loiho000
Thành viên

Bài viết: 162
|
 |
« Trả lời #60 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 10:21:00 pm » |
|
3. Con người hoạt động thực tiễn và sáng tạo. Theo đồng chí thì phải đi vào thực tiễn đời sống của người dân, qua đó mới nghiên cứu, tìm hiểu để phát hiện những vấn đề cần giải quyết, đồng thời vận dụng sáng tạo nhằm thực hiện những nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Trong ký ức của tôi, một trong những sự kiện tâm đắc nhất mà đồng chí Nguyễn Bá Phát đề xuất và tổ chức thực hiện là phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”.
Năm 1977, đất nước mới thống nhất được 2 năm, còn rất nhiều khó khăn. Mục tiêu mà Đảng và Nhà nước giao ngành Thủy sản đến năm 1980 phải đạt sản lượng 1 triệu tấn cá, trong đó khai thác là 80 vạn tấn và nuôi trồng là 20 vạn tấn. Tình hình nuôi trồng thủy sản đang có chiều hướng chậm phát triển. Là người phụ trách lĩnh vực này, đồng chí đã có nhiều trăn trở, nghiên cứu tình hình và tìm hướng đi để phát triển. Đồng chí Nguyễn Bá Phát đã nghe báo cáo của các địa phương, các đơn vị trực thuộc Bộ, sau đó đi khảo sát một số cơ sở. Qua đó thấy nổi lên tình hình, một số vấn đề đáng quan tâm là: Thời gian vừa qua, nhất là 2 năm (1976-1977) đã có 18 cơ sở nhận cá từ ao nhà Bác về nuôi đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt là Hợp tác xã Yên Duyên thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội, năm 1976 nhận một số cá giống rô phi từ ao nhà Bác về nuôi đến cuối năm 1977 thu được 200 tấn cá rô phi thịt. Một số Hợp tác xã, đơn vị quân đội, trường học cũng nhận từ ao cá nhà Bác về nuôi đạt năng suất từ 3-4 tấn/héc-ta. Đồng thời, đồng chí vào thăm ao cá nhà Bác thấy đàn cá phát triển tốt, đồng bào khắp các miền của đất nước về tham quan đều phấn khởi khen ngợi và có nguyện vọng xin một số giống cá từ ao nhà Bác về nuôi. Đứng trước tình hình và nguyện vọng như trên, 1 đồng chí Phát đã đề xuất và cùng tập thể lãnh đạo Bộ Thủy sản báo cáo, đề nghị Ban Bí thư Trung ương - Đảng cho phát động phong trào học tập nuôi cá theo gương Bác Hồ, lấy tên là phong trào “Ao cá Bác Hồ”. Ngày 21 tháng 10 năm 1978, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Tố Hữu đã có chỉ thị cụ thể phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”. Thực hiện chỉ thị trên, đồng chí Nguyễn Bá Phát đã huy động các đơn vị trực thuộc Bộ tham gia triển khai thực hiện một cách tích cực, cụ thể, đảm bảo nhân đủ cá giống cung cấp cho phong trào, làm báo cáo tổng kết và chuẩn bị tổ chức triển khai phục vụ phong trào. Đồng thời đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như các Bộ ngành ở Trung ương có liên quan tham gia chuẩn bị cho hội nghị. Ngày 15 tháng 11 năm 1978, Hội nghị phát triển phong trào thi đua xây dựng “Ao cá Bác Hồ” được tổ chức tại thủ đô Hà Nội. Hội nghị đã được cấp ủy chính quyền và nhân dân các địa phương trong cả nước nhiệt liệt hoan nghênh, hưởng ứng. Dẫn đầu là thủ đô Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 1978, đã tổ chức lễ phát động phong trào thi đua xây dựng “Ao cá Bác Hồ” trong toàn thành phố và tổ chức đón nhận cá giống từ ao nhà Bác về nuôi. Tiếp theo nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3-2), ngày sinh nhật Bác (19-5) toàn bộ các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã liên tiếp tổ chức đón nhận cá giống từ ao nhà Bác về các địa phương để phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”. Sau đó được cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, được các đoàn thể và nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng, nên phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ và được nhân rộng ra hầu khắp các địa phương, các miền trong cả nước, từ biên giới đến hải đảo, từ đồng bằng ven biển đến trung du miền núi. “Ao cá Bác Hồ” đã được xây dựng ở các Nông trường Quốc doanh, Trạm trại, Hợp tác xã, Tập đoàn sản xuất, các đơn vị quân đội, công an, các cơ quan, trường học, bệnh viện... hàng năm từ Trung ương đến địa phương đều tổ chức sơ kết 6 tháng và tổng kết năm để tiếp tục phát triển phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”. Phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã thực sự là động lực thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển. Phong trào đã huy động được đông đảo các lực lượng, thành phần tham gia tổ chức cải tạo tu bổ ao hồ, được cung cấp giống tốt, giống mới, được hướng dẫn và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng nên đã đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao và thu được sản lượng nhiều. Kết quả cụ thể: Diện tích nuôi từ 210.000 hécta (năm 1978) tăng lên 232.000 hécta (năm 1982). Sản lượng cá thịt từ 170.000 tấn (năm 1978) tăng lên 188.600 tấn (năm 1982). Đồng chí Nguyễn Bá Phát tâm sự: qua kết quả của phong trào đã rút ra được bài học quý báu là phát triển kinh tế cũng như làm cách mạng phải biết vận động quần chúng và huy động mọi lực lượng tham gia, khi nhân dân ủng hộ, hưởng ứng thì nhất định sẽ thành công. Thực tiễn phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ” đã góp phần quan trọng khơi dậy được tình cảm thiêng liêng của người dân đối với Bác Hồ kính yêu; đã động viên được mọi người học tập nuôi cá theo gương Bác. Sự sáng tạo của phong trào là từ một ao cá nhà Bác đã được nhân ra, sinh sôi nảy nở thành hàng vạn “Ao cá Bác Hồ”, hàng triệu ao cá trong nhân dân và thúc đẩy phong trào nuôi cá trong cả nước. Nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển nuôi trồng thủy sản. Phong trào xây dựng “Ao cá Bác Hồ”, cũng với phong trào “Vườn quả nhà Bác” và phong trào Tết trồng cây là tiền đề cho phong trào kinh tế VAC sau này phát triển mạnh mẽ và vững chắc cho đến ngày nay. 4. Cuộc sống đồng chí Nguyễn Bá Phát rất khiêm tốn, giản dị và gần gũi với quần chúng. Đó là một cuộc sống hết lòng, hết sức lo cho công việc, lo cho cái chung hàng ngày, còn cuộc sống riêng của đồng chí thì đạm bạc, ăn uống đơn giản như mọi người dân bình thường khác, đồng chí không hề kêu ca phàn nàn hoặc đòi hỏi điều gì với cơ quan. Khi đến công tác ở các địa phương, nhất là ở , những vùng bãi ngang ven biển, ngư dân còn nghèo, được các địa phương đón tiếp rất nồng hậu, nhưng khi mời ăn uống đồng chí từ chối. Đồng chí thường căn dặn chúng tôi là không nên ăn ở các xã và Hợp tác xã vì bà con nông dân còn nghèo, một số nơi thường là “khách ba, chủ nhà bảy”, nếu tổ chức ăn uống như vậy rất tốn kém và là ăn vào tiền mồ hôi nước mắt của nông dân. Khi có nơi biếu quà đồng chí lại nói: nếu là nông, ngư dân biếu củ khoai, củ sắn hoặc con các khô thì ta nên nhận và phải nhận vì đó là tình cảm chân tình của dân. Còn nếu nơi nào biếu quà có giá trị và đắt tiền thì không được nhận. Khi ăn uống đồng chí thường nói chuyện về Bác Hồ lúc sinh thời thường nhiều lần nhắc nhở cán bộ và mọi người phải tiết kiệm. Vì vậy chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hiện, không ai cấm đoán và hạn chế chúng ta cả, nhưng chúng ta phải tự giác ăn được đến đâu thì gọi món đến đó, đã gọi rồi thì ăn cho hết, không được bỏ lãng phí, đất nước ta còn nghèo và còn nhiều người không đủ cơm ăn, áo mặc. Ta phải nghĩ tới đồng bào còn nghèo khổ thì mới đúng với lương tâm của người cán bộ cách mạng, người đảng viên cộng sản. Còn nhiều câu chuyện cảm động về đồng chí Nguyễn Bá Phát với cán bộ nhân viên trong cơ quan Bộ cũng như với nhân dân các địa phương mà tôi đã chứng kiến. Tôi chỉ có thể tóm tắt và nhắc lại rằng đồng chí Nguyễn Bá Phát là một con người giàu lòng nhân ái, có cuộc sống giản dị, gần gũi quần chúng, luôn nêu cao đức tính “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Cuộc đời và Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Bá Phát gắn liền với lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần trách nhiệm cao cả, chiến đấu dũng cảm, sáng tạo, quên mình vì sự nghiệp, đồng chí đã góp phần tích cực xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và ngành Thủy sản nước ta. Tôi luôn luôn tâm niệm suốt đời học tập tấm gương về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí. Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Bá Phát mãi mãi là người thầy của tôi. N.V.L (1). Cựu chiến binh. Tổng Giám đốc Công ty dịch vụ kỹ thuật Vacniva.
|