Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 10:24:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Pháo binh  (Đọc 25299 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #40 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:27:29 pm »


NHỮNG TRẬN ĐÁNH HAY CỦA PHÁO BINH TRONG ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

        Nhân kỷ niệm ngày toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhìn lại những hoạt động chiến đấu, xây dựng của bộ đội pháo binh thực sự là một kỳ tích, một trang sử vẻ vang về truyền thống pháo binh nhân dân Việt Nam. Nhân dịp này cũng xin được nói thêm về một vài suy nghĩ trong công tác chuẩn bị lực lượng mang tính chiến lược của Binh chủng Pháo binh cho "Đại thắng mùa Xuân 1975" và một số trận đánh hay của pháo binh qua những ngày tháng lịch sử ấy.

        Từ sau chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và chiến thắng của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, vai trò hỏa lực pháo binh trong tác chiến hiệp đồng quy mô lớn đã được xác định là "Hỏa lực chủ yếu". Nói đến vai trò hỏa lực chủ yếu, ngoài hỏa lực pháo mang vác phải kể đến vị trí của pháo binh xe kéo nhất là pháo xe kéo có tầm bắn xa uy lực đạn lớn; cũng có thể nói: "Quy mô tác chiến hiệp đồng binh chủng ngày càng lớn thì yêu cầu và quy mô sử dụng pháo binh sẽ tăng lên, ngược lại số lượng pháo binh tham gia chiến dịch ngày càng nhiều, cỡ nòng pháo lớn hơn thì chất lượng chiến dịch nhất định cũng cao hơn". Với quan điểm ấy, theo chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, ngay từ những tháng đầu năm 1973 bộ đội pháo binh một mặt luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm của địch, đồng thời cũng phải ra sức chuẩn bị xây dựng mọi mặt về tổ chức lực lượng, trang bị lại cho các đơn vị Pháo binh ở cả hai miền theo hướng kiện toàn, khôi phục và mở rộng các trung  - lữ đoàn pháo binh xe kéo, gấp rút điều chỉnh bổ sung xe pháo khí tài đạn cho các đơn vị pháo binh ở các chiến trường miền Nam nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới là chuẩn bị đánh lớn để thắng lớn.

        Các quân đoàn dự bị chiến lược của Bộ được trang bị tương đối hiện đại, có đầy đủ các binh chủng kỹ thuật bảo đảm, có sức đột kích lớn, có hỏa lực mạnh, có khả năng cơ động cao, sẵn sàng độc lập hoàn thành những nhiệm vụ tác chiến trên từng hướng chiến lược lần lượt được hình thành:

        - Ngày 24 tháng 10 năm 1973, Quân đoàn 1 được thành lập với tên gọi Binh đoàn Quyết thắng có Lữ đoàn Pháo binh 45 - một đơn vị pháo binh anh hùng có độ dày truyền thống chiến đấu từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; các sư đoàn 308, 312, 320B đều có trung đoàn pháo xe kéo mang phiên hiệu 54, 58 và 186, mỗi trung đoàn đều trang bị hai tiểu đoàn lựu pháo 122 ly và một tiểu đoàn pháo nòng dài 85 ly.

        - Ngày 17 tháng 5 năm 1974, Quân đoàn 2 được thành lập với tên gọi Binh đoàn Hương Giang có Lữ đoàn pháo binh 164 một đơn vị có nhiều thành tích chiến đấu trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ gồm bốn tiểu đoàn pháo 130 ly và Đ74; các sư đoàn 304, 324, 325 đều có trung đoàn pháo xe kéo 68, 84, 178 được biên chế đủ mỗi trung đoàn ba tiểu đoàn pháo xe kéo.

        - Ngày 20 tháng 7 năm 1974, Quân đoàn 4 được thành lập với tên gọi Binh đoàn Cửu Long có Lữ đoàn pháo binh xe kéo 24, một đơn vị chủ lực của Bộ chỉ huy Miền đã dày dạn chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ biên chế bốn tiểu đoàn pháo xe kéo cỡ lớn còn ở ba sư đoàn của quân đoàn cũng khôi phục ba trung đoàn pháo xe kéo mang phiên hiệu 42, 28 và 210.

        - Mặt trận Tây Nguyên vốn là "B3" đảm nhiệm một địa bàn chiến lược của chiến trường Việt Nam được tổ chức hai trung đoàn pháo 675 và 40 trang bị pháo lớn có tầm bắn xa; ở ba sư đoàn 320A, 316 và 10 cũng đều khôi phục xây dựng trung đoàn pháo xe kéo, nhưng có trung đoàn mới biên chế hai tiểu đoàn.

        - Ở các quân khu miền Nam cũng xây dựng thành các trung đoàn pháo xe kéo như Quân khu Trị - Thiên có Trung đoàn 16 trang bị hỗn hợp pháo 130, 152, 100 và 85 ly; Quân khu 5 có hai trung đoàn 572 và 576; tại Mặt trận B2 kiện toàn Đoàn Pháo binh 75 cả về tổ chức và trang bị; Quân khu 9 xây dựng Trung đoàn 6 pháo binh có cả pháo xe kéo và pháo mang vác. Các sư đoàn bộ binh độc lập thuộc Quân khu 5, miền Đông Nam Bộ cũng xây dựng trung đoàn pháo trang bị hỗn hợp cả pháo xe kéo và pháo mang vác v.v...

        Đây là bước nhảy vọt về chất trong tổ chức phát triển lực lượng của Binh chủng Pháo binh, chỉ trong thời gian chưa đầy hai năm 1973 - 1974, chúng ta đã xây dựng xong sáu lữ đoàn và 26 trung đoàn pháo xe kéo có thể sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu từ tháng 12 năm 1974.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #41 vào lúc: 16 Tháng Hai, 2017, 10:29:14 pm »


        Song song với việc xây dựng lực lượng, trong hai năm 1973 - 1974, ở từng chiến trường đã khẩn trương mở rộng và xây dựng các tuyến đường mới để nối tiếp từ đường chiến lược Trường Sơn tới từng chiến trường bảo đảm cho tất cả các loại xe kéo pháo hạng nặng có thể cơ động thuận lợi, có chiến trường mạng đường sá đã vươn dài sát đường số 1, đường 14 v.v...; có đơn vị pháo binh dựa vào nhiệm vụ tác chiến cũng xây dựng một số trận địa pháo xe kéo cho pháo 130 ly, Đ74 được lót một số đạn chỉ chờ lệnh là có thể đưa pháo vào chiếm lĩnh bắn tới các mục tiêu hiểm yếu trong các thành phố, sân bay, hải cảng v.v...

        Tóm lại công tác xây dựng phát triển, khôi phục lực lượng pháo binh xe kéo cùng với việc xây dựng mới hệ thống đường sá cho pháo binh cơ động, việc tổ chức mạng đo đạc pháo binh, tổ chức trinh sát nắm địch trên khắp các chiến trường miền Nam là những nhân tố rất quan trọng bảo đảm cho pháo binh có thể phát huy mạnh mẽ vai trò hỏa lực chủ yếu của mình theo yêu cầu tác chiến hiệp đồng quy mô lớn của quân đội ta trong các chiến dịch mang tính quyết chiến chiến lược cuối cùng.

        Vào mùa Xuân 1975, ngay từ tháng 1 năm 1975, quyết tâm của Bộ Chính trị là: "... Động viên mọi nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền trong thời gian hai năm 1975 - 1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao làm thay đổi cục diện chiến trường miền Nam, tạo mọi điều kiện để tiến hành tổng công kích - tổng khởi nghĩa, đánh đổ ngụy quyền giành chính quyền về tay nhân dân...". Thực hiện ý định ấy của Đảng, theo lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ đầu tháng 3 năm 1975, Mặt trận Tây Nguyên vinh dự nổ phát súng đầu tiên bằng trận tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột, thừa thắng quân ta mở chiến dịch tiến công giải phóng Thừa Thiên - Huế, kế tiếp là chiến dịch tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng và cuối cùng là Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đại thắng. Như vậy không phải là hai năm mà chỉ có hai tháng; qua 55 ngày đêm vừa tiến công vừa nổi dậy, bộ đội pháo binh đã cùng quân và dân miền Nam phát huy sức mạnh hỏa lực của mình bằng nhiều cách đánh hay cả trong đánh hiệp đồng và đánh độc lập, luôn luôn nắm vững thời cơ, nổ súng kịp thời, bắn trúng, hoàn thành mọi nhiệm vụ và yêu cầu của người chỉ huy chiến dịch, người chỉ huy binh chủng hợp thành.

        * Trong tác chiến hiệp đồng

        Nổi bật trong đánh hiệp đồng cần nhắc lại trong chiến dịch tiến công Tây Nguyên, một chiến dịch mà việc sử dụng pháo có bài bản vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo, linh hoạt. Tây Nguyên là một địa bàn có vị trí chiến lược đối với Việt Nam và toàn Đông Dương, ở đó quân địch có sư đoàn bộ binh 23, 7 liên đoàn biệt động, 36 tiểu đoàn bảo an, 4 thiết đoàn gồm khoảng 400 xe tăng, xe bọc thép; về pháo có 8 tiểu đoàn, 7 pháo đội, 25 trung đội với 230 khẩu pháo các loại, riêng ở Buôn Ma Thuột có 7 trận địa pháo 105 - 155 ly với 32 khẩu. Quân ta tham gia chiến dịch có ba sư đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng, hai trung đoàn cao xạ. Ngày 17 tháng 2 năm 1975, trong Hội nghị cán bộ quân chính, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch phổ biến quyết tâm tác chiến: "...Tập trung lực lượng chủ yếu của chiến dịch vào khu vực Buôn Ma Thuột, mục tiêu then chốt là đánh chiếm Buôn Ma Thuột sau đó phát triển thắng lợi tiêu diệt địch giải phóng Cheo Reo - Gia Nghĩa và các quận lỵ chi khu trong ba tỉnh Tây Nguyên; trọng điểm vẫn là tỉnh Đăk Lăk. Cách đánh của chiến dịch là cắt đường số 14, 19, 21 ngăn chặn địch ứng cứu... Riêng trận tiến công then chốt Buôn Ma Thuột sẽ tiến công bằng hiệp đồng binh chủng quy mô tương đối lớn với binh - hỏa - lực tập trung ưu thế, đánh từ nhiều hướng có xe tăng, pháo xe kéo đi cùng bí mật thọc sâu chia cắt đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột chiếm các mục tiêu hiểm yếu...".

        Nhiệm vụ của pháo binh trong chiến dịch là tập trung vào hai nhiệm vụ chủ yếu:

        - Tập trung pháo đạn chi viện bộ binh, xe tăng đánh trận then chốt Buôn Ma Thuột.

        - Tổ chức kiềm, diệt các trận địa pháo địch, không để chúng gây trở ngại đến hành động chiến đấu của ta.

        Lực lượng pháo binh tham gia chiến dịch, có năm trung đoàn pháo xe kéo (trong đó có hai trung đoàn pháo của Mặt trận) với 478 khẩu pháo cối (có 94 khẩu pháo xe kéo và 35 khẩu pháo mang vác cỡ lớn). Riêng trong trận tiến công then chốt Buôn Ma Thuột, ta tập trung ba trung đoàn pháo xe kéo với 60 khẩu pháo (quân địch có 32 khẩu), hai trung đoàn 675 và 40 là hai cụm pháo chiến dịch, Trung đoàn pháo xe kéo 187 là cụm pháo sư đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #42 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 05:59:18 am »


        Từ ngày 7 tháng 3 năm 1975, ta bắt đầu tiến công cứ điểm Chư Xê và đánh chiếm quận lỵ Thuẫn Mẫn để cắt đường 14; ngày 10 tháng 3 năm 1975, trận tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột mới chính thức bắt đầu, kế tiếp là đánh địch phản kích bằng đường không, đường bộ chiếm lại Buôn Ma Thuột rồi hợp vây tiêu diệt toàn bộ quân địch đồn trú thuộc ba tỉnh Tây Nguyên rút chạy. Qua trên 10 ngày đêm của chiến dịch, cách đánh của pháo binh nổi lên ba đòn hỏa lực được sử dụng tập trung và hiệu quả chi viện đắc lực cho ba sư đoàn bộ binh và xe tăng tiêu diệt gọn từng trung đoàn bộ binh, liên đoàn biệt động, thiết đoàn ngụy.

        Đòn hỏa lực thứ nhất - Pháo binh sử dụng ưu thế pháo đạn chi viện bộ binh xe tăng thọc sâu đánh chiếm Buôn Ma Thuột.

        Đây là một đòn hỏa lực pháo binh được chuẩn bị khá chu đáo, đầy đủ và bài bản cho một trận tiến công quy mô tương đối lớn, dùng hỏa lực pháo bắn chuẩn bị, bảo đảm cho bộ binh xe tăng đi làm nhiều mũi dựa vào đường quân sự làm gấp do công binh mở, thọc sâu đánh chiếm ngay cùng một lúc những mục tiêu chủ yếu trong thị xã Buôn Ma Thuột. Theo kế hoạch giờ G là 6 giờ ngày 10 tháng 3 năm 1975, nhưng thời tiết xấu nên đến 7 giờ 10 phút pháo binh mới bắt đầu thực hành hỏa lực chuẩn bị với gần 5.000 viên đạn cỡ lớn cùng một lúc vào ba mục tiêu chủ yếu là sở chỉ huy sư 23 ngụy, sở chỉ huy tiểu khu Đăk Lăk, căn cứ liên hiệp quân sự và bảy trận địa pháo địch. Đạn trúng mục tiêu ngay loạt đạn đầu, diệt nhiều địch, gây cháy nổ làm tê liệt hoàn toàn các trận địa pháo địch... Khoảng trưa, bộ binh và xe tăng đã chạm địch ở các cứ điểm ngoại vi thành phố; đến 15 giờ quân ta đánh chiếm được sở chỉ huy tiểu khu quân sự Đăk Lăk, khu căn cứ liên hợp quân sự và một phần sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy, căn cứ này địch tổ chức phòng ngự khá kiên cố, quân ta phải tổ chức lại để tiến công. Lúc 6 giờ sáng ngày 11 tháng 3 năm 1975, sau đợt hỏa lực pháo bắn chuẩn bị lần thứ hai với mật độ đạn lớn, kết hợp với pháo bắn thẳng của 85 ly, xe tăng và hỏa lực pháo mang vác; đến 9 giờ ta làm chủ sở chỉ huy sư 23 ngụy và tới 11 giờ cùng ngày quân ta cùng nhân dân đã làm chủ hoàn toàn Buôn Ma Thuột.

        Đòn hỏa lực thứ hai - Pháo binh cơ động trận địa, cơ động hỏa lực bám sát hành động của địch, bắn kịp thời chi viện đắc lực bộ binh xe tăng đập tan các cánh quân phản kích của địch để chiếm lại Buôn Ma Thuột.

        Đây là một giai đoạn hỏa lực pháo binh được thực hiện với nhiều mục tiêu nằm ngoài kế hoạch, lại phải di chuyển trận địa; nhưng do có dự kiến từ trước và tổ chức được nhiều đài quan sát luồn sâu, bám sát đội hình chiến đấu của hai Sư đoàn bộ binh 316 và 10, nên ngày 12 tháng 3 năm 1975 khi trung đoàn 45 ngụy đổ bộ bằng trực thăng xuống cao điểm 581 để cùng trung đoàn 53, liên đoàn biệt động 21 ngụy tổ chức phản kích thì lập tức bị hỏa lực các cụm pháo chiến dịch bắn trúng, bắn mạnh chia cắt đội hình của chúng, tạo điều kiện cho bộ binh xe tăng liên tiếp trong những ngày 13 đến 15 tháng 3 tiêu diệt từng trung đoàn địch, đánh chiếm căn cứ trung đoàn 53 ngụy; số địch còn lại phải rút chạy về Phước An. Trung đoàn bộ binh 24 đã dùng xe cơ giới truy kích có xe tăng tăng cường và được cụm pháo 675 trực tiếp chi viện. Sáng 16 tháng 3 năm 1975, sau đợt tập kích hỏa lực pháo Đ74 của cụm pháo 675, các mũi bộ binh xe tăng Trung đoàn 24 của ta đã đánh chiếm quận lỵ Phước An, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thừa thắng quân ta đánh chiếm quận lỵ Chư Pa tiêu diệt tàn quân của sư đoàn 23 ngụy và đập tan toàn bộ kế hoạch phản kích của địch vào Buôn Ma Thuột.

        Đòn hỏa lực thứ 3 - pháo binh vừa cơ động vừa chuẩn bị chi viện Sư đoàn 320A hợp vây tiêu diệt toàn bộ quân địch thuộc ba tỉnh Tây Nguyên tháo chạy.

        Từ chiều 16 tháng 3, ta đã phát hiện quân địch từ hai tỉnh Kon Tum, Plây Cu bắt đầu rút theo đường 7 qua Cheo Reo về đồng bằng. Bộ chỉ huy Mặt trận lệnh cho Sư đoàn 320A có Trung đoàn 95 làm dự bị được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng và cụm pháo binh 675 bám chặt và tiêu diệt gọn toàn bộ quân địch rút chạy khỏi Tây Nguyên. Kế hoạch tác chiến của Sư đoàn 320A như sau:

        - Trung đoàn 66 dùng xe ô tô cơ động được tăng cường hai khẩu 105 ly, hai khẩu 85 ly có nhiệm vụ chia cắt đội hình địch trên đường 7.

        - Trung đoàn 64 làm nhiệm vụ luồn sâu đánh chiếm một đoạn đường 7 phía Đông Nam thị xã Cheo Reo chặn đầu cuộc hành quân rút chạy của địch.

        - Trung đoàn 48 đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu được tăng cường trung đoàn pháo của sư đoàn.

        - Trung đoàn pháo 675 là cụm pháo của sư đoàn nhanh chóng cơ động chiếm lĩnh trận địa bắn ngay vào Cheo Reo.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #43 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 06:01:52 am »


        Lúc 16 giờ ngày 17 tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn đi đầu của Trung đoàn 64 đã chạm địch trên đường số 7, tiêu diệt đoàn xe tám chiếc và làm chủ đường số 7, phía Đông Nam Cheo Reo 4 - 5 ki-lô-mét cùng ngày 17 tháng 3; sau khi bộ binh đánh chiếm Chư Pa mở đường cho pháo xe kéo cơ động và chiếm lĩnh trận địa, đến 11 giờ 30 phút ngày 18 tháng 3, pháo Đ74 đã bắt đầu rót đạn vào các mục tiêu trong thị xã Cheo Reo gây cho địch hoang mang rối loạn; 18 giờ 30 phút quân ta đã chiếm sân bay Cheo Reo; cụm pháo của Trung đoàn 48 bắt đầu phát huy hỏa lực, pháo 85 cùng xe tăng tiêu diệt các ổ đề kháng của địch, chi viện cho bộ binh liên tiếp đánh chiếm trại Ngô Quyền, ty cảnh sát, tiểu khu quân sự. Đến sáng 19 tháng 3, quân ta làm chủ hoàn toàn Cheo Reo, bắt gọn sáu liên đoàn biệt động, ba thiết đoàn xe tăng, sáu tiểu đoàn pháo 155 ly và 105 ly; ba tỉnh Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng.

        Đây là một trận tác chiến hiệp đồng quy mô lớn diễn ra có nhiều biến động ngoài kế hoạch trên một chính diện rộng, tung thâm sâu, địa hình rừng núi, đường sá ít; nhưng do có sự chuẩn bị chu đáo, xây dựng lực lượng pháo đủ cho các cấp trước chiến dịch nên pháo binh đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh hỏa lực của mình. Trong tổ chức các cụm pháo rất linh hoạt như cụm pháo chiến dịch trong hai đòn hỏa lực 1 và 2, Bộ chỉ huy luôn nắm quyền sử dụng; đến khi quân địch rút chạy, Bộ chỉ huy đã nhanh chóng chuyển thuộc tất cả cho các sư đoàn sử dụng, do đó việc hiệp đồng tác chiến bộ - pháo được kịp thời và hiệu quả. Về cách bắn luôn coi trọng lối bắn trực tiếp của pháo xe kéo đi cùng bộ binh xe tăng trong chiến đấu tiến công, đây cũng là truyền thống đẹp sử dụng pháo xe kéo của Mặt trận Tây Nguyên.

        * Trong cách đánh độc lập

        Đánh độc lập của pháo binh trong Đại thắng 1975 cũng thể hiện một lối đánh độc đáo, nhất là việc sử dụng pháo nòng dài 130 ly và Đ74 đánh vào các mục tiêu trong tung thâm sâu của từng chiến dịch, hình thành một mũi tiến công mới bằng hỏa lực pháo binh nhằm bao vây chặn đứng từng mảng quân địch rút chạy, tạo điều kiện cho bộ binh xe tăng có đủ thời gian vận động tới tiêu diệt, hoặc làm nhiệm vụ đánh phá các sân bay chiến lược, các trung tâm đầu não ngụy quân ngụy quyền. Trong Đại thắng mùa Xuân 1975 có những trận đánh độc lập không những đã hoàn thành sứ mạng nhiệm vụ của chiến dịch, mà còn làm tròn nhiệm vụ mang ý nghĩa chiến lược góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình tan rã và sụp đổ của những tập đoàn chiến lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các mũi tiến công của các binh đoàn bộ binh, xe tăng nhanh chóng giành toàn thắng cả về chiến dịch và chiến lược.

        Xin kể một số trận đánh hay:

        • Pháo 130 ly và Đ74 khóa cửa Thuận An, cửa Tư Hiền trong chiến dịch tiến công giải phóng Thừa Thiên - Huế.

        Trước thắng lợi to lớn ở chiến trường Tây Nguyên, ngày 20 tháng 3 năm 1975, Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 mở chiến dịch tiến công Thừa Thiên - Huế nhằm tiêu diệt sư đoàn 1 ngụy, giải phóng cố đô Huế. Theo kế hoạch, ngày 22 tháng 3 năm 1975 Sư đoàn 325 đã đánh chiếm Phú Lộc cắt quốc lộ 1 với Đà Nẵng, các hướng Tây và Bắc Thừa Thiên cũng tiến công mạnh, quân địch chuẩn bị rút chạy theo đường biển qua cửa Thuận An, cửa Tư Hiền. Quân khu Trị - Thiên lập tức hạ lệnh cho Đại đội 3 pháo 130 ly của Trung đoàn 16 bắn ngay vào quân địch ở cửa Thuận An, cảng Tân Mỹ. Đại đội 3 trang bị hai khẩu 130 ly bí mật bố trí trận địa ở Phong Sơn sát đường 1 đã lót đủ đạn, ngày 22 tháng 3 khi được lệnh, đại đội đã kịp thời nổ súng từ trưa ngày 22 tháng 3 năm 1975 vào cửa Thuận An. Trước sức tiến công mạnh của ta từ ba hướng Bắc, Tây, Nam vào thành phố Huế, quân địch bắt đầu chạy khỏi Huế, Trung đoàn 164 được lệnh điều thêm pháo 130 ly và Đ74 ra bố trí ở La Sơn, Sơn Quả cùng Đại đội 3 ở Phong Sơn, từ hai khẩu ban đầu lên 18 khẩu từ ngày 23 tháng 3 ta bắn mạnh khóa chặt đường rút chạy bằng tàu biển của địch, tạo điều kiện cho bộ binh xe tăng ngày 25 tháng 3 đánh chiếm cố đô Huế và hợp vây ở cửa Thuận An, cửa Tư Hiền bắt sống toàn bộ quân địch ở Thừa Thiên - Huế. Lượng tiêu thụ đạn bắn vào cửa Thuận An và cửa Tư Hiền như sau:

        Ngày 22 tháng 3 năm 1975 bắn 36 viên.

        Ngày 23 tháng 3 năm 1975 bắn 800 viên.

        Ngày 24 tháng 3 năm 1975 bắn trên 1.000 viên.

        Ngày 25 tháng 3 năm 1975 bắn trên 1.000 viên.

        Với gần 3.000 viên đạn pháo 130 ly và Đ74, chúng ta đã tạo thành một lưới lửa chặn đứng các đoàn tàu địch tiếp cận đón quân địch, tạo điều kiện chiến dịch tiến công giải phóng Thừa Thiên - Huế thắng lợi giòn giã, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ mấy vạn quân địch cùng tất cả các trang bị kỹ thuật hiện đại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #44 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 07:45:32 pm »


        • Pháo 130 ly và Đ74 bắn phá sân bay Đà Nẵng, cảng Đà Nẵng chặn đường rút chạy co cụm của toàn bộ quân địch ở khu liên hợp quân sự Đà Nẵng.

        Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Quân khu 5 và Quân đoàn 2 từ hai hướng Bắc - Nam mở chiến dịch tiến công giải phóng Đà Nẵng. Ngay từ đêm 25 tháng 3, các đơn vị pháo 130 ly và Đ74 của Lữ đoàn 164 Quân đoàn 2 đã cơ động chiếm lĩnh trận địa bắn ở Gia Bảy, Mũi Trâu, Động Đen, một trận địa đã được chuẩn bị từ cuối năm 1974, có công sự, có phần tử sẵn sàng bắn tới các mục tiêu trong khu liên hợp quân sự Đà Nẵng. Được nhân dân giúp đỡ, các đài quan sát đã bám sát các mục tiêu như sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy, sân bay Đà Nẵng, cảng Đà Nẵng v.v... Ngày 28 tháng 3 ở hướng Bắc, Sư đoàn 304, Sư đoàn 325 Quân đoàn 2 đã tiến công đánh chiếm một số căn cứ phía Bắc và Tây Đà Nẵng; ở cánh nam Sư đoàn 2 Quân khu 5 cũng đã tiến vào ngoại vi thành phố. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, chúng dựa vào hai đường hàng không và đường biển di tản. Sau khi đã nắm chắc địch và quan sát rõ mục tiêu, theo lệnh của Bộ chỉ huy chiến dịch đúng trưa 28 tháng 3, pháo 130 ly và Đ74 tập trung bắn phá sân bay Đà Nẵng và cảng Đà Nẵng. Sân bay trúng đạn, kho bom nổ, đường băng hỏng và đến chiều tối thì sân bay hoàn toàn bị tê liệt ngừng hoạt động; sau đó ta tập trung bắn vào cảng Đà Nẵng và bãi biển Mỹ Khê; một số tàu đổ bộ trúng đạn bốc cháy, pháo ta tiếp tục bắn phá suốt đêm 28-3 vào cảng, các sở chỉ huy địch tạo điều kiện thuận lợi cho các sư đoàn có xe tăng chi viện từ nhiều hướng tiến công, đến sáng 29 tháng 3 đã đột nhập vào thành phố và 15 giờ cùng ngày quân dân làm chủ hoàn toàn thành phố Đà Nẵng sau 32 giờ mở chiến dịch tiến công. Trong công lao to lớn của quân và dân ta tiến công đánh chiếm khu liên hợp quân sự Đà Nẵng bắt sống hàng chục vạn quân địch với đầy đủ trang bị vũ khí xe cộ, phải nói đến vai trò hỏa lực của pháo 130 ly và Đ74 đã cơ động nhanh, bố trí trận địa táo bạo sử dụng hỏa lực tập trung bắn kịp thời, khóa chặt hai cửa rút chạy của địch là đường không và đường biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các mũi tiến công hợp vây tiêu diệt quân địch.

        • Đại đội 26 pháo 130 ly miền Đông Nam Bộ bắn phá sân bay chiến lược Biên Hòa trước ngày mở Chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Để bảo đảm cho các cánh quân của ta tiến công trong hành tiến và thần tốc cơ động tham gia Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy chiến dịch đã giao nhiệm vụ cho Đoàn pháo binh 75 đưa pháo 130 ly vào chiếm lĩnh trận địa ở Hiếu Liêm (thủy điện Trị An hiện nay) để khống chế tiến tới khóa chặt sân bay Biên Hòa, một căn cứ không quân chiến lược của ngụy.

        Đại đội 26 trang bị pháo 130 ly là một trong những đơn vị từ miền Bắc bổ sung, vốn đã bám trụ chiến đấu ở Mặt trận Vĩnh Linh từ những năm 1967 - 1968 và tháng 1 năm 1975 khi vừa vào tới chiến trường miền Đông Nam Bộ đã vinh dự tham gia trận tiến công giải phóng thị xã Phước Long, nay lại nhận nhiệm vụ đánh phá sân bay Biên Hòa với yêu cầu đánh liên tục, bám trụ dài ngày mà thời gian chuẩn bị lại gấp. Lúc 19 giờ ngày 9 tháng 4 năm 1975, toàn đại đội xuất phát, hành quân trong ba đêm trên một con đường quân sự làm gấp dài 130 ki-lô-mét vừa đi vừa mở đường, đến 3 giờ sáng ngày 11 tháng 4 năm 1975 xe pháo tới trận địa. Đúng 17 giờ ngày 14 tháng 4 năm 1975, toàn đại đội bất ngờ bắn loạt đạn đầu tiên vào sân bay Biên Hòa, đạn trúng mục tiêu, quân địch rối loạn, nhưng để giữ bí mật trận địa, lúc đầu ta chỉ bắn ban đêm, địch có di chuyển một số máy bay A37 về Cần Thơ và máy bay F5E về Tân Sơn Nhất nhưng chúng vẫn tiếp tục dựa vào đường băng bay đi đánh phá đội hình chiến đấu quân ta. Mặc cho máy bay địch ném bom và pháo binh địch phản pháo, anh em vẫn kiên cường bám trụ và nghiên cứu cách đánh liên tục cả ngày lẫn đêm với phương pháp bắn bắn giám thị và sử dụng linh hoạt từ đơn pháo đến trung đội hoặc đại đội; từ ngày 17 tháng 4 đại đội chỉ bắn khi quan sát thấy máy bay chuẩn bị xuất kích. Qua thống kê số lần bắn từng ngày như sau:

        - Ngày 17 tháng 4, 5 lần bắn đạn tiêu thụ 30 viên.

        - Ngày 18 tháng 4, 7 lần bắn đạn tiêu thụ 20 viên.

        - Ngày 19 tháng 4, 10 lần bắn đạn tiêu thụ 48 viên.

        - Các ngày 20 - 25 mỗi ngày khoảng 7 - 8 lần bắn, mỗi ngày đạn tiêu thụ khoảng 30 viên.

        Kết quả những ngày bắn đã bắn hỏng một số máy bay, đặc biệt hồi 15 giờ 30 phút ngày 22 tháng 4, đạn trúng kho bom nổ cháy kéo dài đến sáng hôm sau, đêm 25 tháng 4 sân bay bị tê liệt hoàn toàn do đạn bắn trúng hỏng đường băng, địch đã di tản số máy bay còn lại về Tân Sơn Nhất. Chiến công của Đại đội 26 pháo 130 ly chiến đấu ròng rã 12 ngày đêm với 326 viên đạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khóa chặt sân bay chiến lược Biên Hòa. Ngày 26 tháng 4, sân bay Biên Hòa đóng cửa, cũng là ngày "N" của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #45 vào lúc: 17 Tháng Hai, 2017, 07:46:27 pm »


        • Tiểu đoàn 3 pháo 130 ly Lữ đoàn 164 đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Nhiệm vụ đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ chỉ huy chiến dịch cũng giao cho pháo binh đảm nhiệm. Cơ quan pháo binh chiến dịch giao cho nhiều đơn vị cùng đảm nhiệm, có cả pháo ĐKB tham gia nhưng để khống chế liên tục chỉ có pháo xe kéo. Pháo binh Quân đoàn 2 được vinh dự nhận nhiệm vụ đó bằng cách dựa vào thế tiến công theo hướng tác chiến của quân đoàn sau khi đánh chiếm quận lỵ Long Thành thì pháo vào Nhơn Trạch chiếm lĩnh trận địa. Tiểu đoàn 3 pháo 130 ly của Lữ đoàn được giao nhiệm vụ này sẽ hành quân theo đội hình tác chiến của Sư đoàn 325. Chiều 24 tháng 7 sư đoàn đã chiếm được quận lỵ Long Thành. Tiểu đoàn tiến lên vừa hành quân vừa chiến đấu với các ổ đề kháng còn sống sót dọc đường, lại phải chờ công binh bảo đảm phà vượt sông ở Phước Thiện nên đến đêm 28 tháng 4 mới tới Nhơn Trạch; khi đoàn xe pháo đến cách quận lỵ Nhơn Trạch 2 ki-lô-mét thì quân ta còn đang tiến công vào quận lỵ. Sau khi đối chiếu địa hình với bản đồ nếu đặt pháo tại đây cũng bắn tới Tân Sơn Nhất - nơi đấy là ấp Long Tân và Phú Thạch thuộc quận Nhơn Trạch, tiểu đoàn trưởng hạ lệnh triển khai đội hình và chuẩn bị phần tử bắn. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4 năm 1975, toàn Tiểu đoàn pháo 130 ly đồng loạt bắn loạt đạn đầu tiên vào sân bay Tân Sơn Nhất.  Sân bay này từ tối 27 tháng 4 đã bị pháo ĐKB bắn phá dữ dội, rồi chiều 28 tháng 4 Phi đội Quyết thắng của không quân ta đã oanh tạc, đến nay pháo 130 ly bắn phá, có lúc bắn gấp, lúc bắn giám thị suốt cả ngày và đêm 29 tháng 4 năm 1975, làm sân bay gián đoạn hoạt động. Sáng 30 tháng 4 năm 1975 tiểu đoàn được lệnh ngừng bắn vì bộ binh và xe tăng của Quân đoàn 3 bắt đầu tiến công đánh chiếm sân bay, pháo 130 ly, Đ74 và 155 ly của Quân đoàn 3 đã bắn vào sân bay trực tiếp chi viện cho quân đoàn chiến đấu. Kể từ ngày 28 đến 30 tháng 4, pháo binh đã liên tục bắn phá sân bay với khoảng 1.200 đạn 130 ly, sân bay tê liệt, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch.

        • Đại đội 806 pháo 130 ly Quân đoàn 1 bắn phá bộ tổng tham mưu ngụy Sài Gòn.

        Quân đoàn 1 đảm nhiệm hướng tiến công phía Bắc, một trong năm hướng tiến công chiếm Sài Gòn - Gia Định, có nhiệm vụ đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy quyền. Sư đoàn 320B tổ chức mũi thọc sâu bằng xe cơ giới có xe tăng và pháo 85 ly đi cùng do Trung đoàn 48 đảm nhiệm. Sáng 30 tháng 4 trên đường tiến quân bị thiết đoàn 3 quân ngụy chặn đánh, xe tăng của ta cùng bộ binh đã tiêu diệt thiết đoàn 3 địch và bắt sống tám xe tăng M41, bắt chúng lái xe dẫn đường đánh thẳng vào bộ tổng tham mưu ngụy. Tiểu đoàn 2 pháo 130 ly Lữ đoàn 45 được phối thuộc cho sư đoàn chi viện trực tiếp cho Trung đoàn 48 tiến công, khi bộ phận đi đầu của tiểu đoàn hành quân đến ngã ba Búng thì được lệnh triển khai trận địa bắn. Đại đội 806 sau khi chuẩn bị phần tử xong, đúng 10 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn đại đội với mười phát bắn gấp đã bắn chính xác vào trung tâm sở chỉ huy bộ tổng tham mưu ngụy Sài Gòn, sau đó ngừng bắn vì bộ binh và xe tăng đã tiến tới cửa ngõ doanh trại bộ tổng tham mưu ngụy. Đây cũng là một trận đánh triển khai kịp thời pháo 130 ly chi viện bộ binh chiến đấu thọc sâu.

*

*      *

        Để thay cho lời kết, xin được nhắc lại lời Đại tướng Hoàng Văn Thái phát biểu trong cuộc hội thảo khoa học quân sự sử dụng Pháo binh Việt Nam (6-1986) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày truyền thống vẻ vang của Binh chủng Pháo binh Việt Nam anh hùng:

        "...Pháo binh Việt Nam không những phải đánh giỏi trong chiến dịch, chiến đấu mà còn phải nhạy bén về chiến lược đón bắt được ý đồ chiến lược, luôn luôn chủ động chuẩn bị sẵn sàng, quyết tâm thực hiện đánh theo yêu cầu chiến lược. Điều đó không chỉ nói lên bản lĩnh chiến đấu mà còn thể hiện phẩm chất chính trị của Binh chủng Pháo binh - một Binh chủng kỹ thuật hiện đại của quân đội ta...".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #46 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 12:20:53 am »


HIỆU LỰC PHÁO BINH TRONG TÁC CHIẾN HIỆP ĐỒNG

        Các lực lượng vũ trang nhân dân ta, nhất là các binh đoàn chủ lực đang được tăng cường ngày càng nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại như vũ khí tự động, xe chiến đấu của bộ binh, xe tăng, các loại tên lửa, các loại máy bay chiến đấu, các loại hạm tàu, các phương tiện chỉ huy, thông tin, cơ động cùng các cơ sở bảo đảm vật chất kỹ thuật khác. Các binh chủng của lục quân, các quân chủng phòng không - không quân, hải quân được phát triển ngày càng hoàn chỉnh với trình độ chính quy ngày càng cao; nhiều binh đoàn, tập đoàn bộ đội hợp thành được xây dựng trên quy mô ngày càng lớn. Những điều đó tất yếu dẫn đến việc vận dụng phổ biến loại tác chiến hiện đại, tác chiến hiệp đồng binh chủng và quân chủng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

        Tác chiến hiện đại, tác chiến hiệp đồng binh chủng và quân chủng thể hiện tập trung trong phương thức tiến hành chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, kết hợp với chiến tranh nhân dân địa phương. Loại tác chiến này có thể diễn ra từ những ngày đầu chiến tranh, trên tuyến đầu của Tổ quốc, dưới nhiều hình thức phong phú, trong đó có những hình thức tác chiến mới so với các hình thức tác chiến đã được vận dụng trong mấy chục năm chiến tranh giải phóng, chiến tranh giữ nước đã qua. Do đó làm nảy sinh một loạt vấn đề mới trong việc sử dụng và chỉ huy pháo binh để phát huy cao nhất hiệu lực của pháo binh trong sức mạnh tổng hợp của các binh chủng, quân chủng, các thứ quân.

        Nhiều nhà quân sự trong và ngoài nước cho rằng việc tăng thêm các phương tiện hỏa lực hiện đại không làm giảm vị trí, vai trò của pháo binh; tên lửa và pháo binh không loại trừ nhau trong tác chiến hiện đại. Song song với việc nghiên cứu, sản xuất các loại tên lửa, người ta rất chú trọng và không ngừng cải tiến pháo binh về nhiều mặt: tầm bắn, tốc độ bắn, độ chính xác, uy lực sát thương của đầu đạn, khả năng cơ động, trình độ hiện đại của hệ thống chỉ huy... cho phù hợp với yêu cầu tác chiến hiện đại. Nhiều nước đã hình thành binh chủng "pháo binh - tên lửa". Điều đó càng làm rõ thêm quan điểm đúng đắn của ta: "pháo binh là hỏa lực chủ yếu của lục quân".

        Như đã trình bày ở trên, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, tác chiến hiện đại, tác chiến hiệp đồng là loại tác chiến chủ yếu, phổ biến của các binh đoàn chủ lực, của quân đội ta. Do đó, loại tác chiến này cũng là loại hoạt động chiến đấu chủ yếu, phổ biến của bộ đội pháo binh. Bộ đội pháo binh không có khả năng tổ chức và tiến hành các chiến dịch độc lập. Một đôi khi có đơn vị pháo hoặc cụm pháo nào đó có nhiệm vụ đánh độc lập như bắn phá sân bay, kho tàng, tập kích hỏa lực vào sở chỉ huy, tiêu diệt các hạm tàu... của địch, thì khái niệm độc lập ở đây cũng có ý nghĩa tương đối. Vì các trận đánh này cũng phải tuân thủ nghiêm khắc với những quy định hiệp đồng về mục tiêu, thời gian, kết quả phải đạt được mà kế hoạch chung hoặc ý định chiến dịch đã xác định.

        Lịch sử chiến tranh nhân dân do Đảng ta lãnh đạo cũng như lịch sử Pháo binh Việt Nam đã ghi nhận: pháo binh là một Binh chủng tham gia chiến đấu hiệp đồng với bộ binh sớm nhất. Mỗi bước phát triển của quân đội ta đi từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến chính quy, tác chiến hiện đại cũng là những cái mốc của sự trưởng thành về trình độ tác chiến hiệp đồng của bộ đội pháo binh với các binh chủng, quân chủng.

        Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến dịch Biên Giới (1950) đánh dấu sự xuất hiện trung đoàn pháo binh đầu tiên - Trung đoàn sơn pháo 675 hiệp đồng chiến đấu với sư đoàn và các trung đoàn bộ binh. Chiến dịch Hòa Bình (1952) ghi nhận khả năng chiến đấu liên tục dài ngày (78 ngày đêm) và trình độ chỉ huy hỏa lực tập trung tới cấp trung đoàn của bộ đội pháo binh khi chiến đấu hiệp đồng với bộ binh. Sự ra đời của pháo binh cơ giới Việt Nam, việc sử dụng kết hợp các loại pháo trong chiến đấu, chiến dịch lại được đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

        Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến dịch Khe Sanh (1968) là chiến dịch đầu tiên ta dùng pháo tầm xa chi viện cho bộ binh và xe tăng tiến công địch. Sự lớn mạnh không ngừng của pháo binh về tổ chức, về trình độ tác chiến hiệp đồng còn thể hiện qua các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị - Thiên (1972)... Đỉnh cao của sự phát triển đó được thể hiện trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, nhất là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #47 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 12:21:53 am »


        Những kinh nghiệm phong phú của pháo binh trong mấy chục năm qua, cùng với sự lớn mạnh về mọi mặt của Binh chủng ngày nay là tiền đề vững chắc để nâng cao hơn nữa hiệu lực của pháo binh trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng, đáp ứng những yêu cầu mới của cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Muốn vậy, cần giải quyết tốt một số vấn đề sau đây:

        1. Nhận thức đúng đắn về hiệu lực chiến đấu của pháo binh: chi viện cho các binh chủng, quân chủng, trước hết là bộ binh và xe tăng hoàn thành nhiệm vụ

        Trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng, hỏa lực pháo binh chỉ có thể đạt được hiệu quả diệt địch cao nhất khi kết hợp chặt chẽ với hành động chiến đấu của bộ binh, xe tăng, bộ đội nhảy dù, đặc công, hải quân đánh bộ... với hỏa lực của không quân, hải quân và các hỏa lực khác góp phần tạo thành sức mạnh chiến đấu tổng hợp lớn nhất để hoàn thành nhiệm vụ chung của trận đánh, của chiến dịch. Đó cũng là điều kiện cơ bản để phát huy sức mạnh chiến đấu, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của pháo binh trong tác chiến hiệp đồng. Với vai trò là hỏa lực chủ yếu của lục quân, việc bảo đảm hỏa lực chi viện cho hành động của bộ binh và xe tăng là nhiệm vụ cơ bản, đồng thời là thước đo hiệu lực thực tế của pháo binh trong loại tác chiến này.

        Như mọi người đều biết, bộ binh và xe tăng là những binh chủng chủ yếu của lục quân, có vai trò quyết định trong việc giải quyết những nhiệm vụ chiến đấu, chiến dịch trên chiến trường ở mặt đất. Chỉ có chi viện đắc lực cho bộ binh và xe tăng hoàn thành nhiệm vụ trong tác chiến hiệp đồng, pháo binh mới thực hiện được vai trò hỏa lực chủ yếu của lục quân. Đây là một quan điểm cơ bản về tác chiến hiệp đồng của quân đội ta mà bộ đội pháo binh cần nắm vững và thực hiện bằng hành động chiến đấu thực tế. Vì thế, không thể chỉ đánh giá hiệu lực pháo binh qua số liệu đơn thuần sinh lực địch, phương tiện của chúng do các đơn vị pháo ta đã diệt và phá hủy, mà còn phải xét tới kết quả bắn pháo đó có tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng hoàn thành nhiệm vụ hay không?

        Trong các cuộc chiến tranh giải phóng và giữ nước vừa qua, pháo binh đã hiệp đồng chặt chẽ và chi viện cho bộ binh, xe tăng ở nhiều trận chiến đấu và ở cả phạm vi chiến dịch, đã tích lũy được những kinh nghiệm nhất định. Song, nếu chỉ dừng lại ở những kinh nghiệm ấy, lấy đó làm căn cứ duy nhất để nghiên cứu và giải quyết cách đánh hiệp đồng của pháo binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì thật không đúng.

        Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc có những thay đổi, phát triển cả về mục đích, đặc điểm cũng như về lực lượng và phương thức tiến hành chiến tranh, về đối tượng tác chiến. Các lực lượng vũ trang ta, đặc biệt là các binh đoàn chủ lực có sự đổi mới rõ rệt về số lượng, chất lượng, về trình độ tổ chức, về vũ khí, trang bị kỹ thuật, về khoa học và nghệ thuật quân sự... Hoạt động của bộ đội trên chiến trường, trước hết là của bộ binh, xe tăng sẽ diễn ra trong những tình huống rất gay go, quyết liệt, phức tạp và thay đổi thường xuyên, trên các loại địa hình khác nhau, trên không gian rộng lớn... Do đó, không thể không đòi hỏi bộ đội pháo binh phải nâng cao hơn nữa trình độ tổ chức chỉ huy hỏa lực trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng.

        Có thể nêu một số nhiệm vụ của pháo binh chi viện hỏa lực cho bộ binh và xe tăng trong hai loại tác chiến cơ bản là tiến công và phòng ngự.

        Trong phòng ngự, pháo binh phải tổ chức một hệ thống hỏa lực chặt chẽ, hoàn chỉnh, chi viện đắc lực cho bộ binh và xe tăng đập tan cuộc tiến công của quân địch có số lượng lớn về quân lính và phương tiện chiến tranh. Hỏa lực ngăn chặn địch từ xa, hiệp đồng với các lực lượng ở dải tác chiến phía trước, tiêu hao, làm chậm sự vận động của địch, buộc chúng phải triển khai sớm. Tham gia hỏa lực phản chuẩn bị khi cấp trên tổ chức. Hỏa lực ngăn chặn, tiêu diệt, tiêu hao quân địch trước tiền duyên, trước các khu vực và điểm tựa phòng ngự. Hỏa lực bảo đảm cho bộ binh, xe tăng phản xung phong, phản kích, phản đột kích, tiêu diệt quân địch đột nhập, chiếm lại trận địa, nhất là tập trung hỏa lực tiêu diệt xe tăng địch bằng tất cả các phương tiện có thể (pháo chống tăng, tên lửa chống tăng,... và cả xe tăng, máy bay trực thăng nữa). Hỏa lực chế áp, tiêu diệt các trận địa tên lửa, pháo binh, súng cối địch. Hỏa lực chi viện cho các hành động tiến công (tập kích, phục kích đánh quân địch cơ động lực lượng, tập trung lực lượng, đánh vào sở chỉ huy, trận địa hỏa lực, căn cứ cơ sở hậu cần, hậu phương của chúng...) của các đơn vị trong quá trình phòng ngự. Hỏa lực bảo đảm các điểm tiếp giáp, các sườn giữa các binh đoàn. Phải tập trung hỏa lực đủ mạnh chi viện cho bộ binh và xe tăng đánh địch trên hướng tiến công chủ yếu của chúng; đồng thời chú ý bảo đảm hỏa lực cho các lực lượng tiêu diệt và đập tan các mũi thọc sâu của địch đánh vào sườn bộ binh, xe tăng ta. Trong quá trình phòng ngự, hỏa lực pháo binh phải bảo đảm cùng bộ binh, xe tăng và các binh chủng, quân chủng khác thực hiện tốt mục đích của phòng ngự là: ghìm địch lại, giữ vững lãnh thổ được giao, chặn đứng, bao vây, chia cắt địch, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng tiến công và đập tan cuộc tiến công của chúng, tạo ra điều kiện chuyển sang phản công và tiến công tiêu diệt hoàn toàn quân địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #48 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 10:53:20 pm »


        Trong tiến công, pháo binh phải xác định đúng các giai đoạn hành động và có kế hoạch hỏa lực thích hợp trong từng giai đoạn. Thực hiện tốt các đòn tập kích hỏa lực mạnh sát thương lớn quân địch, đặc biệt là khi bắn chuẩn bị tiến công (hoặc tham gia hỏa lực chuẩn bị tiến công). Phải tạo và giữ vững ưu thế hỏa lực trên hướng tiến công chủ yếu trong suốt quá trình tiến công. Yêu cầu cao nhất là phải bảo đảm hỏa lực chi viện kịp thời, liên tục có hiệu quả cho hành động của bộ binh, xe tăng ta tiến công với sức đột kích mạnh và tốc độ cao nhanh chóng tiêu diệt từng bộ phận quân địch và đánh chiếm những khu vực quan trọng trong chiều sâu phòng ngự của chúng. Hỏa lực pháo còn cần phải chi việc cho bộ binh, xe tăng đánh thọc sâu, bao vây, chia cắt quân địch. Bộ đội pháo binh sẵn sàng cùng bộ binh, xe tăng đánh tan các cuộc phản kích, phản đột kích của địch, kể cả việc chi viện cho các lực lượng này tạm thời chuyển sang chiến đấu phòng ngự trên một khu vực nào đó.

        Phải thấy rằng quá trình pháo binh chi viện cho bộ binh và xe tăng tiến công và phòng ngự là quá trình tổ chức và sử dụng hỏa lực rất phức tạp. Bản thân hai loại tác chiến tiến công và phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng có những phát triển mới. Đối với quân đội ta nói chung, với bộ đội pháo binh nói riêng, tác chiến phòng ngự, nhất là phòng ngự hiện đại còn là loại tác chiến mà ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Vì thế, bộ đội pháo binh phải thực sự nghiên cứu và giải quyết việc tổ chức, vận dụng hỏa lực, kể cả kỹ thuật bắn pháo để chi viện đắc lực cho bộ binh và xe tăng khi phòng ngự. Một số vấn đề mới như bảo đảm hỏa lực chi viện cho các lực lượng chiến đấu ở dải tác chiến phía trước, tổ chức và tham gia hỏa lực phản chuẩn bị, tổ chức hệ thống hỏa lực chống tăng, bảo đảm hỏa lực chi viện cho các lực lượng chiến đấu trong đội hình địch, trong thế xen kẽ... cần được nghiên cứu và giải quyết tốt. Trong tiến công, bộ đội pháo binh cũng phải tìm ra cách tổ chức và sử dụng hỏa lực tốt nhất, phù hợp với điều kiện pháo, đạn, phương tiện của ta để có thể liên tục chi viện cho bộ binh và xe tăng tiến công với tốc độ cao, tiến công địch trong hành tiến, cơ động hỏa lực và cơ động pháo ở địa hình rừng núi...

        Nhiệm vụ chiến đấu của quân đội ta trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc còn đòi hỏi bộ đội pháo binh phải hiệp đồng chặt chẽ với cả bộ đội đặc công, bộ đội nhảy dù, hải quân đánh bộ, máy bay, hạm tàu và cả dân quân tự vệ, phát huy được sức mạnh hỏa lực của mình để chi viện đắc lực cho các lực lượng này chiến đấu đánh quân địch đổ bộ đường biển, đánh quân địch đổ bộ đường không, đánh phá hậu phương của địch...

        Những phát triển trên đây đặt ra cho bộ đội pháo binh phải nâng cao hơn nữa tinh thần tích cực, chủ động, đoàn kết hiệp đồng với các binh chủng, quân chủng, vận dụng đúng đắn, sáng tạo và linh hoạt những nguyên tắc chiến đấu của pháo binh; hoàn thiện chiến thuật và kỹ thuật bắn pháo của mình.

        2. Phân chia pháo binh đúng đắn, phát huy đầy đủ sức mạnh hỏa lực của tổ chức pháo sẵn có, tạo nên mật độ hỏa lực cần thiết có hiệu quả trong chiến đấu và chiến dịch hiệp đồng

        Trong tác chiến hiện đại, pháo binh thường đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ bảo đảm hỏa lực cho các binh chủng, quân chủng chiến đấu trên một không gian rộng lớn, với những hạn chế nhất định về số lượng pháo, đạn và phương tiện kỹ thuật. Vì thế, cần có sự phân chia pháo binh thật khoa học, hợp lý để chi viện đắc lực cho các binh chủng, quân chủng hoàn thành được nhiệm vụ trong tác chiến hiệp đồng.

        Trước hết, việc phân chia phải bảo đảm cho pháo binh giải quyết những nhiệm vụ hỏa lực chủ yếu mà các đơn vị pháo được giao trong trận đánh, trong chiến dịch. Đó là sự phân chia pháo binh nhằm tập trung cả số lượng và chất lượng pháo, tạo nên sức mạnh hỏa lực cần thiết để thực hiện thành công những nhiệm vụ hỏa lực quan trọng nhất, để chi viện đắc lực cho những binh đoàn, đơn vị bộ đội hợp thành đảm nhận nhiệm vụ chủ yếu, hoạt động trên hướng chủ yếu của trận đánh, của chiến dịch. Sự phân chia này cũng còn nhằm tạo nên ưu thế hỏa lực, mật độ hỏa lực cao để giải quyết thắng lợi những tình huống quyết liệt, phức tạp tại những khu vực quan trọng của quá trình tác chiến. Đó cũng là sự phân chia pháo binh để vừa có hỏa lực chi viện trực tiếp cho các đơn vị bộ binh, xe tăng vừa có hỏa lực trong tay người chỉ huy binh chủng hợp thành các cấp, khi cần có thể tập trung hỏa lực pháo binh giải quyết những nhiệm vụ có liên quan đến tình hình chung.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #49 vào lúc: 18 Tháng Hai, 2017, 10:53:57 pm »


        Việc phân chia pháo binh còn phải phù hợp với nhiệm vụ, chức năng, tính năng, sở trường của các tổ chức pháo, các loại pháo: pháo của các binh đoàn chủ lực, pháo của bộ đội địa phương, pháo dự bị của Bộ, pháo trong biên chế, pháo phối thuộc, pháo tại chỗ, pháo cơ động; pháo mang vác, pháo có xe kéo, pháo rãnh xoắn, pháo cối, pháo chống tăng, pháo phản lực... Ví như: trong chiến dịch, pháo của quân đoàn thường được giao nhiệm vụ đánh pháo binh địch, tăng cường hỏa lực cho các sư đoàn. Còn pháo của sư đoàn thì chủ yếu làm nhiệm vụ chi viện trực tiếp cho xe tăng, bộ binh nằm trong đội hình của sư đoàn. Pháo tại chỗ có khả năng chi viện kịp thời cho các lực lượng ngăn chặn và đánh bại các cánh quân tiến công của địch ngay từ đầu; pháo cơ động có uy lực lớn, tầm bắn xa, có khả năng tạo nên hỏa lực tập trung mạnh, kết hợp với hỏa lực pháo tại chỗ thì càng tạo được đòn hỏa lực tập trung có ưu thế, bảo đảm cho các binh chủng hành động thuận lợi trong các chiến dịch. Pháo bắn gián tiếp ở trận địa che khuất thường giữ được bí mật, bảo đảm an toàn, địch khó phát hiện. Song pháo bắn ngắm trực tiếp lại chính xác hơn, đỡ tốn đạn, đạt hiệu quả cao; đây là một truyền thống quý báu của pháo binh ta. Pháo phản lực nhiều nòng dùng tập trung sẽ có hiệu quả rất lớn khi đánh các khối sinh lực lộ quan trọng của địch trong một thời gian rất ngắn. Ngay các pháo mang vác mà nhiều cán bộ chỉ huy còn coi thường, như súng cối, ĐKZ lại có ưu điểm "đi cùng, bắn kịp" theo yêu cầu của bộ binh hơn bất kỳ loại pháo nào khác... Pháo của địa phương tuyến đầu có khả năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn địch, khống chế các trục đường cơ động quan trọng, luồn sâu đánh hiểm vào hậu phương địch... Phân chia pháo binh phù hợp với những điểm trên là một biện pháp cơ bản để phát huy đầy đủ sức mạnh hỏa lực của các tổ chức pháo và các loại pháo có trong tay.

        Việc phân chia pháo binh trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng còn nhằm bảo đảm cho bộ đội pháo binh có khả năng liên tục chi viện hỏa lực cho các binh chủng chiến đấu với mật độ hỏa lực cao mà không phải thay đổi bố trí lớn và cơ động pháo phức tạp. Điều này rất quan trọng khi tác chiến hiệp đồng diễn ra trên những loại địa hình khó cơ động lực lượng lớn, khó quan sát, như địa hình rừng núi, địa hình nhiều sông ngòi... Vì vậy, khi phân chia các đơn vị pháo, số lượng pháo cho các đơn vị, binh đoàn hợp thành, khi tổ chức các cụm pháo các cấp, cũng như khi bố trí đội hình chiến đấu của pháo binh (đài chỉ huy quan sát, trận địa bắn cơ bản, trận địa bắn dự bị, trận địa bắn lâm thời, các khu hậu cần, kỹ thuật, mạng đường cơ động...) phải nghiên cứu nhiều yếu tố để xác định cho phù hợp. Cụ thể là: nghiên cứu kỹ số lượng pháo, đạn có trong tay; nhiệm vụ, hướng và khu vực hành động của các đơn vị, binh đoàn mà pháo binh phải chi viện; các tình huống phát triển cơ bản của trận đánh, chiến dịch; tính chất địa hình... Trên cơ sở đó, người chỉ huy bộ đội hợp thành và người chỉ huy pháo binh xác định một phương án phân chia pháo binh phù hợp, không phải chuyển thuộc các đơn vị pháo nhiều lần, không phải di chuyển nhiều trận địa pháo với khoảng cách lớn, không gây nên sự xáo trộn lớn về chỉ huy hỏa lực và bố trí đội hình chiến đấu của pháo...

        Những năm gần đây, bộ đội pháo binh đã có nhiều thay đổi. Sự thay đổi ấy không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, cơ cấu tổ chức, trang bị, phương thức hành động; thay đổi từ pháo dự bị của Bộ đến pháo biên chế của quân đoàn, sư đoàn... và pháo của tiểu đoàn bộ binh. Nguyên số pháo xe kéo của sư đoàn đã nhiều hơn toàn bộ pháo xe kéo của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Về uy lực đạn, tầm bắn, loại, cỡ, thì pháo trong biên chế của sư đoàn ngày nay hơn hẳn. Điều đó tạo ra khả năng cho người chỉ huy binh chủng hợp thành và người chỉ huy pháo binh dễ dàng hơn trong việc phân chia pháo binh, tạo nên mật độ cần thiết trong tác chiến hiệp đồng. Song, không phải cứ có nhiều pháo, đạn là tự nó tạo nên hệ thống hỏa lực tốt. Hệ thống hỏa lực pháo binh tốt chỉ có thể được tạo nên bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố rất quan trọng là phân chia pháo binh khoa học, hợp lý, sử dụng pháo binh đúng nguyên tắc và sáng tạo. Trong điều kiện pháo, đạn, phương tiện còn hạn chế, lại phải đánh một kẻ địch mạnh hơn, ta càng phải lựa chọn sự phân chia pháo binh hợp lý nhất. Chống cách phân chia tùy tiện, thiếu tính toán, thiếu cân nhắc, dàn đều, đại khái... Phải có tính tích cực, sáng tạo cao trong việc phân chia pháo binh để từ pháo của chiến dịch cho đến pháo của tiểu đoàn bộ binh được sử dụng tốt, phát huy đầy đủ sức mạnh sẵn có của mình, kết hợp được uy lực sát thương và phá hoại của các loại pháo có trong tay tạo thành hệ thống hỏa lực pháo binh vững chắc, có mật độ hỏa lực cần thiết, chi viện đắc lực, có hiệu quả nhất cho các binh chủng trong chiến đấu và chiến dịch hiệp đồng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM