Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:25:26 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích  (Đọc 21311 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 11 Tháng Hai, 2017, 11:11:03 pm »


Sau khi lập thêm tỉnh mới và các đạo quan binh mà chủ yếu là rút từ phần đất của Hưng Hóa, Toàn quyền Đông Dương Đờ La-nét-xăng đã ra thông tư ký ngày 3 tháng 9 năm 1891 gửi cho các viên thực dân cao cấp để chỉ đạo việc tổ chức bộ máy cai trị ngụy quyền tại các vùng đồng bằng có các dân tộc thiểu số. Nội dung chủ yếu của thông tư là: dùng người dân tộc để tổ chức cai trị người dân tộc, tuyệt đối không được dùng người Việt để cai trị người các dân tộc khác và ngược lại. Kế đó, ngày 5 tháng 9 năm 1891, Đờ La-nét-xăng lại ra nghị định thiết lập lại và chính quy hóa lực lượng hiện có ở Bắc Kỳ. Và để thực hiện triệt để thông tư ngày 3 tháng 9 năm 1891 thực dân Pháp dần dần thành lập các đội lính cơ người dân tộc để thay thế cho lính cơ người Kinh tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số ở. Kẻ thực hiện tích cực chỉ thị này là trung tướng Pen-nơ-canh, sĩ quan chỉ huy trực tiếp đạo quan binh IV Sơn La mà lúc đó đã mở rộng tới cả khu vực Chợ Bờ, sông Đà - nơi hoạt động mạnh của Đề Kiều, Đốc Ngữ - những tướng lĩnh giỏi của Nguyễn Quang Bích.

Đấy là những văn bản mở đầu cho chính sách của thực dân Pháp đối với các dân tộc ở Việt Nam: chính sách dùng người Việt cai trị người Việt, dùng người Mường cai trị người Mường, v.v... nghĩa là người dân tộc nào thì cai trị dân tộc đó, song đều phải đặt dưới quyền giám sát và kiểm soát chặt chẽ của thực dân Pháp - dưới chiêu bài "tôn trọng" Hiệp ước bảo hộ ngày 6 tháng 6 năm 1884. Đây cũng là mở đầu cho việc thi hành chế độ “thổ quan" và bãi bỏ chế độ "lưu quan" của triều Nguyễn trước đấy. Thực chất đây là chính sách chia rẽ dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Do triều đình Huế đã trở thành công cụ thống trị của thực dân Pháp, và do trình độ dân trí lúc đó còn rất hạn chế nên chính sách chia rẽ dân tộc này của thực dân pháp đã có một số kết quả nhất định trong việc bình định các phong trào kháng chiến của nhân dân ta ở vào những năm cuối thế kỷ XIX. Chính sách thâm độc này đã dẫn tới một tổn thất lớn, đó là thủ lĩnh nghĩa quân Đốc Ngữ, một tướng giỏi của Nguyễn Quang Bích, đã bị nội phản ám hại ngay tại khu căn cứ Kha Cựu thuộc huyện Thanh Sơn, Hưng Hóa vào ngày 7 tháng 8 năm 1892. Cái chết của Đốc Ngữ đã làm nhụt ý chí chiến đấu của Đề Kiều - bạn chiến đấu của Đốc Ngữ và là người "nắm quyền chỉ huy tối cao các cánh quân" sau khi Nguyễn Quang Bích mất - khiến Đề Kiều phải quyết định cho giải thể nghĩa quân vào ngày 3 tháng 12 năm 1892.

Tuy chính sách chia rẽ dân tộc của thực dân Pháp đã đạt được một số kết quả, nhưng cuối cùng bản chất thâm độc của nó cũng sớm bộc lộ nguyên hình. Trong biên niên sử đã có không ít những sự kiện ghi lại tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nhằm chống lại kẻ thù chung, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, và không chỉ diễn ra trên địa bàn Bắc Kỳ.

Trong các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của các dân tộc thiểu số, đáng chú ý là cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mường ở Hòa Bình do Nguyễn Văn Kiêm - nguyên là cựu nghĩa binh của Đốc Ngữ - lãnh đạo. Nghĩa quân đã diệt lính địch, phá đồn bốt, phá trại giam để giải phóng tù nhân. Cuộc khởi nghĩa này đã kéo dài suốt 5 tháng, từ ngày 2 tháng 8 năm 1909 đến ngày 30 tháng 12 năm 1909.

Nguyên nhân phong trào kháng chiến của Nguyễn Quang Bích thất bại trên địa bàn Tây Bắc nói riêng, hay phong trào Cần Vương cả ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ nói chung, suy cho cùng, đều nằm trong vấn đề: nước Việt Nam bị rơi vào tay thực dân Pháp hồi cuối thế kỷ XIX là "tất yếu" hay "không tất yếu". Và đó là một trong những vấn đề lớn mà giới sử học đang quan tâm tìm cách lý giải một cách khoa học. Nó không chỉ đòi hỏi tìm hiểu nguyên nhân bên trong, mà còn phải tìm hiểu cả nguyên nhân bên ngoài, trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định, đòi hỏi một cách nhìn vừa lịch đại, vừa đồng đại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 03:28:25 pm »


Câu hỏi 20: Cuốn "Lịch sử Đông Dương" của phía Pháp đã ghi lại một phần về hoạt động đánh Pháp của Nguyễn Quang Bích, hãy cho biết thêm về nguồn tài liệu này?
Trả lời:


Nhìn chung, đối với những hoạt động quân sự của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chúng ta phần lớn phải trông cậy vào nguồn tài liệu của Pháp để lại. Người làm sử ngày nay chỉ có thể sưu tầm các nguồn tư liệu Việt Nam qua câu chuyện được truyền miệng, những gia phả nào đó hoặc những tài liệu viết khác rất hiếm có ở dạng bản thảo. Những tài liệu đó nói chung lại tản mát, chỉ nêu được từng mặt, từng khía cạnh các hoạt động của nghĩa quân và nhiều câu chuyện lại được tô đậm thêm khiến cho các tài liệu kém tính xác thực. Người Pháp, trái lại có đầy đủ điều kiện để viết và đem in, đem phổ biến rộng rãi các tài liệu có liên quan đến các hoạt động quân sự của họ. Trong số các tài liệu quân sự được họ để lại, cuốn Lịch sử Đông Dương với lối kể ngắn gọn theo từng năm, từng khu vực đã giúp chúng ta tìm hiểu được tương đối đầy đủ, có hệ thống những cuộc chiến đấu chống Pháp của các nghĩa quân nói chung và căn cứ nghĩa quân Nguyễn Quang Bích nói riêng.

Qua sự miêu tả các hoạt động quân sự của Pháp trên vùng trung lưu sông Hồng từ Hưng Hóa đến quá Yên Bái từ tháng 4 năm 1884 đánh thành Hưng Hóa, nhiệm sở của Tuần phủ Nguyễn Quang Bích tới cuối năm 1889, thời điểm ông qua đời, ta có thể hình dung lại được một cách khá đầy đủ và tương đối có hệ thống tình hình hoạt động của nghĩa quân, sự gắn bó của nghĩa quân với nhân dân, cách bài binh, bố trận cũng như đường lối quân sự của nghĩa quân, các trận đánh của nghĩa quân làm cho quân Pháp thiệt hại và cản trở việc bình định của chúng. Nhất là các bản đồ quân sự kèm theo của cuốn sách đã cho phép chúng ta có thể miêu tả lại bằng bản vẽ tương đối rõ ràng các hoạt động của nghĩa quân.

Có sách đã viết: trong trận Pháp đánh chiếm Hưng Hóa tháng 9 năm 1884, Nguyễn Quang Bích sau khi đã gây cho địch một số thiệt hại rồi mới rút lui. Qua tài liệu này, sự thật có thể không đúng như vậy. Vì bốn tháng sau khi đánh thành Sơn Tây, Pháp mới tập trung trên 10 tiểu đoàn gồm cả thủy quân lục chiến chia làm hai mũi đánh Hưng Hóa. Trong trận này chúng còn dùng cả khinh khí cầu để theo dõi quân ta. Quân địch mạnh như vậy mà thành Hưng Hóa nhỏ bé thì ở ngay sát bờ sông, dễ bị pháo hạm Pháp bắn phá, lại có địa hình, địa vật xung quanh thuận lợi. Quân giữ thành lúc đó ngoài quân của Hoàng Tá Viêm còn có quân Cờ Đen đều chưa đánh đã rút đi hết. Nguyễn Quang Bích là Tuần phủ hẳn chỉ còn lại một số quân nhỏ, trong tình trạng đó sao mà có thể ở lại chống cự? Vì thế, người Pháp mới ghi lại là họ chiếm thành Hưng Hóa không phải nổ một phát súng nào.

Điều đáng lưu ý thứ hai là cuốn sách này đã nêu những nhận định khiến cho chúng ta biết rõ hơn không những tình hình chung của từng thời kỳ mà còn biết cụ thể mức độ hoạt động của nghĩa quân những thời kỳ đó và còn biết rõ vai trò cụ thể của Nguyễn Quang Bích. Ví dụ, về tình hình năm 1885, sách viết: Những vùng châu thổ đã được đánh chiếm nhưng chưa được bình định. Vùng thượng du chỉ mới thuộc chúng ta về danh nghĩa. Còn cần phải đánh chiếm và bình định vùng đó.

Đoạn này cho thấy năm 1885, Nguyễn Quang Bích vẫn làm chủ được vùng thượng lưu sông Hồng. Pháp mới chỉ quanh quẩn ở vùng Hưng Hóa mà thôi.

Về tình hình vùng Nghĩa Lộ và xung quanh: Sau những trận càn quét lớn đầu năm 1886, cuối năm 1886 đầu năm 1887, cuối năm 1887, tháng 4 năm 1888 ở cấp trung đoàn cho đến cuối năm 1889, Pháp còn phải công nhận: "Đứng trước sự nổi dậy thực sự này, một hành động quyết liệt bắt buộc phải đề ra". Hơn nữa, Pháp còn công nhận: "Đó là những cuộc nổi dậy có tính chất thuần túy địa phương do những sự bạo hành của các quan An Nam gây ra trong đó có quan huyện Văn Chấn và quan Tuần phủ Hưng Hóa".

Như vậy, chúng ta biết là sau bốn năm đương đầu với Pháp, nghĩa quân do Tuần phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích lãnh đạo vẫn làm cho chúng mất ăn, mất ngủ.

Còn về tình hình vùng Lâm Thao, Hưng Hóa trở lên theo hai bờ sông Hồng thì Pháp công nhận là "sự rối loạn đầu tiên có tính chất địa phương đã đi tới chỗ lan ra rất rộng".

Những trang tiếp theo cuốn sách viết về mối liên hệ giữa Nguyễn Quang Bích và Tôn Thất Thuyết.

Bằng những tài liệu trên của Pháp chúng ta có thêm cơ sở đánh giá đúng vị trí của Nguyễn Quang Bích trong phong trào kháng Pháp ở Bắc Kỳ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 03:47:06 pm »


Câu hỏi 21: Vị trí của thành Hưng Hóa trong cuộc kháng chiến chống Pháp do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo?
Trả lời:


Lỵ sở Hưng Hóa xưa, nơi có thành Hưng Hóa nổi tiếng nay là thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Từ Trung Hà là nơi hợp lưu của sông Thao và sông Đà, theo quốc lộ 11A, ven bờ đê sông Thao, đi lên phía bắc chừng 6 kilômét, là vị trí thành Hưng Hóa cũ và cũng là tỉnh lỵ của tỉnh Hưng Hóa kể từ nửa đầu thế kỷ XIX. Nằm giữa một vùng trung du, nơi có mật độ cư dân khá đông, lại là nơi án ngữ của con đường giao thông thủy bộ quan trọng (Ngã ba sông Thao và sông Đà, con đường từ Trung Hà đi Phú Thọ, cửa ngõ để tiến vào vùng rừng núi điệp trùng Tây Bắc), lỵ sở Hưng Hóa đã xuất hiện trong sử sách là một vị trí quan trọng.

Nhưng phải đến thời Lê, thế kỷ XV, Hưng Hóa mới thật sự trở nên sầm uất. Nguyễn Trãi trong Dư địa chí cho biết: "Các người ngoại quốc không được tự tiện vào trong nội trấn"1. Tất cả đều phải ở Vân Đồn, Vạn Ninh (Quảng Ninh), Cần Hải (Cửa Cờn, Nghệ An), Hội Thống (Cửa Hội, cửa sông Cả), Hội Triều (Cửa Triều, sông Mã), Thống Lĩnh (sông Kỳ Cùng, Lạng Sơn), Phú Lương (sông Cầu, Thái Nguyên), Tam Kỳ (Tuyên Quang), Trúc Hoa (Hưng Hóa)2.

Trong thời gian từ Lê Thánh Tông đến Lê trung hưng vị trí chính trị của Hưng Hóa đã tăng cường. Ở trấn Hưng Hóa (sau Lê trung hưng) lỵ sở tam lỵ đóng ở xã Cổ Pháp, sau bãi hai ty Thừa chính và Hiến sát. Năm Bảo Thái thứ 2 triều Lê Dụ Tông (năm 1721) bãi bỏ hai ty này còn ty Trấn thủ thì dời đến đóng lỵ sở ở xã Bắc Lẫm, huyện Trấn Yên, rồi lại dời đến đóng nhờ ở xã Trúc Phô (Hưng Hóa) huyện Tam Nông tỉnh Sơn Tây3. Có thể nói, sát trước thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII, vai trò trung tâm kinh tế, trung tâm chính trị toàn xứ của Hưng Hóa đã được cũng cố và phát triển.
____________________________________
1. Nội trấn, tức 4 kinh lộ thời Lê sơ: Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam.
2. Nguyễn Trãi toàn tập, Dư địa chí, Nxb Khoa hoc xã hội, Hà Nội, 1976, tr. 244.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 306.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 03:48:41 pm »


Bước sang thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831) chia cả nước thành hai mươi chín tỉnh, tỉnh Hưng Hóa (gồm toàn bộ vùng rừng núi Tây Bắc giữa sông Thao và sông Đà ngày nay) được thành lập, tỉnh lỵ vẫn đặt tại Hưng Hóa.

Hưng Hóa, dưới triều đại này được bổ sung bằng một công trình quân sự: thành lũy. Tòa thành Hưng Hóa đã bị phá đầu những năm kháng chiến chống Pháp, trong kế hoạch tiêu thổ kháng chiến của ta. Ngày nay, về Hưng Hóa ta còn được nghe chính những người tham gia phá hủy kể về một tòa thành đá ong khá kiên cố với một cột cờ đồ sộ, mà vết tích còn lại là những chân bờ thành chạy dọc ven phố Tân Hưng và phần chân bệ cột cờ nằm trong khu vực doanh trại quân đội ở giữa thị trấn.

Tòa thành này chính là tỉnh thành Hưng Hóa, hoặc Trúc Thành được ghi chép trong sử sách. Thành Hưng Hóa xây dựng theo kiểu thành Vô-băng (Voband)1 với một đồ án hình vuông, nằm hơi chếch theo hướng tây bắc - đông nam, mỗi cạnh chừng 360 mét. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết như sau: "Tỉnh thành Hưng Hóa chu vi hơn 360 trượng (1440 mét), cao 1 trượng 2 thước 1 tấc (gần 5 mét), hào rộng 2 trượng 2 thước (gần 9 mét), sâu 6 thước 9 tấc (2,8 mét) mở 4 cửa, đời Gia Long đắp thành đất, năm Minh Mệnh thứ 3 (năm 1822) xây bằng đá ong"2. Một tấm bia nhỏ còn lại ở chân cột cờ cho biết cột cờ Hưng Hóa được xây năm Thiệu Trị thứ 3 (năm 1842), sau cột cờ Hà Nội và cột cờ Sơn Tây.

Thành Hưng Hóa nói riêng và tỉnh Hưng Hóa nói chung trong khoảng 15 năm từ năm 1875 đến năm 1890 gắn liền với cuộc đời làm quan và những hoạt động chống Pháp của Nguyễn Quang Bích.

Năm Ất Hợi đời Tự Đức thứ 28 (năm 1875), khi triều đình mở ban doanh điền Hưng Hóa, vua Tự Đức cử Nguyễn Quang Bích làm Chánh sứ sơn phòng. Năm sau, Bính Tý (năm 1876) ông kiêm luôn cả chức Tuần phủ Hưng Hóa.

Sau khi Hà Nội bị thất thủ lần thứ hai (ngày 25 tháng 4 năm 1882) và nhất là khi buộc triều đình Huế ký hàng ước ngày 25 tháng 8 năm 1883 xác định quyền bảo hộ của pháp ở Việt Nam, thực dân kéo ra Bắc đánh chiếm nhiều nơi nhằm hoàn thành gấp công cuộc xâm lược trong phạm vi cả nước. Tính đến tháng 3 năm 1884, hầu hết Bắc Kỳ đã lọt vào tay giặc, trong số các căn cứ quan trọng chỉ còn lại thành Hưng Hóa. Sau khi thành Sơn Tây thất thủ, Hưng Hóa với vị trí án ngữ con đường sông đã trở thành tỉnh lỵ của Tam Tuyên (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang). Lúc này, ở thành Hưng Hóa đã có quân đội của Hoàng Tá Viêm, của Lưu Vĩnh Phúc và có cả quân Thanh thuộc đội quân Vân Nam và Quý Châu đóng giữ.

Nhận rõ vị trí quân sự rất lợi hại của thành Hưng Hóa, thực dân Pháp quyết đánh chiếm, hòng đè bẹp ý chí kháng chiến và các hành động chống trả của ta, nhất là, nhằm tiêu diệt số sĩ phu yêu nước chủ trương chống Pháp tới cùng mà một trong số những người ấy là Nguyễn Quang Bích.
______________________________________
1. Voband (1663-1707): Là một kỹ sư quân sự, đã từng mang cấp bậc nguyên soái của nước Pháp, sáng chế ra một kiểu thành mang tên ông.
2. Quốc sử quán triều Nguvễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 4, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.288.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 03:49:07 pm »


- Thành Hưng Hóa giữ vị trí như một tiền đồn của ca vùng rừng núi Tây Bắc.

Nếu nhìn dưới con mắt quân sự cổ điển phương Đông, và kỹ thuật xây cất thành phong kiến thì có thể nói, thành Hưng Hóa được tạo dựng tại một địa điểm khá thông minh. Tác giả của công trình kiến trúc này đã lợi dụng tối ưu địa thế tự nhiên ở đây. Thành được xây trên một quả đồi bằng phẳng, khá rộng rãi, phía sau của thành là cả một dãy đồi cao, đồi thấp bao bọc, phía trước sông Thao chảy sát ngay chân tường nên được lợi dụng làm hào tự nhiên bảo vệ thành. Thành được xây tương đối cao, vững chắc bằng đá ong, lại có hào tự nhiên che chắn như vậy nếu đối phương chỉ sử dụng vũ khí thô sơ để tấn công, thì cũng khó mà phá nổi. Song, như đã thấy, thành Hưng Hóa đã bộc lộ rõ chỗ yếu của nó khi gặp sức tấn công bằng tàu đồng, đại pháo.

Sự thất thủ nhanh chóng của thành Hưng Hóa đã giúp cho các lãnh tụ nghĩa quân, nhất là Nguyễn Quang Bích một bài học là không nên dựa vào thành lũy, và không nên đóng giữ tại một nơi nào cố định, cần hết sức linh hoạt. Trong suốt quá trình hoạt động sau này, Nguyễn Quang Bích đã thực hiện như vậy. Do vậy, thành Hưng Hóa cho dù thất thủ nhưng ngược lại, nó lại giúp cho các lãnh tụ phong trào Cần Vương một bài học tích cực. Phải chăng thành Hưng Hóa giữ một vị trí như một tiền đồn của cả vùng rừng núi Tây Bắc hiểm trở, cho nên sau khi không thể bảo vệ được, Nguyễn Quang Bích đã hướng các hoạt động của mình về vùng đất rộng lớn phía sau Hưng Hóa, nơi mà do chức trách ông rất quen thủy thổ.

- Thành Hưng Hóa án ngữ hai con đường thủy quan trọng là sông Thao và sông Đà.

Thực dân Pháp gấp rút đánh chiếm nhanh thành Hưng Hóa, một phần quan trọng vì nó nằm án ngữ hai con đường thủy là sông Thao và sông Đà. Theo đường sông Đà chúng có thể tiến đánh vào vùng Hòa Bình, vùng rừng núi Tây Bắc; theo đường sông Thao, chúng dễ dàng tiến đánh các tỉnh biên giới nước ta để nhòm ngó Trung Quốc. Điều này chính Nguyễn Quang Bích đã nhận thức rất rõ. Cho nên khi thành Hưng Hóa thất thủ, và kể cả sau này, ông luôn luôn cho quân hoạt động để uy hiếp và khống chế vùng đất xung quanh thành Hưng Hóa. Thực dân Pháp tuy chiếm được thành Hưng Hóa, nhưng không phải đã hoàn toàn làm chủ được hai con đường thủy nói trên, cũng như chúng không thể chủ động dựa vào thành để tấn công đại bản doanh của nghĩa quân, suốt trong vòng năm, sáu năm trời là do bị sự không chế của quân ta.

- Chọn vùng đất xung quanh thành Hưng Hóa và tỉnh Hưng Hóa để hoạt động, Nguyễn Quang Bích có thể dễ dàng lấy lương thực tại chỗ để thủ hiểm.

Thực ra, việc chọn vùng Hưng Hóa - Đà Giang để thủ hiểm dễ dàng chống lại hoặc né tránh mũi tiến đánh từ miền xuôi lên, không phải là mới mẻ gì trong lịch sử nước ta. Từ xa xưa, các lực lượng cát cứ của các tù trưởng thiểu số đã từng chiếm mảnh đất này nhằm chống lại triều đình trung ương. Điển hình như trường hợp Trịnh Gia Mật thời Trần và Đèo Cát Hãn thời Lê.

Hưng Hóa - Đà Giang là một vùng lòng chảo, bằng địa và hơi trũng, có thể nói là một "vựa thóc nhỏ" của tỉnh. Ở giữa cánh đồng ba tổng bằng phẳng, rộng chừng vài ngàn mẫu, có hai con ngòi lớn chảy dọc xung quanh, đất đai màu mỡ, thóc lúa nhiều, đủ cung cấp cho quân lính. Lại thêm có suối nước nóng bốn mùa không cạn, dân cư trù mật, bốn bề núi cao như thành, ra vào ba đường rất hiểm trở, có thể thông sang các châu khác.

Chính vì đã lợi dụng được địa thế thiên nhiên như trình bày ở trên nên phong trào kháng Pháp do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo đã tồn tại được tương đối lâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 03:50:05 pm »


Câu hỏi22: Hãy cho biết thông tin về căn cứ Tiên Động - một trung tâm chiến đấu chống Pháp của phong trào Cần Vương do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo?
Trả lời:


Sau khi thành Hưng Hóa thất thủ, Nguyễn Quang Bích cùng quân sĩ rút về vùng sông Thao và lần lượt đóng ở các địa điểm: Tứ Mỹ, Sơn Tình, Tuy Lộc rồi cuối cùng rút về Tiên Động. Tại Tiên Động, với vốn tri thức quân sự khá phong phú và đã dày dạn kinh nghiệm, lại biết tận dụng địa thế hiểm trở của vùng đồi núi xen lẫn với đầm lầy, Nguyễn Quang Bích đã cho xây dựng một hệ thống phòng thủ khá hợp lý và biến nơi đây thành một căn cứ địa vững chắc.

Tiên Động nay thuộc xã Tiên Lương, cách thị trấn Cam Khê 17 kilômét về phía bắc. Toàn bộ khu vực này rộng khoảng 10 kilômét vuông là một cánh đồng chiêm trũng sình lầy. Phía đông là sông Hồng, phía nam là đầm lầy, phía tây là dãy núi Lưỡi Hái chắn dài như bức tường thành, phía tây bắc là cả một vòng cung dài đồi núi lô xô xen lẫn những ngòi độc. Ở giữa vùng đồng lầy có một con ngòi khá to chảy ra sông Hồng gọi là ngòi Dành. Vào Tiên Động chỉ có hai con đường: đường thủy thì theo ngòi Dành, đường bộ thì từ Minh Côi đi vào theo vòng cung đồi núi.

Chuyển về Tiên Động, Nguyễn Quang Bích đã cho quân sĩ xây dựng một hệ thống đồn bốt như sau:

- Trong cùng là đại bản doanh, đóng trên một gò cao mà nay nhân dân còn gọi là gò Quan Đại (tức là gò quan đại thần đóng). Đây là một quả đồi cao khoảng 150 mét so với mặt bằng khu vực, giáp với núi Lưỡi Hái. Đỉnh đồi khá bằng phẳng và lồi mặt gương lên ba mỏm: Mỏm giữa nay còn gọi là đồi Tướng Quân - tức nơi Nguyễn Quang Bích đóng đại bản doanh; bên hữu xế phía sau là mỏm Hổ Gia án ngữ một con đường độc đạo xuyên qua núi Lưỡi Hái thông sang Yên Lập (về sau Pháp đánh, Nguyễn Quang Bích rút bằng con đường này); mỏm bên tả chếch trước mặt là gò Công Đồn. Theo chúng tôi thì đây là đồn vệ binh đóng để bảo vệ đại bản doanh. Mỗi mỏm đồi này cách nhau khoảng 300 mét, thỉnh thoảng lại có những bãi đá phiến rất bằng phẳng, phía gần chân đồi hiện nay còn vết tích của giếng nước và nơi buộc ngựa của nghĩa quân xưa kia.

- Từ gò Quan Đại đi ra khoảng 500 mét theo đường chim bay (đường bộ chừng 3 cây số) thì đến gò Cây Si, còn gọi là gò Đồn và gò Múc, hai gò này cách nhau một tràn độc. Gọi là gò Đồn vì ở đây có nhiều đồn binh đóng. Năm 1979, tại chân gò Đồn, một nhà dân đã đào được một cái phạng khá to và đẹp trong có đựng một bộ ấm chén. Một số cụ già bảo đó là đồ dùng để phục vụ đồn Quan Đại (tức Nguyễn Quang Bích).

- Từ gò Múc đi ra khoảng 2 cây số thì đến gò Hàm Rồng, ở đây không có vết tích và truyền thuyết về việc đóng đồn của nghĩa quân, nhưng cạnh đó là gò Mai mà nhân dân còn truyền tụng về một trận đánh rất lớn giữa nghĩa quân và giặc Pháp. Và đến đây thì hệ thống đồn được chia làm hai ngả:

Ngả thứ nhất, qua cầu Tây (cầu do giặc Pháp bắc để đánh úp nghĩa quân nên gọi là cầu Tây) sang đồn gò Cỏ Rác. Đồn gò Cỏ Rác tương đối lớn, phía bên kia đồn (tức phía bắc) là tràn độc của xã Minh Côi, phía chân bên này là đầm Đào thuộc Tiên Động, phong cảnh đẹp và hiểm trở.

Từ gò Cỏ Rác đi khoảng 2 cây số qua cầu đầm Đào thì đến đồn gò Dọc là đồn ngoài cùng, đồn tiền tiêu của hệ thống cứ điểm Tiên Động, đi hết gò này là ra đến đê và vùng châu thổ sông Hồng thuộc xã Minh Côi.

Ngả thứ hai, là từ gò Hàm Rồng đi ra, rẽ tay phải khoảng 300 mét thì đến làng Mỹ Lương. Làng Mỹ Lương nằm trên một khu đất đẹp hình mâm xôi, ba bề là đầm nước và sình lầy bao bọc. Mùa mưa, Mỹ Lương như một bán đảo. Nguyễn Quang Bích đã cho xây dựng ở đây một cứ điểm khá mạnh để phong tỏa toàn bộ mặt đồng bằng, án ngữ đường thủy là ngòi Dành và yểm trợ cho đồn tiền tiêu là đồn gò Dọc và xế bên trong là đồn gò Cỏ Rác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 12 Tháng Hai, 2017, 03:50:23 pm »


Cứ điểm này rất lợi hại nên được xây dựng khá kiên cố và lực lượng khá mạnh. Hiện nay vẫn còn chỗ đặt ụ pháo (kiểu như lô cốt) và tìm được nhiều đạn cũng như vỏ đạn, rồi chỗ đóng đồn, chỗ buộc ngựa của quân báo, v.v... Chính nhờ cứ điểm Mỹ Lương này mà giặc Pháp dù đã nhiều lần tổ chức tấn công căn cứ Tiên Động nhưng vẫn không vào được, lại còn bị thiệt hại nặng nề. Trong Ngư Phong tướng công hành trạng có viết: giặc Pháp tấn công Tiên Động bình quân mỗi tháng mười ba lượt, nhưng chúng chỉ ở bờ đê bắn vào... sở dĩ chúng không vào được là do bị hỏa lực của ta ở cứ điểm Mỹ Lương phối hợp với đồn gò Dọc đánh trả rất mạnh.

Dùng quân sự đánh Tiên Động không được, giặc Pháp tìm cách mua chuộc. Chúng đã cho hai tên tay sai là Bố chánh Hưng Hóa Bùi Quang Thích và Tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp nhiều lần đến dụ dỗ Nguyễn Quang Bích: nếu giải tán quân, ra làm quan cho chúng thì sẽ được hậu thưởng. Nhưng Nguyễn Quang Bích đã khảng khái từ chối.

Dụ dỗ Nguyễn Quang Bích không xong, giặc Pháp xoay kế tình báo, mua chuộc người làng Minh Côi dẫn đường, bí mật đi từ Minh Côi men theo gò Dọc qua gò Cỏ Rác đến hang Hùm rồi bắc cầu sang gò Hàm Rồng (tức cầu Tây). Hiện nay, cầu không còn nhưng còn rõ mố cầu là một khối đất rất lớn. Từ gò Hàm Rồng, giặc Pháp hành quân đánh tập hậu cứ điểm Mỹ Lương. Bị đánh bất ngờ quân ta trở tay không kịp nên cứ điểm mạnh nhất này đã nhanh chóng về tay địch. Mất Mỹ Lương, toàn bộ hệ thống đồn trại còn lại của căn cứ Tiên Động bị uy hiếp. Và sau mấy trận giáp chiến lớn như ở gò Cây Mai, gò Đồn... biết là không thể giữ được, Nguyễn Quang Bích đã cho quân rút theo đường Hổ Gia qua Yên Lập và sang Nghĩa Lộ.

Như vậy, Tiên Động không chỉ tuyệt đẹp như tên gọi của nó mà còn là một khu di tích lịch sử để giúp cho những ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Cần Vương và lãnh tụ Nguyễn Quang Bích. Đây là nơi tập hợp lực lượng và là nơi gặp gỡ của Nguyễn Quang Bích với các ông đề, ông đốc khác ở Bắc Kỳ. Và chính nơi đây, hơn 100 năm về trước, ông Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần đã thay mặt nhân dân Việt Nam yêu nước viết thư trả lời thực dân Pháp, đó chính là bản cáo trạng tố cáo tội ác, âm mưu quỷ quyệt của chúng.

Căn cứ Tiên Động vì thế là một khu di tích quý về phong trào Cần Vương và về nhà yêu nước Nguyễn Quang Bích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 05:00:56 pm »


Câu hỏi 23: Chiến khu Tôn Sơn là nơi ấp ủ những kế hoạch chiến lược mới của Nguyễn Quang Bích, hãy cho biết về chiến khu này?
Trả lời:


Năm 1886, sau khi Pháp đánh phá căn cứ Tiên Động, Nguyễn Quang Bích cho quân rút qua Yên Lập về Thượng Bằng La thuộc châu Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ. Tại đây, ông đã xây dựng thành một chiến khu, một căn cứ địa khá mạnh, cầm cự với giặc Pháp hơn hai năm trời.

Về sau, Pháp cũng lại dùng kế nghi binh đánh úp doanh trại của nghĩa quân. Nguyễn Quang Bích thấy Pháp đã thông thạo địa hình ở Nghĩa Lộ, mà lực lượng của ta lúc này còn rất mỏng manh, việc gìn giữ bố phòng cho căn cứ này rất khó khăn nên tháng 5 năm 1888, ông lại phải cho quân rút về Yên Lập. Về Yên Lập lần này lúc đầu Nguyễn Quang Bích cho quân đóng ở Sơn Động (nay là núi Đồng thuộc xã Mỹ Lung); tháng 7 năm ấy lại chuyển sang Sơn Lương (nay là Mỹ Lương); rồi sau rút về Quế Sơn (nay là Lương Sơn) và đến tháng 10 năm 1889 ông cho quân về đóng ở khe núi Tôn Sơn, xã Mộ Xuân (nay thuộc xã Xuân An) huyện Yên Lập.

Sở dĩ phải di chuyển nhiều lần như thế bởi vì địa điểm mới phải phù hợp với tình hình và nhiệm vụ của một thời kỳ mới: thời kỳ chuẩn bị lại lực lượng, chờ những thời cơ mới đánh Pháp... Thực chất, Tôn Sơn của nghĩa quân Cần Vương là một chiến khu an toàn hơn là một cứ điểm quân sự.

Theo nhân dân ở đây thì Tôn là dịch từ tiếng Cháu trong ngôn ngữ Mường. Cháu có nghĩa là cây sặt. Núi Cháu là núi mọc đầy cây sặt, nhưng lại được ghi Hán Việt là "Tôn Sơn". Núi Tôn Sơn thuộc dãy núi Đù, đỉnh là ngọn Đọi Đèn cao 815 mét. Về đây, Nguyễn Quang Bích không cho đóng quân ở trên cao, mà ông cho quân đóng ở sườn núi bên khe suối Tôn Sơn - đó là một thung lũng rộng lớn. Các tỳ thuộc, tướng lĩnh người địa phương gần đấy ông đều cho về quê cũ để tuyển mộ binh lương, còn phần lớn đều cùng ông đóng doanh trại tại đây.

Hiện nay, ở đây còn nhiều vết tích mà dân địa phương vẫn gọi là khu vực dinh Quan Đại, đó là hàng dãy dài những cấp nền bằng phẳng, vết tích của những dãy nhà dài - doanh trại của nghĩa quân thuở trước. Ra vào thung lũng này chỉ có duy nhất một con đường nhỏ dài, ngoằn ngoèo và nhiều dốc. Chỗ dốc nhất gọi là Đèo Vàng vì trước đó giặc Cờ Vàng bị đánh thua nặng ở đèo này. Phía xa dưới chân Đèo Vàng có một cánh đồng tục gọi đồng Hon... Cho quân đóng ở đây một mặt để luyện tập quân sự, song mặt khác quan trọng là Nguyễn Quang Bích lo chuẩn bị lương thảo phục vụ cho kế hoạch đánh Pháp vào đầu năm 1890. Kế hoạch mới ấy được đúc rút từ một quá trình chiến đấu và được chuẩn bị khá chu đáo ở chiến khu Tôn Sơn, nhưng chưa kịp thực hiện thì không may Nguyễn Quang Bích đột ngột qua đời.

Ngày nay, nếu ai có dịp tìm về chiến khu Tôn Sơn, đi bộ khoảng 5 đến 6 cây số, trèo dốc Đèo Vàng sẽ thấy đường mòn lối cũ vẫn đây, bạt ngàn thung lũng còn đó, một khu nền đất và một ngôi mộ xếp bằng những phiến đá xanh - táng theo phong tục người Dao (dân bản địa), tương truyền là mộ quan đại thần Nguyễn Quang Bích được lập lại sau khi cải táng. Trước cảnh ấy hẳn ai cũng không khỏi bùi ngùi. Dường như hình ảnh tướng công còn ở đâu đây, gương mặt quắc thước, râu dài, trầm ngâm như đang trăn trở tính suy, đang ngồi cầm bút làm thơ hay đang ân cần chuyện trò cùng tướng sĩ. Và, rì rầm đâu đây mỗi gốc cây, cành lá ngày ngày vẫn kể câu chuyện về nghĩa quân và quan đại thần đức độ, thanh liêm, tâm hồn cao thượng... Hình ảnh Nguyễn Quang Bích còn sống mãi trong lòng nhân dân và núi rừng miền thượng du và Tây Bắc - Bắc Kỳ như khe suối Tôn Sơn chảy không bao giờ cạn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 05:03:47 pm »


Câu hỏi 24: Nguyễn Quang Bích qua hai lần đi sứ nhà Thanh đã có nhiều thay đổi trong tư tưởng và hành động, hãy cho biết về điều đó?
Trả lời:


Ngày 17 tháng 8 năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn ra chiếu Cần Vương, rồi xuống dụ thăng chức cho một số văn thần, võ tướng. Trong dịp này, Nguyễn Quang Bích được phong Lễ bộ thượng thư sung Hiệp thống quân vụ Bắc Kỳ, tước Thuần trung hầu và được ủy nhiệm mang thư của vua Hàm Nghi sang Trung Quốc. Hai ngày sau, ngày 19 tháng 3, Nguyễn Quang Bích lên đường đi Vân Nam. Ông đi sứ trong bối cảnh triều đình Huế đã bán nước và bán luôn cả quyền ngoại giao cho Pháp trước đó hai năm bằng Hiệp ước Hác-măng tháng 7 năm 1883 và được bổ sung tiếp bằng Hiệp ước Pa-tơ-nốt tháng 6 năm 1884. Pháp thay mặt cho triều đình Huế trong mọi quan hệ đối ngoại.

Trước đó một năm (tháng 5 năm 1884) tại Thiên Tân Trung Quốc, triều đình Mãn Thanh đã ký một quy ước với Pháp mang tên "Quy ước sơ bộ về tình hữu nghị và hòa hảo liên bang giữa Pháp và Trung Hoa". Trong đó triều đình Mãn Thanh phải rút quân ra khỏi Bắc Kỳ và tôn trọng mọi hiệp ước Pháp đã và sẽ ký kết với triều đình Huế. Và trước thời điểm ông đi sứ ba tháng thì thì Hiệp ước Thiên Tân đã chính thức được phê chuẩn trong đó có nội dung Trung Hoa thừa nhận quyền thống trị của Pháp ở Việt Nam, Pháp nhường cho Trung Hoa một số vùng đất của Việt Nam ở biên giới để sáp nhập vào các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông của Trung Quốc.

Hơn thế nữa, vua Hàm Nghi - người ủy nhiệm cho Nguyễn Quang Bích mang quốc thư làm nhiệm vụ sứ thần thì lại chưa được triều đình Mãn Thanh phong vương. Trong quốc thư, Hàm Nghi cũng viết: "Chưa được sắc phong, danh chưa chính thì việc khó thành". Ngay quốc thư cũng không có dấu mà phải "áp ký bằng tay" bởi quốc ấn (mà triều đình Mãn Thanh ban cho) đã bị thực dân Pháp đem nấu chảy từ tháng 8 năm 1883.

Dù sao Nguyễn Quang Bích cũng thấu hiểu những khó khăn của bối cảnh lịch sử ấy nên trước khi ra đi ông đã làm một bài thơ để tự an ủi và "quyết mang cuộc đời tàn cứu nước, thề với tấm lòng son" để làm trọn nhiệm vụ sứ thần mà vua Hàm Nghi đã ủy thác.

Nguyễn Quang Bích đi sứ trong một hoàn cảnh không chỉ bế tắc trong con đường đối ngoại mà đất nước đang ở trong "tình thế nguy nan, cơ đồ đổ nát". Nhiệm vụ đi sứ của ông là cầu phong, cầu viện nhưng không vì thế mà để mất đi chủ quyền độc lập dân tộc. Quan điểm tư tưởng này không chỉ được hình thành từ khi ông nhận nhiệm vụ đi sứ mà ngay khi ông còn giữ chức Tuần phủ Hưng Hóa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 13 Tháng Hai, 2017, 05:04:49 pm »


Tháng 11 năm 1882, Hà Nội thất thủ lần thứ hai. Tự Đức cho người sang Thiên Tân cầu viện triều đình Mãn Thanh. Lợi dụng quân triều đình nhà Nguyễn cùng quân Cờ Đen tiêu diệt được tên Hăng-ri Ri-vi-e (giữa năm 1883), nhà Thanh ồ ạt kéo quân đến biên giới gây áp lực với Pháp và nếu tình hình có biến thì xâu xé nước ta. Nguyễn Quang Bích tỏ ý lo ngại tâu về triều đình Huế thì lại bị quở trách "đem lòng tiểu nhân đo bụng người quân tử, lẽ nào nhà Thanh lại làm cái cử động vô nghĩa ấy". Nhưng thực tế lịch sử đã minh chứng điều ông lo ngại là đúng. Bởi vậy, ông chấp nhận Lưu Vinh Phúc và đội quân Cờ Đen cùng ông đánh Pháp, chứ không chấp nhận việc quân đội nhà Thanh lúc ấy ồ ạt tràn qua biên giới, vi phạm chủ quyền của dân tộc.

Trong một bài thơ họa lại bài tặng của Tôn Thất Thuyết sau lần đi sứ về, Nguyễn Quang Bích có nói tới sẽ có sự viện giúp của nhà Thanh, nhưng ngay mở đầu bài thơ, ông đã khẳng định: Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, là một dân tộc có nhiều chiến công oanh liệt trong lịch sử giữ nước.

      Nam thiên định phận đế vương châu,
      Tiền sử chiêu chiêu vũ liệt ưu


Nghĩa là:
      Trời Nam đã được phân định là đất đế vương
      Vũ công oanh liệt ngời sáng những trang sử trước.


Thời gian sau, khi nhận được thư của Tôn Thất Thuyết gửi về, ý nói sẽ có sự viện giúp của nhà Thanh, lúc chia tay Tán tương quân vụ Nguyễn Tử Ngôn về Nam Định, Ninh Bình, để tổ chức lực lượng, sẵn sàng ứng nghĩa, ông làm một bài thơ tiễn và có ý dặn rằng: nếu gặp những người bạn đồng tâm, nhấp chén rượu chuyện trò, cũng nên nhắc nhở nhau rằng đất nước Việt Nam "sách trời đã định từ thuở Lạc Hồng".

      Nhược ngộ đồng tâm thoại bôi tửu,
      Ngã Nam thiển định Lạc Hồng sơ.


Tư tưởng độc lập và lòng tự hào dân tộc trong Nguyễn Quang Bích còn được thể hiện trong công việc thường ngày suốt thời gian đi sứ.

Trong chuyến đi sứ lần thứ hai, khi người ở công quán, bị kẻ gian lấy cắp tư trang hành lý, trước khi về nước, một số quan văn võ nhà Thanh biết tin đến tiễn và tặng quà, ông đều không nhận. Những người cùng đoàn khuyên nên nhận, ông đã trả lời: "Chuyến đi này một thân ta tuy nhỏ, nhưng hệ trọng tới việc nước, nếu nhận quà biếu sợ mất quốc thể. Bọn ta còn được chút ít quần áo khi cần bán đi cũng có thể tạm đủ”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM