Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:00:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 27899 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:35:44 pm »


Trong những năm 1907-1908, nghĩa quân không bó hẹp hoạt động trong vùng Yên Thế, mà chủ động mở rộng địa bàn về vùng đồng bằng và đô thị, vũ trang tiêu diệt địch ở nhiều nơi, trong đó nổi bật là tham gia vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội.

Đầu năm 1907, Đề Thám có dính líu đến vụ âm mưu nổi loạn của lính khố đỏ ở Bắc Ninh và Nam Định. Nhất là trong vụ đầu độc Hà Thành tháng 6 năm 1908, Đề Thám và bà Ba Cẩn đã có một vai trò quan trọng.

Nghĩa quân Yên Thế tham gia vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội (1908). Cuộc đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội tháng 6 năm 1908 là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, quân sự. Đây là cuộc bạo động nổ ra ở Hà Nội - đầu não của cả thuộc địa Đông Dương, đánh ngay vào lực lượng vũ trang chủ chốt của thực dân Pháp là sĩ quan, binh lính trung đoàn pháo binh 4 và trung đoàn bộ binh 9 quân thuộc địa Pháp. Tham gia cuộc bạo động gồm đại diện của nhiều tổ chức chính trị, quân sự: một số yếu nhân của phong trào Đông Du, Duy Tân như Nguyễn Quyền, Phan Tuấn Phong...; một số nhà quân sự thuộc nghĩa quân Đề Thám; những binh lính người Việt trong quân đội Pháp được giác ngộ; một số trí thức, tiểu tư sản, tiểu thương, kể cả phụ nữ ở Thủ đô Hà Nội.

Theo nhiều người kể lại thì do sáng kiến của bà Ba Cẩn, một tổ chức bí mật nhằm liên kết những ngươi hoạt động chống Pháp ở Hà Nội được thành lập, đặt tên là đảng Nghĩa Hưng. Chính bà đã bắt liên lạc và tổ chức được Nguyễn Văn Phúc tức lang Seo là một thầy bói ở phố Hàng Buồm (Hà Nội) vào hội bí mật này. Lang Seo lại tuyên truyền được nhiều thầy bói ở Cửa Nam tham gia công cuộc chuẩn bị đầu độc bằng cách dùng bói toán, đoán vận mệnh để tập hợp anh em lính khố đỏ. Những yếu nhân của đảng Nghĩa Hưng lúc bấy giờ là Chánh Tĩnh tức Chánh Song, Nguyễn Viết Hanh tức Đội Hổ trước làm đội khố đỏ, về sau làm cai đồn điền của tên Gi-la ở Yên Thế1, Lý Nho là cựu lý trưởng một làng ngoại thành Hà Nội. Đảng Nghĩa Hưng không phải là một chính đảng cách mạng có chính cương điều lệ, chỉ là một tổ chức bí mật nhằm liên kết những người yêu nước hoạt động chống Pháp mà thôi.
__________________________________
1. Khi vụ đầu độc bị khám phá, Đội Hổ bỏ trốn lên Phồn Xương tham gia nghĩa quân, về sau hy sinh trong một trận chống càn ở Phúc Yên tháng 7 năm 1909.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:36:51 pm »


Tháng 7 năm 1907, đảng Nghĩa Hưng liên lạc được với một số anh em lính khố đỏ ở Hà Nội như Nguyễn Trí Bình tức Đội Bình, Dương Bê tức Nguyễn Văn Cốc (Đội Cốc), Đặng Đình Nhân tức Đội Nhân và Nguyễn Đức A tức Cai Nga.

Họ đã họp nhiều lần ở nhà lang Seo bàn kế hoạch bạo động đánh chiếm Hà Nội, mà lực lượng chính là dựa vào anh em binh lính người Việt trong quân đội Pháp - Nhật. Kế hoạch bạo động định vào trung tuần tháng 11 năm 1907, nhưng sau lại phải hoãn vì manh mối sơ hở, địch đã chú ý đề phòng. Tháng 5 năm 1908, họ lại dự định (một kế hoạch bạo động khác, nhưng kết cục cũng lại phải hoãn vì chưa chuẩn bị kịp. Hoãn đi hoãn lại hai ba lần làm cho địch càng thêm chú ý đề phòng nên cần hoạt động gấp. Mà từ Yên Thế, Đề Thám cũng ra lệnh cần hoạt động gấp, nếu hoãn mãi địch có thể dò ra manh mối, khủng bố cơ sở, hoặc đổi nhân mối đi nơi khác thì càng thêm khó. Vì vậy kế hoạch lần này ấn định nhật kỳ bạo động là ngày 27 tháng 6 năm 1908 và sẽ bắt đầu bằng một vụ đầu độc lính Pháp trong trại để địch mất chủ động đối phó. Lấy ba phát đại bác làm hiệu, nghĩa quân sẽ từ ngoài tiến vào đánh thành Hà Nội chiếm lĩnh các công sở (máy đèn, máy nước, nhà băng, kho bạc...). Điều đáng chú ý là ngoài một số anh em binh lính khố đỏ tham gia vào vụ đầu độc (bao gồm cả cai, đội), còn một số đông là anh em bồi bếp, lính thợ, công nhân ngoài phố như: Ba Đen tức Nguyễn Đình Chính cai gác đèn ở vườn Bách Thảo, Nguyễn Văn Ba làm bồi cho một Pháp kiều ở Sinh Từ, Trương Phổ chạy giấy ở phố Hàng Than, Nguyễn Văn Vinh cai thợ nề phố Hàng Lọng, ông Phó tức Nguyễn Đăng Duyên làm vườn ở dinh Toàn quyền, Nguyễn Trương Cầu công nhân máy đèn... Lại có các phần tử trí thức tham gia như cụ Lê Đại phố Hàng Mắm, Trịnh Văn Học dạy học ở Hoàn Long ngoại thành Hà Nội, Trần Đức Quang học trò ở phố Hàng Đậu, Đồ Đảm một nhà nho, và một số yếu nhân Đông Kinh nghĩa thục như Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành, v.v...

Bồi bếp, thợ thuyền trong quân đội, anh em lính tập đã gặp nhau cùng với thủ hạ Đề Thám tại quán cơm của Nguyễn Thị Ba số nhà 20 phố Cửa Nam1. Tại hàng cơm lại có thầy bói, thầy tướng thường là nhà nho trá hình như Nguyễn Văn Phúc (tức lang Seo), Nguyễn Ngọc Công... thường lợi dụng óc mê tín của anh em binh lính để có dịp gần gụi tuyên truyền giác ngộ, đem sự ức đoán về tương lai để gây tin tưởng trong anh em.
___________________________________
1. Theo tài liệu của Văn Sử Địa, đó là quán cơm của ông Nhiêu Sáu tức Nguyễn Tỉnh người làng Tương Mai.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:38:31 pm »


Việc hoãn đi hoãn lại việc bạo động, sự gặp gỡ hẹn hò ở hàng cơm Cửa Nam cũng như các cuộc họp tại nhà lang Seo ở số nhà 51 phố Hàng Buồm, nhất là việc tổ chức thiếu chặt chẽ, đã khiến địch chú ý đề phòng. Tổng chỉ huy quân đội Đông Dương Pi-en (Piel) ngay từ mấy hôm trước đã nhận được thư nặc danh báo rõ Đội Nhân, Đội Cốc, Đội Bình thuộc đại đội công binh pháo thủ số 6 sẽ cầm đầu vụ nổi loạn. Ngay buổi sáng 27 tháng 6, trung úy Đen-mông Bơ-bê (Delmont Bebet) chỉ huy đại đội công binh pháo thủ số 6 lại được Cai Trương (đã từng được họp bàn kế hoạch bạo động) tố cáo mọi chi tiết và những người cầm đầu. Tuy vậy Trương cũng vẫn bị tống giam trong khi chờ xác minh tài liệu. Ba người bạn của Trương sợ liên lụy liền đi báo với cố đạo Ân ở Hà Nội. Thế là kế hoạch bạo động địch đã nắm hết. Cùng với tin tức do sở mật thám lượm được, chúng đã đoán ra kế hoạch đánh úp Hà Nội đêm 27 tháng 6 nên bố trí canh phòng cẩn mật.

Mặc dù thế, chủ trương đầu độc vẫn được anh em binh lính giữ bí mật và đến phút cuối cùng vẫn được thực hiện ngoài sức đoán của địch.

Trưa ngày 27 tháng 6, trong khi địch bố trí tăng cường canh gác các nơi xung yếu, thì bên ta các chiến sĩ cũng ráo riết chuẩn bị. Bên ngoài, Chánh Song, Đội Hổ và đồng đội đã tập hợp lực lượng vũ trang, chờ đến tối khi nghe tiếng súng đại bác nổ báo hiệu sẽ tiến vào Hà Nội bằng ba ngả: một từ Lò Lợn qua phố Lò Đúc đánh vào Đồn Thủy; một từ phía bờ sông tiến qua Sở Thuốc lá đánh vào Cửa Bắc; một từ phía Sơn Tây qua Ô Cầu Giấy tiến qua phố Sinh Từ đánh vào Cửa Nam; ngoài ra còn một toán nữa do Đội Hổ và Đồ Đảm chỉ huy bố trí quanh dinh Toàn quyền (chỗ đường Ngọc Hà bây giờ) đánh vào trại lính khố đỏ bằng cửa phía tây (đường Hoàng Diệu bây giờ) chiếm lấy đại bác đưa đến cầu Sông Cái và Cầu Giấy để chặn viện binh của địch từ Sơn Tây, Bắc Ninh hay Hải Phòng kéo về.

Cùng lúc đó, một toán vũ trang của Đề Thám sẽ đánh úp Gia Lâm, phá nhà ga, đường xe lửa và cắt dây điện thoại. Dân chúng các làng quanh Hồ Tây cũng ráo riết chuẩn bị hưởng ứng.

Việc đầu độc đã được giao cho người làm bếp trong cơ pháo thủ tên là Ngọc thực hiện kín đáo1.
_________________________________
1. Sau khi vụ đầu độc bị phát giác, Ngọc trốn lên Phồn Xương với hai người bếp nữa là Thiện và Bảy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:38:57 pm »


Một số thủ lĩnh dưới quyền Đề Thám là Đội Hổ, Chánh Tĩnh (tức Chánh Song) đã tham gia vào việc tổ chức, cùng với các binh sĩ yêu nước trong quân đội Pháp. Hội kín được thành lập.

Kế hoạch nổi dậy với chiến thuật "nội công, ngoại kích" được vạch ra cụ thể, gồm cả sự viện binh của nghĩa quân Đề Thám, nhưng mới là trên giao ước. Mấu chốt của cuộc bao động là phải đầu độc cho được các bộ phận quân đội Pháp kể trên, nhân có tiệc chiêu đãi các sĩ quan và binh lính Pháp vào hồi 8 giờ tối ngày 27 tháng 6 năm 1908.

Việc bỏ thuốc độc vào thức ăn làm một số lính Pháp bị hôn mê đã thực hiện được, nhưng tác dụng lại quá ít ỏi. Vì thuốc độc làm bằng cà độc dược nên chỉ đủ gây mê rất nhẹ. Thế cho nên, mặc dù đã có lính Pháp thuộc hai cơ lính kể trên bị trúng độc nhưng thực dân Pháp đã cấp tốc cứu chữa một cách dễ dàng.

Kết quả của việc đầu độc: 150 tên thuộc trung đoàn pháo binh kể cả hạ sĩ quan và 82 tên thuộc đại đội 1 và đại đội 2 trung đoàn 9 địch trúng độc.

Tin đầu độc tung ra, bộ chỉ huy Pháp đã kịp đề phòng từ trước nên tập hợp binh lính canh gác khắp nơi. Kết quả cuối cùng là súng hiệu không nổ, kho súng không phá được nên nghĩa quân không đủ vũ khí, chờ mãi ở các địa điểm ven Hà Nội rồi giải tán.

Liền lúc đó, địch tước khí giới binh lính người Việt, khám xét, tra hỏi và ra lệnh giới nghiêm, vây bắt những người bị tình nghi.

Vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội (còn gọi là vụ Hà Thành đầu độc) hoàn toàn thất bại. Hàng trăm người tham gia bạo động bị Pháp bắt. Ngày 30 tháng 6 năm 1908, thực dân Pháp thành lập hội đồng để hình xử tử 13 người và 4 người khổ sai chung thân.

Về hành động quân sự, việc tổ chức bạo động mới trong kế hoạch và chỉ thực hiện được việc đầu độc nhưng chưa giết được kẻ địch nào, cuộc bạo động đã bị dập tắt. Vì vậy trong lịch sử quân sự, đây là cuộc chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang đánh chiếm các công sở, đồn binh, đầu mối giao thông, bưu điện, tạo thành một cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội trong đó nghĩa quân Yên Thế đóng một vai trò quan trọng. Tinh thần yêu nước của một số sĩ quan và binh lính người Việt trong quân đội Pháp đã được sự tham gia về quân sự và hưởng ứng viện binh của nghĩa quân Đề Thám khi bạo động nổ ra.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:39:52 pm »


Lịch sử dân tộc ta ghi nhận tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của các nhà yêu nước tham gia bạo động. Đồng thời cũng rút ra những bài học lịch sử bổ ích, trong đó binh vận, liên kết các lực lượng yêu nước, chính trị kết hợp chặt chẽ với quân sự, chống phiêu lưu bạo động, nhất là vấn đề binh vận, tập hợp lực lượng và vấn đề thời cơ, điều kiện cho một cuộc bạo động vũ trang thắng lợi.

Vụ đánh úp Hà Nội đêm 27 tháng 6 không thành, nhưng việc đầu độc đã làm sôi nổi dư luận, nhất là bọn binh lính sĩ quan Pháp và các giới cai trị ở Đông Dương. Sau đó mấy hôm liền, sĩ quan và lính Pháp không dám ăn cơm ở trại. Chúng bắt bọn cai, đội phải thường xuyên kiểm soát nghiêm ngặt các chỗ nấu ăn; trước khi đem thức ăn lên, chúng bắt bọn này cùng với nhà bếp phải nếm trước. Có một số lại đòi đuổi hết bồi bếp Việt Nam ra khỏi quân ngũ.

Bọn chúng dao động đến nỗi ngày 30 tháng 6, một cuộc họp do nhà cầm quyền triệu tập ở khách sạn Hà Nội để giải thích tình hình cho Pháp kiều yên lòng; một bọn 250 tên đã xông tới dinh Toàn quyền chất vấn và đòi có biện pháp trừng trị thích đáng bọn phiến loạn. Bọn chúng đòi được phát vũ khí để tự vệ. Báo chí thi nhau công kích bộ chỉ huy và sở mật thám, mặc dầu đã dò ra âm mưu bạo động từ trước mà vẫn để xảy ra đầu độc. Chiều 30 tháng 6, một đơn vị lính khố đỏ qua phố, một bọn Pháp kiều đã tỏ thái độ hằn học chửi bới và hành hung một người lính. Nhiều tin đồn dồn dập đưa tới như tin nhân ngày hội Tây (14-7-1908) binh lính người Việt sẽ nổi dậy cướp thành Hà Nội đã làm cho bè lũ thực dân cuống quýt lo sợ.

Tin đưa vào đến Sài Gòn, nhân dân càng xao xuyến. Địch chuẩn bị tăng viện cho Hà Nội. Nhiều đơn vị trọng pháo 75 ly được lệnh sẵn sàng xuống tàu.

Để trấn tĩnh nhân tâm, ngày 28 tháng 6 năm 1908, Hội đồng đề hình được thành lập cấp tốc với quyền hạn rộng rãi, thủ tục xét xử nhanh chóng để xử vụ đầu độc. Mặc dầu cuộc tra xét còn đang tiếp tục, ngày 8 tháng 7 năm 1908, chúng đã xử chém Đội Bình, Đội Cốc và Đội Nhân, bêu đầu ở Ô Cầu Dền, Ô Cầu Giấy và chợ Mơ - Bạch Mai.

Sau đó, chúng bắt tới 80 người, xử chém 10 người nữa (trong số này có Hai Hiên, lang Seo, Cai Tốn, Đồ Đảm...), kết án tử hình vắng mặt 6 người (trong số này có Ngọc, Thiện và Bảy làm bếp ở đơn vị pháo binh đã trốn lên Phồn Xương), 4 người chung thân. Vợ Hai Hiên mặc dầu không tham gia vụ đầu độc, chỉ có cùng đi trốn với chồng sang Bắc Ninh cũng bị kết án 5 năm tù.

Trong quá trình điều tra, sau này địch tìm được rất nhiều chứng cớ tỏ ra Đề Thám có tham gia tích cực vụ Hà Thành đầu độc. Và đó là một trong những nguyên nhân khiến chúng có thái độ cương quyết đối với Đề Thám, mở cuộc tấn công quy mô hòng tiêu diệt căn cứ Yên Thế vào đầu tháng 1 năm 1909.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:40:13 pm »


Ngoài ra, trong năm 1908 tại Yên Thế xảy ra nhiều vụ ám sát người Âu do thủ hạ Đề Thám thủ mưu như vụ ám sát tên Phơ-lơ-ry (Fleury) giám thị công chính, tên giám binh Véc-đơ-rô (Verdereau).

Một sự kiện khác khá quan trọng cũng xảy ra trong năm 1908 là giữa năm đó có những toán quân người Trung Hoa tràn vào Bắc Kỳ gây cho Pháp nhiều tổn thất tại các vùng Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang. Những toán quân này phân tán thành từng nhóm nhỏ, có nhóm vượt biên giới về Trung Hoa, có nhóm tràn về hoạt động ở chợ Chu, chân dãy núi Tam Đảo, có nhóm về tận Yên Thế liên lạc với Đề Thám như nhóm Lương Tú Xuân.

Công sứ Lạng Sơn trong một bản báo cáo đã khẳng định:

"Tôi tin chắc rằng có một sự liên minh chặt chẽ giữa những toán quân Trung Hoa và bọn phiến loạn Việt Nam. Tất cả đều đứng dưới cờ của Hoàng Hoa Thám".

Trong nhiều bản báo cáo, bọn cầm quyền ở địa phương đều thống nhất cần có thái độ quyết liệt với Đế Thám.

Bọn thống trị ở Đông Dương thấy cần phải gây lại uy tín với bọn quan lại và các tầng lớp trên; hơn nữa giới tư bản có nhiều quyền lợi trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và ở các mỏ vùng Bắc Giang đã nhiều lần đòi hỏi nhà cầm quyền phải bảo vệ quyền lợi cho chúng.

Tình thế hòa hoãn đã đến lúc không thể kéo dài nữa.

Một cuộc hội nghị đặc biệt do toàn quyền Cơ-lô-bu-kôp-sơ-ky (Klobukovvsky) chủ tọa, có thống sứ ở Bắc Kỳ, trung tướng Pi-en tổng chỉ huy quân đội Đông Dương và bọn quan lại cao cấp tham gia đã quyết định mở cuộc hành binh lớn nhằm tiêu diệt nghĩa quân Yên Thế. Lúc này có điểm lợi lớn cho địch là các toán quân Trung Hoa căn bản đã rút khỏi Bắc Kỳ, khiến có thể rảnh tay huy động lực lượng đối phó với nghĩa quân. Quyền chỉ huy cuộc hành binh giao cho đại tá Ba-tay (Bataille). Phương châm hành động là hết sức nhanh chóng và bí mật. Từ đây phong trào kháng Pháp ở Yên Thế bước sang giai đoạn quyết liệt nhất, kết thúc bằng những trận anh dũng chống càn của nghĩa quân suốt 15 tháng ròng rã trên một chiến trường rộng lớn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:41:18 pm »


Câu hỏi 26: Kế hoạch hành binh của đại tá Ba-tay tấn công vào Yên Thế diễn ra như thế nào?
Trả lời:


Ba-tay được cử là chỉ huy cuộc hành binh chuẩn bị tấn công vào Yên Thế. Giúp việc có bộ tham mưu gồm đại úy pháo binh Tết-si-ê (Teissier), hai trung úy Ra-bi-ê (Rabier) và Vi-ta-li (Vitali).

Sau khi trao đổi kinh nghiệm với trung tướng tổng chỉ huy quân đội Đông Dương đã từng chỉ huy cuộc đánh Đề Thám năm 1892, Ba-tay quyết định muốn tấn công có kết quả vào Yên Thế phải hết sức bí mật và hành động nhanh chóng để chặn đường rút lui của nghĩa quân cũng như không cho nghĩa quân kịp trở tay.

Hai đội cơ động do thiếu tá May-ơ và Lơ Ca-nuy (Le Canu) chỉ huy sẽ tập trung ở Bố Hạ và Nhã Nam, trong khi một cánh quân sẽ tiến hành chiếm đóng lập bốt xây đồn để giữ an ninh, chặn đường tiếp tế và rút lui của nghĩa quân.

Địch dò được kế hoạch của nghĩa quân là khoảng trung tuần tháng 2 năm 1909, Đề Thám sẽ phái nhiều đơn vị về hoạt động quấy rối ở các tỉnh trung châu Bắc Kỳ để mưu đồ cuộc nổi dậy có tính toàn cục. Lập tức ngày xuất quân được ấn định vào ngày 29 tháng 1 năm 1909.

Trước ngày đó không một đơn vị nào được hành động gì. Quân lính cũng không được biết mục tiêu cuộc hành binh trừ các sĩ quan cao cấp.

Ngày 28 tháng 1, thống sứ Bắc Kỳ Mo-ren (Morel) đưa thư dụ hàng lần cuối cùng cho Đề Thám, buộc nghĩa quân phải hạ khí giới nộp hết cho chúng, giao những người bị chúng truy nã hiện đang được Đề Thám dung nạp, đồng thời Đề Thám phải ra đầu thú tại Hà Nội... Mặt khác hắn cấp tốc điều động:

4 đại đội lính Âu.
3 đại đội rưỡi khố đỏ.
1 đội lê dương.
1 khẩu súng cối.
1 khẩu đội sơn pháo 75 ly và 80 ly.
1 đại đội công binh.
1 đội kỵ binh.

Ngoài ra có tất cả lực lượng lính khố xanh thuộc ba tỉnh Bắc Giang, Phúc Yên và Thái Nguyên trợ lực, tổng cộng trên 15.000 người. Ngay trưa ngày 28 tháng 1 địch ra bản thông cáo kết tội Đề Thám và giải thích chủ trương tấn công vào Yên Thế đem dán khắp các thôn xã ở Bắc Giang.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:41:38 pm »


Lực lượng địch bố trí như sau: Hai đội cơ động sẽ đánh vào khu trung tâm chợ Gồ (bản doanh của Đề Thám) và Am Đồng (bản doanh của Cả Dinh và Cả Huỳnh).

Đội thứ nhất của thiếu tá May-ơ chia làm hai toán, một toán do May-ơ trực tiếp chỉ huy gồm 3 trung đội súng nhẹ và 1 trung đội liên thanh sẽ khởi hành từ Đáp Cầu hồi 10 giờ đêm 28 để sáng ngày 29 sẽ tới Nhã Nam mở cuộc tấn công ngay; một toán do đại úy Côn-lô (Collot) chỉ huy gồm 4 trung đội lính Âu, 3 trung đội lính khố đỏ, 1 trung đội súng cối 80 ly và bán đội công binh sẽ phải tập trung ở Nhã Nam trưa ngày 29.

Đội thứ hai của thiếu tá Lơ Ca-nuy sẽ tập trung ở Bố Hạ vào sáng ngày 29 theo kế hoạch sau: Cánh quân do đại úy Bốt chỉ huy khởi hành từ Phủ Lạng Thương đêm 28 để sáng sớm ngày 29 tới Bố Hạ mở cuộc tấn công vào nghĩa quân.

Ngoài hai đội lưu động trên, Ba-tay tổ chức một cánh quân có nhiệm vụ cảnh giới khu vực xung quanh, chặn đường tiếp tế và đường rút lui của nghĩa quân. Cánh quân này chia thành nhiều khu:

a) Khu đường sắt do đại úy Vanh-xanh (Vincent) chỉ huy đóng ở Bắc Lệ gồm có 6 đồn (Than Muội, Ba Dan, Sông Hóa, Bắc Lệ, Suối Ngang, Kép) có nhiệm vụ bảo đảm an toàn con đường từ Kép đến Than Muội.

b) Khu Mỏ Trạng do đại úy Bác-ba-xát (Barbassat) chỉ huy gồm 2 đồn Mỏ Trạng và Mỏ Na Lương.

c) Khu chợ Phổng do trung úy La-mi (Lamy) chỉ huy gồm 2 đồn chợ Phổng và làng Mẹt.

d) Khu Hà Châu do đại úy Pa-giơ (Pages) chỉ huy đóng tại Đáp Cầu.

Ba khu chợ Phổng, Mỏ Trạng, Hà Châu có nhiệm vụ cảnh giới và chặn đường rút lui của nghĩa quân khỏi khu vực Yên Thế.

Cuộc hành binh lấy Phủ Lạng Thương làm địa bàn tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực, v.v... Ngoài ra có một trạm quân y đặt ở Nhã Nam có 2 bác sĩ và 9 y tá.

Giao thông liên lạc sẽ sử dụng các đường dây và các phòng bưu điện ở Kép, Nhã Nam, Bố Hạ, Cao Thượng, Đức Thắng, trưng dụng các đầu máy và toa tàu trên đường Hà Nội - Lạng Sơn, trưng dụng tất cả những xe kéo, xe bò, xe cút-kít trong vùng Nhã Nam phục vụ cho cuộc hành binh đại quy mô.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:33:52 am »


Câu hỏi 27: Hãy cho biết tình hình chiến sự trên mặt trận Bắc Giang sau cuộc hành binh của Ba-tay?
Trả lời:


Tất cả mọi sự chuẩn bị cho cuộc hành binh của đại tá Ba-tay đều hết sức giữ bí mật. Trước ngày 29, chính Đề Thám cũng không nghi ngờ gì. Lúc này vào dịp Tết Nguyên đán, Đề Thám vẫn cho quân nghỉ về quê ăn Tết. Nhưng mặc dù đại tá chỉ huy cuộc hành quân đã nhiều lần yêu cầu công sứ Bắc Giang đừng động tĩnh gì trước khi tập trung xong lực lượng, nhưng sáng sớm ngày 29 tháng 1, tên đại úy Nhã Nam nóng ăn, định tranh công cho mình đã dùng ba đơn vị lính khố xanh do giám binh Bê-nê-xi (Benecchi) tấn công vào đồn Cả Dinh ở chợ Gồ và Am Động. Do trận này Đề Thám đã dò ra kế hoạch tấn công của giặc. Cuộc hội nghị các tướng lĩnh được triệu tập cấp tốc ở Phồn Xương, bàn kế hoạch đối phó. Cuối cùng, để bảo toàn lực lượng, hội nghị quyết định ngay đêm đó nghĩa quân bỏ lại các đồn trại, kho lương, rút lên phía bắc phân thành từng nhóm nhỏ chặn địch.

Sáng ngày 30 tháng 1, Ba-tay hạ lệnh đánh vào chợ Gồ theo hai ngả: cánh quân May-ơ đánh vào Dĩnh Thép, Am Động và tiến vào chợ Gồ; cánh quân Lơ Ca-nuy từ làng Chiềng đánh vào làng Nứa rồi tiến vào chợ Gồ.

Hồi 11 giờ 30 phút, hai cánh quân gặp nhau ở chợ Gồ nhưng nghĩa quân đã rút về phía bắc từ lâu. Am Động và chợ Gồ, bản doanh chính của nghĩa quân được phòng thủ bằng những bức tường cao có nhiều ụ súng, bị địch chiếm đóng từ trưa ngày 30. Nhưng mục đích tiêu diệt lực lượng nghĩa quân của chúng không đạt được, nên cuộc hành binh vẫn phải tiếp tục.

Nghĩa quân lúc này phân tán thành 5 nhóm nhỏ:

- Nhóm Đề Thám, Cả Trọng và bà Ba Cẩn.
- Nhóm Cả Dinh, Ba Biểu.
- Nhóm Cả Huỳnh.
- Nhóm Lý Thu tức Đề Bảo.
- Nhóm Lương Tú Xuân và Hoàng Minh Dương.

Ngày 30, bản doanh của Ba-tay đặt ở chợ Gồ cùng cánh quân Lơ Ca-nuy, còn cánh May-ơ thì đóng ở Mỏ Trạng.

Sáng ngày 31, được tin nghĩa quân xuất hiện phía tây con đường Dĩnh Thép - Mỏ Trạng và phía đông sông Soi, May-ơ và Lơ Ca-nuy dẫn quân đi lùng nhưng không kết quả.

Để chặn đường tiếp tế của nghĩa quân, giặc hạ lệnh tập trung lương thực của nhân dân vào một nơi và bắt nhân dân khu vực chung quanh chợ Gồ phải tản cư đi nơi khác, đồng thời ra sức khủng bố nhân dân để dò xét tung tích của nghĩa quân nhưng vô hiệu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 09:34:15 am »


* Một số trận đánh tiêu biểu:

Trận đồn Hom (Rừng Tre) ngày 1 tháng 2:

Nhóm Đề Thám, Cả Trọng và bà Ba Cẩn rút lên phía bắc, cách Dĩnh Thép 3 cây số, đóng trên ngọn đồi gọi là Rừng Tre, đào hầm hố, xây công sự, sẵn sàng chờ địch.

Sáng ngày 1 tháng 2, một đơn vị tuần tiễu do thiếu tá Lơ Ca-nuy chỉ huy gồm 34 dõng, 1 đại đội khố đỏ, 1 đại đội lính Âu đi từ Dĩnh Thép lúc 10 giờ sáng. Tới trận địa lúc 1 giờ 20 phút trưa, bọn dõng dại dột xông lên đồn, bị nghĩa quân đón bằng một loạt đạn, chúng rút lui hỗn loạn. Đại úy Pơ-lay-i (Plailly) chấn chỉnh hàng ngũ rồi lại hạ lệnh xung phong. Lần này nghĩa quân để chúng lên cách 15 mét mới nổ súng. Bọn dõng trúng đạn, đổ xô chạy xuống. Chính tên đội Ghê-ri-ni (Guerini) cũng bị trọng thương ngã gục trước mũi súng của nghĩa quân. Địch phải vất vả tổ chức hai đợt xung phong mới kéo được xác Ghê-ri-ni ra khỏi bụi rậm, rồi trung úy Đê-vô (Dévaux) phải một phen mạo hiểm nữa mới đưa được xác Ghê-ri-ni về đằng sau.

Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục. Lơ Ca-nuy báo cáo về chợ Gồ xin tăng viện. 3 giờ chiều, 1 trung đội lính Âu và trung đội lính khố đỏ do trung úy Rô-manh-đề-phốt (Romain des Fosses) chỉ huy tới tiếp ứng. Lơ Ca-nuy vội dàn rộng quân ra cả hai cánh tả hữu tạo một thế bao vây nghĩa quân. Đến 5 giờ 30 phút chiều, đại tá Ba-tay đến quan sát mặt trận cũng đem 2 trung đội lính Âu, 1/2 đại đội công binh và 1 trung đội lính khố đỏ. Quân hai bên vừa dàn ra xong thì trời vừa tối.

7 giờ tối, hai đội tình nguyện của địch bò lên đỉnh đồi thám thính chỉ thấy hầm hố công sự bỏ không, nghĩa quân đã rút sạch.

Sau đó trong khoảng từ mùng 2 đến mùng 9 tháng 2, chỉ có những trận giao chiến nhỏ. Nghĩa quân di chuyển rất nhanh, rất gọn, khiến nhiều khi được tin báo, địch hối hả đem quân đến thì chỉ còn dấu vết của một cuộc trú quân tạm thời. Địch khá mệt mỏi vì những cuộc hành quân vô hiệu quả như thế. Ngày 3 tháng 2, thống sứ Bắc Kỳ thân hành lên tận chợ Gồ hội ý với Ba-tay để củng cố tinh thần quân lính. Trước tình hình đó, một số chỉ huy đã có ý thức giải tán các binh đoàn lớn, lập nhiều đồn canh chi chít khắp nơi, tăng cường kiểm soát và khủng bố dân chúng, triệt để sử dụng lính dõng, treo giải lấy đầu Đề Thám... Nhưng vì ý kiến bất đồng, cuối cùng chúng vẫn phải tiếp tục chiến lược cũ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM