Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:28:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 27892 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:34:41 am »


Trận Đồng Đăng ngày 11 tháng 2:

Nhóm Cả Dinh, Cả Huỳnh, Ba Biểu, Lý Thu đóng quân trong một thung lũng gần Nà Sạt trên con đường từ Đồng Vương đi Yên Thế. Hồi 7 giờ sáng ngày 11 tháng 2, May-ơ dẫn quân tiến về Đồng Vương, 10 giờ 20 phút sáng, quân tuần tiễu hai bên gặp nhau ở Đồng Đăng. Sau mấy phát súng, nghĩa quân rút lui. Quá trưa địch tiến vào thung lũng, nghĩa quân nấp trong một nhà của người Mán bắn ra, hai tên đội Ca-sa-nô-va (Casanova) và Bu-lốt (Boulault) bị trọng thương, về đến căn cứ thì chết.

Địch dàn quân sang phía tây do đại úy Cô-le chỉ huy về phía đông do trung úy Vi-rô (Viraud) phụ trách để bao vây nghĩa quân, nhưng vẫn không tiến thêm được bước nào.

Tới 4 giờ 45 phút chiều, cánh quân của Vi-rô mới tiến lên một ngọn đồi chiếm được của nghĩa quân, sẩm tối thì súng ngừng bắn. Địch bố trí thêm lực lượng ở phía bắc Đồng Vương chặn đường rút của nghĩa quân, nhưng lợi dụng đêm tối nghĩa quân vẫn rút được an toàn.


Trận Sơn Quả ngày 11 tháng 2:

Trong lúc nghĩa quân đang giao chiến với địch ở Đồng Đăng thì từ sáng sớm ngày 11 tháng 2, Cai Sơn chỉ huy một toán nghĩa quân tiêu diệt đồn Đức Thắng, rồi đóng trong làng Sơn Quả. Lập tức 1 đội 60 lính Âu và 1 trung đội sơn pháo từ Hà Châu kéo đến Sơn Quả phối hợp với một đơn vị khố xanh, tất cả là 150 cây súng. Đại úy Pa-giơ bố trí quân vây chặt Sơn Quả, hạ lệnh pháo binh bắn quét chung quanh làng, sau đó cho bộ binh xung phong tiến vào. Nghĩa quân bình tĩnh đón chúng bằng một loạt đạn bắn phát một rất trúng. Đêm tối Pa-giơ hô quân xung phong tiến vào phía nam, nghĩa quân anh dũng cầm cự buộc địch phải rút ra ngoài. Sáng hôm sau, sau khi đốt làng, chúng lại tiến vào nhưng nghĩa quân đã rút từ đêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:35:53 am »


Trận Đồn Đện ngày 20 đến ngày 21 tháng 2:

Từ ngày 12 đến ngày 20 tháng 2, địch càn đi quét lại vùng Rừng Tre từ Nhã Nam đến Mỏ Na Lương, tiến hành xây dựng chợ Gồ thật kiên cố.

Trong khi đó, nghĩa quân vẫn quấy rối, đánh các đội tuần tiễu, cắt đường dây điện thoại của địch.

Cả Dinh, Ba Biểu và Lý Thu tức Đề Bảo sau trận Đồng Đăng đã rút lên phía Đồn Đện. Ngày 20, toán quân của Cả Dinh, Cả Huỳnh xuất hiện giữa làng Chiềng và trại Sông Soi. Lơ Ca-nuy được lệnh dẫn quân đến làng Chiềng; đơn vị lính khố xanh ở khu Nhã Nam do giám binh Poa-lơ-vay (Poilevey) chỉ huy sẽ đóng ở Sông Soi chặn hết các ngả đường từ làng Chiềng lại; cánh quân May-ơ chặn hết các ngả đường từ phía Đồng Vương - Ngao Thượng, trung úy La-mi chỉ huy khu chợ Phổng huy động binh lực trong khu đến đóng ở Mỏ Xạt chặn hết ngả đường từ mỏm núi 208 và chợ Khe đi tới.

12 giờ, May-ơ chạm trán một toán nghĩa quân của Cả Dinh, Ba Biểu, Lý Thu ở phía bắc mỏm 208 (cao 800 thước). Chỉ có 40 lính nên May-ơ không dám đánh, hạ lệnh nấp sau các mô đất và chiến hào sâu chờ viện binh đến. Đến 3 giờ 45 phút, đại úy Pơ-lay-i dẫn quân tới, hai đội quân hợp lại. Đại tá Ba-tay trực tiếp chỉ huy trận đánh, hạ lệnh tấn công gấp, cố chiếm mỏm 208 trước tối. Nhưng đứng trên cao, lại núp sau khe lá, nghĩa quân nhìn rõ địch nên bắn rất trúng, nhiều sĩ quan Pháp trong đó có đại úy Tết-si-ê bị thương. Ban đêm, mặc dù có thêm đại đội Côn-lô tới tăng viện, địch vẫn không dám mạo hiểm và giữ nguyên vị trí chờ sáng.

Sáng sớm hôm sau, chúng lại xông lên thì nghĩa quân đã rút từ lâu. Lý Thu đi về phía Hữu Lũng, còn Cả Dinh rút về phía Trung Châu, May-ơ tức tốc dẫn quân lục soát quanh vùng nhưng vô hiệu.

Sau hai tháng ròng hành quân liên miên trong rừng rậm, địch tuy chiếm đóng được chợ Gồ, đại bản doanh của nghĩa quân, nhưng vẫn chưa bắt được Đề Thám lại còn bị phục kích luôn là tổn thất nặng, Ba-tay phải thay đổi chiến lược: không dùng lực lượng lớn để càn quét nữa mà mở rộng phạm vi chiếm đóng Yên Thế, thiết lập một hệ thống đồn bốt chi chít trong vùng, ra sức đe dọa, phỉnh phờ dân chúng, hòng cắt đứt quan hệ tốt giữa nghĩa quân và dân chúng.

Từ ngày 25 tháng 2 đến ngày 28 tháng 3 năm 1909, chỉ có những vụ xung đột nhỏ giữa các toán nghĩa quân lẻ với các đội quân tuần tiễu của giặc. Như trận Mỏ Na Lương (ngày 1-3) giữa toán quân Đề Thám, Cai Sơn, Cả Dinh, Ba Biểu với đội quân của trung úy Cu-ri-ê (Courrier). Trong trận này, hai bên chỉ cách nhau khoảng 20-40 mét, cây cối rậm rạp giúp nghĩa quân ẩn nấp kín đáo lại thấy rõ địch, nên sau hai giờ chiến đấu, địch phải bỏ chạy về phía Nhã Nam. Cũng ngày đó, hai lính dõng xung đột với nghĩa quân tại đèo ỉnh; ngày 9 tháng 3 ở Thế Lộc cũng có xung đột nhỏ giữa nghĩa quân và lính dõng; tối 25 rạng 26, Đề Thám bị phục kích ở gần Giản Ngoại, Cả Trọng bị thương nặng nhưng Đề Thám và thủ hạ dìu thoát. Sau đó, Đề Thám lại về ẩn náu ở Rừng Tre với gần 20 thủ hạ thân tín trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, quân địch bao vây tứ phía bằng một hệ thống đồn bốt dày đặc. Cả Trọng chết càng làm cho tình hình thêm khốn quẫn, số nghĩa quân ra hàng ngày một đông, còn nhóm Cả Dinh, Cả Huỳnh, Ba Biểu, Cai Sơn và Lý Thu dời sang vùng Phúc Yên, nhưng đến đầu tháng 4 vì bị địch lùng đuổi riết nên lại quay về địa bàn cũ thuộc Bắc Giang. Do đó nhiều cuộc xung đột quan trọng lại diễn ra trong tỉnh Bắc Giang, lớn nhất là trận Mỏ Thổ (ngày 16-4) giữa nghĩa quân của Cả Huỳnh, do Cai Tề chỉ huy1 và đội lính khố xanh của giám binh Đô-phơ (Dauffes).

Dưới sức mạnh trợ lực của pháo binh địch, nghĩa quân phải rút lui, phần lớn tan rã, bị bắt và đầu hàng. Toán quân của Cả Dinh gặp địch ở Lương Phong (gần Đức Thắng) hai bên bắn nhau từ trưa đến tối thì nghĩa quân bắt buộc trở về Phúc Yên. Còn Cai Sơn, Ba Biểu, Lý Thu thì cũng phiêu bạt mỗi người một nơi.

Tới đây, chiến sự trên địa bàn Bắc Giang coi như chấm dứt.
_______________________________
1. Cả Huỳnh bị thương trong trận Hàm Lợn (Phúc Yên) ngày 15 tháng 3 nên giao quyền chỉ huy cho Cai Tề.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:36:49 am »


Câu hỏi 28: Chiến sự trên mặt trận Phúc Yên giữa nghĩa quân của Đề Thám và quân địch diễn ra gay gắt không khoan nhượng, hãy cho biết thêm về điều đó?
Trả lời:


Từ đầu năm 1909, suốt hai tỉnh Vĩnh Yên - Phúc Yên và một phần tỉnh Bắc Ninh (phía bắc đường sắt Lạng Sơn), có nhiều toán nghĩa quân xuất hiện. Nhờ sức ủng hộ nhiệt liệt của dân chúng trong vùng, và do tính chất cơ động của nghĩa quân, địch không sao tiêu diệt nổi.

Trong tháng 1 năm 1909, một toán nghĩa quân do Hai Nôm chỉ huy xuất hiện ở Thanh Lâm huyện Kim Anh (gần Thạch Lỗi). Cuối tháng 2, quân Hai Nôm xung đột với một đơn vị khố xanh ở Nam Lý (sườn đông nam Tam Đảo); nghĩa quân vượt đèo Bác tiến về phía sông Cà Lồ rồi xung đột với một đơn vị khố xanh ở Thanh Trì. Vì lẽ đó, thượng tuần tháng 3, thống sứ Bắc Kỳ phải yêu cầu tăng viện cho Phúc Yên một đơn vị sơn pháo và một tiểu đội lính Âu. Ngày 3 tháng 3, giám binh Đuy-véc-noa (Duyvernoy) bao vây nghĩa quân ở Thanh Nhàn; mặc dù có pháo binh trợ lực, địch vẫn không chiếm được vị trí nghĩa quân.

Trong khi chưa tiêu diệt được toán nghĩa quân Hai Nôm, thì từ trung tuần tháng 3, địch lại còn phải lo đối phó với các toán quân của Cả Huỳnh, Cai Tề, Ba Biểu, Cai Sơn, Lãnh Thuận, Cả Dinh từ Yên Thế mới tràn sang. Nhiều cuộc chiến đấu lớn đã diễn ra, lớn nhất là trận Hàm Lợn (15-3-1909).

Hàm Lợn là một ngọn núi cao 462 mét sườn đông nam núi Tam Đảo (huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên). Ngày 14 tháng 3, được tin nghĩa quân xuất hiện ở vùng này, giám binh Poa-lơ-vay dẫn một đơn vị lính khố xanh có pháo binh trợ lực đến vây đánh. Đánh táo bạo, xung phong lên quyết chiếm đỉnh núi. Cuối cùng, nhờ có trọng pháo trợ chiến, địch đã buộc nghĩa quân phải rút lui để lại trên chiến trường nhiều xác chết, trong đó có Lãnh Thuận, còn Cả Huỳnh bị thương nặng, Ba Biểu và Hai Nôm chạy thoát.

Sau trận Hàm Lợn, nghĩa quân thực hiện chiến thuật di động vô cùng linh hoạt trên một địa bàn lớn, xuất hiện khi ở Thanh Thủy, khi ở Xuân Lai, Xuân Phát, Vệ Linh, có khi về tận Thư Lâm, chỉ cách Hà Nội có 15 cây số.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:38:41 am »


Địch cố bám sát nghĩa quân để hòng tiêu diệt nên luôn luôn phái quân truy kích ráo riết. Do đó, suốt thời gian từ hạ tuần tháng 3 đến hết tháng 6, nhiều trận tao ngộ chiến đã xảy ra giữa đôi bên, gây cho địch nhiều tổn hại về người và súng ống, nhưng cũng làm cho lực lượng nghĩa quân suy mòn dần. Đầu tháng 4, Cai Tề, Ba Biểu, Cả Dinh dẫn quân định trở về căn cứ Yên Thế nhưng bị chặn ở Mỏ Thổ (ngày 16-4) lại phải trở lại Phúc Yên. Đồng thời cuối tháng 4, đại bộ phận nghĩa quân ở Yên Thế do Đề Thám chỉ huy đã rút khỏi địa bàn Bắc Giang tràn về Phúc Yên làm cho tình hình chiến sự ở Phúc Yên trở nên gay go quyết liệt.

Ngày 7 tháng 5, Voa-danh (Voisin) là giám thị công trường cho tên thầu khoán Lơ-roa (Leroy) ở Hà Nội bị nghĩa quân bắt cóc trên đường Phủ Lỗ - Thái Nguyên. Sau đó nghĩa quân rút về Vệ Linh, địch ở Đa Phúc kéo tới bao vây, ngoài lính khố xanh có thêm một trung đội pháo binh, một trung đội lính Âu lấy ở Hà Nội. Nhưng tối hôm đó, lợi dụng mưa bão, nghĩa quân đã rút khỏi.

Việc Voa-danh bị bắt, nhất là việc nghĩa quân Đề Thám xuất hiện cách Hà Nội không xa lắm làm cho địch rất lo ngại. Một cuộc hội nghị giữa toàn quyền Đông Dương và Tổng chỉ huy quân đội Đông Dương và thống sứ Bắc Kỳ quyết định chấm dứt cuộc hành binh của đại tá Ba-tay ở Bắc Giang và tổ chức một đạo quân mới phụ trách mặt trận Phúc Yên đặt dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Sốp-lê (Chofflet).

Sốp-lê còn được toàn quyền Đông Dương giao cho cả quyền hành chính và quân sự thuộc ba huyện Đa Phúc, Kim Anh, Đông Anh (Phúc Yên) là nơi phong trào nghĩa quân đang sôi nổi. Đến ngày 11 tháng 7 cuộc tấn công bắt đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:39:01 am »


Trận làng Lầy ngày 13 đến ngày 14 tháng 7:

Từ khi bắt được Voa-danh, Đề Thám đóng đại bản doanh ở làng Lầy, sườn đông nam Tam Đảo. Công sự phòng thủ dựa vào sườn núi có lùm cây rậm rạp che kín. Chủ trương bắt cóc Voa-danh cũng như việc bắt Sét-nay và Lô-di-u trước kia đối với Đề Thám chỉ là một thủ đoạn giúp nghĩa quân có "thế mạnh" mỗi khi phải thương thuyết với địch, đồng thời đánh một đòn tinh thần vào hàng ngũ thực dân. Cho nên từ ngày 8, thống sứ Bắc Kỳ đã đưa thư dụ hàng.

Trong khi đó, Voa-danh trong tay nghĩa quân cũng nhắn tin ra cho biết y có thể bị xử ngay khi tiếng súng nổ. Đề Thám chủ trương kéo dài thương thuyết để chuẩn bị phòng thủ thêm, đồng thời đợi tuần trăng để có thể rút lui nếu cần. Thống sứ Bắc Kỳ ra lệnh cho công sứ Thái Nguyên và Sốp-lê một mặt bắt Đề Thám phải trả lời dứt khoát, một mặt tiếp tục điều động lực lượng sẵn sàng tiến công. Sốp-lê điều động 4 cánh quân do các đại úy Ca-rét-mơ (Caresme), Say-len (Saillens), Sát-tơ-li-ê (Chastelier), Gơ-rơ-mi-ê (Gremillet) và Péc-tuy (Pertuis) chỉ huy từ Phúc Yên đến bao vây làng Lầy. Công sứ Thái Nguyên và Phúc Yên cũng phái lính khố xanh đến trợ lực.

Sáng ngày 13, Sốp-lê thân tới trận địa, xem xét và chuẩn bị tấn công. Nhưng đúng 8 giờ tối ngày 13 tháng 7, công sứ Thái Nguyên và Sốp-lê nhận được điện của thống sứ Bắc Kỳ yêu cầu hoãn mọi cuộc tấn công trừ trường hợp bị nghĩa quân tấn công trước. Trưa ngày 14, một bức điện của toàn quyền yêu cầu tiếp tục thương thuyết với Đề Thám với những điều kiện rộng rãi hơn. Một lần nữa bọn thực dân đầu sỏ ở Đông Dương muốn tiêu diệt "cái ung nhọt trong lòng xứ Bắc Kỳ" một cách đỡ tốn kém cho chúng.

Trong khi đó, nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy đóng ở làng Lầy đã dò được kế hoạch bao vây của địch. Để tránh một cuộc xung đột có thể bất lợi cho mình, trong đêm 13 rạng ngày 14, lợi dụng mưa bão nghĩa quân rút khỏi làng Lầy. Hôm sau địch chiếm căn cứ làng Lầy không tốn một viên đạn nhưng cũng không bắt được ai. Sốp-lê lập tức phái quân lục soát các làng xung quanh nhưng nhân dân hết sức giữ bí mật nên địch không tìm ra manh mối. Kế hoạch bao vây của Sốp-lê đã hoàn toàn thất bại.

Ngày 16, trời nổi cơn dông lớn, cuộc hành quân phải tạm ngừng. Sốp-lê được tin Đề Thám còn ở Phúc Yên và đang tìm đường trở về Yên Thế, nên điều quân về đóng dọc đường Phủ Lỗ - Thái Nguyên. Trong ngày 17, các cánh quân của Sát-tơ-li-ê, Say-len, Gơ-rơ-mi-ê và Péc-tuy được lệnh rời khỏi làng Lầy về đóng ở Ninh Liệt, Hạ Giá, Phú Điền, Trung Giã, Đào Thượng; bản doanh Sốp-lê chuyển về Đa Phúc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:39:24 am »


Trận Lập Chi ngày 20 tháng 7:

Trong khi Sốp-lê còn đang vây làng Lầy thì Đề Thám đã phái một toán nghĩa quân do Hai Nôm chỉ huy về quấy rối ở Thanh Trì cách Phúc Yên 5 cây số về phía đông bắc để chia sẻ lực lượng địch, đỡ cho một trận chính. Quả nhiên, công sứ Phúc Yên hốt hoảng, sợ cho tỉnh lỵ Phúc Yên có thể bị tấn công. Cho nên ngày 13 hắn đề nghị Sốp-lê rút các đơn vị lính khố xanh thuộc tỉnh Phúc Yên về bảo vệ tỉnh lỵ.

Đêm 19, Hai Nôm kéo nghĩa quân về đóng tại làng Lâp Chi cách Thanh Trì 2 cây số về phía tây bắc. Ngay sáng hôm sau, trung úy Búp-phê cùng đội Lơ-roa ở đồn Thanh Trì dẫn lính đến bao vây Lập Chi.

4 giờ 30 phút sáng, Búp-phê hô quân xung phong vào làng theo hai ngả nam và tây. Cánh phía tây lọt được vào làng. Nhưng nghĩa quân nấp sau các bụi cây và hầm hố, xông ra cướp súng bắn lại, chúng hốt hoảng rút lui. Ở phía nam, Búp-phê cũng đã xông được vào làng nhưng bị nghĩa quân chặn đánh. Trong làng, hai bên bắn nhau. Một lúc sau nghĩa quân hết đạn, Búp-phê sợ mắc mưu không dám xông lên, hạ lệnh đem củi khô và rơm đốt cháy rồi ném về phía chiến hào nghĩa quân. Đợi lửa tắt địch xông lên: 6 nghĩa quân trong đó có một phụ nữ đã anh dũng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng quyết không chịu hàng giặc.

Trong trận này địch chết và bị thương nhiều, toàn là lính lê dương. Bên nghĩa quân, trong số bị hy sinh có Hai Nôm là người làm địch mất ăn, mất ngủ ở Phúc Yên từ đầu năm tới nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:39:59 am »


Trận Xuân Lai ngày 22 tháng 7:

Từ khi rút khỏi làng Lầy, Đề Thám và thủ hạ chủ trương tìm đường trở lại Yên Thế, Nhưng dọc đường quốc lộ số 3, địch đóng đồn canh chi chít bao vây khắp ngả khó bề đi lọt. Tin Hai Nôm, một chỉ huy xuất sắc, bị hy sinh trong trận Lập Chi, càng làm cho Đề Thám nóng lòng sốt ruột. Sáng ngày 22, Đề Thám và Ba Biểu chỉ huy dẫn quân chiếm đóng làng Xuân Lai trên bờ sông Cà Lồ cách Phủ Lỗ 4 cây số về phía đông. Đội khố xanh đóng ở đồn Yên Phụ được tin kéo đến bao vây. Hai bên nổ súng, địch bị thương 4 tên phải rút ra vệ đê sông Cà Lồ.

Sốp-lê cũng phái gấp cánh quân Say-len đến Xuân Lai công hãm mặt bắc, đồng thời điều động một trung đội khố đỏ đến trợ lực cho Say-len, các đơn vị Péc-tuy và Sát-tơ-li-ê về đóng ở Phủ Lỗ để yểm hộ cho cuộc vây hãm.

Khoảng hơn 2 giờ chiều, Say-len nhận được một bức thư của nghĩa quân đem ra do Voa-danh viết, dưới ký tên Đề Thám. Chắc rằng Đề Thám hiện đang ở Xuân Lai, địch đưa thư dụ hàng hẹn 20 phút phải trả lời. Đúng 3 giờ 30 phút nghĩa quân trả lời bằng súng.

Đúng 4 giờ, Sốp-lê thân đến chỉ huy cuộc tấn công. Vòng vây đã thắt chặt ba ngả bắc, tây, đông mà một lát sau còn có lính đóng ở Bắc Ninh đến trợ chiến. Không chắc hạ nổi Xuân Lai trước buổi tối, đến phút cuối cùng Sốp-lê lại điều thêm đội quân Sát-tơ-li-ê đóng ở Phủ Lỗ tiến về Xuân Lai.

4 giờ 30 phút, Say-len hô xung phong vào mặt bắc nhưng vô hiệu vì phải vượt qua một cánh đồng lầy rộng tới 500 thước, rất dễ làm mồi cho nghĩa quân nấp kín sau lũy tre. 5 giờ 15 phút, Sốp-lê lại gọi thêm quân ở Đa Phúc về tăng viện. Thế là đại bộ phận binh đoàn Sốp-lê được huy động để vây hãm Xuân Lai. Hai bên bắn nhau dữ dội, địch nhiều lần mạo hiểm xông vào nhưng đều bị đánh bật ra.

5 giờ 30 phút, nghĩa quân đưa thư xin điều đình; Sốp-lê ra điều kiện phải nộp vũ khí và trao trả Voa-danh, hạn 10 phút phải trả lời. Cuộc thương thuyết thất bại, tiếng súng tiếp tục nổ.

6 giờ 30 phút tối, Sốp-lê kiểm điểm quân số thấy hao hụt nhiều quá, hạ lệnh ngừng cuộc chiến đấu, nhưng vẫn giữ nguyên vị trí để sáng hôm sau tiếp tục tấn công.

Khoảng 10 giờ đêm, phía nghĩa quân bắn ra dữ dội, có lẽ để chuẩn bị rút. Địch không bắn trả lại, chỉ tăng cường canh phòng.

Sáng sớm hôm sau, địch cho trinh sát sang trận địa nghĩa quân không thấy động tĩnh gì, địch liền xông vào nhưng Xuân Lai hoàn toàn bỏ ngỏ vì nghĩa quân đã rút hết từ đêm.

Mấy hôm sau, địch rút quân về đóng dọc con đường Đa Phúc - Phủ Lỗ, ra sức lục soát càn quét từ Thanh Lai đến Lương Châu, song không tìm đâu thấy dấu vết nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 10:01:35 pm »


Trận Hiền Lương ngày 25 tháng 7;

Sau khi rút khỏi Xuân Lai, nghĩa quân bí mật đi về phía tây để đánh lạc hướng địch. Trước thái độ quyết liệt của giặc, Đề Thám thấy không còn có thể dùng con bài Voa-danh trong cuộc thương thuyết nữa, vì vậy sáng ngày 25, Voa-danh bị nghĩa quân bỏ lại cạnh huyện sở Kim Anh. Nghe tin, trung úy Búp-phê kéo quân đến Thanh Nhàn (trên đường quốc lộ số 2 cách Phúc Yên 5 cây số) và được mật báo Đề Thám hiện ở Hiền Lương, Búp-phê liền dẫn quân đến tấn công. Công sứ Phúc Yên và Sốp-lê được tin cũng phái thêm quân đến tăng viện. Hồi 2 giờ 40 phút, Sốp-lê đích thân đến quan sát trận địa.

Phía tây làng Hiền Lương không có cổng vào, bao bọc bằng một tường cao 1 mét 80, trên trồng tre rất kiên cố; phía nam có hai đường nhỏ dẫn vào làng do hai cổng; phía đông là một bức tường đất cao 1 mét 20 đến 1 mét 40, cả hai đều có hai cổng và cách làng 200 mét, có một bụi tre làm bàn đạp tấn công; phía bắc có tường rất cao, đằng trước là một lùm cây rậm rạp.

3 giờ 30 phút, địch bắt đầu nổ súng. Sau khi cho trọng pháo bắn nát hai cổng làng phía nam, Cô-le hô lính khố xanh xung phong nhưng vô hiệu, binh lính vẫn nằm chết gí ở bờ ruộng mặc dầu có đại bác yểm hộ. Mặt đông, Péc-tuy mạo hiểm dẫn quân tiến sâu vào làng; nghĩa quân nấp kín sau bờ ao, bụi cây bắn ra dữ dội, chúng hốt hoảng rút ra ngoài. Đến 5 giờ 15 phút, được đội dự bị của Búp-phê đến trợ lực, chúng lại liều chết xông vào nhưng bị thiệt hại nặng. Đại úy Péc-tuy bị trọng thương.

Được tin quân lính bị tổn thất nặng, Sốp-lê hạ lệnh cho trọng pháo dời về phía đông, bắn vào làng mở đường tiến cho bộ binh về mạn bắc. Tuy vậy cánh quân của Péc-tuy vẫn không sao chiếm được mà cũng không lùi được vì nghĩa quân bắn ra rất dữ.

Đêm xuống, hai bên ngừng súng, địch tập hợp lực lượng, thu nhặt xác chết và bị thương; ngôi chùa phía nam trở thành trạm quân y. Nghĩa quân cũng thừa lúc bất ngờ rút khỏi Hiền Lương, sáng sớm hôm sau, địch xông vào chỉ còn làng không.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 10:02:43 pm »


Trận này là trận địch thua thiệt nhất từ khi mở màn chiến dịch Phúc Yên. Bọn Pháp ở Đông Dương có chủ trương lập một đội quân người Việt đặt dưới quyền một viên quan lại cao cấp để thay thế một phần cho quân đội chính quy đỡ mệt nhọc, đồng thời có thể áp dụng những biện pháp đàn áp thích hợp với tình thế hơn.

Tổng đốc Hải Dương Lê Hoan được Nam triều thỏa hiệp với toàn quyền, chỉ huy tổ chức và thống lĩnh một đội quân gồm 400 thân binh1, có nhiệm vụ phối hợp hoạt động với quân đội thực dân và các đơn vị khố xanh. Lê Hoan được phong chức Khâm sai đại thần có đủ quyền hành cần thiết để tiễu trừ mau chóng phong trào Đề Thám ở Phúc Yên. Theo chỉ thị của tổng chỉ huy quân đội Đông Dương và thống sứ Bắc Kỳ thì Lê Hoan đảm nhiệm lục soát điều tra, bắt bớ, xét xử những người phạm tội. Nếu gặp nghĩa quân thì thân binh phải kiềm chế để chờ quân chính quy tới. Sau cuộc chiến đấu, thân binh truy kích tàn quân, khủng bố dân chúng khai thác tài liệu. Ngược lại, quân đội chính quy và lính khố xanh có nhiệm vụ chiến đấu và tấn công tiêu diệt các toán nghĩa quân do thân binh phát hiện, trợ lực thân binh trong các trận càn quét.

Như vậy là quyền hành của Sốp-lê trong một phần tỉnh Phúc Yên từ nay giao lại cho khâm sai Lê Hoan. Tiến đánh nghĩa quân là nhiệm vụ của Sốp-lê, nhưng đuổi bắt nghĩa quân, tổ chức lại sự trị an trong vùng lại là công của Lê Hoan, đó là một trong những nguyên nhân khiến nội bộ giữa Lê Hoan, Sốp-lê và công sứ Phúc Yên lục đục sau này.

Bọn chỉ huy thực dân và tay sai tuy mâu thuẫn nhau trong việc tranh giành quyền hạn, nhưng vẫn không ngừng mở những cuộc tiến công tuần tiễu bao vây nghĩa quân trong hạt Phúc Yên. Bên ta vì không nắm được tình hình địch nên đã để lỡ nhiều dịp đánh mạnh vào những đội quân tuần tiễu của chúng. Từ sau trận Hiền Lương (ngày 25-7), đại bộ phận nghĩa quân do Đề Thám cùng Cả Dinh, Cả Huỳnh chỉ huy đã bí mật rút sang phía bắc Vĩnh Yên. Còn lại ở Phúc Yên chỉ là những toán quân phụ dưới quyền thống lĩnh của Ba Biểu, luôn luôn di động làm kế nghi binh, nhưng nói chung vẫn là thế bị động phòng ngự, địch kéo đến thì chống cự chứ không biết tìm địch mà đánh.
______________________________
1. Gọi là quân khố vàng, rất nhũng nhiễu dân chúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 10:03:21 pm »


Trận Bạch Đa ngày 13 tháng 8:

Sáng sớm ngày 13 tháng 8, có tin nghĩa quân xuất hiện ở Bạch Đa (cách thị xã Phúc Yên 2 cây số rưỡi về phía đông nam), trung úy Búp-phê, Lê Hoan và đại úy Gơ-rơ-mi-ê vội kéo quân đến bao vây. Một lát sau Sốp-lê cũng dẫn quân đến tăng viện. 3 giờ 30 phút, địch bắt đầu tấn công. Cánh quân phía đông bắc của trung úy Bờ-rôn (Braun) tiến rất chật vật, Bờ-rôn cùng hai lính Âu bị thương.

Vượt qua lũy tre, địch xông vào làng đi sâu vào một con đường hẹp hai bên là ao, đi được 40 mét là cụt đường. Địch biết là rơi vào bẫy nghĩa quân vội rút khỏi làng và bao vây mặt ngoài, chặn đường rút của nghĩa quân. Hai bên cầm cự đến chiều tối. Mặc dầu có pháo binh trợ lực, địch vẫn không dám mạo hiểm xông vào làng lần nữa. Đêm đến, Sốp-lê hạ lệnh hoãn tiến công thắt chặt vòng vây tăng cường kiểm soát và dự định sáng hôm sau sẽ tiến công. Tối hôm đó trời mưa như trút. Lợi dụng lúc trời mưa, nghĩa quân rút khỏi Bạch Đa. Sáng sớm hôm sau, Gơ-rơ-mi-ê vào được trong làng thì chỉ còn trơ nhà cửa, công sự bỏ không.


Trận Thượng Yên ngày 16 tháng 8:

Rời khỏi Bạch Đa, nghĩa quân kéo về đóng ở Thượng Yên cách Phủ Lỗ 3 cây số về phía đông. Sáng sớm ngày 16 tháng 8, Sốp-lê được tin báo, phái bốn cánh quân có pháo binh trợ lực, từ Thạch Lỗ hùng hổ kéo về Thượng Yên. Trời rất nóng, địch hành quân rất chật vật, mãi 5 giờ chiều mới tới Thượng Yên. Trong lúc đó trung đội Búp-phê đi từ Phúc Yên tới bằng xe lửa cùng các đơn vị khố xanh ở các đồn Phủ Lỗ, Yên Phụ, Từ Sơn đã đến từ sáng và trưa.

Sốp-lê đến lúc 2 giờ 30 phút, quan sát trận địa, hắn nhận thấy mặt nam dễ tiến công và có chỗ thuận tiện đặt trọng pháo. Hai đại đội Sát-tơ-li-ê và Gơ-rơ-mi-ê được lệnh đánh mặt nam và hai phía đông nam, đông bắc. Trọng pháo đặt tại một ngôi chùa phía tây nam cách Thượng Yên 300 mét, có nhiệm vụ bắn góc đông nam và đầu làng phía nam để chặn đường rút quân của nghĩa quân.

5 giờ chúng bắt đầu tiến quân. 40 phút sau, địch xung phong và một số đã lọt vào trong làng từ phía đông bắc. Đêm xuống, địch ngừng tiến công. Sốp-lê hạ lệnh giữ nguyên vị trí chiếm được trong làng và bao vây chặt phía ngoài làng. Tuy vậy, nghĩa quân vẫn giữ chiến thuật quen thuộc là lợi dụng sơ hở của địch trong đêm tối để rút ra ngoài. Trong trận này địch chết và bị thương hơn 10 tên, trong đó có cả tên trung úy Tê-ta và Gô-ghi-y. Bên nghĩa quân có Ba Biểu bị thương nặng và hai hôm sau địch tìm thấy xác ông trên một thửa ruộng gần làng Nhân Tác (sinh quán của ông). Để uy hiếp tinh thần dân chúng và khoe khoang chiến công, chúng chặt đầu Ba Biểu đem treo ở Phủ Lỗ, sau đó lại đem về bêu ở thị xã Phúc Yên.

Sau trận Thượng Yên, địch rút kinh nghiệm, chúng nghiên cứu chế tạo các chất nổ để phá các tường lũy, các chất cháy để đốt sáng trong đêm tối, ngăn nghĩa quân rút lui.

Mâu thuẫn giữa Sốp-lê, công sứ Phúc Yên và Lê Hoan mỗi ngày thêm sâu sắc. Để giải quyết tình trạng đó, Tổng chỉ huy quân đội Đông Dương quyết định rút Sốp-lê về Sơn Tây và giao cho thiếu tá Bô-ni-pha-xi (Bonifacy) quyền thống lĩnh các lực lượng ở Phúc Yên, tiếp tục càn quét, đặng tiêu diệt kỳ được phong trào Đề Thám.

Bô-ni-pha-xi nhận nhiệm vụ ngày 30 tháng 8. Để cho sự cộng tác với Lê Hoan được mật thiết hơn, Bô-ni-pha-xi điều quân từ Phủ Lỗ về đóng tại Thạch Lỗ gần bản doanh của Lê Hoan để đôi bên cộng tác thêm chặt chẽ. Đồng thời Toàn quyền Đông Dương sau khi thỏa thuận với bộ tổng chỉ huy và thống sứ Bắc Kỳ còn cử tên quan cai trị Phác-dát (Fargeas) làm ủy viên chính phủ lãnh đạo cuộc hành binh và có quyền tối hậu quyết định.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM