Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:58:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế  (Đọc 28063 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 02:29:26 pm »

Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap

Ban biên soạn:
      Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủ biên)
      Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
      Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
      Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
      Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
      Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn xâm lược phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể, dưới dạng hỏi đáp, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam”nói chung và cuốn sách Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử dân tộc.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 02:30:46 pm »


Câu hỏi 1: Tình hình Việt Nam sau khi Pháp nổ tiếng súng xâm lược nước ta năm 1858?
Trả lời:


Tiếng súng xâm lược nước ta của thực dân Pháp từ năm 1858 đã phát động cả một cao trào chống giặc giữ nước trong toàn quốc. Cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân tuy cuối cùng đã thất bại vì sự phản phúc của triều đình, nhưng cũng đã giáng vào đầu địch những đòn chí tử, và chỉ chờ thời cơ thuận lợi lại vùng dậy với một sức mạnh phi thường. Ngay ở Nam Kỳ là nơi bị thôn tính trước tiên và do đó thực dân Pháp có đủ thì giờ tổ chức bộ máy thống trị tàn bạo để khủng bố và đàn áp những người yêu nước, phong trào tuy bị dập tắt trong căn bản, song sự uất ức, nỗi căm thù vẫn ngấm ngầm lan rộng trong nhân dân làm cho bè lũ thực dân rất lo ngại.

Nhưng Hòa ước Hắc Măng (25-8-1883) rồi Hòa ước Pa-tơ-nốt (6-6-1884) đã ghi dần những bước tiến sỗ sàng của thực dân Pháp trong âm mưu thôn tính toàn bộ Việt Nam, đồng thời cũng là một bước lùi đớn hèn của bè lũ đại phong kiến trước áp lực quân cướp nước.

Mặt khác, hết Quy ước Thiên Tân lần thứ nhất (11-5-1884) rồi Hiệp định đình chiến (4-4-1885) và cuối cùng là Hiệp ước Thiên Tân lần thứ hai (9-6-1885) quy định việc quân Thanh rút khỏi Bắc Kỳ trong một thời hạn ngắn và việc Trung Quốc công nhận những hiệp ước Pháp đã ký hay sẽ ký với triều đình Huế được thi hành đã đánh dấu sự nhượng bộ ngày càng sâu sắc của phong kiến nhà Thanh trước tư bản Pháp. Trong những điều kiện lịch sử đó, tình hình có nhiều thay đổi quan trọng bất lợi cho tiền đồ Việt Nam.

Thực dân Pháp từ nay có thể rảnh rang ngoài Bắc để tập trung lực lượng vào công cuộc "bình định”, nghĩa là tập trung lực lượng để tiêu diệt các trung tâm kháng chiến của nhân dân ta và xâm chiếm những vùng tự do rộng lớn còn lại.

Cho nên, mặc dù chính phủ Phe-ri (Jules Ferry) sụp đổ ngày 30 tháng 3 năm 1885 sau vụ quân Pháp bị quân Thanh đánh đại bại ở Lạng Sơn, chính phủ mới do Bờ-rít-xông (Brisson) lên (6-4-1885) cũng vẫn tiếp tục một chính sách thuộc địa của bè lũ tư bản tài chính. Chính phủ Pháp vẫn tiếp tục tăng viện cho đội quân viễn chinh do tướng Cuốc-xy (De Courcy) toàn quyền chỉ huy.

Lúc đó, thực dân Pháp chú trọng thực hiện ba công tác lớn: Một là, chiếm cứ các yếu điểm ở biên giới và thượng du sau khi quân Thanh đã rút về; sự rút lui của quân Thanh phải hết tháng 5 năm 1885 mới xong, nhưng lúc bấy giờ là mùa mưa, Pháp không thể hành quân đông đảo lên Việt Bắc ngay được; vả lại ở trung du, quân khởi nghĩa mạnh, chúng phải để nhiều lực lượng đánh chiếm vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng là vùng đất từ sông Hồng lên Tam Đảo. Việc thứ hai của địch là chia quân đi trấn áp các cuộc khởi nghĩa ở đồng bằng. Việc thứ ba là mưu toan đánh gãy cánh chống Pháp ở triều đình Huế mà Tôn Thất Thuyết là vị thủ lĩnh cương quyết. Chúng mong rằng nếu bắt được Thuyết, giải tán được quân của Thuyết, thì sẽ "bình định" được các cuộc khởi nghĩa địa phương. Chúng không biết rằng chính các cuộc khởi nghĩa nhân dân ở địa phương mới nuôi dưỡng ý chí đề kháng của cánh Tôn Thất Thuyết tại triều đình Huế.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 02:31:06 pm »


Ngày 27 tháng 6 năm 1885, Cuốc-xy cùng 4 đại đội lính thủy đánh bộ đáp 2 tàu chiến ở Hải Phòng vào Huế, với ý định cụ thể là sẽ tiến hành một cuộc "đảo chính" để thanh toán cánh kháng chiến trong triều, giải tán quân đội Huế, tức là siết chặt nền đô hộ, làm cho triều đình hoàn toàn phụ thuộc vào bè lũ cướp nước.

Trong tình thế đó, Tôn Thất Thuyết và phe chủ chiến bắt buộc phải tranh thủ hành động để tự vệ. Đêm mồng 4 rạng sáng mồng 5 tháng 7 năm 1885, quân ta nổ súng đánh úp doanh trại quân đội Pháp, nhưng cuối cùng đã thất bại. Vua Hàm Nghi xuất bôn, để lại sau lưng kinh đô Huế trong tay giặc và chìm đắm trong máu lửa. Trên đường quốc nạn, nhà vua đã hạ chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân toàn quốc nổi dậy chống bè lũ cướp nước hung bạo.

Kết quả cấp thời của chiếu Cần Vương là nhân dân toàn quốc đều sôi nổi hưởng ứng. Do các văn thân yêu nước lãnh đạo, cả một phong trào nhân dân kháng Pháp lan rộng khắp Trung và Bắc, trừ Nam Kỳ là nơi bị Pháp chiếm từ lâu, ở đó chính quyền thống trị của bè lũ cướp nước đã được củng cố tương đối. Tình hình đó làm cho thực dân Pháp vô cùng bối rối.

Cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam từ năm 1885 đến năm 1891, dù có Hàm Nghi đứng đầu hay là khi không có Hàm Nghi nữa, đã chứng tỏ cho bọn thực dân thấy rằng đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. La-nét-xăng đi đến kết luận là làm sao cho triều đình Huế mường tượng như có ít nhiều quyền hành ở ngoài Bắc, thực tế là dùng cả bộ máy của triều đình vào việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa một cách tích cực hơn. Liền sau khi đến Huế, La-nét-xăng đã nói với bọn thực dân ở Huế chấm dứt cái mưu toan phế Thành Thái và Viện Cơ mật. Hội đồng nhiếp chính của Huế liền "trả ơn" bằng cách phát hành một chỉ dụ cho tất cả quan lại các tỉnh Bắc Kỳ phải tuyệt đối tuân lệnh của La-nét-xăng. Triều đình Huế lại còn sai hoàng thân Hoài Đức và Nguyễn Trọng Hiệp (cả hai đều là phụ chính) ra Bắc để tra xét xem các tỉnh có chấp hành chỉ dụ ấy không. Cuối năm 1891, tại Nam Định có kỳ thi Hội, thì Nguyễn Trọng Hiệp tuyên bố "đem hết quãng đời cuối cùng" để giúp La-nét-xăng "trong sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của thực dân". Từ năm 1885 đến năm 1890, Pháp dùng chính sách vũ lực là chính, trong chính sách vũ lực đó thì dựa vào các đoàn quân lưu động trước hết. Đến năm 1891, thực dân Pháp, nhất là với tên toàn quyền La-nét-xăng, dùng một chính sách có mới hơn: cũng dùng vũ lực đàn áp, nhưng đàn áp đi đôi với chính trị, chủ yếu là làm sao cho triều đình, kinh lược, các quan Nam hàng tỉnh và huyện cho đến các tổng, lý cộng tác với Pháp một cách tích cực và chặt chẽ hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:11:31 pm »


Câu hỏi 2: Đặc điểm chung của cục diện chính trị ở đồng bằng và trung du từ năm 1889 đến năm 1897 như thế nào?
Trả lời:


Đặc điểm chung của cục diện chính trị thời kỳ này là một sự chuyển hướng của Pháp trong sự cộng tác với tầng lớp phong kiến đầu hàng. Trong óc bọn thực dân ở Pa-ri, sẵn có định ý rằng Bắc Kỳ là một nước riêng (như hồi Nguyễn - Trịnh phân tranh), rằng người dân Bắc Kỳ muốn được "giải thoát" khỏi "quyền thống trị của người Trung Kỳ". Để đi đến kết luận đó, chúng căn cứ vào một hiện tượng có thật, tức các cuộc khởi nghĩa liên miên của nhân dân miền Bắc chống triều đình Huế. Chúng không hiểu hay không muốn hiểu rằng các cuộc khởi nghĩa ấy, dầu ở Bắc, ở Trung hay ở Nam, chỉ có ý nghĩa là nhân dân của một nước đấu tranh chống chính quyền phong kiến của nước ấy; thực ra là chúng lấy ý định chủ quan của chúng là muốn tách Bắc Kỳ ra khỏi Việt Nam, cũng như chúng đã tách Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam để làm thuộc địa, lấy cái ý định chủ quan ấy để làm tiêu chuẩn mà nhận xét ý nghĩa của các cuộc khởi nghĩa. Lúc ấy, bọn chủ trương trực trị là đa số trong đám thực dân ở Sài Gòn, hay Pa-ri, hiềm vì, nếu muốn trực trị luôn ở Trung Kỳ thì phải bỏ vua, bỏ triều đình - điều ấy chưa tiện cho chúng nó - nên chúng nó hẳn tìm cách trực trị Bắc Kỳ đã. Đoạn trích sau đây trong quyển "La colonisation Française de l'Indochine" của La-nét-xăng đã cho biết sơ qua chính sách cai trị của Pháp ở Bắc Kỳ từ 1885 đến 1891.

"Mỗi khâm sứ hay là mỗi toàn quyền chỉ theo ý riêng mình mà lạm, hoặc chà đạp Hòa ước Pa-tơ-nốt 1884, hoặc đòi hỏi thực hiện hòa ước ấy, tùy thời cuộc hay là tùy chủ trương mỗi lúc khác nhau; ông này thì ra sức xâm chiếm phần đất này hay phần đất nọ của nước An Nam, ông khác thì thôi, không chịu theo những phương hướng cố gắng của người đã cai trị trước mình; ông này thì hứa hẹn đủ điều với triều đình Huế, ông khác lại bác bỏ tất cả yêu cầu của triều đình Huế; vả lại, tất cả các ông ấy đều khinh miệt bộ máy cai trị của triều đình Huế ở Trung Kỳ cũng như ở Bắc Kỳ, tất cả đều để cho các công sứ cai trị theo ý riêng của họ. Không có quy củ thể lệ phương pháp gì cả, một ông công sứ có một phương pháp riêng, hễ công sứ đổi thì đổi cách cai trị. Mà từ 1883 đến 1891, đã có tới 20 ông quan tổng khâm sứ Bắc Kỳ và 7 ông khâm sứ Trung Kỳ. Tôi không nói đến sự thay đổi chành chạnh những ông công sứ ở tỉnh này tùy hứng của các ông khâm sứ với những lý do nhỏ nhặt. Thường thường người ta thấy nhiều ông công sứ hễ bị đổi từ tỉnh này sang tỉnh khác thì mang theo ông một số quan An Nam. Nhưng sự thay đổi chành chạnh ấy chỉ tổ đem lại một tình trạng rất là vô chính phủ"1.

Bọn thực dân Pháp lúc bấy giờ có ý định phế vua Thành Thái, bắt bỏ tù hay giết đi một số quan to ở triều đình mà chúng nó tưởng đâu là kẻ ngầm xui các cuộc khởi nghĩa không ngớt; kỳ thật triều đình chẳng dính dấp gì đến các cuộc khởi nghĩa cả. Duy nhà vua bù nhìn ngồi, không tý quyền hạn dù rất phụ thuộc, thì nhà vua bù nhìn này cũng bất mãn. Thực dân Pháp thì nay xéo góc cực Nam của Trung Kỳ, mai xéo đầu cực Bắc của Trung Kỳ, luôn luôn theo chính sách của Puy-ghi-nhê là chính sách triệt hạ sĩ phu, không tin dùng ngay cả số đông bọn quan lại theo triều đình Đồng Khánh (và Thành Thái) cho nên triều đình mất cái phần còn sót lại uy tín của nó, nó bất mãn, huống hồ gì bổng lộc của quan lại chẳng còn là mấy, phần chính đã vào tay thực dân rồi. Triều đình bù nhìn Huế dù bù nhìn cũng không thể không thấy Pháp chà đạp Hòa ước 1884, toan cắt 3 tỉnh Nam Trung Kỳ cho Nam Kỳ và tách hẳn Bắc Kỳ ra khỏi Việt Nam.
________________________________
1. Lanessan, La colonisation Française de l’IC, tr.23.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 11:12:51 pm »


Năm 1891, La-nét-xăng sang làm toàn quyền; tên này cai trị trên 3 năm. Hắn thấy rằng không thể trắng trợn cắt xéo như trước, không thể "bình định" mà không có sự công tác mật thiết hơn, sự tham gia tích cực hơn của cả bộ máy của triều đình Huế. Hắn nhận định rằng:

"Thực ra, Trung Kỳ, Bắc Kỳ mà cả Nam Kỳ nữa, là ba bộ phận của một vương quốc rất thống nhất (aussi unique possible), trên đất ấy có một dân tộc cùng nói một thứ tiếng với nhau, có những phong tục giống nhau, có tôn giáo giống nhau, có tổ chức xã hội và cai trị giống nhau, tất cả đều công nhận uy quyền của Hoàng đế và kính trọng quan lại do Hoàng đế cắt cử. Thật đã có ở Bắc Kỳ những cuộc nổi loạn chống ông vua này hay ông vua khác, cũng như việc ấy đã xảy ra ở nước Pháp trước đây, nhưng không bao giờ Bắc Kỳ tự xem là tách biệt vối nước An Nam. Hơn nữa, danh từ Tonkin không có trong tiếng nói của người An Nam, chỉ có danh từ Bắc Kỳ, tức là những tỉnh ở miền Bắc nước An Nam, cũng như Nam Kỳ là những tỉnh ở miền Nam của nước ấy… Bằng cách toan cắt đứt Bắc Kỳ ra khỏi nước An Nam, chúng ta đã gây ra nhiều thù địch trong cả hai bộ phận của nước An Nam, mà không gây được chút lòng tin nào ở Bắc Kỳ như người ta đã hứa"1.

Chữ "người ta" ở đây là chỉ một cánh thực dân và đám giáo sĩ Pháp.

Cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam từ năm 1885 đến năm 1891, dù có Hàm Nghi đứng đầu hay là khi không còn có Hàm Nghi nữa, đã mở mắt bọn thực dân rằng đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một.

Viên kinh lược Bắc Kỳ báo cáo tình hình năm 1891 với chính phủ Pháp rằng, sở dĩ nhân dân nổi lên mà không đàn áp nổi là vì:

“Xét đến cội rễ, tôi thấy quan Nam đã chẳng có binh lính trong tay mà cũng không có uy tín, quyền hành gì; cho nên kẻ cướp, kẻ phiến loạn không sợ và nổi lên làm chủ các nơi”.
_____________________________
1. Lanessan, La colonisation Française de l’IC, tr.25, 26.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 08:20:31 am »


Từ 1885 đến 1891, Pháp có hàng vạn quân ở Bắc Kỳ, tổ chức không biết bao nhiêu cuộc hành quân, ấy thế mà, hầu hết miền ngược, Pháp chưa chiếm được; phần lớn đồng bằng trong tay nghĩa quân, chỉ có Nam Định, Ninh Bình là phong trào bị dập xuống. Nhân dân lại nổi lên, ảnh hưởng nhiều hay ít đến những phần tử phong kiến, quan lại, tổng lý đương chức: đám này phần chưa được Pháp tin dùng lắm, vừa sợ khởi nghĩa nên thường có thái độ "ấm ớ". Thực dân tàn sát nhân dân một cách dữ dội vô cùng, đốt phá vô số xóm làng.

"Những đạo quân cảnh binh mà tôi vừa nói trên làm những việc tàn bạo không tưởng tượng nổi. Tôi có thể kể lại chuyện ở một huyện gần Hà Nội: Riêng huyện đó, nội 15 ngày (trong khi đốt làng, giết dân hàng loạt, dùng lưỡi lê mà đâm nhau), những đạo cảnh binh ấy giết cả 75 người hội tề vì lẽ rằng những ông hội tề này không thể điểm chỉ hay không biết để chỉ dẫn coi quân khởi loạn đi ngõ nào"1.

Nói một cách khác hơn thì từ năm 1885 đến năm 1890, Pháp dùng chính sách vũ lực là chính, trong chính sách vũ lực đó thì dựa vào các đoàn quân lưu động trước hết. Đến năm 1891, thực dân Pháp, nhất là với tên toàn quyền La-nét-xăng, dùng một chính sách có mới hơn: cũng dùng vũ lực đàn áp, nhưng sự đàn áp đi đôi với chính trị, trong chính trị này thì chủ yếu là làm sao cho triều đình, kinh lược, các quan Nam hàng tỉnh và huyện cho đến tổng, lý, cộng tác với Pháp một cách tích cực và chặt chẽ hơn. Về hình thức thì La-nét-xăng "tử tế", "trọng vọng", "lễ phép" với các quan nam hơn trước. Hắn nói: "Hình thức là rất quan trọng đối với dân tộc An Nam. Đây là một dân tộc rất nho nhã, rất hay chữ”.

Bọn quan lại cộng tác với Pháp chẳng mong muốn gì hơn, không nội dung thì hình thức vậy. Hơn nữa, vào năm 1891, La-nét-xăng ra nghị định ngày 9 tháng 9 lập 4.000 lính cơ ở đồng bằng; theo nghị định này thì các đội lính cơ là trực tiếp dưới quyền sử dụng và chỉ huy của các quan lại Nam triều, mà các công sứ Pháp thì có quyền kiểm soát chặt chẽ cả lính cơ ấy và quan Nam triều; tổng đốc có lính cơ mà phủ huyện cũng có lính cơ do Pháp võ trang cho, tập luyện cho. Bọn quan Nam triều xem rằng, như thế là Pháp cho họ có quyền hành, quyền cầm quân đi đàn áp nhân dân khởi nghĩa theo lệnh của Pháp; chúng bằng lòng, và từ đó thì chúng càng tận tâm cộng tác với Pháp để nhấn chìm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu. Pháp kiểm tra rất ngặt nghèo các đội lính cơ ấy. Ví như ở một phủ tỉnh Vĩnh Yên, dân thừa sơ hở lấy mất mấy cây súng của lính cơ. Tên quan phủ phụ trách lính cơ đó liền bị tên quan kinh lược Hà Nội đến lập tòa án xét xử, xử bắn quan phủ vì tội để lính cơ làm mất vài cây súng. Vài vụ như thế xảy ra ở Vĩnh Yên, thì ngay tổng đốc Vĩnh Yên cũng bị tước chức trong 6 tháng. Làm như thế tức là Pháp đòi hỏi bọn quan Nam triều phải rất mực trung thành và tích cực đối phó với các cuộc khởi nghĩa của nhân dân. Tên kinh lược Bắc Kỳ đã chẳng thông tri đến các phủ huyện rằng: "Các quan phải thêu trên chéo áo chữ "cảnh giác" để dè chừng luôn"! Từ nay đám quan Nam triều này trở thành tay sai rất đắc lực của địch, cuộc kháng Pháp ở đồng bằng sẽ gay go hơn trước.

Chịu dưới quyền của Pháp, mà có quyền đàn áp và bóp nặn nhân dân, bọn quan Nam triều tích cực bắn giết, truy nã, bắt bớ, mà cũng tích cực thu thuế cho Pháp; năm 1891 địch thu 15 triệu, sang năm 1892, thu được tới 18 triệu rưỡi! Một vài người kháng chiến mệt mỏi lại thấy Pháp có phần giao một ít quyền hành cho quan Nam, nên ra đầu thú như Đốc Xuyết (vùng Đông Triều). Nhờ đám quan nam triều mà cuối năm 1891 đầu năm 1892, Pháp bắt mấy chục vạn dân, kể cả đàn bà trẻ con, đắp tới 350 cây số đường cái rộng 11 thước và 7 thước để tiện việc hành quân của chúng nó.
________________________________
1. Lanessan, La colonisation Française de l’IC, tr.30.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 08:21:06 am »


Từ 1889 trở đi thì thời cuộc kháng chiến ở trung châu và trung du Bắc Kỳ biến chuyển đại để như sau:

- Cho đến năm 1891, khởi nghĩa nổ ra đều khắp các tỉnh. Trong số các tỉnh đồng bằng thì Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Đông phong trào lên cao nhất, mà thấp nhất là Nam Định, Ninh Bình.

"Cái gì thống trị vùng đồng bằng vào đầu năm 1891, đó là quân khởi nghĩa"1.

Đến cuối năm 1891 trở đi, ở đồng bằng lực lượng khởi nghĩa quy tụ về hai trung tâm chính là Hưng Yên và Bắc Ninh.

- Vùng trung du thì mãi cho đến năm 1893, ở các tỉnh Sơn Tây, Vĩnh Yên, Bắc Giang, Quảng Yên, nghĩa quân vẫn còn đánh địch mạnh mẽ, dựa vào rừng núi Đông Triều, Tam Đảo, Ba Vì.

- Trung châu và trung du liên lạc mật thiết với vùng biên giới, với Tôn Thất Thuyết để có khí giới đạn dược. Phần lớn các vụ mà sử cũ nói rằng "giặc cướp trâu bò, lúa thóc", đó là nhân dân đóng góp của cải để đem qua bên kia biên giới mà đổi lấy vũ khí. Tuy nhiên, ở vùng núi Đông Triều vẫn có nhiều thổ phỉ, phần lớn thuộc tàn dư của quân đội nhà Thanh, vừa đánh Pháp, vừa cướp phá nhân dân nữa.

Trong sự đàn áp các cuộc khởi nghĩa nhân dân ở đồng bằng trong thời kỳ này thì Pháp dùng nhiều lực lượng lính cơ của bọn tổng đốc và phủ huyện, còn trên vùng trung du thì chủ yếu là chúng dùng lực lượng quân Pháp với một số ngụy quân không nhỏ; với loại lính mã tà do Pháp làm nòng cốt và trực tiếp chỉ huy (cứ hai lính mã tà thì có một lính Pháp, hoặc có một lính Pháp để chỉ huy một đội mã tà). Địch đóng nhiều đồn bốt trên vùng giáp ranh của trung du và miền ngược để ngăn trở mọi cuộc vận tải khí giới và để ngăn trở các cuộc tấn công của nghĩa quân từ rừng núi về đồng bằng; từ năm 1895 trở đi chúng sẽ lập cái hàng rào ấy trên biên giới Hoa - Việt.

Từ năm 1894 về sau, trừ Bãi Sậy và Yên Thế ra thì cuộc kháng Pháp dời lên mạn ngược, ở đó người Kinh và người thiểu số cùng nhau chống giặc.
___________________________________
1. Lanessan, La colonisation Française de l’IC, tr.38.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 09:23:19 pm »


Câu hỏi 3: Nội dung chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi như thế nào?
Trả lời:


Hòa ước Giáp Thân năm 1884 mở đầu một giai đoạn rối loạn cho triều đình Huế. Sau khi vua Hiệp Hòa bị lật đổ rồi bị giết chết, Kiến Phúc lên thay nhưng chỉ hơn sáu tháng lại chết. Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa Ưng Lịch, mới 13 tuổi lên làm vua, tức là vua Hàm Nghi.

Mâu thuẫn ngoại giao giữa triều đình Huế và phía Pháp nổ ra khi toàn quyền Cuốc-xy đòi làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi và đòi phải được cùng đoàn tùy tùng đi qua cổng chính là cổng chỉ dành riêng cho các vua Nguyễn (7-1885). Triều đình Huế không chấp nhận và cho quân tấn công vào tòa Khâm sứ, trại lính Pháp ở Huế. Cuộc tấn công thất bại. Vua Hàm Nghi phải xuất bôn. Tôn Thất Thuyết đưa vua ra Quảng Trị rồi đến Nghệ An và đóng bản doanh tại đấy. Từ bản doanh, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi nhân dân khắp nơi nổi lên chống Pháp. Thực dân Pháp đưa quân đi càn quét núi rừng Quảng Bình, Nghệ An hòng bắt vua cho được. Đồng thời, tại Huế, thực dân Pháp đưa Đồng Khánh lên làm vua. Đồng Khánh phải thân hành sang Khâm sứ Pháp để làm lễ thụ phong.

Đến tháng 11 năm 1886 quân Pháp mua chuộc được Trương Quang Ngọc, chỉ đạo đội quân người Mường có nhiệm vụ bảo vệ vua Hàm Nghi. Trương Quang Ngọc bắt vua dâng cho Pháp. Vua bị thực dân Pháp bắt đi đày ở An-giê-ri.

Cuộc khởi nghĩa ở Yên Thế nổ ra cũng hưởng ứng theo chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.

Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi được sự hưởng ứng mạnh mẽ khắp nơi, nhất là trong giới sĩ phu và ngay cả sau khi vua đã bị bắt đi đày rồi.

Dụ:

"Từ xưa, kế sách chống giặc không ngoài ba điều: đánh, giữ, hòa. Đánh thì chưa có cơ hội; giữ thì khó định hẹn được sức; hòa thì họ đòi hỏi không biết chán. Đang lúc sự thế thiên vạn nan như vậy, bất đắc dĩ phải dùng quyền. Thái Dương ra đời ở đất Kỳ, Huyền Tông sang chơi đất Thục, người xưa cũng đều đã có làm.

Nước ta gần đây ngẫu nhiên gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào không nghĩ đến tự cường tự trị. Kẻ phái của Tây ngang bức, hiện tình mỗi ngày một quá thêm. Hôm trước chúng tăng thêm binh thuyền đến, buộc theo những điều mình không thể nào làm được; ta chiếu lệ thường khoản tiếp, chúng không chịu nhận một thứ gì. Người kinh đô nào sợ nguy ngay trong chốc lát. Kẻ đại thần mưu quốc, chỉ lo nghĩ đến kế yên xã tắc; trong triều đình, đắn đo về hai điều: cúi đầu tuân mạng, ngồi để mất cơ hội, sao bằng nhìn thấy chỗ âm mưu biến động của địch mà đối phó trước? Vì bằng việc xảy ra không thể tránh, thì cũng còn có cái việc ngày nay để mưu tốt cái lợi sau này, ấy là do thời thế xui nên vậy. Phàm những người đã được cùng dự chia mối lo này, tưởng cũng đã dư biết. Biết thì phải tham gia công việc, nghiến răng dựng tóc, thề giết hết giặc, nào ai là không có cái lòng như thế? Cũng há không có người nào gối gươm đánh dầm, cướp giáo lăn chum ư? Vả lại nhân thần đứng ở triều, chỉ có theo nghĩa mà thôi; nghĩa đã ở đâu là sống chết ở đấy. Hồ Yển, Triệu Thôi nước Tấn; Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật nhà Đường là người thế nào đời xưa vậy?

Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này không thể hết sức giữ được, để đô thành bị hãm, xe giá phải dời xa, tội ở mình trẫm cả, thật là xấu hổ vô cùng. Nhưng chỉ có luân thường quan hệ với nhau, bách quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, tất không bỏ trẫm: kẻ trí hiến mưu, người dũng hiến sức, giàu có bỏ của ra giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ gian hiểm, như thế là phải. Cứu nguy chống đổ, mở chỗ truân chiên, giúp nơi khiển bách, đều không tiếc gì tâm lực, ngõ hầu lòng người giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại bờ cõi. Ấy cái cơ hội này, phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghĩ với nhau, há chẳng tốt lắm ư? Bằng cái tâm sợ chết nặng hơn lòng thương vua, nghĩ lo cho nhà hơn là lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ trốn lẩn, người dân không biết trọng nghĩa cứu cấp việc công, kẻ sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào nơi tối, ví không phải sống thừa ở trên đời, thì áo mũ mà làm ngựa trâu, ai nỡ làm thế?

Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng, triều đình sẽ có điển hình hẳn hoi, chớ để sau này phải hối! Phải nghiêm sợ mà tuân theo! Khâm thử!"


Hàm Nghi nguyên niên, tháng 6, ngày mồng 2.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 09:24:20 pm »


Câu hỏi 4: Các chính sách bóc lột của tổng sứ Pôn-be (Paul Bert) đối với miền Bắc và Trung Kỳ Việt Nam trong thời kỳ này?
Trả lời:


Tình hình nước Pháp cũng chưa thật ổn định. Dư luận nước Pháp nói chung chưa phải hoàn toàn tán thành việc đem quân sang chiếm Bắc Kỳ. Bầu cử nghị viện xong, chính phủ Pháp tranh thủ đề nghị thông qua ngân sách năm 1886 về vấn đề Bắc Kỳ. Sau bốn ngày tranh cãi quyết liệt, cuối cùng trong phiên họp ngày 24 tháng 12 năm 1885 ngân sách chi tiêu cho Bắc Kỳ là 75 triệu phờ-răng được chính phủ chấp nhận. Từ nay có thể nói là chính sách của tư bản Pháp đối với Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã vô cùng dứt khoát.

Sau đó nội các Phơ-rây-xi-nê (Freycinet) lên cầm quyền từ cuối tháng 12 năm 1885 cũng vẫn không đi chệch con đường do tư bản tài chính Pháp đã vạch ra là kiên quyết theo đuổi sự nghiệp thôn tính thuộc địa đến cùng. Nhưng rút kinh nghiệm thất bại của chính sách võ biền trắng trợn trước đó, chính phủ Pa-ri triệt hồi Cuốc-xy về, và ngày 31 tháng 1 năm 1886 cử Pôn-be sang làm tổng sứ với nhiệm vụ tổ chức nền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ trên một cơ sở mới vững chắc và lâu dài.

Pôn-be là một tín đồ trung thành của chính sách thuộc địa. Cùng với bè lũ Găm-bét-ta (Gambetta), Phô-rơ (Faure), E-chiên (Eugène Etienne), y là một trong những nhà chính trị tư sản có đóng góp phần quan yếu vào việc phát triển chính sách xâm lược thuộc địa của nước Pháp hồi đó.

"Người Pháp không hề có ý muốn cướp đoạt... Các chức vụ công sẽ giao lại cho những người xứng đáng nhất trong người bản xứ để tưởng lệ kiến thức và công lao. Sẽ không có gì thay đổi trong tập quán và lễ nghi. Phong tục sẽ được tôn trọng. Các người sẽ vẫn tiếp tục sống dưới các luật lệ cũ. Chế độ làng xã sẽ không thay đổi. Các người tự lựa chọn lấy các lý hương. Tôi tin tưởng vào sự giúp rập trung thành của các người để cho xứ Bắc Kỳ phồn vinh và lớn mạnh mãi mãi dưới sự bảo hộ vĩnh viễn của nước Pháp”.

Để cụ thể hóa những lời tuyên bố đường mật và xảo trá trên, trong suốt thời gian cầm quyền, y tổ chức ra một hội đồng tư vấn gồm 40 thân sĩ và một Viện Hàn lâm gồm 40 vị khoa bảng có nhiệm vụ nghiên cứu văn chương Việt Nam, bảo tồn di tích văn hóa và lịch sử, tổ chức thư viện, phiên dịch các sách, truyền bá kiến thức Tây phương; y lại còn đặt cơ sở cho việc thiết lập một nền giáo dục Pháp - Việt, kết hợp những yếu tố lạc hậu của giáo dục phong kiến lỗi thời với các trí thức sơ đẳng và vụ lợi của giáo dục đế quốc chủ nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 09:24:45 pm »


Nhưng mặc các thủ đoạn đen tối đó, phong trào kháng Pháp của nhân dân Trung Kỳ, Bắc Kỳ không hề suy giảm, ngược lại ngày một lan rộng. Không nói tới các vùng dưới quyền kiểm soát của nghĩa quân, ngay trong những vùng đã bị thực dân thôn tính, tình hình cũng không lấy gì làm khả quan cho chúng.

Trong những điều kiện khó khăn đó, chính quyền thực dân cần chi tiêu rất nhiều. Nhưng sự đài thọ của chính phủ Pháp chỉ có hạn. Pôn-be buộc phải tìm mọi cách kiếm tiền. Trước tiên, rút kinh nghiệm của thực dân trong Nam Kỳ, y cho đấu thầu việc bán thuốc phiện. Nhưng vì tình hình ngày càng nghiêm trọng nên không ai dám đứng nhận. Y bèn trâng tráo ra nghị định thiết lập sòng bạc công khai ở Bắc Kỳ và cho một Hoa kiều lĩnh trưng nội thuế năm 1886 là 60 vạn, năm 1887 là 80 vạn phờ-răng.

Nếu kể cả số tiền lời rất lớn của bọn chủ thầu lớn nhỏ, người dân Bắc Kỳ từ nay phải nai lưng đóng một loại thuế gián tiếp mới, tức thuế cờ bạc. Cách làm tiền bỉ ổi này đã gây một luồng bất bình rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân vì nó đã xúc phạm đến một truyền thống tốt đẹp xưa nay trong xã hội Việt Nam là nghiêm cấm nạn cờ bạc.

Ở Trung Kỳ trong giai đoạn này, thực dân Pháp cũng cố vận động với triều đình Huế để mở sòng bạc nhưng không được. Bên cạnh đó, cố nhiên các loại thuế má khác đều được đồng loạt tăng lên. Khuyến khích việc chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, Pôn-be củng cố quyền sở hữu ruộng đất bằng cách hợp pháp hóa các chứng khoán văn tự, về bất động sản thực dân đã chiếm đoạt, hay quy định cụ thể các điều kiện trưng thu.

Để đẩy mạnh công thương nghiệp trong xứ đặng có thể thu nhiều thuế, đồng thời cũng để giới thiệu tài nguyên của thuộc địa với giới tư bản Pháp, Pôn-be đã lập ra tổ chức ủy ban công thương nghiệp Bắc, Trung Kỳ có nhiệm vụ tiến hành điều tra nghiên cứu có kế hoạch các sản phẩm của thuộc địa và tổ chức triển lãm. Thêm vào đó là việc thành lâp các phòng thương mại, các ngân hàng chiết khấu.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM