Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:55:25 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 36668 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 11:03:46 pm »


        III. QUÂN ĐOÀN 1

        Sau Hiệp định Pa-ri, Đảng ta dự kiến hai khả năng: hoặc là hòa bình được duy trì, hiệp định được thực hiện từng bước, phong trào cách mạng miền Nam có điều kiện phát triển những bước mới; hoặc là chiến tranh sẽ tiếp tục.

        Một số lần được làm việc với đồng chí Lê Trọng Tấn, đồng chí đều nói với tôi: “Với tính chất phản động, ngoan cố của Mỹ và ngụy, khả năng nhiều là chúng ta sẽ phải tiến hành một trận chiến đấu nữa, mới có thể giải phóng hoàn toàn miền Nam để thống nhất Tổ quốc”.

        Để chuẩn bị thiết thực cho khả năng thứ hai, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Quân đoàn 1 trên miền Bắc. Quân đoàn gồm các sư đoàn bộ binh 308, 312, 320, Sư đoàn phòng không 367 và nhiều trung đoàn binh chủng chiến đấu, bảo đảm. Tôi được bổ nhiệm Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng quân đoàn. Đồng chí Lê Trọng Tấn làm tư lệnh.

        Lần đầu tiên được làm nhiệm vụ với đồng chí Lê Trọng Tấn trong một bộ tư lệnh, một đảng ủy, vì vậy tôi được hiểu sâu sắc thêm về tài năng, tác phong, đức độ của đồng chí. Những gì đồng chí nói về việc xây dựng một binh đoàn cơ động trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh là kim chỉ nam để làm cho quân đoàn lớn mạnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Chỉ ở Quân đoàn 1 không đầy một năm, tôi được điều động vào Trị - Thiên làm phó tư lệnh Quân đoàn 2. Những gì học tập được ở đồng chí Lê Trọng Tấn tại Quân đoàn 1, tôi đều cùng các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 thực hiện. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đều đã là chỉ huy các sư đoàn chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên, dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn trong hai chiến dịch lớn: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 và chiến dịch Trị - Thiên năm 1972. Vì vậy khi tôi trình bày các ý kiến của đồng chí Lê Trọng Tấn trong việc xây dựng một binh đoàn lớn, các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đều hết sức trân trọng và tích cực thực hiện.

        Trong việc xây dựng các đơn vị dự bị chiến lược, đồng chí Lê Trọng Tấn trước hết nhấn mạnh phải làm cho cán bộ có trình độ tổ chức chiến đấu chu đáo trong thời gian ngắn. Dựa vào ý kiến của đồng chí, các sư đoàn bộ binh, các binh chủng kỹ thuật của Quân đoàn 1 cũng như Quân đoàn 2 đều diễn tập. Nhờ các cán bộ trong quân đoàn đều thành thạo cách đánh với thời gian chuẩn bị gấp nên trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 quân đoàn đều hoàn thành tốt nhiệm vụ trong các trận chiến đấu rất ít thời gian chuẩn bị. Tiến công vào Đà Nẵng, quân đoàn được giao nhiệm vụ chính thức sáng ngày 26 tháng 3 và các sư đoàn của quân đoàn phải tiến công đồng loạt vào sáng ngày 29 tháng 3. Tiến công vào Phan Rang, Sư đoàn 325 nhận nhiệm vụ do quân đoàn giao lúc 20 giờ ngày 15 tháng 4, bắt đầu cơ động lực lượng lúc 3 giờ ngày 16 tháng 4, triển khai lực lượng tiến công vào lúc 5 giờ. Đến 10 giờ sư đoàn đã làm chủ thị xã Phan Rang cùng sân bay Thành Sơn. Tiến công vào Sài Gòn, quân đoàn được giao nhiệm vụ 16 giờ ngày 23 tháng 4, các đơn vị của quân đoàn bước vào chiến đấu ngay chiều ngày 26 tháng 4.

        Là một cán bộ quân sự nhưng đồng chí Lê Trọng Tấn rất quan tâm đến xây dựng các đơn vị mạnh về chính trị. Để bộ đội có chất lượng chính trị mạnh, ai cũng biết là phải xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, giáo dục chính trị cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt nhiệm vụ đối với Tổ quốc ... Riêng đồng chí Lê Trọng Tấn, thường nói với chúng tôi, trong xây dựng đơn vị mạnh về chính trị, tất nhiên phải làm toàn diện, nhưng việc đoàn kết nội bộ, tôn trọng lẫn nhau, hết lòng vì cấp dưới, với người chiến sĩ là đặc biệt quan trọng. Bộ đội có lòng tin yêu người chỉ huy thực sự đã là một sức mạnh. Người chỉ huy giỏi thường được bộ đội tin, nhưng được bộ đội yêu phải hết sức chăm lo mọi mặt cho cấp dưới, cho chiến sĩ. Đồng chí Lê Trọng Tấn đúng là người đã thực hiện được lời nói của Hồ Chủ tịch: dạy cho cán bộ quân đội ta: “Khi bộ đội còn chưa được ăn, cán bộ không được kêu mình đói. Khi bộ đội còn chưa đủ mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Khi bộ đội chưa có chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.

        Khi gặp cán bộ thuộc quyền đồng chí thường hỏi thăm tình hình gia đình, hỏi cán bộ có gì lo âu... và cuối cùng đồng chí đi sâu tìm hiểu tình hình đơn vị, từ việc ăn mặc, ở, sức khỏe... Trong chiến đấu, mỗi trận đánh tuy thắng nhưng thương vong nhiều là đồng chí mất vui. Đồng chí thường đánh giá một trận hi sinh 5-10 người là nhỏ, nhưng đối với cha mẹ, vợ con của 5-10 người đó thì là một tổn thất cực kỳ lớn, không có gì bù đắp được. Nói thương vong không đáng kể là chưa hiểu biết hết tâm tư của người cha mất con, người vợ mất chồng.

        Trong quân đoàn, đồng chí Lê Trọng Tấn cũng là người coi trọng tác phong làm việc có hiệu quả. Một việc làm tưởng như nhỏ của đồng chí, nhưng nêu một tấm gương tốt về tác phong cho cán bộ trong quân đoàn: Hội nghị Đảng ủy Quân đoàn, phiên đầu họp một ngày. Các phiên sau chỉ họp một buổi nhưng vẫn có chất lượng. Trong hội nghị Đảng ủy (Đảng ủy lúc đó có 7 ủy viên thường vụ), 4 đồng chí ủy viên còn lại phát biểu nêu những vấn đề cần sửa đổi hoặc bổ sung vào đề án. Sau đó đồng chí Bí thư nêu ra những vấn đề cần thảo luận. Tất cả 7 đồng chí đều có thể phát biểu, thảo luận, tranh luận để đi đến thống nhất. Cách làm như trên vừa rút ngắn được thời gian, vừa đạt được chất lượng tốt. Các hội nghị do đồng chí điều khiển thường diễn ra thời gian ngắn. Nhờ vậy cán bộ có thời gian để đi xuống đơn vị, bám sát đơn vị, chỉ đạo được sát.

        Thời gian cùng làm việc với đồng chí ở Quân đoàn 1 không dài, nhưng tôi học tập được ở đồng chí trên nhiều mặt. Từ đó tôi hiểu vì sao đồng chí đã chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch giành thắng lợi xuất sắc. Trong lễ tưởng niệm 10 năm đồng chí Lê Trọng Tấn mất, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nói: “Trong hai cuộc chiến tranh, đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ huy các đơn vị thuộc quyền của mình đánh chiếm sở chỉ huy của địch. Trong kháng chiến chống Pháp, đơn vị thuộc quyền đồng chí chỉ huy đã bắt tướng Đờ Cát làm tù binh, trong kháng chiến chống Mỹ, đơn vị thuộc quyền đồng chí đã đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh đầu hàng”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 03:46:32 pm »


        IV. MÙA XUÂN NĂM 1975

        Sau khi giải phóng Tây Nguyên và Trị - Thiên, đồng chí Lê Trọng Tấn được giao nhiệm vụ chỉ huy Quân đoàn 2 và lực lượng vũ trang phía bắc Quân khu 5 tiến công giải phóng Đà Nẵng, căn cứ quân sự lớn thứ hai của ngụy quyền Sài Gòn. Do bị thất bại lớn ở nam và bắc Đà Nẵng, địch chủ trương rút chạy khỏi Đà Nẵng nên đồng chí Lê Trọng Tấn chưa có dịp phát huy tài năng chỉ huy của mình.

        Sau khi giải phóng Đà Nẵng, Bộ Tổng tư lệnh lệnh cho Quân đoàn 2 làm nhiệm vụ cùng địa phương tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng, chỉ đưa Sư đoàn 325 cùng lữ đoàn xe tăng tăng cường cho Quân đoàn 1 để vào tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn (Quân đoàn 1 phải để Sư đoàn 308 ở lại bảo vệ miền Bắc).

        Trong cuộc họp ngày 3 tháng 4 tại Đà Nẵng để tổng kết chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đề nghị với đồng chí Lê Trọng Tấn cho quân đoàn theo đường số 1 tiến vào Sài Gòn. Nếu vào kịp thì chiến dịch lớn nhất, chiến dịch quyết chiến chiến lược được tăng thêm lực lượng. Nếu không vào kịp thì đấy là cuộc hành quân để tạo điều kiện củng cố vùng giải phóng suốt miền Trung.

        Đồng chí Lê Trọng Tấn, với nhạy cảm về tình hình, đã đồng ý với ý kiến của Bộ tư lệnh Quân đoàn 2. Ngày 4 tháng 4 đồng chí bay ra Hà Nội để trình bày và thuyết phục Bộ Tổng tư lệnh chấp nhận đề nghị của Quân đoàn 2.

        Ngày 5 tháng 4 đồng chí đã vào Đà Nẵng và thông báo Bộ Tổng tư lệnh đồng ý Quân đoàn 2 với toàn bộ lực lượng (trừ Sư đoàn 324 ở lại Trị - Thiên và Đà Nẵng) hành quân theo đường số 1 để vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, mở đường mà đi, đánh địch mà tiến. Đồng chí được phân công cùng đồng chí Lê Quang Hòa chỉ huy đánh địch cánh quân Duyên hải.

        Đồng chí thông báo cho chúng tôi, địch đã sáp nhập phần còn lại của quân khu 2 của chúng vào quân khu 3 và tổ chức tuyến ngăn chặn ở Phan Rang, Phan Thiết để bảo vệ Sài Gòn. Đồng chí cũng biết đoạn đường từ Đà Nẵng vào Phan Rang bị phá hoại nặng nề, nhiều cầu lớn bị địch đánh sập.

        Với tài năng trong chiến trận, đồng chí tự mình đi đầu đoàn quân để chỉ huy, nhằm khắc phục cầu đường đảm bảo cho quân đoàn tiếp cận Phan Rang sớm và bản thân đồng chí cũng cần có mặt sớm trước tuyến phòng thủ của địch để có thời gian nắm được tình hình và hạ quyết tâm.

        Đồng chí Lê Trọng Tấn, khi thì đi cùng Bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn, khi gặp đoạn đường không bị phá hoại thì vượt lên trước để kịp nắm được tình hình. Ngày 13 tháng 3 quân đoàn vào đến Cam Ranh thì được biết đồng chí Lê Trọng Tấn đã có mặt ở đấy đang cùng đồng chí Hoàng Minh Thảo chỉ huy Sư đoàn 3 tiến công Phan Rang. Sáng ngày 14 tháng 4 đồng chí triệu tập Bộ tư lệnh Quân đoàn đến và giao nhiệm vụ: “Nếu Sư đoàn 3 tiến công chậm thì quân đoàn tiến vào chiến đấu theo trục đường số 1 để hiệp sức với Sư đoàn 3 đánh chiếm nhanh thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn”.

        Đồng chí cũng biết Sư đoàn 3 chỉ có bộ binh, tất nhiên không thể tiến hành nhanh được vì lúc này Sư đoàn 3 đang cách trung tâm thị xã Phan Rang trên 20 km và đang phải đánh chiếm một số quận lỵ ở bên ngoài thị xã. Vì vậy lúc chia tay chúng tôi, đồng chí dặn thêm: “Về chuẩn bị ngay một sư đoàn bộ binh cùng lữ đoàn xe tăng sẵn sàng bước vào chiến đấu, có thể vào sáng ngày 16 tháng 4”. Sáng ngày 15 tháng 4 Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 lại được lệnh đến gặp đồng chí với mệnh lệnh bắt đầu chiến đấu vào sáng ngày 16 tháng 4, quân đoàn tiến theo đường số 1 từ hướng bắc, Sư đoàn 3 tập trung lực lượng từ hướng tây, tiến công theo trục đường 19.

        Đến hết ngày 16 tháng 4 chúng tôi cùng Sư đoàn 3 hoàn toàn làm chủ cả tỉnh Ninh Thuận trong đó có thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn, bắt nhiều tù binh, thu nhiều trang bị, vũ khí, máy bay. Sáng ngày 17 tháng 4 Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận gặp mặt đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Hoàng Minh Thảo, hai đồng chí chỉ huy chiến dịch cùng Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 và Bộ tư lệnh Sư đoàn 3. Sau cuộc gặp mặt, đồng chí Lê Trọng Tấn lệnh cho Quân đoàn 2 tiếp tục đánh chiếm tỉnh Bình Thuận và vào Rừng Lá gặp đồng chí sẵn sàng nhận lệnh. Để kịp thời chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, với cương vị Phó tư lệnh chiến dịch, đồng chí Lê Trọng Tấn đi vòng phía tây Bình Thuận vào trước ở bắc Xuân Lộc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 03:49:37 pm »


        Sau khi đánh chiếm toàn bộ tỉnh Bình Thuận, ngày 22 tháng 4 Quân đoàn 2 vào tập kết ở Rừng Lá. Vừa triển khai xong toàn bộ quân đoàn, chúng tôi nhận được thư của đồng chí Lê Trọng Tấn với hai nội dung: Một là cử một sư đoàn cùng lực lượng của Quân khu 5 đánh chiếm Hàm Tân (tỉnh lỵ tỉnh Bình Tuy của ngụy quyền), hai là sáng ngày 23 tháng 4 vào gặp đồng chí, tại một địa điểm bắc Xuân Lộc để nhận lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

        Sau khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Bùi Công Ái, Tham mưu trưởng quân đoàn cùng Sư đoàn 304 (đơn vị hành quân sau cùng của quân đoàn) tiến công Hàm Tân trong đêm 23 tháng 4, toàn bộ Bộ tư lệnh Quân đoàn có mặt tại sở chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tư lệnh chiến dịch. Đồng chí được phân công chỉ huy cánh quân phía Đông gồm Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4.

        Tuy các quân đoàn chiến đấu ở các chiến trường khác nhau, nhưng chỉ huy quân đoàn đều là những đồng chí đã từng nhiều lần chiến đấu chung một chiến trường, dự chung nhiều hội nghị, nên đều quen biết nhau, tay bắt mặt mừng, hàn huyên mất nửa giờ, sau đó mới bắt đầu bước vào cuộc họp.

        Ngoài hai đồng chí Lê Trọng Tấn, Lê Quang Hòa phụ trách cánh Đông (về sau đồng chí Lê Quang Hòa trở về Bộ tư lệnh chiến dịch, cánh Đông chỉ còn lại đồng chí Lê Trọng Tấn), có mặt hai bộ tư lệnh quân đoàn. Quân đoàn 4 do đồng chí Hoàng Cầm làm tư lệnh, đồng chí Hoàng Thế Thiện làm chính ủy (đồng chí Hoàng Thế Thiện nguyên Chính ủy Sư đoàn 304 cùng với tôi chỉ huy sư đoàn năm 1969).

        Bắt đầu cuộc họp, đồng chí đại diện Bộ chỉ huy chiến dịch giới thiệu quyết tâm của chiến dịch Hồ Chí Minh và nhiệm vụ của cánh Đông. Cánh Đông gồm lực lượng hai quân đoàn và sư đoàn đặc công của Miền (có 2 trung đoàn), có nhiệm vụ trước mắt tiêu diệt địch, đánh chiếm toàn bộ khu vực tả ngạn sông Đồng Nai bao gồm cả thị xã Bà Rịa (tỉnh lỵ tỉnh Phước Tuy). Nhiệm vụ tiếp sau tiến vào nội đô, đánh chiếm quận 1 trong đó có dinh Độc Lập, quận 9 và thành phố Vũng Tàu. Hai trung đoàn đặc công có nhiệm vụ đánh chiếm và chốt giữ các cầu trên các trục đường, không cho địch phá, bảo đảm cho 2 quân đoàn tiến vào nội đô. Hướng đông bắt đầu tiến công quân địch vào chiều ngày 26 tháng 4, tiến vào nội đô dự kiến vào sáng ngày 29 tháng 4.

        Sau khi tìm hiểu rõ nhiệm vụ của cánh Đông, đồng chí Lê Trọng Tấn đề nghị đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4, người nhiều năm hoạt động ở Nam Bộ, đề xuất ý kiến về quyết tâm và kế hoạch tác chiến của cánh Đông. Đồng chí Hoàng Cầm đề nghị Quân đoàn 2 dùng một sư đoàn đánh chiếm Bà Rịa, Vũng Tàu, một sư đoàn tăng cường cho Quân đoàn 4, một sư đoàn làm dự bị cho hướng đông (Quân đoàn 2 được tăng cường Sư đoàn 3 nên có đủ 3 sư đoàn).

        Sau khi đồng chí Hoàng Cầm trình bày xong, đồng chí Lê Trọng Tấn điều hành cuộc thảo luận về quyết tâm và kế hoạch tác chiến: Nghe các ý kiến khác nhau, sau khi trao đổi với đồng chí Lê Quang Hòa, đồng chí chính thức hạ quyết tâm và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức hiệp đồng tác chiến.

        Tài năng của vị Tư lệnh dày dạn trận mạc, chỉ huy thành công nhiều chiến dịch, thể hiện trong quyết tâm tác chiến của cánh Đông.

        - Quân đoàn 2 chỉ tách riêng một sư đoàn tiến công đánh chiếm Bà Rịa, Vũng Tàu, toàn bộ quân đoàn cùng Quân đoàn 4 song song đột kích vào Sài Gòn. Quân đoàn 4, trước mắt vào nội đô. Quân đoàn 2 trước mắt đánh chiếm Nước Trong, Long Thành, Long Bình, sau đó theo đường xa lộ và vượt sông đoạn Nhà Bè để tiến vào nội đô. Đồng chí giải thích rõ, hai quân đoàn trên thê đội 1 tuy cũng chỉ có 4 sư đoàn, nhưng sức mạnh khác xa với 1 quân đoàn có 4 sư đoàn. Quân đoàn ngoài các sư đoàn bộ binh còn có sức mạnh của Bộ tư lệnh và cơ quan quân đoàn, các đơn vị bảo đảm và đặc biệt có các binh chủng kỹ thuật mạnh như xe tăng, pháo binh, phòng không.

        - Do Quân đoàn 2 có số lượng xe tăng, pháo binh, pháo phòng không nhiều hơn Quân đoàn 4, đạn dược cũng nhiều hơn do thu được của địch, đặc biệt quân đoàn có nhiều kinh nghiệm tiến công trong hành tiến qua các trận đánh vào Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, vì vậy các đồng chí Quân đoàn 2 nhiều khả năng tiến công nhanh hơn Quân đoàn 4. Để bảo đảm cho Quân đoàn 4 kịp thời vào dinh Độc Lập sớm, một đồng chí đề nghị nếu Quân đoàn 2 tiến nhanh nên đánh quặt sang đường 1 để chi viện cho Quân đoàn 4. Đồng chí Lê Trọng Tấn bác bỏ ý kiến Quân đoàn 2 đánh quặt sang hướng Quân đoàn 4. Đồng chí giải thích, cách chi viện cho nhau tốt nhất là cứ thọc sâu vào lòng địch.

        - Chiếm được tả ngạn sông Đồng Nai-Cần Giờ là có thể chặn được địch rút chạy theo đường sông. Nhưng chúng còn một con đường rút chạy khác là đường không. Vì vậy Quân đoàn 2 phải nhanh chóng đưa một tiểu đoàn pháo binh nòng dài vào Nhơn Trạch để chế áp sân bay Tân Sơn Nhất càng sớm càng tốt.

        Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, qua các lần hội nghị tổng kết, mọi người đều thấy quyết tâm của đồng chí Tư lệnh cánh Đông có nhiều sáng tạo và hoàn toàn chính xác.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 03:53:49 pm »

        
        V. HỌC VIỆN QUÂN SỰ CAO CẤP (NAY LÀ HỌC VIỆN QUỐC PHÒNG)

        Sau giải phóng miền Nam, được Hội đồng Chính phủ bổ nhiệm làm Phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp, tôi rời quân đoàn và ngày 10 tháng 4 năm 1976 đã có mặt tại phòng làm việc của đồng chí Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội. Tại đây, tôi được biết đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng kiêm Giám đốc Học viện Quân sự cao cấp.

        Nhiệm vụ trước mắt của học viện là chuẩn bị để đầu năm 1977 mở lớp bổ túc đầu tiên cho cán bộ cao cấp, cấp chiến dịch, chiến lược. Địa điểm của học viện là địa điểm cũ của Học viện Trung cao. Tại đây, mới xây dựng xong một số nhà ở cho học viên và cơ quan. Phòng học, hội trường và các công trình khác phục vụ cho việc giảng dạy, chưa kịp xây dựng thì chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ diễn ra nên phải tạm dừng. Vậy, để có thể mở lớp bổ túc sau 6 tháng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn.

        - Khó khăn đầu tiên là công việc phải chuẩn bị thì nhiều, nhưng thời gian ngắn quá.

        - Cán bộ giáo viên của học viện đang quá trình điều động từ các đơn vị về. Ngay ban giám đốc mới có đồng chí Lê Trọng Tấn và tôi, trong đó đồng chí Lê Trọng Tấn với cương vị Phó tổng tham mưu trưởng, khó dành được nhiều thời gian để làm việc cho học viện.

        - Phải chuẩn bị mới toàn bộ giáo trình, bồi dưỡng giáo viên để huấn luyện, trong khi giáo viên của học viện và học viên đều cùng cấp (thượng, đại tá), cùng chức (cán bộ chỉ huy sư đoàn, quân đoàn, quân khu, quân binh chủng).

        - Phải xây dựng toàn bộ nhà cửa bàn ghế, các trang bị đủ để ăn ở và giảng dạy, học tập.

        Tuy khó khăn nhưng tôi cũng tin tưởng có thể chuẩn bị kịp để giảng dạy tốt, vì đứng đầu học viện là một vị tướng tài năng, có uy tín lớn trong lực lượng vũ trang.

        Qua sáu tháng chuẩn bị và qua một năm học tập của lớp bổ túc đầu tiên, học viện đều thừa nhận giảng dạy tốt học tập tốt. Thành tích đạt được như vậy trước hết là do có sự chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự cố gắng của các giáo viên, cán bộ, học viên, sự giúp đỡ của các đơn vị trong toàn quân. Nhưng đồng chí Giám đốc Lê Trọng Tấn đã đóng góp một phần rất lớn cho thành công.

        Kinh nghiệm tác chiến phong phú, trình độ lý luận sâu sắc trên nhiều mặt cả chính trị và khoa học quân sự, cách làm việc vừa nhiệt tình vừa sáng tạo, uy tín lớn trong lực lượng vũ trang, đã được thể hiện rõ trong tất cả công việc chuẩn bị của học viên cho lớp bổ túc đầu tiên.

        - Trước hết đồng chí tính cụ thể thời gian phải dành để làm việc với học viện. Văn phòng Bộ Tổng tham mưu tính toán các công việc đồng chí phải làm ở Bộ, kết luận,. đồng chí có thể dành mỗi tuần một buổi, nhiều nhất là hai buổi để làm việc với học viện. Đồng chí nói với tôi thời gian chính thức trong các ngày không thể có hơn, nhưng đồng chí sẽ dành phần lớn buổi tối để làm việc với tôi Không cần hẹn trước, khi cần làm việc với đồng chí, 7 giờ tối tôi cứ đến nhà riêng, thấy đồng chí đang bận làm thì tôi tự rút lui, nếu đồng chí không bận thì cùng nhau làm việc. Nhiều tối chúng tôi phải làm việc đến 10 giờ đêm. Với cách làm như vậy, đồng chí đã giải quyết được hầu hết công việc cần làm với học viện. Ngoài việc chỉ đạo công tác, đồng chí còn phải trực tiếp giảng một bài quan trọng cho lớp học là bài: “Tác chiến chiến lược trong chiến tranh tương lai”.

        - Do giáo viên là học viên cùng trình độ, đồng chí chủ trương dùng toàn quân để dạy một người. Một người có trình độ cao như thế nào cũng không bằng trình độ của toàn quân. Cụ thể việc viết giáo trình và chuẩn bị giáo viên đã tiến hành như sau:

           + Giáo viên các khoa binh chủng như xe tăng, pháo binh, phòng không, không quân, thông tin... cùng với cơ quan các binh chủng hợp lực viết giáo trình. Khóa đầu sẽ mời các tư lệnh binh chủng đến trực tiếp lên lớp. Các đồng chí tư lệnh binh chủng như đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân; đồng chí Doãn Tuế, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh; đồng chí Hoàng Niệm, Tư lệnh Binh chủng Thông tin cùng nhiều đồng chí tư lệnh khác đều đến lên lớp tại học viện khóa đầu tiên.

           + Giáo viên học viện phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Quân báo, Cục Quân lực, Cục Quân huấn, Cục Dân quân tự vệ... tiến hành biên soạn các tài liệu về chiến lược và chiến dịch. Đồng chí Văn Tiến Dũng lên lớp bài “Xây dựng lực lượng vũ trang”, đồng chí Lê Trọng Tấn lên lớp bài “Tác chiến chiến lược trong chiến tranh tương lai”. Tôi chỉ lên lớp một bài là “Nghệ thuật chiến dịch”. Đồng chí Nguyễn Năng, Trưởng khoa chiến dịch lên lớp bài “Chiến dịch tiến công”; đồng chí Khiếu Anh Lân, Phó khoa chiến dịch lên lớp bài “Chiến dịch phòng ngự”.

           + Các tài liệu về chính trị, hậu cần, kỹ thuật, giáo viên các khoa của nhà trường đều cùng các tổng cục, các học viện Chính trị, Hậu cần tiến hành biên soạn.

        Với cách giải quyết như trên, việc giảng dạy đạt kết quả tốt. Đồng chí Giám đốc còn chỉ đạo cho tất cả giáo viên, ngoài khai thác tất cả kinh nghiệm và tri thức của các cơ quan Bộ Quốc phòng, các binh quân chủng, trong quá trình giảng dạy còn phải học tập kinh nghiệm và tri thức của học viên để tự nâng cao trình độ của mình, bảo đảm lớp sau giáo viên nhà trường sẽ tự lên lớp là chính.

        - Về việc xây dựng các phòng học và hội trường, đồng chí Lê Trọng Tấn đề nghị với Bộ và được Bộ chấp nhận, cử đồng chí Vũ Xuân Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lo toàn bộ, theo yêu cầu học viện đề ra. Đồng chí Vũ Xuân Chiêm đã dành nhiều thời gian trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng nên trước ngày khai giảng một tháng đã hoàn thành toàn bộ công việc.

        Với uy tín của mình, đồng chí Lê Trọng Tấn đã viết thư đến các cơ sở của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, các quân khu, quân đoàn đề nghị giúp đỡ. Trong một thời gian ngắn, mọi trang thiết bị để giảng dạy học tập, mọi trang bị nội thất để ăn, ở cũng được hoàn tất.

        Có thể nói, nếu không có uy tín, tài năng cộng với nhiệt tình trong việc bồi dưỡng tri thức khoa học quân sự cho cán bộ của đồng chí Giám đốc, chúng tôi khó hoàn thành chuẩn bị mọi mặt được tốt để mở lớp sau 6 tháng. Giáo viên, cán bộ, học viên luôn nhớ đến công lao của đồng chí, người đã đặt nền móng cho một trường học cấp cao của lực lượng vũ trang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 03:59:57 pm »


        VI. CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC

        Kết thúc khóa 1 ở Học viện Quân sự cao cấp, đồng chí Lê Trọng Tấn trở về với cương vị Phó tổng tham mưu trưởng và sau một thời gian được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng.

        Năm 1978, xảy ra chiến tranh ở biên giới Tây Nam, đồng chí Lê Trọng Tấn được Quân ủy Trung ương cử vào chỉ huy trực tiếp cuộc chiến đấu ở đây. Đồng chí đã cộng tác chặt chẽ với Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang nước bạn, phát huy khả năng chiến đấu của hai quân khu 7 và 9 cùng hai quân đoàn 3 và 4, lúc đầu là đánh bại các hoạt động của địch đánh phá vùng biên giới của ta, về sau đánh bại hoàn toàn chính quyền và lực lượng vũ trang của Khơ-me đỏ, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng.

        Trong thời gian đầu của chiến tranh ở biên giới Tây Nam, được sự đồng ý của đồng chí Hoàng Minh Thảo, lúc này là Giám đốc học viện, đồng chí Lê Trọng Tấn gọi tôi vào chiến trường Tây Nam để giúp đồng chí nghiên cứu cách đánh. Cách đánh thời gian này mới là ngăn chặn địch dùng hỏa lực hoặc cho quân đánh phá vùng biên giới của ta.

        Sau khi nghiên cứu một thời gian ngắn, tôi đề xuất ý kiến và được đồng chí đồng ý cho triển khai. Cụ thể là:

        - Để ngăn chặn pháo binh địch bắn qua biên giới, ta kết hợp trinh sát mặt đất và trinh sát đường không kịp thời phát hiện địch, triển khai pháo binh ra gần biên giới. Trên từng hướng ra biển triển khai một tiểu đoàn pháo binh và một phi đội máy bay lên thẳng vũ trang, sẵn sàng đánh pháo binh địch ngay lúc chúng vừa triển khai hoặc vừa bắt đầu bắn.

        - Đối với địch tiến công theo đường bộ, dọc theo chiều dài biên giới, ta triển khai một số tiểu đoàn hoặc trung đoàn ở các hướng trọng điểm, những vùng đông dân cư, cùng với việc tăng cường lực lượng trực chiến đấu được trang bị mạnh của dân quân các xã biên giới. Phía sau trận địa của các tiểu đoàn, của dân quân tự vệ, ta chuẩn bị một số đơn vị có khả năng cơ động nhanh để chi viện cho các đơn vị phía trước khi có địch thâm nhập vào nội địa ta.

        Cách làm như trên hạn chế được một phần, nhưng không ngăn chặn được hoàn toàn địch đánh phá vùng biên giới. Có lần chúng đã dùng pháo binh bắn vào thị xã Tây Ninh gây cho ta một số thiệt hại đáng kể.

        Trước tình hình trên, đồng chí Lê Trọng Tấn đã đề nghị với Bộ Chính trị, với Quân ủy Trung ương, phải đưa quân triển khai sâu vào đất Cam-pu-chia khoảng 5-10 km mới ngăn chặn được địch đánh vào vùng biên giới của ta. Sau khi trao đổi với bạn, Bộ Chính trị đồng ý với đề nghị của đồng chí Lê Trọng Tấn. Từ đấy nhân dân vùng biên giới của ta mới được yên ổn để sinh sống, làm ăn.

        Cuối năm 1978, những ngày đầu năm 1979, khi tôi đã trở về học viện, tôi được biết đồng chí đã cùng lực lượng vũ trang bạn trong một thời gian ngắn, đánh tan lực lượng của bọn diệt chủng Khơ-me đỏ, làm chủ hầu hết thị trấn, thị xã của đất nước Cam-pu-chia. Chính quyền cách mạng của nước Cam-pu-chia trở về để lo xây dựng đất nước và từng bước đánh tan hoàn toàn quân Khơ-me đỏ.

        Thành công của việc đánh bại địch trong một thời gian ngắn, nói lên tài năng của người chỉ huy, của đồng chí Lê Trọng Tấn.

        Tôi không nhớ đồng chí Lê Trọng Tấn rời chiến trường Cam-pu-chia lúc nào, nhưng ngày 21 tháng 2 năm 1979, sau chiến tranh biên giới ở phía Bắc xảy ra bốn ngày, tôi đang ở Học viện quân sự cao cấp thì được gọi lên Bộ để nhận nhiệm vụ mới. Đúng 2 giờ chiều ngày 21 tháng 2 tôi có mặt ở phòng làm việc của Bộ, gặp đồng chí Văn Tiến Dũng, lúc này đã là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Lê Trọng Tấn, lúc này là Tổng tham mưu trưởng. Hai đồng chí giao nhiệm vụ cho tôi, ngày 22 tháng 2 có mặt ở Lạng Sơn với cương vị Tư lệnh Quân đoàn 5 kiêm Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn. Bộ tư lệnh mặt trận Lạng Sơn gồm tôi làm tư lệnh, đồng chí Hoàng Trường Minh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn làm chính ủy. Phó tư lệnh về quân sự có đồng chí Bế Chu Lang, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn; đồng chí Sơn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự địa phương. Phó chính ủy có đồng chí Phí Triệu Hàm, Chính ủy Quân đoàn 5. Một lần nữa tôi lại làm việc trực tiếp dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn.

        Cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc chấm dứt. Đầu năm 1984, tôi về cơ quan Bộ để làm công tác khoa học, rồi lại lên biên giới. Gặp tôi, đồng chí Lê Trọng Tấn bắt tay và nói: “Năm 1975 đồng chí hứa với tôi sẽ chiếm dinh Độc Lập trong thời gian sớm nhất, đồng chí đã làm được. Nay tại mặt trận này, tôi tin đồng chí sẽ cùng Bộ tư lệnh Quân khu 2 hoàn thành nhiệm vụ do Bộ giao.

        Trong quá trình chiến đấu ở biên giới phía Bắc, anh em thấy tôi xông xáo khắp nơi, đi đến những nơi cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất. Không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, trước hết là vì Tổ quốc, vì quân đội, nhưng một phần cũng quan trọng là vì lòng tin của người chỉ huy, người thương yêu mình, tin tưởng mình, giao nhiệm vụ trực tiếp cho mình. Tôi có ý nghĩ, nếu đồng chí Lê Trọng Tấn giao cho tôi nhảy vào lửa, tôi cũng nhảy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:02:48 pm »


        VII. CỤC KHOA HỌC QUÂN SỰ

        Từ năm 1983 tôi là Cục phó, rồi Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu. Đồng chí Lê Trọng Tấn là Tổng tham mưu trưởng. Một lần nữa tôi được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Lê Trọng Tấn.

        Từ năm 1983 cho đến năm 1991, lúc đồng chí qua đời đồng chí đã làm được rất nhiều việc để xây dựng nền khoa học quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới. Là Tổng tham mưu trưởng nhưng đồng chí đã dành nhiều thời gian để chỉ đạo công tác khoa học quân sự.

        Những nội dung mà các cơ quan khoa học đã làm được dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng tham mưu trưởng, nổi lên các nội dung chính sau đây:

        - Dự thảo để Trung ương ra nghị quyết (nghị quyết 24/TW) về đường lối quân sự trong thời gian mới.

        - Hệ thống điều lệnh của quân đội.

        - Hệ thống giáo trình về chiến thuật, chiến dịch, chiến lược của lực lượng vũ trang.

        - Hệ thống điều lệ công tác tham mưu, chính trị, hậu cần kỹ thuật.

        - Hệ thống công tác quân sự địa phương.

        Thực ra, bản thân đồng chí Tổng tham mưu trưởng, tuy nắm vững nhiều nội dung về khoa học quân sự, nhưng không ai có thể nắm hết được. Sự chỉ đạo có hiệu lực của đồng chí Tổng tham mưu ở tất cả nội dung là do tác phong làm việc của đồng chí. Tác phong có thể hiện ở việc đồng chí biết sử dụng nhân tài, tôn trọng ý kiến của các chuyên gia trên từng lĩnh vực, dành nhiều thời gian để nghe rồi mới kết luận.

        Trong những năm hoạt động khoa học dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Trọng Tấn, tôi thấy đồng chí vẫn giữ nếp nghe hết ý kiến của chuyên gia. Hội nghị thông qua các đề tài khoa học thường được dành thời gian hàng tuần lễ. Để tập trung vào việc thông qua đề tài khoa học, đồng chí thường rời nhiệm sở ở Bộ Tổng tham mưu, đi đến một địa điểm ở xa thành phố Hà Nội, thường là ra Đồ Sơn. Trong các cuộc hội thảo do đồng chí chủ trì, không như một số cuộc hội thảo sau này tôi thấy “hội” mà không “thảo”, đồng chí thường để những đồng chí có những ý kiến khác nhau tranh luận, phát biểu hết ý kiến của mình. Cụ thể, bất kỳ đề tài nào, sau lúc dự thảo xong, những người sẽ dự hội thảo được dành thời gian đọc kỹ, không dưới một tháng. Đến hội nghị mỗi người đều được phát biểu ý kiến của mình. Đồng chí Tổng tham mưu trưởng chủ trì hội nghị, nêu ra những vấn đề cần thảo luận để tìm ra chân lý. “Khi thảo luận từng người không phải chỉ phát biểu một lần, mà nói lại cho hết ý kiến của mình”. Vì vậy các cuộc hội thảo thường kéo dài 5-7 ngày. Trong quá trình đó đồng chí nghe nhiều hơn nói. Cuối cùng đồng chí kết luận. Kết luận xong ai có ý kiến gì không đồng ý với kết luận, đồng chí cho bảo lưu và được tranh luận vào một dịp khác.

        Cách làm việc như trên bảo đảm cho các đề tài có chất lượng cao. Rất tiếc đồng chí qua đời lúc tài năng đang dồi dào. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn cho quân đội.

        Không biết duyên nợ thế nào, nhưng từ năm 1971 (từ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào) cho đến năm 1991, lúc đồng chí từ trần, 15 năm tròn, tôi được làm việc với đồng chí, khi thì cùng trong một bộ tư lệnh, một ban giám đốc khi thì ở đơn vị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của đồng chí. Lúc nào tôi cũng cảm phục đồng chí về cả tài năng và đức độ, lấy làm hạnh phúc cho đời mình khi được làm việc dưới quyền đồng chí Lê Trọng Tấn. Tôi bao giờ cũng cảm nhận đồng chí là người thầy, người anh đặc biệt thân thiết.

        Nay đồng chí không còn nữa, tôi viết những dòng trên thay cho một nén hương để nói lên lòng kính mến, nỗi nhớ thương của một cán bộ đã được đồng chí dìu dắt tận tình.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:06:44 pm »


ĐỒNG CHÍ, ĐỒNG ĐỘI VIẾT VỀ THIẾU TƯỚNG HOÀNG ĐAN


THƯƠNG TIẾC ANH HOÀNG ĐAN MỘT TƯỚNG TÀI, MỘT NHÀ LÝ LUẬN XUẤT SẮC

Thượng tướng, Giáo sư,                     
Nhà giáo nhân dân HOÀNG MINH THẢO         

        Tướng Hoàng Đan là một tướng chiến trận. Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy có mưu trí. Ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh nổi tiếng.

        Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1951, ở trận Bến Xanh, bên bờ sông Đáy thuộc địa phận Ninh Bình, ông đã chỉ huy một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 57 đánh một trận công kiên vào một đơn vị Âu Phi chiếm giữ. Cách đánh lúc đó còn rất mới đối với quân đội ta. Trận đánh đã giành được thắng lợi, mở ra một trình độ tác chiến mới của quân đội ta.

        Năm 1952 trong chiến dịch Trung Lào, ông đã cùng trung đoàn chỉ huy giải phóng thị xã Cánh Đồng Chum.

        Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã chỉ huy Trung đoàn 57, bao vây cụm phía nam của chiến dịch là Hồng Cúm, chia cắt Hồng Cúm với khu trung tâm Mường Thanh, chia cắt hai khu vực, hạn chế lực lượng phản kích của địch đối với các trận đánh của các đại đoàn 312, 308, 316... và cuối cùng tiêu diệt trận địa Hồng Cúm, cùng các đơn vị khác giải phóng Điện Biên.

        Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông là người chỉ huy các đơn vị của Sư đoàn 304, tác chiến hiệp đồng binh chủng, giải phóng Làng Vây. Đây là một cuộc tiến công đầu tiên tác chiến hiệp đồng binh chủng, đánh vào một vị trí công sự vững chắc dưới sự chỉ huy của quân đội Mỹ. Chiến thắng này đã mở ra một triển vọng mới tác chiến hiệp đồng binh chủng trong chiến đấu với quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, ông đã cùng với các chỉ huy của Quân đoàn 2, phối hợp với ba thứ quân của Quân khu Trị - Thiên, giải phóng thành phố Huế và hiệp đồng với Sư đoàn 2 Quân khu 5, cùng bộ đội biệt động thành và đặc công thành với ba thứ quân của Quân khu 5, giải phóng thị xã Đà Nẵng. Sau đó, tận dụng thời cơ quân ta thắng lớn, cùng các quân đoàn bạn, cùng bộ đội ba thứ quân, bộ đội biệt động, đặc công Quân khu 7 và Sài Gòn, Quân đoàn 2 đã tổ chức một lực lượng cơ động thọc sâu binh chủng hợp thành do ông trực tiếp chỉ huy nhanh chóng đánh chiếm dinh Độc Lập, giải phóng Sài Gòn.

        Không những là một tướng chiến trận, chỉ huy những trận đánh lớn nổi tiếng, ông còn là người chỉ huy biết nắm chắc tình hình địch ta, rất mưu trí, dũng cảm, rất nhạy cảm, biết xử trí các tình huống chiến đấu, biết nắm chắc thời cơ để đánh những đòn then chốt quyết định trong các trận đánh lớn có nhiều khó khăn và giành thắng lợi lớn.

        Về tính cách, ông là một người giản dị, có tác phong quần chúng, cởi mở, ai cũng quý mến, gần gũi. Ông có tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý. Ông không chỉ là một nhà chỉ huy tài giỏi, mà còn là một nhà lý luận quân sự xuất sắc. Ông kết hợp thực tiễn với lý luận, do đó mà có tính học thuật cao. Các cuộc tổng kết về nghệ thuật chiến dịch và chiến lược quân sự, ông thường phụ trách các phần chủ chốt của công trình. Ông mất đi là một tổn thất cho nền quân sự Việt Nam, còn để dang dở các phần về lý luận quân sự và học thuật quân sự Việt Nam. Những gì ông để lại cho đời sau là rất quý báu, rất có giá trị.

        Thương tiếc ông, một tướng tài, một nhà lý luận xuất sắc. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng noi gương ông, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng hùng mạnh để bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng được nguyện vọng của ông, để ông được yên tâm an nghỉ nơi suối vàng.

Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2005         
Người bạn thân thiết của ông             
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:09:22 pm »


NGƯỜI CHỈ HUY TRÍ DŨNG

Trung tướng NGUYỄN ÂN         

        Anh Hoàng Đan và tôi cùng ở Trường trung cao cấp (bây giờ là Học viện Lục quân) năm 1964. Năm 1966 là năm chiến tranh chống Mỹ đến thời kỳ cao điểm, tôi và anh được điều ra Sư đoàn 304. Anh là Sư đoàn phó Sư đoàn 304, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Sư đoàn 304. Khi anh làm Sư đoàn trưởng thì tôi là Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng sư đoàn. Khi anh làm Phó tư lệnh Quân đoàn 2 thì tôi làm quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Chúng tôi kề vai sát cánh bên nhau từ chiến dịch Khe Sanh Tết Mậu Thân năm 1968, tiếp sau đó là các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Quảng Trị, chiến dịch Thượng Đức, chiến dịch Trị - Thiên - Huế, chiến dịch Đà Nẵng cho đến tiến quân vào Phan Rang, Phan Thiết, Hàm Tân, cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa Xuân năm 1975, tiến thẳng vào hang ổ cuối cùng và bắt toàn bộ chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

        Như vậy tôi và anh Hoàng Đan từ năm 1964 đến năm 1975 đã trải qua hơn mười năm cùng công tác bên nhau. Anh và tôi rất hiểu nhau và đoàn kết thân thiết với nhau trong tình đồng chí, đồng đội.

        Trong hơn mười năm ấy, tôi thấy anh Hoàng Đan có mấy nét nổi bật. Anh là một người chỉ huy có trình độ lý luận và thực tiễn, con người mưu trí và năng động, không chịu bó tay trước khó khăn, dám nghĩ, dám nói, dám đề đạt hẳn ý kiến của mình với cấp trên và có trách nhiệm với việc làm của mình. Anh là người luôn coi trọng kết hợp giữa huấn luyện và chiến đấu, giữa xây dựng chính trị tư tưởng và tác chiến. Cứ sau mỗi chiến dịch kết thúc là anh đặt vấn đề với Đảng ủy Sư đoàn làm tổng kết rút kinh nghiệm về cách đánh, về kỹ thuật chiến đấu, về công tác chính trị, về những vẫn đề làm được, vấn đề gì chưa làm được, khó khăn vướng mắc chỗ nào, mà khâu quan trọng cán bộ để nhằm mục đích đưa ra được kết luận đúng bổ sung trong huấn luyện và xây dựng đơn vị, cho những trận chiến sau, chiến dịch sau thắng lợi mà thương vong ít nhất. Lấy một vài thí dụ: Sau chiến dịch Khe Sanh Tết Mậu Thân năm 1968, anh đề xuất ra vấn đề chiến thuật vận động tiến công kết hợp với chốt, vấn đề bao vây Tà Cơn. Hay cách đánh trong phòng ngự ở Thượng Đức. Rồi đến chiến dịch Hồ Chí Minh, vấn đề đột phá mở cửa kết hợp với đưa binh đoàn thọc sâu nhanh chóng...

        Trong chiến đấu, anh luôn tìm tòi những điều xuất hiện mới và luôn sâu sát cấp dưới, chỗ nào có khó khăn anh xuống giải quyết tại chỗ. Cho nên mỗi khi xuất quân ra trận, bộ đội và cấp dưới tin tưởng và mến phục; một người chỉ huy mà được cấp dưới tin tưởng và mến phục là thắng lợi. Anh là người chỉ huy rất chăm lo đến đời sống bộ đội. Thời gian anh còn là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, anh rất quan tâm đến công tác hậu cần. Ở chiến trường, anh và Bộ tư lệnh Sư đoàn tích cực chỉ đạo công tác tăng gia sản xuất, anh luôn luôn đề ra yêu cầu chỉ tiêu cho mọi đại đội đến sư đoàn bộ, đơn vị nào cũng phải có lợn, gà và phải có vườn rau - vì rau ở chiến trường rất quý hiếm. Riêng trên sư đoàn nuôi hàng trăm con trâu, bò. Năm 1973 các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số tỉnh miền Bắc và khách quốc tế vào thăm chiến trường miền Nam. Về Đảng và Nhà nước, có đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp; khách quốc tế có đồng chí Phi-đen Cát-xtơ-rô, v.v... Đến thăm sư đoàn, các đồng chí đều khen sư đoàn đánh giặc giỏi và tăng gia sản xuất cũng giỏi.

        Đến khi đã nghỉ hưu, anh là người vận động chúng tôi cùng tham gia với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam của Bộ Quốc phòng tổng kết chiến thuật và chiến dịch trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Anh cùng anh Hoàng Minh Thảo là những nòng cốt tạo nên sự thành công của công trình tổng kết đó. Anh nói với chúng tôi: “Bọn mình bây giờ tuổi đã cao, cũng phải để lại cái gì cho lớp người kế tục bọn mình, rất mong họ là những người trưởng thành hơn mình, đó là nguyện vọng của những người như chúng ta”. Anh Hoàng Đan là người chỉ huy được cả Trí và Dũng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:14:51 pm »


MỘT TƯỚNG TÀI, MỘT NGƯỜI BẠN CHÍ CỐT

Thiếu tướng NGUYỄN DŨNG CHI         

        Hồi anh Đan còn sống, anh nói: “Ta có nhiều tướng, tướng tài: ông Giáp, ông Dũng, ông Thái, ông Tấn, ông An…”1.

        Nay, anh mất rồi. Tôi nói: “Anh cũng là một tướng tài. Anh mất hơi sớm, bỏ lại ngổn ngang công việc các tướng trước giao cho: tổng kết chiến dịch, tổng kết chiến lược giúp cho anh Quang, anh Thảo”2.

        Tôi nói tướng tài, có cái lý của nó. Cỡ anh, không mấy người bì kịp. Sư đoàn 304 mở toang cửa phía tây để vào Đông Hà, Quảng Trị. Quân đoàn 2 chọc xuống Đà Nẵng, anh là người chỉ huy đầu tiên vào thành phố quân cảng liên hiệp. Quân đoàn 2 với bộ binh - xe tăng thọc thẳng vào dinh Độc Lập năm 1975, anh cũng là người chỉ huy quân đoàn đầu tiên vào Sài Gòn...

        Rồi anh nắm Quân đoàn 5 trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở phía Bắc. Cũng đã có thời, anh cho thực hiện đào hào qua thung lũng Vị Xuyên như hồi Điện Biên Phủ để giữ vững biên giới Hà Giang. Thì sao không gọi được là tướng tài?

        Anh từng bảo: “Họ nhà tớ, sống thọ lắm!”.

        Thế, đột ngột, anh ra đi!

        Tôi chảy nước mắt, vì anh Đan và tôi duyên nợ nhiều trong đời lính. Hồi chống Pháp, anh làm tiểu đoàn trưởng ở Trung đoàn 57, tôi làm tiểu đoàn phó Trung đoàn 9 cùng Đại đoàn 304. Tôi cứ chê Trung đoàn 57 không có trận nào nổi đình nổi đám, vì Trung đoàn 9 có dịp đánh nhiều hơn... Nhưng, thời đánh Mỹ, thì tôi thua anh. Gặp nhau lại ở Sư đoàn 304b mới thành lập, tôi và anh mới sát cánh nhau thực thụ ở cấp sư đoàn.

        Đúng là một con người xông xáo, lắm sáng kiến. Từ những đơn vị tân binh tứ xứ của đồng bằng Bắc Bộ, cán bộ phân đội đa số là tái ngũ, anh buộc họ phải rèn, phải diễn tập nhiều... đến mệt. Để rồi, khi gặp thời, đổi hướng chiến dịch từ đông sang tây đường 9, gặp phải hướng “hóc”, khó “nhằn” (Khe Sanh), Sư đoàn 304b đã... chịu trận giỏi. Tôi nói “chịu trận”, vì sau khi thắng Khe Sanh, diệt vòng vây, sư đoàn đã “lì” hơn 70 ngày đêm, chịu các loại hỏa lực ghê gớm nhất của Mỹ, của sư đoàn kỵ binh bay và lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 3, “gánh bớt” cho Huế (Mậu Thân). Anh Đan và tôi đã từng nằm hào với những tiểu đội đầu tiên của “chốt” vây Tà Cơn của Trung đoàn 9 tận hàng rào cuối cùng, cách Mỹ chỉ còn 80-100 mét. Anh bảo: “Tớ với cậu nằm đây cho anh em họ thấy “sư sãi” cùng ở với họ”.

        Một điều tôi không ngờ và cũng không tán thành ở anh Đan. Hóa ra, con người khá lì lợm đó lại quá “dễ” tính.

        Năm 1969, lại cùng nhau ở nam Khe Sanh - Đắc Nông sau Mậu Thân, sư đoàn cố giữ hoạt động phía tây Trị - Thiên, “dứ” mãi, Mỹ vẫn không chịu đến, đành đi sâu tìm mà đánh. Đành đánh vào Đá Bàn, một bộ phận lữ đoàn 5 cơ giới Mỹ. Tiểu đoàn trưởng của Trung đoàn 24 hy sinh. Cần gấp người thay. Tôi bàn với anh Đan: “Cho cậu T. xuống đi”. anh bảo: “Ông ác” quá, T. nó đã “kiêng” bom đạn, thì thôi, tội nó”.

        Rập rình mãi không được trận nào, may thay lữ đoàn 5 cơ giới Mỹ thọc ra đường 9 tràn xuống phía nam, và xảy ra trận đồi 340. Trung đoàn trưởng báo cáo “diệt” 1 tiểu đoàn Mỹ, trong khi chủ nhiệm trinh sát sư đoàn theo dõi địch cho hay vẫn đủ 4 đại đội. Tôi bảo: Lôi 2 cậu T., và X. về “trần” cho một trận về tội báo cáo “láo”. Anh Đan xí xóa: “Bí quá, “nó” mới báo cáo thế. Hôm nào về, sẽ bảo: cứ tập hợp đủ 800 tên Mỹ lại, cho các cậu “chém”, liệu trong nửa giờ, các cậu có chém hết không?”.

        Hóa ra con người lắm mưu mẹo, lì lợm mà quá “dễ” với người. Giữa tôi và anh Đan, chỉ khác nhau chỗ đó. Anh dễ với người quá, và có lẽ, cũng dễ, cũng giản đơn với mình.

        Nói về anh Đan mà chỉ gọn vài trang giấy, quả không đủ. Thành tích chiến đấu, chỉ huy của anh nhiều vô cùng. Anh mất rồi, nhưng kể những trận chiến đấu lớn trong các chiến dịch lớn hồi chống Mỹ không thể không nhắc đến tên anh.

        Anh về hưu cùng tôi một ngày, với quân hàm Thiếu tướng được phong từ năm 1977. Tôi chuyển sang nghề dịch thuật tiếng nước ngoài nhờ vốn văn hóa cũ, anh thì tiếp tục cộng tác với Viện Lịch sử quân sự, lo giúp tổng kết cho các tướng lĩnh cũ, mong để lại cho các tướng sau này điều gì đó.

        Và đột ngột, anh ra đi, không kịp viết cho hết kinh nghiệm đời binh nghiệp của mình. Tiếc thay!

--------------------
        1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thượng tướng Nguyễn Hữu An.

        2. Thượng tướng Trần Văn Quang, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.


HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM