Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:19:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Pháo binh  (Đọc 25281 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 04:34:07 pm »


        Việc xây dựng công sự cho trận địa pháo do trung đoàn trọng pháo đảm nhiệm, được tiến hành sớm hơn một ngày; cứ một tiểu đoàn lựu pháo được tăng cường một tiểu đoàn bộ binh của Đại đoàn 312 để giúp lấy gỗ làm công sự và đào hầm pháo.

        Ngày 5 tháng 3 năm 1954, đường xe kéo pháo và công sự các trận địa pháo đã hoàn thành. Chập tối 6 tháng 3, theo lệnh của Bộ tư lệnh Đại đoàn 351, Đại đội 806 của tiểu đoàn tôi, dùng xe ba cầu kéo bốn khẩu pháo vào chiếm lĩnh trận địa thử nghiệm. Trận địa bắn của Đại đội 806 đặt cách cứ điểm Him Lam trên 3 ki-lô-mét về phía Đông. Chúng tôi cử một tổ trinh sát vào nằm sát hàng rào cứ điểm Him Lam, mang theo máy điện thoại dùng ký hiệu để báo về Sở chỉ huy tình hình của địch và tiếng rú của xe chạy. Đến 10 giờ đêm, bốn khẩu pháo đã vào "nhà ở" an toàn, xe đã quay về vị trí cất giấu mà vẫn không thấy trinh sát Him Lam báo về. Yếu tố bí mật, bất ngờ làm đường dùng xe kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa đã được bảo đảm. Ngày 8 tháng 3, tất cả các đại đội còn lại của lựu pháo, cao xạ pháo lần lượt chiếm lĩnh theo sáu mạch đường vừa khai thông. Ngày 11 tháng 3, tất cả "pháo đất", "pháo trời" đều đã sẵn sàng nổ súng.

        Cũng chiều hôm đó, báo Quân đội nhân dân, ấn hành tại Mặt trận, được đưa tới từng hầm pháo, đài quan sát pháo binh, mang theo những lời ân cần thiết tha của Bác Hồ kính yêu: "Các chú sắp ra trận, nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.

        Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc.

        Chúc các chú thắng to. Bác hôn các chú".

        Ngày 12 tháng 3, lệnh động viên của Đại tướng, Tổng tư lệnh cũng được truyền tới cán bộ, chiến sĩ: "Giờ ra trận đã đến!

        Tất cả cán bộ, chiến sĩ; tất cả các đơn vị; tất cả các binh chủng hãy dũng cảm tiến lên, thi đua lập công giành lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng của Hồ Chủ tịch...".

        Đúng 17 giờ 10 phút ngày 13 tháng 3 năm 1954, theo hiệu lệnh của Bộ chỉ huy Mặt trận, gần 150 khẩu pháo 105, 75 ly, cối đồng loạt mở đợt tập kích hỏa lực trong 15 phút vào toàn bộ các mục tiêu trong khu trung tâm Mường Thanh, mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Gần một nghìn quả đạn pháo của ta đã phá hủy năm máy bay, phá hỏng 12 khẩu pháo, diệt trên 100 tên, phá hủy nhiều kho đạn của địch. Tiếp đó, pháo binh chuyển làn, tập trung bắn vào cứ điểm Him Lam, trực tiếp chi viện cho Đại đoàn 312 tiêu diệt gọn tiểu đoàn quân Pháp đóng ở cứ điểm này. Ngày tiếp theo, các trung đoàn trọng pháo, sơn pháo, cao xạ chi viện cho Đại đoàn 308 tiêu diệt một tiểu đoàn quân Pháp đóng ở cứ điểm đồi Độc Lập. Địch ở cứ điểm Bản Kéo ra đầu hàng. Pháp vội vã dùng hai tiểu đoàn, có chín xe tăng dẫn đầu, tiến hành phản kích hòng chiếm lại những vị trí đã bị quân ta đánh chiếm, nhưng đã bị pháo ta cùng bộ binh bắn tan nát đội hình, phải rút chạy tán loạn. Sau ba ngày đêm chiến đấu, nhiệm vụ tiến công đánh bóc vỏ giành thắng lợi giòn giã. Pháo xe kéo lần đầu xuất quân, trận đầu đánh thắng, đã củng cố niềm tin cho bộ binh và toàn Mặt trận. Bộ chỉ huy Mặt trận quyết định trao cờ Quyết chiến - Quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại đoàn công - pháo 351. Đại đoàn lại quyết định trao lá cờ đó cho Đại đội 806 thuộc Tiểu đoàn 2 lựu pháo 105 ly, là đại đội đã bắn những phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch.

        Về phía địch, từ chỗ huênh hoang vào khả năng pháo binh của chúng, nhưng sau ba ngày bị tổn thất liên tiếp, tướng Đờ Ca-xtơ-ri, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cho gọi Pi-rốt, quan năm pháo binh, đến sở chỉ huy khiển trách thậm tệ. Từ hầm chỉ huy Đờ Ca-xtơ-ri trở về sở chỉ huy pháo, Pi-rốt đã tự kết liễu đời mình bằng một quả lựu đạn.

        Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử thắng lợi. Pháo binh ta tuy còn nhỏ bé nhưng đã phát huy vai trò to lớn trong chiến dịch, xứng đáng là hỏa lực chủ yếu của quân đội ta. Tám chữ vàng "Chân đồng vai sắt - Đánh giỏi, bắn trúng" của Bác Hồ trao tặng cho Bộ đội Pháo binh Việt Nam sau này, cũng bắt nguồn từ chiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ và từ những thành tích chiến đấu của Pháo binh qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.

(Tạp chí lịch sử quân sự 3-2002)         
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 04:42:10 pm »

          
NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG PHÁO BINH TRONG CHIẾN DỊCH TIẾN CÔNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

        Binh chủng Pháo binh đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta. Chiến công oanh liệt đó đã đánh dấu một bước phát triển mới của nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến dịch tiến công trận địa hiệp đồng binh chủng quy mô lớn.

        1. Tạo ưu thế lực lượng pháo binh chiến dịch, phát huy sức mạnh tổng hợp của Binh chủng

        Để bảo đảm được mật độ pháo binh trong tiến công trận địa và tập trung hỏa lực bảo đảm chi viện cho bộ binh đánh chắc thắng, ta đã sử dụng lực lượng pháo binh tập trung tới mức cao nhất theo khả năng hiện có. Cụ thể ta đã huy động:

        - 100% lực lượng pháo cơ giới.

        - 80% lực lượng súng cối cỡ lớn.

        - 75% lực lượng sơn pháo (so với tổng số pháo binh hiện có).

        Do kiên quyết tận dụng và huy động được tỷ lệ cao như vậy nên đã giành được ưu thế về số lượng như sau:

        - Ưu thế lực lượng pháo binh về chiến dịch: ta 2,1, địch 1.

        - Ưu thế lực lượng trên hướng chủ yếu chiến dịch: ta 2,3, địch 1.

        - Ưu thế lực lượng trong chiến đấu: ta 3, địch 1 (tỷ lệ trên tính theo số lượng, chưa tính hệ số chất lượng).

        Trong phân chia lực lượng pháo binh chiến dịch, ta đã tập trung 89% lực lượng cho thê đội một chiến dịch. Do kiên quyết tập trung như vậy, việc bảo đảm hỏa lực chi viện đột phá nhanh chóng đã đánh chắc thắng các trận then chốt mở đầu chiến dịch như các trận tiến công cứ điểm Him Lam và Độc Lập.

        Cùng với huy động lực lượng, tạo ưu thế số lượng như trên, ta còn xác định đúng nhiệm vụ, mục tiêu phù hợp tính năng của từng loại pháo, hiệp đồng giữa các loại pháo nhằm phát huy đến mức cao nhất vai trò và sức mạnh hỏa lực của từng loại pháo, tạo nên sức mạnh tổng hợp.

        Lực lượng pháo cơ giới tập trung lần đầu tiên tham gia chiến dịch chiếm tỷ lệ 14% trong tổng số lực lượng pháo toàn chiến dịch, được sử dụng để chi viện chung và phối thuộc một phần cho đại đoàn bộ binh tiến công hướng chủ yếu. Mục tiêu chủ yếu của pháo cơ giới là trận địa pháo, sở chỉ huy, sân bay, kho tàng của địch. Pháo cơ giới đã phát huy sức mạnh hỏa lực có tính chất quyết định trong những trận mở đầu, trận then chốt và đặc biệt trong giai đoạn tổng công kích kết thúc thắng lợi chiến dịch. Đặc biệt pháo cơ giới còn tạo ra những đòn hỏa lực bất ngờ, đánh đau, đánh hiểm đối với địch.

        Trong thành phần pháo cơ giới có 33% số pháo bắn đạn phản lực (H.6), tuy mãi gần cuối chiến dịch mới sử dụng. Nhưng sức mạnh hỏa lực của loại pháo mới đó đã góp phần quyết định vào việc sát thương sinh lực địch, phá hủy công sự địch, làm suy sụp tinh thần quân địch rất nhanh chóng, buộc địch phải nhanh chóng đầu hàng quân ta. Nhiều tên hàng binh địch đã nói: "Chưa bao giờ chúng tôi nghe thấy tiếng rít ghê sợ, những vệt lửa đỏ lừ, những ánh chớp và tiếng nổ kinh khủng như ở Điện Biên Phủ".

        Pháo cơ giới thực sự đã góp phần làm mất chỗ dựa chủ yếu của địch trong phòng ngự, hệ thống hỏa lực pháo binh, hạn chế mặt mạnh, khoét sâu mặt yếu của chúng ở Điện Biên Phủ.

        Lực lượng pháo khiêng vác chiếm tỷ lệ 86% trong tổng số pháo tham gia chiến dịch. Có nhiều đơn vị pháo đã từng gắn bó với bộ binh qua nhiều chiến dịch tiến công thắng lợi, nên đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu phong phú và sáng tạo. Nhưng cũng có lực lượng mới lần đầu tiên ra trận như tiểu đoàn ĐKZ75 ly, tiểu đoàn súng cối 82 ly.

        Lực lượng pháo khiêng vác được phối thuộc cho các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh, là lực lượng pháo đi cùng trong suốt quá trình chiến dịch, dưới sự chỉ huy trực tiếp của người chỉ huy bộ binh để bảo đảm chi viện trực tiếp cho mọi hành động chiến đấu của bộ binh như: đột phá, bao vây, đánh lấn, đánh địch phản kích v.v...

        Sơn pháo và ĐKZ75 ly chiếm 13% trong tổng số lực lượng pháo khiêng vác toàn chiến dịch, được sử dụng để tiêu diệt và phá hoại các lô cốt, hỏa điểm khi chi viện cho bộ binh đột phá, tiêu diệt xe tăng địch khi chúng ra phản kích, phá hủy các máy bay địch đậu trên sân bay, bắn tỉa quân địch ở các mục tiêu quan trọng v.v. Trong chiến dịch, pháo bắn ngắm trực tiếp đã tiêu diệt nhiều loại mục tiêu quan trọng của địch như: máy bay đậu trên sân, trận địa pháo, sở chỉ huy, lô cốt, hỏa điểm. Thí dụ: Trận ngày 30 tháng 3, sơn pháo bắn 22 phát diệt năm lô cốt, hỏa điểm của địch, 8 giờ sáng ngày 13 tháng 3, hai máy bay Đa-cô-ta của địch vừa hạ cánh bị sơn pháo của ta bắn cháy tất cả.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Hai, 2017, 08:47:04 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 08:46:49 pm »


        Súng cối 120, 82, 81 ly chiếm 87% tổng số lực lượng pháo khiêng vác tham gia chiến dịch, được phối thuộc cho các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh tiến công trên hướng chủ yếu. Súng cối 120 ly tổ chức thành đại đội 4 khẩu, súng cối 82 ly tổ chức thành tiểu đoàn 36 khẩu. Các loại súng cối này được sử dụng tập trung để chi viện cho bộ binh. Trong giai đoạn pháo bắn chuẩn bị, lực lượng súng cối dùng hỏa lực tiêu diệt các lực lượng vòng ngoài của địch; trong chi viện xung phong lực lượng súng cối là hỏa lực đi cùng để chi viện trực tiếp cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm của địch và chi viện phát triển chiến đấu, ngoài ra, súng cối còn được sử dụng để khống chế sân bay và chế áp pháo binh, súng cối địch. Đặc biệt, khi đánh quân địch phản kích, súng cối đã góp phần quan trọng trong tiêu diệt sinh lực địch, đánh tan các cuộc phản kích của chúng.

        Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng pháo khiêng vác đã phát huy đến mức cao nhất truyền thống "Chân đồng, vai sắt - Đánh giỏi, bắn trúng", cùng với lực lượng pháo cơ giới tạo thành sức mạnh hỏa lực góp phần làm tăng thêm sức mạnh tổng hợp của pháo binh.

        Cùng với ưu thế về số lượng và tổ chức phân chia chiến đấu một cách hợp lý nhằm phát huy đầy đủ hỏa lực của các loại pháo, ta còn khéo léo bố trí lực lượng pháo binh táo bạo, hiểm hóc và bất ngờ để làm tăng thêm sức mạnh. Cụ thể trong chiến dịch, ta đã triển khai và bố trí đội hình pháo binh như sau:

        a) Hệ thống đài quan sát mặt đất của pháo binh được tổ chức và triển khai rộng khắp gồm 23 đài quan sát, bố trí trên các điểm cao, tạo thành các dải trinh sát chồng lên nhau và bao trùm toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch. Các phương tiện, khí tài trinh sát, đo đạc, đảm bảo đo mục tiêu và sửa bắn cho pháo chính xác, kịp thời và liên tục, bám sát mọi hoạt động, diễn biến của ta và của địch, giúp cho người chỉ huy pháo binh chỉ huy bắn và xử trí kịp thời các tình huống chiến đấu.

        Ngoài ra, pháo binh còn tổ chức ra các đài quan sát tiền tiến đi theo người chỉ huy bộ binh ở các mũi, các hướng để chi viện kịp thời trong chiến đấu.

        b) Hệ thống trận địa pháo được triển khai bố trí từ Đông Bắc Hồng Cúm đến Tây Bắc cứ điểm Độc Lập, hình thành thế trận vòng tròn gần khép kín tập đoàn cứ điểm của địch. Trận địa pháo nọ cách trận địa pháo kia trên 5 ki-lô-mét, kéo dài đội hình trên 30 ki-lô-mét. Trận địa bố trí phân tán nhưng bảo đảm hỏa lực rất tập trung. Đặc biệt pháo cơ giới bảo đảm có thể tập trung hỏa lực tới 80% lực lượng cho một mục tiêu. Các loại pháo bắn ngắm trực tiếp bố trí trên các núi cao, bảo đảm cự ly và xạ giới bắn có lợi nhất. Lựu pháo 105 ly bố trí có cự ly bắn trung bình từ 3 đến 8 ki-lô-mét, sơn pháo và súng cối có cự ly bắn trung bình từ 300 đến 500 mét. Nói chung các loại pháo, súng cối bố trí bảo đảm cự ly bắn có hiệu quả nhất.

        c) Các sở chỉ huy pháo binh có đủ phương tiện khí tài bảo đảm chỉ huy bắn và hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh. Hơn 300 ki-lô-mét dây điện thoại đã bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, phục vụ cho chỉ huy và hiệp đồng kịp thời, chặt chẽ.

        Trong điều kiện địa hình rừng núi phức tạp, cơ động khó khăn mà ta tạo được thế trận pháo binh như vậy là do có quyết tâm cao, có sự chỉ đạo chặt chẽ và sự nỗ lực chủ quan vượt bậc của cán bộ và chiến sĩ pháo binh và được sự giúp đỡ tận tình của tất cả các lực lượng tham gia chiến dịch.

        Qua những điều nêu trên, ta thấy nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ không đơn thuần ở số lượng mà là nghệ thuật tạo ưu thế về sức mạnh tổng hợp bao gồm: sử dụng kết hợp giữa số lượng với chất lượng chiến đấu cao; giữa pháo cơ giới và pháo khiêng vác; giữa lực lượng mạnh với thế trận táo bạo, hiểm hóc, bất ngờ; giữa yếu tố địa hình với sự nỗ lực chủ quan vượt bậc của các lực lượng tham gia chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 08:50:25 pm »


        2. Vận dụng cách đánh hay của pháo binh trong chiến dịch

        Trong chiến dịch tiến công, khi đã tạo được ưu thế lực lượng mạnh hơn địch tức là đã có cơ sở để giành thắng lợi. Nhưng vấn đề quyết định để giành thắng lợi là phải có cách đánh.

        Trên cơ sở phương châm chỉ đạo "đánh chắc, tiến chắc", các đơn vị pháo đã vận dụng nhiều cách đánh có hiệu quả cao, những lối đánh hiểm, đánh đau, đánh bất ngờ và đánh liên tục.

        Để bảo đảm thực hiện được cách đánh hay trong chiến dịch, ta đã tiến hành xác định đúng các đối tượng, mục tiêu và tập trung pháo, đạn cho những mục tiêu chủ yếu nhất, đặc biệt là xác định các phương pháp bắn thích hợp cho các đối tượng, mục tiêu, nhằm bảo đảm hiệu quả sát thương cao, nhưng tiết kiệm đạn.

        Nghệ thuật vận dụng đánh hiểm là tập trung hỏa lực pháo binh đánh đòn phủ đầu để tạo ra được tình huống và thời cơ có lợi cho chiến dịch. Mục tiêu của đòn đánh hiểm là sinh lực cao cấp (sở chỉ huy), hệ thống hỏa lực và trung tâm thông tin... nhằm làm rối loạn chỉ huy và mất chỗ dựa chủ yếu của địch.

        Khẩu sơn pháo 75 ly của Phùng Văn Khẩu, táo bạo đưa lên bố trí ở đồi E tạo nên thế hiểm đối với địch. Trong trận ngày 23 tháng 4 đánh quân địch phản kích lên điểm cao Mâm Sôi và C1, trong vòng mười phút, khẩu đội sơn pháo của Khẩu đã lần lượt bắn trúng bốn khẩu pháo 105mm của địch và cũng trong trận này, khẩu ĐKZ75 ly của Trần Đình Hùng đã bắn đứt xích chiếc xe tăng đi đầu, còn hai chiếc sau quay đầu bỏ chạy; chi viện cho bộ binh đánh tan cuộc phản kích của địch.

        Ở Điện Biên Phủ, ta còn sử dụng một lực lượng lớn pháo binh (bảy đại đội) phối hợp với pháo cao xạ để đánh, nhằm cắt đứt tiếp tế bằng đường không của địch. Đây cũng là đòn đánh hiểm đối với Đờ Ca-xtơ-ri. Vì Điện Biên Phủ ở xa hậu phương đối với địch, mọi nguồn tiếp tế đều dựa vào hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm hoặc là thả dù.

        Sau khi bị pháo binh ta khóa chặt hai sân bay, địch sẽ tiếp tế hàng thả dù, nhưng lại bị pháo cao xạ ta bắn rơi nhiều máy bay, buộc địch phải bay cao và thả hàng vội vã. Như vậy, bộ binh ta đã thu được của địch trên năm ngàn viên đạn pháo các loại, giúp cho pháo ta có thêm đạn để đánh địch.

        Nghệ thuật của những đòn đánh bất ngờ là vận dụng hỏa lực pháo binh trong chiến dịch rất linh hoạt và luôn thay đổi cách bắn, không theo quy luật nhất định, làm cho địch khó phán đoán được ý đồ và hành động của quân ta. Mục đích của đánh bất ngờ để nhằm gây tổn thất lớn cho địch ngay trong thời gian đầu của đòn hỏa lực.

        Trong trận đánh đồi Him Lam, sau một đợt pháo bắn chuẩn bị, bộ binh của ta kịp thời xuất kích, đến trận đánh đồi Độc Lập lại khác. Trong trận đánh đồi Độc Lập, ta sử dụng pháo 105 ly, cối 120 ly bắn dồn dập 15 phút vào các sở chỉ huy và trận địa pháo binh, súng cối của địch. Lúc 17 giờ, pháo ta ngừng bắn, lập tức địch huy động toàn bộ pháo binh bắn chặn và bắn chi viện cứ điểm Độc Lập, đồng thời chúng còn cho không quân thả pháo sáng và đánh bom để ngăn chặn ta. Lúc này bộ binh ta vẫn còn giấu quân ở phía sau. Đến 17 giờ 15 phút, ta lại tiếp tục bắn các trận địa pháo và sở chỉ huy của địch và cứ như vậy đến quá nửa đêm, địch không thấy bộ binh ta tiến công nên Đờ Ca-xtơ-ri vội hí hửng nói với cấp dưới: "Thế là lực lượng tiến công của Việt Minh đêm nay đã bị nghiền nát". Nói vậy nhưng y vẫn chưa yên tâm, khoảng 2 giờ sáng vẫn hạ lệnh cho Pi-rốt tập trung hỏa lực pháo binh bắn dồn dập một lần nữa vào tuyến hào giao thông của ta từ xung quanh căn cứ vào đến cửa rừng. Khi trời đã gần sáng, không thấy quân ta động tĩnh, địch càng tin là ta không tiến công nữa. Nhưng đến 3 giờ 30 phút sáng ngày 15 tháng 3, ta tiến hành pháo bắn chuẩn bị và bộ binh ta tiến ra chiếm lĩnh vị trí xuất phát xung phong và liên tục bộc phá hàng rào mở cửa tiến công. Trong khi đó, Đờ Ca-xtơ-ri gọi điện cho Pi-rốt và tên chỉ huy cứ điểm Độc Lập nhắc: "Đừng có mắc mưu Việt Minh mà phung phí đạn". Mãi đến khi bộ binh ta phá đến hàng rào cuối cùng, địch mới biết và khi Đờ Ca-xtơ-ri được tin đã đích thân chạy đến hầm của Pi-rốt để chỉ huy hỏa lực yểm trợ, nhưng đã muộn! Vì ngay lúc đó cả tên Méc-co-nem, chỉ huy cũ và tên Các, chỉ huy mới, chưa kịp bàn giao căn cứ cho nhau đã phải chung số phận là bị thương nặng do đạn pháo của ta bắn chui lọt vào hầm chỉ huy ở cứ điểm Độc Lập. Đến 6 giờ 30 phút, quân ta đã đánh chiếm hoàn toàn cứ điểm này. Pháo binh ta đã thu ngay ba trong bốn khẩu cối 120 ly của địch để thành lập thêm một đại đội súng cối, làm tăng thêm lực lượng pháo dự bị chiến dịch.

        Cách đánh bất ngờ của pháo binh ta làm cho Đờ Ca-xtơ-ri khó quên. Khi bị bắt làm tù binh, y đã thú nhận: "Pháo binh, bộ binh của các ông hiệp đồng giỏi và đánh không thành quy luật, lúc các ông đánh tối, khi các ông đánh về sáng, có trận pháo binh bắn xong bộ binh xung phong, có trận chưa thấy động tĩnh gì thì bộ binh các ông đã đột nhập căn cứ, làm chúng tôi không kịp trở tay".

        Khái quát các cách đánh của pháo binh ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta thấy thể hiện rõ nghệ thuật vận dụng hỏa lực pháo binh đã đạt được: chuẩn xác, kịp thời, bất ngờ, đạt hiệu suất sát thương lớn, hoàn thành nhiệm vụ hỏa lực trong thời gian quy định, với lượng đạn sử dụng tiết kiệm nhất.

(Tạp chí Quân đội nhân dân 5-1984)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 08:54:25 pm »


NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG THẾ TRẬN VÀ SỬ DỤNG PHÁO BINH TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

        Cách đây 50 năm, lực lượng pháo binh non trẻ của quân đội ta đã lập được thành tích vẻ vang trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tổng chỉ huy chiến dịch kết luận: "Pháo binh ta tuy nhỏ nhưng đã có một tác dụng lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ". Nhớ lại một số kỷ niệm, kinh nghiệm, câu chuyện, kỳ tích chiến đấu của bộ đội pháo binh đã từng tham gia chiến dịch, xin được nói lại đôi điều về "Nghệ thuật xây dựng thế trận và sử dụng pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ" mà chủ yếu về trung đoàn pháo xe kéo đầu tiên của quân đội ta - Trung đoàn 45, lần đầu xuất trận.

        ...Cuối năm 1953, sau khi Na-va sang Đông Dương thay Xa-lăng với mộng tưởng giành lại thế chủ động trên chiến trường, ngày 20 tháng 11 năm 1953 đã cho sáu tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Sau đó lực lượng tăng lên tới 17 tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn công binh, một đại đội xe tăng, một đại đội xe vận tải khoảng 200 chiếc, một phi đội không quân thường trực khoảng 14 phi cơ các loại với tổng quân số là 16.200 tên. Về lực lượng pháo binh, chúng gồm hai tiểu đoàn pháo 105 ly, một đại đội pháo 155 ly, một tiểu đoàn cối 120 ly, với số pháo trên chúng tập trung bố trí ở Mường Thanh và Hồng Cúm, hai căn cứ này có thể yểm trợ cho nhau và cho các cứ điểm trong tập đoàn phòng ngự tại Điện Biên Phủ. Đạn dược dự trữ tương đối lớn nhưng nguồn bổ sung duy nhất chỉ dựa vào đường hàng không với sân bay dã chiến Mường Thanh. Với lực lượng pháo đạn như vậy cùng với hỏa lực không quân, Sác-lơ Pi-rốt, tên quan năm pháo binh, phó chỉ huy tập đoàn Điện Biên Phủ đã chủ quan về sức mạnh hỏa lực pháo binh của chúng và coi thường khả năng pháo của ta.

        Thực hiện chủ trương và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954, Trung ương Đảng đã hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, coi Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với địch và quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực và toàn bộ lực lượng pháo binh dự bị của ta lên Mặt trận Điện Biên.

        Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội pháo binh có Trung đoàn 45 (2 tiểu đoàn, 24 khẩu 105 ly); Trung đoàn sơn pháo 75 gồm 6 đại đội; Tiểu đoàn súng cối 120 ly. Cuối chiến dịch có thêm hai Tiểu đoàn pháo ĐKZ75 ly và Tiểu đoàn hỏa tiễn H6 - 12 dàn (mỗi dàn 6 nòng, cỡ đạn 75 ly với tầm bắn gần 10 ki-lô-mét); các đại đoàn bộ binh còn có bốn tiểu đoàn pháo, cối, ĐKZ và các đại đội cối 82 ly của trung đoàn bộ binh, tổng cộng khoảng 240 khẩu pháo, cối, ĐKZ các loại.

        Trải qua 55 ngày đêm chiến đấu liên tục đầy gian khổ, ác liệt, Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam vừa chiến đấu vừa xây dựng trưởng thành, càng đánh càng mạnh, lập nhiều chiến công, tô đẹp truyền thống vẻ vang của pháo binh. Cũng từ chiến dịch này. pháo binh đã mở ra đỉnh cao về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong tác chiến hiệp đồng, góp phần đánh thắng quân xâm lược Pháp. ở đây bài viết xin trình bày một số ý kiến về sử dụng pháo binh mà tôi tâm đắc nhất.

        I/ KÉO PHÁO VÀO KÉO PHÁO RA BẰNG SỨC NGƯỜI VÀ LÀM ĐƯỜNG ĐỂ XE KÉO PHÁO VÀO CHIẾM LĨNH TRẬN ĐỊA

        Điện Biên Phủ cách xa hậu phương trên 500 ki-lô-mét, chỉ có một con đường duy nhất từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ dài khoảng 80 ki-lô-mét vốn là con đường nhỏ, muốn cơ động pháo xe kéo, đường phải được mở rộng. Tuy nhiên Trung ương đã dự kiến và có kế hoạch bí mật sửa đường để trung đoàn trọng pháo đầu tiên của quân đội ta có thể tham gia chiến đấu được.

        Thực hiện nhiệm vụ của trên, pháo mang vác được lệnh hành quân từ đầu tháng 12 năm 1953, còn ngày 22 tháng 12 năm 1953 Trung đoàn 45 mới hành quân từ Tuyên Quang, ngày 7 tháng 1 năm 1954 tới Tuần Giáo và đêm 13 ngày 14 tháng 1 năm 1954 tập kết chiến dịch ở ki-lô-mét 63 đường 42 Tuần Giáo - Điện Biên.

        1. Kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa chiến đấu

        Ngày 13 tháng 1 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập hội nghị bàn kế hoạch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Để giữ bí mật việc sử dụng pháo lớn trong chiến dịch, Bộ chỉ huy quyết định dùng sức người kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa bắn. Con đường kéo pháo bắt đầu từ Nà Nham ki-lô-mét 70 vượt qua các dãy núi cao từ 500 mét đến 1.150 mét với chiều dài 15 ki-lô-mét. Kế hoạch tổ chức làm đường và kéo pháo như sau:

        - Thành lập ban chỉ huy kéo pháo do các đồng chí Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, Phạm Ngọc Mậu - Chính ủy Đại đoàn công pháo 351, Phạm Kiệt - Cục phó Cục Bảo vệ làm Chỉ huy.

        - Lực lượng mở đường là Đại đoàn 308, Trung đoàn công binh 151 của Bộ đảm nhiệm với thời gian một ngày (15-10-1954).

        - Lực lượng kéo pháo là cán bộ chiến sĩ Đại đoàn 312 và trung đoàn sơn pháo. Bắt đầu kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa từ đêm 16 tháng 1 năm 1954 với thời gian bảy ngày, để kịp cho ngày "N: 25-1-1954".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 11:48:26 pm »


        Đêm 16 tháng 1 năm 1954, một khẩu lựu pháo và một khẩu cao xạ đã được kéo thử để rút kinh nghiệm. Mỗi khẩu nặng trên 2 tấn, lực lượng kéo lúc đầu ngoài pháo thủ còn được tăng cường thêm 20 chiến sĩ bộ binh, qua đồng ruộng thì nhẹ nhàng, đến khi gặp dốc đã phải tăng thêm 10 rồi 20 có lúc gặp dốc cao thêm mỗi khẩu tới 30 người. Vất vả vật lộn cả một đêm, đến sáng mà cũng chỉ kéo được quãng đường 800 mét. Ngày thứ hai (17-1-1954), lợi dụng qua rừng kín nên kéo cả ban ngày. Qua hai ngày mà mới chỉ kéo được tám khẩu với quãng đường gần 2 ki-lô-mét. Ngày thứ ba phải rút kinh nghiệm và một loạt công việc được bổ sung như mở rộng thêm đường, hạ bớt độ dốc, thiết bị tời kéo. Hậu cần mặt trận cũng tăng thêm định lượng gạo từ 8 lạng lên 1 ki-lô-gam gạo cho một chiến sĩ. Ngày "N" cứ sát gần, trời bắt đầu có mưa, dốc càng trơn, nhiều gian khổ, nhiều gương hy sinh dũng cảm xuất hiện, đoạn đường kéo pháo rồi cũng phải rút ngắn. Bài hát "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời: "... sắp tới rồi đồng chí pháo binh ơi, vinh quang thay những người lao động..." đã phản ánh đúng như thế.

        Càng kéo anh em càng khẩn trương, quên mệt nhọc để kịp ngày nổ súng... qua chín ngày đêm với quyết tâm cao của hàng ngàn cán bộ chiến sĩ đã vượt mọi khó khăn, lập kỳ tích đặc biệt đưa 40 khẩu pháo vào kịp chiếm lĩnh trận địa an toàn bí mật.

        2. Kéo pháo trở lại vị trí tập kết ban đầu

        Chiều 25 tháng 1 năm 1954, trên cánh đồng Nà Hi, pháo binh đang hăm hở chuẩn bị những phần việc cuối cùng cho chuẩn bị chiến đấu thì được biết giờ "G" được hoãn lại thêm 24 giờ nữa tức là vào 17 giờ ngày 26 tháng 1 năm 1954. Thời giờ là vàng ngọc để pháo binh chuẩn bị chu đáo mọi mặt, khí thế sẵn sàng lập công nhất là với trung đoàn pháo xe kéo lần đầu xuất trận lên rất cao... Thế nhưng một quyết định mới của Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch vào hồi 11 giờ ngày 26 tháng 1 năm 1954 được ban hành. Sau khi cân nhắc toàn diện địch, ta..., Bộ Chính trị và Bác Hồ đã quyết định thay đổi cách đánh, chuyển kế hoạch từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Với quyết tâm đó, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ lệnh cho pháo binh: "... Tất cả lực lượng pháo binh kéo trở lại vị trí tập kết chiến dịch cũ trên đường 41 ngay trong đêm nay 26-1-1954". Lệnh đó đến với pháo binh đã gây xáo trộn lớn về tư tưởng, bao nhiêu mồ hôi và máu đã đổ xuống, bao nhiêu gian khổ đã vượt qua, đến giờ lập công lại phải kéo pháo ra... Các chi bộ kịp thời họp để lãnh đạo việc kéo pháo ra với quyết tâm tiêu diệt "Trần Đình" không thay đổi.

        Chập tối 26 tháng 1 năm 1954, pháo binh đồng loạt rút khỏi trận địa. Cuộc vật lộn với đèo cao, dốc thẳm lại bắt đầu lại. Kéo pháo vào đã vô cùng gian khổ, giờ kéo pháo ra lại càng gian khổ hơn. Quân địch cũng đã phát hiện thấy hoạt động của ta trên đường kéo pháo ra nên chúng liên tục cho máy bay trinh sát, oanh tạc, ban đêm pháo địch bắn cầm canh càng gây cho ta nhiều thương vong. Nhiều gương hy sinh để bảo vệ pháo xuất hiện tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Chức và Tô Vĩnh Diện. Mờ sáng mồng 5 tháng 2 năm 1954, tức là mùng 3 Tết âm lịch, khẩu pháo cuối cùng được kéo về vị trí tập kết. Hoan hô mối tình đoàn kết keo sơn giữa ba binh chủng bộ binh, công binh, pháo binh. Đây cũng là truyền thống, là sức mạnh và là cơ sở vững chắc cho quân ta chiến đấu thắng lợi trong những ngày sắp tới.

        Ngày 7 tháng 2 năm 1954 (mồng 5 Tết âm lịch), các đơn vị mới ăn Tết, một cái Tết "kéo pháo vào, kéo pháo ra đại thắng lợi". Cũng hôm đó mờ sáng dưới trời mưa phùn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Mặt trận đã đến thăm và chúc Tết động viên bộ đội pháo binh. Đại tướng căn dặn: "... thời gian qua, các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ hành quân ra trận, các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ chuyển pháo vào trận địa, chuyển pháo đến vị trí tập kết, những nhiệm vụ đó coi như nhiệm vụ chiến đấu... để giúp xây dựng binh chủng, rèn luyện một tác phong chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ sắp tới, tôi dặn các đồng chí mấy điểm:

        ...

        - Thứ ba là phải hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh. Nhiệm vụ của trọng pháo và pháo cao xạ là cùng bộ binh hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt địch...

        - Thứ tư là phải ra sức học tập kỹ thuật, bắn thật trúng đích (không bắn thì thôi, nếu đã bắn thì nhất định phải trúng đích) làm cho quân địch phải khiếp sợ pháo binh ta...".

        Những lời dặn ân tình nhân ngày đầu Xuân năm ấy của Đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam không những là chỉ thị nóng bỏng của những ngày chuẩn bị chiến dịch, mà còn nhắc cho tất cả các thế hệ nối tiếp của Binh chủng Pháo binh lấy đó làm phương hướng xây dựng và chiến đấu sau này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 11:49:26 pm »


        3. Làm đường để ô tô kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa bắn

        Dựa vào phương châm "đánh chắc, tiến chắc", việc bố trí hệ thống trận địa bắn pháo binh vừa phải phát huy tầm bắn có hiệu quả vừa phải duy trì hỏa lực liên tục vững chắc trong quá trình chiến dịch, nhưng lại phải giữ được bí mật bất ngờ để chiến đấu được lâu dài, do đó hệ thống trận địa pháo tốt nhất là dựa vào rừng núi. Sau khi đã xác định xong hệ thống trận địa, ngày 10 tháng 2 năm 1954, Bộ chỉ huy chiến dịch triển khai năm con đường để dùng xe kéo pháo:

        - Đường đi Pú Hồng Mèo dài tám ki-lô-mét.

        - Đường đi Tà Lèng dài 27 ki-lô-mét.

        - Đường đi từ Bản Xin qua đỉnh Pu Y Tao đến Bản Tấu dài 18 ki-lô-mét.

        - Đường từ Mường Phăng đến Nà Nham dài bảy ki-lô-mét.

        - Đường đi Nà Lời dài ba ki-lô-mét.

        Đây là những con đường quân sự làm gấp dựa vào các sườn núi bao quanh Điện Biên Phủ, nằm trong tầm hoạt động của pháo binh địch, do đó việc làm đường phải giữ bí mật (ngụy trang theo kiểu giàn mướp nên máy bay địch hoạt động liên tục mà vẫn không phát hiện được). Lực lượng làm đường do Đại đoàn 312, 316 và Trung đoàn sơn pháo đảm nhiệm, khí thế mở đường sôi nổi có nhiều khẩu hiệu động viên bộ đội và dân công: "Tích cực làm đường cho pháo binh là tíchc cực tranh thủ thắng lợi"; "Bảo đảm đường sá thông suốt là tích cực tranh thủ thắng lợi"; "Thêm một người làm đường là tăng thêm điều kiện để chiến thắng quân địch...".

        Ngày 4 tháng 3 năm 1954 toàn bộ hệ thống đường cơ động và công sự trận địa bắn đã hoàn thành. Theo lệnh trên, Bộ tư lệnh Đại đoàn công pháo 351 quyết định dùng đại đội 806 làm đơn vị đột phá thử nghiệm việc chiếm lĩnh trận địa bằng xe kéo pháo vào đêm 5 tháng 3 năm 1954. Tiểu đoàn cử trinh sát mang theo máy điện thoại lên sát hàng rào cứ điểm Him Lam, nếu nghe có tiếng động cơ ô tô thì lập tức báo để ngừng việc dùng xe mà chuyển sang dùng sức người. Mờ tối, toàn Đại đội 806 (bốn xe pháo) vào chiếm lĩnh, đến 23 giờ thì chiếm lĩnh xong, từ vị trí nghe tiếng động ở Him Lam vẫn không có tín hiệu báo về, thế là ổn, yếu tố bí mật bất ngờ được bảo đảm...

        Như vậy, sự kiện "kéo pháo ở Điện Biên Phủ" đã nói lên nét độc đáo trong nghệ thuật dùng pháo xe kéo của chiến dịch, cũng đã trở thành câu chuyện huyền thoại về "kéo pháo ở Điện Biên Phủ" trong nhân dân Việt Nam.

        Ngày ấy, sau chín năm kháng chiến, quân đội ta mới có một trung đoàn trọng pháo xe kéo đầu tiên. Đó là vốn rất quý. Để phát huy yếu tố bí mật bất ngờ về sử dụng loại vũ khí mới, Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã quyết định bỏ xe, dùng sức người để kéo 40 cỗ pháo vượt qua cả một dãy núi cao, rừng rậm ròng rã chín ngày đêm vào trận địa kịp ngày nổ súng tiến công tiêu diệt quân địch dự kiến trong ba đêm, hai ngày. Nhưng khi đã thay đổi cách đánh từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" lại kiên quyết chuyển toàn bộ số pháo đó trở về vị trí tập kết ban đầu. Đây là một quyết định vô cùng sáng suốt nhằm bảo vệ gìn giữ an toàn tuyệt đối lực lượng trọng pháo nhỏ bé lần đầu ra trận. Sau đó, ta lại làm đường để dùng xe ô tô kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa nhằm phát huy tính cơ động của pháo xe kéo. Bài học này đã được bộ đội pháo binh vận dụng, phát huy trong thời gian kháng chiến đánh Mỹ xâm lược, nhiều chiến dịch ta đã dùng sức người để kéo pháo hoặc tháo rời pháo thành nhiều bộ phận để khiêng, vác chiếm lĩnh trận địa ngắm bắn trực tiếp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 11:51:36 pm »

         
        II/ XÂY DỰNG THẾ TRẬN VỮNG CHẮC, BỐ TRÍ HỆ THỐNG TRẬN ĐỊA PHÂN TÁN NHƯNG HỎA LỰC TẬP TRUNG, SỬ DỤNG PHÁO BINH THEO YÊU CẦU CHIẾN DỊCH, ĐÁP ỨNG PHƯƠNG CHÂM "ĐÁNH CHẮC, TIẾN CHẮC"

        1. Xây dựng trận địa pháo kiên cố

        Để chiến đấu được liên tục cả ban ngày lẫn ban đêm, không thể làm công sự dã chiến mà cần phải có công sự vững chắc.

        Ngày 7 tháng 2 năm 1954, khi đến thăm pháo binh tại Mặt trận, Đại tướng đã chỉ thị: "... Phải kiến trúc những trận địa pháo thật kiên cố, công sự phải thật dày, chắc đủ sức chống lại bom đạn của địch. Ngoài thì giờ chiến đấu phải tranh thủ thời gian bồi đắp thêm công sự. Đắp công sự dày thêm một phân tức là tạo thêm điều kiện thuận lợi để chiến thắng quân địch. Phải tổ chức nhiều trận địa nghi binh để làm lạc hướng quân địch, phân tán và tiêu hao vũ khí đạn dược của chúng".

        Chấp hành chỉ thị ấy, Mặt trận đã tăng cường cho mỗi Tiểu đoàn pháo 105 ly một tiểu đoàn bộ binh để làm công sự. Cơ sở xây dựng trận địa là đại đội pháo, khối lượng công sự của một đại đội gồm:

        - Hầm đặt pháo cho bốn khẩu.

        - Hàm để đạn chiến đấu và đạn dự trữ.

        - Hầm cho pháo thủ nghỉ ngơi.

        - Hầm chỉ huy trận địa.

        - Hầm để nấu ăn, kho dự trữ thực phẩm, nước uống.

        - Hầm để thương binh nhẹ.

        - Hệ thống giao thông hào giữa các khẩu đội và các hầm.

        Khối lượng đào công sự cho một hầm khẩu đội trung bình từ 200 mét khối đến 300 mét khối đất đá, khung hầm pháo cần có khoảng 10-12 cột gỗ và 6-8 xà đỡ với đường kính từ 30-40 cen-ti-mét, dùng đinh sắt chữ U để liên kết giữa cột - xà - gỗ lát nóc hầm pháo. Nắp hầm pháo được đắp dày từ 3-4 mét chia làm nhiều lớp, mỗi lớp dày khoảng 30-40 cen-ti-mét, hết một lớp đất lại đến một lớp nứa hoặc tre đập dập bó lại rồi xếp cao cho đủ 30-40 cen-ti-mét, giao thông hào đào sâu 1,5-1,8 mét. Thời gian để xây dựng một trận địa cần 10-15 ngày với 200 cán bộ chiến sĩ lao động liên tục ngày đêm. Do có trận địa vững chắc nên mặc dù quân địch ra sức bắn phá oanh tạc, nhưng pháo ta vẫn kiên cường chiến đấu, hỏa lực không hề bị gián đoạn. Nghĩ lại chỉ có khí thế của chiến dịch Điện Biên Phủ mới làm nên kỳ tích đó.

       2. Bố trí trận địa

        Trận địa bắn của sáu đại đội pháo 105 ly được bố trí thành một vành cung khoảng 30 ki-lô-mét từ Đông Nam đến Tây Bắc cánh đồng Mường Thanh, mỗi trận địa cách nhau từ 4 đến 5 ki-lô-mét, chính diện một trận địa cũng khoảng từ 250-400 mét. Cụ thể được bố trí như sau:

        - Hai Đại đội 801, 802 ở dãy núi Tà Lèng.

        - Trận địa Đại đội 803 ở Bản Tấu.

        - Đại đội 804 ở Nà Lời.

        - Đại đội 806 ở cao điểm 684 Nà Lời.

        - Đại đội 805 ở Pú Hồng Mèo.

        Lúc đầu bố trí như vậy bảo đảm năm đại đội có thể tập trung bắn vào các mục tiêu ở trung tâm Mường Thanh. Sau đợt một để phát huy tầm bắn có hiệu quả nên từ ngày 17 đến 19 tháng 3 năm 1954 có một đợt di chuyển các trận địa lên phía trước sát địch:

        - Hai Đại đội 801, 802 từ Tà Lèng khu Đông di chuyển về khu vực Bản Kéo ở Tây Bắc Mường Thanh.

        - Đại đội 803 cũng di chuyển lên phía trước 2 ki-lô-mét.

        - Đại đội 804 từ Nà Lời lên khu vực Him Lam.

        - Đại đội 805 từ Pú Hồng Mèo tiến lên cách Hồng Cúm 4 ki-lô-mét và sẵn sàng sử dụng được khi cần tập trung về Mường Thanh.

        Chỉ riêng Đại đội 806 vì do có vị trí sát địch, kín đáo, phát huy hỏa lực tốt nên vẫn trụ lại cho đến ngày toàn thắng.

        Để chuẩn bị cho đợt tiến công thứ ba nhằm phát huy hỏa lực bắn thẳng, trung đoàn lựu pháo đã hạ lệnh cho mỗi tiểu đoàn sẵn sàng một trung đội gồm hai khẩu đưa lên sát trung tâm Mường Thanh từ 1,5 đến 2 ki-lô-mét để ngắm bắn trực tiếp. Các trận địa, các đại đội sơn pháo sau đợt hai cùng di chuyển lên phía trước, cụ thể là:

        - Đại đội 755 chiếm lĩnh trận địa bắn thẳng trên đồi E.

        - Đại đội 753 bố trí trên đồi D.

        - Đại đội 752 bố trí ở đồi C tranh chấp giữa ta và địch.

        - Đại đội 757 lên đồi Cháy khu Đông.

        Giữa tháng 3 năm 1954, sau khi được Mỹ tăng cường máy bay B26, chúng mở đợt tiến công đánh phá các trận địa pháo ta, dùng cả bom na-pan, có ngày dùng tới 250 lần chiếc máy bay oanh tạc và cường kích. Nhưng qua 55 ngày đêm chiến đấu, pháo binh ta vẫn bám trụ kiên cường, chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt địch.

        Lúc đầu quân địch đã coi thường pháo binh ta, chúng cho rằng pháo binh ta lực lượng còn nhỏ và yếu, không có cách gì vận chuyển đến địa điểm gần chúng, mà nếu có đưa được pháo binh vào những trận địa có thể uy hiếp chúng thì chúng có khả năng tức khắc phát hiện và tiêu diệt lực lượng pháo ta.

        Nhưng trái với dự tính của chúng, do sự chuẩn bị đầy đủ của ta từ khi nổ súng tiến công đến suốt quá trình chiến dịch, pháo binh nhỏ bé của ta không những không bị tiêu diệt mà ngược lại làm cho quân địch phải khiếp sợ, tên quan năm Sác-lơ Pi-rốt đã tự sát trước tài nghệ sử dụng pháo của Bộ chỉ huy chiến dịch.

        Vấn đề tổ chức xây dựng các trận địa bắn đều có công sự kiên cố, bố trí hệ thống trận địa phân tán hiểm hóc đã tạo ra một thế trận pháo binh vững chắc, mạnh và ổn định, sử dụng pháo binh theo yêu cầu chiến dịch để pháo binh chi viện hiệu quả cho các đại đoàn bộ binh, là bí quyết sử dụng pháo binh của quân đội ta.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Hai, 2017, 08:37:04 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 08:39:33 am »


        III/ CÁCH ĐÁNH CỦA PHÁO BINH SÁNG TẠO MƯU TRÍ

        Xuất phát từ nhiệm vụ của Bộ chỉ huy chiến dịch giao cho pháo binh là:

        - Yểm trợ đắc lực cho bộ binh tiến công.

        - Kiềm chế pháo của địch.

        - Tập kích hỏa lực vào sân bay, sở chỉ huy và căn cứ hậu cần địch.

        Khác với các chiến dịch trước đó, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lần đầu tiên ta sử dụng cả pháo xe kéo, pháo mang vác, pháo hỏa tiễn để bao vây tiến công quân địch. Pháo binh đã vận dụng linh hoạt các cách đánh: đánh gần, đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, đánh dồn dập gây cho địch nhiều tổn thất về vật chất và căng thẳng về tinh thần. Đánh khống chế sân bay triệt tiếp tế đường không là một đòn đánh hiểm đẩy quân địch vào thế ngày càng khốn quẫn. Với cách đánh linh hoạt sáng tạo, chúng ta cũng đã khai thác và phát huy mọi tính năng tác dụng của từng loại pháo, đã sớm hình thành hai lối đánh hiệp đồng và độc lập. Qua 55 ngày đêm chiến đấu, nổi lên một số cách đánh của pháo là:

        1. Tổ chức hỏa lực pháo bắn chuẩn bị chiến dịch

        Trong chiến dịch có ba đợt tiến công, mở đầu mỗi đợt ta đều tiến hành tập kích hỏa lực vào tất cả mục tiêu chủ yếu của địch nhằm tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực, phá hủy kho tàng, trận địa pháo binh súng cối, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh ta tiến công tiêu diệt các cứ điểm... Đây thực chất là hỏa lực pháo bắn chuẩn bị chiến dịch.

        - 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, để mở đầu chiến dịch tiến công, pháo binh ta đã thực hành pháo bắn chuẩn bị kéo dài một giờ với trên 240 khẩu pháo, cối các loại. Ngay 15 phút đầu, hỏa lực pháo ta đã gây cho địch tổn thất nặng tạo điều kiện cho bộ binh thực hành xung phong tiến công đánh chiếm cụm cứ điểm Him Lam.

        - 17 giờ 20 phút ngày 30 tháng 3 năm 1954 tiến hành đợt tập kích hỏa lực lần thứ hai cùng với các mục tiêu như trên, lực lượng tham gia lần này có thêm hai đại đội pháo lớn là đại đội sơn pháo 75 ly và một đại đội cối 120 ly ta vừa mới tổ chức bằng súng  cối chiến lợi phẩm thu được. Pháo đợt này chi viện cho cả ba đại đoàn cùng một lúc tiến công tiêu diệt tám cứ điểm địch.

        - 17 giờ ngày 1 tháng 5 năm 1954, với thời gian 30 phút, ta tiến hành đợt hỏa lực pháo bắn chuẩn bị lần thứ ba chi viện cho các đơn vị tiêu diệt nhiều cứ điểm ở cả ba hướng Đông, Tây và Hồng Cúm.

        - 20 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5 năm 1954, đợt hỏa lực pháo bắn chuẩn bị cuối cùng với 261 khẩu pháo, cối có thêm tiểu đoàn hỏa tiễn và tiểu đoàn ĐKZ75 ly. Tạo điều kiện cho quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm, trong đó có đồi A1 - một căn cứ đề kháng lợi hại của khu Đông Mường Thanh.

        Qua 55 ngày đêm, bộ đội pháo binh đã bốn lần thực hành hỏa lực pháo bắn chuẩn bị, càng đánh càng mạnh và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

        2. Pháo binh chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt quân địch có công sự kiên cố

        - Trận mở đầu tiến công cứ điểm Him Lam, Đại đoàn 312 được phối thuộc hai Đại đội 804 - 806 lựu pháo; hai Đại đội 753, 752 sơn pháo; hai Đại đội cối 120 ly tiến hành hỏa lực chuẩn bị một giờ.

        - Trận tiến công cứ điểm độc lập của Đại đoàn 308 được phối thuộc một Đại đội 803 lựu pháo; hai đại đội sơn pháo; hai Đại đội cối 120 ly.

        - Trận tiêu diệt cứ điểm đồi C1 đêm 30 tháng 3 được phối thuộc một Đại đội 806 lựu pháo; một đại đội sơn pháo 75 ly; một đại đội cối 120 ly.

        - Trận tiến công cứ điểm đồi A1 đêm 6 tháng 5 năm 1954, sau khi hỏa lực chuẩn bị 30 phút, dưới quyền yểm hộ của pháo bắn thẳng, bộ binh đánh chiếm từng lô cốt, chiến hào của địch. Đến 17 giờ 30 phút ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta tiêu diệt toàn bộ quân địch, bắt sống 200 tên có cả tên chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

        Đây là chiến dịch gồm nhiều trận tiến công quân địch trong công sự vững chắc, mỗi trận đều có hỏa lực pháo bắn chuẩn bị, hỏa lực chi viện phát triển tiến công và hỏa lực chi viện đánh bại các đợt phản kích của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 08:43:41 am »


        3. Pháo binh chi viện bộ binh vây lấn tiến tới tiêu diệt cứ điểm

        - Trận tiêu diệt cứ điểm 106 của Trung đoàn 36 được Đại đội sơn pháo 754 bắn tiêu diệt từng ụ súng địch để bộ binh đánh lấn bao vây cứ điểm; đêm 1 tháng 4 năm 1954 sau khi Đại đội lựu pháo 803 bắn phá cứ điểm kết hợp sơn pháo, cối, pháo bắn thẳng, chi viện bộ binh xung phong tiêu diệt đại đội địch trong 30 phút.

        - Trận tiêu diệt cứ điểm 206 cùng với cách đánh như trên vào hai đêm 20 tháng 4 và 21 tháng 4 năm 1954, Đại đội 803 lựu pháo bắn 20 viên chi viện bộ binh xung phong. Đến 1 giờ sáng ngày 23 tháng 4 năm 1954, theo kế hoạch Đại đội lựu pháo 803 lại bắn 20 viên, khi bắn đến phát thứ 13 thì có lệnh ngừng bắn vì bộ binh đã bí mật thọc sâu vào tung thâm phòng ngự địch, 45 phút sau quân ta tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm, bắt sống 113 tên địch.

        - Trận đánh chiếm cứ điểm đồi C1 lần thứ hai, quân ta chiếm nửa đồi, địch chiếm nửa đồi, qua 30 ngày đêm giằng co đến ngày 1 tháng 5 năm 1954 được Đại đội 804 trực tiếp bắn phá hoại 30 viên đạn lựu pháo cùng với sơn pháo bắn thẳng từ đồi D, ta đã nhanh chóng tiêu diệt địch, bắt sống trên 100 tù binh.

        - Cũng đêm 1 tháng 5 năm 1954, Đại đội 806 cùng pháo bắn thẳng sau nhiều ngày vây lấn đã trực tiếp chi viện cho Đại đoàn 312 cùng một lúc nhổ hai vị trí cứ điểm 505A - 505B ở phía Đông sông Nậm Rốm...

        Cách đánh này của bộ binh thường dựa vào giao thông hào bao vây lấn dũi sát giao thông hào địch trên nhiều hướng, được sơn pháo và cối 82 ly trong tay trực tiếp chi viện khi vây lấn, thời cơ đến sẽ dùng thêm lựu pháo trực tiếp bắn phá hoại. Với lối đánh này, lựu pháo thường bắn sát đội hình chiến đấu bộ binh, do đó phải chuẩn bị phần tử thật chính xác và phải bắn trong tầm bắn hiệu quả nhất và ít tản mát về đạn nhất.

        4. Pháo binh chi viện bộ binh đánh bại các trận địa phản kích lớn của địch

        - Trận phản kích của hai tiểu đoàn địch sáng 15 tháng 3 năm 1954, sau khi cứ điểm Độc Lập của chúng bị thất thủ, bộ binh ta đã dựa vào công sự, có pháo binh chi viện đã tổ chức phòng ngự chặt, nắm thời cơ địch bộc lộ ta đã tập trung toàn trung đoàn lựu pháo bắn tập trung 200 viên đạn tiêu diệt số lớn địch, chúng vội vàng tháo chạy về Mường Thanh.

        - Sáng 23 tháng 4 năm 1954,  hai tiểu đoàn địch (có 3 xe tăng yểm hộ) dựa vào các cứ điểm 208 - 309 - 204 từ nhiều hướng liên tục phản kích nhằm chiếm lại cứ điểm 206. Ta chỉ sử dụng hai đại đội lựu pháo kết hợp với sơn pháo nắm thời cơ tập kích hỏa lực bằng mỗi lần hai phát bắn gấp, cuộc chiến diễn ra từ sáng đến chiều, địch bị tiêu hao nặng, ta diệt một xe tăng, địch bỏ chạy về Mường Thanh.

        - Trận phản kích tuyệt vọng của tiểu đoàn dù và tiểu đoàn lê dương địch từ trung tâm Mường Thanh ra đồi A1 và C1 cũng bị ba đại đội lựu pháo ta cùng sơn pháo bắn tan nát đội hình. Đây là trận phản kích thứ mười và cũng là trận phản kích cuối cùng của địch ở Điện Biên Phủ.

        Qua đó có thể rút ra: Đánh phản kích phải kết hợp giữa pháo bắn thẳng và súng bộ binh. Khi đã sử dụng pháo cần sử dụng tập trung với hỏa lực mạnh, mật độ đạn lớn, thời gian ngắn sẽ nhanh chóng sát thương lớn quân địch bộc lộ ngoài công sự.

        5. Pháo binh đánh độc lập

        - Trận mở đầu của lối đánh này là Đại đội sơn pháo 757. Lúc 10 giờ sáng ngày 3 tháng 2 (tức mồng 1 Tết), hai khẩu sơn pháo đã chuẩn bị chu đáo (từ mấy ngày trước) để đánh phá sân bay Mường Thanh. Sương sớm vừa tan, được lệnh của Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316, sau 10 phát đạn, một chiếc Mo-ran bốc cháy, hai chiếc Hen-cát gãy cánh.

        - Ngày 23 tháng 4, khẩu đội Phùng Văn Khầu bị pháo binh và xe tăng địch đánh phá vào trận địa, mặc dầu anh em pháo thủ đều bị thương, khẩu đội bạn cũng bị sập hầm, nhưng đồng khí Khầu vẫn anh dũng kiên cường một mình vừa lao đạn vừa ngắm bắn, chỉ sau 15 viên đạn pháo đã tiêu diệt cả bốn pháo địch.

        - Ngày 24 tháng 4, một khẩu đội ĐKZ75 ly trên đồi D đã dùng hai viên đạn bắn cháy một xe tăng địch...

        Từ sau đợt tiến công lần thứ hai, trong tháng 4, các loại pháo của ta cùng với các chiến sĩ bộ binh đã tích cực nắm thời cơ thực hiện đánh tỉa, dùng ít đạn mà tiêu diệt được nhiều địch.

        Tiết kiệm đạn cũng là một vấn đề nổi bật trong chiến dịch. Chiến dịch càng kéo dài, lượng tiêu thụ đạn sẽ lớn, nguồn bổ sung đạn nhất là pháo lớn đều dựa vào nguồn vận chuyển từ hậu phương; những ngày cuối tháng 4, nguồn bổ sung chỉ chờ các đoàn xe tiếp tế, đạn được sử dụng rất tiết kiệm. Bộ chỉ huy chiến dịch quy định:

        - Cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ chỉ huy Mặt trận mới được phép sử dụng mỗi lần bắn không quá mười viên đạn pháo.

        - Đại đoàn trưởng bộ binh được phép hạ lệnh sử dụng mỗi lần bắn là ba viên đạn lựu pháo.

        Nhiều chỉ huy bộ binh cấp trung đoàn không thấy hết khó khăn của pháo binh nên có đồng chí gay gắt nói... "các đồng chí pháo binh tiếc viên đạn hay tiếc xương máu đồng đội hơn".

        Nhưng cùng trong thời gian này, do ta áp sát sân bay địch, chúng không còn tiếp tế bằng hạ cánh xuống sân bay được nữa, mọi nhu cầu phải thả dù, nhưng bị cao xạ bắn mạnh, chúng phải bay cao, nên nhiều dù rơi ra ngoài cứ điểm, trong đó có cả dù tiếp tế đạn pháo 105 ly. Phong trào thu nhặt đạn pháo để chuyển cho pháo binh được phát động rộng rãi, chỉ trong một tuần lễ, anh em bộ binh đã thu được gần 6.000 viên đạn 105 ly, riêng ở Hồng Cúm, Đại đội pháo 805 đã nhận được 1.900 viên (tương đương với năm cơ số đại đội). Ngày 25 tháng 4, đoàn xe tiếp đạn của hậu phương đã vượt bom đạn chuyển kịp số đạn pháo theo yêu cầu của chiến dịch.

        Có thể nói lực lượng pháo binh của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến mà Bộ chỉ huy chiến dịch đã giao. Thành tích và chiến công của pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu một bước phát triển tương đối hoàn chỉnh về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến dịch của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nó đã mở ra những vấn đề lớn đầu tiên để xây dựng và biên soạn một học thuyết về nghệ thuật quân sự sử dụng Pháo binh Việt Nam. Nó cũng là cơ sở vững chắc để mãi mãi Binh chủng Pháo binh lấy đó làm phương hướng nghiên cứu chỉ đạo xây dựng và chiến đấu.

        Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng kinh nghiệm chiến đấu của bộ đội pháo binh tại chiến trường Điện Biên Phủ lịch sử vẫn sống mãi trong lòng người lính Pháo binh Việt Nam.

        (Tạp chí lịch sử quân sự 4-2004 và Pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 3-2004)
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM