Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:00:10 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời Quảng trị  (Đọc 35901 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #140 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:29:14 pm »


        Tháng 6 năm 2005, tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm Mỹ trong một buổi tiếp xúc với các chính giới Mỹ tôi nói rằng: Nước Mỹ còn 2 nghìn quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam, nhưng ở Việt Nam còn 300 nghìn quân nhân đến nay vẫn chưa có tin chính xác về họ. Mỹ có 2 nghìn người mất tích, có 2 nghìn bà mẹ mất tin con, thì việt Nam gấp hơn một trăm lần như thế với 300 nghìn người mẹ mất tin con. Nỗi đau của mỗi người mẹ Mỹ và nỗi đau của mỗi người mẹ Việt Nam nào có khác nhau.

        Tôi lại nói: ở Việt Nam có gần bốn triệu người chịu ảnh hưởng chất độc da cam đi-ô-xin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Trên tinh thần nhân đạo, tôi yêu cầu Mỹ phải có trách nhiệm góp phần xoa dịu nỗi đau này.

        Về vấn đề bom mìn sót lại sau chiến tranh, phía Mỹ cũng đã làm nhưng chưa được bao nhiêu. Tôi yêu cầu Mỹ phải có trách nhiệm nhân đạo hơn nữa để giải quyết bom mìn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là ở Quảng Trị. Tôi đưa ra con số trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 người thương vong do bom mìn sót lại.

        Tôi đã đi hơn 60 nước trên thế giới. Đến đâu tôi cũng kêu gọi các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức nhân đạo giúp đỡ Việt Nam giải quyết những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh. Tôi dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng nước ta thăm Bỉ - nơi đặt trụ sở khối NATO. Phía bạn yêu cầu tôi và bà Tôn Nữ Thị Ninh - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ phát biểu ở Hạ viện có đông đảo các nhà báo quốc. tế. Tôi cũng nói những vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh ở Việt Nam và yêu cầu Quốc hội Bỉ giúp đỡ.

        Trước những tổn thất to lớn do chiến tranh gây ra tại Việt Nam. Đến nước nào, ở đâu, tôi cũng muốn bày tỏ nỗi khát khao, nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam với nhân dân trên thế giới là: Phải tìm mọi cách ngăn chặn chiến tranh. Hãy cùng nhau bảo vệ hành tinh của chúng ta mãi mãi là hành tinh hòa bình, hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển...

        Tháng 6 năm 2003, tôi được Chủ tịch nước phong quân hàm Thượng tướng.

        Tôi còn nhớ, sau kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, anh Phạm Văn Trà - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao cho tôi trực tiếp chỉ đạo các nhà khoa học của quân đội trong đó có Trung tướng Trương Khánh Châu - Viện sĩ, Tiến sĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tổng Công trình sư nghiên cứu sản xuất máy bay siêu nhẹ thủy phi cơ mang ký hiệu VN-41.

        Anh Trương Khánh Châu đã cùng Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và các nhà khoa học trong Quân chủng nhiều năm nghiên cứu và đã sản xuất thành công chiếc máy bay bay thử nghiệm đầu tiên tại hồ Trị An. Sau đó, chúng tôi đưa chiếc thủy phi cơ này ra sân bay Hòa Lạc bay thử lần hai và đã thành công. Chúng tôi đã sản xuất sáu thủy phi cơ siêu nhẹ. Thành công này đã mở ra triển vọng cho Quân chủng Phòng không - Không quân của ta vừa có máy bay huấn luyện, vừa có thể dùng cho cứu hộ thiên tai ở những vùng sông nước. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của các nhà khoa học hàng không của quân đội ta.

        Tháng 11 năm 2003, tôi dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng nước ta đi thăm Ấn Độ theo lời mời của Bộ Quốc phòng nước bạn. Trong khuôn khổ chương trình chuyến thăm, bạn sắp xếp cho đoàn chúng tôi đến tham quan ngôi chùa cổ. Nơi đó theo truyền thuyết của Ấn Độ là miền đất Phật thiêng liêng, chỉ có khách quý mà bạn coi như người nhà bạn mới đưa đến. Từ Thủ đô Niu Đê-li, chúng tôi phải bay hơn một nghìn ki-lô-mét tới Bốt-gay-a bang Bi-ha rồi đi đường bộ bằng ôtô gần bốn tiếng đồng hồ mới đến được "cửa ngõ" của miền đất Phật.

        Chúng tôi phải đi bộ gần 10 cây số, qua những nẻo đường quanh co đèo dốc đẹp như trong cổ tích.

        Trong lòng chúng tôi háo hức trước một di tích có bề dày lịch sử vào bậc nhất của đất nước ấn Độ.

        Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, chùa chiền hoành tráng, uy nghi, cổ kính hơn cả sự tưởng tượng của chúng tôi. Tại đây, đoàn chúng tôi gặp một nhà tu hành người Việt Nam, đó là Đại sư Thích Huyền Diệu. Đại sư là một trong năm nhà tu hành ở nước ngoài đến đây lập chùa tu. Sau khi thăm ngôi chùa Việt Nam trên mảnh đất linh thiêng huyền bí này, chúng tôi được Đại sư hướng dẫn tham quan ngôi chùa cổ kính nhất khu vực này.

        Khi biết chúng tôi đến từ đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị sư trụ trì tại ngôi chùa thiêng đã tặng tôi ba cây bồ đề con được lấy giống từ cây bồ đề nghìn năm tuổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #141 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:31:22 pm »


        Tương truyền, cây bồ đề này là nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo. Mọi người, từ các vị quốc vương, các vị lãnh đạo Chính phủ các nước đến các chư vị tăng ni, phật tử các nơi trên thế giới đến đây ai ai cũng mong có một lá bồ đề, vì tin rằng lá cây chứa đựng sự linh thiêng, mầu nhiệm và sự tuệ giác của chư Phật... Trân trọng nhận món quà giầu ý nghĩa, tôi nghĩ ngay đến việc đưa ba cây bồ đề về trồng ở các nghĩa trang liệt sĩ - nơi cõi thiêng như một sự tri ân đến các đồng đội, đồng bào đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc: Suốt hành trình dài tôi và anh Nguyễn Hồng Sinh (thư ký của tôi) thay nhau chăm sóc ba cây bồ đề này.

        Về nước, việc đầu tiên là tôi ươm ba cây bồ đề vào ba cái chậu, khi đó mỗi cây chỉ cao chưa đầy hai mươi phân. Khi cây thật sự cứng cáp tôi mới đưa đi trồng. Cây thứ nhất, tôi trồng ở Nghĩa trang Quốc gia Đường 9. Cây thứ hai, tôi trồng ở khuôn viên Bảo tàng Quân đoàn 1 (Tam Điệp, Ninh Bình) - nơi tôi trưởng thành từ người chiến sĩ rồi sau đó trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt ở chiến trường Quảng Trị. Cây thứ ba, tôi trồng ở nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà tại xã Hải Long, Hải Hậu, Nam Định - nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Hiện nay, cả ba cây bồ đề đều xanh tốt, trong đó cây bồ đề ở Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 tốt nhất.

        Biết tôi mang cây bồ đề từ đất phật về trồng ở Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Thượng tọa Thích Quảng Tùng (ủy viên kiểm soát, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Thường trực Thành hội Phật giáo Hải Phòng) trong đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ ở đây, nói: "Thật là tuyệt vời, cây bồ đề đất Phật trồng ở nơi hàng vạn anh linh Anh hùng liệt sĩ yên nghỉ thì còn gì bằng. Sự hữu duyên ở chỗ, cây đất phật trồng nơi những người con trung hiếu không tiếc máu đào, sẵn sàng đấu tranh với cái xấu, cái ác, anh dũng hy sinh vì sự sống của chúng sinh, sự trường tồn của dân tộc. Đây là sự gặp nhau giữa cái tâm của người trồng và sự từ bi hỉ xả của nhà Phật". Cảm ơn lời nói chân thành của Thượng tọa Thích Quảng Tùng, "Người với người sống để yêu nhau", phải tôn vinh cái thiện, phải độ lượng bao dung, giàu lòng vị tha, nhân ái... chính là sự gặp nhau mà Thượng tọa đã nói đồng thời cũng là điều tâm nguyện suốt đời của tôi...

        Tháng 6 năm 2006, Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng được tiến hành tại Hà Nội. Tôi được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương. Được Bộ Quốc phòng tiếp tục giao phụ trách Cục Đối ngoại Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Trung tâm Khoa học Kỹ thuật - Công nghệ Quân sự Bộ Quốc phòng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.

        Mười bốn năm ở Tổng hành dinh tôi được sự cộng tác của các cục chức năng: Tác chiến, Quân huấn, Nhà trường, Quân lực, Dân quân tự vệ... của Bộ Tổng tham mưu và các Tổng cục. Chính các cơ quan chiến lược này đã giúp cho Đảng ủy Quân sự Trung ương Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng và Nhà nước đề ra các quyết sách trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các vấn đề cụ thể về đối ngoại quốc phòng, các chính sách bảo đảm cho lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao.

        Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp 30 tháng 4 hoặc 27 tháng 7 tôi đều trở lại Quảng Trị, chiến trường một thời máu lửa để thắp hương cho đồng đội. Trung tuần tháng 4 năm 2007 tôi trở lại chiến trường xưa đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Quảng Trị. Tôi đã đến dâng hương tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Thành Cổ Quảng Trị và nghĩa trang huyện Hải Lăng - nơi yên nghỉ của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 - Mặt trận B5.

        Tôi cùng đồng chí Thanh, quyền chỉ huy trưởng tỉnh đội Quảng Trị về thôn Gia Bình xã Gio An huyện Gio Linh. Trong kháng chiến chống Mỹ, thôn Gia Bình là hậu cứ dã chiến của Trung đoàn 27.

        Cách đây hơn 40 năm, ở đầu thôn có một cây đa cổ thụ, cành lá xum xuê, thân to hai người ôm không xuể Trên ngọn cây, bộ đội pháo binh đã làm đài quan sát, đo đạc, hiệu chỉnh tầm hướng cho pháo binh từ bờ Bắc sông Bến Hải bắn vào Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang... Cách gốc đa vài chục mét là một giếng nước cổ, hình tròn, ghép đá.

        Trước đó, năm 1998, khi tôi là Trung tướng - Phó Tổng tham mưu trưởng đã cùng cán bộ huyện Gio Linh về thôn Gia Bình để tìm đến cây đa và giếng nước đã để lại bao kỷ niệm trong cuộc đời chiến đấu của tôi. Tôi hỏi một số người dân nhưng không ai biết cây đa, giếng nước ở đâu. Rất may, lúc đó có hai cụ già đến. (Hai cụ đã từng làm cán  bộ địa phương trong kháng chiến chống Mỹ). Hai cụ kể lại: "Ngày 6 tháng 3 năm 1968, trong một trận đánh không cân sức, chiến sĩ Cao Như Thiêm của Trung đoàn 27 - Mặt trận B5 đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, bị thương nặng và bị địch bắt.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #142 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:33:41 pm »


        Chúng đưa anh về gốc cây đa hết dụ dỗ lại đánh đập dã man hòng lấy được tin tức về Trung đoàn 27.

        Nhưng chúng đã thất bại trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ quân đội cách mạng. Bọn chúng đã xả đạn vào anh. Khi hy sinh, Cao Xuân Thiêm tựa vào gốc đa, hướng về miền Bắc... (sự hy sinh của chiến sĩ Cao Xuân Thiêm tôi đã nhắc tới trong Chương hai).

        Biết cây đa chính là đài quan sát của ta, ngày nào địch cũng nã pháo, giội bom và rải chất độc hóa học hòng hạ gục cây đa. Lần lượt cành lớn, cành nhỏ của cây đa bị phạt ngang như dao chém, chồi không kịp nẩy, thân chi chít mảnh bom, mảnh pháo... thế nhưng cây đa vẫn đứng trơ trơ, đầy thách thức cho đến ngày giải phóng Quảng Trị tháng 5 năm 1972, cây đa mới chịu ngã xuống".

        Sau khi dẫn tôi và đoàn cán bộ huyện Gio Linh ra khu vực gốc đa và giếng nước, không khó khăn lắm hai cụ đã chỉ chính xác gốc đa xưa. Tại đó tôi đã trồng một cây đa búp đỏ.

        Cây đa tôi trồng năm đó bây giờ đã xanh tốt, tỏa bóng mát và thả những chùm rễ cắm sâu vào lòng đất bazan của vùng đồi Gio An.

        Thấy chúng tôi dừng chân bên cây đa, nhiều người trong thôn Gia Bình kéo đến. Một chị tự giới thiệu:

        - Em là Nguyễn Thị Quý - Bí thư Đảng ủy xã Gio An. Anh có phải là Tướng Hiệu, người đã trồng cây đa này không?

        - Đúng! Tôi đây.

        - Ba em là Nguyễn Phương Tâm, người trước đây đã dẫn anh đi tìm gốc đấy.

        - Ông cụ đâu rồi?

        Giọng chị chùng xuống:

        - Ba em bị tù đày, địch tra tấn dã man nên sức khỏe ba em không được tốt. Ba em mất vào tháng 5 năm 1998, sau khi anh trồng cây đa này được ba tháng. Trước khi mất ba em dặn: "Bộ quần áo quân phục Tướng Hiệu tặng ba khi Tướng Hiệu về thăm thôn Gia Bình và trồng cây đa, ba giữ cẩn thận. Khi nào ba đi, các con nhớ mặc cho ba nhé".

        Câu chuyện của chị Quý làm tôi vô cùng xúc động.

        Chị kể tiếp:

        - Sau khi anh trồng cây đa, dân làng em đã chăm sóc cẩn thận, rào gốc để trâu bò không phá và đặt bát hương dưới gốc cây đa. À, em quên chưa nói với anh: Cụ Nguyễn Văn Nậy - người đã cùng bố em dẫn anh ra trồng cây đa này hôm nay cũng có mặt ở đây?

        Chị Quý vừa nói vừa nắm tay một ông cụ râu tóc bạc phơ. Tôi nắm chặt tay cụ, hỏi thăm:

        - Thưa cụ, cái giếng nước trước đây nằm ở chỗ nào ạ?

        - Nó ở chỗ này - Cụ chỉ tay ra một khoảng đất trống - Hồi đó, bom đạn Mỹ ném xuống nhiều lắm, nó phá cây đa và lấp luôn cả giếng!

        - Thế bây giờ bà con có muốn làm lại cái giếng không - Tôi hỏi.

        Cụ Nậy suy nghĩ, rồi ngập ngừng nói:

        - Muốn chứ, vừa là giếng cổ của thôn vừa mang nhiều dấu tích lịch sử, nhưng dân làng nghèo lắm, không có tiền.

        Tôi rút ngay năm triệu đồng, nói với chị Quý, cụ Nậy và bà con:

        - Số tiền ít ỏi này là của cá nhân tôi, xin gửi lại xã gọi là chút lòng thành. Nếu còn thiếu thì Bí thư Đảng ủy xã huy động bà con góp công, góp của làm lại cái giếng. Cái giếng này là dấu tích lịch sử. Nước giếng đã tắm rửa cho hàng trăm đồng đội của chúng tôi anh dũng hy sinh, được chuyển từ các nơi về trước khi an táng. Cố gắng khôi phục giếng như cũ.

        Tất cả mọi người đứng đó đều nói:

        - Như thế thì phải khôi phục lại giếng thôi.

        Cầm số tiền trên tay, chị Quý nói:

        - Làm lại giếng cổ cũng là ý nguyện của ba em lúc còn sống. Ba em nhiều lần kể rằng: "Bộ đội Trung đoàn 27 và các đơn vị của Mặt trận B5 khi đưa thi hài liệt sĩ về đây, trước lúc an táng đều lấy nước giếng tắm rửa”. Ba em cũng đôi lần tham gia công việc này. Em và cụ Nậy cùng bà con xã Gio An xin hứa với anh sẽ làm xong giếng trước ngày 27 tháng 7 năm 2007 để kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #143 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2017, 04:35:24 pm »


        Tôi nắm chặt tay chị Quý:

        - Cây đa tôi đã trồng được rồi, còn giếng nước chưa làm được. Hôm nay gặp cụ Nậy, gặp Bí thư Đảng ủy xã Gio An, tôi thật vui mừng. Điều mà bấy lâu cứ canh cánh trong tôi, nay đã được thực hiện. Cảm ơn bà con xã Gio An anh hùng vẫn son sắt thủy chung với bộ đội như những năm đánh Mỹ.

        Đúng vào dịp 27 tháng 7 năm 2007, chị Quý đã gửi cho tôi một số tấm ảnh chụp cảnh nhân dân Gio An đang thi công làm lại giếng cổ ở thôn Gia Bình. Ngắm từng bức ảnh phía trước là giếng được ghép đá phía sau là cây đa tỏa bóng xum xuê, tôi đã không cầm được nước mắt.

        Anh Lê Hải Triều cùng đi với tôi trong chuyến trở lại thăm cây đa búp đỏ có bài viết: - Trở lại Gia Bình - đăng trên - Tạp chí Văn hóa quân sự - số tháng 7 năm 2007. Một bạn đọc tên là Lê Văn Tuấn (nội ngoại của anh Tuấn đều có người là liệt sĩ) điện cho tôi xin tài trợ một trăm triệu đồng để xây một ngôi đình trên nền đình cũ đã bị bom Mỹ san bằng. Thế là, lại thêm một tấm lòng tri ân với đồng đội, đồng bào.

        Đầu năm 2008, tôi đưa nhà tài trợ vào xã Gio An để thống nhất với xã và các cụ trong làng việc xây dựng lại ngôi đình cổ. Phần thiết kế thi công và xây dựng do Công ty 384 Binh đoàn 12 đảm nhiệm.

        Ngày 31 tháng 3 năm 2008 (tức ngày 24 tháng 2 năm Mậu Tý) xã Gio An đã khởi công xây dựng ngôi đình. Công việc xây dựng lại ngôi đình đang tiến triển tốt và sẽ hoàn thành vào ngày 27 tháng 7 năm 2008.

        Suốt chặng đường chiến đấu gần chục năm trên mảnh đất Quảng Trị, với tôi, biết bao kỷ niệm vui buồn. Thấm thoát đã hơn một phần ba thế kỷ trôi qua kể từ ngày Quảng Trị giải phóng. Nhớ làm sao xiết, ghi làm sao hết những kỷ niệm buồn vui. Cảm xúc lớn lao, bao trùm trong tôi là niềm tự hào vì đã một thời được chiến đấu trên mảnh đất anh hùng này. Những địa danh Đường 9, Dốc Miếu, Tà Cơn, Khe Sanh, Sa Mưu, Phu-lơ, Thành Cổ, sông Thạch Hãn, suối La La... sẽ mãi in đậm trong lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

        Không nơi nào, nghĩa trang liệt sĩ lại nhiều như ở nơi đây. Cả tỉnh có 72 nghĩa trang (trong đó có Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn). ở đây, còn có hai nghĩa trang không mộ nữa là mảnh đất Thành Cổ và lòng sông Thạch Hãn.  Lòng sông Thạch Hãn trở nên linh thiêng bởi ẩn trong nó biết bao số phận của những người lính.

        Hằng năm, vào ngày 27 tháng 7, người dân Quảng Trị và du khách khắp mọi miền vẫn về đây thả hoa tưởng niệm. Lê Bá Dương, một người lính của Trung đoàn 27 thời đánh Mỹ, đã viết:

                                         Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
                                         Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
                                         Hóa tuổi hai mươi thành sóng nước
                                         Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.


        Lời thơ giản dị mà sâu sắc biết bao. Đó chính là lời nhắn gửi mọi thế hệ: Hãy luôn nhớ và nghiêng mình bên dòng sông thiêng nơi tuổi xuân của các anh hùng, liệt sĩ đã trở thành bất tử.

        Gần đây, Phạm Minh Tâm, thương binh 2/4, người đã từng chiến đấu trong chiến hào Quảng Trị năm xưa, khi về thăm Quảng Trị đã viết bài thơ "Về giữa lòng mẹ". Tôi xin được trích đôi dòng ở cuối bài thơ:

                                         ... Một nghĩa trang bạt ngàn trong đất
                                         Nấm mồ chung hương khói Cổ Thành
                                         Xin cây cỏ chớ vô tình tươi tốt
                                         Và sông kia đừng xiết xoáy đổi dòng
                                         Móng những công trình xin đừng vô cảm
                                         Lớp lớp địa tầng, đồng đội chúng tôi đông
                                         Và hoa nữa mỗi lần đua nở
                                         Ngát hương đò cũng từ đất mà thơm
                                         Bản nhạc du dương cung thanh đừng réo rắt
                                         Đêm ngoài kia giao hưởng những linh hồn
                                         Xin tất cả một lần thôi cũng đủ
                                         Được hồi sinh từ máu đổ xương tàn
                                         Hãy cúi xuống hôn vào lòng đất mẹ
                                         Nơi những linh hồn yên nghỉ gió mưa chan".


        Chiến tranh là thế! Một thời Quảng Trị là thế! Xin hàng ngàn, ngàn lần hôn vào lòng đất mẹ - mảnh đất "lớp lớp địa tầng, đồng đội chúng tôi đây".

        Năm nào tôi cũng trở vào Quảng Trị một đôi lần. Lần nào tôi cũng dành thời gian đến các nghĩa trang Đường 9, Hải Lăng, Thành Cổ... để thắp hương cho đồng đội của tôi. Tôi đã đóng góp ý kiến xây dựng khu di tích Thành Cổ. Tôi kêu gọi các nhà đầu tư, những người có lòng hảo tâm xây dựng những khu tưởng niệm, những khu di tích lịch sử cách mạng để tri ân đồng chí, đồng bào. Tôi nghĩ, phải bằng mọi cách để có thể nói lại với mai sau về những sự tích anh hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, để các thế hệ mai sau không lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, không lãng quên - Một thời Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng và huyền thoại, mảnh đất đau đáu trong tôi suốt cả cuộc đời.

        Viết xong vào dịp kỷ niệm Chiến thắng 30 tháng 4 năm 2008.

HẾT
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM