Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:34:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích  (Đọc 21314 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:35:53 pm »


Đọc kỹ lại những bản ghi chép xưa nay về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Quang Bích và các bài thơ bài văn của ông, ta có một cảm tưởng rằng, ông thật ra không phải là một vị tướng biết chủ động cầm quân với tài năng thiên bẩm. Trong ông không có cái tài thao lược của một Trương Định, cũng không sẵn có con mắt "có mưu", "trù hoạch" của một Phan Đình Phùng, ông trước sau chỉ là một vị quan văn, một vị đại diện có uy vọng của triều đình Hàm Nghi, và nhất là một con người có tấm lòng nhân hậu - một vị "hoạt Phật" như cách nói của nhân dân vùng Hưng Hóa.

Mới đầu, khi giặc kéo đến vây hãm Hưng Hóa, Nguyễn Quang Bích đã toan liều chết theo thành như một Hoàng Diệu để giữ trọn tiết nghĩa. Việc đó nếu thành, chắc sẽ làm cho lý tưởng trung quân có thêm một biểu tượng, còn với lịch sử thì tuyệt nhiên không có một ý nghĩa mới mẻ gì. Nhưng rồi quân sĩ dưới trướng đã kịp thời kéo Nguyễn Quang Bích xuống khỏi Kính Thiên đài, vực ông lên ngựa, thoát khỏi vòng vây. Và thế là từ đó ông trở thành linh hồn chống Pháp của cả Bắc Kỳ rộng lớn, với các chức vụ không phải ngẫu nhiên được Tôn Thất Thuyết phong tặng: Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần.

Đã có một cuộc đấu tranh diễn ra bên trong con người vị lãnh tụ nghĩa quân họ Nguyễn, và từ đó làm xuất hiện nhà thơ yêu nước Ngư Phong. Những nhà thơ yêu nước cùng thời khác hẳn không phải trải qua một cuộc đấu tranh thầm lặng mà đầy bão tố như thế. Nhưng hoàn cảnh bạo liệt đã đưa Nguyễn Quang Bích vào cuộc đấu tranh đó, khiến cho ông không lùi được nữa; những phần cầu an trong ông không còn chỗ bám víu và những phần sáng đẹp nhất bỗng chốc sáng bừng lên. Như trong một giấc mơ dữ dội, Nguyễn Quang Bích lòng đầy rung cảm, hiên ngang đi tới cái đích cuối cùng, cái đích "xả thân" đúng với nghĩa đen của danh từ đó. Nguyễn Quang Bích thậm chí cũng không được như nhiều vị thủ lĩnh khác cùng thời trước lúc lao vào sống mái với giặc được trở về quê thăm viếng phần mộ tổ tiên và từ biệt cha mẹ, vợ con cùng làng bản quê hương, một nghĩa cử hết sức trọng đại của thời xưa, vừa biểu hiện sự trọn vẹn nghĩa tình với nơi chôn nhau cắt rốn, vừa long trọng đánh dấu bước ngoặt lớn của đời mình.

Nhà thơ họ Nguyễn chắc không thể ngờ rằng đối với ông, ngày lên đường trị nhậm Hưng Hóa cũng chính là ngày ông vĩnh quyết với quê hương và thân bằng cố hữu. Nhưng những dòng thơ trong Ngư Phong thi tập vẫn hiện lên thấp thoáng đó đây những nỗi niềm khắc khoải của nhà thơ mỗi khi gặp ngày giỗ cha, giỗ mẹ... Rõ ràng, từ góc độ của môi trường sáng tác khách quan mà xét, Nguyễn Quang Bích là nhà thơ có cái may đứng trước một đối tượng sáng tác hiển nhiên mới lạ, làm gợi lên trong ông bao nhiêu cảm xúc ngổn ngang, và buộc con người thơ trong ông phải tìm cách chiếm lĩnh. Khỏi phải nói, đó chính là hai mặt có quan hệ tương tác với nhau, làm nên sức hấp dẫn riêng của tác phẩm Ngư Phong thi tập.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:36:20 pm »


Đọc Ngư Phong thi tập ai cũng công nhận đó là những vần thơ hay. Thơ của Nguyễn Quang Bích xúc động đến đáy lòng ta, và bắt ta không thể đọc lướt cho nhanh mà cứ luôn luôn phải quay vào đối diện với chính mình, thông qua những điều nhà thơ tìm kiếm và trăn trở. Câu thơ Ngư Phong vẫn nhẹ nhàng trầm mặc, như âm vận muôn thuở của hình thức thơ luật cổ điển, có nơi còn phảng phất phong vị thơ Đường, nhưng thực ra đã chứa đựng một nét mới so với thơ ca cổ truyền của thế kỷ XIX.

Cái mới dễ nhìn thấy trước nhất là bức tranh sinh hoạt của núi rừng Tây Bắc được vẽ lại thật sắc nét trong thơ. Từ mấy chục năm trước, giáo sư Đinh Xuân Lâm đã nói đến đặc điểm đó của Ngư Phong thi tập. Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đã lần lượt nói về cái nhìn tinh tế và chân thực của Nguyễn Quang Bích, cái chỗ đáng gọi là nhân tài của một hồn thơ khi biết cách làm sống dậy sự sống ẩn náu lâu đời trong một vùng rừng núi, bằng những nét phác họa về phong tục, tập quán, con người, cảnh vật ở đây. Chỉ riêng với mảng đề tài độc đáo này, Nguyễn Quang Bích đã có vinh dự đưa vào thi ca của thế kỷ XIX một mảng sống thật khác thường.

Bức tranh Tây Bắc đi vào thơ Nguyễn Quang Bích, không còn là một Tây Bắc như nó có mà là một Tây Bắc đã được tái tạo lại, thông qua lăng kính đang có sự biến đổi của nhà thơ Ngư Phong. Muốn hiểu được giá trị của những sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Quang Bích trong bức tranh về núi rừng Tây Bắc của ông, chỉ xem xét bút pháp "kỷ sự" của ông chưa đủ, mà còn phải đặt chúng trong mối tương quan mật thiết với cái "tôi" của nhà thơ. Dường như ở đây, bằng vài nét chấm phá đơn sơ (chứ không đi vào tỉa tót tỉ mỉ), tác giả đã làm hiện lên trước mắt người xem một thế giới Tây Bắc chỉ riêng ông nhìn ra nó, một thế giới Tây Bắc như ánh xạ qua tâm hồn một con người đang đi vào cuộc chiến đấu trọng đại, đang phấn đấu từng bước để nhận thức ra sứ mệnh lịch sử của mình, cũng tức là nhận thức ra cái sức mạnh nội tại gắn bó con người và đất nước, Tây Bắc với chính mình.

Cái "tôi" trữ tình của tác giả thấp thoáng và được vận dụng như một biện pháp nghệ thuật thống nhất tạo ra những nét vẽ khác nhau của Ngư Phong thi tập: xù xì, gai góc, đơn sơ, hùng vĩ, lạc quan, bi quan đều kết hợp lại. Và thiên nhiên Tây Bắc không còn hiện ra như một bức tranh suông, một cái đẹp tự nhiên nữa.

Cùng với thiên nhiên, con người Tây Bắc cũng không hiện ra như chỉ có riêng họ. Cái hồn hậu, mộc mạc của họ trở nên đẹp hơn nhiều lắm, vì đó chính là tấm gương soi chiếu trái tim nhạy cảm của tác giả. Có thể nói, vai trò của cái "tôi" trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Bích làm cho thơ của ông tăng thêm sức nặng, như có một sự vấn vương gì đó làm thức dậy cái đẹp, cái tiếng nói chân thực trong tâm hồn sâu thẳm của chúng ta. Đọc Ngư Phong thi tập, ta không thể có thái độ tiếp nhận lý trí mà tình cảm hững hờ. Ta gần như phải đọc thành hai bước: đọc những lời hiện ra bằng lời thơ giản dị, rồi sau đấy lại phải độc thoại bằng những lời ở ngoài lời. Đó chính là lượng thông báo thứ hai ít thấy ở nghệ thuật thơ ca thiên nhiên truyền thống, nhất là loại thơ "kỷ sự" thế kỷ XVIII.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:36:38 pm »


Với bút pháp độc thoại nội tâm không kém phần sâu sắc, Nguyễn Quang Bích đã sáng tạo nên một nhân vật trữ tình tiêu biểu, con người hiện thân tinh thần chống Pháp của quần chúng và sĩ phu Bắc Bộ, trong cái bối cảnh cuộc kháng chiến đặc biệt gay go gian khổ của núi rừng Tây Bắc vào những ngày đang ngả sang tàn cuộc của phong trào Cần Vương. Chính bối cảnh có ý nghĩa đặc trưng nói trên làm cho hình tượng nhân vật cũng được điển hình hóa bằng những chi tiết đặc trưng nhất, và luôn luôn được tái hiện lại dưới nhiều dạng vẻ: quanh năm suốt tháng là những chuyến lội suối trèo đèo không ngừng không nghỉ; nhưng trong cuộc hành trình muôn phần nhọc mệt và ngỡ như bất tận ấy, con người đó sẽ từng bước vượt lên mình, để hiểu ra vẻ đẹp của núi non, làng bản, dân chúng, và bền lòng tin vào lý do tồn tại của chính mình. Nhìn trong thế cân bằng của một cuộc chiến tranh tự vệ của cả dân tộc giữa vùng núi và vùng xuôi, cực Nam và cực Bắc, những đóng góp này của Nguyễn Quang Bích là một thành tựu không thể phai mờ, góp phần hoàn chỉnh bức tranh Cần Vương chống Pháp lẫm liệt và bi tráng của lịch sử và văn chương Việt Nam cách đây hơn một thế kỷ.

Con người trữ tình trong thơ Nguyễn Quang Bích không chỉ có như vậy, con người đó cũng mang trong mình cả tâm lý thất bại mà nói cho đúng hơn, thất bại là một yếu tố nổi đậm. Đọc lại văn thơ Nguyễn Quang Bích trong cái nhìn cởi mở hôm nay, ta nhận ra tỷ lệ giữa cái buồn, cái bi được nói đến trong thơ ông dường như quá bé nhỏ so với tình cảnh muôn phần bi đát mà ông đã phải gánh chịu trong thực tế! Tâm hồn ông dễ phải cứng cỏi lắm mới không để cho cái buồn lúc này là một hiện thực lấn át, nó chỉ là hệ quả của tấn bi kịch không cưỡng nổi của vai trò tầng lớp sĩ phu yêu nước đã bị lịch sử phủ định mà thôi. Phạm trù thẩm mỹ "cái bi" trong thơ Nguyễn Quang Bích phản ánh mối xung đột có thực giữa lý tưởng và hiện thực trong thời đại nhà thơ mà phương hướng giải quyết chưa phải là một khả năng cập nhật của lịch sử.

Nguyễn Quang Bích chưa xây dựng được một hình tượng đột khởi như Nguyễn Khuyến, nhưng nhân vật trữ tình trong thơ ông cũng được phát triển theo hướng đó. Ông không tìm cách che giấu nỗi buồn, tâm trạng bế tắc có thực của mình, sự chán nản, mỏi mệt của mình, mặc dầu ông vẫn đương đầu với giặc. Chính vì thế thơ ông là tiếng nói chân thật gợi cảm và hầu như rất ít điển cố. Thơ ông là tiếng lòng chứ không phải sáo ngữ. Và đấy chính là điều kiện đầu tiên cần phải có của một thi tài. Sự phân rẽ không tránh được giữa thơ Nguyễn Quang Bích cùng nhiều nhà thơ yêu nước thời ấy với dòng thơ kinh viện của thế kỷ XIX là ở đây. Lăn mình trong thực tiễn chiến đấu, những con người này đã sáng tạo nên sự sống và hướng tới cái "chân", trong khi các nhà thơ kia thì vẫn chỉ ngừng lại trong phạm vi của lời và chữ. Và tất nhiên thơ của những chân lý sống thực thì không thể che giấu những phần khiếm khuyết có thực của thời đại họ. Nhưng ngay cả ở đấy nữa, họ cũng sẽ góp phần khắc tạc nên những con người có thực - với vẻ đẹp có thực và cả những mặt chưa đẹp có thực, với sức mạnh có thực và cả những mặt yếu đuối có thực - của một thời kỳ lịch sử: Nguyễn Quang Bích với tất cả những mặt mạnh mặt yếu của ông được chúng ta yêu quý chính là vì lẽ đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:37:26 pm »


Câu hỏi 27: Hãy cho biết về cái buồn trong thơ Nguyễn Quang Bích?
Trả lời:


Thơ Nguyễn Quang Bích đã được đánh giá rất cao. "Một ý thức cứu nước mãnh liệt", "một tình yêu thiên nhiên đất nước thắm thiết", "một tình thương yêu đồng chí nồng nàn và một lòng căm thù giặc sâu sắc", "một sự gắn bó chân thành với nhân dân lao động", "một sự kết hợp đẹp đẽ giữa hai yếu tố hiện thực và trữ tình" - bấy nhiêu đề mục khái quát trong một bài giới thiệu công phu về sáng tác của Ngư Phong do một nhà nghiên cứu thực hiện đã nói lên lòng cảm phục, mến mộ của người đọc hôm nay đối với di sản thơ văn của nhà chí sĩ yêu nước lỗi lạc của dân tộc nửa cuối thế kỷ XIX.

Xét đến cái buồn trong thơ văn trước hết cần phân biệt cái buồn như một hiện tượng của thế giới quan và như một hiện tượng thẩm mỹ có tính chất phổ quát. Tất nhiên, giữa thế giới quan và phạm trù thẩm mỹ trong nghệ thuật có quan hệ với nhau. Nguyễn Quang Bích chưa có cái buồn của người mà lý tưởng đời sống bị lung lay tận gốc như sau này Nguyễn Khuyến đã thể nghiệm. Ông cùng một dòng tư tưởng giết giặc cứu nước mãnh liệt như Nguyễn Đình Chiểu, lấy sự bình an yên vui của dân chúng làm trách nhiệm của mình. Đọc thơ ông, trước hết dễ thấy thơ ông có nhiều niềm vui của người biết tu dưỡng, trọng đạo lý, tự hào về phẩm chất cao đẹp của mình. Có thể nói đó là niềm vui kín đáo của người biết tu dưỡng, giữ mình, đi theo đường chính đạo của người quân tử. Cả cuộc đời trong sáng của Nguyễn Quang Bích minh chứng cho phẩm chất cao đẹp của ông.

Tuy vậy, trong thơ ông, nỗi buồn thấm đượm vào tất cả. Điều này chí ít có hai lý do. Một là, Nguyễn Quang Bích là người rất đỗi thành thực, thành thực với mình và với hậu thế. Trong bài thơ Trẻ khóc, ông trình bày một ý nghĩa thể hiện cách hiểu con người của ông:

      Người đời đã mấy ai đến được bậc quên tình,
      Vì không quên được tình nên mối sầu càng gấp bội.


Ông khác các vị "thái thượng" tu luyện tới mức quên tình, ông vẫn cứ là vị "hoạt Phật" sống giữa vô vàn mối dây tình cảm nên không dễ gì đền đáp. Vì vậy, mọi tình cảm của ông đều được bộc lộ tự do. Một lý do nữa đáng chú ý là khác với nhà thơ Nam Bộ, làm thơ vẫn tham gia vào cuộc tranh luận tư tưởng lớn của thời đại hòa hay chiến, trung hay không trung, trực tiếp ngợi ca các cuộc chiến đấu anh hùng của nhân dân, Nguyễn Quang Bích làm thơ chỉ cốt để giãi bày nỗi lòng với đất trời và hậu thế để mong được thông cảm. Các bài văn tế và thơ khóc của ông cũng thắm thiết tình bạn, tình người tri kỷ, chủ yếu thuộc thể tài đời tư.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:38:43 pm »


Một điều nữa trong cái buồn của thơ Nguyễn Quang Bích là chữ sầu không phải lúc nào cũng có nghĩa là "buồn rầu", "sầu muộn", "bi ai", sầu trước hết có nghĩa là lo lắng, suy nghĩ, chứ không phải buồn. Uống rượu giải sầu là để khuây niềm lo nghĩ - hiểu như vậy sẽ thấy Nguyễn Quang Bích nói nhiều đến sầu là để giãi bày cho mọi người thấy trái tim đầy lo nghĩ của ông trước thời cuộc.

Cái buồn trong thơ Nguyễn Quang Bích không phải do thoái chí, chán nản, bạc nhược, mà do tình thế bi kịch khách quan tạo nên, vì thế không nên gọi là tiêu cực.

Ở đây khí chất nhà nho lấn át tính cách của vị tướng quân thao lược, nhưng không hề có ý bỏ chiến đấu về nhà bởi vì sự mong về gắn với ước mơ một thuở thái bình đã mất. Và hẳn tác giả cũng thấy ngay ước mơ này không thể thực hiện được trong thực tế như "chín việc trong lòng" đã không thành. Một nỗi buồn tình thế tràn ngập các bài thơ.

Nguyễn Quang Bích có biết bao "việc trong lòng" mà không có cách gì thực hiện được. Báo đền ơn nước, thực hiện nhiệm vụ làm con, chăm lo cuộc sống an bình no đủ cho dân, ngưỡng mộ cuộc sống thanh cao, ước mơ một sự nghiệp tang bồng của đấng nam nhi, sống gắn bó với quê nhà. Các lý tưởng ngàn xưa vẫn sống mạnh mẽ trong tâm tưởng của ông với đầy đủ giá trị, chưa hề mảy may suy suyển. Chí dời non lấp biển chưa nguôi (Dựng núi non bộ bằng gỗ), tin vào cơ hội trùng hưng (Vũ trụ đại khí số), ước ao được kiếm quý Phong Thành (Tiết trùng cửu ở nhà sàn trên núi, Thơ họa của Ngư Phong (VI), Dời chỗ ở đến Thượng Bằng La, châu Văn Chấn), đêm trung thu không trăng vẫn ước ao "gió xuân quét sạch mây mù" (Trọ ở Lai Châu, đêm trung thu gặp mưa không có trăng). Phải hiểu thế giới quan tin vào điều lạ của Nguyễn Quang Bích mới hiểu tình cảm ông bền bỉ, mạnh mẽ đến nhường nào. Chính vì vậy nhà thơ mới buồn.

Những tình thế đã làm cho ước mơ ngày càng không thể thực hiện được trong thực tế, cái buồn làm cho ý thức về sự bất lực càng thêm đậm nét, làm cho lý tưởng và các giá trị không thực hiện được trở thành day dứt, nuối tiếc, đớn đau trong tâm hồn. Trong thơ cổ, cái "sầu" là hình thức sống còn của các giá trị và ước mơ chưa, hoặc đã không thể thực hiện.

Hiểu cái buồn của Ngư Phong là hiểu cái chí chưa thành nhưng không bao giờ chết của thơ ông. Cũng là hiểu cái hữu hạn của con người trong lịch sử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 08:53:17 am »


Câu hỏi 28: Nêu những nét chủ yếu về tư tưởng yêu nước - tư tưởng chủ đạo trong Ngư Phong thi tập của Nguyễn Quang Bích?
Trả lời:


Nhân dân ta từ Nam chí Bắc, trước dã tâm xâm lược của bọn thực dân cường bạo, đã biểu thị một thái độ dứt khoát: kháng chiến giữ nước đến cùng. Tiếng nói chân chính của thời đại bấy giờ là tiếng nói chiến đấu kêu gọi nhân dân đứng lên giết giặc cứu nước. Cuộc đời chiến đấu của Nguyễn Quang Bích gắn liền với cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân, tiếng nói của ông vì vậy cũng là tiếng nói chân chính của thời đại. Đó là tiếng nói của lòng thiết tha yêu quý non sông đất nước đang bị giặc ngoại xâm giày xéo, lòng mong mỏi quét sạch bè lũ giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi, tâm trạng băn khoăn làm sao đóng góp phần xứng đáng vào công cuộc giết giặc cứu nước.

Qua văn thơ Nguyễn Quang Bích, chúng ta thấy rõ tư tưởng và tình cảm của ông bắt nguồn sâu từ trong truyền thống vĩ đại không có gì quý hơn độc lập, tự do của dân tộc ta trong lịch sử. Một lòng tự hào chính đáng về đất nước về ông cha đã toát ra từ nhiều câu trong tập thơ, như:

      Nam thiên định phận đế vương châu,
      Tiền sử chiêu chiêu vũ liệt ưu.

                                     (Ngư Phong họa thi, I)

Dịch:
      Non sông trời định cõi Nam bang
      Võ liệt ghi truyền vẫn vẻ vang.

                                     (Thơ họa của Ngư Phong, I)

Chính vì vậy mà tư tưởng và tình cảm của ông luôn luôn gắn chặt với vận mệnh đất nước, với tiền đồ Tổ quốc. Trên đường lánh giặc, ông thường băn khoăn buồn bực nhưng khi nhận được tin thắng trận của nghĩa quân thì nỗi buồn bực, mối băn khoăn đó phút giây tan biến, mà thay vào đó là sự lạc quan phấn khởi dào dạt:

      Gia Nguyên tiệp hỉ liên thời đáo
      Thập giải phiên đầu mã tự phi.

                                     (Văn Dụ Phong tiệp báo)

Dịch:
      Gia Nguyên thắng trận tin đồn đến
      Mười giải phiên đầu, phóng ngựa bay.

                                    (Nghe tin thắng trận ở Dụ Phong)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 08:54:12 am »


Xây dựng lực lượng bên trong, tập hợp nghĩa quân tiến hành đấu tranh vũ trang là niềm quan tâm lớn nhất, nhưng Nguyễn Quang Bích - cũng như tất cả văn thân yêu nước chống Pháp hồi đó đều muốn tranh thủ sự giúp đỡ của bên ngoài. Ông đặt nhiều hy vọng vào việc cầu viện Trung Hoa, vì vậy cứ mỗi khi nhận được thư của Tôn Thất Thuyết gửi về là mỗi lần ông lại thấy lòng đầy mừng vui, tin tưởng. Ông phấn khởi, vui sướng biết bao khi có được người giúp đỡ trong công cuộc giết giặc cứu nước. Nỗi niềm đó còn lẩn quất cả trong giấc ngủ, trong cơn chiêm bao của vị nho tướng, khi thấy mình lăn lộn phất cờ cứu nước trong "nhân hòa” và "địa lợi" của một mùa xuân cây cỏ đâm chồi nảy lộc, với một tấm lòng nghĩa phẫn đương sôi nổi thiết tha.

Vui mừng trước thành tích, phấn khởi trước thuận lợi đối với người chỉ huy chịu trách nhiệm trước phong trào là điều tất nhiên, nhưng những khó khăn gian khổ của kháng chiến cũng làm cho ông bao phen băn khoăn lo lắng:

      Lịch hiểm bất kham phù sấu cốt,
      Đa tư dung dị bạch nhân đầu.

                                               (Lữ dạ)

Dịch:
      Nhiều phen gian hiểm nên gầy vóc,
      Lắm nỗi ưu tư dễ bạc đầu.

                                               (Đêm lữ thứ)

Còn biết bao gian khổ, khó khăn chồng chất trên con đường giết giặc cứu nước. Nào ''muốn dặm chướng lam đầy", "mưa gió bên rừng", "gập ghềnh bước gian nan"... và nhất là nỗi buồn vì đã mỏi mắt chờ trông mà đạo quân cứu viện vẫn biệt vô âm tín. Trong tình cảnh ấy mà ông vẫn bền bỉ cùng quân sĩ quyết chí diệt giặc cứu nước đến cùng, điều đó đòi hỏi phải có một tinh thần yêu nước mạnh mẽ, một lòng căm thù giặc sâu sắc mà Nguyễn Quang Bích cùng toán cô quân mới có đủ nghị lực và kiên cường để khắc phục mọi khó khăn, gian khổ.

Tấm lòng yêu nước của ông vô cùng mạnh mẽ, nhưng cũng vô cùng tế nhị. Chỉ cần một hình ảnh nhỏ của quê hương xứ sở thoáng qua cũng đủ làm cho ông bồi hồi xúc động. Cảnh núi cao sừng sững in bóng bên sông như khêu gợi mối sầu cứu nước chưa nguôi. Dòng nước sông Hồng cuồn cuộn cũng vang động trong tâm hồn ông cái buồn xâu xé của một người dân yêu nước nhớ tới non sông đang rên xiết dưới nanh vuốt quân thù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 08:55:46 am »


Những đêm thù trằn trọc nơi quán trọ bên đường, những buổi nghe chim đa đa khắc khoải trong rừng, cả những khi ngồi một mình uống rượu hay những khi được đồng bào thiểu số chân thành đón tiếp... bất cứ lúc nào, ở đâu, việc gì cũng đều khơi dậy lòng yêu nước, thù giặc của nhà văn thân khảng khái. Có thể nói rằng ý thức về nghĩa vụ giết giặc cứu nước đã chi phối suốt cả cuộc đời nhà nho tướng thi nhân. Bất chấp mọi khó khăn gian khổ, trước sau ông vẫn trung thành với ý chí chiến đấu tới cùng, vẫn không một phút giây bỏ rơi ngọn cờ cứu quốc:

      Khởi bất đạn gian khổ?
      Phi tâm tố sở tăng
      Sĩ phu trọng cương thường,
      Hoàng thiên phú tri năng.

                                    (Vũ trụ đại khí số)

Dịch:
      Gian khổ ai mà không sợ hãi?
      Chỉ vì lương tâm không thể trái.
      Sĩ phu ở đời trọng cương thường,
      Trời đã cho ta tính trung nghĩa.

                                    (Khí số lớn của trời đất)

Và chính vì có một ý thức rõ ràng về nghĩa vụ của mình, về giá trị cao quý của những chiến sĩ giết giặc cứu nước, nên ngay từ khi mới dấn thân vào cuộc đời chiến đấu, ông đã có thái độ dứt khoát trước cái sống và cái chết: "Rồi, nếu mà thắng, mà sống, thì là nghĩa sĩ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua, mà chết, thì cũng là quỷ thiêng giết giặc. Thà chịu tội với nhất thời, quyết không chịu tội với vạn thế”1.

Ý thức nghĩa vụ đó thật là mạnh mẽ và đó là biểu hiện cao quý nhất, rực rỡ nhất của một tấm lòng yêu nước son sắt, ý thức nghĩa vụ đó gắn bó với vị nho tướng mãi mãi trong suốt cuộc đời chiến đấu cho đến tận hơi thở cuối cùng.
____________________________________
1. Thư trả lời quân Pháp của Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần Thuần trung tướng Nguyễn Quang Bích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 08:59:41 am »


PHỤ LỤC

THƯ TRẢ LỜI QUÂN PHÁP CỦA HIỆP THỐNG BẮC KỲ QUÂN VỤ ĐẠI THẦN THUẦN TRUNG TƯỚNG NGUYỄN QUANG BÍCH1

Nay tiếp lời quý quốc cho biết rõ: Chúng tôi kết đảng làm càn, tội đáng phải nghiêm trị, đáng phải diệt trừ, cho nên phải mang thân ra đầu thú để khỏi tội. Chúng tôi biết quý quốc thật có lòng tốt nên mới có những lời khuyên nhủ như vậy.

Chúng tôi cũng nghĩ: Quý quốc sang kinh lý nước chúng tôi, nào kỹ giỏi, thuật khéo, binh tinh, cho nên người nước Nam chúng tôi đã bỏ chỗ sáng đi theo quý quốc rõ ràng đã quá nửa, và cái nước ngàn vạn y quan lễ nhạc2 này hầu như đã thành của Pháp rồi, thế mà chúng tôi không tự lượng sức, cứ lấy hơn trăm thân sĩ cùng với mấy nghìn quân đã mệt mỏi để chống lại quý quốc thì chúng tôi há chẳng phải là nguy lắm ư? Nhưng chúng tôi lại nghĩ đến cái nghĩa vua tôi đứng trong trời đất mà không quản cái phận hoa di3 đã rõ ràng như sông Kinh, sông Vị4 mà không dám quên phận của mình, ấy chính cũng chỉ quyết giữ trọn cái nghĩa ấy thôi.

Khi quý quốc sang đây, một rằng hòa hiếu, hai rằng bảo hộ, để rồi chiếm thành trì chúng tôi, đuổi vua đuổi tướng chúng tôi, để rồi lại còn tự quyền lập vua Đồng Khánh5, chẳng qua đó chỉ là cái kế "bịt tai ăn trộm chuông" mà thôi. Lợi quyền chính trị đều về tay quý quốc nắm cả. Văn thần võ tướng đều bị quý quốc câu thúc trói buộc tôi còn lòng nào nữa? Gọi là hòa hiếu, gọi là bảo hộ mà lại có như thế ư? Chúng tôi dấy đảng "làm càn", còn quý quốc làm vậy, thử hỏi ai là kẻ đúng sai? Giả sử có một nước lớn khác đến kinh lý quý quốc cũng như quý quốc đã làm ở nước chúng tôi, thì quý quốc cũng cứ phục tùng theo họ ư? Hay là cũng nghĩa kích ở lòng, căm giận lộ ra mặt, rồi quý quốc cũng làm như chúng tôi đang làm? Mong rằng quý quốc nén bụng bình tâm nghĩ lại, rồi đem trăm họ, đem thành trì mà trả lại cho vua chúng tôi, đặt lại vua Hàm Nghi lên ngôi, khiến cho vua với dân chúng tôi được yên vui hòa hiệp trong đất nước của mình, còn quý quốc vẫn lại thông thương như cũ. Điều đó há chẳng phải là việc nghĩa to lớn lắm sao?

Bằng không, quý quốc cứ cậy về cái hay cái giỏi của mình, thì chúng tôi cũng không chịu bỏ cái thua, cái kém của chúng tôi. Rồi, nếu mà thắng, mà sống, thì là nghĩa sĩ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua, mà chết, thì    cũng làm quỷ thiêng giết giặc. Thà "chịu tội" với quý quốc, quyết không chịu tội với vua nhà; thà "chịu tội" với nhất    thời, quyết không chịu tội với vạn thế! Một chữ "thú" từ nay xin quý quốc đừng có nhắc lại nữa,    xin đừng có khuyên bừa! Chúng tôi xin cam lòng chịu chết vì nghĩa vua tôi!

Quý quốc tự lo liệu lấy!6
____________________________________
1. Bản dịch rút trong sách “Phong trào Cần Vương” của giáo sư Trần Văn Giàu, Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội, 1957.
2. Y quan lễ nhạc: áo mũ lễ nhạc, ý nói một nước có văn hiến.
3. Hoa là đẹp đẽ, văn sức; di là mọi rợ. Bọn phong kiến thống trị Trung Quốc trước kia nặng đầu óc khinh khi các dân tộc nhỏ bé, tự cho mình là văn minh, còn lại đều là man di mọi rợ.
4. Kinh và Vị là con sông của tỉnh Thiểm Tây. Sông Kinh dòng nước trong, sông Vị dòng nước đục. Cho nên trong văn thơ cổ thường dùng hình ảnh này để chỉ sự cách biệt, sự đối lập. Còn có thuyết khác cho rằng: Sông Kinh dòng nước đục, sông Vị dòng nước trong hơn. Nếu như không có sông Vị thì người ta không thấy sông Kinh là dục. Còn có ý cho rằng lấy điển tích trong Kinh Thi "Kinh dĩ vi trọc ".
5. Đồng Khánh, tên vua bù nhìn do Pháp đặt lên ngôi từ ngày 19 tháng 9 năm 1885. Mất ngày 28 tháng 1 năm 1889.
6. Nguyên bản Hán văn - Ký hiệu VHv 2072 - Thư viện Hán Nôm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 15 Tháng Hai, 2017, 09:02:43 am »


VĂN SÁCH THI ĐÌNH CỦA ĐÌNH NGUYÊN HOÀNG GIÁP NGUYỄN QUANG BÍCH
(Khoa Kỷ Tỵ đời Tự Đức -1869)1
                                + Đề thi: Dực Anh Tông Hoàng đế
                                + Văn sách


1. ĐỀ THI CỦA VUA TỰ ĐỨC
Khoa Kỷ Tỵ (1869) niên hiệu Tự Đức thứ 22

Chế rằng: Từ xưa tới nay, vận hội thịnh suy, tung tích sai đúng, rành rành có thể tra khảo, không thể kể hết, nhưng cũng không ngoài mấy điều "tính mệnh chính giáo", rằng tính, rằng tình, rằng tâm, rằng mệnh, rằng đạo, rằng đức, rằng nhân, rằng thứ, trong đó không phải là không có chỗ đồng, chỗ dị, chỗ nên, chỗ không. Tính và đạo đều tự trời mà ra, sao tính thì đều thiện mà đạo thì có khác. Có người bảo: "Quân và tướng không thể nói mệnh" cùng với việc Khổng Tử ít nói mệnh, hơi giống nhau, thế mà Khổng Tử lại nói: "Không biết mệnh, không lấy gì làm người quân tử", và trong sách Kinh Thi, Kinh Thư, chỗ nói về "mệnh" cũng không phải là ít, thế thì, quả không thể nói đến "mệnh" hay sao? Nói về "mệnh" thì có hưng, có vong, có chính, có tà, chính cố nhiên là phải hưng, mà tà cũng có khi hưng. Sinh đức thì có thánh, có gian, có cùng, có đạt, thánh vị tất đều đạt cả mà gian đâu phải không có lúc đạt. Đến như đạo khi được thi hành, khi bị ruồng bỏ, là điều do mệnh, mà thành công thì là do trời. Thế thì thuyết "làm người" và thuyết "trời định" nói ngang hàng với nhau, quả có lẽ như vậy không? Trời làm theo điều của người muốn. Điều người muốn không gì bằng muốn lý thế mà tai nạn thủy hạn, tật dịch cũng chưa khỏi hết. Đạo của trời xa xôi, đạo của người gần gũi, thế thì những thuật "vọng khí", "chiêm tinh" quả là đều không ứng nghiệm hay sao? Việc gì trời giúp là việc thuận, thế mà ở Yến Thành, Giáp Hà đều có trận gió giúp sức, nên chi không thể lấy tình thường mà lường được. Hiện tượng các điềm tốt đều nhóm họp cùng với hiện tượng một ngày có mười điềm tốt, cũng là giống nhau, sao về mặt long thịnh lại không sánh với nhau được? Các điềm tốt không gì bằng điềm "được mùa" mà sách chép "rất được mùa" từng có mấy lúc được? Việc này so Khai Nguyên với Vĩnh Bình thì đời nào hơn? Phương chi kìa như triều Lương, triều Đường có đức gì mà đến được như thế? Mà ở đời chín năm lụt, bảy năm hạn, không hề nghe nói, cũng là điều không thể hiểu. Nếu nói về chính, giáo, thì chính tốt và giáo tốt có khác gì nhau, vô vi là vạn cơ lại trái ngược nhau. Bốn người hung ác bị bốn tội, hình phạt cũng chưa bỏ không, sao mà điều sở tôn, sở thượng lại không giống nhau? Có đức như các vua Võ, Thang, Văn, Võ, còn bảo đó là đời "Tiểu Khang" vậy thì gọi là "Đại đồng" lại thuộc về triều đại nào? Có triều đại nhà ở không phải đóng ngõ, người đi đường không phải đem lương, có nhiều điều phù hợp với danh hiệu đó có quả là xứng đáng với tên gọi "đại đồng" không? Lại có tên gọi "Nghiêu Thuấn nhỏ" vậy là vượt cả đời Tam đại hay sao? Đức vua rộng khắp, còn có việc đánh rợ Hữu Miêu mà không thắng, thế mà cảnh "Hồ Việt nhất gia" sao lại thấy ở triều đại có nhiều đức xấu?

Nghi thì hỏi, nghe thì thông, trẫm rất kém cỏi, mơ hồ chưa thể thấu suốt, không sao hiểu hết sự lý, các ngươi nghe nhiều thấy xa, tất nhiên có điều để mở mang lòng trẫm, hãy viết rõ vào trong bài, chớ phụ lời hỏi của trẫm.
______________________________________
1. Nguyên bản tại Thư viện Hán Nôm - ký hiệu VHV.318/1-2.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM