Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 06:35:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ký ức Pháo binh  (Đọc 25416 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #60 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 10:53:08 pm »


        Bộ đội pháo binh đã luôn luôn coi trọng việc nghiên cứu, khai thác, sử dụng, cải tiến kỹ thuật và nhất là xây dựng nền nếp quản lý, giữ gìn vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.

        Là một Binh chủng kỹ thuật, một Binh chủng chiến đấu, quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công của Đảng, bộ đội pháo binh đã luôn luôn nghiên cứu, nắm vững và khai thác, sử dụng hết tính năng của vũ khí có trong tay, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn cải tiến vũ khí cho phù hợp với điều kiện tác chiến và cách đánh của chiến trường, như cải tiến H.12, A.12, dùng bệ bắn từng phát để tiện mang vác và luồn sâu, đánh hiểm, sản xuất ĐKB, v.v... Trong điều kiện chiến trường bị chia cắt, đã nghiên cứu giải quyết tốt việc sửa chữa tại chỗ kịp thời, bảo đảm cho bộ đội pháo binh giữ được nhịp độ chiến đấu trong mọi hoàn cảnh.

        Một nguồn bổ sung hết sức lớn lao để bộ đội pháo binh không ngừng lớn mạnh là lấy xe, pháo, đạn địch để tổ chức và trang bị những lực lượng mới của ta. Việc làm này đã trở thành một nguyên tắc, một truyền thống. Sau mỗi chiến dịch thắng lợi thì lại có thêm những đơn vị pháo mới ra đời. Người chiến sĩ pháo binh rất tự hào đã sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí pháo binh của các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp đỡ, tất cả các loại pháo thu được của quân xâm lược Tưởng, Pháp, Mỹ với khối lượng rất lớn, kịp thời sử dụng ngay trong chiến dịch, chiến đấu.

        Để bảo đảm chất lượng xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chiến đấu, một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra đối với Binh chủng là công tác bảo đảm kỹ thuật, mà nội dung chủ yếu của nó là "giữ tốt, dùng bền". Đây là một yêu cầu chính trị rất cao đối với tài sản rất lớn và vô giá mà Đảng và nhân dân giao cho.

        Một vấn đề nữa đặt ra là, phải xây dựng và giữ gìn được một đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật, chuyên ngành giỏi, đúng tầm cỡ của một Binh chủng kỹ thuật có trang bị hiện đại, nhằm khai thác, sử dụng, phát huy hết tính năng của từng loại pháo, đạn, khí tài, và giữ gìn, kéo dài tuổi thọ của chúng. Tiếc rằng, trong những năm chiến tranh, Binh chủng chưa thật quan tâm đúng mức, nên ở một số đơn vị làm chưa tốt, dẫn đến tình trạng vũ khí, khí tài xuống cấp quá nhanh, hoặc sử dụng còn bừa bãi, không tôn trọng yêu cầu kỹ thuật.

        IV. XÂY DỰNG BINH CHỦNG THEO HƯỚNG CÁCH MẠNG, CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, NGÀY CÀNG HIỆN ĐẠI, CÀNG ĐÁNH CÀNG MẠNH

        Bộ đội pháo binh đã xây dựng lực lượng từ không đến có; từ pháo mang vác đến pháo xe kéo; xây dựng pháo ba thứ quân; lấy chất lượng cao thắng số lượng đông; lấy pháo địch đánh địch; thường xuyên chăm lo xây dựng con người; vừa chiến đấu vừa xây dựng, càng đánh càng mạnh.

        Một trong những thành công lớn của Binh chủng là đã tổ chức thực hiện thắng lợi việc xây dựng lực lượng đáp ứng kịp thời với yêu cầu tác chiến ngày càng phát triển, phù hợp với trình độ và cách đánh của bộ đội hợp thành trong các thời kỳ chiến tranh, phù hợp với yêu cầu xây dựng lực lượng qua từng giai đoạn cách mạng của các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.

        Lực lượng hoàn chỉnh pháo binh ba thứ quân đã được xây dựng cân đối, hợp lý, trong đó pháo binh bộ đội chủ lực là nòng cốt, được ưu tiên cả về số lượng và chất lượng trang bị, đã được xây dựng gọn, mạnh có chất lượng chiến đấu cao, bảo đảm có sức đột kích bằng hỏa lực mạnh, sức cơ động cao, để thực hiện thắng lợi những đòn tiêu diệt lớn trong phương thức tiến hành chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực, nhằm góp phần tạo nên sự thay đổi quyết định về so sánh lực lượng và cục diện chiến tranh có lợi cho ta. Hiệu quả chi viện bộ binh (xe tăng) chiến đấu thắng lợi của pháo binh bộ đội chủ lực trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Đường 9 - Nam Lào, cũng như các chiến dịch lớn trong những năm 1972, 1975 đã chứng minh điều đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #61 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2017, 10:54:23 pm »


        Trong khi nhấn mạnh pháo binh bộ đội chủ lực là nòng cốt, chúng ta vẫn thường xuyên chăm lo xây dựng pháo binh bộ đội địa phương và pháo binh dân quân tự vệ trong mọi hoàn cảnh để luôn luôn hình thành hai lực lượng: pháo binh cơ động và pháo binh tại chỗ. Nét độc đáo, đáng tự hào nữa là, chúng ta đã có những phân đội pháo binh gái như Ngư Thủy, Long An, Bến Tre, những phân đội pháo binh phụ lão như Gio Linh (Quảng Trị), Bình Định, An Nhơn, đã bám trụ kiên cường, dũng cảm đánh địch có hiệu quả. Pháo binh tại chỗ là lực lượng cơ động nhanh nhất, đánh địch kịp thời nhất. Chính các lực lượng pháo binh địa phương này đã hỗ trợ đắc lực cho pháo binh bộ đội chủ lực trong các đòn tiến công chiến lược 1968, 1972, 1975, trong chiến dịch phản công Đường 9 (năm 1971), góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của các chiến dịch. Đó cũng là hỏa lực đánh địch dẻo dai, bền bỉ, liên tục giữa các đợt của một chiến dịch, giữa các chiến dịch, cũng như để giữ thế chiến trường khi các lực lượng pháo binh chủ lực đi vào củng cố. Thường pháo binh bộ đội địa phương được trang bị bằng các loại pháo, cối mang vác; ở một số địa bàn trọng yếu nhất định, có thể tổ chức pháo xe kéo, nhưng với quy mô nhỏ từ khẩu đội đến đại đội, và cần được huấn luyện để sử dụng các loại pháo, cối mà kẻ địch trang bị, để có thể kịp thời lấy pháo địch, đánh địch, tự trang bị cho mình, bảo đảm luôn có pháo, đạn chiến đấu.

        Việc rèn luyện, xây dựng pháo binh phải theo phương hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại, lấy lối đánh hiệp đồng quân, binh chủng trong mọi quy mô làm chính.

        Để bảo đảm tinh nhuệ, phải coi trọng huấn luyện cơ bản, từ cơ sở, có hệ thống. Như vậy, người cán bộ, chiến sĩ pháo binh mới có được hiểu biết về pháo binh một cách đầy đủ, bền vững, làm cơ sở cho việc vận dụng sáng tạo trong thực tế chiến đấu, sẽ có nhiều sáng kiến khắc phục khó khăn về kỹ thuật, về cách bắn, về tổ chức sử dụng pháo binh trong những tình huống phức tạp, trong những điều kiện khắc nghiệt, thiến thốn trên chiến trường cũng như có thể nhanh chóng nghiên cứu, sử dụng các vũ khí mới hoặc đạn dược của kẻ địch để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chiến đấu được giao.

        Trong xây dựng lực lượng pháo binh, chúng ta thường xuyên chăm lo đến nhiệm vụ xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ. Là một Binh chủng kỹ thuật, bộ đội pháo binh quan tâm tới cả hai đối tượng: cán bộ chỉ huy và cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật. Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đã điều động một số lớn cán bộ ưu tú của bộ binh sang xây dựng Binh chủng pháo binh, tạo điều kiện cho sự phát triển nhảy vọt về tổ chức lực lượng pháo binh trong những năm đầu sau cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật pháo binh cũng được từng bước hoàn chỉnh về tổ chức. Đến nay, các phân đội, binh đội pháo binh đều có cấp phó kỹ thuật; số lượng cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, có trình độ đại học và trên đại học ngày càng tăng. Là cán bộ của một Binh chủng kỹ thuật ngày càng trang bị hiện đại, cán bộ chỉ huy pháo binh, ngoài việc rèn luyện phẩm chất chính trị, năng lực và bản lĩnh chỉ huy chiến đấu, lòng yêu mến, gắn bó với Binh chủng, còn phải có trình độ văn hóa, kiến thức khoa học kỹ thuật và có tác phong kế hoạch, chuẩn xác. Binh chủng đã rất coi trọng xây dựng nhà trường chính quy, bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ, coi trọng cả đào tạo, bổ túc, tập huấn; có đào tạo dài hạn nhưng lại có đào tạo ngắn hạn phù hợp với yêu cầu trước mắt.

        Pháo binh đã hết sức coi trọng xây dựng và phát triển chất lượng tổng hợp toàn diện của bộ đội pháo binh, mà nòng cốt là xây dựng con người, nhân tố quyết định để phát huy hết tính năng của vũ khí, trang bị hiện đại trong mọi điều kiện của chiến tranh để chiến thắng kẻ thù. Đó là con người giác ngộ xã hội chủ nghĩa, căm thù giặc, dũng cảm trong chiến đấu, có trình độ văn hóa, tinh thông kỹ thuật, chiến thuật, có tinh thần yêu quý, giữ gìn vũ khí, đạn dược, có ý thức tôn trọng tập thể, có tính tổ chức, tính kỷ luật cao, có tinh thần quốc tế vô sản, sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, công tác đảng, công tác chính trị trong Binh chủng đã được coi là một vấn đề sống còn, cốt lõi và có ý nghĩa quyết định nhất, bảo đảm cho pháo binh không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ.

(Tạp chí Quân đội nhân dân tháng 5-1986)       
Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #62 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 09:21:25 am »


        Đánh pháo địch và đưa pháo ta vào gần ngắm bắn trực tiếp - hai yếu tố then chốt của nghệ thuật sử dụng pháo binh trong "đánh công kiên"

        Tiến công quân địch phòng ngự trong công sự vững chắc (trước đây gọi là đánh công kiên) là một trong những hình thức chiến thuật chủ yếu của quân đội ta, được vận dụng khá phổ biến nhằm tiêu diệt địch, giải phóng dân, mở rộng vùng giải phóng. Hỏa lực pháo binh luôn là hỏa lực chủ yếu chi viện cho bộ binh chiến đấu, hiệu quả chiến đấu của pháo binh đã góp phần quan trọng trong tiêu diệt các cứ điểm, cụm cứ điểm quân địch, tạo điều kiện cho trận tiến công giành thắng lợi giòn giã, nhanh gọn.

        Nghệ thuật sử dụng pháo binh chi viện bộ binh "đánh công kiên" có nhiều nội dung, nhưng có thể khái quát đánh giá hiệu quả sử dụng pháo binh trong hai nhiệm vụ: đánh pháo binh súng cối của địch; tiêu diệt phá hủy các hỏa điểm công sự, lô cốt địch trên hướng cửa mở.

        Qua thực tiễn chiến đấu, dù trong một trận đánh có sử dụng nhiều hay ít pháo binh có pháo xe kéo cùng tham gia hay chỉ có pháo mang vác, hai nhiệm vụ trên vẫn là chính mà người chỉ huy pháo binh phải quan tâm, nhận thức đầy đủ và tìm mọi biện pháp để hoàn thành một cách xuất sắc. Đó cũng là quan điểm mang tính nguyên tắc về sử dụng pháo binh trong chiến đấu.

        Đánh pháo binh súng cối địch

        Kẻ địch thường dựa vào ưu thế của hỏa lực không quân, pháo binh nhằm sát thương quân ta từ khi vận động tiếp cận, triển khai đội hình đến khi tiến công tiêu diệt các cứ điểm, cụm cứ điểm. Pháo binh, súng cối địch thường bố trí ở hai trận địa:

        - Bố trí ngay ở từng cứ điểm hoặc cụm cứ điểm, gồm súng cối, ĐKZ các loại.

        - Bố trí tại các căn cứ hỏa lực để chi viện chung cho cả một khu vực phòng thủ hoặc trực tiếp chi viện cho từng cứ điểm hoặc cụm cứ điểm gồm pháo 105 - 155 ly và có nơi có cả pháo tự hành 175 ly.

        Trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tại các cứ điểm Độc Lập, đồi A, đồi C,... cụm cứ điểm Him Lam... đều có bố trí súng cối 106,7 ly, 81 ly và ĐKZ, nhưng ở trung tâm Mường Thanh còn có các căn cứ hỏa lực gồm pháo 105 và 155 ly nhằm chi viện hỏa lực cho tất cả các cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi. Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, ở Quảng Trị, tất cả các cứ điểm, cụm cứ điểm phòng ngự ngoại vi đều được bố trí súng cối, ĐKZ; có cứ điểm có lúc còn tăng cường xe tăng để làm các hỏa điểm di động. Ưu thế về hỏa lực pháo binh địch ở Quảng Trị còn là hệ thống 14 căn cứ hỏa lực gồm hỗn hợp pháo 105, 155 ly và pháo tự hành 175 ly, bố trí thành ba tuyến:

        - Tuyến ngoài khá mạnh với năm căn cứ hỏa lực được bố trí cách các cứ điểm ngoại vi từ 2 - 4 ki-lô-mét: điểm cao 241, Đông Hà, Miếu Bái Sơn, Quán Ngang, Mai Lộc; mỗi căn cứ có từ 16 - 20 khẩu pháo 105 và 155 ly, riêng căn cứ điểm cao 241 và Đông Hà mỗi nơi còn có thêm 2 - 4 khẩu pháo tự hành 175 ly.

        - Tuyến giữa gồm năm căn cứ hỏa lực, mỗi căn cứ có từ 6  8 khẩu 105 và 155 ly như Ái Tử, Phượng Hoàng, Lai Phước, Đình Ngang, La Vang.

        - Tuyến trong có bốn căn cứ như thị xã Quảng Trị, Hải Lăng, Triệu Phong, cầu Quảng Trị, mỗi căn cứ có từ 2  4 khẩu 105 ly với nhiệm vụ hỗ trợ các căn cứ tuyến ngoài và ngăn chặn sự hoạt động của du kích, biệt động ta trong vùng tạm chiếm.

        Tổng số lực lượng pháo binh địch ở Quảng Trị lúc đó tất cả trên 200 khẩu pháo 105 - 155 - 175 ly chiếm 20% tổng số pháo của địch có ở miền Nam và 70% số pháo của cả vùng chiến thuật I của địch. Với số pháo trên, chúng đã tạo được mật độ hỏa lực cao để chi viện cho một trung đoàn bộ binh ngụy phòng ngự tại các cứ điểm, cụm cứ điểm (với khả năng là 4 - 5 đại đội pháo, gồm hai tiểu đoàn pháo); tiêu thụ đạn dược trong ngày của địch là từ 100 - 150 viên, lúc cao đến 400 viên đối với một khẩu pháo 105 ly, từ 80 - 120 viên và lúc cao đến 250 viên đạn pháo đối với 1 khẩu pháo 155 ly. Ngoài các trận địa pháo bố trí cố định tại các căn cứ hỏa lực, chúng còn có kế hoạch cơ động các đơn vị pháo phía sau ra chiếm lĩnh các trận địa bắn lâm thời ngay trên các trục đường giao thông để hỗ trợ hoặc tăng cường hỏa lực cho các cứ điểm phòng thủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #63 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 09:24:03 am »

     
        Nhìn chung, quân địch ở miền Nam trên các vùng trọng điểm phòng ngự như Huế, Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tổ chức hệ thống hỏa lực pháo binh của địch cũng được hình thành như ở Quảng Trị nhưng với mật độ và tiêu thụ đạn có ít hơn Quảng Trị đôi chút.

        Đối với pháo binh, súng cối địch, ta thường có nhiều cách như đánh tiêu diệt phá hủy các trận địa pháo địch, đánh chế áp pháo binh địch trong một thời gian nhất định và đánh kiềm chế pháo địch nhằm hạn chế sự hoạt động của chúng (khi nào địch bắn thì ta lại đánh trả).

        Đánh các trận địa súng cối, ĐKZ bố trí tại các vị trí, các cứ điểm, cụm cứ điểm thường nằm trong kế hoạch hỏa lực tiêu diệt, phá hủy cùng lúc với việc thực hành hỏa lực chuẩn bị trực tiếp chi viện bộ binh tiến công cứ điểm, cụm cứ điểm. Còn nhiệm vụ đánh các căn cứ hỏa lực pháo 105 - 155 ly của địch lại là một kế hoạch hỏa lực pháo binh riêng, có thể được thực hiện trước hoặc cùng một lúc với việc thực hiện kế hoạch hỏa lực pháo binh chuẩn bị cho trận tiến công. ở những chiến trường trong điều kiện ta chưa có thể đưa pháo xe kéo để đánh pháo địch mà chỉ dùng pháo mang vác, thường có tổ chức những đơn vị pháo chuyên trách lâm thời hình thành đảm nhiệm đánh pháo binh địch và được trang bị hỗn hợp súng cối, ĐKZ và ĐKB, sau trận đánh lại giải thể.

        Như trận Động Toàn, Thừa Thiên - Huế ngày 21 tháng 1 năm 1968, ta đã dùng một đội chuyên trách đánh pháo địch, gồm 29 khẩu pháo mang vác (9 khẩu ĐKB, 6 khẩu ĐKZ, 14 cối 82 ly) để chế áp sáu trận địa pháo 105 ly phía Nam Huế, bảo đảm cho bộ binh và đặc công tiếp cận, tiến công thắng lợi. Trận Đắc Xiêng ở chiến trường Tây Nguyên, từ ngày 1 đến 6 tháng 4 năm 1970 để chế áp bốn trận địa pháo 105 và 155 ly địch, ta đã tổ chức đơn vị chuyên trách đánh pháo địch, gồm 28 khẩu (20 khẩu ĐKZ, 3 cối 82 ly, 5 khẩu ĐKB) cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ chế áp bốn trận địa pháo địch.

        Đặc biệt, trong thời kỳ đánh Mỹ tại Quảng Trị, ta đã tổ chức trận tập kích pháo binh ngày 30 tháng 3 năm 1972 nhằm tiêu diệt, chế áp hoàn toàn tất cả 14 căn cứ hỏa lực pháo binh địch và các trận địa súng cối ở hầu hết các cứ điểm ngoại vi Quảng Trị. Trong trận tập kích hỏa lực pháo này, chúng ta đã sử dụng tới bảy trung đoàn pháo xe kéo với 124 khẩu pháo 130 ly, Đ74, lựu pháo 122 ly, canông 100 ly và canông 85 ly. Tham gia trận tập kích hỏa lực còn có 28 pháo phản lực ĐKB, 4 cối 160 ly và khoảng 300 cối 82 ly và ĐKZ. Số lượng đạn tiêu thụ tất cả là gần một vạn viên tương đương với 0,8 cơ số đạn. Phương pháp bắn là bắn phá hoại diệt từng trận địa pháo địch. Thời gian tập kích kéo dài liên tục trong 7 giờ (từ 11 giờ đến 18 giờ ngày 30-3-1972), được tiến hành trước giai đoạn hỏa lực chuẩn bị trực tiếp chi viện bộ binh xe tăng tiến công. Kết quả, ta không những phá hủy, chế áp hoàn toàn pháo địch, hỏa lực pháo binh của ta đã làm chủ hoàn toàn chiến trường, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các trung đoàn, sư đoàn bộ binh tiêu diệt gọn một loạt cứ điểm ngoại vi như điểm cao 544, Đồi Tròn, Động Toàn, Đầu Mầu, Ba Hồ,... phá toang tuyến phòng ngự phía Tây Đường 9 tỉnh Quảng Trị. Phát huy thế làm chủ, liên tiếp trong những ngày sau từ 31 tháng 3 năm 1972, tất cả các căn cứ hỏa lực địch đều bị pháo ta thực hành bắn giám thị làm cho chúng không thể khôi phục được hệ thống hỏa lực mà còn đẩy chúng vào tình trạng rệu rã tinh thần như toàn bộ quân địch ở căn cứ hỏa lực điểm cao 241 ra đầu hàng giao nộp toàn bộ xe pháo (ngày 2-4-1972) và trong những ngày này từ 1 đến 3 tháng  4 năm 1972 hàng loạt cứ điểm ngoại vi như Bến Hải, Hiền Lương, Cồn Tiên, Dốc Miếu vội vàng tháo chạy. Đây là một trận đánh pháo địch với quy mô lớn, được chuẩn bị chu đáo từ tháng 7 năm 1971 nên đã đánh chắc thắng. Tuy vậy, thế làm chủ hỏa lực pháo binh của ta cũng không duy trì được suốt thời gian chiến dịch nhất là khi quân ta phát triển tiến công vào sâu trong tung thâm phòng ngự địch, khi mà xuất hiện các trận địa pháo của địch từ phía sau cơ động ra và khi chúng ta phải di chuyển thay đổi trận địa bắn.

        Kinh nghiệm sử dụng pháo xe kéo để đánh pháo địch ở chiến trường Quảng Trị đã mở ra lối đánh cho tất cả các chiến trường miền Nam, nhất là trong các chiến dịch tiến công Buôn Ma Thuột, Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13 tháng 3 năm 1954 do kế hoạch phân công chuyên trách đánh các trận địa pháo trong căn cứ Mường Thanh chưa đầy đủ nên khi bộ đội ta phát triển vào sâu trong cụm cứ điểm Him Lam cũng có lúc để pháo địch gây khó khăn, nên ta đã phải tập trung tất cả hỏa lực toàn Trung đoàn 45 lựu pháo để bắn chế áp mới kịp thời chi viện Sư đoàn 312 tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam.
« Sửa lần cuối: 22 Tháng Hai, 2017, 08:27:05 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #64 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 08:27:28 pm »


        Đánh pháo binh, súng cối địch cũng thường chia ra ba mức yêu cầu: tiêu diệt, chế áp, kiềm chế. Người chỉ huy pháo binh phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng trận tiến công (về tình hình hoạt động pháo địch, về địa hình đối với việc cơ động pháo binh và về khả năng pháo đạn ta có) mà chủ động đề nghị với người chỉ huy binh chủng hợp thành để có sự thống nhất đề ra yêu cầu phù hợp; trong đánh pháo địch cũng cần có kế hoạch kết hợp với các hoạt động tác chiến của các đơn vị pháo binh tại chỗ, của bộ đội đặc công, biệt động, các đơn vị du kích, bộ đội địa phương... để phối hợp đánh phá một số trận địa pháo địch cùng một lúc với kế hoạch tác chiến đánh pháo địch của pháo binh chủ lực.

        Đưa pháo vào gần - bắn ngắm trực tiếp, tiêu diệt hỏa điểm, công sự địch trên hướng cửa mở

        Tiêu diệt, phá hủy các hỏa điểm, công sự địch ở tiền duyên phòng ngự của cứ điểm trên hướng cửa mở bảo đảm cho bộ binh xung phong thuận lợi là nghệ thuật của người chỉ huy pháo binh. Để từng quả đạn pháo bắn ra với mức chính xác cao nhất, phá hủy từng mục tiêu địch trong một thời gian quy định với số lượng đạn pháo tiêu thụ ít nhất là một đòi hỏi cao đối với người chỉ huy pháo binh.

        Qua các trận "đánh công kiên" từ Đông Khê, Tu Vũ, Nghĩa Lộ, Him Lam, Độc Lập... (thời đánh Pháp); rồi Làng Vây, Đồi Tròn, Động Toàn, Plây Cần, Nông Sơn, Lộc Ninh, Dầu Tiếng... (thời đánh Mỹ) đã chứng tỏ đưa pháo xe kéo vào gần bắn ngắm trực tiếp là phương thức tác chiến chủ yếu của bộ đội pháo binh trong tiến công địch phòng ngự vững chắc. Với lối đánh này chúng ta đã phát huy cao độ lòng dũng cảm, ý chí cách mạng, tinh thần phục vụ bộ binh vô điều kiện.

        Trong chiến dịch Việt Bắc năm 1947 trên hướng sông Lô, với nhiệm vụ đánh tàu chiến địch, lúc đầu ta đặt pháo quá xa bắn không trúng đầu địch, sau ta di chuyển đưa pháo ra mép sông Lô cách tàu chiến địch chỉ 100 mét, cứ một phát đạn nhận chìm một tàu chiến địch. Trận Đông Khê, Nghĩa Lộ Trung đoàn sơn pháo 675 đã đưa sơn pháo 75 ly bắn thẳng ở cự ly từ 150-200 mét, tiêu diệt tất cả các hỏa điểm, công sự địch trên hướng cửa mở. Trận Him Lam, Độc Lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, sáu khẩu sơn pháo đã đặt ngay ở hàng rào dây thép gai trước cửa mở, bắn thẳng ở cự ly 100-150 mét, tiêu diệt trên 40 hỏa điểm lô cốt địch trong thời gian 20 phút. Chiến dịch Kon Tum 1972, tháng 5 ta tiến công cụm cứ điểm Plây Cần không thành công, sau một thời gian chuẩn bị, ngày 12 tháng 10 năm 1972 ta đã tháo, khiêng và kéo hai pháo lựu 105 ly và ba pháo canông 85 ly đặt ở cự ly 2 ki-lô-mét bắn ngắm trực tiếp đã nhanh chóng phá hủy 60 hỏa điểm lô cốt địch trước cửa mở, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh đánh chiếm cứ điểm Plây Cần.

        Trong chiến dịch tiến công Quảng Trị năm 1972, khi phát triển tiến công đánh vào cụm cứ điểm Đông Hà ngày 8 tháng 4 năm 1972, sau 3 giờ hỏa lực chuẩn bị với 3.000 đạn pháo xe kéo nhưng do bắn ở trận địa gián tiếp nên ta không phá hủy hết các hỏa điểm lô cốt địch ở Đông Hà, nhất là khi chúng lại đưa thêm xe tăng M48 tạo thành các hỏa điểm mới, đột phá lại càng gặp khó khăn. Ta đã phải tổ chức hỏa lực lại và tổ chức thêm cụm hỏa lực pháo binh diệt tăng và hỏa điểm dịch, lấy tiểu đoàn tên lửa chống tăng B72 làm nòng cốt với 50 bệ phóng và 500 đạn hỏa tiễu chống tăng cùng với gần 40 ĐKZ các loại tiến hành đánh phá các mục tiêu trên hướng cửa mở ba ngày từ 23 đến 26 tháng 4 năm 1972. Ngay loạt đạn đầu sáng 23 tháng 4, ta đã diệt 6 xe tăng, 12 hỏa điểm địch; sau 3 ngày đánh phá tiêu diệt trên 20 xe tăng, phá hủy hầu hết các hỏa điểm công sự địch trên tuyến phòng ngự ở Đông Hà. Chiến thuật vỏ thép cứng dựa vào xe tăng để co cụm ngăn chặn sức tiến công của quân ta bị phá vỡ và 5 giờ sáng 27 tháng 4 năm 1972, sau đợt hỏa lực chuẩn bị, bộ binh xe tăng đã đánh chiếm Đông Hà, thừa thắng phát triển tiến công, giải phóng toàn tỉnh Quảng Trị.

        Ở chiến trường Tây Nguyên (Khu 5) khi ta tiến công cụm cứ điểm Thượng Đức, tháng 7 năm 1974, lúc đầu ta chỉ dùng pháo xe kéo bắn gián tiếp kết hợp với ĐKZ cũng ở cự ly vút tầm nên không tiêu diệt được hỏa điểm lô cốt địch trên hướng cửa mở. Ta chuẩn bị lại, làm đường đưa hai khẩu pháo canông 85 ly vào bắn ngắm trực tiếp ở cự ly 2 ki-lô-mét đã lần lượt tiêu diệt tất cả lô cốt hỏa điểm trên hướng cửa mở, nên tiến công tiêu diệt cứ điểm Thượng Đức thành công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #65 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2017, 08:29:05 pm »


        Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ từ năm 1972, bộ đội pháo binh chiến trường Tây Nguyên đã đi đầu vận dụng lối đánh gần của pháo xe kéo bắn ngắm trực tiếp và toàn miền Nam đã liên tiếp áp dụng lối đánh này trong tiến công giành thắng lợi như: Trận tiến công cứ điểm Non Nước (12-1972) ta cũng đưa pháo 105 ly vào bắn trực tiếp ở cự ly 2 ki-lô-mét. Trận tiến công Chư Nghé (22-9-1973) đã đưa cả pháo Đ74 vào bắn trực tiếp ở cự ly 4,5 ki-lô-mét, lựu pháo 105 ly ở cự ly 1,1 ki-lô-mét, canông 85 ly bắn thẳng ở cự ly 1 ki-lô-mét. Riêng trận Đắc Pét (16-5-1974) có thể nói ta đưa nhiều loại pháo xe kéo vào gần bắn ngắm trực tiếp nhất gồm Đ74 bắn ở cự ly 5 ki-lô-mét, lựu pháo 122 ly bắn ở cự ly 2,5 ki-lô-mét, lựu pháo 105 ly ở cự ly 1,6 ki-lô-mét, canông 85 ly ở cự ly 1,2 ki-lô-mét. Trận Nông Sơn (18-7-1974) cũng dùng hai pháo 105 ly bắn ở cự ly trên 3 ki-lô-mét và hai khẩu 85 ly cùng bắn ở cự ly 3 ki-lô-mét. Có trận, ta đã mạnh dạn đưa pháo canông 85 ly bắn thẳng ở cự ly 500 mét lựu pháo 105 ly bắn thẳng 600 mét như trận tiến công Đồng Xoài (26-12-1974). Trong chiến dịch tiến công Buôn Ma Thuột (3-1975) khi tiến công cụm cứ điểm Đức Lập (10-3-1975), ta cũng đưa pháo 105 ly ở cự ly 1 ki-lô-mét, canông 85 ly ở cự ly 2 ki-lô-mét...

        Qua kinh nghiệm chiến trường có thể tạm rút ra về tầm bắn thẳng có hiệu quả nhất của pháo mang vác như sau: sơn pháo 75 ly từ 100-300 mét; ĐKZ57 ly từ 150-300 mét; ĐKZ82 ly từ 200-400 mét; ĐKZ75 ly từ 300-500 mét.

        Còn pháo xe kéo vào gần ngắm bắn trực tiếp tốt nhất vẫn là pháo canông 85 ly ở cự ly 1.000 mét, còn để ngắm bắn trực tiếp cho tất cả các loại pháo xe kéo đều phải lệ thuộc vào địa hình, cố gắng càng đưa pháo vào gần thì mức chính xác càng cao. Hiện nay, bộ đội pháo binh có trang bị nhiều canông 76,2 ly, nhẹ, dễ tháo lắp, tiện kéo bằng sức người, khả năng bắn ngắm trực tiếp với mức chính xác cao, nên nghiên cứu thực nghiệm để sử dụng loại pháo này khi vận dụng chiến thuật "đánh công kiên".

        Qua hai cuộc chiến tranh giải phóng có thể nói trận tiến công Đông Khê, chiến dịch Biên Giới 1950 đã mở ra lối đánh đưa pháo mang vác vào gần bắn ngắm trực tiếp; trận tiến công Plây Cần (10-1972) trong chiến dịch Kon Tum 1972 đã mở đầu cách sử dụng pháo xe kéo đưa vào gần bắn ngắm trực tiếp. Việc đưa pháo mang vác vào gần bắn ngắm trực tiếp phải dựa vào thế bố trí chung của tuyến xuất phát tiến công của binh chủng hợp thành; pháo xe kéo vào gần bắn ngắm trực tiếp còn lệ thuộc vào điều kiện địa hình, yếu tố giữ bí mật cho một khối lượng lớn công tác chuẩn bị chiến đấu từ khi làm đường, vận chuyển đạn, tháo, khiêng pháo hoặc kéo pháo bằng sức người vào chiếm lĩnh trận địa bắn ngắm trực tiếp.

        Lối đánh gần, bắn ngắm trực tiếp diệt hỏa điểm công sự địch trên hướng cửa mở là một lối đánh truyền thống, lối đánh sở trường dũng cảm, sáng tạo của bộ đội pháo binh trong chiến tranh giải phóng, lối đánh này thể hiện tinh thần khắc phục khó khăn, biến yếu thành mạnh, bảo đảm đã bắn là trúng, nâng cao hiệu suất chiến đấu, tiết kiệm đạn dược.

        Nhấn mạnh vấn đề đánh pháo địch và đưa pháo ta vào gần bắn ngắm trực tiếp thành một nội dung về tư tưởng chỉ đạo trong nghệ thuật sử dụng pháo trong "đánh công kiên" nhằm nhắc chúng ta luôn trân trọng những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chiến đấu. Nghệ thuật sử dụng pháo binh luôn phát triển, vũ khí trang bị khí tài pháo binh cũng không ngừng được cải tiến, cần tiếp tục nghiên cứu để vận dụng tốt những bài học kinh nghiệm chiến đấu trước đây. Theo tôi lối đánh này của bộ đội pháo binh chỉ có ngày một phát triển và hoàn thiện, luôn là hướng xây dựng và huấn luyện cho bộ đội ta mỗi khi lại vận dụng hình thức chiến thuật "đánh công kiên".

(Tạp chí Khoa học quân sự tháng 1-2003)       
Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên               
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #66 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:45:34 am »

         
MẤY VẤN ĐỀ VỀ NGHỆ THUẬT SỬ DỤNG PHÁO BINH VIỆT NAM

        Trải qua 60 năm  xây dựng chiến đấu và trưởng thành, đặc biệt trong 30 năm vừa chiến đấu vừa xây dựng (1945 - 1975), các lực lượng pháo binh luôn phát huy được vai trò hỏa lực chủ yếu, đóng góp to lớn vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những bài học kinh nghiệm về sử dụng pháo binh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã được tổng kết là tài sản vô giá của Binh chủng Pháo binh, là nguồn sức mạnh mà các thế hệ cán bộ chiến sĩ pháo binh luôn trân trọng, học tập, kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo để luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị, xứng đáng là Binh chủng Pháo binh Anh hùng với truyền thống vẻ vang "Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng".

        Pháo binh Việt Nam là hỏa lực chủ yếu của lục quân và quân đội ta

        Hỏa lực là một trong những yếu tố tạo điều kiện cho xung lực đột kích giành thắng lợi. Mấy chục năm sát cánh chiến đấu liên tục cùng các lực lượng vũ trang, hỏa lực pháo binh đã chứng tỏ là hỏa lực chủ yếu trong hệ thống hỏa lực nói chung của quân đội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, được Đảng ủy Quân sự Trung ương xác nhận: "Pháo binh là một Binh chủng hết sức quan trọng, là hỏa lực chính của lục quân và là hỏa lực chính của quân đội ta". Vị trí vai trò ấy của pháo binh đã được chứng minh bằng hiệu quả chiến đấu trên khắp các chiến trường, đi từ chiến công này đến chiến công khác góp phần quan trọng vào những thắng lợi quyết định của các giai đoạn lịch sử trong cuộc chiến tranh giải phóng.

        Thời kỳ chống thực dân Pháp có: Chiến thắng Sông Lô - Thu Đông năm 1947 với cách bố trí táo bạo bất ngờ đưa pháo đánh gần của các phân đội pháo binh Khu 10 đã bắn chìm hai đoàn tàu chiến của địch ở Đoan Hùng, Khe Lau. Trong chiến dịch Biên Giới (1950) với sự xuất hiện các đơn vị sơn pháo cùng với lối đánh "vào gần bắn thẳng", hỏa lực pháo binh đã lần lượt tiêu diệt từng lô cốt, hỏa điểm kiên cố trên hướng cửa mở tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm Đông Khê mở đường cho chiến dịch toàn thắng. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với sự có mặt trung đoàn trọng pháo đầu tiên của quân đội ta, cùng với các loại pháo cối mang vác bố trí hiểm hóc, hình thành thế trận bao vây quân địch, suốt 55 ngày đêm liên tục phát huy hỏa lực đánh vào các mục tiêu chủ yếu của địch và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ tác chiến được giao, góp phần xứng đáng vào thắng lợi lịch sử của chiến dịch. Trong lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, năm 2004, đồng chí Trần Đức Lương - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước đã đánh giá về vị trí vai trò của Pháo binh Việt Nam là một trong bốn kỳ tích của chiến dịch Điện Biên Phủ như sau: "... kỳ tích của lực lượng Pháo binh Việt Nam lần đầu đánh trận công kiên lớn đã dội bão lửa tiêu diệt được nhiều máy bay, pháo binh và đội hình địch... làm cho viên chỉ huy lực lượng pháo binh hùng hậu của Pháp tại Điện Biên Phủ phải phẫn uất mà tự vẫn...".

        Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, pháo binh vẫn giữ vai trò nổi bật của mình như: Đòn tiến công hỏa lực trong Tết Mậu Thân 1968, trong đêm mồng 1 Tết, pháo binh đã bất ngờ đồng loạt dội bão lửa vào hầu hết các mục tiêu: sân bay, bến cảng, kho tàng dự trữ chiến lược, các sở chỉ huy, cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy từ Sài Gòn đến tất cả các thành phố, thị xã, các vị trí đóng quân của địch, gây cho địch những tổn thất nặng nề về vũ khí, phương tiện chiến tranh và nhiều sinh lực địch, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp. Trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971), pháo binh đã kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng pháo binh tại chỗ và pháo dự bị của Bộ cơ động nhanh, kịp thời triển khai đội hình phát huy hỏa lực mạnh mẽ làm tê liệt hệ thống pháo binh địch, bắn phá sở chỉ huy các cấp, sát thương lớn quân địch, chi viện đắc lực cho bộ binh, xe tăng tiêu diệt địch. Trong hội nghị tổng kết chiến dịch, đồng chí Lê Duẩn - nguyên Tổng Bí thư đã có nhận xét về Binh chủng Pháo binh: "... trong chiến dịch Điện Biên Phủ vai trò của pháo binh là rất quan trọng, trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào không có pháo binh thì khó mà đánh thắng được...". Trong cuộc tiến công chiến lược 1972 ở chiến trường Quảng Trị, với đòn "Bão táp" ngày 30 tháng 3 năm 1972 của bảy trung đoàn pháo hạng nặng bắn một vạn viên đạn liên tục trong bảy tiếng đồng hồ đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống trận địa pháo binh mạnh nhất của Mỹ - ngụy ở miền Nam, phá vỡ hoàn toàn hệ thống công sự kiên cố của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các sư đoàn chủ lực cùng xe tăng thọc sâu chia cắt giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #67 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:46:56 am »

     
        Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, với lực lượng pháo ba thứ quân đã được triển khai rộng khắp, pháo chủ lực cơ động thần tốc, luôn thay đổi cách đánh, sử dụng lực lượng ưu thế tập trung, liên tục đánh địch, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực giành thắng lợi giòn giã trong các chiến dịch tiến công Buôn Ma Thuột, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh.

        Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc nước ta những năm 1965 - 1969 và 1972, các lực lượng pháo ba thứ quân đã giữ vai trò chủ yếu trong việc đánh trả các loại tàu chiến địch bắn phá vào bờ biển nước ta.

        Với kết quả chiến đấu trong cuộc chiến tranh giải phóng, bộ đội pháo binh thật xứng đáng với vai trò là hỏa lực chủ yếu như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kết luận trong Hội nghị tổng kết chiến tranh năm 1975 như sau: "... Một Binh chủng từ khi thành lập đến nay, trong suốt 30 năm chiến đấu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với vai trò là hỏa lực mặt đất chủ yếu của lục quân và quân đội ta...".

        Cách đánh của pháo binh là: pháo đánh hiệp đồng và pháo đánh độc lập

        Trải qua quá trình chiến đấu, bộ đội pháo binh đã rút ra một bài học là không thể lấy lực chọi với lực mà phải thắng chúng bằng lối đánh, cách đánh (mưu kế), bằng thế trận pháo binh nhân dân, pháo binh ba thứ quân và đã sáng tạo ra hai cách đánh độc đáo: đánh độc lập và đánh hiệp đồng. Trong Hội thảo khoa học quân sự pháo binh tháng 6 năm 1986, Đại tướng Hoàng Văn Thái đã phát biểu: "Khác hẳn với hoạt động của pháo binh trong những cuộc chiến tranh quy ước thường đọ sức chủ yếu giữa hai lực lượng quân đội tham chiến; pháo binh ta đã tạo ra nhiều cách đánh rất phong phú có cả những cách đánh chưa hề có tiền lệ nhất là hai cách đánh rất phổ biến và có hiệu quả là đánh hiệp đồng và đánh độc lập...". Hai lối đánh này đã hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong từng tình huống cụ thể trên từng chiến trường của từng thời kỳ cách mạng. Song xét cho cùng, về toàn cục thì lối đánh hiệp đồng vẫn là chủ yếu, còn lối đánh độc lập là hết sức quan trọng.

        Pháo đánh độc lập

        Đánh độc lập của pháo binh được nảy sinh từ phương thức tác chiến của chiến tranh nhân dân, của chiến tranh du kích, vì yêu cầu lối đánh này là sử dụng pháo luồn sâu đánh hiểm, lấy ít thắng lớn, lấy yếu đánh mạnh, tạo ra một thế trận tiến công rộng khắp ở mọi nơi. Hiệu quả của cách đánh này là dùng một số pháo đạn ít mà sát thương và phá hủy lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh hiện đại của địch, buộc quân địch luôn bị động có lúc phải thay đổi cả thế bố trí quân sự.

        Để đánh độc lập tốt là phải dựa vào dân, nên lực lượng tham gia đánh độc lập thường là pháo của bộ đội địa phương, pháo của dân quân du kích hoặc cũng có thể là đơn vị pháo chủ lực được trang bị và huấn luyện chuyên trách với lối đánh độc lập đảm nhiệm.

        Lối đánh này có thể diễn ra theo từng trận đánh riêng lẻ hoặc có lúc tổ chức thành từng đợt tập kích hỏa lực mang tính chiến lược hoặc chiến dịch. Lối đánh này cũng có thể là một nhiệm vụ hỏa lực mang tính chiến dịch được giao trong, trước hoặc sau mỗi chiến dịch như đánh phá hệ thống pháo địch, sân bay sở chỉ huy địch hoặc đánh vào đội hình địch đang tập kết...

        Pháo đánh hiệp đồng

        Tác chiến hiệp đồng binh chủng là phương thức tác chiến chủ yếu của các binh đoàn chủ lực. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân ta đã tiến hành khoảng 100 chiến dịch lớn nhỏ, bộ đội pháo binh cũng đã từng tham gia dưới các mức độ khác nhau trong hầu hết các chiến dịch đó. Lực lượng pháo tham gia chiến dịch bao gồm cả pháo binh và súng cối, pháo xe kéo và pháo mang vác, pháo chủ lực và pháo địa phương, pháo cơ động và pháo tại chỗ, các đơn vị pháo đều hoàn thành nhiệm vụ tác chiến mà người chỉ huy chiến dịch giao, trong đó có nhiều chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Qua 30 năm chiến đấu, pháo binh đã có mặt trong các loại hình chiến dịch như:

        Chiến dịch tiến công

        Trong nhiều chiến dịch tiến công, nếu đem so sánh số đầu khẩu pháo tham gia giữa ta và địch thì có nhiều chiến dịch số pháo của ta còn ít hơn địch, nhưng do nghệ thuật dùng pháo của ta cùng với việc nắm thời cơ để có thể tập trung ưu thế đánh vào cái mạnh nhất thời của địch như: hệ thống trận địa pháo, cối địch; hệ thống công sự hỏa điểm trên hướng cửa mở; hệ thống sở chỉ huy chủ yếu của địch; hệ thống sân bay; nơi địch đang tập kết lực lượng... Kế hoạch hỏa lực của các chiến dịch tiến công thường gồm hai giai đoạn: giai đoạn hỏa lực chuẩn bị tiến công và giai đoạn chi viện tiến công.

        Trong tác chiến hiệp đồng các chiến dịch tiến công quy mô càng lớn thì vai trò pháo xe kéo nhất là pháo bắn với cự ly xa, uy lực đạn lớn càng phát huy đầy đủ tác dụng của nó.
« Sửa lần cuối: 23 Tháng Hai, 2017, 08:34:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #68 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:36:03 pm »


        Chiến dịch phản công

        Với loại hình này, pháo binh đã có những thành công nổi bật về cách sử dụng pháo cơ động và pháo tại chỗ, hình thành một thế trận hỏa lực bao vây nhiều hướng cùng một lúc tập trung đánh vào quân địch khi chúng còn chưa có công sự. Đồng chí Lê Trọng Tấn - Tư lệnh chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đã đánh giá về pháo binh trong Hội nghị tổng kết chiến dịch 1971 như sau: "... Ta đã sử dụng pháo binh bố trí thích hợp trên cả bốn hướng và đã đảm bảo chế áp gần như toàn bộ đội hình pháo binh địch từ Lao Bảo đến Bản Đông...".

        Chiến dịch phòng ngự

        Đây là một loại hình chiến dịch mà pháo binh còn ít kinh nghiệm, cũng có chiến dịch lực lượng pháo phát huy khá tốt như chiến dịch phòng ngự Cánh Đồng Chum năm 1972. Nhưng cũng có chiến dịch do nhận thức chưa đầy đủ còn lúng túng giữa tiến công và phòng ngự nên cũng đã gây thiệt hại cả về xe lẫn pháo như đợt hai chiến dịch Quảng Trị năm 1972. Đây cũng là bài học về sử dụng pháo binh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm theo hướng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong tham luận Hội thảo Đại thắng mùa Xuân 1975, tháng 4 năm 2005: "... Cách mạng là tiến công, tư tưởng chiến lược của chiến tranh cách mạng bao giờ cũng là tư tưởng tiến công, còn hình thức tác chiến thì có tác chiến tiến công, tác chiến phòng ngự cả về chiến lược, chiến dịch và chiến đấu...".

        Hai cách đánh của pháo binh hình thành và phát triển cùng với sự phát triển nghệ thuật quân sự của quân đội ta. Pháo binh là một thành phần trong tổ chức chiến đấu của bộ đội hợp thành, nên trong mọi hoạt động chiến đấu của pháo binh đều gắn liền với hoạt động chiến đấu của bộ đội hợp thành và trong hai cách đánh trên thì cách đánh chủ yếu và cơ bản vẫn là pháo đánh hiệp đồng.

        Nguyên tắc sử dụng Pháo binh Việt Nam

        Trước đây, năm 1975 trong Tổng kết chiến đấu những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và năm 1986 trong Hội thảo khoa học quân sự pháo binh qua 40 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành cũng đã nêu ra năm nguyên tắc sử dụng pháo binh với nội dung tóm tắt sau:

        - Kiên quyết sử dụng lực lượng tập trung.

        - Sử dụng rộng rãi các loại pháo, kết hợp khéo léo mọi tầm cỡ hỏa lực.

        - Cơ động hỏa lực, cơ động hỏa khí thật linh hoạt.

        - Tích cực chủ động hiệp đồng với bộ binh, đặc công, xe tăng.

        - Bí mật bất ngờ, đánh mạnh bắn trúng.

        Trải qua nghiên cứu một cách tổng hợp những kinh nghiệm chiến đấu pháo binh, nhất là những bài học tác chiến trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ có thể chỉ cần nêu thành bốn nguyên tắc sử dụng của Pháo binh Việt Nam là:

        - Sử dụng tập trung trong thế trận vững chắc của pháo ba thứ quân.

        - Phát huy hỏa lực pháo mạnh mẽ, nắm vững yếu tố bí mật bất ngờ, đánh kịp thời, đánh đúng thời cơ.

        - Pháo đã bắn là phải bắn trúng, phát huy hết tính năng từng loại pháo đạn.

        - Pháo binh luôn lấy yêu cầu tác chiến hiệp đồng binh chủng, lấy yêu cầu nhiệm vụ tác chiến của bộ binh làm mục tiêu chiến đấu của mình.

        Với bốn nguyên tắc trên có thể tóm tắt: sử dụng tập trung, hỏa lực mạnh bất ngờ, bắn trúng đích và phục vụ bộ binh vô điều kiện.

        Sử dụng tập trung trong thế trận vững chắc của pháo ba thứ quân

        Nghệ thuật dùng pháo là phải tạo ra được thế trận tổng hợp của pháo ba thứ quân, trước hết phải xây dựng lực lượng pháo của bộ đội địa phương, của dân quân tự vệ luôn có đủ sức mạnh đảm nhiệm nhiệm vụ tác chiến tại chỗ, có như thế mới tạo điều kiện cho pháo binh chủ lực các cấp nhất là pháo dự bị quân khu, dự bị của Bộ và pháo các binh đoàn chủ lực có thể sử dụng giành ưu thế hỏa lực để hoàn thành những nhiệm vụ trọng yếu được giao.

        Sử dụng tập trung trước hết là tập trung lực lượng pháo đạn trên một hướng, một khu vực vào thời cơ quyết định của chiến dịch, của chiến đấu; nói đến tập trung là nói đến cả việc tập trung về khả năng tổ chức chỉ huy hỏa lực, về tổ chức bảo đảm các mặt nhất là việc bảo đảm đạn, bảo đảm kỹ thuật. Sử dụng tập trung phải tạo được ưu thế hơn hẳn địch, áp đảo địch trong từng trận đánh, từng chiến dịch, bảo đảm kịp thời chi viện hỏa lực cho bộ binh tiến công, nhanh chóng tiêu diệt quân địch.

        Ví dụ như: Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ta đã kiên quyết đưa ra tất cả lực lượng pháo dự bị tham gia chiến dịch; chiến dịch tiến công Quảng Trị đợt một năm 1972, ta đã tập trung bảy trung đoàn pháo tạo ra một ưu thế hỏa lực mạnh, chế áp hệ thống pháo địch trên Đường 9. Chiến dịch tiến công Tây Nguyên 1975, ta tập trung sáu trung đoàn và ba tiểu đoàn pháo xe kéo với 478 khẩu pháo và cối trong khi quân địch chỉ có 230 khẩu; riêng trận tiến công Buôn Ma Thuột, ta tập trung ba trung đoàn pháo xe kéo với trên 70 khẩu pháo cỡ lớn trong khi địch chỉ có 32 khẩu pháo. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ta đã tập trung tới 20 trung - lữ đoàn và 8 tiểu đoàn độc lập pháo xe kéo (55 tiểu đoàn) với 789 khẩu pháo tổ chức thành 30 cụm pháo các cấp (3 cụm pháo chiến dịch, 6 cụm pháo quân đoàn, 12 cụm pháo sư đoàn và 9 cụm pháo trung đoàn) - Đây là một chiến dịch mà ta đã tập trung ưu thế tuyệt đối để bảo đảm cho chiến dịch đánh nhanh thắng nhanh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #69 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2017, 08:38:54 pm »


        Việc sử dụng tập trung không chỉ là tính số đầu khẩu mà còn phải tính đến chất lượng trang bị và số lượng đạn tiêu thụ. Mức độ tập trung còn tùy thuộc vào tình hình thực tế ở từng chiến trường, từng chiến dịch và yêu cầu của người chỉ huy bộ đội hợp thành, nhưng dù điều kiện nào cũng cố tạo ra một ưu thế hỏa lực cần thiết đủ mạnh để có thể bảo đảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến được giao.

        Để giữ vững và phát huy sức mạnh ưu thế hỏa lực trong chiến đấu, từng chiến dịch luôn phải quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện để phát huy sức mạnh tổng hợp của pháo ba thứ quân. Bài học Chiến dịch Hồ Chí Minh trong lúc ta tập trung cho chiến dịch số lượng lớn pháo binh nhưng ở phía sau từ Khu 5, Khu 6, Thừa Thiên - Huế, Khu 4, Khu 3... vẫn luôn có lực lượng pháo sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, khi bố trí hệ thống trận địa bắn cần coi trọng "Hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung" kết hợp với trận địa giả, trận địa nghi binh và cố gắng bảo đảm công sự; như Điện Biên Phủ, sáu trận địa pháo 105 ly bố trí trên một vành cung khoảng 30 ki-lô-mét; ở chiến dịch Quảng Trị 1972, bảy trung đoàn pháo cũng bố trí trên một vành cung khoảng 80 ki-lô-mét.

        Phát huy hỏa lực pháo mạnh mẽ, nắm vững yếu tố bí mật bất ngờ, đánh kịp thời, đánh đúng thời cơ.

        Đây là một nguyên tắc giúp cho người chỉ huy pháo binh giành thế chủ động tiến công liên tục bằng hỏa lực, đánh địch trong mọi tình huống, đây cũng là yêu cầu nghiêm ngặt khi sử dụng hỏa lực pháo binh để phát huy hiệu quả vai trò hỏa lực với đầy đủ ý nghĩa của nó.

        Vận dụng nguyên tắc này đòi hỏi người chỉ huy pháo binh luôn tìm ra cái mới để tạo ra những đòn bất ngờ mỗi khi sử dụng hỏa lực, có khi bất ngờ về quy mô sử dụng lực lượng pháo đạn, có khi bất ngờ về phương pháp tổ chức hỏa lực, có khi bất ngờ về thời gian phát huy hỏa lực, cũng có khi bất ngờ cả về cách đánh và xuất hiện một loại vũ khí mới mà địch chủ quan cho ta không có hoặc có mà không thể đưa tới được, lại có lúc bất ngờ về bố trí đội hình chiến đấu về nghi binh trận địa giả. Đây là một cuộc đấu trí không thể rập khuôn. Có phát huy được yếu tố bí mật bất ngờ mới phát huy được hỏa lực mãnh liệt và chỉ có phát huy hỏa lực mãnh liệt mới làm cho quân địch khiếp sợ pháo binh ta.

        Ví dụ, trong chiến dịch Thu Đông 1947, pháo ta đã đưa sát mép sông Lô ở Khoan Bộ, Đoan Hùng, Khe Lau nhằm thẳng vào từng tàu chiến địch mà bắn. ở Điện Biên Phủ, ta đã kéo pháo vào kéo pháo ra bất ngờ phát huy hỏa lực trọng pháo làm chỉ huy pháo địch phẫn uất tự sát. Trong chiến dịch tiến công Quảng Trị 1972, với đòn hỏa lực "Bão táp" đập tan hệ thống pháo địch buộc từng tiểu đoàn, trung đoàn địch ra đầu hàng. Chiến dịch Hồ Chí Minh, với tinh thần thần tốc táo bạo chỉ trong mười ngày đêm, ta đã cơ động hàng chục trung, lữ đoàn tham gia chiến dịch trong đó có cả các trung đoàn pháo xe kéo cơ động từ Ninh Bình vào Sài Gòn với chặng đường hành quân trên 1.700 ki-lô-mét.

        Pháo đã bắn là phải bắn trúng, phát huy hết tính năng từng loại pháo đạn

        Nguyên tắc này nói lên yêu cầu nghiêm khắc mỗi khi sử dụng pháo phát hỏa. Đây cũng chính là thước đo trình độ và bản lĩnh các đơn vị pháo, để đánh giá việc hoàn thành các nhiệm vụ chiến đấu được giao. Trong thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh có căn dặn "Đánh giỏi bắn trúng" và khi Người về thăm Đại đoàn 351 tháng 4 năm 1953 cũng đã chỉ thị: "Đưa pháo vào gần địch mà bắn, bắn trăm phát trúng cả trăm thì đồn nào không hạ được...". Trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tư lệnh chiến dịch đến thăm bộ đội pháo binh tại chiến trường đã chỉ thị: "... Phải ra sức học tập kỹ thuật, bắn thật trúng đích, không bắn thì thôi nếu đã bắn thì nhất định phải bắn trúng đích, làm cho quân địch phải sợ trọng pháo ta...".

        Cơ sở của việc phát huy hỏa lực mạnh mẽ nhằm đạt hiệu lực sát thương lớn quân địch, phá hủy hàng loạt phương tiện chiến tranh của địch là pháo bắn trúng mục tiêu và phát huy hết tính năng của từng loại pháo đạn.

        Việc sử dụng đạn cho từng mục tiêu, cho từng nhiệm vụ bắn cũng cần cân nhắc không thể tính toán theo kiểu "mẫu - sào", mà phải dựa vào tính chất mục tiêu và lượng đạn dược ta có để tìm cách phát huy hết tính năng từng loại pháo đạn. Cùng nhiệm vụ đó nếu cần tiêu diệt bắn ở cự ly gián tiếp thì tốn hàng trăm viên, nhưng dám đưa pháo xe kéo vào gần quan sát nắm chắc địch, quan sát được điểm rơi của đạn bắn ngắm trực tiếp thì chỉ cần vài viên đạn cũng nhanh chóng tiêu diệt được quân địch. Truyền thống tốt đẹp của Binh chủng Pháo binh là sử dụng pháo đánh gần, bắn có quan sát thấy, táo bạo dùng lối bắn ngắm trực tiếp cho tất cả các loại pháo. Để thực hiện được đầy đủ nguyên tắc này vấn đề mấu chốt là "Con người sử dụng pháo" phải là những chiến sĩ pháo binh có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM