Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:44:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Viết tiếp hành trình đến Cao nguyên Xiêng Khoảng, đất bạn Lào (phần 1)  (Đọc 50597 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 10:06:12 pm »

Tiếp theo phóng sự ảnh: “Đến căn cứ Bom Lọng (Bouam Loong/Lào) ngày Thương binh_Liệt sỹ 27/7/2011” thực hiện năm 2011, năm năm sau, gia đình tôi mới thực hiện tiếp được mong muốn, đưa Bố mẹ tôi đến thăm nơi này.


Tháng 7 năm 2011, gia đình tôi đã lần đầu đến với chiến trường Bom Loong, nơi chú ruột tôi là Liệt sỹ Lê Tiến Thuận (đại đội 6, tiểu đoàn 2, trung đoàn 335, quân khu Tây Bắc) đã từng chiến đấu và hy sinh năm 1972. Lần này tôi trở lại đây với mục đích đưa bố, mẹ và cậu con trai thăm lại chiến trường xưa, biết được nơi chú tôi đang nằm lại. Chuyến đi thật ý nghĩa đúng vào dịp giỗ lần thứ 44 của chú tôi, ngày 31/12/2016.


Ảnh Ls Lê Tiến Thuận & các thông tin chung về quê quán,
đơn vị ghi trong giấy báo tử.

Đã có kinh nghiệm sang Lào nhiều lần nên việc chuẩn bị cho chuyến đi với tôi thật đơn giản, chỉ cần làm thủ tục transit cho xe ô tô tại Sở GTVT Hà Nội, còn với bố mẹ tôi, không nói ra nhưng ông bà rất hồi hộp chờ ngày lên đường. Chuyến đi dự định trong 4 ngày. Để ông bà dễ hình dung, tôi đã chuẩn bị và in ra các bài viết về cao nguyên Xiêng Khuảng, về lịch trình của chuyến đi để ông bà tham khảo trước.


Giấy phép liên vận cho Ô TÔ qua Lào do Sở GTVT Hà Nội cấp

Ngày thứ nhất (30/12/2016):
Xuất phát từ 9h sáng mà phải hơn 1 giờ sau mới vào được cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do ùn tắc tại vành đai 3. Từ đây, đường tốt và thoáng nên hơn 12 giờ đã đến Tĩnh Gia, cả nhà dừng nghỉ ăn trưa tại đây.
Nghỉ trưa xong, gia đình tôi tiếp tục nam tiến đến thị xã Hoàng Mai thì rẽ vào quốc lộ 48 đi Thái Hòa, tuyến đường dài khoảng 30km rất đẹp do vừa được hoàn thành tháng 9/2016. Đường mới làm, cảnh quan hai bên là những vạt đồi trồng mía, dứa rất đẹp nên chưa đầy 30 phút đã đến Thị xã Thái Hòa, tôi tranh thủ đưa cả nhà thăm cánh đồng hoa hướng dương của Tập đoàn TH True Milk, chụp ảnh tại đây trước khi tiếp tục hành trình đến thị trấn Con Cuông.


Ông bà chụp ảnh tại cánh đồng hoa hướng dương ven đường HCM của Tập đoàn TH True Milk.

Rời cánh đồng hoa bên đường Hồ Chí Minh, đi khoảng 60km nữa thì rẽ vào QL7, rồi thị trấn Anh Sơn nơi có nghĩa trang Liệt sỹ Việt Lào, bố tôi muốn ghé vào thắp hương nhưng đã sắp tối nên tôi xin phép để lúc quay về. Khoảng 5h chiều qua Trung đoàn 335, tôi đưa gia đình vào để biết và chụp ảnh tại cổng trung đoàn, đơn vị của chú tôi trước đây mà lần trước tôi không kịp ghé thăm.


Biển chỉ dẫn trên QL7 vào Trung đoàn 335


Chụp ảnh tại cổng Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4

** Vài nét về Trung đoàn 335: Trung đoàn 335, tiền thân thuộc Khu 3, Khu 4, Khu 5, Khu 10, Quân khu Tây Bắc, Tổng đội biên phòng 355 và sau đó là Sư đoàn 335, Lữ đoàn 335. Tham gia chiến dịch Điện Biên từ những ngày đầu và chủ yếu hoạt động ở địa bàn Tây Bắc và Tây Nghệ An, đất bạn Lào. Trung đoàn lấy ngày 7/5/1965, ngày Giải phóng Điện Biên Phủ làm ngày thành lập.
Tháng 12 năm 1965, Trung đoàn nhận lệnh cơ động sang Lào giúp bạn diệt phỉ, mở rộng vùng giải phóng, hỗ trợ xây dựng cơ sở chính trị, củng cố chính quyền cách mạng, giúp đỡ nhân dân Lào xây dựng cuộc sống mới, phát triển sản xuất.
Năm 1971, Trung đoàn được lệnh rút về Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, tiếp tục củng cố lực lượng sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Cũng trong năm 1971, Trung đoàn nhận lệnh hành quân từ Điện Biên Phủ sang Lào tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, tham gia những trận đánh ác liệt trên mặt trận chiến trường Lào…,
Sau năm 1986, tình hình nước bạn đã đi dần vào thế ổn định, Trung đoàn bắt đầu rút quân về nước đóng quân trên đất Tường Sơn - Anh Sơn từ đó đến nay.**
Đêm tại thị trấn Con Cuông thật yên bình, khách sạn Mường Thanh mới khánh thành chất lượng tốt, sạch sẽ nhưng tôi biết, bố mẹ tôi đêm đó trằn trọc không ngủ được, ông bà chỉ mong trời sáng để sớm đến được đất bạn Lào.


Ăn tối tại Ks Mường Thanh, Con Cuông, Nghệ An

Ngày thứ hai (31/12/2016):
Dậy từ khá sớm, ông bà xuống ăn sáng nhưng phòng ăn chưa phục vụ, hơn 7 giờ thấy ông bà khá bồn chồn, bố con tôi cũng vội khẩn trương dọn đồ, ăn sáng và trả phòng mặc dù tôi còn rất muốn tranh thủ chụp vài tấm hình về cây cầu treo phía sau khách sạn.


Cầu treo & Đường vào Bản sinh thái, thị trấn Con Cuông, Nghệ An.

Rời Con Cuông, hướng biên giới theo QL7 thẳng tiến, qua các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, đường đi xuyên qua rừng quốc gia Pù Mát, dọc sông Lam phong cảnh rất đẹp, nhưng vì vội nên tôi không dám dừng lại sáng tác, thầm hẹn sau này có thời gian sẽ trở lại tuyến đường này tác nghiệp, còn lần này chỉ tạm làm mấy shot tại rừng Săng Lẻ tuyệt đẹp huyện Tương Dương.


Dừng chân tại rừng Xăng Lẻ, Tương Dương, Nghệ An

Qua huyện biên giới Kỳ Sơn, qua đèo Báctêlêmi, bản Noọng Dẻ cheo leo trên những tầng mây, khoảng 11h trưa thì đến được cửa khẩu Nậm Cắn, theo quy định đây là giờ nghỉ nên cửa khẩu đìu hiu vắng lặng. Gặp các chiến sỹ biên phòng và nhân viên hải quan vừa ăn trưa về, nghe chuyện của tôi các anh rất nhiệt tình giúp đỡ, làm thủ tục ngay nhưng cũng khuyên gia đình tôi tranh thủ ăn trưa vì các bạn Lào rất nguyên tắc, đúng 13h30 mới làm việc nên kiểu gì cũng phải chờ đợi.
Tôi tranh thủ đổi tiền kíp lào (2,4 triệu đồng được 1 triệu kíp lào) và đặt ăn trưa, quán nhỏ đơn sơ của vợ bộ đội biên phòng nhưng ăn khá ngon và rất rẻ, chỉ 300.000 đồng cho 4 người ăn mà đủ cả từ gà, cá, rau dưa mà đặc biệt hơn là tấm lòng đôn hậu, chân thật nhiệt tình của chủ quán, vợ bộ đội biên phòng.



Chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc 405 - cửa khẩu Nậm Cắn.

Qua bữa trưa, cả nhà tranh thủ vào xe nghỉ đợi đến giờ làm việc của các bạn Lào, đúng là cửa khẩu nhỏ lẻ, vắng khách và chắc cũng học được nhiều từ ông anh Việt Nam nên đã đến giờ làm việc mà mấy cậu Hải Quan, Biên Phòng của bạn vẫn mỗi người vài lon bia với mực nướng, rất rôm rả mặc kệ sự sốt ruột của khách đang chờ qua cửa khẩu. Gần 14h các bạn ấy mới lững thững trở vào quầy làm thủ tục.
Với tổng chi phí trên 200.000 kíp Lào, tôi đã có đủ hành trang qua Biên Giới. Tuyến đường 7 trên địa phận nước bạn nhỏ hẹp hơn bên ta nhưng do đường vắng nên chỉ sau hơn 1 giờ xe chậy, tôi đã tới được ngã ba Mường Kham, cách Phonsavanh 51km, cách Houa Phan 183km. Dừng chân ở đây để Ông Bà và Minh Tiến cảm nhận được việc đã sang lãnh thổ một đất nước khác, giao lưu lần đầu với người bản địa qua món khoai nướng xong, gia đình tôi thẳng tiến đến Phonsavanh.


Biển chỉ đường về Phongsavanh & Sầm Nưa
Minh Tiến mua khoai nướng tại ngã ba Muong Kham.

Chiều muộn, cả nhà tôi có mặt tại Phonsavanh, chưa kịp tìm chỗ nghỉ, tôi vội vã hỏi đường đến tượng đài chiến thắng, biểu tượng của tình hữu nghị giữa quân tình nguyện Việt Nam với bộ đội Pathet Lào. Phonsavanh là thị trấn nhỏ, rất nhiều người Việt định cư, buôn bán và sinh sống ở đây. Trong đó chủ yếu là người tỉnh Nghệ An, tôi ghé vào Xiêng Khuang HOTEL, khách sạn có quy mô lớn nhất ở đây do Quân khu 4 xây dựng và kinh doanh. Thật may, gặp ngay phó giám đốc khách sạn người Nghệ An rất nhiệt tình. Chưa biết tượng đài chiến thắng ở đường nào, cậu ấy phải điện thoại cho chủ tịch hội người Việt Nam tại Xiêng Khuảng hỏi và vẽ lại đường cho tôi. Một cảm giác thật ấm áp tình người, tình đồng bào nơi đất khách, cám ơn em nhiều, Lê Văn Duẩn.



Khách sạn Xiêng Khuảng, thị trấn Phonsavanh.

Có sơ đồ rồi mà cũng phải lòng vòng, hỏi thăm mấy lần nữa mới đến được Tượng đài chiến thắng nằm trên một ngọn đồi ở ngoại ô thị trấn, do đến muộn và cũng ít người ghé thăm nên cửa vào đã bị khoá. Gia đình tôi lặng lẽ thắp hương, nguyện cầu cho chú tôi và anh linh những đồng chí, đồng đội, những người bộ đội Việt Nam và Bộ đội Pathet Lào đã nằm xuống ở mảnh đất triệu voi này, xong những lễ nghi ấy, gia đình tôi tranh thủ chụp ảnh lưu niệm ở nơi này.


Tượng đài chiến thắng


Một góc Xiêng Khuảng nhìn từ đồi tượng đài

Rời Tượng đài chiến thắng, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Bun Tua 70 tuổi người Lào vô tình gặp khi hỏi thăm đường. Ông Bun Tua quê gốc tại Xiêng Khuảng, thuộc thành phần gia đình cách mạng, được chính phủ Lào đưa sang Việt Nam từ năm 14 tuổi, học văn hoá tại Thái Nguyên sau đó về Hà Nội học Đại học Nông Nghiệp. Sau khi Lào được giải phóng thì về công tác tại Sở Nông nghiệp của tỉnh, nay đã nghỉ hưu. Gặp gia đình tôi, nhất là bố tôi những người cùng thời nên chuyện trò rất rôm rả, ông mang trà, rượu ra mời. Qua câu chuyện ngắn ngủi với ông, phần nào thấy được người Lào vẫn đang dành nhiều tình cảm cho nhân dân và bộ đội Việt nam. Những tình cảm rất chân thành như những người anh em cần được trân quý, giữ dìn và nhân rộng.




Ảnh chụp với ông Bun Tua, nhà ở gần Tượng đài chiến thắng, năm nay đã 70 tuổi, từng học tập tại Việt Nam.

Chia tay gia đình ông Bun Tua, cũng không về nghỉ tại Khách sạn Xiêng Khuảng, tôi đưa Bố mẹ về nghỉ tại khách sạn Dokkhoune, nơi lưu giữ rất nhiều vỏ bom mìn, đầu đạn các loại còn sót lại sau chiến tranh với mục đích để Ông Bà và cậu con trai thấy được quá khứ khốc liệt của chiến tranh ở mảnh đất này, nơi chú tôi và những người đồng đội đã từng sống, chiến đấu.

Xem thêm về chiến trường Cánh Đồng Chum tại đây:

1. http://ctvc.edu.vn/vi/tin-van/chien-cong-vang-doi-canh-dong-chumbieu-hien-sinh-dong-cua-lien-minh-chien-dau-vietlao.html
2. http://thu.vietnamdefence.com/Home/quansuvietnam/chiendich/Chien-dich-phong-ngu-Canh-dong-ChumXieng-Khoang-21515111972/200910/48840.vnd
3. http://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/70-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-anh-hung/thang-loi-to-lon-cua-chien-dich-phong-ngu-canh-dong-chum-xieng-khoang-261588

Đêm đó, thị trấn Xiêng Khuảng có mưa nặng hạt, cơn mưa rào giữa mùa đông giá lạnh càng làm cho thị trấn nhỏ bé như co cụm lại, gia đình tôi mỗi người một suy tư. Cũng ngày này cách đây 44 năm (theo giấy báo tử) là ngày chú tôi hy sinh trên mảnh đất triệu Voi này vì thế, phải chăng những mất mát to lớn về xương máu trong chiến tranh khi xưa vẫn ẩn hiện quanh đây, hoà vào giá lạnh, cảm thông và hoà vào lòng người đi tìm về quá khứ.

(còn tiếp phần 2)

Hà nội, ngày 20 tháng 1 năm 2017
Viết bài & Photo: Lê Minh Tuấn
Email: minhtuan997@gmail.com
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Hai, 2017, 09:58:24 pm gửi bởi ktslengoc » Logged
ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 09:54:33 pm »

(Tiếp theo)

Ngày thứ ba (1/1/2017):
Sáng sớm hôm sau, trời vẫn tý tách mưa, không hề thuận lợi cho việc đi vào căn cứ Bom Loong hay trung tâm huyện Phu Cút (nơi có đội quy tập liệt sỹ số 4 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đóng quân) nên tôi quyết định đưa cả nhà đi thăm Cánh Đồng Chum, địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Xiêng Khuảng nói riêng và của đất nước Lào nói chung, sau đó sẽ thăm lại Tượng đài chiến thắng trước khi rời Xiêng Khuảng về Việt Nam.


                    
Vỏ bom đạn còn sót lại sau chiến tranh
 



  
Chụp ảnh tại lễ tân khách sạn Dokkhoune với rất nhiều vỏ bom, đạn

Thật tình cờ, đầu giờ sáng trước khi rời khách sạn Dokkhoune, đoàn chúng tôi đón thêm một thành viên mới, đó là cô gái người Singapor đi du lịch một mình tại Xiêng Khuảng. Đang hỏi thăm dịch vụ du lịch ở Phonsavanh thì gặp gia đình tôi, cũng là tiện đường và muốn Minh Tiến có bạn, trau dồi thêm kiến thức về Anh ngữ và tính độc lập nên tôi đồng ý mời cô gái đi cùng. Chúng tôi ăn sáng với  món Phở Lào, bát to gấp đôi phở Việt trước khi thưởng thức café tại quán Craters, được trang trí, décor rất ấn tượng bằng vỏ Bom, trong đó có những trái bom tấn cao hơn 2m.
  





  
Ảnh chụp tại quán café Craters và cô gái người Singapor tên Please!

Rời quán Craters, chúng tôi đến với Cánh Đồng Chum huyền thoại đầy bí ẩn, nơi có hàng nghìn chiếc chum bằng đá kì lạ cao đến một vài mét, nặng từ 600 kg đến hàng tấn nằm đơn lẻ hay quy tụ thành từng nhóm ngổn ngang trên nền đất khô cằn rộng khoảng 25 hecta, thuộc cao nguyên Xieng khuang, ở cuối phía bắc của dãy núi Trường Sơn. Đây là một khu di tích lịch sử nổi tiếng tại Lào.

Tất cả những chiếc chum nơi đây đều được làm từ đá, chủ yếu là đá granite. Một số chum được làm từ đá sa thạch có chứa thạch anh fenspat và mica, bên trên mỗi chiếc chum được chạm khắc theo hình dáng con người, con vật và một số biểu tượng tinh xảo khác. Người ta tìm thấy các tảng đá bằng gần những chiếc chum, có lẽ là nắp đậy chum, nhưng vì lí do nào đó mà chúng bị loại bỏ hay dùng vào những mục đích khác. Hiện tại chỉ có một chiếc chum duy nhất có nắp. Và thật sự, người ta không biết về nền văn minh được chạm khắc trên mỗi chiếc chum đá đến từ thời kì nào.



Chụp ảnh tại cánh đồng chum cùng du khách Singapor, Thái Lan, Lào


      
Những chiếc chum đá bí ẩn có niên đại hàng ngàn năm





Chiếc ô của du khách để quên nơi cánh đồng chum

Xem thêm thong tin về Cánh Đồng Chum tại đây:

1. http://news.zing.vn/canh-dong-chum-ma-quai-o-lao-post251770.html

2. http://vnexpress.net/photo/khoa-hoc/bi-an-2-500-nam-o-canh-dong-chum-lao-3275945.html

3. http://indochinasensetravel.com/ky-bi-truyen-thuyet-canh-dong-chum-xiengkhuang-lao-n.html

Rời cánh đồng chum huyền bí, chúng tôi quay lại Tượng đài chiến thắng, nói lời chia tay với chú tôi, với những liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh ở nơi này để trở về Việt Nam, tạm biệt Phonsavanh, Xiêng Khuảng, Cách Đồng Chum và những người bạn rất nhiệt tình, đôn hậu đã gặp trong chuyến đi.
Hẹn ngày trở lại!


Rời Xiêng Khuảng, chia tay cô gái người Singapor đồng hành tại Cánh Đồng Chum, tôi theo Quốc lộ 7 trở về Nậm Cắn, ăn trưa tại ngã ba Mường Kham để về nghỉ tại khách sạn Mường Thanh Con Cuông.



Ảnh chụp tại đèo Báctêlêmi

Ngày thứ tư (2/1/2017):
Cũng khách sạn Mường Thanh, hôm đi khó ngủ là vậy mà khi trở về thật thanh thản, yên bình. Bố mẹ tôi cũng rất vui sau chuyến đi, từ đây về Hà Nội chúng tôi chỉ còn 1 điểm nữa để ghé qua là nghĩa trang Liệt sỹ Việt Lào tại huyện Anh Sơn.

Ăn sáng xong, cả nhà lại lên đường, về đến Anh Sơn mới gần 10h sáng, cả nhà vào thắp hương tại nghĩa trang Liệt Sỹ Việt Lào, nơi có lưu giữ cuốn sổ ghi danh của Sư đoàn 324, Trung đoàn 335, trong đó có tên chú tôi Liệt sỹ Lê Tiến Thuận.

Thật ấm lòng khi vẫn thấy nơi đây là những vòng hoa tươi của cán bộ chiến sỹ trung đoàn 335 đến viếng, thắp hương cho các thế hệ cha anh.




  
Ảnh chụp tại nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Rời Anh Sơn, kết thúc chuyến đi sang Cánh Đồng Chum, Xiêng Khuảng Lào trong tâm trạng thật nhẹ nhõm và thanh thản, mong muốn của bố mẹ tôi là đến được nơi Chú tôi đã chiến đấu, hy sinh, biết được những khó khăn vất vả mà Bộ đội ta đã đối mặt và vượt qua trước đây đã được thực hiện.

Tạm biệt Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Nậm Cắn, Mường Kham, Phonsavanh, Cánh Đồng Chum với những người bạn tình cờ mà nồng ấm, hẹn gặp lại.

Thị trấn Phonsavanh nhỏ bé, yên bình đang chuyển mình đón những vận hội mới, hoà cùng với sự phát triển nhanh chóng của nước bạn Lào, những khu Resort đang mọc lên trên những sườn đồi trước đây đầy bom đạn, những khách sạn đang được hoàn thiện trên những miệng hố bom xưa để đón khách du lịch tìm đến khám phá vẻ đẹp hoang sơ đầy gian khó ở mảnh đất này.

Tôi yêu mảnh đất này, nơi có chú tôi và những người đồng đội đã từng sống và chiến đấu, nay thân xác lại hoà cùng núi sông, một phần làm lên sự bình yên của đất nước Lào! Yêu những con người đôn hậu thật thà, yêu cái cảm cảm giác yên bình, chầm chậm nơi đất bạn.
  





        
Vài hình ảnh về sự đổi thay của thị trấn Phonsavanh, Xiêng Khuảng, Lào

Hà nội, ngày 20 tháng 1 năm 2017
Viết bài & Photo: Lê Minh Tuấn
Email: minhtuan997@gmail.com
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2017, 12:01:55 am »

Liên hệ anh Trần Đình Huân trưởng ban LL thân nhân LS mặt trận 31 chưa nhỉ. Các bác LS ở khu vực Cánh đồng chum xiêng khoảng là có hy vọng đối chiếu gen ADN sớm nhất cả nước đấy. Đang trong quá trình trả lại tên cho các LS đấy.
Logged

ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Hai, 2017, 02:38:33 pm »

Liên hệ anh Trần Đình Huân trưởng ban LL thân nhân LS mặt trận 31 chưa nhỉ. Các bác LS ở khu vực Cánh đồng chum xiêng khoảng là có hy vọng đối chiếu gen ADN sớm nhất cả nước đấy. Đang trong quá trình trả lại tên cho các LS đấy.

Chưa bác ah, nhưng gia đình em có liên hệ thường xuyên với anh em đội 4 thuộc đoàn quy tập mộ Liệt sỹ, bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đang hoạt động tại tỉnh Xiêng Khuảng.
Trường hợp chú em là không lấy được xác ngay sau trận chiến nên vô cùng khó khăn ah.
Logged
quangcan
Global Moderator
*
Bài viết: 3233



« Trả lời #4 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 08:03:31 am »

Add facebook đây nhé: https://www.facebook.com/groups/629205537154934/?fref=ts

https://www.facebook.com/huan.trandinh.1/posts/1148325058569488

bảo là có mình giới thiệu là được nhé.
Logged

ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 10:52:25 am »

Vâng, cám ơn bác nhiều ah!
Logged
lính đường dây
Thành viên
*
Bài viết: 200


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Ba, 2017, 09:01:55 pm »

Ktslengoc thân mến,
Chú rất vui được tiếp tục đọc những trang ký sự của cháu. Đã có lần chú rủ cháu đi Xiêng Khoảng nhưng chú nhớ là khi đó cháu vừa mới sinh em bé nên không đi được. Việc tìm lại được hài cốt của người thân hy sinh trong chiến tranh ví như tìm kim đáy bể. Thôi thì cầu mong vong linh của các liệt sỹ sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho những người còn sống mạnh khỏe, hạnh phúc, con cháu thành đạt.
Góp ý với cháu, cái tượng đài ở Phôn xa vẳn gọi là tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam chứ không gọi là tượng đài chiến thắng.
Logged
ktslengoc
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2017, 01:03:43 pm »

Ktslengoc thân mến,
Chú rất vui được tiếp tục đọc những trang ký sự của cháu. Đã có lần chú rủ cháu đi Xiêng Khoảng nhưng chú nhớ là khi đó cháu vừa mới sinh em bé nên không đi được. Việc tìm lại được hài cốt của người thân hy sinh trong chiến tranh ví như tìm kim đáy bể. Thôi thì cầu mong vong linh của các liệt sỹ sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho những người còn sống mạnh khỏe, hạnh phúc, con cháu thành đạt.
Góp ý với cháu, cái tượng đài ở Phôn xa vẳn gọi là tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam chứ không gọi là tượng đài chiến thắng.

Vâng, cháu cám ơn chú nhiều ah
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM