Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:18:59 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích  (Đọc 21429 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #20 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:18:27 pm »


Nguyễn Cao bị sa vào tay giặc là do tình cờ thực dân Pháp bắt được một tờ thư của Tán lý quân vụ Bãi Sậy Ngô Quang Huy thừa lệnh quan Hiệp thống gửi cho trạm đường thuỷ xã Trúc Lâm, Quảng Bình, hẹn ngày Nguyễn Cao vào đón đức vua ra Bắc. Thế là giặc liền bắt Nguyễn Cao, đồng thời cho phong toả đường biển, càn quét mạnh vùng ven biển từ Quảng Bình đổ ra. Lỡ việc, Quang Hoan lại phải quay về Nghĩa Lộ.

Giặc Pháp giam Nguyễn Cao vào ngục tối, cho bọn tay sai đến dụ ông khai báo kế hoạch đón Hàm Nghi ra Bắc. Viên án sát Hà Nội tự thân vào trại giam dụ dỗ rồi lại tra tấn. Tra tấn không được lại dụ dỗ. Có sách viết về cuộc gặp giữa Nguyễn Cao và viên án sát tỉnh Hà Nội như sau:

Viên án sát Hà Nội nói với Nguyễn Cao: Các hạ là người có học, phải biết thời thế. Vua Đồng Khánh luôn mở lượng hải hà, chiêu dụ những người lầm đường lạc lối. Vừa qua Ngài đã có chỉ dụ cho các vị từ tú tài, cử nhân đều được bổ dụng. Đã đỗ Giải nguyên như ngài mà quy thuận thì chức án sát, tuần phủ đến tay ngay, tội gì mà đi làm ông đồ quèn ở làng Kim Giang.

Nguyễn Cao quắc mắt quát lớn: "Thằng quan hèn như mày mới đi thờ thằng cẩu vương bán nước cho Tây. Trời chỉ có một mặt trời, nước chỉ có một vua! Ta chỉ thờ đức vua Hàm Nghi mà thôi!".

Nói rồi, Nguyễn Cao khảng khái, mặt đỏ rựng, đứng phắt dậy cầm thanh nứa tự rạch bụng mình, rồi lấy tay moi rốn rút ruột giơ lên, miệng quát lớn: Tên cẩu tặc! Ngươi hãy nhìn lòng dạ ta đây, xem có đoạn nào là đoạn bất trung?

Cả bọn kinh hoàng lùi cả lại. Viên án sát mặt cắt không còn hột máu. Hắn từng đọc sách thánh hiền, sách Đông Tây kim cổ chưa gặp tráng sĩ nào lẫm liệt đến như vậy. Quan Công xưa ngồi đánh cờ cho người ta rạch thịt cạo xương đã là một hình tượng anh hùng. Vậy mà Nguyễn Cao tự rút ruột mình và chửi vào mặt hắn là cẩu tặc. Hắn thấy nhục! Hắn đang là người xét xử tội phạm thì giờ hắn cảm thấy như mình là tội đồ. Hắn hô hoán tay chân băng bó vết thương cho vị Giải nguyên. Cao không chịu cho băng, luôn miệng chửi rủa cho đến lúc ngất đi. Bọn tay chân nhét ruột Nguyễn Cao vào rồi khâu lại.

Viên án sát kinh hoàng bỏ cả cơm chiều, chạy lên bẩm với Tuần phủ Hoàng Cao Khải. Khải thất kinh chạy sang báo cáo viên công sứ Pháp. Công sứ Pháp ra lệnh: "Mang chém!". Thế là sáng sớm hôm sau, giặc mang Nguyễn Cao ra pháp trường ở cạnh Hồ Gươm trông sang đền Ngọc Sơn xử chém. Trước lúc chết, ông vẫn ngẩng cao đầu đọc câu thơ của Tướng công Ngư Phong mà ông còn nhớ trong lễ tế cờ khởi nghĩa Tiên Động:

      Việt quốc thiên thu nguyên bất dịch
      Lạc Hồng tiên chủng phục hoàn tô!


nghĩa là:
      Nước Việt ngàn năm sẽ chẳng đổi
      Nòi giống Lạc Hồng sẽ khôi phục thắm tươi!


Đêm khuya cuối mùa hạ, quan Hiệp thống đang trong quân doanh Nghĩa Lộ đọc binh thư. Trời mưa liên miên đã mấy ngày rồi. Gió núi mưa rừng rả rích. Tiếng suối réo bên thềm, vắt đêm bò lên giường phên nứa hút máu người. Sáng dậy chủ tướng đầm đìa máu nơi ống quần, tay áo; rịt lá gì cũng khó cầm máu. Muỗi có thể vốc tay bắt được. Trong lòng ông đang buồn bực thì chợt thấy Lãnh Hoan trở về. Ông biết cơ sự đổ vỡ. Lãnh Hoan vội bẩm báo mọi việc. Tướng công nghe, hai hàng nước mắt chạy vòng quanh. Thế là liên tiếp mấy tháng nay ông mất liền hai người bạn tâm huyết.

Ông khóc không thành tiếng, kéo vạt áo lau nước mắt rồi lấy nghiên bút ra viết. Bầu máu nóng của ông lúc này như được trút cả vào ngọn bút viết bài thơ Khóc Nguyễn Cao:

      Nguy nan xử trí vẫn thung dung
      Chê kẻ tham sinh giọng nói hùng
      Mắng giặc người xưa tròn phận chết
      Moi lòng ông sẵn tỏ gan trung
      Biết bao thanh giá ngoài khoa bảng
      Còn mãi tinh thần khoảng núi sông
      Quân giặc đứng trông đều hoảng sợ
      Mai rày nước sẽ biểu dương ông.


Đến tháng 3 năm Mậu Tý (1888), có tin khoảng bốn, năm mươi quân Pháp đến khiêu chiến ở đồn bên tả. Tướng sĩ ta đều coi thường bảo nhau rằng: "Bằng ấy quân chẳng đáng lo ngại". Không ngờ giặc dùng mẹo "dương đông kích tây", đem đại binh lẻn theo đường Lạo Khê, tắt đường rừng thẳng đến sau lưng đồn Đèo Ách. Đồn này do Đề Kiều đóng giữ, cậy thế hiểm trở, trước nay chưa từng bị giặc đến đánh nên chủ quan, phòng bị có phần sơ sài. Đột nhiên, quân giặc đông ập đến bất ngờ, tướng sĩ ta trở tay không kịp, phải phân tán chạy đi bốn phía vào rừng. Giặc Pháp ồ ạt kéo vào. Các đồn bên trái và phía sau nghe tin có giặc, kéo quân đến cứu viện thì đồn lớn ở giữa đã bị giặc chiếm. Quan Hiệp thống Nguyễn Quang Bích phải tạm lánh vào động người Mèo rồi rút về thủ hiểm ở châu Phù An. Sau hai ngày được tin báo quân địch rút lui, ông quay về đồn cũ lại nghe tin thắng trận ở Dụ Phong. Nghĩa quân do Hoàng Đình Cương chỉ huy thắng to. Lính Pháp và lính ngụy vừa chết vừa bị thương hơn năm trăm tên. Quân trang, quân dụng thu được rất nhiều. Hoàng Đình Cương sai chém lấy mười ba thủ cấp rồi buộc dải điều đầu ngựa phi về đại bản doanh tiệp báo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #21 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:20:51 pm »


Câu hỏi 10: Đất nước lúc này lâm vào cảnh cực kỳ khó khăn. Cuộc khởi nghĩa Ba Đình bị dập tắt, khởi nghĩa Bãi Sậy bị đàn áp. Các thủ lĩnh nghĩa quân Phạm Bành, Đinh Công Tráng hy sinh. Hà Văn Mao bị xử tử tại Thanh Hoá... Nguyễn Quang Bích đã có những chính sách gì để cuộc khởi nghĩa vẫn thu hút được đông đảo dân chúng tham gia? Và câu chuyện về việc dụ dỗ không thành của kẻ thù đối với ông diễn ra như thế nào?
Trả lời:


Đức vua Hàm Nghi bị bắt đi đày. Ngoài Bắc thì Nguyễn Cao, Vũ Lợi bị giết, nhưng phong trào kháng chiến chống giặc đô hộ vẫn tiếp tục nổi lên. Người này ngã xuống có người khác đứng dậy. Cha hy sinh thì con lại tiếp tục sự nghiệp chống Pháp. Tổng thống Pháp cho quân đội viễn chinh đi xâm lược nhiều nơi trên thế giới, nhưng hắn nhận ra một điều là không có mảnh đất nào cứng đầu cứng cổ như cái xứ An Nam này. Có lẽ đó là bản lĩnh văn hoá một dân tộc phương Đông có nền văn minh sớm của nhân loại.

Viên toàn quyền Công-xtăng nhậm chức ngày 16 tháng 11 năm 1877, nhưng chưa đầy sáu tháng sau đã bị gọi về nước. Ri-sô được cử sang thay thế liền ra lệnh cho các binh đoàn phải mau bình định Bắc Kỳ trong sáu tháng. Ri-sô nhận được báo cáo từ viên tướng Gia-me rằng: "Vụ đánh dẹp khu căn cứ Tây Bắc rất khó khăn, vì họ rút kinh nghiệm Ba Đình, Bãi Sậy, Thanh Mai nên không lập đồn cố định, mà chiến thuật của họ phần lớn là đánh theo kiểu "du binh". Ta đánh chỗ nọ họ lan chỗ kia để rồi họ lại thọc vào sườn ta. Lúc họ là dân, lúc lại là lính” 1. Còn viên tướng Mu-ni-ê chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ thì viết trong bản báo cáo đề ngày 30 tháng 1 năm 1887 và ngày 6 tháng 10 năm 1887 đều đã hai lần nhận định: "Viên cựu Tuần phủ này có một ảnh hưởng cực kỳ to lớn trong địa hạt cũ của ông ta và là một trong những kẻ thù quyết liệt nhất của chúng ta"2.

Lúc bấy giờ quan Hiệp thống Nguyễn Quang Bích đề ra chính sách Thập Châu rất được lòng người. Đồng bào dân tộc theo ông rất đông, trong đó có các đội quân của Đèo Cam Khang, Đèo Văn Trì, Đèo Văn Toa, Cầm Hoan, Đào Triển Lộc, Quách Tất Ngân, Hà Văn Sang, Đổng Phúc Thịnh... Suốt một dải biên giới từ Lai Châu, Nghĩa Lộ, Sơn La, Tuyên Quang nhân dân đều nổi dậy, nên Pháp đánh dẹp không dễ. Có sách viết về câu chuyện toàn quyền Ri-sô dụ hàng Nguyễn Quang Bích như sau:

Toàn quyền Ri-sô bèn nghĩ đến kế cho người dụ hàng. Y cho gọi tướng Bi-sô đến bàn. Bi-sô nói: Tỉnh Hưng Hoá luôn là một tỉnh rối loạn nhất từ lâu nay, nạn giặc giã (tức nghĩa quân) nơi đây ngày càng tỏ ra quyết liệt và nguy hiểm hơn ở chiều hướng có mang tính chính trị. Việc dụ hàng thủ lĩnh này không dễ chút nào. Viên toàn quyền nói: Tôi biết ông ta rất được lòng dân chúng ở xứ Bắc Kỳ và các quan văn từ tham tán, quan võ từ đề đốc, ông ta được Hàm Nghi giao quyền "liệu nghi lục dụng". Nếu ta khuất phục được thì tất cả các cánh nghĩa quân Bắc Kỳ không phải đánh cũng sẽ tan.

Tướng Bi-sô nói: Nghe nói ông ta đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, uy tín rất lớn trong hàng ngũ sĩ phu, nên xin ngài hãy hứa cho ông ta nhiều bổng lộc. Tôi sẽ thử cho người đến gặp xem sao.
____________________________________
1-2. Tư liệu lưu trữ của Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #22 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:22:17 pm »


Viên toàn quyền trực tiếp thảo văn bản rồi sai viên thông ngôn dịch ra. Văn bản được phong lại rồi giao Bi-sô mang từ Hà Nội lên Hưng Hoá. Bi-sô cho gọi viên quan lại địa phương là Bố chánh Hưng Hoá Bùi Quang Tín lại. Bi-sô hất hàm nói với Tín: Quan toàn quyền giao cho ông việc hệ trọng. Ông hãy đến gặp viên cựu Tuần phủ Hưng Hoá là Quang Bích, hiện đang ở vùng núi Sơn Động mà quân ta đánh dẹp nhiều năm không xong. Lần trước ta sai Tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp đến dụ hàng không được. Lần này ta giao cho ông, việc ắt phải xong.

Bùi Quang Tín1 run rẩy giơ tay đỡ phong thư, cúi rạp mình như con gián rồi đi thụt lùi trở ra.

Hai hôm sau, Bi-sô cho hai cánh quân như hai gọng kìm tiến đánh khu căn cứ. Rút kinh nghiệm mấy lần thất bại trước núi rừng hiểm trở và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân Nam, lần này Bi-sô ngừng bắn hàng tuần trong trận càn để tỏ thiện chí.

Đã mấy ngày bị giặc đánh dữ, tự nhiên hôm nay thấy yên tiếng súng, quan Hiệp thống đang buồn phiền vì thiếu quân lương, đạn dược, bỗng thấy giặc có vẻ nới vòng vây liền nghĩ ngay tới cách cho quân lẻn ra điều viện binh giải vây. Ông lấy cuốn Ngư Phong thi tập chép thêm mấy vần thơ "lưng ngựa" vừa nghĩ trong đầu:

      Bạo tàn thế giặc ó diều bay
      Quân mệt lương khan, kiếm suốt ngày
      Cây giăng khắp núi chim kêu rộn
      Mưa giội tràn khe khí lạnh đầy...


Tín được vào gặp Nguyễn Quang Bích và rất ngạc nhiên khi thấy quan Hiệp thống tỏ ra rất vui vẻ lịch thiệp, đường hoàng ngồi trên một cái sàn nứa, trong một túp lều nhỏ như một đạo sĩ. Qua năm năm, nay gặp lại thấy quan Tuần vẫn giữ dáng điệu thung dung thanh thản như xưa. Chỉ khác bộ râu tóc ngài đã dần bạc trắng, người xanh gầy nhưng đôi mắt sáng quắc như có hào quang, vẫn vẻ mặt nhân từ, ông nhìn Tín rồi hỏi: "Thế nào? Giặc Tây cử quan Bố chánh lại đến dụ dỗ ta ư?".

Tín nín lặng, nhìn xuống nhà người Mán đang dựng bên nguồn suối, ngô lúa còn vứt quanh nhà; trong nhà có mấy người dân áo chàm, nai nịt gọn ghẽ, trong tay lăm lăm súng. Lãnh Hoan mắt sắc như dao, đôi tay dài quá gối đứng hầu quan Tuần. Tín bỗng lo ngại. Quân theo hầu Tín đều bị giữ ở trạm gác vòng ngoài. Bây giờ Tín tiến thoái lưỡng nan. Nhưng rồi Tín đánh bạo thưa: "Bẩm, ân đức quan Tuần tràn ngập khắp xứ sở Thập Châu, không ai là không biết. Tôi cũng muốn ôm tráp theo hầu quan lớn, nhưng chỉ hiềm vì nỗi còn mẹ già nên chưa theo hầu ngài được lúc này, xin cho khất".

Y vừa nói vừa để mắt dò la ý tứ, không thấy quan Tuần nói gì, y tiếp: "Bẩm tôi chỉ mới được bổ làm Bố chánh Hưng Hoá, còn cái chức Tam Tuyên Tổng đốc triều đình đã bổ ngài Yên Đổ, nhưng ngài cáo ốm không nhận. Xin quan Tuần thể tình vì chỗ xưa tôi đã theo hầu ngài, nay nếu ngài quy thuận về nhậm chức lớn thì tiểu nhân đây lại được cắp tráp theo hầu. Như vậy hai người đều may mắn, mà ngài không phải nhọc lòng nơi thâm sơn cùng cốc này!".
_______________________________________
1. Có tài liệu chép Bùi Quang Thích.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #23 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:23:00 pm »


Quan Hiệp thống cười nhạt, rót chén rượu mời y. Tín nhấp chén rượu rồi thưa: "Chắc Tướng công đã biết ông Thống đốc quân vụ họ Hoàng về Huế được người Pháp và vua Đồng Khánh trọng vọng, tiệc lớn tiệc nhỏ cứ như Tào Tháo đãi Quan Công. Còn tướng công nay giữ chức Hiệp thống quân vụ tài trí cao hơn mà chịu lặn lội cháo rau, quả rừng nước suối thế này! Con chim còn biết chọn cành đậu, con thú còn biết chọn chỗ nằm".

Quang Bích cắt ngang lời Tín: "Bởi thế loài cầm thú mới không thành người!". Bùi Quang Tín mặt đỏ dừ. Y xấu hổ về lời mắng khéo của quan Tuần xưa. Quang Bích tiếp: "Nhưng thôi, ông vẫn ở dưới xuôi thịt ngọn cá béo, rượu nếp cái hoa vàng. Còn lên đây thì uống tạm rượu ngô với mấy quả cây rừng âu cũng là cái thú".

Quan Tuần cựu rót rượu cho viên Tri huyện của mình xưa. Tín đành miễn cưỡng nâng chén nhắm với quả mận vừa chua vừa chát. Tín muốn lấy tình quen biết để thuyết phục quan Tuần nhưng không xong, bèn nói: "Bẩm quan Tuần, kẻ học trò đã lấy tình xưa mà đề đạt việc nay nhưng không được, chắc ngài cho rằng lời nói của kẻ tiểu nhân là lời nói suông ư? Đây! Học trò xin trình...".

Quang Bích ngắt ngang lời Tín: "Ông cũng là người đọc sách thánh hiền chắc ông còn nhớ câu của Đức Khổng Phu Tử rằng: Thiên hạ dù có loạn thì nhà phải giữ cho "đoan ", nhà có loạn thì thân phải giữ cho "chính". Sao ta lại có thể nghe ông mà "xuất xử" tùy tiện được...".

Tín vờ như không nghe thấy lời quan Tuần vừa nói. Hắn cho tay vào túi áo ngực bên trong móc ra bức thư rồi hai tay dâng lên. Y tin vào cái bảo bối cuối cùng này: "Thưa đây ạ! Có thư của quan toàn quyền gửi ngài". (Với quan niệm của Tín, toàn quyền Pháp lúc này còn hơn cả vua Nam). Quan Tuần nâng chén rượu, vuốt chòm râu quai nón, hất ngược ra phía sau, rồi nói: Ông cử Hoan mở đọc ta nghe.

Lãnh Hoan vâng mệnh xé thư đọc. Thư bằng tiếng Pháp, có kèm bản dịch nôm:

Kính gửi ngài Hiệp thống

Chúng tôi sang kinh lý nước An Nam chỉ nhằm hoà hiếu và mang văn minh khai hoá cho dân nước ngài. Đức vua Đồng Khánh nước An Nam cũng đã ký hiệp ước công nhận nền bảo hộ của đại Pháp, vậy mà sao các ngài vẫn còn kết đảng làm càn. Tội rất đáng phải nghiêm trị, đáng phải diệt trừ... Nhưng nếu ngài đưa quân ra đầu thú thì đức vua nước ngài sẽ vẫn trọng dụng. Còn tôi nay lấy danh dự đại diện cho nước đại Pháp, kêu gọi ngài hãy hạ khí giới, giải giáp nghĩa binh, thì ngài vẫn được nguyên chức tước, hoặc muốn hồi hương cũng sẽ được hưởng lương bổng hậu đãi. Bằng không ngài sẽ phải chịu chung số phận của những kẻ tội lỗi. Vì lòng tốt với ngài mà tôi xin có lời khuyên nhủ. Ra đầu thú thì sống, không ra tất chết!

Toàn quyền An Nam xứ H. Richaud


Nghe thư xong, quan Hiệp thống quắc mắt nói: Lại vẫn cái giọng của Bi-sô hôm vừa rồi do Tri phủ Lâm Thao Nguyễn Khắc Hợp lấy cớ chỗ quen biết cũ đến dùng lời lẽ ngọn ngọt dụ ta, ta không thèm trả lời. Nhưng nay đích thân quan toàn quyền gửi thư thì ta phúc đáp cho phải lễ. Ông Cử hãy vào mang nghiên bút ra đây.

Vừa lúc đó có tiếng súng từ xa vọng đến. Quan Hiệp thống biết địch đã kết thúc tuần "hưu chiến" để đàm thuyết, trở lại tấn công. Khi chờ không thấy Bùi Quang Tín trở ra, địch cho các mũi tiến sâu vào căn cứ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #24 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:24:13 pm »


Lãnh binh Vương Văn Doãn cùng mấy nghĩa quân đến trước mặt Tín: "Ông cho thất lỗi, việc binh phải thế! Súng của các ông đã nổ để tấn công chúng tôi, lẽ ra ông phải đền mạng. Nhưng lệnh quan Hiệp thống tha cho, vì ông nói ở nhà còn mẹ già. Vậy tôi trói ông lại, để ông ngồi đây đợi "quan Tây" của ông đến đón".

Bùi Quang Tín bị trói giật cánh khuỷu vào gốc cây bứa bên bờ suối.

Trong lúc đó, Quang Bích đến trước ban thờ, làm bằng tre nứa treo vách đá dây leo chằng chịt; trên ban thờ đặt bát hương làm bằng ống vầu, tỏa khói lung linh huyền ảo tưởng như nơi đây thần sông, thần núi hội về chứng kiến giây phút uy nghiêm và bi hùng của đất nước, chứng kiến cuộc chiến đấu một mất một còn của nghĩa quân Cần Vương với giặc phương Tây.

Mực đã mài, bút trên ống. Quan Hiệp thống xúc động, trang nghiêm. Hình ảnh đức vua Hàm Nghi, hình ảnh ông Tham đài Tôn Thất Thuyết ở nơi xa, hình ảnh những chiến hữu của ông đã ngã xuống như Hoàng Diệu, Tri Phương, Nguyễn Hội, Chu Thiết Nhai, Nguyễn Cao, Vũ Hữu Lợi, Hà Văn Mao, Đinh Công Tráng... như hiện lên tất cả. Ánh hào quang từ mặt trời chiếu xuống dòng suối rồi hắt lên vách đá. Trời đất đây, non sông đây, anh linh của những người đồng chí của ông đây hãy phù hộ cho ông. Ông thành kính cảm thấy hồn thiêng và sức mạnh của thần sông, thần núi dồn lên cánh tay ông, trút vào ngòi bút của ông. Mặc cho ngoài rừng tiếng súng giặc đã nổ, ông viết liền một mạch:

"Nay tiếp lời quý quốc cho biết rõ: Chúng tôi kết đảng làm càn, tội đáng phải nghiêm trị, đáng phải diệt trừ, cho nên phải mang thân ra đầu thú để khỏi tội. Chúng tôi biết quý quốc thật có lòng tốt nên mới có những lời khuyên nhủ như vậy.

Chúng tôi cũng nghĩ: Quý quốc sang kinh lý nước chúng tôi, nào kỹ giỏi, thuật khéo, binh tinh, cho nên người nước Nam chúng tôi đã bỏ chỗ sáng đi theo quý quốc rõ ràng đã quá nửa, và cái nước ngàn vạn y quan lễ nhạc này hầu như đã thành của Pháp rồi, thế mà chúng tôi không tự lượng sức, cứ lấy hơn trăm thân sĩ cùng với mấy nghìn quân đã mệt mỏi để chống lại quý quốc thì chúng tôi há chẳng phải là nguy lắm ư? Nhưng chúng tôi lại nghĩ đến cái nghĩa vua tôi đứng trong trời đất mà không quản cái phận hoa di đã rõ ràng như sông Kinh, sông Vị mà không dám quên phận của mình, ấy chính cũng chỉ quyết giữ trọn cái nghĩa ấy thôi.

Khi quý quốc sang đây, một rằng hòa hiếu, hai rằng bảo hộ, để rồi chiếm thành trì chúng tôi, đuổi vua đuổi tướng chúng tôi, để rồi lại còn tự quyền lập vua Đồng Khánh, chẳng qua đó chỉ là cái kế "bịt tai ăn trộm chuông" mà thôi. Lợi quyền chính trị đều về tay quý quốc nắm cả. Văn thần võ tướng đều bị quý quốc câu thúc trói buộc tôi còn lòng nào nữa? Gọi là hòa hiếu, gọi là bảo hộ mà lại có như thế ư? Chúng tôi dấy đảng "làm càn", còn quý quốc làm vậy, thử hỏi ai là kẻ đúng sai? Giả sử có một nước lớn khác đến kinh lý quý quốc cũng như quý quốc đã làm ở nước chúng tôi, thì quý quốc cũng cứ phục tùng theo họ ư? Hay là cũng nghĩa kích ở lòng, căm giận lộ ra mặt, rồi quý quốc cũng làm như chúng tôi đang làm? Mong rằng quý quốc nén bụng bình tâm nghĩ lại, rồi đem trăm họ, đem thành trì mà trả lại cho vua chúng tôi, đặt lại vua Hàm Nghi lên ngôi, khiến cho vua với dân chúng tôi được yên vui hòa hiệp trong đất nước của mình, còn quý quốc vẫn lại thông thương như cũ. Điều đó há chẳng phải là việc nghĩa to lớn lắm sao?

Bằng không, quý quốc cứ cậy về cái hay cái giỏi của mình thì chúng tôi cũng không chịu bỏ cái thua, cái kém của chúng tôi. Rồi, nếu mà thắng, mà sống, thì là nghĩa sĩ của triều đình, nhưng chẳng may mà thua mà chết, thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc. Thà "chịu tội'' với quý quốc, quyết không chịu tội với vua nhà; thà "chịu tội" với nhất thời, quyết không chịu tội với vạn thế! Một chữ "thú" từ nay xin quý quốc đừng có nhắc lại nữa, xin đừng có khuyên bừa! Chúng tôi xin cam lòng chịu chết vì nghĩa vua tôi!

Quý quốc tự lo liệu lấy!1.

________________________________
1. Bản dịch của Giáo sư Trần Văn Giàu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #25 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:25:09 pm »


Khi quan Hiệp thống đang viết, nghĩa quân được phái đến để phò tá ngài di chuyển. Thấy cảnh tượng đó, mọi người đứng xếp thành hàng bên dòng suối róc rách, bồng súng chờ đợi. Quang Hoan ra lệnh: Không được kinh động! Tướng công đang thảo hịch!

Chờ cho chủ tướng viết xong, viên Tư vụ Nguyễn Xuân Thiều mang dấu triện của quan Hiệp thống đã được Hàm Nghi ban phong đến. Tự tay quan Hiệp thống đóng dấu lên chữ ký của mình rồi giao Quang Hoan niêm phong thư đưa cho Bùi Quang Tín. Hoan nói: "Tướng công tôi gửi phúc thư, Ngài vui lòng chuyển hộ cho viên toàn quyền của Ngài", rồi ông ra lệnh cho binh sĩ đốt lều trại. Đồng bào Dao tự nguyện châm mồi lửa, đốt nhà của họ để theo nghĩa quân. Ngô lúa họ đã cho vợ con gùi trên lưng mang theo.

Tiếng súng nổ càng gần. Đạn pháo địch đã có quả rơi vào bản doanh. Nhưng nghĩa quân đã cùng chủ tướng lẩn vào rừng sâu. Ngọn lửa cháy sáng rực trời, chỉ còn lại một mình Bùi Quang Tín bị trói giật cánh khuỷu bên dòng suối có tiếng thác đổ ào ào hoà cùng tiếng hú hoảng loạn của thú rừng...

Biết việc kêu gọi đầu thú không thành, giặc Pháp cùng bọn tay sai cho quân về làng Trình Phố, nơi quê hương quan Hiệp thống bắt cụ Hoàng bà và hào lý, chức dịch địa phương giam ngục hòng lung lạc ý chí ông. Chúng hy vọng vì tình gia tộc, nghĩa xóm làng mà ông ra hàng.

Giặc Pháp còn cho lệnh triệt hạ cả làng Trình Phố.

Nơi chiến khu, ông nuốt nước mắt vào tim, lặn lội rừng sâu tiếp tục đánh giặc. Bao đêm ông thức trắng trong khe núi, có người từ quê, đường xa đến thăm báo tin nhà, ông viết những dòng thơ đẫm lệ:

      Mưu toan tạo hóa biết cho cùng?
      U tịch lều tranh ở giữa thung.
      Tranh vẽ cây luồn mây vách núi,
      Ngọc khua nước dội đá khe rừng.
      Chước hay xin giúp trừ quân giặc,
      Đường hiểm tìm thăm, cảm nghĩa ông!
      Họ mạc vợ con đâu nghĩ tới,
      Lòng Vua đang rối chuyện non sông.

                                            (Giáp mặt bạn nói chuyện, bản dịch)
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #26 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:14:05 pm »


Câu hỏi 11: Nguyễn Quang Bích và cuộc khởi nghĩa của ông có một vai trò to lớn trong phong trào Cần Vương nhưng tại sao mãi đến sau Cách mạng tháng Tám, việc nghiên cứu và giới thiệu về Nguyễn Quang Bích mới được tiến hành sâu rộng?
Trả lời:


Trong số các lãnh tụ của phong trào văn thân chống Pháp ở nửa sau thế kỷ XIX, Nguyễn Quang Bích được biết đến khá muộn màng. Nếu như Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Phạm Bành, Nguyễn Thiện Thuật và các cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896), Hùng Lĩnh (1886-1892), Ba Đình (1886-1887), Bãy Sậy (1885- 1892)... ngay từ đầu thế kỷ đã được nói đến nhiều và sớm được định vị trong phong trào Cần Vương, thì Nguyễn Quang Bích và cuộc khởi nghĩa ở miền Tây Bắc Bắc Kỳ (1884-1892), phải đến sau Cách mạng tháng Tám, các nhà nghiên cứu lịch sử và văn học sử mới biết đến, gần như là một sự phát hiện mới. Hậu thế biết đến ông muộn, dĩ nhiên là sự thiệt thòi. Thời gian càng lùi xa, càng khó khăn hơn trong việc sưu tầm tài liệu và cũng sẽ khó tránh khỏi những khiếm khuyết trong nghiên cứu, giới thiệu về ông.

Việc nghiên cứu, giới thiệu Nguyễn Quang Bích có một điều may mắn với Nguyễn Quang Bích và với chúng ta là con cháu ông đã nối được chí lớn cứu nước của ông và cũng là những người, có lẽ đã sưu tầm tài liệu, viết về ông sớm hơn cả. Đó là nhà yêu nước, nhà thơ Ngô Quang Đoan - con trai của Nguyễn Quang Bích, khi được tin cha hy sinh, ông đã từ quê hương Thái Bình lên tận căn cứ để chịu tang, rồi tham gia hoạt động chống Pháp. Ngô Quang Đoan cũng là tác giả của Ngư Phong tướng công truyện ký, một tiểu truyện cho đến nay vẫn là tài liệu quan trọng nhất, đầy đủ hơn cả nói về tiểu sử và sự nghiệp cứu nước của Nguyễn Quang Bích. Mục đích của Ngô Quang Đoan rất khiêm tốn, như ông đã viết trong đoạn kết thúc như sau:

"Than ôi! Chép truyện là để truyền lại sự thực, như đức hạnh văn chương của cha ông tôi lúc còn sống mọi người đều biết. Bầu chính khí thiêng liêng sau khi mất hãy còn linh anh trong khoảng trời đất này, chẳng cần phải lộ ra nơi ngòi bút.

Nhưng vì phong hội ngày một kém, đời xa người vắng, Tịch Đàm thì quên tổ1, mà dã sự thi sai ngoa, vì vậy nên từ xưa các danh gia đều có sử ký và liệt truyện. Đó chẳng phải là để truyền lại sự thực hay sao? Nay tôi đã già, con cháu thường đến hỏi về tiểu sử của cha tôi và xin nên viết thành truyện ký. Cho nên tôi có lược thuật ghi chép để người sau có văn bản khảo cứu".


Sách Ngư Phong tướng công truyện ký2, bản lưu ở Viện nghiên cứu Hán Nôm gồm 126 trang, khổ 28×16, chữ viết tay, tổng số chữ Hán trên 2 vạn. Theo lời dẫn thì sách này do Ngô Quang Đoan soạn xong vào tháng 8 năm Nhâm Ngọ. Một dòng lạc khoản cho biết bản sách này của Chuyết Khế Trình Giang Ngô Đức Dung tặng ông Long Điền năm 1949. Cấu tạo sách gồm 2 phần: Ngư Phong tướng công truyện ký; Ngư Phong tướng công thi văn tập.
__________________________________
1. Tịch Đàm người nước Tấn đời Xuân Thu, khi vào chầu Chu Vương bị hỏi về lịch sử nước Tần thì không trả lời được. Sau thường dùng điển này để chê những người "mất gốc", quên cả tổ tiên mình.
2. Ngư Phong tướng công truyện ký từ đây xin gọi tắt là Ngư Phong truyện ký.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #27 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:15:21 pm »


Trên cơ sở vốn tư liệu đầu tiên là Ngư Phong truyện kýNgư Phong thi tập mà người có được sớm hơn cả có lẽ là Long Điền Nguyễn Văn Minh. Nhờ có nguồn tài liệu này do Long Điền cung cấp, nhà sử học Trần Huy Liệu đã khai thác, giới thiệu thơ văn Nguyễn Quang Bích trong loạt bài Phong trào cách mạng Việt Nam qua thơ văn đăng trên Tập san Văn - Sử - Địa số 31 (tháng 7 năm 1957). Cũng vào năm 1957, Giáo sư Trần Văn Giàu được gia đình Nguyễn Quang Bích cung cấp cho bản chữ Hán hai tập sách kể trên. Giáo sư đã nhờ ông Chu Thiên dịch tập truyện ký, ông Kiều Hữu Hỷ dịch tập thơ, văn ra quốc ngữ để làm tài liệu cho khoa sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhờ đó mà các công trình nghiên cứu, giới thiệu Nguyễn Quang Bích đã lần lượt được công bố như cuốn Chống xâm lăng của Trần Văn Giàu, Lịch sử cận đại Việt Nam do Trần Văn Giàu - Đinh Xuân Lâm - Nguyễn Văn Sự - Đặng Huy Vận biên soạn. Cũng từ bản dịch Ngư Phong truyện kýNgư Phong thi tập, các ông Đinh Xuân Lâm, Kiều Hữu Hỷ, Lã Xuân Mai... đã biên soạn cuốn Thơ văn Nguyễn Quang Bích. Cuốn này được tái bản, bổ sung, sửa chữa in lại năm 1973. Cho đến nay, cuốn sách này vẫn là tài liệu căn bản, phổ cập nhất giới thiệu thân thế và sự nghiệp Nguyễn Quang Bích. Năm 1964, trong cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX do Viện Văn học xuất bản, Nguyễn Quang Bích được trình bày trong một chương riêng, thành một tác giả lớn của dòng văn học yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX bên cạnh những tên tuổi như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn... Đồng thời trong lịch sử giáo dục nhà trường ở bậc đại học, lần đầu tiên thân thế và sự nghiệp Nguyễn Quang Bích cũng được đưa vào giáo trình giảng dạy cho sinh viên khoa Văn và khoa Sử.

Có thể nói, trong lịch sử nghiên cứu, giới thiệu Nguyễn Quang Bích, chỉ sau khi có được Ngư Phong truyện kýNgư Phong thi tập do con cháu ông và các nhà nghiên cứu văn học, sử học sưu tầm tài liệu, biên soạn, công bố, thì Nguyễn Quang Bích và phong trào khởi nghĩa rộng lớn ở Tây Bắc mới được chú ý và ngày càng thấy rõ hơn vai trò của ông và phong trào do ông khởi xướng, lãnh đạo. Như Giáo sư Trần Văn Giàu, trong cuốn Chống xâm lăng đã nhận xét: "Trong thời gian kháng Pháp từ 1885-1890, nên kể đến công trạng của cụ Ngô Quang Bích, người đã ít hay nhiều thống nhất chỉ đạo phong trào Cần Vương ở miền Bắc". Hay như trong Từ điển văn học, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã cho rằng: "Với Ngư Phong thi tập và các bài văn xuôi khác, Nguyễn Quang Bích là một trong những cây bút đặc sắc của dòng văn học yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX".

Trước đấy, các sách viết bằng Hán văn như Quốc triều đăng khoa lục, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Thái Bình tỉnh thống chí, đều có chép về tiểu sử Nguyễn Quang Bích như quê quán, ngày sinh, ngày mất và hành trạng của ông. Nhưng nói chung còn rất sơ lược và hầu như còn biết rất ít về sự nghiệp cầm quân, đi sứ, làm thơ của ông. Dựa trên cơ sở các nguồn tài liệu ấy nên Phan Khoang trong tác phẩm Việt Pháp bang giao sử lược đã viết một đoạn ngắn về Nguyễn Quang Bích, mà sau này Nguyễn Huyền Anh khi biên soạn Từ điển danh nhân Việt Nam1 đã dựa theo và tóm tắt như sau: ''Nguyễn Quang Bích, nghĩa sĩ đời Nguyễn. Giữ chức Tuần phủ Hưng Hóa dưới triều vua Tự Đức. Khi Pháp lấy mất thành (ngày 12 tháng 4 năm 1884), ông nạp trả ấn cho triều đinh rồi bỏ đi, sau mất ở miền rừng núi Bắc Việt".

Những thành tựu nghiên cứu, giới thiệu Nguyễn Quang Bích trong những năm gần đây, mặc dầu đã có sự nỗ lực đẩy mạnh công tác sưu tầm, dịch thuật tài liệu và tổ chức hội thảo khoa học, biên soạn tài liệu về Nguyễn Quang Bích ở một số cơ quan nghiên cứu, xuất bản ở Trung ương và ở hai địa phương Thái Bình (quê hương) và Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) - địa bàn hoạt động, nhưng vẫn cần phải đẩy mạnh thêm.
______________________________________
1. Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1972.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #28 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:16:44 pm »


Câu hỏi 12: Quê hương Tiền Hải - Thái Bình với truyền thống lịch sử lâu năm đã có những ảnh hưởng gì đến sự nghiệp và nhân cách của danh nhân Nguyễn Quang Bích?
Trả lời:


Lịch sử hình thành đất đai và cư dân Thái Bình là lịch sử trị thủy, lấn biển, là lịch sử của quá trình chuyển cư, định cư, hợp cư của các luồng cư dân từ các vùng phía bắc tràn xuống, từ Thanh - Nghệ - Tĩnh dời ra. Vùng phía bắc tỉnh như các huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Vũ Thư hình thành sớm hơn, nhiều làng xã có độ tuổi trên dưới hai nghìn năm. Những làng thuộc vùng nam Kiến Xương, bắc Tiền Hải có lịch sử trên dưới một nghìn năm. Nhiều làng ven biển Tiền Hải và Thái Ninh được coi là những làng mới, được lập trên dưới một trăm năm. Và dù là làng cũ hay làng mới, dù là làng nội đồng hay làng ven biển thì việc đào sông đắp đê và các biện pháp khắc phục thiên tai vẫn là công việc thường trực, thường xuyên của cư dân Thái Bình. Chẳng hạn như làng Trình Phố quê hương của Nguyễn Quang Bích được hình thành từ giữa thế kỷ XVII nhưng đến giữa thế kỷ XIX, Nguyễn Quang Bích vẫn phải tổ chức lạc quyên đầu tư cho việc khơi sông, mở cống để thau chua rửa mặn cho đồng làng.

Cư dân Thái Bình có gốc gác từ nhiều luồng, nhiều nguồn. Xứ Đông, xứ Đoài, xứ Nam, xứ Bắc đều có người tìm đến Thái Bình để khai cơ lập ấp. Tìm hiểu gia phả của một số dòng họ ở Thái Bình có thể thấy một điều đáng lưu ý là phần lớn gốc gác cư dân ở đây đều xuất phát từ dòng dõi thế gia lệnh tộc. Tổ tiên của những dòng họ này đều là những người đường phong, điền trang, thái ấp ở Thái Bình. Khi đưa gia đình, dòng họ về kéo theo cả những gia nhân thuộc lớp người nghèo khó. Có thể, một phần vì lẽ này mà cái "phông" văn hóa, văn hiến Thái Bình có bề dày phong phú. Trước hết, dễ nhận ra là học phong ở Thái Bình dưới thời phong kiến thường xuyên nổi trội hơn so với một số địa phương khác. Ngay từ những khoa thi đầu tiên thời Lý, Thái Bình đã có người học giỏi, đỗ cao. Từ Lê sơ về sau, việc học hành, khoa cử ở Thái Bình ngày càng thịnh đạt. Không mấy khoa thi không có người Thái Bình đỗ đạt. Có những khoa đặc biệt như khoa thi năm Nhâm Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13 đời Lê Hiển Tông (1752) cả nước lấy đỗ 6 người thì 4 người quê Thái Bình.

Hơn một trăm ông trạng, ông nghè ở Thái Bình đã "mai cốt bất mai danh". Họ đã đóng góp cho quốc gia dân tộc bằng tài trí, phẩm hạnh của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Riêng về lĩnh vực văn chương họ đã tạo thành mệnh mạch thịnh đạt, khả quan. Có thể kể đến sự tiếp nối của các thi nhân có quê ở Thái Bình bắt đầu từ Phạm Nhữ Dực thời Trần - Hồ, Nguyễn Bảo, Phạm Như Huệ thời Lê sơ; Nguyễn Tông Quai, Đoàn Nguyễn Thục, Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Tuấn thời Lê trung hưng; tiếp đến Nguyễn Quang Bích thời Nguyễn và tiếp theo Nguyễn Quang Bích là Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm. Trong mệnh mạch này, thơ Nguyễn Quang Bích có vị trí xứng đáng cả về số lượng và giá trị nghệ thuật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #29 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:17:08 pm »


Đã nhắc đến các truyền thống văn hóa, văn chương ở Thái Bình gắn với sự nghiệp và hành trang Nguyễn Quang Bích cũng nên lược qua đôi chút về truyền thống thượng võ của người Thái Bình. Đây là truyền thống của những cư dân từng ăn sóng nằm gió chống chọi với bão tố của biển khơi và hải tặc, tự hun đúc cho mình tính cách không chịu khuất phục mọi áp bức cường quyền. Trên những chặng đường chống ngoại xâm của dân tộc từ thuở Hai Bà Trưng dựng nước đến các cuộc kháng chiến chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh, người Thái Bình, đất Thái Bình đã có những đóng góp lớn lao mà không ít trang sử của Đại Việt đã nhắc đến. Ngay những ngày đầu Pháp nổ súng xâm lược Nam Kỳ, Thái Bình đã có tiến sĩ Phạm Thế Hiển quyết tử chiếm giữ thành Gia Định, tiếp đó đến người thầy dạy Nguyễn Quang Bích là tiến sĩ Doãn Khuê với toàn bộ gia đình, cháu con, anh em, ông cháu nối bước nhau đánh Pháp. Những tấm gương cứu nước của tiền nhân trên quê hương và trực tiếp là của người thầy Doãn Khuê chắc chắn đã ảnh hưởng nhiều đến chí hướng và nhân cách của Nguyễn Quang Bích.

Nếu điểm lại toàn bộ hành trạng, cuộc đời của Nguyễn Quang Bích thì sự nghiệp của ông lại không phải chủ yếu là ở Thái Bình. Mặc dù Nguyễn Quang Bích đã gắn bó với quê hương gần 40 năm, từ thuở ấu thơ đến khi thi đỗ Đình nguyên Hoàng giáp năm 37 tuổi. Thế nhưng, ảnh hưởng của Nguyễn Quang Bích với quê hương lúc đương thời cũng như hậu thế khá sâu sắc về nhiều phương diện. Việc dân làng Trình Phố dành một số ruộng đất để cúng tế cụ Hoàng là tưởng nhớ nhân cách và công ơn của ông. Có lẽ trước hết vì ông đã tổ chức lạc quyên mua hơn mười mẫu ruộng của hai làng Vũ Lăng, Đại Hoàng và xây dựng cống hàng huyện để dẫn nước ngọt thau chua rửa mặn cho ruộng đồng của cả làng.

Ảnh hưởng của Nguyễn Quang Bích với quê hương dễ nhận thấy là tài năng, phẩm hạnh của ông đã tác động trực tiếp đến thế hệ học trò ở đây với những gương mặt tiêu biểu như cử nhân Trần Ngọc Dư, phó bảng Trần Xuân Sắc... những vị tướng - nhà thơ đã không phụ lòng thầy trong sự nghiệp lập danh - lập ngôn vì quê hương, đất nước.

Khi Nguyễn Quang Bích qua đời, phong trào cách mạng tạm lắng xuống rồi tan rã, nhiều nghĩa quân của ông cùng quê hương Thái Bình đã về quê ẩn náu và nhen nhóm hoạt động, sau này một số trở thành những yếu nhân trong phong trào Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục ở Thái Bình. Tại làng Trình Phố, con cháu ông đã kiên trì kháng Pháp dưới nhiều hình thức để rồi Trình Phố trở thành nơi sinh thành của một trong hai chi bộ cộng sản đầu tiên của Thái Bình.

Sinh thời, Nguyễn Quang Bích đã từng có những năm tháng chăm lo đến hệ thống thủy nông của làng để đẩy mạnh thâm canh, cải tạo đồng ruộng, cả cuộc đời Nguyễn Quang Bích gần như lúc nào trong ông cũng thường trực một nỗi lo toan sao cho dân giàu, nước mạnh, sao cho dân đỡ lầm than. Chí hướng ấy được các thế hệ con cháu ông ở làng Trình Phố, các thế hệ cư dân ở Thái Bình - Tiền Hải đã và đang tiếp tục thực hiện.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM