Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:07:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời Quảng trị  (Đọc 35688 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #90 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 10:39:08 pm »


        Hơn 1 giờ đồng hồ, lính thủy đánh bộ đã bốn lần phản kích vào trận địa, nhưng cả bốn lần chúng đều bị chặn lại trước ý chí chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1. Họ vẫn gan góc chờ đợi quân địch dẫn xác tới.

        Xe tăng, xe thiết giáp địch vào cách chốt ta 50 mét, tổ trưởng tổ ba người Nguyễn Thanh Hải nổ súng. Quả đạn B40 vạch một đường lửa màu da cam bay là là mặt đất cắm vào chiếc xe bọc thép M113.

        Chiếc xe bốc cháy. Quân địch ở phía sau tháo chạy.

        Pháo hạm Mỹ từ biển bắn vào. Trận địa của Đại đội 1 bị cày xới. Chờ cho pháo địch ngừng anh em sửa lại công sự, lắp thêm đạn vào băng rồi lại xách súng lên vị trí sẵn sàng đón đánh quân địch. Cuộc chiến đấu kéo dài đến tối thì kết thúc. Quân địch không sao vào được làng Ngô Xá và Thanh Lê.

        Chiến công của Đại đội 1 có phần đóng góp xương máu của người phụ nữ kiên trung. Hình ảnh người phụ nữ ngã xuống trước mũi súng của kẻ thù hôm ấy trên trận địa làng Ngô Xá mãi mãi khắc sâu trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27.

        Âm mưu đánh chiếm Ngô Xá và Thanh Lê làm bàn đạp tiến đánh thị xã của địch bị thất bại.

        Trong đợt chặn đánh quân địch gay go, ác liệt và gian khổ này, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 không bao giờ quên gương chiến đấu kiên cường, chỉ huy dũng cảm, táo bạo của chị Trần Thị Tâm, quê Hải Khê, Hải Lăng, Quảng Trị. Chị là huyện đội phó huyện Hải Lăng. Suốt buổi sáng, một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ được pháo binh và thiết giáp yểm trợ tiến công vào xã Hải Quế hòng đánh bật bộ đội và du kích ra khỏi xã này (một ngã ba trọng yếu lên thị xã Quảng Trị). Nhưng tất cả các đợt tiến công của địch đều bị ta đánh bại. Đơn vị chiến đấu của Tâm đã diệt 30 tên, phá hủy hai xe GMC, bắn rơi một trực thăng. Đến chiều, sau nhiều lần dùng pháo binh và máy bay phản lực đánh phá, chúng cho ba chiếc trực thăng "rắn hổ mang" săm soi phát hiện ra hầm của Tâm và một số hầm khác. Chúng đã dùng rốc-két từ trực thăng bắn vào hầm. Tâm anh dũng hy sinh1.

        Cùng với các Trung đoàn 64, Trung đoàn 18, Trung đoàn 27 đã đứng vững trên địa bàn, góp phần chặn địch từ hướng đông đánh vào Thành Cổ.

        Cuộc chiến của Trung đoàn 27 lúc này với lính thủy đánh bộ đã hình thành ranh giới rõ rệt, do vậy địch dùng máy bay B.52 ném bom rải thảm, hòng hủy diệt mọi sự sống ở đây. Có ngày, trong vòng 2 giờ, chúng huy động 16 lần chiếc đánh vào vùng đất rất hẹp Nại Cửu và Bích La. Chúng còn dùng pháo hạm bắn hàng nghìn quả đạn trong một ngày vào đoạn đường 4 nối Chợ Sải với Nại Cửu.

        Lợi dụng trời mưa, có hỏa lực yểm trợ tối đa, chỉ huy lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ thúc ép binh lính ra sức lấn dũi ra vùng giải phóng của ta.

        Tại làng Đầu Kênh, nơi đặt sở chỉ huy Trung đoàn 27. Thường vụ Đảng ủy và ban chỉ huy trung đoàn gồm anh Cao Uy2 - Trung đoàn trưởng, anh Nguyễn Võ Hiển - Chính ủy, anh Nguyễn Quân và tôi trung đoàn phó, anh Trịnh Văn Thư - Chủ nhiệm chính trị họp và nhất trí đề ra tư tưởng chỉ đạo cho trung đoàn giai đoạn này là: "Giữ chắc, đánh mạnh" và phát động phong trào thi đua: "Kiên cường bám trụ; Chủ động tiến công; Đoàn kết hiệp đồng; Lập công tập thể".

        Sau cuộc họp, các đơn vị trong toàn trung đoàn tổ chức một đợt sinh hoạt chính trị ngay trên trận địa chiến đấu của mình. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến đấu liên tục khẩn trương, nhưng cán bộ chủ trì từ tiểu đoàn, đại đội đến trung đội và tiểu đội đã đề ra yêu cầu cụ thể cho đơn vị mình thực hiện.

        Sau khi chiếm được một khu vực rộng lớn của tỉnh Quảng Trị, địch tăng cường củng cố vị trí đứng chân, hình thành thế bao vây thị xã, đánh chiếm các điểm cao phía tây, tiếp tục đánh chiếm từng thôn xã phía đông và tập trung lực lượng đánh chiếm thị xã với mục tiêu cắm cờ lên Thành Cổ trước ngày 10 tháng 7 để phục vụ ý đồ ép ta ở Hội nghị Pa-ri dự định họp lại vào ngày 13 tháng 7 năm 1972 sau nhiều lần trì hoãn.

------------------------
        1. Trần Thị Tâm được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        2. Lúc này anh Phạm Minh Tâm được trên điều về Sư đoàn 325. Anh Cao Uy lên thay anh Tâm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 - Mặt trận B5.

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #91 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 10:42:58 pm »


        Trước yêu cầu cấp bách của cuộc chiến đấu, ngày 2 tháng 7, Thường vụ Đảng ủy chiến dịch họp dưới sự chủ trì của Chính ủy, Bí thư đảng ủy Lê Quang Đạo. Hội nghị đã đề ra chủ trương tác chiến trong giai đoạn mới là: "Kết hợp phản công tiêu diệt địch với tiến công để làm thất bại cuộc phản công của chúng. Cụ thể: ở hướng đông quốc lộ 1, lấy tiến công làm chính, hướng đường 12 (tây Huê) cũng lấy tiến công làm chính, các hướng khác kết hợp phản công và tiến công. Có như vậy mới làm cho địch phải căng mỏng lực lượng, ta đánh liên tục dài ngày, vừa tiêu diệt địch, bảo vệ vùng giải phóng, vừa chuẩn bị vật chất, điều chỉnh lực lượng và sử dụng lực lượng hợp lý".

        Thực hiện quyết tâm của Thường vụ Đảng ủy chiến dịch, kiên quyết bảo vệ thị xã và Thành Cổ, ta đã sử dụng các đơn vị ở vòng ngoài phản kích mạnh vào cạnh sườn và phía sau đội hình của địch, chốt giữ bằng được các khu vực La Vang, Tích Tường, ngã ba Long Hưng, nhà ga Quảng Trị, Tri Bưu và tuyến sông Vĩnh Định.

        Ngày 9 tháng 7 năm 1972, Tiểu đoàn 3 (mang mật danh K3) tỉnh đội Quảng Trị được lệnh vào Thành Cổ Quảng Trị chiến đấu. Tiểu đoàn 3 đã nhiều năm sát cánh chiến đấu với Trung đoàn 27.

        Riêng tôi biết rất rõ tác phong chỉ huy dứt khoát, mưu trí, sáng tạo của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến và Chính trị viên Lê Binh Chủng.

        Mờ sáng ngày 10 tháng 7 năm 1972, với quân số hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, Tiểu đoàn 3 đã vượt sông Thạch Hãn đoạn làng Nhan Biều qua cổng tây vào chốt giữ bảo vệ Thành Cổ. Sở chỉ huy tiểu đoàn đặt sát tường phía trong cổng tây. Các đại đội 9, 10, 11, 12 được giao nhiệm vụ cụ thể bảo vệ bốn cổng Thành: Nam, Bắc, Tây, Đông.

        Sau hơn 10 ngày lấn chiếm với hơn 20 nghìn quân tinh nhuệ và trút hàng vạn tấn bom đạn nhưng không đạt được kết quả mong muốn, Bộ chỉ huy liên quân Mỹ - ngụy ở Sài Gòn chỉ thị cho cấp dưới bằng mọi giá phải cắm cờ lên Thành Cổ trước ngày 13 tháng 7, tức là trước khi có cuộc gặp giữa phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mỹ ở Hội nghị Pa-ri sau nhiều tháng gián đoạn. Mỹ hứa sẽ tăng viện đột xuất cho quân ngụy. Tư lệnh quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam ra lệnh điều lực lượng hải quân và không quân Mỹ đến Quảng Trị, tăng hỏa lực pháo binh và không quân không hạn chế để cho quân ngụy tiến công. Chúng còn trao giải thưởng lớn cho quân ngụy nếu cắm được cờ lên Thành Cổ, dù chỉ một lúc để chụp ảnh. Với những biện pháp khích lệ tinh thần và chi viện hỏa lực mạnh mẽ của Mỹ, quân dù và lính thủy đánh bộ ráo riết chuẩn bị vào đợt tiến công mới.

        Ngót nửa tháng liên tục tiến công với sự chi viện của không quân, hải quân, pháo binh, thiết giáp, sư đoàn dù vẫn không thực hiện được ý đồ tiến vào thị xã cắm cờ lên Thành Cổ trước ngày 13 tháng 7 năm 1972. Mỹ - ngụy tìm mọi cách đẩy lùi thời gian cuộc gặp ở Pa-ri, mặt khác chúng tăng cường mật độ hỏa lực phi pháo để cắt đứt các con đường tiếp tế của ta vào thị xã và hình thành mũi tiến công từ nhiều hướng để chiếm thị xã.

        Nắm được âm mưu của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch chủ trương tăng cường lực lượng vào giữ thị xã.

        Trung đoàn 36 Sư đoàn 308 đánh địch ở Tân Téo.

        Sư đoàn 304 đánh địch ở Cầu Nhi, Bến Đá và núi Trường Phước. ở hướng đông, Trung đoàn 27 được tăng cường Tiểu đoàn 7 Trung đoàn 64 và một đại đội thiết giáp đánh chặn địch không cho chúng chiếm An Tiêm, Nại Cửu ở phía đông sông Vĩnh Định cách Thành Cổ khoảng 1 ki-lô-mét. Để tăng cường lực lượng bảo vệ thị xã và Thành Cổ, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định đưa Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 95 và Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 64 vào phối thuộc với Trung đoàn 48. Bộ Tư lệnh chiến dịch còn tăng lượng vật chất chi viện cho thị xã từ 500 đến 600 ki-lô-gam lên 4 đến 6 tấn mỗi ngày. Hàng đêm, các đội vận tải trung đoàn, sư đoàn đã chuyển súng đạn, lương thực thuốc men, cả báo chí, thư từ hậu phương vào Thành Cổ, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ ta và đưa thương binh ra phía sau điều trị.

        Ngày 16 tháng 7, lữ đoàn 2 của địch, lực lượng tiên phong thực thi cắm cờ bắt đầu xung trận.

        Chúng chia làm hai cánh: Cánh thứ nhất, từ ngã ba Long Hưng tiến đánh Tri Bưu, Quy Thiện, uy hiếp cổng đông Thành Cổ. Cánh thứ hai, đánh vào Tích Tường, Như Lệ hòng cắt đứt đường tiếp tế của ta cho thị xã từ hướng tây nam. ở cánh đông, sư đoàn lính thủy đánh bộ cũng mở nhiều đợt tiến công vào tuyến phòng thủ sông Vĩnh Định của Trung đoàn 27 gồm An Tiêm, Nại Cửu, Bích La Đông để phối hợp với quân dù bao vây Thành Cổ từ hướng đông và đông bắc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #92 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:38:21 pm »


        Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ thị cho các đơn vị trên toàn Mặt trận kiên quyết giữ vững thị xã và Thành Cổ, đập tan âm mưu "cắm cờ" của địch.

        Ngày 19 tháng 7, lính dù và lính thủy đánh bộ từ hướng tây và hướng đông ồ ạt đánh chiếm các khu vực đã định. Các đơn vị của ta từ ba phía ở ngoại vi thị xã kiên cường bám trụ đánh địch.

        Trong những ngày này, địch tăng cường không quân, pháo binh và hải quân, kể cả máy bay chiến lược B.52 đánh phá với cường độ rất lớn ở khắp các chiến tuyến. Không ai còn nhớ và cũng không thể nhớ được địch đã đánh phá bao nhiêu lần trong một ngày. Trên mỗi trận địa không thể biết bao nhiêu bom pháo đã rơi xuống. Chúng tôi chốt giữ Nại Cửu An Tiêm nhìn bom rơi pháo nổ ở Thành Cổ, La Vang mà lo cho đơn vị chốt giữ ở đó. Cứ sau mỗi đợt bom pháo rơi, khi nghe được tiếng súng bộ binh của ta nổ ran phía Thành Cổ là anh em chúng tôi vui mừng...

        Càng ngày số trận đánh phá của địch càng nhiều hơn, mức độ càng gay go quyết liệt hơn. Trên khu vực ngã ba làng Thạch Hãn đến ngã ba Long Hưng, lữ dù 2 và lữ dù 3 liên tục tiến công vào thị xã và Thành Cổ. Có ngày quân dù đã chiếm được gần hết làng Tri Bưu, làng Cổ Thành, tiến sát góc đông nam Thành Cổ. Một tốp biệt kích bí mật luồn lách qua những mảng tường bị pháo bom khoan thủng, định leo lên tường thành cắm cờ, liền bị Đại đội 11 Tiểu đoàn 8 (tỉnh đội Quảng Trị) tiêu diệt. Chiến sĩ Nguyễn Văn Sĩ, quê Diễn Thái, Diễn Châu, Nghệ An đã lao lên cướp lá cờ ba que từ tay một tên lính biệt kích vừa bị anh em ta tiêu diệt.

        Để tăng cường việc phòng ngự thị xã, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định đưa toàn bộ Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 vào trong thị xã. Tôi được biết, lúc này Trung đoàn 95 đã có Tiểu đoàn 4 đang chốt giữ thị xã, Tiểu đoàn 6 đang giữ chốt ở khu vực An Tiêm, Nại Cửu, từ đêm 19 tháng 7 được đưa về giữ làng Cổ Thành và các trận địa trên hướng bắc thị xã thay thế Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 48 rút ra củng cố. Tiểu đoàn 5 chốt giữ khu vực Nhan Biều được lệnh sẵn sàng tiến công chi viện cho các đơn vị trong thị xã.

        Do Trung đoàn 95 Sư đoàn 325 đã vào thị xã chiến đấu đầy đủ, ngày 22 tháng 7, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tổ chức Ban chỉ huy hỗn hợp và chỉ định Ban cán sự khu vực thị xã. Ban chỉ huy bảo vệ Thành Cổ vẫn bố trí ở dưới hầm nhà dinh tỉnh trưởng ngụy.

        Ngày 26 tháng 7, khoảng 2 giờ sáng, Ban chỉ huy bảo vệ Thành Cổ nhận được điện của Chính ủy chiến dịch Lê Quang Đạo: "Trong cả ngày và đêm nay, các đơn vị không được để một tên địch nào lọt vào Thành".

        Nhận được lệnh của trên, Ban chỉ huy bảo vệ Thành một mặt họp bàn hạ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, thông báo cho các đài quan sát tăng cường theo dõi mọi hoạt động của địch, mặt khác dự kiến nhiều phương án đánh địch, kể cả tình huống phức tạp nhất vẫn phải chủ động đối phó.

        Chỉ huy quân đội ngụy cay cú vì đã gần một tháng với không biết bao nhiêu nỗ lực mà không sao cắm nổi lá cờ lên Thành Cổ. Chúng hy vọng hôm 27 tháng 7, ngày cuối cùng mà chúng ấn định sẽ "bằng mọi giá cắm được cờ". Vì vậy, mới sáng ra sự căng thẳng của một ngày đã lộ rõ. Hàng chục trận địa pháo từ phía nam bắn ra, từ biển bắn vào, cả thị xã Quảng Trị rung lên trong tiếng nổ rền.

        Trên trời máy bay đủ loại quần đảo, đánh phá theo yêu cầu của bộ binh. Dưới đồng, trên đường phố, đường làng, ở các ngã ba, ngã tư vào thị xã, lính dù, lính thủy đánh bộ, lính biệt kích, lính địa phương tập trung dày đặc với xe tăng thiết giáp chuẩn bị vào trận.

        Cuộc chiến đấu càng về trưa càng diễn ra ác liệt, nhất là hướng đông nam thị xã. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, ụ đất. Bộ binh địch đột phá không được lùi ra gọi phi pháo. Mật độ bom pháo địch dày đặc tới mức không thể nhận ra từng tiếng nổ. Đứng ở Nại Cửu, An Tiêm, Ái Tử, Nhan Biều chỉ nghe thấy tiếng nổ liên hồi dội sang ầm ầm. Trong thị xã, tường Thành Cổ đổ sụp từng mảng, mặt đất biến dạng. Gạch ngói, đất đá nóng cháy, khét lẹt. Nhà cửa không còn, tất cả những vật nhô cao hơn mặt đất đều bị bom đạn Mỹ san phẳng. Những chấn động và sức ép triền miên của bom Mỹ làm hầm hào sụt lở, lòng hầm hẹp lại.

        Hầm hố, công sự chao đảo đu đưa, người bị nhồi lên, ép xuống. Không khí ngột ngạt. Mồ hôi dính quện với bụi cát, nhớp nháp vô cùng khó chịu.

        Ngồi trong hầm, không trúng mảnh đạn mà máu vẫn trào ra ở tai, ở mũi. Ở thị xã Quảng Trị và Thành Cổ nhỏ hẹp này Mỹ đã đổ xuống một khối lượng bom đạn có sức công phá còn lớn hơn quả bom nguyên tử chúng đã ném xuống nước Nhật gấp nhiều lần.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #93 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:40:20 pm »


        Cuối tháng 7, những trận mưa liên tục càng làm cho cả Thành Cổ ngập nước. Hầm hào chiến đấu của đơn vị sụt lở. Máu của thương binh trộn bùn đất...

        Buổi chiều, cán bộ chiến sĩ mặt trận nhận được điện của Quân ủy Trung ương: "Vì Tổ quốc, các đồng chí bằng mọi giá phải giữ vững Thành Cổ, kiên quyết không cho địch cắm cờ lên tường Thành".

        Bức điện được chuyền tay đến từng người.

        Không khí trở nên trang nghiêm, ai cũng hiểu giá trị của mỗi trận đánh lúc này. Mỗi thước đất ở đây còn như một điểm sáng thu hút lương tri của toàn thể loài người tiến bộ đang hướng về Việt Nam.

        Mấy tiếng đồng hồ nữa, ở Pa-ri sẽ diễn ra cuộc gặp tay đôi giữa Chính phủ ta và Mỹ. Nếu chúng ta để mất mảnh đất này thì kẻ thù sẽ lấy nó làm giá để "mặc cả" với chúng ta.

        Cũng trong buổi hoàng hôn ấy, chúng tôi còn nhận được thư của Thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, rồi thư của các đồng chí lãnh đạo các địa phương cũng gửi vào mặt trận Thành Cổ. Những dòng tâm huyết của Thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị và các địa phương đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận Thành Cổ tiến lên làm thất bại những âm mưu thâm độc xảo quyệt của địch.

        Cả đêm ngày 26 rạng ngày 27 tháng 7 năm 1972 bên ngoài máy bay B.52, pháo bầy liên tục dựng những bức tường lửa, nhưng bên trong nội thị và Thành Cổ nhiều lúc yên ắng, quân dù và lính biệt kích luồn lách rình rập cắm cờ. Hầu hết các đơn vị của ta phải tách rời, một nửa chốt giữ trận địa, một nửa bám địch, rà diệt những tên mò mẫm cắm cờ.

        Cuối cùng cái đêm ấy đã đi qua, ước muốn "cắm cờ" của địch đã không thành.

        Khi những nỗ lực cuối cùng để cắm cờ lên Thành Cổ không thực hiện được, sư đoàn dù kiệt sức trước khi rút ra củng cố, bọn địch đã nghĩ ra trò cực kỳ lừa bịp "cắm cờ lên Thành Cổ để chụp ảnh quay phim". Chúng chọn bức tường do bom pháo Mỹ đánh đổ nát ở nhà thờ Trầm Lý (cách thị xã 3 ki-lô-mét) về phía đông, rồi cắm cờ lên đó, lừa bịp dư luận.

        9 giờ sáng, khi hai chiếc trực thăng chở cố vấn Mỹ, chỉ huy sư đoàn dù và các phóng viên đổ xuống sân vận động để sang Trầm Lý chứng kiến cảnh lính tiểu đoàn 5 dù trèo lên "tường thành đổ nát" giữa bốn bề mờ mịt khói lửa của xăng crếp và lựu đạn khói cho các phóng viên quay phim, chụp ảnh, thì các tổ đài quan sát của ta đã kịp báo về cho các cụm pháo binh chiến dịch bất thần trút đạn, đập tan trò hề bịp bợm của chúng.

        Hãng AFP ngày 27 tháng 7 năm 1972 đưa tin: "Trong cuộc hành quân tái chiếm Quảng Trị, quân dù Nam Việt Nam đã bị đánh quy. Trong những ngày chiến đấu đẫm máu tại đây, mỗi ngày họ chết 150 người. Các cố vấn Mỹ cho rằng: Thật chẳng đáng bám lấy cái thị xã Quảng Trị nguy hiểm ấy làm gì, lính dù đã bị thương vong quá nặng. Họ cần có thời gian để tổ chức và hồi phục lại".

        Sau khi sư đoàn dù rút ra củng cố, sư đoàn lính thủy đánh bộ vào thay thế vị trí "tiên phong" cho quân dù đánh chiếm thị xã, chúng liền mở một trận tập kích hỏa lực đánh phá ác liệt toàn bộ phòng tuyến của ta. Để hỗ trợ tinh thần cho quân ngụy, ngoài máy bay chiến thuật, chiến lược oanh tạc theo yêu cầu của lính thủy đánh bộ chúng còn cho pháo hạm và pháo mặt đất tầm xa bắn hàng vạn quả mỗi ngày.

        Được sự chi viện tối đa bằng hỏa lực, lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ bắt đầu lấn dũi thị xã từng thước một. Chúng coi đây là chiến thuật "chậm chắc". Còn sư đoàn dù, tuy phải lùi về tuyến sau nhưng vẫn tung lữ đoàn 1 ra đánh vào La Vang, Tích Tường, Như Lệ, quyết ngăn chặn các đòn tiến công của ta từ hướng này.

        Địch bắn hàng vạn quả đạn pháo trong một ngày, rải đều lên 4 ki-lô-mét vuông của thị xã Quảng Trị và Thành Cổ, vùng ngoại vi như Long Hưng, Thạch Hãn, nhà ga đến Tri Bưu, An Tiêm, Quang Thiện... hầu như trở thành bình địa chết. ở Thành Cổ, bốn bức tường cao dày hàng mét vỡ dần, không chỉ vỡ vì bom pháo địch mà còn vì sự chấn động của mặt đất. Từng mảng lớn dài hàng chục mét cứ rạn ra, nghiêng dần rồi đổ sụp xuống.

        Các chiến sĩ chốt giữ Thành Cổ đã chứng kiến hàng chục loại bom pháo khác nhau như: Bom đào, bom phạt, bom bi, bom na ban, pháo khoan, pháo chụp, pháo càng. Đặc biệt lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Trị, Mỹ - ngụy đã dùng loại bom dù - một loại bom mà khi thả xuống lưng chừng, một quả bom mẹ nổ thành hai quả bom con, những quả bom con ấy cũng được dù mang cứ lừ lừ rơi xuống, trông thấy hẳn hoi mà không có cách gì phá nổi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #94 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:42:44 pm »


        Tôi được biết, một quả bom dù đã rơi trúng sở chỉ huy tiểu đoàn (Quảng Trị). Anh Lê Binh Chủng - Chính trị viên tiểu đoàn (người đã gắn bó chiến đấu với chúng tôi nhiều tháng) và anh em thông tin, vận tải, trinh sát của tiểu đoàn đã hy sinh. Tiểu đoàn trưởng Đỗ Văn Mến, chỉ với chiếc quần cộc, khẩu súng AK báng gấp bên mình, mặt sạm đen, râu tóc lởm chởm đến từng tổ chiến đấu động viên bộ đội trả thù cho chính trị viên và anh em đã hy sinh.

        Quyết phá tan từng bước âm mưu và hành động man rợ mới của địch, Tướng Lê Trọng Tấn chỉ thị cho các đơn vị trên toàn mặt trận: ở hướng tây nam thị xã Quảng Trị, Sư đoàn 308 tiến công lữ đoàn 1 dù đóng chốt ở các khu vực điểm cao l05B, Tích Tường, Như Lệ, Cầu Sắt, làng Thạch Hãn...

        Ở hướng đông, Trung đoàn 27 Mặt trận B5 và Trung đoàn 101 tập trung tiến công tiểu đoàn lính thủy đánh bộ chốt giữ Nại Cửu và An Tiêm là hai làng nằm kẹp giữa ngã ba sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định. Đường số 4 nối thị xã Quảng Trị với cảng Cửa Việt chạy qua An Tiêm và Nại Cửu. Tiêu diệt 2 tiểu đoàn địch chốt giữ ở đây sẽ đẩy địch ra xa Thành Cổ từ hướng đông bắc. Đồng thời ta cũng bảo vệ đường vận chuyển trên sông Thạch Hãn.

        Cuộc chiến đấu lúc đầu ta phát triển thuận lợi, nhưng sau đó lữ đoàn 369 lính thủy đánh bộ tăng viện cố đẩy ta ra khỏi những vị trí đã mất, nên cuộc chiến đấu giữa Trung đoàn 27, Trung đoàn 101 với lữ đoàn 369 giằng co kéo dài. Địch cố sức đẩy ta ra khỏi làng An Tiêm. Ta kiên quyết giữ địa bàn để kéo địch ra, phá thế bao vây thị xã. Ta và địch xen kẽ nhau theo thế cài răng lược. Bốn ngày sau, bằng hai trận tập kích táo bạo, ta đã đánh thiệt hại nặng hai đại đội địch buộc chúng phải rút chạy.

        Thời gian này, Trung đoàn 27 được bổ sung gần một trăm tân binh, quá nửa trong số này là sinh viên các trường đại học Tổng hợp, Bách khoa. Số còn lại là công nhân viên chức các cơ quan ở Hà Nội vừa được động viên. Khối tân binh này thể hiện rõ hai thái cực, một bên: chín chắn, từng trải; một bên: vô tư, hồn nhiên, thông minh và đầy sáng tạo.

        Buổi chiều, tân binh được biên chế ngay về các đơn vị và bước vào trận địa chốt ngay.

        Tôi được Phạm Quang Hùng, quê ở số 10 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội là chiến sĩ Đại đội 16 - Súng 12 ly 7 trung đoàn kể lại: "Vừa chân ướt chân ráo đến đơn vị tôi được một người tự giới thiệu là Trần Đại Giảng người Quỳnh Lưu, Nghệ An, trung đội trưởng Trung đội 3 phân công tôi về khẩu đội 6, Trung đội 3 súng 12 ly 7. Khẩu đội phó tên là Ngoạn, người Nghi Lộc, Nghệ An nói rất khó nghe.

        Khi anh nói phải phiên dịch thì các sinh viên chúng tôi mới hiểu được. Một lát sau, anh Giảng nói với đám tân binh: Ai xung phong lên chốt ngay bây giờ! Chẳng biết chốt là gì, tôi và mấy cậu thư sinh giơ tay. Anh Giảng dẫn chúng tôi đi khoảng vài trăm mét là tới. Chúng tôi ở cách trận địa bộ binh gần 200 mét. Mấy hôm trước các đơn vị của Sư 325 chốt ở đây cây cối còn xanh tốt, thế mà khi Trung đoàn 27 vào thay có mấy ngày bom pháo chém nát chẳng còn cây nào nguyên vẹn. Đêm đầu tiên lên chốt, vì trời mưa to ta và địch không nổ súng. Nhưng do mưa nhiều hầm hào ngập nước chẳng ai ngủ được Sáng ra, mở ba lô thấy cái gì cũng bị thấm nước, anh em sinh viên ai cũng buồn phát khóc.

        Anh khẩu đội trưởng động viên an ủi và giúp chúng tôi phơi hong các thứ. Đây là kỷ niệm lần đầu ở chốt.

        Mấy ngày sau, trời hửng nắng, địch liền mở nhiều đợt tiến công giành lại chốt bị mất hôm trước.

        Được pháo binh, không quân, thiết giáp yểm trợ, có ngày địch chiếm được một vài vị trí của ta. Nhưng đến đêm ta lại tập kích giành lại. Cứ thế ngày qua ngày ta và địch giằng co với nhau. Phía ta là Trung đoàn 27 của Mặt trận B5, phía địch là lữ đoàn 147 lính thủy đánh bộ - lực lượng dự bị chiến lược của quân ngụy Sài Gòn. Trung đoàn 27 mới vào thay cho Sư đoàn 325 thì sáng hôm sau đã thấy lính thủy đánh bộ la lên: "Lại đụng thằng 27 rồi, ngán quá đi!" Phạm Quang Hùng kể tiếp: "Vào một buổi sáng trời quang mây, chỉ huy đơn vị cảnh báo hôm nay thế nào địch cũng lấn chốt, anh em phải sẵn sàng.

        Tôi lúc đó là pháo thủ số 2. Pháo thủ số 1 là anh Bá người Nghĩa Đàn, Nghệ An. Nhận được lệnh, khẩu đội sẵn sàng, đạn đã lên nòng. Tôi tranh thủ lắp thêm một băng đạn nữa để ngoài thùng. Thường thì chúng tôi ở chốt hay hạ nòng súng xuống bắn khi địch liều lĩnh tràn lên lấn chốt bộ binh. Tiếng réo và tiếng va chạm của đạn 12 ly 7 vào thành xe thiết giáp nghe chát chúa nên địch rất ngán không dám xông lên. Nhưng ngay sau đó, thì cánh 12 ly 7 chúng tôi cũng phải hứng chịu những trận pháo, cối của địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #95 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:45:05 pm »


        Lại nói về cái buổi sáng hôm đó. Mọi lần sáng ra chúng cho máy bay, pháo binh bắn phá ác liệt rồi bộ binh xông lên lấn dũi, nhưng sáng đó pháo binh địch chưa bắn đã có hai chiếc trực thăng UH.1Aa bay vè vè sát ngọn tre. Cái trước, cái sau quần đi quần lại hình như chúng thị sát chứ không lượn sang phía chốt ta bắn phá. Trung đội trưởng Giảng hạ lệnh cho khẩu đội 5 hạ nòng ngắm bắn chiếc đi đầu và khẩu đội 6 của tôi hạ nòng ngang tầm chiếc trực thăng bay sau để ngắm bắn. Chờ đúng lúc hai chiếc trực thăng quần trở lại ngay sát tầm bắn hiệu quả nhất của hai khẩu đội, trung đội trưởng hô một tiếng to: Bắn! Hai khẩu 12 ly 7 xả một tràng đạn dài đinh tai. Vì cự ly quá gần so với tầm bắn của súng 12 ly 7 nên cả hai chiếc trực thăng đều trúng đạn. Chiếc thứ nhất bốc cháy rơi ngay tại chỗ, cách chốt bộ binh ta khoảng hơn 300 mét. Chiếc thứ hai cố gượng vọt lên, nhưng qua rặng tre bên trong chốt địch cũng chao qua chao lại rơi xuống bốc lên một đụn khói đen đặc. Lập tức pháo các cỡ của địch bắn về phía trận địa chúng tôi. Nhưng lạ thay, sau trận pháo kích ấy bộ binh địch không nống lên phía trận địa của ta. Pháo, cối địch bắn cấp tập như vậy mà không ai việc gì, chỉ nòng súng khẩu đội 5 bị mảnh pháo làm cong sang một bên. Trung đội trưởng Giảng cho tháo nòng pháo đưa về tuyến sau xin thay nòng mới. Khi được báo cáo về trận đánh, ban chỉ huy đại đội ngay tối hôm đó cho trung đội khác lên thay trung đội tôi.

        Đêm đến, nhân ban chỉ huy đại đội giao ban, rồi hội ý chi ủy, cậu liên lạc đã lén đưa cái đài Liđô của chính trị viên sang hầm tụi tôi dò đài BBC nghe tin tức. Cái trò này chỉ đám sinh viên Hà Nội mới dám làm. Đài BBC đưa tin: "Sáng nay quân Bắc Việt đã bắn hạ hai chiếc trực thăng chở bộ tham mưu sư đoàn thủy quân lục chiến (lính thủy đánh bộ) của quân lực Việt Nam cộng hòa đang thị sát vùng giáp ranh Mặt trận Quảng Trị". Bọn tôi mừng rú, nhưng chẳng ai dám hé răng vì đó là tin từ đài BBC. Rồi chúng tôi chẳng phải chờ lâu, một tuần sau trung đoàn báo về Trung đội 3 được khen thưởng. Trung đội trưởng và hai xạ thủ số 1 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, còn tất cả anh em hai khẩu đội chúng tôi được tặng bằng khen của Bộ Tư lệnh Mặt trận B5".

        Nhân đây tôi nói về các phóng viên chiến trường.

        Báo Quân đội nhân dân có các anh Khánh Vân, Vương Sĩ Đình, Từ Liên, Tô Văn... Đặc biệt, anh Đoàn Công Tính (bí danh là Huỳnh Tấn Công) đã theo đơn vị của tôi từ chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Đầu tháng 5 năm 1972, Đoàn Công Tính còn chụp ảnh khi tôi còn là Đại đội trưởng và Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 đang bàn phương án bảo vệ Thành Cổ ở Thị Ông, cánh đông thị xã Quảng Trị. Hôm gặp tôi anh Tính bảo: - Tôi đã đưa được vào ống kính những hình ảnh của bộ đội ta đánh sụp hàng rào điện tử Mác Na- ma-ra, ghi được hình ảnh của anh sau khi diệt đoàn xe 28 chiếc. Giờ đây tôi phải có hình ảnh chiến sĩ ta chiến đấu ở Thành Cổ. Cả nước muốn nhìn thấy họ sống ra sao dưới pháo bầy, bom chùm và bom rải thảm của B.52 Mỹ. Tôi đã từng chụp lúc Thành Cổ mới giải phóng, dinh tỉnh trưởng còn nguyên vẹn.

        Còn đây là Thành Cổ ngày 16 tháng 8 năm 1972, dinh tỉnh trưởng đã nát tan tành và Thành Cổ cũng sụp đổ. Chỉ còn nụ cười của những người chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ là nguyên vẹn và rạng rỡ. Anh em nói khi tôi đưa ống kính lên: "Có thể mai đây một số anh em chúng tôi không còn nữa. Nhưng Thành Cổ sẽ sống mãi với lịch sử vinh quang của đất nước".

        Anh Hiệu thấy không? Từ lời nói thiêng liêng như lời di chúc, tôi cũng cảm thấy trách nhiệm  nặng nề. Trước khi rời Thành Cổ mang tài liệu, phim ảnh về Hà Nội, tôi đã viết một lời "Di chúc", phỏng theo lời chiến sĩ: "Nếu chẳng may tôi hy sinh trên đường ra Hà Nội, xin nhờ mang hộ mười cuốn phim này về giao cho Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Đây là hình ảnh của những người con quê hương Quảng Trị và cả nước, họ đã chiến đấu anh dũng bảo vệ Quảng Trị, những nụ cười bất diệt của họ sẽ sống mãi với Thành Cổ anh hùng".

        Nghe anh Đoàn Công Tính kể, trong tôi trào dâng niềm cảm phục người phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân đã theo bước chân của chiến sĩ bộ binh chúng tôi đến những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến để ghi lại những khoảnh khắc sinh động của chiến tranh. Anh đã dành cho tôi nhiều tấm ảnh suốt mấy năm anh theo chúng tôi chiến đấu để ghi lại một thời Quảng Trị mà tôi còn giữ mãi đến tận bây giờ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #96 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:46:47 pm »


        Cuộc chiến đấu vào những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1972 càng diễn ra quyết liệt. Mỹ - ngụy dùng âm mưu phong tỏa thị xã Quảng Trị bằng hỏa lực để phá vỡ các tuyến chốt bảo vệ thị xã của ta, đồng thời cho sư đoàn lính thủy đánh bộ lấn dũi. Hành động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần.

        Chúng hy vọng với ưu thế vượt trội về hỏa lực, lực lượng của ta trên các trận địa chốt sẽ bị tiêu hao dần và cuối cùng sẽ bị đẩy ra khỏi các trận địa và toàn bộ thị xã. Mật độ bom pháo địch dày đặc.

        Đứng ở các mỏm đồi phía tây Ái Tử nhìn sang thị xã chỉ nghe thấy tiếng động ầm ầm dội sang không ngớt, khói bụi bốc cao mù trời. Cả vùng thị xã kéo dài xuống tận biển đã trở thành một vùng bình địa đổ nát.

        Cả nước hướng về Quảng Trị, hướng về Thành Cổ, dành cho chiến sĩ bảo vệ ở đây tất cả niềm tin yêu Từ hậu phương miền Bắc, mỗi chuyến hàng vào Quảng Trị bên cạnh gạo, đạn, thuốc men, còn có các sản phẩm của quê hương từ trăm miền gửi tới Trong đó có những lá thư của những người mẹ, người chị, người em và người yêu gửi vào tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ ta trụ vững trên vùng đất nóng bỏng này, xứng đáng với lòng tin yêu của Đảng và nhân dân dành cho.

        Để đánh bại âm mưu nham hiểm của địch, phá thế bao vây thị xã Quảng Trị và Thành Cổ, Tư lệnh chiến dịch - Tướng Lê Trọng Tấn chỉ thị mở đợt phản kích mới nhằm chiếm lại một số vị trí chiến thuật quan trọng vừa bị mất. Cụ thể: Sư đoàn 308 giữ vững các vị trí La Vang, Tích Tường, Như Lệ, đồng thời đánh chiếm ngã ba Long Hưng, ngã tư Thạch Hãn, đánh bật địch ra khỏi phía nam thị xã.

        Các Trung đoàn 95, 48 và các Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 (tỉnh đội Quảng Trị) tiếp tục giữ vững vị trí đứng chân tổ chức các phân đội đánh phản kích, quyết không cho địch lấn cài răng lược. Hai Trung đoàn 27 - Mặt trận B5 và 101 kiên quyết đánh địch ra khỏi chợ Sải, Nại Cửu, nếu có thời cơ đánh xuống Bích La.

        Thực hiện quyết tâm của Tư lệnh chiến dịch, bộ đội ta trên từng hướng tích cực làm công tác chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh xuất kích. Sư đoàn 308 sau một đêm vượt qua nhiều tọa độ lửa của địch đã áp sát ngã ba Long Hưng và ngã tư Thạch Hãn. Mờ sáng, pháo chiến dịch của ta bất ngờ bắn phá vào các cụm quân của một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ ở ngã ba Long Hưng và ngã tư Thạch Hãn. Đợt bắn pháo vừa dừng, các chiến sĩ Sư đoàn 308 đồng loạt xung phong. Trước sức tiến công của ta, lính thủy đánh bộ ngụy chống trả yếu ớt rồi tháo chạy. Quân ta nhanh chóng củng cố trận địa vừa chiếm được.

        Nhưng, mấy ngày sau đó địch cho máy bay, pháo binh đánh phá vôi cường độ cao và dùng 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ từ đường 1 đánh ra, từ An Thái đánh sang, bộ đội ta bị thương vong nhiều phải lui về tuyến sau.

        Riêng ở hai làng Tích Tường và Như Lệ ta vẫn tổ chức đánh phản kích tốt, trận địa được giữ vững.

        Ở hướng đông, Trung đoàn 27 sử dụng Tiểu đoàn 2 tiến công cụm lính thủy đánh bộ chốt giữ ở thôn Bích La Trung, Nại Cửu Bắc và một phần Nại Cửu Nam. Sau nửa ngày chiến đấu, được pháo chiến dịch chi viện, Tiểu đoàn 2 đã đột phá liên tục làm chủ được trận địa. Nhưng đến khi chốt giữ, do quân số hao hụt nhiều, sức chiến đấu giảm, địch đã phản kích chiếm lại được.

        Trong trận chiến đấu ở Nại Cửu xã Triệu Thành ngày 23 tháng 8 năm 1972, Tiểu đoàn 2 có 13 chiến sĩ hy sinh là Trần Anh Châu, quê Lạng Sơn, Đỉnh Sơn, Anh Sơn, Nghệ An; Phạm Đức Nhi, quê xóm 12 Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An; Nguyễn Đình Nam, quê Thủy Phong, Thanh Thủy, Thanh Chương, Nghệ An; Nguyễn Đình Linh, quê Đội 12 Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An; Nguyễn Hữu An; Nguyễn Văn Luyện, quê Diên Hồng, Hưng Đông, Hưng Nguyên, Nghệ An; Nguyễn Duy Hùng, quê Đội 15, Thanh Hương, Thanh Chương, Nghệ An; Bùi Văn Quế, quê Đội 13 Thanh Mai, Thanh Chương, Nghệ An; Lê Quang Hưng, quê Đội 7, Nghi Phú, Nghi Lộc, Nghệ An; Nguyễn Hữu Quê, quê Xóm 2, thị trấn Nam Đàn, Nghệ An; Nguyễn Quang Giáp, quê Đội 5, Thanh Lâm, Thanh Chương, Nghệ An; Lê Văn Hiền, quê Thanh Minh, Đức Sơn, Anh Sơn, Nghệ An; Bùi Văn Quế, quê Đội 3, Thanh Mai, Thanh Chương, Nghệ An.

        Đến ngày 28 tháng 8 năm 1972, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27 - Mặt trận B5 giữ chốt ở Nại Cửu xã Triệu Thành, lại có bảy chiến sĩ nữa ngã xuống, đó là Nguyễn Hồng Sách, quê Quang Liên, Nghi Quang, Nghị Lộc, Nghệ An; Đinh Văn Hòe, quê Phú Hậu, Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An; Phan Văn Đệ, quê Đội 4, Mậu Lâm, Nghi Lộc, Nghệ An; Thái Ngọc Cư, quê Tân Đức, Tiến Thủy, Quỳnh Lưu, Nghệ An; Trương Văn Thắng, quê Minh Lam, Nghĩa Minh, Nghĩa Đàn, Nghệ An; Lê Công Xứng, quê xóm Quang Liên, Nghi Quang, Nghi Lộc, Nghệ An và Nguyễn Đình Thi, quê Đội 12, Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #97 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:50:46 pm »


        Bước sang tháng 9 năm 1972, cuộc hành quân "tái chiếm Quảng Trị" của sư đoàn lính thủy đánh bộ và sư đoàn dù vẫn không cải thiện được tình hình. Nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ - ngụy không từ bỏ ý định lấn chiếm mà ngày càng lấn sâu hơn vào cuộc chiến đẫm máu này.

        Ngày 7 tháng 9, quân đoàn 1 ngụy quyết định tăng cường cho sư đoàn lính thủy đánh bộ và sư đoàn dù, liên đoàn biệt động quân số 1 và số 7, thiết đoàn xe bọc thép 17, một chi đội pháo binh và một số súng phun lửa M.125, quyết chiếm bằng được thị xã.

        Về phía ta, Bộ Tư lệnh chiến dịch tăng thêm lực lượng chốt giữ thị xã, đồng thời chỉ đạo các đơn vị đánh phản kích, phản đột kích đẩy địch ra xa lấy lại Long Hưng, nam sông Nhùng. Công tác chuẩn bị cho đợt tiến công mới đang được khẩn trương thì mấy cơn bão rồi áp thấp nhiệt đới đổ vào miền Trung. Nước sông Thạch Hãn dâng lên tràn bờ, nước chảy cuồn cuộn, cả thị xã ngập chìm trong nước. Hầm hào nhão nhoét, ngập ngụa gây khó khăn cho các đơn vị bám trụ chiến đấu.

        Lúc này, tình hình càng trở nên vô cùng khó khăn. Anh em hy sinh, đồng đội cũng chỉ biết lấy xẻng, lấy tay bới đất để lấp lên. Hôm sau, bom pháo địch lại đánh vào lật tung. Anh em lại thu gom các phần thi thể đồng đội rồi chôn lại. Thương binh nặng không thể đưa ra được qua sông Thạch Hãn.

        Thương binh nhẹ mười người qua sông thì một nửa bị nước cuốn.

        Lợi dụng thời tiết xấu, địch dốc sức mở đợt tiến công lớn vào hầu hết các hướng chốt giữ và các hướng phản kích của quân ta. Suốt 48 giờ liền chúng bắn phá dữ dội vào tất cả các trận địa của ta nhất là xung quanh Thành Cổ, cắt các tuyến đường vận chuyển, các bến vượt sông. Máy bay B.52 ném bom rải thảm, máy bay B.57 trút bom tọa độ hai bờ nam bắc sông Thạch Hãn, nhiều nhất là khu Ái Tử, Nhan Biều và các trận địa hỏa lực của ta. Trời càng mưa to, nước lũ càng lớn, địch càng tập trung bom đạn đánh phá dữ dội. Để bám trụ giữ chốt, chiến sĩ ta vừa thay nhau tát nước chống ngập, vừa đánh trả những đợt tiến công của địch. Tuy nhiên, do trận địa bị ngập lâu, bom đạn địch lại liên tục giội xuống, hầm hào bị hủy hoại nặng nề nên ta không duy trì được một số chốt quan trọng trên hướng đông nam và hướng tây bắc thị xã. Cuối cùng, quân địch đã nối liền được các khu vực với nhau, tạo ra áp lực với Thành Cổ.

        Tình hình diễn ra vô cùng gay go, căng thẳng, ác liệt. Số thương vong của các đơn vị ngày một nhiều thêm (Tôi nắm được qua phòng quân lực mặt trận trung bình một ngày số thương vong lên tới hơn một trăm người). Tuy có tới 8 tiểu đoàn bộ binh bám trụ chiến đấu trong nội thị, nhưng thực tế nhiều tiểu đoàn lúc này số tay súng không quá 50.

        Hỏa lực chi viện cho thị xã giảm dần. Các mạng đường tiếp tế qua sông bị địch chặn đánh quyết liệt, lại bị bão lũ nên gặp rất nhiều khó khăn.

        Mặc dù gặp muôn vàn khó khăn, ác liệt và gian khổ như vậy, nhưng toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên Mặt trận Quảng Trị vẫn bám trụ kiên cường bằng ý chí sắt đá, vượt lên bom đạn của quân thù và cả những vất vả do thời tiết gây nên, sẵn sàng chấp nhận hy sinh giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị.

        Tôi được biết, ngày 15 tháng 9 năm 1972, một ngày cận chiến cực kỳ quyết liệt của toàn bộ các chiến sĩ giữ Thành Cổ với sư đoàn lính thủy đánh bộ. Quân địch từ hai hướng đông nam và đông bắc Thành Cổ được sự chi viện của hỏa lực xe tăng, thiết giáp, xe phun lửa, pháo cối... ồ ạt xông lên đột phá vào hai cổng thành. Buổi sáng, một vài trung đội địch lọt được vào cổng thành, nhưng sau đó đã không trụ nổi với các loại vũ khí của ta là súng 12 ly 7, cối 82, ĐKZ 75... Các loại vũ khí này đặt từ góc tây tây bắc thành bắn mãnh liệt buộc chúng phải rút ra khỏi thành. Địch cho pháo binh bắn phá dữ dội vào trận địa hỏa lực của ta. Pháo địch đào đi, xới lại gây thương vong cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị giữ thành. Sức chiến đấu của ta giảm dần, chiều tối quân địch lại kiểm soát được hai cổng thành.

        Xét thấy điều kiện chiến đấu bảo vệ Thành Cổ không thuận lợi, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các đơn vị rút khỏi thị xã và Thành Cổ.

        Từ 1 giờ đến 3 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972 các đơn vị đã tổ chức rút khỏi thị xã và Thành Cổ an toàn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #98 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:51:52 pm »


        Trải qua 81 ngày đêm chiến đấu ở thị xã và Thành Cổ Quảng Trị, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn ác liệt, bám trụ kiên cường, chiến đấu với lực lượng sừng sỏ, thiện chiến nhất của quân ngụy Sài Gòn được sự yểm trợ hỏa lực chưa từng có trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương. Để đứng vững và duy trì cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành Cổ, quân và dân Quảng Trị đã nắm chắc tình hình địch, nhanh chóng khắc phục những lúng túng ban đầu, tổ chức đánh phản kích ngăn chặn quân địch từng bước, tiến tới việc xác định tổ chức hệ thống trận địa phòng ngự liên hoàn, giữ vững thế trận, tiến lên đánh lui các đợt tiến công của chúng. Các đơn vị đã kết hợp tốt giữa phòng ngự và tiến công, phối hợp chặt chẽ ba thứ quân đánh địch cả phía trước lẫn phía sau, cả cánh đông và cánh tây tạo nên sức mạnh tổng hợp phá tan ý đồ của chúng ngay từ đầu, nhất là vào những thời điểm mà cuộc đấu tranh ngoại giao giữa ta và Mỹ ở Hội nghị Pa-ri đang giẫm chân tại chỗ do sự ngoan cố của phía Mỹ.

        Đối với Trung đoàn 27 - Mặt trận B5, lực lượng chủ yếu ở cánh đông, đã cùng với các đơn vị bạn thực hiện phương châm: Liên tục tiến công, liên tục phản kích, ngăn.chặn từng bước, chia cắt, giam chân, thu hút địch, tiến tới chặn đứng cuộc hành quân tái chiếm thị xã và Thành Cổ trong thời gian gần ba tháng trời.

        Với thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 20 tháng 12 năm 1973, Trung đoàn 27 (Đoàn Triệu Hải) đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Trong lời tuyên dương Trung đoàn 27 có đoạn: 'Từ năm 1968 đến 1972 trung đoàn chiến đấu liên tục ở chiến trường Quảng Trị. Trung đoàn đã chiến đấu với nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ, ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2 vạn tên địch (có hàng nghìn tên Mỹ), diệt và đánh thiệt hại 20 tiểu đoàn, 31 đại đội (có sáu tiểu đoàn và năm đại đội Mỹ), bắn rơi 279 máy bay, phá hủy 440 xe quân sự (một phần ba là xe tăng, xe bọc thép), 41 khẩu pháo từ 105 đến 155 ly, ba giàn ra-đa, thu hơn 800 súng các loại...

        Đặc biệt, trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị từ ngày 30 tháng 3 đến tháng 12 năm 1972, Trung đoàn 27 là lực lượng nổ súng đầu tiên, mở màn chiến dịch và là lực lượng chủ yếu ở hướng đông.

        Đơn vị đã vận dụng linh hoạt nhiều hình thức chiến thuật tiến công mãnh liệt, táo bạo thọc sâu, cơ động nhanh, trụ bám kiên cường, hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị bạn chiến đấu đạt hiệu suất cao... góp phần vào thắng lợi chung trên Mặt trận Quảng Trị".

        Tháng 10 năm 1972, Hội nghị Pa-ri về Việt Nam đang ở giai đoạn quyết định. Anh Trịnh Ngọc Thái là thành viên của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị từ đầu cho đến khi kết thúc.

        Sau này anh tâm sự: Lịch sử của dân tộc ta qua hàng nghìn năm đấu tranh chống ngoại xâm đã. cho ta một bài học, đó là một nước nhỏ chống sự xâm lược của một nước lớn, về tương quan lực lượng không cho phép ta giành thắng lợi bằng cách tiêu diệt hoàn toàn lực lượng quân sự của đối phương.

        Cách tốt nhất là làm sao đánh bại ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phải rút quân ra khỏi nước ta. Đây cũng là điều ông cha ta đã làm để chống lại sự xâm lược của phong kiến phương Bắc trong suốt nghìn năm. Chúng ta đã thắng thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ và ở Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

        Ta phải biết phát huy thế mạnh của ta là chính nghĩa, khoét sâu thế yếu của địch là xâm lược, phi nghĩa thì mới tạo được thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta. Phát huy sức mạnh tổng hợp ở mức cao nhất để đánh thắng quân thù chính là điều thần kỳ trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là những luận cứ khoa học của kế sách "vừa đánh vừa đàm".

        Cuộc kháng chiến chống Mỹ cho thấy, muốn buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán phải giáng cho chúng những đòn thật đau ở chiến trường. Cuộc tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là đòn giáng mạnh vào ý chí xâm lược của chúng, làm đảo lộn thế chiến lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, tạo nên bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Chính trong hoàn cảnh bối rối, khó khăn, thất bại ấy lại là lúc bầu cử tổng thống Mỹ, nên ngày 31 tháng 3 năm 1968 tổng thống Mỹ Giôn-xơn phải tuyên bố.

        - Một là, Mỹ đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.

        - Hai là, Mỹ nhận nói chuyện với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa để tìm giải pháp cho vấn đề Việt Nam.

        - Ba là, không ra tranh cử nhiệm kỳ 2 tổng thống nước Mỹ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #99 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:53:24 pm »


        Đây là lời thừa nhận đầy đủ nhất về sự phá sản của chiến lược "chiến tranh cục bộ của Mỹ". Rõ ràng, chiến thắng Mậu Thân đã làm cho ý chí xâm lược của Mỹ lung lay nghiêm trọng, khởi đầu cho một quá trình đi xuống về chiến lược của Mỹ.

        Anh Trịnh Ngọc Thái nói tiếp: Hội nghị Pa-ri gồm hai giai đoạn: Giai đoạn một, là cuộc đàm phán hai bên giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ kéo dài từ 13 tháng 5 đến 31 tháng 10 năm 1968. Giai đoạn hai, là cuộc đàm phán bốn bên gồm Mỹ, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền Sài Gòn từ ngày 25 tháng 1 năm 1969 đến ngày 27 tháng 1 năm 1973.

        Năm 1972, là năm căng thẳng nhất trên chiến trường cũng như trên bàn đàm phán. Bộ Chính trị theo dõi rất sát tình hình chiến trường cũng như Hội nghị Pa-ri để chỉ đạo phối hợp giữa đánh và đàm, cân nhắc thế trận lúc này giữa ta và địch ở Quảng Trị.

        Do vậy, mối quan hệ giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao, giữa chiến trường và bàn đàm phán càng khiến cho trận chiến Quảng Trị trở nên khốc liệt và đẫm máu.

        Sau chiến dịch Trị Thiên năm 1972, tại Pa-ri, Kít-sinh-giơ có nói với đồng chí Lê Đức Thọ, đại ý: Nếu chỉ đứng về mặt quân sự mà xét thì không ai đánh nhau để giữ một cái thành cổ như vậy. Trả lời Kít-sinh-giơ, đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng: Đó là vấn đề chính trị, đánh để giành thế mạnh chính trị trong đàm phán.

        Vấn đề gay cấn chủ yếu đang giằng co trên bàn đàm phán là vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam và vấn đề quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam. Cuộc đàm phán đang ở thời điểm cuối cùng của cuộc vận động bầu cử tổng thống ở Mỹ. Bộ Chính trị chủ trương muốn đẩy nhanh cuộc đàm phán Pa-ri đi đến ký kết được trước tháng 11 năm 1972 (tức là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ), ta cần tập trung quyết đạt cho được mục tiêu thứ nhất lúc này là "đánh cho Mỹ cút". Đạt được mục tiêu thứ nhất sẽ tạo điều kiện để hoàn thành mục tiêu thứ hai "đánh cho ngụy nhào". Để đạt được mục tiêu thứ nhất phải làm cho được hai yêu cầu: - Buộc quân Mỹ và quân chư hầu rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.  - Lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam đóng nguyên tại chỗ. Dứt khoát quân đội miền Bắc không rút đi đâu hết. Tuyệt đối không có vấn đề tập kết rút quân như Hiệp định Giơ-ne vơ năm 1954.

        Đạt được mục tiêu này sẽ tạo điều kiện thực hiện mục tiêu thứ hai. Ta tạm thời hạ thấp yêu cầu về chính trị ở miền Nam Việt Nam, không đòi lật đổ ngụy quyền Sài Gòn.

        Đây là sự chỉ đạo chiến lược hết sức nhạy bén của Bộ Chính trị, kết hợp tài tình giữa đánh và đàm, giữa chiến trường và bàn đàm phán. Một nghệ thuật chiến thuật phù hợp với tình hình thực tế trên chiến trường, nới lỏng vấn đề chính trị để đạt mục tiêu chiến lược và thắng lợi cuối cùng.

        Từ ngày 9 đến ngày 13 tháng 10 năm 1972 cuộc đàm phán đi vào thực chất các điều khoản cụ thể của hiệp định. Mỹ chấp nhận rút hết quân, thừa nhận trên thực tế ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị. 2 giờ sáng ngày 12 tháng 10 năm 1972, cuộc họp tạm ngừng với thỏa thuận coi như Hiệp định cơ bản đã hoàn thành. Hai bên dự kiến ngày 18 tháng 10 năm 1972, Kít-sinh-giơ gặp đồng chí Xuân Thủy để giải quyết nết các vấn đề còn lại và rà soát văn bản. Ngày 24 tháng 10 năm 1972, Kít-sinh-giơ gặp đồng chí Lê Đức Thọ ở Hà Nội và ngày 31 tháng 10 năm 1972, ký Hiệp định ở Pa-ri.

        Ngày 20 tháng 10 năm 1972, tổng thống Mỹ Ních-xơn đã gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng xác nhận văn bản hiệp định đã hoàn thành. Nhưng đột nhiên 15 giờ ngày 23 tháng 10 năm 1972, tổng thống Mỹ Ních-xơn lại thông báo cho ta là có việc khẩn cấp và Mỹ "đang gặp khó khăn", đề nghị có một cuộc gặp riêng nữa và hoãn chuyến đi Hà Nội của Kít-sinh-giơ. Phía Mỹ giải thích rằng tình hình đó là do Nguyễn Văn Thiệu - tổng thống Việt Nam cộng hòa (chính quyền ngụy) không đồng ý và yêu cầu sửa lại 69 điểm trong dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận.

        Ta lên án sự lật lọng của Mỹ và kiên quyết bác bỏ thông báo đó. Sự thật, đó chỉ là cái cớ để Mỹ che giấu thái độ lật lọng của mình. Trong hồi ký của Kít-sinh-giơ, ông ta kể rằng Ních-xơn nói với ông ta như sau: Nếu Thiệu không biết điều thì... không phải cái đuôi chó lại có thể quẫy được con chó.

        Đây chẳng qua là cái cớ nhằm thực hiện âm mưu kéo dài đàm phán để vượt qua bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Cũng vào thời điểm này, chính quyền Ních-xơn lập cầu hàng không, tiếp tế ồ ạt vũ khí, thiết bị chiến tranh cho chính quyền và quân đội Sài Gòn.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM