Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:09:20 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 27896 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:11:36 pm »


Câu hỏi 8: Trước cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, phong trào cách mạng tại Yên Thế đã lên rất cao, hãy cho biết đôi điều về các phong trào này?
Trả lời:


Nhân dân Yên Thế đã có một truyền thống đấu tranh anh dũng. Từ năm 1862, nông dân Yên Thế đã tập hợp dưới lá cờ của Cai Vàng nổi lên chống lại chính quyền phong kiến đổ nát. Năm 1864, những toán quân Thái Bình thiên quốc dưới sự thống lĩnh của Ngô Côn, vượt qua đèo Ỉnh, đèo Cả, Mỏ Xạt, tràn về Yên Thế, triều đình phái Ninh Thái tiễu phủ sứ là Ông Ích Khiêm lên đánh dẹp. Năm sau, năm 1865, thừa dịp triều đình đang phải lo đối phó với tàn quân Ngô Côn, nông dân Yên Thế do Quản Tượng lãnh đạo lại nổi dậy. Quản Tượng chết, cuộc khởi nghĩa vẫn tiếp tục dưới lá cờ của một nông dân khác tên là Trận. Nhưng lúc này triều đình phản động mải lo đối phó với nông dân ngoài Bắc nên đã vui lòng nhượng bộ giặc để dồn lực lượng đàn áp. Vì vậy chẳng bao lâu phong trào nông dân Yên Thế cũng như các cuộc khởi nghĩa của những địa phương khác đều bị dìm trong bể máu.

Năm 1873, tên quan ba háo thắng Gác-ni-ê (Franiçis Garnier) gây hấn ở Hà Nội nhưng triều đình còn lo ngại phong trào khởi nghĩa Yên Thế có thể lại bùng phát, nên ra lệnh xây thành Tỉnh Đạo (ở gần Nhã Nam bây giờ) theo kiểu Vô-băng (Vauban) để trấn áp phong trào và uy hiếp tinh thần nhân dân.

Năm 1884, để thực hiện dã tâm xâm chiếm toàn bộ nước Việt Nam, thực dân Pháp hùng hổ kéo quân lên trung du mong tiêu diệt những căn cứ kháng chiến của ta. Nông dân Yên Thế tạm gác mối thù xưa, sát cánh cùng quân triều đình dưới quyền đốc thần Trương Quang Đản anh dũng chiến đấu giữ thành Tỉnh Đạo, khiến binh đoàn của tướng Bơ-ri-e-đờ-lin (Brière de l'Isle) dù chiếm được thành mà không dám đóng giữ phải rút quân về Bắc Ninh. Yên Thế tiếp tục là nơi hùng cứ của nhiều nhóm nghĩa quân chống Pháp.

Từ tháng 7 năm 1885, sau khi Hàm Nghi xuất bôn phát hịch Cần Vương thì phong trào kháng Pháp ở Yên Thế cũng như khắp nơi trong toàn quốc đã bùng bùng nổi dậy. Nông dân nhiệt liệt giúp nghĩa quân xây dựng doanh trại, làm công sự phòng thủ kiên cố ở sâu trong rừng. Cuối năm 1885, địch phái ba trăm quân lê dương có pháo binh và kỵ binh yểm hộ do thiếu tá Đi-guy-ê (Diguet) chỉ huy kéo lên đàn áp, nhưng nghĩa quân đã giáng cho chúng những đòn quyết liệt ở Hữu Thượng (ngày 13-12), ở Tiên La gần Mỏ Na Lương (ngày 18-12). Cuối tháng 12 địch xây lại đồn Tỉnh Đạo gần chỗ thành cũ, vừa làm bàn đạp tấn công nghĩa quân, vừa để cắt đường liên lạc của nghĩa quân giữa vùng Yên Thế hạ phì nhiêu. Từ đó địch ra sức càn quét khống chế con đường Yên Thế đi Bình Gia để chặn nguồn tiếp tế vũ khí của nghĩa quân từ Trung Quốc về, một mặt ráo riết thám sát các đường hẻm đi vào dãy núi Cai Kinh là căn cứ địa của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh. Chính trong cuộc càn quét phía bắc Tỉnh Đạo này, đại tá Đuy-gien (Dugenne) là kẻ cách đây hơn một năm đã chết hụt trong trận chạm trán với liên quân Thanh - Việt ở cầu Quan Âm (Bắc Lệ)  phải bỏ xác.

Qua năm 1888, phong trào Cần Vương đã chuyển sang giai đoạn thứ hai, giai đoạn nghĩa quân rút khỏi đồng bằng lên lập căn cứ ớ miền núi.

Đầu năm 1889, địch rút khỏi Tỉnh Đạo về đóng ở Bố Hạ, đồng thời lập thêm đồn khố xanh ở Bỉ Nội để uy hiếp nghĩa quân. Chúng thường lui tới lập căn cứ ở làng Sặt, nhưng cũng chỉ được ít lâu thì bị nghĩa quân tấn công san phẳng đồn Bỉ Nội, chúng phải rút không dám bén mảng đến nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:12:25 pm »


Chiến sự ở vùng Yên Thế sau đó thường tiếp diễn gay go, không mấy lúc ngớt tiếng súng. Ngày 17 tháng 9 năm 1889, nghĩa quân do Đề Nắm chỉ huy đánh đội quân của quan ba Goóc-xơ thua liểng xiểng ở làng Sặt và ở xóm Tế Lộc. Địch phải dùng trọng pháo yểm hộ, phản kích nhưng suốt một ngày chỉ chiếm được mấy cái nhà cháy dở còn nghĩa quân đã rút toàn bộ vào rừng. Sau trận này, địch tăng cường viện binh quyết đối phó với phong trào kháng chiến mỗi ngày một lan rộng, về phía nghĩa quân cũng lo củng cố lực lượng chuẩn bị đối phó. Giữa lúc đó, Đội Vân - một lãnh tụ nghĩa quân xuất sắc tại vùng Đông Triều, Hải Dương trước đây trá hàng địch, giờ quay về hàng ngũ kháng chiến gia nhập nghĩa quân Yên Thế với 500 quân đầy đủ vũ khí cùng một số lãnh tụ nghĩa quân như: Lãnh Giới, Lãnh Giám, Suất Lý, Lãnh Thiết, Lãnh Bôi... Việc Đội Vân trở về hàng ngũ kháng chiến không những là một thất bại lớn trong chính sách dùng người Việt đánh người Việt của địch, mà còn là một đe dọa lớn cho địch, vì năm trăm quân với đầy đủ súng ống đạn dược và cấp chỉ huy lại ít nhiều thông thạo kỹ thuật quân sự kiểu mới, gia nhập hàng ngũ nghĩa quân làm cho lực lượng nghĩa quân thêm mạnh mẽ bội phần.

Ngày 8 tháng 9, trên đường về Yên Thế, Đội Vân đánh lui một đội tuần tiễu địch do trung úy May-ơ chỉ huy tại làng Lai, cách Phủ Lạng Thương vài cây số. Đêm mùng 3 tháng 10, nghĩa quân Yên Thế tràn về đồng bằng tấn công đồn Phủ Lạng Thương giải nguy cho nghĩa quân Cai Kinh đang bị uy hiếp ở vùng núi Bảo Đài. Sáng hôm sau, một toán lính địch chở súng đạn bị phục kích trên đường Phủ Lạng Thương - Bảo Lộc ở gần Thượng Văn.

Từ khi Đội Vân gia nhập nghĩa quân Yên Thế, phong trào kháng Pháp lên rất mạnh. Nghĩa quân củng cố thành Tỉnh Đạo, xây dựng thêm căn cứ ở Hữu Thượng, Dĩnh Thép và đèo Mạt. Địch cuống cuồng lo đối phó, Ngày 6 tháng 12 năm 1889, một đạo quân được thành lập do thiếu tá Đuy-mông (Dumont) chỉ huy với số lượng bốn trăm tên gồm đủ các binh chủng (bộ binh, pháo binh và kỵ binh) có nhiệm vụ chiếm lại Tỉnh Đạo, phá hủy các căn cứ nghĩa quân ở phía Bắc, rồi trở xuống càn quét vùng Yên Thế hạ để uy hiếp tinh thần nhân dân, đồng thời lùng bắt những toán nghĩa quân lẻ.

Cuộc hành quân của địch bắt đầu ngày 11 tháng 10. Trong suốt 15 ngày, địch càn quét rất dữ. Địch chiếm lại được Tỉnh Đạo, đốt phá Hữu Thượng, Dĩnh Thép, nhưng bóng dáng nghĩa quân vẫn mất hút. Địch nhát gan không dám thọc sâu vào rừng nên chúng không hề biết rằng đại bộ phận nghĩa quân (trong đó có cả quân của Đội Vân) đã rút vào rừng sâu xây dựng một pháo đài kiên cố gần Hữu Nhuế. Trong trận càn này, một tổn thất lớn đã đến với nghĩa quân, Đội Vân bị mất liên lạc nên bị giặc lùa xuống vùng Yên Thế hạ cùng với mấy nghĩa quân khác. Tại đây, một đội quân 250 người của thiếu tá Pich-kê (Piquet) cũng đang càn quét dữ nên Đội Vân thế cô phải ra hàng. Ít ngày sau (ngày 7-11), ông bị địch xử chém tại Hà Nội, nơi vườn hoa Chí Linh bây giờ.

Bắt được Đội Vân, địch thu về Bắc Ninh nhưng phong trào kháng Pháp ở Yên Thế không vì thế mà bị dập tắt. Lực lượng nghĩa quân không những không bị tiêu diệt mà còn được bổ sung thêm, được rèn luyện thêm qua mấy trận chống càn cuối năm 1889. Nhất là những trí thức quân sự cùng với số lượng nghĩa quân và vũ khí do Đội Vân đem qua hàng ngũ kháng chiến đã khiến cho phong trào kháng Pháp ở Yên Thế có những bước tiến mới. Trong phong trào đã nảy ra nhiều lãnh tụ kiệt xuất, mà ngôi sao sáng nhất là Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:13:11 pm »


Câu hỏi 9: Trong các phong trào cách mạng ở Yên Thế, nổi bật là cuộc khởi nghĩa do Đề Nắm làm lãnh tụ, hãy cho biết đôi nét về ông và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo?
Trả lời:


Đề Nắm tên thực là Lương Văn Nắm chính quê ở làng Hả, thôn Khủa, nay thuộc xã Tân Trung, huyện Yên Thế. Do đó, đồng bào địa phương thường quen gọi là Đề Hả hay Thống Hả. Dưới quyền của Đề Nắm tức Đề Hả có nhiều tùy tướng như:

- Thống Sắt làm phó thống soái về sau bội phản, là anh vợ Đề Hả (có người nói là chú Đề Hả).

- Đề Cúc người làng Phúc Đình.
- Đề Truật có tên nữa là Đề Hậu vì giữ trọng trách coi hậu dinh.
- Thống Ngô (người làng Vân Cầu).
- Thống Trứ (người làng Vân Cầu).
- Thống Luận (người làng Sậy Hạ).
- Thương Biện (người làng Sậy Hạ)
- Đề Trung (người làng Hạ).
- Cai Hạn (người làng Dương Lâm).
- Đề Gạo (người làng Trùng Mỗ).
- Đề Sử (người làng Dinh).
- Đề Thám và Bá Phức.

Đề Nắm tức Đề Hả phất cờ khởi nghĩa từ năm 1884 khi Pháp mới đặt chân lên Tỉnh Đạo. Sau khi chiến đấu chống Pháp suốt một thời gian dài, ông rút quân lên đóng ở Khám Nghè (thuộc cầu Gồ bây giờ). Doanh trại của ông ở đây gồm có:

- Tả dinh: do ông và Thống Sắt đóng.
- Tiền dinh: do Đề Thám và Thống Phức đóng.
- Hậu dinh: do Đề Truật đóng.
- Trung dinh: do Đề Trung đóng.

Nghĩa quân Đề Hả cầm cự với giặc ròng rã chín năm trời, các vùng Nhã Nam và Luộc Hạ đã từng chứng kiến bao cuộc kịch chiến giữa nghĩa quân với giặc Pháp. Trong số các tùy tướng của Đề Nắm lúc bấy giờ, đáng chú ý nhất là Đề Thám. Dưới sự lãnh đạo của Đề Nắm phong trào chống Pháp ở Yên Thế trong giai đoạn này vô cùng sôi nổi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 04:03:45 pm »


Câu hỏi 10: Dưới sự lãnh đạo của Đề Thám, cuộc khởi nghĩa ở Yên Thế đã bước sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, hãy cho biết về hoàn cảnh gia đình và nguồn gốc xuất thân của ông?
Trả lời:


Sách Việt Nam các nhân vật lịch sử - văn hóa của Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng viết: Hoàng Hoa Thám sinh năm 1858, mất năm 1913. Ông gốc làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau di cư lên Sơn Tây (Hà Tây), rồi lại lên Yên Thế (Bắc Giang). Cha là Trương Văn Thân, một nông dân nghèo. Năm 1885, ông đã có mặt trong đội quân khởi nghĩa chống Pháp cùng với Bá Phức, Thống Luận, dưới quyền chỉ huy của Hoàng Đình Kinh (Cai Kinh), lấy tên là Đề Dương được Cai Kinh đổi tên thành Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám). Sau khi Cai Kinh chết, Đề Thám tách ra hoạt động riêng và trở thành thủ lĩnh của phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược.

Cho tới nay chúng ta vẫn chưa có đủ tài liệu để xác minh gốc tích của Đề Thám. Vì ngay những người thân cận cũng không bao giờ được Đề Thám kể lại hoàn cảnh xuất thân của mình.

Có sách nói ông vốn quê ở Sơn Tây. Cha làm nghề thợ thêu lên làm ăn ở làng Trũng (thuộc xã Quảng Minh huyện Yên Thế ngày nay), không rõ họ tên là gì, dân làng thường gọi là ông phó Quát. Đề Thám sinh ở làng Trũng vào khoảng 1856-1858, lớn lên phải đi ở chăn trâu cắt cỏ cho các nhà phú hộ trong rừng. Trong số này có Bá Phức là chánh tổng ở Ngọc Cụ là nơi Đề Thám ở lâu hơn cả và đã nhận Đề Thám làm con nuôi, về sau khi Bá Phức phất cờ khởi nghĩa thì Đề Thám cũng là một tướng đắc lực của Bá Phức.

Cũng có thuyết lại nói Đề Thám vốn họ Trương. Năm hai mươi tuổi, ông sung vào nghĩa quân của Trần Quang Loan - nguyên là một lãnh binh ở tỉnh Bắc Ninh đi đánh Pháp. Sau khi cuộc khởi nghĩa Trần Quang Loan thất bại, ông theo Bá Phức tổ chức những đội nghĩa quân tự động đi tìm giặc mà đánh ở các vùng Vân Nam, Tức Sơn, Hòa Lạc. Ít lâu sau, quân của Bá Phức sát nhập vào đội quân của Cai Kinh. Nhờ tài chỉ huy gan dạ, ông được Cai Kinh phong chức đốc binh và cải họ Trương thành họ Hoàng. Do đó mà có tên là Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, ông còn có tên nữa là Đề Dương. Năm 1888, Cai Kinh bị ám hại, Đề Thám cùng với Bá Phức lại tham gia nghĩa quân Đề Nắm và được chủ tướng tín nhiệm, giao trọng trách đóng giữ tiền dinh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 04:04:03 pm »


Cũng có sách nói Hoàng Hoa Thám hồi còn bé tên là Trương Văn Nghĩa, quê ở làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau di cư lên Sơn Tây (Hà Tây), rồi đến Yên Thế (Bắc Giang). Bố là Trương Văn Thân và mẹ là Lương Thị Minh. Sinh thời, bố mẹ Hoàng Hoa Thám đều là những người rất trọng nghĩa khí; cả hai ông bà đều gia nhập cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Văn Nhàn, Nùng Văn Vân ở Sơn Tây.

Năm 16 tuổi, ông tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870-1875). Khi Pháp chiếm Bắc Ninh (tháng 3-1884) thì Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Loan, lãnh binh Bắc Ninh. Năm 1885, ông tham gia khởi nghĩa của Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Lạng Giang (1882-1888). Sau khi Cai Kinh chết, ông đứng dưới cờ nghĩa Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tháng 4 năm 1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại và Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế. Đề Thám tiếp tục hoạt động, lập căn cứ ở Yên Thế và trở thành thủ lĩnh danh tiếng nhất của phong trào nông dân chống Pháp với biệt danh "Hùm xám Yên Thế". Trong gần 30 năm lãnh đạo khởi nghĩa, ông đã tổ chức đánh nhiều trận, tiêu biểu là các trận ở thung lũng Hố Chuối (tháng 12-1890) và Đồng Hom (tháng 2-1892).

Trong ba năm (1893-1895) quân Pháp đã tập trung lực lượng để đàn áp cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Pháp không từ một thủ đoạn nào, từ phủ dụ đến bao vây tàn sát. Tay sai của Pháp là Lê Hoan cầm đầu đoàn quân, một mặt dụ hàng, mặt khác ra sức triệt hạ các xóm làng nơi nghĩa quân Yên Thế hoạt động.

Hoàng Hoa Thám bằng chiến thuật du kích tài tình đã tránh được mũi nhọn tấn công của quân Pháp và đã gây cho chúng những tổn thất nặng nề. Nghĩa quân Yên Thế đã trừng trị những kẻ phản bội như Đề Sặt... Thấy chưa thể dập tắt được phong trào Yên Thế, nên vào năm 1894, Pháp đã yêu cầu giảng hòa, cắt nhượng cho nghĩa quân bốn tổng thuộc Yên Thế. Hoàng Hoa Thám cũng muốn tranh thủ thời gian này để chuẩn bị thêm lực lượng, ông đồng ý hòa hoãn. Nhưng chỉ vài tháng sau (đến tháng 10- 1895), Pháp đã bội ước, huy động lực lượng mở những cuộc tấn công trên quy mô lớn vào Yên Thế. Pháp treo giải thưởng 30.000 phờ-răng cho kẻ nào bắt được Hoàng Hoa Thám. Lần ra quân này của quân Pháp cũng không đàn áp được phong trào nông dân Yên Thế, nên Pháp phải yêu cầu giảng hòa lần thứ hai vào năm 1897.

Tuy chưa có kết luận dứt khoát về gốc tích của người anh hùng Yên Thế nhưng có thể chắc chắn rằng ông vốn xuất thân nghèo khổ, lớn lên trong phong trào đấu tranh kháng Pháp của nhân dân Yên Thế, và trước khi trở thành thủ lĩnh duy nhất của phong trào, từ sau năm 1893 ông đã là một trong những chỉ huy nghĩa quân có tài ở vùng Yên Thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 04:04:35 pm »


Câu hỏi 11: Các cuộc khởi nghĩa ở Yên Thế đã gây cho kẻ thù nhiều tổn thất nặng nề và làm thay đổi thái độ của thực dân đối với con người Việt Nam, hãy cho biết thêm về điều đó?
Trả lời:


"Không một nơi nào ở Bắc Kỳ lại luôn có chiến sự oanh liệt diễn ra như ở đây". Đó là nhận định của quan tư Pê-ô (Péroz) về phong trào chống Pháp ở Yên Thế. Thực tế, chỉ trong một năm từ tháng 6 năm 1890 đến tháng 6 năm 1891, địch đã mất riêng ở mặt trận Yên Thế 3 quan ba, 7 quan hai và hàng trăm lính Pháp. Có thể nói không một vùng đất nào địch chiếm được mà phải trả giá đắt đến thế. Địch tuy chiếm được đồn lũy và các đường giao thông chính nhưng lòng căm thù, nỗi oán hận của nhân dân địa phương vẫn bừng bừng như lửa cháy; bè lũ cướp nước và tay sai dù tàn bạo dã man đến đâu vẫn không thể nào đàn áp nổi.

Bốn mươi năm sau, bọn tướng tá trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Pháp khi nói về cuộc xâm lược của chúng ở Việt Nam đã viết: "Những vùng Bắc Ninh, Phủ Lạng vào thời kỳ 1887-1890 rất là sôi nổi loạn lạc”.

Địch phải thú nhận:

Người Kinh, người Thổ lúc đầu đón tiếp chúng ta như những người đến giải phóng cho họ. Nhưng sau đó với thuế má, phu dịch... thì họ hiểu rằng sự có mặt của chúng ta chỉ làm tình cảnh họ thêm trầm trọng và rắc rối".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 04:05:10 pm »


Câu hỏi 12: Trận mở màn tại Cao Thượng (6-11-1890) đã tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ tinh thần của nghĩa quân Đề Thám, hãy cho biết về trận đánh này?
Trả lời:


Từ tháng 10 năm 1889, sau khi bắt được Đội Vân, địch rút chủ lực về Đáp Cầu, giao lại khu Yên Thế cho các đơn vị lính khố xanh và các tiểu đội lính Pháp. Chúng có nhiệm vụ đi tuần tiễu và lùng bắt các nghĩa quân còn lẩn lút trong rừng.

Tháng 3 năm 1890, chúng chạm trán với một toán nghĩa quân do Đề Thám chỉ huy ở Luộc Hạ, địch chết 2 lính khố đỏ. Tháng 6, trong trận làng Phan, địch chết 1 quan hai. Sau hai trận này địch phong thanh biết được nghĩa quân lại xuất hiện ở Yên Thế với một lực lượng đáng sợ.

Tháng 10 năm 1890, chúng tổ chức một đạo quân lớn gần 700 súng trường và 5 cỗ trọng pháo do tướng Gô-đanh chỉ huy. Mục tiêu cuộc tấn công là chiếm Cao Thượng - một vị trí tiền tiêu của nghĩa quân - trước đây một đơn vị lính khố xanh đã tấn công nhưng thất bại.

Ngày 6 tháng 11, địch tập trung hai cánh quân đánh vào Cao Thượng, còn một cánh khác do đại úy Tê-ta (Tétart) chỉ huy càn quét dọc con đường Luộc Hạ đi Bố Hạ. Nghĩa quân đã kịp thời biết được kế hoạch của địch nên để một bộ phận nhỏ kiềm chế hai phần ba lực lượng địch ở Cao Thượng, còn đại bộ phận phục kích dọc đường cái lớn để bao vây tiêu diệt cánh quân Tê-ta.

Tai Cao Thượng, tuy lực lượng ít, nhưng nghĩa quân biết dựa vào địa hình địa vật thuận lợi. Chiến sự diễn ra rất ác liệt từ 7 giờ 30 sáng đến 3 giờ 30 chiều. Địch phải bắn tới 197 phát đại bác, mất hai chục tên vừa chết vừa bị thương mới chiếm được Cao Thượng, lúc này chỉ còn cột nhà cháy dở. Thiếu tá Bê-li-ê (Beylié) đã tham dự trận đánh kể lại như sau: "Thật khó mà ước lượng quân số của địch (nghĩa quân) trong trận này. Chắc chắn là không đông lắm và không quá 100 người. Nhưng cuộc kháng cự đã diễn ra rất kịch liệt và người ta không thể hiểu nổi tại sao một nhóm người trong một địa bàn nhỏ hẹp lại có thể đương đầu với đại bác đặt cách không đầy 300 thước trong một thời gian khá lâu như vậy".

Trong khi địch bị giam chân ở Cao Thượng như vậy, thì trên đường Luộc Hạ đi Bố Hạ, nghĩa quân đã bao vây chặt cánh quân của đại úy Tê-ta trên các ngọn đồi gần làng Luộc Hạ. Suốt ba ngày địch loanh quanh trên các ngọn đồi lo chống trả các đợt xung phong gan dạ của nghĩa quân. Mãi đến sáng ngày 9 tháng 11, sau khi địch làm chủ được Cao Thượng và kéo lên giải vây, nghĩa quân mới chịu rút. Hôm sau trong trận chống càn ở làng Sặt một toán nghĩa quân lại phục kích giết được quan hai Pơ-la (Plat).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 04:05:57 pm »


Câu hỏi 13: Địch mệnh danh đồn Hữu Nhuế là "Đồn của Thần Chết", hãy cho biết cách bố trí phòng ngự của nghĩa quân Đề Thám ở nơi đây?
Trả lời:


Sau trận thử thách ở Cao Thượng, địch phần nào đã ước đoán được lực lượng nghĩa quân ở Yên Thế, mà ta cũng hiểu rằng địch sẽ tập trung thêm quân để đối phó.

Căn cứ Hữu Nhuế, đồng bào địa phương còn gọi là Hố Chuối (vì tại đây có một thung lũng mọc rất nhiều chuối rừng), ở tít sâu trong rừng thẳm phía đông bắc làng Hữu Thượng cách làng Lèo gần một cây số, là một căn cứ rất vững chắc, công sự phòng thủ rất kiên cố. Có thể coi đây như một tập đoàn cứ điểm gồm một đồn chính có pháo đài phía nam và pháo đài phía bắc cách đồn chính hai trăm thước, ngoài ra còn rất nhiều pháo đài, ụ súng, đồn canh rải rác xung quanh trong một khu vực không đầy một cây số vuông.

Đồn chính gọi là đồn Hữu Nhuế (hay Hố Chuối) xây khá kiên cố đã được bí mật chuẩn bị từ mấy năm trước, địch ước lượng hết trên hai vạn ngày công. Đồn xây dưới lùm cây rậm, thấp hơn mặt đất, chung quanh lại đắp tường lũy. Đất đắp lũy một phần lấy ở ngoài, một phần lấy ngay tại chỗ khi đào đất xây nền nhà, kho tàng trong đồn. Tường lũy không cao lắm so với mặt đất (cao từ 2,5 mét - 3 mét) nhưng cành lá chung quanh đủ để che kín nhà cửa, kho tàng trong đồn. Do đó đứng ngoài không thể quan sát được cảnh vật trong đồn mà pháo binh cũng khó tìm được mục tiêu. Nghĩa quân nấp sau các tường lũy thì đạn súng trường, súng máy hay sơn pháo tầm gần khó có thể trúng người. Chỉ có đạn moóc-chi-ê bắn cầu vồng từ trên cao rơi thẳng xuống mới hy vọng trúng mục tiêu, nhưng chung quanh đồn có vô số cây to, cành lá rất rậm nên cũng hạn chế rất nhiều tác dụng của moóc-chi-ê. Tường lũy dài một bề 45 thước, một bề 65 thước, có đục lỗ châu mai, mặt ngoài hơi dốc thẳng mặt sau thoai thoải hơn và có nhiều bậc làm chỗ cho nghĩa quân quỳ hay đứng nấp bắn. Ở mỗi góc đồn đều xây ụ súng tựa như pháo đài nhỏ. Mỗi mặt đồn lại xây một đài quan sát cao hơn ụ ở góc một chút, tường dày kiên cố hơn, dành cho chỉ huy quan sát trận địa và điều khiển cuộc chiến đấu.

Vào đồn chỉ có một lối ở ụ phía bắc, qua ba lần cổng. Lối vào được che chở bằng một công sự hình bán nguyệt ôm lấy ụ phía bắc, công sự này có tường lũy bao bọc và đục nhiều hàng lỗ châu mai.

Tiếp đó là một dãy chướng ngại vật dày tới ngót bốn chục thước gồm cọc nhọn, hố chông rất sâu được ngụy trang bằng cành lá hay phủ cỏ rất kín đáo khiến người ngoài dù tinh mắt đến đâu cũng không thể nhận ra được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 04:06:15 pm »


Riêng mặt bắc và đông của đồn thì còn đào một hào rộng 10 thước, sâu 1,6 mét có rất nhiều cành gai, cọc nhọn, hố chông ngầm dưới nước. Ngoài cùng đồn Hữu Nhuế lại được thiên nhiên bảo vệ bằng những hàng cây cao tới 30 thước, dây leo chi chít ở gốc, hố chông rải rác khắp nơi.

Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc chiến đấu ác liệt, địch phải huy động hàng trăm lính Âu Phi và lính khố đỏ có đủ pháo binh, công binh, kỵ binh. Địch phải hai lần thay tướng chỉ huy mới san phẳng được đồn, nhưng cũng không tiêu diệt được chủ lực của nghĩa quân. Khi vào được đồn, địch chỉ còn thu được một ít quân trang, quân phục của nghĩa quân, và một số vỏ đạn có ghi niên đại mới sản xuất từ năm 1886 trong khi đạn của địch dùng đều sản xuất từ năm 1883 hoặc năm 1884. Điều đó chứng tỏ rằng ngoài số súng đạn cướp được của địch để trang bị cho mình, nghĩa quân còn có một nguồn tiếp tế khác, nguồn ấy chỉ có thể là từ Trung Quốc.

Người chỉ huy đồn này chính là Đề Thám. Xem quy mô của đồn Hữu Nhuế, chúng ta không khỏi khâm phục kỹ thuật xây đồn của nghĩa quân đã biết lợi dụng triệt để địa hình địa vật. Nhờ đó, nghĩa quân đã có thể tiêu hao sinh lực địch rất nặng khi chúng tiến sâu vào trận địa, nhưng đến khi thấy chúng chiếm ưu thế về quân số và vũ khí, thì cũng biết chủ động rút khỏi đồn để bảo toàn lực lượng.

Trong tháng 11, nghĩa quân một mặt lo củng cố thêm các công sự phòng thủ, một mặt phái các toán quân lẻ đi quấy rối các vùng Nhã Nam, Luộc Hạ, đánh lui các đội tuần tiễu và trinh sát của địch chung quanh Hữu Nhuế. Phía địch thì tuy chiếm được Cao Thượng nhưng vì sợ bị diệt nên ít ngày sau lại rút lui về cố thủ ở Nhã Nam, vừa phái quân đi tuần tiễu do thám, vừa lo tổ chức binh đoàn lớn.

Ngày 8 tháng 12, quan ba Pê-lít-si-ê (Plessier) chỉ huy dồn Nhã Nam vét hết lính trong đồn được 77 lính lê dương, 66 khố đỏ, có đại bác 80 ly yểm hộ, liều lĩnh lấn vào Hữu Nhuế. Nghĩa quân dử địch vào cách 100 mét mới nhả đạn. Đại bác 80 ly bắn yểm hộ cho các đợt xung phong của địch một hồi lâu, nhưng rốt cuộc phải im tiếng vì những đợt phản kích của ta. Cuối cùng địch phải kéo đại bác thu quân chạy dài về Nhã Nam, để lại ngót chục xác chết và một số bị thương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 04:06:52 pm »


Câu hỏi 14: Trận Hữu Nhuế lần thứ hai ngày 11 tháng 12 diễn biến như thế nào?
Trả lời:


Ngày 11 tháng 12, viện binh của địch ở Đáp Cầu và Hà Nội đã tập trung cả ở Nhã Nam. Lần này địch tổ chức một binh đoàn lớn gồm 300 tên do thiếu tá Tan (Tane) chỉ huy. Kế hoạch tấn công vẫn không khác trận ngày 8 tháng 12, nghĩa là vẫn đi theo con đường Pê-lít-si-ê đã đi. Nghĩa quân để địch vào làng Lèo (Hữu Thượng) mới nổ súng. Địch chia một cánh quân đánh tạt ngang lội qua ngòi Sặt chiếm pháo đài phía bắc định tạo thành thế gọng kìm quặp lấy đồn chính. Nhưng cả hai cánh quân đều bị chặn đứng. Hố chông, cây cối cùng bao nhiêu chướng ngại vật thiên nhiên khác cộng với hàng loạt đạn tuy thưa thớt nhưng rất trúng làm cho địch chẳng những không chiếm được pháo đài phía bắc, mà ngay cánh quân chính diện cũng phải dừng lại cách hàng rào đầu tiên của nghĩa quân đến 40 thước.

Trong trận này, nghĩa quân tác chiến vô cùng bình tĩnh và gan dạ. Đặc biệt còn biết tranh thủ địch vận ngay trong cuộc chiến đấu để chia rẽ hàng ngũ địch, vừa dùng ân huệ thưởng những lính ngụy nào giết bọn Pháp về hàng, vừa lấy oai biểu dương lực lượng nghĩa quân để quân địch khiếp đảm.

Trong trận đánh, nghĩa quân bao giờ cũng phái người trèo lên cây cao quan sát địch tình để kịp thời báo cáo về chỉ huy. Đề Thám trực tiếp cầm lao chỉ huy nghĩa quân bắn từng loạt rất chính xác gây những thiệt hại nặng nề cho giặc. Giữa hai làn đạn, nghĩa quân lớn tiếng kêu gọi lính ngụy ra hàng:

"Hỡi anh em! Hãy mang súng chạy sang đây! Chúng tôi không muốn giết các bạn, mà muốn giết bọn Pháp là chủ các anh, bọn chúng đã gây ra bao đau khổ tang tóc cho toàn nước ta. Hãy bỏ bọn chỉ huy mà sang đây! Chúng tôi bên này rất mạnh. Chủ tướng chúng tôi là cụ Thám sẽ đối đãi rất tử tế với các bạn!".

Chiến sự kéo dài suốt ngày 11 tháng 12. Khi mặt trời đã bắt đầu khuất sau các ngọn đồi rậm rạp thì tiếng súng cũng tạm ngừng, địch kiểm điểm lực lượng thấy mất 7 tên nên vội rút chạy về Nhã Nam.

Ba hôm sau vào ngày 14 tháng 12, trên cánh đồng Nhã Nam cách đồn địch vài chục thước, phất phơ trước gió một lá cờ trắng trên gài một lá thư của nghĩa quân, trong đó có những lời kết án và cảnh cáo quân giặc đanh thép như sau:

"Các ông dựa vào sức mạnh quân đội để đến thôn tính đất nước Việt Nam.

Kẻ nào mong chiếm đất nước người khác là tham bạo.

Kẻ nào đã bị thua mà còn tiếp tục xâm lược là điên rồ.

Âm mưu thôn tính đất đai của các ông với các tai họa nó gây nên chỉ có kết quả tăng thêm mối bất bình trong dân chúng và binh lính của các ông; hậu quả cuối cùng chỉ là bạo động và tổng khởi nghĩa.

Nếu mọi việc xảy ra ở đây được các người danh vọng các nước khác biết thì các ông chỉ làm trò cười cho họ...".


Mặc dù trước đường lối quang minh chính đại của nghĩa quân, bọn tướng tá thực dân ngoan cố trước sau vẫn bỏ ngoài tai những lời cảnh cáo đó và lo chuẩn bị một lực lượng đông hơn lần trước để quyết quét sạch kỳ được đồn Hữu Nhuế, vị trí tiền tiêu của nghĩa quân, đồng thời cũng là chiếc gai nhọn, xọc thẳng vào cặp mắt cú vọ của thực dân.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM