Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:56:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích  (Đọc 21326 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 09:05:53 am »


2. VĂN SÁCH
(Của Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích.
Khoa Kỷ Tỵ (1869) năm 22 niên hiệu Tự Đức)

Thần xin thưa, thần nghe rằng: giữa trời và người không xa xôi lắm, cho nên việc làm của ông Vua thường có sự cảm ứng với trời đất. Sao vậy? Là vì Trời là Lý vậy. Lý tan hòa trong muôn vàn sự vật. Dẫu trời không thể làm, người sẽ làm thay. Trời lại là Số vậy. Sự vận động của Số có khi xuất hiện trong đột biến. Dù là đời thịnh không thể không có hiện tượng ấy. Thánh hiền sinh ra ở đời nay, quý là ở chỗ có khả năng đổi suy nên thịnh, đổi sai nên đúng, đổi nguy nên yên, đổi loạn nên trị, lấy Lý mà chế ngự, chứ không nhất thiết phó mặc khí số, đã không phó mặc khí số thì cũng trở lại tìm ở nhân sự mà thôi.

Kính duy hoàng đế bệ hạ: Thông minh làm phép tắc, giản dị làm giếng mối, từ khi lâm ngự tới nay, chăm chăm lo trị, trăm việc phấn chấn, tấm lòng kính trời thương dân, chưa một ngày nào lơi lỏng, thành tâm nhận lỗi sợ trời soi tới vậy, sắc các thần cầu mưa, xin phúc, hễ những điều gì làm để cầu được mệnh trời lâu dài, đặt nước nhà trên một cơ đồ muôn vạn năm, đều đã không việc gì không làm hết sức. Hơn nữa, trong cái dụng của bậc đại trí, đầy lòng khiêm tốn, trong lúc muôn việc hơi rảnh, gọi chúng thần vào sân, tha thiết hỏi cái lý "thiên nhân", tính chất khác nhau của những sự kiện thành công, thất bại, lẽ trị loạn xưa nay. Ở đây chúng thần được thấy tấm lòng ưa hỏi, ưa xét của bệ hạ, cũng tức là tấm lòng luôn luôn tìm điều thiện như đức của Đại Thuấn vậy. Thần đây vụng dại, quê mùa, ngay đối với việc nhân sự còn chưa nghiên cứu tường tận huống chi là cái lý cực kỳ tinh vi, đâu có đủ để làm bẩn tai của Thánh thượng. Nhưng khi bắt đầu thưa trình dám đâu không đem hết kiến thức để dâng hiến chút sở đắc nhỏ mọn hay sao?

Thần cúi đọc chế sách, có đoạn nói: từ xưa tới nay, vận hội thịnh suy, sửa sai chỉnh đúng, rành rành có thể khảo xét, đại để không ngoài những điều: "tính mệnh, chính giáo". Nhân đó hiểu rõ về sự khác nhau giữa "tính, tình, tâm, mệnh, đạo, đức, nhân, thứ" cùng với tính chất dị đồng giữa "tà, chính", "hưng, suy", "thịnh, giáng", "thánh, phàm", "cùng, đạt". Thật đủ để thấy đức Hoàng thượng ta minh triết tinh diệu, xét lý rất rõ và muốn cho sự thảo luận được rất mực chu tất vậy.

Thần nghe rằng, từ xưa, bậc vua chúa cai trị thiên hạ không ai không bắt nguồn từ tính trời, rồi noi theo đạo của tính ấy mà mở mang giáo hóa. Làm đúng điều đó là trị bình, làm sai điều đó là loạn lạc. Sự phân chia ra trị hay loạn là xem nơi lòng mình cư xử như thế nào và công việc của mình thi hành như thế nào mà thôi. Đức tốt rỡ ràng là vua Nghiêu, huyền đức vang dội là vua Thuấn. Thuận theo cái tình của TÍNH MỆNH để dẫn dắt muôn dân vào cõi nhân thọ. Cho nên việc trị thủy giao cho ông Vũ, việc trồng cấy giao cho ông Tắc làm. Chính sách yên dân không thể không chu toàn. Sai ông Tiết làm chức tư đồ, năm giáo ban khắp. Những điều giáo hóa cho dân không nơi nào không hoàn bị. Vua Thang tới bậc thánh kính, trời sai cai trị 9 châu. Vua Văn, vua Võ ban bố đức sáng, trời sai chịu mệnh muôn nước, mà chính sự hiện ra ở chỗ không cương, không nhu; rỡ ràng thừa kế, làm bất cứ điều gì là nhằm đưa nhân dân vào cõi hòa bình, giàu có. Sự giáo hóa được biểu hiện ra ở chỗ riềng mối được sửa sang, coi trọng 5 giáo cốt là khép nhân dân vào phong tục nhân nhường, hiếu đễ. Trong khoảng trên dưới vài nghìn năm, đời được hòa bình, thịnh vượng, có chỗ đời sau không theo kịp được, chính là nhờ về điều đó vậy. Vua Kiệt nói: "Có mệnh ở Trời"1 mà cứ càn rỡ làm điều tàn bạo. Vua Trụ không biết có trời, xa rời mệnh lớn, mà chuyên làm việc vơ vét hà khắc, dựng nên cung Quỳnh, đài Giao, ao rượu, rừng thịt. Những điều họ làm đều là chính sự hại dân, tàn vật. Việc quan lữ ở Minh Điều, Mục Giã2 vì thế mà nổi lên chăng? Từ các đời Hán, Đường về sau, hoặc lấy sự ham muốn riêng tư xen vào, hoặc đức không chân thực. Vì tôn sùng Hoàng Lão mà đời Hậu Nguyên3 tuy nước giàu, dân đông cũng không thể nổi lên phong tục lễ nhượng, nghĩa lý phần nhiều trái ngược. Đời Trinh Quán4 có nhiều điều sai ngoa, khinh bạc nên không làm sao có được hành động của bậc quân tử. Nuôi dưỡng nhân dân, nêu cao chính học, chính giáo của đời Tống tương tự như vậy. Sự chưa sáng tỏ về vương đạo cũng có, sự giảng cứu học thuật về đạo trị bình chưa đến nơi đến chốn cũng có. Tìm cái gọi là cùng lý, tận tính của đạo tu thân, trị dân là chưa hề nghe. Vậy thì sao có thể trông mong tiến tới cảnh hưng thịnh như đời cổ đại? Xét về duyên cớ thịnh, suy, được, mất thì thấy rằng cái lý Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín gọi là Tính. Tính là cái con người có được khi sinh ra, phát ra xót thương, xấu thẹn, từ nhượng, phải trái thì gọi là Tình. Tình là trạng thái động của Tính vậy. Tâm thì thống lĩnh Tính Tình, không tình huống nào là không cụ thể. Mệnh thì Âm dương và Ngũ hành5 bẩm thụ vào vật. Từ cái mà người ta đều phải noi theo thì gọi là Đạo. Từ chỗ hành đạo mà trong lòng có sở đắc thì gọi là Đức. Gọi rằng Nhân là vì có lòng ôn tồn, từ ái. Gọi rằng Thứ là vì có nghĩa suy lòng mình thích ứng với sự vật. Tựu trung là Tính và Đạo vốn đều xuất phát ở Trời vậy, mà Lý thì một, Khí thì không thể không có chỗ khác nhau. Cái thiện của Tính vốn cùng với cái lý bản nhiên của nó. Cái đặc thù của Đạo là ở sự bẩm thụ chưa phát ra, có sáng tối, thuần tạp khác nhau. Đến như điều "mệnh không ngang nhau" thì không thể nói chung một cách nhất luật được mà vua với tướng là người tạo mệnh, cho nên không thể nói đến mệnh.
_________________________________
1. Theo Mạnh Tử thì vua Kiệt thường nói: Ta sinh ra không có ở mệnh trời.
2. Minh Điều là chỗ vua Thang đánh bại quân của vua Kiệt, Mục Giã nơi vua Võ đánh bại quân vua Trụ.
3. Hậu Nguyên: Niên hiệu của Hán Vũ đế.
4. Trinh Quán: Niên hiệu của Đường Thái Tông.
5. Nhị khí: Âm dương. Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 09:08:00 am »


Kinh Dịch nói: "Nhà vua bồi dưỡng vun đắp nên đạo trời đất, giúp rập sự thích nghi của trời đất để nuôi dưỡng dân". Sách Trung Dung nói: "Trời đất chính vị là ở sự trung hòa, muôn vật sinh dục ở đấy”. Nếu việc gì cũng phó mặc số mệnh thì công lao tham tán trời đất như Kinh Dịch và sách Trung Dung nói đó, thì chẳng cần gì phải làm nữa. Khổng Tử ít nói đến Mệnh là sợ con người cứ ruổi theo lẽ huyền diệu, nhưng cái lý vì sao lại như thế thì người quân tử không thể không biết đến. Cho nên, Người lại nói: "Không biết Mệnh thì lấy gì để làm người quân tử". Tìm ở trong kinh truyện thì như Kinh Thi có câu: "Sánh với mệnh trời dài lâu", rằng: "Mệnh ấy luôn mới". Kinh Thư có câu: "Chỉ có mệnh trời là không thường", rằng "nối theo trời để sáng mệnh". Tóm lại, từ người dưới mà nói thì kẻ sơ học không nên vội nghe về chữ mệnh mà người muốn cùng lý thì phải nghiên cứu cho sâu. Đúng như sách nói, phải cùng hết "tính" để đến "mệnh" vậy. Còn từ người trên mà nói thì "mệnh" có chỗ khiếm khuyết bậc thánh nhân bổ cứu vào; "mệnh" có sai lầm, bậc thánh nhân bồi đáp cho. Đúng như sách nói: Trời đất đặt vị, thánh nhân hoàn thành được năng lực vậy. Nhìn nhận một cách tổng quát trong mối quan hệ đan xen giữa các sự vật thì ý nghĩa tương hỗ của chúng có thể thấy rõ vậy. Phải chăng, quả thật là điều không thể tới sao! Mệnh không ngang nhau như thế, cho nên có chính có tà, có bậc thánh, có kẻ gian. Người chân chính nhất định nổi lên, bậc thánh nhân hẳn sẽ thành đạt. Đó là lẽ thường của số vậy. Cũng có lúc không được lẽ thường ấy mà kẻ tà cũng nổi lên, kẻ gian có lúc thành đạt. Đó là lẽ biến của số vậy. Thế thì từ khí số mà nói về mệnh không phải là không có sự bĩ thái, thịnh suy khác nhau. Khổng Tử nói rằng: "Đạo sắp được thi hành ư? Mệnh vậy! Đạo sắp bị ruồng bỏ ư? Mệnh vậy!" chính là để chỉ rõ rằng: tên Bá Liêu không thể dèm vậy1. Lấy lý thế mà nói về trời không phải là không có sự lớn nhỏ, mạnh hèn khác nhau. Mạnh Tử nói rằng: "Người quân tử sáng nghiệp truyền đời để người sau có thể kế thừa được, đến như sự thành công là do trời vậy". Chỉ là để nói rằng nước Đằng không có thể làm gì được. Nhưng sau khi nói với người nước Đằng rồi, ông lại nói tiếp: "Cố gắng làm điều thiện mà thôi"2. Thế thì đối với thuyết "người làm và trời định" thánh hiền cũng chưa từng nhất nhất noi theo cả.

Thần cúi đọc chế sách, thấy có đoạn nói: "Trời theo điều người muốn" thì điều họ muốn, không gì bằng muốn sống. Thế mà những tai nạn thủy hạn, tật dịch còn chưa thể tránh khỏi, "đạo trời" thì xa mà "đạo người" thì gần. Vậy cái thuyết "vọng khí chiêm tinh" ấy, quả đều là chẳng ứng nghiệm gì. Mà sự ứng nghiệm với các hiện tượng tai dị hay cát tường thì đời nào cũng có. Thần đủ thấy rằng hoàng thượng tha thiết lo cho dân, thành tâm yêu mến dân, để ý rất mực đến mối quan hệ giữa trời và người. Thần nghe rằng: Trời nhìn nhận cũng như dân nhìn nhận. Trời nghe cũng như tự dân ta nghe3. Trời và người chỉ là một lý, cho nên lòng dân ở đâu tức là ý trời ở đó. Kinh Thư có câu: "Điều dân muốn, trời ắt theo". Câu này tuy để chỉ rõ cái lý "dấy quân nhất định thắng trận", nhưng cũng có thể thấy rằng lòng trời không ngày nào không ở nơi dân vậy. Là vì có cái tai nạn, thủy hạn, tật dịch, há rằng không có cái thuyết ấy chăng? Đổng Trọng Thư đời Hán có câu: "Tai dị là điều lòng trời thương yêu nhà vua". Vì rằng hễ ông vua nào thất đạo thì việc làm của ông ta nhất định trái với ý muốn của dân, làm thương tổn đến sinh mệnh của họ. Cho nên trời rủ tai dị để răn đe, hình như muốn nói với các vị vua ấy rằng: Nhất thiết phải thay đổi điều mình làm thì sau dân mới yên, nhất thiết dân có yên thì biến cố mới có thể dẹp. Thế thì điều mà trời làm cho vua chúa phải lo lắng sợ hãi rồi sửa sang đạo đức, thay đổi việc làm, tức không điều gì không muốn cho dân được sinh tồn, làm cho họ được an toàn sinh dưỡng vậy. Xem như đời xưa, có ông vua thốt ra lời nói phải đạo mà ngôi sao lùi đi một độ xa. Có ông vua xét đến tù nhân bị giam lâu ngày mà trời mưa lớn. Thế thì lòng trời há phải ở ngoài lòng vua đâu? Đã không ở ngoài lòng vua thì há lại ở ngoài lòng dân hay sao? Từ chỗ xa gần mà nói, đạo trời và đạo người không thể không có chỗ phân biệt. Đúng như lời nói ở sách Tả truyện, mà cái lẽ "tương thông" của nó thì chỉ là một. Cho nên ở người có việc ấy thì ở trời có "tượng" ấy. Xem mây trên núi Mang Đường, người thông hiểu biết rằng Hán Cao Tổ thế nào cũng nổi lên. Thấy 5 sao quần tụ ở vùng sao Khuê, người trông thấy có thể đoán biết tiên triệu của nền văn học đời Tống.
___________________________________
1. Đoạn này ở Luận ngữ.
2. Đoạn này ở Mạnh Tử.
3. Câu này trích trong Thiên Thái thệ - Kinh Thư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 09:10:13 am »


Đó đều là những câu chuyện mà lý của nó nhất định không sai vậy. Nếu cho là không ứng nghiệm thì việc người xem mây trời (thiên văn - N.D) xét tai tường ấy cũng đều chỉ là chuyện hão hay sao? Quẻ Đại hữu ở Kinh Dịch có câu: "Tự trời giúp cho, tốt thì không gì không lợi". Bởi vì người ta bất theo điều tín, nghĩ điều thuận, quý chuộng kẻ hiền tài, thì trời tất phù hộ cho, điều tốt lợi sẽ ứng và thu lượm được - Xem lời giải thích của Hệ từ1 mà tìm thì cái lý trời giúp điều thuận là rành rành vậy. Kìa như ở Yên Định và Giáp Hà cũng đều có trận gió giúp công2. Chiếu theo Kinh Dịch hình như không đúng như thế, chưa có thể lấy thường tình mà lường vậy. Đến như vua Nghiêu là người có đức chí thánh, lại đang gặp vận "trung thiên". Công bình trị của ông, đời sau vốn không thể theo kịp. Đâu có thể vì điềm lành vừa kể trên hơi giống mà vội cho là sánh được với cảnh thịnh vượng của đời Nghiêu hay sao! Vả như sao tốt, mây lành, cỏ thơm nước ngọt, xét về điềm lành mà trời dùng để đền đáp cho nhà vua, không phải chỉ có một. Tựu trung điềm cực tốt không gì bằng được mùa. Xét trong sử sách, lời chép "rất được mùa" vốn không thấy nhiều. Đời Hán Vĩnh Bình3 nối tiếp sau khi trung hưng, đức vua anh minh, chính sự trong sáng. Đời Đường Khai Nguyên4 có họ Diêu, họ Tống giúp đỡ, hình phạt đơn giản, thuế khóa công bằng, khoan nới đã có căn bản để làm cho mùa màng thay đổi, đến được cảnh tượng "được mùa” thực là phải. Nhưng Đường Huyền Tông đức không giữ vững để đến cuối đời xa giá phải bôn đào, sánh sao kịp Hán Minh đế mà công nghiệp trị bình nổi tiếng ở Đông Đô. Đức kính thuận của vua Nghiêu sánh ngang với trời. Đức thành kính của vua Thang thấu rõ đến trời. Trong các thời đại ấy, há không có điềm được mùa ứng hiện? Sở dĩ không nghe nói là vì sách sử đời xưa lược bỏ không chép mà thôi. Đời Nghiêu bị lụt lội 9 năm mà còn có thể làm cho dân có cơm ăn. Đời Thang bị hạn hán 7 năm mà còn có thể làm cho triệu dân sinh dục thuận lợi. Nếu không phải là trước đó có được mùa thì làm sao có thể dành dụm được nhiều mà phòng bị trước được đầy đủ như thế? Còn như đời Lương Vũ Đế và đời Đường Trang Tông được mùa, thì đó chỉ là sự ứng hiện ngẫu nhiên, vốn không đủ để bàn đến.

Thần cúi đọc chế sách có đoạn nói: Đến như chính giáo thì thiện chính cùng với thiện giáo có gì khác nhau, vô vi với vạn cơ trái ngược nhau, bốn người hung ác bị 4 tội, hình luật cũng chưa rõ ràng, sao mà điều sở tôn, sở thượng lại không giống nhau? Rồi, lại hỏi đến đời đại đồng, tiểu khang cùng với dấu vết xưa nay sai đúng?
______________________________________
1. Theo người xưa lời Quái từ của Văn Vương viết trong Kinh Dịch gọi là Hệ từ. Hệ từ truyện do Khổng Tử soạn cũng gọi là Hệ từ.
2. Đoạn này ý nói trong các trận đánh ở Yên Định, Giáp Hà phía nghịch mà vẫn có gió giúp công.
3. Vĩnh Bình: Niên hiệu của Hán Minh đế.
4. Khai Nguyên: Niên hiệu của Đưòng Huyền Tông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 09:18:00 am »


Thần, ngửa thấy đức hoàng thượng ta lo trị ân cần, cầu trị gấp rút, toan soi gương đời trước mà đem ra thi hành vậy. Thần nghe rằng: Chính sự để chính dân, giáo là để dạy dân, đều là việc không thể thiếu trong đạo bình trị. Từ chỗ dùng pháp chế cấm lệnh để được của dân, khuyên thưởng dỗ dành để được lòng dân, thì thiện chính là khởi thủy của vương đạo mà thiện giáo là tập đại thành của vương đạo chăng? Một thân của ông vua là căn bản của chính sự, từ chỗ không lấn át chức vụ của mọi người thì gọi là vô vi mà trị. Từ chỗ làm thay việc trời thì gọi là một ngày vạn cơ. Tóm lại mà nói thì việc hữu vi một cách tường tận, chính là để thu lấy công hiệu vô vi chăng? Trăm họ hòa hiệp, hữu tư cũng không cần động phạm đến, trị 4 tội mà thiên hạ đều phục, hình phạt chỉ thi hành đối với 4 điều hung ác mà thôi. Xem như ông Cao Dao coi việc hình phạt mà Kinh Thư có câu: "Cố gắng lập đức"1 chẳng phải là bỏ buông việc hình phạt là gì? Trước sau kế thừa chỉ noi theo một đạo, tôn mệnh và tôn thần khác nhau là vì thời thế biến đổi khác nhau mà thôi. Xem như Lễ ký có câu: "Nói về lễ thời, là điều lớn" đâu có thể nhìn vào hình tích mà xem ngang hàng được? Thiên Lễ vận ghi việc Khổng Tử xem cảnh long thịnh của Lễ, "lạp"2 có nói về các đời đại đồng và tiểu khang. Đối với đời tiểu khang, Người nói: "Các vua Võ, Thang, Văn, Võ, do đó mà định". Thế thì, gọi là đời đại đồng chỉ có hai triều Đường, Ngu mới đáng nói. Xem câu: "Thiên hạ là của chung"3 thì đủ rõ vậy. Xét về đời sau như Đường Thái Tông ra sức làm việc nhân nghĩa, công hiệu đưa đến việc "một đấu gạo trị giá 3 tiền, cửa ngoài không cần đóng" so với cảnh đời xưa "nhà nhà không cần đóng cửa, người đi đường không phải mang theo lương thực" tên gọi hình như giống nhau. Song đời Đường cũng không thể tránh khỏi việc "trăm họ ta thán vì một hạt thóc không thu hoạch". Thế thì sao đủ xứng đáng với cảnh tượng đại đồng? Kìa Chu Thế Tông có tên gọi là "Nghiêu Thuấn nhỏ" chỉ là vì đời cuối, trước khi ông ta kế nhiệm, đất nước loạn lạc tơi bời. Ông ta ngẫu nhiên có chút chính sự khả quan, nên người ta bất giác quá khen mà thôi, làm gì có thể vượt xa đời Tam đại được? Người xưa khen cảnh thịnh trị không đời nào thịnh hơn Đường Ngu. Bàn về đức vua, không vua nào thịnh hơn Nghiêu Thuấn. Kinh Thư có câu: "Đức của nhà vua rạng rỡ dưới trời, đến những thương sinh ở nơi góc biển, dân ở muôn nước đều là bề tôi của vua". Thế là, lúc bấy giờ đã không còn người nào không được giáo hóa. Rợ Hữu Miêu chưa đầu hàng là do lúc đầu họ chưa thoát khỏi bó buộc. Nhưng khi đã lui quân về, vua Võ càng tuyên dương ân đức rộng khắp, nên các bộ lạc đánh dẹp không xong ấy liền tới hầu, sau khi múa can vũ 7 tuần4. Nếu như tam cương không chính, Đường Thái Tông vốn không có cái học thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, cho dù có oai võ thắng trận bốn phương, tạm có thể khoa khoang là "Hồ Việt một nhà" nhưng do ở chỗ đạo đức của ông ta có nhiều điều đáng hổ thẹn, đã không có căn bản làm cho người ta tín phục. Vô luận việc cho mọi rợ ở dưới cửa khuyết, đã không hiểu gì sự phân biệt trong với ngoài mà chỉ biết một chiều về oai vũ trong trận đánh Liêu Tả5, rốt cuộc chẳng có thể cho đó là thành công được. Há có thể đem việc ấy mà bàn chung với chuyện đánh Hữu Miêu ở đời Ngũ Đế!

Thần cúi đọc chế sách, đoạn cuối có nói: Ngờ thì hỏi, nghe thì thông, trẫm rất kém cỏi, mơ hồ chưa có khả năng thấu suốt, không sao hiểu hết sự lý mà trông mong ở chúng thần viết rõ trong bài không phụ lời trẫm hỏi.
____________________________________
1. Câu này trong Tả truyện nói về ông Cao Dao.
2. Lạp: Lễ tế bách thần vào cuối năm ở thời cổ đại.
3. Thiên lễ vận có câu: "Đạo lớn thi hành, thiên hạ làm của chung". Đây dẫn câu ấy.
4. Bắc sử chép: Hạ Võ lui quân về, múa can vũ ở hai thềm bảy tuần mà rợ Hữu Miêu tới hàng.
5. Trận đánh ở Liêu Tả, tức trận đánh giữa quân Đường Thái Tông và quân nước Cao Ly. Quân Đường thua.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 09:24:24 am »


Thần thực thấy rằng lòng của hoàng thượng đã biết còn muốn biết thêm, đã hay còn muốn hay thêm. Vốn như Thương Cao Tông đêm ngày suy nghĩ gửi gắm ở sự giúp đỡ của vị tướng giỏi Phó Nham1. Đó không phải là điều có thể trông đợi ở ngu thần này. Nhưng thần trộm nghĩ rằng, đạo trị nước không ngoài hai điều yên dân và biết dùng người mà thôi. Thiên Lập chính Kinh Thư có nói: "Kìa người đời xưa... làm được đạo ấy chỉ có nước Hữu Hạ, đang lúc cường thịnh, cầu hiền tài và tôn thượng đế". Thiên Thiệu cáo cũng lấy việc hòa hợp tiểu dân làm nguồn gốc cho sự cầu xin mệnh trời lâu dài. Từ xưa, vua thánh, tướng hiền cùng nhau lo toan, chính sự khoan dung, sửa sang phép trị, chưa bao giờ không làm trước từ hai điều ấy. Ngước thấy hai ba năm nay luôn có tai dị, nhân dân đói khát. Năm trước, thần vâng đọc dụ. Dụ có nói rằng: "Từ xưa tới nay chưa bao giờ có nhiều việc như ngày nay, chưa bao giờ tai vạ như ngày nay". Lớn lao thay lời nói của đức hoàng thượng ta! Trên thể ý trời, dưới lo dân sinh thật là rất mực. Cho nên đối với thuế khóa thì tha bớt, đối hình phạt thì giảm nhẹ, bọn quan lại hiền lương thì được nêu khen, bọn quan lại gian tham thì phải khiển trách, nghiêm trị. Hễ đem ra thi hành một chính lệnh nào cũng đều là xây dựng tính mệnh cho nhân dân.

Thế mà dưới cảnh đau khổ lâu ngày, thần không dám nói là đã khá vậy. Và đối với thói tham nhũng kia, thần không dám nói là đã thay đổi vậy. Nhân dân là con cái của bệ hạ, là gốc rễ của nước nhà. Con cái mà không được bảo dưỡng làm sao mà có thể lớn mạnh. Gốc rễ mà không được vun trồng làm sao có thể vững bền. Phương chi họ lại còn bị nhiễm hại, bóc lột không phải là ít. Xin bệ hạ lo làm sao mà bảo dưỡng, vun trồng cho họ để họ được sống còn thoải mái thì dân được yên ổn vậy. Muốn cho dân được yên ổn, cốt ở chỗ chọn người mà dùng, mà chỗ quan trọng của việc dùng người thì lại bắt đầu từ bộ thuyên tuyển. Cúi xin bệ hạ phải làm thế nào cho trong sạch từ gốc nguồn, đoan chính từ cội rễ mà phép khảo thí phải cho nghiêm nhặt, thì những người được chọn dùng không ai không phải là người tốt vậy. Người xưa từng nói: "Được một viên huyện lệnh tốt như được mười vạn tinh binh, được một viên thái thú tốt như được trăm vạn tinh binh". Quả như thủ lệnh đều là người giỏi thì dân không nơi nào không yên. Dân đã yên thì dẫn tới khí hòa, dập tắt biến cố, của cải không lo gì không dồi dào, quân lính không lo gì không cường tráng, để dẹp yên trộm cướp, ổn định biên thùy, chắc không ngoài điều đó vậy. Đời xưa ông Cao Dao trình bày bài Mô2 ở trước vua Thuấn cũng lấy hai điều đó làm quan trọng mà bắt đầu bằng việc tin làm theo đức. Thần dám xin lấy bài Mô ấy để làm vật dâng lên hôm nay.

Thần là kẻ mạt học ở nơi thảo dã, không hiểu húy kỵ, can phạm uy nghiêm, khôn xiết run rẩy.

Thần kính thưa.
Bản dịch của cụ Nguyễn Đức Vân (1965)
Nguyễn Tiến Đoàn chỉnh lý (1995)
_______________________________
1. Bài sử chép: Thương Cao Tông nằm chiêm bao thấy trời cho một viên quan giỏi. Sau tìm được một người ở Phó Nham tên là Duyệt, lập làm tể tướng. Đây dùng điển ấy.
2. Mô: nói chung về mưu chưóc. Đây chỉ bài Cao Dao mô ỏ Kinh Thư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 09:25:36 am »


DANH MỤC SÁCH THAM KHẢO

1. Trần Văn Giàu, "Chống xâm lăng”, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, 2001.
2. "Thơ văn Nguyễn Quang Bích", Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1973.
3. "Ngư Phong và Tượng Phong thi văn tập", Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1998.
4. "Nguyễn Quang Bích - Nhà yêu nước, nhà thơ", Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993.
Và các tài liệu khác.

Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM