Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:42:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát - Vị tướng tài trí  (Đọc 15541 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #20 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 09:56:05 pm »

NGUYỄN BÁ PHÁT VỚI QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU CỦA HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh(1)

                 Việc bảo vệ chủ quyền, làm chủ vùng biển có bờ biển trải dài hơn 800 ki-lô-mét từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17 (Cửa Tùng) làm một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, kinh tế quốc phòng sau ngày miền Bắc được giải phóng. Vì vậy, ngay sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết (20-7-1954) theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh, một vấn đề khẩn trương cấp thiết là phải xây dựng lực lượng phòng thủ bờ biển làm nòng cốt bước đầu bảo vệ và quản lý vùng biển, tạo cơ sở để xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam - lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc sau này.

                   Tháng 1 năm 1955, một bộ phận được thành lập ở Cục Tác chiến chuyên nghiên cứu làm tham mưu cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh chuẩn bị đề án xây dựng lực lượng bảo vệ vùng biển. Đồng chí Nguyễn Bá Phát nguyên là Tham mưu phó Liên khu 5 trong kháng chiến chống Pháp được Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh giao trực tiếp phụ trách bộ phận nghiên cứu này. Ngay từ buổi đầu, một khối lượng lớn công việc hết sức mới mẻ, rất thiếu thông tin, tư liệu cần phải tiến hành như: nghiên cứu tình hình vùng biển, địa hình ven biển, hải đảo để bố trí lực lượng phòng thủ; nắm lực lượng tàu thuyền ven biển; thăm dò các cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền để phục vụ cho việc xây dựng lực lượng tàu, thuyền chiến đấu; nghiên cứu nhiệm vụ và tổ chức biên chế lực lượng cũng như cách thức hoạt động của lực lượng phòng thủ bảo vệ vùng biển.

                   Những kết quả, việc làm của bộ phận nghiên cứu nói trên đã góp phần phục vụ đắc lực cho việc ngày7 tháng 5 năm 1955, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Cục phòng thủ bờ biển - tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam (có hai đơn vị trực thuộc ban đầu là Trường huấn luyện bờ biển và Xưởng sửa chữa tàu thuyền 46) và đồng chí Nguyễn Bá Phát được chỉ định làm Cục trưởng.
   
                   Sau ngày thành lập, trong điều kiện miền Bắc mới được giải phóng, cơ sở vật chất, kỹ thuật còn rất thấp kém, một trong những vấn đề quan trọng và cấp bách của Cục phòng thủ bờ biển là phải có phương tiện tàu thuyền cho các lực lượng của Cục làm nhiệm vụ trên biến lúc bấy giờ để cùng với các lực lượng tham gia giữ gìn trật tự, trị an vùng duyên hải, chống các hoạt động hải phỉ, gián điệp, biệt kích; bảo vệ an toàn sự đi lại và làm ăn trên biển của nhân dân ta. Ngày đầu, Xưởng 46 - lực lượng kỹ thuật tàu thuyền chỉ có 10 đồng chí chủ yếu là công nhân quân giới của Liên khu 5 làm nòng cốt, với một số máy GMC và một số ít phương tiện sản xuất khác phải khẩn trương đi vào sửa chữa tàu hoa tiêu Tơ-rông-blơ và chiếc canô Hòa Bình có thêm trang bị súng trọng liên 12,7 ly thành những con tàu chiến đấu đầu tiên của Cục phòng thủ bờ biển.
   
                   Anh em công nhân còn phải đi sưu tầm, tháo gỡ máy móc, dụng cụ ở các tàu chiến Pháp bị ta đánh chìm ven sông, biển miền Bắc để bổ sung thêm vật tư, máy móc cho việc đóng mới ca-nô, thuyền chiến đấu. Vượt qua mọi khó khăn, đầu tháng 8 năm 1955, Xưởng 46 đã cho ra đời được 29 ca-nô bằng gỗ, có trang bị súng đại liên và trọng liên 12,7 ly. Cũng thời kỳ này, Trường huấn luyện bờ biển mặc dầu còn nhiều khó khăn về trường sở, dụng cụ học tập... đã mở lớp đào tạo được 174 cán bộ thuyền và thủy thủ. Những kết quả này của Xưởng 46 và Trường huấn luyện bờ biển đã đáp ứng yêu cầu của việc thành lập 2 thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng.
   
                   Ngày 24 tháng 8 năm 1955, tại lễ thành lập hai thủy đội nói trên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ thị: “...hai thủy đội này là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam sau này.”
   
                   Tuy mới là một lực lượng nhỏ nhưng đây là mốc son đánh dấu sự ra đời từ không đến có ngay buổi ban đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh, việc này cũng thể hiện ý chí kiên cường và tinh thần tự lực, tự cường khắc phục khó khăn của cán bộ chiến sĩ Cục phòng thủ bờ biển mà đồng chí Nguyễn Bá Phát là Cục trưởng.
   
                   Tiếp những năm sau đó không ngừng tích cực phát triển lực lượng theo hướng xây dựng lực lượng Hải quân. Lần lượt ngày 24 tháng 1 năm 1959, thành lập Cục Hải quân thay Cục phòng thủ bờ biển và đến ngày 3 tháng 1 năm 1964, Bộ Tư lệnh Hải quân được thành lập. Thiếu tá Tạ Xuân Thu được chỉ định làm Tư lệnh kiêm Chính ủy và Đại tá Nguyễn Bá Phát làm Phó Tư lệnh. Sau đó không lâu, đồng chí Phát đảm nhận chức Tư lệnh.
   
                   Sau 9 năm xây dựng trong hòa bình, Quân chủng Hải quân đã cùng toàn quân, toàn dân chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và tham gia chiến tranh giải phóng miền Nam. Trong 20 năm xây dựng và chiến đấu của Hải quân, đồng chí Nguyễn Bá Phát với cương vị chủ chốt, lãnh đạo chỉ huy đã có nhiều đóng góp xứng đáng trong điều kiện có nhiều khó khăn, thử thách. Thành tích của Hải quân là sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, của toàn Quân chủng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, nhưng trong đó nổi bật lên công đầu của những người lãnh đạo chỉ huy đã tham gia xây dựng Hải quân ngay từ những ngày đầu như Tư lệnh Nguyễn Bá Phát.
   
                   Hải quân là một Quân chủng kỹ thuật, chiến đấu ở môi trường biển đòi hỏi phải có trang bị phương tiện, vũ khí hiện đại, cán bộ chiến sĩ phải có trình độ kỹ thuật cao, đầu tư xây dựng đòi hỏi tốn rất nhiều tiền, trong lúc nền kinh tế đất nước còn kém lại bị chiến tranh tàn phá, không thể nào đáp ứng ngay những yêu cầu đó. Đồng chí Nguyễn Bá Phát luôn trăn trở, suy nghĩ trong nỗi băn khoăn lo lắng chung là Hải quân ta mới thành lập lại phải chiến đấu chống một kẻ địch có trang bị vũ khí kỹ thuật hơn ta nhiều lần.
   
                   Ghi sâu lời Bác Hồ dạy khi Người về thăm Hải quân năm 1961: “Hiện giờ tàu bè, vũ khí của ta chưa nhiều, ta phải từng bước, từng bước xây dựng, trước mắt phải giữ gìn tốt các thứ sẵn có để có thể đánh địch khi cần thiết, phải biết tìm cách đánh địch sao cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có”. Đồng chí Phát với cương vị Phó Tư lệnh, rồi Tư lệnh đã chủ động cùng với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng lãnh đạo, chỉ huy làm cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân chủng thống nhất nhận thức là: khi đất nước đang bị kẻ thù xâm lược, chúng ta không thể thụ động ngồi chờ mà với tinh thần tự lực, tự cường, ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh, lấy yếu đánh mạnh, lấy nhỏ thắng lớn; trong lúc chưa có trang bị hiện đại hơn thì đánh địch với vũ khí trang bị hiện có và từ đó sáng tạo ra nhiều phương tiện, vũ khí, cách đánh. Chưa có tàu sắt thì dùng tàu gỗ, thiếu tàu chiến thì lắp vũ khí lên tàu vận tải, tàu đánh cá để đánh địch, thậm chí dùng cả bè, mảng để phục kích đánh tàu biệt kích địch. Những cách làm đó đã đem lại kết quả rất hữu hiệu, Hải quân đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trên giao trong mọi tình huống như đã thể hiện thực tế trong trận đầu thử lửa. Hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm kiên cường, cùng quân dân miền Bắc đánh thắng máy bay, tàu chiến Mỹ ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964.
   
                   Mặc khác, cũng không dừng lại ở trình độ đó mà đi đôi với rèn luyện bồi dưỡng ý chí chiến đấu, đồng chí Phát thường xuyên chăm lo từng bước nâng cao trình độ về kỹ, chiến thuật chiến đấu của cán bộ chiến sĩ, chăm lo xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của một Quân chủng chiến đấu, kỹ thuật theo hướng chính quy, hiện đại. Vì vậy, những năm tiếp theo, khi được trang bị phương tiện, vũ khí tiên tiến hơn, cán bộ chiến sĩ đã nhanh chóng tiếp thu sử dụng tốt.
   
                   Với nhiệt tình trách nhiệm, từ năm 1961 khi còn ở Cục Hải quân, đồng chí đã nghĩ đến việc làm sao kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc nơi sông biển của cha ông và của quân, dân ta trong kháng chiến chống Pháp bằng chiến đấu của lực lượng đặc công Hải quân. Từ ý tưởng đó của đồng chí Phát mà Đảng ủy, chỉ huy Cục Hải quân đã đặt vấn đề: đề nghị trên tổ chức lực lượng đặc công nước để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc và chi viện chiến trường miền Nam khi có điều kiện. Ý tưởng đó đã trở thành hiện thực, năm 1963, Đội 1 đặc công Hải quân được thành lập và nhanh chóng đi vào nghiên cứu xác định nhiệm vụ, tổ chức, trang bị, huấn luyện tác chiến ở môi trường sông, biển khắc nghiệt. Từ đó dần dần xây dựng Đặc công Hải quân thành một lực lượng tinh nhuệ thiện chiến.
   
                   Trải qua những năm tháng dày công xây dựng mà trong đó đồng chí Phát là một trong những người rất quan tâm góp phần lãnh đạo, chỉ đạo: từ nghiên cứu môi trường, chiến trường cho đến tình hình hoạt động của địch để tìm ra cách đánh phù hợp của đặc công nước; đến nghiên cứu cải tiến, chế tạo vũ khí, trang bị cho đặc công nước với yêu cầu gọn nhẹ, dễ mang vác cơ động, có uy lực công phá lớn để làm sao đạt được hiệu quả chiến đấu cao. Từ 1964, Đặc công Hải quân đã đi vào làm nhiệm vụ chiến đấu. Đặc công Hải quân đã huấn luyện bổ sung cho chiến trường miền Nam hàng nghìn cán bộ chiến sĩ đặc công nước làm nòng cốt chiến đấu tiêu diệt địch trên chiến trường sông, biển.
   
                   Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Hải quân có Đoàn 126 đặc công nước trong 7 năm tham gia hoạt động chiến đấu ở chiến trường bắc Quảng Trị: Cửa Việt - Đông Hà hết sức gian khổ, ác liệt đã vượt qua nhiều thử thách hy sinh, chiến đấu dũng cảm, táo bạo, mưu trí, sáng tạo lập nên những chiến công xuất sắc đánh chìm, đánh bị thương hàng trăm tàu địch các loại, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại mọi âm mưu chiến lược của Mỹ, ngụy.
Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #21 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 09:58:17 pm »

                  Ngày 9 tháng 5 năm 1972, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến dịch phong tỏa sông biển miền Bắc bằng ồ ạt thả thủy lôi, bom từ trường để bịt giao thông đường biển ở miền Bắc với quốc tế và từ miền Bắc vào miền Nam. Với vai trò nòng cốt, Quân chủng Hải quân xác định việc chống phong tỏa thủy lôi là nhiệm vụ trung tâm số 1 của Quân chủng trong lúc này và chủ trương động viên huy động mọi lực lượng có thể được của Quân chủng để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tư lệnh Hải quân đã chủ trì mở các cuộc họp liên tịch với các quân khu, quân binh chủng, các cơ quan kinh tế biển của Nhà nước và các cơ quan Đảng, chính quyền các tỉnh ven biển để bàn biện pháp chống địch phong tỏa, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

                    Những ngày này đồng chí Phát không những chỉ đạo về kế hoạch mà còn thường xuyên đi sát xuống đơn vị, có lúc ở lại với anh em để chỉ đạo, để động viên, kiểm tra bộ đội thực hiện nhiệm vụ chống phong tỏa thủy lôi của địch, đặc biệt là đối với các bộ phận kỹ thuật đang tìm cách lặn mò, thu hồi, tháo gỡ thủy lôi địch mà trong đó Công binh Hải quân là đơn vị đi đầu nghiên cứu tính năng, cấu tạo các khí tài, dụng cụ rà phá và cách thức biện pháp kỹ thuật rà phá tháo gỡ. Cũng từ kết quả này mở lớp tập huấn phổ biến hướng dẫn cho các lực lượng phá gỡ thủy lôi địch. Trong cuộc chiến đấu đầy khó khăn ác liệt, Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm nòng cốt phối hợp với các lực lượng của ba thứ quân làm thất bại kế hoạch phong tỏa giao thông đường thủy bằng thủy lôi của địch.
   
                    Khi Hải quân được trên giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam bằng đường biển, một nhiệm vụ lớn có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, nhiệm vụ nặng nề khó khăn cấp bách, ngoài việc đòi hỏi dũng cảm, mưu trí và một trình độ hàng hải thục luyện, còn có một yêu cầu tuyệt đối bí mật. Không những trách nhiệm là người lãnh đạo chỉ huy mà ở đồng chí Phát còn thể hiện là người con của miền Nam khi nhận nhiệm vụ này như một lẽ tự nhiên, làm tăng thêm trách nhiệm khi nghĩ đến đồng bào miền Nam trong đó có quê hương mình, gia đình mình đang bị kẻ thù dìm trong máu lửa. Đồng chí Nguyễn Bá Phát đã cùng với Chính ủy Quân chủng Hải quân không những chỉ đạo về kế hoạch chung mà trực tiếp đến gặp giao nhiệm vụ, động viên anh em từng chuyến đi từng tàu của Đoàn 125 Hải quân; truyền đạt ý chí quyết tâm và tình cảm của Quân chủng đến từng cán bộ, từng thủy thủ thực hiện bằng được nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Trong một chuyến tàu mở đường vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Khu 5, trước giờ tàu xuất phát làm nhiệm vụ đầy gian khổ, hy sinh, đồng chí trực tiếp đến gặp anh em, nắm chặt tay từng cán bộ, từng thủy thủ và xúc động nói: “Cuộc chiến đấu của chúng ta khó tránh khỏi mất mát, hy sinh nhưng Bộ Tư lệnh Quân chủng giữ niềm tin ở các đồng chí, các đồng chí sẽ thắng lợi và trở về mạnh khỏe”.
   
                    Mười năm làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam của Đoàn 125 Hải quân mà tiền thân của nó là Đoàn 759 đã dũng cảm, táo bạo mưu trí, sáng tạo vượt qua khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh lập lên những chiến công đặc biệt xuất Sắc, vận chuyển hàng ngàn tấn vũ khí, trang bị chi Viện kịp thời và có hiệu quả cho chiến trường, lập nên một kỳ tích “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
   
                    Thực hiện chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển, đồng chí Phát không những quan tầm hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng làm nhiệm Vụ ven biến, trên biển mà còn quan tâm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển ở các công ty vận tải đường thủy, các xí nghiệp, các hợp tác xã đánh cá. Ngày 17 tháng 4 năm 1967, đồng chí đã quyết định thành lập Phòng dân quân tự vệ biến làm tham mưu cho Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo việc này. Chính lực lượng dân quân tự vệ biển đã phát huy hiệu quả trong phối hợp chiến đấu với các lượng hải quân trong chống biệt kích đường biển và chống phong tỏa giao thông đường thủy bằng thủy lôi của địch. Những năm sau đó, Hải quân còn đề nghị trên thành lập các Phòng Hải quân ở các Quân khu ven biển để tham mưu cho các Bộ Tư lệnh quân khu trong việc xây dựng lực lượng dân quân tự vệ biển và hiệp đồng giữa các lực lượng Quân khu với lực lượng Hải quân trong chiến đấu bảo vệ vùng biển, đảo.
   
                    Một kỷ niệm nhớ mãi là trong một chuyến đi của cán bộ cơ quan Bộ Tư lệnh Quân chủng do Tư lệnh Nguyễn Bá Phát dẫn đầu từ Hải Phòng vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) để kiếm tra, chỉ đạo Đoàn 126 đặc công nước đang hoạt động chiến đấu ở Cửa Việt - Đông Hà (bắc Quảng Trị) năm 1968. Thời gian này địch tăng cường độ chiến tranh phá hoại ở miền Bắc hết sức ác liệt, dã man, tàn ác. Máy bay, kể cả máy bay B52 và tàu chiến Mỹ liên tục ngày đêm đánh phá các tuyến giao thông thủy, bộ bao gồm cả các con đường mòn đi bộ của ta bằng các loại bom đạn, kể cả rải thủy lôi, bom từ trường ở các cửa sông, luồng lạch, bến phà, bến đò mà chúng còn ném bom bắn phá vào các khu dân cư hết sức dã man, nhất là ở địa bàn Quảng Bình - Vĩnh Linh.
   
                    Khi đoàn đến Hà Tĩnh, xe ô tô không thể đi được nữa vì các cầu phà bị đánh hỏng hết phải chuyển qua đi bằng xe đạp theo các đường mòn vòng tránh và đường làng. Tôi đang phụ trách một đơn vị hải quân ở phía nam Quân khu 4 được lệnh đón và đi cùng đoàn từ bắc Quảng Bình vào Vĩnh Linh với nhiệm vụ là dẫn đường và hiểu được tình hình của Đoàn 126 để hiệp đồng chiến đấu khi cần. Lúc này, tôi thấy việc bảo đảm an toàn của đoàn tránh đánh phá của máy địch trên đường đi là quan trọng nhất. Sau khi thống nhất kế hoạch chọn đường đi, đoàn phân ra thành từng tốp nhỏ để hành quân. Tôi đi cùng tốp với đồng chí Phát, đồng chí Đạt bí thư Tư lệnh và đồng chí Thụ chiến sĩ báo vụ mà tôi chọn đi để cùng hỗ trợ Tư lệnh. Dọc đường từ bắc Quảng Bình vào đến huyện Lệ Thủy đoạn đường không dài nhưng chúng tôi phải đi mất 2 ngày bằng xe đạp vòng vèo theo đường mòn và đường làng ghồ ghề, nhất là qua các vùng đồi. Đi qua đường 22 rồi vượt qua sông Gianh, qua dốc Ba Trại là những trọng điểm đánh phá của địch. Gặp lúc máy bay địch vừa dứt đánh phá là phải tranh thủ vượt qua thật nhanh. Ngày thứ hai tôi thấy anh Phát đã thấm mệt, có lúc thấy xe anh đi lảo đảo. Vốn tuổi không còn trẻ và sức vóc không được khỏe, với điều kiện khách quan, ăn uống thất thường, dọc đường chỉ cơm nắm muối vừng nên dễ xuống sức. Lo cho sức khỏe của anh, chúng tôi phải đi chậm lại và tôi hỏi: “Thấy anh mệt rồi, để tôi đưa anh vào nghỉ ở khu sơ tán của cơ quan tỉnh Quảng Bình một hôm cho lại sức rồi sẽ tiếp tục đi”. Anh cười và nói: “Cũng mệt thật, nhưng anh em đi được thì tôi đi được” và anh nói tiếp “Có đi qua những nơi này mới tận mắt thấy hết tính chất ác liệt của chiến tranh phá hoại kẻ địch gây ra và sự tàn khốc dã man của chiến tranh mà đồng bào và chiến sĩ ta phải vượt qua, không cho phép mình dừng bước...”.
   
                    Đến Lệ Thủy, qua sông Kiến Giang phải đi bộ theo đồi cát ven biển để vào Vĩnh Linh nên không thể đi xe đạp được nữa. Phải gửi xe đạp lại ở thôn Quảng Cư xã Xuân Thủy nhờ địa phương giúp đỡ để xe dưới các giao thông hào để tránh bom đạn và đồng chí Thụ ở lại trông coi.
   
                    Mấy ngày sau đoàn quay trở ra đến Quảng Cư mới biết tối hôm gửi xe đạp, máy bay địch đánh phá ác liệt vào đây, xe để dưới giao thông hào mà nhiều chiếc bị bom bi làm thủng vành, thủng lốp. Chiếc áo của đồng chí Thụ treo ở cửa hầm bị bom bi làm thủng nham nhở nhiều lỗ như tấm bia đạn thật. Anh Phát nói vui: “Bom đạn tránh chúng ta, chứ đâu phải chúng ta tránh bom đạn”. Cả đoàn cùng cười và tiếp tục hành quân. Ngày hôm đó cứ như máy bay địch đuổi theo chúng tôi. Dừng lại ăn cơm nắm buổi trưa mà cả ba lần vừa bắt đầu ăn phải thu dọn nhanh để di chuyển vì máy bay địch ném bom vào đoạn đường mình mới đi qua cách chưa đầy 500 mét.
   
                    Ra đến thôn Vạn Xuân, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh trời sắp tối, chưa kịp tìm hầm trú ẩn nghỉ đêm cho Tư lệnh thì máy bay ập tới thả pháo sáng bắn phá đầu thôn. Chúng tôi lo không an toàn cho anh, nhưng anh vẫn thản nhiên động viên chúng tôi bình tĩnh. Tối hôm đó, tưởng rằng phải nhịn cơm tối nhưng các mẹ ở thôn Vạn Xuân đã không ngại nguy hiểm, khéo léo che ánh lửa tránh máy bay, nấu hộ cơm cho chúng tôi. Sau nhiều ngày đi đường và làm việc căng thẳng ở Đoàn 126, sức khỏe của anh Phát kém đi nhiều nhưng anh vẫn cố đạp xe theo anh em.
   
                    Chiều hôm sau ra đến bờ nam sông Gianh, ban ngày trên bầu trời không ngớt tiếng máy bay Mỹ, chúng tôi hy vọng có đò để qua sông, nhưng mặt sông không một bóng thuyền, nhìn bờ Bắc không có bóng người qua lại, nắng nóng, không khí căng thẳng, ngột ngạt. Sau khi tìm chỗ sơ tán cho Tư lệnh và ngụy trang xe đạp, không hy vọng cách nào khác, tôi báo cáo xin phép anh Phát để tôi bơi sang bờ Bắc tìm đò qua sông. Với một giọng nói vừa nghiêm nghị vừa lo cho tôi: “Sông rộng thế này không thể bơi qua được, không bảo đảm an toàn nên không được bơi, đợi khi có đò hãy qua sông”. Tôi báo cáo lại: “Chỗ này nằm trong khu vực đánh phá của địch, không hy vọng có đò lúc này, nếu ngồi đợi ở đây lâu không lợi, trời tối Xuống càng nguy hiểm, tôi bảo đảm bơi được, anh cứ để tôi bơi”. Sau khi cả tổ bàn bạc cân nhắc, anh đồng ý cho tôi bơi và đồng chí Thụ cũng đề nghị được bơi cùng tôi. Để đề phòng thủy lôi và bom từ trường, trong người chúng tôi không có gì bằng kim loại chỉ mang quần lót sang sông. Qua được bờ Bắc, may mắn gặp được bác Dột, bí thư chi bộ Đảng xóm Đồng xã Quảng Phúc là người rất gan dạ lãnh đạo bà con bám trụ sản xuất ở đây. Chưa nói hết lời, bác Dột không chút chần chừ vác mái chèo ra bến đưa đò cho chúng tôi qua sông an toàn với một tình cảm, một nhiệt tình trách nhiệm làm xúc động chúng tôi rất nhiều. Anh Phát cứ mãi tấm tắc khen người bí thư chi bộ xóm Đồng nhiệt tình, dũng cảm. Tôi biết nhiều năm sau này, anh Phát vẫn gửi quà tặng bác Dột, thầm cảm ơn người đã không ngại nguy hiếm đưa đò cho mình qua sông Gianh. Qua chuyến đi này, càng thấy quyết tâm và nhiệt tình trách nhiệm của anh Phát.
   
                    Tôi đã nghe nhiều người kể về những thành tích xuất sắc của đồng chí Phát trong kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Liên khu 5 và giờ đây tôi thấy đồng chí Phát là Tư lệnh Hải quân đầy nhiệt tình trách nhiệm, say mê sáng tạo trong công việc, bình tĩnh, tự tin, quyết đoán trước mọi khó khăn, sâu sát cán bộ, chiến sĩ, sống giản dị. Có thể nói: đồng chí Phát là vị Tư lệnh toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

                                 
M.X.V



(1). Nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân.



Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #22 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:00:59 pm »

NGƯỜI CHỈ HUY LUÔN QUAN TÂM ĐÊN CẤP DƯỚI
Thiếu tướng Hoàng Kim(1)

                Đồng chí Nguyễn Bá Phát về làm Trung đoàn trưởng (Đà Nẵng - Khu 5), khi Trung đoàn 96 bước vào cuộc chiến đấu mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp toàn quốc tại mặt trận Đà Nẵng (20-121946), lúc đó tôi đang là chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 18, đánh nhau với địch từ Cầu Vồng đến nhà ga Đà Nẵng. Cán bộ đại đội chúng tôi biết tin việc thay đổi người chỉ huy Trung đoàn, chứ chưa có điều kiện để am hiểu người Trung đoàn trưởng mới của mình. Tuy vậy, qua những trận đánh quyết liệt và những chiến công lớn nhỏ khắp mặt trận Đà Nẵng - tây bắc Hòa Vang, chúng tôi vẫn được nghe đến vai trò của đồng chí Nguyễn Bá Phát, Trung đoàn trưởng của chúng tôi.

                Mãi sau này khi về công tác tại Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Liên khu 5, có dịp tôi cùng đoàn cán bộ Liên khu ra Quảng Nam dự tổng kết Chiến dịch Võ Nguyên Giáp tôi mới gặp và biết thêm về chiến công của Trung đoàn 108 do đồng chí Nguyễn Bá Phát chỉ huy. Và nhất là trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, tôi là cán bộ của Ban Chính trị mặt trận, đồng chí Nguyễn Bá Phát là tham mưu chiến dịch, dưới sự chỉ huy lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Chánh. Tôi từng được cử đi dự các cuộc giao ban tác chiến, qua đó tôi được gặp và biết nhiều hơn về con người có tài đánh giặc, có tài làm tham mưu ấy, người cộng sự đắc lực của tướng Nguyễn Chánh. Tôi rất phục những kế sách của anh Phát trong việc xử trí tình huống phức tạp giúp đồng chí Nguyễn Chánh, chính vì vậy mà đồng chí Nguyễn Bá Phát nhận được sự tin yêu quý trọng của đồng chí Nguyễn Chánh cũng như cán bộ cấp cao.
   
                Gần đây, trong khi cùng với đồng chí Võ Quang Hồ, Tạ Xuân Linh ở Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Lê Hữu Đức ở Hà Nội vận động, sưu tầm để xuất bản tập sách về đồng chí Nguyễn Bá Phát, tôi được đọc hầu hết các bài viết về đồng chí Nguyễn Bá Phát ở những cương vị khác nhau, thời gian khác nhau. Nhất là các bài viết về thời kỳ đồng chí Nguyễn Bá Phát ở Hải quân nhân dân Việt Nam, thời kỳ cống hiến dài nhất của đồng chí ở giai đoạn chống Mỹ cứu nước, tôi càng khâm phục và càng đánh giá cao tài đức và công lao của anh. Không những tôi chờ xem bài viết mà do điều kiện thuận lợi, tôi có dịp tiếp xúc tâm sự với một số cựu chiến binh Hải quân như đồng chí Đại tá Nguyễn Sỹ Trinh, đồng chí Đại tá Hoàng Kim, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những đồng chí này đã một thời từng chiến đấu và công tác dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của đồng chí Nguyễn Bá Phát, tôi càng tâm đắc về tài đức của đồng chí Nguyễn Bá Phát đã đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng của ta. Chúng tôi cũng thấy rõ Nhà nước nên cân nhắc để tặng huân chương bậc cao và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Bá Phát. Tôi khái quát về đồng chí Nguyễn Bá Phát:
   
                - Một cán bộ chỉ huy hãng say đánh giặc và đánh giặc giới, mưu trí sáng tạo, kiên quyết, dũng сảm, táo bạo.
   
                - Một cán bộ có năng lực tham mưu, một cán bộ hành động, nói đi đôi với làm và làm dược, một cán bộ thực tế, cụ thế.
   
                - Một cán bộ luôn sâu sát, bám sát chiến trường, bám sát thực địa, bám sát đơn vị và địa phương.
   
                - Một cán bộ ở cấp cao, nhưng luôn quan tâm đến mọi người, đến cấp dưới, sống có tình nghĩa với mọi người.
   
                Về điểm sau này, đồng chí có những kỷ niệm đối Với cá nhân tôi mà tôi còn nhớ mãi:
   
                Sau khi Trung đoàn 96 rời Đà Nẵng về Quảng Ngãi để tổ chức lại, được nghỉ an dưỡng một thời gian, tôi về lại đơn vị, thì đơn vị đã thay đổi biên chế tổ chức. Trung đoàn 126 Quảng Ngãi được thành lập do đồng chí Phạm Kiệt và đồng chí Nguyễn Bá Phát chỉ huy. Tôi vào gặp đồng chí Nguyễn Bá Phát, đồng chí tiếp tôi rất thân mật và báo cho tôi biết là tôi được cử đi học lớp bổ túc chính trị Đại đội của Liên khu 5. Đặc biệt, đồng chí hỏi thăm tôi về vết thương của tôi lúc đánh nhau ở ga Đà Nẵng. Sự quan tâm đó làm tôi rất cảm động.
   
                Năm 1953 - 1954, khi quân ta trên đường tiến quân vào giải phóng Kon Tum, có một vài việc xảy ra trong quan hệ với nhà thờ Komsonlu. Đồng chí Nguyễn Bá Phát chỉ thị cho Ban chính trị mặt trận cử người ra Komsonlu làm công tác dân vận giải quyết việc này. Tôi lên gặp đồng chí Nguyễn Chánh ở Chỉ huy sở để nhận nhiệm vụ. Sau khi đồng chí Nguyễn Chánh giao việc cho tôi, đồng chí Nguyễn Bá Phát lúc đó cũng có mặt, đồng chí liền cử một tổ trinh sát đi cùng và khi tiễn tôi đồng chí Nguyễn Bá Phát dặn đi dặn lại là phải hết sức cẩn thận, đi đêm đường rừng vất vả và còn phải qua sông bằng ghe độc mộc. Ra đó phải cảnh giác với bọn tàn quân. Tôi cảm ơn đồng chí và hứa làm tròn nhiệm vụ.
   
                Năm 1992, tôi có gửi thư ra thăm đồng chí Nguyễn Bá Phát ở Đà Nẵng và nhờ được làm chứng thương cho tôi khi tôi bị thương ở Đà Nẵng (kèm theo bản chứng thương của đồng chí Võ Quang Hồ). Chỉ một tuần sau là tôi nhận được giấy chứng thương của đồng chí Phát kèm theo một bức thư ngắn của đồng chí gửi thăm tôi và gia đình tôi do chính tay đồng chí viết và ký. Đó là những kỷ niệm nhỏ khó quên về tình cảm của đồng chí Nguyễn Bá Phát đối với tôi, lúc đó còn là một cấp dưới.

                                 
H.K


(1).Nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4.




Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #23 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:07:19 pm »

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN BÁ PHÁT VỚI QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ CHIẾN ĐẤU CỦA HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm(1)

                 Từ Tham mưu phó Quân khu 5, đồng chí Nguyễn Bá Phát về phụ trách Cục phòng thủ bờ biển trực thuộc Bộ Quốc phòng rồi lên Cục Hải quân rồi Bộ Tư lệnh Hải quân. Thời kỳ đầu của Hải quân đồng chí làm Cục phó, tiếp đó là Phó Tư lệnh rồi lên Tư lệnh Hải quân. Hải quân nhân dân Việt Nam được phát triển nhanh chóng về mọi mặt là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ (từ đầu năm 1959 đến tháng 11 năm 1962, Bác đã 3 lần về thăm và căn dặn Hải quân), sự quan tâm to lớn của Quân ủy Trung ương và Sự giúp đỡ tận tình của các đơn vị đàn anh và các tỉnh ven biến miền Bắc. Trong nội bộ Hải quân có sự phấn đấu không mệt mỏi, không ngại hy sinh xương máu, không tiếc công sức, trí tuệ. Song tất cả, nghĩ cho cùng công lao của người đứng đầu là rất quan trọng. Đồng chí Nguyễn Bá Phát là người giữ vị trí quan trọng đó, nhất là trong những năm 1964-1967 rồi từ 1975-1977, những năm vô cùng ác liệt.

                 Tôi thường nghe kể đồng chí luôn trăn trở, luôn tìm cách để xây dựng Cục Hải quân phát triển thành một Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, hiện đại. Rất ít thời gian đồng chí ngồi ở bàn làm việc, chỉ trừ những lúc phải họp Đảng ủy, họp chỉ huy và cơ quan Cục, còn lại đồng chí dành toàn bộ thời gian xuống đơn vị, cơ sở, đi xem xét địa hình, khảo sát đảo, vịnh, cửa sông, luồng lạch,... Nhiều đồng chí đi theo đều rất sợ năng lực đi bộ, leo núi, lội nước của đồng chí Phát. Đặc biệt những lúc đi ca nô để chuyển tải sang tàu chiến lớn hơn. Tôi đã thấy được đồng chí Phát rất thiện nghệ trong việc chuyển phương tiện thủy. Có lần các đồng chí và đoàn cán bộ từ ca nô sang tàu chiến. Thì thoắt một cái, đồng chí đã lợi dụng tàu dập dềnh theo sóng, khi mũi ca nô nhô lên ngang boong tàu, và ở vị trí tàu đã hạ lan can xuống, đồng chí đã nhảy từ ca nô sang tàu vừa an toàn vừa rất kịp thời. Chỉ riêng hành động đó đã khiến cho cán bộ cấp dưới vừa lo, vừa mừng.
   
                 Ngày 3 tháng 1 năm 1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nâng cấp Cục Hải quân lên Bộ Tư lệnh Hải quân (Quyết định số 01/QĐ). Đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Phát được bổ nhiệm là Phó Tư lệnh. (Thiếu tướng Tạ Xuân Thu - Tư lệnh kiêm Chính ủy). Thời kỳ này, Hải quân ta đã có một lực lượng tàu thuyền, các đơn vị bảo đảm và cơ quan tương đối đồng bộ.
   
                 Chỉ trong vòng 9 năm, Hải quân Việt Nam từ 2 bàn tay trắng đã phát triển thành một Quân chủng tương đối đồng bộ, đảm nhiệm một hướng chiến lược quan trọng, hướng biển. Tuy lực lượng chiến đấu tấn công trên biển chưa có gì đáng kể, nhưng lực lượng tuần tra, bảo vệ biển đảo, bảo vệ công việc làm ăn bình thường của nhân dân ven biển đã có nền tảng khá tốt. Là Phó Tư lệnh đặc trách về hoạt động và tác chiến của Hải quân Việt Nam, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã có nhiều cống hiến không nhỏ cho sự phát triển và vững mạnh của Quân chủng. Trong huấn luyện chiến đấu hằng năm, đồng chí Phó Tư lệnh nhấn mạnh, phải thực sự thực tế, chú trọng huấn luyện hoạt động ban đêm, huấn luyện đánh gần. Từ những năm đầu thập kỷ 60, Hải quân Việt Nam đã phát động phong trào nắm vững luồng lạch, thuộc luồng lạch miền Bắc như thuộc các đường chỉ trong lòng bàn tay mình. Từ nhà trường đến các đơn vị tàu, đâu đâu cũng triển khai hoạt động đi biển, huấn luyện tự sục sạo mục tiêu và tấn công mục tiêu trong đêm tối, không có sự hướng dẫn của ra-đa, huấn luyện rời, cập bến, đảo, phao, tàu trong đêm tối; huấn luyện đi trong sông, luồng lạch hẹp ban đêm, thời tiết xấu. Đích thân đồng chí Phó Tư lệnh đi kiểm tra kết quả huấn luyện các đơn vị. Ngoài việc biểu dương đơn vị tốt, người tốt, việc tốt trong huấn luyện và sẵn sang chiến đấu, đồng chí còn rất coi trọng việc bảo quản, “giữ tốt dùng bền” phương tiện tàu, thuyền, xe máy. Không bao giờ đồng chí bỏ qua những sai phạm của sĩ quan và thủy thủ làm va chạm, hư hỏng tàu thuyền, xe pháo, dù chỉ làm cong, gãy một vài cọc lan can trên tàu. Nhờ vậy thời kỳ đồng chí làm Phó Tư lệnh rồi lên Tư lệnh, phong trào “giữ tốt dùng bền” trong Hải quân được phát huy cao độ. Đồng chí Nguyễn Bá Phát không chỉ chăm lo xây dựng và phát triển lực lượng Hải quân hoạt động trên vùng biển miền Bắc. Đồng chí rất quan tâm đến xây dựng và sử dụng lực lượng Hải quân chi viện cho quân, dân miền Nam. Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về xây dựng đội tàu chở vũ khí và cán bộ chi viện chiến trường ven biển từ Liên khu 5 trở vào, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã cùng Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân tập trung sức người và vật chất để thực hiện nhiệm vụ chiến lược nói trên. Ngày 29 tháng 1 năm 1964, Đoàn vận tải 125 được chuyển từ đơn vị 759 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Đây là đoàn tàu vận tải làm thành “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, con đường huyền thoại và đầy ắp sự tích anh hùng, đơn vị hai lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (1-12-1967 và 3-6-1976). Đồng chí Phó Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã dẫn nhiều đoàn cán bộ của cơ quan Quân chủng và cơ quan Đoàn 125 đi khảo sát địa hình tìm nơi làm cầu tàu, bến bãi, kho hàng, trạm thông tin dã chiến phục vụ kịp thời và bí mật cho các con tàu “không số” nhận vũ khí, đạn dược và cả những cán bộ cao cấp trong và ngoài Quân đội xuống tàu để rồi thầm lặng trong đêm tối, mưa rét, sóng lớn, gió to vượt biển vào với ven biển Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ và Liên khu 5, vào với quân dân miền Nam.
   
                 Những chiến thắng đi vào lịch sử như Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Vĩnh Thuận, Bình Giã, Vạn Tường và rất nhiều chiến dịch, trận đánh dành chiến thắng vang dội của quân, dân các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ đều có sự đóng góp xứng đáng của các cán bộ, thủy thủ Đoàn tàu không số - 125. Có lần, đồng chí nói: “Có thể chuyến đi này của các đồng chí không trở về nữa, chúng tôi sẽ không được gặp các đồng chí. Những chúng tôi hy vọng điều đó không xảy ra. Bộ Tư lệnh Hải quân tin tưởng các đồng chí sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trở về an toàn”(2). Tàu 401 đã 3 lần xuất phát, 2 lần trở lại và lần cuối đã vào bến Lộ Giao - Hoài Nhơn - Bình Định, chuyển 33 tấn vũ khí cho quân dân Bình Định có vũ khí đánh Mỹ ngụy. Chỉ riêng việc này đủ nói lên đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát rất quan tâm đến việc hoàn thành nhiệm vụ Quân ủy Trung ương giao cho Hải quân, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.
   
                 Chi viện và tham gia đánh địch trên chiến trường miền Nam ở một hướng khác của Hải quân là tổ chức những đơn vị “đặc công nước” (Bộ đội đặc công Hải quân) vào đánh Mỹ ngụy trên chiến trường sông, biển miền Nam, từ phía nam sông Bến Hải đến giáp Campuchia. Ngày 23 tháng 1 năm 1963, Cục Hải quân ra quyết định thành lập đội 1 đặc công hải quân do đồng chí Mai Năng làm đội trưởng"(3). Đến ngày 3 tháng 6 năm 1964, Bộ Tổng tham mưu ra quyết định thành lập Đoàn 8 đặc công nước gồm đội 1, 2, 3 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #24 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:10:16 pm »

                 Việc thành lập lực lượng đặc công Hải quân là kế thừa truyền thống đánh giặc trên sông nước của cha ông ta, là đòi hỏi cấp thiết của chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Sáng kiến này là của tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, trong đó theo tôi biết đồng chí Nguyễn Bá Phát giữ một vai trò không nhỏ. Là một chỉ huy cao cấp của Liên khu 5, một người đã từng tham gia và chỉ huy nhiều trận đánh Pháp suốt chiến trường Khu 5 trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Phát rất hăng say đánh giặc, luôn trăn trở tìm cách để Hải quân nhân dân Việt Nam đóng góp công sức, xương máu của mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Thành lập lực lượng đặc công Hải quân rồi thì lấy vũ khí nào để cho bộ đội đánh tàu chiến, kho tàng, bến cảng của Mỹ ngụy? Cách đánh của bộ đội đặc công Hải quân ra sao? Mật tập? Mật tập trên bộ đã có kinh nghiệm của bộ đội Đặc công thuộc Bộ Quốc phòng, còn mật tập dưới nước, trên sông và ven biển thì sao? Có một số kinh nghiệm của cha ông, nhưng chưa ai viết thành sách, chưa ai đúc kết thành chiến thuật cụ thể. Thập kỷ 60, rồi 70 của thế kỷ 20, đồng chí Nguyễn Bá Phát luôn bám sát bộ đội đặc công trong luyện tập. Khi thì trên biển Cát Hải - Long Châu - Hòn Dấu, lúc thì trên sông Đá Bạc, Bạch Đằng - Ruột Lợn. Đồng chí rất quan tâm đến kỹ thuật bơi đường dài, thả ống, kỹ thuật bắt mục tiêu trên sông, trên biển trong đêm tối... Mỗi đợt tập đêm về đồng chí thường gặp gỡ bộ đội, lắng nghe anh em kể lại quá trình tập luyện, những khó khăn trở ngại trong khi bơi, khi thả ống, khi dùng la bàn (các phân đội kỹ thuật lặn) tiếp cận mục tiêu. Sau những lần tiếp xúc bộ đội, đồng chí thường về bàn bạc với chỉ huy đơn vị, với bộ phận huấn luyện để tìm cách khắc phục trở ngại, tìm sáng kiến để nâng cao kỹ thuật bơi lội, kỹ năng lợi dụng dòng chảy, lợi dụng ánh sao đêm, lợi dụng ánh đèn điện ở bến cảng hay trên tàu thủy để tránh tai nạn, tổn thất, để bắt được mục tiêu. Khi chuẩn bị về con người, các chiến binh đặc công Hải quân đã tương đối nề nếp, chất lượng chính trị và chiến đấu đã được nâng cao, đồng chí Nguyễn Bá Phát lại suy nghĩ, tìm cách để có vũ khí đánh địch, đặc biệt là vũ khí đánh tàu chiến địch. Những vũ khí mà các nước bạn Liên Xô, Trung Quốc viện trợ cho ta đều là những thứ nặng nề, cồng kềnh được lắp đặt trên tàu chiến hoặc máy bay như ngư lôi 45-38 hay 53-38, thủy lôi AMD-2, bom chìm B-1, bom phản lực RGB-1250 có trọng lượng từ 100-1000 kg. Làm thế nào để một tổ đặc công 3 người có thể mang vượt đường xa, rồi xuống nước áp sát vào tàu địch để tiêu diệt chúng. Để biến những thứ vũ khí đó thành cái thật sự của Việt Nam, phục vụ cách đánh của Hải quân Việt Nam, đồng chí đã tập hợp các cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề, thành lập Phòng kỹ thuật trực thuộc Cục Hậu cần Hải quân với nhiệm vụ nghiên cứu cải tiến những loại vũ khí đó sao cho gọn, nhẹ, có thể mang vác được, nhưng tính năng kỹ chiến thuật của nó phải giữ nguyên để bộ đội đặc công sử dụng tiêu diệt Mỹ ngụy. Được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương, sự giúp đỡ của các cơ quan Bộ Quốc phòng cử các chuyên gia về chất nổ, về kỹ thuật vô tuyến điện... xuống cùng cán bộ kỹ thuật Hải quân do đồng chí Đại úy Nguyễn Công Tộ làm trưởng phòng, đồng chí Lê Xuân Diệu phó phòng. Bọn chúng tôi trong phòng kỹ thuật ngày đêm miệt mài tìm tòi, nghiên cứu cải tiến các vũ khí kể trên ở các nhà lán trên mấy quả đồi thông hồ Khe Giá, xã Tiền An huyện Yên Hưng. Lúc đó, anh em chúng tôi ngầm đùa với nhau là “đồi thông hai mộ” (một tiểu thuyết lãng mạn trước Cách mạng tháng Tám, lúc đó bị cấm lưu hành). Nhiều lần đồng chí Đại tá Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đến kiểm tra và làm việc với phòng kỹ thuật. Tôi không nhớ được ngày tháng đồng chí Phát được bổ nhiệm Tư lệnh Hải quân thay đồng chí Thiếu tướng Tạ Xuân Thu - Tư lệnh kiêm Chính ủy Hải quân. Tôi chỉ nhớ là sau khi đồng chí Tạ Xuân Thu bị bệnh hiểm nghèo sang Liên Xô điều trị rồi mất, một thời gian sau đó đồng chí Nguyễn Bá Phát làm Tư lệnh (khoảng cuối 1964?). Với cương vị Tư lệnh Quân chủng, đồng chí phải quán xuyến mọi mặt hoạt động của Hải quân, đặc biệt là công tác xây dựng lực lượng và tổ chức hoạt động tác chiến.

                Từ tháng 6 năm 1964, Bộ Tổng tham mưu đã báo động toàn quân, chuyển từ trạng thái thời bình sang thời chiến. Ngày 6 tháng 7 năm 1964, Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh toàn Quân chủng chuyển sang thời chiến. Tuy bộn bề công việc với cương vị là người đứng đầu Quân chủng, nhưng đồng chí dành nhiều thời giờ đến với phòng kỹ thuật. Mỗi lần đến đơn vị, đồng chí trực tiếp kiểm tra từng bánh thuốc nổ TNT được đục từ thủy lôi AMD-2 ra rồi đúc thành bánh 20 kg để cho một người có thể mang sau lưng, hành quân đường dài. Có lần đồng chí trực tiếp kiểm tra năng lực tiếp thu trường vật lý (sóng âm và từ trường tàu) của đầu nổ thủy lôi HAT-2 do ta tách từ thủy lôi AMD-2 ra. Cũng có lần đồng chí kiểm tra kết quả cải tiến bom RGB-1250, là loại bom phản lực định sâu, tầm bắn 1.250 mét để diệt tàu ngầm, phóng bằng bệ 8 quả cố định trên tàu 200 tấn. Nay ta cắt rời ra, dùng bệ đắp bằng đất, ngòi cải tiến từ định sâu thành ngòi chạm nổ tức thì, để phóng vào bến cảng, kho tàng và đồn bót Mỹ ngụy ở chiến trường B5, Quảng Trị. Khi những cải tiến trên đạt kết quả tốt, đồng chí báo cáo lên Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng và tổ chức diễn tập thực binh để các đồng chí cấp trên kiểm tra và cho phép đưa vào chiến trường miền Nam kịp triển khai đánh địch.
   
                Có lần đồng chí tổ chức bắn đạn thật ở sông Đá Bạc, Thủy Nguyên, vừa trình diễn báo cáo với Bộ Tổng tham mưu vừa kiểm tra thực tế kết quả cải tiến, kiểm tra năng lực làm việc của đầu gây nổ tự động của thủy lôi HAT-2 bằng cách bố trí các đầu gây nổ ở lòng sông, khối thuốc nổ đặt trên bờ ở vị trí an toàn, cặp dây dẫn nối từ đầu gây nổ tới kíp nổ điện đặt trong khối thuốc nổ. Có đầu gây nổ khác nối với một bóng đèn đỏ đặt trước hầm chỉ huy để chứng minh là đầu gây nổ làm việc tốt hay không làm việc. Dùng 1 tàu tiễn, đi lại trên khúc sông có đặt các đầu gây nổ thủy lôi HAT-2. Kết quả kiểm tra các đầu gây nổ của thủy lôi HAT-2 làm việc tốt, bảo đảm diệt được tàu địch. Đến nội dung kiểm tra kết quả cải tiến bom phản lực RGB-1250 ký hiệu HBF thì có trục trặc kỹ thuật: quả bom HBF bay lên nhưng không rơi trúng địa điểm dự tính. Có nghĩa là không diệt được mục tiêu. Đồng chí Tư lệnh liền cho ngừng cuộc diễn tập. Tiếp đó là những ngày kiểm điểm, rút kinh nghiệm, tìm cho ra nguyên nhân sự cố. Khi có kết luận về nguyên nhân, đồng chí lệnh cho bộ phận kỹ thuật và bộ phải thử lại, bảo đảm vũ khí đưa vào chiến trường phải đánh trúng mục tiêu.
   
                Để có vũ khí cho các đội đặc công người nhái đánh tàu địch, Hải quân được Bộ Quốc phòng trang bị cho loại mìn nam châm hình con rùa BPM-2. Đặc công Hải quân hay gọi mìn rùa. Mìn nặng khoảng 6 kg, chứa 2 kg thuốc nổ mạnh, bề mặt có gắn các thỏi nam châm hình chữ U để gắn chặt mìn vào thân tàu. Có ngòi nổ hẹn giờ và ngòi nổ chống tháo gỡ. Đây là loại vũ khí gọn, nhẹ có sức công phá khá lớn nhờ đánh trực tiếp vào vỏ tàu. Bộ đội Đặc công Hải quân rất thích loại mìn này vì vừa sức mang theo khi hành quân đường dài, không cồng kềnh, ít lực cản khi bơi và rất an toàn vì có 2 lần bảo hiểm. Nhưng nhược điểm là lượng thuốc nổ ít, khó đánh chìm tàu 2 vỏ và tàu lớn có nhiều khoang kín nước. Lực bám của nam châm cũng hơi yếu, khi tàu chạy với vận tốc cao dễ bị rơi do lực cản của nước. Để khắc phục những yếu điểm trên, cán bộ kỹ thuật Hải quân tìm cách tăng thêm lượng thuốc nổ, tăng thêm nam châm để tăng lực bám, nhưng lại dẫn đến tăng khối lượng và diện tích bề mặt. Như vậy là phải thực nghiệm. Tôi được giao trực tiếp thực nghiệm trên biển loại vũ khí cải tiến này. Một buổi sáng năm 1967, trên con tàu vận tải vận tốc nhanh, chở tôi và nhóm cán bộ kỹ thuật vũ khí cùng với mìn cải tiến, các thiết bị kiểm tra, rời bến Cát Hải ra Long Châu. Tàu đến giữa Long Châu Hòn Dấu (đông nam Đồ Sơn) thì thả trôi. Tôi chuẩn bị nhảy xuống biển cùng với quả mìn cải tiến thì thấy một ca nô chạy rất nhanh đến tàu chúng tôi. Khi ca mô cập mạn tàu, tôi mới biết Tư lệnh Nguyễn Bá Phát trên đó. Một thoáng lúng túng, sau đó tôi báo cáo Tư lệnh về công tác chuẩn bị và xin phép tiến hành thử nghiệm. Đồng chí Tư lệnh cười và nói “cứ làm đi”. Tôi cởi hết quần áo và nhảy xuống biển trong tư thế “A dam”. Tôi bơi đến mạn tàu và đỡ quả mìn do anh em kỹ thuật dòng từ trên boong xuống. Bên cạnh tôi là đồng chí Tư lệnh cũng trong tư thế “A dam”. Hai thầy trò một thoáng nhìn nhau, tôi tìm vị trí để áp quả mìn cải tiến vào tàu (tất nhiên ruột mìn toàn bằng cát, còn mọi thứ là thật) đồng chí Tư lệnh hỏi “xong chưa?” Tôi trả lời: xong rồi ạ. Đồng chí Tư lệnh và tôi bơi cách tàu 5 - 6 mét, đồng chí vẫy tay lên đài chỉ huy và hạ lệnh: "tăng hết tốc độ". Tàu rú ga và phóng đi về hướng biển. Hai thầy trò chúng tôi cứ thả người trên biển chờ quay lại. Độ mươi phút sau tàu quay lại và thả trôi gần chúng tôi. Ở dưới biển đồng chí Tư lệnh hỏi: "đến mấy hải lý/giờ thì nó rơi ra?"
   
                - Báo cáo, đến trên 15 hải lý/giờ thì có đèn đỏ.
   
                - Được rồi, thế là tốt. Các cậu có thể kết thúc thử nghiệm. Đồng chí Tư lệnh nói
   
                Ca nô từ từ tiến sát đồng chí Tư lệnh, đồng chí lên ca nô rồi vẫy tay chúng tôi. Ca nô về sở chỉ huy dã chiến ở Cát Hải.

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #25 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:15:49 pm »

                 Tôi lên tàu mặc quần áo rồi ghi chép tóm tắt kết quả thử nghiệm, trao đổi với anh em kỹ thuật trong khi tàu trở về bến xuất phát. Đến lúc này đã gần 12 giờ trưa. Tôi và anh em mang vác đồ đạc lỉnh kinh về doanh trại. Con đường chúng tôi đi, lại ngang qua Sở chỉ huy dã chiến của Tư lệnh. Đồng chí Tư lệnh đang ăn trưa thấy tôi đi ngoài đường liền gọi:

                  - Lâm, vào đây! Tôi vừa sợ, vừa ngại quá. Tôi lúc đó mới trung úy, còn đồng chí là Đại tá Tư lệnh. Tính tôi rất ngại gặp cấp trên vì vừa khó nói chuyện lại dễ bị anh em cho là ton hót, cơ hội. Thấy tôi đang do dự, như hiểu hết tâm trạng của tôi, đồng chí hạ lệnh tiếp.
   
                  - Đưa mọi thứ cho anh em rồi vào đây. Nhanh đi.
   
                  Tôi chấp hành như một cái máy, vào đứng nghiêm trước Tư lệnh mà chẳng nói được gì.
   
                  - Ngồi xuống đi, đồng chí nói.
   
                  Tôi ngồi xuống cái ghế trống mà đồng chí Tư lệnh chỉ. Đồng chí đưa cho tôi cái đùi gà luộc. Tôi chưa dám cầm.
   
                  - Ăn đi! Có biết uống rượu không? Tư lệnh hỏi.
   
                  - Dạ thưa, tôi không biết uống rượu.
   
                  - Thế thì ăn đi. Chắc lúc này cậu đói lắm rồi. Đừng ngại. Tôi đưa cái đùi gà luộc lên miệng và bắt đầu ăn. Trong lúc 2 thầy trò ăn, đồng chí Tư lệnh nói với tôi.
   
                  - Cán bộ là phải dậy (vậy), phải thực sự, thực tế, phải biết xông pha, lăn lộn với công việc. Hôm nay cậu làm rất tốt.
   
                  Đồng chí còn nói nhiều về công tác bảo đảm kỹ thuật Hải quân, về khả năng tác chiến, về trang bị vũ khí hiện có. Tư lệnh lộ vẻ ưu tư khi nói về khả năng đánh tàu chiến Mỹ trên biển, đồng chí nói như tâm sự:
   
                  - Đánh địch trên sông và ven biển miền Nam, Hải quân ta đã ít nhiều có thành tích. Đánh máy bay Mỹ cũng không tồi. Chi viện quân, dân miền Nam cũng đã làm được. Nhưng đánh chìm một chiếc khu trục của Hải quân Mỹ thì chưa làm được. Tớ đang lúng túng tìm một chiến thuật cố gắng đánh chìm một chiếc khu trục của Mỹ.
   
                  Vừa nói tay đồng chí cầm chén rượu nhỏ đưa lên môi, mắt đăm chiêu nhìn ra xa, phía biển Vịnh Bắc Bộ, nơi lũ quỷ hải quân Mỹ đang ngày đêm tung hoành ngang dọc, bắt bớ ngư dân, bắn phá đất liền, chúng bắn vào bất kể mục tiêu nào chúng nghi có hại cho tàu chiến Mỹ. Vì chúng không có đối thủ.
   
                  Lúc đó tôi chỉ ngồi nghe và cũng suy nghĩ những điều mà đồng chí Tư lệnh trăn trở. Nhưng tôi không đưa ra được một chính kiến nào, vì trình độ lúc đó Còn non nớt lắm. Khi tôi ăn xong cái đùi gà luộc, đồng chí bảo:
   
                  - Thôi, Lâm về đi, tớ cũng phải đi nghỉ một chút, Chiều còn nhiều việc lắm.
   
                  Tôi đứng dậy cảm tạ Tư lệnh rồi rút lui.
   
                  Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1967, tôi được giao nhiệm vụ cùng đồng chí Nhượng thượng úy Đoàn trưởng và 6 cán bộ, chiến sĩ kỹ thuật vũ khí nước, dẫn đoàn ô tô 10 chiếc thuộc C5 vận tải của Cục Hậu cần Hải quân đưa các loại vũ khí cải tiến đã được thử nghiệm và bắn thật đạt kết quả tốt vào Vĩnh Linh. Trên 10 xe Zil-130 và Hồng Hà đầy ắp các loại thủy lôi HAT-2, mìn vành khăn, bom phóng HBF, thủy lôi APS, thủy lôi trôi, thuốc nổ các loại,... Đích thân đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát tổ chức bữa cơm thân mật tại một hang hầm ở cây số 11 (Ngã ba Biểu Nghi - Yên Lập) để tiễn chúng tôi lên đường. Tôi còn nhớ trong bữa ăn, đồng chí Phát căn dặn đại ý:
   
                  - Các đồng chí đưa vũ khí vào chiến trường cho Đoàn 126 Hải quân đánh Mỹ ngụy. Đi đường nguy hiểm và vất vả lắm đó. Trên xe nhiều chất nổ, dọc đường lại lắm nơi bị Mỹ thả bom từ trường, thủy lôi, bom tọa độ. Nhưng không đáng sợ vì có các binh trạm giúp đỡ và mùa này có nhiều ngày đầy mây, mây thấp có thể tranh thủ cả ban ngày mà đi. Vào trong đó, anh em cố gắng bảo đảm kỹ thuật tốt cho đặc công đánh. Tôi ở ngoài này luôn theo dõi thắng lợi của các đồng chí. Tôi có nhiều cách để biết tin thắng trận của các đồng chí trong đó. Nhớ chuyển lời hỏi thăm và động viên của Tư lệnh đến anh em trong đó. Khi chúng tôi ăn tối và nghe lời dặn dò của Tư lệnh thì đoàn xe đã tập kết bên lề đường bên phải, hướng về Đông Triều. Cơm nước xong một đồng chí sĩ quan vào báo cáo Tư lệnh rằng đoàn xe đã đến, trời đang mưa to, đang chờ lệnh đồng chí. Một thoáng suy nghĩ rồi đồng chí nói: chờ một chút, mưa tạnh rồi hãy lên đường. Bây giờ mấy giờ rồi? Đồng chí sĩ quan xem đồng hồ tay rồi nói; báo cáo gần 10 giờ tối ạ. Đồng chí "ừm” một tiếng rồi nói: chờ mưa tạnh, độ mười giờ hơn thì xuất phát. Đồng chí đi bắt tay từng người rồi ra xe ô tô con về sở chỉ huy.
   
                  Cứ thế sau một khoảng một tuần lễ, hàng chúng tôi tới Vĩnh Tú an toàn. Những ngày tiếp theo là công việc kiểm tra thủy lôi, mìn các loại để bảo đảm cho bộ đội đặc công đánh địch. Tôi được phân công kiểm tra chuẩn bị HAT-2, mìn BPM-2 và trực tiếp đi lắp ráp HAT-2 ở bờ sông phục vụ đội Một do đồng chí đại úy Mai Năng chỉ huy đánh ở ngã ba sông Thạch Hãn. Những ngày ở Vĩnh Linh, cùng bộ đội đặc công đánh tàu chiến Mỹ ngụy mà tôi cứ nghĩ về đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát.
   
                  Tết Mậu Thân đã qua hơn một tuần, ngồi trong hầm khi ở Vĩnh Giang, khi Vĩnh Tú, Vĩnh Quang, nghe Đài tiếng nói Việt Nam tôi mới biết có cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân trên toàn miền Nam. Lúc này tôi thầm tự hào là mình được trực tiếp tham gia cuộc tổng tấn công đó. Và tôi lại nghĩ đến Tư lệnh Nguyễn Bá Phát trong buổi tiễn chúng tôi lên đường. Đồng Chí thật chu đáo và tình cảm. Đồng chí rất quan tâm đến công tác bảo đảm kỹ thuật, nhất là kỹ thuật về vũ khí cho bộ đội đánh thắng Mỹ ngụy. Đồng chí chăm lo từ cái chi tiết, cụ thể cho đến cái toàn thể. Không thể nắm hết mọi ngóc ngách của kỹ thuật Hải quân đa ngành, phức tạp đồng chí đã biết dựa vào cán bộ cấp dưới, động viên họ hăng say quên mình vì sự nghiệp của Quân chủng. Không khoa trương, không văn vẻ cũng không quá khắt khe với thuộc cấp, đồng chí ít nói nhưng nội tâm thật trong sáng và vị tha.
   
                  Một hướng hoạt động tác chiến khác, mà thiếu nó thì giảm mất giá trị chân thực của Hải quân Việt Nam. Đó là cuộc chiến chống phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường của Mỹ. Sau nhiều thất bại chua cay trên chiến trường miền Nam, chính phủ Mỹ tìm cách mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, là cái mốc nhơ bẩn của đế quốc Mỹ, khi chúng cho hàng đàn máy bay các loại đến dội bom và đánh phá các căn cứ Hải quân, các cơ sở hậu cần của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, một nước có chủ quyền và được thế giới công nhận. Ngày đầu tiên của cuộc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, Hải quân ta đã cùng với các lực lượng vũ trang khác và nhân dân ven biển bắn rơi 8 máy bay, bắt tên trung úy phi công An-va-rét tại vùng biển Hòn Gai - Bãi Cháy. Tiếp đó là những năm tháng chống cuộc tấn công, phong tỏa của không quân và hải quân Mỹ vô cùng khốc liệt.
   
                  Ngày 1 tháng 6 năm 1966, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Hải quân chuẩn bị đối phó với chiến dịch phong tỏa của Mỹ. Ngày 20 tháng 4 năm 1966, Tư lệnh Nguyễn Bá Phát chủ trì cuộc họp bàn biện pháp chống phong tỏa đường biển của hải quân Mỹ. Số người tham gia hạn chế, ngoài các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Hải quân chỉ có một số ít cán bộ kỹ thuật được mời tham dự, trong đó có Trung úy Hoàng Sơn (theo lời kể của đồng chí Hoàng Sơn). Sau hội nghị này bộ phận nghiên cứu chống phong tỏa biển của Hải quân được thành lập gồm một số sĩ quan được học chuyên ngành về thủy lôi và chống thủy lôi ở Liên Xô-Trung Quốc như: Phan Xuân Thái, Nguyễn Sỹ Trinh, Nguyễn Doanh Hải, Lê Văn Dinh, Nguyễn Văn Học,... các kỹ sư về điện tàu, máy tàu như Hoàng Sơn, Dương Đình Lộc...

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #26 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:18:11 pm »

                 Bộ phận nghiên cứu được Bộ Quốc phòng tăng cường cho những cán bộ chuyên sâu về vô tuyến điện, cơ khí, điện công nghiệp... Trong nội bộ Hải quân, đồng chí Tư lệnh huy động lực lượng của các Xưởng 46, Xưởng 48 (sửa chữa tàu thuyền), Xưởng 56 (sửa chữa máy thông tin - ra đa) tích cực tham gia chuẩn bị đề án chống chiến dịch phong tỏa của Mỹ. Ngoài quân đội và Hải quân, đồng chí Phát còn chủ động hợp tác với Cục vận tải biển, đứng đầu là đồng chí Cục trưởng Lê Văn Kỳ, Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang và nhân dân thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh cùng tham gia vào hoạt động chống chiến dịch phong tỏa. Đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã quán triệt và thực hiện thành công đường lối chiến tranh nhân dân trên chiến trường sông biển của Đảng. Trong đó, lực lượng Hải quân là nòng cốt và đi đầu nghiên cứu đề xuất phương án sử dụng lực lượng, cải tiến sản xuất phương tiện rà phá thủy lôi từ thô sơ đến tương đối hiện đại, phù hợp với khả năng của nền công nghiệp miền Bắc và thực lực Hải quân nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ. Hải quân còn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao thiết kế, cách chế tạo, lắp đặt và vận hành các phương tiện rà phá thủy lôi, bom từ trường cho đơn vị bạn, trong đó có Cục vận tải biến và quân dân Hải Phòng, Quảng Ninh... Ngày 31 tháng 8 năm 1966, Hải quân đã chủ trì cuộc diễn tập hiệp đồng với quân chủng Phòng không - Không quân, các lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở Hải Phòng, Quảng Ninh về hoạt động chống phong tỏa biển toàn diện.

                 Từ đêm 26 tháng 2 năm 1967 cho đến giữa năm 1968, đế quốc Mỹ đã thả xuống các lòng sông, cửa sông, các cảng sông biển và bến phà Bắc Việt Nam gần 75.000 quả thủy lôi và bom từ trường. Mỹ hy vọng sẽ cột chặt tay chân Việt Nam, hàng hóa phục vụ chiến tranh, vũ khí đạn dược... không vào được Bắc Việt Nam và từ Bắc Việt Nam không thể tiếp tế cho miền Nam. Và như vậy miền Nam Việt Nam phải thất bại, phải chịu sự nô dịch của Mỹ. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, ngày 1 tháng 11 năm 1968, Mỹ phải đơn phương tuyên bố chấm dứt chiến tranh phá hoại miền Bắc. Vì Mỹ đã không ngăn được quân dân miền Nam Việt Nam mở cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (30-1-1968), không ngăn được luồng vũ khí, đạn dược, hàng hóa và phương tiện chiến tranh ngày đêm không ngừng tuôn chảy từ miền Bắc vào miền Nam. Ngay sau khi quả thủy lôi đầu tiên của đế quốc Mỹ thả xuống miền Bắc, chúng ta đã đánh dấu được vị trí, đã có phương án cấm luồng và vòng tránh. Tiếp đó là tìm biện pháp thăm dò, kích nổ, sử dụng các phương tiện rà phá đã nghiên cứu từ cuối 1966 và rất nhiều hình thức khác kể cả cách kéo những vật liệu nhiễm từ qua lại trên vị trí có bom từ trường hoặc thủy lôi để gây nổ. Kết quả là suốt thời gian đế quốc Mỹ hí hửng tưởng đã bịt được đường ra vào của Bắc Việt Nam, thì chúng ta đã phá nổ hơn 6.600 quả thủy lôi và bom từ trường mà Mỹ thả vào các sông, bến phà, bến cảng, cửa vịnh... và phá nổ hoặc tháo gỡ hàng ngàn quả thủy lôi và bom khác trên đất liền. Vì vậy cuối năm 1968, chiến dịch vận tải VT5 đưa hơn 10.000 tấn hàng từ Hải Phòng vào sông Gianh (Quảng Bình) đã diễn ra ngay sau ngày 1 tháng 11 năm 1968. Không một con tàu, phương tiện nào bị chìm do thủy lôi hay bom từ trường Mỹ thả xuống.
   
                 Trong chiến công chung to lớn đó có sự đóng góp rất lớn của cuộc chiến chống phong tỏa mà quân dân miền Bắc đã tiến hành và Hải quân nhân dân đã Xứng đáng với vai trò nòng cốt và đi đầu trong sự nghiệp đó. Với cương vị là Tư lệnh Hải quân, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã nêu một tấm gương sáng cho toàn Quân chủng cũng như các lực lượng phối hợp.
   
                 Đến giữa năm 1972, những tưởng Hiệp định Pari được nhanh chóng ký kết, nhưng Mỹ lật lọng, tăng cường ném bom và bắn phá miền Bắc. Đặc biệt chúng tiến hành chiến dịch phong tỏa biển lần thứ hai rất khốc liệt. Với âm mưu bịt chặt lối ra vào giao thông với thế giới bên ngoài của Bắc Việt Nam, đế quốc Mỹ hi vọng: “Phong tỏa Việt Nam bằng thủy lôi là cách gây khó khăn tối đa cho đối phương, là biện pháp có ý nghĩa quyết định để giành thắng lợi quân sự, tạo ra sức ép mạnh mẽ cho vấn đề thương lượng và để Mỹ có thể rút khỏi Việt Nam trong danh dự”.
   
                 Vì vậy trong lần phong tỏa thứ 2, từ 16 tháng 4 năm 1972 đến ngày 13 tháng 1 năm 1973, Mỹ thả xuống sông biển miền Bắc hơn 17.000 thủy lôi và bom từ trường model mới. Ngày 20 tháng 5 năm 1972, Chính phủ ta quyết định thành lập Ban chống phong tỏa trực thuộc Chính phủ gồm các đồng chí:
   
                 1. Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng - Trưởng ban.
   
                 2. Nguyễn Bá Phát, Tư lệnh Hải quân - Phó ban.
   
                 3. Đặng Kinh, Tư lệnh Quân khu Tả ngạn – Phó ban.
   
                 4. Lê Văn Kỳ, Cục trưởng Cục vận tải biển - Ủy viên.
   
                 5. Lê Đức Thịnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng - Ủy viên.
   
                 Ngày 9 tháng 5 năm 1972, Bộ Quốc phòng chỉ thị: “Một số biện pháp chống phong tỏa đường biến” và ủy quyền cho Bộ Tư lệnh Hải quân thành lập ban chỉ đạo chống phong tỏa giúp Chính phủ chỉ đạo các hoạt động chống phong tỏa biển miền Bắc. Chấp hành quyết định của Chính phủ và chỉ thị của Bộ Quốc phòng, giữa năm 1972. Đảng ủy Hải quân họp hội nghị mở rộng để triển khai kế hoạch rà phá thủy lôi, mở luồng bảo đảm dẫn dắt tàu thuyền đi lại trên các tuyến đường thủy Bắc Việt Nam. Đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát đã trình bày kế hoạch hoạt động chống phong tỏa lần 2. Tiếp đó là các cuộc hội nghị hiệp đồng do Tư lệnh chủ trì được tổ chức ở Hải Phòng, Quảng Ninh ngày 21 tháng 5 năm 1972 và ngày 17 tháng 12 năm 1972. Một lần nữa quân và dân miền Bắc lại lao vào cuộc chiến đấu chống chiến dịch phong tỏa biển bằng thủy lôi lần thứ 2 của đế quốc Mỹ.
   
                 Cuối tháng 12 năm 1972 khi quân dân Thủ đô Hà Nội, cùng với quân dân Hải Phòng và các địa phương đồng bằng sông Hồng mở chiến dịch lịch sử: “Điện Biên Phủ trên không” từ 18 đến 30 tháng 12 năm 1972, và giành thắng lợi vang dội, đè bẹp thần tượng pháo đài bay B-52, át chủ bài trong bộ 3 lực lượng chiến lược của quân đội Mỹ, đập nát âm mưu giành thế mạnh trên bàn Hội nghị Pa-ri, buộc Việt Nam chấp nhận điều kiện hòa bình theo kiểu Mỹ, tạo điều kiện để quân Mỹ rút khỏi Việt Nam trong danh dự. Cùng thời gian đó, lực lượng rà phá thủy lôi và bom từ trường do Mỹ phong tỏa miền Bắc của quân dân các tỉnh ven biển, mà trong đó lực lượng nòng cốt, hướng dẫn là Hải quân nhân dân Việt Nam ngày đêm âm thầm, nhẫn nại rà phá thủy lôi trên từng khúc sông, đoạn bờ biển, trên cửa vịnh, dọc các bến cảng... Nhiều thủy lôi đã nổ. Sự hy sinh tổn thất cũng đã xảy ra (2 phương tiện rà phá bị đắm do thủy lôi nổ quá gần, 13 đồng chí bị thương vong. Lực lượng chủ lực rà phá thủy lôi thời kỳ từ tháng 10 năm 1972 đến tháng 2 năm 1973 trên luồng chính cửa Nam Triệu, Hải Phòng và các luồng phụ cận Cát Bà, Cửa Cấm, Đồ Sơn, Long Châu, Hòn Dấu là các tàu quét thủy lôi của Trung đoàn tàu 171, được tăng cường thêm một số tàu của Đoàn 125. Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân còn điều động một số cán bộ từ các đơn vị và giáo viên từ Trường Sĩ quan Hải quân về tăng cường cho Trung đoàn 171. Tôi cũng vinh dự được tham gia đợt rà quét này trên tàu V416 trong đêm đông rét buốt. Cứ thế tàu thực hiện hết các tuyến rà quét theo kế hoạch đã được Ban Tham mưu Lữ đoàn 171 trình lên đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát. Các tuyến quét sau của đêm đó chỉ gây nổ được 1 quả ở phía mũi khoảng 80 mét.
   
                 Phương pháp rà thủy lôi của Hải quân ta khởi xướng thật vô cùng độc đáo. Vì chưa có một nước nào lại dùng cách kích nổ thủy lôi trước mũi và 2 bên mạn tàu. Đây là một việc làm hết sức nguy hiểm, dễ chịu tổn thất nặng nề. Cách của nước ngoài là tàu quét thủy lôi phải được khử hết từ trường hoặc làm giảm nó đến mức thấp nhất và kích nổ thủy lôi phía sau tàu. Song Hải quân nhân dân Việt Nam đã làm ngược lại, vì không có khả năng khử hết từ trường của tàu. Hải quân Việt Nam cũng đã hướng dẫn, giúp đỡ lực lượng rà phá thủy lôi của Cục Vận tải biển, một số lực lượng rà phá của các công ty vận tải biển của Hải Phòng, Quảng Ninh... cũng làm như vậy. Đó là khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam đã có hàng ngàn năm nay và truyền lại cho chúng ta.
   
                 Nhờ có phương pháp rà phá thủy lôi độc đáo đó, nhờ có sức mạnh to lớn của chiến tranh nhân dân, nên cuộc chiến chống phong tỏa biển của quân-dân miền Bắc lần thứ 2 đã giành thắng lợi rất to lớn. Với số lượng thủy lôi và bom từ trường do Mỹ thả xuống luồng lạch Quảng Ninh - Hải Phòng là 2.877 quả. Nhưng đến ngày 18 tháng 1 năm 1973, ta đảm bảo an toàn cho tàu ra vào các cảng Quảng Ninh và Hải Phòng. Đến sáng ngày 21 tháng 1 năm 1973, dưới sự rà quét bảo đảm dẫn đường của các tàu V416, T152, T203, T205, tàu vận tải biển của nước Cộng hòa Cu Ba anh em đã từ Long Châu vào Sải Cóc an toàn. Sự kiện này đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến tranh bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ. Ngồi ở Lầu Năm góc và Nhà Trắng tận bên kia quả đất, các nhà lãnh đạ0 Mỹ thời bấy giờ chưa chịu ký Hiệp định Pa-ri, mặc dầu đã chịu thua hoàn toàn sau 12 ngày đêm cuối năm 1972 đánh phá dã man Hà Nội, Hải Phòng bằng B-52. Vì sao? Có lẽ họ còn chờ đợi ở ngón đòn hiểm độc: Thủy lôi! Nhưng ngày 21 tháng 1 năm 1973, chắc rằng họ cũng bị choáng váng gần như ngày 30 tháng 12 năm 1972. Thế rồi, việc sẽ đến phải đến.

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #27 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:25:44 pm »

                 Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Mỹ buộc phải ký với Chính phủ ta Hiệp định Pa-ri. Chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình trên đất nước Việt Nam. Đúng 1 tuần sau ngày ta chính thức khai thông đường tàu biển vào Hải Phòng.

                  Tôi viết đoạn này để nói lên công lao to lớn của đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát trong cuộc chiến chống phong tỏa bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta. Mỗi một phương tiện rà phá ra đời, qua các giai đoạn từ tư duy đến thiết kế rồi chế thử và thực nghiệm, đồng chí Tư lệnh đều trực tiếp động viên, khích lệ và đích thân đồng chí cùng các cán bộ kỹ thuật và bộ đội đi rà phá thực tế (chí ít cũng một lần) trên sông Cấm hay luồng Nam Triệu. Vì đồng chí vừa là Tư lệnh Hải quân vừa là Phó ban chỉ đạo chống phong tỏa của Chính phủ. Đồng chí là người trực tiếp quản lý hàng chục cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về vũ khí thủy lôi, bom mìn dưới nước và hàng trăm kỹ sư, cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, đa nghề trong Hải quân và quân đội. Hai lần mở chiến dịch chống phong tỏa miền Bắc bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ (1966 - 1968 và 1972 - 1973) đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát là người trực tiếp chỉ huy điều hành. Chiến công là chiến công chung, công sức và xương máu là do tập thể các đơn vị Hải quân và các đơn vị bạn, những người trực tiếp rà phá thủy lôi Mỹ trên sông biển miền Bắc đóng góp. Nhưng người đứng đầu, người tổng chỉ huy giữ một vai trò rất to lớn.
   
                  Một lĩnh vực hoạt động chiến đấu khác của Hải quân trong gần 10 năm (1964 - 1973) chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ là tổ chức các trận đánh diệt tàu chiến Mỹ ngụy. Đối tượng tác chiến của Hải quân Việt Nam non trẻ là Hải quân Hoa Kỳ, một lực lượng hùng mạnh nhất thế giới hoạt động trên khắp các đại dương và biển lớn. Đúng là một cuộc đọ sức quá chênh lệch. Song Hải quân ta không chịu khoanh tay chờ ăn đòn. Đồng chí Nguyễn Bá Phát đã ngày đêm trăn trở tìm nhiều cách đánh độc đáo cho Hải quân Việt Nam.
   
                  Sau trận đầu ngày 2 tháng 8 năm 1964, Hải quân ta có lòng dũng cảm, dám xông thẳng vào tàu khu trục Mỹ, đánh đuổi chúng khi chúng khiêu khích các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Giá như trận đó các đồng chí trực tiếp chiến đấu thực hiện đúng ý đồ của Tư lệnh thì thắng lợi còn vang dội hơn nhiều. Sau ngày đó là những ngày tháng cực kỳ khó khăn, nguy hiểm của lực lượng tàu mặt nước Hải quân ta, vì Mỹ đã cảnh giác và chiến tranh với miền Bắc đã bắt đầu. Máy bay chiến đấu của hạm đội 7 liên tục tuần tra nên Vùng trời Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các cửa sông và đảo ven bờ khu 3, khu 4. Hễ phát hiện thấy bóng dáng tàu Hải quân hoặc nghi là có tàu Hải quân ẩn nấp là chúng đánh liền. Tiếp đó là từng đoàn máy bay F-4C và các máy bay khác đến phóng rốc-két, bom điều khiển và cả pháo 20 ly vào những nơi chúng vừa phát hiện. Với ước muốn đánh chìm hoặc trọng thương 1 tàu khu trục Mỹ, đồng chí Tư lệnh đã tổ chức mấy trận đánh của tàu phóng ngư lôi cả ban đêm lẫn ban ngày khi thời tiết phù hợp. Song đều bị máy bay Hải quân Mỹ chặn đánh quyết liệt, lực lượng ta tổn thất trước khi tiếp cận được tàu khu trục. Sử dụng lực lượng tàu mặt nước chiến đấu không thành công vì Hải quân Mỹ hoàn toàn làm chủ trên không và trên biển.
   
                  Tư lệnh Phát không chịu bó tay. Đồng chí đã chủ trì nhiều hội nghị kỹ thuật tìm cách đóng bè mảng bằng tôn, trên ngụy trang tre, nứa, ngư cụ giống như chiếc mảng đánh cá trong lộng của ngư dân Thanh Hóa - Nghệ An. Trên mảng trang bị ĐKZ 80, bom phóng HBF, súng 12,7 ly. Bộ đội Hải quân cải trang thành những ngư dân, ngày đêm thả trôi trên vùng biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Chính bằng phương tiện này mà Hải quân ta đã đánh chìm một chiếc và đánh bị thương một chiếc khác tàu biệt kích Hải quân ngụy tại vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An tối 17 tháng 8 năm 1968. Nhưng rồi, mọi loại vũ khí mới cùng với chiến thuật sử dụng đều bị bộc lộ sau trận thắng đầu tiên. Vì vậy bè mảng chiến đấu không còn khả năng tiếp cận mục tiêu nữa. Tàu khu trục Mỹ dùng hỏa lực pháo và tên lửa, diệt từ xa những gì chúng nghi ngờ sẽ uy hiếp chúng và đồng bọn.
   
                  Đồng chí Tư lệnh Nguyễn Bá Phát lại tìm cách cải tiến xe xích lội nước (PAP) do Liên Xô viện trợ cho công binh ta thành phương tiện lắp ngư lôi 45-38 để bí mật đánh tàu chiến Mỹ. Sau lần đồng chí cho cơ động vào ven biển Khu 4 thử nghiệm xuất kích, phương tiện này không chịu được sóng cấp 2-3 nên không thành công. Ở một hướng khác, trên vùng biến Quảng Bình - Vĩnh Linh, tàu khu trục và các tàu chiến lớn của Hải quân Mỹ thường xuyên cơ động dọc bờ, dùng pháo từ 107-400 ly bắn phá giao thông, trận địa pháo ta ven biển và tất cả những mục tiêu dọc bờ biển mà máy bay OV-10 phát hiện được. Rút kinh nghiệm thắng lợi của Đoàn 126 đặc công Hải quân dùng thủy lôi HAT-2 đánh chìm nhiều tàu chiến Mỹ ngụy trên sông biển miền Nam, Ban chỉ huy K5 đề xuất dùng thủy lôi AMD-2 nguyên bản để đánh tàu chiến lớn của Mỹ. Đồng chí Nguyễn Bá Phát nhất trí và động viên bộ đội thực hiện. Kết quả đã đánh bị thương nặng một số tàu chiến lớn của Mỹ như tuần dương hạm DDG16, DD843, Niuponiu CA148. Để kiểm tra và động viên lực lượng Hải quân hoạt động ở Quảng Bình - Vĩnh Linh, có lần đồng chí Tư lệnh đã dẫn đầu đoàn cán bộ cơ quan Quân chủng dùng xe đạp đi theo ven biển vào tận Vĩnh Linh.
   
                  Nguyễn Bá Phát - vị Tư lệnh Hải quân thời kỳ mới thành lập, thời kỳ đối đầu với Hải quân Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa miền Bắc nước ta kéo dài gần 10 năm. Đồng chí đã để lại trong lòng cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta, trong đó có tôi những kỷ niệm thật tốt đẹp. Là một vị Tư lệnh say mê đánh giặc, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Đảng. Đồng chí ít được khen thưởng và chính đồng chí cũng không đòi hỏi được khen thưởng. Quãng đời làm Tư lệnh Hải quân của đồng chí có những thăng trầm, nhưng việc làm của đồng chí Nguyễn Bá Phát với Hải quân nhân dân Việt Nam thì thật trong sáng.


                                 
L.K.L



(1). Nguyên Giám đốc Học viện Hải quân.
(2). Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955-2005), Nxb QĐND, H. 2005, tr. 119.
(3). Lịch sử Đoàn Đặc công Hải quân 126 (1966-2006), Nxb QĐND, tr.26.




Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #28 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:32:36 pm »

NGƯỜI LÍNH CỦA QUÊ HƯƠNG, NHỮNG NGÀY ĐẦU Ở MẶT TRẬN ĐÀ NẴNG
Tạ Xuân Linh

I

                 Tháng 12 năm 1946, là một cán bộ tham mưu tác chiến của Trung đoàn 67, tôi vẽ bản đồ ở sở chỉ huy của Trung đoàn trong một ngôi nhà cổ kính ở góc thành Bình Định. Một anh cán bộ đi ô tô vào làm việc với Ban chỉ huy Trung đoàn. Quay trở ra anh đã đến bên tôi “can” lại một bản đồ mặt trận bắc Tây Nguyên trên giấy bóng một cách thích thú - Anh nói:

                 - Anh vẽ bản đồ khá lắm, học ở đâu đó?
   
                 Với tuổi mười bảy giọng lấc cấc, tôi trả lời:
   
                 - Cũng học chút ít, mà sao hở anh?
   
                 - Anh quê ở đâu?
   
                 - Quảng Ngãi, dân Lê Trung Đình đây?
   
                 - Có ưng ra Đà Nẵng đánh Tây không?
   
                 - Sợ gì, nhưng làm sao Ban chỉ huy Trung đoàn cho tôi đi, ổng nói xin tôi từ Ủy ban kháng chiến miền Nam vào đây.
   
                 - Để tôi nói cho - và anh đi ngay vào gặp người chỉ huy Trung đoàn nổi tiếng là “hắc”. Không đầy năm phút sau, anh Cao Dũng, Trung đoàn trưởng, bước ra bảo tôi:
   
                 - Cho phép anh đi với anh Phát ra Đà Nẵng. Lúc bấy giờ tôi mới biết tên anh là Phát, còn chức vụ gì thì thôi chưa rõ. Cần gì, miễn là đi ra Đà Nẵng đánh Tây là được. Và chỉ thêm mười phút sau đó, khi giao lại bản đồ đang vẽ và một ít dụng cụ cho anh em trong cơ quan Tham mưu, tôi đã có thể lên đường với anh cán bộ mà tôi biết chắc chắn là người Quảng Nam qua tiếng nói của anh. Tôi cũng rất yên tâm vì chẳng thấy anh có gì cả, chỉ có một xắc-cốt và cây súng pa-ra-ben-lom.
   
                 - Anh ra đó làm gì? Tôi hỏi anh khi xe lướt băng qua xứ dừa và những tháp Chàm cứ lùi dần phía sau như từ biệt nhẹ nhàng với chúng tôi trên đường ra trận.
   
                 - Làm chi cũng được, nhưng anh được cử làm phó chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng, vừa rồi anh là chỉ huy mặt trận An Khê Bình Định. Tôi im lặng sững sờ. Và không ngờ từ đấy cuộc đời hai người lính chúng tôi lại gắn bó với nhau qua nhiều giai đoạn, qua những mối liên hệ khắng khít khác nhau, cho đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp. Về sau anh đã kể cho tôi nghe và ghi chép lại.
*
*   *
   
                 Vào một đêm trăng sáng vằng vặc, Phát gọi người anh cả của mình ra trước mồ mẹ, cách nhà không xa, nhưng xung quanh có cây cối rậm rạp. Anh nói:
   
                 - Bây giờ bọn Nhật đang truy lùng, bọn trong làng xã thù địch với họ nhà mình sẵn sàng tố cáo để chúng bắt em. Nhưng... - Thiệp rút con dao nhọn ra và nói tiếp - Em sẽ quyết sống chết với chúng nó, không dễ gì chúng nó đụng đến em. Em phải ra đi. Anh ở nhà cùng các chị lo liệu hết thấy.
   
                 Hai anh em cùng khóc trước vong linh người mẹ hết mực đảm đang mọi việc trong gia đình vào thời kỳ sa sút. Người cha là một nhà nho nghèo, có tinh thần yêu nước, dạy chữ Hán có tiếng trong vùng. Ông chỉ biết có chữ thánh hiền, còn gánh nặng gia đình thì đè lên hai vai người vợ tần tảo nuôi bốn người con trai ăn học nên người. Phát tính ngang bướng, nhưng sáng dạ. Năm mười sáu tuổi anh mới rời lưng trâu vì không học chữ Hán, trái với ý cha, anh chỉ ưng học Chữ quốc ngữ. Chỉ qua một năm học và kèm cặp riêng của thầy giáo, anh đã thi đỗ Sơ học yếu lược (tương đương với lớp 3 bây giờ) được vào hàng thứ hai ở hội đồng thi mở tại huyện Đại Lộc. Gia đình ngày càng sa sút, những sào ruộng ít ỏi phải bán dần đi. Anh bị ép phải cưới một người không ưa thích làm vợ. Cuộc tranh giành ngôi tiền hiền giữa họ anh và một họ lớn trong làng, cũng thêm một lý do thúc đẩy anh đăng tên vào thủy quân của Pháp từ năm 1939.
   
                 Sáu năm lênh đênh trên biển cả, từ lính thợ đến lính chiến của hải quân, trên những chiếc tàu vận tải quân nhu đến tàu tuần dương, anh đã đi đến nhiều bến bờ châu Á, châu Phi, qua tận đảo Rê-uy-ni-ông hay Ma-đa-gát-xca. Ở các hòn đảo này anh đã nghe nói đến ông vua và các chiến sĩ yêu nước Việt Nam bị đày ải ở đó. Anh đi đến các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Thiên Tân, Quảng Châu. Anh trực tiếp gặp nhiều sĩ quan và lính Pháp, đã có thể phân biệt được ai là những người Pháp lịch sự ở chính quốc, ai là bọn thực dân độc ác ở thuộc địa. Trong các câu lạc bộ thủy thủ anh đã nghe nói đến bao điều, từ cộng sản đến xã hội, từ tự do đến cách mạng. Tàu vớt mìn As-tơ-rô-láp đi tuần tiễu trong Vịnh Bắc Bộ, từ đảo Pa-a-xên (Hoàng Sa) về Đà Nẵng đã bị máy bay Mỹ đánh chìm trên sông Hàn quê hương anh (1954). Anh được chuyển về Sài Gòn để tiếp tục đời làm lính.
   
                 Đảo chính Nhật (9-3-1945), anh trốn về quê, chứng kiến sự phá sản của gia đình từ sau khi cha mẹ qua đời - người em kế anh cũng phải đi lính thủy cho Pháp, lúc bấy giờ cũng phải bỏ trốn như anh, không may đã bị Nhật bắt đưa đi giam giữ tại U Đon, bên Xiêm, cho đến ngày chúng đầu hàng quân Đồng Minh.
   
                 Không chịu nổi cảnh sống ngột ngạt ở quê nhà, đêm hôm ấy từ biệt người anh cả, anh ra đi trên chiếc ghe bầu qua nhiều tỉnh đến tận Sài Gòn. Loanh quanh, luẩn quẩn rồi không biết làm gì nữa, anh lại quay trở về nhà. Lúc ấy làng nhỏ Trung Sơn của anh cùng cả dân tộc vùng lên tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945. Đầu tháng 9, khi thành lập Ủy ban Cách mạng của làng anh, gia đình họ Nguyễn Bá có ba người được đề cử tham gia chính quyền: người anh cả Nguyễn Bá Trình làm Phó Chủ tịch, Nguyễn Bá Phát, Ủy viên quân sự, chị Nguyễn Thị Hợi, Ủy viên cứu tế. Nguyễn Bá Phước sau khi Nhật đầu hàng Đồng Minh được thả về, làm trung đội trưởng, người em út Nguyễn Bá Ninh, làm liên lạc cho dân quân tự vệ làng Trung Sơn.
   
                 Nguyễn Bá Phát được học lớp “binh bị tổng trong thời gian được am hiểu nhiều, có thể điều khiển được đoàn vũ trang làng”. Giấy chứng nhận đề ngày 22 tháng 9 năm 1945 do tổng Thái Hòa, huyện Hòa Vang, có đóng dấu “Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh)”. Bằng cấp ấy nay vẫn còn đây.
   
                 Không ai ngờ lớp học quân sự cách mạng đó đã vỡ lòng cho Nguyễn Bá Phát trong sự nghiệp quân sự hơn một phần ba thế kỷ của anh. Cũng không ai ngờ bốn anh trai và những người con gái trong gia đình họ Nguyễn Bá, sau cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, đến năm 1975, đã có thể có mặt đông đủ tại làng nhỏ Trung Sơn, nay là Hòa Liên, huyện Hòa Vang.
   
                 Bốn người con trai đã sớm tham gia quân đội nhân dân ngay sau tổng khởi nghĩa hay vào lúc toàn quốc kháng chiến chống Pháp (12-1946). Đảng và quân đội đã giáo dục đào tạo họ thành những cán bộ cao cấp của quân đội. Người anh cả, Nguyễn Bá Trình, người em kế, Nguyễn Bá Phước đều là đại tá, người em út, Nguyễn Bá Ninh, trung tá. Cả ba người đã vào Nam chiến đấu từ trước năm 1960. Riêng Nguyễn Bá Phát, phụ trách Sư đoàn trưởng, đã chuyển qua tham gia thành lập Quân chủng Hải quân nhân dân và trở thành người Tư lệnh Hải quân với quân hàm Thiếu tướng, có lúc đã kiêm Tư lệnh Quân khu Đông Bắc.
   
                 Hai người chị Nguyễn Thị Hạt và Nguyễn Thị Hợi, sau khi tham gia cuộc kháng chiến lần thứ nhất đã ở lại trong vùng địch để chống Mỹ. Là cơ sở mật suốt hơn 20 năm trời của cách mạng, các chị đã qua nhiều nhà lao, bị tra tấn khủng khiếp, vẫn giữ được lòng trung thành với dân tộc. Cả hai chị đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, được hưởng chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Hai chị đều đã trên dưới tám mươi tuổi rồi.
   
                 Thật là thiếu sót nếu không ghi lại ở đây mẫu chuyện về người nữ dân quân đưa đò trên sông Trường Định. Đầu năm 1949, sau trận thắng địch rất lớn trên đèo Hải Vân, cả trung đoàn chủ lực của ta đã bị địch chặn bít tất cả đường về, đường lui. Chỉ còn con đường sống là một rút qua sông Trường Định cắt ngang vùng địch chiếm, lợi dụng sơ hở giữa các bót, tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân. Nhưng làm sao có thuyền chở cả trung đoàn qua sông dưới làn đạn pháo của địch? Trong cơn hiểm nghèo, ngàn cân treo đầu sơi tóc đó, có hai người nữ dân quân đã đến gặp người chi huy nhận “mệnh lệnh” đầy nghĩa, đầy tình. Ngay trong đêm khủng khiếp này họ đã cùng với các cán bộ địa phương khác, huy động đủ ghe thuyền đưa bộ đội qua sông an toàn. Sau đó họ đã dẫn trâu đi dẫm cho nát con đường bộ đội đã đi qua, để che mắt địch. Chiến công cao cả đó của nhân dân hai xã Hòa Liên, Hòa Hiệp, không bao giờ phai mờ trong lòng những người lính Trung đoàn, mà người chỉ huy là Nguyễn Bá Phát. Còn hai cô gái đưa thuyền trên sông Trường Định là Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Thị Tần. Liên là con gái út trong gia đình họ Nguyễn Bá, một gia đình lực lượng vũ trang cách mạng khá điển hình.

Logged
loiho000
Thành viên
*
Bài viết: 162


« Trả lời #29 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 10:35:29 pm »

II

                 Quân đội nhân dân anh hùng của chúng ta có nhiều tướng lĩnh tài ba. Trình độ và sự am hiểu hạn hẹp chỉ cho phép tôi nghĩ đến các vị tướng nổi tiếng như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Hoàng Minh Thảo, Trần Văn Trà, Nguyễn Chánh... và bao nhiêu vị tướng nữa ở Bộ Tổng tham mưu, ở các Quân đoàn và Quân khu. Họ xuất thân từ Các tầng lớp xã hội khác khác nhau, đến với cách mạng và quân đội bằng những con đường thích hợp khác nhau. Có một nét chung là trong những bước đi ban đầu của sự nghiệp quân sự, phần đông họ thường chưa đi qua một trường lớp quân sự chính quy nào. Rất tiếc là đến bây giờ chưa có những công trình khoa học nghiên cứu về sự hình thành nhân cách, bản lĩnh, đức độ và tài năng của các vị tướng đã từng là niềm tự hào của dân tộc, của quân đội chúng ta.

                 Trong lĩnh vực này, cho phép tôi suy nghĩ đôi nét về một vị tướng ở cấp chỉ huy Quân chủng, Quân khu: đồng chí Nguyễn Bá Phát, một người lính của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Được sống bên anh trong một thời gian khá dài đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, thực tiễn sống và chiến đấu của người chiến sĩ này, luôn đặt trong tôi một câu hỏi: vì sao một người nông dân ít học ở làng Trung Sơn, một người lính thủy trong hải quân Pháp (làm bồi bàn là chủ yếu), một người chỉ huy dân quân ở xã ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, lại có năng khiếu, có tài nghệ về quân sự như vậy?
   
                 Rất may mắn, người viết bài này đã có trong tay hầu hết các quyết định viết bằng tay hay đánh máy hoặc in bằng ty-pô, trên mảnh giấy nhỏ đã sử dụng một mặt hay trên bìa cứng... bổ nhiệm anh chỉ trong chưa đầy một năm qua nhiều chức vụ khác nhau: chỉ huy đội thủy quân lục chiến mặt trận bờ biển nam Qui Nhơn. Phòng tác chiến quân sự Khu 5 kiêm Ban chỉ huy Thủy đội Bạch Đằng, Chỉ huy trưởng Mặt trận đông bắc Buôn Ma Thuột, chỉ huy mặt trận toàn tỉnh Bình Định và An Khê. Tham mưu trưởng Đại đoàn 23 rồi Chỉ huy phó mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng.
   
                 Thời ấy, anh chưa qua một trường lớp chính quy nào, nhưng anh đã được Đảng và quân đội đưa vào cuộc thử thách đầy căng thẳng ở khắp các mặt trận từ Nha Trang đến Buôn Ma Thuột. Sự đa dạng về chức vụ đưa lại cho anh sự phong phú về kinh nghiệm chiến đấu, tri thức quân sự, khả năng chỉ huy.
   
                 Người đội viên của thủy đội Bạch Đằng (được thành lập vào tháng 9 năm 1945) đã tham gia cuộc tiến công tiêu diệt quân Nhật cố thủ trong nhà băng Đông Dương ở Qui Nhơn. Vốn sáng mắt, sáng lòng, người lính thủy của quân đội cách mạng đã cùng một số anh em lính thủy khác, cũng xuất thân từ nhân dân lao động, với tinh thần tích cực tiến công tiêu diệt địch, đã đề xuất phương án khá táo bạo. Hồi ấy ta mới vừa lấy được của Pháp một khẩu pháo 75 ly không có hộp kim hỏa, không có máy ngắm, làm thế nào có thể bắn được? Những người bạn và anh Phát đã đề nghị cứ lắp đạn vào pháo, dùng búa đóng đinh vào hột nổ. Không có máy ngắm thì lấy mục tiêu bằng cách nhìn thẳng qua nòng pháo. Sau nhiều lần điều chỉnh, phương pháp này đã đạt kết quả. Phòng Chỉ huy của địch trong nhà băng bị bắn thủng. Cả đơn Vị Nhật đã đầu hàng.
   
                 Các vị lãnh đạo của Khu 5 và mặt trận đã nhanh chóng phát hiện anh như là một nhân tố mới, và đề bạt anh lên thay cho những người đang chỉ huy. Những anh em này đã từng có những chức vị trong hải quân Pháp. Họ đã vui vẻ nhường quyền chỉ huy Thủy đội Bạch Đằng cho anh.
   
                 Nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, xuất hiện trên hầu hết các mặt trận, anh đã được thuộc quyền chỉ huy của nhiều vị lãnh đạo, chỉ huy có tài như Nguyễn Sơn, Cao Văn Khánh, Nguyễn Chánh, Trần Lương. Anh đã được tiếp xúc hay cộng tác với nhiều vị chỉ huy từ nhiều miền của đất nước, thời Nam tiến đã dừng lại ở Khu 5, như các đồng chí Nam Long, Vi Dân, Đàm Quang Trung, Trương Cao Dũng. Các anh đã truyền cho anh Phát không chỉ hơi thở của cuộc chiến đấu mà còn giúp cho anh những tri thức cơ bản về chiến thuật và chiến lược của quân đội cách mạng.
   
                 Khi nhận nhiệm vụ chỉ huy đánh địch ở đông bắc Buôn Ma Thuột, anh đã thấy phần nào âm mưu chính trị và quân sự của địch ở Tây Nguyên. Vào thời điểm đó ngày 5 tháng 6 năm 1946, khi Bác Hồ và phái đoàn ta sang Pháp để tiếp tục đàm phán tìm ra một giải pháp cho vấn đề Việt Nam trên bàn hội nghị, thực dân Pháp với thủ đoạn “việc đã rồi”, đã tập trung quân tiến công theo trục đường 14 và đường 19 kéo dài, chiếm thêm đất đai, âm mưu nắm đồng bào các dân tộc, thực hiện chính sách chia để trị. Vì vậy, anh Phát đã cùng anh Hùng Việt, chỉ huy phó, dựa vào sự hiểu biết kỹ thuật về mìn của một số anh em quân giới và những máy móc của cán bộ và chiến sĩ đang dùng mìn đánh địch, để rút ra những bài học quý về địa lôi chiến kết hợp với bắn tỉa để đánh địch có hiệu quả. Kinh nghiệm của nhân dân miền núi, dùng bẫy thò giết thú rừng cũng được sử dụng. Mặt trận đông bắc Buôn Ma Thuột đã thu được hiệu quả chiến đấu rõ nét, kìm chân địch, tiêu hao được lực lượng, chặn được chiến thuật “tằm ăn lá dâu” của địch. Cấp trên khen ngợi những thắng lợi thu được trên mặt trận do Nguyễn Bá Phát và Hùng Việt phụ trách.
   
                 Có những gì thu được đó, anh đã phải trải qua thất bại. Như khi chưa chuẩn bị, nghiên cứu tình hình địch chưa kỹ, địa hình, đường sá chưa thông thuộc, đã vội đưa cả Tiểu đoàn đi đánh địch mới co cụm lại. Tất nhiên bộ đội đi lạc đường, đến sáng mới tới mục tiêu, lại rơi ngay vào giữa đội hình trú quân của địch, chiến đấu trong điều kiện bất lợi, cán bộ và chiến sĩ ta hy sinh rất nhiều. Bài học ở Plei Trung nhớ đời với anh Phát, mặc dù trận đó do Tiểu đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy.
   
                 Người chỉ huy trẻ tuổi cũng chứng kiến nhiều cảnh tan vỡ mặt trận, bộ đội rút lui chạy dài trước mũi xe tăng, cơ giới địch, nên đã bị thiệt hại nặng nề, tan rã từng đơn vị như ở Nha Trang hay trên đường quốc lộ 21. Đến khi do tương quan lực lượng không có lợi cho ta, mặt trận đông bắc Buôn Ma Thuột bị chọc thủng, Nguyễn Bá Phát đã bình tĩnh nắm đơn vị, cắt rừng và rút lui. Dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào các dân tộc, đơn vị đã đưa cả lực lượng cán bộ dân - chính - Đảng của địa phương trong đó có nhiều nhân sĩ nổi tiếng như Y Ngông Niêk Đam, Y Tlam vượt qua hàng trăm cây số. Khi qua sông A Dưng, nước lớn, anh em đã làm bè chuối để đến căn cứ an toàn. Liền sau đó chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Khu 5 anh đã đưa đơn vị quay ngược lên đánh địch đang tràn từ một hướng khác, Pleiku xuống An Khê theo đường 19...
   
                 Từ người lính của hải quân Pháp, đến người lính thủy của quân đội cách mạng, từ người bồi bàn trên tàu chiến Pháp, đến người chỉ huy cũng chân đồng vai sắt như anh em chiến sĩ, người nông dân Nguyễn Bá Phát mặc nhiên thấy sự đổi đời. Tinh thần anh dũng, năng nổ chiến đấu công tác của anh bắt nguồn từ đấy.
   
                 Lại có người đi trước giáo dục cho anh trên tiền tuyến. Trung đoàn trưởng xuất thân công nhân, Vi Dân đã tuyên truyền cho anh về Đảng. Chính ủy Nguyễn Minh Thống, người đã gặp anh trong lúc đi trốn trước sự truy nã của Nhật, đã từng chỉ cho anh con đường mà anh chưa đi được, lên với những người khởi nghĩa Ba Tơ, Quảng Ngãi. Bây giờ đã kết nạp anh vào Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác, tên gọi tổ chức của Đảng ra hoạt động công khai sau khi rút lui vào bí mật để mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất vào khoảng năm 1946 - 1948.
   
                 Tất cả đều giúp cho anh trưởng thành từng bước về mặt chính trị và tư tưởng. Tri thức của anh về chiến thuật, chiến lược được tích lũy dần trong thực tiễn chiến đấu.
   
                 Khi nhận nhiệm vụ Tham mưu trưởng Đại đoàn 23 rồi chủ nhiệm phá hoại của Ủy ban kháng chiến miền Nam Trung Bộ, anh đã có dịp về bố trí kế hoạch chuẩn bị phá hoại ở Quảng Nam và Đà Nẵng. Có một trí thức nghe giới thiệu về anh, không thể nào tin tưởng nổi sự tiến bộ nhanh chóng của anh đã thốt lên: “May lắm Nguyễn Bá Thiệp (tên cúng cơm của Nguyễn Bá Phát) cũng chỉ làm được Tham mưu trưởng Trung đội là cùng”.
   
                 Tháng 12 năm 1946, khi trở về quê hương chiến đấu bảo vệ nơi chôn nhau cắt rốn của mình, anh được cử làm Chỉ huy phó trong Ban chỉ huy mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng do anh Đàm Quang Trung làm chỉ huy trưởng. Đây là một mặt trận lớn có 2 Trung đoàn Vệ quốc đoàn 93 và 96, hàng vạn dân quân tự vệ đang đối đầu với một vạn quân tinh nhuệ Pháp được vũ trang đầy mình. Trên quê hương anh sẽ lớn lên mãi với quân đội và nhân dân.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM