Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 11:10:28 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời Quảng trị  (Đọc 35916 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #100 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:15:16 am »


        Đúng 19 giờ 40 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, Mỹ mở cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B.52 xuống Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Đợt tập kích kéo dài đến ngày 29 tháng 12 năm 1972. Suốt 12 ngày đêm, không quân Mỹ huy động hàng trăm máy bay B.52, hàng nghìn máy bay chiến đấu ném bom bừa bãi, đánh phá ồ ạt gây nhiều thiệt hại về người và của cho nhân dân ta.

        Quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích đường không của Mỹ, lập nên một "Điện Biên Phủ trên không" oai hùng, bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 pháo đài bay B.52, bắt sống giặc lái Mỹ. Cuộc tập kích chiến lược đường không đánh vào Hà Nội, Hải Phòng nhằm gây sức ép mạnh mẽ với ta trên bàn đàm phán bị thất bại. Mỹ không dám ngẩng mặt nhìn thẳng chúng ta.  Bị thất bại nặng nề trên cả hai chiến trường miền Nam và miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là thất bại trong cuộc tập kích chiến lược bằng không quân 12 ngày cuối năm 1972, chính quyền Mỹ bị sức ép rất mạnh của nhân dân Mỹ và dư luận thế giới.

        Ngày 30 tháng 12 năm 1972, Ních xơn buộc phải tuyên bố trở lại tình trạng trước ngày 18 tháng 12 năm 1972, (nghĩa là ngừng ném bom bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở ra) từ 7 giờ ngày 30 tháng 12 năm 1972, để có thể tiếp tục trở lại nói chuyện ở. Hội nghị Pa-ri.

        Cuộc gặp riêng giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kít- sinh-giơ được nối lại từ ngày 8 tháng 1 năm 1973.

        Đứng trên thế thắng, ta kiên trì đấu tranh giữ vững nội dung cơ bản của dự thảo hiệp định đã được thỏa thuận ngày 20 tháng 10 năm 1972.

        Lần gặp này, Kít-sinh-giơ đã phải hạ giọng, thừa nhận một sự thật là ở miền Nam có hai vùng kiểm soát, hai chính quyền, hai quân đội và ba lực lượng chính trị.

        Ngày 12 và 13 tháng 1 năm 1973, Hiệp định được ký tắt giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kít-sinh- giơ. Ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định được ký chính thức giữa các bộ trưởng ngoại giao của các bên tham dự Hội nghị Pa-ri. Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ 7 giờ ngày 28 tháng 1 năm 1973.

        Nội dung của Hiệp định đạt đủ bốn yêu cầu cơ bản mà ta đã đề ra từ trước:

        - Mỹ phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

        - Mỹ phải rút hết quân Mỹ và chư hầu, phá hủy các căn cứ quân sự của Mỹ, cam kết sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình.

        - Chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thừa nhận sự tồn tại và địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

        - Mỹ phải bồi thường chiến tranh.

        Điều Mỹ cay cú nhất là họ phải thừa nhận quân đội miền Bắc không rút khỏi miền Nam, thừa nhận sự tồn tại và địa vị hợp pháp của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

        Ngày 2 tháng 3 năm 1973, mười hai đoàn đại biểu các chính phủ: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, ngụy quyền Sài Gòn và bốn nước trong ủy ban kiểm soát và giám sát việc thi hành Hiệp định Pa-ri đã họp một hội nghị quốc tế về vấn đề Việt Nam. Hội nghị đã đề ra một bản Định ước (Ba Lan) ghi nhận và bảo đảm Hiệp định và các nghị định thư về Việt Nam được thi hành nghiêm chỉnh và triệt để. Định ước này đánh dấu một bước thụt lùi nữa của Mỹ, vì không phải chỉ có Mỹ mà cả quốc tế cũng công nhận có chính quyền cách mạng ở miền Nam Việt Nam và việc kết thúc chiến tranh ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu của Việt Nam mà còn là yêu cầu của cả thế giới.

        Từ xưa tới nay, chưa bao giờ việc ký kết một văn kiện về quyền dân tộc cơ bản của nhân dân một nước lại được các dân tộc và nhân dân thế giới theo dõi chăm chú, trang trọng như Hiệp định Pa-ri "về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam".

        Đây cũng là kết quả của một cuộc đàm phán kéo dài nhất trong thế kỷ 20, với 4 năm 9 tháng, trong đó có 202 phiên họp công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng.

        Hiệp định Pa-ri được ký kết là thắng lợi của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào và chiến sĩ cả nước. Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ hy sinh và vô cùng vẻ vang của nhân dân ta đã thu được những kết quả cơ bản có ý nghĩa rất sâu sắc và rộng lớn.

        Với thắng lợi ký kết Hiệp định Pa-ri về Việt Nam, cách mạng miền Nam nước ta bước vào một giai đoạn mới, một cục diện mới đã xuất hiện ở miền Nam, một sự thay đổi hết sức quan trọng về so sánh lực lượng, thế và lực của cách mạng đã hơn hẳn thế và lực của địch. Cục diện này tạo ra những điều kiện rất thuận lợi để nhân dân ta ở miền Nam tiếp tục tiến lên hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #101 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:17:09 am »


        Thắng lợi này cũng chứng minh một chân lý là thắng lợi trên chiến trường quyết định thắng lợi  trên bàn đàm phán, và thắng lợi trên bàn đàm phán cổ vũ và phát huy thắng lợi trên chiến trường.

        Ngày 29 tháng 3 năm 1973, đất nước ta sạch bóng quân Mỹ. Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mỹ phải cuốn cờ các đơn vị cuối cùng của Mỹ và các nước chư hầu rút hết khỏi miền Nam Việt Nam.

        Việc quân đội viễn chinh Mỹ và quân đội các nước chư hầu của Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam đã chấm dứt sự có mặt của quân đội xâm lược trên đất nước ta sau 115 năm kể từ năm 1858 khi quân đội thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. So sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam ngày càng thay đổi có lợi cho ta, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn thêm hoang mang. Đó là điều kiện hết sức thuận lợi cho ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

        Giữa năm 1973, hầu hết tỉnh Quảng Trị được giải phóng, nối liền với hậu phương lớn miền Bắc.

        Tình hình cách mạng miền Nam phát triển hết sức thuận lợi. Việc xây dựng một trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời ở một vùng giải phóng để làm trung tâm đầu não của cách mạng miền Nam, thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao, đồng thời để các Đại sứ bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời đến trình quốc thư hoặc làm việc đã được đặt ra cấp thiết. Chính vì thế, ngay sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, ta chọn thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để xây dựng một trụ sở làm việc của Chính phủ Cách mạng lâm thời.

        Mặc dầu Cam Lộ lúc đó vẫn còn nằm trong tầm pháo của địch, nhưng ngược lại địch cũng nằm trong tầm pháo của ta. Điều đó nói lên thế của ta trên chiến trường đã hoàn toàn chủ động.

        Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời được khởi công xây dựng từ ngày 6 tháng 5 năm 1973 đến ngày 30 tháng 5 năm 1973 thì hoàn thành. Tôi được biết, toàn bộ thiết kế nguyên vật liệu, thợ lắp ráp công trình đều được đưa từ Hà Nội vào. Khu trụ sở Chính phủ quay về hướng đông chia làm hai khu: Khu A và Khu B.

        Khu A, gồm ba dãy nhà làm thành một cụm, nhà làm việc của Chính phủ, nhà khách, nơi trình quốc thư của các đại sứ.

        Khu B, có ba dãy nhà nằm song song có kết cấu giống nhau nằm đối diện với cổng phụ B, là nơi làm việc của các nhân viên, cán bộ của Chính phủ, nơi ở và làm việc của các phóng viên báo chí.

        Kết cấu của các khu nhà trụ sở Chính phủ theo kiểu nhà lắp ghép, mái nhọn, vì kèo bằng sắt, lợp tôn, trần và vách bằng gỗ. Mặc dù được xây dựng khẩn trương trong một thời gian ngắn, điều kiện thi công khó khăn nhưng khu trụ sở vẫn mang dáng vẻ bề thế khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt thiết yếu: điện, nước máy, vườn hoa, cây cảnh... Đặc biệt khu nhà tiếp khách của Chính phủ rất trang nhã và lịch sự, được phân bố hài hòa giữa các dãy nhà thoáng đẹp, trong khuôn viên có nhiều loại cây cổ thụ và cây cảnh, đặc biệt là hàng dừa biểu tượng sức sống quật cường của nhân dân miền Nam.

        Tại đây ngày 6 tháng 6 năm 1973, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã làm lễ ra mắt nhân dân trong buổi lễ mít tinh trọng thể, trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo chí trong nước và nước ngoài. Đại biểu của 19 nước anh em bầu bạn khắp năm châu đã tới dự. Đại sứ của các nước đã làm lễ trình quốc thư...

        Khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được xây dựng tại Cam Lộ tỉnh Quảng Trị trở thành biểu tượng cho tình cảm, khát vọng và lòng quyết tâm của nhân dân miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Lần đầu tiên trong vùng giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã có trụ sở chính thức để làm việc, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, đại diện cho nhân dân miền Nam nói lên tiếng nói của mình.

        Chính phủ Cách mạng lâm thời đã đón hàng chục đoàn khách quốc tế. Đặc biệt ngày 15 tháng 9 năm 1973, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô đã đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Thay mặt ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, ông Trần Nam Trung, Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nồng nhiệt đón Chủ tịch Phi-đen. Dự buổi tiếp còn có ông Hoàng Bích Sơn - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông Lê Xích - Chủ tịch ủy ban  Mặt trận giải phóng tỉnh Quảng Trị, ông Lê San - Chủ tịch ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Quảng Trị, ông Võ Anh Tuấn, Đại sứ Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cu Ba và nhiều cán bộ cao cấp của Mặt trận Dân tộc giải phóng, Chính phủ và các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #102 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:19:40 am »


        Chủ tịch Phi-đen cùng các vị trong đoàn đã đến thăm thị trấn Đông Hà, một số nơi đã ghi đậm chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong năm 1972. Chủ tịch và các vị cùng đi đã tham dự cuộc mít tinh của hàng nghìn người dân Quảng Trị. Tại cuộc mít tinh ông Trần Nam Trung đã đọc lời chào mừng Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và các vị khách quý Cu Ba. Sau khi nhắc lại quá trình chiến đấu chống Mỹ, cứu nước vô cùng oanh liệt của nhân dân miền Nam và nhân dân cả nước Việt Nam đưa đến việc ký kết Hiệp định Pa-ri, buộc Mỹ phải chấm dứt vũ trang xâm lược, phải rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, ông Trần Nam Trung nói lên sự kính phục của nhân dân miền Nam Việt Nam đối với tinh thần cách mạng chống Mỹ của nhân dân Cu Ba anh hùng. ông ca ngợi tinh thần lao động hăng say của nhân dân Cu Ba, đã đạt được những thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng nước Cu Ba xã hội chủ nghĩa. ông Trần Nam Trung nhấn mạnh đến tinh thần đoàn kết chiến đấu và sự giúp đỡ hết lòng của Chính phủ và nhân dân Cu Ba đối với cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam. ông cũng nói lên sự biết ơn của Chính phủ và nhân dân miền Nam Việt Nam với sự kiện Cu Ba là nước đầu tiên công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam...

        Trong lời đáp, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô ca ngợi lịch sử đấu tranh oanh liệt chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chủ tịch đánh giá cao thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam và nhấn mạnh rằng: "Nhân dân miền Nam Việt Nam đã nêu một tấm gương tuyệt vời cho cả nhân loại, cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng". Chủ tịch Phi đen Ca-xtơ-rô tỏ ý tin tưởng rằng nhân dân miền Nam Việt Nam sẽ phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng nhất định sẽ hoàn thành những nhiệm vụ to lớn của mình trong giai đoạn đấu tranh mới.

        Chủ tịch nói tiếp: "Thắng lợi của các bạn ở Quảng Trị và ở trên toàn miền Nam thật là tuyệt vời Thắng lợi đó đã buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc, rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam, ký Hiệp định Pa-ri. Người đánh bại Mỹ chính là những người Việt Nam bình thường mà chúng tôi đã gặp trên đường. Chính những con người bình dị đó không hề chịu khuất phục trước bất cứ một loại vũ khí nào, một sức mạnh nào. Đó là những con người tiêu biểu cho một dân tộc được giáo dục về lòng yêu nước trong tinh thần cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đào tạo rèn luyện... Một nghìn năm, hai nghìn năm, mười nghìn năm qua đi, nhưng các thế hệ sau này vẫn còn nhắc đến chủ nghĩa anh hùng Việt Nam"...

        Ngày 20 tháng 12 năm. 1973, tôi được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong lời tuyên dương có đoạn:

        "Từ năm 1968 đến tháng 6 năm 1972, đồng chí Nguyễn Huy Hiệu chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Trưởng thành từ chiến sĩ lên cán bộ trung đoàn, ở cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nguyễn Huy Hiệu đã đánh 67 trận, diệt 63 tên địch (có hàng chục tên Mỹ), phá huỷ 3 súng đại liên, thu 15 súng AR15, một máy vô tuyến, một số bản đồ quân sự. Chỉ huy đơn vị diệt gần 600 tên Mỹ, gần 2 nghìn tên ngụy, bắt 155 tù binh, phá hủy hơn 100 xe quân sự (có 39 xe tăng, xe bọc thép), chiếm nguyên vẹn một xe tăng M41, bắn rơi 57 máy bay các loại. Ba lần bị thương, đồng chí không rời trận địa, tiếp tục chỉ huy đơn vị chiến đấu đến khi trận đánh kết thúc. Đồng chí đã được tặng thưởng năm Huân chương chiến công Giải phóng (hai hạng Nhất, hai hạng Nhì, một hạng Ba), 14 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt cơ giới và Dũng sĩ Quyết thắng, hai danh hiệu Chiến sĩ Quyết thắng và nhiều bằng, giấy khen khác...".

        Hai mươi lăm tuổi, được bổ nhiệm làm trung đoàn phó, được tuyên dương danh hiệu Anh hùng, đó là một vinh dự rất lớn đối với tôi. Hôm nhận danh hiệu Anh hùng tôi đã khóc. Tôi nhớ đến hình ảnh của Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, Chính trị viên đại đội Đặng Quang Hồng, Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư... chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy... và biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 - Mặt trận B5 thân yêu của tôi ngã xuống vì độc lập tự do cửa Tổ quốc. Nhờ họ tôi mới có được vinh quang này.

        Tôi thầm hứa với các liệt sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu thực hiện lời Bác Hồ kính yêu: "Đánh cho ngụy nhào" giải phóng miền Nam thống nhất đất nước để xứng đáng với sự hy sinh của các anh. Tôi sẽ không bao giờ quên các anh, quên một thời Quảng Trị máu lửa và cũng rất anh hùng. Hình ảnh các anh sẽ sống mãi trong ký ức của tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #103 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:22:52 am »

Chương sáu

ĐẬP TAN TUYẾN TỬ THỦ PHÍA BẮC SÀI GÒN

        Tuy phải ký Hiệp định Pa-ri và rút đội quân viễn chinh và lính chư hầu về nước, nhưng Mỹ vẫn chưa từ bỏ âm mưu chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh". Ngụy quyền Sài Gòn vẫn tồn tại, bộ máy kìm kẹp của địch còn khá lớn với 140 nghìn nhân viên bình định, lại được tăng cường 24 nghìn sĩ quan xuống tận cơ sở. Lực lượng quân sự của chúng còn đông, bao gồm trên 1 triệu quân (với 60 vạn chủ lực gần 30 vạn bảo an và 20 vạn dân vệ). Chúng còn tổ chức hơn 1 triệu phòng vệ dân sự với trên 20 vạn tên có vũ trang.

        Chủ trương nhất quán của Mỹ - ngụy là ra sức phá hoại Hiệp định Pa-ri, tiến hành một kiểu chiến tranh chống phá cách mạng bằng biện pháp chiến lược "lấn chiếm và bình định", còn được gọi là "tràn ngập lãnh thổ".

        Để thực hiện âm mưu và chủ trương trên, Mỹ tiến hành một loạt biện pháp lớn như viện trợ ồ ạt cho quân ngụy. Ngoài những cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh đã từng phục vụ cho đội quân xâm lược đông tới 60 vạn tên được bàn giao lại cho quân ngụy Sài Gòn, trong quá trình rút quân.

        Trước khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, Mỹ đã gấp rút đưa thêm vào miền Nam 625 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép và nhiều tàu chiến...

        Được chính quyền Mỹ hà hơi tiếp sức, ngụy quyền Sài Gòn ra sức đôn quân, bắt lính, đưa số quân nguy từ 60 vạn (năm 1972) lên 72 vạn tên (năm 1973). Các binh chủng pháo binh, thiết giáp, không quân phát triển nhanh. Thế chiến lược cũng được chúng tính toán điều chỉnh theo kế hoạch quân sự 3 năm (1973-1975) nhằm đẩy lùi bộ đội chủ lực của ta ra sát biên giới và xóa bỏ trạng thái xen kẽ địch - ta (vùng da báo). Ngụy quyền Sài Gòn đã huy động hai phần ba số quân chủ lực và toàn bộ lực lượng bảo an, dân vệ vào các cuộc hành quân tràn ngập lãnh thổ, lấn chiếm vùng giải phóng.

        Những tháng đầu năm 1973, tuy tình thế đã thay đổi có lợi cho ta, nhưng lợi dụng tình hình có biểu hiện ảo tưởng hòa bình, chờ đợi của một số địa phương, địch đã lấn và chiếm lại nhiều vùng ta mới giải phóng trong năm 1972, như ở nam bắc Đường số 4 (Khu Cool, bắc Tam Kỳ (Quảng Nam), Hoài Nhơn, Phú Mỹ (Bình Định)... Đến giữa năm 1973, địch còn lấn chiếm thêm một số vùng giải phóng gồm hàng trăm xã với hàng chục vạn dân ở Khu 5, Khu 6, Khu 7, Khu 8...

        Trước tình hình đó, ngày 25 tháng 6 năm 1973, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về: "Tình hình và nhiệm vụ quan trọng mới", phân tích tình hình diễn ra từ khi có Hiệp định Pa-ri, dự kiến khả năng phát triển của tình hình, đề ra phương hướng nhiệm vụ quân sự và những chủ trương công tác lớn đối với miền Bắc và miền Nam.

        Về tình hình miền Nam, Quân ủy Trung ương nhận định: "Địch thực hiện được một phần âm mưu không phải do chúng mạnh mà do ta khuyết điểm".

        Do vậy, Quân ủy Trung ương chỉ thị: "Các lực lượng vũ trang ở miền Nam cần nắm vững chiến lược tiến  công, đánh bại mọi hành động lấn chiếm của địch, giành và giữ dân, giữ vững vùng giải phóng và chính quyền cách mạng. Đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, nếu địch mở rộng chiến tranh, gây lại chiến tranh quy mô lớn thì kiên quyết tiêu diệt" Cũng trong tháng 6 năm 1973, Bộ Chính trị họp với các đồng chí bí thư các đảng bộ và các đồng chí chủ trì các chiến trường để thảo luận chuẩn bị bản báo cáo của Bộ Chính trị trước Hội nghị Trung ương.

        Tháng 10 năm 1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 ra Nghị quyết: "Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới". Ban Chấp hành Trung ương đã nghe báo cáo của Bộ Chính trị và đã tổng kết 18 năm thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, rút ra những quy luật thắng lợi mà nhân tố quyết định là luôn luôn giữ vững, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, là tư tưởng chiến lược tiến công, đồng thời biết giành thắng lợi từng bước cho đúng, đẩy lùi và đánh bại địch từng bước, củng cố trận địa của cách mạng để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Phương pháp bạo lực cách mạng, dựa trên lực lượng chính trị và lực lượng quân sự, thực hiện bằng hình thức đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao, kết hợp một cách hết sức chủ động linh hoạt, kết hợp khởi nghĩa quần chúng và chiến tranh cách mạng, nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy. Đánh địch trên cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, kết hợp ba thứ quân, kết hợp đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ thực hiện làm chủ để tiêu diệt. địch, tiêu diệt địch để làm chủ. Đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh, vừa đánh vừa xây dựng và phát triển lực lượng ta. Tiến công từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #104 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:27:14 am »


        Sau này có điều kiện nghiên cứu, tôi thấy tất cả những hình thức, biện pháp nói trên là một thể thống nhất, có mối quan hệ hữu cơ với nhau, tạo nên chiến lược tổng hợp và nghệ thuật quân sự của chiến tranh cách mạng Việt Nam. Đó cũng là những quy luật để giành thắng lợi được thể hiện rất rõ trong đường lối cách mạng và chiến tranh cách mạng của Đảng ta.

        Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí với nhận định của Quân ủy Trung ương tháng 6 năm 1973, đã được Bộ Chính trị thông qua về hai khả năng:

        - Hoặc do đấu tranh tích cực của ta trên ba mặt chính trị, quân sự, ngoại giao mà ta có thể từng bước buộc địch phải thi hành Hiệp định Pa ri về Việt Nam, hòa bình được lập lại.

       - Hoặc ta phải tiến hành chiến tranh cách mạng gay go,  quyết liệt để đánh bại địch, giành thắng lợi hoàn toàn.

        Ban Chấp hành Trung ương khẳng định: Con đường cách mạng của miền Nam là con đương bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công.

        Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa III) có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng miền Nam, kịp thời khắc phục những ảo tưởng hòa bình, thụ động chờ đợi khẳng định con đường tất thắng của sự nghiệp giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tiến công.

        Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng và Nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Quân ủy Miền và Đảng ủy - Bộ Tư lệnh các quân khu trên chiến trường miền Nam đã tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm 1973, kịp thời đề ra những chủ trương mới nhằm củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang đặc biệt là bộ đội chủ lực. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị các địa phương kiên quyết phản công và chủ động tiến công địch, đánh bại kế hoạch lấn chiếm vùng giải phóng của chúng. Do vậy, từ giữa năm 1973 trở đi, tình hình ở miền Nan bắt đầu chuyển biến tích cực. Hình thái chiến trường không những cơ bản được khôi phục lại như cuối năm 1972 mà còn phát triển rất có lợi cho ta.

        Thời gian này, các lực lượng vũ trang trên chiến trường miền Nam đã tranh thủ những điều kiện thuận lợi do Hiệp định Pa-ri tạo ra để củng cố lực lượng, bổ sung quân số, trang bị và huấn luyện để nâng cao trình độ chiến đấu. ở miền Bắc, Trung ương và Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các địa phương huy động sức người, sức của chi viện cho chiến trường. Tôi được biết, trong vòng 9 tháng (từ tháng 1 đến tháng 9 năm 1973) đã có 14 vạn tấn hàng quân sự, trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ gồm hai sư đoàn bộ binh, hai trung đoàn pháo binh, một sư đoàn pháo cao xạ, một trung đoàn thiết giáp, một trung đoàn công binh và các đơn vị quân bổ sung đã đến các hướng trên chiến trường miền Nam.

        Với sự chi viện trên, lực lượng vũ trang ta ở miền Nam đã có sự phát triển mới về số lượng trang bị và trình độ chiến đấu. Riêng bộ đội chủ lực có 31 vạn, biên chế thành 10 sư đoàn, 24 trung đoàn, 102 tiểu đoàn bộ binh và binh chủng.

        Để có những quả đấm tập trung giáng những đòn quyết định tiêu diệt từng sư đoàn địch, giải phóng những vùng đất đai rộng lớn làm thay đổi cục diện chiến tranh, ngày 24 tháng 10 năm 1973, Bộ Tổng tư lệnh ra quyết định thành lập Quân đoàn 1 - Binh đoàn Quyết thắng. Biên chế gồm 3 sư đoàn bộ binh (308, 312, 320B), Sư đoàn phòng không 367, Lữ đoàn xe tăng 202, Lữ đoàn pháo binh 45, Lữ đoàn công binh 299, Trung đoàn thông tin 140, các đơn vị binh chủng, phục vụ và các cơ quan quân đoàn.

        Tư lệnh là Tướng Lê Trọng Tấn (Phó Tổng tham mưu trưởng kiêm chức), Chính ủy là Tướng Lê Quang Hòa (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm chức).  Quân đoàn 1 - Quân đoàn cơ động dự bị chiến lược đầu tiên của quân đội ta được thành lập là để chuẩn bị cho quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, đồng thời đánh dấu bước phát triển tất yếu của giai đoạn cuối cuộc chiến tranh giải phóng.

        Quân đoàn có nhiệm vụ: "Xây dựng quân đoàn cách mạng, chính quy, hiện đại, có sức chiến đấu cao, sức cơ động lớn, sức đột kích mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao".

        Lúc này, Trung đoàn 27 thuộc Mặt trận B5 ở Quảng Trị được Tướng Lê Trọng Tấn điều về đứng trong đội hình Sư đoàn 320B. Tướng Lê Trọng Tấn hiểu rất rõ sở trường của Trung đoàn 27.

        Tướng Lê Trọng Tấn, người đã biết tôi từ khi tôi còn là đại đội trưởng đã đánh trận diệt gọn cụm xe cơ giới Mỹ 16 chiếc ở Tân Kim, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ... nhiều lần gặp tôi, ông bảo:

        - Cậu phải nói hết thủ đoạn của địch, cách giấu quân của ta, khó khăn, thuận lợi là gì? Tôi đã trình bày rất kỹ để ông nghe. Nghe xong ông ân cần chỉ bảo cho tôi cái gì được, cái gì phải rút kinh nghiệm, nhất là sau trận đánh phải báo cáo kết quả, không được để cấp trên mong tin. Tôi được ông coi như là con...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #105 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:32:11 am »


        Vì thế, khi điều Trung đoàn 27 về đứng trong đội hình Sư đoàn 320B, Tướng Lê Trọng Tấn cũng quyết định điều tôi từ Học viện Quân sự về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thay anh Huỳnh Ngọc Giao.

        Cũng thời gian này trên quyết định anh Trịnh Văn Thư - Phó chính ủy lên thay anh Hoàng Nghĩa Yêm làm Chính ủy trung đoàn.

        Sau hơn một năm được trên cử đi đào tạo ở Học viện Quân sự, tôi tốt nghiệp loại giỏi, được nhà trường giữ lại làm giáo viên. Đang ở đơn vị chiến đấu về nhà trường thật là bức bách. Lúc nào tôi cũng hướng ra chiến trường và mong được về đơn vị chiến đấu. Việc Tướng Lê Trọng Tấn quyết định đưa tôi về Trung đoàn 27 đã đáp ứng mong mỏi của tôi, tôi phấn khởi khoác ba lô lên đường. Đi nhanh như sợ trên lại thay đổi ý kiến. Về đơn vị chiến đấu là nguyện vọng của nhiều người lúc đó.

        Trên Mặt trận cánh Đông Quảng Trị, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 kiên cường bám trụ, chiến đấu giữ vững vùng giải phóng cho đến ngày 28 tháng 1 năm 1973, ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực. Nhưng vào thời điểm Hiệp định có hiệu lực, trên Mặt trận cánh Đông, Mỹ - ngụy tiếp tục mở cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng Quảng Trị. Trước thái độ ngoan cố của địch, các chiến sĩ Trung đoàn 27 đã kịp thời đánh trả, đẩy chúng ra khỏi khu vực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong những ngày tiếp theo, Trung đoàn 27 có mặt trên tuyến giáp ranh từ Chợ Sải, Nại Cửu, Bích La, An Đông cùng các đơn vị bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Quảng Trị.

        Từ Quảng Trị, mảnh đất nóng bỏng lửa đạn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 về đứng trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 320B (Sư đoàn 390 ngày nay). Từ trung đoàn chủ lực tại chỗ nay đứng trong đội hình một sư đoàn chủ lực trong quân đoàn cơ động chiến lược chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn với những phương thức tác chiến ngày càng đổi mới cả về chiến dịch, chiến thuật là đòi hỏi rất cao đối với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 anh hùng. Nhưng cũng rất may cho tôi, những kiến thức học trong nhà trường lại qua nửa năm làm giáo viên của Học viện Quân sự đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi vận dụng lý luận vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu cho bộ đội.  Khi tôi về đến trung đoàn thì trung đoàn đang đứng chân ở huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Công việc đầu tiên của tôi sau hơn một năm xa trung đoàn là đi thăm lại các đơn vị. Số cán bộ cũ đã trưởng thành lên cương vị mới. Nhiều người lúc tôi đi học mới là cán bộ tiểu đội, trung đội, cá biệt có người là chiến sĩ thì nay đã trở thành cán bộ đại đội trung đội. Không ít người đã không về, trong đó có Trung đoàn trưởng Cao Uy, người mà tôi luôn kính trọng, anh đã hy sinh cuối năm 1972 trong một trận chiến đấu chống lấn chiếm của địch. Tôi đi một lượt thăm các đơn vị trong trung đoàn, tự điểm lại thấy số anh em đã từng chiến đấu với tôi thiếu vắng khá nhiều, người thì hy sinh, người thì bị thương phải ra quân, trong đó có nhiều người là sinh viên bổ sung giữa năm 1972.

        Tôi hỏi một số anh em từng là sinh viên (phần đông đã chững chạc) thì được biết cuối năm 1973, một số chiến sĩ từng là sinh viên đã hy sinh và bị thương, số còn lại, có người trưởng thành cán bộ trung đội, một số ít là cán bộ tiểu đội, một số được trên cử đi học tạo nguồn.

        Giữa năm 1974, Trung đoàn 27 được bổ sung lớp tân binh quê Tiền Hải, Kiến Xương (Thái Bình) và sau đó là lớp tân binh quê Tiên Lữ (Hưng Yên).

        Những chiến sĩ này có trình độ khác nhau, phải nhờ vào "bản lĩnh" của mấy chục cán bộ trung đội, tiểu đội là sinh viên "gò" các lính trẻ này vào khuôn.

        Tôi và Chính ủy Trịnh Văn Thư trao đổi nhiệm vụ xây dựng trung đoàn trở thành đơn vị chủ lực cơ động mạnh, có sức chiến đấu cao, chiến đấu ở mọi chiến trường, đánh thắng địch trong mọi tình huống và đưa nhiệm vụ này ra để Đảng ủy trung đoàn thảo luận.

        Sau khi đã có Nghị quyết của Đảng ủy trung đoàn về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng đơn vị cụ thể, toàn trung đoàn ra quân huấn luyện với khí thế sôi nổi. Từ doanh trại đến bãi tập ở đâu cũng nổi lên những khẩu hiệu hành động "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu", "Huấn luyện giỏi để chiến đấu giải phóng miền Nam".

        Ban chỉ huy trung đoàn chúng tôi chọn Tiểu đoàn 61 chủ công làm đơn vị đột phá huấn luyện đi trước một bước. Thông qua các hình thức tham quan, tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, dân chủ bàn bạc, tìm sáng kiến hay, đặc biệt, việc vận dụng kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu vào huấn luyện, ai cũng thấy cần phải huấn luyện cơ bản, có hệ thống, toàn diện, đi từ thấp đến cao, tạo ra những tình huống phức tạp để rèn luyện cho bộ đội nhanh chóng có trình độ và bản lĩnh chiến đấu.
 
 ------------------
        1. Từ khi Trung đoàn 27 về đứng trong đội hình Sư đoàn 320B thì các tiểu đoàn có sự thay đổi. Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 3 được đổi thành: Tiểu đoàn 4, Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 6.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #106 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:34:48 am »

       
        Để khắc phục tình trạng hạn chế về năng lực của đội ngũ cán bộ phần lớn trưởng thành trong chiến đấu, chưa qua các trường lớp chính quy, chúng tôi rất chú trọng khâu bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ bằng nhiều biện pháp thiết thực: cho cán bộ thay thế nhau đi dự các lớp tập huấn bồi dưỡng của sư đoàn, quân đoàn. Chúng tôi cũng tự tổ chức các lớp bồi dưỡng đối tượng chủ yếu là đại đội, trung đội.

        Những kiến thức tôi có được ở trường đến giờ lại có tác dụng trong bồi dưỡng cho anh em.

        Tôi còn nhớ, vào một chiều cuối năm 1974, đại đội 12 1y 7 của trung đoàn bắn đạn thật. Trường bắn được xây dựng bên sườn ngọn núi Nưa thuộc huyện Như Xuân, giáp huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Để cho buổi bắn đạn thật đạt kết quả tốt nhất, công tác chuẩn bị thao trường phải được chuẩn bị chu đáo.

        Khi tôi đến thì đơn vị đã đắp xong công sự trận địa ở chân núi, nhưng thấy cán bộ đại đội vẫn còn lúng túng chọn địa điểm để đặt mô hình máy bay trên sườn núi. Tôi đứng lên một mô đất cao quan sát, thì thấy một cụm cây trên sườn núi. Tôi chỉ tay về phía cụm cây và bảo: "Các anh cho đặt mô hình ở đó thì tạo được nhiều tình huống bắn tập sát thực tế chiến đấu hơn". Tôi yêu cầu một vài cán bộ, chiến sĩ cùng leo lên cụm cây cao trên sườn núi để treo mô hình máy bay. Khi anh em treo mô hình tôi nhìn vẫn chưa được, thế là tôi cùng anh em chỉnh sửa. Sửa, ngắm chưa được lại sửa. Khi làm xong thì trời xế chiều. Tất cả đều mệt, song mọi người đều hài lòng vì đã làm một trận địa bắn tập ưng ý, đúng tiêu chuẩn.

        Chiều cuối đông, trời tối rất nhanh. Mọi người giật mình tìm lối xuống. Lúc leo lên mải nói chuyện vui vẻ với đám lính trẻ nên tôi không bảo anh em đánh dấu đường. Lúc này xung quanh là cây lút đầu không xác định được hướng để đi xuống. Một số anh em tỏ ra hoang mang. Tôi nói: - Những lúc như thế này cần phải bình tĩnh mới có thể giải quyết được mọi tình huống.

        Theo kinh nghiệm của mình, tôi trèo lên một cây khá cao và xác định hướng xuống. Tôi bảo đại đội trưởng đưa cho con dao để tôi vừa đi vừa mở lối.

        Xuống dưới chân núi ai cũng bảo: "Trung đoàn trưởng mở đường xuống còn ngắn hơn lúc lên"...

        Sau khi hoàn thành huấn luyện, trên điều Sư đoàn 320B đi đắp đê ở Yên Mô (Ninh Bình). Cả sư đoàn trải dài trên con đê hơn hai chục cây số. Trên mặt đê, suốt dọc huyện Yên Mô như một công trường thủ công khổng lồ. Từ sáng đến chiều con đê rợp bóng áo xanh của những người lính trung đoàn 27 anh hùng. Chúng tôi đến, thôn xóm rộn lên tiếng cười đùa của đám lính trẻ cùng các cô thôn nữ.

        Người dân Yên Mô rất tốt. Cái gì quý cũng nhường cho bộ đội, từ miếng ăn, chỗ ngủ. Quần áo của bộ đội các cô gái cũng giằng lấy để được giặt. Ngược lại bộ đội Trung đoàn 27 cũng để lại những ấn tượng tốt đẹp cho người dân Yên Mô. Trừ lúc lao động trên công trường, thời gian còn lại anh em tham gia lao động vệ sinh đường làng ngõ xóm. Nhà có bộ đội ở bao giờ cũng sạch sẽ gọn gàng. Những đêm liên hoan văn nghệ giữa bộ đội và thanh niên địa phương được tổ chức thường xuyên, mang lại đời sống tinh thần cho một vùng quê đồng chiêm trũng...

        Ngày 17 tháng 5 năm 1974, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang), đến ngày 20 tháng 7 năm 1974, Bộ Quốc phòng lại ra quyết định thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long).

        Hội nghị Bộ Chính trị họp tháng 10 năm 1974 và Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng tháng 1 năm 1975 đã phân tích thời cơ chiến lược và hạ quyết tâm lịch sử giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị nhận định: Từ đầu năm 1974, bằng những cố gắng nhiều mặt ta đã thu được những kết quả to lớn trong công tác chuẩn bị chiến lược. Ta đã giữ vững và phát triển mạnh mẽ thế chủ động chiến lược, đẩy địch vào thế bị động trên toàn chiến trường. Ta đã tăng thêm sức mạnh của lực lượng vũ trang, đặc biệt là khối chủ lực. Làm căng mỏng và suy yếu một bước quan trọng quân ngụy, nhất là quân chủ lực cơ động của chúng. Làm cho chủ lực ta hơn hẳn chủ lực ngụy. Ta đã củng cố và mở rộng các bàn đạp tiến công trên các hướng chiến lược trọng yếu, chuẩn bị tất các mặt dự trữ vật chất, đường cơ động chiến lược và chiến dịch.

        Mỹ ngày càng gặp khó khăn trong nước và trên thế giới. Do đó, Mỹ chẳng những phải giảm bớt chi viện cho ngụy mà còn khó có khả năng nhảy vào lại miền Nam, và dù chúng có can thiệp thế nào đi nữa cũng không cứu vãn được ngụy quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ không thể ngăn cản bước tiến lên của cách mạng đang vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #107 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:35:48 am »


        Từ những nhận định trên, Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua phương án thực hiện giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976, và chọn chiến trường Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu. ở Tây Nguyên, địch tương đối yếu và ta có nhiều thế lợi để có thể phát triển lực lượng về phía Nam, chia cắt miền Trung. Hơn nữa ở Tây Nguyên lại tiện cho ta phát huy hết sức mạnh của các binh chủng kỹ thuật.

        Bộ Chính trị kết luận: Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

        Bộ Chính trị quyết tâm: Động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, trong thời gian 1975-1976, đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại.giao, làm thay đổi nhanh chóng và toàn diện so sánh lực lượng trên chiến trường miền Nam theo hướng có lợi cho ta, tiến hành khẩn trương và hoàn thành công tác chuẩn bị mọi mặt, tạo điều kiện chín muồi, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa tiêu diệt và làm tan rã ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền từ Trung ương đến địa phương, giành chính quyền về tay nhân dân.

        Bộ Chính trị nhấn mạnh: Trong quá trình thực hiện quyết tâm chiến lược đó, cần nắm vững quy luật cơ bản của chiến tranh cách mạng nước ta là kết hợp quân sự và chính trị, tiến công và nổi dậy, chiến tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang, phát triển đến đỉnh cao là Tổng công kích, tổng khởi nghĩa, phát huy sức mạnh tổng hợp của tiến công quân sự, tiến công chính trị, tiến công binh vận kết hợp với tiến công ngoại giao.

        Bộ Chính trị quan tâm rất nhiều đến vấn đề thời cơ chiến lược. Cả năm 1975 là thời cơ, đòn tiến công quân sự mạnh tạo nên thời cơ, tình hình thế giới và nội tại nước Mỹ là thời cơ. Từ bình thường đến vừa, đến cao, đến đột biến với tốc độ "l ngày bằng 20 năm", do đó cần khẩn trương, phải đánh nhanh hơn nếu đã có thời cơ mà không kịp thời phát hiện, bỏ lỡ thì có tội lớn đối với dân tộc.

        Ngoài kế hoạch chiến lược cơ bản hai năm 1975- 1976, cần phải có kế hoạch lợi dụng thời cơ, chuẩn bị phương án hành động cực kỳ quan trọng là: Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

        Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị Quân ủy Trung ương quyết định dùng lực lượng chủ lực mạnh mở chiến dịch quy mô lớn ở Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắc Lắc, sau đó giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và phát triển xuống Phú Yên, Khánh Hòa thực hiện chia cắt chiến lược.

        Để bảo đảm cho trận then chốt mở đầu thắng lợi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy chiến dịch. Đồng thời, ở Tây Nguyên phải tập trung lực lượng hơn địch, tích cực nghi binh, tích cực đánh lạc hướng, hình thành chia cắt bao vây, cô lập địch, hành động thật bất ngờ, thật mãnh liệt, làm cho địch không kịp đối phó và khi mất thì không kịp phản kích lấy lại.

        Theo tinh thần đó, ngày 4 tháng 3 năm 1975, ta tiến công cắt đứt đường 19, đường 21 từ Tây Nguyên nối với đông bắc Khu 5, tiến công nghi binh quy mô vừa và nhỏ ở Kon Tum, Plây Cu. Ngày 8 tháng 3, ta đánh chiếm Thuần Mẫn, cắt đứt đường 14 giữa Plây Cu và Buôn Ma Thuột. Ngày 9 tháng 3, ta đánh chiếm Đức Lập, Núi Lửa, cô lập hoàn toàn Buôn Ma Thuột.

        Ngày 10 tháng 3 năm 1975, ta tập trung lực lượng gồm một sư đoàn và hai trung đoàn bộ binh, một trung đoàn đặc công, một đại đội xe tăng, hai trung đoàn pháo binh, ba trung đoàn pháo cao xạ tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở đây, gồm sư đoàn bộ binh 23, trung đoàn 53 (thiếu), một chi đội thiết giáp, một tiểu đoàn và bốn đại đội bảo an, 57 trung đội dân vệ.

        Sau hai ngày chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, đập vỡ một mảng lớn hệ thống phòng thủ của địch trên chiến trường Tây Nguyên.

        Ngày 11 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp, nhận định: Thắng lợi ở Buôn Ma Thuột, Đức Lập, trên đường 19 và các hướng khác chứng tỏ ta có khả năng giành thắng lợi to lớn với nhịp độ nhanh hơn dự kiến.

        Bộ Chính trị khẳng định một lần nữa khả năng can thiệp của Mỹ là rất ít và chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị khẩn trương kế hoạch giải phóng tiếp Tây Nguyên, giải phóng Huế - Đà Nẵng và dự kiến những thời cơ lớn hơn.

        Ngày 16 tháng 3, quân địch ở Tây Nguyên rút chạy, bộ đội ta nhanh chóng tổ chức chặn đánh và truy kích. Đến ngày 24 tháng 3, toàn bộ quân địch rút chạy khỏi Tây Nguyên đã bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh.

        Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng. Ta đã giải phóng toàn bộ vùng cao nguyên chiến lược rộng lớn rất quan trọng trên chiến trường miền Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #108 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:41:08 am »

       
        I. CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO

        Lần đầu tiên tôi được chỉ huy chiến đấu dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Lê Trọng Tấn, đặc biệt trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, Sư đoàn 304 (trừ Trung đoàn 24) là lực lượng dự bị của chiến dịch. Do lực lượng dự bị có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau, đồng chí Lê Trọng Tấn gọi tôi lên ngay cơ quan chiến dịch để nắm vững tình hình diễn biến, bảo đảm việc đưa lực lượng dự bị vào chiến đấu được thuận lợi, đồng thời cũng để góp ý kiến kế hoạch tác chiến trong các giai đoạn khác nhau. Vì vậy chiến dịch này thực tế tôi được làm việc với đồng chí cả giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn thực hành tác chiến.

        Giữa năm 1970, Bộ Tổng tư lệnh đã dự kiến trong mùa khô 1970-1971, với sự yểm trợ của quân Mỹ, quân đội Sài Gòn sẽ tiến hành tiến công vào vùng tự do của ta. Chúng có thể tiến công sang Cam-pu-chia, ra biên giới ba nước Đông Dương (thuộc Tây Nguyên), ra Đường 9 - Nam Lào. Chúng cũng có thể đánh ra miền nam Khu 4. Các lực lượng chủ lực của Bộ, chủ yếu là Binh đoàn B70 (gồm các sư đoàn 304, 308, 320 và một số binh chủng kỹ thuật) có nhiệm vụ sẵn sàng đánh địch ra Đường 9 - Nam Lào hoặc ra nam Quân khu 4.

        Việc dự kiến các hướng tiến công của địch không khó. Vấn đề quan trọng là trong các hướng trên, dự kiến chính xác hướng nào có nhiều khả năng nhất. Lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất của ta không nhiều, nếu dàn đều ra chuẩn bị đánh địch trên tất cả các hướng sẽ gặp khó khăn. Đồng chí Lê Trọng Tấn lúc này là Phó tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Binh đoàn B70. Làm việc với các sư đoàn, đồng chí nói hướng có nhiều khả năng nhất là hướng Đường 9 - Nam Lào. Vì vậy trong lúc chuẩn bị đánh địch các hướng khác, phải tập trung cao nhất cho hướng Đường 9 - Nam Lào. Do đó kinh nghiệm, muốn giành chủ động sớm trong các chiến dịch phản công cần tăng cường lực lượng tại chỗ mạnh. Lực lượng tại chỗ là lực lượng trực tiếp đánh địch đầu tiên, được triển khai sẵn nên có điều kiện đánh địch có hiệu quả cao. Vì vậy đồng chí đã mạnh dạn điều hẳn một trung đoàn của Sư đoàn 304 (Trung đoàn 24) vào xây dựng một chốt chiến dịch trên đường số 9 khu vực cầu Cha Ki (giữa Lao Bảo và Bản Đông), đồng thời đề nghị đồng chí Tổng tư lệnh cho sáp nhập Binh đoàn 968 vào Đoàn 559 (Binh đoàn vận tải chiến lược) để tăng thêm sức chiến đấu tại chỗ, bảo vệ vững chắc đường vận chuyển và kho tàng. Đoàn 559 theo ý kiến của đồng chí Lê Trọng Tấn đã triển khai một số đơn vị phòng không và một số chốt của bộ binh từ Bản Đông đến Sê Pôn. Lúc này đồng chí Lê Trọng Tấn chưa trực tiếp chỉ huy các đơn vị của B4, B51 và Đoàn 559, nhưng với cương vị Tổng tham mưu phó và với uy tín trong việc chỉ huy các chiến dịch nên ý kiến của đồng chí đều được tôn trọng và được các đơn vị thực hiện.

        Mặc dù địch tiến hành nghi binh bằng việc cho lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147 vượt sông đoạn giữa Cửa Việt vào Đông Hà và cho lữ đoàn lính thủy đánh bộ 258 từ La Vang lên xe ra cửa Thuận An để lên tàu thủy đi lên hướng bắc nhằm làm ta lầm tưởng địch sẽ đánh ra Quảng Bình, nhưng với việc quân Mỹ triển khai một lực lượng chiến đấu tại khu vực Khe Sanh và điều động nhiều đơn vị bộ binh, cơ giới, pháo binh, của quân ngụy ra Ái Tử, Đông Hà, Bộ Tổng tư lệnh khẳng định địch đang triển khai lực lượng để tiến công theo đường số 9 sang Nam Lào.

        Ngày 31 tháng 1 năm 1971, phát hiện địch đang điều động lực lượng lên đường 9, Bộ Tổng tư lệnh lệnh cho các lực lượng tại chỗ sẵn sàng đánh địch, các lực lượng cơ động hành quân tiếp cận đường số 9, đoạn từ Lao Bảo đến Bản Đông, đồng thời thành lập Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Nam Lào để chỉ huy tất cả lực lượng tham gia chiến dịch, bao gồm lực lượng B70, lực lượng Đoàn 559, lực lượng B4 và B5. Đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Đạo được chỉ định làm Tư lệnh và Chính ủy mặt trận. Ngày 6 tháng 2 cơ quan mặt trận đã triển khai xong ở tây nam Quảng Bình, tại một trung tâm thông tin của Bộ tư lệnh Thông tin. Thực tế ta chưa chuẩn bị trước sở chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Lê Trọng Tấn trên cương vị Tổng tham mưu phó biết tại tây nam Quảng Bình có trung tâm thông tin mạnh, có liên lạc bằng điện thoại với B70, Đoàn 559, B4, B5 nên quyết định triển khai sở chỉ huy ở đây, mặc dù hoàn toàn chưa có công sự. Công binh nhanh chóng xây dựng các lán làm việc và lán ở. Các lán đều có chiều sâu 1m so với mặt đất, nhưng không có nắp. Bên cạnh các lán bắt đầu xây dựng các hầm ẩn nấp bằng gỗ kiểu chữ A. Đứng về mặt công trình sở chỉ huy mặt trận chỉ tương đương sở chỉ huy dã chiến cấp trung đoàn, chưa vững chắc bằng sở chỉ huy cấp sư đoàn. Nhưng mọi người thấy tư lệnh bắt tay ngay vào làm việc không tính đến việc nếu địch đánh phá vào sở chỉ huy thì độ an toàn đến đâu, nên cũng tập trung vào công việc. Việc xây dựng từng bước để sở chỉ huy được vững chắc thêm là việc của công binh.

        Ngày 8 tháng 2, địch mở đầu cuộc tiến công vượt biên giới Việt - Lào bằng ba cánh quân.

        - Chiến đoàn đặc nhiệm gồm lữ đoàn dù 1 và 2 thiết đoàn 11, 17 tiến công đường bộ theo trục đường số 9.

        - Sư đoàn dù (thiếu lữ dù 1) và liên đoàn biệt động quân rải quân phía bắc đường số 9.

        - Sư đoàn bộ binh 1 rải quân phía nam đường số 9.

        Sau bốn ngày tức ngày 12 tháng 2, binh đoàn đặc nhiệm chiếm được Bản Đông. Hai cánh quân phía bắc và phía nam của chúng cũng rải quân và xây dựng được các căn cứ trên điểm cao.

        Trong quá trình địch đánh chiếm Bản Đông, lực lượng tại chỗ đã tiêu hao nhiều sinh lực của chúng, đặc biệt bắn rơi nhiều máy bay, nhất là máy bay lên thẳng lúc chúng đổ quân. Các đơn vị chủ lực cơ động cũng đã tiếp cận được địch, đang chuẩn bị để mở đầu một số trận tiến công lớn đánh vào hai cánh quân của địch ở cả nam và bắc đường số 9.

-----------------
       1. Quân khu Trị - Thiên và Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #109 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2017, 06:47:39 am »


        Ngày 10 tháng 2 Bộ tư lệnh Mặt trận họp để bàn chủ trương tác chiến, căn cứ vào thực tế tình hình đã diễn ra trên chiến trường. Ở đây cần nói rõ thêm hai vấn đề:

        1. Tại sao Bộ quyết định tổ chức Bộ tư lệnh Mặt trận, chứ không phải Bộ tư lệnh chiến dịch. Bộ tư lệnh chiến dịch có quyền chỉ huy tất cả lực lượng vũ trang thuộc quyền, nhưng với cơ quan chính quyền địa phương thì chỉ có quan hệ hiệp đồng. Bộ tư lệnh Mặt trận thì được huy động toàn bộ nhân lực, vật lực trên địa bàn chiến dịch để đánh địch.

        2. Tại sao ngày 10 tháng 2, sau hai ngày địch vượt biên giới mới bàn kế hoạch tác chiến cụ thể. Trước lúc địch tập trung lực lượng và sau khi xác định rõ hướng tiến công của địch, ta đã có kế hoạch tác chiến. Nhưng trong phân công kế hoạch đó xem như chỉ là kế hoạch bước đầu để đánh địch tại chỗ và cơ động lực lượng. Sau khi nắm cụ thể tình hình địch, ta đã diễn ra trên chiến trường, cần bổ sung để hoàn chỉnh kế hoạch tác chiến.

        Trong cuộc họp ngày 10, tôi cũng được tham dự. Đồng chí Tư lệnh mặt trận nêu lên các ý kiến cơ bản sau đây:

        - Mục đích cuộc hành quân của địch là chặn đường chi viện vào Nam của ta và càn quét, đốt phá các kho tàng. Vì vậy mục tiêu chính của chúng là đánh chiếm khu vực Sê Pôn, bởi vì khu vực Sê Pôn là trung tâm các con đường đi vào Nam và tất nhiên tại khu vực này có nhiều kho trạm.

        - Hiện nay địch mới đến Bản Đông, nhưng ngoài các lực lượng đã triển khai chúng còn lực lượng dự bị lớn là sư đoàn lính thủy đánh bộ và hai thiết đoàn. Như vậy chúng sẽ quyết tâm và có khả năng đánh đến Sê Pôn.

        - Một trong những nhiệm vụ được Tổng tư lệnh giao là: “giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược, đảm bảo vận chuyển bình thường, bảo vệ tốt kho tàng của ta”. Đây là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Vì vậy bất cứ giá nào ta cũng không cho địch chiếm Sê Pôn.

        - Hiện nay ngoài lực lượng tại chỗ, phía bắc đã có Sư đoàn 308 và Sư đoàn 304 (có 2 trung đoàn), đủ sức tiêu diệt một bộ phận sư dù và liên đoàn biệt động quân; không cho chúng điều động được sư dù để đánh lên Sê Pôn. Lúc đầu Sư đoàn 304 tổ chức sở chỉ huy tiền phương do đồng chí Duy Sơn, Phó tư lệnh sư đoàn phụ trách để chỉ huy Trung đoàn 24. Khi địch vượt biên giới. Trung đoàn 64 của Sư đoàn 320 trên đường hành quân vào Tây Nguyên được lệnh dừng lại và lâm thời phối thuộc cho Sư đoàn 304 để đánh cánh quân phía bắc của địch. Vì vậy phía trước Sư đoàn 304 cũng có 2 trung đoàn, không kể lực lượng chính của sư đoàn ở phía sau làm dự bị. Phía nam có Sư đoàn 2 đủ sức diệt và kiềm chế sư đoàn 1 địch.

        - Tại Sê Pôn ta chỉ có lực lượng tại chỗ của Đoàn 559 (Trung đoàn 48 Sư đoàn 320 cũng trên đường hành quân vào Tây Nguyên đã được sử dụng để đánh quân ngụy Lào gồm 2 GM từ Đồng Hến đánh ra để phối hợp với quân đội Sài Gòn). Như vậy ta không đủ lực lượng để không cho địch đánh chiếm Sê Pôn. Để giữ vững khu vực Sê pôn cần có một sư đoàn cùng 1-2 trung đoàn bộ binh. Nếu điều Sư đoàn 304, lực lượng dự bị chiến dịch lên Sê Pôn, ta không biết lấy đơn vị nào về làm dự bị. Từ tình hình trên, nên đề nghị Bộ tư lệnh điều Sư đoàn 324 từ Quân khu Trị - Thiên ra đánh địch ở phía nam thay Sư đoàn 2 để điều Sư đoàn 2 lên phụ trách khu vực Sê Pôn. Đề nghị đã được Bộ Tổng tư lệnh đồng ý. Sư đoàn 324 được điều ra đường số 9 và từ ngày 27 tháng 2 đã bắt đầu tiến công vào sư đoàn lính thủy đánh bộ (sư đoàn lính thủy đánh bộ là lực lượng dự bị của địch được điều lên thay sư đoàn 1 để sư đoàn 1 tiến đánh Sê Pôn).

        Với kế hoạch toàn diện như trên, qua hai đợt tác chiến ta không chỉ đánh thiệt hại nặng quân địch ở cả hai cánh nam, bắc mà đặc biệt là đã đánh không cho địch vào Sê Pôn, giữ vững đường vận chuyển và các kho tàng của ta. Bắt đầu ngày 20 tháng 3 địch buộc phải từng bước co cụm vào Bản Đông để lui quân. Ta tập trung lực lượng lớn để đánh trận quyết chiến chiến dịch ở Bản Đông. Đáng tiếc do không nắm chắc địch nên ta chỉ thu được nhiều xe pháo của địch, bộ binh và lính tăng, lính pháo đã bí mật luồn rừng chạy về Lao Bảo, Khe Sanh.

        Ngày 23 tháng 3 địch rút hết về phía sau. Bộ tư lệnh Mặt trận họp bàn việc kết thúc chiến dịch. Có hai ý kiến khác nhau: ý kiến thứ nhất, nên phát huy thắng lợi cơ động lực lượng đánh địch ở Khe Sanh - Lao Bảo. Ý kiến thứ hai kết thúc chiến dịch ở đây, thu quân, tổng kết rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho đòn tiến công chiến lược mùa khô 1971-1972. Đồng chí Tư lệnh chiến dịch chấp nhận ý kiến thứ hai, kết thúc chiến dịch, chỉ cử 1 trung đoàn của Sư đoàn 304 cùng lực lượng địa phương uy hiếp địch buộc chúng lui quân về khu xuất phát Động Toàn, Đầu Mầu. Ta khôi phục được hình thái trên Mặt trận Đường 9 như cuối năm 1970.

        Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, ngoài việc chỉ đạo cho các đơn vị thuộc quyền chiến đấu, đồng chí Lê Trọng Tấn đã có những quyết định đặc biệt quan trọng tạo nên chiến thắng lớn:

        - Xác định hướng cần chuẩn bị chính là hướng Đường 9 - Nam Lào. Khả năng nhiều nhất, địch sẽ tiến công trên hướng này.

        - Tăng cường mạnh lực lượng tại chỗ để đánh địch ngay từ đầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực cơ động và chủ động tiến công địch ngay khi chúng vừa đến nơi.

        - Vừa đánh mạnh ở đoạn Lao Bảo - Bản Đông, vừa chuẩn bị đủ lực lượng để giữ vững khu vực trọng điểm Sê Pôn, bảo đảm hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ, tiêu diệt địch và bảo đảm giữ vững đường vận chuyển và kho tàng.

        - Kết thúc chiến dịch đúng thời cơ. Có thể nói hai chiến dịch phản công lớn nhất trong kháng chiến chống Mỹ, là chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn Xi ty ở miền Đông Nam Bộ và chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn - 719 ở Đường 9 - Nam Lào, quyền chỉ huy đều nằm trong tay vị tướng tài ba Lê Trọng Tấn và đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc cả hai chiến dịch.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM