Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:47:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Vị tướng tài trí  (Đọc 15544 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 10:21:00 pm »

                   3. Con người hoạt động thực tiễn và sáng tạo.

                 Theo đồng chí thì phải đi vào thực tiễn đời sống của người dân, qua đó mới nghiên cứu, tìm hiểu để phát hiện những vấn đề cần giải quyết, đồng thời vận dụng sáng tạo nhằm thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Trong ký ức của tôi, một trong những sự kiện tâm đắc nhất mà đồng chí Nguyễn Bá Phát đề xuất và tổ chức thực hiện là phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”.

                  Năm 1977, đất nước mới thống nhất được 2 năm, còn rất nhiều khó khăn. Mục tiêu mà Đảng và Nhà nước giao ngành Thủy sản đến năm 1980 phải đạt sản lượng 1 triệu tấn cá, trong đó khai thác là 80 vạn tấn và nuôi trồng là 20 vạn tấn. Tình hình nuôi trồng thủy sản đang có chiều hướng chậm phát triển. Là người phụ trách lĩnh vực này, đồng chí đã có nhiều trăn trở, nghiên cứu tình hình và tìm hướng đi để phát triển. Đồng chí Nguyễn Bá Phát đã nghe báo cáo của các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ, sau đó đi khảo sát một số cơ sở. Qua đó thấy nổi lên tình hình, một số vấn đề đáng quan tâm là: Thời gian vừa qua, nhất là 2 năm (1976-1977) đã có 18 cơ sở nhận cá từ ao nhà Bác về nuôi đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt là Hợp tác xã Yên Duyên thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, năm 1976 nhận một số cá giống rô phi từ ao nhà Bác về nuôi đến cuối năm 1977 thu được 200 tấn cá rô phi thịt. Một số Hợp tác xã, đơn vị quân đội, trường học cũng nhận từ ao cá nhà Bác về nuôi đạt năng suất từ 3-4 tấn/héc-ta. Đồng thời, đồng chí vào thăm ao cá nhà Bác thấy đàn cá phát triển tốt, đồng bào khắp các miền của đất nước về tham quan đều phấn khởi khen ngợi và có nguyện vọng xin một số giống cá từ ao nhà Bác về nuôi.
   
                  Đứng trước tình hình và nguyện vọng như trên, 1 đồng chí Phát đã đề xuất và cùng tập thể lãnh đạo Bộ Thủy sản báo cáo, đề nghị Ban Bí thư Trung ương - Đảng cho phát động phong trào học tập nuôi cá theo gương Bác Hồ, lấy tên là phong trào “Ao cá Bác Hồ”. Ngày 21 tháng 10 năm 1978, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tố Hữu đã có chỉ thị cụ thể phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”.
   
                  Thực hiện chỉ thị trên, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã huy động các đơn vị trực thuộc Bộ tham gia triển khai thực hiện một cách tích cực, cụ thể, đảm bảo nhân đủ cá giống cung cấp cho phong trào, làm báo cáo tổng kết và chuẩn bị tổ chức triển khai phục vụ phong trào. Đồng thời đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như các Bộ ngành ở Trung ương có liên quan tham gia chuẩn bị cho hội nghị.
   
                  Ngày 15 tháng 11 năm 1978, Hội nghị phát triển phong trào thi đua xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã được cấp ủy chính quyền và nhân dân các địa phương trong cả nước nhiệt liệt hoan nghênh, hưởng ứng. Dẫn đầu là thủ đô Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1978, đã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua xây dựng “Ao cá Bác Hồ” trong toàn thành phố và tổ chức đón nhận cá giống từ ao nhà Bác về nuôi. Tiếp theo nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3-2), ngày sinh nhật Bác (19-5) toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã liên tiếp tổ chức đón nhận cá giống từ ao nhà Bác về các địa phương để phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”.
   
                  Sau đó được cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, được các đoàn thể và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, nên phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ và được nhân rộng ra hầu khắp các địa phương, các miền trong cả nước, từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng ven biển đến trung du miền núi. “Ao cá Bác Hồ” đã được xây dựng ở các Nông trường Quốc doanh, Trạm trại, Hợp tác xã, Tập đoàn sản xuất, các đơn vị quân đội, công an, các cơ quan, trường học, bệnh viện... hàng năm từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức sơ kết 6 tháng và tổng kết năm để tiếp tục phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”.
   
                  Phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã thực sự là động lực thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển. Phong trào đã huy động được đông đảo các lực lượng, thành phần tham gia tổ chức cải tạo tu bổ ao hồ, được cung cấp giống tốt, giống mới, được hướng dẫn và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng nên đã đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao và thu được sản lượng nhiều. Kết quả cụ thể: Diện tích nuôi từ 210.000 hécta (năm 1978) tăng lên 232.000 hécta (năm 1982). Sản lượng cá thịt từ 170.000 tấn (năm 1978) tăng lên 188.600 tấn (năm 1982).
   
                  Đồng chí Nguyễn Bá Phát tâm sự: qua kết quả của phong trào đã rút ra được bài học quý báu là phát triển kinh tế cũng như làm cách mạng phải biết vận động quần chúng và huy động mọi lực lượng tham gia, khi nhân dân ủng hộ, hưởng ứng thì nhất định sẽ thành công. Thực tiễn phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã góp phần quan trọng khơi dậy được tình cảm thiêng liêng của người dân đối với Bác Hồ kính yêu; đã động viên được mọi người học tập nuôi cá theo gương Bác. Sự sáng tạo của phong trào là từ một ao cá nhà Bác đã được nhân ra, sinh sôi nảy nở thành hàng vạn “Ao cá Bác Hồ”, hàng triệu ao cá trong nhân dân và thúc đẩy phong trào nuôi cá trong cả nước. Nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nuôi trồng thủy sản.
   
                  Phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”, cũng với phong trào “Vườn quả nhà Bác” và phong trào Tết trồng cây là tiền đề cho phong trào kinh tế VAC sau này phát triển mạnh mẽ và vững chắc cho đến ngày nay.


                  4. Cuộc sống đồng chí Nguyễn Bá Phát rất khiêm tốn, giản dị và gần gũi với quần chúng. Đó là một cuộc sống hết lòng, hết sức lo cho công việc, lo cho cái chung hàng ngày, còn cuộc sống riêng của đồng chí thì đạm bạc, ăn uống đơn giản như mọi người dân bình thường khác, đồng chí không hề kêu ca phàn nàn hoặc đòi hỏi điều gì với cơ quan.
   
                  Khi đến công tác ở các địa phương, nhất là ở , những vùng bãi ngang ven biển, ngư dân còn nghèo, được các địa phương đón tiếp rất nồng hậu, nhưng khi mời ăn uống đồng chí từ chối. Đồng chí thường căn dặn chúng tôi là không nên ăn ở các xã và Hợp tác xã vì bà con nông dân còn nghèo, một số nơi thường là “khách ba, chủ nhà bảy”, nếu tổ chức ăn uống như vậy rất tốn kém và là ăn vào tiền mồ hôi nước mắt của nông dân. Khi có nơi biếu quà đồng chí lại nói: nếu là nông, ngư dân biếu củ khoai, củ sắn hoặc con các khô thì ta nên nhận và phải nhận vì đó là tình cảm chân tình của dân. Còn nếu nơi nào biếu quà có giá trị và đắt tiền thì không được nhận.
   
                  Khi ăn uống đồng chí thường nói chuyện về Bác Hồ lúc sinh thời thường nhiều lần nhắc nhở cán bộ và mọi người phải tiết kiệm. Vì vậy chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện, không ai cấm đoán và hạn chế chúng ta cả, nhưng chúng ta phải tự giác ăn được đến đâu thì gọi món đến đó, đã gọi rồi thì ăn cho hết, không được bỏ lãng phí, đất nước ta còn nghèo và còn nhiều người không đủ cơm ăn, áo mặc. Ta phải nghĩ tới đồng bào còn nghèo khổ thì mới đúng với lương tâm của người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản.
   
                  Còn nhiều câu chuyện cảm động về đồng chí Nguyễn Bá Phát với cán bộ nhân viên trong cơ quan Bộ cũng như với nhân dân các địa phương mà tôi đã chứng kiến. Tôi chỉ có thể tóm tắt và nhắc lại rằng đồng chí Nguyễn Bá Phát là một con người giàu lòng nhân ái, có cuộc sống giản dị, gần gũi quần chúng, luôn nêu cao đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Cuộc đời và Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Bá Phát gắn liền với lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần trách nhiệm cao cả, chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, quên mình vì sự nghiệp, đồng chí đã góp phần tích cực xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và ngành Thủy sản nước ta.
   
                  Tôi luôn luôn tâm niệm suốt đời học tập tấm gương về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát mãi mãi là người thầy của tôi.


                                 
N.V.L




(1). Cựu chiến binh. Tổng Giám đốc Công ty dịch vụ kỹ thuật Vacniva.


Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #61 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 10:32:00 pm »

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN BÁ PHÁT VỚI CÁN BỘ, NGƯ DÂN NGÀNH THỦY SẢN
Nguyễn Tấn Trịnh(1)
Nguyễn Trọng Bình(2)

                 Từ thời kỳ đầu của cuộc Cách mạng tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng ở nhiều cấp khác nhau trong lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

                  Hòa bình được lặp lại, đất nước thống nhất, cả nước chuyển sang thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, vị tướng tài năng và can trường ấy sẵn sàng bước vào trận tuyến mới, xây dựng kinh tế kết hợp chặt chẽ với an ninh quốc phòng, đồng chí đã cùng trên hai trăm cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, được Bộ Chính trị quyết định tăng cường sang công tác tại ngành Thủy sản. Đồng chí Nguyễn Bá Phát được Trung ương bổ nhiệm làm Thứ trưởng và Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Hải sản (từ năm 1981 trở đi là Bộ Thủy sản). Đồng chí đã cùng với các đồng chí Bộ trưởng Võ Chí Công, Nguyễn Quang Lâm, Đỗ Chính, Nguyễn Tấn Trịnh gánh vác nhiều trọng trách trong những ngày đầu xây dựng Bộ Hải sản. Có thời gian đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng cử làm Bí thư Ban cán sự Đảng và nhiều nhiệm kỳ được phân công làm Thường trực của Bộ.
   
                  Trên cương vị công tác và nhiệm vụ mới, đồng chí được nhân dân tin yêu và tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI, đồng chí đã đem hết tâm huyết của một vị tướng, một người chỉ huy có năng lực, góp phần vào việc giải quyết những khó khăn ban đầu của thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị là đại biểu Quốc hội.
   
                  Qua các thời kỳ đồng chí được phân công phụ trách nhiều lĩnh vực công tác quan trọng như: kết hợp kinh tế với quốc phòng, phong trào hợp tác hóa nghề cá, xây dựng cấp huyện, công tác khoa học kỹ thuật ngành, đẩy mạnh phát triển nuôi trồng Thủy sản, cung cấp thực phẩm thủy sản cho bộ đội, chi viện cho bộ đội trên mặt trận biên giới phía Bắc, thành phố Hà Nội và các khu công nghiệp.
   
                  Lúc bấy giờ tình hình an ninh trên biển rất phức tạp, kẻ thù luôn quấy phá sự nghiệp xây dựng của nhân dân ta. Với kinh nghiệm phong phú của mình trên cương vị được phân công, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã kịp thời tổ chức lực lượng tự vệ trên các tàu đánh cá, tổ chức các đơn vị đánh cá quốc doanh những hải đoàn tự vệ chủ lực. Nhờ đó đã cùng lực lượng Hải quân làm chủ biến cả, đảm bảo an toàn sản xuất cho hàng vạn ngư dân. Đồng chí đã đề xuất với Ban cán sự Đảng, với Chính phủ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các đảo, biến các đảo thành “hạm đội nổi”, làm căn cứ của nghề cá biển xa. Trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho nghề cá, đồng chí có nhiều trăn trở làm sao cho các cảng cá, các kho nhiên liệu, phương tiện đánh bắt vừa phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, vừa phục vụ cho việc sẵn sàng chiến đấu.
   
                  Trong xây dựng phong trào hợp tác hóa nghề cá kết hợp sản xuất với quốc phòng của các địa phương, xây dựng thế trận an ninh và quốc phòng toàn dân trên biển, đồng chí đã có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức xây dựng lực lượng.
   
                  Đồng chí Nguyễn Bá Phát đã tham gia tích cực chỉ đạo tổng kết công tác khoa học kỹ thuật lần thứ nhất của toàn ngành vào năm 1978 làm cơ sở cho lãnh đạo bộ đẩy mạnh hoạt động về khoa học kỹ thuật cho thời kỳ tiếp theo. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất như: kỹ thuật đánh bắt bằng lưới rê ba lớp, kỹ thuật sản xuất giống phục vụ nuôi trồng, xúc tiến trang bị công nghệ hiện đại trong bảo quản và chế biến thủy sản... Đồng chí luôn quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của ngành và tạo điều kiện cho họ làm việc và cống hiến tốt hơn cho đất nước.
   
                  Về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, năm 1978 Chính phủ đã quyết định chuyển Cục nuôi cá nước ngọt từ Bộ Nông nghiệp về Bộ Hải sản nhằm tăng cường quản lý thống nhất nghề cá. Đồng chí đã dày công nghiên cứu và đề xuất đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng cơ sở vật chất cho nuôi trồng, thành lập mới Công ty cá giống Trung ương. Đẩy mạnh việc sản xuất thuốc kích dục cho cá đẻ, do sớm nhận thức được tầm quan trọng của vai trò con giống trong nuôi trồng thủy sản. Đồng chí có câu nói nổi tiếng "Nuôi trồng thủy sản không có giống, sống cũng như chết". Trong những năm tháng hoạt động của mình, đồng chí đặc biệt quan tâm lãnh đạo phong trào nuôi cá ở các tỉnh miền núi và Tây Nguyên, nhằm góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc.
   
                  Đồng chí đã đích thân tổ chức việc tu sửa ao cá trong Phủ Chủ tịch thành mô hình nuôi cá cho đồng bào cả nước, hằng năm bổ sung nhiều loại cá giống tốt để thả nuôi tại ao nhà Bác. Hồi ấy, Hợp tác xã Tiền Phong, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng 94 con cá rô phi lấy từ ao cá trong vườn Phủ Chủ tịch. Hợp tác xã đã xây dựng thành công “Ao cá Bác Hồ” trở thành vùng nuôi cá điển hình của Hà Nội trên diện tích hàng trăm héc-ta mặt nước với năng suất cao, đạt sản lượng hàng ngàn tấn cá/năm và trở thành hợp tác xã điển hình về nuôi cá trong cả nước. Từ sáng kiến của đồng chí, xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã được Liên Bộ Hải sản, Nông nghiệp, Viện bảo tàng Hồ Chí Minh phát động từ tháng 11 năm 1978, trở thành phong trào chung trong cả nước.
   
                  Từ hai sự kiện đó, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1979) phong trào “Ao cá Bác Hồ” được tiếp tục nhân rộng trong các thành phần kinh tế, trong lực lượng vũ trang, nhờ đó đã triển khai thắng lợi chủ trương về đẩy mạnh nuôi trồng Thủy sản. Với tư cách là đại biểu Quốc hội, đồng chí đã đề nghị với Nhà nước phát triển phong trào “Ao cá Bác Hồ” thành phong trào lớn trong cả nước và đã được kỳ họp Quốc hội nhất trí thông qua.
   
                  Với kinh nghiệm và thực tiễn cuộc sống của bản thân, đồng chí thấu hiểu những khó khăn gian khổ của người chiến sĩ. Trong phong trào ủng hộ và chi viện cho bộ đội ở tiền tuyến, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã nhiều lần bàn bạc với đồng chí Đàm Quang Trung về việc tổ chức nuôi cá, nhằm giải quyết một phần khó khăn về nguồn thực phẩm tại chỗ cho bộ đội. Đồng chí trực tiếp dẫn đầu đoàn cán bộ của ngành Thủy sản nghiên cứu tại chiến trường về việc vận chuyến thực phẩm thủy sản và cá giống lên cho các Quân khu 1, 2 và Quân khu Đông Bắc để có thêm nguồn thực phẩm. Tại những nơi đoàn và đồng chí đến thăm, mang đến cho bộ đội sự chi viện thiết thực của ngành và tình cảm gắn bó mật thiết giữa hậu phương với tiền tuyến, giữa ngư dân và công nhân viên chức ngành Thủy sản với bộ đội ở tiền phương.
   
                  Phát huy cao độ phẩm chất của người cán bộ đảng viên, của “Bộ đội Cụ Hồ”, khi rời khỏi đời binh nghiệp hào hùng, với cương vị người tướng, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh điều động của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về nhận công tác ở ngành Thủy sản. Đồng chí đã luôn nêu cao phẩm chất chính trị, giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong nội bộ Ban cán sự Đảng, trong lãnh đạo Bộ và trong cơ quan, nghiêm chỉnh chấp hành sự phân công của lãnh đạo Bộ.
   
                  Đồng chí là một cán bộ đã lớn tuổi nhưng luôn ý thức học tập và thường xuyên đi cơ sở và địa phương nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến ngư dân, nông dân và cán bộ để không ngừng tự nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lý một ngành kinh tế kỹ thuật còn non trẻ, nhằm nhanh chóng đảm đương được nhiệm vụ mới ở cương vị mới.
   
                  Trong công tác cũng như trong đời thường, đồng chí sống chân thành, trung thực, liêm khiết và giản dị khi ở cơ quan cũng như khi về cơ sở, địa phương, đồng chí luôn giáo dục cho cán bộ dưới quyền có ý thức giữ gìn, không làm phiền hà, tốn kém cho cơ sở.
   
                  Từ khi về Bộ công tác, cho đến khi về nghỉ theo chế độ, đồng chí cùng gia đình về sống trong một căn hộ dưới 50 mét vuông tại khu tập thể Bộ Thủy sản bình dị như các gia đình khác.
   
                  Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Bá Phát là gia tài lớn nhất mà đồng chí để lại cho chúng ta. Những ước mong về quê hương, đất nước, về quân đội, về Đảng, về dân tộc suốt cả cuộc đời đồng chí đã hiến dâng mãi mãi sẽ xanh tươi và phát triển.
   
                  Toàn ngành Thủy sản chúng tôi luôn ghi nhớ công lao và những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp phát triển ngành, cho cách mạng Việt Nam.


                              
N.T.T
                              
N.T.B


(1). Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thủy sản.
(2). Nguyên Phó Văn phòng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thủy sản.

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #62 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 10:35:29 pm »

Link tải ebook dạng PRC cho ai muốn tải về

https://drive.google.com/open?id=0B8pjhdNvuCbdTEFVXzNRaTBMLU0

P/S: Trong ebook có đính kèm một số ảnh về thiếu tướng Nguyễn Bá Phát
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM