Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:28:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích  (Đọc 21453 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 05:06:15 pm »


Tư tưởng độc lập dân tộc còn thấm đượm trong cảm xúc tâm tư của ông. Trên đường sang sứ, đứng trước đồn biên thùy nhìn thấy nhà viên quan thổ ty họ Long có đề bốn chữ: "Nam biên uy trấn"1 ông cũng chạnh lòng nghĩ tới Tổ quốc quê hương đang bị kẻ thù xâm lược.

Nguyễn Quang Bích đi sứ trong khi chiếc cầu ngoại giao đã được rút ván bằng chính những hiệp ước Pháp - Thanh, Pháp - triều đình Huế đã ký kết.

Một số ý kiến cho rằng, trước khi đi sứ, Nguyễn Quang Bích không hề biết gì về Hiệp ước Thiên Tân, ông đinh ninh Trung Quốc một lòng một dạ giúp ta đánh Pháp. Nhưng không phải thế, bởi ngay từ những năm 1882-1883, Nguyễn Quang Bích đã phản đối việc quân đội nhà Thanh ồ ạt kéo sang biên giới, chắc hẳn không phải ông đã đọc được tờ tấu của viên tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Thụy Thanh tâu về triều đình: "Nhân thế lực nước Nam đang suy yếu, ta nên mượn tiếng sang đánh Pháp mà chiếm lấy các tỉnh ở thượng du, đợi khi có biến thì chiếm lấy các tỉnh ở phía bắc sông Hồng" mà là sự nhạy cảm chính trị nhờ thực tiễn hoạt động đã chứng kiến trên chiến trường.

Sau khi Hà Nội thất thủ, quân Thanh vẫn án binh bất động không phối hợp với quân triều đình Huế đánh Pháp, thậm chí Pháp đánh tới đâu quân Thanh lui tới đó. Khi Pháp đánh lên Hưng Hóa, quân Thanh lui về Yên Bái và chính ông đã phải kiên quyết giữ thành Hưng Hóa với lực lượng ít ỏi của mình.

Thực tế ấy đã giúp cho Nguyễn Quang Bích nhìn rõ bản chất việc viện giúp của triều đình Mãn Thanh và chắc hẳn với nhiệm vụ sứ thần, ông sẽ rất cẩn trọng khi bước qua cổng dinh của viên quan Tổng đốc Vân Quý Sầm Dục Anh - người mà trước đó đã bỏ rơi ông nơi thành Hưng Hóa.

Trên đường đi sứ lần thứ nhất (tháng 9 năm 1885), khi đi qua đồn phòng của Tam Tuyên đề đốc Lưu Vĩnh Phúc đóng quân trước kia, ông làm bài Cảm tác khi quần Lưu quân. Ngay câu đầu của bài thơ, ông tự vấn một điều "Hà sự Nam lai hựu Bắc quy" (Vì cớ gì mà Lưu quân sang Nam rồi lại về Bắc). Điều tự vấn này cũng chính là điều lý giải: một khi triều đình Mãn Thanh đã rút quân về nước, ép cả Lưu Vĩnh Phúc phải về, mặc dù Lưu Vĩnh Phúc đã được triều đình Huế phong chức tước như các vị quan chức Việt Nam, và thực tiễn Lưu Vĩnh Phúc "dùng dằng không dứt" chưa muốn về thì việc đi sứ cầu viện có thành hay không cũng chỉ là may rủi.

Nếu như khi đi sứ Nguyễn Quang Bích đã thiếu tin tưởng vào việc viện giúp của triều đình Mãn Thanh, nhưng còn một niềm hy vọng là gặp lại Lưu Vĩnh Phúc (như lời Lưu Vĩnh Phúc hẹn cùng ông) thì khi về niềm hy vọng ấy không còn nữa. "Cái cung tốt nhất đã đưa đi nơi nào rồi" gieo vào lòng ông một nỗi buồn khi ông lại đi qua đồn phòng của Lưu Vĩnh Phúc chỉ còn một "Pháo đài trợ để gió thu bay".
____________________________________
1. Ngư Phong thi họa III, Thư mục số 17.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 05:06:36 pm »


Có thể nói, ngay từ đầu, Nguyễn Quang Bích không hề lầm tưởng về bản chất của triều đình Mãn Thanh. Và bản chất ấy càng được bộc lộ rõ, trong lần tiếp xúc với Sầm Dục Anh đã nói thật với ông: Vua nước tôi cùng người Pháp vừa ký một hiệp ước, có lẽ việc của ngài không xong.

Nguyễn Quang Bích đã tự đánh giá: Một mình mang sứ mệnh ứng phó ở bốn phương là một điều rất khó. Nhưng ông đã thực hiện một sách lược ngoại giao riêng của mình. Bằng uy tín cá nhân, ông vận động Sầm Dục Anh và một số quan chức triều đình Mãn Thanh có cảm tình với công cuộc kháng Pháp của Việt Nam, ủng hộ và giúp sức. Nhờ vậy, nghĩa quân của Nguyễn Quang Bích đã nhận được một ít viện trợ từ Trung Quốc, gồm sáu trăm khẩu súng, sáu mươi hòm đạn, hai nghìn cân thuốc phiện. Và theo một số tài liệu thì sự viện giúp lẻ tẻ này còn kéo dài tới năm 1894, khi hiệp ước biên giới Pháp - Thanh ký kết mới chấm dứt.

Nguyễn Quang Bích cũng như nhiều sĩ phu phong kiến yêu nước bấy giờ đặt nhiều hy vọng vào việc cầu viện triều đình Mãn Thanh và qua hai lần đi sứ ông tiếp tục ngóng chờ sự viện giúp, ngóng chờ những tin tức của Tôn Thất Thuyết đang công cán ở Nam Ninh (Trung Quốc).

Mỗi lần nhận được thư của Tôn Thất Thuyết từ Trung Quốc báo về là "lòng ông hân hoan khôn xiết". Nhưng sự vui mừng ấy cũng chỉ là tạm thời, mỏng manh như "một sợi tơ nhện dăng nghiêng đung đưa bên cửa sổ nhỏ" mà ông tâm sự trong bài Lưới nhện bên song.

Nhưng rồi niềm tin vào sự viện giúp của triều đình Mãn Thanh trong ông dần dần phai nhạt; nghĩa quân của ông nhiều lúc ở vào thế "cô quân", “lương thiếu", “vũ khí thiếu", mà sự viện giúp ấy chỉ là vô vọng.

Nguyễn Quang Bích là người lãnh đạo lực lượng kháng chiến chống Pháp ở Bắc Kỳ lúc đó và là lãnh tụ trực tiếp của phong trào kháng chiến vùng Tây Bắc, trước tình hình đó ông đã đoàn kết mọi lực lượng gồm các thủ lĩnh và đồng bào các dân tộc thiểu số như Mèo, Dao; bên cạnh các thủ lĩnh nghĩa quân người Kinh cùng đồng lòng chống Pháp.

Sự mong ngóng và niềm tin mong manh, nỗi thất vọng của ông vào sự viện giúp của triều đình nhà Thanh cùng với thực tế qua hai lần đi sứ và thực tiễn trong việc tổ chức lực lượng kháng chiến đã góp phần thay đổi nhận thức tư tưởng của ông.

Cuối thế kỷ XIX, giới văn thân sĩ phu yêu nước kiên quyết chống Pháp đến cùng để giành độc lập dân tộc, nhưng họ chưa có niềm tin vào lực lượng kháng chiến là nhân dân, mà luôn tìm sự viện giúp của bên ngoài, trong khi đó Nguyễn Quang Bích đã phần nào vượt qua sự hạn chế về nhận thức tư tưởng của thời đại mình. Ông đã đặt niềm tin vào nhân dân và ý thức được con đường giải phóng dân tộc là phải tự chủ, phải đoàn kết mọi lực lượng kháng chiến. Đó quả là một nhận thức tân tiến.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 05:07:17 pm »


Câu hỏi 25: Hãy nêu vài nét cơ bản về một số tướng lĩnh cận vệ của phong trào Cần Vương Nguyễn Quang Bích?
Trả lời:


Trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, những tướng lĩnh trực tiếp dưới sự điều khiển của Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần Nguyễn Quang Bích đã có nhiều tài liệu, sử sách nói đến như Đề Kiều, Đốc Ngữ, Nguyễn Văn Giáp, v.v... Nhưng còn nhiều tướng lĩnh khác do điều kiện thông tin ngày đó hạn chế, lại là cuộc chiến đấu trong những thung lũng, rừng sâu, đặc biệt là vào giai đoạn kết thúc của phong trào Cần Vương, phong trào bị thực dân ra sức bưng bít xóa nhòa, nên một số tướng lĩnh chưa ai rõ hành trạng, đó là Đề Thành, Đề Dị, Lãnh Vân, Lãnh Hoan, Nguyễn Khê Ông, Chu Thiết Nhai, Vương Văn Doãn, Trần Ngọc Dư, Hoàng Đình Cương, v.v...

Sau đây là một số chân dung những tướng lĩnh phong trào khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích mà sử sách chưa nói hoặc ít nói đến:

1. Lãnh Hoan:

Tức Nguyễn Quang Hoan, đỗ thủ khoa võ triều Nguyễn, người làng Quân Bác, phủ Kiến Xương, Thái Bình. Xuất thân từ một nông dân nghèo nhưng có sức khỏe, chịu khổ luyện nên các môn siêu đao, côn quyền ông đều đỗ đầu bảng, đặc biệt là môn cử đỉnh. Các thí sinh khác chỉ nhấc nổi đỉnh đi một hai vòng, riêng ông nhấc bổng đi chín vòng quanh sân rồng mà mặt không biến sắc.

Năm 1873, Pháp tiến đánh Nam Định, ông cùng Nguyễn Hữu Bổn mang quân giữ thành. Khi thành mất, Nguyễn Hữu Bổn hy sinh, ông đã cùng một số nghĩa binh tìm đường lên Hưng Hóa theo Nguyễn Quang Bích và được phong chức Lãnh binh, được giao trọng trách huấn luyện quân sĩ cùng nhiệm vụ bảo vệ đại bản doanh. Trong chuyến đi Vân Nam mùa hè năm 1886, ông được giao làm cận vệ cho Nguyễn Quang Bích. Đến khi Nguyễn Quang Bích qua đời, ông đã ở lại chiến khu trông coi phần mộ.

Ngư Phong tướng công hành trạng có chép: "Sau khi tế xong, tướng sĩ lại phân tán, tôi (tức Tượng Phong) nằm ở nhà tạm đầu non hơn 10 ngày, rồi giao cho người vẫn theo hầu cha tôi là Thủ khoa Hoan cùng với bốn, năm người giả làm đồng bào thiểu số ở cạnh suối để trông nom phần mộ".

Trong thời gian ở lại Tôn Sơn, Lãnh Hoan đã tham gia cùng Lãnh Vân, Đề Kiều chống Pháp. Có lần ông cùng Lãnh Vân mạo hiểm chèo thuyền xuôi tận chợ Bờ tập kích đồn giặc. Đến 1896, Lãnh Hoan cùng Tượng Phong đóng bè đưa hài cốt Nguyễn Quang Bích về quê. Sau đó ông tham gia hoạt động trong các phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình. Khi đang làm nhiệm vụ thì ông bị bắt. Bọn giặc nhốt ông vào cũi sắt. Ban đêm ông phá cũi trốn thoát. Chúng cho quân bao vây các ngả bắt được. Lần này chúng đưa ông xuống thuyền ra khơi rồi đẩy xuống biển. Nhưng ông đã bơi mấy ngày đêm để vào đất liền. Sau đó ông trốn sang Hưng Yên hoạt động. Nhưng không may, ông lại bị sa vào tay giặc lần thứ ba. Chúng đày ông ra Côn Đảo với cái án 30 năm tù. Ở đây, ông đã chịu nhiều cực hình tra tấn, song tinh thần không hề nao núng.

Ngày tháng trôi qua, bọn thực dân yên tâm rằng ông sẽ chết già trên hòn đảo nhỏ. Không ngờ, quá nửa hạn tù, ông già ngoài sáu mươi tuổi ấy lại vượt ngục và đóng bè vượt Côn Đảo trở về quê. Ngay đêm đầu tiên trở về, ông đã mài dao định đi lấy đầu viên tri phủ. Cả nhà can ngăn mãi mới thôi. Sáng hôm sau, ông sang làng Trình Phố (nay là xã An Ninh) đến từ đường Nguyễn Quang Bích thắp hương, lạy tạ hương hồn chủ tướng và đập đầu vào bàn thờ khóc nức nở.

Những ngày còn lại ông sống cuộc đời của một người anh hùng chưa toại chí, giữ khí tiết cao thượng, khảng khái.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 05:07:41 pm »


2. Vương Văn Doãn:

Sách Ngư Phong tướng công hành trạng chép: "Bấy giờ thân tuy là lãnh binh, Vương Văn Doãn nhiều lần xin đem quân đánh các đồn lẻ ở dọc sông để giảm bớt thế giặc. Nhưng cụ (chỉ Nguyễn Quang Bích) không chuẩn y, và cho rằng phải chuẩn bị lực lượng đợi khi cần sẽ dùng đến. Vương Văn Doãn không dám nhắc tới việc ấy nữa. Được mấy hôm, Doãn lại đến thưa rằng: "Các xã ven sông thuộc huyện Cẩm Khê thường có trộm cướp lén lút mượn thế nhiễu dân, xin đem vài chục quân đi tuần tiễu". Cụ liền cấp giấy cho đi và hẹn trong ba ngày trở về. Được lệnh, Vương Văn Doãn lén kén chọn ba mươi vệ binh đến đóng tạm ở xã Tăng Xá huyện Cẩm Khê và ngầm gọi đốc binh là Lê Duy Tiến đến dặn kín rằng: "Tôi vốn dò được đồn giám binh của Pháp ở Hưng Hóa phòng thủ sơ hở. Được cơ hội tốt này nếu nói rõ là xin đi đánh, tướng công không cho phép. Nên tôi nói vờ là đi tuần phòng, rồi nhân ban đêm đánh úp đồn Hưng Hóa, chắc sẽ thu được thắng lợi. Tôi chia quân làm hai toán, ông lĩnh một nửa để coi việc tuần phòng ở địa phương. Nhưng phải đợi tôi về, hãy cùng đem quân về đại bản doanh để báo cáo". Dặn dò xong, Vương Văn Doãn liền lấy hai thuyền và chọn tám người chân sào, đem theo bốn khẩu súng, và dẫn mười lăm quân lính chờ lúc sắp tối mới xuống thuyền, theo giữa dòng sông tiến thẳng.

Nước chảy xiết, thuyền đi nhanh, nửa đêm đã đến bến đò Hưng Hóa. Bấy giờ có mưa phùn, đêm tối như mực, có đứng gần nhau cũng không trông rõ mặt. Vương Văn Doãn liền giao cho những người chân sào ở lại coi thuyền và đợi ở bến. Rồi ông dẫn quân đổ bộ lên bờ nhằm hướng trại giám binh của giặc mà tiến. Khi đến cổng trại, tên lính gác không biết gì, Doãn liền rút dao đâm nhưng tên lính gác không chết ngay, y kêu rống lên chạy vào doanh trại. Giặc Pháp đương ngủ say, giật mình tỉnh giấc, chạy tán loạn, đèn điện bật sáng như ban ngày. Bên ta với bốn súng trường và mười hai thủ pháo nấp ở ngoài bắn vào. Doãn là bậc danh tướng bắn giỏi, bắn phát nào trúng phát ấy nên đã giết chết được vài chục tên giặc, trong đó có tên quan ba giám binh Pháp. Bọn còn sống sót chạy tán loạn. Doãn hô quân xông vào đồn giặc tước được bốn mươi khẩu súng, hai hòm đạn rồi mau chóng rút ra bến sông xuống thuyền sang bên hữu ngạn, là địa phận huyện Lâm Thao, rồi bỏ thuyền lại, lên bờ đi tắt theo đường mòn trong núi mà rút quân. Ngày nghỉ đêm đi đến ngày thứ năm mới tới Cẩm Khê.

Nói về Tướng công Nguyễn Quang Bích ở doanh trại đợi đến ngày thứ tư đã qua hạn mà không thấy Vương Văn Doãn về, liền sai vệ binh tản đi các nơi dò hỏi tin tức. Sau giờ Ngọ ngày thứ năm, vệ binh về báo vẫn chưa thấy tin gì về Vương Văn Doãn, Tướng công than rằng: "Ôi, Vương Doãn theo ta vất vả hoặc giả tìm đường đầu thú mưu đồ phú quý chăng? Chư quân hãy nên thận trọng".

Đêm vừa trống canh một thì chợt vệ binh vào báo Doãn đã về. Tướng công vừa mừng, vừa giận cho gọi Doãn vào. Vương Văn Doãn nộp súng đạn vừa thu được và xin chịu tội rồi thuật lại việc đánh úp đồn Hưng Hóa. Tướng công mắng: "Sao dám coi thường như thế, cầu may mà được thành công là điều binh pháp rất kiêng. Từ nay về sau nếu có trái quân lệnh sẽ bị trị tội không tha!". Khi Doãn đã ra, cụ liền sai người thảo văn bằng thăng chức cho Doãn là Hành dinh phó đề đốc và sai Doãn đem vệ binh đóng gần doanh trại để tiện điều động.

Từ đó Phó đề đốc họ Vương trở thành tướng cận vệ ở sát bên cụ cho đến khi cụ qua đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:04:52 am »


3. Đề Vân:

Trong cuốn tiểu sử và thơ văn Tượng Phong do ông Ngô Đức Tĩnh chép bổ sung gia phả có viết về Đề Vân như sau:

Đề Vân người làng Mè, Phú Thọ, là thân binh gần cụ Hoàng, ông rất mạo hiểm, lập nhiều chiến công và là người trung thành nên được cấp bằng lãnh binh. Một lần ông xin cụ trá hàng Pháp để lấy vũ khí chống Pháp. Ông hứa 50 ngày sẽ quay lại.

Ông cùng hai nghĩa quân ra hàng được Pháp tin dùng, rất hậu đãi, phong cho nguyên chức, lại còn giao cho 50 lính đóng đồn. Quả nhiên 50 ngày sau ông đem toàn bộ số lính (đã thuyết phục được) và vũ khí quay về chiến khu. Khi cụ Hoàng mất, ông vẫn tiếp tục chiến đấu dọc vùng Thao - Đà. Một lần ông đã cùng Lãnh Hoan và Tượng Phong mang nghĩa quân về tập kích đồn Chợ Bờ (Hòa Bình), một trong những đồn khá kiên cố, không đánh đêm được. Nhân gặp dịp trời mưa, lại vào đúng phiên chợ bèn bố trí cho quân lính khoác áo tơi, giấu súng ngắn nòng kéo nhau vào chợ giả làm dân mua bán. Nghĩa quân lại bố trí một người nhỏ nhất cải trang là phụ nữ mang thúng bánh đến cổng đồn thăm dò tình hình. Những tên lính gác thấy "chị bán bánh" xinh xắn thì bỡn cợt. Còn toán nghĩa quân khác vào chợ, giả vờ đánh nhau chảy máu đầu, rồi mang buồng cau, hũ rượu kéo vào đồn để kiện. Khi quan đồn đang ngồi ngất ngưởng xử kiện thì ngoài cổng "chị bán bánh" ngồi vô ý hở lông chân. Biết bị lộ, "chị bán bánh" rút súng ngắn bắn luôn. Trong đồn nghe tiếng súng nổ; một anh vác hũ rượu đập ngay vào đầu tên đồn trưởng rồi túm vào trói nghiến. Bọn lính trở tay không kịp phải đầu hàng. Nghĩa quân mở kho lấy súng đạn - số súng lấy không hết thì tháo quy lát, mang đi đường hoàng giữa ban ngày.

... Sau Pháp bắt được ông và đày đi Côn Đảo 15 năm. Khi được tha về ông tìm xuống gia đình bấy giờ ở Đạo Hoàng, Tam Dương, Vĩnh Yên để gặp ông Tượng phong. Ông khóc nói: Tôi ước ao được về thăm từ đường và phần mộ để tế thầy, nhưng già yếu, túng thiếu không đi được, liền bày hương án cúng vọng tại núi Đanh - Tam Đảo.

Gần đây, nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Khắc Xương đã phát hiện ra dòng họ, gặp được con cháu của Lãnh Vân và được biết một chi tiết: chính Lãnh Vân thuộc dòng họ Ma, cùng nhân dân làng Mè, Phú Thọ đã lập đền thờ Nguyễn Quang Bích ngay tại quê mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:06:24 am »


4. Nguyễn Khê Ông:

Có thể nói, hưởng ứng chiếu Cần Vương, các văn thân về với Nguyễn Quang Bích rất đông, có những người đã trở thành tướng lĩnh thân tín dưới quyền ông. Trong số đó có một người mà nhiều tài liệu đã nói đến với cái tên Nguyễn Khê Ông. Căn cứ vào tộc phả và phả hệ họ Nguyễn của nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ở Kim Lũ (Thanh Trì, Hà Đông cũ) và tài liệu gia đình ở làng Khê Thượng, Bất Bạt thì Nguyễn Khê Ông là tên hiệu (vì ở làng Khê).

Ông tên thật là Hội, còn tên hồi nhỏ là Quyến. Ông đỗ cử nhân và được bổ làm Giáo thụ rồi chiêu mộ nghĩa binh kháng Pháp. Ông Hội là anh chi trên của thân phụ nhà thơ Tản Đà - cử nhân Nguyễn Danh Kế - Án sát Ninh Bình; là cháu đời thứ tư của Đốc đồng Cao Bằng Nguyễn Huy Tú - người được Lê Chiêu Thống ủy thác đưa Lê Thái hậu sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh. Nhà Nguyễn Gia Long lên, ông Tú về làng Khê mở ra họ Nguyễn gốc Kim Lũ ở đây. Trong Văn tế Nguyễn Khê Ông, Nguyễn Quang Bích có nhắc đến nguồn gốc của ông Hội: "Nhớ anh xưa, con dòng võ tướng" cũng là thế.

Ông Hội sinh được ba trai là tú tài Khiêm, Đầu xứ Hổ Trừu và Đề lại Huyến. Theo lời kể của các con ông Hổ Trừu thì Nguyễn Khê Ông được vua Hàm Nghi phong làm Án sát Sơn Tây, Tán tương quân vụ. Sau khi thành Sơn Tây thất thủ, ông chiêu mộ dân binh chủ yếu ở các làng Tòng Thái, Tòng Bạt, Khê Thượng, Đan Thê, trong đó có những học trò của mình. Bị giặc Pháp đánh thua nhiều lần, ông chạy về Ba Trại và Thủ Pháp, vùng cư trú của đồng bào Mường (nay là xã Minh Quang, huyện Ba Vì) dựa vào đồng bào mà tiếp tục kháng Pháp. Ở Ba Trại, ông có một học trò là Lang đạo hết lòng giúp đỡ. Do đó, trong quân của ông có cả một số người Mường vùng chân núi Tản. Khi ông mang quân về theo Nguyễn Quang Bích thì nghĩa binh Mường không muốn xa bản, xa quê nên ông trao số quân đó cho Đốc Ngữ tác chiến ở Bất Bạt và vận động đồng bào Mường, Dao ở chân núi Tản theo nghĩa quân Cần Vương.

Về với Nguyễn Quang Bích, Khê Ông Nguyễn Hội vừa là phó tướng, vừa là tham mưu của quan Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, lại cũng là bạn nhà nho, được quan Hiệp thống coi là tri kỷ và thường cùng xướng họa. Khê Ông có lần nói với Nguyễn Quang Bích: "kẻ sĩ vì người tri kỷ mà ra sức đua tài, dẫu gian khổ bao nhiêu cũng không từ chối". Lần sang Trung Quốc thứ nhất để cầu viện nhà Thanh, Khê Ông đi cùng Nguyễn Quang Bích nhưng tới Chiêu Tấn (nay là huyện Sìn Hồ, Lai Châu) thì bị ốm rồi mất. Nguyễn Quang Bích chôn cất ông chu đáo và làm văn tế ca ngợi ông: Anh là một người thư sinh, một chức nhàn tản, đối với bên trên thời vua chưa biết đến họ tên, đối với bên dưới thời chức vụ còn kém xa những anh em đồng sự, thế mà phấn khởi một cách bạo dạn, mộ những người nghĩa dũng ra tòng quân, tuy bị thua nhiều lần mà không hề nản chí.

Đôi câu đối viếng Khê Ông của Nguyễn Quang Bích cũng đã thâu tóm sâu sắc tấm lòng vì đại nghĩa cứu nước cứu dân của Khê Ông, tạm dịch như sau:

      Phận nghĩa phải làm, giữ vững lòng son trời chiếu rõ,
      Nát tan chẳng sợ, kể chi sương tuyết đất đây nhiều1.

______________________________________
1. Trần Huy Liệu dịch. Xem Tập san Văn - Sử - Địa, số 31-1957.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:07:28 am »


5. Nguyễn Văn Giáp:

Một tướng khác đã cộng tác lâu dài với Nguyễn Quang Bích là Bố chánh Sơn Tây Nguyễn Văn Giáp.

Sau khi thành Hưng Hóa thất thủ ngày 12 tháng 4 năm 1884, Nguyễn Quang Bích rút dần về đóng ở làng Tiên Động, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ và ở đó cho tới năm 1886. Ông Giáp cũng về Tiên Động với Nguyễn Quang Bích họp với Đề Kiều cùng chống giặc. Nguyễn Quang Bích đã tâu xin vua Hàm Nghi ban phong cho ông Giáp làm Tuần phủ Sơn Tây, Tham tán hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ, và với chức ấy ông Giáp có thể toàn quyền chỉ huy trong thời gian chủ tướng họ Nguyễn đi sứ Trung Quốc. Có lẽ vì vậy mà các tài liệu của Pháp về Đốc Ngữ và Đề Kiều đều viết là họ "chịu sự chỉ huy của Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp". Đặng Huy Vận trong một tài liệu nghiên cứu về Đốc Ngữ viết: "Khi triều đình đầu hàng ký Điều ước 1883, ông không chịu bãi binh, theo Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp chống Pháp”1, hay nói về các nhóm khởi nghĩa ở Tây Bắc: "Nghĩa quân ở đây trong những năm 1883-1889 tập hợp dưới lá cờ của Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp".

Cùng theo về với Nguyễn Quang Bích còn có Sơn phòng chánh sứ Phạm Văn Địch và Cử nhân Phùng Khắc Nhuận, đều người Sơn Tây. Cả hai ông đều tham gia chỉ đạo hoạt động của nghĩa quân: ông Địch về Cẩm Khê với Đề Kiều, còn ông Nhuận theo sát Đốc Ngữ hoạt động bên sông Đà.

Không chỉ các văn thân yêu nước đi theo sự nghiệp đánh giặc cứu nước của Nguyễn Quang Bích mà đông đảo các thổ hào và nông dân do lòng yêu nước sâu sắc cũng nổi lên hướng về ngọn cờ đại nghĩa của người chủ tướng họ Nguyễn. Chỉ hai năm 1883-1884, các hào mục và nông dân ở địa phận sông Thao, sông Đà đều theo về với nghĩa quân rất đông.

Ở làng Phú Thọ (nay là thị xã Phú Thọ) có Ma Văn Long và em thứ ba là Ma Văn Vân theo về với nghĩa quân. Trước khi theo Cần Vương, Long tự xưng là Đốc Long và làm tướng cướp, còn Vân thường được gọi là Ba Vân thì thu mua lá hồ thuê. Đốc Long thất trận bị quân Pháp bắn chết, bộ hạ tôn Ba Vân làm đầu lĩnh, từ đó gọi là Lãnh Vân. Lãnh Vân tính điềm đạm, người thấp bé, trắng trẻo, khác hẳn với Đốc Long người cao lớn da đen, nét mặt dữ dằn. Khi Nguyễn Quang Bích sắp mất ở Tôn Sơn (Yên Lập) có cho gọi Lãnh Vân tiếp tục chiến đấu bên cạnh Nguyễn Quang Đoan, con cả Nguyễn Quang Bích, về sau, ông bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo 15 năm, khi được tha về thì đã già yếu, râu tóc bạc phơ. Được tha ít lâu, ông về làng Đạo Hoàng dưới chân núi Đanh (nay thuộc Tam Đảo) tìm gặp ông Đoan để làm lễ tế Nguyễn Quang Bích rồi lại về Phú Thọ. Dân gian có lời truyền rằng đền Kính Thiên ở Phú Thọ (là nơi các quan đầu tỉnh tế trời đất, mỗi năm chỉ mở một lần) đã được Lãnh Vân bí mật thờ Nguyễn Quang Bích, phải chăng dân gian cũng muốn khẳng định tấm lòng trung nghĩa và niềm kính trọng của các tướng đối với chủ tướng của mình.
_______________________________________
1. Xem Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 96-1967, tr. 45-46.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:07:51 am »


6. Lãnh Cồ:

Dân gian cũng nhắc nhiều đến Lãnh Cồ, hay Quận Cồ tên thật là Phùng Văn Minh, người làng Liên Chiểu (hay Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây) là một thủ lĩnh kiệt xuất vùng sông Đà. Khi dấy binh khởi nghĩa, Lãnh Cồ cho truyền hịch khắp nơi, cho xây dựng căn cứ ở Bằng Y, Bằng Tạ, Cẩm Lĩnh, đánh bại Pháp ở các trận Cố Đô, Vân Mộng, Tòng Lệnh, bị Pháp bắt tới ba lần đều vượt ngục trốn thoát. Ông chiến đấu trong 7 năm rồi hy sinh ở trận Vật Lại. Lãnh Cồ là bộ hạ Nguyễn Văn Giáp, hoạt động vẫn nằm trong ảnh hưởng của Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp.



7. Nguyễn Đình Ngữ (tức Đốc Ngữ):

Một tướng khác của Nguyễn Quang Bích là Nguyễn Đình Ngữ, một nông dân nghèo làm nghề lái đò. Sau khi Pháp hạ thành Sơn Tây, ông theo Nguyễn Quang Bích. Ông chiếm rừng Dàng hay non Dẫy (chạy từ Khê Thượng đến hết địa phận (Đan Thế), lấy mé trong huyện lỵ Bất Bạt làm căn cứ, sau về châu Thanh Sơn (Phú Thọ) lập đại trại ở xã Khả Cửu. Ông đánh Pháp nhiều trận nổi tiếng như: đánh chiếm huyện lỵ Bất Bạt (năm 1884), trận Bằng Y (năm 1888), trận Quảng Nạp và Thanh Khoán, phá nhà tù Sơn Tây (năm 1890), trận Chợ Bờ và ngục Thám (1891), trận Yên Lãng (1892). Đốc Ngữ còn tham gia trận đánh Cầu Giấy cùng với Lưu Vĩnh Phúc. Nguyễn Quang Bích trao cho ông trực tiếp chỉ huy phong trào kháng Pháp ở hạ lưu sông Đà (Hòa Bình, Sơn Tây và châu Thanh Sơn). Vua Hàm Nghi cũng phong cho ông chức Chưởng vệ, Phó tướng đạo Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình). Đốc Ngữ bị bọn gian sát hại tại căn cứ Khả Cửu ngày 8 tháng 8 năm 1892.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:08:42 am »


8. Đề Kiều:

Một tướng đặc biệt quan trọng của Nguyễn Quang Bích là Đề Kiều. Khi Pháp đánh thành Hưng Hóa, Đề Kiều cũng có mặt tại đó. Thành Hưng Hóa thất thủ, Nguyễn Quang Bích lên Kính Thiên đài định tuẫn tiết, chính Đề Kiều và các tướng đã khuyên Nguyễn Quang Bích ra khỏi thành để chiến đấu lâu dài, cũng chính Đề Kiều đưa chủ tướng và các tướng về đất Cẩm Khê là lãnh địa của mình.

Đề Kiều người xã Cát Trù (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ), một xã trù phú trên bến dưới thuyền, phía sau có núi và đầm lớn, có đường vào châu Yên Lập, vùng cư trú của đồng bào Mường. Đề Kiều chính họ tên là Hoàng Văn Thúy, trước khi theo Nguyễn Quang Bích làm Chánh tổng tổng Điền Lương (trong đó có Cát Trù). Ông là một thủ hào có thế lực lớn, có ruộng đất và thủ hạ ở cả Cẩm Khê và châu Yên Lập. Về tên Kiều của ông có hai thuyết khác nhau. Một thuyết cho rằng đó là tên người con nuôi. Ông có nhiều vợ con và nhiều con trai, trong đó có con trai cả tên là Huy, các con trai khác là Tập, Hồ, Sát. Theo phong tục địa phương thì phải gọi theo tên con là Đề Huy mới đúng. Một thuyết khác nói tên ông là Thúy, ông lại mê "nôm Thúy Kiều" vì thế nhân tên Thúy mới lấy tên là Kiều để gọi. Ông cũng là người rất mê Tam quốc, người ta nói Kiều hay dùng chiến thuật phục kích là học theo cách đánh trong pho sách chương hồi này. Đề Kiều được phong Chánh đề đốc. Sau khi thất thủ Hưng Hóa thì Nguyễn Quang Bích hầu như chỉ còn chiến đấu ở Cẩm Khê, Yên Lập là vùng thống thủ của Đề Kiều. Trước khi mất, Nguyễn Quang Bích cử Đề Kiều thay mình lãnh đạo cuộc kháng Pháp, về sau Đề Kiều có mở nhiều cuộc giao tranh với Pháp, trong đó có trận đánh lớn tiêu diệt nhiều sinh lực địch như trận Đội Đèn, Rừng Gài, Đồng Lốc giáp ranh châu Yên Lập. Các trận trên Đề Kiều đều dùng phục binh, đặt bẫy đá, bắn tên độc.

Phong trào Cần Vương tan rã, Đốc Ngữ cũng mất, Đề Kiều lên cố thủ ở hai xã Cát Trù và Hiền Đa. Lê Hoan, Tuần phủ Hưng Hóa cho quân vây đánh. Quân Lê Hoan rất trọng Đề Kiều, vây tới bốn tháng không hạ được căn cứ. Biết Đề Kiều là người hiếu thuận và mê tín, Lê Hoan bắt mẹ Kiều, lại dọa sẽ nã pháo triệt hạ cả làng. Lê Hoan còn cho thầy bói vào gặp Đề Kiều nói: "Ông không có tướng làm vua" và khuyên ông ra đầu thú. Một số cụ già sợ làng bị triệt hạ cũng khuyên Đề Kiều ra đầu thú để cứu dân. Phong trào Cần Vương tan rã, chủ tướng Nguyễn Quang Bích đã mất, lại lo mẹ, lo dân, Đề Kiều đành ra đầu thú. Như vậy, sau khi Nguyễn Quang Bích mất, Đề Kiều còn chiến đấu được bốn năm nữa.

Một Nguyễn Văn Giáp, một Khê Ông Nguyễn Hội, một Đề Kiều, Đốc Ngữ mỗi người một số phận nhưng đều vì người "tri kỷ" Nguyễn Quang Bích mà "ra sức đua tài", tri kỷ là ở chỗ dám quên mình vì sự tồn vong của giống nòi, cùng nhau chia sẻ những gian nan vất vả và những thành bại trong chiến trận. Nguyễn Quang Bích chính là người đã hiểu được sức mạnh bên trong ấy của họ và biết quy tập lại thành một sức mạnh chung, một nỗi niềm chung:

      Phận nghĩa phải làm, giữ vững lòng son trời chiếu rõ,
      Nát tan chẳng sợ, kể chi sương tuyết đất đây nhiều.


Và đó chính là tầm vóc lớn lao của Nguyễn Quang Bích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 14 Tháng Hai, 2017, 10:35:30 pm »


Câu hỏi 26: Tác phẩm Ngư Phong thi tập đã toát lên truyền thống và cách tân trong thơ Nguyễn Quang Bích, hãy cho biết về điều này?
Trả lời:


Nguyễn Quang Bích xuất hiện với tư cách một nhà cách mạng tiêu biểu, một nhà thơ, hơn thế nữa còn là một nhà thơ yêu nước. Hơn một phần tư thế kỷ trước, với công sức của nhiều người cùng hợp tác nghiên cứu và phiên dịch Ngư Phong thi tập, thế hệ sau đã biết trong con người Nguyễn Quang Bích có hai hình ảnh song trùng, giống như hai vầng sáng ánh xạ lẫn nhau, làm cho diện mạo thật của một Nguyễn Quang Bích rõ nét hơn và cũng gợi cảm hơn nhiều.

Đó là một Nguyễn Quang Bích lãnh tụ nghĩa quân lặn lội chống Pháp tại núi rừng Tây Bắc cho đến lúc ngã xuống như một chiến sĩ, và một Nguyễn Quang Bích thú hai ngày ngày cầm bút khắc họa khung cảnh nên thơ của chính địa bàn mà mình đã trường kỳ chiến đấu với tinh thần quyết tử. Cho nên, cũng là điều rất tự nhiên khi trong dòng thơ yêu nước xuất hiện sôi nổi nửa cuối thế kỷ XIX mà sách vở thường nhắc đến, không thể bỏ qua Nguyễn Quang Bích như một đại biểu quan trọng, một tiếng nói riêng, nhằm khẳng định quyền chính đáng của một nghệ sĩ hiện diện trước lịch sử.

Điều kiện và môi trường sáng tác của Nguyễn Quang Bích không giống với một ai cùng thời với ông. Nguyễn Quang Bích đã chọn con đường "xả thân thủ nghĩa", nên có một cảnh ngộ dấn thân đặc biệt, và có lẽ không cảnh ngộ nào lại có phần ngẫu nhiên lạ lùng và quyết liệt như Nguyễn Quang Bích, nó khiến cho nhà thơ phải lìa bỏ cả môi trường sáng tác tự nhiên quen thuộc của mình...

Nguyễn Quang Bích là người quê ở làng Trình Phố, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định cũ, nay thuộc phần đất tỉnh Thái Bình, ông Hoàng giáp ấy thật ra là người con của một vùng đất biển. Sự hiểu biết của ông, ngoài sách vở thánh hiền, chắc chắn có một phần khá lớn là những tri thức thực tế về đất nước, làng xã và con người ven biển mà vốn sống tích lũy nhiều đời từ mảnh đất quê hương đem lại. Ngọn lửa chiến tranh cướp nước của thực dân đã nhanh chóng lan từ Nam ra Bắc, đã xô đẩy Nguyễn Quang Bích tới cái địa vị ông không bao giờ ngờ tới: phải cầm quân không phải trên mảnh đất vùng biển Thái Bình thân thuộc mà tại một nơi hoàn toàn xa lạ - đó là miền cực Bắc của đất nước, nơi không còn bóng dáng của đồng bằng mà chỉ có rừng núi hiểm trở; nơi hầu như rất ít lũy tre, mái rạ của người Kinh mà chỉ lơ thơ thấp thoáng các làng bản của người Dao, người Thái, người Mèo...

Không chỉ có thế, Nguyễn Quang Bích còn đảm nhận chức vụ Lễ bộ thượng thư của vương triều kháng chiến Hàm Nghi để hai lần khoác áo sứ giả xuyên rừng vượt núi sang tận Vân Nam cầu viện, và làm đường dây liên lạc nối các lực lượng kháng chiến ở trong nước với người chỉ huy tối cao là Tôn Thất Thuyết lúc ấy đã rút ra nước ngoài. Tưởng không cần nói cũng rõ, cái bối cảnh sinh hoạt quá đỗi mới mẻ và khó khăn này đối với sức vóc một nhà Nho không quen dày dạn đã đưa lại một sự đổi thay sâu sắc trong con người và cảm xúc của Nguyễn Quang Bích như thế nào.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM