cuộc hành binh của đại tá Ba-tay bắt đầu, lực lượng nghĩa quân có chừng 130 người đến 200 người; tới tháng 5 nghĩa quân bắt đầu phân tán, có bộ phận tản sang Phúc Yên, có bộ phận rút về hoạt động ở phía tây rặng Cai Kinh. Sang tháng 7, khi đại bộ phận nghĩa quân hoạt động ở Phúc Yên thì lực lượng không còn được 100 người. Đến trận núi Lang, mặc dầu quân ta chống cự oanh liệt nhất và địch cũng thiệt hại nhiều nhất từ đầu năm đến nay, nghĩa quân chỉ còn có năm chục người. Các tướng giỏi, người thì ra hàng như Cả Dinh, Cai Sơn, người thì bị bắt hoặc tử trận như Cả Trọng, Lý Thu, Cả Huỳnh, Ba Biểu, Hai Nôm, Huân. Những ngày cuối cùng, Đề Thám chỉ còn vài thủ hạ thân tín.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 10:36:28 pm »


Đầu tháng 12 năm 1909, cuộc hội nghị giữa tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương và thống sứ Bắc Kỳ nhận định rằng cuộc hành binh đàn áp phong trào Yên Thế căn bản đã đạt mục đích. Khi Yên Thế đã bị chiếm đóng, bộ máy hành chính đã được thiết lập trong vùng, lực lượng nghĩa quân đã tan rã, việc lùng bắt lãnh tụ nghĩa quân Đề Thám không cần thiết phải có một lực lượng lớn. Do đó việc giải tán đạo quân tuần tiễu được đặt ra. Ngày 9 tháng 12, đại bộ phận quân chính quy trở về Hà Nội, đơn vị thân binh của khâm sai Lê Hoan cũng rút về xuôi. Lực lượng tuần tiễu để lại Yên Thế chỉ còn một đơn vị do thiếu tá Bô-ni-pha-xi chỉ huy, giúp sức có một số các đơn vị khố xanh. Kế hoạch của chúng lúc này là chiêu hàng các nghĩa quân còn ẩn nấp ở các làng. Chúng tuyên bố khoan hồng những người ra hàng cho về nhà làm ăn, nhưng một tháng sau chúng bắt 60 nghĩa quân đã ra hàng đem xử án đày đi Côn Đảo và đảo Guy-am1.

Ngày 26 tháng 1 năm 1910, trong một trận giao chiến nhỏ với bọn tuần tiễu gần chợ Gồ, nghĩa quân hy sinh thêm một người. Hai hôm sau, Đề Thám và một nghĩa quân khác gặp bọn dõng đi tuần, Đề Thám bắn chết một dõng rồi chạy thoát.

Từ đó Đề Thám chỉ còn vài thủ hạ thân tín bên mình nay xuất hiện ở Lục Giới, mai có mặt ở Bằng Cục hay Thụy Cầu, địch ngày đêm ra công lùng bắt vẫn vô hiệu.

Địch bèn áp dụng mưu kế hiểm độc hơn. Chúng âm mưu với tay sai đắc lực là Lương Tam Kỳ, phái ba tên thủ hạ thân tín người Hoa kiều đến Yên Thế tìm cách sát hại Đề Thám. Lúc đó là trung tuần tháng 1 năm 1913. Ba tên này đã gây được tín nhiệm với Đề Thám bằng cách phao tin có một toán quân Trung Hoa đầy đủ khí giới sẽ đột nhập Bắc Kỳ viện trợ nghĩa quân2. Tuy dùng chúng, Đề Thám vẫn cảnh giác đề phòng, không phát súng mà chỉ cho mang xẻng cuốc và thường cho canh gác ở ngoài mà thôi.
_________________________________
1. Theo nhân dân kể lại thì bà Ba Cẩn cũng bị đem đi đày ở Guy-am với con gái là Hoàng Thị Thế, nhưng dọc đường bà Ba Cẩn nhảy xuống biển tự tử.
2. Có tài liệu cho biết vì có sự giới thiệu của Lương Tam Kỳ nên ba tên này mới gây được tín nhiệm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 10:42:08 pm »


Tết năm đó, tại một địa điểm trong rừng sâu, lãnh tụ nghĩa quân cùng với thủ hạ và một số cụ già bạn chiến đấu cũ ở các làng Lục Giới, làng Trũng, làng Lèo, Bằng Cục, Ngọc Cục tổ chức đón xuân. Đề Thám sau bữa rượu ngà ngà say chỉ vào cây to trước mặt nói với thủ hạ: "Ta trông cái cây trước mắt có ba cành vướng mắt quá. Phải chặt nó đi"1 . Lời nói vô tình hay hữu ý làm ba tên tay sai chột dạ, bàn nhau phải hạ thủ ngay.

Đêm đến, chúng xô lại chỗ Đề Thám nằm để cướp súng và trong lúc bất ngờ một tên trong bọn là tên Bảy đã dùng cuốc bổ vào đầu Đề Thám. Người anh hùng sau hơn hai chục năm vật lộn với giặc đã ra đi. Đó là đêm mồng 9 tháng 2 năm 1913 tức ngày mồng 4 tháng Giêng năm Duy Tân thứ hai.

Giết xong Đề Thám, chúng vùi xác xuống Hố Lẫy trong rừng Tổ Cú cách chợ Gồ 2 cây số.

Sáng hôm sau chúng chặt đầu Đề Thám đem nộp đồn Nhã Nam cùng khẩu súng Lebel và hai khẩu mút-cơ-tông và 183 viên đạn. Tên đại lý Nhã Nam triệu tập bô lão trong làng và Thị Tảo vợ cả Đề Thám đến nhận diện cho đích xác.

Sau đó, chúng bêu đầu Đề Thám ở cổng đồn Nhã Nam để uy hiếp tinh thần nhân dân, đồng thời đề cao chiến công "dẹp loạn" của chúng2.
____________________________________
1. Ba tên thủ hạ Lương Tam Kỳ đã bỏ cà độc dược (hay thuốc mê) vào rượu định sau đó bắt sống Đề Thám.
2. Về cái chết của vị thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế có nhiều giả thuyết khác nhau. Có tài liệu cho biết số thủ hạ Lương Tam Kỳ phái đến chỉ có hai chứ không phải là ba tên, có tài liệu lại cho biết Lương Tam Kỳ theo lệnh Pháp tìm cách mua chuộc hai thủ hạ thân tín của Đề Thám chứ không phải sai người ngoài tới. Cũng có tài liệu nói rằng không phải Đề Thám bị sát hại vì tính cụ Đề rất cảnh giác, địch khó hạ thủ được. Địch đã giết sư ông chùa Lèo vốn rất giống khuôn mặt Đề Thám, rồi tung tin đã giết được Đề Thám để yên lòng bọn tay sai, khoe khoang chiến công của chúng, đồng thời làm tan rã tinh thần ái mộ người anh hùng của nông dân Yên Thế. Tuy nhiên giả thiết này cũng chưa có gì làm căn cứ chắc chắn. Ở đây chúng tôi dựa vào nhiều tài liệu khác nhau để sơ bộ kết luận rằng địch đã bắt giết được Đề Thám ngày 9 tháng 2 năm 1913.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2017, 10:43:19 pm »


Câu hỏi 32: Nguyên nhân thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Thế?
Trả lời:


Mặc dù đã nỗ lực và kiên cường đấu tranh với kẻ địch trong suốt 20 năm, cuối cùng cuộc khởi nghĩa oanh liệt ở Yên Thế đã thất bại.

Trước hết, vì là một bộ phận của phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa Yên Thế không thể thoát khỏi khuôn khổ phong kiến chật hẹp. Cũng như các phong trào kháng Pháp khác trong giai đoạn Cần Vương, cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã thiếu hẳn tính chất triệt để của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như đã mang nặng tính chất địa phương, cô độc và bảo thủ hẹp hòi. Chính vì thế mà nông dân Yên Thế là động lực chủ yếu của phong trào đã không phát huy triệt để được khả năng cách mạng sẵn có trong suốt quá trình khởi nghĩa để cùng các lực lượng khác của dân tộc đẩy mạnh phong trào tiến tới. Mặc dù họ căm thù thực dân xâm lược, nhưng nguyện vọng có ruộng cấy trâu cày đã không thể thành sự thật, ngay cả trong những năm dài vùng Yên Thế được giải phóng thoát khỏi sự xâm chiếm của giặc Pháp và đặt dưới quyền cai trị của nghĩa quân. Đương nhiên chúng ta không thể đòi hỏi ở phong trào Yên Thế một chính sách ruộng đất toàn diện và quy mô chỉ có thể thực hiện dưới một chính quyền do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhưng so ngay với phong trào nông dân thế kỷ thứ XVIII do anh em Tây Sơn lãnh đạo thì cũng thấy phong trào Yên Thế trong căn bản đã thiếu khí thế mãnh liệt của một đội quân nông dân một khi đã bước đầu thỏa mãn một phần nào nguyện vọng ấp ủ từ bao đời.

Từ năm 1897 về sau, trong những điều kiện lịch sử mới, tuy phong trào có biến chuyển, nhưng sự biến chuyển đó cũng rất hời hợt, nặng về phần tác động khách quan bên ngoài hơn là do chính điều kiện nội thân. Vì vậy mà trước sức khủng bố ác liệt của giặc Pháp, nghĩa quân Đề Thám ngày càng suy yếu và dần dần mất chỗ dựa vững chắc trong dân chúng để củng cố lực lượng và tiếp tục chiến đấu với quân thù.

Hơn thế nữa, nghĩa quân tuy có chiến thuật chiến lược đúng đắn, nhưng ngay trong việc áp dụng chiến thuật và chiến lược đó cũng đã phạm một số sai lầm.

Thực tế, sau các cuộc hội kiến với các nhà yêu nước, Hoàng Hoa Thám không tuyên bố theo con đường tư sản dân chủ, cũng như chẳng bao giờ chính thức tuyên bố tôn phò một quan vương nào. Đó là nét đặc biệt của phong trào nông dân Yên Thế: Vũ trang yêu nước không có một xu hướng chính trị rõ rệt dẫn đường trong khi việc chiến thắng một kẻ thù dân tộc là chủ nghĩa đế quốc lại rất cần có một xu hướng chính trị mới chỉ đạo cho phong trào - một phong trào "tự mình không lãnh đạo được giai cấp mình đi tới thắng lợi" là phong trào nông dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM