Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:31:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Một thời Quảng trị  (Đọc 35698 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 10:24:56 pm »


        Những giá trị nhân văn nêu trên là thiêng liêng, là sức mạnh tiềm tàng không bao giờ cạn của con người và mảnh đất Quảng Trị. Những giá trị ấy mãi mãi cần được khai thác, tôn vinh, để các thế hệ nối tiếp nhau làm cho nó thêm sáng ngời và lan tỏa đến muôn đời...

        Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng khẳng định hệ thống di tích lịch sử cách mạng đồ sộ và độc đáo của Quảng Trị. Anh đi sâu phân tích giá trị các địa danh: - Trong hệ thống di tích đồ sộ, phải nhấn mạnh đến những di tích có giá trị lớn đối với hoạt động du lịch.

        Địa đạo Vịnh Mốc - "Lâu đài trong lòng đất", thể hiện ý chí và quyết tâm chiến thắng, là thành quả tuyệt vời của tinh thần lao động sáng tạo, là công trình quân sự độc đáo mang màu sắc huyền thoại của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

        Cầu Hiền Lương - là "cầu" nhưng lại ngăn cách đôi bờ sông Bến Hải được cả thế giới biết đến như là biểu tượng của nỗi đau chia cắt và khát khao thống nhất non sông.

        Cồn Tiên - Dốc Miếu - Hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra (được người Mỹ coi là "con mắt thần" là công trình của 47 nhà khoa học kỹ thuật quân sự tài ba của Mỹ, với kế hoạch đặt ra hết sức quy mô, ngốn 800 triệu đô-la/năm đã bị tan tành mây khói trong cuộc tiến công chiến lược của quân và dân ta vào mùa xuân năm 1972)... là những cái tên nhức nhối đối với quân xâm lược nhưng lại là niềm tự hào của quân dân Quảng Trị.

        Thành cổ Quảng Trị trong một thị xã nhỏ chưa đầy 3 ki-lô-mét vuông, nhưng thử thách khốc liệt qua 81 ngày đêm mùa Hè đỏ lửa trở thành một chứng tích lịch sử nổi tiếng khắp toàn cầu.

        Đường mòn Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn - con đường huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, suốt 16 năm chiến đấu và chiến thắng oanh liệt đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang.

        Đường 9 - Khe Sanh - con đường chiến lược huyết mạch mà các thế lực xâm lược sử dụng cho các cuộc chiến tranh bẩn thỉu đã trở thành nỗi kinh hoàng của chúng. Đối với người Mỹ, Khe Sanh trở thành "Khe Tử", là nơi quân xâm lược Mỹ phải trả giá đắt bằng máu và ghi đậm chứng tích thảm bại của chúng ở Việt Nam.  Đảo Cồn Cỏ hiên ngang giữa trùng khơi, đánh tan cuồng vọng đen tối của kẻ thù. Đảo đã hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng và được Bác Hồ khen tặng là một địa danh sáng ngời khí phách.

        Vĩnh Linh lũy thép, nhân loại biết đến như một địa danh kiêu hãnh và oai hùng không thể nào quên.

        Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và 70 nghĩa trang liệt sĩ khác (nơi yên nghỉ của gần 60 nghìn người con ưu tú từ mọi miền đất nước) đã biến Quảng Trị thành "cõi thiêng" trong tâm khảm nhân loại tiến bộ.

        Sông Thạch Hãn, sông Ba Lòng, suối La La đã đi vào thi ca và sẽ còn vang vọng mãi...

        Trong cuốn sách nhỏ này, tôi không thể viết đầy đủ tất cả những gì đã diễn ra trong suất 8 năm (gần ba nghìn ngày) kể từ Tết Mậu Thân 1968 đến mùa Xuân 1975 - Thời gian tôi đã chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị - khoảng thời gian oanh liệt, đáng nhớ nhất của cuộc đời. Tôi chỉ ghi lại những sự kiện gắn liền với những đồng đội của tôi cùng những người dân Quảng Trị kiên trung, đã đùm bọc gắn bó, chia lửa trong từng trận chiến đấu, từng chiến dịch. Có người đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường, có người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp trong quân đội, có người đang hoạt động trên các lĩnh vực công tác khác nhau do xã hội phân công. Dù ở đâu cương vị công tác nào, hình ảnh Quảng Trị vẫn luôn luôn hiện lên gần gũi thân thương trong tâm trí mọi người.

        Năm tháng qua đi, đất nước đang tiến nhanh về phía trước nhưng lịch sử luôn còn đó, sáng ngời.

        Những chiến công vang dội, những tên người tên đất trên mảnh đất thiêng Quảng Trị mãi mãi in đậm trong lịch sử. Những cánh rừng, ngọn núi ngùn ngụt lửa đạn, những chiến địa loang máu giặc đã trở thành nông trường, nhà máy... Nhưng những địa danh Đường 9 - Khe Sanh, Tà Cơn, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Sa Mưu, Tân Lâm, Đông Hà, Cửa Việt, Phu-lơ, đồi Không Tên, con suối La La... sẽ không bao giờ phai mờ trong ký ức của quân dân Quảng Trị cũng như quân dân cả nước.

        Trên mảnh đất này, quá khứ anh hùng trong chiến tranh giải phóng đã, đang và sẽ mãi mãi tạo nguồn sức mạnh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bài học về ý chí, nghị lực cách mạng, dũng khí tiến công và truyền thống quyết thắng vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta.

        Cuộc Hội thảo Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội càng làm tôi thêm bồi hồi, xúc động nhớ về những kỷ niệm sâu sắc thiêng liêng - Một thời Quảng Trị. Vâng! Đó là một thời hào hùng, không thể nào quên.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 04:12:15 pm »


Chương hai

BẮC QUẢNG TRỊ TRONG CUỘC TIẾN CÔNG NĂM 1968

        Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị ra nghị quyết lịch sử: Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Bộ Chính trị nhận định: Do những thất bại có tính chất chiến lược của Mỹ ở miền Nam và do những thắng lợi to lớn của ta trong năm 1967, địch khó có khả năng mở cuộc phản công lần thứ ba. Xu thế của tình hình trong cả năm 1968 là chúng sẽ càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn... Về phía ta, Bộ Chính trị cho rằng: Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược, chiến thuật, lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào, ta đang nắm quyền chủ động trên khắp các chiến trường. . . Bộ Chính trị kết luận: Diễn biến cơ bản của tình hình là ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, địch đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn.

        Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (tháng 1 năm 1968), quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị (tháng 12 năm 1967) và hạ quyết tâm: Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

        Bộ Chính trị dự kiến về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy có thể phát triển theo ba khả năng: Khả năng thứ nhất, ta thắng lớn, địch phải chịu thua và kết thúc chiến tranh.

        Khả năng thứ hai, ta thắng ở nhiều nơi, nhưng địch củng cố được lực lượng và chống cự lại.

        Khả năng thứ ba, Mỹ sẽ tăng thêm nhiều lực lượng mở rộng chiến tranh ra cả miền Bắc, sang Lào và Cam-pu-chia.

        Nhưng dù tình hình thế nào, ta cũng kiên quyết liên tiếp tiến công địch cho đến khi chúng bị thất bại hoàn toàn.

        Tại chiến trường Quảng Trị, ta chủ trương mở chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn ở Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị, xem đó là một trong những mặt trận của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Đây là đòn chính của bộ đội chủ lực nhằm thu hút quân cơ động Mỹ, tiêu diệt một bộ phận, vây hãm và giam chân tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác.

        Trên tuyến Đường số 9, từ Cửa Việt đến Lao Bảo, quân địch có 45 nghìn tên, trong đó có 28 nghìn quân Mỹ, gồm ba trung đoàn lính thủy đánh bộ tăng cường, chín tiểu đoàn pháo binh, ba tiểu đoàn và một đại đội cơ giới . . . được tổ chức thành một tuyến phòng ngự ngăn chặn quân ta từ miền Bắc tiến công hoặc thâm nhập qua giới tuyến quân sự tạm thời.

        Lực lượng tác chiến chiến dịch của ta bao gồm lực lượng thuộc Mặt trận Đường số 9 - Bắc Quảng Trị đang hoạt động tại chỗ và lực lượng mới được Bộ điều vào tham gia chiến dịch gồm bốn sư đoàn và một trung đoàn bộ binh, một đoàn và năm đội đặc công, năm trung đoàn pháo binh, ba trung đoàn pháo cao xạ, một trung đoàn và hai tiểu đoàn công binh, bốn đại đội xe tăng, một đại đội súng phun lửa cùng các lực lượng bảo đảm.

        Mở đầu chiến dịch Đường số 9 - Khe Sanh, đêm 20 tháng 1 năm 1968 (10 ngày trước khi bắt đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân) quân ta nổ súng tiến công quận lỵ Hướng Hóa, tiêu diệt phần lớn quân địch đồn trú.

        Ngày 24 tháng 1 năm 1968, quân ta tiến công Huội San, 400 quân ngụy Lào chạy thoát về Làng Vây.

        Ngày 31 tháng 1 năm 1968, quân ta tiến công chi khu Cam Lộ.

        Từ ngày 20 tháng 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1968 quân ta tiến công tiêu diệt một số cứ điểm phía tây, mở thông Đường số 9, đưa lực lượng vào vây hãm Tà Cơn và tiêu diệt quân địch ở cứ điểm Làng Vây - một cứ điểm mạnh của địch.  Ngày 8 tháng 2 năm 1968, quân ta tổ chức tiến công vây hãm Tà Cơn. Lúc đầu quân ta dùng pháo binh và các loại hỏa lực khống chế các căn cứ, nhưng máy bay lên thẳng địch vẫn hạ cánh và máy bay vận tải địch vẫn thả dù tiếp tế được. Trước tình hình đó, ta chủ trương chuyển sang xây dựng trận địa sát căn cứ, thực hiện chiến thuật vây lấn. Mũi vây lấn phía tây sân bay Tà Cơn đã xuyên vào giữa hàng rào, cách chiến hào địch khoảng 50 mét. Ta đưa lực lượng hỏa lực nhẹ và súng bắn tỉa vào sát căn cứ địch, uy hiếp mạnh tinh thần và tâm lý binh sĩ Mỹ. Lúc này, quân địch đang bị thu hút vào việc giải toả thành phố Huế và các đô thị khác nên viện binh địch vẫn chưa ra Đường số 9.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 04:12:34 pm »


        Trước yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của chiến trường, theo sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định thành lập Trung đoàn 27 gồm ba tiểu đoàn: Tiểu đoàn 9, Tiểu đoàn 43, Tiểu đoàn 44, ba cơ quan trung đoàn và các đơn vị trực thuộc Đồng chí Hà Tiềm giữ chức Trung đoàn trưởng, đồng chí Đoàn Sáu giữ chức Chính ủy, đồng chí Trần Thất giữ chức Trung đoàn phó, đồng chí Ngô Chí Bình giữ chức Phó Chính ủy, đồng chí Lê Sinh giữ chức Tham mưu trưởng và đồng chí Võ Xuân Tần giữ chức Chủ nhiệm chính trị trung đoàn.

        Tiểu đoàn 9 Trung đoàn 271 của Quân khu 4 được điều về Trung đoàn 27 lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 1. Tiểu đoàn 43 thuộc tỉnh đội Nghệ An thành lập năm 1961, được điều về Trung đoàn 27 lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 2. Tiểu đoàn 44, tỉnh đội Hà Tĩnh thành lập năm 1964, được điều về trung đoàn 27 lấy phiên hiệu Tiểu đoàn 3.

        Ba cơ quan trung đoàn và các đơn vị trực thuộc được rút từ cơ quan và đơn vị chủ yếu của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

        Ngày 8 tháng 2 năm 1968, Đảng ủy Trung đoàn 27 họp phiên đầu tiên tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới sự chủ trì của Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Trung đoàn Đoàn Sáu. Tham dự buổi họp đầu tiên của Đảng ủy Trung đoàn có đồng chí Lê Quang Hòa - Chính ủy Quân khu 4 thay mặt Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo hội nghị. Trong không khí hào hứng phấn khởi, các đồng chí trong Đảng ủy sôi nổi thảo luận những chủ trương và biện pháp lãnh đạo xây dựng Trung đoàn 27 thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Biết bao nhiêu việc cấp thiết đặt ra, việc nào cũng có ý nghĩa quan trọng riêng của nó nên việc thực hiện khâu then chốt nhất để tập trung xây dựng trung đoàn lúc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

        Thời gian lên đường vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu đang thôi thúc từng ngày, do đó Đảng ủy Trung đoàn xác định: Để trung đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, trước hết phải xây dựng và củng cố vững chắc hệ thống tổ chức Đảng, đặc biệt là các chi bộ ở đại đội, đồng thời giải quyết đúng đắn vấn đề sắp xếp cán bộ, mạnh dạn đề bạt và bổ nhiệm cán bộ trẻ đã qua thử thách chiến đấu Điều chỉnh một số cán bộ giữa các đại đội trong tiểu đoàn và giữa các tiểu đoàn, đơn vị và cơ quan, tạo sự đồng đều giữa các đơn vị. Chủ trương này được các đồng chí trong Đảng ủy Trung đoàn nhất trí cao.

        Cũng từ đó, ngày 8 tháng 2 trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn Đỏ Nghệ An - Trung đoàn 27.

        Ngay sau khi thành lập được ít ngày, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 nhận lệnh chuyển đến huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên (Nghệ An) chờ lệnh vượt sông Lam. Tiểu đoàn 3 cũng được lệnh hành quân gấp lên phía tây Hà Tĩnh trên trục đường 15. Các đơn vị trực thuộc lần lượt tách khỏi đội hình Quân khu về vị trí tập kết chuẩn bị hành quân vào Bắc Quảng Trị.

        Điểm tập trung của ngày thành lập trung đoàn cũng là điểm chuẩn bị xuất phát hành quân chiến đấu Do điều kiện không cho phép, cả trung đoàn không tập trung làm lễ xuất quân. Tuy vậy, trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ đều dấy lên niềm vinh dự, tự hào được đứng trong đội hình Trung đoàn Đỏ, ra đi từ quê Bác kính yêu.  Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã kịp thời chỉ thị cho các huyện đội tiếp tục bổ sung quân số cho Trung đoàn 27 trên dọc đường hành quân. Các cơ quan trong Quân khu đều cử những cán bộ, chiến sĩ nhiều kinh nghiệm ưu tiên bổ sung cho Trung đoàn 27.

        Cán bộ về nhận nhiệm vụ ngay trên đường hành quân. Cấp trên gặp gỡ giao nhiệm vụ cho cấp dưới cũng tranh thủ lúc nghỉ giải lao sau mỗi chặng hành quân.

        Ngày 20 tháng 2 năm 1968, Tiểu đoàn 3 đã có mặt ở xã Vĩnh Chấp thuộc khu vực Vĩnh Linh nằm trên trục quốc lộ số 1 cách sông Bến Hải 15 ki-lô-mét.

        Tuy bị máy bay và pháo hạm Mỹ đánh phá ác liệt hòng hủy diệt vùng đất giáp ranh này, nhưng nhân dân Vĩnh Chấp vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ xây dựng và bảo vệ quê hương. Vĩnh Chấp đã trở thành pháo đài bất khả xâm phạm trong những năm dài đánh Mỹ. Vĩnh Chấp là hậu cứ, là vị trí dừng chân cuối cùng để các đơn vị trong trung đoàn làm công tác chuẩn bị trước khi vượt sông Bến Hải vào chiến trường Bắc Quảng Trị chiến đấu theo chỉ thị của Mặt trận B5.

        Ngày 26 tháng 2 năm 1968, cả Trung đoàn 27 chúng tôi tổ chức vượt sông Bến Hải. Đội hình chiến đấu của trung đoàn kéo dài từ cao điểm 31 đến căn cứ Cồn Tiên. Theo nhiệm vụ trung đoàn giao thì các tiểu đoàn phải độc lập tác chiến trên từng khu vực.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 04:14:15 pm »


        Đêm vượt sông Bến Hải vào chiến trường Quảng Trị, đại bộ phận trung đoàn vượt sông ở thượng nguồn. Riêng Tiểu đoàn 3 của tôi vượt sông Bến Hải bằng những chiếc đò của du kích xã Vĩnh Giang và bằng tất cả các phương tiện có thể: mảng chuối, nylon làm phao và bằng cả dây song giăng qua sông. Trời mưa dầm dề, máy bay địch vẫn quần lượn thả pháo sáng, ném bom những khu vực chúng nghi có bến vượt của quân ta. Pháo địch từ căn cứ Dốc Miếu, Quán Ngang, ái Tử, Đông Hà . . . bắn dọc bờ sông ngăn chặn quân ta vượt sông. Quân Mỹ và lính ngụy đã phát hiện ra bến sông này, nhưng chúng vẫn không tài nào ngăn nổi những chuyến đò đưa bộ đội qua sông. Máy bay Mỹ thả bom từ trường, bom nổ chậm, nhưng với những chiếc xuồng cao su của các đơn vị công binh Mặt trận B5, những chiếc thuyền nan và những mảng chuối của bộ đội và dân quân xã Vĩnh Giang, Vĩnh Trường chúng tôi vẫn luồn lách vượt qua sông Bến Hải.

        Người chiến sĩ hy sinh đầu tiên của Trung đoàn 27 là Dương Văn Dũng - Tiểu đội phó - Tiểu đoàn 2, quê Lục Tây, Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

        Anh bị bom tọa độ, hy sinh ngày 27 tháng 2 năm 1968. Anh được an táng tại xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh1.

        Tiểu đoàn 3 sau khi vượt sông Bến Hải đã bí mật luồn sâu vào khu vực Lâm Xuân, Hoàng Hà Thượng, Tây Giáp ở đông nam huyện Gio Linh.

        Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 bám theo trục đường 76 Gia Bình, Gio An. Qua hai đêm hành quân, Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 đều chạm phải thám báo Mỹ. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Nguyễn Xuân Hùng trao đổi với Chính trị viên Trần Văn Châu: - Thời cơ đánh địch đã đến, chúng ta tổ chức cho tiểu đoàn chiến đấu càng sớm càng tốt, vừa đánh địch vừa đưa dần đội hình vào căn cứ Cồn Tiên.

        Tiểu đoàn trưởng Hùng chỉ vào tấm bản đồ, nói tiếp: Ta đưa bộ đội bí mật dừng chân ở làng Trung Sơn. Cán bộ tiểu đoàn, đại đội cùng đi trinh sát nắm địch. Theo trên cho biết, bọn thám báo Mỹ thường ở làng Xuân Hải đi sục sạo xuống làng Gia Bình và làng Tân Thành. Do vậy, ý định của tôi là chọn làng Gia Bình làm trận địa phục kích.

        Chính trị viên Trần Văn Châu bổ sung thêm: - Tôi nhất trí ý kiến của Tiểu đoàn trưởng chọn Gia Bình làm trận địa phục kích. Nhưng yêu cầu đặt ra cho đơn vị là phải hết sức giữ bí mật, bất ngờ, giấu kín lực lượng, tuyệt đối không để cho địch biết đơn vị mới vào tham gia chiến đấu.

        Làng Gia Bình thuộc xã Gio An nằm kề trục đường đất từ Cồn Tiên đi Xuân Hải, phía bắc giáp Trung Sơn, phía nam giáp Linh Hải. Phương án tổ chức trận địa phục kích được nhanh chóng triển khai. Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 đảm nhiệm việc tổ chức lực lượng bám sát trục đường từ làng Gia Bình đi Xuân Hải, Trung Sơn.

        Theo phương án chiến đấu, địch có thể từ Dốc Sỏi sang hoặc từ cao điểm 39 xuống. Nếu đúng, cứ để cho bọn thám báo Mỹ lọt hẳn vào trận địa phục kích của ta lúc đó mới nổ súng chặn đầu, khóa đuôi rồi đồng loạt tiến công tiêu diệt chúng.

        Đêm 2 tháng 3 năm 1968, các tổ phục kích của ta triển khai xong, bí mật đào công sự chiến đấu. Pháo địch ở căn cứ Dốc Sỏi vẫn bắn cầm canh từ làng Gia Bình đến làng Xuân Hải. Trận địa pháo của địch ở Dốc Miếu nã từng loạt ra bờ sông Bến Hải. Chiến sĩ ta vẫn kiên nhẫn hoàn thiện công sự chiến đấu, rồi bí mật ngụy trang, lặng lẽ chờ đợi.

        Trời sáng dần, pháo ở các căn cứ địch bắn ra phía bắc càng dày hơn. Cán bộ chỉ huy tranh thủ đi kiểm tra lại trận địa chiến đấu. Đài quan sát đặt ở cây đa làng Gia Bình liên tục thông báo tình hình bằng các tín hiệu đã được quy định cho chỉ huy tiểu đoàn. Mọi động thái của địch vẫn như thường lệ, chứng tỏ chúng vẫn chưa phát hiện ra lực lượng của ta có mặt ở khu vực này.

        Đúng như dự kiến của ta, trời vừa sáng bọn thám báo Mỹ bắt đầu đi lùng sục, khoảng một trung đội. Chúng chia làm ba tốp theo trục đường mòn vào làng Gia Bình. Chiến sĩ ta.nhìn rõ từng tên lính Mỹ mặc áo rằn ri trên lưng đeo chiếc ba lô to sụ súng lăm lăm trong tay lặng lẽ hành quân qua trước mặt. Khi quân địch lọt hết vào trận địa phục kích, tổ chặn đầu nổ súng. Bằng những loạt súng AK đanh gọn, ta đã diệt ngay tốp địch đi đầu Bị đòn bất ngờ, lính Mỹ hốt hoảng lùi lại, bắn loạn xạ. Lúc này Đại đội 1 đồng loạt bắn súng AK, trung liên, ném lựu đạn vào đội hình quân Mỹ. Lính Mỹ chui vào các gò đất, gốc cây chống trả.

---------------------
        1 . Quê quán của các liệt sĩ trong tác phẩm này tôi viết lại theo trí nhớ của mình, nên có thể có chỗ chưa thật chính xác, mong gia đình các liệt sĩ và bạn đọc lượng thứ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 04:19:41 pm »


        Đại đội trưởng ra lệnh cho bộ đội đánh nhanh, không cho địch tháo chạy và gọi pháo binh bắn vào trận địa. Bọn thám báo Mỹ bị ghìm lại, không ngóc đầu lên được. Bộ đội ta lợi dụng địa hình bám sát, dùng súng AK điểm xạ ngắn tiêu diệt chúng. Một số tên sống sót, liều mạng vứt súng, quẳng ba lô chạy tháo thân, các tổ chiến đấu của ta truy sát tiêu diệt.

        Chỉ sau 30 phút chiến đấu, trung đội thám báo Mỹ đã bị tiêu diệt. Đơn vị rút vào làng Gia Bình để củng cố, chuẩn bị cho những trận đánh tiếp theo.

        Về phía ta, trong trận chiến đấu đầu tiên này, có bốn đồng chí đã anh dũng hy sinh, đó là Tiểu đội trưởng Lê Viết Thuật, quê Liên Minh, Diễn Nghĩa, Diễn Châu, Nghệ An; chiến sĩ Hồ Xuân Vinh, quê Quỳnh Yên, Quỳnh Lưu, Nghệ An; chiến sĩ Lê Minh Ngọc, quê Bản Mon, Thạch Giám, Tương Dương, Nghệ An; chiến sĩ Nguyễn Văn Linh, quê Phú Linh, Diễn Tân, Diễn Châu, Nghệ An. Thi hài của các anh được đơn vị chuyển về xã Vĩnh Trường, Vĩnh Linh làm lễ truy điệu và an táng.

        Ngày 4 tháng 3 năm 1968, tại làng Gia Bình được tin một đại đội lính Mỹ nống ra nhằm bảo vệ vòng ngoài cho căn cứ Cồn Tiên và Dốc Miếu, Tiểu đoàn 2 dùng một đại đội tăng cường chặn đánh đại đội Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên.

        Trận thắng ngày 4 tháng 3 của Đại đội 1 Tiểu đoàn 2 làm cho cán bộ, chiến sĩ trung đoàn phấn chấn hẳn lên. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 hạ quyết tâm thừa thắng xông tới, kiên quyết không cho địch đánh chiếm bàn đạp, luôn giữ yếu tố chủ động, bí mật, bất ngờ.

        Về phía địch, sau khi chạm trán với ta ở Gia Bình, lữ đoàn kỵ binh bay số 1 vừa được tăng cường ra hướng này cay cú dồn quân ra phía đông bắc Cồn Tiên. Nắm được ý định của địch, Ban chỉ huy Trung đoàn 27 chỉ thị ngay cho Tiểu đoàn 2 nhanh chóng triển khai lực lượng đánh quân giải tỏa Cồn Tiên, không cho chúng chiếm con đường từ An Nha đi Võ Xá, cố gắng cắt đứt trục đường từ Cồn Tiên qua Long Sơ sang Dốc Miếu. Kết hợp với đơn vị bạn thực hiện vây ép Cồn Tiên từ ba phía theo kế hoạch của Bộ chỉ huy Mặt trận B3.

        Địch cho rằng ta đánh xong thường rút ra ngoài để củng cố nên chúng tiếp tục cho quân nống ra làng Gia Bình. Trong khi đó, Tiểu đoàn 2 sau khi diệt trung đội thám báo Mỹ đã được lệnh trụ lại Gia Bình tăng cường lực lượng sẵn sàng đánh địch.

        Một đại đội lính Mỹ thuộc sư đoàn kỵ binh bay số 1 hành quân đến Gia Bình. Chúng triển khai đào công sự, dựng lều bạt trong vườn cây đã bị bom pháo làm gãy đổ, xơ xác. Tiểu đoàn 2 lệnh cho Đại đội 2 và Đại đội 3 đang ở vị trí tập kết (làng Trung Sơn) xuất kích sang phối hợp với Đại đội 1 chiến đấu Khi trinh sát xác định đúng vị trí của lính Mỹ, Tiểu đoàn trưởng phát lệnh tiến công. Cơn mưa đêm vừa tạnh để lại nhiều vũng nước, quanh miệng hố bom, hố pháo, bùn đất nhão ra dính chặt vào dép cao su làm cho anh em vận động rất vất vả.

        Phát hiện ra hướng tiến công của ta, lính Mỹ bắn như vãi đạn. Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 Lê Ngọc Thu, quê Tiên Sơn, Thanh Hưng, Thanh Chương, Nghệ An dẫn đầu trung đội tiến lên. Được khẩu đại liên của đại đội bắn chi viện, trung đội của Thu vừa chi viện cho nhau bằng những loạt AK điểm xạ ngắn, vừa nhằm vào những tên lính Mỹ cao to mà diệt. Bị ta đánh mạnh, chia cắt, chúng co cụm từng tổ nhỏ chống trả. Mải tiến công Lê Ngọc Thu không để ý đến một tên Mỹ bị thương, cách anh cự ly rất gần. Tên Mỹ giơ súng bắn, anh ngã xuống. Các chiến sĩ Trung đội 1 vô cùng thương tiếc người chỉ huy của mình đã xông lên, dồn căm thù vào những đường đạn diệt hết tên Mỹ này đến tên Mỹ khác.

        Ở một hướng khác, Trung đội trưởng Phan Sỹ Công, quê ở Thái Nguyên, Tràng Sơn, ĐÔ Lương, Nghệ An cũng dẫn đầu trung đội tiến công một cụm lính Mỹ. Sau khi đã diệt được ba tên, Công dẫn trung đội vượt qua khu bãi bom trống. Kể từ lúc xuất kích, Trung đội trưởng Công chưa gặp tổ chiến đấu của Cao Như Thiêm (quê anh ở Tùng Lâm, Diễn Tháp, Diễn Châu, Nghệ An). Công biết tổ của Thiêm không phải bị lạc mà có lẽ đang tiến sâu về phía địch, bởi lúc mới nổ súng anh em còn nhìn thấy Thiêm cho tổ nhanh chóng vượt qua bờ ruộng để diệt tốp địch đang cụm lại bắn tạt sườn sang phía Trung đội 2. Trung đội trưởng- Công vừa chỉ huy chiến đấu vừa quan sát dò tìm tổ chiến đấu của Thiêm. Anh linh cảm tổ của Thiêm đang bị lính Mỹ bao vây. Đúng như vậy, cuộc chiến đấu không cân sức giữa tổ ba người của Cao Như Thiêm với một trung đội Mỹ diễn ra quyết liệt. Hai chiến sĩ là Nguyễn Văn Toại, quê Tiền Phong, Lam Sơn, Đô Lương, Nghệ An và chiến sĩ Nguyễn Văn Đồng, quê Linh Lam, Thanh Lĩnh, Thanh Chương, Nghệ An đã anh dũng hy sinh.

        Lính Mỹ phát hiện hướng này chỉ còn một tay súng, chúng tụ lại mỗi lúc một đông. Thiêm yên lặng chờ lính Mỹ xông vào thật gần mới nổ súng, diệt ba tên Mỹ. Bọn Mỹ phía sau tức tối dùng súng phóng lựu, đại liên bắn tới tấp vào vị trí của Thiêm làm anh bị thương vào chân. Sau đợt bắn dữ dội, lính Mỹ lại xông lên, Thiêm tiếp tục nổ súng. Đạn trong băng vơi dần, anh bắn dè sẻn từng viên một.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2017, 03:47:57 pm »


        Thiêm bị thương lần thứ hai rồi lần thứ ba. Tên Mỹ chỉ huy ra lệnh cho bọn lính bao vây bắt sống.

        Thiêm đã bắn đến viên đạn cuối cùng. Địch ào tới.

        Mấy tên lính ngụy cùng đám lính Mỹ thi nhau đấm đá bắt anh khai. Cao Như Thiêm nén đau im lặng. Rồi chúng mua chuộc bằng lời lẽ ngọt ngào.

        Thiêm giả vờ lịm đi không nghe thấy. Đứa hỏi, đứa đỡ anh dậy. Thiêm vẫn im lặng. Bọn địch nén tức giận, dụ dỗ anh.

        Trong khi đó, các mũi tiến công của Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 vẫn kiên quyết bám sát lính Mỹ, buộc chúng phải co dần lại để gọi pháo binh và máy bay đánh vào Gia Bình. Một số lính Mỹ đã tạt sang chân cao điểm 39. Đội hình chiến đấu của ta kéo dài từ thôn Gia Bình đến chân cao điểm 39.

        Nghe tiếng súng của bộ binh ta nổ mỗi lúc một gần, bọn địch hoảng sợ, kéo Thiêm đi. Máu từ các vết thương của Thiêm rỏ ra thẫm đất. Anh ghìm nỗi đau, giữ nét mặt bình thản trước kẻ thù. Biết không thể lung lạc được tinh thần của Thiêm, bọn địch dựng anh lên rồi lùi trở lại. Biết chúng sẽ bắn mình, Cao Như Thiêm ráng sức dựa lưng vào cây đa, đứng thẳng, xoay người về hướng bắc, hô lớn: Việt Nam nhất định thắng! Hồ Chí Minh muôn năm! Trận đánh kết thúc, Tiểu đoàn 2 đã diệt và làm bị thương 150 tên lính Mỹ, thu hàng chục khẩu súng các loại. Sau trận đánh, đồng đội vội vã đi tìm Cao Như Thiêm. Bên gốc đa, người anh đầy vết đạn, máu chảy đầm đìa. Tất cả nghiêng mình trước người chiến sĩ ưu tú của Trung đoàn 27, người con yêu dấu của quê hương Nghệ An đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

        Sau này, bà con cô bác ở thị xã Đông Hà nghe bọn lính ngụy sống sót chạy về kể lại, cả bọn đều nể phục tấm gương hy sinh cao cả của người chiến sĩ Quân giải phóng.

        Trong trận chiến đấu ngày 6 tháng 3 năm 1968, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 27, ngoài Trung đội trưởng Lê Ngọc Thu, chiến sĩ Cao Như Thiêm hy sinh, còn có Trung đội trưởng Phạm Sỹ Công, quê Thái Nguyên, Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An và ba chiến sĩ nữa là Lê Hữu Biền, quê Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An; Nguyên Văn Biền, quê Xóm Trung, Nghi Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An; Trần Ngọc Hà, quê Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An hy sinh. Các đồng chí hy sinh trong trận ngày 6 tháng 3 năm 1968 đều được đơn vị đưa về an táng tại xã Vĩnh Trường, khu vực Vĩnh Linh.

        Trong khi cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 chiến đấu với quân Mỹ ở Gia Bình nhằm giữ vững địa bàn để thực hiện nhiệm vụ vây ép căn cứ Cồn Tiên, thì cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 bí mật đưa đơn vị luồn sâu, tiến công địch ở phía đông quốc lộ số 1. Tiểu đoàn vừa chiến đấu vừa giúp địa phương xây dựng lực lượng vũ trang trong từng xã, từng thôn ấp. Thấy lực lượng chủ lực của ta hoạt động quanh quận Gio Linh, chỉ huy vùng 1 chiến thuật điều trung đoàn 2 ngụy (vừa co về Đông Hà để bổ sung quân số) cấp tốc hành quân cùng với quân Mỹ mở những cuộc càn ra vùng bắc và đông bắc huyện Gio Linh.

        Bộ Tư lệnh Mặt trận B5 chỉ thị cho chỉ huy Trung đoàn 27 dùng Tiểu đoàn 3 triển khai chống càn. Các đại đội nhận nhiệm vụ chỉ kịp phổ biến sơ bộ cho bộ đội là tổ chức hành quân ngay. Đúng lúc đó du kích huyện Gio Linh đến báo với chỉ huy Tiểu đoàn 3 là địch đã vào làng Phúc Sa thuộc xã Gia Hà. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thiềng trao đổi với Chính trị viên Nguyễn Viên về sử dụng lực lượng: - Tình hình cấp bách, tôi xuống lệnh cho Đại đội 1 xuất kích trước, anh tổ chức các đại đội còn lại khẩn trương hành quân. Anh động viên anh em mang đồ dùng gọn nhẹ, bám sát đội hình, giữ vững cự ly không để thất lạc.

        Anh Thiềng nói ngắn gọn rồi cùng mấy trinh sát tiểu đoàn khoác ba lô lao đi.

        Đêm tháng 3, trời Gio Linh cao thăm thẳm.

        Trăng sáng, những vì sao nhấp nháy . . . Một dải mây vắt ngang trời. Gió thổi từng hồi, từng hồi dễ chịu. Những cồn cát trắng thấp thoáng lờ mờ phía trước hàng quân. Làng Phúc Sa trống trải nằm trên một bãi cát dài. Phía đông là những cồn cát, những cây gai, cây xương rồng, cây dứa dại mọc thành từng bụi lớn chạy dài hàng cây số.

        Mờ sáng, Đại đội 1 đã có mặt giữa mấy cồn cát bao bọc phía đông, phía bắc làng Phúc Sa. Tiểu đoàn trưởng Thiềng cho bộ đội dừng lại đào công sự chiến đấu. Trong lúc bộ đội đào công sự thì Tham mưu trưởng tiểu đoàn Trần Nhật, Đại đội trưởng Vũ Xuân Tân cùng tổ trinh sát của tiểu đoàn do Vũ Đình Mai phụ trách cùng một số cán bộ trung đội luồn sâu vào làng Phúc Sa nắm địch.

        Trời sáng hẳn, bộ phận trinh sát nhìn rõ những tên lính ngụy, những chiếc xe tăng, xe bọc thép chuẩn bị đi càn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2017, 03:50:01 pm »


        Đại đội trưởng Tân ra lệnh cho mọi người quay về vị trí tập kết. Mọi người nhanh chóng vận động qua các cồn cát trống trải. Ai cũng cố gắng vượt nhanh để về chỉ huy bộ đội chiến đấu.

        Đại đội trưởng Vũ Xuân Tân, quê Bắc Hải, Kỳ Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh động viên hai cán bộ trung đội trưởng là Hoàng Xuân Sanh, quê xóm 9, Phúc Lộc, Cam Lộc, Hà Tĩnh và Nguyễn Văn Nỏ, quê Lộc An, An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình cho bộ đội nhanh chóng triển khai đội hình. Anh vừa giao nhiệm vụ xong cho các trung đội trưởng thì bọn ngụy đã tràn vào trận địa. Gần một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 2 ngụy chia làm nhiều hướng đánh chiếm các cồn cát phía bắc làng Phúc Sa để làm bàn đạp cho đợt càn quét ra quận lỵ Gio Linh. Toàn bộ đội hình Đại đội 1, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 dường như lọt thỏm vào giữa vòng vây quân địch. Đại đội phó Nguyễn Đình Đồng chỉ huy trận địa cối 60 ly và súng đại liên Đại đội 4 (đại đội trợ chiến của tiểu đoàn) gấp rút xây dựng trận địa.

        Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thiềng chỉ huy một hướng, Đại đội trưởng Vũ. Xuân Tân chỉ huy một hướng. Tuy không có thời gian để bàn kỹ phương án tác chiến, nhưng các anh đều thầm hứa phải chiến đấu đến cùng, phá tan cuộc càn của địch, chia lửa với đồng đội đang ngày đêm vây ép lính Mỹ ở Khe Sanh và Tà Cơn.

        Phát hiện được lực lượng của ta, bọn chỉ huy trung đoàn 2 ngụy thúc lính ùa lên. ỷ vào thế đông, lính ngụy ập đến. Vũ Xuân Tân ra lệnh cho khẩu đại liên nổ súng. Tiếng nổ đanh chắc của khẩu đại liên vang lên làm tan đi không khí im lặng và căng thẳng ban đầu. Tiếp sau khẩu đại liên là súng cối, AK, lựu đạn, thủ pháo ở các hướng nổ dồn dập... Trong khói súng mịt mù, Đại đội trưởng Vũ Xuân Tân lao như con thoi đến hết tổ chiến đấu này sang tổ chiến đấu khác để động viên, chỉ huy bộ đội chiến đấu.

        Bị đòn bất ngờ, bọn ngụy đứa chết, đứa bị thương kêu rên thảm thiết. Xác chúng rải lên các bãi cát của làng Phúc Sa. Mười phút chiến đấu, các chiến sĩ Đại đội 1 đã buộc đại đội lính ngụy đi đầu phải chững lại.

        Khi nghe tổ trưởng trinh sát báo cáo: "Địch đang co lại" Vũ Xuân Tân ra lệnh: "Các mũi tiến lên chiếm lấy vị trí địch vừa rút. ưu tiên công sự cho hỏa lực B40, B41".

        Pháo địch bắt đầu nã như cày phá mặt đất, cát, khói, chớp lửa cuộn lên thành đám cháy khổng lồ.

        Chiến sĩ Đại đội 1 tranh thủ tiếp tục đào công sự. Lúc này anh em ta có thêm nhiều chiếc xẻng thu được của những lính ngụy đã chết nằm la liệt ở vị trí chiến đấu của mình. Anh em còn được bổ sung thêm súng, đạn, lựu đạn và cả lương thực, thực phẩm của địch ngay trên trận địa.

        Pháo địch chưa hết, tám xe tăng và hơn một đại đội bộ binh của chúng đã tràn lên. Pháo trên xe tăng bắn trùm lên trận địa. Ba chiếc xe tăng liều mạng xông lên, Trung đội phó Trần Huy Quang, quê ở Trung Lân, Thạch Quý, Thạch Hà, Hà Tĩnh bình tĩnh diệt cả ba chiếc. Có chiếc chỉ cách trận địa ta 50 mét. Bắn xong, Quang đưa súng B40 cho Chiến lắp đạn. Anh cầm AK chạy sang Tiểu đội 2.

        Lính ngụy đang tiến lên hòng đánh bật Tiểu đội 2 khỏi công sự chiến đấu. Tiểu đội phó Nguyễn Oánh chỉ huy tiểu đội đánh trả quyết liệt. Quang ra hiệu cho Oánh dẫn đội hình ra rồi cùng hai chiến sĩ trườn nhanh sang phía bắc. Ba khẩu AK nổ cùng một lúc, bọn địch bị đòn bất ngờ hốt hoảng tháo chạy. Cả tiểu đội xuất kích đánh chiếm gò đất cao phía trước, không cho xe tăng địch nhào lên yểm hộ cho hướng chính diện phát triển.

        Tiểu đội phó Oánh vừa dẫn đội hình lao lên để chuẩn bị vị trí có lợi, thì bỗng nhiên ba chiến sĩ trong tiểu đội của anh dừng lại. Oánh quay lại thấy chiến sĩ Bình đang cõng Trung đội phó Trần Huy Quang. Thấy Oánh đến, Bình kêu lên: Anh Oánh ơi? Anh Quang ...

        Oánh lại gần đỡ Quang vào lòng. Đôi môi Quang mấp máy, khuôn mặt dần dần tái nhợt. Quang nói đứt đoạn: - Các cậu đừng vì mình . . . mà ảnh hưởng đến trận đánh . . . cứ để mình nằm đây . . . phải giữ vững quyết tâm chiến đấu . . .

        Quang còn định nói điều gì đó, nhưng không thể Cả tiểu đội lặng đi... Giọng Oánh trầm trầm rồi rít lên:  - Thôi! Chúng ta đành để anh Quang tạm nằm lại. Tất cả theo tôi tiến lên.

        Không ai nói ra, nhưng cả tiểu đội đều thầm hứa: "Giữ vững quyết tâm chiến đấu". Và rồi, tiểu đội Oánh đã chặn đứng cụm xe tăng địch đang cố sức chọc thủng trận địa Đại đội 1 ở phía đông.

        Qua một ngày chiến đấu liên tục, chiến sĩ Đại đội 1 vẫn bám trụ kiên cường. Mặc dù trận đánh diễn ra bất lợi cho ta bởi lực lượng địch đông gấp bội lại có xe tăng, pháo binh chi viện, nhưng Đại đội 1 đã chặn đứng cuộc càn của địch, thực hiện quyết tâm trên giao.  Về phía địch, chúng chưa từ bỏ âm mưu càn ra phía bắc quận lỵ Gio Linh. Ngay trong đêm, chúng điều thêm xe tăng, bộ binh ra tiếp ứng cho quân đang kẹt ở Phúc Sa để hôm sau mở tiếp các đợt phản kích vào trận địa của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 19 Tháng Giêng, 2017, 03:52:34 pm »


        Trước tình hình đó, chỉ huy Tiểu đoàn 3 điều Đại đội 2 do Chính trị viên Cù Huy Đường chỉ huy và điều hỏa lực còn lại của Đại đội 4 cùng lực lượng địa phương quyết tâm bẻ gẫy cuộc càn của trung đoàn 2 ngụy.

        Đêm 10 tháng 3 năm 1968, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 không ngủ. Tất cả đều dốc sức chuẩn bị cho trận đánh ngày mai. Đất và cát trắng trên trận địa lúc này đã bị phủ lên một màu đen của thuốc bom đạn. Công sự qua một ngày chiến đấu bị sụt lở gần như hoàn toàn. Sau một đêm thức trắng, cả đơn vị đã củng cố hầm dưới những bụi xương rồng dày đặc và làm thêm được một số hố chiến đấu cá nhân, đồng thời tranh thủ mở rộng bàn đạp cho các phân đội hỏa lực lên phía trước trận địa.

        Tại vị trí chỉ huy của Đại đội 1, Đại đội trưởng Vũ Xuân Tân nhắc lại phương án: - Cả đại đội vừa đánh vừa đưa đội hình tiến sâu vào làng Phúc Sa để hạn chế thương vong do phi pháo địch. Tổ chức tốt các mũi thọc sâu, vu hồi khi có thời cơ. Các đồng chí chỉ huy các mũi, các hướng phải nắm được hỏa lực, chủ động tiến công, không được dừng lại khi địch bỏ chạy. B40, B41 phải phát huy hiệu suất cao hơn, nhằm mục tiêu là xe tăng địch.

        Mọi người đều nhất trí phương án của Đại đội trưởng Tân, hăm hở chuẩn bị chiến đấu trước khi trời sáng.

        Ngày 11 tháng 8 năm 1968.

        Trời vừa sáng, xe tăng địch đã xuất hiện bắn như vãi đạn về phía trận địa ta. Bộ binh địch tập trung hỏa lực bắn mạnh vào các gò đất nổi lên giữa bãi cát để phá sập công sự của ta. Lính ngụy được xe tăng yểm trợ liều lĩnh xông lên đánh chiếm một số chốt phía trước trận địa Đại đội 1. Chốt ta và chốt địch xen kẽ nhau. Có nơi chiến sĩ ta phải giành giật từng công sự, từng gò đất.

        Ở hướng Trung đội 1, cuộc chiến đấu giằng co, Chính trị viên Đại đội 2, quê ở Sơn Hà, Hương Sơn, Hà Tĩnh cùng Trung đội trưởng Chấp chỉ huy một hướng. Chấp nói anh em đào hầm dưới những bụi xương rồng và dứa dại để tránh pháo, địch xông lên là điểm xạ ngắn vừa tiết kiệm đạn, vừa để địch không phát hiện được. Chiến sĩ Nguyễn Đình Xuân, quê Kim Triều, Sơn Phúc, Hương Sơn, Hà Tĩnh vừa diệt được hai tên thì hy sinh vì đạn phóng lựu của địch. Anh là người lính đầu tiên của Đại đội 2 ngã xuống ở Phúc Sa.

        Nhìn rõ tên địch vừa bắn súng phóng lựu (M79) làm Xuân hy sinh, Chấp nâng khẩu AK bóp cò, tên địch chới với rồi ngã gục xuống.

        Trận đánh càng về trưa càng diễn ra quyết liệt.

        Địch cho máy bay ném bom, bắn rốc-két trùm lên trận địa. Chúng bắn bừa xuống cả những nơi quân ta và lính ngụy đang giành nhau từng gò đất, hố bom. Đến lúc này các tổ chiến đấu của Đại đội 1 và Đại đội 2 hầu như không còn công sự, chiến sĩ ta lợi dụng hố bom, hố pháo, bờ đất, gốc cây để chiến đấu.

        Đạn vơi dần, nhiều tổ chiến đấu phải dùng vũ khí của địch đánh địch. Đạn B40, B41 phải để dành diệt xe tăng và xe cơ giới địch. Chiến sĩ ta đánh giặc không kịp ăn, không kịp ngủ. Quản lý Trần Kim Định, quê xóm 3, Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; y tá Lê Xuân Điền, quê Phúc Thành, Kỳ Thượng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh cũng cầm súng chiến đấu. Cán bộ đại đội luôn có mặt ở những vị trí hiểm yếu nhất. Các anh vừa là người chỉ huy vừa là mũi nhọn tiến công trong mỗi lần xuất kích.

        Trong lúc địch giãn đội hình ra phía sau chờ bom pháo chi viện, Chính trị viên đại đội Lộc tranh thủ đến hội ý với Đại đội trưởng Tân. Thấy chính trị viên đến, chiến sĩ liên lạc Nguyễn Chí Công dừng đào công sự cầm súng cảnh giới. Đại đội trưởng Tân chỉ vào Công nói với Chính trị viên Lộc: - Anh xem, Công khá đấy. Cậu ta rất nhanh ý, truyền lệnh đến các trung đội nhanh như sóc, chính xác lúc địch lên thì đánh rất gan. Công mới đánh trận đầu nhưng tỏ ra rất vững vàng, chững chạc.

        Chính trị viên Lộc nhìn Công, và nói: - Đúng thật! Cậu này rồi sẽ khá đây! Lộc nói với Tân: - Trong những lúc ngớt tiếng súng, ta tranh thủ động viên anh em, nhất là những chiến sĩ mới.

        Thật cần kíp mới cho anh nuôi chiến đấu, phải để anh nuôi lo cơm nước cho anh em đủ sức chiến đấu lâu dài.

        Từ vị trí cảnh giới, Công lao về báo cáo: - Xe tăng địch đang tiến về hướng Trung đội 2, thủ trưởng ạ.

        Lập tức Vũ Xuân Tân khoác khẩu AK, đeo thêm khẩu phóng lựu lấy được của địch, tay cầm khẩu B40 chạy sang hướng Trung đội 2. Công chạy theo Đại đội trưởng. Chạy được một quãng, Đại đội trưởng Tân nâng khẩu B40 lên, Công nhanh chóng bắn yểm hộ. Bất ngờ Công thấy một đụn khói ùn lên chiếc xe tăng địch. Đây là chiếc xe tăng thứ hai mà Đại đội trưởng Vũ Xuân Tân diệt trong ngày. Cùng lúc, cánh quân nống lấn của địch bị Trung đội 2 đánh vỗ mặt quyết liệt buộc chúng phải lùi ra ngoài.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 02:49:08 pm »


        Qua hai ngày đi càn, một tiểu đoàn địch tăng cường có xe tăng, pháo chi viện vẫn không vượt qua được địa phận làng Phúc Sa. Đã hai ngày đêm, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 quần nhau với địch và đã chặn đứng cuộc càn ngay từ điểm xuất phát của chúng. Trong làng, cán bộ cơ sở tranh thủ đi tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong nhân dân và cả những tàn binh địch bỏ chạy. Một số thương binh nặng của Tiểu đoàn 3 được bà con đưa về chăm sóc, cứu chữa ngay trong đêm. Biết bộ đội đánh địch liên tục không có thời gian nghỉ ngơi ăn uống, trời tối bà con mang cơm nước, bông băng ra cho bộ đội.

        Việc làm của bà con cô bác đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 chiến đấu.

        Bước sang ngày 13 tháng 3, trận chiến đấu tại làng Phúc Sa ngập chìm trong khói lửa. Biết không thể đẩy lùi được lực lượng ta, quân địch tập trung pháo bắn phá dữ dội vào các khu vực xung quanh làng Phúc Sa, nhằm chặn đường chi viện của ta từ phía bắc. Các cồn cát ở phía bắc, phía đông làng Phúc Sa bị cày xới, bạt đi như thấp dần.

        Pháo kích ác liệt đã gây tổn thất lớn cho ta.

        Chính trị viên Cù Huy Đường, quê Sơn Tân, Hương Sơn, Hà Tĩnh và Trung đội trưởng Nguyễn Văn Chấp, quê Hoàng Xá, Quyết Thắng, Thanh Hà, Hải Dương đã anh dũng hy sinh. Tôi được tiểu đoàn giao nhiệm vụ thay anh Chấp chỉ huy trung đội.

        Đau đớn thay, ở hướng Đại đội 1, Đại đội trưởng Vũ Xuân Tân khi đi kiểm tra các mũi chiến đấu cũng bị hy sinh bởi "pháo bầy" của địch. Hai trung đội trưởng Hoàng Xuân Sanh và Nguyễn Văn Nỏ cũng ngã xuống do đạn pháo. Đại đội phó Nguyễn Đình Đồng, quê Lệ Xá, Lệ Thanh, Mỹ Đức, Hà Tây cũng hy sinh vì bị đạn pháo trong lúc đang chỉ huy chiến đấu.

        Đại đội phó Đại đội 4 hỏa lực Nguyễn Đình Từ hy sinh do trúng đạn trọng liên của máy bay trực thăng địch . . . Hy sinh nối tiếp hy sinh. Lửa căm thù càng bốc lên rừng rực.

        Lúc này thông tin liên lạc từ trận địa với tiểu đoàn chưa nối được. Thương binh, tử sĩ vẫn phải nằm lại. trận địa. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để bảo vệ trận địa, bảo vệ thương binh, liệt sĩ. Khó khăn chồng chất tưởng như không thể vượt qua, nhưng không một ai nao núng! Cán bộ, chiến sĩ các trận địa vẫn chắc tay súng sẵn sàng đánh địch. Ai cũng đeo đầy lựu đạn, xung quanh công sự chiến đấu chất đầy các loại súng AK, B40, AR15, súng phóng lựu... Mỗi khi thấy cán bộ đến động viên, trên môi từng chiến sĩ vẫn nở nụ cười tươi, câu nói chung của mọi chiến sĩ là: "Anh yên tâm, chúng ta sẽ đánh thắng".

        Sau hai ngày mở hàng chục đợt phản kích, địch vẫn không sao vượt qua nổi những cồn cát của làng Phúc Sa. Bước sang ngày thứ ba, bọn địch đã huy động hỏa lực tối đa, tập trung đánh chiếm bằng được làng Phúc Sa. Nhưng bộ binh của chúng không tài nào tiến lên được. Quân địch đã bị cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 và Đại đội 2 đánh thiệt hại nặng.

        Những trận đánh từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 3 năm 1968 ở làng Phúc Sa, là những trận chống càn đầu tiên của Trung đoàn 27 trên chiến trường Quảng Trị. Bộ đội ta phải chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện chưa được chuẩn bị, lại ở địa hình đồng bằng trống trải nên cường độ ác liệt càng tăng gấp bội. Tiểu đoàn 3 đã có 97 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh. Đến bây giờ, mỗi khi nghĩ đến anh em, lòng tôi vẫn đau thắt. Tôi xin ghi lại những cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 mà tôi còn nhớ, hy sinh ngày 11 tháng 3 năm 1968: Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Hiền, quê Mỹ Phong, Kỳ Phong, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Trần Minh Trường, quê Hội Ninh, Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; chiến sĩ Hoàng Nguyên, sinh năm 1950, quê Trung Bá, Cẩm Nam, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; chiến sĩ Hoàng Văn Biện, sinh năm 1949, quê Trường Hoa, Xuân Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; chiến sĩ Nguyễn Huy Trường, sinh năm 1949, quê Bình Bắc, Thạch Bình, Thạch Hà, Hà Tĩnh, . . .

        Ngày 12 tháng 3 năm 1968, số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 hy sinh còn cao hơn: Quản lý Trần Kim Định, y tá Lê Xuân Điền, chiến sĩ Nguyễn Trung. Trực, quê Lạc Vinh, Kỳ Lục, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Phạm Thế Nghĩa, quê Hạ Long, Kỳ Phong, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Dương Văn Chung, quê Nam Khê, Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh; chiến sĩ Lê Xuân Bình, quê Bàn Hải, Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh . . .

        Anh em Đại đội 1 hy sinh đều được an táng tại làng Phúc Sa, xã Gio Hà.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 02:53:05 pm »


        Đại đội 4 hỏa lực cúng bị tổn thất nặng. Ngoài anh Nguyễn Đình Từ, Đại đội phó còn có Trung đội phó Lê Đình Mạo, quê Hồng Sơn, Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh; Tiểu đội trưởng Nguyễn Văn Trọng, quê Long Sơn, Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh; chiến sĩ Võ Viết Đan, quê Trung Thịnh, Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; chiến sĩ Lê Văn Nam, quê Trung Tiến, Kỳ Hoa, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Nguyễn Công Châu, quê Song Giang, Xuân Đan, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; chiến sĩ Lê Minh Đức, quê Trường Quý, Xuân Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; chiến sĩ Nguyễn Ngọc Uân, sinh năm 1950, quê Tân Đức Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Nguyễn Xuân Lựu, sinh năm 1950, quê Long Sơn Hải, Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Trần Xuân Bình, quê Trần Phú, Kỳ Hưng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Lê Văn Dần, sinh năm 1950, quê Hội An, Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; chiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, quê Đội 6, Xuân Linh, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. . .

        Tất cả cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4 hy sinh cũng đều được an táng tại làng Phúc Sa. Riêng chiến sĩ Nguyễn Xuân Lựu, bị thương nặng, anh em chuyển về phía sau đã hy sinh trên đường nên an táng tại xóm Phương, xã Gio Mỹ.

        Đại đội 2 bị tổn thất rất nặng vì khi vào tăng cường cho Đại đội 1, đại đội chiến đấu trên hướng đã bị lộ, địa hình lại trống trải, chỉ biết dựa vào những gốc cây xương rồng và dứa dại để làm công sự Ngoài Chính trị viên Cù Huy Đường và Trung đội trưởng Nguyễn Văn Chấp đã kể trên, số anh em hy sinh còn có: Trung đội phó Hoàng Xuân Sơn, quê Nam Hải, Kỳ Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Tiểu đội trưởng Phan Công Dũng, quê Đương Sơn, Hương Giang, Hương Khê, Hà Tĩnh; Tiểu đội trưởng Phan Văn Quyến, quê Liên Trì, Kỳ Văn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Tiểu đội trưởng Phan Thái Hùng, quê xóm 7, Kỳ Hải, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Hoàng Công Mẫu, quê Kim Tiến, Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Nguyễn Duy Nghị, quê Liên An, An Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh; chiến sĩ Hoàng Viết Hùng, quê Trung Phong, Kỳ Phong, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; chiến sĩ Thái Đăng Trường, quê Thanh Luyện, Hương Luyện, Hương Khê, Hà Tĩnh; chiến sĩ Võ Hữu Tuấn, quê Quang Trung, Cẩm Hải, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. . . số anh em hy sinh của Đại đội 2 tôi chỉ nhớ tên là các đồng chí: ân, Tình, Triển, Vinh, Thi, Lộc... quê đều ở Hà Tĩnh.

        Các liệt sĩ của Đại đội 2 cũng được an táng tại làng Phúc Sa, xã Gio Hà, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

        Sau ba ngày đêm chiến đấu Tiểu đoàn 3 đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 500 tên, bắt 60 tên, bắn cháy 5 xe tăng địch.

        Trong khi Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 chiến đấu ở phía đông và phía tây quốc lộ số 1, thì Tiểu đoàn 1 được lệnh vào tác chiến ở khu vực phía tây Cồn Tiên để bảo vệ kho tàng và tuyến đường vận tải cho chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh. Cả Trung đoàn 27 đã chiến đấu trên một địa bàn rất rộng từ cao điểm 31 ở phía đông đến cao điểm 425 ở phía tây. Các đơn vị trong trung đoàn vừa đánh địch, vừa rút kinh nghiệm kịp thời qua từng trận đánh, để từ đó rút ra những bài học từ thực tế chiến trường. Một vấn đề mà cán bộ, chiến sĩ trung đoàn quan tâm là bài học kinh nghiệm xây dựng đơn vị trong chiến đấu. Trung đoàn 27 luôn luôn phải bám sát chiến trường, tác chiến với nhiều đối tượng địch, trên nhiều địa hình đồng bằng và rừng núi, sử dụng nhiều hình thức chiến thuật, nhất là tác chiến độc lập, dài ngày trên một hướng của chiến dịch.

        Tổng hợp những trận đánh vừa qua, cả trung đoàn đã đánh hơn chục trận lớn nhỏ, từ trung đội, đại đội đến tiểu đoàn, lúc tập kích, phục kích, chống càn, lúc vận động tiến công kết hợp chất. Những điều bỡ ngỡ ban đầu qua nhanh, cán bộ, chiến sĩ chỉ huy càng dạn dày trong chiến đấu. Tuy trận chống càn ở Phúc Sa, Tiểu đoàn 3 bị tổn thất nặng, nhưng toàn đơn vị vẫn giữ được khí thế, quyết tâm.

        Cấp trên tin tưởng, đơn vị bạn mến phục, bà con cô bác thương yêu đùm bọc che chở. Đó là phần thưởng quý báu mà trung đoàn đã giành được trong những ngày đầu trên chiến trường Bắc Quảng Trị. Các đơn vị đều giành được thắng lợi giòn giã. Đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ. Những tấm gương đó đã chứng minh ý chí quyết đánh quyết thắng của đơn vị trong những trận thử lửa đầu tiên.

        Bước sang tháng 4 năm 1968, Trung đoàn 27 vẫn đứng vững trên các khu vực tác chiến do Mặt trận B5 giao cho. Cũng trong tháng 4, trên chiến trường Quảng Trị, tướng Mỹ Oét-mo-len, chỉ huy các lực lượng quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam mở cuộc hành quân nhằm cứu nguy cho lính Mỹ đang sa lầy ở cứ điểm Khe Sanh, Tà Cơn. Các hãng thông tấn phương Tây nói: "Mỹ đang gặp phải một Điện Biên Phủ - Khe Sanh".
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM