Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 12:02:00 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời Quảng trị  (Đọc 35966 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #110 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 11:16:01 pm »


        Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp, hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm trong năm 1975. Bộ Chính trị xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn, nhưng trước mắt cần phải tiêu diệt ngay quân đoàn 1 ngụy.

        Đến ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị lại họp và nhận định: Thời cơ chiến lược lớn đã tới. Trong suốt 20 năm chống Mỹ, cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này, do đó cần: Nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt... Và, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa (tháng 5 năm 1975).

        Cả nước tập trung sức người sức của cho chiến dịch cuối cùng kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. ở miền Bắc, thanh niên nam nữ trong các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, công trường, trường học hăng hái lên đường nhập ngũ. Mọi phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không đều được huy động tối đa để chi viện cho mặt trận.

        Trên quốc lộ số 1 và các trục đường chiến lược, từng đoàn xe chở bộ đội, xe chở hàng hóa, xe kéo pháo nối nhau ngày đêm chạy về phía nam. Các quân đoàn, binh đoàn chủ lực của ta từ khắp nơi cũng được lệnh hội quân về Mặt trận Sài Gòn.

        Ngày 26 tháng 3 năm 1975, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) trên cơ sở tổ chức khối chủ lực của Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thành một lực lượng cơ động chiến lược của Bộ, phát triển xuống phía Nam tham gia giải phóng Sài Gòn.

        Trung đoàn 27 của tôi đang lao động trên công trường đắp đê sông Đáy, phân lũ sông Hồng thuộc huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình, thì sáng ngày 16 tháng 3 năm 1975 nhận được lệnh của sư đoàn: "Trung đoàn tổ chức hành quân cơ động gấp từ vị trí đắp đê để đi nhận nhiệm vụ chiến đấu".

        Tin trung đoàn ngừng lao động, lên đường đi chiến đấu được truyền nhanh khắp công trường.

        Bây giờ không ai còn băn khoăn với câu hỏi bao giờ ra trận nữa. Việc Quân đoàn 1 đến lúc này vẫn chưa được trên giao nhiệm vụ chiến đấu là nằm trong kế hoạch nghi binh chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh. Vì địch luôn theo dõi Quân đoàn 1 - đơn vị dự bị chiến lược của Bộ. Khi thấy Quân đoàn 1 vẫn "chưa động binh", chúng đoán rằng ta chưa thể đánh lớn. Hơn nữa, địch càng chưa thể dự đoán ta có ý đồ tổ chức một trận quyết chiến chiến lược đánh vào Sài Gòn để giải quyết chiến tranh.

        Thấy bộ đội chuẩn bị hành quân, nhân dân mỗi người một tay giúp các chiến sĩ của trung đoàn. Các cụ phụ lão chọn những cây tre già, dày đốt làm cho anh em những chiếc đòn khiêng pháo. Có đơn vị anh nuôi còn nhận được cả những chiếc sọt tre đan vội nan không kịp vót. Thôn xóm có bộ đội ở nhộn nhịp như ngày hội. Bà con coi việc giúp bộ đội lên đường ra trận là trực tiếp góp công, góp sức của mình cho tiền tuyến.

        Hôm tiễn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 lên đường ra trận là hôm để lại trong cán bộ, chiến sĩ niềm xúc động khó quên. Các bà, các mẹ, các cô thôn nữ không cầm nổi nước mắt. Tiếng cười hòa với nước mắt chan hòa trên khuôn mặt mọi người.

        Tôi có cảm tưởng, nếu không kiên quyết ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị thổi còi và ôtô không nổ máy giục giã thì thật khó mà dứt đi được. Khi đoàn xe đã đi xa, người dân vẫn đứng giơ tay vẫy chào lưu luyến.

        Trung đoàn 27 là đơn vị đi đầu đội hình sư đoàn và đội hình quân đoàn. Theo tôi, ý định của cấp trên là tăng cường trung đoàn cho Mặt trận Huế nếu ở đây gặp khó khăn. Trung đoàn chia thành hai khối. Khối một, xuất phát lúc 12 giờ ngày 18 tháng 3 tại ga Cầu Yên. Khối hai, xuất phát lúc 16 giờ ngày 19 tháng 3 cũng tại ga Cầu Yên.

        Tàu hỏa, tiếp đó là các đoàn xe vận tải xanh lá ngụy trang của Binh trạm 1, Đoàn 559 đưa trung đoàn đến vị trí tập kết ở xã Vĩnh Chấp và Vĩnh Thành (khu vực Vĩnh Linh) vào ngày 23 tháng 3.

        Tiểu đoàn tân binh gần 700 đồng chí bổ sung cho trung đoàn cũng có mặt ở vị trí tập kết.

        Từ ngày 23 tháng 3 đến 24 tháng 3, Ban chỉ huy trung đoàn khẩn trương bàn công tác chuẩn bị: kiện toàn tổ chức biên chế chiến sĩ mới, bổ sung trang bị, vũ khí, đạn dược.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #111 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 11:19:10 pm »


        Hai giờ chiều ngày 23 tháng 3 năm 1975, tôi và anh Trịnh Văn Thư có mặt ở sở chỉ huy sư đoàn. Tôi và anh Thư vừa ngồi xuống, anh Lưu Bá Xảo - Sư đoàn trưởng, nói luôn:  - Tình hình trên chiến trường đang diễn biến rất khẩn trương. Địch đang trên đà tan rã lớn về tổ chức, suy sụp về tinh thần. Theo lệnh của Bộ, sư đoàn chỉ dùng Trung đoàn 27 của các đồng chí cùng với Tiểu đoàn 66 xe tăng Lữ đoàn 202 nhanh chóng đánh chiếm đèo Hải Vân. Sau đó phát triển phối hợp với các đơn vị đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, bán đảo Sơn Trà.

        Anh Đỗ Mạnh Đạo - Chính ủy sư đoàn bổ sung: - Trước mắt, cần động viên quyết tâm chiến đấu thật cao của cán bộ, chiến sĩ. Thực hiện tốt năm yêu cầu của Quân ủy Trung ương để quyết đánh thắng: Kịp thời nhất; nhanh chóng nhất; táo bạo nhất; bất ngờ nhất; chắc thắng.

        Anh Lưu Bá Xảo nhấn mạnh: - Tình thế rất khẩn trương, ngay chiều nay sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn và các đơn vị tăng cường cho trung đoàn sẽ hành quân gấp. Anh Hiệu có ý kiến gì không? - Tôi sẽ về tổ chức cho bộ đội thực hiện.

        Các anh về khẩn trương chuẩn bị bước vào chiến đấu.  16 giờ ngày 25 tháng 3, tiểu đoàn xe ô tô vận tải của Trung đoàn 13, Đoàn 559 do anh Thi làm Trung đoàn trưởng đã có mặt tại trung đoàn. Chúng tôi tổ chức ba xe chở cán bộ và trinh sát đi đầu làm nhiệm vụ xem xét địa hình, nắm địch và giữ vững liên lạc với đại quân phía sau.

        Đoàn xe chuẩn bị xuất phát thì đồng chí Nguyễn Hòa - Tư lệnh và đồng chí Hoàng Minh Thi - Chính ủy quân đoàn đến động viên. Đồng chí Chính ủy căn dặn: "Các đồng chí phải cắm bằng được lá cờ quyết thắng lên bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng".

        12 giờ đêm ngày 26 tháng 3, Trung đoàn 27 đã vào tới Huế. Huế vừa được giải phóng. Trên các đường phố, các công sở, dọc hai bờ sông Hương rợp cờ đỏ sao vàng, cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận dân tộc giải phóng. Đây đó còn những xác xe tăng, xe GMC của địch bị ta bắn cháy nằm ngổn ngang hai bên đường, có nhiều chiếc xe do quân địch hoảng loạn bỏ lại còn nguyên vẹn. Từng tốp bộ đội và du kích tay đeo băng đỏ, trang phục gọn gàng mang súng đứng gác. Sau cơn mưa, phố xá như vừa được rửa sạch, không khí nhẹ hẳn.

        Vượt cầu Tràng Tiền, đoàn xe nhằm đèo Hải Vân lao tới. Ba xe trinh sát do tôi chỉ huy vượt lên đỉnh đèo Chúng tôi vừa vui mừng vừa ngỡ ngàng thấy lá cờ giải phóng đã được cắm ngay trên đỉnh đèo đang tung bay.

        Biết mục tiêu đèo Hải Vân đã được đơn vị bạn giải quyết tôi nói các anh em lái xe: - Vượt đèo đuổi theo! Mục tiêu của chúng ta là bán đảo Sơn Trà.

        Sáng ngày 29 tháng 3, ba chiếc xe vận tải nối tiếp nhau chạy về phía Đà Nẵng. Đà Nẵng đã rợp bóng cờ và sắc áo Quân giải phóng. Được tin Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đang ở sân bay Đà Nẵng, tôi cho xe tìm đến. Vừa bước vào Sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 2, tôi gặp đồng chí Nguyễn Hữu An - Tư lệnh quân đoàn. Tôi báo cáo: - Theo hiệp đồng, chúng tôi đã đến đúng thời gian, nhưng địch thua nhanh quá.

        Đồng chí Nguyễn Hữu An cười vui, nói: - Theo kế hoạch, Trung đoàn 27 cùng với một đơn vị của Quân đoàn 2 tổ chức thành một cánh quân theo trục đường 1 đánh vào thành phố. Nhưng ta mới đánh đến đèo Hải Vân thì lực lượng của Quân khu 5 đã đánh vào, giải phóng thành phố Đà Nẵng rồi. Theo lệnh của Bộ, Trung đoàn 27 đã có nhiệm vụ mới, đó là trở lại đội hình của Quân đoàn 1 để tham gia chiến dịch sắp tới.

        Lúc này, anh em tổ đài 15W Bộ Tổng tham mưu tăng cường cho trung đoàn đưa điện của Bộ Tổng tham mưu, lệnh cho trung đoàn quay ra Đông Hà nhận trang bị bổ sung rồi theo đường Hồ Chí Minh vào tập kết ở Đồng Xoài. Nhận được lệnh, tôi hội ý Ban chỉ huy trung đoàn. Tôi nói: - Thời cơ đánh vào hang ổ của kẻ thù đã đến rồi, Trung đoàn 27 sẽ "Hành quân thần tốc Quyết thắng" tham gia chiến dịch.

        Chào tạm biệt đồng chí Tư lệnh Quân đoàn 2 Nguyễn Hữu An, tôi cho đoàn xe quay trở lại Đông Hà.

        Tôi được biết, ngay từ ngày 18 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương đã đề ra chủ trương lớn về trận quyết chiến đánh vào Sài Gòn - Gia Định. Ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị có Nghị quyết và tiếp đó Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo cụ thể. Nghị quyết Bộ Chính trị chỉ rõ: Nắm thời cơ, tập trung nhanh nhất lực lượng (từ 12 sư đoàn trở lên), tập trung binh khí, kỹ thuật và vật chất giải quyết xong Sài Gòn - Gia Định trước mùa mưa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #112 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 11:22:12 pm »


        Về cách đánh Sài Gòn, Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng tư lệnh xác định: Đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn bằng lực lượng đột kích mạnh, có binh chủng hợp thành. Tiến công thật mạnh và dồn dập đến toàn thắng; vừa phát động tiến công ở ngoại vi, vừa có lực lượng sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm từ nhiều hướng, thực hiện trong đánh ra, ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy.

        Lúc này, về phía địch, lực lượng quân đoàn 3 cùng tàn quân quân đoàn 1, quân đoàn 2 và tổng dự bị rút về, đã tổ chức phòng thủ quân khu 3 và Sài Gòn - Gia Định. ý định của chúng là: Tăng cường phòng thủ tuyến ngoài mạnh như Tân An, Hậu Nghĩa, Củ Chi, Đồng Dù, Bến Cát, Phú Lợi, Hố Nai, Long Bình; nội đô tổ chức thành từng khu vực phòng thủ. Hướng bắc và tây bắc Sài Gòn địch chú ý tăng cường lực lượng. Hướng tây và tây nam địch sơ hở hơn. Hướng đông địch dựa vào hai con sông lớn và có tăng cường lực lượng phòng ngự khá vững chắc.

        Địch tổ chức phòng thủ, bố trí lực lượng xung quanh Sài Gòn - Gia Định như sau: Tuyến ngoại vi có năm sư đoàn và hai lữ đoàn.

        Sư đoàn 22 ở Long An, Bến Lức. Sư đoàn 25 ở Tây Ninh, Trảng Bàng, Củ Chi, Đồng Dù, Hậu Nghĩa. Sư đoàn 18 ở Bầu Cá, Trảng Bom, Suối Đìa. Sư đoàn lính thủy đánh bộ ở Long Bình. Lữ đoàn 3 kỵ binh ở Biên Hòa, Long Bình. Lữ dù giữ Bà Rịa. Sư đoàn biệt động quân (ba liên đoàn) mới thành lập, tổ chức ba khu: Khu bắc gồm Hóc Môn, Cầu Bông trở vào Tân Sơn Nhất, khu tây gồm Vĩnh Lộc, Châu Hiệp, Bà Hoàn, Bình Chánh. Khu nam gồm Nhà Bè, Nhơn Trạch...

        Tuyến nội đô, chúng tổ chức thành năm liên khu, mỗi liên khu gồm hai quận, do lực lượng cảnh sát phòng vệ dân sự phụ trách.

        Qua hình thái bố trí của địch ta thấy, vòng ngoài có lực lượng mạnh, bên trong sơ hở, không có lực lượng tăng viện. Chúng chú trọng tăng cường một số điểm then chốt, tăng cường chướng ngại trên các ngả đường nhưng còn giản đơn, với ý định nếu bị đánh, cố giữ bên ngoài rồi co dần về bảo vệ bên trong.

        Về phía ta, khí thế và quyết tâm rất cao, lại có khả năng tập trung lực lượng ưu thế hơn hẳn địch cả về số lượng (ta 15 sư đoàn, địch sáu sư đoàn) và chất lượng. Chủ lực ta gồm có Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn mạnh). Binh chủng kỹ thuật ta có: 20 lữ đoàn, trung đoàn và tám tiểu đoàn pháo binh; ba lữ đoàn, trung đoàn và sáu tiểu đoàn xe tăng thiết giáp; tám lữ đoàn, trung đoàn và hai tiểu đoàn đặc công; bốn trung đoàn và mười tiểu đoàn thông tin; hai sư đoàn ôtô vận tải; ngoài ra còn có lực lượng không quân và hải quân...

        Trong cuộc họp ngày 1 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị quyết định tăng cường sự lãnh đạo tại chỗ đối với chiến dịch ba đồng chí ủy viên Bộ Chính trị: Lê Đức Thọ, Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng.

        Ngày 8 tháng 4 quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm: Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy. Các đồng chí Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Trung tướng Lê Đức Anh - Phó tư lệnh, Trung tướng Lê Quang Hòa - Phó Chính ủy.

        Ngày 2 tháng 4 năm 1975, một cán bộ tham mưu Đoàn 559 mang đến cho tôi mệnh lệnh của Thiếu tướng Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng. Mệnh lệnh viết: "Gửi Trung đoàn 27.

        Nhận được điện này, các đồng chí tổ chức cho đơn vị hành quân ngay ra Đông Hà cùng đội hình Sư đoàn đi làm nhiệm vụ mới. Đúng 1 giờ ngày 3 tháng 4 phải có mặt".

        Đồng chí cán bộ tham mưu còn cho biết thêm tiểu đoàn xe vận tải của Trung đoàn 990 đã quay lại đưa trung đoàn về Đông Hà. Tôi hội ý Ban chỉ huy trung đoàn thống nhất đội hình và phương án hành quân. Mệnh lệnh hành quân được truyền đi khắp trung đoàn. Nhận được lệnh ai nấy đều phấn chấn, chỉ sau 30 phút, các đơn vị đã có mặt đầy đủ bên đường quốc lộ số 1.

        Nửa đêm ngày 3 tháng 4 cả đội hình trung đoàn đã về đến vị trí quy định là hậu cứ của một đơn vị thuộc sư đoàn vận tải Đoàn 559 đóng tại Đông Hà.

        Sáng ngày 4 tháng 4, trung đoàn đã tiến hành cấp phát trang bị cho bộ đội. Những thứ chưa kịp cấp phát thì bỏ lên xe, hành quân đến chỗ tạm dừng thì cấp phát tiếp.

        14 giờ cùng ngày, đoàn xe chở Trung đoàn 27 được lệnh xuất phát từ Đông Hà qua Khe Sanh theo đường Hồ Chí Minh tây Trường Sơn nhằm hướng nam thẳng tiến.

        Thời gian trôi đi vùn vụt. Tình hình chiến trường hết sức khẩn trương. Cách mạng nước ta đang ở giai đoạn một ngày bằng hai mươi năm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #113 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:00:59 pm »


        Lúc này cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đều hiểu sâu sắc hơn về thời cơ và thời gian còn lại. Thời cơ bao nhiêu năm mới có một lần. Thời cơ là sức mạnh! Thời gian là lực lượng, là chiến thắng! Chậm một giờ một phút là có tội với dân tộc với lịch sử. Do vậy những công việc chuẩn bị phức tạp trước đây phải giải quyết hàng tuần hàng tháng, thì nay được hoàn thành trong một ngày, một buổi.

        Trung đoàn đi sau đội hình sư đoàn một ngày nhưng nhờ hiệp đồng chặt chẽ với tiểu đoàn xe vận tải Đoàn 559 nên đã thực hiện thường xuyên đi gọn đến đủ và an toàn từng cung, từng trạm.

        Đường Hồ Chí Minh vào thời điểm này trở nên quá tải. Xe chở bộ đội, chở hàng hóa, xe kéo pháo, xe tăng, xe thiết giáp nối nhau chạy về phía Nam.

        Cả Trường Sơn rùng rùng chuyển động. Đội hình hành quân của Trung đoàn 27 nối liền với đội hình của sư đoàn và các đơn vị bạn trải dài theo con đường mang tên Bác.

        Các đơn vị được lệnh đi cả ngày lẫn đêm, chỉ dừng lại ở những chỗ có nước cho bộ đội thổi cơm. Thời gian thổi cơm được quy định sít sao. Xe nào thổi cơm không kịp phải mang cả nồi lên xe thổi tiếp.

        Ngày đầu trung đoàn đi được khoảng 100 ki-lô-mét, rồi dần dần tăng lên 150-200 ki-lô-mét. Có ngày đạt kỷ lục 300 ki-lô-mét.

        Xe chạy suốt ngày đêm bụi cuốn mịt mù, những cánh rừng đại ngàn rung chuyển, ầm ào trong tiếng máy nổ của các loại xe.

        Có đi trên đường mang tên Bác những ngày này mới thấy hết được tầm vóc vĩ đại, trí thông minh và tài sáng tạo của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, mới thấy hết được thế vững chắc của tuyến vận tải chiến lược mà kẻ địch không thể làm gì nổi.

        Giờ đây, đi qua các trọng điểm, xe không phải tạm lánh chờ đêm xuống để đi như trước mà đàng hoàng vượt trọng điểm ngay giữa ban ngày.

        Đã vào những tháng cuối của mùa khô. Trời vẫn nắng nóng hầm hập. Mặt đất như bị nung lên, bị đốt cháy dưới nắng lửa. Nóng và bụi. Chưa bao giờ cán bộ, chiến sĩ ta gặp một cảnh bụi khủng khiếp đến như vậy. Có những đoạn, xe sau cách xe trước chỉ năm, bảy mét cũng không nhìn thấy nhau.

        Những cánh rừng xanh giờ được khoác trên mình tấm áo choàng đỏ màu đất bazan kéo dài hàng chục ki-lô-mét. Bộ đội mỗi người một khẩu trang che kín miệng. Đầu tóc, quần áo, bụi nhuộm đỏ quạch. Bụi chui vào lỗ tai, vào mũi. Không khí như đặc quánh lại ngột ngạt. Thế nhưng, xe vẫn nối nhau lầm lũi lao đi trong cơn bão bụi kinh khủng ấy.  Nóng và bụi đi liền với khát. Đi trên đường Trường Sơn trong những ngày này, bi đông chỉ là chai nước rất nhỏ trong cơn khát đường dài. Xe chạy cả ngày, đường chỉ một cảnh cát bụi và nắng nóng. Những đoạn ngầm, những con suối hung dữ trước kia nay đã trơ những đá cùng sỏi. May mắn lắm mới gặp được một khe suối nhỏ còn đọng lại một vài vũng nước. Thế là, các đơn vị lao xuống chắt lấy từng bát chia cho bộ đội.

        Đến bắc Tây Nguyên, qua đèo ăm Pun rồi đèo Dốc Nứa, hàng trăm xe ùn lại vì một chiếc xe bị sa lầy. Giữa lúc ấy, một cán bộ của Đoàn 559 chuyển mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng, 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ.

        Văn 7-4-75 Mệnh lệnh "thần tốc" của Đại tướng được nhanh chóng phổ biến tới từng người. Khẩu hiệu "Thần tốc táo bạo" được các chiến sĩ viết vội dán ở đầu xe, ở trên mũ... Nhưng, chiếc xe bị sa lầy vẫn chưa được khắc phục, xe phía sau dồn lại kéo dài gần chục ki-lô-mét. Mọi người đều sốt ruột chưa biết làm cách nào để thông đường.

        Một vài đồng chí lái xe của trung đoàn 13 Đoàn 559, tuổi khá cao, nhập ngũ từ năm 1959, dày dạn trận mạc nhưng hơi có chút công thần. Cán bộ, chiến sĩ trung đoàn yêu cầu họ cho xe tránh sang một bên để cho đoàn xe trung đoàn của tôi vượt lên nhưng họ không chịu. Tôi đến gặp họ và tự giới thiệu: "Tôi là Nguyễn Huy Hiệu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27. Các anh có nghe mệnh lệnh thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không? Các anh phải chấp hành sự hướng dẫn của anh em chúng tôi".

        Nghe tôi nói vậy, một số anh em lái xe đã biết tên tôi nói với nhau: "Nghe tên từ lâu giờ mới được gặp ông ấy trẻ thế mà đã là trung đoàn trưởng".

        Thế rồi không ai bảo ai tất cả đều chấp hành theo sự hướng dẫn của anh em chúng tôi. Các đồng chí cho xe lùi vào bên, nhường đường cho đoàn xe chúng tôi. Đội hình trung đoàn dồn lên nhưng chiếc xe sa lầy vẫn chưa khắc phục được. Tôi quyết định dùng Tiểu đoàn 5 mở con đường tránh. Anh em ai có cuốc dùng cuốc, có xẻng dùng xẻng, có dao dùng dao. Người chặt cây, người san đất. Sau gần hai giờ, con đường gần một cây số đã hoàn thành. Đoàn xe tiếp tục lăn bánh...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #114 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:06:00 pm »


        Đoàn xe chạy ra đường 14, con đường trải nhựa phẳng lỳ. Về đêm, đèn các xe bật sáng, đoàn xe dài gần chục cây số không khác gì con rồng khổng lồ đang uốn lượn.

        Ngày 10 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 27 chúng tôi đến thị xã Buôn Ma Thuột - nơi vừa diễn ra cuộc tiến công chiến lược mở màn cho cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân của quân dân ta.

        Dọc đường còn ngổn ngang dây thép gai, xác xe, pháo địch...

        Những ngày này, thị xã Buôn Ma Thuột trở nên chật chội bởi những đoàn xe từ Trường Sơn đổ về ngày càng nhiều. Xe tên lửa, xe kéo pháo dài như toa tàu ngụy trang kín mít. Xe công binh chở phà, chở thuyền cồng kềnh. Xe tải đầy ắp hàng. Những chiếc xe tăng T.54, T.58, xe bọc thép K63 thân đỏ bụi đường... tất cả đều hối hả chạy về miền Đông Nam Bộ.

        Ngồi trên xe không mui, nắng bụi làm mặt mọi người sạm lại. Nhưng nét mặt ai cũng rất tươi. Tới Bình Phước, xe chạy giữa các lô cao su. Có chỗ năm đến bảy đường ôtô. Những ngã ba, ngã tư có hàng chục biển chỉ đường với nhiều ký hiệu khác nhau: A100, A300, T500... từng đơn vị nhận ra đường của mình qua các ký hiệu riêng ấy. ở các trạm ba-ri-e, sĩ quan tham mưu cùng với các chiến sĩ công binh, trinh sát, truyền đạt thức suốt đêm ngày để hướng dẫn cho các đoàn quân và các đoàn xe vào đúng vị trí tập kết.

        Ngày 10 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 27 đã có mặt ở Đồng Xoài thuộc tỉnh Phước Long, trong một cánh rừng cao su. Từ đây, theo đường chim bay chỉ cách địch 50 ki-lô-mét. Đây cũng là mảnh đất cửa ngõ Đông Nam Bộ. Hàng ngày địch vẫn cho máy bay đến ném bom bắn phá vào những cánh rừng cao su, nơi chúng nghi có lực lượng ta.

        Đêm đầu tiên nằm võng trong cánh rừng cao su và rừng khộp Đồng Xoài, tôi nghĩ lại chặng đường hành quân vừa qua quả là thần tốc. Vượt gần 2.000 ki-lô-mét chỉ mất 12 ngày. Cuộc hành quân này có khác gì cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung trong mùa xuân Kỷ Dậu (1789) từ Phú Xuân ra Thăng Long để đánh tan 29 vạn quân Thanh. Hôm nay các binh đoàn chiến lược của quân đội ta lại rầm rập hành quân từ mảnh đất Ninh Bình nơi hội quân của Quang Trung chuẩn bị đánh vào Thăng Long. Hai cuộc hành quân tuy rất xa nhau về thời gian nhưng đều chung một mục đích: Đánh đuổi quân xâm lược, diệt bè lũ bán nước tay sai giành lại độc lập tự do và thống nhất đất nước.

        Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh nhiều cuộc hành quân kỳ diệu nhưng có lẽ chưa có một cuộc hành quân nào lại trùng điệp với sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân mà Đảng ta đã biết phát huy cao độ như trong cuộc hành quân thần tốc, vĩ đại này.

        Trong thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Bộ tư lệnh Khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân thực hiện gấp rút, nhằm thời cơ thuận lợi đánh chiếm các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm đóng thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 14 tháng 4, bộ đội ta giải phóng đảo Song Tử Tây. Từ ngày 25 đến 29 tháng 4, ta giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa...

        Cũng trong ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị gửi điện cho Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn: Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn có kết hợp với nổi dậy của quần chúng, kết thúc chiến tranh. Đó là trận quyết chiến chiến lược lịch sử.

        Ngay tối hôm đến Đồng Xoài, Đảng ủy Trung đoàn đã họp và ra Nghị quyết lãnh đạo đơn vị. Năm ngày tạm dừng ở Đồng Xoài, Ban chỉ huy trung đoàn chúng tôi tranh thủ từng giờ từng phút làm công tác chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ chiến đấu, đồng thời tổ chức huấn luyện hiệp đồng giữa bộ binh và các đơn vị xe tăng, bộ binh với các đơn vị pháo binh, công binh... cách đánh địch trong hành tiến và cách đánh địch trong thành phố. Tôi chỉ đạo các đơn vị cứ một cựu binh thì hướng dẫn dìu dắt cho hai tân binh. Đơn vị cũng tranh thủ học tập chính sách của Mặt trận dân tộc giải phóng khi vào thành phố.

        Những ngày này, tôi còn nhớ một chuyện đau lòng đã xảy ra. Trung đội công binh đi đầu, trong khi đang khắc phục cầu sắt ở Đồng Xoài thì máy bay địch ập tới ném bom trúng đội hình, 36 cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh.

        3 giờ ngày 18 tháng 4 năm 1975, tôi nhận được điện của Tư lệnh Sư đoàn Lưu Bá Xảo: "Tổ chức cho đơn vị hành quân về khu vực Mã Đà, phía nam sông Bé. Chỉ huy cấp trưởng từ đại đội trở lên về sư đoàn nhận nhiệm vụ”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #115 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:09:32 pm »


        Nhận được điện, tôi hội ý Ban chỉ huy Trung đoàn, thống nhất: Tôi và anh Trịnh Văn Thư - Chính ủy và đại đội cấp trưởng trở lên tách khỏi đội hình hành quân về sở chỉ huy Sư đoàn. Bộ đội vẫn tiếp tục hành quân do Trung đoàn phó Đặng Ngọc Châu và Phó Chính ủy Nguyễn Văn Ký chỉ huy.

        Suốt từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, các đơn vị bộ binh lặng lẽ hành quân cắt rừng, xuyên qua chiến khu Đ. Cùng lúc đó, những chiếc xe tăng, xe kéo pháo hạng nặng, pháo binh, công binh, cao xạ giấu mình trong những cành lá ngụy trang, nối với những đoàn xe ôtô vận tải đầy ắp gạo, đạn từ Đồng Xoài chạy theo con đường "Ba Thước" rồi ngoặt về Bến Bàu.

        Các chiến sĩ bộ binh, ngoài quân trang mỗi người còn phải mang thêm gần 30 ki-lô-gam súng đạn, lương thực. Bộ phận hỏa lực có người còn mang tới 40, 50 ki-lô-gam. Tuy mang vác nặng, lại hành quân trong những ngày nắng nóng của miền Đông Nam Bộ, nhưng mọi người đều cố gắng. Không một ai chịu dừng lại, không một ai chịu san bớt cho người khác.

        Đường mòn ở đây ngang dọc, chỉ tụt lại vài chục mét là có thể bị lạc. Lại nói về cái khát. Mùa này, cả cánh rừng khát nước. Những hố bom sâu khô khốc. Những con suối biến thành đường, hiếm hoi lắm mới đọng lại được vài vũng nước nhỏ. Bộ đội phải mang bi đông, nylon đi hai, ba cây số để lấy nước. Có hành quân qua đây trong những ngày này mới thấy hết sự gian khổ, hy sinh mà đồng bào và chiến sĩ miền Đông Nam Bộ đã trải qua suốt mấy chục năm kháng chiến, để giữ vững căn cứ địa miền Nam.

        Chiều ngày 21 tháng 4, Trung đoàn 27 vào tới khu vực tập kết theo quy định.

        20 giờ 15 phút hôm đó, khi Nguyễn Văn Thiệu đang đọc diễn văn từ chức tổng thống ngụy trên Đài phát thanh Sài Gòn, thì tôi được sư đoàn thông báo: Sở chỉ huy sư đoàn 5 ngụy đã chuyển về Phú Lợi, chiến đoàn 7 có thể về nam Phước Vĩnh. Địch đưa hai tiểu đoàn bảo an lên tuyến đường số 8 và tăng cường một đại đội của sư đoàn 5 chốt ở Tân Uyên, lập tuyến phòng thủ từ xa.

        Những ngày này, bọn địch ở đây ra sức đối phó, bằng những phương tiện trinh sát hiện đại, chúng đoán đường 13 sẽ là một hướng bị quân ta tiến đánh. Chúng hốt hoảng khi biết một số đơn vị thuộc lực lượng dự bị chiến lược của ta có mặt ở Nam Bộ.

        Bộ tổng tham mưu ngụy liền đưa máy bay đánh xăm, hòng phá sự chuẩn bị của ta. Lê Nguyên Vỹ, tư lệnh sư đoàn 5 ngụy lệnh cho các trận địa pháo ở Lai Khê, Bến Cát, Phước Vĩnh bắn tối đa vào các khu vực mà chúng nghi có quân ta tập kết. Trên trời, máy bay trinh sát của địch vè vè quần đảo suốt ngày. Chúng kết hợp dùng không quân với biệt kích, thám báo tăng cường trinh sát, đánh phá trên trục đường 13, ngầm Rang Rang và những khúc sông chúng nghi có bến vượt của quân ta.

        Ngày 20 tháng 4 năm 1975, tại sở chỉ huy của khu suối Mã Đà, Tư lệnh sư đoàn Lưu Bá Xảo chính thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị và tổ chức hiệp đồng chiến đấu. Tấm bản đồ quyết tâm chiến đấu treo sát vách đá, nổi bật dòng chữ: "Quyết tâm chiến đấu của sư đoàn 320B Quân đoàn 1: Thọc sâu trên hướng bắc Sài Gòn", như có sức hút kỳ diệu sự chú ý của mọi người.

        Mở đầu, Tư lệnh sư đoàn Lưu Bá Xảo báo cáo tình hình chung trên chiến trường giữa ta và địch, về thời cơ chiến lược... Đồng chí cho biết: - Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong thời gian ngắn nhất bằng lực lượng đột kích mạnh, liên tục, vừa đánh ở ngoại vi, vừa chọc thẳng vào trung tâm thành phố với tinh thần thần tốc, bất ngờ.

        Mục tiêu tác chiến cụ thể của quân đoàn có sự thay đổi. Từ đánh dinh Độc Lập, đài phát thanh, chuyển sang đánh chiếm bộ tổng tham mưu, tiểu khu Gia Định và khu bộ tư lệnh các binh chủng quân ngụy.

        Về kế hoạch tác chiến của quân đoàn được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu đánh mở cửa, triển khai đội hình chuẩn bị tổng công kích. Giai đoạn sau, thực hành tổng công kích, tiến công trên hai hướng.

        Hướng chủ yếu, thọc sâu vào Sài Gòn - Gia Định tiến theo đường Bình Chuẩn, cắt ngang đường số 8, xuống Lái Thiêu, vượt sông Sài Gòn đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy, tiểu khu Gia Định, khu bộ tư lệnh các binh chủng và quận lỵ Gò Vấp. Hướng này do Sư đoàn 320B cùng các lực lượng tăng cường đảm nhiệm, tiến công bằng binh chủng hợp thành có sức đột kích mạnh, nhanh chóng đánh vào mục tiêu chính.

        Hướng thứ hai, hướng quan trọng, đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, chốt chặn đường 13, bao vây, chia cắt tiêu diệt sư đoàn 5 nguy, tạo thế thuận lợi cho hướng thọc sâu. Hướng này do Sư đoàn 312 cùng lực lượng tăng cường đảm nhiệm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #116 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:12:38 pm »


        Như vậy, trừ Sư đoàn 308 ở lại hậu phương làm nhiệm vụ dự bị nghi binh chiến lược của Bộ, hai Sư đoàn 312 và 320B cùng các đơn vị binh chủng khác đều đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng.

        Sư đoàn 320B được tăng cường Tiểu đoàn xe tăng thiết giáp 66 (Lữ đoàn 202), Trung đoàn cao xạ 280 (Sư đoàn 367), tiểu đoàn công binh cầu phà, Tiểu đoàn ôtô vận tải 51.

        Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị trong sư đoàn như sau:  Trung đoàn 48 được tăng cường 2 đại đội xe tăng, một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 và 57 ly, hai đại đội súng phun lửa, một trung đội tên lửa B72 và một tiểu đoàn ôtô vận tải, đảm nhiệm hướng chủ yếu đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.

        Trung đoàn 27 được tăng cường một đại đội xe tăng, một tiểu đoàn cao xạ 37, 57 ly, hai đại đội pháo binh, một đại đội 121y7, một trung đội súng phun lửa, một đại đội vận tải, có nhiệm vụ đánh chiếm đường 16, đoạn từ Tân Uyên đến Bình Cơ mở cửa cho sư đoàn đưa lực lượng vào chuẩn bị thọc sâu kết hợp lực lượng thọc sâu bằng cơ giới với lực lượng luồn sâu ém sẵn tiến công tiêu diệt tuyến "tử thủ” của địch ở Lái Thiêu, mở đường cho mũi thọc sâu của Trung đoàn 48 đánh vào bộ tổng tham mưu ngụy.

        Trung đoàn pháo binh 54 và các đơn vị pháo cao xạ được tăng cường có nhiệm vụ chi viện cho bộ binh đánh chiếm các mục tiêu và bảo vệ đội hình tiến công của sư đoàn.

        Trung đoàn 64 làm nhiệm vụ dự bị.

        Tư lệnh Lưu Bá Xảo rất trăn trở, làm sao đánh lướt được tuyến phòng thủ gần 90 ki-lô-mét để thọc thẳng vào cơ quan đầu não chiến tranh của địch.

        Đội hình tiến công hàng trăm xe, pháo các loại mà địa hình chưa ai biết sẽ giải quyết ra sao. Cầu cống khi ta tiến công, địch phá thì khắc phục vượt sông như thế nào, v.v... Cuối cùng đồng chí Tư lệnh sư đoàn kết luận: - Trong chiến đấu thọc sâu phải phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng, đánh nhanh đánh mạnh, áp đảo quân địch, phải nắm chắc thời cơ, thần tốc, táo bạo, bất ngờ, bao vây, chia cắt tiêu diệt địch.

        Không biết đường thì dựa vào nhân dân hoặc bắt tù binh dẫn đường. Đề phòng địch phá cầu chỉ có cách là đánh mạnh, đánh nhanh, làm cho địch không kịp phá.

        Chính ủy sư đoàn Đỗ Mạnh Đạo, thay mặt Đảng ủy và Bộ tư lệnh Sư đoàn trao cho Trung đoàn 48 lá cờ Giải phóng sẽ cắm lên nóc nhà bộ tổng tham mưu ngụy...

        Tại vị trí tập kết, Trung đoàn 27 tổ chức hội nghị quân chính toàn trung đoàn. Mở đầu, anh Trịnh Văn Thư - Chính ủy trung đoàn nói: Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch mang tầm vóc lịch sử lớn nhất trong 30 năm qua của quân đội ta, đánh vào hang ổ cuối cùng của Mỹ - ngụy, giành thắng lợi hoàn toàn cho dân tộc, cho cách mạng Việt Nam. Được tham dự trận đánh cuối cùng này là vinh dự và niềm tự hào của mọi người.

        Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đoàn hãy vượt qua gian khổ hy sinh, đạp bằng hiểm nguy, mang lá cờ bách chiến bách thắng của quân đội tới đích cuối cùng.

        Sau khi anh Trịnh Văn Thư động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Tôi trình bày kế hoạch tác chiến, Tôi nói: - Trung đoàn 27 chúng ta được tăng cường một đại đội xe tăng thiết giáp, một tiểu đoàn pháo cao xạ 37 và 57 ly, một đại đội xe ôtô vận tải, một đại đội súng 12 1y 7, một đại đội pháo 85 ly, một đại đội cối 120 ly, một đại đội vận tải, một phân đội công binh, một phân đội súng phun lửa bốn khẩu, một đội phẫu. Quá trình chiến đấu được lựu pháo 122 của sư đoàn chi viện. Có nhiệm vụ: Dùng một tiểu đoàn bộ binh đánh chiếm đoạn đường 16 từ Bình Cơ đến dốc Bà Nghĩa trong đêm 27 tháng 4 để mở rộng hành lang cho sư đoàn thọc sâu. Dùng một tiểu đoàn bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật tiến công bằng cơ giới, là lực lượng chủ yếu tiến công đánh chiếm khu quân binh chủng ngụy ở Gò Vấp.

        Trung đoàn là lực lượng đi đầu đội hình thọc sâu của sư đoàn đánh chiếm tuyến tử thủ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chủ yếu của sư đoàn phát triển đánh chiếm bộ tổng tham mưu ngụy.

        Quyết tâm của trung đoàn: Tập trung toàn bộ lực lượng sẵn có, với sức mạnh hiệp đồng binh chủng, nêu cao tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể, kiên quyết đạp bằng mọi khó khăn gian khổ, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên. Nắm vững thời cơ, thần tốc, táo bạo, thọc sâu chia cắt địch, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện mở rộng hành lang đúng thời gian. Kết hợp chặt chẽ lực lượng luồn sâu và lực lượng cơ giới, đánh từ trong ra, đánh từ ngoài vào bằng hiệp đồng binh chủng, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn, không để mất thời gian. 
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #117 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:17:49 pm »


        Dừng một lúc, tôi nói tiếp:

        - Về cách đánh, chuẩn bị khẩn trương, mở rộng hành lang đúng thời gian. Bộ binh áp sát mục tiêu có hỏa lực chuẩn bị trước. Lực lượng luồn sâu tránh đụng độ với địch dọc đường, chủ động hiệp đồng với lực lượng thọc sâu. Lực lượng thọc sâu đánh địch trong hành tiến bằng sức đột kích nhanh, mạnh của xe tăng, chủ động hiệp đồng với lực lượng luồn sâu, đánh chiếm chi khu và quận lỵ Lái Thiêu, chốt giữ cầu Lái Thiêu và cầu Vĩnh Bình, thực hiện đánh nhanh, nhằm chiếm bằng được mục tiêu chủ yếu.

        Cuối cùng tôi nhấn mạnh từng lời như muốn truyền đến cán bộ, chiến sĩ trong toàn trung đoàn tất cả tâm huyết của mình:

        - Nhiệm vụ của chúng ta là tiểu đội thọc sâu, trung đội thọc sâu, đại đội thọc sâu, tiểu đoàn thọc sâu và tôi (tôi vỗ vào ngực) cùng Ban chỉ huy cũng thọc sâu. Trong trận đánh cuối cùng này, trung đoàn ta có thể chỉ còn lưu danh trong bảo tàng. Nếu phải hy sinh, mặt chúng ta phải hướng về Sài Gòn!

        Thế rồi, tôi nắm tay hô lớn:

        - Các đồng chí có quyết tâm không?

        Cả khu rừng như vỡ ra bởi những tiếng hô:

        - Quyết tâm1... Quyết tâm1... Quyết tâm!... của anh em cán bộ trung đoàn.

        Đêm hôm đó, tôi lặng lẽ một mình đi kiểm tra bộ đội. Tôi nghe thấy mấy anh em lính trẻ Hà Nội nói chuyện với nhau. Một cậu hỏi Phạm Quang Hùng, quê số 10 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội:

        - Anh Hùng, anh thấy chiến dịch này thế nào?

        Hùng nói:

        - Lần này giải phóng miền Nam là cái chắc! Anh em mình sẽ ở lại đây thôi và không bao giờ được về ăn kem Bốn Mùa ở Bờ Hồ nữa đâu. Nhưng dù có chuyện gì thì chúng ta cũng phải nhớ lời trung đoàn trưởng: "Nếu phải hy sinh, mặt chúng ta phải hướng về Sài Gòn".

        Sau câu trả lời của Hùng, tất cả như lặng chìm vào suy tư. Thế rồi họ vô tư đi vào giấc ngủ. Đúng là tuổi trẻ, lo đấy nhưng họ cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Tôi thầm cám ơn những chiến sĩ vô cùng yêu quý của mình.

        Đêm 25 tháng 4 năm 1975, toàn bộ trung đoàn vượt sang phía nam sông Bé, tiến vào vị trí xuất phát. Trước đó, công binh, trinh sát quân đoàn, sư đoàn và trung đoàn đã bí mật chuẩn bị con đường cho bộ đội xuất kích. ở đây địa hình trống trải, khó giấu quân và giữ bí mật, nhiều nơi chưa xác định được tuyến. Anh em trinh sát, công binh phải dựa vào trục đường cũ xác định hướng, rồi bí mật phân chia từng đoạn để trinh sát đánh dấu, rồi mới nối lại thành mạng đường. Các đơn vị xe tăng, pháo binh, cao xạ vượt sang phía nam sông Bé tiến theo con đường Ba Thước mà lữ đoàn công binh vừa sửa gấp để vượt qua ngầm Bến Bầu. Cùng lúc, lực lượng bộ binh trung đoàn từ các cánh rừng đổ về lần lượt chờ vượt qua một khúc sông cạn cách ngầm Bến Bầu chừng 3 ki-lô-mét. Pháo địch từ Lai Khê, Bến Cát bắn tới nổ chát chúa hai bờ sông. Nhưng pháo địch cũng không ngăn nổi cán bộ, chiến sĩ trung đoàn rầm rập vượt sông và tiến vào các vị trí đã định.

        Chỉ còn mấy giờ nữa trung đoàn phải tổ chức xong đội hình chiến đấu. Tôi trao đổi với anh Trịnh Văn Thư, họp Thường vụ Đảng ủy Trung đoàn mở rộng lần cuối. Anh Thư nói:

        - Theo thông báo của trên, Quân đoàn 4 sau khi giải phóng Xuân Lộc, phát triển đánh chiếm Trảng Bom. Đặc công diệt địch và chiếm cầu Rạch Chiếc, Rạch Cát, Cầu Ghềnh mở đường sẵn sàng đón chủ lực. Pháo binh ta đã đánh phá làm tê liệt sân bay Biên Hòa, địch phải chuyển máy bay về Tân Sơn Nhất. Quân khu 8 và Quân khu 9 cắt đứt lộ 4, đoạn Bến Lức đi ngã ba Trung Lương. Đoàn 232 đánh chiếm đầu cầu An Ninh, Lộc Giang trên sông Vàm Cỏ Đông.  ở hướng đông, Quân đoàn 2, được pháo binh chiến dịch chi viện đã đồng loạt đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu quân sự Long Thành, vượt đường 15 giải phóng Phường Thường, bao vây Long Vân. Sư đoàn 3 Quân khu 5 đánh chiếm chi khu Đức Thạnh, đang tiến về Bà Rịa. Ở hướng tây bắc Quân đoàn 3 từ nhiều hướng bắn phá căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ. Như vậy, chiến dịch đang phát triển rất thuận lợi. Về nhiệm vụ cụ thể của trung đoàn anh Hiệu sẽ nói cụ thể.

        Tôi nói ngay:

        - Nhiệm vụ sư đoàn giao cho Trung đoàn 27 chúng ta là phải đập tan tuyến tử thủ phía bắc Sài Gòn trên trục đường 13. Không được cho địch phá cầu để đại quân thọc vào nội đô. Do vậy, trung đoàn sử dụng: Tiểu đoàn 4, do Tiểu đoàn trưởng Cư, Chính trị viên Hồng có nhiệm vụ mở rộng hành lang. Tiểu đoàn 5, do Tiểu đoàn trưởng Ký và Chính trị viên Sinh luồn sâu lót sẵn ở Lái Thiêu. Tiểu đoàn 6, do Tiểu đoàn trưởng Dũng và Chính trị viên Vụ được tăng cường xe tăng, xe bọc thép và 25 xe vận tải chở quân có nhiệm vụ thọc sâu đánh chiếm khu binh chủng của quân ngụy. Như vậy, trung đoàn hình thành ba thê đội tiến công, từ vị trí xuất phát đến mục tiêu cuối cùng là khu quân binh chủng ngụy ở Gò Vấp. Ta phải vượt qua ba tuyến phòng thủ của địch ở phía bắc Sài Gòn. Tuyến đường 16 - phòng thủ từ xa; tuyến đường 8 - tuyến trung gian và tuyến tử thủ là tuyến đường 13 (đường Đại Hàn) khu Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Triệu, cầu Bình Lợi với chặng đường dài 80 ki-lô-mét. Thời gian rất gấp, các đồng chí còn gì hỏi không. Nếu không, về bắt tay vào chuẩn bị ngay.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #118 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:21:45 pm »


        Sau cuộc họp Thường vụ mở rộng, chúng tôi phân công nhau xuống các đơn vị phổ biến kế hoạch và hiệp đồng chiến đấu lần cuối.

        Anh Đặng Ngọc Châu1, Trung đoàn phó và anh Nguyễn Văn Ký2, phó Chính ủy đi với Tiểu đoàn 5 có nhiệm vụ luồn sâu và lót sẵn ở Lái Thiêu.  Tôi và anh Trịnh Văn Thư - Chính ủy, anh Nguyễn Viết Giáp - Tham mưu trưởng, anh Lê Đăng Nhiệm

        Chủ nhiệm chính trị, anh Nguyễn Văn An - Chủ nhiệm Hậu cần đi với mũi thọc sâu do Tiểu đoàn 6 đảm nhiệm. Lúc sau, Phó tư lệnh sư đoàn Lê Quang Thúy có mặt đi chỉ đạo Trung đoàn 27.

        Chúng tôi lệnh cho Tiểu đoàn 4 nhanh chóng áp sát mục tiêu, đánh vào tuyến đường 8.

        Cũng trong đêm ấy khi các đơn vị cơ giới thọc sâu của sư đoàn đang làm công tác chuẩn bị, thì Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 27 lên đường làm nhiệm vụ Theo phương án, Tiểu đoàn 5 sẽ luồn sâu và lót sẵn ở Lái Thiêu, phối hợp với mũi thọc sâu bằng cơ giới của trung đoàn từ Tân Uyên tiến vào, tiêu diệt tuyến "tử thủ" này mở đường cho mũi chủ yếu của sư đoàn phát triển vào trong.

        Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 lặng lẽ hành quân.

        Trong lúc đó tiếng súng đánh địch của Sư đoàn 312 ở phía Bình Mỹ vọng đến lúc dồn dập, lúc im ắng, gây cho các chiến sĩ tiểu đoàn một cảm giác hồi hộp.. : Tuy tiếng súng tiến công địch của Trung đoàn 27 chưa nổ, nhưng trận chiến đấu đã thực sự bắt đầu từ cuộc hành quân luồn sâu này.

        Tiểu đoàn 5 vượt qua ngã ba ]Bình Cơ thì trời tối hẳn. Màn đêm lan nhanh xuống cánh đồng hoang, cỏ dại. Lòng người chiến sĩ bồi hồi, miền quê nào trên đất nước ta, cũng có những cánh đồng, những xóm làng quen thuộc, thân thương với những rặng cây hàng tre bao bọc... Giờ đây cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 như được sống lại ba năm trước khi tiến về cánh Đông Thành Cổ Quảng Trị, vùng Nại Cửu An Tiêm, Bích La Đông thuộc xã Triệu Thành và Triệu Đông trong mùa hè của năm 1972 đỏ lửa...

        Hai đêm tránh địch cắt đường hành quân, Tiểu đoàn 5 mới vượt được gần 30 ki-lô-mét. Như vậy, mới được nửa đoạn đường. Tính toán thời gian với đoạn đường còn lại, cán bộ tiểu.. đoàn không khỏi lo lắng. Đi đánh địch mà gặp địch không được đánh thì còn gì cực hơn. Cứ phải tìm đường vòng tránh, luồn lách qua. Nhưng anh em đều ý thức được nơi họ cần đến và phải đến đúng thời gian là Lái Thiêu - tuyến tử thủ của địch trên hướng bắc Sài Gòn.

        Đêm 28 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 5 tiếp tục hành quân. Nửa đêm, tiểu đoàn dừng lại bên con suối nhỏ gần ngã ba Tân Hiệp. Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua, tiểu đoàn vẫn chưa có thời cơ vượt đường. Tôi sốt ruột hỏi: - Anh Ký? Đã vượt đường chưa? Anh Ký trả lời: - Trên ngã ba và dọc con đường chạy ngang qua bốt Tân Hiệp, pháo sáng địch không lúc nào tắt.

        Nghe anh Ký báo cáo như vậy, tôi điện qua máy thông tin 2W của Nguyễn Văn Quảng - Tiểu đội trưởng thông tin Tiểu đoàn 5, quê Thụy Phúc, Thái Thụy, Thái Bình nhắc anh Ký: "Tiểu đoàn 5 tìm mọi cách ngay trong đêm nay phải có mặt ở Lái Thiêu".

        Nhận được điện của tôi, Chính trị viên Hoàng Ngọc Sinh trao đổi với Tiểu đoàn trưởng Hoàng Đức Ký: - Ta đi như vừa rồi là tốt. Nhưng cứ tránh địch mãi thì không bảo đảm được thời gian. Cái chính lúc này là thời gian, là mục tiêu.

        Đành là thế. Nhưng các đồng chí địa phương dẫn đường chưa xác định được đường đi gần nhất.

        - Cứ thế này thì không thể hiệp đồng được với trung đoàn. Mở cửa Lái Thiêu chậm là vào Sài Gòn chậm.

        Chính trị viên và tiểu đoàn trưởng đang còn trao đổi thì tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 đến. Giọng anh sôi nổi: - Sao chưa cho đi, các anh?. Tắc đường hay là gặp địch? Theo ý tôi, gặp địch là đánh! Đánh để lấy đường mà đi. Không tránh như hai đêm vừa rồi nữa...

        Tiểu đoàn phó nói chưa dứt lời thì tổ trinh sát dẫn về hai tên thám báo. Các chiến sĩ bắt được khi chúng đang trinh sát con đường qua Tân Hiệp.

        Chúng có bốn tên, hai tên chạy thoát về Tân Hiệp.

        Một lúc sau pháo cối địch lập tức bắn vào đội hình của Tiểu đoàn 5, đồng thời chúng cho một đại đội bảo an nống ra đánh phá, ngăn chặn đường tiến quân của tiểu đoàn. Tình huống này ta đã tính đến.

        Tiểu đoàn trưởng quyết định cho Đại đội 5 ở lại giam chân thu hút địch, còn đại bộ phận tiếp tục hành quân.

--------------------
        1. Chỗ ở hiện nay: 143/17C Nguyễn Chí Thanh, thành phố Đà Nẵng.

        2. Chỗ ở hiện nay: Vạn Lượng, Vạn Ninh, Khánh Hòa.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #119 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 09:21:41 am »


        Tiểu đoàn trưởng Ký nói với hai tên tù binh, mặt đang tái đi vì sợ:

        - Các anh hãy dẫn chúng tôi vào Lái Thiêu theo con đường gần nhất. Đây là một cơ hội cho các anh lập công chuộc tội. Làm đúng các anh sẽ được tha về với gia đình, làm sai các anh sẽ bị nghiêm trị.

        Hai tên tù binh hứa sẽ làm đúng những yêu cầu của ta và luôn mồm: "Xin các ông tha chết!".

        Được tin Tiểu đoàn 5 đã vượt qua Tân Hiệp, tôi điện nhắc Ban chỉ huy tiểu đoàn: "Các anh cần nắm chắc nhiệm vụ chính là có mặt ở Lái Thiêu, đẩy nhanh tốc độ tiến quân".

        Trong khi các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 bí mật hành quân luồn sâu vào tuyến tử thủ Lái Thiêu thì Tiểu đoàn 4 cũng khẩn trương triển khai đánh mở cửa Tân Uyên (một trận địa phòng ngự vòng ngoài trong tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn của địch) cho lực lượng cơ giới triển khai đội hình thọc sâu, quan trọng hơn là phải thắng nhanh, tạo điều kiện cho mũi thọc sâu của sư đoàn đánh chiếm mục tiêu chủ yếu. Chi khu Tân Uyên không phải là vật cản lớn trên đường tiến quân của sư đoàn, nhưng việc đánh chiếm đường 16, giải tỏa khu bắc Tân Uyên có ý nghĩa quan trọng đối với mũi thọc sâu.

        Khi trời còn tranh tối tranh sáng, các chiến sĩ Đại đội 2 và Đại đội 3 Tiểu đoàn 4, mình kín ngụy trang tiềm nhập vào sát các vị trí địch. Đại đội 2 hình thành hai mũi áp vào đồi Đất Đỏ. Đại đội 3 bao vây phía bắc quận ly. Lúc 4 giờ chiều, lợi dụng pháo địch trong chi khu bắn, tôi đã cho các trận địa pháo của trung đoàn bắn thử để xác định phần tử.

        Những quả đạn pháo của ta như đã báo cho chúng biết trước điều gì sẽ đến.

        16 giờ 45 phút, các mũi, các hướng báo về sở chỉ huy trung đoàn đã "ém" quân xong.

        17 giờ tôi ra lệnh cho các trận địa pháo 85 ly nòng dài, cối 120 ly đồng loạt bắn vào trung tâm quận lỵ. Các trận địa cối 82 ly, cối 60 ly của tiểu đoàn cũng bắn vào các cụm quân địch vòng ngoài.

        Đèn điện vụt tắt, sau loạt đạn pháo đầu tiên của ta các trận địa pháo của địch câm bặt, đèn dù tắt ngấm. Pháo ta bắn trúng một số mục tiêu trong chi khu, gây nhiều đám cháy lớn.

        Sau 30 phút bắn phá, pháo ta chuyển làn rồi ngừng bắn. Các hướng bộ binh nổ súng tiến công vào các chốt của địch. ở hướng Đại đội 3, Đại đội trưởng Mai Văn Dung chỉ huy đánh vào các chốt phía bắc quận lỵ. Vượt qua được các hàng rào kẽm gai, mũi tiến công của Đại đội 3 bị các hỏa điểm địch bắn chặn quyết liệt. Dung lệnh cho Tiến, xạ thủ B40 vượt lên tiêu diệt các ổ đề kháng. Phát đạn đầu tiên, Tiến bắn chệch. Đại đội trưởng Dung ném hai quả lựu đạn về phía khẩu đại liên, rồi hô:

        - Bình tĩnh, Tiến! Di chuyển sang bên phải! Tiến lao sang một gò đất, lắp quả đạn B40 thứ hai. Một quầng lửa trùm lên khẩu đại liên địch.

        Tiến đứng dậy vuốt mồ hôi trên mặt nhìn đại đội trưởng khẽ cười. Dung gật đầu, chỉ cho Tiến bọn địch trong lô cốt đang xối đạn vào sườn Trung đội 2.

        Tiến trườn gần về phía lô cốt, bằng hai quả đạn B40 chính xác, anh diệt gọn bọn địch trong lô cốt và diệt thêm một hỏa điểm khác. Các chiến sĩ Đại đội 2 xung phong đánh bọn địch tạt ra phía bờ suối.

        Chúng vứt cả súng, bơi qua suối, địch chạy về chi khu Nhưng chúng đã nằm trong tầm súng của các chiến sĩ Đại đội 3. Chiến sĩ Hiệp quét một loạt AK, diệt ba tên đang bơi rồi xông lên cùng trung đội tiêu diệt bọn địch đang tháo chạy.

        Đại đội 3 đánh thẳng vào đồi Đất Đỏ, chia cắt địch rồi phát triển vào khu vực tháp nước. Địch dựa vào lô cốt, hầm ngầm chống trả lại ta. Đại đội trưởng Mai Văn Dung chỉ huy Trung đội 2 đánh thẳng vào khu vực tháp nước. Dung vừa vươn người tung quả lựu đạn vào tốp địch, thì một quả M.79 rơi trúng người anh. Đại đội trưởng Dung khuỵu xuống.

        Tiến và một chiến sĩ lao tới, băng bó cho Mai Văn Dung. Mấy phút sau Dung tỉnh lại. Nhìn Tiến anh nói: - Xe tăng! Xe tăng địch! Tháp nước... ! Tiến hiểu, sau câu nói tỉnh táo này, đại đội trưởng khó qua khỏi. Tiến lau nước mắt trả lời: - Không, anh ạ! Đó là xe tăng của trung đoàn vượt đường 16 đấy? Tiếng động cơ xe tăng, thiết giáp, xe chở quân vọng đến ầm ầm. Đại đội trưởng Dung cố trở mình định ngồi dậy, nhưng anh không gượng nổi. Dung nói trong hơi thở đuối dần: - Thông đường... 16 rồi... phải không? Tiến định nói với đại đội trưởng là ta đã chiếm được đồi Đất Đỏ và làm chủ đường 16, đang phát triển vào trong chi khu, nhưng Mai Văn Dung đã lịm đi trên tay anh. Tiến xốc Đại đội trưởng Dung đặt lên vai một người chiến sĩ rồi xách khẩu AK của Dung chạy về phía tháp nước.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM