Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:23:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời Quảng trị  (Đọc 35909 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #20 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 03:00:11 pm »


        Để thực hiện cuộc hành quân này Oét-mo-len dùng các đơn vị lính Mỹ và chiến đoàn 3 dù ngụy liên tiếp mở nhiều cuộc hành quân ra phía Bắc Quảng Trị nhằm "tìm diệt" các lực lượng ta. Toàn bộ sư đoàn A-mê-ri-cơn và hai lữ đoàn thuộc sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ được tăng cường cho vùng chiến thuật l; chuyển lữ đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ và lính Nam Triều Tiên từ phía nam ra phía bắc để thay thế lính thủy đánh bộ Mỹ ở Đà Nẵng, tăng thêm một lữ đoàn thuộc sư đoàn dù 101 và lệnh cho sư đoàn này sẵn sàng tham chiến ở Quảng Trị khi cần thiết. Lập một sở chỉ huy mới ở sân bay Phú Bài do tướng Abram trực tiếp chỉ huy.

        Với âm mưu và lực lượng trên, Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam hy vọng sẽ chặn đứng cuộc tiến công liên tục của quân ta trên chiến trường Bắc Quảng Trị.

        Việc làm đầu tiên của Abram là tập trung giải tỏa cứ điểm Khe Sanh bằng hỏa lực tối đa và các lực lượng lính Mỹ vừa được điều ra tham chiến. Vì vậy, khu vực tác chiến của Trung đoàn 27 là "bãi đổ quân" của các đơn vị lính Mỹ, là điểm xuất phát của những cuộc hành quân ngăn chặn và giải tỏa trên chiến trường. ở đây ta và địch giành giật nhau từng cao điểm, từng đoạn đường và từng khoảnh đất Để giữ vững được cái "bàn đạp khổng lồ" này, quân Mỹ đã đổ xuống đây biết bao bom đạn để yểm trợ cho các cuộc hành quân nống lấn ra phía bắc Đường 9 - con đường huyết mạch từ Đông Hà qua căn cứ Sa Mưu đi Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo và tuyến đường 76 chạy song song với Đường 9 ở phía bắc, nối đường số 1 với quận lỵ Cam Lộ.

        Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 lệnh cho Trung đoàn 27 đưa đội hình chiến đấu của trung đoàn lên phía tây quốc lộ số 1, dùng các phân đội nhỏ, luồn sâu đánh địch trên tuyến đường 76 để giữ vững địa bàn, bảo vệ kho tàng và phối hợp với các hướng chiến dịch, tổ chức đánh liên tục nhằm tiêu hao, tiêu diệt và giam chân các lực lượng địch ở hướng này.

        Sau khi nhận được lệnh của Mặt trận, Ban chỉ huy Trung đoàn 27 khẩn trương triển khai kế hoạch tác chiến, cử các bộ phận trinh sát đi nắm địch. Cán bộ các cấp tiếp tục đi nghiên cứu địa hình trên khu vực hoạt động của mình.

        Thời gian này Tiểu đoàn 2 đứng chân ở khu vực tứ giác phía đông là Dốc Miếu, Quán Ngang, phía tây là Cồn Tiên, Miếu Bái Sơn. Mặc dù Tiểu đoàn 2 nằm giữa "tọa độ lửa" nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn liên tiếp lập công. ở giữa vùng địch cho là an toàn bởi nằm trong tầm pháo của chúng, thế mà lính Mỹ vẫn lớp lớp bị tiến công, nhiều khi phải ôm đầu máu tháo chạy về Cam Lộ, Đông Hà.

        Viên tư lệnh sư đoàn ngụy đóng ở Ai Tử nghe chỉ huy các trung đoàn báo về, lính hành quân bị diệt ở Gia Bình, Dốc Sỏi càng sửng sốt. Cho đến khi Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 chống càn ở Phúc Sa, bắt sống lính trung đoàn 2 ngụy chúng mới vỡ lẽ: lực lượng đánh chúng không phải là đơn vị bộ đội địa phương như tin cấp trên chúng đã thông báo.

        Trong khi viên chỉ huy sư đoàn 3 ngụy bàn tính với chỉ huy lữ đoàn kỵ binh Mỹ để đối phó với ta ở hướng này, thì Đại đội 3 Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 27 đã bí mật cắm chốt ở phía đông đường 76.

        Hình thái lúc này giữa ta và địch là tìm nhau để diệt. Chỉ huy các cấp của Trung đoàn 27 quán triệt cho bộ đội là tích cực chủ động bám nắm địch, nổ súng trước giành quyền chủ động. Chỉ có tiến công địch, tiêu diệt địch thì ta mới không phải chịu phi pháo của chúng. Không nắm quyền chủ động chiến trường, địch phát huy hỏa lực phi pháo, bộ đội  thương vong là điều bất lợi. Đánh thắng, bộ đội có khí thế, thêm vững vàng, tin tưởng mà trụ lại chiến đấu.

        Đêm 28 tháng 4 năm 1968, bộ phận luồn sâu của Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 vào đến làng Xuân Hòa nằm sát đường 76, bố trí đội hình xong thì trời vừa sáng. Bộ đội ta đeo cả ba lô, trang bị tranh thủ nghỉ lấy sức sau mấy đêm hành quân. Theo tin trinh sát cho biết, ở Mộc Đức phía nam đường 76, địch đang tập trung quân cả Mỹ và nguy chuẩn bị hành quân lên phía bắc để bảo vệ con đường 76.

        Đúng như trinh sát thông báo, bộ đội chưa kịp đào hầm thì lính Mỹ có xe tăng yểm trợ đã tiến vào Xuân Hòa. Đạn pháo, đạn súng cối của địch bắn dồn dập dọc theo trục đường 76. Trợ lý Tham mưu tiểu đoàn Nguyễn Thường Kháng, quê Yên Hòa, Thạch Linh, Thạch Hà, Hà Tĩnh bị đạn pháo của địch hy sinh trong lúc đi chuẩn bị chiến trường. Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 chia làm hai mũi, mũi thứ nhất do Trung đội trưởng Nguyễn Công Chúc, quê Phúc Lưu, Thạch Trị, Thạch Hà, Hà Tĩnh chỉ huy. Mũi thứ hai do Trung đội trưởng Trần Văn Phúc, quê Nam Điền, Thạch Điền, Thạch Hà, Hà Tĩnh chỉ huy. Đại đội trưởng thống nhất phương án, chọn khu vực tương đối bằng phẳng phía đông làng Xuân Hòa làm điểm quyết chiến của trận đánh. Lúc đầu bí mật đánh phục kích, tiếp theo là liên tục vận động tiến công.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #21 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 03:14:31 pm »


        Bộ đội mỗi người một cành lá che đầu nhanh chóng vận động đến vị trí quy định. Khi mũi chặn đầu do trung đội trưởng Nguyễn Công Chúc chỉ huy vừa vận động đến vị trí quy định thì đám lính Mỹ đi đầu đã vượt qua đường 76. Trung đội phó Nguyễn Bá Canh, quê Yên Mỹ, Cẩm Yên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bò lên sát đường quan sát. Canh nằm áp ngực lên mặt đất, mấy tên lính Mỹ chen chúc nhau vượt đường 76. Anh ra hiệu cho trung đội sẵn sàng chiến đấu. Mục tiêu của trung đội Chúc và Canh là tiêu diệt tốp lính Mỹ đi đầu. Nhưng lính Mỹ nán lại cho xe tăng lên. Cả trung đội thấy yên tâm vì lính Mỹ không dám đi sục sạo. Lúc này, Trung đội trưởng Chúc bò lên chỗ Trung đội phó Canh, Canh hỏi nhỏ: - Đánh chưa anh? - Chờ cho xe tăng vào tầm bắn B40 mới nổ súng.

        Chúc lùi lại phía sau ra lệnh cho Tiểu đội trưởng Phạm Văn Định, quê Trung Thượng, Kỳ Hưng Kỳ Anh, Hà Tĩnh giữ khẩu B40 lên tăng cường cho tổ tiền tiêu.

        Cán bộ, chiến sĩ nghe rõ tiếng động cơ xe tăng, cả tiếng ken két của xích sắt nghiến lên mặt đường.

        Chiếc xe tăng chỉ cách chỗ Canh khoảng 50 mét.

        Anh lệnh cho Định bắn B40. Quả đạn B40 của Định xuyên thủng vỏ, chiếc xe tăng địch bốc cháy. Các loại súng của ta thi nhau nã đạn vào quân Mỹ. Cả trận địa rộ lên tiếng súng AK của quân ta và tiếng súng AR15 của quân Mỹ. Lính Mỹ bị bất ngờ giẫm đạp lên nhau, chúng chưa phát hiện ra bộ đội ta đánh từ đâu tới. Quân Mỹ sống sót chạy tán loạn, nhào cả vào đội hình bộ đội ta.

        - Bắt tù binh! Tiếng ai đó vang lên giữa trận địa. Các chiến sĩ Đại đội 3 truy kích địch, khẩu đội cối 821y cơ động theo sát chiến sĩ bộ binh, bắn ứng dụng, lúc bắn kiềm chế, lúc chi viện cho các mũi tiến công trên các hướng. Phía trước lính Mỹ đang cụm lại, chờ lực lượng chi viện. Thấy có thời cơ, Trung đội trưởng Chúc ra lệnh tiếp xúc tiến công bọn Mỹ đang cụm lại.

        Khi lính Mỹ đã nằm trong tầm súng AK, Trung đội trưởng Chúc ra lệnh nổ súng. Bọn Mỹ chưa kịp hoàn hồn lại bị đánh tiếp. Nhiều tên chết tại chỗ.

        Những tên bị thương kêu rống. Lính Mỹ lại co cụm chống trả quyết liệt.

        Dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Chúc và Trung đội trưởng Phúc, các chiến sĩ ta đã đánh trả quyết liệt buộc địch phải tháo chạy. Nhiều tên Mỹ quẳng ba lô, súng đạn bơi qua đoạn sông cụt phía nam đường 76, chạy về Trương Sa, Mộc Đức để thoát thân. Quân Mỹ gọi pháo từ Đông Hà, Dốc Miếu, Quán Ngang bắn dữ dội ra tuyến đường 76.

        Trung đội trưởng Nguyễn Công Chúc đang chạy đi động viên anh em thì trúng một quả pháo. Anh hy sinh trong sự ngỡ ngàng tiếc thương của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3. Pháo bắn càng mạnh hơn. Trung đội trưởng Trần Văn Phúc và Tiểu đội trưởng Phạm Văn Định cũng đã anh dũng hy sinh. Tiếp đó, pháo địch bắn trúng đội hình tiến công của Đại đội 3...

        Đau đớn thay, một loạt cán bộ, chiến sĩ tiếp tục hy sinh Đó là các đồng chí: Trung đội phó Trương Huy Hiệu, quê Hồng Phong, Hương Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh. Trung đội phó Nguyễn Bá Canh, quê Yên Mỹ, Cẩm Yên, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Chiến sĩ Trần Văn Mét, quê Tráng Việt, Yên Lãng, Vĩnh Phúc; chiến sĩ Lương Kim Tuyến, quê Trung Nam, Hồng Ca, Trấn Yên, Yên Bái; chiến sĩ Phùng Thiết Hàng, quê Phúc Yên, Bằng Giã, Hạ Hòa, Phú Thọ; chiến sĩ NguyễnVăn Đông, quê Hồng Thái, Nga Quán, Trấn Yên, Yên Bái; chiến sĩ Nguyễn Trọng Hồng, quê Vân Trì, Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội... Một sự tổn thất quá lớn vì pháo địch.

        Trời về chiều, chỉ huy Đại đội 3 cho bộ đội tạm dừng chiến đấu, giải quyết hậu quả chiến đấu, đưa thương binh về phía sau, còn liệt sĩ thì an táng tại làng Thanh Khê, xã Gio An, huyện Gio Linh.

        Ngay sau đó, Đại đội 3 lại bắt tay vào xây dựng trận địa phòng ngự phía nam làng Xuân Hòa và bổ sung vũ khí, lương thực cho trận chiến đấu ngày hôm sau.

        Vào những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1968, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 27, vẫn hoạt động liên tục trên tuyến đường 76, phối hợp với các đơn vị bạn, bẻ gẫy hoàn toàn cuộc hành quân giải tỏa do Oét-mo-len vạch ra trên chiến trường Bắc Quảng Trị.

        Ngày 1 tháng 5 năm 1968, Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 ra lệnh cho Trung đoàn 27 vây lại căn cứ Cồn Tiên. Ban chỉ huy đại đội sau khi cân nhắc đã quyết định chọn trung đội của tôi thực hiện nhiệm vụ vây ép Cồn Tiên. Anh Tiến - Đại đội trưởng nói: - Ban chỉ huy đại đội đã chọn trung đội của cậu - thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận B5 giao. Trung đội 25 người gồm cả tổ thông tin vô tuyến điện, thực hành vây ép Cồn Tiên. Sau khi xây dựng công sự, hầm hào chiến đấu thực hành vây ép, trên sẽ tăng cường một tổ bắn tỉa từ Hà Nội vào, ngày nào cũng phải nổ súng. Nhiệm vụ của trung đội là vừa đánh địch, gây tiếng nổ vừa bảo vệ tổ bắn tỉa được bố trí cách căn cứ Cồn Tiên khoảng 1 ki-lô-mét. Trước mắt cho anh em xây dựng công sự, ngụy trang, cài thế xong thì báo cáo về tiểu đoàn để đưa lực lượng bắn tỉa vào chiến đấu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #22 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 10:07:39 pm »


        Giao nhiệm vụ xong, đại đội trưởng hỏi tôi: - Thế nào, Hiệu thấy có gì khó khăn cứ mạnh dạn nói ra.

        Vây Cồn Tiên, trước đó các đơn vị đã vây ở hướng tây và bắc, bây giờ vào vây lại ở các hướng đã lộ là rất khó khăn. Tôi đề nghị cho thay đổi hướng vây.

        - Theo cậu thì vây ở hướng nào? - Đại đội trưởng cắt ngang.

        - Tôi sẽ đưa trung đội vào hướng nam và đông nam. Vào hướng này, đường đi lại và công tác bảo đảm rất khó khăn, nhưng là hướng mà quân địch không ngờ tới.

        Cậu đã tính toán kỹ chưa? - Dạ? Tôi đã từng đi chuẩn bị địa hình ở hướng này. Hướng nam và đông nam có nhiều làng mạc.

        Yếu tố bí mật là quan trọng nhất. Sau khi đưa lực lượng vào vị trí tập kết tôi sẽ tổ chức cho anh em đào hầm hàm ếch trong hàng rào địch. Sẽ ngụy trang kỹ ban ngày nằm trong hầm, ban đêm thì đánh mìn, bộc phá phá rào ở các hướng khác. Tôi sẽ cho một tiểu đội bảo vệ tổ bắn tỉa. Ngày cơ động phát hiện những tên Mỹ ra khỏi công sự là bắn, tối về ở suối Lăng Gô cũng đào hầm hàm ếch dưới các bụi tre hóa.

        - Xem ra Hiệu nắm chắc địa hình nhỉ. Tôi đồng ý đề xuất của cậu. Bây giờ cậu về lo tổ chức, động viên anh em bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị và chờ lệnh.

        Đại đội trưởng tiễn tôi ra cửa lán dã chiến, anh nắm chặt tay tôi: - Mình tin ở cậu! Em hứa sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của đại đội và tiểu đoàn giao cho.

        Cồn Tiên là cao điểm 158 mét so với mặt nước biển. Mặt đồi khá bằng phẳng. Đứng ở Cồn Tiên có thể quan sát một khu vực rộng lớn, thậm chí nhìn ra tận bắc sông Bến Hải. Do vị trí quan trọng của nó nên quân Mỹ đã xây dựng Cồn Tiên thành căn cứ quân sự mạnh, có lô cốt bê tông cốt thép xen lẫn hầm lát bằng những tấm ghi và xếp những bao cát.

        Trong căn cứ có một tiểu đoàn lính Mỹ và một đại đội pháo 105 ly. Quanh căn cứ chúng bố trí chín lớp hàng rào dây kẽm gai, với nhiều loại mìn giữa các lớp rào. Cồn Tiên đã bị quân ta vây đánh nhiều lần nên địch rất cảnh giác.  Tối ngày 8 tháng 5 năm 1968, Trung đội 3 do tôi làm trung đội trưởng được lệnh xuất kích. Trang bị ngoài súng đạn, gạo, lương khô, bông băng cá nhân, chúng tôi còn phải mang mìn định hướng, bộc phá ống, cuốc xẻng.

        Tháng 5, không khí oi nồng. Hành quân mang vác nặng, mồ hôi chúng tôi vã ra như tắm. Tuy vậy anh em vẫn động viên nhau cố gắng. Gần sáng chúng tôi đến một làng, dân làng này đã bị địch dồn vào ấp chiến lược; làng có nhiều hố bom, hố pháo ...

        Do vị trí cực kỳ quan trọng của khu vực Bắc Quảng Trị đối với vùng chiến thuật 1 nên Mỹ - nguy tập trung đánh phá vùng này rất tàn khốc.

        Chúng bắt 2.000 gia đình ở hai huyện Cam Lộ và Gio Linh phải bỏ quê hương vào sống tập trung ở Bà Rịa, biến vùng Gio Linh, Cam Lộ thành những vành đai trắng. Chúng bắn phá hủy diệt môi trường sống, hòng ngăn chặn từ xa những cuộc tiến công của quân ta. Tôi cho anh em vào nghỉ tạm trong mấy căn nhà hoang chờ đến tối đi tiếp. Người đi sau ngụy trang kín đáo.

        Một ngày nằm chờ sao mà lâu thế. Địch đi càn, nhưng chúng chỉ đi ngoài đường cái, trong làng hoang tàn, chúng cũng chẳng vào làm gì. Tối, chúng tôi lại hành quân, khoảng 21 giờ thì đến Cồn Tiên.

        Xung quanh căn cứ pháo phát quang dọn sát hàng rào. Tôi phân công ba người đào một hầm khoét xuống lòng đất rồi đào hàm ếch vào sâu đủ khoảng rộng để nằm nghỉ trong đó. Riêng tiểu đội bảo vệ tổ bắn tỉa thì ra bờ suối Lăng Gô, cách hàng rào thứ nhất khoảng 1 ki-lô-mét, cũng đào hầm hàm ếch.

        Cả ngày anh em chúng tôi nằm dưới hầm. Trời tối tôi dẫn hai chiến sĩ dùng mìn định hướng và bộc phá ống vòng lên phía tây căn cứ, dùng bộc phá ống phá rào để địch tưởng ta tiến công thật. Đánh xong, đợi im tiếng pháo anh em lại về hầm.

        Máy bay trực thăng vũ trang, máy bay trinh sát OV10, L19 quần lượn suốt ngày, chỗ nào chúng nghi ngờ có quân ta là phóng rốc-két. Trực thăng địch còn bay thấp thả lựu đạn vào hầm, bắn đạn khói chỉ điểm cho máy bay phản lực đến ném bom, và pháo hạm ngoài biển bắn vào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #23 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 10:11:13 pm »


        Sáng ngày 10 tháng 5 năm 1968, tôi điện báo cáo cho tiểu đoàn đưa tổ bắn tỉa vào chiến đấu. Tôi cử hai chiến sĩ hoạt bát ra đón tổ bắn tỉa. Tôi hôm sau, năm chiến sĩ bắn tỉa với năm cây súng trường Hung-ga-ri đã vào vị trí ở suối Lăng Gô. Tôi nói với anh em: Xung quanh căn cứ địch không còn một cây cỏ, các cậu phải lợi dụng những bụi tre hóa đã bị bom cháy rụi đào công sự dưới đó, rồi ngụy trang bằng than, tro để địch không phát hiện được. Phải chuẩn bị nhiều điểm bắn. Bắn xong phải di chuyển ngay.

        Anh em có ý kiến gì không? Mọi người đều nhất trí với ý kiến của tôi.

        Anh em tiểu đội bảo vệ và các chiến sĩ tổ bắn tỉa đã đào hầm dưới những bụi tre hóa, những chiếc hầm này thật vững chắc. Pháo bắn trúng cũng không thể phá được.

        Ngày đầu tiên tổ bắn tỉa ra quân đã thu được thắng lợi. Gần chục tên Mỹ đã trúng đạn bắn tỉa.

        Bọn địch không biết đạn từ đâu bay đến làm gần chục tên lăn ra chết. Chúng rất hoang mang. Thế là chúng tập trung pháo cối bắn như vãi đạn (chúng tôi dạo đó gọi là cối liên thanh). Tổ bắn tỉa hoạt động có hiệu quả. Cứ tên địch nào ngóc đầu lên là anh em tiêu diệt. Các chốt vây ép của ta là chốt cơ động. Nếu ở cố định một chỗ thì trước sau gì địch cũng phát hiện ra.

        Đến ngày 12 tháng 5 năm 1968, tôi bàn với anh em luồn sâu vào hàng rào thứ 5 căn cứ Cồn Tiên.

        Chúng tôi gỡ được 31 quả mìn các loại trong khu dự kiến xây dựng công sự hầm hào và tổ chức trận địa chết ở trong đó. Rất may là ở hàng rào có dù pháo sáng do chúng bắn ra, cả dù từ máy bay thả xuống phủ gần như kín những gốc cây, hàng rào, kín cả khu vực. Dù trắng và cả màu đỏ loại 18 chéo.

        Tôi cho rằng không có ngụy trang nào hay như ngụy trang bằng dù của Mỹ. Địch đã "giúp" ta giữ bí mật, quả là "gậy ông đập lưng ông". Hầm nằm dưới dù vừa mát vừa kín đáo. Khi đào hầm hàm ếch, đất được cho vào ba lô rồi đổ rải ra những hố bom, hố pháo địch vừa bắn gần đó. Chuyến cuối cùng chúng tôi phải đi giật lùi, chỗ đất đỏ thì ngụy trang đất đỏ, chỗ lá khô thì rải lá khô để che mắt địch. Dưới mỗi cái dù là ba người. Chúng tôi lấy hòm gỗ do máy bay địch thả xuống ghép lại thành những căn hầm kiên cố, có thể ngủ nghỉ thoải mái. Hàng ngày địch tung thám báo và xe tăng đi tuần ở ngoài hàng rào. Chúng đâu biết rằng ở trong hàng rào lại có Quân giải phóng.

        Tối nào chúng tôi cũng đánh mìn, đánh bộc phá, tập kích quân địch, vừa tiêu hao sinh lực, vừa gây tiếng nổ làm cho địch trong căn cứ ăn không ngon, ngủ không yên, luôn trong trạng thái lo nơm nớp.

        20 ngày đầu, tổ bắn tỉa diệt được rất nhiều tính Mỹ. Bọn địch rút kinh nghiệm vừa đánh phá ác liệt vừa thực hiện nghi binh, giơ hình nộm đội mũ sắt để lừa ta, từ đó phát hiện các tổ bắn tỉa. Địch dùng máy bay bắn rốc-két, dùng pháo cối bắn tập trung vào một khu vực. Một số anh em trong tổ bắn tỉa hy sinh Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 cho lệnh rút tổ bắn tỉa ra ngoài củng cố. Tiểu đội bảo vệ tổ bắn tỉa trở lại đội hình của trung đội.  Mấy ngày sau địch mở cuộc càn ra khu vực tổ bắn tỉa đã từng trú ẩn. Chúng phá các hầm hố, giao thông hào. Xe tăng chạy sát hàng rào hòng làm sạch địa bàn.

        Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 1968, trung đội tôi đã vây ép căn cứ Cồn Tiên 52 ngày đêm, giam chân một lực lượng lớn quân địch trong căn cứ, làm cho chúng căng thẳng, tinh thần bạc nhược. Đây cũng là một hình thức chi viện kịp thời nhất, hiệu quả nhất đối với các đơn vị bạn. Mỹ - ngụy không thể tập trung quân lớn để giải tỏa cho hướng Khe Sanh, Làng Vây. Nắm rõ hoàn cảnh khó khăn của anh em, đã gần hai tháng không tắm rửa, sức khỏe giảm sút, Bộ Tư lệnh Mặt trận quyết định cho chúng tôi rút ra cứ củng cố rồi vào đánh tiếp.

        Tối hôm chúng tôi rút, địch cho xe M113 và một trung đội Mỹ ra phục hướng tây bắc. Tôi bảo anh em không đánh mìn và bộc phá nữa mà bí mật hành quân rút ra hướng tây bắc về căn cứ cho gần.

        Theo đường xe tăng đi ra, chúng tôi phát hiện địch trước mặt. Tôi quyết định đánh từ phía sau quân địch để mở đường. Địch hoàn toàn bất ngờ vì chúng tôi từ trong căn cứ địch đi ra. Tôi lấy khẩu B40 của một chiến sĩ và nói với hai chiến sĩ B40 còn lại: -"Khi tôi bắn vào chiếc xe M113 các cậu cũng nhằm vào hai xe còn lại mà bắn nhé!". Nói rồi tôi giương khẩu B40 nhằm chiếc xe bóp cò. Một tiếng nổ lớn kèm theo là chớp lửa trùm lên chiếc M113. Hai chiến sĩ B40 cũng bắn hai quả đạn nữa vào hai chiếc xe M113 còn lại. Cả trung đội tập trung AK, lựu đạn, thủ pháo tiến công quân địch. Sau 15 phút chiến đấu trung đội tôi tiêu diệt hoàn toàn trung đội Mỹ, bắn cháy ba xe M113. Tôi lệnh cho anh em còn bao nhiêu mìn, bộc phá dùng phá rào bằng hết. Trận đánh kết thúc khoảng 12 giờ đêm. Cả trung đội an toàn.

        Sau trận đánh xuất sắc đó tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được chỉ định làm đại đội trưởng thay anh Tiến vì anh Tiến bị thương.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #24 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 10:16:34 pm »


        Bước sang tháng 6 năm 1968, thời tiết ở Quảng Trị vô cùng khắc nghiệt. Mặt đất đang nắng nóng như chảo rang bỗng chốc những cơn mưa rào ập tới, các con suối cạn bỗng đầy nước réo ầm ĩ, cuốn phăng cả những cây gỗ lớn bị bom pháo đào bật gốc.

        Những trận mưa về đêm gây không ít khó khăn cho bộ đội hành quân. Đơn vị hành quân đến nơi, trang bị, quần áo ướt sũng, hầm hố vừa đào nước tràn vào lênh láng. Có lần, đoạn đường chỉ cần đi ba tiếng đồng hồ, nhưng gặp trận mưa, nước suối dâng cao không vượt được đơn vị phải chờ nước rút trọn cả đêm. Thời tiết khắc nghiệt là vậy, nhưng địch vẫn cho quân nống ra ngày một nhiều hơn để làm giảm sức ép của ta trên phía Khe Sanh - Làng Vây.

        Thời gian này đơn vị tổ chức đi nhận vũ khí ở xã Vĩnh Trường, Vĩnh Linh (phía bờ bắc sông Bến Hải) .

        Ngày 2 tháng 7 năm 1968, Đại đội 4 bị bom B.52 ném trúng đội hình, hy sinh tám đồng chí, đó là: Tiểu đội trưởng Tạ Quang Dưỡng, quê Nam Xuyến, Phú Xuyên, Hà Tây và bảy chiến sĩ: Phạm Văn Đoàn, quê Tất Viên, Thủ Sỹ, Tiên Lữ, Hưng Yên; Đoàn Huy Tụng, quê Việt Khang, Vân Nam, Phúc Thọ Hà Tây; Đỗ Xuân Mậu, quê Tân Phúc, Phúc Thọ, Hà Tây; Trần Văn Đốm quê Thiện Phiến, Chiến Thắng, Tiên Lữ, Hưng Yên; Bùi Văn Độ, quê Tất Viên, Thủ Sỹ, Tiên Lữ, Hưng Yên; Lương Hữu Thực, quê Tân Hương, Yên Bình, Yên Bái; Vi Văn Lai, quê Minh Tâm, Minh Tiến, Trấn Yên, Yên Bái.

        Tám liệt sĩ đều được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Vĩnh Trường, huyện Vĩnh Linh. Tôi bị sức ép và chấn thương cột sống.

        Sư đoàn 3 ngụy được coi là lính "thổ địa" ở Bắc Quảng Trị. Dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ bọn địch sư đoàn 3 len lỏi khắp nơi để phát hiện lực lượng, kho tàng của ta và cùng với sư đoàn 25 "tia chớp nhiệt đới" Mỹ tràn ra đánh phá.

        Trung đoàn 27 chủ lực của Mặt trận B5 đã cùng dân quân du kích Bắc Quảng Trị ngày đêm bám trụ địa bàn hoạt động.

        Ngày 18 tháng 7 năm 1968, tôi được tiểu đoàn thông báo: "Có một trung đội Mỹ đang đổ quân đi về hướng đồi Độc Lập (Cù Đinh), cho đơn vị xuất kích ngay". Nhận lệnh, tôi trao đổi với anh Bảo chính trị viên: "Anh cho bộ đội làm công tác chuẩn bị xuất kích, tôi và một tiểu đội đi trước nắm địch".

        Tôi dẫn Tiểu đội 1, Trung đội 1 khẩn trương tiếp cận địch. Đến đồi Độc Lập, quân Mỹ đã chiếm thế cao, muốn tiến công ta phải vượt qua bãi cỏ tranh.

        Vấn đề đặt ra là phải giữ được bí mật trong quá trình vận động tiếp cận nếu không sẽ bị địch dùng phi pháo sát thương, không hoàn thành nhiệm vụ.

        Khi chính trị viên dẫn bộ đội ra, tôi trao đổi: Địch đang ở trên cao, nó mới đổ xuống chưa kịp làm công sự. Ta bí mật tiếp cận và bất ngờ tiến công, địch sẽ không trở tay kịp. Đại đội chia làm hai mũi: Mũi thứ nhất tôi chỉ huy đánh chính diện, dùng Trung đội 1 và Trung đội 2, một khẩu cối 60 ly, một trung liên. Anh chỉ huy lực lượng còn lại đánh mũi vu hồi.

        - Tôi nhất trí phương án của anh, tôi đề nghị cho bộ đội ngụy trang kín đáo tiếp cận sát địch, dùng cối bắn cấp tập vào đội hình địch. - Anh Bảo bổ sung.

        - Tôi cũng dự kiến như vậy, phải dùng cối bắn mãnh liệt, tập trung vào đội hình đông đặc của địch sau đó cho bộ đội xung phong.

        Chúng tôi cho bộ đội ngụy trang kín đáo, hành quân thành hàng một tiếp cận quân địch. 12 giờ 30 phút, mũi của tôi đã đến cách địch khoảng 30 mét, nhưng chúng vẫn không hay biết gì. Có lẽ chúng cho là ban ngày ta chưa thể đến sớm như vậy được.

        Tôi quan sát thấy quân Mỹ rất chủ quan, chúng đang mở đồ hộp ăn trưa. Lợi dụng cỏ tranh tốt, tôi dẫn từng tổ hình thành thế tiến công và chỉ mục tiêu cho từng người. Tôi ra hiệu cho anh em tiến thêm độ 10 mét. Đúng 13 giờ, tôi lệnh cho chiến sĩ vũ Công Sơ xạ thủ B40, quê Đăng Xá, Cương Chính, Tiên Lữ, Hưng Yên, bắn vào cụm quân Mỹ đang quây quần ăn uống. Chiến sĩ Vũ Công Sơ thực hiện ngay, diệt 5 tên. Tiếp sau đó, cối 60 bắn cấp tập, các loại súng B40, AK thi nhau nhằm vào quân Mỹ mà bắn. Lựu đạn cũng được ném tới tấp. Đội hình địch tan hoang, tôi hô xung phong rồi dẫn đầu đội hình xông thẳng vào quân Mỹ đang cụm bên hố bom.

        Mũi của chính trị viên đi lạc hướng nên chưa đến kịp. Đội hình đang phát triển thì bị hỏa lực của địch từ sườn đồi bên trái bắn cản. Trung đội trưởng Phạm Ngọc Tính, quê Minh Tiến, Hợp Đức, Kiến Thụy, Hải Phòng và Tiểu đội trưởng Trần Đình Ngụ, quê Phú Mỹ, Thạch Mỹ, Thạch Hà, Hà Tĩnh trúng đạn hy sinh. Đội hình phải dừng lại. Tôi lệnh cho chiến sĩ B40 Vũ Công Sơ nhằm khẩu đại liên của địch đang nhả đạn bóp cò. Thật tiếc, đạn không nổ. Sơ đưa súng cho tôi. Tôi bắn quả đạn thứ hai, đạn nổ, khẩu đại liên địch bị diệt. Tôi lệnh cho anh em tiếp tục tiến công. Tôi dùng AK diệt luôn 3 tên Mỹ, chỉ huy đại đội diệt hơn 20 tên. Số địch còn lại cụm ở phía tây ngọn đồi bắn trả quyết liệt. Quân Mỹ gọi trực thăng vũ trang và pháo binh các nơi bắn đến dữ dội. Tôi cho cối 60 ly bắn chế áp rồi chỉ huy xung phong hai lần nhưng đều bị hỏa lực địch cản, không lên được.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #25 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 10:18:55 pm »


        Đến 15 giờ, quân Mỹ đổ tiếp hai trung đội nữa xuống ngọn đồi bên cạnh. Thấy máy bay trực thăng bay thấp tôi lệnh cho anh em tập trung súng bắn hạ. Hai chiếc trực thăng trúng đạn rơi tại chỗ. Sau khi liều mạng đổ thêm quân, bọn địch chia làm hai mũi đánh sang chi viện cho quân của chúng ở đồi Độc Lập. Chiến sĩ B40 Lê Văn Cận, quê Hợp Đồng, Hồng Lĩnh, Hưng Hà, Thái Bình bị thương nhưng vẫn dùng trung liên bắn chặn một mũi của địch, diệt gần chục tên. Tôi dẫn một tiểu đội đánh tạt sườn phía nam quân Mỹ. Đang vận động thì hỏa lực địch bất ngờ xuất hiện, cánh tay trái tôi bị một viên đạn cực nhanh. Khẩu súng AK rời khỏi tay.

        Tôi gắng gượng dùng tay phải ném hai quả lựu đạn vào đội hình quân địch và chỉ huy anh em đánh bật quân Mỹ xuống chân đồi.

        17 giờ, địch bị thiệt hại nặng, bọn còn lại co sang quả đồi bên cạnh. Chúng dùng cối cá nhân, M79 bắn vào đội hình quân ta. Tôi và một vài anh em nữa bị thương lần thứ hai. Sau đó bọn địch cho máy bay đến ném bom na-pan. Trung đội trưởng Lương Bình Toáng, quê Phán Thủy, Long Mai, Kim Động, Hưng Yên; Y tá Đỗ Xuân Lộc, quê thôn 2, Thạch Đà Yên Lãng, Vĩnh Phúc và chiến sĩ B40 Lê Văn Cận đã anh dũng hy sinh. Mặt trời lặn, quân Mỹ không dám tiến công nữa. Tôi lệnh cho anh em đưa thương binh, tử sĩ về phía sau.

        Qua một ngày chiến đấu quyết liệt, đại đội tôi đã diệt 65 tên Mỹ, bắn rơi 2 máy bay, thu 15 súng, 1 đài 2W, một bản đồ. Sau trận chiến đấu này, đơn vị tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Tôi cũng được anh em bình chọn và đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

        Do bị thương, tôi phải đi điều trị tại Viện Quân y 43. Sau gần một tháng nằm viện, tôi lại trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu.

        Thời gian này, trên Mặt trận Khe Sanh quân ta bước vào vây hãm cụm cứ điểm Tà Cơn. Bị vây lấn liên tục, địch phản kích điên cuồng. Trên vùng lòng chảo Khe Sanh chỉ rộng 34 ki-lô-mét vuông, địch xây dựng ba căn cứ: Tà Cơn, Làng Vây và Hướng Hóa, tạo thành hệ thống phòng ngự hình tam giác khống chế cả một vùng dọc Đường 9 đến giáp biên giới Việt - Lào. Trung bình mỗi ngày địch huy động 300 lần chiếc máy bay các loại giội xuống hàng trăm nghìn tấn bom đạn và bắn tới chục nghìn quả pháo từ 105 ly đến 175 ly (vua chiến trường), nhưng vòng vây quân ta càng xiết chặt. Toàn bộ quân đồn trú của Mỹ phải sống chui rúc dưới hầm. Máy bay vận tải C130 đến tiếp tế và chuyển lính Mỹ chết và bị thương có ngày lên tới 140 lần chiếc, nhưng chỉ 40 lần chiếc hạ cánh được. Máy bay Mỹ phải thả dù tiếp tế cho Tà Cơn, nhưng phần lớn dù rơi vào trận địa quân ta.

        Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, ngày 1 tháng 4 năm 1968, địch dùng sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ, 1 chiến đoàn dù ngụy, một tiểu đoàn biệt động quân tất cả là 17 tiểu đoàn (có 13 tiểu đoàn Mỹ) mở cuộc hành quân giải tỏa. Vào lúc này tại Khe Sanh có 9 tiểu đoàn chủ lực của ta hiệp đồng với quân dân huyện Hướng Hoá tiếp tục xiết chặt vòng vây Tà Cơn và chuyển hướng sang diệt viện.

        Cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân và dân trên Mặt trận Khe Sanh đã diệt 6.200 tên địch, bắn rơi 82 máy bay các loại, phá hủy 21 xe tăng. Cuộc hành quân giải tỏa Tà Cơn của địch bị thất bại. Vòng vây Tà Cơn càng bị xiết chặt, quân đồn trú hoang mang, tuyệt vọng. Trước tình thế có thể bị tiêu diệt hoàn toàn, Mỹ buộc phải rút quân khỏi Khe Sanh. Quân ta tổ chức truy kích diệt và làm bị thương hàng nghìn tên địch, bắn rơi 22 máy bay, phá hủy 69 xe quân sự. Ngày 9 tháng 7 năm 1968, quân ta chiếm cứ điểm Tà Cơn thu hàng nghìn súng các loại hàng trăm tấn phương tiện chiến tranh và giải phóng hoàn toàn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa với hơn mười nghìn dân, mở thông hành lang chiến lược Bắc - Nam.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #26 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 10:20:25 pm »


        Tin chiến thắng Khe Sanh truyền nhanh khắp thế giới, hãng tin Anh Roi-tơ viết: "Việc quân Mỹ rút chạy khỏi Khe Sanh là một thất bại nặng nề về quân sự và chính trị. Thất bại này đánh đấu sự bất lực của Mỹ trong thế phòng ngự chiến lược làm tăng thêm mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ và làm phát triển xu hướng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược".  Khi biết tin quân và dân ta đã chiến thắng oanh liệt hàng vạn quân tinh nhuệ nhất của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh, ngày 13 tháng 7 năm 1968, Bác Hồ đã gửi điện khen. Bức điện của Bác gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các vị trong ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam nhân dịp chiến thắng Khe Sanh. Bức điện có đoạn:

        "Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của miền Nam từ đầu xuân đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa. ở miền Bắc, vừa lập chiến công bắn rơi 3. 000 máy bay giặc Mỹ, thắng lợi vẻ vang của Khe Sanh càng giục giã quân và dân miền Bắc cố gắng hơn nữa, bắn ra nhiều máy bay giặc Mỹ hơn nữa. Giặc Mỹ tuy thua, nhưng vẫn rất ngoan cố. Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ta phải luôn luôn cảnh giác liên tục đánh mạnh, đánh thắng.

        Nam - Bắc một lòng, ra sức đánh giặc. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta.

        Tôi nhờ Chủ tịch và các vị chuyển đến đồng bào, chiến sĩ và cán bộ toàn miền Nam, đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Mặt trận Khe Sanh lời khen ngợi nhiệt liệt nhất"1.

        Tuy thất bại phải rút khỏi Khe Sanh nhưng quân địch tập trung lực lượng phản kích điên cuồng gây cho ta nhiều khó khăn, quân số thiếu hụt, lương thực vũ khí, đạn dược đều thiếu, quần chúng bị địch khủng bố triền miên, phong trào lắng dần xuống.

        Đến tháng 8 năm 1968, các đơn vị chủ lực bật ra khỏi đồng bằng. Sau khi bộ đội chủ lực rút lên vùng rừng núi củng cố thì Trung đoàn 27 cùng bộ đội địa phương của tỉnh và du kích bám địa bàn tiếp tục chiến đấu để chiến trường lúc nào cũng có tiếng súng. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 vừa đánh địch vừa tranh thủ củng cố, kịp thời rút kinh nghiệm tìm ra cách đánh thích hợp với từng đối tượng địch. Đây là yêu cầu mới bảo đảm cho đơn vị có sức chiến đấu cao, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho. Trước mắt, Trung đoàn khẩn trương bổ sung quân số cho Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đang chiến đấu phía trước. Tiểu đoàn 3 nhanh chóng ổn định để tiếp tục bước vào chiến đấu. Các đơn vị tổ chức những phân đội nhỏ, luồn sâu, tiêu diệt địch. Chốt chặn những cao điểm trọng yếu, giữ vững địa bàn đứng chân.

        Việc quán triệt phương châm tác chiến mới của trung đoàn được tổ chức phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị nhất là các chiến sĩ đang ngày đêm giáp mặt với kẻ thù trên các trận địa. Nhiều chiến sĩ đã viết quyết tâm thư gửi lên cấp trên thể hiện quyết tâm chốt giữ vững chắc để đưa đơn vị luồn sâu vào bắc Đường 9, bảo vệ tuyến đường vận tải vào khu vực cao điểm 425.

        Nhiệm vụ chiến đấu đòi hỏi Trung đoàn 27 (Đoàn Phan Rang) ngày một khẩn trương, đánh theo yêu cầu đánh để buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó khắp nơi, đánh trong mọi địa hình, mọi thời tiết, đó là đặc điểm nổi bật của trung đoàn trong thời gian này.

        Ngày 19 tháng 8 năm 1968, được tin một đại đội địch đi càn vào thôn Gia Bình, xã Gio An, đơn vị chúng tôi hành quân đến thôn Gia Bình. Chúng tôi vừa phân công các tổ phục kích xong thì một đại đội Mỹ xộc đúng vào trận địa phục kích. Những tên Mỹ da trắng, da đen cao to, đeo ba lô, trang bị cồng kềnh súng lăm lăm, có tên vì nóng phanh áo ngực.

        Đợi bọn Mỹ đi đầu đến gần, Tiểu đội phó Đặng Ngọc Du, xạ thủ B40, quê Hồng Sơn, Quỳnh Hồng; Quỳnh Lưu, Nghệ An bóp cò. Sau tiếng nổ ba tên Mỹ ngã gục. Tiếp đến, cối 60, các loại súng trung liên, AK, lựu đạn nổ dồn dập về phía địch. Bị đánh bất ngờ quân địch dừng lại bắn trả. Trung đội trưởng Hồ Phi Hùng, quê Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An dẫn trung đội xông thẳng vào đội hình địch, chia cắt chúng để diệt. Cuộc chiến đấu diễn ra giằng co. Một số chiến sĩ của đại đội hy sinh: chiến sĩ Nguyễn Hồng Quế, quê ở Đồng Lâm, Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Nghệ An; chiến sĩ Nguyễn Văn Tiên, quê xóm 4, Quỳnh Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An và chiến sĩ Vũ Văn Thực, quê Lam Sơn, Quỳnh Thọ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tim tôi thắt lại, lòng tự nhủ "phải trả thù cho những đồng chí vừa ngã xuống".

---------------------------
        1. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 12, tr.369-370.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2017, 02:34:17 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #27 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 03:46:13 pm »


        Tôi dẫn trung đội của Nguyễn Văn Cự (quê Cự ở Hồng Phương, Yên Lạc, Vĩnh Phúc) và khẩu cối 60 ly vòng sang cánh trái. Một cụm quân địch đang tập trung đối phó với quân ta ở hướng chính diện. Tôi ra hiệu cho anh em bí mật tiếp cận. Khi quân địch trong tầm bắn của AK và tầm ném của lựu đạn, tôi ra lệnh tấn công. Ngay loạt đạn đầu chúng tôi đã diệt ba tên Mỹ. Các loại súng B40, AK và lựu đạn thi nhau nã vào quân thù. Khẩu cối 60 ly (bắn ứng dụng) cũng rót những quả đạn chính xác vào đội hình địch. Sau 20 phút chiến đấu, đại đội Mỹ hầu hết bị tiêu diệt, chỉ còn gần chục tên chạy thoát về căn cứ.

        Địch cho pháo, cối từ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang bắn cấp tập về trận địa. Trung đội trưởng Hồ Phi Hùng, rung đội phó Nguyễn Văn Cự cùng sáu chiến sĩ nữa đã ngã xuống, đó là các đồng chí: Nguyễn Ngọc Thố, quê Ngọc Điền, Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu, Nghệ An; Trần Văn Đức, quê Tam Đồng, Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu, Nghệ An; Hồ Văn Tổng, quê An Ngọc, Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ An; Nguyễn Ngọc Nam, quê Nghi Trung, Nghị Lộc, Nghệ An; Hồ Đình Ngọc, quê Tân Thắng, Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ - An và Phạm Văn Đảng, quê xóm 15, Quỳnh Sơn, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Khi ngớt pháo địch, chúng tôi đau đớn đưa các liệt sĩ về dưới gốc đa cổ thụ của thôn Gia Bình. Chính dưới gốc đa này hồi đầu tháng 3 năm 1968, quân Mỹ đã hèn hạ xả súng bắn chết Cao Như Thiêm. ở đây có một giếng nước cổ, hình tròn, xếp đá, nước trong mát. Chúng tôi đã lấy nước từ giếng nước này tắm rửa cho anh em và làm lễ an táng tại thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh.

        Đến ngày 13 tháng 9 năm 1968, chúng tôi lại có trận chiến đấu ở thôn Gia Bình. Trận này Đại đội 2 diệt hơn một trung đội Mỹ. Đại đội có bảy đồng chí hy sinh, đó là: Tiểu đội trưởng Phạm Trọng Hội, quê Lương Xá, Thanh Ba, Phú Thọ; Tiểu đội trưởng Trịnh Xuân Lữ, quê xóm 4, Yên Quý, Yên Định, Thanh Hóa; Tiểu đội phó Bùi Xuân, quê Sơn Phú, Thượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Và bốn chiến sĩ là: Nguyễn Văn Hồng, quê Phượng Đỗ, Phúc Thọ, Hà Tây; Lê Văn Thịnh, quê Liên Minh, Nghĩa Thuận, Nghĩa Đàn, Nghệ An; Cao Tiến Xinh, quê Tân Phú, Diễn Phú, Diễn Châu, Nghệ An và Nguyễn Văn Hưng, quê Nhật Tân, Mỹ Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Những đồng chí này cũng được đưa về dưới gốc đa cổ thụ Gia Bình tắm rửa nước giếng và làm lễ an táng tại thôn Gia Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh.

        Ngày 10 tháng 11 năm 1968, Đại đội 17 cối 82 của trung đoàn đánh một trận rất hay. Nhận lệnh chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đại đội hành quân liên tục 16 tiếng đồng hồ dưới phi pháo của địch. Đến vị trí, đơn vị triển khai chiếm lĩnh trận địa. Ngay loạt đạn đầu tập kích vào căn cứ địch ở Cam Lộ, Đại đội 17 đã diệt và làm bị thương 17 tên Mỹ.

        Đánh xong đại đội rút quân nhanh, không một ai bị thương vong.  Từ thực tế chiến trường, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 27 vừa lo tổ chức đơn vị tham gia chiến đấu ở phía trước, vừa chuẩn bị mọi mặt để đánh liên tục lâu dài. Đơn vị đã mở tiếp các tuyến đường vận tải, tìm vị trí đặt các kho trạm, khẩn trương vận chuyển gạo, đạn, hàng hóa vào địa bàn. Trên bản đồ tác chiến, trung đoàn có thêm những ký hiệu mới về vị trí kho tàng do trung đoàn quản lý. Các đơn vị vận tải cũng mở nhiều con đường mới từ kho Mặt trận, đến các nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực tác chiến sắp tới của trung đoàn.

        Vận tải vũ khí, hàng hóa chủ yếu bằng đôi vai chiến sĩ. Đại đội 22 vận tải của trung đoàn mang hàng vào khu vực tác chiến phải luồn lách qua nhiều vị trí địch. Những lúc gặp địch, anh em vừa cất giấu hàng, vừa cầm súng chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 22 đã từng chiến đấu với bộ binh Mỹ trong các chuyến chuyển hàng vào kho Đồi 300 đất Đồi 300 đá. Có lần gặp địch bất ngờ, lực lượng ta và địch không cân sức, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 22 phải mang cả hàng trên vai đánh địch.

        Tôi còn nhớ mãi một chuyến hàng "khẩn cấp" của Đại đội 22 chuyển vào đơn vị tôi do Đại đội phó Nguyễn Văn Ty chỉ huy. Sau hai ngày đêm luồn lách, anh em đưa hàng gần đến nơi thì gặp địch.

        Với quyết tâm diệt địch bảo vệ hàng, đưa hàng lên tận trận địa cho chiến sĩ bộ binh, cán bộ chiến sĩ Đại đội 22 đã đánh trả địch quyết liệt. Nguyễn Văn Ty đã chỉ huy đại đội đánh thắng và chính anh đã dũng cảm vật lộn với một tên Mỹ cao to. Được đồng đội tiếp sức anh đã diệt được tên Mỹ. Nguyễn Văn Ty đã nêu một tấm gương sáng về lòng quả cảm, tinh thần phục vụ tận tụy cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ trung đoàn học tập.

        Chuẩn bị đủ. vật chất để trung đoàn hoạt động liên tục suốt cả mùa mưa ở chiến trường Bắc Quảng Trị quả là gian lao và mọi việc không kém phần khốc liệt. Lúc này, đơn vị chiến đấu của tôi cũng đồng thời là đơn vị vận tải. Đánh xong một trận lại vận chuyển; vận chuyển xong lại đánh. Tất cả mọi việc đều dồn lên đôi vai mang hàng và đôi tay cầm súng của người chiến sĩ Trung đoàn 27.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #28 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 03:50:14 pm »


        Đánh suốt bốn mùa, điều tưởng như không thể, nhưng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 đã làm được.

        Vì thế, trung đoàn đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 giao cho: Giữ cho chiến trường Bắc Quảng Trị luôn luôn có tiếng súng. Lúc dồn dập, lúc cầm canh rỉ rả. Chúng tôi đã lợi dụng mưa lũ để hành quân, vận tải tránh thương vong, và chúng tôi cũng lợi dụng lúc trời nổi cơn giông để đưa bộ đội tiềm nhập. Những lúc như thế là những lúc bất ngờ nhất. Trong mưa gió, người chiến sĩ chiến đấu tuy có vất vả hơn nhiều, song đó lại là những đòn bất ngờ giáng xuống đầu quân địch, làm cho chúng kinh hoàng.

        Trận đánh tháng 12 năm 1968 là trận đánh tập kích quân Mỹ vừa đổ xuống. Hôm đó, từ sáng sớm tôi được trên thông báo nhiều khả năng địch sẽ đổ quân xuống cao điểm 333. Đại đội tôi đóng gần cao điểm này. Nhận được lệnh, tôi hội ý Ban chỉ huy và cấp ủy. Sau khi trao đổi, thống nhất phương án, hạ quyết tâm chiến đấu, tôi dẫn các trung đội trưởng đi chuẩn bị địa hình. Chính trị viên ở nhà lo tổ chức bộ đội. Khoảng 9 giờ, trên không xuất hiện chiếc L19, sau khi lượn mấy vòng nó bắn đạn khói chỉ điểm cho hai chiếc AD6 đến ném bom, bắn phá khoảng 30 phút. Từ hướng đông xuất hiện một bầy trực thăng hơn chục chiếc, bay gần đến cao điểm 333, hạ độ cao và đổ quân.

        Tôi bảo liên lạc chạy về báo chính trị viên cho bộ đội xuất kích. Tôi tranh thủ thống nhất phương án chiến đấu với Đại đội phó Nguyễn Văn Bốn (quê anh ở Tượng Sơn, Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh và Trung đội trưởng Lê Văn Thuyên (quê anh ở Đội 6, Xuân Lĩnh, Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

        Tôi nói:

         - Tôi sẽ đi với trung đội của Thuyên, đánh từ phía nam lên. Đi với trung đội này có thêm khẩu cối 60 ly. Anh Bốn cùng với chính trị viên đi với trung đội còn lại. Khi mũi phía nam tiếp cận được địch, nổ súng là hiệu lệnh hiệp đồng tiến công.

        Tôi vừa nói xong thì Chính trị viên Lê Văn Dy1, (quê anh ở xóm Bầu, Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) dẫn đại đội đến. Tôi nói lại cho chính trị viên phương án chiến đấu. Chính trị viên nói thêm:

        - Về phương án anh vừa nói, tôi hoàn toàn nhất trí Nhưng anh nhắc bộ đội đi thưa, ngụy trang kín đáo không để địch phát hiện dùng phi pháo oanh tạc, gây thương vong.

        Tôi yêu cầu mọi người về quán triệt đến từng chiến sĩ phương án chiến đấu và tổ chức hành quân.

        Tôi và Trung đội trưởng Thuyên đi đầu đội hình.

        Trên trời, máy bay OV10, L19 vẫn vè vè, thi thoảng chúng phóng rốc-két về phía tây cao điểm. Tôi bảo Thuyên:

         - Ta chọn hướng tiến công này là chính xác rồi, địch tập trung chú ý về phía tây và phía bắc. Hãy động viên bộ đội đi thưa nhưng không để bị lạc.

        Đội hình hành quân gần một giờ thì cách địch mấy trăm mét. Tôi cho bộ đội dừng lại triển khai đội hình chiến đấu. Tôi bảo Thuyên: - Điều khẩu cối 60 ly, khẩu B40, B41, trung liên lên đầu đội hình.

        Mấy phút sau, hai chiến sĩ, một vác khẩu cối, một gùi đạn và các chiến sĩ B40, B41, trung liên có mặt. Tôi dặn anh em: - Khi tôi bắn B40 làm hiệu lệnh, các đồng chí đồng loạt bắn cối, bắn B40, B41, trung liên vào đội hình quân địch rồi xung phong.

        Tôi dẫn hai chiến sĩ B40 và B41 vượt lên chỉ mục tiêu cho họ rồi quay lại nhắc chiến sĩ cối và chiến sĩ trung liên: - Giá súng, lấy tầm, hướng, bắn mười quả đạn, sau đó tháo giá vận động và bắn ứng dụng. Trung liên quan sát mục tiêu, thấy quân Mỹ cụm đông là bắn.

        - Rõ! Quân Mỹ vừa đổ xuống triển khai đào công sự chiến đấu. Những tên Mỹ da đen mồ hôi nhễ nhại.

        Những tên Mỹ da trắng phanh áo ngực để lộ đầy lông lá. Thời cơ nổ súng đã đến. Tôi lấy khẩu B40 của chiến sĩ Lê Quốc Đạt (quê anh ở Thạch Linh, Thạch Hà, Hà Tĩnh) nhằm vào ba tên Mỹ đang chụm đầu đào công sự bóp cò. Tiếng nổ đanh đầu nòng rồi tiếng nổ trầm đục kế tiếp, ba tên Mỹ nẩy lên, ngã vật.

        Sau tiếng B40 là các loại súng của ta thi nhau nã đạn vào quân Mỹ. Bị đánh bất ngờ, quân Mỹ choáng váng. Sau vài phút chúng bừng tỉnh, bắt đầu bắn trả quân ta.

        Trung đội trưởng Lê Văn Thuyên dẫn đầu trung đội đánh vào trung tâm. Anh diệt được 3 tên Mỹ.

        Mải tấn công, Thuyên không chú ý đến tên Mỹ giả vờ chết. Nó dùng AR15 bắn từ phía sau. Thuyên ngã xuống. Chiến sĩ Bùi Như Đang (quê Kim Động, Tân Xã, Thạch Thất, Hà Tây) thấy vậy liền xả một loạt đạn, kết liễu tên Mỹ, trả thù cho người trung đội trưởng dũng cảm.

        Mũi Chính trị viên Dy và Đại đội phó Bốn cũng nhanh chóng tiêu diệt những tên địch ở vòng tiền duyên rồi đánh vào trung tâm. Trong lúc tiến công, Đại đội phó Nguyễn Văn Bốn trúng đạn hy sinh.

----------------------
        1. Anh Dy là giáo viên Học viện Chính trị đi thực tế làm Chính trị viên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #29 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 03:53:13 pm »


        Y tá Nguyễn Quốc Toàn (quê Vân Duối, Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng) đi sát Chính trị viên Dy bị khẩu trọng liên của địch bắn tạt sườn, trúng đạn hy sinh.

        Cuộc chiến đấu càng về sau càng ác liệt hơn. Tôi chỉ huy tập trung hỏa lực cả đại đội đánh áp đảo quân Mỹ. Trước sức tấn công của ta, quân Mỹ còn lại tháo chạy về phía nam cao điểm, gọi máy bay, pháo binh oanh tạc vào phía sau đội hình, ngăn quân ta tiến công. Chiến sĩ Lê Quốc Đạt và Bùi Như Đang dính đạn pháo hy sinh.

        Tôi nghĩ, nếu cứ truy đuổi quân Mỹ, bộ đội sẽ bị thương vong thêm, nên quyết định dừng cuộc chiến đấu thu dọn chiến trường, đưa thương binh, liệt sĩ về phía sau.

        Đại đội phó Nguyễn Văn Bốn, Trung đội trưởng Lê Văn Thuyên, chiến sĩ Lê Quốc Đạt, y tá Nguyễn Quốc Toàn và chiến sĩ Bùi Như Đang được đưa về an táng tại chân cao điểm 333.

        Trận tập kích này, đại đội tôi tiêu diệt hơn 30 tên Mỹ, thu 12 súng, một máy vô tuyến điện PRC25. Đại đội hy sinh năm đồng chí, bảy đồng chí bị thương nhẹ.

        Đơn vị đang củng cố thì được lệnh hành quân gấp ra cao điểm Động ông Cay nằm ở bờ nam sông Bến Hải, nơi ta đặt trận địa pháo bắn vào Đông Hà, ái Tử, Quán Ngang, Dốc Miếu. Do địch phát hiện được trận địa, biết ta hết đạn, chúng cho trực thăng đổ quân xuống, định cướp pháo của ta nên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 của tôi được lệnh ra bảo vệ trận địa pháo này.

        Thời gian này đang vào mùa mưa, những con suối Khe Khỉ, Khe Nhì nước dâng cao chảy xiết, đơn vị phải dùng dây song nối hai bờ suối làm chỗ dựa cho anh em vượt qua. Khi chúng tôi đến địa điểm đã định xây dựng công sự, trận địa vừa xong thì cũng là lúc địch cho máy bay ném bom phát quang làm trụi đỉnh đồi Động ông Cay. Chúng còn cho pháo binh chần nát các khu vực lân cận. Chúng tôi nằm im chờ đợi. Tưởng chừng đã tiêu diệt hết sự sống trên mặt đất, khoảng 9 giờ ngày 11 tháng 12 năm 1968, địch cho từng tốp trực thăng UH1A bay đến hạ thấp độ cao, đổ quân. Lúc này tôi lệnh cho khẩu cối 82 ly và cối 60 ly bắn cấp tập vào đội hình của chúng. Bị đòn bất ngờ, một máy bay trực thăng trúng đạn bốc cháy. Quân Mỹ chết la liệt, nhưng chúng vẫn ngoan cố chưa từ bỏ ý đồ cướp pháo. Chúng tiếp tục đổ quân. Cuộc chiến đấu giữa Đại đội 2 với đại đội quân Mỹ diễn ra quyết liệt Cán bộ, chiến sĩ ta kiên cường dùng B40, B41, súng AK chặn đứng các đợt tiến công của quân Mỹ. Cuộc chiến đấu kéo dài từ 9 giờ đến 16 giờ, bị tổn thất nặng quân Mỹ buộc phải cho trực thăng đến bốc quân và nhặt xác những tên lính Mỹ xấu số Đại đội 2 có ba đồng chí hy sinh, đó là: Tiểu đội trưởng Nguyễn Minh Thái, quê Võng La, Đông Anh, Hà Nội, Tiểu đội phó Lê Văn Đồng, quê Đông Phái, Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An và Tiểu đội phó Hoàng Đình Uyển, quê Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Nội.

        Ngay trong đêm, Bộ tư lệnh Mặt trận B5 lệnh cho đơn vị pháo binh đưa xe vào cao điểm Động ông Cay kéo pháo về bờ bắc sông Bến Hải.

        Những ngày cuối năm 1968, tình hình càng trở nên khó khăn do việc tiếp tế từ hậu phương vào bị cản trở do gặp phải nước lũ các sông, suối ở bắc Quảng Trị và bị địch đánh phá. Có kẻ bạc nhược, đầu hàng địch đã khai báo việc ta cho gạo vào bao nylon thả từ đầu nguồn sông Ba Lòng, các đơn vị ở dọc bờ sông cứ thế mà vớt. Thế là bọn địch cho máy bay trực thăng cán gáo bay dọc sông, cứ thấy bao gạo nổi là bắn làm nguồn tiếp tế duy nhất trên sông của bộ đội ta bị gián đoạn. Trước tình hình đó, Đại đội 2 Tiểu đoàn 1 của tôi căng óc nghĩ các phương án làm thế nào để có lương thực, thực phẩm nuôi cả trăm con người, trong đó có gần sáu mươi thương binh. Tôi bàn với ban chỉ huy, cử tổ trinh sát ba người và năm chiến sĩ khỏe, hoạt bát lên cao điểm 710, nơi địch vừa đổ quân và hàng hóa xuống để moi nguồn lương thực, thực phẩm. Hôm đầu anh em mò vào kho quân lương của địch lấy được tám gùi hàng, có cả thịt hộp, thuốc lá. Ba đêm sau, cũng phương thức như vậy anh em lấy được 24 gùi nữa.

        Đêm thứ năm, khi đã cho thịt hộp vào gùi, trên đường ra bất ngờ anh em gặp tên Mỹ đi tuần tra, nó kêu: Vi xi! Vi xi! Vi xi! Thế là anh em đeo cả ba lô lăn xuống dốc. Đến lưng chừng anh em vướng vào mấy bụi chuối rừng mắc lại. Không ai việc gì.

        Địch cho pháo bắn một hồi lâu dọc theo khe suối rồi thôi.

        Cả đại đội lấy rau môn thục, rau tàu bay, rau dớn, rau sam đá về nấu với thịt hộp. Mỗi nồi anh em còn cho thêm một bánh lương khô. Thế là bằng số thực phẩm lấy được của địch, anh em cũng nuôi nhau được gần một tháng cho đến khi Mặt trận cử chín trinh sát mang theo gạo vào Đại đội 2.

        Sau đợt này tôi cho anh em lấy thịt hộp chôn giấu ở Kiềng và các điểm dừng chân để đến khi gặp khó khăn bị bao vây phong tỏa, có cái để dùng, để sống và chiến đấu.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM