Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:47:12 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Xuân giải phóng  (Đọc 41154 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 05:32:53 am »

          
        - Tên sách: Xuân giải phóng
        - Tác giả: Thiếu tướng Phan Hàm
        - Số hóa: ptlinh

      
Chương 1: Lối thoát của đường hầm

Chiếc máy bay C.141 của không quân Mỹ đã chực sẵn giữa sân đỗ, sải cánh vươn rộng phủ gần hết bề ngang đường lăn. Cửa dưới bụng nó mở toàn hoác. Hai quân cảnh Mỹ, quân phục trắng, đứng gác hai bên. Xa xa trông chiếc máy bay như một con quái vật đang há mồm, nhe răng, nằm phơi xác trên sân xi măng.

Sân bay Gia Lâm, chiều hôm ấy, 29 tháng 3 năm 1973 có vẻ tấp nập nhưng không náo nhiệt tưng bừng. Người tuy đông hơn mọi ngày, nhưng ai nấy đầu giữ yên lặng, trật tự, chẳng trống, chẳng kèn, thậm chí cũng chẳng có cờ xí gì. Một cái lều bằng vải, màu xanh lá cây, phủ toàn bộ sân ga, dùng làm chỗ làm việc của phái đoàn quân sự hai bên. Trong lều vài cái bàn con, mấy chiếc ghế đẩu đối diện nhau. Người làm việc thì ít, người đi xem thì nhiều, chỉ vì một lẽ đơn giản: Hôm nay là đợt thả tù binh Mỹ cuối cùng. Lịch sử chẳng nhẽ sẽ lặp lại một ngày thứ hai như thế này nữa và trên thế giới, chắc gì đã có một địa điểm thả tù binh Mỹ thứ hai như đất Hà Nội này? Ngót năm trăm năm về trước, hàng vạn tướng sĩ của quân đội xâm lược nhà Mình đã quỳ gối xin hàng ở Đông Đô, và hôm nay, cũng trên mảnh đất này, hàng trăm giặc lái được tha về nước. Hai sự kiện lịch sử, tính chất chẳng khác gì nhau bao nhiêu, cùng diễn ra trên một địa điểm: Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội; và cũng cùng nói lên một sự thật: quân xâm lược đã phải đền tội như thế nào trên mảnh đất này.

Có lẽ do ý nghĩ đó, mà người dân Hà Nội, mặc dù xưa nay vốn ít có tính tò mò, chiều hôm ấy, vẫn cố tìm cách đến đây cho được, để tận mắt chứng kiến một cuộc rút lui không kèn không trống, một sự “cút” của một đế quốc sừng sỏ nhất được mệnh danh là đội quân đã từng gieo rắc hãi hùng trên khắp hành tinh.

Cả đám người yên lặng, trật tự, bỗng nhộn nhịp hẳn lên: hai chiếc xe ca, chạy ngang qua đường băng, vòng ra trước dãy nhà của máy bay rồi dừng lại ở cuối sân, cạnh cái lều vải mấy chục thước. Người ta xúm xít xung quanh xe, không phải để tìm một khuôn mặt quen thân, mà là để ghi lại một quang cảnh hiếm có. Máy ảnh bấm liên hồi, máy quay phim quay xè xè. Giữa những tiếng gọi nhau í ới, những tù binh gịăc lái Mỹ lần lượt xuống xe. Mỗi lúc nghe gọi đến tên mình, người tù bước ra khỏi hàng, tiến vào trong lều vải, đứng nghiêm chào các sĩ quan hai bên, trình diện. Một người, dễ thường là nhà báo, chìa ra trước mặt người tù binh một cái cần có gắn micro, cố thu cho được một lười tuyên bố gì đó, nhừng lần nào cũng vậy, các tù binh đều gạt nhẹ sang một bên, rồi lặng lẽ bước theo một lính quân cảnh đi kèm ra tận máy bay.

Đứng trên đài chỉ huy nhìn xuống sân ga, rồi lại đảo mắt nhìn về phía thành phố, tôi bồi hồi xúc động, vừa tin tưởng tự hào, vừa căm giận đau thương. Thủ đô mến yêu, xinh đẹp của chúng ta, vẫn xanh tươi với những rặng cây, trong ánh nắng chiều xuân. Khác với những thủ đô của các nước khác, ở đây không có những dãy nhà chọc trời, những rừng cao ống khói, nhưng chính tại nơi đây, những ngày cuối năm 1972 lại là một trung tâm rung cảm lòng người trên cả hành tinh. Cách đây không lâu, mảnh đất Thăng Long đã từng gọi là “phi chiến địa” đã trở thành nơi nóng bỏng nhất của quả đất. Mỗi lần đêm buông xuống, đồng bào cả nước thấp thỏm lo âu cho Hà Nội. Khu tập thể An Dương vừa bị san bằng trong lúc mọi người đang ngủ say, thì tiếp đến bệnh viện Bạch Mai, khu phố Khâm Thiên bị phá huỷ tan thành. Người ta hỏi nhau: Rồi đêm nay, đêm mai, sẽ đế lượt phố phường nào đây? Nhưng rồi cứ sáng ra, cùng với mặt trời đang lên, Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, lại dõng dạc truyền đi những tin chiến thắng trong đêm. Lại reo mừng, hả dạ, hả lòng! Bạn bè của chúng ta ở khắp năm châu bốn biển cũng cùng hoà chung một nhịp: những ngày đầu thì động lòng trắc ẩn, xót thương, lo lắng nhưng càng về sau thì càng phấn khởi reo mừng và khâm phục. Riêng đối với kẻ thù, thì trái lại, từ chỗ hí hửng huênh hoang lúc ban đầu, dần dần bị rỡi xuống chỗ ngạc nhiên, rồi bàng hoàng và thất vọng.

Ròng rã 12 ngày đêm chìm trong bão lửa, thực chất là trong hai trăm bốn mươi mốt tiếng đồng hồ, nếu trừ những ngày nững đánh, chịu đựng gần hai nghìn lần đánh trong tổng số bốn nghìn năm trăm lần cất cánh của không quân Huê Kỳ, riêng B.52 là 663 lần chiếc, số còn lại là không quân chiến thuật và máy bay hải quân-6 vạn tấn bom, mà Hà Nội vẫn vững vàng cứ hiên ngang, tươi đẹp như thế này ư?

Với cái vốn hiểu biết về khoa học quân sự mà Mỹ đã từng đánh giá là không cao lắm, nhân dân Việt Nam lại dám chấp nhận một kiểu chiến tranh điện tử, hiện đại nhất, bằng một sức mạnh tập trung cao độ, với B.52, một trong ba bảo bối mà Mỹ thườngh đưa ra để doạ loài người; với những máy bay hiện đại “cánh cụp cánh xoè”, như thế này ư? Ở đây chỉ có “diệt”, cứ gì phải “tìm”. Nào có ai ngờ.

Nhớ lại câu thơ của Bác:
“Nghĩ rằng châu chấu đá xe,
Tưởng là chấu ngã, ai dè xe nghiêng”.

Nhưng xe chẳng những nghiên mà thôi, mà con cháu của Bác đã dìm nó xuống tận bùn đen.

Tám mươi mốt máy bay hiện đại trong hai trăm bốn mươi mốt giờ chiến đấu. Dù công nghiệp quốc phòng Mỹ có mạnh đến đâu cũng không sản xuất kịp. Những tên giặc lái Mỹ hiện đang đứng đằng kia, và số chết bao nhiêu chưa rõ, là những cái có thể “đếm xác được”.

Có cái gì là lạ, mơi mới ở đây chăng.

Ta còn nhớ ngày 9 tháng 9 năm 1971, trong cuộc họp của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, để nhận định tình hình và đề ra nhiệm vụ quân sự cho năm 1972, Đảng đã nói: Năm 1972, nếu có giải pháp thì “nó” sẽ rút hết, và nếu chưa, thì cũng có thể “nó” liều. Có thể “nó” sẽ tập trung không quân, đánh có trọng điểm trong một số ngày.

Theo tinh thần ấy, Quân uỷ Trung ương đã sớm chỉ thị cho các đơn vị: “B.52 không chỉ đánh ở miền Nam, đến mức độ nào đó, cũng có thể đánh vào thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không-không quân phải nghiên cứu kỹ đối tượng này”.

        Thực hiện chỉ thị nói trên, quân chủng không những chỉ nghiên cứu trên lý thuyết, mà cả mặt thực hành. Mùa xuân năm đó, một số đơn vị tên lửa được đưa vào giới tuyến, tham gia chiến dịch Quảng Trị và trên đường mòn Hồ Chí Minh, với hai nhiệm vụ: vừa tác chiến tiêu diệt địch, vừa rút kinh nghiệm đánh pháo đài bay B.52. Kết hợp những kinh nghiệm chống chiến tranh phá hoại với những thực tiễn nóng hổi ở chiến trường, bảy tháng sau, cuốn sách “Cách đánh B.52” ra đời.

        Một không khí thi đua sôi nổi dấy lên trong toàn quân, đặc biệt trong quân chủng Phòng không-Không quân. Từ cán bộ đến chiến sĩ, say sưa nghiên cứu, luyện tập, quyết tâm làm chủ mọi binh khí kỹ thuật có sẵn trong tay. Nếu có nhà sư phạm quân sự nào bảo rằng: người giáo viên dạy có kết quả nhất lại chính là kẻ đối kháng thì lời nói đó cũng không sai, nhất là khi những người đi thực tập lại nắm vững được đường lối chiến dịch nhân dân vô địch của Đảng và cũng khá thông minh để kết hợp nhuần nhuyễn những kinh nghiệm của Liên Xô vào thực tiễn Việt Nam.

        Chúng ta đã chuẩn bị đón tiếp chúng như thế đấy. Bấy nhiêu thời gian chờ đợi, tưởng cũng đã quá lâu rồi.

        Bị thất bại nặng trên các mặt, nhất là trên mặt trận quân sự, ngày 20 tháng 10 năm 1972, Kissinger, ngậm đăng nuốt cay, sau bốn năm tranh cãi, buộc phải cầm lấy bản dự thảo: “Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam” của phái đoàn ta trao cho ông ta.

        Ba ngày sau, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra.

        Vì lẽ gì đây? Do thiện chí mong muốn hoà binh hay là để kiếm thêm vài lá phiếu của nhân dân Mỹ? Âm mưu cơ bản vẫn là vừa muốn thoát khỏi đường hầm chiến tranh, lại vừa muốn duy trì được quân đội Cộng hoà và chính quyền miền Nam Việt Nam đủ mạnh. Ngày 26 tháng 10 năm 1972, thấy có triệu chứng lật lọng, ta đã chủ động vạch mặt dối trá của Mỹ trong lúc Kissinger vẫn còn chối bai bải: “Hoà bình đã nằm ở trong tầm tay!”. Chỉ có giải thưởng Nobel về hoà bình thôi, còn thực tế chiến trường vẫn chưa tắt lửa. Một tuần sau đó, Nixon nghiễm nhiên bước vào Nhà trắng, nhiệm kỳ 2.

        Cờ lại về tay. Ông ta càng tỏ ra ngang ngược, ngang nhiên đòi sửa đổi nhiều điều khoản có tính nguyên tắc của bản dự thảo hiệp định mà đôi bên đã thoả thuận từ trước. Kissinger thay mặt Nam Việt Nam, đưa ra 60 đề nghị sửa đổi văn bản-Bản thân Kitssinger 40 đề nghị. Ta không chấp nhận. Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ đề nghị gây sức ép với Hà Nội. Nixon điện cho ta: 72 giờ phải tán thành đàm phán.

        Lại bế tắc! Giống như trò ảo thuật, ngoắc một cái củ cà rốt lại biến mất, cây gậy thò ra. Bản dự thảo hiệp định đã bị gác sang một bên, và thay thế vào đó là kế hoạch Linebacker 2. Một sự phối hợp “tuyệt đẹp” giữa ngoại giao và quân sự, theo kiểu Mỹ. Cái nọ là tín hiệu của cái kia.

        Cả Nixon lẫn Kissinger, đều đinh ninh rằng: với đòn tập kích chiến lược này, vừa tập trung, vừa tàn bạo, lại vừa bất ngờ, đối phương chắc sẽ không kịp trở tay, choáng váng và sẽ chấp thuận. Nhưng ai choáng váng, ai bất ngờ?

        Bao nhiêu năm trời phải đương đầu với đế quốc Mỹ, Đảng ta đã từng dự kiến rất chính xác mọi tình huống có thể xảy ra, và cùng không còn lạ gì cái bản chất cực kỳ phản động khét tiếng của tổng thống diều hâu, vốn thường ra những quyết định điên rồ. Những cuộc hành quân đánh sang Campuchia, sang đường 9 Nam Lào, chẳng đã chứng minh sao?

        Hôm nay, đón những tù binh lặng lẽ về, có lẽ các cấp chỉ huy, tướng lĩnh Mỹ mới vỡ lẽ một điều: Quân đội nhân dân Việt Nam đã nắm chắc âm mưu thâm độc và xảo quyệt, bản chất lật lọng của đối phương, nắm chắc được mọi hành động, mọi công tác của từng quân binh chủng của Mỹ, trong quá trình chuẩn bị cho cuộc tập kích chiến lược bất ngờ này: từ lúc kế hoạch hãy còn thai nghén, đến lúc tàu chở máy bay tiếp dầu, bay qua bay lại nhộn nhịp, tập trung trên đất Thái Lan, và cũng không phải chỉ có thể, đến cả giờ mở màn, hình như cũng được biết trước.

        Có gì lạ đâu? Mười tám giờ ba mươi phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, khi Chính phủ ta nhận được công hàm của Mỹ đòi ta họp lại hội nghị Paris theo những điều kiện do họ áp đặt, hay nói cho đúng hơn, là một tối hậu thư, thì các chiến sĩ rađa của ta cũng đã phát hiện được B.52 trên màn hiện sóng. Vì vậy mà xông vào hướng nào cũng được đón tiếp rất giòn giã và rất xứng đáng.

        Cứ theo như tù binh kể lại, thì Mỹ chắc mẩm phần thắng trong tay. Với 15 loại nhiễu trên một chiếc máy bay, với một đội hình chiến đấu rất vững chắc, có tiền hô, có hậu ủng, có giương đông, có kích tây, và bằng một thủ đoạn chiến đấu rất nham hiểm, sở trường, ngay từ phút mở đầu đánh phủ đầu vào sáu sân bay lớn trên miền Bắc, diệt trước lực lượng không quân ta, đồng thời đánh vào Đài phát thanh, hòng bịt miệng, không cho ta tố cáo trước thế giới hành động tàn bạo và đê hèn của họ, Việt Nam khó lòng đứng vững được.
« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 11:00:23 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 05:47:44 am »


        Ngày đầu chúng nếm mùi thất bại quá nặng nề. Đêm 19 rạng ngày 20, sáu chiếc máy bay bị hạ trong đó 2 B.52. Đêm 20 rạng ngày 21, vọt lên 11 chiếc bị bắn rơi, có một B.52; đành phải thay đổi cách đánh: giãn hoạt động của B.52 ra vòng ngoài. Nhưng Đồng Mỏ, Thái Nguyên, Hải Phòng nào có chịu kém thủ đô giữa mùa chiến thắng.

        Sáng ngày 22 tháng 12, Mỹ lại gửi công hàm, đề nghị ta họp lại theo nội dung đã thoả thuận trong tháng 10. Rõ ràng con ngoáo ộp đã bị ngấm đòn. Đến 24 giờ ngày 24 tháng 12, cuộc tập kích tạm ngừng. Nào phải đâu vì lòng ngoan đạo, mà con chiến Nixon không muốn cho Chúa thấy vào giờ Giáng sinh, những tội ác tày trời mà ông ta đã gây ra? Đây chẳng qua chỉ là mượn cớ xả hơi, hòng bổ sung thêm cho căn cứ Utapao một số B.52, vài chục tổ lái, để bù vào những thiệt hại vừa qua và lừa bịp dư luạn cho đỡ rát mặt.

        Sáng ngày 22, trong lúc khói bom hãy còn đang mù mịt, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đến trận địa của tiểu đoàn 59 tên lửa, ngồi trong xe điều khiển, chăm chú nghe từng trắc thủ, từng cán bộ báo cáo rành rọt về trận đánh hôm qua, không bỏ sót một động tác nhỏ, một nhận xét nhỏ của mỗi người, mặc cho những “cánh cụp cánh xoè”, những “thần sấm con ma” gầm rít trên bầu trời, cố tìm diệt trừ các đối thủ đáng sợ trong đêm hôm trước.

        Thượng tướng Văn Tiến Dũng thường xuyên chủ trì các cuộc họp với cán bộ trong Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh quân chủng. Đồng chí biểu dương những thành tích, bổ sung nhận định và thẳng thắn vạch ra những điểm yếu cần khắc phục và cùng thảo luận để tỉma cách đánh có hiệu quả nhất. Đồng chí nói: “Địch bị tổn thất đau nhất từ năm 1964 đến nay, chúng đang bị choáng váng, bất ngờ trước sự đánh trả có hiệu quả của ta. Nhưng, tuyệt đối không được chủ quan, sức địch còn nhiều, chúng sẽ thay đỏi quy luật và thủ đoạn. Đối tượng chính của chúng hiện nay là tên lửa. Khi chưa trị được tên lửa, trước mắt, chúng đánh phá vòng ngoài để giảm bớt thiệt hại, nhưng chúng sẽ tổ chức lực lượng, để rồi tiếp tục đánh phá vòng trong nội thành. Những giặc lái trực tiếp lao vào khu vực này, nơi được bảo vệ vững chắc, thì hoang mang, lo sợ; nhưng những kẻ cầm đầu vẫn chưa cam chịu thất bại, chúng còn có những ý định liều lĩnh hơn, còn tập trung lớn hơn”.

        Đồng chí khêu gợi cho cán bộ nghiên cứu tìm cách phát huy sức mạnh tổng hợp của các binh chủng, giao nhiệm vụ bảo vệ tên lửa, tạo điều kiện cho binh chủng này phát huy sức mạnh lâu dài. Những cuộc họp đầu bờ, những hội nghị chớp nhoáng như vậy, đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu về kỹ thuật, chiến thuật, chỉ huy hiệp đồng, thấy được những nhược điểm của từng loại máy bay ma từ trước đến nay ở các chiến trường khác, Mỹ chưa hề bộc lộc và từ đó cũng tìm ra được cách đánh của từng binh quân chủng của ta: tên lửa, không quân, cao xạ bộ binh và đến cả dân quân.

        Điều mà các chiến sĩ không thể nào quên được là hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Từ những ngày đầu, tuy đã có kế hoạch di chuyển cơ quan lãnh đạo về nơi an toàn, nhưng rồi cũng chẳng có đồng chí nào chịu đi. Trong cơn bão lửa, cũng như lúc tạm ngừng, Bác Tôn, đồng chí Lê Duẩn, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng, vẫn đến những trận địa còn ngập mùi thuốc súng. Sự có mặt của các đồng chí là một niềm cổ vũ vô cùng to lớn đem đến những chiến công và cũng là một niềm an ủi đối với những đau thương và tổn thất.

        Cho nên không có gì là khó hiểu khi thấy, ngày lại ngày, thành tích các đơn vị, các địa phương cứ phơi phới đi lên: trưa ngày 24, tổ dân quân trực chiến ở hướng Phà Đen hạ 1 F.111 bằng 21 viên đạn súng máy cao xạ chưa hẳn là diệu kỳ nhất; tối hôm ấy một đơn vị dân quân khác mới được thành lập, được trang bị bằng một loại pháo cao xạ cũ trong kho mới kéo ra, cũng hạ được một pháo đài bay ở Thái Nguyên, đêm 27 không quân ta đã rẽ mây len lỏi lọt qua máy bay hộ tống, vít cổ một pháo đài bay, và đêm 29, trước giờ kết thúc, Vũ Xuân Thiều, lại hạ một “thần sấm” trên núi rừng Tây Bắc. Toàn là những chiến công xưa nay chưa từng có.

        Đánh giá về lực lượng phản kích của ta, nhiều tướng lĩnh Mỹ, nhiều nhà binh luận phương tây, đã không ngớt lời ca ngợi.

        Cơn-oen, tham mưu trưởng không quân Mỹ đã viết: “Lực lượng phản kích của Việt Nam là đáng sợ nhất và hoàn chỉnh nhất mà những người lái của Mỹ chưa hề gặp”.

        Cuối cùng, chính Taylor, cũng đã đi đến kết luận: ”Sức mạnh không quân là một sự yểm trợ, nhưng nó không thể quyết định việc chặn đứng những con người kiên quyết chiến đấu trên mặt đất… Chúng ta đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức tính hy sinh vì sự nghiệp của người Việt Nam…”
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 05:49:13 am »


        Thủ đô của chúng ta thần kỳ như thế đó. Mỗi phố phường đều có sự tích anh hùng. Thăng Long, Đông Đô hay Hà Nội, đời nào cũng như thế đấy.

        Ấy thế mà hôm nay, ngày trao trả tù binh cuối cùng, ngày đế quốc Mỹ cam kết chấm dứt mọi sự dính líu với miền Nam Việt Nam,chấm dứt sự phong toả ném bom miền Bắc, liệu có suôn sẻ như lời văn của hiệp định, hay lại còn giở trò giờ chứng gì nữa? Nhìn ra xa xa ngoài sân bay, những vùng đất mới bị B.52 cày xới, màu đất hãy còn đỏ tươi. Những nấm mồ do những tên giặc lái sắp hàng đang đứng ở kia, trực tiếp gây ra, còn chưa xanh cỏ; những nhà cửa bị bom ném sập; cây cối ngả nghiêng, lòng người uất hận, căm thù ngút tận trời xanh. Chỉ mới cách đây mấy phút thôi, những giặc lái này vẫn được bình yên, diễu qua trước mặt nhà những nạn nhân của họ. Nhân dân Hà Nội đã có một sự kìm chế cao độ, một niềm tin tưởng vô biên và một ý thức tổ chức kỷ luật hiếm có. Đảng bảo họ: hãy khoan hồng! Và họ đã nén giân, tuân theo.

        Cuộc thả tù binh Mỹ được tiến hành nhanh chosng theo đúng kế hoạch. Khi tên giặc lái cuối cùng bước vào máy bay, cánh cửa từ từ cất lên. Chiếc máy bay nổ máy, lướt nhanh trên đường băng, nhẹ nhàng cất cánh. Đến Cầu Đuống, chưa lấy hết độ cao, nó đã quặt về hướng đông và dần dần chỉ còn là một chấm đen chìm dần trong mây bạc, rồi mất hút hẳn.

        Mười phút sau, tổ cán bộ trao trả nhận được điện từ Tân Sơn Nhất đánh ra: “Chiếc máy bay chở tên lính Mỹ cuối cùng cũng vừa rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất”. Một sự hợp đồng về thời gian tuyệt đẹp giữa hai miền đất nước.

        Chiều hôm ấy, Đài tiếng nói Hoa Kỳ loan báo cho thế giới biết: “Hôm nay ngày 29 tháng 3 năm 1973, người tù binh cuối cùng và người lính Mỹ cuối cùng đã gặp nhau và cùng nhau liên hoan tại căn cứ Clark”.

        Trước đó 48 tiếng đồng hồ, toàn nước Mỹ đã làm lễ cầu nguyện và tạ ơn Đức Chúa trời. Nixon tuyên bố trước công chúng Mỹ là cuộc thử thách lâu dài đã chấm dứt. Mỹ đã đạt được mục tiêu hoà bình trên danh dự Việt Nam.

        Phải chăng đây là lối thoát của con đường hầm tăm tối mà mười mấy năm qua, Mỹ đang ngụp lăn chui đầu vào?

        Chưa hẳn đã là như vậy. Sự dính líu vẫn còn…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 05:52:56 am »


Chương 2

GIEO GIÓ

        Hiệp định Paris về Việt Nam đã xác nhận: “Đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam; rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là: Độc lập, chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam; thừa nhận thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị…

        Sau hơn mười năm gây chiến tranh ở Việt Nam, hy sinh hàng chục vạn lính Mỹ, tiêu tốn ngót gần một nghìn tỷ đô la, đế quốc Mỹ buộc phải ra đi, chấp nhận một thất bại có ý nghĩa, nhưng vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.

        Ngày 23 tháng 1 năm 1973, bốn ngày trước khi ngừng bắn và sau hai ngày bước vào Nhà Trắng, nhiệm kỳ hai, Nixon công bố không úp mở: “Mỹ sẽ không ủng hộ bầu cử tự do và Mỹ sẽ tiếp tục thừa nhận chính phủ Việt Nam là chính phủ hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam”.

        Bộ chỉ huy quân sự Sài Gòn được thay bằng Văn phòng tuỳ viên quốc phòng Mỹ, viết tắt là DAO. Cư này bắt đầu hoạt động từ ngày 28 tháng 1 năm 1973 và do thiếu tướng Giôn Mua-rây cầm đầu. DAO có chi nhánh ở Đà Nẵng, Plây Cu, Quy Nhơn, Nha Trang, Biên Hoà, Long Khánh, Nhà Bè, Đồng Tâm, Bình Thuỷ và Cần Thơ.

        Hai vạn ba nghìn người lính không mặc quân phục do chính phủ Mỹ trực tiếp đào tạo theo một chương trình đặc biệt đã ở sẵn trên đất miền Nam Việt Nam ngay từ đầu ngừng bắn. Như vậy thì Mỹ đã “Việt Nam hoá chiến tranh hay là ”Dân sự hóa chiến tranh”?

        Mỹ không giải tán tổng hành dinh lực lượng không quân Mỹ như hiệp định yêu cầu, mà chuyển đến căn cứ không quân hoàng gia Thái Lan ở Nakhom Phanom. Nhiều phi đội máy bay Mỹ đáng lý phải rút về nước thì lại chuyển sang một trong số sáu căn cứ không quân lớn của Mỹ ở Thái Lan.

        Đối với bản hiệp định, Thiệu phản ứng ra mặt. Ông ta nói với cấp dưới: “Các anh nghĩ thế nào khi đọc đến lời văn chữ nghĩa của hiệp đình này, liệu có còn đứa nào ở trong quân đội nữa không?”. Và làm mình làm mẩy cố phá; nhưng phá thế nào được, vì “cái đuôi con chó không thể nào cưỡng lại ý muốn của con chó được”. Những sự mè nheo, mặc cả, cũng chỉ cốt để tỏ ra rằng chính phủ Nam Việt Nam cũng còn có tiếng nói, và chủ yếu là để cho hai viện ở quốc hội Mỹ mở rộng két bạc ra. Ông ta tuyên bố rất ngang ngược: “Không có chính phủ liên hiệp, không có trung lập, không cho Cộng sản tham gia vào các hoạt động chính trị, không chịu để mất một tấc đất nào”.

        Thiệu đinh ninh rằng nếu vạn nhất có điều gì tai biến xảy ra, thì Mỹ nhất định sẽ không khoanh tay ngồi nhìn, nhất định sẽ can thiệp. Hơn nữa, ông ta cho rằng cơ sở hạ tầng của ta rất yếu, mà chính quyền miền Nam thì lại quá mạnh. Muốn đảo ngược được tình hình thì phải mất một thời gian rất lâu.

        Vấn đề đặt ra cho chính quyền Sài Gòn trước mắt là tìm mọi cách làm cho lực lượng cách mạng suy yếu, tiến tới tiêu diệt các lực lượng vũ trang, chính trị của Co cách mạng lâm thời. Chiến tranh sẽ tàn lụi dần và cuối cùng, chỉ còn có một chính quyền: Cộng hoà Việt Nam và một quân đội, quân đội Cộng hoà.

        Tư tưởng chủ đạo trước sau vẫn một mực dựa vào sự viện trợ của Mỹ để tồn tại và khi có nguy cơ sụp đổ, thì gào thét, cầu khẩn, xin bùa hộ mệnh B.52. Họ cho rằng mọi hoạt động của ta, dù lớn hay nhỏ đều phụ thuộc vào viện trợ của Liên Xô, Trung Quốc và muốn làm gì, cũng phải tính đến khả năng phản ứng của Mỹ. Đánh chó phải nể mặt chủ nhà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 05:53:55 am »


        Để thực hiện âm mưu này, chủ trương của Mỹ-Thiệu, trước tiên cần phải xây dựng một đội quân thật mạnh. Ngay từ đầu năm 1972, liệu thế trận nhất thiết phải ra, Mỹ đã hối hả đưa vào miền Nam Việt Nam, một khối lượng binh khí kỹ thuật, trang bị, phương tiện rất lớn bằng hai kế hoạch liên tiếp: tăng cường và tăng cường cộng (Enhance và Enhance Plus). Về không quân: trên 650 máy bay các loại, trong đó có 260 máy bay chiến đấu, 30 trực thăng, gần 30 máy bay vận tải C.130, 60 máy bay trinh sát; về lục quân: có 450 khẩu pháo, 300 xe tăng và thiết giáp; về hải quân: từ 1 đến 2 tuần dương hạm. Ngoài ra có 15 vạn tấn đạn dược. Thực ra, số tiền viện trợ do hai viện được quốc hội Mỹ thông qua và công bố công khai chẳng khớp tí nào với khối lượng vũ khí, trang bị tiếp nhận được. Bằng những trò ảo thuật, Lầu năm góc và những tướng tá bên dưới, có thiếu gì phép lạ, để lừa bịp quốc hội và nhân dân Mỹ. Với số trang bị kỹ thuật do Mỹ để lại, cộng thêm với số mới được tiếp nhận thêm, Mỹ ra sức hiện đại hoá quân đội Cộng hoà Việt Nam. Trong năm 1973, bắt thêm 24 vạn lính, thu nhận 13 vạn lính đảo ngũ, nâng tổng số quân lên gần 90 vạn, bao gồm 40 vạn lục quân,trên 4 vạn hải quân, 5 vạn 4 không quân và32 vạn quân địa phương. Nếu tính cả nghĩa vụ quân và phụ quân thì tổng số lên đến 1 triệu mốt người. Mỹ Thiệu rất chú trọng đến việc xây dựng các quân chủng. Không quân có 66 phi đoàn với 2.000 máy bay, hải quân có 1.600 tàu các loại; pháo binh với 1.600 khẩu pháo; xe tăng trên 2.000 chiếc. Nhiều nhà quân sự nước ngoài thừa nhận là quân đội Cộng hoà ở miền Nam Việt Nam là đội quân tay sai mạnh nhất thế giới. Trong thế giới tư bản, đội quân này được xếp vào loại thứ tư về hải quân và thứ ba về không quân.

        Bên cạnh lực lượng thường trực hùng hậu nói trên, Mỹ Thiệu còn tổ chức thêm lực lượng tại chỗ rất rộng rãi, đông đảo, lên đến 1 triệu rưỡi người, một nửa được vũ trang. Những kinh nghiệm chống phá cách mạng, tích luỹ từ các chiến trường Đông Nam Á đã từng áp dụng ở miền Nam, hãy còn được bổ sung thêm thủ đoạn thường dùng là những hình thức thuyết phục nhân dân đứng về phía “chính phủ” đến những hành động ám sát; họ còn bày trò chiêu hồi, ân xá, giúp đỡ những người trót đã đi theo kháng chiến, nay “cải tà quy chính” trở về với chính phủ, trở lại một cuộc sống bình thường. Để giúp chính quyền Sài Gòn thực hiện chương trình đó, Mỹ phái sang Sài Gòn một đội ngũ cán bộ mới được đào tạo theo một chương trình đặc biệt.

        Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đánh giá đế quốc Mỹ, tuy buộc phải chấp nhận một giải pháp chính trị, nhưng vẫn chưa từ bỏ âm mưu cơ bản là biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài đất nước ta.

        19 năm về trước, nhân dân miền Nam Việt Nam cũng đã từng đấu tranh với Pháp để thi hành Hiệp định Geneva; lần này, lại đấu tranh với Mỹ để thi hành Hiệp định Paris. So với trước, tình hình có khác. Ngày nay chủ lực của ta ở miền Nam Việt Nam đã đứng sẵn trên các địa bàn chiến lược, bộ đội địa phương và dân quân du kích đang xen kẽ với địch; cơ sở chính trị ở khắp ba vùng: rừng núi, nông thôn, đô thị,tuy mạnh yếu có khác nhau, vùng giải phóng xen kẽ với vùng bị chiếm. Đây chính là chỗ thắng lợi cơ bản của hiệp định, đem lại thuận lợi cơ bản cho ta sau này. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn: số dân làm chủ chưa đông và chưa vững chắc; cơ sở chính trị, vũ trang còn yếu; đối phương đang chiếm lĩnh các địa bàn, các trục đường giao thông quan trọng; nhất là về mặt kinh tế, vùng giải phóng còn rất nghèo nàn…

        Phán đoán âm mưu và hành động của đối phương trong thời gian tới, Đảng ta dự kiến:

        Hoặc là họ sẽ thi hành một số điều khoản như ngừng bắn, trao trả tù binh, rút quân Mỹ và chư hầu về nước, nhưng trong từng công việc làm cũng có những cái không triệt để và nhất là những điều khoản chính trị có hại cho họ thì sẽ bị phớt lờ. Đối phương vẫn tiếp tục dùng lực lượng quân sự, mở các cuộc hành quân cảnh sát, đẩy mạnh công tác bình định, nhằm củng cố vùng họ kiểm soát; mở hành quân lấn chiếm, giành dân vùng giải phóng, xoá hình thái da báo, bao vây kinh tế v.v… làm cho cách mạng yếu đi.

        Hoặc là sau một thời gian củng cố và chuẩn bị lực lượng, sau khi đưa hết tù binh Mỹ về nước, Thiệu có thể gây lại chiến tranh, có sự chi viện của Mỹ và chư hầu. Phạm vi có thể hạn chế ở miền Nam, cũng có thể lan rộng đến Lào, Campuchia và cũng có thể ra cả miền Bắc.

        Dù bất cứ tình huống nào, con đường tiến lên của cách mạng vẫn là con đường bạo lực, dựa vào hai lực lượng quân sự và chính trị. Đứng trước tình hình mới, ta chủ trương chuyển hướng, phát động phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn của quần chúng lấy lực lượng quân sự làm hậu thuẫn, buộc đối phương thi hành hiệp định triệt để, thực hiện hoà bình, độc lập, dân chủ, hoà hợp; đồng thời, sẵn sàng đập tan mọi hành động phá hoại gây lại chiến tranh. Nghị quyết tháng giêng năm 1973 của Quân uỷ Trung ương chỉ thị cụ thể thêm: “Ta chủ trương tiến công địch về chính trị, mà không tiến công về quân sự, nhưng nếu địch tiến công ta về quân sự, thì phải sẵn sàng tiêu diệt chúng…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 05:56:41 am »


        Từ tháng 9 năm 1972, Bộ Tổng tham mưu có đề nghị Quân uỷ Trung ương một phương án tranh thủ giành thắng lợi thêm trước khi có lệnh ngừng bắn, để tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh về sau. Sau khi đã thống nhất ý kiến với các bộ chỉ huy các chiến trường,”kế hoạch thời cơ” được đặt ra nhằm ba mục đích:

        -Hình thành cho được thế bao vây các đô thị lớn, các căn cứ quan trọng, triệt phá các đường giao thông quan trọng nhằm chia cắt, cô lập đối phương đồng thời bảo đảm hành lang đi lại tiếp tế của ta.

        -Đẩy mạnh hoạt động của các lực lượng tinh nhuệ, tập kích các cơ quan, căn cứ, chỉ huy ở, kho tàng, phương tiện kỹ thuật.

        -Mở rộng vùng giải phóng, hoàn chỉnh các địa bàn đứng chân của các trung đoàn, sư đoàn, mở vùng, mở mảng, giành dân chiếm đất, bám trụ, giữ vững nếu bị phản kích.

        Bộ Tổng tham mưu cũng nhắc nhở các chiến trường không tung hết lực lượng ra, không được vì thắng lợi nhất thời mà để cho lực lượng bị tiêu hao, phải giữ sức để đối phó với âm mưu mới của đối phương sau ngày ngừng bắn (chỉ thị số 480-B-Tgl, ngày 27 tháng 1 năm 1973). Cách làm cụ thể là dùng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ: đặc công, biệt động, các phân đội pháo cối lẻ, các phân đội công binh, đánh rất táo bạo, đánh sâu, đánh hiểm, vào các thị xã, thành phố lớn như ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, cắt đứt các đường giao thông chiến lược, buộc các đơn vị chủ lực quân đội Cộng hoà phải đối phó dài ngày. Trong khi đó chỉ dùng một bộ phận chủ lực cùng với lực lượng vũ trang chính trị tại chỗ, kết hợp giữa đấu tranh chính trị, nổi dậy của quần chúng và tấn công quân sự, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng kìm kẹp; giải phóng và làm chủ thêm nhiều xã, ấp; đưa dần các vùng đanh tranh chấp lên thành vùng giải phóng.

        Kết quả của “kế hoạch thời cơ” rất khả quan. Trước giờ ngừng bắn, ta đã chiếm thêm được một số địa bàn rất có lợi, mở ra thêm nhiều vùng, nhiều mảng quan trọng như Sa Huỳnh (Khu 5); Đức Cơ, Plây Krông, Trung Nghĩa (Tây Nguyên); Long Mỹ (đồng bằng sông Cửu Long), các đường giao thông như quốc lộ 1 trên một chiều dài gần nghìn cây số từ thị xã Quảng Trị đến bắc Sài Gòn  bị chặt đứt từng đoạn; đường quốc lộ 14 từ Kon Tum đến Buôn Ma Thuột; quốc lộ 19, 21 (Tây Nguyên); quốc lộ 15, 20, 4 (Nam Bộ); ta đưa lên làm chủ thêm 800 ấp với 50 vạn dân.

        Với kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, quân đội Cộng hoà đã mở những cuộc tiến công sâu vào các vùng căn cứ giải phóng. Ở Quảng Trị, đến giờ phút chút, họ lén lút đưa một bộ phận thuỷ quân lục chiến, có xe tăng, pháo binh chi viện, bất thình lình chiếm lĩnh lấy cảng Cửa Việt, cái cổ họng duy nhất thông ra biển trong vùng kiểm soát của Chính phủ cách mạng lâm thời. Họ đã phải trả giá quá đắt cho cuộc hành quân này. Mặc dù họ đã “khôn khéo” báo cho tổ quốc tế ở Huế biết từ trước, và cung cấp phương tiện ra ngay Cửa Việt, để xác minh chủ quyền của họ. Nhưng muộn mất rồi! Bằng một đòn giáng trả rất tập trung, rất kiên quyết, ta đã bẻ gãy cuộc hành quân này. Hàng chục chiếc xe tăng bị diệt, phơi xác trên bãi cát trắng, còn bộ binh thì lủi thủi rút về.

        Ở Quảng Nam, họ dùng 3 sư đoàn nguỵ, được tăng cường thêm trung đoàn 51 của sư đoàn 1 nguỵ, mở cuộc hành quân sâu vào thung lũng Quế Sơn, cố chiếm cho được các cao điểm ở đông quận lỵ Hiệp Đức. Chưa đến mục tiêu, cánh quân này đã bị chặn lại. Ở nam Quảng Ngãi, đến ngày 27 tháng 1 năm 1973, ta đã giải phóng một đoạn dài 30 cây số trên quốc lộ 1 từ Đức Phổ đến Tam Quan, trong đó có cửa Sa Huỳnh. Vừa lo bị chia cắt, vừa không muốn để cho Chính phủ cách mạng lâm thời có thêm một cửa biển thứ hai, nên bất chấp quy định ngừng bắn, đối phương vẫn huy động lực lượng, từ phía nam đánh ra, phía bắc đánh vào, phối hợp với máy bay, tàu chiến cố chiếm lại cho kỳ được, sau 20 ngày giằng co quyết liệt, vùng giải phóng này bị chiếm lại.

        Tổng hợp tình hình chung trên các chiến trường, thấy nổi lên một điểm: nơi nào ta có lực lượng mạnh như bắc Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ, thì bề ngoài đối phương tỏ ra biết điều. Sĩ quan, binh lính đôi bên, thỉnh thoảng còn có gặp nhau. Nhưng, bộ mặt hoà hợp giả tạo không che nổi những mưu đồ, hành động xảo trá, lật lọng của họ. Phần lớn các nơi khác, họ đã huy động trên 60 phần trăm lực lượng chủ lực và toàn bộ lực lượng vũ trang địa phương liên tục mở các cuộc hành quân bình định lấn chiếm, cường độ đánh phá, xúc dân tăng gấp 10 lần so với trước khi có hiệp định: chỉ trong vòng 60 ngày, đối phương đã mở gần 2 vạn cuộc hành quân lấn chiếm và gần 2 vạn rưởi cuộc hành quân cảnh sát trong toàn miền.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 05:59:44 am »


        Chỉ thị mà ta lấy được ở cơ quan Bộ Tổng tham mưu Cộng hoà Việt Nam sau ngày giải phóng, có đoạn viết “quân đội Cộng Hoà có quyền có mặt ở bất cứ khu vực này xảy ra xung đột và bất kỳ một vụ nổ nào vào quân đội Cộng hoà, trong những khu vực ấy, đều quy thành một sự vi phạm của Quân giải phóng. Trong khi đó, những cuộc nã pháo vào bất cứ vị trí nào đều không được báo cáo là vi phạm vì đây chỉ là biện pháp phòng thủ, hoặc phản ứng lại một vụ vi phạm của đối phương”.

        Do điều kiện chiến trường bị chia cắt, việc đi lại có nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, nên việc quán triệt cho dưới cơ sở tinh thần và lời văn của hiệp định không thể đầy đủ, kịp thời, và đã có tình trạng “tam sao thất bản”. Một số cán bộ ở các cơ quan cấp trên, khi xuống các để truyền đạt, đã quá nhấn mạnh đến xu thế hoà bình, nói tinh thần hoà hợp hoà giải, theo cách một chiều. Nhìn thấy nhân dân vùng do đối phương kiểm soát bị chà đi sát lại nhiều lần, bị dồn hết nơi này đến nơi khác, đời sống vô cùng cực khổ, nên đưa ra chủ trương cho vài địa phương: hay là tạm gác lại những hoạt động vũ trang để đối phương không còn có cớ để khủng bố, chém giết nhân dân, cố giữ thế hợp pháp cho đồng bào, để đấu tranh chính trị? Hãy tạm thời để cho “xanh đồng đông chợ”, để có điều kiện mà bồi bổ sức dân; kiên trì sống trong cảnh cá chậu chim lồng miễn là luôn luôn giữ vững niềm tin. Vỏ tuy xanh nhưng lòng vẫn đỏ.

        Nhưng, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng! Thực sự không có hoà bình, thực sự không có ngừng bắn, Mỹ Thiệu vẫn tiếp tục chiến tranh.

        Ở Trị Thiên, sau đòn Cửa Việt, đối phương lui về giữ tuyến phòng thủ trên bờ sông Thạch Hãn. Ta khống chế các cao điểm phía tây. Họ biết ở đây ta có lực lượng lớn có nhiều pháo, xe tăng và nhất là có lực lượng phòng không rất mạnh với nhiều trận địa tên lửa, nên họ án binh bất động. Từ Mỹ Chánh trở vào và nhất là ở đồng bằng, đêm ngày đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt. Trên một chiến trường dài khống quá 150 cây số, chưa đầy một triệu dân mà họ cắm ở đây một lực lượng rất lớn: 56.000 quân chủ lực và địa phương, 35.000 phòng vệ dân sự, 7 ngàn cảnh sát, 15.000 nhân viên nguỵ quyền, 3 ngàn mật vụ. Trung bình mỗi cây số vuông có trên 100 lính. Ở nông thôn, lực lượng kìm kẹp ở mỗi xã có từ 3 đến 9 trung đội dân vệ. Ở thành phố, mỗi khóm có trên vài trăm nhân dân vệ. Vẫn chưa hết, về sau còn tăng thêm 600 tâm lý chiến. 200 chiêu hồi viên, 350 sĩ quan cảnh sát hạ phóng xuống làm ấp trưởng, liên gia trưởng. Bọn Mỹ-Thiệu đã từng rút kinh nghiệm của những năm trước đây. Năm 1963, cũng tại nơi đây, đã châm ngòi cho phong trào đấu tranh lật đổ Ngô Đình Diệm; năm 1967, chiến dịch Đường 9 đã đẩy mấy sư đoàn thiện chiến Mỹ xuống địa ngục Khe Sanh, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân giải phóng, trong Tết Mậu Thân, bằng một đòn tấn công chớp nhoáng, sau một đêm, làm chủ gần hết cả cố đô. Năm 1972, chiến dịch Quảng Trị, giải phóng thị xã Đông Hà, đẩy quân đội Cộng hoà về phía nam cầu Mỹ Chánh. Bao giờ chiến trường này cũng là nơi nóng bỏng nhất lại trực tiếp mặt đối mặt với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nên phải ra sức đề phòng. Cũng còn thêm một lý do nữa mà Thiệu chẳng hề hé răng cho ai biết. Lính dù, thuỷ quân lục chiến vỗn dĩ là con dao hai lưỡi. Thiệu có tin gì hai viên tư lệnh Lê Quang Lương và Bùi Thế Lâm, nhất là Lương, vì cùng sắc lính với Nguyễn Cao Kỳ. Đưa những người này về chung quanh Sài Gòn, khác gì nuôi ong tay áo.

        Với lực lượng như trên, đối phương đã tạo ra một cái vỏ rất cứng, với hai sư đoàn dự bị chiến lược và sư đoàn 1-sư đoàn thiện chiến nhất của quân đội Cộng hoà-các liên đoàn biệt động quân, liên đoàn thiết giáp v.v… Còn bên trong, tỷ lệ 1 lính kẹp 6 dân, họ tha hồ làm mưa làm gió. Cuối năm 1973, các lõm giải phóng gần như bị xoá sạch, các hàng lang từ trên núi xuống đồng bằng bị phong toả. Chiến trường Trị Thiên có phần êm ắng hơn các nơi khác. Đối phương cũng có phát hiện vài lõm giải phóng nhỏ gần quận lỵ Phong Điền, nhưng lực lượng cách mạng ở đây quá ít, chỉ cần một cuộc hành quân cũng đủ quét sạch mọi lực lượng đề kháng. Theo họ, công tác bình định đã thành công mỹ mãn: Trần Văn Đôn, nhắc mãi đến chuyến đi công tác trên một chuyến xe con không cần phải có họ tống, suốt từ Mỹ Chánh đến chân đèo Hải Vân. Những lính gác cầu, trước kia là người Mỹ, thì nay đã có dân vệ thay thế.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:29:26 pm »


        Có một thứ mà đối phương không phát hiện ra: ngọn lửa cách mạng đang âm ỉ cháy trong lòng dân, các cơ sở mật bị chà đi sát lại lần hồi được xây dựng lại rải rác khắp nơi: Triệu Hải, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thuỷ, Phú Vang… Các chi bộ Đảng ở xã Mỹ Thuỷ anh hùng, ban ngày thì chui hầm bí mật, nhưng ban đêm thì từ lòng đất, trồi lên móc nối cơ sở. Cả thành uỷ Thuận Hóa vẫn hoạt động trong bóng tối ở ven đô.

        Trên chiến trường đồng bằng Khu 5, họ biết nhân dân ở đây có truyền thống lâu đời và có nhiều kinh nghiệm đấu tranh. Họ tìm cách để cách ly nhân dân với cách mạng. Thủ đoạn chính là đóng chốt, phân tuyến. Trên đường ranh giới giữa rừng núi và đồng bằng, họ xây dựng trong vài tháng đầu năm 1973 bốn trăm chốt, mỗi cái chỉ có một ít lực lượng địa phương đóng giữ. Họ ngày đêm phục kích lùng bắt cán bộ, ngăn chặn tiếp tế. Nơi nào thiếu lực lượng thì dùng mìn phong toả. Thỉnh thoảng tổ chức những cuộc hành quân hay dùng lực lượng trực thăng đổ bộ sâu vào căn cứ, càn quét, bắn phá chớp nhoáng rồi rút nhanh. Để đối phó lại, ở một vài nơi, ta cũng bố trí những bãi mìn dọc theo các ngả đường. Kết quả của hai hàng rào thuốc nổ là chiến trường bị phân tuyến, lực lượng cách mạng bị dồn dần lên núi. Đồng bào vùng kiểm soát bị đàn áp, khủng bố liên miên; nay dồn đến khu tập trung này, mai lại rời sang nơi khác. Không phải họ chỉ tách “cá ra khỏi nước” mà còn nhằm cắt đứt quan hệ giữa cá với cá, người với người. Không còn chút tư liệu gì để sản xuất, không còn mẩu đất nào để làm ăn, nói là để cho “xanh đồng đông chợ” nhưng làm gì có đồng để mà xanh, có chợ để mà đông, vùng cát đã trắng, nay càng trắng thêm.

        Ở Nam Bộ, càng gần thủ đô Sài Gòn, âm mưu và thủ đoạn lại càng thâm độc, xảo quyệt và tàn bạo hơn.

        Cũng như trên chiến trường phía bắc vùng I chiến thuật, miền Đông Nam Bộ là trọng điểm phòng thủ của đối phương vì có thủ đô Sài Gòn. Ngoài ba sư đoàn bộ binh, còn có một số liên đoàn biệt động quân, địa phương quân, nghĩa quân, các binh chủng, quân chủng, các trường, viện, được tăng cường một cách đặc biệt, trong nội thành cũng như ở các cụm ven đô. Ở đây, không có những cuộc hành quân lớn suốt cả năm 1973, trừ cuộc hành quân giải toả quốc lộ 13 từ ngày 3 đến 15 tháng 6, mà họ đã sử dụng gần hết nửa triệu viên đạn pháo, tức là 17 phần trăm tổng số đạn phá tiêu thụ trong toàn miền thời gian ấy. Cái vẻ êm ắng bên ngoài không che giấu được tính chất ác liệt của cuộc đấu tranh. Đã có nơi ở đây trong một năm phải thay đổi cả ban chi uỷ tới ba lần; cán bộ bám trụ không nổi, ban ngày phải dạt ra xa, ban đêm đến mò về hoạt động, xây dựng thêm và giữ từng cơ sở, rồi đến lúc gà vừa cất tiếng gáy đầu tiên đã phải rút về căn cứ phía sau. Trước những tổn thất quá nặng nề, có người đã nghĩ rằng có lẽ vì ở đây, quá gần thủ đô, nên sự chú ý kiểm soát của đối phương cũng chặt chẽ hơn ở vùng nông thôn. Đồn bót dày dặc, kiên cố, địa bàn hoạt động quá hẹp, rất khó xoay sở không như ở vùng đồng bằng, dân hầu hết đầu đã bị tập trung, nên ngại không dám hành động mạnh, sợ vỡ cơ sở.

        Nói đến tình hình Nam Bộ, nửa năm sau ngày ngừng bắn, tình báo Mỹ nhận định: “Việt cộng kiểm soát không ra được quá vùng cao su và đống gạch vụn được bao nhiêu; tức là những vùng thưa dân, núi non, dọc dài phía tây của đất nước; thêm vào đó một số điểm da báo ở vùng châu thổ. Mạng lưới tay chân chính trị của họ, nhất là ở trong các đô thị, thì đã bị hao mòn; và đồng minh lâu đời của họ, là sinh viên và các nhóm phật giáo cực đoan thì đã bị tan rã và khiếp sợ trước việc Thiệu bắt đi lính hàng loạt và trước áp lực kinh tế ngày càng tăng. Việt cộng không thể mở một cuộc tấn công quy mô trong vòng từ 3 đến 5 năm tới; vì tình hình hoà hoãn trên thế giới, vì sự suy yếu rõ rệt của quân đội…”.

        Ở đồng bằng sông Cửu Long, cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định Paris cũng vô vùng phức tạp. Hàng ngày hàng giờ ta phải đối phó với một mưu mô xảo quyệt và tàn bạo. Chính sách cơ bản vẫn là bình định, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế và tâm lý.

        Báo cáo đầu năm của cơ quan DAO viết:

        “Trong thời gian cuối năm, tình hình ở quân khu IV có vẻ biệt đãi quân đội Nam Việt Nam. Con đường từ vùng châu thổ về Sài Gòn được thông suốt, xe cộ, thương mại và quân sự đi lại bình thường; vụ lúa được mùa. Các đơn vị Việt Nam Cộng hoà, đang trong tình trạng sung sức, mặc dù chiến đấu căng thẳng, còn các đơn vị địch thì thiếu quân số nặng, thiếu đạn và trong một số trường hợp, lại còn mất tinh thần. Quân Nam Việt Nam kiểm soát được đa số làng mạc trong vùng châu thổ, đa số đường giao thông quan trọng. Trong thời gian 2 năm sau ngày ngừng bắn, nếu có xảy ra những trận đánh lớn nào trong quân khu, thì nhất định quân đội Việt Nam Cộng hoà sẽ thắng hết”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:32:36 pm »


        Vẫn chưa hết! Thiệu còn dám huênh hoang tuyên bố: “Rừng U Minh chỉ còn có 12 tên Việt cộng thôi".

        Vì sao họ lại có những nhận xét chủ quan đến như vậy? Thì ra là thế này: Riêng trong 16 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long,với 7 triệu dân trong “đáy” này, quân đội Cộng hoà có 3 sư đoàn quân chủ lực: 7, 8,21; 3 liên đoàn biệt động quân, lữ đoàn thiết giáp; 2 hải đội. Tổng quân số chủ lực khoảng 5 vạn, nghĩa là còn kém con số chủ lực trên chiến trường Trị Thiên rất nhiều. Ngược lại, địa phương quân thì lại có đến 144 tiểu đoàn, 155 đại đội lẻ, 88 bộ chỉ huy tiểu khu, tổng quân số lên đến gần 21 vạn, nghĩa là gấp ba lần ở quân khu I. Toàn bộ lực lượng nói trên chiếm giữ 3.600 đồn bốt, mà chín mươi phần trăm là cỡ tiểu đội, trung đội. Những con số nói trên đã nói rất rõ rằng nhiệm vụ chiến lược của chiến trường này là bình định, gom dân, mà lực lượng được sử dụng trong nhiệm vụ này là nghĩa quân và địa phương quân.

        Ở khu 8, họ huy động lực lượng chủ lực và địa phương đánh liên tục các vùng Tân Châu, nam bắc quốc lộ 4, nam Bến Tre, Bảy Núi. Chỉ trong vòng 2 tháng-từ cuối tháng giêng đến tháng 3 năm 1973, ta mất 24 xã, 120 ấp, địch đóng 287 đồn. Cuộc đấu tranh giằng co, kéo dài đến cuối năm 1973, ta mới khôi phục lại được hình thái cũ, quyết liệt nhất là ở nam bắc quốc lộ 4, Mỏ Cày và Giồng Trôm.

        Ở khu 9, trước ngày ngừng bắn, ta bắt được toàn bộ bản kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của đối phương. Những trinh sát viên đột nhập vào các thị xã Cần Thơ, Vị Thanh về báo cáo: các sĩ quan không quân trao đổi với nhau là sẽ không thi hành hiệp định. Hơn thế nữa, ở hai nơi này, họ còn tổ chức ra những băng cướp trực săn để hành hung các nhiên viên các ban liên hiệp. Chứng cớ đã khá rõ ràng. Sáng ngày 28 tháng giêng năm 1973, đúng vào lúc lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, thì lính ở đồn Tô Ma bung ra càn quét. Trung đoàn 1 Quân giải phóng lập tức đánh phủ đầu, rồi thừa thắng san bằng cứ điểm này. Buổi chiều hôm ấy, trung đoàn 2 cũng trong một tình huống tương tự, diệt luôn 3 đồn thuộc chi khu Ngang Dừa. Bị bắt quả tang, họ đành phải im hơi lặng tiếng.

        Sáng 30 tháng giêng, Thường vụ Quân khu uỷ họp mở rộng nhận định: địch ngoan cố, không ra lệnh ngừng bắn cho dưới, mà vẫn tiếp tục chiến tranh. Kế hoạch bình định năm 1973 của đối phương có ghi rõ: trọng điểm là Chương Thiện và tiếp theo là U Minh. Đứng trước âm mưu mới của đối phương, chủ trương của quân khu là tiếp tục tiến công quân sự, kết hợp với tiến công chính trị, binh vận, đánh bại âm mưu đối phương, giữ vững thành quả, dồn họ vào thế bị động, buộc họ phải thi hành Hiệp định Paris, đến khi nào họ chịu ngừng bắn, mới đưa chính trị, binh vận lên thành mũi tiến công chủ yếu.

        Họ biết rằng trong vùng này ta chỉ có 4 trung đoàn, lại đứng ngay giữa đồng bằng trống trải, trong tầm súng cối của họ, nên không ngần ngại gì mà không dốc gần như toàn bộ lực lượng trong tay vào chiến trường này. Lúc đầy quy mô mới có 25 tiểu đoàn; chẳng mấy chốc đã lên đến 85 tiểu đoàn, kể cả pháo lớn, xe tăng, xe lội nước, giang thuyền v.v… Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh vùng 4 chiến thuật và Chung Dềnh Quay, chuẩn tướng, sư trưởng sư đoàn 21, đã hứa trước Nguyễn Văn Thiệu là sẽ bắt sống đồng chí Võ Văn Kiệt và đồng chí Lê Đức Anh, Bí thư Khu uỷ và Tư lệnh Quân khu. Chiến thuật của họ được mệnh danh một cách kỳ quái là “ồ ồ xạc xạc”, nghĩa là, tập trung lực lượng đột kích mạnh, kết hợp với phi pháo đánh thẳng vào địa hình; trong lúc dùng lực lượng khác bao vây các mặt, lực lượng chiếm đóng kéo theo đằng sau, chiếm đến đâu, đóng đến đấy. Tài liệu của Bộ Tổng tham mưu Cộng hoà miền Nam còn cho viết, chỉ trong vòng 6 tháng đã bắn xuống vùng này hơn nửa triệu viên đạn pháo, mà chỉ riêng ba tuần lễ đầu, đã tiêu thụt ngót trên 20 vạn viên rồi. Lúc bấy giờ, nếu tạm lánh về U Minh, ở gần đấy, thì chỉ trong một đêm tối là xong tất. Nhưng rồi hình thình sẽ ra sao? Chắc chắn là đối phương sẽ bám lấy thắt lưng ta, xiết chặt vòng vây lại, cắt lìa vùng căn cứ với đồng bằng: bộ đội sẽ sống với muỗi mòng, giữa sình lầy nước đọng, vật lộn với đói khát, bệnh tật; nhân dân sẽ mất chỗ dựa để đấu tranh, phong trào sẽ suy sụp rệu rã. Liệu có còn được gì để mà hoà hợp nữa? Ngay từ  đầu Quân khu uỷ đã đặt vấn đề chống tư tưởng hoà bình, hữu khuynh, xây dựng tư tưởng tích cực chống địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 01:35:38 pm »


        Song song với việc củng cố thế bố trí ngày càng vững chắc, đẩy mạnh việc tiến công, ngăn chặn đối phương. Họ đánh nơi này, ta giải phóng nơi khác. Có lúc phải đưa cả một trung đoàn chủ lực ra hoạt động ở một hướng để thu hút họ về một hướng khác, đỡ đòn. Họ dồn dân, ta phá kìm, bung dân về làng cũ, xà quần lộn ẩu với địch, phá đi lập lại không biết mấy lần. Người ta thấy đêm đêm, một vài cụ già thường có thói quen đảo qua nhà của các đồng chí lãnh đạo quân khu để xem thử ngọn đèn trong sở chỉ huy còn hay đã tắt. Ánh sáng chỉ bằng hột ngô, leo lét giữa đêm dày thanh vắng, đã có một sức mạnh kỳ diệu. Ngọn đèn còn đó, Đảng còn đó. Trong những giờ phút căng thẳng nhất, nguy hiểm nhất, Đảng vẫn ở ngay bên cạnh đồng bào, đồng cam cộng khổ, để chỉ lối soi đường, cho nên đồng bào không bao giờ xa Đảng, một tấc không đi một ly không rời. Cơ quan đầu não đã trụ được, thì tất cả các đơn vị đều trục được. Nhờ có sự tiếp xúc trực tiếp hàng ngày, nên ta hiểu đối phương hơn, nắm chắc tình hình, biết rõ quy luật hành động của họ. Lúc bấy giờ trong các cơ quan, đơn vị, dấy lên một phong trào thi đua diệt đồn, phá bốt, mở mảng, mở vùng sôi nổi chưa từng có. Trong khi bộ tham mưu quân khu dẫn đầu phong trào diệt bốt, thì Cục chính trị lại dẫn đầu phong trào gọi hàng, binh vận, Cục hậu cần dẫn đầu việc chặn tiếp tế, cắt hành lang… Cơ quan thi đua với đơn vị, tỉnh này thi đua với tỉnh khác.

        Người ở xa cứ tưởng đây là chuyện kỳ lạ, khó tin. Nhưng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ này ở miền Nam Việt Nam, ở trong căn cứ giải phóng đâu mà chẳng thế, và con người Việt Nam, ai mà chẳng thế? Đồng bào và bộ đội Tây Nguyên, trong chiến dịch Plây Me (1965) đồng bào và bộ đội miền Đông Nam Bộ trong chiến dịch Junction City, đi đâu, ở đâu mà chẳng đụng đầu lính Mỹ, cũng xà quần lộn ẩu như vậy mới có những thắng lợi vang dội.

        Sau bốn tháng quần nhau như vậy, đối phương không lấn chiếm được vùng Vĩnh Viễn, Nước Trong mà còn bị mất thêm một số điểm ở Nước Đục, trước sau họ chỉ đóng được một căn cứ hành quân trên kênh 13. Cho đến lúc quận Vị Thanh bị ép lực mạnh, đối phương buộc phải ngồi bàn lại và ra thông cáo chung ngày 15 tháng 6 năm 1973.

        Tưởng là họ đã biết điều, ngừng tiến công; nhưng lại giở cái trò lật lọng. Họ lại tiếp tục thực hiện âm mưu chiếm Chương Thiện, với yêu cầu thấp hơn: chiếm lĩnh Chương Thiện, phong toả, thôi không lấn chiếm U Minh. Thủ đoạn tác chiến cũng thay đổi: không tiến công ồ ạt với binh lực lớn, mà lại chia ra khu vực nhỏ, đơn vị nhỏ gặm dần từng miếng một. Chỉ một ngày đầu sơ hở, họ đóng liền 6 bốt trên tuyến Ba Hồ và bung ra ở bắc Long Mỹ, lại còn chuẩn bị chiếm lại tuyến: Lái Hiếu, sông Bà Lớn. Ở các nơi khác, ta đã đề phòng nên họ không phá được thế bố trí của ta. Ta vẫn tiếp tục đánh, hỗ trợ cho quần chúng đấu tranh chống bắt lính và cướp lúa. Thấy không xong, sang tháng 9 năm 1973 họ lại hạ thấp yêu cầu một lần nữa: cố khôi phục lại hình thái trước ngày ngừng bắn. Trong cuộc hành quân nam Nước Trong lần này, họ không dùng xe bọc thép như trước mà lại dùng giang đoàn làm lực lượng nòng cốt, đánh vào sau lưng ta. Biết được kế hoạch này, ta sử dụng một lực lượng pháo nhỏ, với 20 quả đạn 120 ly và một bộ phận đặc công đánh phủ đầu, nhận chìm tàu chiến ở Rạch Sỏi, bẻ gãy cuộc hành quân từ trong trứng. Vẫn ngoan cố họ lại hạ mức yêu cầu, chuyển sang hành quân cướp lúa, phong toả kinh tế U Minh. Cách đối phó của ta lần này cũng khác trước: ta chủ động mở màn chiến dịch mùa khô, đánh mạnh vào lực lượng bảo an, kìm kẹp làm cho bọn này bị thiệt hại nặng. Cũng trong lúc này, đối phương phải rút bớt lực lượng khỏi đồng bằng sông Cửu Long để cứu nguy cho các chiến trường khác, nên buộc phải bỏ biên giới Long Châu Hà, điều chỉnh lại cách bố trí: sư đoàn 9 lên biên giới, sư đoàn 7 ở Tiền Giang, Vĩnh Trà, sư đoàn 21 ở vùng ruột Hậu Giang và giao các tiểu khu cho quân lãnh thổ. Đồn bốt bị mất hàng mảng, vùng kiểm soát bị thu hẹp dần.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM