Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:27:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích  (Đọc 21425 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:18:42 pm »


Câu hỏi 13: Nguyễn Quang Bích đã có những đóng góp gì trong việc xây dựng làng Trình Phố - nơi ông sinh ra và lớn lên?
Trả lời:


Sinh ra và lớn lên ở làng Trình Phố nên Nguyễn Quang Bích rất hiểu mảnh đất và con người ở đây. Dân chúng chăm học, chăm làm nhưng đói khổ quanh năm vì ruộng đồng úng lụt, vì mất mùa liên miên. Phụ nữ trong làng phải đội phân ra đồng trong vụ tháng năm, tháng sáu. Nhiều khi, dân làng này và dân làng khác đánh nhau đổ máu chỉ vì dồn nước từ đồng mình sang đồng người. Những cảnh đau lòng ấy khiến ông khi còn là cậu học trò đã phải nghĩ suy, trăn trở... Có lẽ chính vì vậy mà sau khi đỗ cử nhân, về nhà chịu tang cha (mùa hè năm Ất Sửu 1865) Nguyễn Quang Bích đã thực hiện được nguyện vọng của mình: xây Văn Chỉ cho làng, mở trường dạy học, vận động thân hào trong xã đóng góp, bỏ tiền ra mua hơn mười mẫu ruộng ở hai xã Vũ Lăng và Đại Hoàng, xe sông xây cống. Sông lấy tên là sông Sứ (tên chữ là Liêm Giang). Cống gọi là công Tam Đồng (vì nằm trên đất làng Tam Đồng).

Sông Sứ dài khoảng 5 kilômét chạy từ miếu Long Nhãn đến đê sông Trà. Cống Tam Đồng được xây bằng gạch, dài 25 mét, rộng 4 mét, dày 2 mét.

Có sông, có cống tiêu nước chua, dẫn nước ngọt điều hòa hai vụ hè, đông nên đồng ruộng tốt tươi, dân làng vô cùng biết ơn Nguyễn Quang Bích. Khi ông mất, làng dành ba mẫu ruộng để thu hoa lợi dùng vào việc cúng tế ông.

Ở thế kỷ XIX và cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, trường học hàng tỉnh, hàng huyện còn quá ít. Riêng huyện Chân Định (tức Trực Định, phủ Kiến Xương sau này) chỉ có một trường đặt ở làng Động Trung và được thành lập năm Gia Long thứ 7 (năm 1808). Vì thế, các trường làng vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo, giáo dục nhân tài. Chính những mái trường, thầy giáo ở khắp xóm thôn ấy là những đốm lửa nhen nhóm khai tâm, mở trí cho nhiều nhân vật lớn lao mà Doãn Khuê, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Mậu Kiến, Trần Xuân Sắc, v.v... là những người tiêu biểu. Những năm Nguyễn Quang Bích mở trường dạy học ở làng, học trò theo học khá đông và cũng có người đỗ đạt.

Hai năm chịu tang cha, Nguyễn Quang Bích thực sự đã để lại ở Trình Phố không ít ân nghĩa. Chính đức, tài của ông, cách ứng xử nhân nghĩa đã thành truyền thống của dòng họ ông, đã bắt rễ vào đất làng Trình, thấm vào lòng người dân ở đây. Có thấy được điều này, chúng ta mới hiểu được vì sao dân làng đã theo ông lên tận miền Hưng Hóa xa xôi giết giặc. Khi ông mất, làng Trình Phố cùng gánh chịu với gia đình ông một tổn thất lớn lao và cả sự trả thù của chính quyền thực dân Pháp.

Ngôi từ đường nhỏ của dòng họ ông ở Trình Phố vẫn là niềm tự hào xưa nay của dân làng. Nguyễn Quang Bích xứng đáng với những lời ngợi ca đẹp đẽ:

      Chỉ trụ thiên thu tiêu Việt quốc,
      Danh môn bách thế biểu Trình Giang1


Dịch:
      Cột trụ ngàn năm nêu nước Việt
      Danh thơm muôn thuở rạng làng Trình.
_________________________________________
1. Câu đối trong từ đường Nguyễn Quang Bích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 09:34:44 am »


Câu hỏi 14: Hãy cho biết nguyên do đổi từ họ Ngô sang họ Nguyễn của Nguyễn Quang Bích và đôi nét về dòng họ này?
Trả lời:


Về việc đổi tên họ Ngô sang họ Nguyễn được ghi chép ở một số sách như sau: "Cụ Ngô Đắc Khản với cụ Ngô Đình Thụ sinh đôi, năm còn thơ ấu được nuôi nấng ở bên ngoại là họ Nguyễn, nhân đó mới đổi sang họ Nguyễn".

Ngư Phong Nguyễn Quang Bích sau này có làm đôi câu đối chữ Hán nói đến việc này như sau:

      "Ngã liệt tiên bản tính Ngô, tương thừa duy canh độc thị mưu, phát ư tiền hữu lưỡng khoa đăng giám;
      Tằng tổ công liệt vị Nguyễn, tự ấu vu ngọa gia thác dưỡng, hệ chi tịch kinh tam thế ngật kim".


Tạm dịch:
      "Tổ tiên ta vốn họ Ngô, nối đời chuyên nghiệp nho nông, đỗ trước có cụ lưỡng khoa đăng giáp;
      Tằng tổ đổi là họ Nguyễn, từ nhỏ nương nhờ bên ngoại, văn chương đã ba đời đến nay”.


Về truyền thống hiếu học của chi họ Nguyễn Ngô ở Trình Phố thì tính từ đời thứ ba - cụ Ngô Nhã Trực hai lần đỗ giám sinh, làm Đồng tri phủ Lý Nhân, sau lại làm Tri huyện Kim Bảng. Thân sinh Nguyễn Quang Bích là Nguyễn Quang Mỹ, tự Quang Lưu ở đời thứ sáu, gia phả ghi cụ làm Thị giảng học sĩ và cụ bà là Trần Thị Sở được phong Tứ phẩm cung nhân. Nguyễn Quang Bích có năm anh em trai và một người em gái. Người anh cả là Nguyễn Đức Trạc, tự Đoài Hiên, đỗ cử nhân khoa Ất Mão (1855), làm Hàn lâm thị độc sung chức Thương biện Hải Dương - Hải Phòng. Người em sinh đôi với Nguyễn Quang Bích là Nguyễn Quang Chiều, tự Tiềm Phu, đỗ tú tài khoa Ất Mão (1855) đời Tự Đức. Người thứ tư là Nguyễn Quang Súy đỗ nhị trường. Người thứ năm là Nguyễn Thanh Doãn đỗ nhất trường rồi mất sớm.

Con cả Nguyễn Quang Bích là Ngô Quang Đoan. Ông sinh năm Nhâm Thân (1872), mất năm Ất Dậu (1945). Năm 18 tuổi, khi đang theo học cụ Phó bảng Đông Thành, được tin cha mất ở chiến khu Tôn Sơn, ông bèn lên đó cùng Đề Kiều, Đốc Ngữ, Đề Vân, Lãnh Giao,... tham gia kháng chiến cho đến khi phong trào hoàn toàn tan rã. Một thời gian sau, ông tiếp tục tham gia phong trào Đông Du, cùng Phan Bội Châu sang Nhật Bản và Trung Quốc. Phong trào này thất bại, ông lẩn trốn ở vùng trung du Bắc Kỳ. Năm 1945, người Nhật phát hiện ông ngấm ngầm giúp đỡ cách mạng, đã đến đốt nhà, ông phải chạy về Trình Phố và lâm bệnh mất tại quê.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 09:36:17 am »


Câu hỏi 15: Có thể nói Nguyễn Quang Bích là đại diện cho tầng lớp trí thức yêu nước thời bấy giờ. Quá trình để Nguyễn Quang Bích từ một ông quan Tuần phủ Hưng Hóa trở thành một lãnh tụ của phong trào Cần Vương là một quá trình đấu tranh lâu dài, nhiều giằng co, hãy cho biết về điều này?
Trả lời:


Trên dòng truyền thống của Việt Nam, mỗi khúc ngoặt lịch sử là một thử thách đối với người trí thức. Trước thử thách đó những người trí thức chân chính chỉ có một lựa chọn: lấy danh dự của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và phẩm giá của con người làm lẽ sống.

Họ biết rõ rằng sự lựa chọn ấy thường đem lại cho họ ưu tư nhiều hơn là hạnh lạc. "Cổ lai thức tự đa ưu hoạn", nghĩa là: Xưa nay người trí thức thường lắm ưu tư và hoạn nạn. Tô Đông Pha từng nói như vậy. Nguyễn Trãi cũng từng nói như vậy.

Ưu hoạn là số phận của người trí thức. Người trí thức chân chính thà chấp nhận số phận ấy chứ không đi chệch lẽ sống của mình.

Nguyễn Quang Bích từ nhỏ đã kiên trì học tập để trở thành người trí thức. Nhưng con đường khoa cử không phải dễ dàng. Trải bao công sức, năm 26 tuổi ông mới đậu tú tài, năm 29 tuổi mới đỗ cử nhân, và năm 37 tuổi mới trải qua thi hội và được vào thi đình.

Trong dịp đình thíđối sách trước nhà vua, ông đã trình bày quan điểm của mình trong việc xây dựng và giữ gìn đất nước. Điều quan trọng nhất, theo ông, là yên lòng dân và sử dụng người tài. Được vua Tự Đức đánh giá cao, ông đã đỗ Hoàng giáp. Từ đó (năm 1869), ông dần dần được thăng đến Tuần phủ Hưng Hóa (năm 1876).

Năm 1885, vua Hàm Nghi sau thất bại ở kinh thành Huế, chạy ra phía Bắc và hạ chiếu Cần Vương. Nguyễn Quang Bích được phong làm Lễ bộ thượng thư sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ, được quyền sắp đặt các quan chức từ tham tán, đề đốc trở xuống.

Được nhà vua giao trọng trách, ông không quản ngại gian khổ, tổ chức và chỉ huy cuộc kháng chiến, lấy vùng Tây Bắc làm căn cứ.

Lúc bấy giờ, đế quốc Pháp đã chiếm gần hết đất nước và hoàn toàn chi phối triều đình Việt Nam. Nhân dân nơi này nơi khác vẫn chiến đấu kiên cường bên cạnh những trí thức yêu nước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 09:37:36 am »


Trước sự phân liệt của tầng lớp trí thức đương thời, Nguyễn Quang Bích kiên trì một thái độ mà ông đã xác định từ trước: không thể thỏa hiệp và đầu hàng, chỉ có con đường là chiến đấu đến cùng để cứu nước.

Với khí phách của người trí thức chân chính, Nguyễn Quang Bích đã từ lâu khẳng định ý chí son sắt của mình như đã trình bày với nhà vua trong dịp đình thí đối sách: "Thần nghe rằng: giữa trời và người không xa xôi lắm, cho nên việc làm của ông Vua thường có sự cảm ứng với trời đất. Sao vậy? Là vì Trời là Lý vậy. Lý tan hòa trong muôn vàn sự vật. Dẫu trời không thể làm, người sẽ làm thay... Thánh hiền sinh ra ở đời nay, quý là ở chỗ có khả năng đổi suy nên thịnh, đổi sai nên đúng, đổi nguy nên yên, đổi loạn nên trị, lấy lý mà chế ngự; chứ không nhất thiết phó mặc khí số, đã không phó mặc khí số thì cũng trở lại tìm ở nhân sự mà thôi.

Thái độ trên ấy từ lâu đã được củng cố trước bao tấm gương kiên cường của những người trí thức chân chính. Năm Nguyễn Bá Nghi chủ trương nhường Gia Định, Định Tường cũng là năm Trương Định mộ quân chống Pháp (năm 1861). Năm Phan Thanh Giản ký hòa ước nhường ba tỉnh Nam Kỳ cũng là năm Thủ khoa Huân giương cờ khởi nghĩa (năm 1862).

Nguyễn Quang Bích đã thấy con đường cứu nước lôi cuốn đông đảo những người trí thức lỗi lạc như: Phạm Văn Nghị Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Đặng Huy Trứ...

Việc Hoàng Tá Viêm, Tôn Thất Thuyết, Lưu Vĩnh Phúc đánh trận cầu Giấy giết chết Phrăng-xi Gac-ni-e năm 1873 và Hăng-ri Ri-vi-e năm 1883 càng tiếp thêm cho ông niềm tin và nghị lực.

Kính phục những người trí thức chân chính, ông càng khinh ghét những kẻ mang danh trí thức vì lợi ích nhỏ bé của cá nhân mà chà đạp lên chân lý và chính nghĩa. Những kẻ ấy trong triều đình thì không dám nói lên lẽ phải, mà còn biện hộ thêm cho sai lầm của nhà vua. Trước quân giặc thì họ sợ sệt đầu hàng. Ông lên án bọn họ là "tham lam đắm đuối, chạy vạy, luồn cúi dưới lũ hôi tanh để kiếm cơm ăn". Ông vạch mặt "những kẻ bên ngoài thì giả cách lùi bước, ẩn mình mà bên trong thì bí mật cùng quân giặc giao thông để kiếm cho đầy túi". Ông bực mình nhất là bọn chúng thấy "những ai không chịu phục tùng, không để cho giặc làm nhơ bẩn thì lại chê là không biết thời thế".

Giữa hai loại trí thức nói trên, có cái tương phản như nước với lửa, không thể dung hòa. Ông đứng hẳn về phía cái đúng để chống lại cái sai. Ông làm cái thiện và xa cái ác. Ông nắm lấy cái vinh và tránh cái nhục. Ông đã sống những năm tháng tràn đầy khí phách như vậy.

Trong bài thơ Sơn lộ hành tự ủy của Ngư Phong thi tập, Nguyễn Quang Bích viết:

      Trung hiếu trên đầu trời chiếu rọi,
      Gập ghềnh nào sợ bước gian nan!


Bài thơ này có thể coi như mở đầu cho quãng đời đẹp nhất của ông, quãng đời vừa chiến đấu, vừa làm thơ. Chiến đấu đem lại hào khí cho thơ. Thơ rọi sáng thêm cho con đường chiến đấu.

Ông có một tình cảm sâu sắc và nhất quán đối với gia đình, Tổ quốc, nhân dân, đối với nghĩa vua tôi, cha con, chồng vợ. Tất cả những tình cảm trên đều quy về một điểm là đạo đức của con người lấy điều nhân làm cốt lõi. Điều nhân ở Nguyễn Quang Bích thể hiện sâu sắc và cao đẹp trong mọi ứng xử hàng ngày.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 09:38:44 am »


Trong cuộc chiến đấu sống còn với kẻ địch, tấm lòng của ông trước hết hướng về những người chiến hữu đang theo đuổi việc Cần Vương:

      Lam chướng rừng xanh thấu cốt tủy,
      Sâu vắt hút máu áo đỏ hoen
      Đêm ngày chỗ ở không nhất định,
      Chỉ có lều tranh cùng cửa phên.

                                               (Vũ trụ đại khí số)

Mỗi lần giỗ bố mẹ, ông lại nhìn về đám mây trắng xa xa, ân hận đã chẳng làm được gì để báo hiếu. Đối với nhân dân lao động, ông xót xa trước sưu cao thuế nặng, nhà cửa xác xơ, mồ mả hoang tàn, miếu đền xiêu đổ.

Nổi lên nhất trong thời gian ở Tây Bắc là sự gắn bó rất chân thành và sâu sắc giữa ông với nhân dân địa phương: người Mèo, người Nùng, người Dao, những người ông vốn quý như ruột thịt, những người vẫn coi ông như Phật sống.

Ông cùng quân sĩ và nhân dân kiên trì chống Pháp và tình cảm mãnh liệt nhất của ông gắn liền với mọi thành công cũng như mọi tổn thất của nghĩa quân. Nhiều bài thơ ông viết đã ghi lại những cuộc chiến đấu thiêng liêng ấy.

Khí phách anh hùng của ông dâng cao qua ý chí kháng chiến chống Pháp. Nó rực rỡ như ánh sáng thanh gươm Long Tuyền bắn thẳng lên sao Đẩu, sao Ngưu. Bất chấp gian khổ, ông vẫn đầy tin tưởng "nghĩ đến cơ trời xoay chuyển lại". Ông hào hứng làm thơ mỗi lần "tin về thắng trận ngựa như bay”. Cho đến lúc già yếu, ông vẫn kiên định: "Gập ghềnh nào sợ bước gian nan, cứu nước thân già dạ sắt son".

Trong những năm cuối đời, Nguyễn Quang Bích gặp những điều không thuận lợi. Trong lúc này, toàn bộ đất nước đã nằm trong tay giặc. Cuộc kháng chiến ngày một khó khăn. Việc đi xin viện trợ của Trung Quốc đã không thành công. Tin tức của chủ tướng Tôn Thất Thuyết cũng chưa đem lại được những điều đáng phấn khởi.

Trước cái chết của các bạn mình, ông cũng xác định cái chết của mình trong thư trả lời quân Pháp: "Rồi, nêu mà thắng, mà sống, thì là nghĩa sĩ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua, mà chết, thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc...; thà "chịu tội” với nhất thời, quyết không chịu tội với vạn thế!”.

Không ngờ câu nói trên lại chính là lời tuyệt mệnh của ông. Hai năm sau, ông từ trần trước nỗi đau thương vô hạn của các chiến hữu, của quân và dân địa phương, nhất là tầng lớp trí thức yêu nước thời bấy giờ.

Cuộc đời của Nguyễn Quang Bích tiêu biểu cho những phẩm chất đẹp nhất của người trí thức Việt Nam. Ông đã nêu cao vai trò và khí phách của người trí thức trước nhiệm vụ của lịch sử và trước mọi thử thách của cuộc đời.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:56:02 pm »


Câu hỏi 16: Nguyễn Quang Bích và mẫu hình nhà nho nửa cuối thế kỷ XIX?
Trả lời:


Ngay sau khi thực dân Pháp đánh vào cửa biển Đà Nẵng, vấn đề "chiến" và "hòa" đã khiến cho biết bao sĩ phu phải trăn trở luận bàn. Trước một kẻ thù hoàn toàn khác lạ về ý thức hệ, lại vừa mạnh vừa hiện đại hơn, từ phương Tây xa lạ kéo đến, một số ít các nhà nho có đầu óc hoặc tri thức mới mẻ như Nguyễn Trường Tộ, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch... chủ trương canh tân đất nước. Vua Tự Đức cũng thấy "chiến" không bằng "hòa", muốn bằng ngoại giao để thoát họa mất nước. Và tới năm 1867, Phan Thanh Giản đã mơ cổng thành cho Pháp với tâm lý không muốn chuốc lấy thảm bại một cách vô ích. Ngược lại, nhiều văn thân sĩ phu lại đứng ở thế ứng xử khác, họ kiên quyết "chủ chiến", tức là dùng biện pháp quân sự với ý thức không đội trời chung với quân xâm lược. Nguyễn Quang Bích ngay từ đầu đã đứng về phía "chủ chiến". Có thể nói ông và nhiều nhà nho đã nhận thức về trách nhiệm đối với xã tắc như một việc nghĩa nhất thiết phải làm. Một Hồ Huân Nghiệp trước giờ phút lâm hình còn nói với đời về việc nghĩa, về lòng trung hiếu:

      Kiến nghĩa ninh cam bất dũng vi
      Toàn bằng trung hiếu tác nam nhi.


Nghĩa là:
      Thấy việc nghĩa lẽ nào không dũng cảm ra làm,
      Phải giữ tròn điều trung hiếu để xứng đáng là trang nam nhi.


Hay một Nguyễn Quang Bích coi giặc Pháp là loài "quỷ ác" mà mình có nghĩa vụ phải diệt trừ:

      Quỷ ác toàn tu tận lực trừ

Nghĩa là:
      Quỷ ác lo toan hết sức trừ
                          (Tiễn Ninh Bình Nguyễn Tán tương hồi Nam)

Như vậy chứng tỏ ý thức trách nhiệm luôn luôn thường trực trong tâm tưởng những nhà nho này, và ở họ, việc đạo (hệ tư tưởng) và việc đời (vai trò công dân) đã hòa làm một.

Nhưng có lẽ cũng chưa có thời kỳ nào người anh hùng ái quốc lại xuất hiện trong cái nghịch lý trớ trêu như thời kỳ này; biết bao lãnh tụ kháng chiến không đủ sức đương đầu với sức mạnh bạo lực của kẻ thù đã hy sinh oanh liệt để bảo toàn lý tưởng; song chính cái lý tưởng mà họ ôm ấp và tự nguyện xả thân cũng không mở ra cho dân tộc một lối thoát nào tốt đẹp hơn. Không chỉ một Hoàng Diệu, một Nguyễn Tri Phương, một Nguyễn Cao tuẫn tiết, hay một Nguyễn Trung Trực, một Nguyễn Hữu Huân bị chém đầu, ngay đến một Trương Công Định, một Nguyễn Quang Bích, một Phan Đình Phùng, một Hoàng Hoa Thám... kiên trì chiến đấu trong nhiều năm nhưng cuối cùng đều thất bại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:57:06 pm »


Trước một tình thế đất nước đã đổi khác, những nhà nho trung nghĩa ấy vẫn giữ một nhân cách cao cả, một tinh thần yêu nước truyền thống "trung quân ái quốc". Mô típ "trung nghĩa", "cương thường" luôn trở đi trở lại trong những vần thơ vừa hào hùng vừa bi thương của những con người này. Vận nước đang lâm nguy, Nguyễn Quang Bích cảm nhận sâu sắc nỗi đau ấy khi nhìn cảnh sắc giang sơn vẫn còn như cũ mà mưa gió "rợ Tây dương" đang có nguy cơ phủ trùm lên tất cả:

      Giang sơn cử mục hồn như tạc,
      Phong vu thương tâm chỉ sự sầu.

                                     (Di trú Văn Chấn Thượng Bằng La)

Nghĩa là:
      Đưa mắt nhìn núi sông, thấy cảnh sắc vẫn còn như cũ,
      Nhưng đau lòng khi mưa gió bên trời, nghĩ vận nước càng thêm buồn tủi.


Ông càng tin vào lời dạy của cổ nhân về một đất nước "thiên thư định phận" bao nhiêu thì ông càng thấy có trách nhiệm đối với giang sơn xã tắc, càng căm thù bọn giặc cướp nước bấy nhiêu. Ông thề quyết tâm giết giặc như diệt trừ loài cỏ xấu. Cái căm giận không đội trời chung với quân xâm lược, sẵn sàng "xả thân thủ nghĩa", là một quyết tâm đến cùng của Nguyễn Quang Bích. Niềm căm giận đó cũng chính là niềm căm giận đã theo cùng người nghĩa binh nông dân xuống đến tuyền đài trong thơ của Nguyễn Đình Chiểu: "Sống đánh giặc, thác cùng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh" (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Quang Bích dặn người thân: "Ta đã đem thân hứa quốc, không cần người đi lại thăm nom vô ích, sau này, nếu có nhớ đến ta, cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thất hãm làm ngày giỗ ta". Coi ngày thành Hưng Hóa thất thủ là ngày giỗ mình cũng có nghĩa là ông coi như mình đã chết đi cùng với thành trong cái ngày lịch sử đau thương đó. Phải chăng ông đã ý thức đầy đủ về một sự mất mát không cưỡng nổi của cả một thế giới tinh thần tượng trưng bằng thành trì, văn vật... trong đó có gói ghém số phận của chính mình? Nguyễn Quang Bích quả đã nói lên được tâm lý chung của cả một thời đại, một thời đại mà mỗi cá nhân đều “phi ngã", chỉ có hình ảnh ngôi vua hiện lên lộng lẫy giữa một "thành bão" phong kiến mới tiêu biểu cho sự bền vững của cộng đồng.

Hành vi lịch sử "xả thân thủ nghĩa" đã trở thành hành vi đặc trưng cho cả một giai đoạn lịch sử. Những nhà nho trung nghĩa đã rất quyết liệt trong việc lựa chọn cái sống và cái chết. Trong triết lý sống và trong cách lựa chọn đó vừa có vẻ đẹp của một phạm trù thẩm mỹ cao cả vừa ẩn giấu cái không tưởng và vô vọng của một bi kịch. Bi kịch ở chỗ bản thân cái đẹp mà chủ thể muốn vươn tới lại cũng tất yếu là sự chuyển hóa thành cái chết, tức là một cách xác nhận tính phi hiện thực lý tưởng của mình. Nguyễn Quang Bích dứt khoát trả lời thực dân Pháp: "Chúng tôi cam lòng chịu chết vì nghĩa vua tôi". Vấn đề không còn là niềm tin nâng đỡ mỗi con người để họ tự nguyện hy sinh mà chỉ còn là một thế ứng xử có tính chất đạo lý. Nhưng một thế ứng xử tưởng chừng đầy tuyệt vọng như vậy, nhìn ở một bình diện khác, bỗng trở nên cao cả, vì rằng "nghĩa vua tôi" đã mang trong nó thực chất nghĩa vụ đối với xã tắc, non sông. Bởi vậy, Nguyễn Quang Bích coi đó là thế ứng xử tuyệt đối cần thiết, nhờ đó chính ông có thể bình thản đón nhận mọi khó khăn. Ông nói đến cái lẽ tự nhiên ở đời ai không sợ gian khổ cũng chính là để sau đó khẳng định lòng trung mà mình sẽ giữ đến cùng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:57:32 pm »


Và sự chuyển đổi từ trung quân sang trung nghĩa có ý nghĩa phổ quát hơn và càng trở nên rõ nét khi chiến cuộc diễn ra phức tạp, tình thế buộc triều đình nhà Nguyễn "sẻ nghé tan đàn", không còn ai đóng được vai trò một thần tượng thiêng liêng để trăm họ nhìn vào đấy nữa.

Nguyễn Quang Bích có thể coi là trường hợp tương đối đặc biệt so với những văn thân chống Pháp khác. Ông là người đánh giặc theo chiếu chỉ của vua Hàm Nghi (lúc đã xuất bôn) và được chính vua Hàm Nghi phong chức Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần. Lòng trung của Nguyễn Quang Bích có thể được coi là ý thức trách nhiệm của kẻ bề tôi trước trọng trách mà nhà vua giao cho. Đối với ông một nhà nho chỉ quen với bút nghiên và sách vở thánh hiền thì việc ra trận dù tự nguyện và chân thành đến đâu cũng chỉ là một việc bất đắc dĩ. Bởi ông là người năng về suy tư và tâm cảm hơn là làm một người lính chiến; ông chiến đấu hết mình vì nghĩa lớn, không băn khoăn về thắng thua, nhưng cũng hơn ai hết ông tha thiết mong muốn đất nước yên hàn để ông được trở lại với nếp sống thanh bạch của nhà nho mà ông tâm đắc.

Chỉ khi đặt Nguyễn Quang Bích trong một hoàn cảnh rất cụ thể: với một tấm lòng trung nghĩa, cùng một đám cô quân đêm ngày lặn lội giữa núi cao rừng sâu, đói ăn thiếu ngủ, với mưa rừng cùng những trận chiến thất bại, ta mới thấy hết được những dằn vặt, trăn trở lo âu có thể đến với ông như với một con người bình thường. Song với từng ấy khó khăn, Nguyễn Quang Bích vẫn kiên trì chiến đấu, điều đó cho thấy sức mạnh của lòng yêu nước, ý chí diệt thù đã thấm sâu trong tâm thức ông thế nào.

Nhưng Nguyễn Quang Bích có khác so với các nhà nho trung nghĩa đương thời: ông không hóa thân hoàn toàn vào "cái chung" đến mức con người mình chỉ đơn thuần là một khối cương thường "đỏ như son". Trái lại, ông đã sống và chiến đấu hết mình với tất cả mọi vui buồn âu lo có thực của một con người - một trí thức có tâm hồn nghệ sĩ trong hoàn cảnh đau thương của lịch sử dân tộc. Dự cảm về một cuộc chiến không tránh khỏi thất bại, Nguyễn Quang Bích không khỏi có mặc cảm u sầu, tâm trạng đó bàng bạc trong thơ ông. Một cánh buồm thuận gió trôi theo dòng nước, một đêm trung thu không trăng, một lần tiễn biệt người bạn chiến đấu, một tiếng trẻ khóc... đều gợi trong ông những suy tư, làm trĩu nặng hơn cái ý thức về sự bất lực của chính mình. Cho đến lúc nhắm mắt, ông đã đau xót kiểm điểm lại đời mình và cảm thấy vô nghĩa, vì mình chưa làm được gì cả. Đó chính là tâm sự nặng nề u uất của ông, một nhà nho trung nghĩa, sẵn sàng xả thân vì nghĩa nhưng cũng cảm thấy mình đã không còn làm chủ được mình nữa trước một kẻ thù quá mạnh.

Dù cuối cùng phải thất bại, nhưng suốt cuộc đời Nguyễn Quang Bích vẫn canh cánh một lòng báo quốc, một ý chí diệt thù như bao nhà nho khác, ở ông có mâu thuẫn không tránh khỏi của cả một thế hệ sĩ phu muốn đem đạo nghĩa để thắng bạo lực của kẻ thù, có hình ảnh bi hùng của những trung thần nghĩa sĩ cuối thế kỷ XIX. Nhưng trên hết, bản lĩnh người chiến sĩ của ông còn được ghi tạc mãi mãi trong lòng dân tộc.

Trước khi bước sang một giai đoạn mới với những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, văn học Việt Nam đã có gần nửa thế kỷ hầu như chỉ khuôn trong đề tài trung quân ái quốc và nghĩa vụ của kẻ nam nhi đối với xã tắc sơn hà. Nguyễn Quang Bích và phần đông lớp sĩ phu cùng thế hệ ông - những nhà nho tự nguyện "đầu bút tòng nhung" cứu nước hoặc trong tư tưởng cũng đứng về phía phong trào kháng chiến, đã viết về đề tài này một cách trang nghiêm và với tất cả xúc cảm chân thành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 07:12:31 am »


Câu hỏi 17: Nguyễn Quang Bích đã trở thành một lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương như thế nào?
Trả lời:


Kể từ ngày Nguyễn Quang Bích bước chân vào hoạn lộ với một giáo chức bình thường (Giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình) đến khi đứng đầu tỉnh Hưng Hóa, trị nhậm hết ngoài Bắc đến trong Trung, Nguyễn Quang Bích đã tỏ rõ là một vị quan thanh liêm, có đức độ, nên được nhân dân các địa phương chân thành ái mộ, thường gọi là "hoạt Phật" (Phật sống).

Cũng trong thời gian ấy, tình hình Bắc Kỳ rối ren cực độ. Hết "giặc khách" tràn sang cướp phá vùng biên giới Việt - Trung lại đến "giặc Tàu ô” hoành hành miền duyên hải suốt năm này qua năm khác. Đó là chưa nói tới các cuộc nổi dậy ngày càng rộng lớn của nông dân các địa phương chống lại các chính sách cướp đoạt ruộng đất, sưu cao thuế nặng, đàn áp quân sự của triều Nguyễn ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị mọi mặt cho những hành động quân sự mới.

Hưng Hóa là một vị trí trọng yếu trên sông Thao, án ngữ các mạch giao thông chính về đường thủy, như sông Lô đi Tuyên Quang, sông Đà đi Sơn La - Lai Châu. Vì vậy Hưng Hóa cũng là một mục tiêu quan trọng trong kế hoạch hành quân trên đất Bắc của quân Pháp lần này. Đối với người Pháp thì Hưng Hóa là cửa ngõ bằng bất cứ giá nào cũng phải mở cửa để tiến lên chiếm đóng miền núi, tranh chấp thế lực với nhà Thanh đầy tham vọng lúc này đã lợi dụng cơ hội đục nước béo cò để cho quân tràn sang đóng dọc sông theo chiều dài biên giới.

Tuần phủ Hưng Hóa lúc này chính là Nguyễn Quang Bích. Sau khi giặc Pháp chiếm Hà Nội lần thứ hai (ngày 25 tháng 4 năm 1882), trước việc quân Thanh ồ ạt kéo sang với danh nghĩa chống Pháp, ông đã thấy rõ dã tâm của bọn chúng nên đã kịp thời báo cáo về triều đình tỏ ý lo ngại, nhưng vua Tự Đức lại lớn tiếng quở trách là "đem lòng tiểu nhân để đo bụng người quân tử, lẽ nào người Thanh lại làm cái cử động vô nghĩa đó"1.
____________________________________
1. Quốc triều chính biên toát yếu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2017, 07:13:22 am »


Thái độ tin tưởng mù quáng của Tự Đức đã mang lại những hậu quả tai hại cho công cuộc kháng chiến bấy giờ của nhân dân ta. Sau khi buộc triều đình Huế phải ký Hiệp ước Quý Mùi (ngày 25 tháng 8 năm 1883) xác định quyền bảo hộ của chúng ở Việt Nam, thực dân Pháp hùng hổ kéo quân ra Bắc đánh chiếm nhiều nơi hòng hoàn thành gấp rút công cuộc xâm lược trên phạm vi cả nước. Thành Sơn Tây thất thủ (ngày 16 tháng 12 năm 1883). Hưng Hóa đã trở thành tỉnh lỵ chung cho ba tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang. Chiếm xong nhiều nơi khác, giờ đây quân Pháp có thể tập trung bao vây tấn công Hưng Hóa. Trước đó, các đạo quân Thanh, cũng như các đội quân chính quy của triều đình do Hoàng Tá Viêm chỉ huy đã rút khỏi Hưng Hóa để tránh đụng độ với quân Pháp, chỉ còn đội quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc ở lại phối hợp với quân địa phương của Nguyễn Quang Bích cương quyết chống giữ.

Quân ít, thế nguy, ông định liều chết với thành, nhưng các tướng lĩnh bên cạnh đã kịp thời vực ông lên ngựa, phá vòng vây chạy về Tam Nông (Phú Thọ ngày nay), sau đó lại dời về Cẩm Khê thu thập quân binh tính chuyện cố thủ lâu dài, bất chấp lệnh gọi về kinh của triều đình. Nghĩa quân tản mát các nơi nghe tin đều tìm đến. Bố chánh Sơn Tây là Nguyễn Văn Giáp từ khi thành mất đã rút về Lâm Thao nay cũng kéo quân về hợp lực. Lại thêm thân hào nghĩa sĩ các tỉnh đều nô nức hưởng ứng: Nam Định có Đinh Công Tráng, Ninh Bình có Quách Tất Ngân, Hưng Yên có Trần Văn Sang, Thanh Hóa có Hà Văn Mao, v.v... Thanh thế nghĩa quân nhờ vậy ngày càng thêm mạnh, liên tiếp đánh lui mấy trận giặc Pháp từ thành Hưng Hóa nống ra, như trận Gia Dụ ở huyện Tam Nông (ngày 28 tháng 1 năm 1885), trận Sơn Vi ở phủ Lâm Thao (ngày 2 tháng 2 năm 1885)...

Như vậy là tới đầu năm 1885, trong hoàn cảnh quân đội chính quy của triều đình tan rã, hầu như toàn bộ Bắc Kỳ đã lọt vào tay giặc Pháp, bằng hành động thực tế chống xâm lược của mình và trái với ý định của triều đình Huế đang trượt dài trên con đường khuất phục Pháp, Nguyễn Quang Bích đã mặc nhiên trở thành ngọn cờ tập hợp các lực lượng yêu nước chống Pháp trên chiến trường miền Bắc. Nhưng cũng chính vào lúc đó, thực dân Pháp trên đà thắng thế về quân sự đã gây áp lực buộc triều Thanh ký Quy ước Thiên Tân (ngày 11 tháng 5 năm 1884), hoàn toàn nhượng bộ chúng trong vấn đề Việt Nam, cam kết rút hết quân lính về nước - kể cả đội quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc - và tôn trọng mọi hiệp ước đã và sẽ ký kết giữa Pháp với triều đình Huế. Đồng thời Pháp buộc triều đình Huế ký thêm Hiệp ước Giáp Thân (ngày 6 tháng 6 năm 1884) đặt cơ sở lâu dài và chủ yếu cho nền đô hộ của Pháp trên đất nước Việt Nam. Với những thắng lợi to lớn và dồn dập đó, chúng rắp tâm dốc toàn lực vào việc giải quyết gấp vấn đề Việt Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM