Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:00:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Pháo binh  (Đọc 25288 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 06:14:31 am »

              
        - Tên sách: Ký ức Pháo binh
        - Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên - nguyên Tư lệnh binh chủng Pháo binh.
        - Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân.
        - Năm xuất bản: 2007.
        - Số hóa: ptlinh, maibennhau.



LỜI GIỚI THIỆU

        Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên - nguyên Tư lệnh Binh chủng Pháo binh (1978 - 1988) với 45 năm trong quân ngũ thì đã có 40 năm liên tục gắn bó với sự nghiệp xây dựng - chiến đấu và trưởng thành của bộ đội pháo binh.

        Là một cán bộ tham mưu binh chủng về huấn luyện, nghiên cứu, tác chiến đồng thời cũng là một cán bộ chỉ huy trực tiếp lực lượng pháo binh tham gia các chiến dịch lớn qua hai cuộc kháng chiến từ chống thực dân Pháp đến chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc sau ngày đất nước thống nhất; mặc dù đã nghỉ hưu cùng tuổi đời trên 80 nhưng vẫn say mê với công tác nghiên cứu khoa học quân sự pháo binh và tiếp tục viết nhiều bài ký sự, kinh nghiệm chiến đấu, trao đổi nghiên cứu về nghệ thuật sử dụng pháo binh.

        "Ký ức pháo binh" là một cuốn sách gồm nhiều bài của đồng chí đã được chọn lọc trong số những bài viết đã từng đăng tải trên các báo và tạp chí quân sự, nó không những là những ký ức về cuộc đời binh nghiệp của Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên đối với sự nghiệp xây dựng chiến đấu và trưởng thành của Binh chủng Pháo binh trong 45 năm phục vụ quân đội, phục vụ Binh chủng của đồng chí mà cuốn sách này còn là tập tài liệu giá trị giúp các thế hệ cán bộ pháo binh có thêm tư liệu cần thiết để nghiên cứu, tham khảo về những bài học kinh nghiệm xây dựng và chiến đấu pháo binh trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để vận dụng vào công cuộc xây dựng một Binh chủng Pháo binh theo hướng "Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại".

        Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.


Thiếu tướng Tư lệnh Binh chủng Pháo binh        
Vũ Thanh Lâm                            
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 11:00:40 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 06:18:59 am »


ĐỐI THOẠI PHÁO BINH VIỆT NAM TRÊN CHIẾN TRƯỜNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

        Ngồi trước mặt chúng tôi là bốn vị tướng: Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân - Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, Thiếu tướng Lê Giám Đốc - Phó Tư lệnh về Chính trị Binh chủng Pháo binh và hai vị khách mời là Trung tướng Nguyễn Đình Ước và Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên đều là những vị tướng trưởng thành từ Binh chủng Pháo binh và từng là những vị chỉ huy pháo binh trên chiến trường Điện Biên Phủ. Cuộc gặp gỡ này được tiến hành theo đề nghị của Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội để nói về một chủ đề rất lớn là sự trưởng thành và những chiến công của Pháo binh Việt Nam trên chiến trường lịch sử Điện Biên Phủ. Đây cũng là chủ đề cho một cuộc Hội thảo khoa học đang được chuẩn bị để tiến hành trong tháng Ba này - đúng vào những ngày mà 50 năm trước trên chiến trường Điện Biên Phủ, những đơn vị pháo binh non trẻ của Quân đội nhân dân Việt Nam được lệnh của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nổ những phát pháo lệnh mở màn cho một chiến dịch lịch sử - để rồi kể từ những ngày đó, Điện Biên Phủ trở thành một huyền thoại, một cái tên được nhắc đến ở khắp nơi trên thế giới, một biểu tượng cho tinh thần bất khuất kiên cường chống xâm lược của nhân dân Việt Nam.

        Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng càng ngày người ta càng viết nhiều, nói nhiều hơn về Điện Biên Phủ. Trung tướng Nguyễn Đình Ước - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho chúng tôi biết rằng vừa rồi ở bên nước Pháp người ta cũng đã tổ chức một cuộc Hội thảo rất lớn, quy tụ đủ các nhà nghiên cứu lịch sử, chính trị, các tướng lĩnh, các cựu sĩ quan và binh sĩ từng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên để thử một lần nữa tìm cách giải thích về sự thất bại của người Pháp ở lòng chảo Điện Biên 50 năm về trước. Lý lẽ chắc là có nhiều, và hẳn không thiếu những kiến giải thông minh, thú vị về cuộc bại trận lớn nhất trong lịch sử hiện đại của quân đội viễn chinh Pháp, nhưng có lẽ vẫn còn có nhiều điều mà chính những nhà nghiên cứu lịch sử quân sự của nước Pháp và phương Tây vẫn không hiểu được về sức mạnh làm nên chiến thắng của người Việt Nam. Cũng như người Pháp, sau này người Mỹ cũng đã tự đặt ra những câu hỏi tương tự và dường như họ vẫn chưa tìm ra được câu trả lời về cái gọi là "sự bí ẩn Việt Nam". Vì thế có thể 50 năm, 100 năm sau nữa vào những ngày này ở nước Pháp, nước Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới người ta vẫn còn tiếp tục tranh luận về những gì đã diễn ra trong 55 ngày đêm máu lửa ấy trên chiến trường Điện Biên.

        Mở đầu cuộc trò chuyện của chúng tôi, Đại tá Nhà văn Lê Thành Nghị - Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội thông báo với các vị tướng pháo binh về cuộc đi thực tế "về nguồn" của đoàn nhà văn quân đội đầu tháng Giêng vừa qua rồi nêu ra một vấn đề mà các nhà văn quân đội rất quan tâm.

        Nhà văn Lê Thành Nghị - Thưa các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Bộ đội Pháo binh, thưa các vị khách. Trong chuyến đi vừa qua, chúng tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, hình dung lại quang cảnh chiến trường Điện Biên Phủ ngày ấy và hiểu ra rằng: với một tập đoàn cứ điểm được xây dựng vững chắc và hệ thống hỏa lực mạnh như vậy thì tướng Na-va, tướng Đờ Cat-xtơ-ri và nhiều vị chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên cũng như ở Việt Nam lúc đó có thể chủ quan, coi thường đối thủ, thậm chí thách thức đối thủ chấp nhận một cuộc quyết đấu cũng là điều dễ hiểu. Có phải, một trong những điều bất ngờ lớn nhất đối với Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ là sự xuất hiện một cách đột ngột và mạnh mẽ của Pháo binh Việt Nam?

        Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Đúng... Quân đội Pháp cũng biết rằng chúng ta đã có một lực lượng pháo binh, nhưng chúng không ngờ rằng chúng ta lại huy động được và đưa một lực lượng pháo binh hùng mạnh đến vậy vượt qua núi non hiểm trở tới lòng chảo Điện Biên. Đặc biệt, chúng càng không ngờ ta đã đưa được cả lựu pháo 105 ly lên chiến trường này. Trước chiến dịch Điện Biên chúng chỉ mới thấy có sơn pháo, nghĩa là pháo mang vác và các loại súng cối của ta mà thôi. Ta đã giữ được bí mật về lực lượng cho đến phút cuối cùng, tạo ra một bất ngờ lớn cho địch, khiến chúng choáng váng không kịp trở tay. Bất ngờ thứ hai chính là bất ngờ về cách đánh của pháo binh ta. Một cách đánh tổng hợp, sáng tạo, phát huy hiệu lực của tất cả các loại pháo mà địch chưa từng gặp bao giờ trên chiến trường Đông Dương.

        Nhà văn Khuất Quang Thụy - Chúng tôi cũng được biết rằng trước Điện Biên Phủ, Pháo binh Việt Nam cũng đã có những trận đánh rất hay như đánh tàu địch trên sông Lô hay ở chiến dịch Biên Giới - Thu Đông năm 1950. Nhưng để có được một lực lượng pháo binh hùng mạnh cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ chắc hẳn chúng ta đã phải có một cuộc chuẩn bị rất kỹ càng và bí mật?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 06:22:03 am »


        Thiếu tướng Đỗ Quốc Ân - Đúng vậy, trước chiến dịch Thu Đông năm 1950, pháo binh của quân đội ta mới chỉ được tổ chức thành những phân đội, liên đội, quy mô tác chiến hiệp đồng còn nhỏ, chủ yếu là tác chiến hỗ trợ bộ binh. Trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang, Đảng, Bác Hồ và Bộ Tổng Tư lệnh quân đội ta luôn hướng tới việc hình thành những đơn vị có khả năng tác chiến tập trung, tiến tới tác chiến hiệp đồng binh chủng. Có như vậy mới tạo được sức mạnh trên chiến trường để đánh những đòn then chốt, quyết định. Vì thế vào ngày 20 tháng 11 năm 1950, tại bản Nà Tấu, Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng Trung đoàn sơn pháo đầu tiên của quân đội ta là Trung đoàn 675 đã được thành lập. Sở dĩ lấy phiên hiệu là 675 vì trung đoàn gồm sáu liên đội là sơn pháo 75ly hợp lại. Xét về mặt quân số, trang bị thì có vẻ như ta làm một con số cộng, nhưng xét về mặt tư duy tác chiến hiện đại thì đây là một cấp số nhân, một sự trưởng thành về chất của Pháo binh Việt Nam. Sau này trên chiến trường Điện Biên, Trung đoàn sơn pháo 675 mà anh Nguyễn Đình Ước lúc đó là quyền Chính ủy, đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh, cũng như trong những trận tập kích hỏa lực của pháo binh ta tại chiến trường. Đến năm sau, vào ngày 27 tháng 3 năm  1951, Bộ Tổng Tư lệnh lại ra quyết định thành lập Đại đoàn 351, là đại đoàn công pháo, đại đoàn binh chủng đầu tiên của quân đội ta. Đây lại là một bước tiến mới về tổ chức, xây dựng lực lượng và tư duy tác chiến. Trong đội hình Đại đoàn 351, về pháo binh có Trung đoàn 675 Sơn pháo 75 ly, Trung đoàn 45 lựu pháo 105 ly và Tiểu đoàn 960... Đây là một bước chuẩn bị rất quan trọng cho sự trưởng thành của Pháo binh Việt Nam. Trung đoàn pháo binh 45 có một lịch sử rất đặc biệt, có thể nói "rất Việt Nam" nữa. Vì để xây dựng một trung đoàn lựu pháo hiện đại vài năm sau sẽ làm mưa làm gió trên chiến trường Điện Biên, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã có một quyết định quan trọng là rút một trung đoàn bộ binh có xuất thân từ "tự vệ chiến đấu thành Nam Định", đó là Trung đoàn 34 của Liên khu 3, từng được Bác Hồ tặng danh hiệu "Trung đoàn Tất Thắng" để đưa đi học chuyển loại. Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên vốn là một cán bộ chỉ huy của Trung đoàn lựu pháo 45 từ ngày ấy, Thiếu tướng hẳn biết rất rõ quá trình xây dựng và trưởng thành của Trung đoàn 45.

        Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên - Vâng... Anh em cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn 34 hồi đó đa số là công nhân, nông dân, trình độ văn hóa rất hạn chế. Để bắn pháo được, trước hết phải dạy anh em học văn hóa đã rồi mới học kỹ thuật, chiến thuật. Được sự giúp đỡ về trang bị, vũ khí và huấn luyện của nước bạn Trung Quốc, sau 18 tháng huấn luyện chuyển binh chủng, chúng ta đã xây dựng thành công một trung đoàn lựu pháo hiện đại để chuẩn bị cho trận quyết chiến cuối cùng tại Điện Biên Phủ.

        Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Phải nói rõ điều này, trước khi có lựu pháo thì sơn pháo 75 là hỏa khí hỗ trợ đắc lực cho bộ binh ta trong tất cả các chiến dịch, các trận đánh lớn. Nhưng nếu muốn khống chế được pháo binh địch trong một tập đoàn cứ điểm lớn như Điện Biên Phủ thì phải có lựu pháo 105 ly và phải được bố trí trong một thế trận hợp lý thì mới khống chế được pháo binh địch.

        Nhà văn Lê Thành Nghị - Chúng ta xây dựng trung đoàn lựu pháo đầu tiên từ năm 1951. Vậy mà tới tận năm 1954 chúng ta mới đưa lựu pháo vào trận. Một cuộc "mai phục ém quân" cũng rất dài phải không ạ?

        Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Sử dụng vũ khí mới vào thời điểm nào là cả một nghệ thuật, là tài năng và bản lĩnh của những nhà cầm quân. Không phải ngẫu nhiên mà tới Điện Biên Phủ chúng ta mới để lựu pháo xuất trận, cũng không phải ngẫu nhiên mà tên lửa Sam và máy bay MiG xuất hiện và đánh thắng những trận đầu quan trọng vào những năm 1966 - 1967 hay xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ xuất trận lần đầu khi ta đánh trận Khe Sanh, nơi mà tướng Oét-mo-len và Bộ chỉ huy của ông ta từng ký cam kết bằng máu để không xảy ra một "Điện Biên Phủ" thứ hai ở Việt Nam. Lựu pháo 105 ly hồi đó là một hỏa khí có uy lực rất mạnh, thằng Tây vốn rất sùng bái vũ khí, vì thế khi những "ông sấm" lần đầu lên tiếng ở Điện Biên đã tạo nên một sự chấn động về tâm lý rất lớn cho quân đồn trú tại Điện Biên. Và tôi nghĩ rằng khi tiếng lựu pháo của ta vang lên trong lòng chảo Điện Biên thì cả tướng Na-va, cả Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương cũng phải giật mình.

        Nhà văn Khuất Quang Thụy - Chúng tôi nghe kể rằng chỉ riêng chuyện đưa được trung đoàn lựu pháo về Việt Nam cũng đã là cả một trang huyền thoại lý thú rồi, phải không ạ?
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:50:42 pm »


        Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên - Rất lý thú. Vì có lẽ chẳng ở đâu lại có thể có được một cuộc hành quân pháo binh lạ lùng đến thế. Pháo xe kéo hẳn hoi nhưng lại được hành quân bằng đường thủy. Phải mất hai tháng trời chuẩn bị trung đoàn mới chặt đủ 30 ngàn cây bương, đóng được 100 cái bè, mỗi bè có trọng tải 4 tấn. Pháo xe kéo hẳn hoi, nhưng lại không hành quân đường bộ mà được tháo tung ra, đưa xuống bè nứa, đi đường sông. Đưa được hàng trăm tấn vũ khí, khí tài, xe cộ vượt qua được 25 cái thác trên một đoạn đường dài trên 100 ki-lô-mét đường sông quả là một kỳ công. Chính đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái khi đến thăm trung đoàn sau cuộc hành quân này đã nhận xét rằng "Đây là một cuộc hành quân hiếm có trong lịch sử chiến tranh thế giới từ xưa tới nay". Đây cũng là một sáng kiến rất táo bạo, độc đáo, và cũng là một cú bất ngờ khiến cho tình báo, gián điệp và máy bay do thám của địch không thể phát hiện được trung đoàn lựu pháo của ta đang ở đâu?

        Nhà văn Lê Thành Nghị - Nhưng vào cuối năm 1953. Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương cũng biết rằng Việt Minh đã có lựu pháo 105 ly chứ ạ?

        Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Biết chứ... Nhưng chúng không biết được chúng ta đang ở đâu và chúng cũng cho rằng bộ đội ta chưa thể sử dụng lựu pháo trong những trận đánh lớn, nhất là đánh tập trung hiệp đồng binh chủng. Chúng lại càng không thể tin rằng chúng ta có thể đưa lựu pháo lên Điện Biên mà lại đưa lên cả hơn hai chục cỗ đại bác nặng nề, cồng kềnh đến như thế!

        Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên - Chính các chiến sĩ pháo binh lúc đó cũng không hình dung nổi làm sao mình lại có thể vượt qua hơn 500 ki-lô-mét đường mới mở, đèo cao suối sâu, khe hiểm để đưa được cả một trung đoàn pháo an toàn lên chiến trường Điện Biên. ở đây phải kể tới công lao to lớn của hàng ngàn hàng vạn dân công và bộ đội công binh ngày đêm xẻ núi mở đường cho pháo ta lên Điện Biên. Có hàng trăm câu chuyện cảm động về gương hy sinh thầm lặng của những người mở đường thắng lợi. Có thể nói rằng nếu không có họ thì chúng ta cũng không thể có chiến thắng lịch sử này.

        Nhà văn Khuất Quang Thụy - Đến tận ngày hôm nay, con đường lên Điện Biên của chúng ta vẫn còn rất hiểm trở, chúng tôi thật khó hình dung được ý chí và quyết tâm của quân dân chúng ta ngày ấy. Có lẽ đây chính là một trong những điều làm nên cái mà các tướng lĩnh và những nhà nghiên cứu lịch sử phương Tây gọi là "sự bí ẩn" Việt Nam chăng? Nhưng vẫn còn một chuyện nữa, đó là chuyện kéo pháo vào kéo pháo ra? Chúng tôi cũng đã biết rằng do thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" mà phải kéo pháo ra, làm đường mới cho pháo vào trận địa. Nhưng để chấp hành được mệnh lệnh đó của Tổng tư lệnh chắc chắn là vô cùng gian khổ?

        Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Gian khổ thì đã đành, pháo kéo vào rồi, bày binh bố trận rồi lại phải kéo ra. Mà kéo pháo ra bằng sức người, đâu phải chuyện đơn giản. Những tấm gương hy sinh lấy thân mình cứu pháo như anh hùng Tô Vĩnh Diện đâu phải chỉ có một. Hình như ở đơn vị anh Kiên lúc đó còn có một đồng chí nữa cũng hy sinh trong trường hợp như vậy, phải không?

        Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên - Vâng, đó là đồng chí Nguyễn Văn Chức, chiến sĩ Đại đội 806. Đó là khi đại đội này đang kéo pháo vượt qua một con dốc đứng thì pháo đứt dây, có nguy cơ lao xuống vực, đồng chí Chức đã dũng cảm lấy thân mình chèn vào bánh pháo để khẩu pháo bật nghiêng vào phía taluy, không rơi xuống vực. Đó là rạng sáng ngày 25-1, trong đợt kéo pháo vào. Ngày hôm đó toàn trung đoàn tôi đã hoàn thành việc đưa pháo vào trận địa. Sau đó thì có chuyện thay đổi phương châm tác chiến và phải kéo pháo ra. Bộ Tổng Tư lệnh rất coi trọng nhiệm vụ này nên đã thành lập cả một Bộ chỉ huy kéo pháo và chỉ định các đồng chí Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, đồng chí Phạm Ngọc Mậu Chính ủy và đồng chí Đào Văn Trường - Đại đoàn phó đại đoàn Công pháo là những người chỉ huy chiến dịch kéo pháo ra. Sau khi đã kéo pháo ra thì Đại tướng Tổng tư lệnh tới thăm chúng tôi và nhắc nhở. Để chuẩn bị cho "đánh chắc, tiến chắc", pháo binh phải xây dựng công sự thật vững chắc, sẵn sàng đối đầu với pháo binh và máy bay ném bom của địch (Thiếu tướng lấy ra một tấm sơ đồ hầm pháo đưa ra cho mọi người xem). Đây các anh xem. Đây chính là sơ đồ cấu trúc hầm pháo lúc đó. Với sự giúp đỡ của công binh và bộ binh, chúng tôi đã xây dựng được mấy chục cái hầm pháo kiên cố như thế này ở nhiều trận địa khác nhau, rồi xây dựng mạng lưới đài quan sát, trận địa giả để đánh lạc hướng máy bay địch... Chính nhờ có hệ thống trận địa vững chắc, kiên cố mà pháo binh ta đã bảo toàn được lực lượng và chiến thắng pháo binh địch trong những trận đối pháo ác liệt và những trận oanh kích bằng máy bay của địch. Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, pháo binh ta không mất một khẩu nào, ngược lại thì pháo binh địch đã từng bước bị khống chế và tiêu diệt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:58:01 pm »


        Nhà văn Lê Thành Nghị - Có lẽ đây chính là lý do khiến trung tá Pi-rốt, chỉ huy pháo binh của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ phải tự sát?

        Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Cũng không khó lý giải về cái chết của trung tá Pi-rốt. Là một viên sĩ quan chỉ huy pháo binh rất giỏi, lại ngạo mạn, nên y đã từng cam kết với Đờ Ca-xtơ-ri và cả Na-va rằng sẽ làm câm họng mấy khẩu pháo "tép" của Việt Minh bất kỳ lúc nào hắn muốn. Hắn cũng không thể tin được rằng pháo binh của Việt Minh đã đủ sức để đương đầu trực diện với pháo binh Pháp. Vì thế vào ngày 13 tháng 3, khi cùng một lúc 240 khẩu pháo, cối của ta đồng loạt dội lửa vào Him Lam, rồi sau đó bắn khống chế cả khu trung tâm và sân bay Mường Thanh thì Pi-rốt vô cùng sửng sốt. Điều khiến y bất ngờ không chỉ là quy mô và cường độ của trận tập kích mà còn vì hắn không ngờ pháo binh của Việt Minh lại bắn giỏi, bắn trúng và tạo nên một uy lực ghê gớm đến như vậy. Phải chứng kiến cảnh các trận địa pháo của mình bị bắn tan tác, hoàn toàn bất lực trước pháo binh đối phương nên Pi-rốt đành phải chọn cái chết.

        Nhà văn Lê Thành Nghị - Đúng là pháo binh ta ở Điện Biên Phủ đã chiến thắng trong cuộc đối đầu với pháo binh địch. Để bảo vệ các trận địa pháo của ta, ngoài việc làm hầm pháo kiên cố, bí mật ra, chúng ta còn có những biện pháp gì khác nữa?

        Trung tướng Nguyễn Đình Ước - Tất nhiên chúng ta phải có nhiều biện pháp. Thứ nhất là việc xây dựng trận địa kiên cố thì ta đã nói rồi. Mỗi hầm pháo ở Điện Biên Phủ là cả một công trình lớn. Vì thế cũng có lúc bom pháo địch đánh tới gần các hầm pháo mà ta vẫn an toàn. Thứ hai là có sự hỗ trợ, bảo vệ của pháo cao xạ. Khác với trận Nà Sản, lần này chúng ta đã bố trí một lực lượng phòng không khá mạnh đủ để khiến cho bọn phi công Pháp và Mỹ phải hoảng sợ nên không phát huy được lợi thế từ trên không. Thứ ba là có những trận địa nghi binh. Đó là những trận địa giả, mỗi lần pháo ta bắn thì những trận địa giả cho nổ bộc phá tạo khói, thu hút hỏa lực pháo binh và máy bay địch về phía mình, bảo vệ an toàn cho các trận địa pháo thật. Tôi biết một đồng chí rất giỏi làm trận địa giả, đó là anh Nguyễn Xuân Nhị, sau này anh ấy cũng trưởng thành, trở thành một đại tá rồi nghỉ hưu. Một mình anh ấy đã lôi kéo được không biết bao nhiêu là bom pháo về phía mình. Tôi cho rằng, đó cũng là những hành động rất anh hùng mà lịch sử không thể lãng quên.

        Nhà văn Khuất Quang Thụy - Các đồng chí có thể đánh giá như thế nào về cách đánh của pháo binh ta ở Điện Biên Phủ?

        Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên - Tôi cho rằng tới Điện Biên Phủ, pháo binh của chúng ta đã trưởng thành về nhiều mặt, trong đó có cả cách đánh. Có trận đánh tập kích lớn với nhiều tầng hỏa lực, nhiều loại pháo vào một cứ điểm kiên cố như Him Lam. Có thể nói đó là lối đánh sấm ran chớp giật áp đảo hoàn toàn hỏa lực địch, đánh trúng ngay cơ quan chỉ huy đầu não, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong dứt điểm. Nhưng lại có trận dùng hỏa lực pháo binh đánh địch phản kích ngoài công sự, với mật độ đạn dày đặc và độ chính xác cao, đó là trận đánh ngày 15-3 khi địch tung lực lượng cơ động ra định chiếm lại đồi Độc Lập vừa bị mất. Nhưng có lẽ trận đánh mà tôi tâm đắc nhất là trận phối hợp với bộ binh và pháo cao xạ khống chế và chia cắt sân bay Mường Thanh, tạo ra sự uy hiếp trực tiếp khu trung tâm căn cứ địch và cắt đứt cái dạ dày của chúng. Đây là một cách đánh phối hợp rất nhịp nhàng giữa các lực lượng pháo binh với nhau, giữa pháo binh và bộ binh, chứng tỏ trình độ hiệp đồng tác chiến của chúng ta đã tiến bộ rất nhiều. Ngoài ra, còn phải kể tới cách đánh kiềm chế, gây áp lực thường xuyên khiến kẻ địch trong lòng chảo Điện Biên ăn không ngon ngủ không yên, ở chỗ nào cũng cảm thấy không an toàn. Trong khi các đơn vị lựu pháo đánh từ xa, thì chúng ta vẫn phát huy lối đánh gần, cách đánh truyền thống của sơn pháo, ĐKZ súng cối.

Tạp chí văn nghệ quân đội số 593 tháng 3-2004       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 02:08:09 pm »


TRUNG ĐOÀN 34 TẤT THẮNG - TRUNG ĐOÀN TRỌNG PHÁO ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI TA

Nguyễn Hữu Mỹ và Nguyễn Trung Kiên       

        Sau chiến dịch Biên Giới 1950, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định xây dựng trung đoàn trọng pháo nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến trường. Trung đoàn bộ binh 34 được vinh dự nhận nhiệm vụ vinh quang ấy.

        Cuối tháng 12 năm 1950, toàn Trung đoàn 34 được lệnh rút quân khỏi Nam Định lên Cao Bằng. Con đường hành quân đi bộ vòng vèo từ Vụ Bản sang Nho Quan - Ninh Bình, lên Dốc Cun - Hòa Bình, qua Chợ Chu - Thái Nguyên, về khu Nước Hai - Cao Bằng dài hơn 500 ki-lô-mét. Cuộc hành quân của trung đoàn trong thời điểm lúc bấy giờ khá vất vả. Nhiều anh em bị sốt rét, đau ốm.

        Tháng 3 năm 1951, trung đoàn lại hành quân dọc theo biên giới đến Hà Giang, sang Mông Tự, Vân Nam - Trung Quốc. Cuộc hành trình gian khổ, qua núi cao, rừng thẳm, suối sâu. Tại quân khu Tây Nam - Trung Quốc, anh em được bạn đón tiếp chu đáo. Trung đoàn được trang bị 20 khẩu pháo 105 ly với 3.500 viên đạn, 40 xe GMC, 2 xe công trình và cần cẩu, 33 máy quan trắc, 66 tổng đài và điện thoại, 100 ki-lô-mét dây. Chiến sĩ ta được trang phục theo tiêu chuẩn Quân giải phóng Trung Quốc. Khâu hậu cần do phía bạn phục vụ. Cán bộ Quân giải phóng Trung Quốc huấn luyện cho ta gọi là Công tác đoàn, gồm một cán bộ tham mưu trưởng trung đoàn, một cán bộ tham mưu, cán bộ kỹ thuật và một số cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện nằm ngay tại đơn vị.

        Năm 1949, Trung Quốc mới được giải phóng, năm 1951 còn gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng rất quý ta như anh em ruột thịt. Bạn cố gắng chăm lo cho trung đoàn mọi điều kiện để huấn luyện tốt. Hết năm 1952, ta hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện pháo binh.

        Tháng 1 năm 1953, trung đoàn được bạn tổ chức buổi lễ bàn giao trang bị và tiễn chân về nước. Hôm ấy là một kỷ niệm sâu sắc đối với cả bạn và ta. Tại sân vận động thị trấn Tân An (Mông Tự - Trung Quốc) diễn ra buổi lễ bàn giao thật trang nghiêm, cảm động. Thiếu tướng Trần Tử Bình thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp nhận xe pháo, trang thiết bị của bạn tặng trung đoàn. Tiếp đó đồng chí Trần Tử Bình tặng trung đoàn lá cờ thêu tám chữ: "ẩn lặng như tờ, đánh mạnh như sét". Đồng chí Tư lệnh Quân đoàn 38 Quân giải phóng Trung Quốc cũng tặng lá cờ thêu bốn chữ Hán: "Bách phát bách trúng". Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 34 ôm hôn cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng Trung Quốc chia tay lưu luyến.

        Trở về bằng phương tiện cơ giới, nên trung đoàn nhanh chóng tới Lào Cai. Ai cũng mừng vui. Toàn bộ xe pháo lần lượt được đưa vào rừng Phố Lu chờ đợi. Để giữ bí mật, sau khi cân nhắc, cấp trên đã hạ lệnh cho xe pháo xuống bè xuôi Yên Bái. Nhận lệnh cho xe pháo xuống bè, anh em vô cùng lo lắng. Tháo ra thì dễ, lắp vào thì khó, liệu có làm nổi không? Lệnh trên phải thi hành. Một thử thách đầu tiên cho trung đoàn. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn quyết tâm thực hiện lệnh tháo xe, tháo pháo, gói bọc từng bộ phận để không bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Tỉnh ủy Lào Cai, Yên Bái cử cán bộ giúp trung đoàn, huy động hơn 30 thanh niên giỏi nghề sông nước cùng trung đoàn đưa thuyền bè vượt qua 25 thác ghềnh nguy hiểm từ Phố Lu về Yên Bái. Nơi nào hai bờ sông quang đãng, phải dừng lại, đi đêm. Cuộc hành trình đưa xe pháo về nơi tập kết bằng bè tuy vất vả nhưng anh em vẫn phấn khởi, vì từ nay ta đã có trọng pháo đánh địch. Đồng chí Trác đã cảm hứng sáng tác bài hát "Pháo xuôi bè" rất vui nhộn. Cuối cùng thuyền, bè chở pháo cập bến Âu Lâu (Yên Bái) an toàn. Để đảm bảo bí mật tuyệt đối, trung đoàn phải bốc dỡ xóa dấu vết ngay trong đêm. Ngày 21 tháng 4 năm 1953, toàn bộ xe pháo về đến Tuyên Quang an toàn tuyệt đối. Anh em trung đoàn thở phào yên tâm. Sau khi đào hầm giấu xe pháo xong, anh em tìm hang giấu đạn. Hằng ngày ôn luyện, cả trung đoàn ai cũng nóng lòng mong đợi có lệnh pháo được ra quân.

        Tháng 6 năm 1953, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tổng tham mưu trưởng dẫn đầu phái đoàn của Bộ đến thăm trung đoàn. Sau khi kiểm tra xong, đồng chí biểu dương "cán bộ, chiến sĩ trung đoàn có trình độ kỹ thuật khá thuần thục".

        Ngày 20 tháng 12 năm 1953, chúng tôi được triệu về Bộ Tổng Tham mưu nghe đồng chí Trần Văn Quang - Cục trưởng Cục Tác chiến phổ biến nhiệm vụ. Nhận nhiệm vụ xong, chúng tôi sang gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

        Đại tướng hỏi:

        - Tình hình pháo thế nào? Bây giờ hành quân lên Tây Bắc có khó khăn gì không?

        - Báo cáo Đại tướng, tất cả chuẩn bị sẵn sàng lên đường. Bản thân trung đoàn còn thiếu xe chở người, nhưng đã bàn kế hoạch hành quân với đồng chí Trần Văn Quang ưu tiên đưa pháo, đạn, trang bị và những nhân viên cần thiết đi trước. Còn bộ đội hành quân đi bộ. Đồng chí Quang hứa điều thêm xe cho trung đoàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 11:37:39 pm »

           
        Đại tướng căn dặn:

        - Hành quân phải cẩn thận, đường rừng đi đêm khó, ban ngày phải trú quân trong rừng, ngụy trang thật kín. Chúc các đồng chí cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

        Mong đợi mãi mới có lệnh xuất quân tham gia chiến dịch Thu Đông cùng với các đơn vị bạn. Từ khi Na-va tung quân vào cứ điểm Điện Biên Phủ, cả nước đã lên đường đi chiến dịch, nhưng Trung đoàn pháo binh Tất Thắng vẫn phải nằm im chờ lệnh. Cán bộ, chiến sĩ rất nóng ruột. Có chiến sĩ làm thơ gửi gắm tâm tư của trung đoàn như sau:

                                       "Chiến dịch Thu Đông đã đến rồi.
                                       Trung đoàn Tất Thắng vẫn nằm chơi.
                                       Sao không kéo pháo ra trận nhỉ?
                                       Chiến dịch Thu Đông đã đến rồi...".


        Hiểu được sự mong mỏi của Trung đoàn Tất Thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã động viên và căn dặn: "Phải giữ bí mật về hỏa lực lớn mới giành được bất ngờ. Sử dụng trọng pháo vào lúc nào, ở đâu, phải có thời cơ và phải thu được thắng lợi đích đáng".

        Trở về báo tin vui, toàn trung đoàn nô nức nhanh chóng chuẩn bị kéo pháo ra trận. Ngày 22 tháng 12 năm 1953, trung đoàn 34 xuất phát từ Tuyên Quang, đến ngày 7 tháng 1 năm 1954 đơn vị tới vị trí tập kết ở Tuần Giáo an toàn. Cuộc hành quân dài hơn 500 ki-lô-mét cực kỳ gian khổ. Qua đèo Lũng Lô, Pha Đin, Tạ Khoa, Cò Nòi là những điểm phi cơ địch oanh tạc đánh phá ác liệt.

        Một cuộc họp lịch sử được tổ chức để Đại tướng trao nhiệm vụ cho các đơn vị tác chiến tại chiến dịch Điện Biên Phủ với tên gọi "Chiến dịch Trần Đình". Để giữ bí mật tuyệt đối, trung đoàn trọng pháo không dùng xe để chiếm lĩnh trận địa, mà kéo pháo bằng sức người. Đại đoàn 308, Trung đoàn sơn pháo 675, Trung đoàn công binh 151 làm nhiệm vụ mở đường để kéo pháo từ Nà Nham ki-lô-mét 70 vào ki-lô-mét 42, luồn lách trong rừng rậm, qua đỉnh Pha Sông cao 1.450 mét. Anh em trong trung đoàn băn khoăn lo lắng trước thử thách gian nan mới: Sau những ngày đêm hành quân bằng cơ giới vất vả dưới làn bom đạn của địch, nhiều đồng chí đã ngã xuống; nay lại kéo pháo bằng sức người; mỗi khẩu pháo nặng hai tấn phải kéo vượt qua dốc cao. Cả trung đoàn kéo pháo vào đến Bản Tấu thì có lệnh kéo pháo ra ngay. Chiến sĩ ngơ ngác nhìn nhau, chẳng hiểu thế nào. Hay là bị lộ chăng? Lại một chặng đường kéo pháo ra cực kỳ gian khổ, không kém lúc kéo pháo vào. Tổng cộng kéo pháo vào, kéo pháo ra mất 18 ngày. Đúng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, tức ngày 5 tháng 2 năm 1954, toàn bộ 24 khẩu pháo được kéo bằng tay trở lại vị trí ban đầu. Đến ngày mồng 5 Tết, bộ đội pháo binh mới được ăn Tết mừng "Kéo pháo vào, kéo pháo ra thắng lợi".

        Ngày 7 tháng 2 năm 1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch họp cán bộ trung cao cấp toàn Mặt trận quán triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc", không phải như lúc đầu là "đánh nhanh, giải quyết nhanh".

        Trung đoàn pháo binh lại dùng xe chiếm lĩnh trận địa mới. Xây dựng 15 trận địa thành hai tuyến, lấy nóc hầm chỉ huy tướng Đờ Ca-xtơ-ri làm chuẩn. Từ các trận địa đến mục tiêu trung bình từ 6 đến 8 ki-lô-mét. Xây dựng 25 đài quan sát. Mỗi khẩu pháo đào một hầm đủ mười pháo thủ ở và một khẩu pháo. Gỗ dày 30 cen-ti-mét chôn xung quanh hầm. Nóc hầm rải một lượt nứa, một lượt đất dày 3 mét để chống bom. Công việc xây dựng trận địa pháo thật vất vả công phu. Từ đại đội bộ đến trận địa pháo, đài quan sát, đào giao thông hào để đi lại. Mọi sinh hoạt đều trong hầm. Không ai được làm gì trên mặt đất. Hệ thống điện thoại trận địa pháo mắc tới 380 ki-lô-mét dây vẫn chưa đủ.

        Đêm 11 tháng 3 năm 1954, trung đoàn pháo hoàn thành nhiệm vụ, hồi hộp chờ lệnh bắn quả đạn đầu tiên vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đúng lúc ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện đến hỏi:

        - Công tác chuẩn bị đã sẵn sàng chưa?

        - Báo cáo xong cả rồi..

        - Các  anh đã đi kiểm tra hết các đơn vị chưa? Hiện giờ còn khó khăn gì không?

        - Báo cáo Đại tướng, các đơn vị đã sẵn sàng. Khó khăn nhất hiện nay là thông tin thiếu dây, máy.

        Đại tướng ngừng nói điện thoại, chỉ thị cho cán bộ tham mưu:

        - Đồng chí Hoàng Văn Thái báo cho Cục trưởng thông tin Hoàng Đạo Thúy cố gắng điều chỉnh các máy điện thoại và dây của Mặt trận và lấy cả máy của tôi cho trung đoàn pháo. Tôi sẽ sử dụng chung máy của Bộ tham mưu.

        Sáng ngày 13 tháng 3 năm 1954, Đại tướng chỉ thị cho trung đoàn trưởng pháo binh:

        - Tập kích hỏa lực chiều nay mãnh liệt, bất ngờ, chuẩn xác. Đồng ý cho bắn thử hai phát vào cứ điểm Him Lam.

        Đúng 17 giờ, ngày 13 tháng 3 năm 1954, pháo ta bắn vào cứ điểm Him Lam, đạn trúng chỉ huy sở tiểu đoàn lê dương Pháp. Trung đoàn 209 Đại đoàn 312 nhanh chóng tiến lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Tên chỉ huy trưởng bị chết cùng chỉ huy phó và 200 tên trong hầm do pháo của ta. Còn 286 tên sống sót bị bắt làm tù binh. Ta thu toàn bộ vũ khí, trang bị của cứ điểm Him Lam.

        Tối ngày 14 tháng 3 năm 1954, đại đội 803, 802 bắn 100 phát vào cứ điểm Độc Lập chi viện cho Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 chiến đấu.

        7 giờ 15 phút, ngày 15 tháng 3 năm 1954, quân ta làm chủ cứ điểm Độc Lập.

        Địch ở trung tâm Mường Thanh cho hai tiểu đoàn, bảy xe tăng ra cứu viện đồi Độc Lập. Đại đoàn 308 và pháo binh ta bẻ gãy cánh quân cứu viện, 5 đại đội Âu Phi bị tiêu diệt và bắt sống. Chỉ trong hai ngày ta đánh thắng Him Lam, Độc Lập.

        Ngày 17 tháng 3 năm 1954, Đại đội 803 được lệnh nã pháo vào cứ điểm Bản Kéo. Quân địch khiếp sợ chạy tán loạn về Mường Thanh, một số ra hàng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen trung đoàn pháo binh: "Trong cuộc chiến đấu, pháo binh đã hoàn thành nhiệm vụ phối hợp với bộ binh một cách vẻ vang. Trong các ngày chiến đấu, pháo binh ta đã làm cho địch kinh hoàng. Pháo binh được đón nhận cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" của Hồ Chủ tịch.

        Bị pháo binh ta tiến công dồn dập, quân địch thất bại nặng nề, tên quan năm Pi-rốt tư lệnh pháo binh địch, phó chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải tự sát tại chỉ huy sở, vì Pi-rốt không "khóa mõm" được pháo binh Việt Minh như lúc chúng xây dựng căn cứ Điện Biên Phủ đã từng huênh hoang tuyên bố: "Việt Minh không thể mang pháo vào được. Nếu có mang vào thì cũng không bắn tới được. Nếu Việt Minh đặt pháo gần thì khi bắn ánh lửa sẽ lộ, pháo binh của Pháp sẽ diệt ngay".

        Khi tập trung các binh chủng, các đại đoàn về cánh đồng Mường Phăng mừng chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 34 - Tất Thắng, trung đoàn trọng pháo đầu tiên của quân đội ta.

(Hồi ký bạn chiến đấu pháo binh 1997)       
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 11:42:30 pm »


KÉO PHÁO VÀO, KÉO PHÁO RA TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

        Ngày 13 tháng 1 năm 1954, trong hang núi Thẩm Bắc thuộc huyện Tuần Giáo, toàn cảnh Điện Biên Phủ hiện lên trên một sa bàn cát lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng Mặt trận, báo cáo trước toàn thể cán bộ chỉ huy các cấp về mục đích, ý nghĩa của chiến dịch "Trần Đình" (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Về phương án tác chiến, là dùng ba mũi thọc sâu vào trung tâm Mường Thanh, nhằm chia cắt địch ra từng mảng mà tiêu diệt. Phương châm tác chiến là "Đánh nhanh, giải quyết nhanh", tập trung binh, hỏa lực mạnh đột phá từ hướng Tây. Hai trung đoàn trọng pháo và cao xạ 37 ly tập trung bố trí trên cánh đồng ở Bản Nghịu, Nà Hi, Nà Tấu phía Bắc và Tây Bắc Điện Biên Phủ. Hai trung đoàn pháo xe kéo phải bỏ xe lại khu tập kết, dùng sức người để kéo mấy chục cỗ pháo vượt qua dải núi hiểm trở, có đỉnh cao trên 1000 mét từ đường Tuần Giáo đi Lai Châu. Chúng tôi tập trung theo dõi hướng chỉ của chiếc gậy trong tay Đại tướng đang lướt từ từ trên sa bàn cát, qua những dãy nũi cao trập trùng mà trong lòng vô cùng lo lắng. Đại tướng giải thích thêm: "... Chúng ta mở đường, dùng sức người để kéo pháo không phải vì chúng ta không làm được đường cho xe chạy, mà chính là để giữ bí mật, để giành yếu tố bất ngờ...".

        Theo quyết tâm đó, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng Mặt trận, phổ biến kế hoạch làm đường kéo pháo vào trận địa:

        - Đại đoàn 308, Trung đoàn sơn pháo 675, Trung đoàn công binh 151 đảm nhiệm mở đường trong thời gian một ngày đêm.

        - Đại đoàn 312, Trung đoàn lựu pháo 45, Trung đoàn cao xạ 367, đảm nhiệm kéo 40 khẩu pháo vào trận địa, thời gian là bảy ngày đêm.

        - Đạn pháo do anh chị em dân công hỏa tuyến vận chuyển theo đường kéo pháo.

        - Bộ chỉ huy kéo pháo do các anh Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, làm Chỉ huy trưởng; anh Phạm Ngọc Mậu - Chính ủy Đại đoàn 351 và anh Phạm Kiệt - Cục phó Cục Bảo vệ, làm Phó chỉ huy trưởng.

        - Ngày 15 tháng 1 năm 1954 bắt đầu mở đường, ngày 16 tháng 1 bắt đầu kéo pháo vào.

        Hội nghị kết thúc, nhiệm vụ rất khẩn trương, mọi công việc trao đổi, quán triệt đều được triển khai ngay trên đường trở về đơn vị trong ngày 14 tháng 1.

        Ngày 15 tháng 1, gần 6.000 con người, với công cụ làm đường, đã rải đều trên dọc tuyến đường men theo các đồi núi dài 15 ki-lô-mét, bắt đầu từ ki-lô-mét 70 bản Nà Nham, đường Tuần Giáo - Điện Biên, vắt qua đỉnh Pha Sông cao 1.150 mét, đổ xuống Bản Tấu, đường Điện Biên - Lai Châu, vươn tới Bản Nghịu, cánh đồng Nà Lư, nơi đặt trận địa pháo. Từ mờ sáng, bộ đội ta lao động liên tục để mở con đường rộng 3 mét. Mở đến đâu, ngụy trang đến đó. Đến chiều tối, con đường kéo pháo vào đã hoàn thành, nhưng còn có rất nhiều đèo dốc, có cái có độ dốc tới 50 - 60 độ; đường một bên là vách núi, một bên là vực sâu, rất nguy hiểm, pháo dễ rơi xuống vực, có nhiều đoạn rất trống trải.

        Ngày 16 tháng 1, Bộ chỉ huy kéo pháo quyết định kéo thử hai khẩu, gồm một khẩu lựu pháo và một khẩu cao xạ, để rút kinh nghiệm. Ban đầu, 20 chiến sĩ bộ binh dùng dây chão kéo một khẩu pháo, pháo thủ đảm nhiệm chèn, nâng càng, đẩy ghìm pháo. Lúc pháo được kéo qua cánh đồng Nà Nham, nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, nên khá thuận lợi. Nhưng khi bắt đầu lên dốc thì pháo chỉ nhích dần từng tấc, rất nặng nề, khó khăn. Anh Mậu quyết định tăng số người kéo lên 30, rồi 40... Càng lên cao, số người càng tăng dần, tới 100 và trên 100 người để kéo một khẩu pháo. Trải qua đêm thứ nhất gian khổ, vất vả mà bộ đội ta cũng chỉ kéo pháo di chuyển được một ki-lô-mét đường. Vất vả nhất vẫn là anh em pháo thủ, vừa phải nâng càng, vừa chèn đẩy, ghìm khi lên xuống dốc; nhiều lúc pháo lăn sang phải, sang trái, người va vào cả khối sắt đau điếng. Ngày thứ hai, 17 tháng 1, đường kéo pháo bắt đầu vào sâu trong rừng, tương đối kín nên có thể kéo cả ban ngày, nhưng cũng chỉ kéo được tám khẩu và nhích thêm được một ki-lô-mét. Trước tình hình khó khăn đó, mà thời gian chỉ có bảy ngày, nên sang ngày thứ ba, Bộ chỉ huy kéo pháo quyết định cho anh em nghỉ tại chỗ, họp rút kinh nghiệm, rồi kết luận:

        - Công binh phải mở rộng thêm cua, hạ bớt độ dốc, thêm thiết bị tời ở các dốc để kết hợp giữa kéo bằng sức người và quay tời.

        - Bộ binh lấy dây cóc rừng buộc móc vào dây chão rồi quàng vào vai cho từng chiến sĩ kéo, vừa tăng lực vừa không vướng vào chân nhau. Khi kéo cần có sự chỉ huy thống nhất, theo hiệu lệnh: "Hai... ba nào - Dô... ta nào".

        - Pháo thủ đẽo thêm gỗ chèn pháo cho to hơn, đẽo guốc pháo theo hình con vịt để buộc vào dưới lưỡi cày đuôi càng pháo, nhằm thay thế việc nâng càng mà hai càng pháo vẫn lướt nhẹ trên mặt đường.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 11:45:07 pm »


        Ngày thứ tư lại tiếp tục kéo pháo, đường càng lên tới đỉnh Pha Sông độ dốc càng lớn, có dốc phải sử dụng đến bảy cái tời, gọi là Dốc Bảy Tời. Những tiếng hô: "Hai... ba nào! Dô... ta nào!" râm ran suốt cả chặng đường kéo pháo. Có hôm trời mưa, đường trơn, bộ đội vẫn kéo pháo cả ngày lẫn đêm để đưa pháo vào trận địa đúng thời gian. Lính ta mất ngủ, lúc nghỉ là ngủ đứng, ngủ ngồi. Tổng cục Cung cấp đã tăng thêm tiêu chuẩn ăn cho anh em tới chín lạng gạo một ngày mà vẫn cứ đói. Những tấm gương dũng cảm, hy sinh để bảo vệ pháo ngày nào cũng xuất hiện.

        Khẩu đội phó Lê Thi đang lái càng pháo, bị càng va dập cả ống chân, đau đớn vô cùng nhưng không hề kêu mà cứ nghiến răng tiếp tục làm nhiệm vụ để khỏi ảnh hưởng đến tinh thần anh em khác.

        Khi đổ dốc, pháo trôi nhanh, pháo thủ Mận đã ghé cả vai mình vào bánh pháo, tay cầm chèn giữ pháo để pháo không tụt xuống vực. Bánh xe pháo chèn vào chân Mận, anh em tìm mọi cách để cứu bạn, vật vã, loay hoay mãi mà vẫn không đẩy được bánh xe pháo ra. Đồng chí Mận nghiến răng nói: "Thôi các cậu ơi, đằng nào chân tớ cũng hỏng rồi... Cứ cho pháo lăn qua để kịp đưa pháo vào trận địa". Nhưng rồi anh em đã cứu được Mận.

        Pháo của Khẩu đội 3, Đại đội 806, Tiểu đoàn 2 đang xuống dốc thì dây tời đứt, pháo lao mạnh, kéo theo cả đoàn người đang ghìm giữ. Trước nguy cơ khẩu pháo sẽ rơi xuống vực thẳm, bỗng có tiếng hô: "Hãy cứu pháo! Còn người còn pháo!". Ba đồng chí pháo thủ Chức, Ngòi, Cứ lao theo, cố chèn bánh xe pháo. Khẩu pháo chồm qua chèn, rồi đè lên cả thân người chiến sĩ pháo thủ Chức... Khẩu pháo mất đà, quật mạnh vào gốc cây và dừng lại. Đồng chí Chức đã dũng cảm hy sinh.

        Anh em pháo cao xạ cũng có nhiều gương dũng cảm bảo vệ pháo, nổi bật là tấm gương của Khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện đã lấy thân mình chèn pháo... Và còn biết bao gương cán bộ, chiến sĩ đã bị thương, hy sinh do bom, đạn pháo địch trên đường kéo pháo vào.

        Đoạn đường kéo pháo cuối cùng cũng rút ngắn lại. Chính trong thời khắc hào hùng đó, nhạc sĩ Hoàng Vân đã cảm xúc sáng tác bài hát Hò kéo pháo:

                                  ... Sắp tới rồi đồng chí pháo binh ơi!
                                  Vinh quang thay! Sức người lao động...


        Ngày 25 tháng 1 là ngày N. Kể từ khi bắt đầu kéo pháo vào, đã qua chín ngày đêm. Với quyết tâm cao và kế hoạch tổ chức kéo pháo chặt chẽ, toàn bộ số pháo đã được bí mật đưa vào tới trận địa bắn. Đang gấp rút đôn đốc để hoàn thành mọi công tác chuẩn bị bắn cho kịp giờ nổ súng (17h00), chúng tôi nhận được thông báo giờ nổ súng lùi lại 1 ngày, tức ngày 26 tháng 1 năm 1954. Trời về chiều, từ trên đài chỉ huy, tôi đang dán mắt quan sát, theo dõi hoạt động của địch thì Trung đoàn trưởng pháo binh Hữu Mỹ, qua điện thoại, lệnh trực tiếp cho tôi:

        - Tối nay, 26 tháng 1, toàn tiểu đoàn bắt đầu chuyển pháo ra khỏi trận địa, trở về vị trí tập kết tại ki-lô-mét 63 đường Tuần Giáo - Điện Biên.

        - Như thường lệ, anh Hữu Mỹ hỏi: "Rõ chưa?".

        Tôi trả lời:

        - Rõ!

        - Thế thì chấp hành ngay đi, lý do sẽ được giải thích sau.

        Cuộc đàm thoại ngắn gọn, nhưng tâm tư tôi vô cùng nặng nề. Thế là biết bao công sức, mồ hôi, xương máu để kéo pháo vào được trận địa, chỉ còn chờ nổ súng lập công, thì lại... Nhưng đã là mệnh lệnh thì phải nghiêm chỉnh chấp hành.

        Hôm sau, chúng tôi được thông báo cụ thể chỉ thị của đồng chí Hoàng Văn Thái khi đồng chí xuống gặp các anh trong Bộ chỉ huy kéo pháo:

        - Cách đây mười ngày, địch còn nhiều sơ hở, trận địa chúng chưa được củng cố, công sự, chướng ngại vật còn sơ sài, ta chủ trương đánh nhanh, giải quyết nhanh trong vài ba ngày. Nay địch đã tăng cường lực lượng, bổ sung nhiều mìn, dây thép gai, số quân đông hơn, bố trí dày đặc, công sự kiên cố, có nhiều chướng ngại vật. Chúng đã xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, thành hệ thống phòng ngự khá vững chắc. Đảng ủy Mặt trận đã quyết định hoãn cuộc tiến công, kéo pháo ra, tiếp tục chuẩn bị thêm thật kỹ để đánh chắc thắng. Việc kéo pháo ra là công việc cấp bách cần phải làm ngay và phải làm thật tốt. Trước sự thay đổi đột ngột này, khó khăn lớn nhất vẫn là tư tưởng anh em cán bộ, chiến sĩ. Cần lãnh đạo, đảng viên nêu cao tinh thần giác ngộ cách mạng để hoàn thành tốt nhiệm vụ...

        Quả vậy, khi lệnh kéo pháo ra truyền xuống các khẩu đội đã gây nên tâm lý xôn xao. Thường vụ Đảng ủy tiểu đoàn họp, rồi các chi bộ đại đội họp cấp tốc để quán triệt chỉ thị của trên, bàn việc lãnh đạo kéo pháo ra với quyết tâm là: "Tiêu diệt Trần Đình không thay đổi. Kéo pháo ra bây giờ chính là để trở lại lần thứ hai, khi đã có đủ mọi điều kiện chuẩn bị chu đáo chắc thắng sẽ đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa được nhanh gọn, bí mật, an toàn hơn".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 04:29:31 pm »


        Bộ chỉ huy kéo pháo còn đề ra một số yêu cầu trong lần kéo pháo ra:

        - Triệt để chấp hành mật lệnh kéo pháo ra an toàn.

        - Tranh thủ kéo pháo ra càng nhanh càng tốt.

        - Anh dũng vượt qua nơi bị địch bắn chặn, tránh thương vong.

        - Tăng cường ngụy trang, giữ bí mật đường kéo pháo và nơi trú quân, làm công sự cho người và pháo.

        Cuộc vật lộn với đèo cao, dốc thẳm lại bắt đầu. Kéo pháo vào đã vô cùng gian khổ, nay kéo pháo ra lại càng gian khổ gấp bội. Quân địch đã đánh hơi và phát hiện con đường ta kéo pháo, nên ban ngày máy bay "Bà già" liên tục trinh sát, chỉ điểm cho máy bay khu trục ném bom. Ban đêm, chúng câu pháo dồn dập vào các cửa rừng Nà Nham, Bản Tấu, các bãi trống như bãi Chuối, suối Ngựa, dốc Cây Cụt...

        Có đêm, khi pháo ta đang kéo qua dốc Cây Cụt, pháo địch bất ngờ bắn trúng đội hình. Chiến sĩ ta vẫn nắm chắc dây kéo. Loạt đạn pháo thứ hai nổ, đồng chí chính trị viên đại đội đã hô lớn: "Đảng viên, các đồng chí quyết không rời pháo". Một giọng hát bắt nhịp bài Quốc tế ca cất lên, cả đội hình đồng thanh hát theo, át cả tiếng đạn nổ, đã tiếp sức cho lòng dũng cảm, tiếp tục đưa khẩu pháo xuống dốc an toàn.

        Có lần, cả Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 đã dũng cảm lao vào trong khói bom na-pan để kéo năm khẩu pháo vượt ra khỏi khu vực bãi để pháo mà máy bay địch phát hiện được, đang quần lượn bắn phá...

        Từ ngày 26 tháng 1 đến đêm 5 tháng 2 năm 1954, đúng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán, khẩu pháo cuối cùng được ô tô vào đón kéo từ ki-lô-mét 70 trở về ki-lô-mét 63 đường Tuần Giáo, nơi tập kết của Trung đoàn lựu pháo.

        Bộ chỉ huy kéo pháo họp phiên cuối và nhận định: "Trải qua những ngày kéo pháo cực kỳ gian khổ, quyết liệt, bộ binh, công binh, pháo binh đã thực sự vượt qua thử thách. Tình đoàn kết keo sơn giữa ba binh chủng là truyền thống, là sức mạnh và là cơ sở vững chắc cho quân ta chiến đấu thắng lợi trong những ngày tới".

        Sau 20 ngày đêm liên tục lao động gian khổ, dũng cảm, ngày 7 tháng 2, tức mồng 5 Tết, anh em pháo binh chúng tôi mới chính thức được ăn cái Tết "Kéo pháo vào, kéo pháo ra thắng lợi". Hôm ấy, Đại tướng - Chỉ huy trưởng cũng đến thăm và chúc Tết pháo binh và cao xạ. Trong một khu rừng già ở ki-lô-mét 63, dưới trời mưa nặng hạt, Đại tướng ân cần thăm hỏi và căn dặn:

        - Thời gian vừa qua, các đồng chí đã làm tròn nhiệm vụ hành quân ra mặt trận. Các đồng chí lại đã làm tròn nhiệm vụ chuyển pháo vào trận địa, chuyển pháo ra vị trí tập kết. Những nhiệm vụ đó đã được coi như nhiệm vụ chiến đấu của bộ đội pháo binh, vì nó phải thực hiện trong điều kiện hết sức khó khăn. Nhiệm vụ sắp tới còn nhiều khó khăn và nặng nề hơn, phải chuẩn bị thật tốt, phải giữ gìn vũ khí tốt, tranh thủ ôn luyện kỹ thuật. Khi chiến đấu, sử dụng đạn dược phải thật tiết kiệm. Khi mọi việc chuẩn bị chu đáo, các đồng chí lại tiếp tục đưa pháo vào trận địa. Không bắn thì thôi, nhưng đã có lệnh bắn thì nhất định phải bắn trúng đích, làm cho quân địch lần này phải khiếp sợ trọng pháo và cao xạ của  quân ta...

        Thế là, từ phương châm tác chiến "đánh nhanh, giải quyết nhanh", Bộ chỉ huy Mặt trận đã chuyển sang "đánh chắc, tiến chắc". Với phương châm này, ta có thể tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực vào từng đợt, từng trận chiến đấu.

        Trong hội nghị quán triệt nhiệm vụ tác chiến chiến dịch của Đại đoàn 351, tôi nhớ mãi câu nói của Chính ủy Đại đoàn Phạm Ngọc Mậu: "Pháo binh ta còn bé nhỏ, vốn liếng chưa có là bao, phải bảo đảm giữ gìn hỏa lực chiến đấu lâu dài, nên cấp trên đã quyết định làm đường để dùng xe kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Trung đoàn trọng pháo phải xây dựng trận địa có công sự thật vững chắc, pháo cũng phải có công sự có nắp dày 3 mét, chống được đạn pháo 155 ly của địch...".

        Thực hiện quyết tâm đó, ngày 10 tháng 2 năm 1954, Trung đoàn công binh 151, Trung đoàn sơn pháo 675, Đại đoàn 312, Đại đoàn 316 đồng loạt triển khai mở sáu con đường để xe ô tô kéo pháo vào trận địa bắn, đặt trên hai dãy núi Pú Hồng Mèo và Pú Tà Cọ. Sáu con đường đó là:

        - Đường số 1 từ Bản Tấu đến Tà Lùng, dài 27 ki-lô-mét, ở phía Tây Điện Biên Phủ.

        - Đường số 2 từ Bản Sôm đến Pú Hồng Mèo, dài 8 ki-lô-mét.

        - Đường số 3 từ Đa Voong đến Na Lời, dài 3 ki-lô-mét.

        - Đường số 4 từ Pe Na đến Tà Lời, dài 9 ki-lô-mét.

        - Đường số 5 từ Nà Nham đến Mường Phăng, dài 7 ki-lô-mét.

        - Đường số 6 từ Bản Xin qua đỉnh Pú Y Tao, cao gần 1.000 mét, đến Bản Tấu, chạy song song với con đường khi ta dùng sức người kéo pháo vào.

        Chiều dài của sáu con đường tổng cộng gần 75 ki-lô-mét.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM