Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:37:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời Quảng trị  (Đọc 35687 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #120 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:25:58 am »


        9 giờ tối ngày 28 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 27 đã làm chủ hoàn toàn khu vực bắc chi khu Tân Uyên đến Bình Cơ. Cửa mở đã thông, đội hình bộ binh cơ giới thọc sâu của sư đoàn ầm ầm qua đường 16.

        Tân Uyên được giải phóng, hành lang tiến quân của sư đoàn được mở rộng xuống phía Nam. Tư lệnh sư đoàn điện cho tôi, nhanh chóng tổ chức lực lượng thọc sâu theo đường Tân Uyên, Tân Bạ tiến công địch "tử thủ" Lái Thiêu.

        Tôi và Đại đội trưởng xe tăng Hoàng Thọ Mạc ngồi mỗi người một xe dẫn đầu đội hình tiến công, đi sau là pháo 85 ly và pháo 37 ly, 57 ly, tiếp đó là xe chở bộ đội. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Lê Thế Dũng chỉ huy tiểu đoàn ngồi trên xe bọc thép và xe ôtô vận tải nối nhau hình thành mũi thọc sâu binh chủng hợp thành.

        Mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 chúng tôi vượt qua Tân Uyên tới ngã tư đường 48 thì bị pháo địch từ căn cứ Phú Lợi, Biên Hòa, Sóng Thần bắn chặn đường.

        Đạn pháo rơi hai bên đường, nhiều quả rơi trúng mặt đường, tiếng nổ đinh tai, khói pháo mù mịt. Lợi dụng quy luật tản mát của đạn pháo, tôi ra lệnh đoàn xe nâng tốc độ vượt lên, ra khỏi tầm pháo địch. Đoàn xe chạy đến Bình Chuẩn thì gặp hai đại đội thuộc tiểu đoàn địch 321 chặn lại. Chúng dựa vào công sự và vật chướng ngại, dùng hỏa lực bắn vào đội hình quân ta. Trước tình hình đó, tôi nghĩ: "Phải đánh áp đảo ngay từ đầu, đẩy địch ra khỏi công sự. Đồng thời chớp thời cơ cho đoàn xe của mũi thọc sâu vượt qua". Tôi ra lệnh cho hai xe tăng đi đầu và pháo 37 ly hạ nòng bắn vào cụm quân địch.

        Bị pháo xe tăng và pháo 37 của ta bắn thẳng, quân địch nằm chết gí trong hầm, dưới lòng hào, không dám ngóc đầu dậy. Tôi ra lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Lê Thế Dũng cho hai xe chở bộ binh vượt lên, đổ quân đánh vào đội hình quân địch.

        Bị tiến công bằng xe tăng, nay lại thấy bộ binh ta xuất hiện, 2 đại đội địch tan rã nhanh chóng. Tôi nói với Tiểu đoàn trưởng Dũng bắt một số tù binh ngồi lên xe dẫn đường, số còn lại được phóng thích về với gia đình. Trong số tù binh này có trung úy Hiệp là sĩ quan chỉ huy lính thổi kèn ở tổng hành dinh ngụy, bị kỷ luật đẩy ra chiến trường và một tổ máy thông tin PRC25. Tôi lệnh cho máy thông tin của địch mà ta vừa thu được vẫn mở máy giữ nguyên tần số liên lạc và bảo nếu cấp trên hỏi thì nói: "Sư đoàn 5 về bảo vệ tuyến "tử thủ" Sài Gòn".

        Khi đoàn xe tăng, xe bọc thép, xe chở quân vào đến Búng sở chỉ huy địch hỏi: "Lực lượng nào vậy", tổ máy thông tin trả lời như tôi đã dặn.

        Mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 tiếp tục tiến quân. Với cách đánh "gạt" địch để lướt qua, chúng tôi đã đánh tan hai đại đội bảo an khác ở Thuần Giáo, chốt vòng ngoài của tuyến "tử thủ" Lái Thiêu.

        17 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn dừng lại ở ngã tư Búng, chuẩn bị tiến công địch ở Lái Thiêu. Trong khi mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 phát triển thuận lợi, thì tôi được biết ở hướng chủ yếu Trung đoàn 48 gặp khó khăn. Đoàn xe đi cách Tân Uyên 3 ki-lô-mét thì bị mất đường. Con đường xấu và hẹp mất hút trong bãi cỏ gianh bạt ngàn cao lút đầu người. Các chiến sĩ trinh sát, công binh vận dụng mọi kinh nghiệm để phán đoán tìm đường. Con đường lúc hiện, lúc mất trong bãi cỏ gianh. Nhiều đoạn phải chặt cây, cắt bớt cỏ gianh mới đi được. Đoàn xe nhích lên từng đoạn theo bước chân của các chiến sĩ trinh sát, công binh. Phải mất ba tiếng đồng hồ, đoàn xe mới vượt qua được bãi cỏ mịt mùng ấy.

        Ra khỏi con đường Đất ủi, đoàn xe đang vượt dốc thì bị máy bay địch oanh tạc vào đội hình. Các chiến sĩ cao xạ vừa đi vừa bắn trả máy bay địch, bảo vệ đội hình tiến quân. Nhiều chiến sĩ bị thương nhưng không một ai chịu ở lại phía sau.  Lúc này, ở các hướng chiến dịch, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Quân đoàn 3 tiến cách sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu ngụy chừng 3 ki-lô-mét. Quân đoàn 2 ở hướng đông nam đánh chiếm và làm chủ Vũng Tàu, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và đang tiến về Cát Lái, Cầu xa lộ Đồng Nai. Đặc công đánh chiếm căn cứ Nước Trong, ngã ba Long Bình, Biên Hòa đang kịch chiến vì địch ở Hố Nai còn chống cự. Ở phía nam, Đoàn 232 làm chủ thị xã Hậu Nghĩa, quận ly Đức Hòa, bức rút Đức Huệ, mở thông sông Vàm Cỏ Đông. ở Quân khu 8 ta đánh chiếm ngã ba Vĩnh Lộc, Cầu Sáng, lộ 10 cắt đứt lộ 4, phát triển tiến công địch ở Cần Giuộc và Hưng Long.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #121 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:32:34 am »


        Nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã nổi dậy diệt bọn ác ôn đầu sỏ, chiếm các công sở, đồn bốt đọc đường số 1 và một số nơi ở nội thành. Công nhân xưởng dệt Vi-na-tếc-cô đấu tranh bắt bọn phá hoại, tề điệp, bảo vệ an toàn máy móc và tổ chức tiếp tế cơm nước cho bộ đội.

        Trên các đường phố, xe nhà binh, xe cảnh sát và xe chở những người "di tản" hốt hoảng lao vùn vụt.

        Trong các công sở ngụy quyền, nhân viên, công chức bỏ trốn. Bọn lính, cảnh sát hàng ngày nhan nhản, hách dịch dọa nạt nhân dân, giờ đây lột vội quân phục, khoác áo thường dân, tìm đường tẩu thoát.

        Cùng đêm 29 tháng 4 năm 1975, từng đoàn máy bay lên thẳng Mỹ bật đèn sáng, hớt hải, bay rối loạn trên bầu trời Sài Gòn. Rồi từng chiếc lén lút đỗ xuống những mái nhà bằng, chở người di tản tháo chạy vội vã. Nhân viên tòa đại sứ Mỹ cùng sĩ quan, binh lính và gia đình của chúng tranh cướp nhau lên máy bay. Chúng bắn súng thị uy, chửi bới, văng tục ẩu đả loạn xị. Tiếng kêu khóc của trẻ con, phụ nữ bị chìm lắng trong mớ âm thanh hỗn độn, sợ hãi của quang cảnh Sài Gòn hấp hối.

        Chiều ngày 29 tháng 4, khi nhận được chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân đoàn phải đẩy nhanh tốc độ tiến quân hơn nữa, Tư lệnh sư đoàn Lưu Bá Xảo điện cho tôi: - Anh Hiệu đấy phải không? Thế nào? Chưa trinh sát được Lái Thiêu à? - Báo cáo, chúng tôi đang triển khai. Xin hứa với Tư lệnh chúng tôi sẽ nổ súng đúng kế hoạch.

        - Được! Cho triển khai ngay. Nổ súng càng sớm càng tốt. Tôi nhắc lại, nhiệm vụ chính của Trung đoàn 27 là tập trung lực lượng làm tan rã địch trên đường 13, đoạn chi khu Lái Thiêu, sau đó thọc ngay vào Gò Vấp. Mọi việc còn lại do lực lượng khác giải quyết - Tôi sẽ thực hiện đúng chỉ thị của Tư lệnh.

        Vị trí của chỉ huy Trung đoàn 27 dừng chân chuẩn bị tiến công địch ở Lái Thiêu là một rừng cao su ven lộ 13, cách bắc Lái Thiêu khoảng 3 ki-lô mét.

        Tôi nói với Chính ủy Thư phải hội ý với các đơn vị, nắm lại tình hình sau một ngày chiến đấu và phổ biến bổ sung phương án đánh vào Lái Thiêu.

        Sở chỉ huy trung đoàn là một chiếc nhà bạt căng tạm giữa rừng cao su. Tranh thủ lúc chờ cán bộ đến, tôi và anh Thư mỗi người ăn một vài thanh lương khô. Khi cán bộ các tiểu đoàn và đại đội phối thuộc đến, tôi cũng dúi vào tay họ một phong lương khô, rồi bảo:

        - Ăn đi, tranh thủ ăn để lấy sức mà chạy. Đã ba, bốn ngày nay, cả trung đoàn có hạt cơm nào vào bụng đâu.

        Chờ cán bộ đến đông đủ, tôi phổ biến ngay chỉ thị của Tư lệnh sư đoàn nhanh chóng giải quyết Lái Thiêu bảo đảm thông đường đúng thời gian.

        Không khí cuộc họp sôi nổi, khẩn trương. Những vấn đề bổ sung cụ thể vào phương án chiến đấu được thảo luận và nhanh chóng thống nhất. Rút kinh nghiệm về chỉ huy và hiệp đồng sau một ngày chiến đấu thọc sâu, tôi kết luận:

        - Cán bộ chỉ huy cấp trưởng của các đơn vị phải đi đầu mũi tiến quân của đơn vị mình, nắm chắc tình hình để chỉ huy, quyết định vấn đề được nhanh chóng. Còn vấn đề bộ binh thiếu đạn hỏa lực B40, B41 thì cơ quan hậu cần và đơn vị vận tải phải bảo đảm cấp đủ sau 2 tiếng đồng hồ. Xăng dầu xe tăng còn đủ đánh Lái Thiêu, đánh xong sẽ lấy xăng dầu của địch bổ sung. Việc này anh An - Chủ nhiệm Hậu cần trung đoàn trực tiếp giải quyết.

        Khó khăn lớn nhất hiện nay là tình hình địch trong quận lỵ Lái Thiêu ta chưa nắm được cụ thể.

        Giải quyết việc này, tôi, anh Thư, anh Giáp cùng trinh sát đi vào thị trấn, dựa vào dân để nắm địch.

        Nói xong tôi hỏi:

        - Các đồng chí còn có ý kiến gì không?

        Thấy mọi người ngồi im. Tôi nói:

        - Tình hình rất khẩn trương, các đồng chí nhanh chóng về bắt tay vào tổ chức bộ đội chuẩn bị chiến đấu.

        Tôi xin được nói thêm một chi tiết: Ký hiệu của trung đoàn 27 trong chiến dịch Hồ Chí Minh là BK19.

        Mật danh của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (tôi) là Phong và anh Chính ủy Trịnh Văn Thư là Hàm. Mật khẩu hỏi: Hồ Chí Minh. Đáp: Muôn năm.

        Trên ngực mỗi người có miếng vải đỏ.

        Tôi, anh Thư, anh Giáp và một tổ trinh sát bám vào hàng cây bên đường đi về phía quận ly. Khi đến gần nghĩa địa của khu vực Búng, chúng tôi thấy một ngôi nhà lụp xụp, trong nhà le lói ngọn đèn dầu. Tôi nói ba trinh sát vào bắt liên lạc. "Cộc, cộc, cộc" Sau tiếng gõ cửa của trinh sát, tôi thấy trong nhà có tiếng bước chân, cùng với ánh đèn sáng dần ra phía cửa:\

        - Ai đấy? Tiếng một bà má1 vừa như thăm dò, vừa có vẻ thờ ơ.

----------------------
        1. Tôi được biết.tên má là Sáu Ngẫu, trước đây má là giáo viên. Như đã hứa, ngày 1 tháng 5 năm 1975, tôi trở lại thăm má và hai em Phước, Đức. Tôi đã nhiều lần về thăm má khi má còn sống và góp phần xây mộ má khi má qua đời. Sau này, nhạc sĩ Văn Thành Nho có sáng tác bài hát "Tấm bản đồ má trao" dựa trên câu chuyện có thật về má Sáu Ngẫu. Bài hát đã được phát nhiều lần trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #122 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:39:46 am »

         
        - Chúng tôi là Quân giải phóng, là Bộ đội Cụ Hồ - Một chiến sĩ trinh sát trả lời.

        Nghe mấy tiếng Bộ đội Cụ Hồ, má mạnh dạn ra mở cửa, giơ cao ngọn đèn, nhìn kỹ người chiến sĩ.

        Nhận ra ám hiệu - miếng vải đỏ trên ngực - giọng má bỗng trở nên nghiêm trang và xúc động:

        - Hồ Chí Minh!

        Phấn khởi tìm được cơ sở, đồng chí trinh sát như reo lên khi đáp lại mật khẩu chiến dịch:

        - Muôn năm!

        Nhận ra bộ đội Giải phóng, má cầm tay từng người giục:

        - Các con vào đi! Vào đi. Má không ngờ các con về sớm thế.

        Tôi, anh Trịnh Văn Thư và Sáu Châu, huyện đội phó vào nhà. Tôi nhìn. một lượt, căn nhà lợp tôn, một chiếc bàn gỗ đã cũ, hai chiếc giường đơn sơ. Gia tài cũng không có gì.  Đợi chúng tôi ngồi xuống, má nói:

        - Bây giờ các con cần má giúp những gì?

        Tôi nói tóm tắt nhiệm vụ cửa đơn vị và đề nghị má:

        - Chúng con chưa nắm chắc địch và địa hình ở quận lỵ Lái Thiêu. Con nhờ má bày cho!

        Tôi đưa tấm bản đồ quân sự, nhìn qua má bảo:

        - Má không rành bản đồ này. Đợi má chút xíu.

        Lát sau, má trở ra, mở bọc giấy báo, cẩn thận trải tờ giấy đã ố vàng lên mặt bàn. Mọi cặp mắt đổ dồn vào những nét vẽ chằng chịt, lòng hứng khởi tràn đầy. Giọng má hơi chùng xuống: Đây là bản đồ Đô thành Sài Gòn. Anh Tư Ca1 giữ từ năm 1961.

        - Thưa má, bây giờ anh Tư Ca ở đâu ạ? - Anh Tư Ca là chồng má. Hồi nớ ảnh và anh em du kích xã đã định diệt quân địch ở quận ly.

        Chuyện lộ, ảnh bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi. Sau khi ra tù, ảnh tiếp tục hoạt động làm tuyên giáo phụ trách tờ báo của tỉnh Thủ Dầu Một. Năm 1968, trong chuyến đi công tác, ảnh lọt vào ổ phục kích của địch. ảnh bị địch bắn vào chân. Chúng xông lại thu đài bán dẫn và lột nhẫn của ảnh. ảnh mắng vào mặt tụi nó. Bọn địch xả súng bắn chết ảnh.

        Riêng sơ đồ của ảnh má vẫn giữ được. Và cứ mỗi lần có sự thay đổi về phạm vi, lực lượng... má lại vẽ bổ sung trên toàn tuyến phòng thủ từ chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn. Má thuộc nằm lòng mà.

        Bên cạnh nét mực đã mờ là những đường chì nhìn còn vụng về nhưng tỉ mỉ, chính xác. Mười bốn năm trời âm thầm, cần mẫn thay chồng, thay các chiến sĩ du kích Lái Thiêu đã hy sinh và đang bị cầm tù, má nắm tình hình địch và ghi vào bản đồ với tất cả niềm tin chiến thắng.

        Má xoay chiếc sơ đồ về phía tôi, cặp kính lão trễ xuống tận cánh mũi, má nói:

        - Ngày hôm qua, chúng điều một tiểu đoàn bảo an từ Sài Gòn ra và hai khẩu pháo 175 từ Bình Dương về tăng cường cho Lái Thiêu. Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương có gần 2.000 tên. Ngoài ra còn một số tàn quân từ các nơi chạy về...

        Vừa nói má vừa chỉ vào những ký hiệu đánh dấu các vị trí mới của địch trên sơ đồ. Tôi và mọi người theo dõi một cách chăm chú. Má nói tiếp:

        - Toàn bộ quân địch ở quận ly Lái Thiêu là vậy, tấm bản đồ này má trao lại cho mấy con.

        Cầm tấm bản đồ trên tay, chúng tôi vô cùng cảm động. Chúng tôi chào má và nhanh chóng lên đường. Má xin được trực tiếp dẫn đường cho đơn vị.

        Thấy má đã già yếu, tôi nói:

        - Cảm ơn má! Chúng con sẽ quét sạch địch ở Lái Thiêu, mở đường cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để trả thù cho má, trả thù cho bà con cô bác ở Lái Thiêu. Ngày mai, con sẽ trở lại thăm má.

        Biết chúng tôi không để cho má đi, má hướng về phía sau nhà gọi:

        - Phước, Đức đâu? Vào má bảo.

        Thì ra, trong lúc trao đổi với chúng tôi, má đã giao cho các em làm nhiệm vụ cảnh giới. Ngay lúc đó Hai Mỹ (Bí thư huyện đoàn huyện Lái Thiêu) đến. Má nói với Hai Mỹ: - Má xin dẫn đường, nhưng mấy anh không chịu. Các con thay má làm nhiệm vụ dẫn đường cho đơn vị. Các con phải gắng mà hoàn thành.

        Tôi nói:

        - Sáu Châu, Hai Mỹ dẫn chúng con là được rồi, còn em Phước (17 tuổi), em Đức (13 tuổi) còn nhỏ để em ở nhà giúp má.

        Sáu Châu và Hai Mỹ cùng chúng tôi nhanh chóng về nơi tập kết.

--------------------
        1. Tư Ca tên thật là Đinh Quang Kỳ, quê Đức Thủy, Đức Thọ, Hà Tĩnh. ông theo đoàn quân Nam tiến vào miền Nam từ năm 1945.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #123 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:44:44 am »


        Quận lỵ Lái Thiêu nằm trên đường 13 đường Đại Hàn, cách Sài Gòn 15 ki-lô-mét, là cửa ngõ của tuyến "tử thủ" cuối cùng của địch ở phía bắc Sài Gòn. Trên một diện tích chưa đầy 4 ki-lô-mét vuông, chúng bố trí ba tiểu đoàn bảo an, hai chi đoàn xe tăng, một tiểu đoàn pháo binh và 1.800 quân trong trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương.

        Các vị trí địch trong khu vực đều được cấu trúc kiên cố liên hoàn với nhau, có tới trên 20 hàng rào dây thép gai xen kẽ vật chướng ngại và hào chiến đấu.

        Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, mỗi ngày địch lại tăng cường thêm lực lượng cho Lái Thiêu.

        Lính từ Sài Gòn ra, từ Bình Dương, Phú Lợi đổ về.

        Lái Thiêu vốn là một quận lỵ sầm uất với những vườn cây ăn quả nổi tiếng khắp miền, nay trở nên ồn ào, chật chội. Lính về, tai họa đổ xuống đầu người dân. Đổ tiền, đổ lính vào những tuyến tử thủ, chỉ huy quân ngụy Sài.Gòn hy vọng chặn đứng được các mũi tiến công của ta, có thể kéo dài thêm sự tồn tại của chính quyền tay sai Mỹ.

        Sau khi xem xét các mặt mạnh yếu của địch, tôi hội ý Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn và nói: Địch tuy đông, phòng thủ có chiều sâu nhưng tổ chức ô hợp. Tàn quân từ các nơi chạy về đã gây tâm lý hoang mang, dao động trong các đơn vị địch.

        Trận mở cửa Lái Thiêu là trận hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc hoàn thành nhiệm vụ của sư đoàn. Trung đoàn 27 chúng ta đánh nhanh hay chậm đều ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian mũi thọc sâu của sư đoàn đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là bộ tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn.

        Vì vậy bằng giá nào trung đoàn ta cũng phải tiến công theo đúng kế hoạch, thời gian.

        Tôi quyết định, không đánh lần lượt từ ngoài vào trong mà tập trung lực lượng, kết hợp luồn sâu, ém sẵn và thọc sâu bằng cơ giới tiến công vượt qua Lái Thiêu từ hai đầu. Tiểu đoàn 5 (mũi luồn sâu) tiến công địch từ hướng nam, đánh chiếm cầu Lái Thiêu, bao vây, chia cắt làm tan rã trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Tiểu đoàn 6 (mũi thọc sâu cơ giới) tiến đánh từ hướng bắc, phối hợp với mũi tiến công của Tiểu đoàn 5 từ hướng nam đánh lên, làm tan rã địch trên đường 13, đoạn từ Lái Thiêu đến cầu Vĩnh Bình, Bình Phước. Đồng thời chặn các hướng khác buộc chúng phải đầu hàng, bảo đảm cho đội hình thọc sâu của sư đoàn phát triển nhanh chóng.

        12 giờ đêm ngày 29 tháng 4, phương án tác chiến được phổ biến tới từng tổ chiến đấu. Lúc này trên hướng Tiểu đoàn 5 đã hình thành thế bao vây vu hồi phía đông nam chi khu. Đại đội 5 do Đại đội trưởng Vương Văn Vinh và Chính trị viên Trần Sĩ Quế chỉ huy. Đại đội 7 do Đại đội trưởng Nguyễn Văn Tý và Chính trị viên Nguyễn Đình Sức chỉ huy triển khai đội hình trên hướng chính đánh thẳng vào quận lỵ, giải tỏa đường 13. Đại đội 6 do Đại đội trưởng Nguyễn Quang Khởi chỉ huy, vòng sang phía tây nam, áp sát chia cắt trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Hướng Tiểu đoàn 6, Đại đội 10, Đại đội 11 bộ binh và Đại đội 3 xe tăng hiệp đồng chiến đấu lần cuối. Bộ binh rời xe, chia thành các mũi, áp sát hàng rào địch. Các trận địa pháo binh, cao xạ đặt phía sau, ngay sát đội hình bộ binh. Xe tăng triển khai dọc đường 13.

        3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, các đơn vị báo cáo đã vào đúng vị trí quy định. Tôi ra lệnh tiến công. Một phát pháo hiệu màu vàng bay vút lên không trung. Các trận địa pháo, cối nhất loạt nổ súng bắn vào chi khu, pháo phòng không 37 ly hạ thấp nòng bắn chế áp các lô cốt vòng ngoài, chi viện cho bộ binh mở cửa.

        Trên hướng Tiểu đoàn 6, ngay từ những phút đầu chiến sĩ Đại đội 11, dùng bộc phá ống phá tung các lớp rào kẽm gai, thùng phuy chặn đường. Địch bị bất ngờ, không kịp nổ súng chống trả. Lính ở các chất tiền duyên bỏ công sự tháo chạy tán loạn. Đại đội 3 xe tăng do Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc chỉ huy từ đường Đại Hàn tiến vào cùng Đại đội 11 thọc thẳng chiếm các mục tiêu. Đạn pháo xe tăng, đạn B40, B41 của ta nhanh chóng bắn tiêu diệt quân địch chặn đường. Chiến sĩ ta vừa đánh vừa kêu gọi địch đầu hàng.

        Trên hướng Tiểu đoàn 5, khi nghe tiếng pháo ta nổ ở phía đường Đại Hàn, Tiểu đoàn trưởng Hoàng Đức Ký lệnh cho các mũi áp sát mục tiêu. Pháo chuyển làn, bộ binh từ các hướng xung phong đánh vào mục tiêu theo kế hoạch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #124 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:47:32 am »


        Ở trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương, sau ít phút nổ súng, Đại đội 6 đã thấy phía cổng trại xuất hiện những lá cờ trắng. Bọn địch đi thành hàng dọc về phía trận địa Đại đội 6. Đi đầu là đại tá Nguyễn Văn Hinh chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Lính đi sau, tên nào cũng cầm vải trắng giơ cao. Gần 2 nghìn mảnh vải trắng nối nhau, kéo dài trông như dải băng tang lớn choàng qua cổng trại nơi có dòng chữ: "Trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương" cùng với phù hiệu "Bạch xà tinh" (Phù hiệu của sư đoàn 5 ngụy).

        Nghe Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 báo về cả trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương đầu hàng, chúng kéo ra rất đông, tôi chỉ thị cho anh Ký: "Giải thích rõ chính sách khoan hồng của Mặt trận, rồi tha chúng về với gia đình".

        Trong lúc Đại đội 6 vây trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương thì ở mũi chủ yếu, Đại đội 5 và Đại đội 7 đã đánh chiếm được cầu Lái Thiêu, theo đường Đại Hãn thọc vào chi khu. Mũi luồn sâu của Tiểu đoàn 5 phát triển đến khu nhà tên quận trưởng thì bắt liên lạc được với mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 6 cùng xe tăng. Trung đoàn 27 làm chủ đường Đại Hãn đoạn qua Lái Thiêu, chia cắt địch trong chi khu ra thành từng tốp nhỏ. Hai Mỹ và Sáu Châu dẫn đường cho các mũi đánh chiếm từng mục tiêu trong chi khu. Viên trung tá quận trưởng Nguyễn Thái Bình hoảng sợ rúc xuống hầm ngầm bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 tóm gọn cùng với toàn bộ sĩ quan trong quận Lái Thiêu. Binh lính trong quận lỵ Lái Thiêu tan rã, hạ vũ khí đầu hàng.

        Như vậy, sau hơn 2 giờ chiến đấu liên tục, Trung đoàn 27 đã làm chủ quận ly Lái Thiêu. Tuyến "tử thủ" mà quân ngụy Sài Gòn đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân ta đã bị đập tan, cánh cửa phía bắc Sài Gòn đã rộng mở. Lúc này, từ ngã tư Búng, đội hình xe tăng, thiết giáp, bộ binh cơ giới thọc sâu của sư đoàn ào ạt phóng qua Lái Thiêu trong tiếng hò reo của nhân dân trong quận.

        Tin Lái Thiêu được giải phóng lan nhanh khắp quận lỵ. Nhân dân ùa ra đường, đổ về dinh quận trưởng, nơi có lá cờ Giải phóng đang tung bay trên tháp cao. Bà con mang đến cho bộ đội hoa quả, bánh kẹo, chiến sĩ ta chưa kịp nhận thì được tin một đoàn xe địch từ Bình Dương rút chạy về Sài Gòn tiến lại phía sau đội hình quân ta. Bộ đội hướng dẫn cho dân sơ tán và triển khai chiến đấu chặn địch. Tiểu đoàn 5 vừa triển khai xong thì đoàn xe địch lao tới. Chúng vẫn chưa hay biết gì về Lái Thiêu thất thủ. Toàn bộ tốp xe đi đầu lọt vào trận địa của Đại đội 5 do Đại đội trưởng Vinh chỉ huy.

        Tốp xe bị tiêu diệt gọn. Những chiếc xe phía sau lại xông lên. Đại đội trưởng Vinh vừa chỉ huy chiến đấu vừa dùng B40 bắn cháy một xe chở quân của địch, diệt hàng chục tên. Tổ ba người do Nguyễn Văn Bài phụ trách, bí mật vòng lại phía sau đội hình địch. Bài nhằm vào chiếc xe cuối cùng nổ súng. Quả đạn B40 của Bài lao vào chiếc xe. Chiếc xe chung chiêng rồi đâm xuống vệ đường bốc cháy.

        Bài vác súng chạy theo đoàn xe địch đang giảm dần tốc độ Khi cách xe địch 30 mét anh nâng súng, siết cò. Hai quả đạn B40 liên tiếp bay đi. Chùm khói màu da cam phủ kín chiếc xe tăng và chiếc xe GMC của địch. Bọn địch sống sót nhảy xuống đường tháo chạy.

        Một số xe tăng và xe GMC chở quân địch vượt qua được trận địa Đại đội 5 chạy về phía quận lỵ.

        Tình huống diễn ra khẩn trương, bất ngờ. Nghĩ rằng một trong những chiếc xe tăng này mà nã pháo vào sau lưng mũi thọc sâu của sư đoàn thì sẽ vô cùng tai hại, tôi lệnh cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 dùng Đại đội 6 nhanh chóng thiết lập tuyến chốt giữa quận lỵ chặn bằng được những chiếc xe tăng địch. Đồng thời tôi ra lệnh Đại đội 16 giá súng 12 1y 7 ngay giữa đường phố đánh địch. Đại đội 15 cũng chia thành từng khẩu đội cối 82 ly cùng bộ binh chiến đấu. Chiến sĩ ta bám vào tường nhà nổ súng chặn địch. Đường phố Lái Thiêu một lần nữa lại mịt mù khói đạn. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 và các đơn vị trực thuộc chiến đấu rất quả cảm, diệt hết chiếc xe này đến chiếc xe khác. Xe tăng, xe GMC chở quân của địch, chiếc bị bắn cháy, chiếc lao xuống vệ đường, chiếc đâm vào nhau đổ gục. Xác lính ngụy nằm rải rác trên mặt đường. Súng đạn, quần áo trang bị của địch vứt bừa bộn khắp nơi. Toàn bộ lực lượng địch tháo chạy qua Lái Thiêu bị tiêu diệt.

        Tiểu đoàn 5 diệt 30 xe, thu 20 xe. Bọn tù binh, hàng binh dồn về chật một bãi cỏ rộng ở trung tâm quận lỵ. Tôi nói với Chính trị viên Tiểu đoàn 5 Hoàng Ngọc Sinh giải thích Mười chính sách của Mặt trận, rồi phóng thích họ. Anh Sinh tuyên bố. "Cho phép các anh trở về làm ăn, sinh sống với gia đình". Khi anh Sinh vừa dứt lời, đám lính ngụy nhảy lên reo hò: "Hoan hô Quân giải phóng! Hoan hô Quân giải phóng!".
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #125 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 10:01:41 am »


        Việc làm này được nhân dân quận lỵ Lái Thiêu rất hoan nghênh. Những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc "Quân giải phóng trả thù, sẽ có những cuộc tắm máu đã sớm tan biến trước chính sách khoan hồng, nhân đạo của ta. Các gia đình đón chồng, con, em trở về với niềm vui đoàn tụ và lòng biết ơn cách. mạng sâu sắc.

        Cùng thời gian trên, mũi tiến công binh chủng hợp thành của Tiểu đoàn 6 thọc vào phía bắc cầu Vĩnh Bình. Gần 30 chiếc xe tăng, thiết giáp từ bộ chỉ huy thiết giáp xông ra phản kích. Đạn pháo từ xe tăng và đạn chống tăng từ các lô cốt địch bắn ra đan dày trước đội hình tiến công của ta. Chiếc xe tăng đi đầu của ta trúng đạn bốc cháy. Mũi thọc sâu của Tiểu đoàn 6 bị chững lại.

        Trước tình huống đó, tôi trao đổi với Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc động viên anh em giữ vững quyết tâm chiến đấu. Đồng thời tôi điều Đại đội 10 lên cùng phối hợp, kiên quyết đánh chiếm bằng được cầu Vĩnh Bình. Chúng tôi tổ chức thành hai mũi tiến công vào đội hình xe tăng địch. Mạc ngồi một xe, tôi ngồi một xe tiến theo đường 13. Xe tăng ta vừa tiến, vừa bắn. Xe của Mạc và xe của tôi bắn cháy 3 xe tăng M.48.

        Các chiến sĩ bộ binh Đại đội 10 cũng chia thành hai mũi đánh vào sườn địch. Chiến sĩ B40, B41 của Đại đội 10 đánh rất giỏi, bắn trúng mười xe tăng địch.

        Cánh quân phản kích bằng xe tăng của địch đã bị Trung đoàn 27 cùng Đại đội 3 xe tăng đánh thiệt hại nặng.

        Gần như cùng một lúc, các đơn vị báo cáo với tôi:

        - Đạn B40, B41 đã hết, chỉ còn lựu đạn, thủ pháo và đạn AK, đề nghị bổ sung gấp.

        Tôi thoáng lo lắng: "Không có đạn hỏa lực, bộ binh không thể vượt qua trận địa xe tăng địch được". Tôi lệnh cho các đơn vị phía trước dùng lựu đạn, thủ pháo, AK giữ vững trận địa và chỉ thị cho anh An - Chủ nhiệm Hậu cần chuyển hết số đạn B40, B41 dự trữ của trung đoàn lên bổ sung kịp thời. Bộ binh dừng lại cho công binh khắc phục mìn. Khi các chiến sĩ công binh giơ tay ra hiệu đường thông, thì lúc đó các đơn vị đã được bổ sung đạn hỏa lực.

        Cầu Vĩnh Bình đã hiện ra trước mắt các chiến sĩ, nhưng đội hình của ta vẫn chỉ nhích lên được từng mét. Địch tổ chức phòng thủ ngay sát đầu cầu và nống ra phản kích lần thứ hai. Lúc này chúng tôi không lo những chiếc xe tăng địch lao về phía mình mà lo chúng phá cầu. Tôi và Hoàng Thọ Mạc cho xe tách khỏi đội hình, vượt lên, chỉ thị mục tiêu cho xe tăng và bộ binh ta đánh địch.

        Trong chiến đấu, tôi có thói quen ngoài khẩu K59 đeo bên người, bao giờ tôi cũng khoác thêm khẩu AK báng gấp với vài băng đạn. Lúc chúng tôi cho xe vượt lên, anh em lái xe nói: 

        - Đề nghị thủ trưởng vào trong xe để bảo đảm an toàn.

        Tôi liền bảo:

        - Vị trí của tôi là đứng ở đây, quan sát địch, chỉ thị mục tiêu cho bộ binh và xe tăng chiến đấu. Các đồng chí cứ tăng tốc độ lên!

        Cùng lúc đó, một pháo tự hành 175 của địch từ nhánh đường rẽ lao ra phía cầu Vĩnh Bình. Hoàng Thọ Mạc hô:

        - Xe 956! Đạn xuyên một phát, bắn! Tiếng hô của Đại đội trưởng Mạc vừa dứt, một quả đạn đã lao vút vào khẩu pháo "vua chiến trường" làm nó đâm đầu vào bức tường bên đường bốc cháy dữ dội. Còn một khẩu pháo 175, lính chạy bỏ lại. Tôi bảo anh em lấy sơn viết vào khẩu pháo: BK19.

        Thấy "vua chiến trường" bị diệt, bọn địch ở phía sau hốt hoảng dừng lại. Chớp thời cơ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 chia thành nhiều mũi, từ các hướng đánh vào trận địa địch. Xe tăng của chúng chiếc bị bắn cháy, chiếc bị ta bắt sống. Những chiếc còn lại vội vàng cụm lại, chốt giữ đầu cầu. Địch vẫn ngoan cố chống cự và tìm cách ngăn chặn mũi tiến công của ta. Đoạn đường đầu cầu, chúng dựng thùng phuy chứa đầy cát và những tấm bê tông trên mặt đường, tạo thành một lối đi chật hẹp, ngoắt ngoéo. Hoàng Thọ Mạc nói với tôi:

        - Ta không thể cho xe tăng lao lên húc đổ các vật cản trên đường. Địch sẽ lợi dụng lúc xe tăng ta khắc phục vật cản mà diệt. Phải đánh bằng bộ binh thôi anh Hiệu ạ!

        Nói rồi, Mạc tháo mũ công tác, xách khẩu B40, bật nắp xe nhảy xuống đường. Một số chiến sĩ cũng rời xe, xách súng AK chạy theo đại đội trưởng. Thấy vậy Mạc ra lệnh:

        - Các đồng chí về ngay vị trí. Chuẩn bị cho xe vượt cầu!

        Tiếng Đại đội trưởng Mạc lẫn trong tiếng nổ ầm ầm của đạn pháo địch. Anh lao đi phối hợp chiến đấu với một mũi tiến công của Đại đội 10 Tiểu đoàn 6.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #126 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 10:06:04 am »


        Bỗng có tiếng súng rộ lên ở phía sau. Đó là tiếng súng của Tiểu đoàn 5 đang chặn địch tháo chạy từ Bình Dương về Sài Gòn. Phía trước, phía sau đều có địch. Phải nhanh chóng chiếm cầu bằng được. Mạc bàn với Nguyễn Tiến Hoạt - Đại đội trưởng Đại đội 10, rồi vượt sang bên kia đường.

        Một tiếng nổ choáng óc ở mép đường Mạc vừa tới. Quân địch ở lô cốt gần đó nhìn thấy anh, chúng nổ súng. Mảnh đạn M. 79 xuyên vào ngực làm anh lảo đảo khuỵu xuống. Một chiến sĩ lao đến. Mạc khoát tay ra hiệu cho người chiến sĩ im lặng rồi anh chỉ tay về phía cầu.

        Quân địch từ trên cầu càng bắn mạnh. Chúng đang đổ đạn xuống mặt đường trước đội hình tiến công của ta. Nhưng khoảng cách giữa ta và địch ngày càng gần lại. Những vật cản của địch trên đường để ngăn chặn ta tiến công giờ đây trở thành ụ chiến đấu của các chiến sĩ phát triển lên đánh chiếm cầu.

        Lúc này, Hoàng Thọ Mạc tay trái bóp chặt vết thương đang rỉ máu, tay phải cầm khẩu B40 vẫn lao lên. Máu chảy ướt đẫm một khoảng áo trước ngực. Anh hất đầu về dãy thùng phuy. Hiểu ý đại đội trưởng, một chiến sĩ vọt tiến theo anh. Một tiếng "xooẹ xoẹt" lao đến trước mặt anh và người chiến sĩ. Đại đội trưởng Mạc tung người xô ngã người chiến sĩ, rồi nằm úp lên trên. Khói quả đạn phủ kín cả hai người.

        Hoàng Thọ Mạc1 đã anh dũng hy sinh. Máu của anh chảy thắm đỏ một khoảng đất đầu cầu Vĩnh Bình. Các chiến sĩ Đại đội 3 xe tăng và Đại đội 10 Tiểu đoàn 6 vô cùng thương tiếc người đại đội trưởng dũng cảm. Lòng căm thù như tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ, thôi thúc họ tiến lên diệt địch, trả thù cho đại đội trưởng thân yêu. Tôi điều hai khẩu 37 ly hạ nòng bắn vào các cụm quân địch đang chiếm giữ cầu. Các mũi tiến công của Đại đội 10 chiếm được lô cốt đầu cầu, đẩy địch ra khỏi công sự.

        Mất chỗ dựa, toàn bộ quân địch chốt giữ trên cầu Vĩnh Bình buộc phải bỏ súng, đầu hàng.

        Tôi nói anh em đưa thi hài Hoàng Thọ Mạc lên xe cùng tiến vào hang ổ cuối cùng của địch. Xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải chở Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 27 ào qua cầu Vĩnh Bình. Tấm biển chỉ đường ở đầu cầu ghi dòng chữ màu trắng: "Sài Gòn 10 ki-lô-mét". Vượt qua cầu Vĩnh Bình, mũi thọc sâu binh chủng hợp thành của Trung đoàn 27 rẽ về hướng tây, theo một con đường vào quận ly Gò Vấp.

        Mũi thọc sâu tiến sát khu bộ tư lệnh các binh chủng quân ngụy ở quận Gò Vấp.

        Trời Sài Gòn như vỡ ra bởi tiếng nổ rung chuyển của các loại đạn các cỡ. Tiếng rít xé gió của đạn pháo. Tiếng đạn nhỏ xiết vào không gian chiu chíu.

        Tiếng động cơ máy nổ, tiếng bánh xích nghiến rung mặt đường. Lúc này tôi nhận được điện của Bộ Tư lệnh Quân đoàn truyền đạt tinh thần bức điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: Kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ với quyết tâm lớn nhất hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh nhất của quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sự đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định.

        Phải giữ kỷ luật thật nghiêm, triệt để chấp hành mọi chỉ thị, mệnh lệnh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, nêu cao truyền thông và bản chất cách mạng của quân đội ta, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại.

        9 giờ 30 phút, mũi thọc sâu của Trung đoàn 27 đánh vào bộ tư lệnh thiết giáp - lực lượng mạnh nhất của địch trong khu bộ tư lệnh các binh chủng ngụy. Trước cổng bộ tư lệnh thiết giáp, địch đã tổ chức một trận địa phòng ngự bằng tất cả các loại xe tăng, thiết giáp hiện đại nhất của chúng. Xe tăng xe thiết giáp được bố trí nhiều tầng, bắn như đổ đạn về phía trước ngăn chặn mũi tiến công của ta.

        Quan sát trận địa địch tôi thấy chúng phòng thủ chủ yếu bằng xe tăng, thiết giáp, rất ít bộ binh. Do vậy chúng không dám ra phản kích. Biết rõ chỗ yếu của địch, tôi ra lệnh cho xe tăng ta nã pháo chế áp trận địa địch, đồng thời cho bộ binh chia thành nhiều mũi, dùng B40, B41 áp sát chia cắt, tiêu diệt xe tăng địch.

        Nhận được lệnh, Đại đội 3 xe tăng của ta tập trung nã pháo tới tấp vào trận địa địch. Các xạ thủ B40, B41 rời khỏi xe ôtô vượt qua làn đạn đan chéo trên đầu, xông thẳng vào đội hình xe tăng địch. Mười chiếc xe tăng địch bị bắn cháy. Địch bị bất ngờ trước lối đánh của quân ta, chúng quay đầu tháo chạy. Nhưng, những con đường trước mặt chúng đều là những con đường cụt, buộc chúng phải co về cố thủ trong khu bộ tư lệnh thiết giáp.

------------------------
        1. Hoàng Thọ Mạc quê Xuân Hùng, Xuân Trường, Nam Định. Bố anh là Hoàng Thọ Mô, liệt sĩ chống Pháp. Nhà có hai anh em, Mạc và em gái Hoàng Thị Vui. Tháng 2 năm 1974, anh xây dựng gia đình với chị Tô Thị Khuy quê Xuân Vinh, Xuân Trường, Nam Định. Anh chị chưa có con.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2017, 10:59:31 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #127 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 10:11:41 am »

         
        Chớp thời cơ, tôi lệnh cho xe tăng và bộ binh vừa đánh vừa tiến vào. Không chịu nổi sức tiến công của ta, viên đại tá Chiêu buộc phải dẫn sĩ quan, binh sĩ trong bộ tư lệnh thiết giáp ra hàng. Lá cờ ba que bị hạ xuống, chiến sĩ ta kéo lá cờ Giải phóng lên nóc cột cờ bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy.

        Làm chủ bộ tư lệnh thiết giáp, ta bắt tù binh dẫn đường đánh chiếm các mục tiêu tiếp theo. Lục quân công xưởng (trại Đoàn Dư Khương) là căn cứ sửa chữa lớn, tập trung nhiều vật tư kỹ thuật, có khoảng 2 nghìn sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên với nhiều xưởng cơ khí, đúc, quân xa, xe hơi, trọng pháo, vũ khí... ở đây sửa chữa theo dây chuyền rất hiện đại, có khả năng đại tu tất cả các loại vũ khí, trọng pháo, xe tăng, xe thiết giáp, xe hơi lục quân.

        Khi ta đánh vào chỉ còn một số sĩ quan, binh sĩ. Tôi ra lệnh cho đại tá Chiêu chỉ huy sĩ quan, binh sĩ trong Lục quân công xưởng: - Các anh phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn toàn bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật, dây chuyền sửa chữa.

        Tại căn cứ 60 tiếp vận truyền tin (trại Nguyễn Thái Học là căn cứ sửa chữa lớn các máy thông tin.

        Trại Phạm Tất Được là nơi dự trữ nhiên liệu đặc biệt), khi Trung đoàn 27 chiếm giữ, căn cứ còn 12 triệu lít xăng. Ta còn chiếm giữ các căn cứ: Căn cứ tồn trữ quân nhu 331 (trại Nguyễn Công Trứ), bao gồm quân trang, các xưởng may mặc của quân đội ngụy. Căn cứ này có khoảng trên một nghìn sĩ quan, binh sĩ và nhân viên. Tiểu đoàn 61 pháo binh (trại Phan Sào Nam). Trường quân cụ và trường đào tạo kỹ thuật...

        Tôi nhớ nhất là khi đánh vào Tổng y viện Cộng Hòa, bệnh viện lớn và hiện đại nhất của quân ngụy.

        Tên lính ngụy dẫn đường đưa chúng tôi vào thẳng phòng làm việc của viên chuẩn tướng Phạm Hà Thanh. Thấy chúng tôi vào, Thanh lắp bắp:

        - Xin chào các đồng chí!

        Tôi nói ngay:

        - Anh không phải là đồng chí của chúng tôi.

        Thanh liếc nhìn tôi. Nhận ra giọng nói Nam Định của tôi, Thanh bắt chuyện:

        - Tôi quê Nam Định, là bạn học cùng bác sĩ Phạm Gia Triệu1, quê ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định. Chúng tôi cùng học với nhau ở Pháp.

        Tôi cắt ngang:

        - Tôi là Phong, chỉ huy cánh quân này. Anh cho biết bệnh viện của anh có bao nhiêu bác sĩ và nhân viên? - Dạ thưa, khoảng 400 bác sĩ và nhân viên.

        - Bao nhiêu thương binh?

        - Có 200 thương binh từ thiếu tá trở xuống.

        Dừng lại một lúc, tôi nói như ra lệnh:

        - Anh cho đăng ký số thương binh là cấp tá, còn tất cả thương binh khác cho gia đình đưa về điều trị và chuyển sang các viện dân sự. Anh cùng bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tục ở lại phục vụ thương binh Quân giải phóng, ngay từ bây giờ.

        Phạm Hà Thanh rụt rè hỏi:

        - Thưa quý ông, tiêu chuẩn thương binh của cách mạng được hưởng là bao nhiêu?

        Lúc này tôi cũng không rõ tiêu chuẩn điều trị các loại thế nào. Tôi bảo:

        - Thương binh Quân giải phóng được hưởng tiêu chuẩn cao nhất từ trước đến nay.

        - Thưa quý ông! Thuốc chỉ dùng được có 15 ngày thôi!

        - Kho thuốc ở đâu?

        - Căn cứ 70, tồn trữ y dược.

        - Anh cho người và xe cùng chúng tôi đi nhận thuốc.

        Phạm Hà Thanh đầy vẻ lễ phép:  

        - Dạ, dạ, dạ.

        Tôi nói tiếp:

        - Tất cả thương binh của chúng tôi vào điều trị ở đây anh phải bảo đảm chữa khỏi cho họ. Nếu để xảy ra tử vong, anh hoàn toàn chịu trách nhiệm.

        Tôi vừa nói xong, Phạm Hà Thanh mặt biến sắc:

        - Thưa quý ông, thương binh nặng tử vong có nhiều nguyên nhân. Nếu tử vong mà do vết thương quá hiểm nghèo mà quý ông quy trách nhiệm cho tôi thì khó quá. Mong quý ông xem xét lại.

        Suy nghĩ một lát, tôi nói:

        - Thôi được, các anh phải thành lập Hội đồng y khoa, cố gắng chạy chữa cho các đồng chí của chúng tôi. Nếu chẳng may vì vết thương quá nặng mà hy sinh, được hội đồng kết luận thì tôi miễn tra cứu trách nhiệm. Bây giờ anh về lo làm những việc tôi vừa giao...

        Thương binh của Trung đoàn 27 và thương binh các hướng của chiến dịch bắt đầu được đưa về Tổng y viện Cộng Hoà (Ngày nay, nơi đây là Viện 175) điều trị.

        Thi hài Hoàng Thọ Mạc2 vẫn trên xe, tôi bảo anh em đến nơi bán quan tài chọn chiếc đẹp nhất để khâm liệm và an táng cho anh. Đây cũng là một trong những cán bộ hy sinh ngay trước giờ thắng lợi trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Tang lễ Hoàng Thọ Mạc được tổ chức trọng thể với chiếc quan tài đẹp nhất.

        Cũng vào thời điểm 11 giờ 30 phút lá cờ chiến thắng của quân đội ta được kéo lên ở Dinh Độc Lập, bộ tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất và nhiều nơi khác trong thành phố Sài Gòn - Gia Định.

        Chiến dịch Hồ Chí Minh - Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng đã đại thắng. Nhân dân Sài Gòn xuống đường hò reo đón chào bộ đội cách mạng. Cờ đỏ sao vàng, cờ Giải phóng bay rợp các đường phố. Bà con cô bác, nam nữ thanh niên, các cháu thiếu niên vây quanh các anh bộ đội, vây quanh những chiếc xe tăng, những khẩu pháo lớn.

        Nét mặt ai nấy đều hân hoan rạng rỡ. Cả Sài Gòn, cả Việt Nam lúc ấy sống trong niềm vui bất tận - niềm vui giải phóng, với những nụ cười cùng những giọt nước mắt lăn nhanh trên má mọi người.

        Trong giờ phút lịch sử, chúng tôi đều xúc động nhớ tới Bác Hồ. Câu thơ mừng Xuân năm 1969 của Người: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" đã chỉ đường đi cho cách mạng Việt Nam đến thắng lợi hôm nay.

        Giữa giờ phút thiêng liêng này, tôi nghẹn ngào nhớ tới hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 và các đơn vị bạn đã anh dũng ngã xuống từ Mặt trận Bắc Quảng Trị mùa Xuân năm 1968, trên suốt chặng đường chiến đấu, đến chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng hôm nay. Tôi càng bồi hồi, đau xót nhớ tới những đồng đội mới hôm qua và vừa mới trước đây vài giờ đã anh dũng hy sinh vì thắng lợi huy hoàng.

----------------------
       1. Bác sĩ Phạm Gia Triệu - Viện phó Viện quân y 108 từ năm 1967, ông là một chuyên gia phẫu thuật thần kinh. ông được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967.

        2. Hoàng Thọ Mạc được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2017, 11:10:51 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #128 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 10:16:43 am »


Chương bảy

TRÊN MẶT TRẬN MỚI

        Trước khi nói về những năm tháng ở Tổng hành dinh, tôi xin dành ít trang cho quê hương Hải Hậu (Nam Định) - nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng tôi khôn lớn trưởng thành.

        Nhìn trên bản đồ, dòng chảy của sông Ninh Cơ và sông Sò tạo thành một vòng cung - địa giới phía trong của huyện Hải Hậu. Phía ngoài, gần như một đường thẳng hơi chếch từ đông bắc xuống tây nam là bờ biển. Bờ biển Hải Hậu từ cửa sông Hà Lạn tới cửa sông Ninh Cơ theo bờ đê dài 32 ki-lô-mét.

        Từ năm 1920 trở đi vùng đất nơi đây bị biển xâm lấn nên bờ biển sâu.

        Theo các cụ kể lại, cách đây 500 năm mảnh đất Hải Hậu còn là một vùng biển, khi đó mới có một số cồn cát nổi lên rải rác ở phía nam cửa Lạch Lác (tên gọi cửa sông Ninh Cơ trước đây) và phía tây cửa Lạn Môn (tên gọi cửa sông Hà Lạn trước đây). Lúc ấy mới lẻ tẻ có người tới cư trú. Cuối thế kỷ XV, ông Trần Vũ, người Cổ Lễ huyện Nam Ninh tới vùng này, nhìn thế đất "khi nước lên thì cá bơi, hạc đứng, bốn mặt mênh mông. Khi nước xuống thì u nhệch, lầu ngao, một vùng gò đống" đã lập bàn địa án dâng lên vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức) xin được lấy "khu đất hoang này làm tư điền thế nghiệp".

        Ông Trần Vũ được vua Lê phê chuẩn và phong chức Dinh điền Phó sứ.

        Ông Trần Vũ kết nghĩa với các ông Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập (bốn ông này sau được nhân dân tôn vinh thành Tứ Tổ) cùng thu họp dân các nơi về khai khẩn. Từ đấy công cuộc quai đê lấn biển được tiến hành có quy hoạch...

        Sau khi đắp xong con đê biển gọi là đê Hồng Đức, đồng đất phía trong đê trở nên vững vàng, đồng ruộng, sông ngòi mở mang có bài bản.

        Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, nhân dân ở một số làng xã phía bắc sông Cường và Cát Chử (nay là xã Trực Cát huyện Nam Ninh) tiếp tục sang đây tham gia khai khẩn mở mang. Vào đầu thế kỷ XVII, ở phía tây cửa Lạn Môn, ông Vũ Duy Hòa khởi xướng và tập hợp lực lượng lấn biển được nhiều họ hưởng ứng, đồng thời ở đây nhân dân và các họ từ phía bắc cũng tiếp tục ra lấn biển. Công việc tiến hành ròng rã hơn 100 năm, tới đầu thế kỷ XVIII, khu trong đê Hồng Đức - từ đê Đông xã Quần Anh đến giáp sông Hà Lạn hoàn thành mở thêm một phần đất đai.

        Những năm hai mươi của thế kỷ XIX, biển bồi càng mạnh và công việc khai hoang ở đây cũng diễn ra với nhịp độ nhanh trong phạm vi rộng. Dưới triều Minh Mạng với cương vị Dinh điền sứ, Nguyễn Công Trứ mộ dân khẩn hoang khu nam, khi hoàn thành lập ra chín làng: An Nhân, An Nghiệp (Hải Toàn), An Trạch, An Đạo, An Nghĩa (Hải An), An Phong, An Phú, An Lạc, An Lễ (Hải Phòng).

        Cư dân Hải Hậu hôm nay là hậu duệ của những người tiên phong đi mở đất. Họ là những người nghèo, chủ yếu ở các làng xã phía Bắc chuyển cư xuống vùng biển phía Nam để khai cơ lập nghiệp.

        Trong hành trang mang theo của họ, có cả lối sống và phong cách làm ăn của nền văn minh sông Hồng để tạo dựng một miền quê mới.

        Kế thừa truyền thống của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Hải Hậu đã liên tục tham gia chiến đấu. Đặc biệt, sau sự kiện lịch sử thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) ở Hội Khê Ngoại đã xuất hiện tổ chức đảng đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của những đảng viên cộng sản này, các tổ chức "Nông hội đỏ" đã lần lượt ra đời ở Hà Lạn, Phúc Lộc (Hải Phúc), Phúc Thủy (Hải Hà), Trung Thành (Hải Vân).

        Ngay sau khi giành chính quyền, những người đảng viên cộng sản huyện Hải Hậu đã bắt tay ngay vào việc củng cố tổ chức Đảng để lãnh đạo cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền nhân dân non trẻ. Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện được thành lập gồm năm người do đồng chí Nguyễn Thiếp Giáp làm Bí thư ở xã Hải Long. Sự ra đời của chi bộ là một mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng huyện Hải Hậu. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, phong trào phát triển sâu rộng, toàn diện, cơ sở chính trị và lực lượng của Đảng phát triển nhanh chóng. Trước yêu cầu đó, tỉnh ủy Nam Định đã quyết định thành lập huyện ủy Hải Hậu.

        Sau khi huyện ủy và lực lượng vũ trang huyện được thành lập, hệ thống tổ chức Đảng, lực lượng đảng viên và lực lượng dân quân, du kích đã lớn mạnh không ngừng, trưởng thành nhanh chóng.

        Đây là nhân tố quyết định để lãnh đạo và làm nòng cốt cho phong trào cách mạng của huyện vượt qua những thời kỳ khó khăn, ác liệt nhất. Đặc biệt là thời kỳ địch tạm chiếm "2 năm 4 tháng", từ cuối năm 1949 đến đầu năm 1952. Thời kỳ này, trong tỉnh nhiều nơi phong trào bị địch khủng bố trắng.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Hai, 2017, 11:20:50 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #129 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 11:28:04 pm »


        Ở xã Hải Long, địch bắt được cán bộ, không những chém giết dã man, chúng còn đan rọ cho cán bộ vào rồi buộc đá thả xuống sông Ngòi Cau. Hòa bình lập lại người dân đánh cá còn vớt được nhiều rọ có xương sọ cán bộ.

        Bố tôi là Nguyễn Văn Đáp, sinh năm 1921, ở xã Hải Long, huyện Hải Hậu. Bố tôi là người ham học, ông đã nhiều năm theo học chữ Nôm, sách của ông nhiều, xếp đầy giá. Khi còn nhỏ, bố tôi và thầy giáo Luật (một nhà Nho) dạy tôi học ba năm chữ Nôm. Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều năm bố tôi tham gia du kích chống địch càn và đi dân công hỏa tuyến.

        Do tuổi cao sức yếu, bố tôi đã mất vào năm 1995.

        Mẹ tôi là Mai Thị Cúc, quê Hải Tân. Thời trẻ mẹ tôi xinh đẹp có tiếng trong vùng. Thấy bố tôi là người học giỏi nên yêu thương. Ông bà sống với nhau rất hạnh phúc. Mẹ tôi yêu chồng, thương con, tần tảo chịu thương, chịu khó, chắt chiu nuôi năm anh em tôi khôn lớn trưởng thành. Mẹ là chỗ dựa tinh thần cho anh em chúng tôi trong cuộc sống, công tác. Mẹ tôi ra đi giữa những ngày Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (tháng 5 năm 2008) được tổ chức tại Việt Nam; hưởng thọ 89 tuổi.

        Bố mẹ tôi sinh được năm người con. Anh cả tôi là Nguyễn Văn Tiếu, sinh năm 1942, ở quê. Tôi là thứ hai, sinh ngày 27 tháng 7 năm 1947. Em trai tôi là Nguyễn Văn Phu, sinh năm 1952, bộ đội Đoàn 559, sau chuyển ra ngoài công tác tại huyện nhà. Em gái tôi là Nguyễn Thị Sợi, sinh năm 1959, là quân nhân chuyên nghiệp Binh đoàn 11. Em trai út tôi là Nguyễn Văn Tuyến, sinh năm 1961, đại tá, đang bị bệnh hiểm nghèo.

        Ngày 20 tháng 2 năm 1965, tôi có lệnh gọi nhập ngũ. Hôm tiễn tôi lên đường, mẹ nắm tay tôi bịn rịn. Mẹ tôi căn dặn: - Con ơi! Thời chiến con là trai phải đi đánh giặc giải phóng miền Nam.

        Mẹ cố nén lòng nhưng vẫn không sao cầm được nước mắt. Hai em Nguyễn Thị Sợi (sáu tuổi) và Nguyễn Văn Tuyến (bốn tuổi), chưa hiểu gì, nhìn tôi ngơ ngác...  Bố tiễn tôi đến nơi tập trung. Trong lúc đợi lên xe, bố tôi bảo: - Con nhớ, theo gia phả thì họ Nguyễn nhà mình là hậu duệ cụ Nguyễn Bặc, danh tướng đại thần nhà Đinh. Thuở nhỏ là bạn thân của Đinh Bộ Linh, sau kết nghĩa anh em, theo Đinh Bộ Linh dẹp loạn mười hai sứ quân. Được vua Đinh phong tước Định Quốc Công. Ông đã bắt và giết gian thần Đỗ Thích, kẻ đã ám hại Đinh Tiên Hoàng, rồi cùng Đinh Điền, Phạm Hạp dấy binh chống Lê Hoàn nhằm bảo vệ nhà Đinh. Việc làm không thành bị Lê Hoàn giết.

        Đến đời Lý ông được truy phong Phúc Thần. Nhà mình thờ chữ Tâm. Người xưa có câu: Sông có khúc, người có lúc. Sinh thì có hạn, tử bất kỳ.

        Dừng hồi lâu, bố tôi nói tiếp : - Con nhớ các cụ xưa nói: Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó.

        Nói rồi, bố tôi chảy nước mắt. Tôi cũng khóc theo.

        Bố tôi nói, không giải thích, nhưng tôi hiểu được ý của bố tôi: Trên bước đường chiến đấu và công tác, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn phải vui vẻ, phải vững tâm, kiên nhẫn mà vượt qua. Còn sinh có hạn, tử bất kỳ, ý của bố tôi là sống chết không thể tính trước được. Điều cuối cùng bố tôi dặn tôi "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy" là muốn nói với tôi rằng: mình đối xử với mọi người như thế nào, thì về sau mọi người đối xử với mình như thế.

        Phải biết trân trọng quá khứ, phải tri ân những người đã giúp đỡ mình, đã hy sinh vì mình, trân trọng lịch sử...  Những lời căn dặn của bố tôi, tôi luôn ghi nhớ.

        Trong chiến đấu ác liệt, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua được tôi vẫn tự nhủ: Sinh thì tính được, tử chẳng tính trước được, nên tôi quên mình, lao vào cuộc chiến đấu sinh tử với quân thù...

        Sau ngày đất nước thống nhất, tôi được tham gia đoàn Việt Nam đi cảm ơn các nước bạn bè trên thế giới. Khi đoàn đến Liên Xô, chúng tôi được tham quan Hạm đội Hắc Hải đóng ở biển Hắc Hải.

        Tại đây tôi gặp lưu học sinh Việt Nam ở trường Đại học Y ở ô-đét-xa. Trong số lưu học sinh tại trường Đại học Y-ô-đét-xa. Nơi đây nhà tôi - Lại Thị Xuân, người cùng xã Hải Long đã học bảy năm bác sĩ. Vợ tôi là con gái út của ông Lại Văn Tá - đảng viên Đảng Cộng sản năm 1930. Ông hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Lại Thị Xuân là con liệt sĩ nên được cử ra nước ngoài học từ năm 1969, đến năm 1976 tốt nghiệp bác sĩ, Xuân về nước công tác tại Bệnh viện E. Chúng tôi tổ chức lễ cưới vào ngày 16  tháng 8 năm 1976 (tính theo âm lịch). Vợ chồng tôi sinh được hai con. Con gái Nguyễn Thị Hải Yến sinh năm 1978, công tác tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, cháu thi đỗ và được cử sang học cao học ở Vương quốc Anh. Con trai Nguyễn Hải Anh1, sinh năm 1980, cũng thi đỗ, được cử sang học và tốt nghiệp cao học ở Vương quốc Anh.

---------------
        1. Vợ chồng tôi dùng chữ đệm cho các con là Hải, có ý kỷ niệm ngày đầu gặp nhau ở biển Hắc Hải, và cùng quê hương Hải Hậu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM