Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:23:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 27890 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 04:41:36 pm »


Điều ước tháng 10 năm 1897 nêu rõ triều đình Huế nhường cho thực dân Pháp quyền khai khẩn đất hoang, là một "chứng thư" của bọn phong kiến cấp cho thực dân Pháp được tự do chiếm đoạt ruộng đất. Sau đó ở Trung Kỳ, việc chiếm đoạt ruộng đất nông dân được đẩy mạnh; những tên đại địa chủ như Lông-ba (Lombard), Đờ-mông-pho (De Montford), Pê-ri-nhông (Pérignon), mỗi tên đều chiếm một khu vực rộng. Trong liền hai năm 1897-1898, Pháp chiếm 60 ngàn mẫu tây; từ nay, Trung Kỳ trong thực tế là thuộc địa của Pháp như Nam Kỳ và Bắc Kỳ, và sau này khi vùng đất đỏ Tây Nguyên được tìm thấy thì sự chấp chiếm lại còn kịch liệt hơn. Tại Nam Kỳ, tiếp tục đà cũ, những tên đại địa chủ như Pôn E-mơ-ri (Paul Eméry), La-ba (Labat), Pô-rông-đô (Porong Do) và Li-ca (Lika), mỗi tên chiếm đoạt từ 2.000 đến 20.000 mẫu đất. Riêng ở Bắc Kỳ, thực dân ngày một thêm trắng trợn trong việc cướp đoạt ruộng đất của nông dân.

Đồng thời, cũng như trong giai đoạn trước, để tranh thủ sự giúp rập của giai cấp thống trị cũ trong nước, tức giai cấp địa chủ phong kiến, chúng thả sức cho bọn này chiếm đoạt ruộng đất của nông dân xiêu tán vì chiến tranh và của những phần tử tham gia kháng chiến; mặt khác thực dân còn khuyến khích địa chủ ra sức bóc lột thêm nhiều tô để có lúa xuất cảng kiếm lời. Đó là cách hay nhất của địch để dần dần buộc chặt quyền lợi địa chủ phong kiến với quyền lợi thực dân: cộng tác với địch, làm tề làm tổng cho chúng, bắt bớ người ái quốc trong làng...

Thêm vào đó còn có những bọn côn đồ lưu manh, du thủ du thực lợi dụng tình thế nhảy vào bợ đỡ quân cướp nước để vinh thân phì gia và tàn hại đồng bào, cũng được giặc cấp cho nhiều ruộng đất, càng làm tay sai đắc lực bao nhiêu càng được cấp nhiều ruộng bấy nhiêu.

Sau khi đã hoàn thành xong căn bản cuộc xâm lược, để tiến hành khai thác dễ dàng, trước hết thực dân Pháp phải làm một hệ thống đường giao thông cần thiết nối liền khu vực khai thác với các đô thị, phục vụ cho việc chuyên chở hàng hóa và nguyên liệu. Đến lúc Đu-me sang thì việc mở mang giao thông thủy, bộ đều được đẩy mạnh, về mặt giao thông đường thủy, các sông Hậu Giang, Đồng Nai (Nam Kỳ), Hồng Hà, Thái Bình (Bắc Kỳ) đã có tàu thủy chạy. Lại đào thêm nhiều kênh nối liền các hệ thống sông ngòi, tu bổ và thiết bị các hải cảng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 04:42:05 pm »


Về đường bộ, nhiều đường rải đá nối liền các trung tâm kinh tế chính trị của thực dân. Đặc biệt ở Bắc Kỳ, các đường quân sự trên thượng du được làm rất nhiều, tổng số chi tiêu gần 5 triệu phờ-răng. Những đường này tuy làm ra với mục đích quân sự trong giai đoạn bình định, nhưng từ năm 1897 trở đi, với chính sách kinh tế mới của thực dân, chúng sẽ có một vai trò quan trọng trong việc khai thác miền thượng du Bắc Kỳ vô cùng giàu có. Ngoài ra còn nhiều tuyến đường khác quan trọng như Hà Nội - Cao Bằng; Việt Trì - Tuyên Quang.

Trong việc thiết lập đường sắt cũng như đường bộ, trở ngại và tốn kém nhất là việc đặt cầu sắt lớn qua sông. Đu-me đã lưu tâm bắc cầu qua sông Hồng, cầu sông Hương ở Huế, cầu Bình Lợi trên sông Bé ở Sài Gòn.

Song song với việc thiết lập hệ thống đường giao thông, từ năm 1897 trở đi việc cướp nguyên liệu ở Việt Nam càng đẩy mạnh. Ngân hàng Đông Dương, đại biểu quyền lợi cho bọn tư bản tài chính Pháp, thành lập từ năm 1873, lúc này đã bỏ vốn nắm quyền kinh doanh trong hầu hết các công ty khoáng chất và kim khí.

Tư bản Pháp rất hạn chế việc mở mang công nghệ. Sau nhà máy dệt Hà Nội lập từ năm 1894, mãi đến năm 1899 các nhà máy dệt Hải Phòng rồi Nam Định mới được thành lập. Sau đó một số xí nghiệp nhỏ khác cũng lần lượt được xây dựng.

Thực dân Pháp đã biến Việt Nam thành thị trường độc chiếm của chúng. Tổng số hàng nhập khẩu tăng dần, đại bộ phận là của Pháp và thuộc địa Pháp. Từ năm 1902 đến năm 1906 nhập khẩu tăng hơn 420% so với thời kỳ từ 1897 đến 1901.

Tư bản chính quốc nhờ đó lời to mà tư bản Pháp ở Đông Dương cũng không kém lời vì chúng thu mua hàng I của Việt Nam để xuất cảng với giá rẻ mạt.

Hầu hết những mối lời về thương nghiệp ở Việt Nam đều do một số nhỏ tư bản thương mại Pháp nắm giữ, đó là những tập đoàn xuất khẩu cảng như các hãng Đơ-ni Phe-re, Bôi Lăng-đơ-ri, Poăng-sa Vây-rê, Đề-cua Ca-bô, công ty Mác-xây hải ngoại... Phần lớn bọn này đến kinh doanh tại Việt Nam từ hồi mới bị chiếm đóng. Chúng có mặt trên khắp các đô thị lớn và là bá chủ thị trường Việt Nam. Chúng đem hàng Pháp hay hàng ngoại quốc tung ra khắp hang cùng ngõ hẻm, đồng thời thu mua sản phẩm Việt Nam từ gạo, ngô, quế đến tre, gỗ...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 10:36:53 pm »


Câu hỏi 23: Tình hình bộ máy cai trị của thực dân ở Đông Dương từ khi Toàn quyền Đu-me sang?
Trả lời:


Thực tế có viên toàn quyền mà không có phủ Toàn quyền. Nói một cách khác, phủ Toàn quyền thiếu phần lớn các cơ quan cần thiết để thành một chính quyền theo đúng nghĩa của chữ đó, nghĩa là để giám sát chung mọi công việc của thuộc địa. Đối với sự thống nhất chính trị và kinh tế của Đông Dương lại có một sự phân tán các cơ quan chính quyền hàng xứ, bản thân các chính quyền đó đã rất yếu mà lại còn yếu thêm do sự yếu hèn của chính quyền liên bang.

Trước tình hình hỗn độn đó, Đu-me kiên quyết không đặc trách riêng một xứ nào mà quán xuyến chung và có biện pháp giải quyết cụ thể. Trước hết y đề nghị chính phủ Pháp cho tái lập phủ Thống sứ Bắc Kỳ, cho mỗi xứ trong liên bang một bộ máy cai trị riêng, toàn thực quyền trong tay.

Muốn vậy trước tiên cần nắm chắc kinh tế tài chính, Đu-me đã phân biệt ngân sách liên bang thuộc quyền xử lý của toàn quyền với ngân sách hàng xứ.

Nghị định ngày 3 tháng 7 năm 1898 quy định sự thành lập ngân sách chung và thiết lập ở Đông Dương một tổ chức tài chính mới. Đồng thời chúng tiến hành việc thành lập ở Nam và Bắc Kỳ các phòng Thương mại và phòng Canh nông, ở Trung Kỳ và Cao Miên các phòng Thương mại - Canh nông hợp nhất, để cuối cùng thành lập Đại hội đồng Đông Dương dưới quyền chủ tọa của toàn quyền. Ngân sách chung cho liên bang và các ngân sách hàng xứ đều do toàn quyền thông qua, sau khi hỏi ý kiến Đại hội đồng. Ngoài ra, Đại hội đồng còn góp ý kiến về các điều khoản sửa đổi luật pháp và mọi vấn đề quan trọng khác do toàn quyền đưa ra thảo luận. Trong thời gian giữa hai kỳ họp có một ban thường trực bên cạnh toàn quyền để góp ý kiến về mọi việc chi tiêu ngân sách, chương trình công tác bất thường. Tổ chức mới đó đã tập hợp lại những thực dân đầu sỏ và tay sai trung thành bậc nhất của chúng để cùng nhau thảo luận kế hoạch cai trị, bóc lột nhân dân đắc lực hơn, có hệ thống hơn, có phối hợp hơn.

Tiếp theo đó là việc thành lập các Nha phụ trách các ngành công tác chung toàn liên bang (Thương chính, Canh nông và Thương mại, Tư pháp, Công chính, Bưu điện, Ngân khố, Giám đốc Dân chính).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 10:37:21 pm »


Đồng thời với việc thành lập các cơ quan trung ương, tổ chức cai trị các xứ cũng được quy định chặt chẽ; quyền hạn của các Hội đồng quản hạt, Hội đồng tư vấn ở Nam Kỳ, các Hội đồng bảo hộ ở Trung và Bắc Kỳ (đến ngày 9-3-1913 đổi tên là Hội đồng dân biểu) được xác định rõ ràng, mối liên hệ giữa cơ quan các xứ với các nha đều được quy định cụ thể.

Ở Bắc Kỳ, đến giữa năm 1897, thấy rằng phong trào Cần Vương đã bị dập tắt trong căn bản, việc duy trì chức vụ và quyền hạn của viên kinh lược, mặc dù chức vụ này rất phụ thuộc và quyền hạn này là tối thiểu, chỉ là một trở ngại cho chủ trương thống nhất lãnh đạo tập trung quyền hạn về phủ Toàn quyền, thực dân bắt Bửu Lân (Thành Thái) bãi chức đó giao cho thống sứ Bắc Kỳ kiêm lĩnh, nguyên kinh lược Hoàng Cao Khải - tay chân của Đu-me được đổi về Huế giữ chức Phụ chính đại thần để tiện bề giám sát nhà vua.

Ở Trung Kỳ, đến tháng 9 năm 1897, lấy cớ vua Thành Thái đã lớn tuổi, thực dân bãi bỏ Hội đồng phụ chính. Viện Cơ mật đổi thành Hội đồng thượng thư do chính tên khâm sứ chủ tọa; các quyết nghị của Hội đồng phải được sự đồng ý của khâm sứ rồi mới trình lên nhà vua để thi hành.

Mặt khác, Đu-me còn dùng áp lực bắt vua Thành Thái nhường cho thực dân quyền khai khẩn đất hoang ở Trung Kỳ, giao toàn quyền Đông Dương được quyền sử dụng đất hoang. Như vậy chúng đã đi sâu thêm bước nữa trong việc tước đoạt chủ quyền của triều đình và sau đó tha hồ chiếm hữu ruộng đất của nhân dân toàn quốc. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 1899, thực dân lại giành luôn quyền thu thuế từ trước đến nay còn nằm trong tay triều đình. Từ nay thực dân trực tiếp thu thuế và chỉ giao nộp số tiền đủ trả lương nhà vua, triều đình và quan lại mà thôi.

Đu-me đã chấm dứt tình trạng địa phương độc lập mà tập trung quyền cai trị về trung ương. Chính nhờ những sửa đổi của Đu-me mà quyền hành bọn thủ hiến ba kỳ càng được tăng cường, chính sách cai trị, bóc lột của thực dân từ nay càng được thi hành trọn vẹn và có đường lối chung, có phối hợp chặt chẽ từ trên xuống dưới, lợi cho thực dân bao nhiêu lại càng tai hại cho nhân dân ta bấy nhiêu.

Với chính sách chia để trị áp dụng triệt để như vậy Đu-me đã cắt nước ta thành ba bộ phận riêng biệt, mỗi bộ phận có một chế độ chính trị khác nhau, một thuộc địa do Pháp trực tiếp cai trị; Bắc Kỳ trở thành một bán thuộc địa còn Trung Kỳ danh nghĩa là một xứ bảo hộ nhưng trong thực tế cũng không khác gì một thuộc địa. Triều đình Huế tuy còn nhưng không có một chút thực quyền.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 10:37:41 pm »


Trước đây, năm 1884, vì sợ sự phản ứng của nhân dân, nhất là của tầng lớp sĩ phu và cánh kháng chiến trong triều, mà thực dân phải thừa nhận trong một phạm vi nào quyền hạn của phong kiến đầu hàng. Nhưng nay phong trào Cần Vương đã bị dập tắt, thực dân không ngần ngại gì không thủ tiêu những quyền hạn ít ỏi còn sót lại của phong kiến đầu hàng để tập trung quyền hành vào chúng. Trong thực tế, Việt Nam đã hoàn toàn trở thành thuộc địa Pháp.

Cuối cùng, cần thấy rằng để phụ trách các chức vụ trong bộ máy cai trị cồng kềnh và nặng nề này, thực dân Pháp đã tuyển rất đông công chức từ chính quốc sang. Ngay những công tác rất tầm thường như đoan, cảnh sát, sen đầm cũng lấy người Pháp. Bọn cầm quyền chính quốc thông đồng với bọn cầm quyền thuộc địa để sắp đặt công ăn việc làm cho tay chân chúng. Một tên toàn quyền mới sang nhận chức là cả bè lũ của nó cũng lục tục kéo sang kiếm ăn. Bọn này lương cao nên chi phí về việc lương bổng công chức người Pháp đã chiếm một phần rất lớn trong ngân sách. Do đó, ta thấy rõ tính chất trọng lộc và trọng lợi trong chính sách thuộc địa của Pháp, nhất là từ Đu-me về sau, ngày càng trầm trọng.

Chúng cố gây mâu thuẫn giữa người vùng này với vùng khác, thiểu số với đa số, binh chủng này với binh chủng khác. Ngoài ra còn chia rẽ binh lính với nhân dân, dung túng binh lính làm càn, nhũng nhiễu dân; vì vậy một hố sâu đã ngăn cách đôi bên, có lợi cho giặc. Ngoài các thủ đoạn trên, thực dân Pháp còn tiến hành từng bước thận trọng và chắc chắn việc thắt chặt vòng vây và điều tra dò xét căn cứ địa nghĩa quân.

Tại Yên Thế, chúng xây thêm các đồn Mỏ Trạng, Na Lương, Bố Hạ, Kép, chợ Phổng, chợ Tràng, Luộc Hạ, Bằng Cục, Bỉ Nội... tạo thành một hệ thống lô cốt bao vây Phồn Xương, là đại bản doanh của nghĩa quân. Mặt khác, viện cớ cần phát triển thông thương buôn bán, chúng xin cụ Thám cho mở đường Bố Hạ, cầu Gồ đi Mỏ Trạng, rồi đường Nhã Nam đi cầu Gồ chạy trước cổng đồn Phồn Xương, tạo cơ hội phái tay sai len lỏi đi sâu vào các nơi nghĩa quân đóng để vẽ bản đồ quân sự. Chúng còn buộc mẹt quét vôi trắng lên ngọn sào dài cắm lên đỉnh đồi cao hay buộc lên ngọn cây chỉ điểm cho quân lính. Do đó sau này, khi chiến sự tái diễn, chúng đã khá thông thuộc đường lối và pháo binh chúng đã hoạt động khá hiệu quả.

Cuối cùng lợi dụng việc đi lại dễ dàng, chúng đẩy mạnh gặp gỡ nghĩa quân và vận động họ ra hàng giặc. Chúng đưa ra những tấm "các" in sẵn và dặn trước khi nào Tây tấn công vào, ai có "các" sẽ không bị giết mà còn được thưởng. Công cuộc "tác động tinh thần" đó của địch không phải không có kết quả và đã phần nào làm cho một số nghĩa quân hoang mang dao động, chưa chiến đấu mà tư tưởng đầu hàng đã chớm nở... Đu-me đã đặt nền móng lâu dài cho một cơ sở thống trị chặt chẽ. Những tên toàn quyền kế tục y đều tôn trọng hệ thống tổ chức đó, chỉ lo sao củng cố ngày thêm vững chắc và bổ sung về chi tiết để bộ máy cai trị chạy đều trên xương máu nhân dân thuộc địa.

Chính sách cai trị đặt cơ sở trên sự khủng bố tàn bạo, chia rẽ thâm độc, phỉnh phờ xảo trá, mua chuộc trắng trợn được tiếp tục mãi sau này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 09:44:01 am »


Câu hỏi 24: Tình hình nghĩa quân Yên Thế trong thời gian đình chiến lần thứ hai (1897 - 1909)?
Trả lời:


Về quân sự, sau khi đình chiến, Đề Thám ra sức chiêu mộ nhân dân các nơi về làm ruộng tại đồn điền Phồn Xương. Bên ngoài, đó chỉ là những nông dân yên ổn làm ăn để che mắt cú vọ của giặc và tay sai. Nhưng bên trong đó đều là những nghĩa quân thường trực sẵn sàng cầm súng chiến đấu bất kỳ lúc nào. Đội quân thường trực thoát ly sản xuất ở địa phương lên ở ngay trên đồn. Họ có quân phục tuy không thống nhất vì toàn là quân phục cướp được của địch (quần áo lính khố xanh, khố vàng hay khố đỏ; mũ chào mào hay nón sơn; quần áo chàm, áo nâu gọn ghẽ và chít khăn nhiễu tím hay đỏ), và có quân phong, quân kỷ hẳn hoi. Số quân thường trực này lúc đầu cụ Thám nhận với Pháp chỉ có 25 người theo bản ký kết đình chiến tháng 12 năm 1897 nhưng trong thực tế mỗi ngày một tăng rất đông.

Bên cạnh đó là bộ phận quân dự bị không thoát ly, không có quân phục, thường ngày làm ăn ở các địa phương, khi nào có giặc mới tập trung đi chiến đấu. Bộ phận này rất đông, bao gồm hầu hết trai tráng khỏe mạnh các làng, được phát một số vũ khí để có thể kịp thời chiến đấu khi cần. Có khi tình hình căng thẳng, số quân dự bị này mỗi lúc ra ruộng cày đều giấu súng trên bờ đề phòng bất trắc.

Nghĩa quân bất kỳ ở bộ phận thường trực hay dự bị đều được tuyển lựa kỹ càng trong số thanh niên trai tráng địa phương hoặc trong số thanh niên hăng hái các làng vùng xuôi bí mật lên Yên Thế gia nhập nghĩa quân. Họ còn là nghĩa quân cũ của các nhóm Cần Vương các nơi tụ họp về, là binh lính địch đào ngũ sau mỗi kỳ thất trận. Ai muốn gia nhập nghĩa quân đều trải qua lao động thử thách (như năm đầu đi chăn trâu, cắt cỏ; năm thứ hai đi cày ruộng) cho tới khi có sức khỏe và tinh thần chịu đựng khó nhọc mới được tuyển lựa. Lúc đầu được phát súng xấu cho canh gác một thời gian, sau mới được phát súng tốt chính thức công nhận là quân cụ Đề. Có người không chịu nổi thử thách phải xin về. Cũng có một số có quá trình rèn luyện chiến đấu trong các đội quân kháng Pháp trước đây thì được nhập ngũ ngay.

Một điều đáng chú ý là mặc dù trong quân ngũ có những chỉ huy xuất sắc là phụ nữ như bà Ba Cẩn được Đề Thám rất tín nhiệm thường cho dự bàn việc quân cơ, nhưng không tổ chức nữ tướng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 09:44:24 am »


Đặc biệt nữa là trong số nghĩa quân hầu như không có mặt sĩ phu học trò mà Đề Thám thường gọi là "những người áo dài". Theo nhân dân địa phương kể lại, cụ thường cho rằng hạng người này thường không chịu được gian khổ thiếu thốn, không chiến đấu được dẻo dai bền bỉ, do đó dễ phản bội. Có nhiều người xuất thân học trò tìm đến xin gia nhập nghĩa quân đều bị từ chối, dù chỉ xin phép việc ghi chép ở văn phòng cũng không được nhận. Đây là một biểu hiện của chính sách dùng người hẹp hòi của Đề Thám khiến phong trào không thu hút được các phần tử sĩ phu đang có một vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá tư tưởng ái quốc vào nhân dân hồi đầu thế kỷ XX.

Về kỹ thuật tác chiến, nghĩa quân được tập rất cẩn thận, nhất là tập bắn. Trong thời gian đình chiến, nghĩa quân không lập xưởng chế khí giới nào, chỉ có lò rèn sửa chữa súng ống và đúc đạn chì quy mô rất nhỏ. Nguồn cung cấp vũ khí phần lớn trông vào "cướp súng giặc giết giặc", một phần mua của Trung Quốc, nhưng hồi này nguồn cung cấp vũ khí này bị hạn chế rất nhiều vì thực dân Pháp cho đồn canh dọc biên giới, kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt. Vì vậy, để tiết kiệm đạn, mỗi khi ra trận thực hiện khẩu hiệu "mỗi phát đạn một tên giặc", nghĩa quân rất chú trọng tập bắn. Thường xuyên có tổ chức bắn bia, có nhiều người nói nghĩa quân chỉ dùng nỏ để bắn bia cho đỡ tốn đạn; đôi khi có tổ chức bắn thi bằng súng. Hiện nay vẫn còn di tích những bãi bắn bia của nghĩa quân ở Mỏ Trạng, An Đông. Nhờ tập bắn chu đáo, nghĩa quân bắn rất giỏi, mỗi tay súng nghĩa quân là mối lo sợ cho địch. Tướng lĩnh nghĩa quân có nhiều người bắn giỏi như Cả Trọng, Cả Dinh...

Đề Thám nghiêm cấm quân lính không được chòng ghẹo phụ nữ. Ở các đồn trại đều có trại giam, có đủ gông cùm để trừng phạt những nghĩa quân làm bậy. Nhân dân vùng Yên Thế, Việt Yên hiện nay còn truyền tụng những đức tính tốt của quân cụ Đề. Tuy vậy, phương pháp giáo dục kỷ luật của Đề Thám phần nhiều dựa vào roi vọt, cùm kẹp, nhẹ về nâng cao trình độ giác ngộ, nên tại những đồn lẻ, nhất là những khi thất trận, vẫn không tránh khỏi có những hiện tượng hà hiếp cướp bóc nhân dân.

Vũ khí của nghĩa quân phần lớn là súng kiểu 1874 của Tây (Lebel, Gras, gióp năm, gióp ba, cò quip, cò tràng), một số súng Trung Quốc và nhiều nhất là súng kíp thô sơ do nhân dân tự chế. Ngoài ra còn mã tấu, giáo mác, nhưng không có tạc đạn, liên thanh. Pháo binh, kỵ binh hoàn toàn không có. Công sự phòng thủ là những đồn trại quy mô lớn, như đồn Phồn Xương là nơi Đề Thám đặt bản doanh, chung quanh có tường lũy bao bọc dày 2 thước, cao đến 4,5 thước. Ngoài tường có hào sâu và hố chông. Ngoài đồn chính còn rất nhiều các ụ tác chiến ngầm, thấp hơn mặt đất, ẩn kín sau các bụi rậm. Đại cương hệ thống phòng thủ ở Phồn Xương cũng không khác căn cứ Hữu Nhuế năm 1891. Trừ những khu vực tác chiến ở sâu trong rừng do các nghĩa quân tin cẩn xây dựng, còn đồn chính Phồn Xương do nhân dân các xã góp người lên hợp lực với nghĩa quân, mỗi làng phụ trách xây dựng một phần toàn hệ thống đồn lũy. Nếu làm xấu không những làm lại mà còn bị phạt. Hình thức phạt là phải giết lợn đem lên khao các làng làm giỏi, làm khá.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 09:44:42 am »


Về kinh tế, để có đủ lương thực cho nghĩa quân, trong thời kỳ đình chiến lần thứ hai, Đề Thám rất chú trọng khai khẩn đất ruộng. Như trên đã nói, cụ cho người về xuôi mộ thanh niên trai tráng nghèo khổ lên chia ruộng vừa làm kế sinh nhai, vừa để thử thách tinh thần chịu đựng gian khổ trước khi được gia nhập nghĩa quân. Ngay đối với đội quân chính thức, trừ một số ít thường trực giữ lại trên đồn, cụ cũng phái một số đơn vị chia nhau làm ruộng, vừa để sản xuất, tích trữ lương thực, vừa để che mắt giặc, ở trại Cọ, nghĩa quân cấy đến vài chục mẫu ruộng. Nghĩa quân đều được cấp trâu và nông cụ.

Trong những năm đầu đình chiến lần thứ hai, nhân dân bốn tổng thuộc phạm vi nghĩa quân cai quản không phải nộp thuế má gì cả. Mãi mấy năm sau mới nộp để nghĩa quân có tiền lương và lương thực củng cố đội ngũ chống lại âm mưu phản trắc của quân thù. Hiện nay không còn ai nhớ mức thuế ở Yên Thế hồi đó là bao nhiêu. Có một điều chắc chắn là trong 10 năm đình chiến nhờ được mùa luôn và nhất là vì có cảm tình sâu sắc với nghĩa quân nên nhân dân địa phương rất sốt sắng nộp thuế và thường xuyên tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Khi giáp hạt, nhân dân thiếu thóc ăn, đều được Đề Thám lấy thóc kho cho vay. Những khi nghĩa quân xây đồn đắp lũy, nhân dân phải cử người lên làm, nếu kêu ca điều gì, cụ đều giải thích cặn kẽ. Đến vụ gặt, vụ cấy, mỗi làng cử ba đến bốn người lên giúp việc trên đồn một ngày, tuy không trả công nhưng đều được tiếp đãi ăn uống đầy đủ.

Về chính trị, tổ chức thôn xã không có gì khác trước. Các chánh tổng, lý trưởng ở các xã đều do Đề Thám cử ra. Làng nào tín nhiệm được phát súng để bảo vệ (như làng Luộc Giới được phát 4 khẩu). Đối với bọn thổ phỉ giặc cướp Đề Thám thẳng tay trừng trị để trừ hại cho nhân dân. Như phái Đốc Khế, Đốc Dinh, Đốc Đang, Cai Cờ về Ngô Xá trừ bọn Đề Xếp đã cướp bóc hà hiếp nhân dân. Ngay trong hàng ngũ nghĩa quân có người phạm tội cướp của, chòng ghẹo phụ nữ, cụ cũng không tha.

Đặc biệt đối với tôn giáo, Đề Thám sai làm rất nhiều đình chùa và cả nhà thờ nữa. Như đình chùa các làng Trũng, Luộc Giới, Dĩnh Thép, Phồn Xương, Đa, Sậy, Lèo, Hả, Cao Thượng, Lan, Bằng Cục, Hoàng Mai; làm miếu thờ ông Đại Trận ở Ngọc Lý, nhà thờ Trũng, Bỉ Nội, Khánh Giàng. Đề Thám thường đi lại các đình chùa, nhà thờ lễ bái và thăm hỏi các tín đồ. Trong lúc đó giặc Pháp đến đâu thì bắt nhân dân phá đình chùa để lấy gạch gỗ xây đồn bốt. Như phá đình và chùa làng Hả để xây đồn Luộc Hạ, phá chùa Cao Thượng để xây đồn Nhã Nam. Nhân dân bên lương cũng như bên giáo càng gắn bó với lãnh tụ nghĩa quân, tin tưởng vào công việc của Đề Thám. Đương thời có nhiều điều mê tín dị đoan như dân bên lương nói cụ có thần hổ, tướng hổ đi theo phù hộ, được Đức ông chùa Lèo báo mộng biết trước việc xảy ra; dân bên giáo lại nói cụ được chúa ban phúc lành. Sau này, trong trận Ngàn Ván, Đề Thám bị vây chặt nhưng nhờ trời mưa to nên thoát được, đồng bào lương cũng như giáo càng thêm tin rằng cụ có thần hay chúa phù hộ. Dù đó là những nhược điểm của một phong trào nông dân nhiễm màu sắc tôn giáo mê tín dị đoan, mặt khác cũng nói lên được lòng yêu nước, tin yêu lãnh tụ của nhân dân, đồng thời cũng chứng minh chính sách tôn giáo khôn khéo của Đề Thám hồi đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:32:57 pm »


Câu hỏi 25: Đề Thám đã mỏ rộng thế lực nghĩa quân bằng cách nào? Vụ đầu độc ở Hà Thành đã khiến cho hàng nghìn binh lính Tây bị ngô độc diễn ra như thế nào?
Trả lời:


Trước sự biến chuyển của thời thế do những điều kiện lịch sử, Đề Thám phần nào cũng thấy rằng không thể cứ thủ hiểm hùng cứ một nơi mà làm nên việc lớn được. Cho nên bọn thực dân nhiều lần đưa thư phản kháng, Đề Thám vẫn ngầm sai người đi các nơi phát triển thế lực của nghĩa quân, Cả Dinh và một số tướng lĩnh khác đều được phái sang các tỉnh Tuyên Quang, Phúc Yên, Thái Nguyên gây cơ sở mới. Hai Nôm - một thủ lĩnh nghĩa quân vùng Phúc Yên, tuy về danh nghĩa đã sát nhập nghĩa quân Yên Thế, nhưng vẫn được Đề Thám cho ở lại Phúc Yên tiếp tục hoạt động. Các nhóm nghĩa quân của Đề Nguyên, Đề Công vẫn có bộ phận ở lại bí mật hoạt động ở vùng núi Tam Đảo. Năm 1909, khi bị Pháp đánh bật khỏi Yên Thế, nghĩa quân có thể kéo dài cuộc cầm cự suốt mấy tỉnh Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên, chính là nhờ những cơ sở đã được tổ chức từ thời kỳ đình chiến.

Mặt khác, sau khi các căn cứ kháng Pháp ở các nơi đều bị đánh tan và giữa cao trào cách mạng đầu thế kỷ XX, Yên Thế cũng được coi như một pháo đài vững chắc nhất, là một vị trí tiền tiêu chống đế quốc Pháp. Giang sơn Đề Thám là nơi lui tới của các bậc chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiêm, Nguyễn Văn Cẩn (tức Kỳ Đồng)... Nhưng đối với cánh sĩ phu có khuynh hướng cải lương, tiêu biểu là Phan Chu Trinh thì cuộc kết giao không được mật thiết lắm. Một phần cũng do thành kiến hẹp hòi đối với "người áo dài" của Đề Thám, nhưng phần chủ yếu là do chủ trương "chớ bạo động, bạo động thì chết” của Phan Chu Trinh không thể hòa hợp với đường lối đấu tranh vũ trang của Đề Thám được. Dưới mắt Phan Chu Trinh, Đề Thám không phải là người cùng một chí hướng, chỉ là con hùm quanh quẩn trong rừng xanh mà thôi, không nhìn được xa, không trông được rộng. Nên tuy Phan Chu Trinh đã từng lên Yên Thế, ở lại một thời gian và đã nhiều phen luận bàn thời cuộc với Đề Thám, cuối cùng cũng không đem lại kết quả gì.

Riêng đối với cánh sĩ phu có khuynh hướng bạo động như Phan Bội Châu, cuộc kết giao có phần tâm đầu ý hợp hơn.

Từ mùa thu năm 1902, Phan Bội Châu đã cử Tán Quỳnh và một người học trò đến Phồn Xương xin yết kiến Đế Thám nhưng không gặp. Tháng 11 năm ấy nhân mượn cớ xem hội khánh thành cầu Long Biên, cụ Phan thân đến Phồn Xương xin yết kiến. Lần này cụ ở lại trong đồn 10 ngày, nhưng Đề Thám mệt nên cử Cả Trọng tiếp thay. Cuộc hội kiến đem lại kết quả là Đề Thám hứa sẵn sàng hưởng ứng nếu Trung Kỳ nổi dậy và khởi nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 10:34:44 pm »


Quy mô đồn trại nghĩa quân và danh tiếng Đề Thám khiến Phan Bội Châu rất thán phục:

"... Trước kia cũng có người ở Nghệ Tĩnh ra Bắc khi trở về cũng có nói đến công việc Hoàng tướng quân, nhưng thực ra chưa người nào đi sâu vào nội dung cả; đến khi tôi vào đồn xem khắp đồn trại mới biết mệnh lệnh của Hoàng tướng quân thi hành ở mấy huyện trên thượng du không khác gì một tiểu khu độc lập sau khi nước ta đã mất. Ông Hoàng xuất thân nghèo hèn, trước phải đi ở chăn trâu, sau vào Đảng Cần Vương sung vào hàng ngũ chiến đấu, vì lập được nhiều chiến công nên thăng dần lên Đề đốc, đã mấy lần ông Hoàng đánh bại được quân Pháp, người Pháp dùng trăm kế dụ dỗ nhưng ông nhất định không chịu khuất phục... Chiến dịch năm Dậu, năm Tuất (1897-1898), thanh danh của ông vang dội các nước Âu - Á, nếu ức vạn nhân dân ta lúc bấy giờ cũng muôn người một lòng thì có khó gì mà ông chả làm được như Hoa Thịnh Đốn1, Gia Lý Ba Đích2.

Tháng 12 năm 1906, cụ Phan ở Nhật về được Đề Công giới thiệu vào yết kiến Hoàng Hoa Thám. Lần này cụ phan được tiếp đón long trọng, Đề Thám mở tiệc chiêu đãi giữ ở lại Phồn Xương hơn 10 ngày. Hai bên hội đàm đi đến kết quả sau:

- Đề Thám gia nhập Duy Tân hội.
- Những nghĩa sĩ Trung Kỳ bị truy nã trốn ra Bắc được ẩn náu ở Phồn Xương.
- Yên Thế khởi quân ứng viện nếu Trung Kỳ khởi nghĩa.
- Trung Kỳ nổi lên viện trợ nếu Phồn Xương bị tấn công.
- Duy Tân hội giúp về mặt ngoại viện cho Yên Thế.
- Duy Tân hội phải hết sức giúp đỡ nếu Phồn Xương thiếu quân.

Và cũng từ đó Đề Thám dành một quả núi sau đồn làm căn cứ địa cho nghĩa sĩ Trung Kỳ trốn ra Bắc, đặt tên là đồn Tú Nghệ.

Sau khi phong trào chống thuế năm 1908 bị khủng bố dữ dội, nhiều chiến sĩ cách mạng Trung Kỳ đã ra ẩn náu ở đồn Tú Nghệ như Tùng Nham, Hoàng Hành.

Tháng 8 năm 1908, lính khố xanh xung đột với một toán nghĩa quân trong địa hạt Phúc Yên, hai nghĩa quân bị hy sinh, địch khám phá ra là thủ hạ của Đề Thám.

Tại Thanh Hóa, tên giám binh khố xanh suýt bị ám sát cũng với một thủ hạ của Đề Thám. Một vụ ám sát tương tự cũng xảy ra ở Nhã Nam, đội khố xanh A-la-van (Alavall) suýt bỏ mạng.
_________________________________
1. Washington 1732-1799 người Mỹ.
2. Garibaldi 1807-1882 người Ý.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM