Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:35:31 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Vị tướng tài trí  (Đọc 15624 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #40 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 10:57:41 pm »

                 Là người được Bộ Tư lệnh cử xuống làm Đội trưởng đội 1 của Đoàn 126, đối với tôi vừa là nhiệm vụ, vừa là vinh dự. Trong 3 năm 1967 - 1969, tôi trực tiếp chỉ huy đưa đội 1 vào đánh tàu tại Cửa Việt, Đông Hà. Lúc này trên mặt trận Trị Thiên, Đường 9, quân Mỹ bị thất bại phải rút khỏi Khe Sanh. Nhưng chúng vẫn ngoan cố tăng quân Mỹ và mở cuộc phản công. Mùa xuân năm 1967 - 1968 tại Quảng Bình, Vĩnh Linh, địch cho máy bay đánh phá ác liệt, máy bay B52 thả hàng vạn tấn bom xuống đất Vĩnh Linh là nơi Đoàn 126 trú quân. Tuy gặp khó khăn, nhưng đồng chí Tư lệnh luôn theo dõi đội từng bước và đã nhiều lần có mặt tại chiến trường ác liệt này. Được đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát xuống động viên dặn dò nhân ngày đội 1 mừng công đánh cháy chiếc tàu dầu 15.000 tấn của Mỹ, là sự cổ vũ mạnh mẽ đối với toàn đội. Theo báo cáo của Đoàn 126, kết quả trong suốt 7 năm nằm vùng chiến đấu chiến trên trường Cửa Việt - Đông Hà, Đoàn 126 đã đánh trên 300 trận (đặc công), đánh chìm đánh hỏng nặng 336 tàu thuyền của Mỹ ngụy, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh góp phần cùng quân và dân Quảng Trị đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Với chiến công xuất sắc, Đoàn 126 đặc công Hải quân đã được 2 lần tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó có đội 1, đội 2 và đội 4 được tặng danh hiệu anh hùng, riêng đội 1 là đội được 3 lần tuyên dương anh hùng và 10 cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Công lao, thành tích to lớn của Đoàn bắt nguồn từ sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt đường lối quân sự và nghệ thuật chiến tranh nhân dân, theo phương châm “lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Xây dựng một đội ngũ tinh binh, tinh cán, coi trọng chất lượng, xây dựng tư tưởng con người làm sức mạnh quyết định trong chiến đấu và chiến thắng. Đi đầu của sự thành công đó là công sức của một tập thể Đảng ủy Quân chủng Hải quân và tinh thần dũng cảm, say mê đánh giặc của đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát. Vai trò, vị trí của đồng chí Tư lệnh, với kinh nghiệm của mình đã luôn luôn tạo ra được nhiều ý tưởng mới trong moi tình huống chiến đấu trên các chiến trường sông biển.

                Trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc, máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt, chúng thực hiện âm mưu từng bước leo thang nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam và giữ ổn định tình hình chính trị ở miền Nam, hòng nhanh chóng cứu sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn. Đầu năm 1965, tổng thống Mỹ Giôn-xơn vừa tuyên bố leo thang thì ngày 7 tháng 2 năm 1965, chúng đã cho máy ném bom xuống thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh) và thị xã Đồng Hới (Quảng Bình). Ngày 13 tháng 2 năm 1965, Mỹ ném bom bắn phá ra tới vĩ tuyến 20 (địa phận Thanh Hóa) trên các trục giao thông đường bộ, đường thủy các tàu phà, bến cảng. Sau 10 ngày bắn phá leo thang, ngày 17 tháng 12 năm 1965, Giôn-xơn ra quyết định thường xuyên ném bom miền Bắc. Ngay sau đó chúng đánh phá ác liệt, ngày cao điểm có hơn 100 máy bay được phóng từ các tàu sân bay ngoài biển và các căn cứ không quân ở Đà Nẵng tiến công vào các mục tiêu ở miền Bắc với quy mô lớn. Theo lời công khai của Nhà Trắng, năm 1965 là 25.000 phi vụ, chúng gọi là chiến dịch “Sấm rền” hòng tạo ra gây sức ép với Chính phủ ta. Tổng thống Mỹ tuyên bố chuyển từ cuộc tấn công trả đũa sang một chiến dịch gây sức ép. Song song với việc tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và Hải quân Mỹ, tổng thống Giôn-xơn quyết định đưa thêm quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam lên tổng số 44 tiểu đoàn. Từ ngày 25 tháng 6 năm 1965, Mỹ cho máy bay xâm phạm Hải Phòng, Hà Nội, mức độ đánh phá ngày còn ác liệt và thường xuyên hơn.
   
                Ngày 20 tháng 7 năm 1965, Bác Hồ ra lời kêu gọi: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu, dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”(2). Đáp lời kêu gọi của Bác Hồ cả 2 miền Nam, Bắc dấy lên khí thế giết giặc lập công, nhiều máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc, nhiều trận đánh thắng vang dội, tiêu diệt nhiều sinh lực địch ở miền Nam. Lực lượng ta cả 3 thứ quân đánh còn mạnh. Mặc dù bị thất bại, Mỹ vẫn thực hiện ném bom trả đũa, leo thang thường xuyên và ngày càng ác liệt, năm 1965, gấp rưỡi lượng bom tháng cao điểm sử dụng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
   
                Theo hồi ký của Mac Na-ma-ra Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ, năm 1965 là 25.000 vụ, năm 1966 lên 79.000 vụ, năm 1967 lên 108.000 vụ cùng với số lượng bom tăng từ 63.000 tấn lên đến 136.000 tấn và lên tới 226.000 tấn. Cuối năm 1967, số lượng bom còn lớn hơn số lượng bom của Đồng minh thả xuống nước Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Máy bay Mỹ còn ném bom gây tội ác lớn ở hai trung tâm thành phố Hà Nội, Hải Phòng. Hành động của Mỹ không ngoài âm mưu để ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam, làm cho tình hình chính trị ở miền Nam ổn định. Chúng còn gây áp lực đối với chính phủ ta, hòng tìm kiếm một giải pháp trên thế mạnh có lợi cho Mỹ.
   
                Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã phải cử 42 viên tướng từ cấp thiếu tướng đến cấp đại tướng, từ sư đoàn trưởng đến đô đốc hải quân, từ tham mưu trưởng lục quân đến chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân, thậm chí có cả cố vấn tối cao về an ninh của tổng thống, nhà chiến lược số 1 của Hoa Kỳ, ngoài ra còn có Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mac Na-mara đã 3 lần sang chiến trường và lập hàng rào điện tử “Mac Na-ma-ra” vào năm 1967 đã được đưa tới miền Nam để trực tiếp thi thố tài năng. Nhưng mỉa mai thay tất cả đều chịu chung số phận thất bại. Theo thông báo chính thức của Lầu năm góc (trên báo chí) trong số này đã có 18 viên tướng và đô đốc bị chết và bị thương, đặc biệt có cả chuẩn đô đốc Rôbixơn cùng toàn bộ ban tham mưu ngồi trên máy bay chỉ huy thả thủy lôi, bom mìn phong tỏa xuống các cửa sông biển miền Bắc Việt Nam, bị bắn rơi chết trên vùng biển Bắc Bộ.
   
                Bất chấp sự phản đối của các nước trên thế giới và nhân dân Mỹ, ngày 26 tháng 2 năm 1967, máy bay Mỹ tăng cường phong tỏa thủy lôi, bom mìn xuống các cửa sông miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở vào, thuộc địa phận 3 tỉnh: sông Mã (Thanh Hoá), Cửa Hội (Hà Tĩnh), sông Gianh và sông Nhật Lệ (Quảng Bình), nhằm ngăn chặn các tàu chiến của Hải quân, các tàu thuyền nước ngoài và các tàu ngư dân đánh cá trên sông biển. Hành động của chúng đã gây ra sự bất đồng và nhiều cuộc tranh cãi kéo dài trong chính phủ Mỹ. Chính viên đại tướng Oét-mô-len trên cương vị tư lệnh các lực lượng Mỹ tại miền Nam Việt Nam bị chỉ trích nhiều nhất vì y đòi tổng thống Giôn-xơn tăng cường đánh phá phong tỏa miền Bắc và đưa thêm quân chiến đấu Mỹ vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
   
                Đứng trước tình hình khó khăn, Mỹ ngày còn tăng cường phong tỏa nhiều hơn ở nhiều nơi trên các sông ngòi, các bến phà và cửa sông ven biển miền Bắc, với các thủ đoạn xảo quyệt, gây ra nhiều tội ác dã man. Ngày 27 tháng 3 năm 1967, Bộ Quốc phòng ra quyết định điều chỉnh tổ chức, hợp nhất Bộ Tư lệnh Hải Quân và Quân khu Đông Bắc, lấy tên là Bộ Tư lệnh Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc do đồng chí Nguyễn Bá Phát làm Tư lệnh, đồng chí Đoàn Phụng là Chính ủy. Đầu tháng 6 năm 1967, Trung ương Đảng ra nghị quyết thành lập Ủy ban chống phong tỏa do Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Thanh Bình làm Trưởng ban. Đồng chí Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát làm Phó ban và đồng chí Đặng Kinh, Tư lệnh Quân khu 3 làm Phó ban. Bộ Quốc phòng lấy Hải quân làm nòng cốt, tổ chức thực hiện rà phá, tháo gỡ thủy lôi bom mìn do máy bay Mỹ phong tỏa. Tuy vừa là Phó ban chống phong tỏa của Chính phủ lại vừa là Tư lệnh Hải quân nên đồng chí có trọng trách rất lớn trong việc giải phóng các tuyến đường giao thông trên sông và biển.
   
                Đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã nhanh chóng triển khai thực hiện với tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Giao thông và Bộ Quốc phòng. Trước hết các cán bộ kỹ thuật có hiểu biết và được học về binh khí kỹ thuật nói chung và thủy lôi, bom mìn nói riêng, trong đó có tôi, cũng được đồng chí Tư lệnh gọi về và được vinh dự giao phụ trách, lập ra bộ phận nghiên cứu thủy lôi, bom mìn của địch, bộ phận này lấy tên là TN1. Sau một thời gian 3 tháng nghiên cứu học tập và có sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô Makhốp và sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của đồng chí Tư lệnh, đầu tháng 3 năm 1967, Bộ Tư lệnh Hải quân cử một tổ 3 người do đồng chí Trương Thế Hùng phụ trách vào sông Gianh, Cửa Hội, phối hợp với công binh Quân khu 4 trục vớt, tháo gỡ được 2 quả thủy lôi “MK52 và MK50”.
   
                Tiếp đến, ngày 17 tháng 3 năm 1967, Bộ Tư lệnh cử một tổ 3 người do tôi phụ trách vào sông Mã (Thanh Hóa), khu căn cứ K2 hải quân, sau 10 ngày chúng tôi đã trục vớt, tháo gỡ được 5 quả thủy lôi ký hiệu MK52 tại cửa sông Mã. Cả 5 quả có kích thước và trọng lượng giống nhau, dài 1,8 mét, đường kính 448 ly, trọng lượng nặng 516 kg. Kết quả này là tin vui, được đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đánh giá cao, coi đây là trận thắng mở đầu trong chiến dịch chống địch phong tỏa bằng thủy lôi xuống sông biến miền Bắc nước ta. Đây còn là một vật phẩm, tư liệu quý giá trong việc nghiên cứu, khám phá ra các thông số bí mật của vũ khí địch, trên cơ sở đó tạo cho ta cách nghiên cứu đối phó hữu hiệu. Theo chỉ thị đồng chí Phát, bộ phận kỹ thuật TN1, đã nhanh chóng thiết kế, chế tạo ra các phương tiện, thiết bị rà phá thủy lôi, bom mìn của địch, làm ra đến đâu đồng chí Tư lệnh trực tiếp kiểm tra đến đấy. Từ khâu xét duyệt thiết kế, đến việc đôn đốc các xưởng thi công. Chính từ tác phong sâu sát, cụ thể và tính thận trọng chu đáo của Tư lệnh đã làm cho anh em trong đội ngũ kỹ thuật an tâm, tin tưởng, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm phát huy được nhiều sáng kiến hay, nhiều đề tài tốt, kể cả những đề tài lớn, nhỏ. Đồng chí Phát tuy không phải là cán bộ kỹ thuật nhưng đồng chí đã quan tâm làm những việc kỹ thuật mà giá trị còn hơn cả kỹ thuật, giống như một “kiến trúc sư” của chiến tranh. Từ khi mở chiến dịch chống phong tỏa, đồng chí luôn có mặt ở những nơi khó khăn cần giải quyết. Năm 1967, Hải quân ta đã thực hiện đúng phương châm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, sản xuất được một loại dụng cụ, thiết bị rà phá thủy lôi, bom mìn, để rà phá trên khu vực sông Mã, Cửa Hội, Đồng Hới, sông Gianh, đã mở thông luồng cho tàu thuyền đi lại an toàn.

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #41 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 11:00:37 pm »

                Bị thất bại nặng nề ở cả hai miền Nam Bắc nước ta, Mỹ buộc phải xuống thang và ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Nhưng bản chất đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố, thua keo này chúng bày keo khác. Ngày 5 tháng 9 năm 1972, Mỹ cho máy bay đánh phá ác liệt, phong tỏa trên 43 khu vực của 10 tỉnh, thành phố ven biển miền Bắc, chúng coi việc phong tỏa thả thủy lôi, bom mìn kết hợp với đánh phá trên khắp miền Bắc là “hành động quyết định”. Chúng ngăn chặn tàu thuyền vận tải trong nước và ngoài nước, đánh phá cửa biển Hải Phòng, Quảng Ninh biến thành hòn đảo cô lập và cắt đứt mọi quan hệ giao thông đường biển, mọi hoạt động tàu thuyền chiến đấu của Hải quân và tàu thuyền đánh cá của ngư dân. Máy bay Mỹ không những thường xuyên bắn phá kéo dài đến cuối năm 1972 mà chúng còn sử dụng loại máy bay chiến lược hạng nặng B52 ném bom vào hai thành phố Hải Phòng và Hà Nội với quy mô rất lớn. Theo chúng công bố vào những ngày cuối năm 1972 lên tới 35.000 tấn và hàng ngàn quả thủy lôi bom mìn thả xuống cửa sông miền Bắc nước ta. Tại Hải Phòng (cửa Nam Triệu) có ngày địch sử dụng 18 máy bay thả thủy lôi. Nhưng chúng không thể dùng sức mạnh quân sự để đe dọa quân và dân ta, mà còn bị thất bại nặng nề. Quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B52 và nhiều giặc lái bị bắt sống. Cùng lúc đó, trên mặt trận giao thông đường thủy và đường bộ, ta đã phá hủy rà quét và vô hiệu hóa hàng trăm quả thủy lôi, hàng nghìn quả bom từ trường trong chiến dịch chống phong tỏa. Nổi bật nhất là Hải quân ta đã tập trung phương tiện, tổ chức rà quét thủy lôi trên các khu vực cửa Nam Triệu, Hải Phòng và Quảng Ninh, nhanh chóng giải phóng luồng lạch cho tàu thuyền ra vào cảng an toàn.

               Một hành động của đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát làm tôi rất cảm động, khi tôi đang thực hành đi trên tàu rà quét thủy lôi ở khu vực phao số 0, cửa Nam Triệu thì nghe đồng chí Tư lệnh động viên tôi qua máy bộ đàm hỏi thăm sức khỏe và tình hình diễn biến kết quả, để có chỉ đạo trực tiếp. Tôi biết đồng chí Tư lệnh đang đứng thâu đêm trên bãi cát Hoàng Châu, Cát Hải, nhìn ra giữa trong đêm trăng mùa thu tháng 8 năm 1972, cũng như nhiều đêm khác mà đồng chí Tư lệnh vẫn không ngủ. Trong những năm chống chiến tranh phong tỏa, Hải quân luôn luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc rà phá thủy lôi bom mìn trên các cửa sông biển miền Bắc nước ta. Qua tổng kết Quân chủng Hải quân đã rút ra được nhiều kinh nghiệm, không những đảm bảo công tác kỹ thuật, công tác tổ chức lực lượng mà còn biết coi trọng yếu tố con người là nhân tố quan trọng trong mọi tình huống xảy ra. Tục ngữ có câu: “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.
   
               Đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát là người đã gắn kết chặt chẽ giữa khoa học và thực tiễn, giữa tổ chức con người, “vừa hồng vừa chuyên”, trong chiến tranh chống địch phong tỏa miền Bắc. Đồng chí đã có nhiều cống hiến quan trọng trong xây dựng và chiến đấu với Quân chủng Hải quân trong suốt 20 năm qua. Có những chủ trương đúng đắn kịp thời trong từng giai đoạn, có nhiều công trình chiến đấu nổi bật. Cứ mỗi công trình đều mang theo chiến công, mỗi anh hùng mà giá trị của nó được mãi mãi lưu truyền trong lịch sử truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam. Xin được lược lại bằng những dòng tóm tắt ngắn sau đây:
   
               - Việc sử dụng tàu phóng ngư lôi đánh tàu khu trục Ma-đốc của Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc nước ta ngày 2 tháng 8 năm 1964.
   
               - Việc cải tạo vũ khí đưa bom chìm của tàu săn ngầm lên bờ thành bom phóng vào đồn địch ở cồn Tiên, Dốc Miếu, Quảng Trị năm 1967 - 1968.
   
               - Việc đưa tên lửa trên tàu, tên lửa đối không trên bờ, thành tên lửa đối hải để đánh tàu chiến Mỹ xâm phạm vùng biển Việt Nam.
   
               - Việc dùng tàu chiến đấu và tàu gỗ của Phân đội 23 Hải quân thả thủy lôi phục kích đánh tàu Mỹ, ngụy đi lại trên vùng biển miền Bắc và vùng biển Gio Linh (Quảng Trị).
   
               - Việc cải tiến sản xuất các tàu vận tải thành tàu giả dạng đánh cá, gọi là tàu không số của Đoàn 125 Hải quân, để chuyên chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
   
               - Việc tổ chức đội đặc công Đoàn 126 Hải quân mang vác thủy lôi sau khi được cải tiến sản xuất phù hợp với sức người mang vào thả trên sông Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị) để đánh tàu Mỹ ngụy đi lại vận chuyển hàng hóa, vũ khí trên sông này.
   
               - Việc sản xuất thiết kế các loại thiết bị rà quét, phá nổ thủy lôi, bom từ trường của địch như: khung dây từ trường dưới nước, trên bờ, thiết bị rà quét phá nổ từ trường và âm thanh: HT5, HT6, T150, PD67, HDL9, T412, 311, 480 và canô phóng từ không người lái (tự động). Ngoài ra còn nhiều dụng cụ thô sơ khác là từ vật liệu đơn giản và vật liệu có sẵn trong Quân chủng để rà quét, phá nổ thủy lôi bom mìn của địch, thông luồng rạch giao thông trên sông và trên biển, bảo đảm cho các tàu trong nước và tàu nước ngoài ra vào cảng an toàn.
   
               Tất cả những công trình đó đều cuốn hút lòng say mê và trách nhiệm của đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát. Kết quả công trình được đánh giá không chỉ là một thành công rất lớn mà còn là một kỳ tích của Quân chủng Hải quân trong những năm chống Mỹ cứu nước. Hải quân nhân dân Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Chính phủ tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Được tặng 1 Huân chương Sao Vàng, 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân Chương Độc Lập, 3 Huân chương Lao Động. 49 đơn vị và 31 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bộ đội Hải quân rất vinh dự đã được 3 lần Bác Hồ về thăm vào các năm: 1959, 1961, 1962. Bác đã căn dặn cán bộ chiến sĩ Hải quân “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có trời, có biển, bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
   
               Thành tích của quân chủng Hải quân trong suốt giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, đã gắn liền với công lao đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát. Đồng chí còn là một nhân chứng lịch sử, một nghệ thuật quân sự ở tầm cao chiến đấu và chiến thắng Mỹ của Hải quân nhân dân Việt Nam. Một điều mà chúng tôi noi gương học tập ở đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát chính là tài năng sáng suốt và lòng tự tin khi đảm nhiệm trọng trách được Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao. Đồng chí Nguyễn Bá Phát đã xứng đáng được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình khoa học kỹ thuật “Rà phá thủy lôi bom mìn do máy bay Mỹ thả phong tỏa trên sông biển miền Bắc Việt Nam”.
   
               Tuy đã lâu, tôi còn nhớ lại tại nhà khách Bộ Quốc phòng, ngay giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Ban tổ chức đã trân trọng công bố Quyết định của Chủ tịch nước. Trung tâm gian phòng có hàng chữ lớn: “Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh” bên cạnh là tượng Bác Hồ và lẳng hoa nhiều màu sắc. Đồng chí Trung tướng Võ Nhân Huân, Ủy viên Trung ương Đảng thay mặt Bộ Quốc phòng đọc và trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho đồng chí Nguyễn Bá Phát. Người nhận thay là con trai đầu Nguyễn Bá Tài. Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật ghi nhận công lao của vị Tư lệnh với Quân chủng Hải quân. Sau đó, đồng chí Võ Nhân Huân đại diện Bộ Quốc phòng mở tiệc chiêu đãi cho những người nhận giải. Nhìn trên mâm có chai sâm banh tôi lại thoáng nghĩ về anh Nguyễn Bá Phát, anh không còn nữa, anh đã mất khi đang nghỉ hưu chữa bệnh tại quê nhà. Trong giờ phút thiêng liêng ấy, Bộ Thủy sản có lập bàn thờ cho các cán bộ trong ngành đến viếng anh tại Hà Nội khi anh chuyển qua làm Thứ trưởng Bộ Hải sản. Còn Hải quân có cử đại diện vào quê viếng anh và chia buồn cùng gia đình. Do điều kiện khó khăn nên không lập bàn thờ để viếng theo sự mong đợi của các cán bộ Hải quân tại Hải Phòng, cũng là mong muốn một vị Tư lệnh là thủ trưởng chính của mình trong 20 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành. Với nghĩa tử là nghĩa tình mà tâm trạng tôi và một số anh em cũng mong sao được vào viếng một người anh có công lao, có tình nghĩa với Hải quân để không được nhìn anh ra đi lần cuối cùng và thắp nén hương trước vong linh người đã mất, mà còn được ghi vào sổ tang gia đình một dòng chữ: “Thương tiếc anh vô hạn, đời đời biết ơn anh”. Anh ra đi để lại trang sử truyền thống vẻ vang cho Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng và đã làm sáng lên cho mọi người noi gương học tập.
   
               Buổi lễ hôm ấy, trong không khí vui chung cũng còn thoang thoảng nét sâu lắng một thời đã được ghi bằng nhiều bức tranh anh không bao giờ quên. Tất cả mười chúng tôi cùng được nhận giải, tôi xin đại diện cho đồng chí Nguyễn Bá Phát xin trọn tấm lòng, cảm ơn Đảng và Nhà nước, cảm ơn Bộ Quốc phòng, cảm ơn Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân. Tôi cũng xin nặng tình cảm ơn đồng chí Phát đã dìu dắt, giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi xin hứa sẽ phát huy hơn nữa thành tích đã đạt được để ngày càng có thêm những công trình khoa học đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.


                              
N.S.T



(1). Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2002, tr.303.
(2). Hồ Chí Minh - Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2002, tr.470.
Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #42 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 11:03:27 pm »

TƯ DUY QUÂN SỰ CỦA ĐỒNG CHÍ TƯ LỆNH HẢI QUÂN
Đại tá Triều Tiên(1)

                 Quá khứ oanh liệt của các trận thắng lợi vẻ vang trên chiến trường Liên khu 5 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 đã chứng minh sự đóng góp của quân và dân các địa phương dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chánh. Đồng thời, có sự góp mặt xứng đáng của đồng chí Nguyễn Bá Phát, được đông đảo đồng bào, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang Liên khu 5 thừa nhận và tôn vinh.

                  Trong hàng ngũ cán bộ chỉ huy tại chiến trường Liên khu 5 từ thời kỳ đầu đánh Pháp, có đông đảo cán bộ của Đội du kích Ba Tơ, của các chiến khu Việt Bắc, của các chi đội Nam Tiến, kể cả một số cán bộ được đào tạo tại các chiến trường của Pháp, Nhật có quân hàm từ cấp úy trở lên. Nhưng thực tiễn chiến trường và quần chúng cách mạng lại xác minh và tôn vinh một người như Nguyễn Bá Phát, học vấn chỉ trình độ sơ học, nghiệp vụ nhà binh chỉ là một pháo thủ của Hải quân Pháp, thành phần gia đình trung nông. Vậy đâu là bệ đỡ cho tài năng tạo nên sự nghiệp vẻ vang như thế của Nguyễn Bá Phát?
   
                  Tôi được biết anh Phát khi cùng tham gia Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác của Trung đoàn 95, tháng 3 năm 1946 tại Bình Định. Lúc đó, anh ở trong đội pháo thủ Hải quân thành phố Quy Nhơn, không ai biết đến, không ai dám giao trách nhiệm, kể cả trận đánh diệt gọn 50 tên ở nhà băng Quy Nhơn vào tháng 12 năm 1945. Lúc ấy được tàu Pháp kéo đến ngoài biển Quy Nhơn, để phối hợp với Nhật trong đất liền, nhưng do ta diệt bọn Nhật trong nhà băng, nên quân Pháp phải rút tàu về Nha Trang.
   
                  Người tài được trọng dụng phải có cơ chế và có người biết dùng người tài. Đồng chí Nguyễn Đức Minh (Tư Tổng), lúc đó là Chính ủy Trung đoàn 95 cùng các đồng chí lãnh đạo khác đã phát hiện và đề xuất với Đảng để anh Phát nhận công tác Tham mưu trưởng Đại đoàn 23. Khi toàn quốc kháng chiến, anh giữ trọng trách Chỉ huy phó trong Bộ Chỉ huy Quân Sự Mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 96, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 108, Tham mưu phó Liên khu 5. Tài năng của anh đã được thử thách. Quần chúng nhớ anh là người trọng tài phán quyết trung thực và khách quan nhất. Vậy những đức tính bản thân nào giúp anh vượt lên và thành công?
   
                  Với chỉ số thông minh vào loại cao, cộng với đầu óc thực tế, tìm tòi sáng tạo, tìm cho ra chân lý, nghe ngóng gần gũi quần chúng, giúp đồng chí, hình thành trong đầu óc một tư duy quân sự rất đặc biệt, nắm bắt được sự vận động của chiến trường, quy luật của chiến thuật, chiến dịch, chiến tranh để vận dụng và điều khiển nó. Sự vật trong tự nhiên cũng như trong xã hội, vận động theo phép biện chứng duy vật, chứ không theo ý muốn chủ quan của con người, tùy ý muốn áp đặt cho nó. Nếu người nào sâu sát, tìm hiểu quan sát được quy luật ấy, nắm được quy luật ấy thì thành công. Nếu giáo điều chủ quan, quan liêu xa rời quần chúng, thì không thể nào hiểu và nắm được để vận dụng. Anh Phát nhờ đức tính sát thực tế, gần gũi quần chúng, quan sát kỹ từ hiện tượng đến bản chất vấn đề nên có tư duy quân sự sáng tạo và chính xác.
   
                  Qua những việc anh làm từ chuẩn bị chiến trường, điều khiển hành trú quân, tổ chức quan sát thực địa, ra mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho các cá nhân và đơn vị, cũng như thực hành chiến đấu qua từng giai đoạn, anh có học bài bản, trường lớp nào đâu (chỉ sau này anh mới đi học ở Học viện Hải quân nước bạn). Vậy tri thức ấy do đâu mà có, nếu không phải nhờ hệ số thông minh và tính thực tiễn cao, sự rèn luyện bản lĩnh tư duy chỉ huy, một ý chí và quyết tâm cao trong hành động; bài học quyết tâm anh không học trong sách vở mà trong thực tiễn cuộc sống, phát hiện từ trong bản chất của sự vật nó. Trong khi đó nhiều cán bộ có học vấn cao, có bằng cấp, lúc đi tổ chức các trận chiến đấu không cần quan sát thực địa, không cần giao nhiệm vụ, không biết địch tình và địch phản ứng ra sao, địa hình ảnh hưởng đến các mũi tấn công ra sao! Quy luật của chiến tranh, do tác động của con người từ hai phía nên sự qua loa đại khái, hời hợt, thiếu sâu sát, thì không khi nào nắm và vận dụng được nên dễ chuốc lấy thất bại. Chân lý xuất phát từ thực tiễn chứ không phải chỉ trong sách vở.
   
                  Một điểm nữa cần nghiên cứu là đặc điểm chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích của chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng cũng như ở các nơi khác đã phát triển đến đỉnh cao, phản ứng trong tư duy của người chỉ huy ấy có những sáng kiến và quyết định sáng tạo, đó là một bệ đỡ nữa cho tài năng của đồng chí Phát.
   
                  Chiến tranh nhân dân là chiến tranh của toàn dân tại địa phương dùng mọi vũ khí đánh giặc vừa “du” vừa “kích”. Ta đánh mọi nơi, mọi lúc, bám trụ, một tấc không đi, một li không rời, nắm thắt lưng địch mà đánh, chỉ một số đặc biệt phải sơ tán, tất cả đều ở lại đánh địch, đánh toàn diện, quân sự, chính trị, kinh tế, binh vận, v.v...
   
                  Sau này bắt đầu chiến tranh cục bộ, Trung ương đã tổng kết hai chân ba mũi và ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng, đô thị, từ thực tiễn chiến tranh nhân dân và du kích trong thời kỳ chống Pháp nhất là ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ 1949 - 1954, tại mặt trận Quảng Nam, ta đã mở liên tiếp nhiều chiến dịch, như chiến dịch Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Hoàng Diệu, chiến dịch hè Quảng Nam 1952, chiến dịch đường 101 và chiến dịch Xuân 1953 - 1954. Với điều kiện chiến tranh nhân dân phát triển cao độ ở các xã, huyện, toàn tỉnh, toàn dân đánh giặc, ta đã đưa hàng chục tiểu đoàn cơ động, hàng 2 - 3 Trung đoàn vào vùng địch tạm chiếm giữ hệ thống phòng ngự chằng chịt của địch. Ta biến hậu phương địch thành tiền tuyến và chiến trường của ta. Ta đã kết hợp chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích ở địa phương với chiến tranh của các binh đoàn cơ động, kết hợp chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy, kết hợp du kích và vận động chiến, kết quả tất yếu buộc địch phải kết thúc chiến tranh, ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ.
   
                  Tính thực tiễn và lòng quyết tâm kiên trì không mệt mỏi, khi đồng chí Phát về làm Tư lệnh Hải quân, đã phát huy hiệu quả, khi anh dám đề nghị lên Bộ Tổng tham mưu thành lập đặc công nước đánh phá hàng trăm chiếc tàu chiến dịch tại Cửa Việt, Hàm Luông, v.v...
   
                  Sau bao lần tàu ta phóng lôi xuất kích, không vượt qua được mà ra-đa và làn pháo bắn chặn của tàu địch, anh nghiên cứu sức người, nghiên cứu cách trang bị, nuôi dưỡng tập luyện để dùng sức người thay vũ khí, thay tàu, Hải quân ta tìm cách tiếp cận đưa bom và mìn vào tàu địch để tiêu diệt chúng. Anh đã nghiên cứu tại thao trường đặc công nước hàng tháng trời để rút kinh nghiệm. Cùng với cách nghiên cứu tỉ mỉ và một quyết tâm cao, anh đã lãnh đạo và chỉ huy đoàn tàu không số tiếp tế vũ khí, đạn dược và vận chuyển cán bộ phục vụ cho các chiến dịch ở chiến trường miền Nam. Thành tích rà phá bom mìn, giải phóng nhanh tàu quốc tế ra vào cảng Hải Phòng làm bạn bè quốc tế, kể cả cấp chỉ huy Hải quân Mỹ cũng phải kinh ngạc, khi sau này họ phải đến bờ biến Hải Phòng “kéo cày” trả nợ để rà phá mìn cho ta, theo quy định của Hiệp định Pa-ri. Nguyễn Bá Phát đã ra đi năm 1993. Cán bộ và chiến sĩ Hải quân cũng như Liên khu 5 thương tiếc một người chỉ huy sâu sát, rất có trách nhiệm, rất mực yêu và thông cảm cấp dưới, gần gũi với mọi người. Dù ở vị trí gần hay xa, cao hay thấp, họ đều thấy lúc nào anh Phát cũng quan tâm lo lắng ch0 mình như người chỉ huy, người đồng chí, người bạn, không có một hàng rào ngăn cách nào.
   
                  Viết mấy dòng làm sao nói hết tầm cao trí tuệ và tâm hồn của anh, nhưng cũng như thắp lên một nén hương để sáng mãi trong lòng, nhớ người cán bộ chỉ huy hiếm có, một người bạn, một người đồng chí trung thực và chung thủy.


                              
Τ.Τ



(1). Nguyên Đội viên Đội du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi), sau là cán bộ bộ binh của Liên khu 5, cán bộ Hải quân nhân dân Việt Nam.


Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #43 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 11:07:47 pm »

TỪ TRẠM PHẪU THUẬT TIỀN PHƯƠNG
Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Viết Định

               Đông Xuân 1948-1949, hướng tiến công chủ yếu của chủ lực Liên khu 5 lúc ấy là tây bắc Hòa Vang. Tiểu đoàn 79 phối hợp với Tiểu đoàn 19, thuộc Trung đoàn 96 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát chỉ huy, có kế hoạch đánh địch vận chuyển trên đường xe hơi và đường xe lửa tại đèo Hải Vân, đó là vào khoảng 9 giờ ngày 21 tháng 1 năm 1949. Tin thắng trận quá vui, chúng tôi băng bó vết thương cho thương binh, làm việc liền tay không nghỉ. Một thương binh bị vết thương đứt mạch máu cánh tay, máu từ động mạch phun ra đầy cả mặt mũi và áo, tôi loay hoay mãi mới kẹp được mạch máu. Mấy phút sau có ba, bốn anh dừng chân, thấy máu me đầy mặt, các anh động viên chúng tôi cố gắng băng bó, cầm máu cẩn thận cho anh em. Anh đeo súng ngắn bảo người đi cùng “cho các cậu một bao thuốc”. Khi các anh đi rồi chúng tôi mới biết tên anh là Nguyễn Bá Phát, chỉ huy mặt trận. Tôi đã từng nghe tên anh nhưng chưa biết mặt, giờ mới gặp, tiếc rẻ một cơ hội. Về chiều, thương binh đã mãn, chúng tôi được lệnh nhổ trạm đi theo đại quân, không được chậm trễ. Nhớ lai hình ảnh người chỉ huy mặt trận, tôi phác họa ông: dáng người tầm thước, chắc nịch, da ngăm đen, tóc húi cua, cặp mắt sâu, lông mày rộng, giỏi trận mạc và có lòng thương yêu chiến sĩ. Tối hôm ấy, trên đỉnh đèo Hải Vân rét lạnh, chúng tôi khui bao thuốc, hút để “chống rét”. Đó là bao thuốc Basto chiến lợi phẩm của người chỉ huy mặt trận tặng cho để động viên cấp dưới làm nhiệm vụ. Hành quân và sống bí mật giữa núi rừng đã hơn 3 tháng trời, thiếu thuốc hút, ai cũng thèm, nhưng lấy đâu ra của hiếm ấy. Rít một hơi cho đã, có người đã say ngã, vì buồng phổi lâu nay hít khí trời trong lành, nay khói thuốc vào sâu trong buồng phổi, theo dòng máu đi vào các tế bào cơ thể nhất là tế bào thần kinh, ai nấy đều lảo đảo. Nhưng thèm thuốc lá thời ấy, là bệnh của chiến sĩ, những nông dân mặc áo lính, ai chẳng ghiền thuốc, mặc dầu nghe nói “hút thuốc có thể có hại cho sức khỏe”. Khói thuốc bay theo chiều gió, lính ta đánh hơi được đi lùng, chẳng may bị phát hiện, không thể giấu được, đành phải tự thú, ai nấy cũng muốn hưởng lộc của người chỉ huy mặt trận ban cho, lúc đầu nửa điếu một người, sau đó mỗi người rít một hơi, cũng không đủ đều khắp cho các con nghiện. Cho đến nay bao thuốc Basto của anh Nguyễn Bá Phát cho ngày ấy vẫn còn giữ nguyên kỷ niệm đẹp trong tôi.
   
                    Cần nói thêm một điều là qua nhiều ngày hành quân cơm vắt, muối mè, kham khổ, thèm ăn, nhưng thắng trận rồi nhân dân địa phương, tiêu biểu các bà mẹ, các chị nấu cho nhiều thúng cơm đầy, khói nghi ngút, thơm phức. Thức ăn thì cả nồi tôm tươi vàng rụm, thế nhưng mỗi người chỉ ăn lưng chén, vài con tôm, đã thấy ngoài bụng chán ăn. Hình như nỗi mừng vui chiến thắng, được sự động viên của cấp chỉ huy mặt trận, niềm vui tinh thần đã lấn át cái thiếu thốn vật chất bình thường hàng ngày, đôi khi khao khát đến nao lòng!
      
                    Chiến dịch kết thúc, Trung đoàn tổ chức hội nghị tổng kết từ cấp đại đội trở lên, tại vùng tự do Liên khu 5, chủ trì Hội nghị là anh Nguyễn Bá Phát và anh Nguyễn Quyết. Hội nghị thảo luận và rút kinh ngiệm về nhiều vấn đề, tôi nhớ lời giải thích hình tượng của anh Nguyễn Bá Phát với Hội nghị về vũ khí mới Ba-zô-ka: “nó dài bê dai, nòng bê lớn, viên đạn bê to, bê cao, bê dai, như dầy”... thành khẩu hiệu Vui giải trí của quân ta động viên nhau khi gặp việc nặng nhọc, khó khăn.
      
                    Tập kết ra Bắc, một số các chị, vợ của cán bộ Liên khu 5 cùng ra Bắc trên những chuyến tàu khác nhau. Một số các chị về công tác tại cơ quan Chi Sở Thuế vụ tỉnh Thanh Hóa. Tình cờ hôm tôi về thăm vợ tôi ở đó, gặp anh Nguyễn Bá Phát cũng về thăm chị Điểm, vợ anh, chỉ cách giường nằm của chúng tôi một miếng cót nan nhìn xuyên thấu trời đất. Tỉnh Thanh Hóa lúc đó, đói lắm, lấy đâu ra chỗ tươm tất cho cán bộ tập kết. Hình như anh đang giữ chức Tư lệnh Hải quân (?). Chị Điểm giới thiệu với anh, tôi là Y sĩ quân đội tập kết. Sau cái bắt tay mặn mà của nhà lính, tôi nhắc lại ông vua giao thông chiến của bắc Liên khu 5, anh tròn xoe đôi mắt nhìn tôi, tay lắc mạnh đôi vai: Thế cậu cũng ở mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng à? Tôi nhắc lại đã gặp anh ba lần, cùng trò chuyện, được anh cho gói thuốc lá Basto. Thời gian thăm vợ không nhiều, chỉ nhắc đôi điều kỷ niệm đã ấm áp lòng nhiều lắm, không nên để mất nhiều thì giờ vàng ngọc của nhau.


                                 
L.V.Đ

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #44 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 11:12:10 pm »

NHỮNG GÌ TÔI BIẾT ĐƯỢC VỀ NGƯỜI CHỈ HUY CỦA TÔI
Trung tá Lê Đình Kiến

                    Thời trai trẻ

                 Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, đông con: 5 gái 4 trai, ông Phát là người con thứ 6 (con cả gọi là thứ 2). Tên hồi nhỏ của ông là Bảy Thiệp. Chịu ảnh hưởng từ người cha: cụ đồ nho, cũng là thầy địa lý có uy tín trong làng. Nhà đông người nhưng không hề nghe tiếng cãi vã hay đánh mắng mà chỉ có tiếng cười đùa, tiếng nhắc nhở nhè nhẹ của người cha. Ông Phát ban đầu học chữ Nho tại nhà, nhưng thời ấy chữ Nho không còn được coi trọng, nên ông chuyển sang học quốc ngữ ở trường Quan Nam. Thầy giáo Khiết người làng Hương Phước dạy ở đây. Thấy trò Thiệp (Phát) chăm học thông minh tháo vát, lại mạnh dạn hỏi lại thầy những gì thắc mắc khi chưa hiểu, nên thầy Khiết mến thương, quan tâm kèm cặp chỉ vẽ thêm ngoài giờ. Học quốc ngữ Chưa được 6 tháng gặp kỳ thi Sơ học yếu lược, thầy Khiết khuyến khích trò Thiệp nộp hồ sơ xin thi. Kết quả là trò Thiệp (Phát) đỗ Sơ học yếu lược. Thông thường thời bấy giờ học sinh phải học 3 năm qua 3 lớp năm, tư, ba (nay gọi là lớp 1, lớp 2, lớp 3) thì mới đủ trình độ đi thi yếu lược.

              Thời đó muốn học lên nữa, thì phải xuống Đà Nẵng mới có trường, ở quê ra phải ở nhà trọ. Gia cảnh nhà ông Phát không đủ khả năng đài thọ cho con đi học xa, mặc dù cha mẹ bà con rất mong muốn. Nghỉ học lúc này ông Phát đã 15-16 tuổi, vốn ham thích bay nhảy, không muốn bó chân quanh lũy tre làng, nhà lại không nhiều ruộng đất, hơn nữa sau ông có người em trai Nguyễn Bá Phước - sinh năm 1924 (ông Phát sinh năm Nhâm Tuất, 1922) ít được học hành lại ham mê siêng năng trong việc đồng áng có thể thay thế các anh.
   
              Những năm 1938 - 1939 để chuẩn bị đối phó với Đại chiến thế giới lần thứ 2 sắp nổ ra, thực dân Pháp hô hào ráo riết bắt lính. Ông Phát nằm trong đội quân nông dân thất nghiệp được tuyển vào đội quân ONS (lính thợ). Nhưng rồi nước Pháp nhanh chóng thua trận nên kế hoạch điều lính từ Đông Dương không thực hiện được. Ông Phát xuất ngũ trở về quê hương, trải qua những tháng ngày thất nghiệp. Có người anh rể, chồng người chị cả là ông Cai Xoài đang là cai lính thủy đóng ở Sài Gòn, ra dắt dẫn anh làm đơn đăng ký lính thủy. Ông Phát trúng tuyển đầu quân vào chiến hạm La Motờ Pic-kê đóng ở Sài Gòn khoảng 1940 đến tháng 3 năm 1945. Sau khi Nhật hất cẳng Pháp, ông Phát cùng nhiều thủy thủ rời bỏ hạm đội về lại quê hương. Trong những ngày sục sôi cách mạng tháng 8 năm 1945, ông tham gia dân quân tự vệ, làm Đại đội trưởng dân quân làng Trung Sơn quê hương ông. Nhạy bén trước lời kêu gọi của Chính phủ cụ Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường Nam Bộ đang bị thực dân Pháp đánh chiếm, ông là một trong số thanh niên ở Quảng Nam - Đà Nẵng hăng hái xung phong vào quân giải phóng (sau này là Vệ Quốc đoàn). Vốn thông minh tháo vát lại được tiếp thu ít nhiều kiến thức quân sự thời làm lính Pháp, nên khi nhập ngũ không trải qua làm lính mà được cử ngay làm Chỉ huy phó mặt trận Buôn Ma Thuột.
   
              Toàn quốc kháng chiến tháng 12 năm 1946, ông được điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 7 (tiếp phòng quân) sau đổi là Trung đoàn 96. Trong hơn 6 tháng quần nhau với giặc Pháp ở mặt trận Đà Nẵng, Trung đoàn 96 được đồng chí Phạm Văn Đồng tặng lá cờ danh dự với hai chữ vàng “Giữ vững” (tháng 5 năm 1947)


                Chiến thắng Hải Vân, chiến thắng thần kỳ
                Cầm trong tay Tiểu đoàn 19 và Tiểu đoàn 79 cùng một lực lượng dân công đi cùng, hơn 1800 con người, đi ban ngày với đường mòn xuyên núi cũng không dễ đi nhanh, chỉ cần một người dừng lại một vài phút thì cả đoàn ùn tắc. Khoảng 7 giờ tối, tôi được phía trước truyền lại lệnh: “sẵn sàng cởi quần để lội qua sông” (đoạn dưới thác Cổ Ngựa, trên sông Cu Đê). Lệnh đó cứ trước chuyền cho người sau đến hết đoàn quân. Tôi ở vào 1/3 đoàn quân phía sau. Lệnh truyền có nghĩa phía đầu đoàn quân đã bắt đầu lội qua sông. Thế mà đến hừng sáng hôm sau, chỗ tôi mới tiếp cận đến bờ sông! Thế là có dịp cho lau lách cứa cào rách mông đùi của lính và người Trung đoàn trưởng cũng phải chịu số phận đó.
   Kết quả chiến thắng Hải Vân thì đã có sử sách của Tiểu đoàn 19 - 79, sử Trung đoàn 96, 108 ghi lại rồi. Tôi là lính trận này, tôi chỉ kể những gì mình trải qua. Hành quân ra trận cũng nhiều gian truân, tôi nêu vài hình ảnh trong đêm 22, 23 tháng 1 năm 1949 trên đường ra trận, từ hậu phương Đại Lộc và tây bắc Hòa Vang đi ban ngày.
   Đánh thắng rồi, đường lui quân sao mà nhanh; dễ dàng không phải leo núi, lại được cười nói to, lại còn có bánh tét, bánh in ngày tết. Là lính nên càng phấn khởi gấp bội khi hành quân về ít vất vả, thoải mái chỉ biết hoan hô thủ trưởng!
   Sau đó có dịp ngồi lại, gặp những người trong cuộc, gặp những cụ người địa phương ở Thủy Tú, Kim Liên, Quan Nam, Xuân Thiều, Nam Ô, những người góp công cho chuyến lui quân vượt sông Trường Định hồi ấy tấm lòng tốt của đồng bào tây bắc Hòa Vang dành cho bộ đội cho ông Phát người con của quê hương. Mới thấy hết sự thông minh của người chỉ huy tài ba, táo bạo trong việc lên kế hoạch lui quân ngay giữa lòng dân mà địch phải cho là “xuất quỷ nhập thần”. Khi địch bao vây phong tỏa đường về của ta bằng 8 tiểu đoàn cơ động.


                   Một sự tình cờ may mắn!

                 Toàn quốc kháng chiến ngày 19 tháng 12 năm 1946, tôi cùng Đại đội tự vệ Hỏa xa Đà Nẵng bổ sung vào Trung đoàn 96. Tôi được biên chế làm lính ở Đại đội 4 Tiểu đoàn 18 trong trận đánh ở làng Đà Sơn về phía tây Đà Nẵng, tôi bị thương. Sau khi khỏi ra viện tôi hỏi đường tìm về đơn vị, thì vào đúng chỗ Sở chỉ huy Trung đoàn 96, lúc này đang đóng tại Hà Tân, Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tình cờ tôi gặp ông Phát, ông cầm tay giới thiệu: “Đây là chú em con dì ruột tôi tên là Lê Đình Kiến, tự vệ công nhân Hỏa xa bổ sung cho 96, bị thương trong trận địch tấn công đèo Đại La”! Ông xem chỗ bị thương trên mặt tôi, xoa tay vào chỗ sẹo và nói vui: “vẫn còn bảnh trai chán”. Rồi như sực nhớ điều gì, ông nói tiếp: “Anh tí nữa cũng bị địch bắn vào đầu. May nhờ lính chú em cứu nguy mà anh thoát hiểm!” Tôi ngớ người, gượng cười qua quít, nghĩ rằng ông đùa cho vui và an ủi tôi, vì biết tôi còn đau do đạn xuyên gãy răng chứ ông cũng biết tôi chỉ là lính trơn, theo cách gọi bây giờ là anh binh nhì, thì làm gì còn có lính nào dưới quyền tôi mà nói lính tôi cứu người chỉ huy Trung đoàn. Sau này có dịp tìm hiểu mấy anh chỉ huy, thì được biết có một sự kiện như sau: trong một lần đứng quan sát bên một gốc cây ở đồi núi Tùng Sơn, ông Phát dẫm phải ổ kiến bù nhót (loại kiến cắn rất đau). Ông cúi xuống phủi kiến ở chân, thì cũng ngay lúc đó địch bắn liền 2 phát. Đầu đạn cắm vào thân cây ngang tầm đứng của ông Phát. Thật là một sự may mắn ngẫu nhiên! Tôi tên là Kiến tôi bỗng dưng được thơm lây: “công của họ nhà kiến” đã cứu nguy một người chỉ huy, xông xáo luôn luôn tiếp cận, dọc ngang trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trong chống Mỹ, ông là Tư lệnh Hải quân cho đến khi ông chuyển qua làm Thứ trưởng thường trực Bộ Hải sản. Xông pha ngang dọc trên đất liền, ngoài biển khơi, kẻ thù không làm gì được ông. Biển giã không làm gì được ông. Ông qua đời vì bệnh tật.

                                 
L.Đ.K



Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #45 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 11:16:34 pm »

NGƯỜI CHỈ HUY SỐNG ĐẦY TÌNH NGHĨA
Đại tá Đỗ Anh Tịnh(1)

                  Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ở chiến trường Liên khu 5, trong hàng ngũ cán bộ chỉ huy quân sự cấp trung đoàn, anh Nguyễn Bá Phát thường được ca ngợi là người chỉ huy dũng cảm, đầy mưu trí sáng tạo. Anh được sự tín nhiệm của cấp dưới “có anh Phát chỉ huy là chiến thắng”

                 Trận Konplong mãi mãi lưu tên anh

                 Trong quá trình chiến đấu các đơn vị bộ đội chủ lực Liên khu 5 đã trưởng thành, chiến thắng nhiều trận lớn chiến thuật phục kích, vận động chiến. Bước vào giai đoạn mới yêu cầu có tính chất chiến lược là phải tiêu diệt địch trong công sự kiên cố những nơi địch có lực lượng vật chất (vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men, v.v...).

                  Đối với bộ đội Liên khu 5, việc đánh công kiên tiêu diệt cứ điểm lớn của địch chưa có tiền lệ. Nhiệm vụ mới này được giao cho Trung đoàn 108 do đồng chí Nguyễn Bá Phát làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Lập là Chính ủy đảm nhiệm. Nhận nhiệm vụ, Trung đoàn nhanh chóng triển khai công tác chuẩn bị. Cán bộ từ trung đội trưởng trở lên được tập huấn tiếp nhận tư tưởng chiến thuật mới do Bộ Tổng Tư lệnh chuyển vào. Một loại vũ khí mới có sức công phá mạnh ĐKZ (đại bác không giật) cũng được trang bị.
   
                  Konplong, một căn cứ tiền tiêu của địch nằm phía đông bắc tỉnh Kon Tum (Tây Nguyên) một cứ điểm có đầy đủ các yếu tố theo yêu cầu của trận đánh.
   
                  Sau khi chọn xong điểm quyết chiến, một kế hoạch tác chiến được đưa ra lấy ý kiến dân chủ của đội ngũ cán bộ Trung đoàn. Một số vấn đề khó khăn nhất là chiến đấu trận nội (trong đồn địch) làm sao giải quyết các hỏa điểm mạnh, nhất là “lô cốt mẹ” nếu không đưa được ĐKZ vào. Vấn đề này đã làm Trung đoàn trưởng mất ăn, mất ngủ và cuối cùng một ý nghĩ táo bạo đã xuất hiện trong tư duy của người chỉ huy. Phải làm những “chiếc xe công sự” có bánh di động, trên đặt ĐKZ đấy vào trận nội, các xạ thủ được an toàn đứng trong, đẩy xe đến sát mục tiêu nhả đạn.
   
                  Là một công trình mới mẻ được các xưởng quân giới toàn Liên khu dồn sức nhanh chóng hoàn thành. Trước khi bàn giao cho Trung đoàn, các chiếc xe đã được kiểm tra và thử nghiệm đầy đủ. Xe được một lớp thép dày bọc ngoài có thể chống được đạn trọng liên, ở giữa là những lớp bao cát, bên trong lại một lớp thép. Dưới bệ lắp các bánh xe sắt có vòng bi lăn nhẹ nhàng, phía trước có cần lái, dọc thành xe bên trong là tay vịn để đẩy xe, các giá lắp súng, thùng đạn đã được lắp đặt cố định. Khi những chiếc xe đã hoàn thành được đưa vào tổng diễn tập, trước khi được tháo rời từng bộ phận giao cho dân công hỏa tuyến khiêng vượt đèo, dốc lên chiến trường.
   
                  Qua tổng diễn tập thành công, bộ đội dân công cũng như cán bộ công nhân ở các xưởng quân giới rất vui mừng, phấn khởi, tin tưởng ngợi ca “xe tăng ông Phát”.
   
                  Trận đánh cứ điểm Konplong đã diễn ra đúng như dự kiến. Từ 4 giờ đến 7 giờ sáng, bộ đội ta đã mở được “cửa mở”. Đơn vị trận nội đã vào đánh chiếm một số lô cốt ngoại vi nhưng đã phải chững lại vì hỏa lực của “lô cốt mẹ” bắn ra ác liệt. Một số cán bộ, chiến sĩ đã bị thương vong. Theo lệnh của Trung đoàn trưởng, cán bộ, chiến sĩ ở nguyên vị trí. Giữ vững những nơi đã chiếm được. Lệnh cho xe ĐKZ xuất phát theo đường lớn vào cửa chính tham gia chiến đấu.
   
                  Xe ĐKZ xuất hiện làm tinh thần địch hoảng loạn. Những quả đạn ĐKZ nhằm đúng các lỗ châu mai của “lô cốt” nhanh chóng dập tắt lần lượt các hỏa điểm. 9 giờ, địch kéo cờ trắng đầu hàng. Cùng với chiến thắng Konplong với đoàn “xe tăng ông Phát” trở thành huyền thoại trong bộ đội và nhân dân Liên khu 5.


                 Tình đồng đội

                Sau đại thắng mùa Xuân 1975, tôi đang là một Chủ nhiệm Khoa giáo viên ở Học viện Chính trị (nay là Học viện Chính trị - Quân sự). Trước sự vui mừng của những tháng, ngày thắng lợi, lòng tôi nao nức với một ước vọng là làm sao được về lại Nha Trang - Khánh Hòa nơi tôi đã coi là quê hương thứ hai của mình, ở đó tôi đã được sống một thời niên thiếu ân tình và một thời thanh niên sôi động.
   
                  Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, Mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa 23 tháng 10 năm 1945 những ngày lịch sử trọng đại của vùng đất này và cũng là những ngày tôi bắt đầu bước vào cuộc đời cách mạng, cuộc đời chiến đấu.
   
                  Mang theo nguyện vọng này tôi đã gặp nhiều anh trong Bộ Tư lệnh Quân khu 5, trong Cục Chính trị Quân khu để nhờ giúp đỡ. Các anh đều cho biết là không có khả năng, vì cơ quan quân sự các tỉnh vừa mới bố trí xong, còn về cơ quan Quân khu thời ở tận Đà Nẵng.
   
                  Trong lúc tâm trạng đang buồn vì thất vọng, tình cờ trong một cuộc họp ở Hà Nội tôi gặp anh Nguyễn Bá Phát. Trên tình đồng chí, đồng đội thân thương tôi đã kể với anh về ước mong của mình. Nghe xong, sau một thoáng suy nghĩ và như để chia sẻ tâm sự với tôi, anh gợi ý. Cậu cứ cố gắng tiếp tục xin, nếu cần thì làm một bước “đệm” là cứ về Quân khu rồi khi nào có hoàn cảnh thuận lợi xin tiếp về Nha Trang.
   
                  Thấy thái độ của tôi có vẻ không thật vui, anh nói tiếp. Nếu trong quân đội không giải quyết được "” thì cậu xin chuyển ngành về Bộ Hải sản (lúc này anh Phát đã từ Hải quân chuyển ra làm Thứ trưởng Bộ Hải sản). Mình sẽ giúp, ở Nha Trang hiện có Trường đại học Thủy sản đang thiếu một Hiệu phó phụ trách chính trị. Cậu về vị trí ấy cũng thích hợp.
   
                  Tiếp nhận ý kiến anh tôi vui vui, tuy chưa thật đúng với nguyện vọng của mình. Với tình cảm lãng mạn, tôi vẫn nuôi ước vọng “ngày đi là một chiến binh; ngày về cũng là một sĩ quan quân đội”.
   
                  Về công tác ở trường Đại học hiện ở Nha Trang cũng là một giải pháp hợp lý và có nhiều khả năng thành hiện thực.
   
                  Trong thời gian suy tính, tham khảo gia đình, bạn bè tôi bỗng nhận được lá thư anh Phát gửi cho. Trong thư anh biểu tôi xuống gấp Hà Nội, gặp anh Giáp Văn Cương - Thiếu tướng Phó Tổng Tham mưu trưởng, vừa có quyết định về làm Tư lệnh Hải quân.
   
                  Trong thư anh hẹn cả ngày, giờ đến nhà anh Cương để cùng gặp anh ở đó. Anh Giáp Văn Cương vốn là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19, tôi đã cùng anh chiến đấu ở mặt trận bắc Tây Nguyên rồi Đà Nẵng những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chúng tôi và cả gia đình tôi và anh ấy đã nhiều năm sống với nhau rất thân tình. Đúng hẹn, tôi đến nhà anh Cương thời đã có anh Phát đến trước chờ và một cuộc trò chuyện như anh em trong gia đình đã diễn ra. Anh Phát chịu trách nhiệm vận động và trình bày với Cục Cán bộ cùng các thủ trưởng Tổng cục Chính trị, để xin cho tôi về Trường sĩ quan Hải quân ở Nha Trang. Còn tôi phải tiếp tục đề đạt nguyện vọng và thuyết phục các đồng chí trong Ban Giám đốc Học viện đồng ý cho tôi đi.
   
                  Mọi chuyện đã được tiến hành nhanh chóng. Nguyện vọng của tôi đã được các anh giúp đỡ tận tình. Sau này tôi biết có nhiều ngày nghỉ lễ, ngày chủ nhật anh Phát, cùng anh Cương đã đi đến nhà riêng các đồng chí thủ trưởng trên Bộ, trên Tổng cục để lo cho việc của tôi.
   
                  Mấy mươi năm qua đi, tôi cũng đã nghỉ hưu hàng chục năm. Anh Cương, anh Phát lần lượt đã đi về cõi vĩnh hằng, nhưng tấm lòng biết ơn của tôi vẫn ghi sâu trọn vẹn và mỗi lần nhớ lại sự việc này tôi như được cùng các anh sống lại, những con người sống đầy “tình đồng đội” thân thương và sâu đậm.


                           
Nha Trang, 5-2007
                              
Đ.A.T



(1). Nguyên Phó Hiệu trưởng về chính trị Trường Sĩ quan CH-KT Hải quân (nay là Học viện Hải quân).

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #46 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 11:18:30 pm »

SỰ TỈ MỈ, CHU ĐÁO CỦA ĐỒNG CHÍ TRUNG ĐOÀN TRƯỞNG
Trung tá Nguyễn Đức Hiền

                 Cuối năm 1947, chiến trường Đà Nẵng và tây bắc Hòa Vang đang trong thế “cài răng lược”. Phần địch tạm chiếm, thì ta luồn sâu vào đột kích, phục kích, diệt tề trừ gian... gây rối loạn ở phía sau lưng địch. Phần ta làm chủ, thì ngày đêm bố phòng, cảnh giới, sẵn sàng đánh địch hành quân nống ra cướp phá.

                  Đơn vị vũ trang làm chủ trên địa bàn này thuộc Trung đoàn 96 dần dần về sau đã hình thành được các Tổ du kích là dân quân, tự vệ được chọn lên. Bước đầu là tập luyện trong thực tế, được các phân đội của Tiểu đoàn 17, 18 kèm cặp, anh em dân quân thực hiện tuần tra, cảnh giới và cùng đi tập kích, phục kích một số trận nên cũng từng bước tiêu hao được sinh lực chúng, khi chúng nống ra.
   
                  Thời điểm đó, chúng tôi là cấp dưới, có nghe phong thanh vài thông tin là sẽ có một đơn vị mới từ Liên khu ra thay cho Trung đoàn 96 về hậu phương củng cố.
   
                  Gần tháng sau, đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát đến làm việc với đồng chí Nguyễn Văn Chương, Chính trị viên Đại đội 5. Sau đó có cuộc họp chi bộ, Ban chỉ huy Đại đội mới rõ. Theo ý kiến đồng chí Trung đoàn trưởng: Tiểu đoàn 18 chọn từ 2 đồng chí cán bộ đại đội hoặc trung đội là đảng viên, đã từng chiến đấu thông thuộc địa bàn, biết rõ các cơ sở chính trị, cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, v.v... ở lại làm nhiệm vụ bàn giao chiến trường trên địa bàn mà Tiểu đoàn phụ trách lâu nay cho đơn vị bạn. Đó là “Tiểu đoàn xung phong” hay “Tiểu đoàn cảm tử” nào đó, của Trung đoàn 68.
   
                  Tôi ở Đại đội 5, đồng chí Phạm Vân ở Đại đội 4, được Tiểu đoàn chọn ở lại làm nhiệm vụ đó, còn toàn đơn vị hành quân theo lệnh trên vào Quảng Ngãi.
   
                  Liền sau đó, tôi được đồng chí Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát gọi đi cùng với đồng chí, đến các điểm: đồn Phú Hạ, nhà thờ Phú Thượng, đèo Đại La là nơi cắm quân dã ngoại của địch ở Hòa Mỹ, Đa Phước, Nam Ô và các ngã đường địch thường hành quân càn quét, khủng bố, lùng sục, đánh cướp phá ta.
   
                  Đồng chí Nguyễn Bá Phát đến tận nơi, thấy thật rõ tình hình nơi đó. Đồng chí luôn dặn dò tôi; khi đơn vị bạn đến thì phải đưa cán bộ họ đi quan sát, điều nghiên tận nơi tận chỗ, như hôm nay chúng ta đi đây, chú ý truyền đạt rõ những gì mình hiểu biết về chiến trường, để đơn vị bạn nhanh chóng nắm được tình hình, họ cần gì mình cũng phải giúp đỡ nhé.
   
                  Đó là tình hình địch, còn về ta thì phải bàn giao cụ thể cơ quan, cán bộ, dân quân, du kích, cán bộ xóm, thôn, xã, các đài quan sát, cảnh giới, các trạm canh phòng, các kế hoạch, phương án chống càn, đánh địch khi chúng nống ra. Khi lực lượng chúng đông thì xử lý thế nào, khi lực lượng chúng ít thì đối phó ra sao, đồng chí đều hướng dẫn cả. Đối với cán bộ, du kích địa phương thì phải đưa anh em cán bộ đơn vị bạn đến gặp trực tiếp, cụ thể chứ không phải nói miệng hay trên giấy tờ. Đồng chí Phát đã chỉ dẫn và dặn dò cặn kẽ, kể cả những việc rất nhỏ và khi đơn vị bạn nắm được chắc tình hình rồi, có báo cáo phản hồi về cho Trung đoàn trưởng và khi được lệnh thì mới trở về đơn vị.
   
                  Đồng chí Trung đoàn trưởng còn chu đáo cấp cho chúng tôi “giấy thông hành” dùng để đi đường, qua các địa phương từ tây bắc Hòa Vang vào Quảng Ngãi. Nhờ giấy tờ đó mà chúng tôi được đồng bào và các nhà chức trách các địa phương chúng tôi đã qua giúp đỡ ăn, ở, thuốc thang khi sốt rét, đau ốm dọc đường được dễ dàng, an toàn về đúng qui định, lúc đó Trung đoàn đang ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.


                                 
N.Đ.H
Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #47 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 11:21:20 pm »

CHIẾN THẮNG GÒ CÀ: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa
Đại tá Phan Viên

                Trận Gò Cà xảy ra hồi 11 giờ 30 phút ngày 31 tháng 3 năm 1949 trên đường 14B từ Hòa Cầm (quốc lộ 1A) đi Túy Loan, Ái Nghĩa, Tiểu đoàn 79 do anh Nguyễn Bá Phát chỉ huy đã tiêu diệt một đoàn xe cơ giới chở 1 đại đội “Ta-bo” đi càn quét.

                 Đêm 30 tháng 3 năm 1949, từ căn cứ Phú Túc, Tiểu đoàn 79 và 1 đại đội Tiểu đoàn 19 hành quân xuống trú trong các xóm nhỏ bắc đường 14B. Sáng 31 tháng 3, thấy địch không vận chuyển trên đường, biết là có tề điệp phát hiện bộ đội ta, Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát lệnh cho Tiểu đoàn công khai rút ban ngày về Đồng Xanh - Đồng Nghệ để nghi binh lừa địch và đánh địch vào một thời gian thuận lợi.
   
                 9 giờ sáng, biết bộ đội ta đã rút đi hết, một đoàn xe 10 chiếc có xe thiết giáp (scout-car) dẫn đầu chở 1 đại đội “Ta-bo” chạy lên Túy Loan, đổ quân xuống lùng sục hai bên đường không thấy gì lại lên xe đi thẳng vào Ái Nghĩa.
   
                 Tính toán thời gian địch đã vào đến Ái Nghĩa, Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát ra lệnh cho Tiểu đoàn từ Đồng Xanh, Đồng Nghệ nhanh chóng vận động thẳng xuống nam đường 14B vào vị trí xuất phát tấn công. Bộ đội nằm trong những mương nước đã khô, sau các mô đất và bụi cây nhỏ, lấy cỏ và rác khô phủ lên người, nằm cạnh mép đường từ 1 đến 2 thước, có chỗ với tay lên có thể chạm được xe chạy sát lề đường!
   
                 11 giờ 30 phút, đoàn xe cơ giới địch từ Ái Nghĩa về đến đoạn phục kích của Tiểu đoàn, khi đi lên chúng đã lục soát hai bên đường. Lúc về chúng chủ quan chỉ ngồi trên xe bắn vu vơ ra hai bên đường vào các xóm làng xa. Nắng đầu hè ở Quảng Nam gay gắt, trên xe có nhiều tên địch gác súng vào thành xe và lim dim nhắm mắt!
   
                 Một tiếng nổ ầm của đầu đạn đại bác 155 ly chặn đầu. Địch hoàn toàn bị bắt ngờ hoang mang nhảy hết xuống xe trong khi tiểu liên, súng máy và lựu đạn của ta tới tắp bắn và ném vào địch. Một tiếng hô dõng dạc “xung phong” từ Sở chỉ huy Tiểu đoàn, cả 3 đại đội đồng loạt tung rơm cỏ ngụy trang nhảy lên đánh giáp lá cà với địch ngay trên đường, sau gần một tiếng đồng hồ, ta truy kích tàn binh địch rải rác chạy vào các xóm làng. Ta thu vũ khí bắt tù binh, phá hủy và đốt đoàn xe. Giải quyết thương binh tử sĩ của ta xong, Tiểu đoàn rút nhanh qua cánh đồng trống về Đồng Xanh - Đồng Nghệ. Hơn một giờ sau 1 “bà già” Và 2 máy bay “Hen-cát” (Helh cat) từ Đà Nẵng vào lượn mấy vòng quan sát chỗ địch bị phục kích rồi bay thẳng về Đà Nẵng.
   
                 Nguyễn Bá Phát đã tận dụng được yếu tố thiên thời như Tôn Tử đã dạy trong cách cầm quân, trận đánh nổ ra vào giờ mà quân Pháp không ngờ tới.
   
                 Trận địa trận Gò Cà là một vùng đất rộng bằng phẳng không trồng trọt ở nam đường 14B, cách điểm cao Gò Cà (cao 42m) chừng 500 mét về phía tây nam. Mới nhìn qua khu vực trống trải này không ai dám nghĩ bố trí phục kích ở đây thắng lợi được, chưa nói đến có thể bị tổn thất nặng nề. Cách khu vực này chừng 1ki-lô-mét về phía Đà Nẵng cũng có một vùng làng mạc ra gần ven đường thuận lợi cho việc bố trí xuất quân đánh địch. Nhưng trong đêm đi chuẩn bị chiến trường, Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát không chọn đoạn địa này, ông khêu gợi cho Tiểu đoàn địa đoạn phục kích ở trên khu vực này sau khi đã quan sát và nghiên cứu kỹ. Tiểu đoàn nhận lệnh nhưng không khỏi thắc mắc. Anh Nguyễn Bá Phát giải thích thêm: Đánh địch trên địa hình trống trải này là tạo bất ngờ lớn, làm cho địch mất cảnh giác. nhưng với điều kiện là chiến sĩ phải “chôn mình” trong các mương nước khô ven đường và ngụy trang kỹ, xung phong nhanh, ta sẽ biến địa hình không thuận lợi thành địa hình có lợi cho ta. Và anh lệnh cho cán bộ từ đại đội trở lên nghiên cứu kỹ lại địa đoạn phục kích. Đúng như kế hoạch, nghe tiếng bom nổ chặn đầu, đoàn xe dừng lại, tiếp theo là các loạt tiểu liên súng máy. Địch chưa biết từ đâu, thì đối phương đã nhảy lên xung phong đánh giáp lá cà và sau hơn nửa tiếng đồng hồ 1 đại đội Âu Phi (Ta-bo) đi trên xe cơ giới đã tiêu diệt hoàn toàn. Nguyễn Bá Phát đã biết tận dụng yếu tố địa lợi trong nguyên tắc cầm quân của Tôn Tử.

*
*   *
                Trận Gò Cà diễn ra trên địa bàn xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang. Sau khi quân Pháp chiếm thành phố Đà Nẵng rồi mở rộng vùng tạm chiếm ra nửa tỉnh Quảng Nam đến sông Bà Rén, thị xã Hòa Khương nằm trong vùng địch hậu, nhưng do ta nắm. Hòa Khương đã che giấu cán bộ, cung cấp lúa gạo cho bộ đội. Hòa Khương là đường day liên lạc từ chiến khu Trung Man, Phú Túc cho cán bộ, bộ đội về hoạt động ở ven đô và nội thành. Hòa Khương là đường dây liên lạc ra tây bắc Hòa Vang để hoạt động ở đèo Hải Vân, Nam Đông của Thừa Thiên. Dân quân du kích ở đây đã phối hợp cùng với bộ đội địa phương hoạt động liên tục để củng cố và mở rộng vùng giải phóng, giữ lúa cho đồng bào. Hòa Khương là một vùng đã góp nhiều công sức trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
   
                 Chọn địa bàn xã Hòa Khương để đánh địch, Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát đã nắm vững yếu tố nhân hòa trong cách cầm quân của Tôn Tử.
   
                 Sau trận Gò Cà, tên thiếu tá Pháp chỉ huy phân khu Ái Nghĩa tới thị sát địa hình trận đánh đã thốt lên: “Đối phương rất thông minh, đầy thao lược, táo bạo, nắm địch một cách vững chắc, mới dám đánh thế này”.
   
                 Nguyễn Bá Phát vốn là một ngư dân vùng Thủy Tú cách Đà Nẵng 20 ki-lô-mét về phía bắc, là một thủy thủ trong Hải quân Pháp, 6 năm lênh đênh trên biển cả khắp các đại dương. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, anh trở thành người Trung đoàn trưởng đầu tiên của Liên khu 5 biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn những nguyên tắc dùng binh của Tôn Tử: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trong nhiều trận đánh.
   
                 Trong trận Hải Vân 3 ngày 24 tháng 1 năm 1949, Trung đoàn trưởng Nguyễn Bá Phát chỉ huy một trung đoàn thiếu (Tiểu đoàn 19 và Tiểu đoàn 79) đánh địch trên cả đường ô tô trên đỉnh đèo và đường xe lửa lúc 5 giờ sáng. Mây và sương mù còn vương vấn trên các mỏm núi của đỉnh đèo, trên một đoạn đường gấp khúc chữ chi trên gần đỉnh đèo mà đầu gấp này không thấy được cuối gấp đầu kia, thuộc xã Hòa Liên dưới chân đèo, để rồi khi địch bao vây chặn hết các đường rút, nhân dân trong xã huy động ghe thuyền đưa một Trung đoàn 1.800 quân với 26 cáng thương binh đàng hoàng vượt qua sông Trường Định trước mũi quân thù để về căn cứ ở tây bắc Hòa Vang.


                                 
P.V
Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #48 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 11:25:41 pm »

NHÌN RÕ ĐỊCH ĐỂ ĐÁNH THẮNG CHÚNG TRÊN BIỂN
Đại tá Võ Xuân Triều(1)

                 Cuộc đời hoạt động cách mạng của Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát rất dài, qua các thời kỳ chiến tranh, qua nhiều miền của Tổ Quốc, qua bao gian khổ thăng trầm, ở nhiều đơn vị trong nước. Nhiều đồng chí Tướng lĩnh và đồng chí cùng công tác sẽ nói sâu sắc và có hệ thống hơn về ông.

                  Riêng tôi, công tác ở Đại đội trinh sát kỹ thuật Hải quân (1960 - 1976), đơn vị được lưu tâm nhiều, tôi có một ít thời gian tiếp xúc công tác với Tư lệnh. Tôi xin ghi lại vài việc cụ thể để góp phần nhỏ minh họa cái chất, cái lượng về nhu cầu cần biết về địch trong hoạt động lãnh đạo và chỉ huy, chỉ đạo của Tư lệnh mà tôi rất tâm đắc, được học tập và rèn luyện để trưởng thành.
   
                  Chỉ đạo nắm địch có tầm xa.
   
                  Cuối năm 1962, khi giao nhiệm vụ cho Quân báo Hải quân (trọng tâm là trinh sát kỹ thuật) Tư lệnh Nguyễn Bá Phát nêu: “... để phục vụ 2 nhiệm vụ chiến lược trên giao cho Hải quân, Quân báo cần mở rộng phạm vi tìm kiếm, bằng các phương thức có thể nhằm tìm hiểu thu thập các tin tức các đối tượng địch hoạt động trên biển, phục vụ nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Bộ Tư lệnh sẽ ưu tiên cho đơn vị về tổ chức quân số, trang bị, phương tiện. Quân báo lo huấn luyện, đề xuất các phương thức, các phương án và tổ chức thực hiện cụ thể”.
   
                  Với chỉ đạo có tầm xa như vậy đã tạo cho cấp dưới chủ động suy nghĩ các bước phát triển xây dựng lực lượng đảm bảo chất lượng, chủ động đề xuất các phương án mở rộng và kế hoạch đi vào chiều sâu.
   
                  Trong thực tế, đơn vị được tăng cường các sinh viên đại học toán cao cấp, sinh viên ngoại ngữ, được đưa đi phục vụ Bộ Tư lệnh tiền phương ở sông Gianh (7-8/1964), tăng phái đoàn 1A chiến đấu ở Cửa Việt - Đông Hà (1969-1973). Tại đơn vị cơ bản, Bộ Tư lệnh nắm chắc sự phát triển nguồn tin phục vụ hoạt động tàu không số (Đoàn 125), phục vụ sẵn sàng chiến đấu của Hải quân trên vùng miền Bắc, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, phục vụ Bộ Tư lệnh Hải quân Tiền phương trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
   
                  Với sự quan tâm chỉ đạo đó mà đơn vị được tôi luyện trong đấu tranh kỹ thuật với địch, lập được thành tích, được khen thưởng, nhiều lần được Bộ Tư lệnh khen và Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
   
                  Thành công của đơn vị không chỉ dừng lại ở năm 1975 mà còn tiếp tục phát triển dựa trên chất lượng tích lũy, ngày nay đã lớn lên là Trung tâm Trinh sát kỹ thuật 47 Hải quân.
   
                  Thật không phụ lòng đối với sự chỉ đạo có tầm nhìn sâu xa của Tư lệnh Nguyễn Bá Phát.

   
                  Trực đoán chính xác, ra lệnh đúng lúc.
   
                   Tại Sở chỉ huy Tiền phương ở sông Gianh, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đang làm việc với đồng chí Trần Bội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, thấy tôi xin phép vào, Tư lệnh ngưng làm việc để nghe tôi báo cáo: “Vùng 1 chiến thuật Đà Nẵng báo động phòng không, đề phòng máy bay Mỹ tấn công”.
   
                  Suy nghĩ một lát, Tư lệnh nói với đồng chí Trần Bội: “...Có lẽ liên quan đến việc ta đánh tàu Ma-đốc ngày 2 tháng 8 năm 1964”, Tư lệnh ra lệnh báo động chiến đấu cấp cao cho các lực lượng ở sông Gianh.
   
                  11 giờ ngày 5 tháng 8 năm 1964, lực lượng chiến đấu ở sông Gianh không bị bất ngờ khi máy bay Mỹ đánh phá, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.
   
                  Một lệnh chiến đấu kịp thời, đúng lúc, xuất phát từ trực đoán chính xác của Tư lệnh.

   
                  Nghĩ đến hiệu suất chiến đấu.
   
                  Lần đến thăm đơn vị, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đặt vấn đề “... Đoàn 1A đang gặp nhiều tổn thất về người, trinh sát kỹ thuật có cách gì góp sức phục vụ làm giảm bớt thương vong cho đơn vị thì cứ đề xuất”.
   
                  Vậy là trinh sát kỹ thuật Hải quân có thể học tập và vận dụng kỹ thuật của trinh sát kỹ thuật Quân khu 4 và trinh sát kỹ thuật Mặt trận B5, đơn vị xin phái 1 phân đội trực tiếp phục vụ Đoàn A1. Được chấp thuận ngày 27 tháng 7 năm 1969, phân đội trưởng lên đường với phiên hiệu Đội 5 Đoàn A1.
   
                  Đầu tháng 9 năm 1969, Đội 5 có tin tàu Nevo Port New, trọng tải 15.000 tấn đang neo ở vùng biển Mỹ Thủy (Quảng Trị), Đoàn 1A đã triển khai và ngày 6 tháng 9, tổ đặc công nước đã đánh trọng thương con tàu này.
   
                  Đội 5 liên tục phục vụ Đoàn A1 chiến đấu từ 1969 đến 1973.
   
                  Ngay năm đầu, trong báo cáo tổng kết chiến đấu của Đoàn 126 Đặc công Hải quân năm 1969 tại Quảng Yên đã có đoạn nêu: “ Từ khi đội 5 có sự phục vụ thì hiệu suất chiến đấu của Đoàn A1 được đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt là thương vong giảm 80%”.
   
                  Quả là một gợi ý, một cách đặt vấn đề xuất phát từ việc nghĩ đến hiệu suất chiến đấu, nghĩ đến giảm bớt thương vong của cán bộ chiến sĩ. Đây cũng là gợi ý đầy tin tưởng khả năng phục vụ của trinh sát kỹ thuật, một gợi ý có hiệu lực, là một khía cạnh về điểm mạnh của Tư lệnh Nguyễn Bá Phát.

   
                  Khích lệ kịp thời.
   
                  Dù rất căng thẳng hồi hộp theo dõi, suy nghĩ chỉ đạo, chỉ huy một chiều trong 72 giờ đồng hồ khi tin trinh sát kỹ thuật dồn dập báo cáo chi tiết diễn biến việc 2 tàu khu trục Mỹ và 2 tàu khu trục ngụy đang bủa vây 1 tàu không số của Đoàn 125 như tàu địch kêu gọi tàu ta dừng lại để kiểm soát... nhưng khi tàu ta thoát hiếm, toàn đơn vị trinh sát kỹ thuật đang hân hoan vui mừng thì có điện thoại của Tư lệnh trực tiếp nói lời khen ngợi biểu dương nóng hổi, đơn vị càng phấn chấn. Lần khác, trong lễ đón nhận Huân chương Chiến công, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã phát biểu: “... Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 7 là những óc thần, tai thánh của Quân chủng, xứng đáng được khen thưởng.”
   
                  Lời khích lệ đó đã động viên đơn vị, thúc đẩy mạnh mẽ khí thế thi đua lập công trong các nhiệm vụ tiếp theo của đơn vị.

   
                  Tham khảo ý kiến cấp dưới.
   
                  Mồng 2 Tết Giáp Dần (ngày 24 tháng 1 năm 1974), sau cái bắt tay mừng xuân đầy thân ái và nhận lời chúc đầu năm, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát cười tươi và hỏi tôi: “Đơn vị Hải quân ở Hải Nam (TQ) mời đại biểu đơn vị Hải quân ta (Đơn vị của Đoàn 125) đi dự lễ mừng chiến thắng giải phóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, ý kiến nhà quân báo ra sao, có đi hay không đi?...”
   
                  Tôi xin phép được phát biểu: “Đi hay không là quyền quyết định của Tư lệnh và nói chung là quyền của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh. Còn ý kiến của quân báo Đại đội tôi thì xin bộc bạch là không đi.”
   
                  Tư lệnh hỏi lại “tại sao?”.
   
                  - Xin thưa, nếu đi là phải vỗ tay, mà vỗ tay là công nhận quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc, là điều mà lịch sử không bao giờ công nhận, và nếu không đi thì có thể ta phải chuẩn bị chuyển nơi trú quân khỏi đảo Hải Nam. Không biết Tư lệnh hỏi bao nhiêu người nhưng cuối cùng là ta không đi dự lễ. Tôi nghĩ đây là cách tham khảo ý kiến cấp dưới của Tư lệnh vừa vui nhưng rất thật lòng.

   
                  Nhạy bén và quyết tâm cao.
   
                  Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát đã biết trinh sát kỹ thuật, nắm biết được quân số và vũ khí của từng đảo mà quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nên khi được trên giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Hải quân Tiền phương trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tư lệnh không quên đem theo 1 phân đội trinh sát kỹ thuật Hải quân.
   
                  Thông qua tin trinh sát kỹ thuật (phân đội Tiền phương và đơn vị cơ bản) và nguồn tin khác, Tư lệnh đã nghiên cứu, sử dụng trong chỉ huy, chỉ đạo các cuộc đánh chiếm các đảo được nhanh và với quyết tâm cao, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa song hành với việc giải phóng lần lượt các tỉnh trên đất liền, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc như:
   
                  - Trinh sát kỹ thuật báo cáo: địch trên đảo Song Tử Tây báo cáo về tiểu khu Bà Rịa “trên biển có nhiều tàu lạ xuất hiện xin lực lượng chi viện, bảo vệ”. Ta chớp ngay thời cơ đánh Song Tây Tử trước từ, tối ngày 10 tháng 4 năm 1975. Đến 5 giờ 45 phút ngày 14 tháng 4, ta làm chủ hoàn toàn Song Tử Tây và thiết lập ngay mạng liên lạc giữa đảo với Bộ Tư lệnh Hải quân Tiền phương.
   
                  - 20 giờ 45 phút ngày 26 tháng 4, trinh sát kỹ thuật báo cáo: “Sở chỉ huy địch lệnh cho quân rút khỏi đảo Nam Yết”. Lực lượng của ta được lệnh nhanh chóng tiến đánh và lúc 10 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4, ta làm chủ đảo Nam Yết.
   
                  - Trinh sát kỹ thuật báo cáo: Địch ở đảo Sinh Tồn và Sơn Ca hoang mang tột độ, đã rút chạy sáng ngày 27 tháng 4. 10 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4 ta đã làm chủ đảo Sơn Ca và Sinh Tồn.
   
                  - Phát huy khí thế tiến công thần tốc, 16 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975 Hải quân ta tiến về đảo Trường Sa, và 9 giờ ngày 29 tháng 4 ta đổ bộ làm chủ đảo Trường Sa.
   
                  Rất nhạy bén và rất quyết tâm, 19 ngày chiến đấu trên biển đảo, Hải quân ta hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa.
   
                  Nắm được tình hình địch một cách cụ thể, kịp thời tổ chức lực lượng chiến đấu đánh chiếm các đảo, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã góp phần mình trong chiến công lớn lao của quân và dân ta.


                                 
V.X.T


(1). Nguyên Phó chủ nhiệm Quân báo Hải quân.
Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #49 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 11:31:55 pm »

TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC CỦA TƯ LỆNH VÀ ĐOÀN TÀU KHÔNG SỐ
Đại tá Trần Phong

                 Trước khi tập kết ra Bắc tôi từng nghe nói về “ông Phát” lừng danh ở chiến trường Liên khu 5. Ra miền Bắc tôi tham gia duyệt binh đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ Đô Hà Nội, rồi được chọn đi học bổ túc văn hóa, học Trung văn, được sang Trung Quốc học đào tạo Thuyền trưởng Hải quân. Khi đến “đệ tam hải hiệu” bấy giờ tôi mới biết Đoàn trưởng của chúng tôi là anh Nguyễn Bá Phát, bạn Trung Quốc tuyên đọc là: “Đồng chí Nguyễn Bá Phát - Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam”.

                  Đó là một ngày đầu năm 1956, anh Phát nguyên là Tham mưu phó Liên khu 5, tập kết ra miền Bắc được quân ủy và Bộ Quốc phòng giao trực tiếp phụ trách ban nghiên cứu tổ chức bảo vệ vùng biến. Ngày 7 tháng 5 năm 1955 thành lập cục phòng thủ bờ biến trực thuộc Bộ Quốc phòng. Anh Phát được giao phụ trách Cục phòng thủ bờ biển, tiền thân của Quân Chủng Hải quân và Bộ Tư lệnh Hải quân sau này.
   
                  Đoàn “lưu học sinh” chúng tôi ở Liêu Công một thời gian, thì anh Phát và một số anh cán bộ cao cấp đi học viện Nam Kinh (Học viện cao cấp Hải quân Trung Quốc ở Thành phố Nam Kinh), để đào tạo Tư lệnh và Tham mưu Hải quân. Sau đó một thời gian lớp chúng tôi về Trường Cao chuyên (cao cấp chuyên khoa) Thanh Đảo (Trường Hải quân đặt ở Thành phố Thanh Đảo). Anh Phát và các anh học ở Nam Kinh về nước gắn bó cuộc đời với con tàu chiến của mình. Tháng 1 năm 1959, thành lập Cục Hải quân. Anh Phát là Đại tá Phó Cục trưởng. Tháng 1 năm 1964, thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân, anh là Đại tá Phó Tư lệnh Quân chủng, anh Tạ Xuân Thu là chính ủy kiêm Tư lệnh. Tháng 2 năm 1967 Hải quân kiêm Quân khu Đông Bắc, anh là Tư lệnh cả hai lực lượng Hải quân và Quân khu. Tháng 4 năm 1963, tôi đang là thuyền trưởng tàu chiến đấu 79 tấn, tàu của Trung Quốc đóng, hoạt động ở Khu 4, được lệnh điều động về Đoàn 759 - (Đoàn tàu không số), đường Hồ Chí Minh, trên biển. Là thuyền trưởng tàu số 5 sức chở 65 tấn, chúng tôi đã đưa vũ khí vào Bến Tre, Cà Mau.
   
                  Đầu năm 1964, Đoàn 759 từ Hà Nội chuyển về Hải Phòng, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ thuyền trưởng, tôi được điều lên cơ quan làm Tham mưu tác chiến “B” của Đoàn 125 Hải quân. Đoàn 759 đổi tên thành Đoàn 125 Hải quân sau này là Lữ đoàn. Với cương vị Tham mưu - tác chiến “B” của Đoàn 125, trực tiếp làm kế hoạch hàng hải, tác chiến từng chuyến đi, phục vụ Thường vụ Đảng ủy và chỉ huy Đoàn thông qua thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh Hải quân, đồng thời theo dõi chỉ huy tàu vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam, tôi có được nhiều cơ hội tiếp xúc với anh Phát trên công việc liên quan và hiểu được anh nhiều hơn. Vì vậy tôi rất thấm thía, có người nói với tôi rằng: Đoạn đời anh Nguyễn Bá Phát với Hải quân giống như sóng của biển cũng có lúc chìm lúc nổi, lúc lênh đênh. Nhưng sóng mãi mãi là của biển. Bá Phát mãi mãi là Bá Phát, là tinh hoa Thủy binh Việt Nam, có thể gọi là danh nhân Đất Quảng anh hùng.
   
                  Nay Cựu chiến binh Sư đoàn 305 vận động đồng đội viết về anh Phát, tôi cũng mạnh dạn đóng góp một số nét mà tôi ấn tượng sâu sắc về anh trong thời gian anh ở đoàn tàu không số, Đường Hồ Chí Minh trên biển. Có thể nói anh Phát đã thể hiện dũng cảm và mưu trí của người chỉ huy lực lượng vận tải đặc biệt tinh nhuệ Hải quân, làm nhiệm vụ bí mật chiến lược chở vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, đánh thắng đế quốc Mỹ trong cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, mà anh Phát từng phụ trách.
   
                  Thứ nhất là người chỉ huy Hải quân, anh Phát quyết định sử dụng Vũng Rô - Phú Yên làm bến tiếp nhận vũ khí “Tàu không số” chở vào tiếp tế cho chiến trường Khu 5.
   
                  Cuối năm 1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao cho Hải quân nghiên cứu mở thêm tuyến vận tải biển vào Khu 5, tôi xin được phép mượn lời của nhà văn Nguyên Ngọc viết: “Khu 5 khao khát đòi súng. Nhưng vận chuyển đường biển bí mật cho khu 5 cũng là khó khăn nhất. Thậm chí có thể nói là mối lo trăn trở của người chỉ huy công cuộc này (...). Địa hình biển Khu 5 khác Nam Bộ, ở Nam Bộ, con sông Cửu Long to lớn và mạnh mẽ, đậm đặc phù sa, tạo ra hàng trăm, hàng ngàn cửa biển, vàm lũng lớn nhỏ, chi chít, sền sệt, trơn trợt bùn đất đục ngàu và rậm rạp những rừng mắm, sú vẹt, những rừng đước, thậm chí cả đước cổ thụ và đại ngàn, rất thuận lợi cho tàu vào ra và che giấu tàu, che giấu cả những kho tàng chứa hàng vạn tấn súng đạn và hàng ngàn quân.
   
                  Khu 5 khác hẳn. Các con sông đều ngắn, rất ít phù sa, bốn mùa trong xanh, biển hoàn toàn không có bùn. Các cửa sông trống hơ trống hoác, hai bờ toàn cát, gần như hoàn toàn không có cây, thỉnh thoảng đôi chỗ có một ít sú vẹt, mắm, đước thì cũng cằn cỗi xác xơ. Cũng có những vịnh sâu có núi bao bọc như Sơn Trà, Cam Ranh, Đà Nẵng... nhưng đó chính là căn cứ Hải quân của địch... Vậy tiếp tế cho Khu 5 bằng cách nào? Chỉ còn một cách, vào bãi ngang”.
   
                  Giữa tháng 9 năm 1964, tàu vỏ gỗ mang bí số “401” chở hơn 33 tấn vũ khí đi Khu 5, nhưng trong mùa sóng to gió lớn phải đi đến 3 lần, đến đêm 31 tháng 10 tàu mới đến được bãi ngang Lộ Giao - Bình Định. Vũ khí được dỡ lên vận chuyển, cất giấu an toàn. Tàu phải bí mật đốt hủy, lừa địch. Vấn đề đặt ra là: muốn đáp ứng được yêu cầu cấp bách của chiến trường là phải dùng tàu sắt mới đi được an toàn, chủ động và chở nhiều vũ khí hơn. Và sử dụng tàu sắt tất nhiên là tàu lớn hơn, mức nước sâu hơn kho bãi phải đủ sâu, đủ lớn cho tàu cơ động an toàn. Anh Phát, bao nhiêu ngày đêm trăn trở, nghĩ suy, và đầu óc anh hiện lên “Vũng Rô”. Anh thổ lộ “Vũng Rô là vùng có độ nước sâu, tàu ra vào không phụ thuộc thủy triều, lại nằm kề sát đường sắt và quốc lộ 1, nơi địch rất sơ hở, nên ta biết lợi dụng yếu tố bí mật bất ngờ thì ta sẽ thắng (...)”.
   
                  Bên cạnh những ưu điểm đó, Vũng Rô là nơi dễ bị kẻ địch bao vây, chỉ cần một tàu đứng chặn giữa mũi Điện và Hòn Nứa là tàu ta khó thoát (...). Cuối cùng anh quyết định đi Vũng Rô. Theo đó, cán bộ tàu phải là thuyền trưởng giỏi, suôn sẻ và biết Vũng Rô. Người anh chọn là Hồ Đắc Thạnh, quê Tuy Hòa - Phú Yên. Là thuyền trưởng tàu mang bí số 41, từng đi vào Nam Bộ 4 chuyến đầu thành công. Tàu 41 và thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh được điều động sang hướng vận chuyển đi Khu 5. Hàng mấy tháng trời, thuyền trưởng và cán bộ tàu “cách ly” khỏi Đoàn 125, tập trung nghiên cứu tài liệu bản đồ, tình hình bờ biển Khu 5, trọng điểm là bờ biển Khánh Hòa, Phú Yên và Vũng Rô. Đơn vị quán triệt nhiệm vụ, tập luyện, làm quen Với mọi tình huống có thể xảy ra ở hướng chiến trường biển Khu 5. Đêm 16 tháng 11 năm 1961, sau khi kiểm tra mọi công tác chuẩn bị cuối cùng, tàu 41 xuất phát. Tư lệnh Nguyễn Bá Phát thân chinh xuống tàu tiễn đưa: “Chúc tàu 41 thuận buồm xuôi gió. Bộ Tư lệnh chờ tin thắng lợi các đồng chí báo về”. Và kết quả đúng như anh Phát và Bộ Tư lệnh Hải quân cùng Thủ trưởng Đoàn 125 mong đợi. Đêm 28 rạng 29 tháng 11 năm 1964, tàu 41 chở gần 46 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô (vì sóng gió to, “biển động” tàu phải dừng lại ở đảo Hải Nam - Trung Quốc nên thời gian chuyển đi kéo dài thêm 1 tuần). Anh Trần Suyền (Sáu Suyền) Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên - kiêm Ủy viên thường trực Liên tỉnh ủy Khánh Hòa - Cheo Reo (Phú Bổn) thay mặt cho Phú Yên dẫn đầu anh em ra đón tàu. Họ ôm nhau “vui sao nước mắt lại trào”, Hồ Đắc Thạnh cùng với con tàu 41 liên tiếp chuyến thứ hai, thứ ba... vào Vũng Rô. Vũ khí từ đây chuyển tiếp đi phục vụ cho chiến trường các tỉnh nam Khu 5. Trong tổng kết “30 năm chiến tranh và giải phóng của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có ghi: “... Như vậy, sau một năm nỗ lực lại được chi viện của Trung ương và các chiến trường bạn, Đảng bộ và quân dân Khu 5 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách vượt qua thiên tai chưa từng có, vượt qua bom đạn ác liệt của quân thù, xoay chuyển cục diện chiến trường, tạo được những điều kiện thuận lợi để đánh thắng địch lớn hơn nữa”.
   
                  Đó là kết quả của Hải quân góp với thắng lợi của chiến trường Khu 5. Dù chỉ thể hiện một nét nào đó của Tư lệnh Nguyễn Bá Phát dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm, dám quyết đoán chọn và chọn đúng cái bến cho tàu “không số” đưa vũ khí vào. Tôi lại mượn lời nhà văn Nguyên Ngọc “Thật hết sức mạo hiểm: quá gần một thành phố lớn là Nha Trang, cũng quá gần Cam Ranh là căn cứ Hải quân lớn nhất miền Nam của Mỹ ngụy. Con đường chiến lược số 1 chạy ngay trên đỉnh đèo Cả, chỉ cách vài trăm mét, xe quân sự của địch qua lại suốt ngày đêm như mắc cửi. Lại cũng quá gần Khu du kích Hoà Hiệp phía bắc và chiến khu Hòn Kèo, Hòn Khói phía nam, là vùng địch rất chăm chú theo dõi và thường xuyên càn quét đánh phá. Nhưng trong chiến tranh thường vẫn vậy, nơi nguy hiểm nhất cũng có thể là nơi bất ngờ nhất. Nghệ thuật chiến tranh, đặc biệt con đường trên biển Đông gian nan này, là biết và dám đi vào cái kẽ hở bất ngờ ấy, dám mạo hiểm để giành thắng lợi”.
   
                  Thứ hai là liên tục tổ chức trinh sát và tìm đường để không ngừng vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào miền Nam trong tình hình đế quốc Mỹ tăng cường phong tỏa ngăn chặn gắt gao.
   
                  Trong tổng số 8 chuyến trinh sát mở đường, có chuyến đầu tiên hoạt động suốt ven biển từ Bắc vào Mũi Cà Mau và ngược lại để quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển (10 tháng 4 năm 1962 - 1 tháng 8 năm 1962) là Đoàn A1 của Bộ, còn lại các chuyến từ năm 1969 trở đi là Đoàn A1. Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức chỉ huy. Trong số này có những chuyến đặc biệt có ý nghĩa. Đó là, chuyến tàu 42 đi vào tháng 8 năm 1962, tàu 621 đi 2 lần vào tháng 6 năm 1970 và tháng 2 năm 1971. Tư lệnh Nguyễn Bá Phát trực tiếp hướng dẫn, giao nhiệm vụ cho tàu và theo dõi, chỉ huy thực hiện.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM