Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:58:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 36437 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #80 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2017, 09:54:19 am »


        Trong việc hiệp đồng, khó khăn nhất là hiệp đồng với trung đoàn đặc công. Trung đoàn đặc công với chúng tôi không có phương tiện thông tin để chỉ huy chặt chẽ từng giờ từng ngày. Chúng tôi cũng chưa tính toán được dứt khoát sẽ vượt các cầu trên xa lộ vào ngày nào, có thể là đêm ngày 28 hoặc ngày 29 và cũng có trường hợp đến đêm ngày 30. Trung đoàn đặc công yêu cầu cho biết trước, chiếm cầu vào đêm nào. Nếu chiếm sớm quá thì đặc công không đủ sức giữ lâu. Cuối cùng chúng tôi thống nhất chiếm cầu vào đêm ngày 28 vì anh em đặc công, tuy chưa phòng ngự bao giờ, nhưng đây là chiến dịch cuối cùng, nên anh em hạ quyết tâm nếu cần sẽ chiến đấu bảo vệ cầu trong một ngày đêm, chứ không phải mấy tiếng đồng hồ như trước đây. Cuối cùng còn vấn đề nhận nhau giữa xe tăng và đặc công. Khi tiến đến bắc cầu làm sao biết bờ nam là ta hay địch, trong lúc đứng về mặt chiến đấu, trước khi vượt qua cầu lại phải dùng toàn bộ hoả lực bắn thật mạnh vào bờ đối diện để tiêu diệt và chế áp quân địch đến mức tối đa bảo đảm an toàn cho bộ đội vượt qua cầu. Nếu không nhận rõ bờ nam đặc công đã chiếm hay chưa thì sẽ xảy ra tình trạng hoặc chế áp pháo binh vào đội hình của đặc công, hoặc sẽ bị địch còn ở bờ nam bắn vào xe tăng. Chúng tôi chủ trương khi đến bờ bắc trước lúc dùng pháo chế áp, xe tăng sẽ dùng súng máy phòng không 12,7mm bắn qua cầu, nếu có địch chúng sẽ bắn sang bờ bắc hoặc chúng im lặng để chờ ta ra giữa cầu mới bắn, như vậy trường hợp có súng bắn sang hoặc im lặng là không có đặc công ở bờ nam, ta cứ cho pháo binh chế áp để chi viện cho xe tăng vượt cầu. Nếu đặc công đã chiếm bờ nam thì họ sẽ bắn pháo hiệu và dùng tiểu liên bắn đạn vạch đường về hướng Sài Gòn chứ không phải bắn ra bờ bắc. Với quy ước như vậy, chắc chắn sẽ không bắn nhầm nhau. Tôi còn lo sau khi họp xong các đồng chí chỉ huy đặc công có truyền đạt được cụ thể những vấn đề hiệp đồng đến các đại đội chiến đấu không. Thực tế sau này chứng minh là những dự tính của chúng tôi đều phù hợp, đặc công chiếm cầu đêm ngày 28 và họ đã khống chế cầu suốt ngày 29 đến đêm ngày 29 chúng tôi qua cầu và cũng không xảy ra trường hợp nào bắn nhầm nhau.

        Sáng ngày 23 tất cả cán bộ sư đoàn, các lữ đoàn, trung đoàn trực thuộc đều có mặt để nghe phổ biến quyết tâm của quân đoàn và nhận nhiệm vụ. Hội nghị giao nhiệm vụ kết thúc ngay buổi sáng. Tất cả cán bộ cũng chỉ biết nhiệm vụ giao như vậy, hiệp đồng như vậy, chứ họ cũng không có thời gian để phát biểu thắc mắc này, yêu cầu nọ như các chiến dịch trước. Họ nóng lòng trở về đơn vị, vì mọi việc tổ chức chiến đấu trên bản đồ của 2 cấp sư đoàn và trung đoàn phải xong trong ngày 24, bảo đảm cho các cán bộ từ sư đoàn đến đại đội, đi trinh sát thực địa trong ngày 25 để đêm ngày 25 đưa bộ đội vào vị trí xuất phát tiến công. Nhiệm vụ của cấp tiểu đoàn và đại đội được giao tại thực địa trong quá trình trinh sát.

        Khó khăn của tất cả các đơn vị trong quân đoàn là chưa biết một tí gì về địa hình. Quân khu 7 phái đồng chí Út Liêm, cùng một số cán bộ tham mưu đến quân đoàn và sau hội nghị được phái trực tiếp xuống các sư đoàn để cùng các sư đoàn đi trinh sát. Các đồng chí vừa dẫn đường cho các trung đoàn đến ngay khu vực tác chiến vừa giới thiệu tình hình địch và địa hình. Với tác phong khẩn trương và kiên quyết, cứ đi thẳng đến chỗ có địch và nắm địch, nắm địa hình, vạch kế hoạch triển khai lực lượng và đột phá. Các sư đoàn đều báo cáo đã giao nhiệm vụ được cho các tiểu đoàn, đại đội tại thực địa và đêm ngày 25, các đơn vị đều tiến vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công của mình. Quân đoàn đã hoàn thành bước tổ chức và chuẩn bị chiến dịch đúng thời gian quy định.

        Trong lúc ngồi tại sở chỉ huy quân đoàn, trong rừng cao su bên cạnh đường Xuân Lộc - Bà Rịa, theo dõi việc triển khai lực lượng của các đơn vị, nắm lại toàn bộ lực lượng và cơ sở vật chất, nhất là số lượng xe pháo và đạn dược, bản thân tôi cũng không khỏi ngạc nhiên là tuy phải hành quân xa, phải vừa đi vừa chiến đấu, nhưng đến lúc này lực lượng chúng tôi lại mạnh hơn bao giờ hết. Các sư đoàn bộ binh cũng như các lữ đoàn tăng, lữ đoàn pháo đều có trang bị mạnh hơn lúc tiến công Huế hay tiến công Đà Nẵng. Tất nhiên trước hết chúng tôi lấy được nhiều xe nhiều pháo, nhiều đạn dược của địch để trang bị thêm cho mình, nhưng điều đặc biệt là không một ai chịu rời lại phía sau, kể cả người bị thương người đau ốm. Không ai muốn bỏ lại một khẩu pháo, một chiếc xe nào dù xe pháo đó đã bị hư hỏng ít nhiều. Trước chúng ta thường nêu khẩu hiệu càng đánh càng mạnh. Khẩu hiệu đó nói cho toàn bộ cuộc chiến tranh thì đúng, nhưng nói trong chiến dịch thì thấy không rõ. Trong một chiến dịch chúng tôi chỉ thấy càng đánh, người và trang bị đều hao hụt dần, càng đánh càng thấy yếu đi. Đây là lần đầu tiên trong một chiến dịch, trong 2-3 chiến dịch kế tiếp liên tục không có thời gian nghỉ, không có điều kiện bổ sung người cũng như trang bị, nhưng rõ ràng ở đây thì đúng là càng đánh càng mạnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #81 vào lúc: 01 Tháng Hai, 2017, 09:56:44 am »


        Hướng đông bắt đầu tiến công vào chiều ngày 26 tháng 4, tức tiến công sớm hơn các hướng khác hai ngày, nhằm mục đích kéo địch sang hướng này tạo điều kiệu cho hướng bắc, hướng chủ yếu của chiến dịch đột phá nhanh chóng vào trung tâm thành phố, đồng thời chiếm các căn cứ trên tả ngạn sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, ngăn chặn địch rút ra biển. Bộ chỉ huy chiến dịch dự kiến hướng rút chính của chúng là theo đường sông ra biển. Khả năng rút chạy về miền Tây cũng khó vì lúc này quân ta đã chiếm lộ 4. Rút bằng đường không thì phương tiện của chúng hạn chế và chúng ta cũng có nhiều khả năng phá huỷ sân bay, cắt đường không.

        Đêm 26 cả hai sư đoàn đều tiến công có kết quả. Sư đoàn 304 chiếm được căn cứ Nước Trong (trường huấn luyện thiết giáp của địch), Sư đoàn 325 chiếm được quận lỵ Long Thành. Bốn giờ sáng ngày 27, sở chỉ huy cơ bản chúng tôi di chuyển từ khu vực cạnh đường Xuân Lộc - Bà Rịa, lên căn cứ Nước Trong thì đồng chí Ân, quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 ra đón và yêu cầu chúng tôi lùi lại phía sau một ít, vì tại đây đã có chỉ huy sở sư đoàn và tại sườn nam căn cứ cách đây 400m ta và địch đang giao chiến. Chúng tôi cho xe lùi lại 500m và triển khai tạm trong rừng cao su. Tám giờ địch còn cho phi cơ ra oanh tạc vào đội hình Sư đoàn 304 và sở chỉ huy quân đoàn. Chúng tôi nhảy xuống một số đường hào xung quanh rừng cao su nên chỉ bị thương mấy đồng chí, không ai hy sinh. Nhờ có phi cơ địch thúc giục nên chỉ sau một giờ chúng tôi đã có hào ẩn nấp và các đồng chí công binh đẵn cây tại chỗ làm thêm được 3-4 hầm kèo.

        Trong ngày 27, sau khi nắm rõ diễn biến chiến đấu ở cả 3 sư đoàn, kết hợp với việc liên lạc nắm tình hình Quân đoàn 4 tiến công trên quốc lộ 1 về hướng Trảng Bom, thị xã Biên Hoà, chúng tôi được biết, do ta mới tiến công ở hướng đông nên địch chống trả quyết liệt, cố ngăn chặn ta tiến vào trung tâm thành phố. Trên hướng Quân đoàn 2 cũng như Quân đoàn 4 tốc độ tiến công đều bị chậm lại, có sư đoàn gần như giậm chân tại chỗ. Sau này khi kết thúc chiến tranh, nhiều đồng chí nghĩ rằng ta đánh vào thành phố Sài Gòn như đánh vào chỗ không người, địch không có chống cự gì. Tôi cần nói rõ là những đồng chí đó không nắm được tình hình cụ thể diễn ra trên chiến trường. Trong suốt quá trình tiến công, nơi nào ta chưa tập trung đủ lực lượng tuyệt đối ưu thế, đánh địch trên nhiều hướng cùng một lúc thì vẫn gặp sự chống trả mạnh của địch.

        Chiến sự diễn ra rất gay go, ta phải giành đi giật lại ở nhiều nơi: Quân đoàn 2 đột phá để cắt đường số 1 bắc đèo Hải Vân, Sư đoàn 3 tiến công Phan Rang, Quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc và lúc này đây, ở ngay trước cửa ngõ Sài Gòn.

        Trong đêm ngày 27 tháng 4 cũng đã có đồng chí nêu ý kiến cho binh đoàn thọc sâu, tức Lữ đoàn 203 tăng thiết giáp vào đánh ngay để mở đường thọc vào trung tâm Sài Gòn. Phân tích tình hình chúng tôi thấy trong hai ngày 27 và 28, lúc các hướng chưa đồng loạt tiến công nếu đưa thêm 1 lữ đoàn thì cũng chỉ tiêu hao thêm lực lượng và nhất là khi thời cơ đến không còn lực lượng mạnh để thọc sâu. Vì vậy chúng tôi chỉ lệnh cho Sư đoàn 304 tiếp tục đột phá chính diện và Trung đoàn 24 đánh vu hồi địch ở Nước Trong để bao vây chúng, mở đường cho chủ lực tránh Nước Trong đi thẳng lên Long Bình để tiếp cận xa lộ, lệnh cho Sư đoàn 325 đưa một lực lượng bảo vệ đường để cho pháo binh nhanh chóng lên chiếm trận địa ở Nhơn Trạch, bảo đảm bắn được vào Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất trong ngày 29 tháng 4 theo như mệnh lệnh và kế hoạch trên giao.

        Suốt ngày 28, cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ở khu Nước Trong và Nhơn Trạch, nhưng cho đến đêm thì cơ bản ta làm chủ được Nước Trong, Nhơn Trạch, bảo đảm cho Sư đoàn 304 ngày 29 tiến đánh Long Bình và Sư đoàn 325 đưa pháo binh lên Nhơn Trạch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #82 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 01:04:25 am »


        Sáng ngày 29, ngày tổng tiến công của tất cả các hướng. Tôi từ chỉ huy sở cơ bản quân đoàn đi lên phía Sư đoàn 325, chủ yếu để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của tiểu đoàn pháo nòng dài, tiểu đoàn có nhiệm vụ bắn sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nơi, tôi thấy tiểu đoàn đã bắt đầu bắn vào sân bay, hoàn thành nhiệm vụ triệt hẳn việc sử dụng sân bay của địch, sau khi không quân ta đã đánh phá ngày 28 tháng 4. Trên trời trực thăng bay liên tục để di tản bọn Mỹ - ngụy ra các tàu biển. Chúng bay từ trung tâm thành phố theo hướng đông nam để ra biển nên tránh được hoả lực các loại của Sư đoàn 325. Thật đáng tiếc, một số tên gây tội ác lớn nhất đã có thể chạy thoát. Bọn địch cũng biết chỉ có trực thăng thì không chở được bao nhiêu, nên chúng tổ chức thêm một đường rút khác là đường theo sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ra sông Lòng Tàu để ra biển. Bộ đội ta đã ở trên bờ sông, nhưng các loại pháo của ta còn ở phía sau. Chúng tôi chỉ có 1 tiểu đoàn pháo nòng dài ở Nhơn Trạch nhưng lại thiếu thiết bị để bắn vào sân bay nên không bắn xuống sông được. Nếu cho các đại đội pháo này di chuyển ra bờ sông thì vừa có thể không kịp vừa có thể không hoàn thành nhiệm vụ khống chế sân bay. Biện pháp cuối cùng đã được áp dụng, chuyển cao xạ 37mm ra bờ sông và chúc nòng bắn xuống sông, việc bảo vệ pháo mặt đất trong ngày 29 thực ra cũng không cần thiết. Đoàn tàu địch hơn 60 chiếc bắt đầu đến. Pháo cao xạ bắn, súng máy bắn, ĐKZ bắn và tiểu liên ta cũng bắn rất nhiều. Tôi hỏi một chiến sĩ “tiểu liên bắn thì ăn thua gì?” đồng chí đó trả lời “bắn cho khí thế”. Tôi cũng không hiểu khí thế là gì. Thực ra súng bắn nhiều quá chúng tôi không làm sao chuyển lệnh cho các khẩu cao xạ 37mm và ĐKZ là những loại súng có hiệu lực, có thể bắn chìm loại tàu nhẹ của địch được, vì vậy pháo ta bắn không thật tập trung vào các chiếc đi đầu để đánh chìm nó và bắt các chiếc sau quay lại. Hơn mười chiếc chạy thoát, mấy chiếc hỏng máy nằm lại tại chỗ, một số bắt đầu chìm, số còn lại buộc phải quay lại Sài Gòn. Nhiệm vụ chặn địch trên sông hoàn thành không thật xuất sắc. Từ 16 giờ ngày 29 tháng 4 không còn chiếc nào liều mạng tháo chạy ra biển nữa.

        Sau khi đánh chiếm thành Tuy Hạ, Sư đoàn 325 tổ chức vượt sông. Tôi và đồng chí Tâm, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 cho xe vượt lên và đến bờ sông Sài Gòn khoảng 1 giờ ngày 30 tháng 4. Không một chiếc thuyền nào bên bờ ta. Sông rộng mênh mông. Chỉ có cách duy nhất là điều tiểu đoàn cầu phà lên để ghép phà. Tôi nói với đồng chí Tâm: Có lẽ sau ba giờ nữa tức gần sáng các cậu mới vượt được. Khả năng vào trung tâm thành phố trước các đơn vị khác không còn, nhưng cố gắng trong ngày 30 chiếm xong khu vực Nhà Bè và quận 9 theo như phân công. Nếu sớm hơn thì vào chiếm khu vực Cảng Sài Gòn, căn cứ thủy quân, xưởng Ba Son. Sau khi thảo luận xong việc vượt sông với đồng chí Tâm, tự thấy việc đôn đốc pháo bắn vào Tân Sơn Nhất, đôn đốc việc chặn địch rút theo hướng đường sông đã hoàn thành, tôi trở lại sở chỉ huy quân đoàn. Đồng chí Lê Linh và đồng chí Nam Long nắm được tình hình các sư đoàn và các quân đoàn bạn. Qua hai đồng chí tôi được biết: Trong phạm vi quân đoàn, Sư đoàn 304 đã hoàn thành chiếm căn cứ Long Bình và binh đoàn cơ động thọc sâu đang chuẩn bị để nổ súng vượt sông Đồng Nai. Cầu Xa Lộ trên sông Đồng Nai vẫn còn. Trên hướng Vũng Tàu cầu bị phá, nhưng sư đoàn đã dùng thuyền vượt qua sông trên nhiều đoạn. Sư đoàn hiện đang đi bộ để tiếp cận thị xã Vũng Tàu. Các quân đoàn bạn, Quân đoàn 4 đã vào thị xã Biên Hoà, nghe nói cầu đường 1 qua sông Đồng Nai bị gãy, không biết Quân đoàn 4 xử trí như thế nào ...

        Điều cần chú ý là Quân đoàn 3 đã đến cách sân bay Tân Sơn Nhất 3km và như vậy chỉ cách dinh Độc Lập 9-10km, trong lúc đó Quân đoàn 2 còn cách hơn 30km. Sau này chúng tôi được biết, không riêng chúng tôi mà cả 5 mũi tiến công, ai cũng muốn hoàn thành sớm nhiệm vụ của mình theo sự phân công và sau đó ai cũng muốn đưa đơn vị mình vào dinh Độc Lập trước.

        Sáu giờ ngày 30 tháng 4. Tiếng súng lại rộ lên ở tất cả các hướng. Trực thăng địch không nhiều, nhưng vẫn còn một số tiếp tục bốc người ra biển. Làm việc gì ở sở chỉ huy cơ bản bây giờ. Tiếp nhận báo cáo sư đoàn để báo cáo lên trên và thông báo cho các sư đoàn tình hình các đơn vị bạn, ngoài ra không biết làm gì hơn. Tình hình chuyển biến mau lẹ quá. Một số việc do các sư đoàn ở phía trước tự lo liệu giải quyết. Mọi mệnh lệnh từ phía sau lên đều trở nên lạc hậu. Trên hướng chủ yếu, hướng đường xa lộ đồng chí An và đồng chí Trang, tiền phương quân đoàn, cùng binh đoàn thọc sâu đã vượt qua sông Đồng Nai. Thấy không có việc ở sở chỉ huy giữa lúc quân đoàn đang tranh chấp từng giờ từng phút để vào nhanh trung tâm sào huyệt địch, tôi bàn với đồng chí Lê Linh, đồng chí ở nhà cùng đồng chí Ái tham mưu trưởng là đủ, để tôi và đồng chí Nam Long lên gặp đồng chí An. Tám giờ chúng tôi đến Thủ Đức và gặp đồng chí An.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #83 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 01:08:00 am »


        Sau khi nói chuyện với đồng chí An và đồng chí Thái Cán, Tham mưu phó, chỉ huy cơ quan tham mưu tiền phương, chúng tôi được biết, xung quanh Thủ Đức bọn địch ở trường bộ binh đã bỏ chạy, nhưng bọn địch ở trường cảnh sát đang chống cự. Một tiểu đoàn bộ binh cùng một đại đội tăng đang thanh toán địch trong khu vực này. Binh đoàn thọc sâu do đồng chí Tài, lữ trưởng, đồng chí Tùng, chính uỷ lữ đoàn chỉ huy vẫn theo xa lộ tiến về phía sông Sài Gòn. Đồng chí An nói tôi lên giúp ban chỉ huy lực lượng thọc sâu tiến thật nhanh, qua sông Sài Gòn, khi đường còn cầu. Như trên đã nói, binh đoàn thọc sâu lấy nòng cốt là Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, được tăng cường 1 tiểu đoàn bộ binh, cao xạ, công binh quân đoàn. Sư đoàn 304 sau khi chiếm tả ngạn sông Đồng Nai, bảo đảm cho binh đoàn thọc sâu vượt lên, chỉ để lại 1 trung đoàn chiếm lĩnh căn cứ Long Bình, lực lượng còn lại cũng vận động lên phía trước theo ngay sau binh đoàn thọc sâu để tiếp tục giải quyết bọn địch còn lại hai bên đường và chi viện cho binh đoàn thọc sâu lúc gặp khó khăn. Trên đường tiến vào nội đô, đến đầu cầu Xa Lộ trên sông Sài Gòn, Lữ đoàn 203 gặp địch bên kia sông và hai tàu chiến dưới sông bắn trả. Chúng bắn cháy 1 xe tăng ta trong đó có đồng chí tiểu đoàn trưởng xe tăng. Đại đội xe tăng đi đầu phải dàn hàng ngang bắn vào quân địch chống cự, yểm hộ cho các đại đội sau vượt lên. Sau khi bắn mấy loạt, quân địch bỏ chạy, đại đội 4 lên đầu đội hình tiếp tục tiến. Tiểu đoàn tăng có tiểu đoàn bộ binh ngồi trên xe vượt qua cầu, tiếp theo là chỉ huy sở lữ đoàn ngồi trên xe bọc thép. Tôi và đồng chí Nam Long lúc đầu ngồi cùng xe bọc thép với đồng chí Tùng, chính ủy, nhưng sau thấy ngồi trên xe bọc thép quá ồn ào và chạy lên chạy xuống khó, nên chúng tôi lại lên xe con đi sau xe bọc thép của sở chỉ huy lữ đoàn.

        Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, cơ bản không còn địch chống cự và cũng như ở Đà Nẵng, nhân dân ra đầy hai bên đường để hoan hô bộ đội, để xem bộ đội. Chúng tôi không có ai là người Sài Gòn, chưa ai biết gì các đường phố trong Sài Gòn. Với kinh nghiệm đã vào nhiều thành phố, thị xã, việc vào đánh dinh Độc Lập cũng không khó khăn gì. Với vài người dân nhiệt tình dẫn đường đi bằng mô tô phía trước, cứ thế chúng tôi đã đi thẳng đến dinh Độc Lập.

        Sau khi cho xe tăng và bộ binh bao vây ngôi nhà chính của dinh Độc Lập và án ngữ các hướng vào dinh, đồng chí Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 cùng một số cán bộ và chiến sĩ lên tầng hai vào căn phòng rộng nhất, nơi toàn bộ các thành viên của cái gọi là nội các Dương Văn Minh đang hội họp. Chúng cũng định làm ra vẻ một chính phủ đường hoàng để bàn giao. Đồng chí Thệ nói: Các anh đã bị bắt. Mọi người ngồi yên tại chỗ và làm theo lệnh chúng tôi. Sau đó, đồng chí Thệ và đồng chí Tùng gọi Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố việc đầu hàng không điều kiện. Đồng chí Tùng thay mặt quân giải phóng tiếp nhận sự đầu hàng, kêu gọi các lực lượng còn lại hạ khí giới. Chúng tôi có nghĩ đến chuyện Quân đoàn 2 có khả năng vào dinh Độc Lập trước. Trước lúc xuất quân, tôi đã nói đùa với đồng chí Lê Trọng Tấn là kỳ này chúng tôi sẽ vào quét dinh Độc Lập cho sạch và ngủ một giấc ở đây cho bõ những ngày mỏi nhọc. Thực ra chưa có chuẩn bị gì về các mặt công tác cũng như thủ tục khi chiếm được dinh Độc Lập. Lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện của Dương Văn Minh do đồng chí Thệ đọc cho Dương Văn Minh ghi và lời tuyên bố của đồng chí Tùng thay mặt quân giải phóng, đều do các đồng chí ứng khẩu cả. Tất cả nội dung của nó mọi người đều rõ. Đáng mừng là trình độ chính trị của cán bộ ta rất vững vàng. Những nội dung đều đạt yêu cầu. Khi nghe các lời tuyên bố đó qua đài thu thanh, một đồng chí trong bộ chỉ huy chiến dịch khen: cán bộ ta nói vậy là tốt, nếu có sửa thì chỉ cần sửa một chữ: nói người nào hạ khí giới đầu hàng sẽ được đối đãi tử tế, người nào ngoan cố chống cự sẽ bị nghiêm trị. Cần sửa lại kẻ nào chống cự sẽ bị nghiêm trị. Đã dùng chữ người ở vế thứ nhất, không nên dùng chữ người ở vế thứ hai.

        Khi tôi vào, Dương Văn Minh đã đi ra đài phát thanh. Chuẩn tướng Hạnh trông thấy tôi đoán là người chỉ huy, nên đến báo cáo về tình hình trong dinh trước lúc quân giải phóng đến, giới thiệu những nhân vật chính có mặt. Tôi nói với chuẩn tướng Hạnh, ở đây còn liên lạc được với đơn vị nào, anh cho họ biết các anh đã đầu hàng không điều kiện vào báo cáo đơn vị đó nhanh chóng đầu hàng. Chuẩn tướng Hạnh kể ra cũng được việc, đã liên lạc và truyền lệnh được cho nhiều đơn vị khác nhau.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #84 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 10:45:36 pm »


        Vũ Văn Mẫu, thủ tướng xin phép để được gặp đại diện mặt trận với ý định bàn giao về nhà sớm. Tôi nói với Mẫu chúng tôi là quân nhân, vì vậy các anh cứ ở đây ngay trong gian phòng này. Ngày mai sẽ có đại diện mặt trận đến. Các anh cứ ngồi chơi thoải mái, hôm nay ăn thử một bữa cơm Việt cộng cho vui. Trông bọn chúng cũng có vẻ yên tâm, nói cười vui vẻ với nhau. Khoảng 13 giờ, chúng tôi đang ngồi chuẩn bị bản thông cáo số 1 của quân giải phóng cho nhân dân Sài Gòn thì hai loạt súng cối 82 bắn ngay vào trước cửa ngôi nhà chính và nổ súng ra khắp xung quanh. Sau này mới rõ là một đơn vị từ phía Tân Sơn Nhất sau khi chiếm xong khu vực phân công cũng tìm cách tiến nhanh đến dinh Độc Lập một cách máy móc là trước khi tiến vào mục tiêu phải bắn chế áp trước. Cũng may các đồng chí bắn có hai loạt. Khi nghe tiếng súng, các đồng chí xe tăng cũng không hiểu súng ở đâu bắn đến, lại máy móc dùng súng đại liên bắn ra xung quanh, tất nhiên là bắn chỉ thiên. Thật ra hai bên bắn nhau, nhưng cũng hơi ngờ là không còn địch chống cự, vì dân đứng đầy đường phố. Chúng tôi phải dẹp hơn một tiếng đồng hồ mới yên tiếng súng. Phải cho người gọi từng xe để ra lệnh ngừng bắn.

        Khoảng 14 giờ lại xảy ra một chuyện nữa. Bây giờ kể lại thì có đồng chí ngạc nhiên, nhưng lúc đó thì tôi nghĩ cũng không phải có gì lạ lắm. Chúng tôi đang ngồi đầy ở các bậc lên nhà, thì thấy một tiểu đội từ ngoài vào. Đồng chí đi đầu nhanh chóng đặt gói bộc phá vào chân ngôi nhà, định giật nụ xoè cho bộc phá nổ. Đồng chí Ân lập tức chạy đến xô đồng chí này ra và hỏi: “Ta đã chiếm rồi sao đồng chí lại còn đặt bộc phá?”.Đồng chí này ngớ người ra một lúc. Có lẽ lúc này đồng chí đó mới thấy hành động của mình là vô lý. Đồng chí nói: “Chúng em được lệnh đi đầu, tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập, vì vậy nên đến nơi chúng em đánh bộc phá liền”.

        Chúng tôi có ý định nhất thiết không cho ai vào. Nhưng rất nhiều đơn vị tiến đến sào huyệt cuối cùng của địch, khẩn khoản xin vào xem một tý. Chúng tôi cũng phải nhượng bộ để các đồng chí vào xem. Tất nhiên chỉ cho phép đứng xung quanh, không cho vào trong.

        Sau lúc tiếp tục thảo xong thông cáo số 1, khoảng 17 giờ các đồng chí đại diện Quân đoàn 4 vào. Các đồng chí nói, các đồng chí có nhiệm vụ chiếm dinh Độc Lập nhưng vào chậm, nay cho xin bàn giao lại. Chúng tôi vui vẻ bàn giao ngay. Thật ra chúng tôi cũng muốn bàn giao nhanh để ra ngoài, nắm lại tình hình các đơn vị và trước mắt nghỉ ngơi một ít. Đã bốn, năm ngày đêm không hề chợp mắt. Trên đường xe cộ, người chen chúc nhau. Chúng tôi phải hết sức vất vả và mãi 24 giờ mới về đến Thủ Đức, nơi chúng tôi dự định đặt chỉ huy sở quân đoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí Lê Linh và cơ quan quân đoàn cũng đã di chuyển lên đây từ chiều.

        Lúc về định nghỉ, nhưng thực ra không ai nghỉ được. Việc nắm tình hình thì cũng không khó lắm, đã có một số đồng chí cơ quan làm. Sở dĩ không ngủ được vì tình hình diễn ra nhanh quá. Chuyện nhiều quá, kể cho nhau nghe không hết được. Có lẽ cũng không phải chuyện nhiều, mà cái chính là người nào cũng có cảm giác là lạ, có lẽ là cảm giác vui mừng. Nhưng lúc đó cũng không hiểu cảm giác gì. Ngồi nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác. Nghĩ không biết bây giờ anh em đang làm gì. Có canh gác cẩn thận hay lại lơ là mất cảnh giác. Nghĩ Hà Nội bây giờ ra sao, vợ con mình nghĩ gì lúc này, khi chiến tranh đã kết thúc. Nghĩ thương các đồng chí hy sinh trước giờ chiến thắng, v.v... Nghĩ rất nhiều, hết chuyện này sang chuyện khác. Ngồi nghĩ, nói chuyện với nhau, ra một vài mệnh lệnh cần thiết, cứ thế chúng tôi thức đến sáng.

        Con đường đến dinh Độc Lập thật là xa. Từ sông Bến Hải? Không phải, từ Khe Sanh. Cũng không phải từ Khe Sanh mà từ những ngày đầu chống Mỹ, từ những ngày đầu chống Pháp thì đúng hơn. Rồi đây tất nhiên còn nhiều việc để làm. Trước mắt dầu sao cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ cao cả nhất: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #85 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2017, 10:50:23 pm »


NHỮNG KỶ NIỆM KHÔNG THỂ NÀO QUÊN QUA NHỮNG NĂM THÁNG ĐƯỢC LÀM VIỆC VỚI ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN, TỔNG THAM MƯU TRƯỞNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

        Đồng chí Lê Trọng Tấn để lại trong cán bộ chỉ huy nhiều bài học sâu sắc về nghệ thuật chỉ huy tác chiến qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, qua hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam Tổ quốc. Riêng tôi có thời gian làm việc lâu dài, khi dưới quyền chỉ huy, khi bên cạnh đồng chí, nên ngoài những hiểu biết về tài chỉ huy, đồng chí còn để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc về một người chỉ huy có cuộc sống đầy tình nghĩa và tác phong làm việc đầy sáng tạo.

        Năm 1970 đồng chí Lê Trọng Tấn với cương vị Phó tổng tham mưu trưởng đến dự cuộc họp tổng kết đợt hoạt động tác chiến của Sư đoàn 304 trên chiến trường Trị - Thiên năm 1970. Năm đó tôi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, lần đầu tiên được làm việc trực tiếp với đồng chí Lê Trọng Tấn. Năm 1970, Sư đoàn 304 theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh lần lượt đưa các trung đoàn vào chiến trường Trị - Thiên với nhiệm vụ đánh bại các cuộc hành quân của địch ra vùng ta kiểm soát, giữ vững bàn đạp để triển khai tấn công địch vào các năm sau.

        Trong việc đánh địch tiến công ra vùng giáp ranh, sư đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều trận tiêu diệt từng tiểu đoàn địch: Trận đồi Cô Tiên, sư đoàn diệt 1 tiểu đoàn cùng sở chỉ huy trung đoàn 54, thuộc sư đoàn 1 quân đội Sài Gòn; trận Mai Lộc sư đoàn phối hợp với tiểu đoàn 33 đặc công Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị tiêu diệt gọn 1 tiểu đoàn biệt kích trong căn cứ có công sự vững chắc.

        Bên cạnh những thành tích đạt được, sư đoàn bị thất bại trong trận đưa 1 tiểu đoàn xuống hoạt động ở đồng bằng. Hai năm 1969-1970 địch kiểm soát được vùng đồng bằng tỉnh Quảng Trị. Cán bộ cơ sở của ta, số bị địch giết hại, số bị bật lên rừng. Việc vượt qua đường và ở lại đồng bằng để xây dựng lại cơ sở có nhiều khó khăn. Đoàn 7 (đoàn phụ trách hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, trực thuộc Khu ủy Trị - Thiên) đề nghị sư đoàn đưa 1 tiểu đoàn xuống đồng bằng, trụ lại đánh địch hai ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ của Đoàn 7 xuống đồng bằng xây dựng lại cơ sở. Từ kinh nghiệm qua nhiều lần đánh địch, nếu dựa vào làng mạc việc trụ lại hai ngày không cho địch vào làng, không phải là khó khăn không làm được. Nhiệm vụ được giao cho tiểu đoàn 3 Trung đoàn 9, có đồng chí trung đoàn phó cùng đi để trực tiếp chỉ huy.

        Tiểu đoàn vượt qua đường số 1 xuống triển khai xong lực lượng vào khoảng 3 giờ sáng, bắt đầu vừa đào công sự vừa quán triệt nhiệm vụ và cách đánh cho từng trung đội đại đội. Tám giờ địch từ nhiều hướng đồng thời tiến công, 15 giờ địch chọc thủng trận địa ta, chia cắt đội hình phòng ngự, tiểu đoàn bị tan vỡ. Từng người, từng tiểu đội tự tìm cách vượt qua đường 1 để trở lại khu vực xuất phát. Tiểu đoàn bị thương vong nhiều, một số bị địch bắt. Tôi trình bày nguyên nhân thất bại là do đánh giá tình hình và khả năng chiến đấu tiểu đoàn không chính xác. Các trận quy mô tiểu đoàn đánh trả 1-2 trung đoàn địch ở đồng bằng, để biến các làng mạc thành trận địa đánh địch, cán bộ chiến sĩ đều thông thuộc địa hình. Trường hợp tiểu đoàn 3 xuống đồng bằng trong đêm chỉ có thời gian xây dựng trận địa 2-3 giờ là đã phải bắt đầu trực tiếp đánh địch, trong lúc cán bộ chỉ huy các cấp đều chưa thông thạo địa hình. Tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 304 chỉ quen đánh tập trung ở vùng rừng núi, khác với tiểu đoàn tôi chỉ huy trước đây trong kháng chiến chống Pháp là tiểu đoàn quen đánh độc lập ở đồng bằng. Quen chiến đấu ở một hoàn cảnh nhất định là một sức mạnh cần tính đến. Năm 1951-1952, cùng nhiệm vụ vào đồng bằng chiến đấu để phối hợp với chiến dịch Hoà Bình, nhưng Đại đoàn 320 được mệnh danh là Đại đoàn Đồng Bằng đã chiến đấu đạt thành tích cao, trái lại Đại đoàn 316 quen chiến đấu ở rừng núi, lúc vào chiến đấu ở đồng bằng đạt kết quả thấp, bị thương vong nhiều. Nguyên nhân thất bại trách nhiệm chỉ thuộc về tôi. Cán bộ tiểu đoàn 3 cũng như đồng chí trung đoàn phó khó làm được gì hơn trong hoàn cảnh đó.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #86 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:55:46 pm »


        Nghe các đồng chí tham dự hội nghị phát biểu xong, đồng chí Lê Trọng Tấn nói: “Báo cáo của đồng chí Hoàng Đan như vậy đã rõ cả về nguyên nhân và trách nhiệm. Đồng chí không đổ trách nhiệm cho tập thể và cho cấp dưới”. Kiểm điểm như vậy là được, giúp chúng ta rút được một số kinh nghiệm. Trong tác chiến không ai tránh được có trận thất bại. Thất bại thì nghiêm túc kiểm điểm rút ra kinh nghiệm để lần sau đánh tốt hơn. Trong cuộc đời chỉ huy của tôi chưa thi hành kỷ luật một đồng chí nào có trận đánh thất bại. Trong quân đội ta đã có một số lần thi hành kỷ luật với một số cán bộ chỉ huy, nhưng trong trường hợp khi địch tiến công, đơn vị bị thương vong nhiều, trong lúc đó người chỉ huy lại vắng mặt không có lý do xác đáng, hoặc trường hợp do ngại thương vong không ai đi sát để chỉ huy đơn vị, để đơn vị chiến đấu không thành công... Tôi biết đồng chí Sư đoàn trưởng là một cán bộ chỉ huy dũng cảm, có trách nhiệm cao với việc hoàn thành nhiệm vụ do trên giao nên kiểm điểm như trên là được. Qua phát biểu của đồng chí, tôi không chỉ thấy đồng chí là một cán bộ dày dạn trận mạc, hiểu rõ nhiều tình huống tác chiến khác nhau mà còn là một cán bộ hiểu sâu sắc từng cán bộ, tạo điều kiện để cán bộ có điều kiện cống hiến được nhiều hơn cho quân đội cho Tổ quốc.

        Năm 1972, trong một tháng, các đơn vị thuộc quyền chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn đã đánh bại địch giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, với thương vong không nhiều so với các chiến dịch khác. Trong lúc báo cáo các trận đánh của Sư đoàn 304, tôi đã nói một câu: “Trong các trận đánh vừa qua sư đoàn tôi đã có một số trận diệt gọn địch mà thương vong không đáng kể, như trận tiêu diệt và bức hàng trung đoàn 56 của địch ở căn cứ 241”. Nghe xong đồng chí nói: Sư đoàn diệt 1 trung đoàn địch với thương vong dưới 100 cán bộ và chiến sĩ là thuộc thương vong nhẹ, nhưng không bao giờ được nói là thương vong không đáng kể. Người vợ mất chồng, người con mất cha là một tổn thất không có gì lớn hơn, không sao kể xiết. Chúng ta đau xót trước mọi mất mát đó. Thương vong nào cũng là đáng kể, không có thương vong nào không đáng kể. Suy nghĩ như vậy để chúng ta có trách nhiệm cao, trong từng trận đánh làm sao bớt thương vong”.

        Đồng chí Lê Trọng Tấn không chỉ góp ý kiến với chúng tôi mà đặc biệt trong quá trình tác chiến, trong các báo cáo khi nói đến số thương vong dẫu nhiều hay ít, đồng chí đều đặc biệt xúc động. Đồng chí luôn bàn bạc với chúng tôi làm sao chiến đấu mà số thương vong ít nhất. Những trận đánh thương vong ít thường được đồng chí nêu gương để các đơn vị học tập. Những trận đánh thương vong nhiều đồng chí thường đi sâu tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách khắc phục cho các trận đánh sau.

        Năm 1973, sau chiến thắng của quân và dân ta ở hai miền Tổ quốc đánh bại một bước chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tôi được điều về làm phó tư lệnh Quân đoàn 1, do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn. Công việc của một Phó tổng tham mưu trưởng thu hút phần lớn thời gian làm việc của đồng chí, nhưng đồng chí vẫn giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất để xây dựng một trung đoàn cơ động chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh. Trong những lần làm việc với đồng chí, tôi học được một bài học lớn là làm sao rút ngắn thời gian hội họp để bàn được những chủ trương, biện pháp cụ thể. Các cuộc hội nghị đảng ủy cấp sư đoàn mà tôi thường xuyên tham dự thường kéo dài một hai ngày. Trái lại cuộc họp Đảng ủy Quân đoàn do đồng chí trực tiếp chỉ đạo, trừ cuộc họp đầu tiên mất một ngày, các cuộc họp sau chỉ mất một buổi nhưng vẫn đạt chất lượng cao. Đề cương nội dung các cuộc họp đảng ủy thường đã được các đồng chí trong thường vụ trao đổi một bước, vì vậy trong cuộc hội nghị đồng chí đề nghị dành thời gian phát biểu cho đảng ủy viên không ở trong thường vụ. Sau khi phát biểu xong, đồng chí rút ra một số vấn đề cần thảo luận để kết luận. Như vậy các ủy viên không trong thường vụ phát biểu mất khoảng 1 giờ, thời gian thảo luận tuỳ theo tình hình mất khoảng 1-2 giờ, thảo luận mất 20-30 phút. Hội nghị như vậy chỉ kéo dài không quá 4 tiếng, nhưng vẫn đạt được chất lượng cao. Một số sáng kiến nhỏ nhưng đạt yêu cầu cao, giảm được thời gian. Cũng với cách làm việc khác, thời gian đồng chí ở quân đoàn đã nêu ra một tấm gương là hội họp ngắn để thời gian xuống đơn vị được nhiều.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #87 vào lúc: 03 Tháng Hai, 2017, 05:57:16 pm »


        Năm 1976, sau khi đánh cho ngụy nhào kết thúc chiến tranh, tôi lại được điều về làm phó giám đốc Học viện Quân sự cao cấp (nay là Học viện Quốc phòng) do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng kiêm giám đốc học viện. Theo quy định của Bộ Quốc phòng, thời gian chuẩn bị để mở lớp là 6 tháng. Thời gian ngắn, công việc nhiều nhưng đồng chí đã chỉ đạo tốt để hoàn thành công tác chuẩn bị.

        Cán bộ giáo viên của học viện đang quá trình điều động từ đơn vị về. Ngay Ban giám đốc mới có đồng chí Lê Trọng Tấn và tôi, trong đó đồng chí Lê Trọng Tấn với cương vị Phó tổng tham mưu trưởng, khó dành được nhiều thời gian để làm việc cho học viện. Qua 6 tháng chuẩn bị và qua 1 năm học, nội dung của lớp bổ túc đầu tiên phong phú, trình độ lý luận cao trên nhiều mặt cả chính trị và khoa học quân sự. Cách làm việc vừa nhiệt tình vừa sáng tạo, uy tín lớn trong lực lượng vũ trang của đồng chí đã được thể hiện rõ trong công tác chuẩn bị để mở lớp đầu tiên.

        Trước hết, đồng chí tính cụ thể, thời gian để làm việc với học viện. Văn phòng Bộ Tổng tham mưu tính toán các công việc đồng chí phải làm ở Bộ. Đồng chí chỉ có thể dành mỗi tuần một buổi, nhiều nhất là hai buổi tối để làm việc với tôi. Không cần hẹn trước, khi cần làm việc tôi cứ đến gặp đồng chí. Nếu thấy đồng chí đang bận thì tự rút lui, nếu đồng chí không bận thì cùng nhau làm việc. Cách làm như vậy của đồng chí đã giải quyết được hầu hết công việc của học viện. Ngoài việc chỉ đạo công tác, đồng chí còn phải trực tiếp giảng dạy một bài quan trọng cho lớp học là bài “Tác chiến chiến lược trong chiến tranh tương lai”.

        Do giáo viên và học viên cùng trình độ, đồng chí chủ trương dùng toàn quân để dạy một người. Một người dù trình độ cao như thế nào cũng không bằng trình độ của toàn quân, cụ thể, việc viết giáo trình và chuẩn bị giáo viên được tiến hành như sau:

        Giáo viên các khoa binh chủng như xe tăng, pháo binh, phòng không, thông tin... cùng với cơ quan các binh chủng hợp lực biên soạn giáo trình. Khoá đầu có mời các tư lệnh binh chủng đến trực tiếp đứng lớp.

        Giáo viên học viện phối hợp với Cục Tác chiến, Cục Quân báo, Cục Quân huấn, Cục Dân quân tự vệ... tiến hành biên soạn các tài liệu về chiến lược, chiến dịch. Đồng chí Văn Tiến Dũng lên lớp bài “Xây dựng lực lượng võ trang”; đồng chí Lê Trọng Tấn lên lớp bài “Tác chiến chiến lược trong chiến tranh tương lai”. Tôi chỉ lên lớp một bài là “Nghệ thuật chiến dịch”. Đồng chí Nguyễn Năng, Trưởng khoa chiến dịch lên lớp bài “Chiến dịch tiến công”; đồng chí Khiếu Anh Lân, Phó khoa chiến dịch lên lớp bài “Chiến dịch phòng ngự”.

        Với cách giải quyết như trên, việc giảng dạy đều đạt được kết quả tốt. Đồng chí Lê Trọng Tấn còn chỉ đạo cho tất cả giáo viên ngoài việc khai thác tất cả kinh nghiệm và tri thức của các cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân binh chủng, trong quá trình giảng dạy còn phải học tập kinh nghiệm và tri thức của học viên để tự nâng cao trình độ của mình, bảo đảm lớp sau giáo viên nhà trường tự lên lớp là chính.

        Sau thời gian công tác ở học viện tôi còn có thời gian làm việc dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, tôi là Tư lệnh quân đoàn, đồng chí là Tổng tham mưu trưởng. Trong tác chiến ở Vị Xuyên, tôi là Phó tư lệnh mặt trận, đồng chí vẫn là Tổng tham mưu trưởng.

        Trải qua gần hai mươi năm được làm việc với đồng chí Lê Trọng Tấn, tôi hiểu sâu sắc là uy tín của đồng chí không phải chỉ ở tài năng chỉ huy mà còn ở cuộc sống đầy tình nghĩa và tác phong làm việc đầy sáng tạo. Sự trưởng thành của tôi không tách khỏi sự giúp đỡ của đồng chí.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #88 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2017, 05:24:41 pm »


        II. HƯỚNG CHIẾN LƯỢC TRỊ - THIÊN NĂM 1972

        Trên hướng chiến lược Trị - Thiên năm 1972 đã diễn ra ba chiến dịch:

        - Chiến dịch tiến công từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 27 tháng 6.

        - Chiến dịch phản công từ ngày 28 tháng 6 đến ngày 15 tháng 9.

        - Chiến dịch phòng ngự từ ngày 16 tháng 9 năm 1972 đến ngày 28 tháng 1 năm 1973.

        Quyết tâm mở các hướng tiến công chiến lược năm 1972 của Bộ tư lệnh cũng có quá trình thay đổi. Tháng 7 năm 1971 Bộ tư lệnh quyết định mở cuộc tiến công chiến lược trên ba hướng. Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trị - Thiên lấy miền Đông Nam Bộ làm hướng chủ yếu, hướng Trị - Thiên là hướng thứ yếu quan trọng. Về sau căn cứ kết quả chuẩn bị, đến đầu năm 1972 Bộ tư lệnh mới quyết định lấy hướng Trị - Thiên làm hướng chủ yếu. Việc thay đổi quyết tâm có ảnh hưởng nhiều đến việc chuẩn bị của hướng Trị - Thiên. Với thời gian ba tháng còn lại, ta không thể làm được gì nhiều để chuẩn bị chiến trường lúc đầu là hướng thứ yếu chuyển sang hướng chủ yếu. Với cương vị là Phó tổng tham mưu trưởng, tất nhiên đồng chí Lê Trọng Tấn cũng tham gia xây dựng kế hoạch tác chiến và chỉ đạo công tác chuẩn bị cho cả ba hướng, nhưng chỉ sau khi được chỉ định làm Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên, đồng chí mới có mặt ở Trị - Thiên và trực tiếp xây dựng quyết tâm, xây dựng kế hoạch tác chiến và chỉ đạo toàn diện các mặt chuẩn bị.

        Giữa tháng 1 năm 1972, tôi được triệu tập đến cơ quan mặt trận để dự hội nghị thảo luận về quyết tâm chiến lược của chiến dịch đầu, chiến dịch tiến công. Đồng chí Lê Trọng Tấn phổ biến nhiệm vụ do Bộ tư lệnh giao; đồng chí Cao Văn Khánh, Tư lệnh phó mặt trận phổ biến phương án quyết tâm sơ bộ và đề ra một số nội dung cần thảo luận, trong đó nổi lên hai nội dung quan trọng là: chọn hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch và làm sao giữ được bí mật trong chuẩn bị và triển khai lực lượng để tiến công bất ngờ.

        Về hướng tiến công chủ yếu có ba ý kiến khác nhau.

        Một số đồng chí cho rằng nên tiến công chủ yếu từ phía bắc. Chiến dịch này ta sử dụng nhiều trung đoàn pháo mặt đất và pháo phòng không cỡ lớn dùng xe kéo, hai trung đoàn xe tăng, hướng bắc có sẵn nhiều đường bảo đảm việc triển khai được thuận lợi. Việc giữ bí mật trong việc đưa lực lượng lớn vào sát địch, hướng bắc có nhiều thuận lợi hơn các hướng khác.

        Một số đồng chí muốn tiến công chủ yếu từ hướng nam. Hướng này địch phòng ngự yếu và từ hướng này đánh được ngay vào thị xã Quảng Trị, nơi đặt sở chỉ huy sư đoàn 3 và cơ quan hành chính tỉnh của địch. Chọn hướng nam phù hợp với lý luận chọn hướng chủ yếu (hướng chủ yếu nên chọn nơi địch yếu, gần nơi hiểm yếu).

        Một số đồng chí đề nghị nên tiến công chủ yếu từ phía tây. Hướng tây thuận lợi hơn hướng nam là có hai trục đường, trong dó có trục đường số 9, thông từ phía tây đến hết chiều sâu phòng ngự của địch.

        Hướng tây là hướng đánh vào cạnh sườn quân địch, nơi đây phòng ngự của địch không vững chắc bằng hướng bắc.

        Đồng chí Lê Trọng Tấn sau khi cân nhắc các mặt, quyết định lấy hướng tây làm hướng tiến công chủ yếu. Sau này qua nhiều lần tổng kết chiến dịch, mọi người đều thấy với tình hình lúc đó, chọn hướng tây làm hướng chủ yếu là phù hợp. Tất nhiên nếu tiến công chủ yếu từ hướng nam thắng lợi sẽ lớn hơn. Nhưng hướng nam chỉ có một trục đường. Trục đường đó lại còn cách địch 10km, vì vậy không thể triển khai lực lượng lớn các binh chủng kỹ thuật và không có điều kiện để đưa các binh chủng kỹ thuật tiến vào chiều sâu phòng ngự của địch trong quá trình phát triển chiến dịch.

        Việc giữ bí mật trong quá trình chuẩn bị chiến trường và triển khai lực lượng cũng đạt được thành công mĩ mãn. Địch hoàn toàn bị bất ngờ về hướng tiến công và thời gian tiến công. Mười giờ ngày 30 tháng 3 năm 1972, lúc ta dùng 7 tiểu đoàn pháo binh chế áp vào các sở chỉ huy và trận địa pháo các cứ điểm chính của địch là lúc chúng đang đưa trung đoàn 56 từ phía bắc sang thay quân cho trung đoàn 2 ở phía tây. Do đang thay quân nên có cứ điểm như cứ điểm 544, bọn địch trong cứ điểm đang trong quá trình kéo ra, bọn ngoài đang trong quá trình kéo vào thay phiên, nên cả hai bọn đều bỏ chạy về sau, lúc pháo ta bắn mạnh vào cứ điểm. Việc tạo được tiến công bất ngờ tất nhiên có sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh, có sự tham gia ý kiến của nhiều cán bộ, nhưng nổi lên là nhờ kinh nghiệm dày dạn của đồng chí Tư lệnh mặt trận. Đồng chí đã thông qua một kế hoạch hết sức cụ thể, vừa nghi binh đánh lừa địch vừa giữ bí mật hành động của ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #89 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2017, 11:02:35 pm »


        Nội dung lừa địch là làm cho địch lầm tưởng Xuân Hè năm 1972, chiến trường chính của ta là Tây Nguyên, Trị - Thiên chỉ là chiến trường phối hợp. Tại chiến trường Trị - Thiên ta cũng làm cho địch phán đoán hướng tiến công chủ yếu là hướng bắc chứ không phải hướng tây. Để địch lầm tưởng hướng Trị - Thiên là hướng phụ, ta đã tiến hành nghi binh bằng hoạt động của điện đài. Lâu nay ta biết địch vẫn tin là bằng trinh sát điện tử, chúng biết rõ từng sư đoàn hiện ở đâu và cơ động vào đâu. Chúng ta cũng biết địch theo dõi rất chặt chẽ việc cơ động của các sư đoàn chủ lực trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Chúng cho rằng các sư đoàn chủ lực vào đâu thì đó là chiến trường chính. Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Sư đoàn 320 đã vào Tây Nguyên, trên miền Bắc chỉ còn hai Sư đoàn 304 và 308 (địch cũng nắm được hướng hoạt động của các sư đoàn 316 và 312 là ở Lào). Ta đã cho các điện đài đang làm việc thường xuyên của Sư đoàn 304, nhập trạm giao liên và hành quân vào Tây Nguyên. Kết quả, địch nhận định Tây Nguyên là chiến trường chính vì hai sư đoàn chủ lực của Bộ là 320 và 304 đã vào đây. Trên miền Bắc chỉ còn Sư đoàn 308 có thể vào Trị - Thiên, như vậy Trị - Thiên chỉ là chiến trường phụ.

        Tại Trị - Thiên, ta đã lừa địch làm cho chúng lầm tưởng hướng bắc là hướng tiến công chủ yếu bằng giữ bí mật tuyệt đối mọi hoạt động của các lực lượng trên hướng tây, đồng thời nửa kín, nửa hở để địch biết có một số trung đoàn và Sư đoàn 308 đang chuẩn bị tiến công các cứ điểm phía bắc nhằm vào các cứ điểm Dốc Miếu, Cồn Tiên, Miếu Bái Sơn.

        Để tiến công chủ yếu vào hướng tây, ta đã đưa vào triển khai ở đây toàn bộ Sư đoàn 304, Trung đoàn 1 của Sư đoàn 324, Trung đoàn 27 của B5, ba trung đoàn pháo, 3 trung đoàn pháo phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng. Đồng chí Lê Trọng Tấn nêu ý kiến cần nắm vững các lực lượng và phương tiện trinh sát địch dùng để nắm ta và có biện pháp có hiệu quả để làm cho chúng mất hiệu lực.

        Tôi có nêu ý kiến là đối với các điệp báo địch cài vào ta thì có thể yên tâm vì từ mấy năm nay chưa có hiện tượng nào địch nắm ta từ nguồn điệp báo. Đồng thời chỉ thị cụ thể: “Sư đoàn 304 đang từ nam Quảng Bình phải bí mật hành quân ra bắc Quảng Bình và vào trú quân trong rừng, tuyệt đối nằm im như người xưa nói “ngựa tháo nhạc, người ngậm tăm”, việc vào ra khu trú quân, bắt buộc phải tiến hành vào ban đêm. Sư đoàn sẽ từ bắc Quảng Bình hành quân thẳng vào chiến trường, không trở lại nơi đóng quân cũ. Toàn bộ cán bộ đi chuẩn bị chiến trường, trang bị một tiểu đoàn chiến đấu và lấy danh nghĩa một tiểu đoàn địa phương Quảng Bình vào tăng cường cho Quảng Trị để hoạt động thường xuyên tại vùng tây Quảng Trị tức khu vực sư đoàn sẽ triển khai chiến đấu.

        Trong chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, đợt một Sư đoàn 304 tiêu diệt và bắt hàng trung đoàn 56 của sư đoàn 3 địch (trừ một tiểu đoàn do Trung đoàn 27 diệt), diệt một tiểu đoàn và đánh thiệt hại nặng cơ quan chỉ huy và một tiểu đoàn khác của lữ đoàn lính thủy đánh bộ 147. Một sư đoàn đủ sức tiến công thắng lợi vào 2 trung đoàn thiếu (một tiểu đoàn của lữ đoàn 147 do Trung đoàn 1 Sư đoàn 324 tiến công). Ngoài lợi thế của đánh bất ngờ, một nguyên nhân quan trọng khác là theo chỉ thị của đồng chí Lê Trọng Tấn, sư đoàn sau khi đi trinh sát về đã chọn một khu vực có địa hình gần giống như khu vực sư đoàn sẽ tiến công, để diễn tập thực binh toàn sư đoàn theo kế hoạch tác chiến đợt 1 của sư đoàn. Vì nắm chắc địch, bộ đội được diễn tập theo địa hình và nhiệm vụ sắp tới, nên chỉ huy sư đoàn cũng như chỉ huy các trung đoàn tin tưởng tuyệt đối sẽ chiến thắng. Với lòng tin như vậy, sư đoàn đã may sẵn 5 lá cờ để giao cho các đơn vị cắm lên cứ điểm. Các lá cờ được thêu các dòng chữ: Chiến thắng Động Toàn, chiến thắng Đầu Mầu.

        Sau hai đợt, trong vòng một tháng ta đã giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Thắng lợi trên là công lao tập thể, nhưng tài ba chỉ huy của người tư lệnh có một vai trò không nhỏ.

        Sau 15 ngày mở màn chiến dịch, Mỹ cho không quân, hải quân trở lại chiến trường Việt Nam đánh phá ác liệt trên cả hai miền Nam, Bắc tập trung trọng điểm vào chiến trường Trị - Thiên nhằm ngăn chặn ta phát triển vào Thừa Thiên và chi viện cho quân ngụy phản công lấy lại tỉnh Quảng Trị. Cuối tháng 6 năm 1972 cho đến ngày 31 tháng 1 năm 1973, ngày Hiệp định Pa-ri có hiệu lực các đơn vị trên mặt trận Trị - Thiên dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Lê Trọng Tấn đã khắc phục mọi khó khăn,dưới bom đạn ác liệt của quân Mỹ, đã kiên cường chiến đấu giữ vững hầu hết vùng đất Quảng Trị vừa được giải phóng.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM