Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:45:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích  (Đọc 21315 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:08:11 pm »


Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap



Ban biên soạn:
    Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủ biên)
    Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
    Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
    Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
    Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
    Trung úy NGUYỄN MINH THỦY


LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước nằm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể, theo dạng hỏi đáp, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam” nói chung và cuốn sách "Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích” nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử dân tộc.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.

Trân trọng giới thiệu!

NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:11:07 pm »


Câu hỏi 1: Cho biết đôi nét về thân thế và cuộc đời của Nguyễn Quang Bích?
Trả lời:


Nguyễn Quang Bích tự Hàm Huy, hiệu Ngư Phong, người làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay thuộc tỉnh Thái Bình). Ông sinh ngày 8 tháng 4 năm Nhâm Thìn (tức ngày 7 tháng 5 năm 1832). Sách Quốc triều đăng khoa lục viết ông sinh năm Canh Dần (1830). Căn cứ theo gia phả của dòng họ, ông sinh năm Nhâm Thìn (1832).

Ông học rất chăm chỉ. Năm 26 tuổi, năm Mậu Ngọ (1858), ông đậu tú tài. Năm Tân Dậu (1861), ông đỗ cử nhân. Năm 29 tuổi, ông được bổ làm Giáo thụ phủ Trường Khánh (Ninh Bình). Được hơn một năm, cụ thân sinh mất, ông cáo quan về nhà cư tang, mở trường dạy học. Về quê, tận mắt chứng kiến cảnh nhân dân địa phương thường bị nạn ngập lụt, đời sống rất khó khăn, ông đi xem xét địa thế rồi đứng ra quyên tiền mua của làng Vũ Lăng bên cạnh hơn mười mẫu ruộng đắp bờ dẫn nước, giải quyết nạn úng thủy trong vùng.

Năm Kỷ Tỵ đời Tự Đức thứ 22 (năm 1869), nhân có ân khoa, ông thi đậu Đình nguyên Hoàng giáp tiến sĩ, lúc đó ông 37 tuổi. Vinh quy xong, ông được bổ làm Tri phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, sau đó lần lượt làm Án sát Sơn Tây, Tế tửu Quốc Tử Giám tại kinh đô Huế, Án sát Bình Định. Trong thời gian làm Tế tửu, mùa xuân năm Ất Hợi (năm 1875), ông được vua giao cho việc duyệt pho sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Hai năm sau, triều đình lập Ban doanh điền ở Hưng Hóa, Tự Đức lại cử ông làm Chánh sứ sơn phòng và năm sau, tức năm Bính Tý (năm 1876), ông kiêm luôn chức Tuần phủ Hưng Hóa.

Có sách đã viết những câu chuyện về cụ Hoàng (Ngư Phong tướng công) như sau: Cụ Hoàng lúc thiếu thời nhà nghèo nhưng học hành chăm chỉ; các học trò khác đêm chỉ học một đĩa dầu rồi đi ngủ, riêng cụ đã học tới ba đĩa; chuyện chiếc cột nhà cụ ngồi dựa học lâu ngày trở nên nhẵn bóng... đến những chuyện chiến đấu trong rừng sâu, đặc biệt là đạo đức thanh liêm của cụ. Cụ làm đến chức Tuần phủ, Thượng thư mà vẫn nhà tranh vách đất. Ngôi từ đường thờ cụ - hiện nay được công nhận Di tích lịch sử văn hoá quốc gia - là do con gái của cụ lấy chồng ở Bắc Ninh mang tiền về xây thờ cha vào khoảng năm 1930. Sau khi cụ mất ở chiến khu Tôn Sơn - Yên Lập, con trai là Ngô Quang Đoan lại lên chiến khu cùng Đề Kiều, Đốc Ngữ, Lãnh Hoan... tiếp tục Cần Vương chống Pháp rồi hoạt động Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục và Việt Nam Quang phục hội. Khi đã tuổi lão, Ngô Quang Đoan vẫn nuôi giấu những người cộng sản trong nhóm bảy đồng chí của Xứ ủy Bắc Kỳ. Có lẽ ít có một nhân vật lịch sử nào mà liên tiếp trong suốt đời mình đã sáu lần mưu đại sự thất bại mà vẫn bền gan tráng chí. Lúc đã ngót bảy mươi tuổi vẫn muốn "Đôi phen dời xong núi, dù mái tóc sương pha!" (Thơ Ngô Quang Đoan). Phải chăng cái ý chí ấy không thể có được nếu như không có người cha như cụ Hoàng giáp Ngư Phong.

Ở con ngươi cụ Hoàng đã hội tụ đầy đủ những phẩm chất của đạo lý triết học Khổng Tử, cùng với những phẩm chất đạo đức truyền thống. Cuộc chiến đấu bi tráng của cụ đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử. Ở đây không còn là sự "lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh" mà là cuộc đụng độ giữa hai nền chính trị: Một bên là phong kiến già cỗi, lạc hậu phương Đông chọi với tư bản phương Tây mới trỗi dậy có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến; giữa súng kíp, hoả mai địch với tàu chiến, đại bác của địch. Cái lớn lao và vĩ đại của cụ là vì đại nghĩa mà đứng lên chống giặc, bởi đó là nhiệm vụ thiêng liêng với dân tộc! Bức thư cụ trả lời Pháp có lẽ là một trong những áng hùng văn kim cổ. Nhà sử học Đinh Xuân Lâm đã viết: "Có thể khẳng định rằng, trong sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của phong trào yêu nước cách mạng của nước ta dẫn tới sự thành lập chính Đảng vô sản đầu năm 1930 mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam, đã có sự đóng góp tích cực không thể thiếu được của thế hệ sĩ phu văn thân yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, trong đó có Ngô Quang Bích là một trong những người tiêu biểu nhất, là một trong những bộ mặt đẹp đẽ nhất".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:12:07 pm »


Về tiểu sử cụ Hoàng, xưa kia ông Ngô Quang Đoan có viết một tiểu truyện. Có lẽ đây là một cơ sở khoa học, một chỗ dựa về tư liệu cho các nhà nghiên cứu. Nhưng do cụ viết trong khuôn khổ của việc chép gia phả nên chỉ tóm lược và còn thiếu rất nhiều mẩu chuyện về cụ Hoàng.

Giáo sư Phạm Thiều nhận định về ba con người tiêu biểu cho ba vùng Tổ quốc: Thủ khoa Huân, Phan Đình Phùng và cụ Hoàng; ba con người tiêu biểu cho ý chí bất khuất của dân tộc! Nếu dựng tượng đài về cuộc khởi nghĩa của cụ, ta phải lấy chủ đề bất khuất, nếu chọn hình tượng điển hình ta phải lấy câu của Tiến sĩ Tống Duy Tân - người cùng thời và là người kế tục sự nghiệp cụ:

      Vọng trọng kình khôn trụ nhất can.

nghĩa là:
      Một trụ chống trời danh vọng lớn.

và cụ cũng đã có những câu hoạ lại thơ Tôn Thất Thuyết:
      Ba trung chỉ trụ ngật cuồng lưu.

nghĩa là:
      Cột cao giữa sóng chặn dòng sâu.

Suy cho cùng, tất cả các giai đoạn bi hùng của đất nước đều xuất hiện những "Cột chống trời". Thời Nam Hán xâm lược có Ngô Quyền, thời Tống xâm lược có Lý Thường Kiệt, khi quân Nguyên tràn sang có Trần Hưng Đạo, đến giặc Minh ta có Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Thời Pháp xâm lược, cụ Hoàng là một trong những "Cột chống trời". Chỉ có điều đáng tiếc cụ sinh vào thời đại phong kiến suy tàn, không có được bậc minh quân như các thời đại trước đó, lại gặp một đối thủ khác hẳn là thực dân tư bản nên cụ chỉ còn biết mang tấm thân đền nợ nước.

Về niên biểu Nguyễn Quang Bích cũng rõ ràng như hệ phả chi họ Nguyễn Ngô của ông ở Trình Phố. Ông học hành chăm chỉ, nuôi chí hướng của một nho sinh. Khi tiếng súng đại bác đầu tiên của thực dân Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng thì ông đã 25 tuổi. Sau khi đỗ tú tài năm 1858 rồi đỗ cử nhân khoa Tân Dậu - 1861, Nguyễn Quang Bích nhận chức Giáo thụ phủ Trường Khánh. Giữ chức này mới hơn một năm thì thân phụ mất, ông cáo quan về cư tang. Mấy năm lui về quê, vừa dạy học, ông vừa giúp dân đào kênh xây cống.

Khi dự kỳ thi khoa Kỷ Tỵ (năm Tự Đức thứ 22 - 1869), ông đậu Đình nguyên Hoàng giáp, thì ba tỉnh miền Đông và ba tỉnh miền Tây đã mất vào tay thực dân Pháp. Và cũng từ đây, ông bước vào con đường đầy gian nan thử thách: làm Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa) rồi Án sát Sơn Tây; Tế tửu Quốc Tử Giám, rồi Án sát Bình Định. Năm 1875, vua giao ông duyệt sách, rồi sai làm Chánh sứ sơn phòng ở Hưng Hóa. Năm sau (năm 1876), ông kiêm luôn chức Tuần phủ. Một lần nữa, do tấm lòng thực sự vì dân, ông được nhân dân địa phương tôn xưng là "Phật sống".

Sáu năm sau, thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Ngày 25 tháng 4 năm 1882, thành Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết. Ngày 19 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức mất thì triều đình Huế cũng ký hàng ước xác định quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam. Năm sau, tại thành Hưng Hóa do ông làm Tuần phủ kiêm Trấn thủ, ông và Tam Tuyên đề đốc Lưu Vĩnh Phúc cùng hơn 1.000 quân kiên quyết giữ thành. Cuối cùng, thành Hưng Hóa cũng bị Pháp đánh chiếm vào ngày 12 tháng 4 năm 1884. Sau đó, vào ngày 11 tháng 5, Pháp buộc triều đình nhà Thanh ký Hòa ước Thiên Tân nhường Việt Nam cho Pháp; ngày 6 tháng 6, Pháp lại buộc triều đình Huế ký hàng ước đặt cơ sở cho nền đô hộ của Pháp trên toàn cõi Việt Nam.

Với mưu đồ gấp rút giải quyết vấn đề Việt Nam, ngày 27 tháng 6 năm 1885, tướng Đờ Cuốc-xy đem quân vào Huế. Muốn giành thế chủ động, đêm 4 tháng 7 năm 1885, Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công vào căn cứ giặc, nhưng thất bại. Kinh thành Huế rơi vào tay Pháp. Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra sơn phòng Quảng Trị và hạ chiếu Cần Vương vào ngày 13 tháng 7 năm 1885.

Từ đây, với danh nghĩa là Lễ bộ thượng thư sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần trung do vua Hàm Nghi phong, Nguyễn Quang Bích vừa chịu trách nhiệm về quân sự ở Bắc Kỳ vừa trở thành nhà chính trị, nhà ngoại giao, đóng góp tích cực cho phong trào chống Pháp của nhân dân ta những năm sau đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:12:32 pm »


Hơn một tháng, sau khi có chiếu Cần Vương, ngày 19 tháng 8 năm 1885, Nguyễn Quang Bích vâng mệnh triều đình cầm quốc thư sang nhà Thanh. Năm 1886, trong dịp Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc cầu viện, vua Hàm Nghi lại cử Nguyễn Quang Bích đi Vân Nam, nhưng cả hai lần đều không đạt được kết quả.

Tuy vậy, trong hai chuyến đi ấy, ông đã gây được cảm tình của một số quan lại Trung Quốc. Bằng sự giúp đỡ thiết thực, Tổng đốc Vân Quý là Sầm Dục Anh đã gửi vũ khí, đạn dược và vật phẩm sang giúp để khích lệ tinh thần kháng chiến của quân dân ta.

Từ giữa năm 1886 đến cuối năm 1889, nghĩa quân và các tướng lĩnh của Nguyễn Quang Bích đã chiến đấu trong những điều kiện vô cùng khó khăn, luôn luôn ở thế bị giặc tiến công. Tháng 4 và tháng 9 năm 1886, khi Nguyễn Quang Bích đi vắng, hai lần Pháp đưa quân tiến đánh căn cứ. Cuối năm 1886, đầu năm 1887, Pháp càn quét gắt gao hai huyện Văn Bàn và Văn Chấn. Tháng 9 năm 1887, một hôm giặc bất ngờ ập tới đánh úp đại bản doanh. Vài ngày sau, giặc bị đánh lui, nhưng người đồng chí tài đức của Nguyễn Quang Bích là Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp đã bị bệnh chết.

Tháng 4 năm 1888, Pháp tiến công đồn Đèo Ách, căn cứ của ta, rồi rút. Sau đó nghĩa quân do Đề Cương chỉ huy thắng trận ở Dụ Phong.

Tuy vậy, tháng 5 năm 1888, quân thứ của ta vẫn phải rút lui về Sơn Động, tháng 8 lại chuyển đến Sơn Lương và tháng 9, Pháp mới dám vào chiếm đóng Nghĩa Lộ.

Tháng 10 năm 1889, Nguyễn Quang Bích tổ chức họp các tướng lĩnh. Giặc kéo quân tới định đánh úp, nhưng chúng đã bị nghĩa quân mai phục bắn chết khá nhiều.

Tháng 11, ông lệnh cho các tướng lĩnh chuẩn bị đầy đủ cho cuộc tấn công lớn vào năm sau. Không ngờ, ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (ngày 5 tháng 1 năm 1890); ông lâm bệnh nặng, mất tại đại bản doanh nghĩa quân ở núi Tôn Sơn.

Có sách viết: năm 1884, triều đình Kiến Phúc ký hiệp ước đầu hàng Pháp, rồi cho sứ giả mang chiếu chỉ ra Bắc Kỳ triệu hồi các viên quan đầu tỉnh về kinh nhậm chức khác hoặc triệt binh thì phần lớn quan lại răm rắp thi hành lệnh vua. Riêng cụ Tuần phủ Hưng Hoá cho người nộp trả ấn tín. Nghĩa cử ấy của một quan đầu tỉnh, lại là một ông Đình nguyên Hoàng giáp làm trái "đạo quân thần" của Nho giáo thì thật không đơn giản chút nào. Cụ nghe lệnh đã ngất lịm. Ngày hôm sau, cụ mặc áo đại trào, trước mặt viên sứ giả, cụ giơ tay khóc trời rồi sai người nộp trả ấn tín... Viên sứ giả vừa ra khỏi thành thì giặc Pháp bốn mặt tấn công... Cái giây phút quyết định của ngày 11 tháng 4 năm 1884 đã đi vào lịch sử để rồi làm nên một "Ngư Phong tướng công" dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp.

Suốt thời gian làm quan, ông được nhân dân các địa phương rất yêu mến, thường gọi ông là "hoạt Phật" (Phật sống). Đó là lòng ái mộ chân thành của nhân dân đối với một người suốt đời chăm lo đến đời sống của quần chúng. Nay từ đường thờ ông còn lưu đôi câu đối nhân dân Sơn Tây, Hưng Hóa ca ngợi ông. Và cuộc đời làm quan trong sạch ân đức đó đã báo trước những hành động cao đẹp sau này của ông khi nước nhà bị quân thù xâm lược.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:23:20 pm »


Câu hỏi 2: Nguyễn Quang Bích trong thời gian giữ chức Tuần phủ Hưng Hóa đã có những hành động gì để đáp trả lại sự xâm lăng của giặc Pháp?
Trả lời:


Trong thời gian giữ chức Tuần phủ Hưng Hóa, khi Hà Nội thất thủ lần thứ hai (ngày 25 tháng 4 năm 1882), Nguyễn Quang Bích đã kịp thời báo cáo về triều đình dư luận nhân dân Bắc Kỳ xôn xao lo ngại trước việc quân Thanh kéo sang ngày một đông. Nhưng Tự Đức ngoan cố không thấy lời báo cáo đó xuất phát từ một sự quan tâm chính đáng đến sinh hoạt và nguyện vọng của quần chúng và từ một tinh thần cảnh giác chính trị sắc bén. Nhà vua lại còn quở trách ông là: "Đem lòng tiểu nhân để đo lòng quân tử, lẽ nào người Thanh lại làm cái cử động vô nghĩa ấy".

Sau khi buộc triều đình Huế ký hàng ước ngày 25 tháng 8 năm 1883 xác định quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, bọn thực dân kéo ra Bắc đánh chiếm nhiều nơi hòng hoàn thành gấp công cuộc xâm lược trong phạm vi cả nước. Tính đến tháng 3 năm 1884, hầu hết Bắc Kỳ đã lọt vào tay giặc. Trong số các căn cứ quan trọng chỉ còn lại thành Hưng Hóa. Hưng Hóa án ngữ trên con đường sông Thao, đã trở thành tỉnh lỵ của Tam Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang) sau ngày Sơn Tây thất thủ. Ở đây có quân đội của Hoàng Tá Viêm, của Lưu Vĩnh Phúc và có cả quân Thanh thuộc đội quân Vân Nam và Quý Châu đóng giữ.

Tuần phủ kiêm Trấn thủ Hưng Hóa lúc đó chính là Nguyễn Quang Bích. Quân của ông xuất phát từ Sơn Tây, gặp quân Pháp chia làm hai đạo, vượt qua sông Đà, dọc đường bị quân ta chặn đánh ở Hạ Bì, La Thượng, nhưng vẫn tập trung được lực lượng tiến đánh Hưng Hóa. Tổng đốc Vân Quý của nhà Thanh là Sầm Dục Anh cho rằng không thể giữ được Hưng Hóa nên đã ra lệnh lui trước tiền quân về Yên Bái. Hoàng Tá Viêm cũng rút quân vào trong Thục Luyện (Đồn Vàng). Chỉ còn Tam Tuyên đề đốc Lưu Vĩnh Phúc và hơn 1.000 quân ở lại cùng Nguyễn Quang Bích cương quyết giữ thành.

Nắm chắc quân của Hoàng Tá Viêm và quân Thanh đã rút khỏi Hưng Hóa, quân Pháp càng ráo riết tấn công, bốn mặt cùng tiến đánh. Quân ít, thế nguy, Nguyễn Quang Bích trèo lên Kính Thiên đài, ý muốn chết với thành, nhưng các tướng lĩnh bên cạnh đã kịp thời vực ông lên ngựa, phá vòng vây chạy đến huyện Tam Nông (Phú Thọ), đóng ở đình làng Tứ Mỹ. Sau khi chiếm thành Hưng Hóa (ngày 12 tháng 4 năm 1884), giặc Pháp bèn đem chiến thuyền từ bên này sông bắn súng vào đình, hành lang đình đều đổ vỡ mà ông vẫn không chịu lui. Sau đó, ông thu thập quân binh dời về huyện Cẩm Khê, trước đóng quân ở làng Sơn Bình, sau dời về làng Áp Lộc, và cuối cùng về làng Tiên Động. Nơi đây, dựa vào địa thế hiểm trở, lại xa sông lớn, quân Pháp không thể dùng chiến thuyền đến uy hiếp được. Được quân Thanh hỗ trợ, Nguyễn Quang Bích định tính cách cố thủ lâu dài.

Khi ấy nghĩa quân tản mát các nơi đều lục tục tìm đến, các vệ binh cũ cũng lũ lượt kéo về. Lại có nguyên Bố chánh Sơn Tây là Nguyễn Văn Giáp bấy lâu cầm đầu nghĩa quân chống Pháp tại lưu vực sông Thao, mà trung tâm là phủ Lâm Thao (Phú Thọ), nay cũng kéo quân về hiệp lực. Thân hào nghĩa sĩ các tỉnh đều đua nhau đến hưởng ứng như Đinh Công Tráng, Đinh Gia Quế, Đinh Hân (Nam Định), Quách Tất Ngân (Ninh Bình), Trần Văn Sang (Hưng Yên), Hà Văn Mao (Thanh Hóa). Quân thế nhờ đó ngày càng phấn chấn. Quân Pháp đem binh đến đánh trong một tháng có đến mười lăm lần, nhưng không dám đi gần trận địa, chỉ đứng xa bắn súng vào, nghĩa quân nấp sau những địa hình hiểm yếu bắn trả lại, đôi bên cầm cự không phân thắng bại.

Như ngày 13 tháng 12 năm Giáp Thân (tức ngày 28 tháng 1 năm 1885), giặc Pháp và tay sai đóng ở Gia Dụ (xã Gia Dụ, huyện Tam Nông) kéo đến đánh huyện Cẩm Khê; ngày 18 tháng đó (tức ngày 2 tháng 2 năm 1885), bọn giặc ở Hưng Hóa đến đánh xã Sơn Vi thuộc phủ Lâm Thao; cả hai lần Nguyễn Quang Bích đã cùng Lãnh binh Trương Văn Kính phối hợp với tổng binh quân Thanh là Đàm Tu Cương đánh lui chúng, buộc chúng sau đó phải bỏ đồn Gia Dụ rút về Hưng Hóa, hay như hồi tháng 3 năm 1885, ông đã mật báo cho quân Thanh kịp thời đánh tan toán giặc Pháp âm mưu tập kích sau lưng Yên Bình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:26:40 pm »


Câu hỏi 3: Nguyễn Quang Bích được vua Hàm Nghi ủy cho việc cầm quốc thư sang triều Thanh cầu viện lần thứ nhất, cho biết thông tin về chuyến đi này?
Trả lời:


Đặc biệt đối với Nguyễn Quang Bích, vua Hàm Nghi sai sứ gia phong Lễ bộ thượng thư sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần, tước Thuần trung, cho phép quan văn từ tham tán, quan võ từ đề đốc trở xuống được quyền "liệu nghi lục dụng". Đồng thời, ông được ủy cho việc cầm quốc thư sang triều Thanh cầu viện. Nguyên Bố chánh Sơn Tây là Nguyễn Văn Giáp cũng được bổ chức Tuần phủ Sơn Tây kiêm Tham tán hiệp đốc Bắc Kỳ quân vụ. Nhận lệnh vua ngày 10 tháng 7 năm Ất Dậu (ngày 19 tháng 8 năm 1885), ông liền giao quyền chỉ huy cho Nguyễn hiệp đốc rồi đi ngay qua Vân Nam chuyển quốc thư cho Tổng đốc Sầm Dục Anh. Sau đây là một đoạn trích trong Tấu tập của Vân Quý Tổng đốc Sầm Dục Anh nói về chuyến đi này:

"Triều đình Việt Nam cho sứ thần Lễ bộ thượng thư sung Hiệp thống Bắc Kỳ Nguyễn Quang Bích sang vùng Tân Giai biên giới Điền (Vân Nam) đệ trình quốc thư. Theo Nguyễn Quang Bích, quan của Việt Nam, trình bày thì vua nước Việt là Nguyễn Phúc Thời1 đã ốm chết từ năm Quang Tự thứ 9 trước đây, người trong nước đã lập em ông là Nguyễn Phúc Thắng2 nhưng Phúc Thắng lại nhường cho con nối của Phúc Thời là Phúc Hạo3. Năm Quang Tự thứ 10, Phúc Hạo bệnh chết, trối lại rằng phải lập con thứ của Phúc Thời là Phúc Minh4 lên thay. Từ tháng 12 năm thứ 10, Phúc Minh lên ngôi lo việc nước, vào lúc các tỉnh Bắc Kỳ bị Pháp chiếm giữ, các cảng khẩu ven biển cũng bị Pháp phong tỏa, đường sá không thông thương được. Từ ngày đại binh thiên triều tham chiến, tiễu trừ bọn hung tàn, quân và dân các nơi đều nhiệt liệt hưởng ứng, làm khuấy động khắp nơi. Không ngờ sau khi đại binh rút về, người Pháp áp bức uy hiếp càng dữ hơn trước, bắt bớ dân chúng, hung tàn bạo ngược, gieo tai họa rất nhiều. Nguyễn Phúc Minh thề cùng với thần liêu quyết giáp chiến với bọn Pháp thu được thắng lợi. Hiện nay đã dời ra Quảng Trị, chiếm giữ chỗ hiểm yếu để mưu việc lớn sau này. Nhưng muốn làm việc tất phải có chính danh. Nguyễn Phúc Minh là con nối nhưng chưa được thụ phong, lại nhân vì quốc ấn bị Pháp tiêu hủy, khó mà tỏ rõ ý chí với mọi người. Vì vậy phải cho sứ sang đệ trình hai bức thư lên tuần phủ Quảng Tây xin cứ xét tình hình tâu lên thay hộ, cầu khẩn ban cho thiên ấn, phê chuẩn thụ phong cho"5.

Trong bức quốc thư gửi cho Tổng đốc Vân Quý đứng tên vua Hàm Nghi có những lời tố cáo tội ác giặc Pháp và yêu cầu viện trợ thống thiết.

Tổ quốc lâm nguy, nhà vua ủy thác trọng trách, Nguyễn Quang Bích đã không quản ngại muôn vàn gian khổ, quyết tâm làm trọn nhiệm vụ của mình.

Đi sứ về, ông được vua Hàm Nghi ban khen và Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết cũng có làm thơ kỷ niệm. Trong chuyến đi này, ông đã ký thác tấm lòng son sắt của mình đối với vua, với nước.
___________________________________________
1. Nguyễn Phúc Thời, tức Tự Đức.
2. Nguyễn Phúc Thắng, tức Hiệp Hòa.
3. Phúc Hạo, tức Kiến Phúc.
4. Phúc Minh, tức Hàm Nghi.
5. Trích dịch trong Tấu tập của Vân Quý Tổng đốc Sầm Dục Anh ở Trung Pháp chiến tranh tư liệu, Quyển 7, Trung Quốc sử học hội xuất bản.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:29:17 pm »


Câu hỏi 4: Chuyến đi cầu viện nhà Thanh lần thứ nhất đã không mang lại nhiều kết quả, vua Hàm Nghi lại cử Nguyễn Quang Bích sang cầu viện lần thứ hai. Cho biết thêm về chuyến đi cầu viện lần này và kết quả của nó?
Trả lời:


Lúc này, sau khi đã đè bẹp được cánh kháng chiến trong triều và nắm chặt được bè lũ phong kiến bán nước và bù nhìn, giặc Pháp tìm cách đẩy mạnh hoạt động trên chiến trường Bắc Kỳ. Chúng tiến quân lên chiếm Than Mai, Tuần Quán, Lào Cai rồi Phong Thổ, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Sơn La, cố gấp rút kiểm soát vùng biên giới để cắt đứt mọi liên lạc giữa nghĩa quân với Trung Quốc. Vào hai ngày 27 và 28 tháng 12 năm Hàm Nghi thứ nhất (tức ngày 31 tháng 1 và ngày 1 tháng 2 năm 1886), hơn một nghìn lính Pháp kéo đến đánh xã Cát Trù, Hiệp đốc Nguyễn Văn Giáp đem quân chiếm lại không nổi, phải lui về xã Tuy Lộc hiệp quân với Nguyễn Quang Bích vào đóng giữ ở miền Tam Mãnh1.

Tháng 1 năm Hàm Nghi thứ hai (tức tháng 2 năm 1886), nhân Tổng đốc Vân Quý là Sầm Dục Anh phái người đến huyện Cẩm Khê để điều tra cụ thể tình hình Việt Nam, Nguyễn Quang Bích trong cuộc tiếp xúc đó đã nhờ phái viên nhà Thanh chuyển tờ bẩm do Sơn Hưng Tuyên tổng đốc Nguyễn Đình Nhuận đứng tên. Lời lẽ trong thư nói lên lòng căm thù sâu sắc, đồng thời cũng nói rõ quyết tâm kháng chiến đến cùng của giới thân hào kháng chiến ngoài Bắc, cũng như của toàn dân lúc đó đối với quân cướp nước và bè lũ tay sai bán nước.

Cũng năm đó (năm 1886), nhân dịp Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc cầu viện, vua Hàm Nghi lại cử Nguyễn Quang Bích một lần nữa đi Vân Nam. Lúc đó vào tháng 4, mùa hạ, nhân Nguyễn Quang Bích đi qua Thượng Bằng La, thuộc địa phận châu Văn Chấn, Tôn Thất Thuyết có gửi thư mời ông cùng đi. Chuyến này đi với ông còn có hai người đáng chú ý.

Người thứ nhất tên là Chu Lăng Thục, tự Thiết Nhai, hiệu Ngọa Hổ, người tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Thiết Nhai được bổ dụng làm chức phiên phó sứ của triều đình Trung Quốc, nhưng cũng giống như một số quan lại miền Nam Trung Quốc hồi đó, ông rất bất mãn với chính sách nhu nhược của triều Thanh và rất có cảm tình với phong trào kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Ông là bạn đồng tâm của Nguyễn Quang Bích và đã tích cực giúp đỡ về mặt liên lạc với Trung Quốc để xin viện trợ. Mỗi lần ông lên đường, Nguyễn Quang Bích đều có thơ tiễn đưa thắm thiết, tỏ ý kỳ vọng lớn lao: "Lần đi này của tiên sinh không phải có phần quan hệ đến tính mạng của tôi sống hay chết, mà nước của chúng tôi bị tai họa hay được hạnh phúc, còn hay mất, đều ở trong tay tiên sinh".
_________________________________________
1. Căn cứ vào Tấu tập của Văn Quý Tổng đốc Sầm Dục Anh (ngày 13 tháng 3 năm Quang Tự thứ 11, tức năm 1885 dương lịch) thì đất Tam Mãnh thập châu phía bắc giáp các huyện Mông Tự, Kiến Thủy và phủ Lâm An của tỉnh Vân Nam, chạy dọc sang phía tây bắc đến tận Nguyên Giang (tức thượng lưu sông Hồng), phía tây nam tiếp giáp Thượng Lào; là một nơi hiểm yếu của nước Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ vào đất Vân Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:36:51 pm »


Chuyến này cùng đi với Nguyễn Quang Bích cũng là chuyến đi cuối cùng của Thiết Nhai. Dọc đường công cán, Thiết Nhai chết ở phủ Khai Hóa trên đất Trung Quốc, mọi việc tang ma đều nhờ vào đồng bào địa phương. Nguyễn Quang Bích có làm thơ điếu. Nội dung bài điếu như sau:

            ĐIẾU THIẾT NHAI

                  I
      Bão phụ kinh luân tự bất phàm
      Tương quan thanh khí1 bạc nhai nham.
      Thuần dao kỷ độ đàm tâm xứ,
      Thệ bả phi miêu tận lực sam2.


                  II
      Thùy tri khứ lộ khước du du,
      Nhất biệt hoàn di bách cảm lưu
      Lữ xá tha hương như thử nhật,
      Vị quân hàm hận độc thiên thu.


Dịch nghĩa:

            VIẾNG ÔNG CHU THIẾT NHAI

                  I
      Ôm tài kinh luân, ông vốn không phải hạng tầm thường,
      Thanh khí đôi ta bàng bạc khắp núi non.
      Đã bao lần nhắp chén rượu tri âm tỏ bày tâm sự,
      Thề ra sức nhổ sạch loài cỏ dại.


                  II
      Ai ngờ con đường đi trở thành xa bặt,
      Một lần từ biệt, để lại trăm mối thương cảm.
      Ngày hôm nay ở chốn tha hương nơi quán trọ,
      Vì ông mà riêng mang mối hận nghìn năm.


Dịch thơ:

                  I
      Ôm ấp kinh luân chí khác đời,
      Cảm thông thanh khí ngút cao vời.
      Mấy phen nghiêng dốc bầu tâm sự,
      Thề diệt cho tan giống hại nòi.

                  II
      Một đi, đi mãi có ngờ đâu,
      Để lại cho nhau vạn cảm sầu.
      Quán khách quê người trong buổi ấy,
      Vì ông nuốt hận đến ngàn thâu.
                                                 (Nguyễn Văn Bách dịch)

Người thứ hai cùng đi với Nguyễn Quang Bích sang Vân Nam cầu viện chuyến ấy là Tán tương Nguyễn Khê Ông - người Khê Thượng, Bất Bạt, Sơn Tây, lĩnh chức Án sát tỉnh Sơn Tây sung Tán tương quân vụ. Nhưng đi đến xứ Chiêu Tấn, đường nghẽn không đi được, Nguyễn Khê Ông ở lại địa phận Quế Sơn là vùng biên giới, chỉ mình Nguyễn Quang Bích tiếp tục ra đi.
______________________________________
1. Đồng thanh tương ứng (cùng tiếng hưởng ứng nhau), ví như tiếng chim kêu gọi bạn; đồng khí tương cầu (cùng khí tìm gặp nhau), ví như nam châm hút sắt.
2. Đời Hán Văn Đế, Lưu Chương có bài ca "Canh điền" rằng:
      Thâm canh dị nậu,
      Lập miêu dục hy.
      Phi kỳ loại giả,
      Sừ nhi khử chi.

nghĩa là:
      Cày sâu cuốc bẫm,
      Cấy lúa hàng thưa.
      Những cây khác loại,
      Phải nhổ phải bừa.
Đây ý nói giặc Pháp đến xâm lược nước ta không khác gì loài cỏ xấu bám vào cây lúa cần diệt trừ đi.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 05:38:12 pm »


Tháng 7 năm đó, trên đường về đến trại Bắc Tần (thuộc Lai Châu), được tin Nguyễn Khê Ông đã mất, ông vô cùng thương tiếc người đồng sự. Trong bài văn tế ngày 7 tháng 8 năm Hàm Nghi thứ 2 (1886), một lần nữa ông ca tụng khí tiết anh hùng của Nguyễn Khê Ông, đồng thời cũng nghiêm khắc lên án quân xâm lược cùng bọn xu nịnh bán nước cầu vinh. Bài tế tạm dịch nội dung như sau:

VĂN TẾ TÁN TƯƠNG NGUYỄN KHÊ ÔNG

Than ôi! Người ở trên đời, ai là không chết, chết như anh, khiến người ta ai cũng than khóc mà sụt sùi.

Nhớ anh xưa, con dòng vũ tướng, thông thái tính trời, thuở bé theo đời nghiên bút, văn chương nổi tiếng ở trong làng, trong hạt, đến lúc thi hương đỗ cử nhân, chưa được bao lâu thời cơn binh hỏa đã đến.

Hiện nay ở trên đời, biết bao nhiêu người tham lam đắm đuối, chạy vạy luồn cúi dưới lũ hôi tanh để kiếm cơm áo; lại có người ở bên ngoài thời giả cách lùi bước, ẩn mình mà bên trong thời bí mật cùng quân giặc giao thông để kiếm cho đầy túi. Hạng người ấy cũng không phải là ít. Hễ thấy ai có lòng khảng khái, không chịu phục tòng, không để cho giặc làm dơ bẩn, thời lại cho là không biết thời thế, cho là cầu may lấy tiếng hão huyền, nó không sằng sặc cười chê thời cũng kéo bè nhau mà chửi rủa lảm nhảm. Than ôi! Than ôi! Nay thử hỏi xem, lũ Tây dương có phải là giặc không? Chính lũ ấy thật là giặc. Vậy sao thói đời, lòng người lại đến nỗi như thế, thật là đáng thương quá!

Anh là một người thư sinh, một chức nhàn tản, đối với bên trên thời vua chưa biết đến họ tên, đối với bên dưới thời chức vụ còn kém thua những anh em đồng sự, thế mà phấn khởi một cách bạo dạn, mộ những người nghĩa dũng ra tòng quân, tuy bị thua nhiều lần, mà không hề nản chí; làm việc như thế, nếu bảo là không có sự gia đình giảng tập, không có sự học vấn cao siêu, thời làm sao được như thế.

Ngày tháng 6, anh gửi thư cho tôi có nói rằng: "Xem tình thế gần đây đã có cơ hội làm được, thêm phần phấn khích". Anh lại nói rằng: "Kẻ sĩ vì người tri kỷ của mình mà ra sức đua tài, dẫu gian khổ bao nhiêu cũng không từ chối".

Than ôi! Than ôi! Anh làm sao mà đến thế này!

Hiện nay, những người đồng sự với chúng ta được mấy người, đồng sự mà đồng tâm được mấy người, đồng tâm mà đem mình ta chỉ huy quân sĩ, xông pha tên đạn lại được mấy người.

Anh mà đến nỗi này, thật là sự không may cho anh, mà cũng thật là sự không may cho tôi và cho ông Tham đài nữa.

Tháng trước tôi về đến trại Bắc Tần thuộc hạt Lai Châu, nghe tin buồn của anh, tôi khóc nghẹn nên không nói được. Nay đến Lai Châu, tôi thăm viếng phần mộ của anh, nay xin lấy xôi bò và các phẩm vật, rót chén rượu nhạt để tỏ lòng thành, hồn thiêng dưới suối vàng có hay? Kính xin giám hưởng!

May ra giang sơn phù hộ, sau khi việc nước đã yên, tôi sẽ tâu lên thiên tử, đề đạt với tướng thần, bao phong phẩm vật cho anh, lục dụng con cháu của anh, cho xứng đáng với công lao của anh. Ấy là lòng tôi khẩn khoản như vậy.


Lần này cũng như lần trước, việc cầu viện không mang lại kết quả gì. Triều đình nhà Thanh sau Quy ước Thiên Tân lại liên tiếp ký các hiệp ước đình chiến (ngày 1 tháng 4 năm 1885) và cuối cùng là Điều ước Thiên Tân (ngày 9 tháng 6 năm 1885) hoàn toàn nhượng bộ trước tư sản Pháp, công nhận nền đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam. Chính bản thân Tổng đốc Vân Quý là Sầm Dục Anh nói với Nguyễn Quang Bích rằng: "Vua tôi cùng người Pháp mới ký hiệp ước, có lẽ việc của ngài không xong. Tôi cùng các bạn đồng tiêu cảm lòng trung nghĩa của ngài, tình nguyện giúp riêng súng đạn. Ngài về nước chiêu tập nghĩa binh các tỉnh khởi sự, nếu việc có khởi sắc, chúng tôi xin tư giúp nữa"1.

Dù sao kết quả cuối cùng của hai lần sang cầu viện là đã tranh thủ được sự giúp đỡ của một số quan lại miền Nam Trung Quốc. Thêm vào đó, sau này còn có sự vận động của Tôn Thất Thuyết ở Nam Ninh, cho nên sự giúp đỡ này tuy chẳng phải quy mô rộng lớn gì, nhưng không phải không có tác dụng. Phải đến tận năm 1894 là năm chiến tranh Trung - Nhật bùng nổ, triều đình Mãn Thanh phải dồn lực lượng về phía đông bắc nên đã cộng tác thêm mật thiết với Pháp ở phía nam, cùng nhau định rõ biên giới, đặt một tấm lưới ngày càng dày, nguồn tiếp tế vũ khí độc nhất này mới cạn dần và chấm dứt.
___________________________________
1. Ngư Phong tướng công hành trạng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 08:12:10 am »


Câu hỏi 5: Từ năm 1886 đến khi Nguyễn Quang Bích qua đời (năm 1890) là thời gian cuộc khởi nghĩa diễn ra mạnh mẽ nhất. Tình hình địch, ta trong thế đan cài. Nghĩa quân mặc dù vũ khí thô sơ, quân ít, không có lực lượng tập trung nhưng đã làm cho kẻ thù kinh sợ và khâm phục về ý chí chiến đấu. Hãy cho biết thêm về giai đoạn này?
Trả lời:


Trong thời gian Nguyễn Quang Bích đang đi sứ, Bố chánh Nguyễn Văn Giáp thường đưa quân từ căn cứ Tiên Động về đánh đồn Cẩm Khê và các đồn lẻ dọc sông của địch. Thấy vậy, tháng 6 năm 1886, rồi tháng 11 năm 1886, giặc Pháp hai lần liên tục tấn công căn cứ nghĩa quân nhưng không kết quả. Trong khi đó, các huyện Văn Bàn, Văn Chấn và cả hữu ngạn sông Thao đều thuộc về ta.

Giữa lúc đó, Nguyễn Quang Bích từ Trung Quốc về nước, đóng ở hạt Thiên Chấn. Không bao lâu nhận được đợt viện trợ đầu tiên do Tổng đốc Vân Quý là Sầm Dục Anh gửi sang gồm sáu trăm khẩu súng, sáu mươi hòm đạn và hai nghìn cân thuốc phiện để bán lấy tiền chi phí việc quân binh, ông bèn tập hợp các đạo nghĩa quân phát súng, đạn luyện tập đêm ngày chờ thời cơ giết giặc cứu nước. Hiệp đốc quân vụ Nguyễn Văn Giáp cũng đem nghĩa dũng tập hợp. Đại bản doanh của nghĩa quân do Nguyễn Quang Bích cầm đầu bấy giờ đóng tại Nghĩa Lộ, thuộc địa hạt châu Văn Chấn.

Chỗ ấy hình thế vô cùng hiểm trở, vì nằm giữa cánh đồng ba tổng bằng phẳng rộng chừng vài ngàn mẫu, có hai con ngòi chảy bọc xung quanh, đất đai màu mỡ, thóc lúa tràn đầy, đủ cung cấp lương thực cho quân lính. Lại thêm có suối nước nóng bốn mùa không cạn, dân cư trù mật. Bốn bề núi cao như thành, ra vào bằng ba đường rất hiểm trở, có thể thông sang châu khác. Đường núi phía hữu - tục gọi Đèo Ách - do Chánh đề đốc Kiều đóng giữ; đường núi phía tả - tục gọi Đèo Pha - do Phó đề đốc Mạc đóng giữ; còn đường mặt sau gọi là Ngòi Vụ do Lãnh binh Vương Văn Doãn đóng giữ.

Các châu huyện xung quanh tranh nhau đem lương thực về giúp, lập kho dự trữ, đồng bào Thái - Mường - Mèo - Dao đều rất vui theo. Gần thì có Đề Kiều (Hoàng Văn Thúy) và Đốc Ngữ (Nguyễn Đình Ngữ) ở Hưng Hóa, Phú Thọ, Hòa Bình; xa hơn thì có Đề Cương, Đề Cơ, Đề Anh ở Sơn Tây; Đề Vân, Đề Vịnh ở Bắc Ninh; Đề Vũ ở Nam Định; Đề Hoan, Đề Nhượng, Đề Quảng ở Thái Bình..., tất cả đều chịu sự chỉ huy của Nguyễn Quang Bích. Đặc biệt, những lang đạo vùng thiểu số đều nhiệt tình tham gia phong trào như Đèo Văn Trì, Đèo Văn Toa ở Lai Châu, Tri phủ Điện Biên là Đèo Văn Sanh, Tri châu Chiêu Tấn là Nguyễn Văn Quang cùng các thổ tù Cầm Văn Thanh, Cầm Văn Hoan vùng Mai Sơn, Mường La (Sơn La). Hơn thế nữa, các trung tâm khác của phong trào Cần Vương trong toàn quốc như Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh), Tống Duy Tân, Hà Văn Mao (Thanh Hóa), Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên), Đàm Chí Trạch (Nam Định), Nguyễn Tử Ngôn (Ninh Bình), Tán tương Nguyễn Khê Ông (Sơn Tây) đều có liên lạc, "các đạo báo tư đi về như mắc cửi"1. Thanh thế nhờ đó ngày một tăng, quân Pháp mấy lần kéo quân lên đánh phá đều vô hiệu. Đầu tháng 12 năm 1886, binh đoàn của tướng Brít-xô càn quét hai huyện Văn Bàn, Văn Chấn và đi sâu vào Đại Lịch (ngày 3 tháng 1 năm 1887), trên đường hành quân, đã bị nghĩa quân của Nguyễn Văn Giáp phục kích dữ dội và bị thiệt hại nặng.

Sau đó có lần quân Pháp liều lĩnh theo đường Lai Châu đi xuyên qua động Mèo đến đánh tập hậu nghĩa quân. Lãnh binh Vương được tin, bố trí quân mai phục. Sau một ngày một đêm chiến đấu ác liệt, giặc Pháp bị thương và chết rất nhiều, cuối cùng đành phải rút lui thảm hại. Quân ta vì ít không dám truy kích, chỉ thu lượm súng ống, khí giới của giặc vứt lại. Được tin nghĩa quân thắng lợi, đồng bào các dân tộc Mèo, Dao kịp thời tập hợp lực lượng đón đánh quân Pháp trên đường tháo chạy, giết thêm một số quân địch, cướp được khá nhiều súng ống, đạn dược đem đến đại đồn nộp cho nghĩa quân. Nguyễn Quang Bích tùy công lao khen thưởng, vàng năm mươi nén, bạc năm trăm đồng, đồng bào Mèo, Dao reo mừng cảm tạ.
_____________________________________
1. Trình Phố Ngư Phong Nguyễn tướng công truyện ký.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM