Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:25:48 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 28062 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 05:04:14 pm »


Câu hỏi 15: Nghĩa quân Yên Thế đã được quân địch mệnh danh là "tiểu đoàn bất khả xâm phạm”, trận Hữu Nhuế lần thứ ba ngày 22 tháng 12 đã diễn ra như thế nào? Kết quả của trận đánh đó?
Trả lời:


Sau 10 ngày chuẩn bị, địch điều thêm quân ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Thái Nguyên, Bố Hạ, Kép, tổng số là 739 tên mà quá nửa là lính Âu Phi về tập trung ở Nhã Nam. Lần này quan tư May-ơ trực tiếp chỉ huy và quan hai Bơ-rét-di làm tham mưu trưởng.

Suốt ngày 21 tháng 12, địch quan sát trận địa nghĩa quân và định đánh vào Hữu Nhuế. Chúng đưa quân làm hai ngả: phía nam qua Luộc Hạ, phía bắc qua chợ Gồ. Nhưng sau khi dò xét, chúng phải bỏ kế hoạch này vì đường đi quá hẹp và rậm rạp, lại có nhiều ổ phục kích của nghĩa quân. Cuối cùng, địch phải trở lại kế hoạch cũ trong hai trận trước, nghĩa là tiến theo con đường phía tây qua Hữu Thượng.

8 giờ sáng ngày 22 tháng 12, địch xuất quân. Đến 10 giờ sáng thì chiếm lĩnh xong trận địa. Bản doanh địch đóng ở Hữu Thượng bắc. Tại đây chúng để lại một phần lực lượng làm quân dự trữ, còn lại thì chia làm hai cánh, cánh thứ nhất do quan hai Bơ-le-dơ chỉ huy có nhiệm vụ tiến qua Ngòi Sặt chiếm pháo đài bắc, cánh thứ hai do quan ba Tê-ta chỉ huy có nhiệm vụ đánh tạt sang phía hữu rồi tiến thẳng vào đồn Hữu Nhuế.

Cánh quân thứ nhất vượt qua được Ngòi Sặt, nhưng sau ba đợt xung phong khá liều lĩnh của địch nghĩa quân kiên gan bám chặt vị trí. Số thương vong của địch khá đông, trong đó có quan hai Bơ-le-dơ. Địch buộc phải thay đổi mục tiêu tấn công. Đến 3 giờ chiều chúng không hy vọng gì chiếm pháo đài bắc nữa, mà chỉ còn bắn yểm hộ cho phu cáng đem xác và lính bị thương về hậu tuyến. Bên nghĩa quân lúc này chẳng những cũng ngừng súng mà còn nói loa ra lệnh cho quân địch được phép mang xác chết và lính bị thương về.

Trong khi trước pháo đài phía bắc, cánh quân của Bơ-le-dơ đang bị khốn đốn như vậy, thì tại mặt trận chính, cánh quân của đại úy Tê-ta - tên tướng đã thoát chết trong trận Luộc năm trước - cũng đang nằm chết gí ở mặt ruộng trước đồn Hữu Nhuế không sao nhích lên được. Trong trận này cũng như trận trước, nghĩa quân vừa bắn vừa nói loa kêu gọi lính khố xanh và khố đỏ quay súng chạy sang hàng ngũ nghĩa quân. Khoảng 3 giờ chiều, sau khi đã làm tê liệt sức tấn công của địch, nghĩa quân bất thần xuất kích tấn công vào trận địa pháo binh của địch ở sườn hữu, đồng thời phái một cánh quân khác vòng ra đằng sau đánh vào bản doanh và quân dự bị của địch đóng ở Hữu Thượng bắc.

Các mũi dùi tấn công đã bị bẻ gãy, lại bị đánh tập hậu rất nguy cấp, May-ơ đành vội vã thu quân chạy một mạch về Nhã Nam. Trận này quan hai Bơ-le-dơ tử trận, trên chục lính vừa tây vừa khố đỏ thiệt mạng và trên hai chục bị thương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 05:04:41 pm »


May-ơ đã kể lại trận ngày 22 tháng 12 như sau:

"Từ 1 giờ trưa đến 4 giờ chiều, chúng tôi phải chiến đấu rất dai dẳng trên khắp các mặt. Đối phương không hề bị lung lay vì đạn trọng pháo cũng như những làn đạn của bộ binh. Họ bảo vệ căn cứ rất kịch liệt và tiến đánh chúng tôi, vừa mặt trước vừa bên sườn phía hữu, vừa mặt sau.

Ba lần cánh quân bên tả xung phong vào đồn đối phương, cả ba lần đều thất bại mặc dù sĩ quan và binh lính của ta rất gan dạ và hăng hái. Xung quanh chúng tôi đạn nổ giòn. Tới 4 giờ chiều, tôi nghĩ khôn hơn hết là quay về Nhã Nam nếu không muốn thất bại thảm hại!... Bọn phiến loạn không những chỉ đóng trong đồn trại mà có cả một loạt công sự khác tạo nên một tập đoàn cứ điểm trong rừng sâu. Đối phương đã có những chỉ huy quân sự thực thụ".


Đoạn hồi ký trên đây của tên tướng thực dân phần nào đã phản ánh thực chất của phong trào kháng Pháp ở Yên Thế năm 1890. Chính địch cũng đã phải mệnh danh những đội nghĩa quân giữ đồn Hữu Nhuế là "tiểu đoàn bất khả xâm phạm", "tiểu đoàn anh dũng".

Ba hôm sau (ngày 25-12), Đề Thám lại cho quân đem đến trước đồn Nhã Nam cắm một lá cờ, trên gài lá thư như sau:

"... Trên đời không có gì chân chính hơn là lẽ phải; không có gì mang lại sức mạnh và lòng tin bằng sự trung thành và lòng biết ơn. Người ta nếu không nhớ đến công ơn người khác đối với mình, quên hết lý do, thì sẽ yếu hèn dù rằng quân số đông. Trái lại, nếu biết giữ lời hứa, nếu biết ơn người khác thì quân số dù ít nhưng sẽ đầy lòng tin và quyết tâm do đó sẽ trở nên mạnh mẽ phi thường.

… Chúng tôi đây, những thần dân trung thành và biết ơn của nước Việt, chúng tôi vô cùng thiết tha với phong tục trong nước, không bao giờ chịu rời bỏ các phong tục đó dù cho đứng trước cái chết, vì chúng tôi hoàn toàn tin vào trời đất, quỷ thần phù hộ chúng tôi làm tròn sứ mệnh.

Vừa rồi chúng tôi đóng quân tại các làng thuộc vùng Yên Thế. Các ông đã đem quân đến đốt phá. Để bảo vệ tính mệnh và tài sản nhân dân, chúng tôi bắt buộc phải đưa họ vào con đường chống lại nước Pháp...".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 05:06:25 pm »


Câu hỏi 16: Sau ba lần liên tiếp tấn công vào Hữu Nhuế không thành công, địch quyết định tấn công vào Hữu Nhuế lần thứ tư (ngày 3-1-1891). Trận đánh này diễn ra như thế nào và cho biết thêm về sự lãnh đạo tài tình của thủ lĩnh Đề Thám?
Trả lời:


Sau ba trận trước, địch bị hao binh tổn tướng nhiều vẫn không tiêu diệt nổi căn cứ của nghĩa quân. Lần này chúng quyết huy động một lực lượng lớn hơn các lần trước, xin thêm    trọng pháo và nhất là công binh, quyết phá kỳ được căn cứ Hữu Nhuế để lấy lại uy tín với quân lính và tín nhiệm trước dân chúng. Quan năm Phơ-rây được đặc cử trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công vào Hữu Nhuế lần này. Các đơn vị chủ lực thuộc Đáp Cầu, Bắc Ninh và Thái Nguyên đều được điều lên tiếp viện cho mặt trận Yên Thế. Cả Hà Nội cũng gửi lên một đại đội tinh nhuệ.

Từ ngày 23 đến ngày 31 tháng 12 năm 1890, địch chuẩn bị lực lượng, dò xét tình hình. Bên ta cũng ráo riết chuẩn bị nghênh chiến, củng cố các công sự đã bị trọng pháo địch phá hư hại trong trận trước, tăng thêm lực lượng cho các pháo đài phía bắc và phía nam, tạo thành một phòng tuyến khá vững chắc theo hướng đông tây từ chợ Gồ đến làng Nứa qua Hữu Nhuế, bảo vệ cho các con đường đi vào dãy núi Cai Kinh.

Ngày 1 tháng 1 năm 1891, đúng vào ngày Tết dương lịch, Phơ-rây chính thức nhận nhiệm vụ. Sau khi thân hành quan sát trận địa, kiểm điểm lực lượng, hắn chủ trương rằng mục tiêu cuộc tấn công lần này chưa phải là tiêu diệt hoàn toàn nghĩa quân, mà cốt san phẳng đồn Hữu Nhuế để ngăn không cho nghĩa quân Yên Thế thành một cái cầu bắc giữa phong trào kháng Pháp ở Bắc Cạn, chợ Chu, Thái Nguyên và phong trào ở Đông Triều, Móng Cái lúc này cũng rất sôi nổi. Kế hoạch của Phơ-rây là lập một phòng tuyến vững chắc bao vây Hữu Nhuế, chia làm nhiều mũi đồng thời tiến công, chứ không chỉ đi bằng con đường phía tây như ba lần trước, phát huy hỏa lực của pháo binh để trấn áp tinh thần nghĩa quân phá hủy công sự phòng thủ, sử dụng khả năng của công binh để chặt cây phá bụi mở đường tiến công. Ngoài ra địch còn huy động hai tàu chiến Mu-lon và Giắc-quyn kiểm soát con đường thủy Phủ Lạng Thương - Bố Hạ để vừa đảm bảo tiếp tế, vừa ngăn không cho nghĩa quân rút về miền Yên Thế hạ, mà cũng để cắt đường tiếp tế của nhân dân miền đồng bằng thường tải gạo muối qua sông ủng hộ nghĩa quân.

Ngày 3 tháng 1 năm 1891, chiến sự bắt đầu diễn ra ở các đồn ngoại vi làng Mạc, làng Lèo. Địch chiếm được hai nơi này rồi huy động lực lượng ra sức xây dựng các công sự phòng thủ làm một bàn đạp tiến công đồn chính. Nghĩa quân tạm thời rút khỏi làng Mạc và làng Lèo nhưng vẫn nấp kín trong các bụi cây bắn tỉa vào bọn lính địch đang xây công sự. Đêm mùng 4 tháng 1, ta tấn công vào hai vị trí của địch mới lập nhưng không có kết quả.

Ngày 5 tháng 1, từ hai ngọn đồi cách làng Lèo 150 thước về phía đông và cách làng Mạc 100 thước về phía bắc, địch huy động công binh làm con đường tiến vào Hữu Nhuế. Đêm hôm đó, một toán địch có 140 cây súng lại định lẻn đến tập kích một nơi chứa rất nhiều lương thực ở phía đông bắc đồn Hữu Nhuế, nhưng nửa đường hai người dân địa phương chúng bắt đi dẫn đường bỏ trốn nên chúng đành quay về.

Suốt ba ngày 6, 7 và 8, địch tiếp tục làm đường tiến về Hữu Nhuế, bên ta nhiều lần bắn tỉa chặn các đội tuần tiễu và quấy rối bọn lính địch làm đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 19 Tháng Hai, 2017, 05:16:38 pm »


Sáng ngày 9 tháng 1, địch tập trung pháo binh nã vào các vị trí nghĩa quân. Đến 9 giờ chúng lại bắn vãi ra phía ngoại vi ở mặt sau để chặn đường rút của nghĩa quân, trong lúc đó địch đưa bộ binh theo hai ngả, một ngả theo con đường phía tây của các đợt tiến công trước, một ngả theo con đường mới làm từ năm hôm nay. Suốt buổi sáng nghĩa quân vẫn gan dạ nấp kín trong các công sự sau tường lũy. Đến 10 giờ, khi pháo binh địch ngừng bắn thì bộ binh địch các ngả cũng đều tiến sát hàng rào đầu của nghĩa quân. Từ trong chiến hào, tiếng loa địch vận của nghĩa quân vang dội: "Anh em khố đỏ và phu hãy nằm cả xuống! Anh em hãy quay súng bắn vào đầu bọn Pháp và chạy qua bên này! Mỗi đầu lính Pháp sẽ được thưởng 50 đồng, đầu chỉ huy được 100 đồng. Chúng tôi chỉ bắn bọn Tây thôi! Các anh cứ sang không sợ gì cả!".

Địch dùng moóc-chi-ê bắn cầu vồng để uy hiếp tinh thần nghĩa quân. Rồi đúng 10 giờ 30 phút, sau tiếng kèn xung phong, từng toán lính địch dao cầm tay, lưỡi lê đầu súng liều lĩnh băng qua ruộng xông vào. Nhưng bên ta không để cho chúng tới gần, nghĩa quân bình tĩnh và gan dạ nấp sau tường lũy và chiến hào đón địch bằng những loạt đạn rất trúng. Trong đợt xung phong này, quan ba Ghi-nhê bỏ mạng giữa các đợt phản kích, bên nghĩa quân không ngớt lời động viên nhau, dũng cảm cầm cự đến cùng.

Giữa lúc địch tập trung hỏa lực đánh vào đồn chính như vậy, thì một cánh quân địch tiến đánh chợ Gồ nhằm làm lạc hướng của nghĩa quân, nhưng chúng vừa vượt khỏi Ngòi Sặt thì bị 200 nghĩa quân chặn đánh, buộc chúng phải quay trở lại. Đến trưa mặt trận tạm yên.

Quá trưa trọng pháo địch lại nổ. Địch tổ chức nhiều đợt xung phong nhưng bên ta vẫn giữ vững vị trí. Suốt một ngày chiến đấu, địch chết một quan ba, bị thương 7 trong đó có 2 quan hai, mà chỉ chiếm được mấy quả đồi quanh Hữu Nhuế. Trong khi đó ở ven sông Thương cũng xảy ra vài cuộc giao tranh nhỏ ở Lục Liễn và Phú Đình giữa thủy binh giặc và nghĩa quân. Đến chiều thì địch chiếm được làng Soi và Phú Đình ven sông Thương.

Sáng sớm ngày 10 tháng 1, đại bác trên hai tàu chiến Mu-lon và Giắc-quyn bắn phối hợp với pháo binh đặt trên đồi gần làng Mạc và làng Lèo yểm hộ cho công binh đào công sự và phát thêm đường tiến sâu vào Hữu Nhuế.

Chiều hôm đó, trong đồn Hữu Nhuế một cuộc hội nghị quân sự cấp tốc được triệu tập có mặt Đề Thám và các tùy tướng quan yếu là Đề Sặt, Lãnh Chi, Lãnh Giám. Sau khi nhận định tình hình chiến sự hai hôm nay, hội nghị chủ trương rút khỏi Hữu Nhuế để bảo toàn lực lượng. Và ngay đêm hôm đó, nghĩa quân rút khỏi Hữu Nhuế tiến về phía đông bắc.

Đến sáng hôm sau (ngày 11-1), địch hùng hổ tiến vào thì chỉ còn xác đồn không. Nghĩa quân đã rút hết, mang theo cả thương binh nên địch không ước đoán được con số thiệt hại của nghĩa quân là bao nhiêu. Chỉ thấy trên sân đồn còn rải rác vài chiếc mũ vàng, mấy bộ quân phục mà địch nhận ra là của quân Đội Vân vì có số hiệu quân đội Pháp và quân Hoàng Cao Khải ở Hải Dương. Địch còn tìm thêm dấu vết chứng tỏ trong đồn Hữu Nhuế có cả nghĩa quân Hoa kiều ở phố Bình Gia tới, quân của Lương Tam Kỳ ở chợ Chu và quân Ba Kỳ ở chợ Mới (Bắc Cạn) sang nữa.

Địch phá hết các công sự, đến ngày 13 tháng 1 thu quân về xuôi và giải tán binh đoàn. Trong trận tiến công thứ tư này, địch có 2 sĩ quan chết, 2 bị thương, 6 lính Pháp chết và 25 bị thương, 6 lính khố đỏ chết và bị thương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2017, 11:18:55 am »


Câu hỏi 17: Chiến dịch tháng 3 năm 1892 là một thử thách lớn của nghĩa quân Yên Thế, nhiều tướng lĩnh và nghĩa quân đã đầu hàng giặc. Hãy cho biết diễn biến của chiến dịch này?
Trả lời:


Đồn Hữu Nhuế tuy bị san phẳng nhưng lực lượng nghĩa quân không bị tiêu diệt. Phong trào kháng Pháp ở Yên Thế căn bản vẫn được duy trì và vẫn thuộc quyền thống lĩnh của Đề Nắm. Sau trận chống càn ở Hữu Nhuế, uy tín của Đề Thám càng lớn trong số chỉ huy nghĩa quân. Tuy rằng, suốt năm 1891, ở Yên Thế không có trận nào lớn ngoài những cuộc càn nhỏ do quan tư Bê-ra, quan ba Pê-lít-si-ê, quan hai Đờ-to-rê cầm đầu. Trái lại, trong các tỉnh lân cận, phong trào lại rất sôi nổi. Tại chiến khu Đông Triều, quan năm Tê-ri-ông (Térillon) đang thất điên bát đảo với nghĩa quân Lưu Kỳ.

Lợi dụng chiến sự đang ác liệt ở vùng Đông Triều, nghĩa quân Yên Thế tranh thủ mộ thêm quân, tích trữ thêm nhiều vũ khí đạn dược từ bên kia biên giới, xây thêm công sự mới. Lần này Đề Nắm tập trung lực lượng đóng thành một hệ thống cứ điểm từ đông sang tây phía bắc đường Nhã Nam - Bố Hạ, tựa vào chân dãy núi Cai Kinh, dọc theo đường Bố Hạ đi Mỏ Trạng, cách Hữu Nhuế trên 5 cây số.

Hệ thống đồn trại của nghĩa quân có 7 đồn chính:

- Đồn số 1: là đồn chính do Đề Nắm trực tiếp chỉ huy gọi là đồn Đề Nắm.
- Đồn số 2: do Đề Lâm cai quản gọi là đồn Đề Lâm.
- Đồn số 3: là đồn Đề Truật.
- Đồn số 4: là đồn Đề Trung.
- Đồn số 5: là đồn Đề Dương (tức Đề Thám).
- Đồn số 6: là đồn Tổng Tài.
- Đồn số 7: là đồn Bá Phức.

Mỗi đồn đều được bao bọc bằng tường lũy kiên cố xây bằng đất nện theo hình răng cưa, đục nhiều hàng lỗ châu mai. Khi lâm trận nghĩa quân kẻ đứng người ngồi hay quỳ sau các hàng lỗ châu mai tạo thành lưới đạn khá dày. Bên ngoài lũy là hố chông, ụ tác chiến, cọc vót nhọn bắt chéo đứng thẳng chằng dây thép gai hay chão lớn, rồi đến một giậu tre kín đặc. Ngoài hệ thống phòng thủ nhân tạo, nghĩa quân còn được thiên nhiên che chở bằng những cánh rừng dày rậm bên dưới có dây leo chằng chịt. Đại khái công sự phòng thủ ở đây cũng như ở đồn Hữu Nhuế năm trước, nghĩa quân có thể nấp kín nhìn địch rất rõ mà địch thì không sao xác định được vị trí hỏa lực của nghĩa quân, do đó pháo binh cũng khó bề phát huy tác dụng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2017, 11:19:11 am »


Quan tư Sa-bờ-rôn nói về cách phòng ngự này đã phải công nhận rằng:

"Những người không đi học trường cao đẳng quân sự mà biết lợi dụng địa hình địa vật như vậy thật là không chê vào đâu được”.

So sánh với chiến trường Đông Triều, y đã phải công nhận rằng địa thế Yên Thế tuy hẹp và ít núi non hơn nhưng rừng rú lại rậm rạp hơn, hơn nữa nghĩa quân Đề Nắm lại biết lợi dụng địa hình địa vật hơn và chiến đấu gan dạ cương quyết hơn nghĩa quân Lưu Kỳ.

Trong chiến dịch này, địch đã rút được một phần kinh nghiệm qua các trận trước. Địch bố trí hai đạo quân cơ động: một đạo đánh ngoại vi để thăm dò lực lượng quan sát trận địa và làm nghi binh, một đạo đánh thẳng vào giữa nhằm đồn số 1 làm mục tiêu chính.

Lực lượng địch do tướng Voa-rông chỉ huy gồm tất cả 2.217 tên, bao gồm các binh chủng công binh, pháo binh, kỵ binh. Ngoài số quân ở Hà Nội lên, địch còn huy động cả quân ở Thái Nguyên và Lạng Sơn đến giúp, về pháo binh địch huy động tới 12 khẩu 80 ly, 2 khẩu 95 ly, 4 khẩu moóc-chi-ê 15 ly. Về cấp chỉ huy không kể từ cấp úy trở xuống thì có 1 thiếu tướng, 2 trung tá, 2 thiếu tá. Nói tóm lại địch đã phải huy động đến một lực lượng gấp mười, mười lăm lần số quân địch dùng để đánh Hà Nội năm 1873 và năm 1882 để đối phó với nghĩa quân trong một trận địa ngang dọc không quá ba cây số.

Ngày 15 tháng 3, địch ra lệnh xuất quân từ Bố Hạ nơi đặt bản doanh của cuộc hành binh. Cánh quân khởi hành từ Thái Nguyên do thiếu tá Bê-ra chỉ huy tới Mỏ Na Lương thì tách làm đôi, một bộ phận tiếp tục tới Mỏ Trạng trong Trại An nhằm đồn Bá Phức, một bộ phận rẽ sang ngả Quỳnh Lâu nhằm đồn Đề Dương (tức Đề Thám) tiến phát, nhưng bị nghĩa quân Đề Dương chặn lại ở Cầu Rùa gần Quỳnh Lâu. Trong khi đó cánh quân của thiếu tá Cu-rô khởi hành từ Lạng Sơn đã vượt qua dãy Cai Kinh tới Mỏ Xạt. Cánh quân của trung tá Bu-ghi-ê lần lượt chiếm các làng Thượng, Am Động, Dĩnh Thép và sáng ngày 23 tháng 3 thì cánh quân của trung tá Gây có nhiệm vụ đánh tung thâm cũng đã tập trung đầy đủ ở Bố Hạ.

Vòng vây địch đã khép chặt. Ngày 25 tháng 3, địch ra lệnh tấn công. Cánh quân Bê-ra từ Mỏ Trạng tấn công đồn số 7 của Bá Phức. Cuộc chiến đấu ở đây không kịch liệt lắm, địch chiếm được đồn, Bá Phức cùng số quân còn lại rút vào rừng. Cánh quân Bu-ghi-ê từ các làng Thượng, Am Động, Dĩnh Thép tấn công đồn số 4 của Đề Trung và đồn số 5 của Đề Dương. Còn quân chủ lực của địch do Gây chỉ huy thì tấn công đồn số 1 (Đề Nắm), đồn số 2 (Đề Lâm), đồn số 3 (Đề Truật), đồn số 6 (Tổng Tài). Trong bấy nhiêu đồn, chỉ có đồn chính do Đề Nắm chỉ huy và đồn Đề Dương (tức Đề Thám) là kháng cự oanh liệt hơn cả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2017, 11:20:47 am »


* Mội số trận đánh chính của chiến dịch :

Trận đánh đốn Đề Dương tức Đề Thám (ngày 25-3-1892):

Đúng 12 giờ 30, địch tập trung hai khẩu đại bác nã vào đồn, đồng thời phái 180 lính vừa Pháp vừa khố đỏ chiếm làng Hom. Tại đây nghĩa quân đã nấp sẵn trong các nhà dân đánh vào sườn bên phải của địch. Sau khi bắn một loạt đạn, thừa cơ địch đang lúng túng chấn chỉnh đội ngũ, nghĩa quân rút vào khu rừng trước mặt, địch xông vào rừng thì lại bị bắn vào sườn bên trái. Cuộc giao tranh kéo dài đến 3 giờ chiều, xác địch chết và bị thương ngổn ngang trên trận địa, địch không sao cướp được về. Trọng pháo địch bắn vu vơ vào rừng như để uy hiếp tinh thần nghĩa quân hơn là để phá hủy công sự phòng thủ trong đồn. Nhiều khi trọng pháo lại cản trở bước tiến của bộ binh địch khiến chỉ huy địch phải yêu cầu trọng pháo ngừng bắn. Gần tối tiếng súng ngừng hẳn. Địch tuy chiếm được đồn số 5 bỏ trống nhưng bị tan rã hai trung đội, 40 tên chết và bị thương, trong đó có 1 quan ba, 1 quan hai, 9 tên bị mất tích.

Trận đánh đồn Đề Nắm (ngày 26 và ngày 27-3):

Từ ngày 24 tháng 3, địch đã phái 100 tên vừa lính lê dương vừa khố đỏ do thiếu tá Cu-rô chỉ huy đi thám thính tình hình. Ngày 27 tháng 3, sau khi đã làm chủ các đồn khác, địch dồn thêm lực lượng đánh đồn chính. Trong trận này chúng bắn đến 200 quả sơn pháo để uy hiếp nghĩa quân. Mặc dù thế, sau một ngày chiến đấu quyết liệt địch vẫn không tới được chân đồi. Đêm đó chúng ngủ ngay trên trận tuyến. Sáng sớm hôm sau, súng lại nổ, cuộc chiến đấu lại tiếp tục ác liệt hơn hôm trước. Quá trưa thì địch hoàn toàn chiếm được đồn, thu được tấn rưỡi gạo, nhưng nghĩa quân đã rút đi từ lúc nào. Riêng trận này địch chết và bị thương 15 tên, đa số là lính người Pháp.

Tới ngày 31 tháng 3, địch khống chế được toàn bộ trận địa của nghĩa quân Yên Thế, nhưng quân ta núng thế vì đại bác địch nên phải rút khỏi đồn chứ chưa bị hao tổn nhiều. Nghĩa quân chia thành nhiều toán nhỏ phục kích các toán quân tuần tiễu của địch. Ngày 4 tháng 4, tại đèo Ỉnh, một toán khoảng 70 nghĩa quân phục kích toán quân của quan ba Bét-boi. Ngày 7 tháng 4, tại Sơn Quả gần Cao Thượng, và ngày 12 tháng 4 tại Hòa Mộc vẫn có những cuộc giao tranh nhỏ. Ngày 20 tháng 4, tại làng Tiên, ta đóng trong một ngôi chùa, địch đem cả pháo binh trợ lực vẫn không chiếm được, đành bỏ lại 4 xác chết rồi rút về Bố Hạ.

Qua các trận trên, tuy địch không đạt được mục đích tiêu diệt nghĩa quân, nhưng về phía nghĩa quân cũng có nhiều triệu chứng tan rã. Dần dà có một số người thất chí ra đầu thú như Đề Sặt, Đề Toán, Đề Kiều... Đề Tiêu trá hàng bị địch ngờ khám nhà thấy còn nhiều súng đạn nên đem ông ra bắn ngày 28 tháng 7.

Trong vòng 5 tháng lại thêm 70 nghĩa quân ra hàng nữa. Từ tháng 6 trở đi, phong trào kháng Pháp ở Yên Thế đi xuống nhiều. Các tướng lĩnh lần lượt ra hàng hay phiêu bạt nơi khác, duy chỉ còn lại một người mặc dù gặp muôn vàn khó khăn gian khổ, quyết tâm vẫn không sờn, chí khí vẫn không nhụt, cố gắng thu nhặt tàn quân, lập lại đội ngũ để duy trì phong trào. Người ấy chúng ta thấy đã nổi danh trong trận Hữu Nhuế, trong chiến dịch tháng 3, người đó chính là Hoàng Hoa Thám - từ nay đóng vai trò chính trong lịch sử chống Pháp ở Yên Thế.

Từ sau cuộc tiến công của tướng Voa-rông, nghĩa quân bị đánh bật ra khỏi Yên Thế. Pháp giao vùng này cho bọn quan văn cai trị dưới quyền tổng đốc và công sứ Bắc Ninh rồi kéo quân chính quy về xuôi tiếp viện cho mặt trận khác đồng thời tăng cường hệ thống đồn canh dọc biên giới để ngăn nghĩa quân khỏi tràn qua biên giới. Lực lượng quân sự ở Yên Thế chỉ còn các đơn vị khố xanh dưới quyền sĩ quan Pháp và một vài tiểu đội lính Pháp giúp sức, thay nhau càn quét khắp nơi hòng tiêu diệt lực lượng nghĩa quân.

Trong tình hình đó, nghĩa quân phải phân tán ra từng toán nhỏ, độc lập tác chiến, trà trộn với dân chúng tự giải quyết vấn đề lương thực, vũ khí, đạn dược. Vì vậy các cuộc giao chiến nhỏ thường diễn ra luôn. Theo báo cáo của Pháp thì từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1892, nghĩa quân cướp được 287 súng trường và 43 súng tay. Vì chiến đấu đơn độc như vậy nên một số lãnh tụ nghĩa quân thất thế buộc phải ra hàng. Chính trong thời gian này (tháng 4- 1892), nghĩa quân Yên Thế mất một người thủ lĩnh xuất sắc là Đề Nắm tức Đề Hả, ông hy sinh vì sự phản trắc của một thủ hạ là Đề Sặt1.

Đề Nắm chết, nghĩa quân như rắn không đầu, ra đầu thú ngày càng nhiều. Phong trào cơ sở tan rã thì Đề Thám, một tướng lĩnh xuất sắc của Đề Nắm trước đây đã từng nổi tiếng trong các trận Hữu Nhuế năm 1891, trận giữ đồn Đề Dương (tên chiến đấu của Đề Thám) trong chiến dịch tháng 3 năm 1892, đã dũng cảm đứng ra tập hợp nghĩa quân củng cố hàng ngũ, gây dựng lại lực lượng, mở ra một thời kỳ mới của phong trào kháng Pháp ở Yên Thế. Từ nay phong trào lại bùng bùng nổi dậy dưới ngọn cờ chiến đấu của Đề Thám.
_________________________________
1. Theo nhân dân địa phương kể lại thì Đề Sặt là anh vợ (có người lại nói là chú Đề Nắm) vì thấy Đề Nắm thắng lợi nhiều nên ganh tỵ muốn cướp quyền thống soái. Trong ngày hội xem chèo ở Khám Nghè, y cùng mẹ vợ và Cai Ba làng Bùi dọn cỗ lớn có hai bát chè đường bỏ thuốc độc mời Đề Nắm ăn, đến đêm thì cấm khẩu chết. Hôm sau Đề Sặt chặt đầu Đề Nắm ra hàng Pháp ở Cao Thượng, đem theo 50 quân với 48 súng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2017, 11:21:39 am »


Câu hỏi 18: Trong gần hai năm từ tháng 8 năm 1892 đến tháng 4 năm 1894, phong trào kháng Pháp ở Yên Thế đã dần dần hồi phục, lực lượng nghĩa quân mỗi ngày một đông, việc một vài thủ lĩnh ra hàng đã không làm cho nghĩa quân suy yếu, trái lại càng làm cho hàng ngũ thêm thuần khiết vững mạnh với những chỉ huy gan dạ còn lại. Nghĩa quân đã vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng như thế nào?
Trả lời:


Tháng 8 năm 1892, lợi dụng tình thế tạm yên, bọn Pháp đắp 40 cây số đường nối những khu trọng yếu trong vùng phía bắc con đường Bố Hạ - Nhã Nam để tiện việc chuyển vận quân lính và vũ khí. Đầu tháng 11 năm 1892, chúng mở cuộc càn quét lớn. Ngày 3 tháng 11 năm 1892, bị địch bao vây bốn mặt, Đề Thám viết thư cho địch hứa vào ngày 19 tháng 11 sẽ ra hàng với Đề Phức, Thống Luận, Tổng Trụ và 49 thuộc hạ có vũ khí. Nhưng rồi cụ lại hẹn khất đến ngày 29. Địch ngờ vực cho là nghĩa quân trá hàng để hoãn binh nên đêm 29 rạng ngày 30 tháng 11, địch phái một đội quân gồm 370 tên vừa lính Pháp vừa lính khố đỏ, khố xanh do thiếu tá Ba-ri (Barri) chỉ huy kéo đến đánh úp một toán nghĩa quân ở làng Bằng Cục, nhưng bị nghĩa quân chống trả kịch liệt rồi bất ngờ rút lui. Quân Pháp càn quét vào Yên Thế nhưng không kết quả gì, nghĩa quân tản vào các làng mạc ẩn hiện bất thường. Từ đó thế giằng co lại diễn ra giữa ta và địch ở Yên Thế. Ngày 20 tháng 12 năm 1892, lại một trận giao chiến ở làng Đông (Bích Động, Việt Yên), địch kéo đại quân đến thì nghĩa quân đã kịp thời rút. Đêm mùng 7 rạng mùng 8 tháng 2 năm 1893, Đề Thám sai quân về làng Sặt bắt giết Đề Sặt báo thù cho chủ tướng cũ là Đề Nắm. Hôm đó ở Cao Thượng mở hội, làng có hát chèo, thủ hạ của Đề Sặt đi xem hết. Đề Thám nhân dịp đó thân dẫn một số nghĩa quân lẻn vào nhà tên Sặt, hắn đang nằm hút thuốc phiện. Đề Thám nhảy lên hô lính trói lại, sai làm cơm cúng Đề Nắm ngay sân nhà Đề Sặt, sau đó hạ lệnh lấy dây thép xỏ vào gan bàn tay tên phản bội dẫn về căn cứ nghĩa quân, một năm sau mới giết.

Hành động trừ gian này cảnh cáo những tên tấp tểnh ra hàng, làm tay sai cho giặc để tâng công chuộc tội với giặc. Việc báo thù cho chủ tướng của Đề Thám cũng được nhân dân, quân sĩ đồng tình và càng ca tụng nghĩa khí của Đề Thám đối với chủ cũ.

Sang đầu năm 1893 thanh thế nghĩa quân Đề Thám đã lan rộng khắp 10 tổng ở vùng Nhã Nam. Các toán quân lẻ, các chỉ huy nghĩa quân bấy lâu thất lạc, có người đã bỏ về nhà làm ăn nay đều trở lại chiến đấu dưới ngọn cờ Hoàng Hoa Thám. Trong hàng ngũ các tùy tướng của Đề Thám có người vợ ba là Đặng Thị Nho (thường gọi là bà Ba Cẩn), Cả Trọng (con vợ cả), Cả Dinh, Cả Huỳnh (con nuôi); ngoài ra còn có một số tướng lĩnh khác như Đề Phức (tức là Thống Phức hay Bá Phức, tướng cũ của Đề Nắm và là cha nuôi Đề Thám), Giáp Văn Phức (rất gan dạ thường cầm cờ đi trước nên có tên là Cai Cờ), Cai Tề, Lĩnh Trân, Cai Sơn, Quản Cân, Cai Sang, Lập, Lãnh Niêm, Lãnh Chiếm, Phó Thái, Đốc Trụ, Cai Thuống, Cai Mễ, Phó Du, Phó Oanh, Đảo Tảo, Thống Luận, Lý Bắc, Lý Thu, Cai Ba, Lãnh Túc, Ba Biểu, Tổng Trụ, Đốc Hy, Đốc Túc, Đốc Khế, Đốc Hân, Điều An... Sau này Đề Thám còn thu nạp các điền chủ có tinh thần kháng Pháp như Bang Kinh ở Hữu Lũng, Cai Thanh ở Thanh Hóa, Đốc Văn và Đề Vàng là hai tùy tướng của Tán Thuật cũ; Cả Tuyển con Tán Thuật, Đề Công và Thống Lẫm lãnh tụ nghĩa quân ở Tam Đảo; Hai Roan, Hai Giữa, Hai Nôm lãnh tụ nghĩa quân ở Phúc Yên...

Quân sĩ cũng như tướng lĩnh của Đề Thám đều xuất thân nghèo khổ, phần lớn là tàn quân của các nhóm nghĩa quân các nơi thất tán lên Yên Thế ẩn náu đã tiếp tục chiến đấu. Cũng có người là dân lưu tán bị mất ruộng đất ở dưới xuôi lên gia nhập nghĩa quân trước là lấy chỗ sinh sống, sau là để trả mối thù xưa. Cũng có người phải chịu qua thử thách như chăn trâu cắt cỏ, cày bừa, canh gác, phục dịch trong quân ngũ một thời gian mới được chính thức gia nhập hàng ngũ nghĩa quân và được phát súng. Đặc điểm của nghĩa quân Đề Thám phần lớn đều không biết chữ. Điều đó cũng dễ hiểu vì nghĩa quân Đề Thám cũng như nghĩa quân các nơi khác đều xuất thân từ nông dân nghèo bị áp bức lâu nay. Nhưng điều cần nhận rõ ở đây là ngay trong số tướng lĩnh không có một sĩ phu, ông cử, ông tú nào cả. Nhân dân địa phương cho biết Đề Thám rất thành kiến với dân áo dài (ám chỉ sĩ phu học trò). Điều An - người giúp Đề Thám trong việc sổ sách giấy tờ giao dịch với ngoài cũng chỉ biết ít chữ Nho và chữ Nôm mà thôi, Ngoài ra còn hai người trông nom việc thu phát binh lương, vũ khí và quân số là biết ít nhiều chữ nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2017, 11:22:01 am »


Tuy nghĩa quân chủ yếu là quân ô hợp nhưng kỷ luật rất nghiêm, ai đi nhũng nhiễu của dân mà Đề Thám biết được đều bị trừng trị đích đáng như đã xử tử Cai Thu và Hai Giữa về tội ăn cướp của dân. Nghĩa quân Đề Thám có tài đánh du kích, bắn rất trúng, chứng tỏ được luyện tập công phu. Vũ khí phần lớn cướp được của địch, phần quan trọng khác là mua ở bên kia biên giới như các loạị Mauser, Lebel, Gras kiểu năm 1874, kiểu năm 1886. Binh lương nghĩa quân trông vào sự ủng hộ của dân. Trong thời gian này nghĩa quân chưa lập được căn cứ nên dựa vào dân sống từng ngày. Bước sang đầu năm 1894, phong trào đã có cơ sở vững. Nghĩa quân đã lập đồn ở Hữu Nhuế (Hố Chuối), tổ chức việc quyên góp đem về tích trữ ở đồn. Chiến thuật của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám là vừa lưu động tác chiến đánh phục kích vừa xây dựng căn cứ lâu dài, dựa vào địa hình địa vật thuận lợi mà đắp các ổ kháng chiến, pháo đài, ụ súng ngầm dưới đất và các lùm cây rậm rồi nhử địch vào sâu để tỉa từng tên một. Nhưng nếu địch tập trung lực lượng quá đông thì nghĩa quân cũng biết bỏ đồn, phân tán từng lớp nhỏ, đánh du kích quấy rối để tránh khỏi bị tiêu diệt.

Chiến thuật của Đề Thám đã làm địch tổn thất nặng trong những năm 1891-1892, lúc ông còn là tùy tướng của Đề Nắm. Đến nay, toàn bộ phong trào kháng Pháp do Đề Thám thống lĩnh nên chiến thuật ấy lại càng phát huy đầy đủ tác dụng của nó. Đầu tháng 6 năm 1893, Đề Thám chỉ huy 30 nghĩa quân về hoạt động ở ngay sát Nhã Nam. Đến ngày 19, nghĩa quân lại bất ngờ xuất hiện gần phủ Từ Sơn (Bắc Ninh), rồi ngày 27 tháng 6, nghĩa quân lại tập kích đồn Đáp Cầu, tiêu diệt hai tên và làm bị thương một công sứ Bắc Ninh là Bu-lô-sơ. Địch vội phái 36 lính Pháp và 15 lính bộ binh đem một đại bác đến thì nghĩa quân đã đi xa rồi.

Sang tháng 9, nghĩa quân hoạt động mạnh chung quanh Nhã Nam. Ngày 13 tháng 9, khoảng 10 nghĩa quân đóng cách Nhã Nam chỉ 10 cây số. Rồi ngày 17 tháng 9, một cuộc giao chiến diễn ra trên đường Phủ Lạng Thương giữa nghĩa quân và đội quân của Bu-lô-sơ, quân Pháp bị tiêu diệt 1 tên và bị thương 1 tên.

Đêm 31 tháng 12, quân Đề Thám lọt vào một làng gần Nhã Nam hoạt động, trước khi rút lui còn táo bạo bắn vào đồn Pháp. Vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, đến cuối năm 1893 thì phong trào kháng Pháp ở Yên Thế chẳng những đã được hồi phục mà còn có cơ sở phát triển sâu rộng hơn giai đoạn trước.

Thế lực nghĩa quân ngày càng bành trướng, địch hoảng hốt đối phó. Ngày 8 tháng 1 năm 1894, chúng huy động các đơn vị lính khố xanh và lính Pháp đóng ở các đồn Nhã Nam, Mỏ Trạng, Bố Hạ, ba mặt cùng vào Yên Thế thượng.

Nhưng nghĩa quân đã giữ bí mật được căn cứ và thực lực, nên chỉ để một bộ phận đánh tạt sườn địch bẻ gãy gọng kìm Nhã Nam buộc địch phải rút lui, sau đó tổng đốc Bắc Ninh là Lê Hoan đem 200 lính khố xanh và 600 lính cơ phối hợp với lính Pháp các đồn Mỏ Na Lương, Mỏ Trạng, Bố Hạ và Thái Nguyên. Tất cả do thiếu tá Va-lăng-sơ chỉ huy để mở cuộc tấn công đại quy mô vào Yên Thế thượng. Lần này rút kinh nghiệm các lần trước, song song với biện pháp quân sự, chúng còn dùng cả thủ đoạn chính trị vừa phô trương lực lượng quân sự, vừa tìm cách thương lượng với một số lãnh tụ nghĩa quân. Chúng lôi kéo được Tổng Chế, Ba Chi và cuối cùng là Đề Phức ra hàng đem theo 76 khẩu súng, những người ra hàng được chúng phong làm thương tá. Địch mua chuộc được Đề Phức rồi, liền hạ tối hậu thư cho Đề Thám bắt phải nộp hết khí giới và rút quân khỏi Yên Thế. Chỉ huy nghĩa quân lúc bấy giờ như Thống Luận, Tổng Lượng, Tổng Trụ đều bàn với Đề Thám kéo dài cuộc thương thuyết rồi trá hàng để tạo không khí hòa hoãn nhằm bổ sung thêm lực lượng chờ thời cơ mới. Vì vậy cuối tháng giêng năm 1894, Đề Thám đưa thư hứa đến ngày 7 tháng 2 năm 1894 (vào đúng ngày Tết Nguyên đán) sẽ ra đầu thú và nộp vũ khí, còn Pháp thì phải rút quân khỏi Yên Thế.

Nhưng sau nhiều lần gặp gỡ, cuộc thương thuyết thất bại. Địch liệu không đủ sức tấn công tiêu diệt nghĩa quân nên cũng phải rút về. Về phía nghĩa quân thì vẫn ráo riết tập hợp các toán quân lẻ ở các nơi và chiêu dụ đám thổ phỉ Trung Quốc tại các dãy núi Cai Kinh, tiêu diệt các tên thổ hào tay sai cho địch. Đến cuối tháng 4, nghĩa quân đã thực sự làm chủ Yên Thế thượng, đóng quân khắp các làng Lèo, làng Mạc, làng Nứa, làng Văn và xây lại pháo đài Hữu Nhuế (pháo đài đã bị đại tá Phơ-rây phá hủy từ tháng 1 năm 1891).

Trong giai đoạn này, địch mải lo đối phó với phong trào nơi khác nên không có cuộc hành binh nào lớn. Song song với các cuộc hành quân tuần tiễu, địch cũng đã ra sức dùng thủ đoạn chính trị mua chuộc và chia rẽ hàng ngũ nghĩa quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 20 Tháng Hai, 2017, 11:23:24 am »


Câu hỏi 19: Có chuyện địch dùng cha nuôi của thủ lĩnh Đề Thám tên là Thương Phức để ám hại Đề Thám hòng xóa bỏ nghĩa quân. Câu chuyện này như thế nào?
Trả lời:


Địch dùng mọi cách để dụ hàng Đề Thám nhưng không được, chúng định dùng mưu sát hại. Đột nhập căn cứ nghĩa quân không xong, chúng bèn dùng mưu bắt cóc người cầm đầu phong trào. Một lần Lê Hoan - tay sai đắc lực của địch - đóng bản doanh ở Luộc Hạ cùng đồn trưởng Pháp tại đồn Cốc Tịch ở Cao Thượng, viết giấy mời Đề Thám ra chơi. Người ta tưởng không bao giờ Đề Thám dám rời căn cứ dấn thân vào hang cọp. Nhưng trái lại, với thái độ rất ung dung, Đề Thám đi cùng cả Trọng, Cả Dinh, Cả Huỳnh và một số nghĩa quân ra Cao Thượng, Quân giặc bố trí thủ hạ định bắt sống cụ trong buổi tiệc nhưng trước thái độ hiên ngang của người anh hùng và nhất là chúng thấy bộ ba Dinh, Huỳnh, Trọng luôn luôn bám sát bảo vệ cụ, bọn Lê Hoan đề phòng xảy chuyện bất trắc nên đành để Đề Thám ra về.

Một lần khác, chúng bày mưu cho Thương Phức vốn xưa kia là cha nuôi Đề Thám, nay đã là một tay sai đắc lực cho giặc, đến tìm cách bỏ thuốc độc vào nước uống để sát hại cụ. Nhưng gậy ông lại đập lưng ông, trong khi nói chuyện cụ Đề Thám đã kín đáo xoay chiếc khay đựng chén nước có thuốc độc về phía Thương Phức, khiến sau khi uống xong, y ngộ độc suýt chết phải đem đi nhà thương Bùi chữa.

Sau nhiều lần thất bại, Lê Hoan vẫn không từ bỏ âm mưu dùng Thương Phức sát hại cụ Thám vì y đoán rằng đối với Thương Phức, cụ Thám dù sao vẫn có ý vì nể, vì Phức xưa kia chẳng những là cha nuôi từ thuở còn hàn vi, lại đã làm mối cho cụ lấy thị Tảo làm vợ cả và đồng thời cũng là một tùy tướng giúp việc đắc lực cho Đề Thám, về phía cụ Thám, từ khi Phức ra hàng, cụ vẫn lưu ý đề phòng, nhưng vì tình xưa nghĩa cũ nên vẫn không nỡ dứt. Hôm ấy Thương Phức tìm đến đồn Hữu Nhuế, mượn tiếng về thăm Đề Thám. Y đem theo bốn thủ hạ và một quả mìn đặt trong tráp. Hai người nằm bên bàn đèn thuốc phiện nói chuyện có vẻ thân mật. Một lát sau thấy cụ Thám lim dim ngủ, Thương Phức rón rén châm mìn trong tráp rồi cùng thủ hạ lẻn ra ngoài1. Tới ven rừng nghe mìn nổ, hắn yên trí đạt được mưu gian, chạy vội về đồn báo ngay cho Lê Hoan và bọn Pháp thừa cơ xuất quân vào Hữu Nhuế tiêu diệt nghĩa quân.

Sáng hôm sau (19-5-1894), trong đồn Hữu Nhuế người ta thấy nghĩa quân chít khăn tang, mặc đồ trắng đi sau một chiếc quan tài. Tin đó bay về doanh trại địch, càng xác nhận thêm lời báo cáo của tên Phức, làm chúng thêm mừng rỡ vì chắc phen này sẽ trừ được cái họa Đề Thám. Đội lính cơ và khố đỏ của Lê Hoan đã chiếm đóng làng Lèo từ lúc trời chưa sáng, sau đó là các đơn vị lính khố xanh có lính Pháp và khố đỏ giúp sức do công sứ Bắc Ninh tên là Muy-sơ-li-ê (Muselier) và đại úy Tô-ken (Toquenne) chỉ huy hùng hổ kéo vào Hữu Nhuế.

Trên đường hành quân, địch bắt được một nghĩa quân đem thư của các thủ lĩnh trong đồn Hữu Nhuế xin hạn đến 3 giờ chiều sẽ nộp súng đầu hàng. Ba giờ qua rồi bốn giờ, ánh nắng đã chếch sau đồi, địch sốt ruột hạ lệnh xung phong. Nhưng từ trong các bụi rậm gai góc, đạn ở đâu bắn ra như mưa, địch ngã như sung rụng. Tương kế tựu kế, địch đã lọt vào bẫy phục kích của Đề Thám, thì ra mưu sâu của cáo già Lê Hoan đã không thắng nổi tinh thần cảnh giác cao độ của vị thủ lĩnh nghĩa quân. Ngay từ lúc đêm, sau khi Thương Phức lẻn ra ngoài thì Đề Thám cũng lui vào nhà trong, vì vậy mìn nổ không ai việc gì. Và đám tang sáng hôm sau chỉ là một kế nghi binh của nghĩa quân. Trong lúc bất ngờ, hàng ngũ địch hốt hoảng, tán loạn nhưng rồi chúng cũng dàn binh nghênh chiến. Hai bên bắn nhau đến sẩm tối. Trong trận này, công sứ Muy-sơ-li-ê, giám binh Lam-be (Lambert), 3 lính bộ binh và 12 lính khố xanh bị thương, 1 đội Pháp và 1 lính khố xanh bỏ mạng.
___________________________________
1. Có tài liệu nói cụ Thám ngồi đánh trống chầu xem chèo cùng Thương Phức. Giữa buổi hát, Thương Phức vờ đau bụng xin về trước.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM