Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:13:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 27898 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 09:25:03 pm »


Đặc biệt, Pôn-be và thực dân đã cố tình độc chiếm thị trường Trung Kỳ, Bắc Kỳ cho tư bản Pháp và tách Nam Kỳ ra khỏi toàn bộ thị trường dân tộc. Chúng quy định hàng nước ngoài nhập vào phải nộp 5% trị giá, còn hàng Pháp từ Sài Gòn chở ra chỉ nộp một nửa mức thuế trên. Hàng trong xứ xuất sang Pháp đóng 2,5%, mà xuất ra ngoài đồng loạt đóng 5%. Do chế độ thương chính khắc nghiệt này mà việc xuất cảng một số hàng quan trọng trong xứ, như muối chẳng hạn, bị suy sụp và đình đốn dần. Đến tháng 12 năm 1886, thực dân lại còn đánh thuế vào hàng hóa và ghe thuyền, thuế hàng từng chuyến, thậm chí quái gở như tàu bể hay ghe thuyền ghé bến nào, vô luận bến đó có hay không có đèn pha đều phải nộp thuế đèn, vô luận có cần hoa tiêu hay không đều phải đóng thuế hoa tiêu.

Dự án sau năm 1886 của Pôn-be càng khắc nghiệt hơn. Từ nay hàng Pháp nhập vào hoàn toàn không phải nộp thuế; hàng nước khác không cạnh tranh với hàng Pháp đóng 5%, các loại khác đóng 10%. Sau đó chúng lại quy định hàng các nước khác thì tùy món mà đánh thuế từ 25%, 50%, 70% có khi đến 100% giá bán.

Kết quả là tư bản Pháp đã hoàn toàn sát nhập Bắc Kỳ vào thị trường của Pháp, độc chiếm kỹ nghệ và thương mại, Pháp làm cho giá hàng tiêu dùng trong nước tăng quá mức, còn số hàng nước ngoài nhập cảng sụt xuống rõ rệt, các bến tàu vắng dần, ảnh hưởng tai hại đến đời sống các tầng lớp nhân dân trong nước. Thêm vào đó, chính trong giai đoạn này, để vơ vét nguyên liệu và bóc lột nhân dân thuộc địa, tư bản Pháp cũng bắt đầu thiết lập một số công nghệ nhẹ và nắm độc quyền sản xuất một số vật phẩm tối cần thiết cho đời sống nhân dân. Do đó, một số lớn nghề thủ công cổ truyền và nghề phụ trong nước như dệt tơ lụa, vải vóc, làm đường, nấu rượu, làm nước mắm, xay gạo... phải chết dần mòn vì không tài nào cạnh tranh với hàng Pháp.

Song song với các thủ đoạn vơ vét và bóc lột kinh tế trên, Pôn-be còn ráo riết hoạt động về chính trị để thâu tóm mọi quyền hành vào trong tay, và gạt triều đình phong kiến nhà Nguyễn xuống địa vị bù nhìn không hơn không kém.

Pôn-be sang ta làm tổng sứ với ý định duy trì bảo hộ ở Trung Kỳ và cắt đứt hẳn Bắc Kỳ ra khỏi Huế để nhập vào Pháp như Nam Kỳ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 09:25:44 pm »


Câu hỏi 5: Năm 1891, chính phủ Pháp cử La-nét-xăng sang làm Toàn quyền Đông Dương, chính sách mới của vị toàn quyền này khác gì so với chính sách của Pôn-be?
Trả lời:


Thời gian này, thực dân Pháp đã gặp rất nhiều khó khăn ngay trong hàng ngũ chúng. Nghị định năm 1887 bị công kích kịch liệt. Dư luận đông đảo nhân dân và gần phần nửa nghị viện Pháp đều cho đó là tấm màn thưa để che đậy sự thất bại trong việc xâm chiếm Bắc, Trung Kỳ. Còn bọn thực dân Nam Kỳ thì nhao nhao phản đối vì sợ từ nay mất độc quyền lũng đoạn ngân sách Nam Kỳ.

Theo Nghị định ngày 21 tháng 4 năm 1891 chính phủ Pháp cử La-nét-xăng sang làm Toàn quyền Đông Dương với những quyền hạn rất lớn. Từ nay La-nét-xăng toàn quyền kiểm soát mọi ngân sách tài chính, cắt cử và chỉ huy mọi cấp quan lại văn võ thuộc địa, điều động mọi lực lượng bộ, thủy quân, ký kết mọi hợp đồng, thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi ngân sách thuộc địa. Tuy vậy, vẫn còn nhược điểm căn bản là chưa có riêng một ngân sách lớn, mà chỉ thị của chính phủ Pháp là xứ thuộc địa phải hoàn toàn tự túc, không được xin tiền "chính quốc" trong bất cứ trường hợp nào.

Đặt chân sang Việt Nam (6-1891), công việc đầu tiên của La-nét-xăng là tiếp tục mua chuộc văn thân và quan lại bản xứ. Vì kinh nghiệm những năm qua cho hay rằng, càng thiên về biện pháp đàn áp quân sự bao nhiêu thì chỉ càng thêm tự mình cô lập mình bấy nhiêu mà thôi. Chính sách mua chuộc trước kia Pôn-be đã áp dụng một thời và cũng đã sơ bộ thu được phần nào kết quả, nhưng sau khi y chết thì đã bị bỏ rơi và thay vào đó là chính sách quân sự của các tên toàn quyền kế tục.

Để tuyên truyền rầm rộ cho chính sách đó, La-nét- xăng thân hành dự lễ khánh thành long trọng các đền chùa, miếu mạo; tìm cách đề cao về hình thức, vai trò của triều đình và quan lại từ lâu đã bị nhân dân ruồng bỏ. Thâm tâm của y là làm sao lợi dụng triệt để triều đình Huế cùng các quan lại địa phương trong việc "bình định" cho đỡ tốn kém. Kết quả cụ thể là chỉ trong vòng ba tháng, các đoàn ngụy binh do quan lại bản xứ chỉ huy đã dẹp yên hầu hết các cuộc khởi nghĩa vùng đồng bằng. Nhờ vậy thực dân tương đối rảnh tay dưới xuôi để dồn lực lượng lên càn quét và tuần tiễu ráo riết các miền trung và thượng du.

Về mặt tài chính, trước hết La-nét-xăng xin phép tách ngân sách chiến tranh riêng ra do chính phủ Pháp đài thọ, còn bao nhiêu thuế vụ Bắc Kỳ đều chi phí vào các việc khác. Làm như vậy, y có mục đích dành ít vốn để xây dựng đôi chút như đồn binh, trại lính, bệnh viện hòng củng cố lòng tin trong một vài tầng lớp xã hội Việt Nam.

Để tăng cường bóc lột, La-nét-xăng lập thêm nhiều thứ thuế gián thu ở Bắc Kỳ: thuế dầu dừa, thuế diêm, thuế thuốc lá, thuế muối, thuế tem, thuế rượu... Ở Trung Kỳ, toàn quyền La-nét-xăng buộc Hội đồng phụ trách (lúc này Thành Thái đã lên ngôi vua) phải chấp nhận tất cả các thứ thuế mới đặt ở ngoài Bắc, các thuế này do Pháp đứng thu, rồi chia lại một phần nhỏ cho Nam triều.

Mặc dù dùng mọi thủ đoạn vơ vét bóc lột nói trên, La-nét-xăng vẫn không tài nào chấn chỉnh được nền tài chính ngày càng nguy khốn. Việc bình định quân sự cũng bất lực, lại bị bọn quan lại cao cấp và tư bản tập hợp trong Hội đồng quản hạt Nam Kỳ, vì muốn nắm độc quyền lũng đoạn ngân sách nên phản đối kịch liệt và vận động lật đổ; ngày 10 tháng 3 năm 1894, La-nét-xăng bị cách chức về nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:07:13 pm »


Câu hỏi 6: Cho biết một vài nét cơ bản về vùng đất Yên Thế, nơi xuất phát của cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám?
Trả lời:


Yên Thế là một huyện miền núi phía tây bắc tỉnh Bắc Giang. Phía bắc địa hình rừng núi, ở giữa và phía nam là trung du và đồng bằng.

Vùng Yên Thế thượng nằm trong khu tam giác Nhã Nam, Mỏ Trạng, Bố Hạ ngang dọc trên mười cây số, là một vùng địa thế vô cùng hiểm trở. Một bề (Mỏ Trạng - Bố Hạ) tựa lưng vào chân dãy núi Cai Kinh, còn hai bề kia (Mỏ Trạng - Nhã Nam và Nhã Nam - Bố Hạ) tựa vào cánh đồng phì nhiêu của Yên Thế hạ. Trong khu Yên Thế thượng không có núi mà chỉ toàn là những ngọn đồi không cao quá năm chục thước, nhưng lại đặc biệt được bao phủ bằng những cánh rừng rất rộng, cây vừa to vừa cao, phần nhiều là lim và táu, dưới gốc dây leo chằng chịt, thú dữ cũng rất nhiều, lối đi là những đường mòn nhỏ chỉ người trong vùng mới thông thuộc.

Dân cư vùng Yên Thế rất thưa thớt, ở thành từng chòm cách xa nhau hàng cây số đường rừng, mỗi chòm đông nhất không tới hai chục nóc nhà. Vào khoảng năm 1890, dân trong vùng không quá vài nghìn người. Phần lớn họ là những người nông dân dưới xuôi vì không chịu nổi sự áp bức bóc lột tàn bạo của đế quốc và phong kiến nên đành lìa bỏ quê hương thân yêu đi tha phương cầu thực. Họ lên tới đây mang hết sức lao động ra phá rừng bạt bụi, kiên nhẫn chiến đấu với thiên nhiên để giành giật từng tấc đất. Sinh hoạt chính trông vào phá rẫy trồng lúa hoặc ngô, hay khơi những khoảng thung lũng lầy lội để trồng lúa. Một phần khác cũng trông vào chăn nuôi gia súc và kiếm lâm thổ sản (củi gỗ, măng, nấm hương, mộc nhĩ) đem ra bán ở các chợ vùng Yên Thế hạ.

Nhờ địa thế thuận lợi, mặt trước trông ra những đồng lúa phì nhiêu của Yên Thế hạ có thể giải quyết vấn đề tiếp tế lương thực, mặt sau tựa vào dãy núi Cai Kinh hiểm trở, vùng Yên Thế thượng từ giữa thế kỷ XIX đã là nơi tụ tập và hoạt động của nhiều nhóm nghĩa quân.

Yên Thế là một trong những vùng địa thế hiểm trở và thuận lợi nhất. Lấy núi Cai Kinh làm chỗ tựa vững chắc, nghĩa quân có thể xây dựng lực lượng lâu dài đánh tỏa về đồng bằng. Núi Cai Kinh ăn thẳng với những dãy núi ở miền vùng biên giới Trung Việt, là con đường giao thông thuận tiện để chuyên chở vũ khí đạn dược từ Trung Quốc về tiếp viện cho nghĩa quân. Hoạt động của nghĩa quân Yên Thế phối hợp với nghĩa quân Ba Kỳ ở vùng Chợ Mới, Bắc Cạn và Lưu Kỳ ở vùng Đông Triều tạo thành một thế bao vây uy hiếp đồng bằng của địch.

Đặc biệt là từ năm 1890 về sau, phong trào chống Pháp càng trở nên quyết liệt, vì bên cạnh mối thù mất nước từ nay dân ta còn chồng chất lên mối thù ruộng đất. Theo nghị định tháng 9 năm 1888 của bọn thống trị Pháp thì thực dân có quyền được cắm đất làm đồn điền những vùng nào bỏ hoang. Theo chân bọn tướng tá là những tên địa chủ thực dân, chúng nhằm chỗ nào đồng ruộng bỏ hoang, nông dân ly tán sau những trận càn quét tàn khốc của chúng, hay viện cớ dân làng không "trung thành" với chính phủ bảo hộ, để chiếm đoạt hàng trăm, hàng ngàn mẫu làm đồn điền. Vùng Yên Thế thuộc địa phận Bắc Giang trong hoàn cảnh chung cũng không tài nào thoát khỏi nanh vuốt bè lũ thực dân tham bạo. Hai tên thực dân đầu tiên lên chiếm đất của nông dân là Sét-nay (Chesnay) chủ tờ báo Pháp "Tương lai Bắc Kỳ" và tên Đờ-boa-sa-đam (De Boisadam). Đồn điền của chúng rộng bao gồm bảy mươi xã, từ Yên Thế hạ lan sang Yên Thế thượng. Sau đó tên Gi-la (Gilard), Tác-ta-ranh (Tartarin), Mông-pơ-da (Monpezat)... và còn rất nhiều đồn điền lớn nhỏ khác nữa ở đồn Vát, Sỏi, Tráng, Tri Cụ, Lữ, Thắng. Đó là chưa kể đến nhiều tên Việt gian có công trong việc giúp chúng đàn áp phong trào (như tên Bảy ở Lục Liễn) cũng được thả sức cướp đoạt ruộng đất trong vùng. Đất nước bị chiếm cứ, chủ quyền quốc gia bị xâm phạm, từ nay người dân tự do trở thành thân phận nô lệ, đó là lý do đầu tiên thúc đẩy nông dân Yên Thế tham gia nghĩa quân. Nay lại thêm ruộng đất bị tước đoạt, đang tự do cày cấy trên mảnh ruộng của tổ tiên bỗng chốc trở thành tá điền. Nông dân Yên Thế cũng như nông dân khắp nước trước mối thù dân tộc mà tham gia chống Pháp thì nay càng kiên quyết đứng vào hàng ngũ nghĩa quân để giành giật lại thửa ruộng thân yêu của cha ông để lại. Lại thêm nạn phu phen tạp dịch trong các cuộc hành quân liên tiếp của giặc, rồi tô thuế nặng nề sau các vụ gặt, đó đều là những nguyên nhân trực tiếp của các cuộc đấu tranh võ trang ở Yên Thế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:08:28 pm »


Câu hỏi 7: Các căn cứ kháng Pháp của Đề Nắm và Đề Thám những năm 1889-1894 đã chống trả các đợt tấn công của quân Pháp như thế nào?
Trả lời:


Vào những năm 1889-1890 cũng như về trước bọn quan cai trị Pháp hay quan Nam ở đây đều công nhận rằng chúng không có một tý quyền hành gì. Vùng này là căn cứ của nghĩa quân do Đốc Tiếu, Đốc Nghị, Tổng Bưởi chỉ huy, có một số đông người Trung Quốc tham gia dưới quyền chỉ huy của Lưu Kỳ. Theo sự điều tra của Pháp lúc ấy thì nghĩa quân "có độ 1.000 người, có đầy đủ súng đạn và được dân địa phương ủng hộ". Thế lực của nghĩa quân Bảo Đài rải ra khắp đồng bằng Bắc Giang. Địch nghĩ rằng "cần phải có một cố gắng lớn để chấm dứt một tình trạng nguy cấp và chiếm lại đất rõ ràng đã bị mất trong những vùng này".

Tháng 8 và tháng 9 năm 1889, địch xua 3 đoàn quân đánh vào căn cứ Bảo Đài: Đoàn Pretet (350 súng) đi từ Lầm vòng lên Bắc Lệ cắt đường triệt thoái của quân ta về núi; đoàn Pegna (250 súng) đi từ Kép để đánh doanh trại nghĩa quân ở Bảo Lộc, cố đuổi quân ta về phía đoàn thứ nhất của chúng; đoàn thứ ba phục kích ta ở phía bắc đường quan để quân ta không thể triệt về hướng Thái Nguyên; dưới sông Lục Nam có pháo thuyền địch để quân ta không thể tràn xuống đồng bằng.

Địch bắt đầu hành quân vào ngày 25 tháng 8. Suốt mấy ngày đầu, địch sục sạo ở các làng trên núi như Bảo Lộc, tìm nghĩa quân, chỉ thấy doanh trại bỏ trống, không thấy quân, hỏi dân, nơi nào dân cũng nói rằng không thấy. Ngày 28, đoàn Pegna vào rừng để tìm, theo một đường mòn nhỏ dựa suối. Mới đi được có 500 mét thì địch bị quân ta chào bằng những loạt súng từ hai phía tả hữu bắn rất gần: mới loạt súng đầu thì địch đã chết và bị thương nhiều, trong đó có 2 tên quan hai Mông-tê-ra (Montéra) và Bông-na-phông (Bonnafons), tất cả dân công bị địch bắt khuân vác đều chạy vào rừng, lính địch phải tự khiêng 25 cái xác mà rút lui. Rút vừa ra khỏi rừng rậm, tưởng thoát chết, địch ra tới đồng cỏ trên đồi lại bị quân ta nằm trong cỏ nhảy ra đánh cho một trận nữa, địch bỏ các xác đồng đội của chúng, hai bên đánh giáp lá cà, cuối cùng địch chạy về làng Mạnh. Ngày 31 lại xảy ra một cuộc giao chiến nữa rất kịch liệt ở Đèo Quán. Ngày 3 tháng 9, địch tập trung lực đánh vào làng Thượng Lam, một làng kháng chiến phòng thủ chắc chắn, hai hàng rào tre bao phủ trong đó có 250 nghĩa quân. Địch vừa xáp vào làng thì súng ta nổ, nhiều tên địch bị giết trong đó có hai quan Cha-vy, rồi kế quan ba Nu-ri-xen (Nourichel) và 2 tên quan hai khác nữa. Cuối cùng địch vào làng được và đốt rụi cả làng Thượng Lam không chừa một nóc nào. Cuộc hành quân của địch kéo dài cho đến 20 tháng 9 năm 1889, đốt phá, bắn giết vô số.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:08:41 pm »


* Một số trận đánh tiêu biểu:

Trận làng Lai:

Vùng Yên Thế lâu nay luôn luôn nằm trong tay của nghĩa quân. Đến lúc này địch chưa đưa quân vào đây. Đây là căn cứ của Đề Nắm, ở hữu ngạn sông Thương, về phía bắc Phủ Lạng Thương cũng như vùng Bảo Đài là ở đông bắc Phủ Lạng Thương.

Ngày 18 tháng 9, một đội quân do quan ba Goóc-xơ (Gorce) cầm đầu, từ Phủ Lạng Thương lên đánh làng Sặt. Làng Sặt lúc này có 250 quân ta đóng giữ. Trong trận này, một số đông lính tập, mấy trăm người Việt (theo Pháp) do đội Vân cầm đầu chạy qua hàng ngũ kháng chiến, đem theo tất cả súng ống đạn dược. Địch bị đánh lui về Phủ Lạng Thương. Liền sau khi Đội Vân qua phía kháng chiến thì Đội Voi, Lãnh Giới, Lãnh Giám, Suất Lý, Lãnh Thiết, Lãnh Bôi, v.v... đều mang số lính tập vùng Hải Dương của tên ngụy tổng đốc Hoàng Cao Khải, theo gương Đội Vân kéo qua sông Đuống, lên phía Yên Thế mà nhập vào hàng ngũ nghĩa quân. Nghĩa quân lập đồn đóng trại ở Nhã Nam, địch nhiều lần vào đốt phá nhưng không thể đóng ở Nhã Nam. Trong lúc đó thì nghĩa quân chiếm lại vùng núi Bảo Đài và phục kích mọi cuộc vận tải của địch từ Phủ Lạng Thương đi các nơi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:09:05 pm »


Cuộc tấn công năm 1890 -1891:

Vào thu đông 1890-1891, trong vùng Bắc Giang, Bắc Ninh, nghĩa quân tụ hợp ở hai nơi chính: Yên Thế và núi Yên Tự. Ở Yên Thế, Đề Nắm có 400 tay súng, nghĩa quân đông đúc nhưng thực ra chỉ non 100 tay súng là thường xuyên làm lính, còn hàng nghìn người khác thì chỉ là nông dân khi có biến động thì ra chiến đấu; Yên Thế có lập nhiều đồn lũy kiên cố và hiểm yếu. Về phía đông Bắc Ninh, Bắc Giang nghĩa quân đóng ở núi Yên Thế chủ yếu là đoàn quân của Cai Biểu hoạt động dọc sông Thương cho đến Đáp Cầu.

Vào mùa thu năm 1890, địch tập trung nhiều quân đánh vào Yên Thế, quân Pháp do tướng Gô-đanh cầm đầu: một ông tướng ra cầm quân đánh Yên Thế, điều ấy đủ chứng tỏ sự quan trọng của cuộc chiến đấu. Ba đoàn quân địch xuất phát từ Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bố Hạ, gồm 800 quân, 5 đại bác sơn pháo, 2 pháo thuyền. Địch tập trung mũi nhọn vào vị trí Cao Thượng (cũng gọi là Cao Thưởng) là nơi mà trong xuân hạ vừa qua, bao nhiêu lần địch đã cố vào nhưng đều bị đánh bại. Trận ngày 6 tháng 11, hai đạo quân địch (từ Thái Nguyên và Bắc Ninh đến) nhờ pháo binh mà tạm chiếm được Cao Thượng với một giá đắt. Bọn từ Bố Hạ đến tưởng đón đường triệt thoái của nghĩa quân, nhưng chúng bị du kích đánh thiệt hại mà không làm trò gì được. Lần này địch chiếm được Nhã Nam, đóng đồn ở đó, song không tiêu diệt được chủ lực của ta mà quan hai tùy viên của tướng Gô-đanh lại bị thiệt mạng. Vào tháng Chạp, địch theo sông Thương mà lên phía đông bắc, bị đánh một trận nên thân ở Hữu Thượng. Quan tư Tan-nơ mặc dầu có 250 súng trường và một đại bác, vẫn không vào làng Hữu Nhuế được, mà phái rút lui, để lại trước rào làng nhiều xác chết. Quan tư thua thì quan năm thay, May-ơ tụ họp 600 súng, 4 đại bác ở Nhã Nam, ngày 22 tháng 12 năm 1890, trở lại Hữu Nhuế. Địch tả trận ngày 22 tháng 12 năm 1890 như sau:

“Trong 3 giờ đồng hồ, cuộc chiến đấu tiếp diễn ở trong các bụi rậm rì gần như không tìm ra được ngõ: quân phiến loạn không sợ đại bác, cũng không sợ súng trường bắn vãi như mưa, họ phòng thủ vị trí của họ một cách vô cùng quyết liệt, vị trí của họ được xây dựng kiên cố đáng phục. Ba lượt liên tiếp, đạo quân cánh tả do quan tư Tan-nơ chỉ huy xung phong vào công sự phòng tuyến chính của làng Hữu Nhuế, nhưng ba lần đều thất bại cả ba mặc dầu võ quan và binh lính rất can đảm. Trước sức kháng cự quyết liệt và trước những tổn thất nặng, viên chỉ huy đạo quân thấy rằng khôn ngoan nhất là đừng tiếp tục xung phong nữa mà phải lui về Nhã Nam để chờ viện binh và chờ lệnh mới".

Địch tổn thất rất nặng: quan hai Bơ-le-dơ bị giết với khoảng 50 tên nữa. Chúng đã đem rất nhiều dầu hỏa để đốt rừng dọn đường và đuổi quân ta, nhưng vô hiệu, chúng chỉ kịp chạy đi bỏ lại nhiều dầu chưa rưới đốt kịp.

Địch toan gỡ đòn. Chúng tập trung 1.300 quân, moóc-chi-ê, nhiều thuốc nổ, nhiều đạn đại bác - lần này do quan năm Phơ-rây - đại đoàn trưởng - cầm đầu. Ngày 9 tháng Giêng năm 1891, nhờ nhiều trọng pháo, địch bắn ùa vào đồn của ta (đồn làng Nứa) suốt mấy tiếng đồng hồ; rồi, trong lúc bắn pháo, chúng phá đường rừng vào đồn. Khi chúng gần xáp vào đồn, quân ta đã ra khỏi đồn từ hồi nào và phục ở trong những công sự ngầm, một lượt rước địch bằng những loạt súng nguy hiểm. Địch vội ngược rút lui ra xa, để lại nhiều xác chết, trong đó có quan ba Ghi-nhê, những quan hai Béc-tan-nơ, Bơ-rét-di.

Tuy thắng trận thứ hai oanh liệt, Đề Nắm thấy rằng cần phải giữ chủ lực, một chiếc đồn nhỏ dù kiên cố đến đâu, một làng nhỏ dù toàn dân ủng hộ, cũng không thể giữ mãi. Đêm ngày 10, ông tự động rút quân về phía bắc phân tán ra từng tốp nhỏ; ngày 11, khi địch lại vào đồn làng Nứa thì chúng không còn thấy một ai, chỉ thấy chiếc đồn xây dựng rất công phu và khoa học trên một quả đồi. Suốt một tháng trôi qua, địch lan ra quanh làng Hữu Nhuế, đi bước nào bị du kích phục ở bước ấy, rốt cùng chúng phải về Nhã Nam, sau khi phá đồn làng Nứa mà không phá được đội quân anh dũng, thiện chiến của Đề Nắm.

Chính trong lúc ta và địch đánh nhau ở vùng Nhã Nam thì ở miền đông nam Bắc Ninh, 200 nghĩa quân (nguyên là quân của đội Vân, đội Vân lúc ấy đã trở lại hàng Pháp và bị Pháp xử tử ở Hà Nội) giao chiến với 1.300 địch ở phủ Thuận Thành, còn ở vùng Bảo Đài, quân ta giao chiến với đoàn quân của tên quan ba Si-mông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:09:26 pm »


Cuộc tấn công năm 1892:

Suốt mùa xuân, địch lo việc do thám tình hình nghĩa quân. Đến tháng 10 năm 1891 thì có nhiều đoàn quân đi càn quét vùng Yên Thế - Nhã Nam, do quan tư Bê-ra, quan ba Pê-lít-si-ê, quan hai Đơ-to-rê cầm đầu.

Bên ta cũng đã có thì giờ mộ thêm nghĩa quân, đổi trâu bò và lâm sản, lấy về thêm nhiều súng ống đạn dược, lập thêm rất nhiều công sự trong vùng đồi núi, phát triển thế lực xuống đồng bằng.

Vào tháng Giêng năm 1892, địch mở một chiến dịch lớn đánh vào khu Yên Thế. Khu Yên Thế được bảo vệ kiên cố ở phía nam là phía giáp với địch có một chiến hào dài 3 cây số trên sườn đồi; về phía tây có đồn Đề Dương; phía đông có đồn Đề Nắm, gồm 5 công sự lớn. Trước phòng tuyến ấy có những công sự quan sát sự xâm nhập của địch; đằng sau phòng tuyến có đồn trung ương nơi đóng hành dinh của Bá Phúc là thủ lĩnh, vị tướng tài cầm binh khiển tướng chính lại là Đề Nắm. Căn cứ Đề Nắm nằm trên hai bên sông Sỏi sát đường cái đi từ Bố Hạ qua Thái Nguyên. Trong căn cứ Yên Thế có tất cả 7 đồn, có khi gọi bằng số, có khi gọi bằng tên; số 1, đồn Đề Nắm; số 2, đồn Đề Lâm; số 3, đồn Đề Tuất; số 4, đồn Đề Chung; số 5, đồn Đề Dương tức Đề Thám; số 6, đồn Tổng Tài; số 7, đồn Bá Phúc. Mỗi đồn như thế có một tường thành bằng đất và đá, có lỗ châu mai bốn tầng khác nhau, nghĩa là tường cao từ trên xuống chân có 4 tầng lính núp bắn ra (đồn Đề Nắm là kiên cố nhất). Mỗi góc có "mặt trăng nửa vành" để dễ đánh địch xáp vào tường; ngoài đồn có nhiều hàng rào tre, giữa hàng rào tre và tường có hào, ụ, lỗ chông và hố tác chiến, với vô số bụi rậm, gai góc. Quan tư Sa-bờ-rôn nói về cách phòng ngự này đã phải công nhận rằng "những người không đi học trường cao đẳng quân sự mà biết lợi dụng địa hình địa vật như vậy thì thật là không chê được". So sánh chiến dịch Đông Triều với chiến dịch Yên Thế, Sa-bờ-rôn nhận định rằng Yên Thế hẹp hơn, núi non ít hơn, nhưng rừng rú lại dày đặc hơn; hơn nữa, quân khởi nghĩa của Đề Nắm đánh một cách gan dạ, cương quyết hơn là binh lính của Lưu Kỳ, người Hoa kiều.

Căn cứ hành quân chính của địch là Bố Hạ, địch được tiếp tế bằng sông Thương, bằng đường xe lửa Phủ Lạng Thương Kép, bằng đường xe mà chúng vừa đắp từ Kép đến Bố Hạ để kéo đại bác 95.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:09:42 pm »


Binh đoàn Bê-ra đi từ Thái Nguyên qua hướng đồn Đề Dương bị quân ta đón đánh ở Cầu Rùa, dọc đường Quỳnh Lân; một cánh địch bọc lên phía bắc, về hướng trại An, hướng về đồn Bá Phúc. Trong lúc đó binh đoàn của Cu-rô đến Mỏ Xạt, binh đoàn của Bu-ghi-ê chiếm Làng Thượng, Am Đồng, Đình Tép. Binh đoàn của Gây tập trung ở Bố Hạ; tất cả sẵn sàng để đánh úp vào phòng tuyến Yên Thế; Bê-ra sẽ đánh Bá Phúc, Cu-rô sẽ đánh vào Đề Nắm, Van-đơ-buc đánh vào Đề Chung, Hen-ry và Bê-tin đánh vào Đề Dương. Cuộc chiến đấu bắt đầu ngày 25 tháng 3 năm 1892.

Đội quân Hen-ry đụng vào đồn Đề Dương, bị bại trận rất đau vì đồn được giấu kín đến nỗi địch tới gần mới biết nó ở đâu; mới trận đầu chúng đã mất 50 tên trong đó có 3 quan hai. Trọng pháo 95 địch đặt trên các đồn bắn vào các đồn của ta suốt ngày 26, rồi chúng tấn công bằng bộ binh. Tại mỗi đồn, địch trả giá rất đắt mới lấy được; 2 đồn mà địch thiệt hại nhất là đồn Đề Dương và đồn Đề Nắm. Ở đồn Đề Nắm, riêng ngày đầu địch vận dụng đến 6 sơn pháo, 2 moóc-chi-ê, bắn 200 quả vào đồn; địch bắn tiếp luôn hai ngày đêm 27 và 28 nữa.

Quân ta ở trong các đồn núng thế vì đại bác. Bộ binh địch chưa dám xung phong sau trận đồn Đề Dương. Lợi dụng ban đêm quân ta đã bỏ hết các đồn chỉ để lại những toán nhỏ làm hậu vệ để tỉa quân địch khi chúng tiến vào. Đến ngày 31 tháng 3 thì địch hoàn toàn chiếm lĩnh khu căn cứ Yên Thế. Đại quân của ta lui về hướng đông bắc, nhưng phần lớn nghĩa quân chính là nông dân ở các làng, ngày đêm đánh địch không ngớt. Tuy thế, cũng có một số người thất chí ra đầu thú như Đề Sặt, Đề Tuấn. Còn Đề Tiêu trá hàng, chỉ đem một ít súng ra nạp cho Pháp, bị địch ngờ, địch xét nhà thấy còn nhiều súng bắn mau và nhiều đạn nên đem ông ra xử tử ngày 28 tháng 7.

Địch phóng vào cuộc tấn công này tới 5 đoàn quân do tướng Voa-rông cầm đầu, dưới quyền hắn có 8 quan tư và 2.217 binh lính, điều ấy chứng tỏ sự quan trọng của các cuộc hành quân.

Từ nay thì cuộc vận động kháng Pháp ở Yên Thế bước qua một giai đoạn mới. Nếu giai đoạn trước gọi là giai đoạn Đề Nắm, thì giai đoạn sau là giai đoạn Đề Thám; giai đoạn trước thuần là giai đoạn kháng Pháp để giữ độc lập; giai đoạn sau ngoài ý nghĩa trên còn có ý nghĩa chống sự cướp đất của bọn thực dân mà ta đã nói đến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:10:12 pm »


Cuộc tấn công từ 1892 đến 1895:

Cuối tháng 8 năm 1892, nghĩa quân đã rút khỏi miền rừng núi phía bắc con đường Bố Hạ, Nhã Nam. Bọn Pháp lợi dụng dịp này đắp 40 cây số đường nối những khu trọng yếu trong rừng để tiện việc chuyển vận quân lính và đại bác.

Những cuộc giao chiến nhỏ vẫn diễn ra luôn. Theo báo cáo của Pháp thì đầu tháng 4 đến tháng 8 năm 1892, chúng cướp được 287 súng trường và 43 súng tay. Một số lãnh tụ nghĩa quân phải ra hàng.

Nhưng người mà giặc Pháp chú ý theo dõi nhất và mong đàn áp gấp rút nhất là Đề Thám. Nghĩa quân Đề Thám còn thì chúng không thể yên ổn được. Ngày 3 tháng 11 năm 1892, Pháp được tin Đề Thám hứa ra hàng cùng với Đề Phúc, Thống Luận, Tổng Trụ và 49 thủ hạ có vũ khí. Tuy vậy, quân Pháp vẫn ngờ vực cho là cụ trá hàng để hoãn binh nên chúng tổ chức một cuộc đánh úp. Lúc đầu cuộc hẹn ra hàng vào ngày 19 rồi lại hoãn đến ngày 29. Tức thì đêm 29 rạng ngày 30, một đoàn quân Pháp gồm 370 tên do thiếu tá Ba-ri (Barri) chỉ huy đến bao vây nghĩa quân ở làng Bằng Cục. Sau khi làm cho quân Pháp thiệt hại nặng, nghĩa quân rút lui.

Quân Pháp càn quét vào Yên Thế, nhưng không kết quả gì, nghĩa quân vào các làng mạc ẩn hiện bất thường. Ngày 20 tháng 12 năm 1892, quân Pháp nghe tin quân Thám ở làng Binh Động, chúng tập trung lực lượng kéo đến thì nghĩa quân đã rút lui. Đêm ngày 7, rạng ngày 8 tháng 2 năm 1893, quân Thám đến bắt Đề Sặt, người ra hàng từ một năm trước và làm tay sai cho Pháp. Nghĩa quân liên tiếp hoạt động trong 10 làng vùng Nhã Nam và rút đi trước khi quân của đại úy Ve-rô (Verreaux) từ Nhã Nam đến. Đầu tháng 6 năm 1893, Thám lại đem 30 tay súng đến đánh ngay gần đồn Nhã Nam. Ngày 19 tháng 6, một toán quân Thám đã xuất hiện ở gần phủ Từ Sơn (Bắc Ninh). Ngày 27 tháng 6, nghĩa quân đến đánh lính khố xanh gần Đáp Cầu, tiêu diệt 2 tên địch và làm bị thương 1 tên. Viên công sứ Bắc Ninh là Bu-lô-sơ (Boulloche) vội phái 36 lính Pháp, 15 lính bộ binh, đem một đại bác đến thì nghĩa quân đi xa rồi. Ngày 17 tháng 7, một cuộc giao chiến diễn ra trên đường Phủ Lạng Thương giữa quân Đề Thám và quân của Bu-lô-sơ. Đêm 31 tháng 12 năm 1893, quân Đề Thám lọt vào một làng gần Nhã Nam hoạt động, khi rút đi bắn vào đồn Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 01:10:29 pm »


Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân Đề Thám, ngày 8 tháng 1 năm 1894, quân Pháp tại các đồn Nhã Nam, Mỏ Trạng và Bố Hạ cùng hiệp lực làm một cuộc càn quét. Toán quân Nhã Nam có 60 súng, trong 6 giờ chạm trán nghĩa quân hai lần. Lần đầu thấy quân Đề Thám đông, quân Pháp không dám đánh. Lần sau chúng bị tấn công bất ngờ.

Tháng 1 năm ấy, viên tổng đốc tỉnh Bắc Ninh đem 200 lính khố xanh và 600 lính cơ phối hợp với quân Pháp tại các đồn mỏ Na Lương, Mỏ Trạng, Bố Hạ và Thái Nguyên. Tất cả dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Va-lăng-sơ (Valance), người cai quản đạo binh Phủ Lạng Thương, để mở cuộc tấn công.

Lần này viên tổng đốc Bắc Ninh định dùng thủ đoạn chính trị nên hắn tìm cách thương lượng với một số lãnh tụ nghĩa quân. Đề Phức từ lâu đã có thái độ lừng chừng, nay được giặc Pháp hứa cho làm thượng tá, y liền đem mấy thủ hạ ra hàng, về phía cụ Đề Thám cùng các ông Thống Luận, Tổng Lương, Tổng Trụ cũng hứa đến Tết Nguyên đán năm ấy, tức là ngày 7 tháng 2 năm 1894 sẽ ra hàng. Nhưng cụ nhất định không chịu nộp khí giới và ra điều kiện là quân Pháp phải rút hết các đồn ở khu vực Yên Thế. Mặt khác cụ vẫn tích cực tập hợp nghĩa quân lẻ tẻ các nơi về và chiêu dụ đám thổ phỉ Trung Quốc lại dãy núi Cai Kinh.

Đêm 12 tháng 2 năm 1894, gần 50 nghĩa quân vào bắt hai anh em tên thổ hào làm tay sai cho Pháp trong một làng bên bờ sông Thương mà bấy nay chúng ngăn cản không cho nghĩa quân qua sông. Cuối tháng 4, nghĩa quân đóng khắp các làng Leo, làng Mạc, làng Nứa, làng Văn và xây lại pháo đài Hữu Nhuế mà tháng Giêng năm 1891 đã bị đại tá Phơ-rây phá hủy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM