Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:12:05 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 36438 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #70 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2017, 08:27:08 pm »


        Ngày 12 tháng 3, do bị mất điểm cao 224 và khu vực đường 14, địch thấy rõ nguy cơ bị chia cắt giữa Huế và Đà Nẵng. Sân bay Phú Bài sẽ bị uy hiếp và tiến tới Trị - Thiên - Huế sẽ bị cô lập. Bộ tư lệnh quân đoàn 1 vội vã điều động thêm lực lượng tăng cường phòng thủ khu vực này. Trong một ngày chúng điều 4 tiểu đoàn (tiểu đoàn biệt động quân 61 ra Núi Bông, tiểu đoàn biệt động quân 96 và tiểu đoàn 94 có chi đoàn thiết giáp 27 yểm trợ ra điểm cao 31 và tiểu đoàn bộ binh 2 sư đoàn 1) chuẩn bị chiếm lại các điểm đã mất. Cuộc chiến đấu ở khu vực Sư đoàn 324 ngày đêm diễn ra hết sức quyết liệt. Trung bình mỗi ngày địch dùng 5.000 quả pháo, 60 lần chiếc máy bay các loại đánh phá các vị trí quân ta đang chiếm giữ, đặc biệt khu vực điểm cao 224 ta và địch giành giật nhau trong vòng bảy ngày.

        Sáng ngày 20 tháng 3, trong lúc bọn địch đang hí hửng tưởng chừng đã chặn được bước phát triển của Sư đoàn 324 (tức là đã chặn được mũi tiến công chủ yếu của ta), bất thần Sư đoàn 325 tiến công mãnh liệt khu vực nam sông Truồi gồm các điểm cao 494, 520 đồi Yên Ngựa, dãy Kim Sắc... Qua hai ngày chiến đấu, Sư đoàn 325 đã chiếm được đoạn đường số 1 dài hơn 20km, cắt đứt hẳn đường ô tô duy nhất của chúng về Đà Nẵng. Như vậy trong nửa tháng tiến công vào hướng nam Thừa Thiên - Huế, mặc dù địch phần nào đã biết ta sẽ tiến công lớn đầu năm 1975 và đã cho bố phòng chu đáo, nhưng bằng nghệ thuật điêu luyện về chọn hướng và tạo thế bất ngờ, ta đã từng bước điều khiển địch từ phía tây xuống phía đông, từ phía nam lên phía bắc để cuối cùng tập trung đòn đột kích mạnh vào nơi hiểm yếu của địch, chiếm giữ các điểm then chốt, tạo thế chia cắt chiến dịch làm cho địch hoàn toàn lâm vào thế bị động.

        Bị thất bại lớn trên chiến trường Tây Nguyên và nhiều chiến trường khác, trong những ngày hạ tuần tháng 3 năm 1975, tổng thống Việt Nam cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu đành ủy thác cho trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh vùng 1 chiến thuật “tuỳ cơ ứng biến” ở địa bàn bắc quân khu 1, nghĩa là rút bỏ Trị - Thiên - Huế về bảo vệ Đà Nẵng. Nắm chắc diễn biến tình hình trên chiến trường, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 và Bộ tư lệnh Quân khu Trị - Thiên đều nhận định quân địch sẽ rút chạy theo đường biển qua cửa Thuận An nên đã thống nhất chủ trương cho lực lượng bịt chặt cửa biển này. Trước hết Bộ tư lệnh Quân khu Trị - Thiên và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 cho các trận địa pháo cơ giới di chuyển trận địa lên phía trước sao cho đủ tầm bắn phá cửa Thuận An, cửa Tư Hiền và một số mục tiêu ven biển lân cận. Sau đó Bộ tư lệnh cho Sư đoàn 324 (quân đoàn 2) tiến ra phía nam, các trung đoàn 1, 2 (Quân khu Trị - Thiên) vòng lên phía bắc bịt chặt cửa Thuận An. Để ngăn chặn địch có thể dùng lực lượng từ Đà Nẵng ra giải vây, Quân đoàn 2 lệnh cho Sư đoàn 325 tiếp tục tiến công giải phóng đường 1 tới chân đèo Hải Vân. Nếu xem xét toàn việc điều động binh lực truy chặn địch, ta thấy Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã dùng phần lớn lực lượng để bao vây ngăn chặn chúng từ hai hướng, chỉ dùng lực lượng nhỏ tiến công từ hướng chính diện vào chiếm Huế. Thực ra đây cũng không phải mưu kế gì mới, mà chỉ là kinh nghiệm của nhiều cuộc chiến tranh, kể cả những kinh nghiệm các chiến dịch lớn của chúng ta trong chống Pháp, chống Mỹ đều chỉ rõ: lúc địch rút chạy nên dùng lực lượng vòng lên chặn địch lại để tiêu diệt, không nên dùng lực lượng lớn tiến công chính diện, làm như vậy khác nào mở đường cho chúng chạy thoát.

        Trên đường tiến quân ra nam cửa Thuận An, Sư đoàn 324 đã bắt được hơn 5.000 tên địch, nhưng một bộ phận khá lớn vẫn tìm mọi cách chạy về phía nam. Biết quân địch chỉ rút một bộ phận nhỏ (chủ yếu là các lữ đoàn lính thủy đánh bộ) theo cửa Thuận An, còn đại bộ phận rút theo ven biển qua cửa Tư Hiền để đi bộ về Đà Nẵng, chúng tôi lập tức lệnh cho Sư đoàn 325 cho một trung đoàn vòng ra nam cửa Tư Hiền chặn địch. Nhưng khi các chiến sĩ Sư đoàn 325 đến nơi thì hầu hết bọn địch ở đây đã bị các tiểu đoàn địa phương tỉnh Thừa Thiên đón bắt. Các đồng chí đề nghị Sư đoàn 325 tập trung lực lượng ngăn chặn địch từ Đà Nẵng ra giải vây. Tuy nhiên trên thực tế không có đơn vị nào của địch dám mò ra, vì lúc này Bộ tư lệnh Quân khu 5 đã giải phóng các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Tín. Sư đoàn 325 lợi dụng thời cơ đó cho lực lượng tiến công chiếm cầu Lăng Cô (chân đèo Hải Vân), tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến công thành phố Đà Nẵng sau này. Nhờ chặn đầu được quân địch và bao vây chặt các ngả đường, nên chúng tôi đã tiêu diệt và làm ta rã tại chỗ hầu hết quân địch ở Trị - Thiên - Huế. Một bộ phận nhỏ tàn binh chạy được vào Đà Nẵng không có vũ khí, không thành đơn vị, tâm lý chiến bại không những không tăng cường được gì về sức mạnh mà trái lại càng làm cho thành phố này thêm rối loạn.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #71 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2017, 08:20:08 pm »


        Đêm ngày 24 tháng 3 năm 1975, phát huy thắng lợi to lớn của các đơn vị đánh trận, trên hướng chính diện thành phố Huế, chúng tôi quyết định sử dụng Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) nhanh chóng đánh chiếm Phú Bài mở đường cho quân đoàn tiến vào giải phóng Huế. Trung đoàn trưởng Hồ Hữu Lạn đã thực hiện đúng phương án chúng tôi đề ra: dùng một tiểu đoàn vu hồi đánh chiếm quận lỵ Hương Thuỷ; còn đại bộ phận trung đoàn dưới sự yểm trợ hoả lực của đại đội 4 xe tăng, theo đường số 1 tiến công chính diện căn cứ Phú Bài.

        Tảng sáng ngày 25 tháng 3, tiểu đoàn 3 nổ súng đánh chiếm quận lỵ Hương Thủy. Cùng lúc Trung đoàn 101 đánh vào Phú Bài. Địch bị bất ngờ tháo chạy tán loạn, bỏ lại toàn bộ vũ khí trang bị kỹ thuật, trong đó có một đoàn xe cơ giới đang nổ máy. Bộ đội ta thu được ba chiếc xe tăng M48, ba xe bọc thép M113 để tăng cường lực lượng cho mình.

        Sau khi giải phóng Phú Bài và Hương Thủy, Trung đoàn 101, tiếp theo là Trung đoàn bộ binh 3 (sư đoàn 324) có xe tăng đi cùng, được nhân dân địa phương giúp thêm phương tiện (xe lam, xe tải) vận chuyển tiến rất nhanh vào nội đô Huế. Đúng 13 giờ ngày 25 tháng 3 tiểu đội phó trinh sát Nguyễn Văn Phương đã cắm lá cờ chiến thắng lên Phú Văn Lâu. Một bộ phận của Trung đoàn 3 cùng xe tăng, 14 giờ chiều cùng ngày đã chiếm lĩnh sở chỉ huy quân đoàn 1 ngụy ở Mang Cá và tới giải phóng cho hơn 2.000 tù binh chính trị ở nhà lao Thừa Phủ. Ở hướng bắc, các lực lượng của Quân khu Trị - Thiên cũng tràn vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. 16 giờ chiều ngày 25 tháng 3 cờ giải phóng đã tung bay khắp thành phố Huế.

        Ngày 27 tháng 3 năm 1975, căn cứ tình hình phát triển hết sức có lợi trên chiến trường Trị - Thiên - Huế và chiến trường Quân khu 5, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương đã hạ quyết tâm mở chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, thành phố quân sự lớn nhất miền Trung Trung Bộ của Mỹ - ngụy. Bộ chỉ huy chiến dịch gồm các anh Lê Trọng Tấn, Chu Huy Mân, Lê Quang Hoà, Giáp Văn Cương. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm toàn bộ Quân đoàn 2, Sư đoàn 2 Quân khu 5 và các lực lượng vũ trang địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời gian ấn định vào ngày 3 tháng 4 năm 1975. Quán triệt ý định và nhiệm vụ trên giao, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã hạ quyết tâm và sử dụng lực lượng trên từng hướng. Hướng chủ yếu do Sư đoàn 324 và phần lớn Lữ đoàn xe tăng 203 hành tiến theo trục đường 14B vào tây bắc Đà Nẵng. Sư đoàn 304 đảm nhiệm hướng thứ yếu một tiến vào tây Đà Nẵng qua ngả Đại Lộc. Sư đoàn 325 phụ trách hướng thứ yếu hai tiến theo đường 1 qua đèo Hải Vân vào trung tâm thành phố.

        Tận dụng thời gian còn vài ba ngày mới mở chiến dịch, ngày 28 tháng 3 tôi cùng đồng chí Duy Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324 xin phép Bộ tư lệnh Quân đoàn vào thăm và kiểm tra một vài đơn vị của quân đoàn đang đóng quân trong thành phố Huế vừa được giải phóng. Điểm đầu tiên chúng tôi đến là đồn Mang Cá thủ phủ của Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn 2 ngụy. Nơi đây gần 100 năm trước quan thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết đã dấy binh tiến công quân Pháp ở thành phố Huế. Sự nghiệp không thành, ông và một số sĩ phu yêu nước phò vua Hàm Nghi cần vương chống giặc. Dọc đường từ ngõ Thượng Tứ vào đồn Mang Cá chúng tôi như còn nghe đâu đây tiếng thét căm hờn của hàng nghìn quân sĩ yêu nước quyết một phen sống mái với quân thù. Đồng thời, chúng tôi cũng nghe đâu đây văng vẳng rất gần tiếng hô xung phong tiến lên diệt giặc Mỹ của đồng bào và chiến sĩ thành Phú Xuân (đặc biệt là 11 cô gái sông Hương) trong Tết Mậu Thân năm 1968. Sau khi xem Mang Cá, chúng tôi ngược lên chùa Thiên Mụ. Ở đây chúng tôi gặp đồng chí Tâm, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325 đang nghiên cứu địa hình ở khu vực chùa. Cũng như đồng chí Tâm, chúng tôi không phải là những người sùng đạo thư giãn đi vãn cảnh chùa, mặc dù đây là khu văn hoá lịch sử rất có giá trị. Điều chính khiến chúng tôi lên đây là vì khu này có vị trí khá cao trong thành phố. Đứng ở đây có thể quan sát được toàn cảnh vùng ngoại ô tả, hữu sông Hương, phóng tầm mắt xa tít xuống tận cầu Mới, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, Đập Đá, cả Núi Ngự, đền Nam Giao. Địa thế ở đây có vị trí chiến thuật khá lợi hại... Chúng tôi đang mải mê nghe đồng chí cán bộ dân chính địa phương giới thiệu địa hình thì nhận được thư khẩn cấp của đồng chí Nguyễn Hữu An, Tư lệnh quân đoàn. Trong thư đồng chí An cho biết theo lệnh mới của Bộ, quân đoàn không phải chờ đến ngày 3 tháng 4 mới mở chiến dịch mà phải chớp thời cơ địch đang hoang mang rối loạn tấn công ngay. Do thời gian rất gấp đồng chí An báo cho tôi không phải trở về sở chỉ huy nữa mà đi thẳng xuống Sư đoàn 325 để chỉ đạo đơn vị tiến công theo đường 1. Đồng chí cũng cho biết tất cả các trận địa pháo ở đèo Mũi Trâu đã ở tư thế chuẩn bị bắn phá chi viện cho các hướng tiến công vào Đà Nẵng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #72 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2017, 08:23:15 pm »


        Chia tay với đồng chí Duy Sơn, tôi lên xe cùng với đồng chí Tâm vừa đi vừa bàn công việc cho bộ đội tiến công vào ngày mai (29-3). Do lực lượng Sư đoàn 325 còn đứng chân rải rác ở nhiều điểm khác nhau, nên chúng tôi quyết định cho Trung đoàn 18 hiện ở bắc đèo Hải Vân tiến công trước. Tôi và đồng chí Huy, Sư đoàn phó Sư đoàn 325 sẽ đi trực tiếp chỉ đạo trung đoàn này. Hai đồng chí Tâm và Dương (sư đoàn trưởng và chính ủy sư đoàn) khẩn trương tập hợp Trung đoàn 101 đang ở Huế bám theo sau. Để tạo thêm sức mạnh cho Trung đoàn 18 đột phá trong hành tiến, chúng tôi tăng cường thêm 2 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo 130mm của quân đoàn.

        Khi đến ban chỉ huy sư đoàn, tôi và đồng chí Huy khẩn trương tập hợp 2 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo 130 và một số phương tiện chỉ huy đi lên phía trước. Rủi thay vào đến Phù Lưu thì cầu đã bị hỏng do máy bay địch đánh phá. Tôi đành phải để đồng chí Huy vượt trước vào chuẩn bị cho Trung đoàn 18 tiến công vào sáng ngày 29. Còn tôi ở lại chỉ huy các lực lượng sửa cầu thông đường. Chắc các đồng chí sẽ hỏi tại sao tư lệnh phó quân đoàn không đi vào chỉ huy trung đoàn mà lại ở lại sửa cầu. Sự việc cũng đơn giản thôi. Nếu không sửa được cầu, không đưa được tăng và pháo qua thì tôi có đi trước cũng chẳng làm được việc gì. Chỉ huy một trung đoàn chỉ có bộ binh thì chỉ một mình sư đoàn phó là được rồi.

        Sau khi xem xét hiện trường khu vực cầu, đồng chí chủ nhiệm công binh sư đoàn báo cáo nếu tập trung toàn bộ lực lượng và phương tiện kỹ thuật thì có thể sửa chữa xong cầu trước 24 giờ đêm. Tôi khấp khởi mừng thầm, động viên anh em thi công thật khẩn trương. Nhưng đến 4 giờ sáng khi kiểm tra lại cụ thể thì thấy tiến độ thi công đã bị đảo lộn, nhanh nhất cũng phải đến 12 giờ trưa mới thông được cầu. Thật là gay go, tôi nghĩ. Nếu chỉ có đội hình bộ binh hành tiến thì việc vượt qua đèo Hải Vân cũng đã khó khăn, chứ đừng nói đến đánh vào Đà Nẵng. Theo tin trinh sát của Trung đoàn 18 và của Bộ, trên đèo Hải Vân hiện có một lữ đoàn lính thủy đánh bộ đang phòng giữ. Để xử lý tình huống phức tạp này, tôi đành phải để lại đại đội xe tăng T54 và 2 đại đội pháo xe kéo chờ thông cầu vượt sau. Còn tôi cùng đại đội xe tăng lội nước vượt sông tiến vào phía trong.

        Năm giờ sáng ngày 29 tháng 3 tôi gặp đồng chí Huy ở chân đèo Hải Vân rồi cùng nhau bàn cách bố trí đội hình hành tiến chiến đấu. Do thời gian đòi hỏi gấp, với lực lượng hoả lực hiện có, chúng tôi bố trí 7 xe tăng lội nước chở thêm bộ binh đi đầu vừa trinh sát vừa chiến đấu. Chiếc xe còn lại chở tôi và ban chỉ huy Trung đoàn 18. Sư đoàn phó Huy chỉ huy các tiểu đoàn bộ binh bám theo sau. 7 giờ 30 phút chúng tôi tiến gần tới đỉnh đèo Hải Vân thì bắt đầu gặp địch. Chúng dùng súng máy 12,7mm và đại liên bắn chặn quân ta. Như phương án vạch sẵn, xe tăng ta triển khai đội hình chiến đấu. Bộ binh xuống bám theo dãy đồi bên phải trục đường tiến lên phía trước bắn hỗ trợ. Đồng thời tôi điện cho pháo binh Trung đoàn 84 bắn phá vào khu vực phòng ngự của lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ ở các mỏm trên đỉnh đèo. Trước những loạt đạn bắn phá chính xác của hoả lực pháo và xe tăng ta, bọn địch rối loạn hò nhau rút chạy. Lợi dụng tình thế thuận lợi, chúng tôi cho bộ đội vượt lên đỉnh đèo truy kích địch. Nhưng xe pháo của địch vứt ngổn ngang bừa bãi trên đường phía nam đèo đã cản trở đội hình hành tiến. Đang loay hoay tìm cách thông đường thì đồng chí Huy dẫn hai đại đội bộ binh có 4 xe tăng đi kèm đã đuổi kịp chúng tôi. Anh Huy cho biết khi qua căn cứ Lăng Cô, quân ta phát hiện được 4 xe tăng địch còn dùng được, nhưng khốn nỗi không ai biết lái. Không còn cách nào khác anh bèn gọi đám tàn binh đang đi thất thểu trên đường lại dò hỏi, lập tức có ngay bốn tên xung phong lái xe cho ta.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #73 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2017, 08:24:57 pm »


        Gặp được đồng chí Huy, lực lượng đột phá của chúng tôi tăng lên đáng kể, có hẳn một tiểu đoàn bộ binh và 12 xe tăng. Với lực lượng có trong tay, một mặt chúng tôi điện về phía sau thúc giục các trung đoàn của Sư đoàn 325 phát triển lên thật nhanh, mặt khác hạ quyết tâm tiếp tục tiến vào thành phố. Tuy địch không chốt chặn cản đường gì lớn, chỉ có một vài toán chốt lẻ tẻ nhưng nhiều đoạn bộ đội phải dừng lại tháo đẩy vật cản nên tốc độ phát triển chậm. Đến 10 giờ 30 phút, chúng tôi mới tới được cầu Nam Ô (chân đèo Hải Vân bắc Đà Nẵng). Đứng trước biển báo cầu chỉ chịu được trọng tải 8 tấn, đại đội trưởng xe tăng tần ngần đề nghị tôi cho công binh mở bến vượt. Nghĩ ngợi giây lát tôi quyết định cho đại đội xe tăng vượt qua cầu từng chiếc một. Lúc đội hình xe qua được hết cầu, đại đội trưởng xe tăng nhìn tôi nói: “Chẳng qua anh lại gặp may như sáng nay thôi”. Tôi không bực mình vì câu nói thành thật của anh bạn trẻ, mà còn từ tốn giải thích lại: Khi thông báo sức tải của một cây cầu, để bảo đảm tuyệt đối an toàn và giữ cầu lâu bền, người ta chỉ đề sức tải bằng 1/3 sức chịu đựng thực tế. Xe tăng của ta 18 tấn qua cầu từng chiếc một sẽ không việc gì. Tất nhiên trong chiến đấu đôi khi phải mạo hiểm. Còn trường hợp sáng nay lại khác, tôi tuy chưa nắm chắc tính năng kỹ, chiến thuật của xe tăng, nhưng cũng biết sơ bộ rằng, khi xe xuống nước, nước rò rỉ vào bao nhiêu (vì xe cũ), xe có máy bơm bơm ra bấy nhiêu. Nếu sáng nay, xe đầu tiên lội nước bị trục trặc thì ta phải tìm cách khác mà vượt, chẳng lẽ đành bó tay sao?

        Khi xe và bộ binh ta vượt qua cầu Nam Ô tiến thẳng vào ngã ba đường 1, nhân dân hai bên đường và ra đón chào bộ đội rất đông. Mọi người vứt lên xe đủ thứ, nào thuốc lá, kẹo, bánh, nước giải khát và rất nhiều hoa quả. Đội hình phát triển trên đoạn đường bắc thành phố khá thuận lợi. Đúng 11 giờ 30 phút chúng tôi gặp Trungđoàn 66 Sư đoàn 304 vừa mới đến. Qua báo cáo của cán bộ Trung đoàn 66, tôi biết thêm Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 đã chiếm được sở chỉ huy sư đoàn 3 ngụy.

        Dựa vào kinh nghiệm các chiến dịch trước, nhất là chiến dịch giải phóng Trị - Thiên - Huế, để chặn được bọn địch rút chạy phải nhanh chóng bịt chặt cửa biển nơi rút lui duy nhất còn lại của địch. Sau khi hội ý với các cán bộ có mặt ở khu vực sân bay, chúng tôi quyết tâm đưa một số đơn vị của Trung đoàn 18 (Sư đoàn 325) và Trung đoàn 9 (Sư đoàn 304) phát triển ra bán đảo Sơn Trà. Số còn lại chốt giữ các vị trí vừa chiếm được. Được các chiến sĩ tự vệ thành dẫn đường, chúng tôi tiến theo đường gần nhất ra bán đảo. Đến cầu Trịnh Minh Thế, chúng tôi gặp cánh quân Sư đoàn 2 Quân khu 5 từ phía nam phát triển lên. Các đồng chí cho biết trên cầu địch đã bỏ chạy, chúng tôi lập tức cho xe và bộ binh vượt cầu sang bán đảo.

        Đúng 13 giờ 30 phút, cánh quân do tôi phụ trách đã vào đến căn cứ lính thủy đánh bộ của địch. Tại đây diễn ra cảnh hỗn độn khủng khiếp chưa từng có. Hàng vạn người (đa số là các sắc lính) đang chen chúc, quát nạt, la khóc ầm ĩ cả trên bến bãi lẫn các tàu thuyền đang hòng thoát ra biển. Để kìm chân chúng, tôi cho các xạ thủ đại liên trên xe bắn uy hiếp nới rộng từ giữa sông vào bờ. Nghe tiếng súng bắn chặn, hàng trăm lính trên các tàu thuyền xô nhau chạy lên bờ, số trên bãi hò hét nhau chạy lên núi Sơn Trà. Trong chốc lát mũi xe tăng tiên phong của ta chiếm lĩnh điểm cao cuối cùng trên bán đảo khống chế toàn bộ số tàu chở đầy lính địch định chạy thoát ra biển. Cùng lúc tôi điện cho Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 phát triển vào bên trong, đánh chiếm dọc bờ sông bên chân núi Sơn Trà. Đến 15 giờ, một trung đoàn của Sư đoàn 2 (Quân khu 5) phát triển ra đông bán đảo (Mỹ Khê) bắc sân bay Nước Mặn chốt giữ. Khoảng 19 giờ ngày 29 tháng 3 năm 1975, quân ta đã hoàn toàn làm chủ thành phố Đà Nẵng.

        Buổi tối, sau khi kiểm tra việc bố trí lực lượng, việc canh gác tuần tra và nhất là việc trực chiến bảo đảm không cho tàu thuyền địch lẻn rút chạy ra khơi, tôi định chợp mắt một lúc cho lại sức, vì đã mấy ngày đêm không được nghỉ ngơi. Nhưng thật lạ! Mặc dù thời tiết cuối tháng ba ở đây rất mát, mặt trận cũng đã yên tĩnh, nhưng dù cố gắng thế nào tôi cũng không sao ngủ được. Trong lòng cứ dậy lên bao cảm xúc khác nhau. Mới cách đây vài tháng còn lặn lội giành giật với sư đoàn dù từng thước đất, mỏm đồi trên dãy điểm cao 1062 đông Thượng Đức mà bây giờ đã làm chủ cả một khu căn cứ quân sự lớn nhất miền Trung. Mới trưa hôm qua còn vãn cảnh chùa Thiên Mụ bên dòng sông Hương mà hôm nay đã ngồi ngắm cảnh sông Hàn. Thật đấy mà như mơ...

        Nhờ nắm bắt đúng tình hình địch, ta và nhiệm vụ trên giao, đồng thời chọn đúng hướng tiến công chủ yếu, chọn đúng đối tượng và mục tiêu quan trọng, khi thời cơ xuất hiện, chúng ta đã tiến công nhanh làm cho 10 vạn quân địch dồn về Đà Nẵng không kịp rút chạy. Sau này qua cung tù binh chúng tôi mới biết rằng, ngày 28 tháng 3 khi Bộ Tổng tham mưu ta ra lệnh cho các hướng bắt đầu tiến công vào Đà Nẵng thì Ngô Quang Trưởng, tư lệnh vùng 1 cũng vội vã cho cấp dưới chuẩn bị rút chạy. Chúng tính toán nhanh nhất cũng bốn năm ngày nữa chúng ta mới có khả năng bắt đầu tiến công Đà Nẵng. Với thời gian ấy, chúng đủ sức rút đại bộ phận lực lượng vào phía trong, trước khi ta tiến công, vì mỗi ngày theo đường không và đường thủy chúng di chuyển được một vạn tên. Nhưng tình hình lúc đó đã khác, chúng ta đã khẩn trương, táo bạo xông tới, làm địch hoàn toàn bất ngờ và đã giành được thắng lợi lớn nhất.

        Sáng ngày 31 tháng 3, giữa lúc chúng tôi đang giúp chính quyền và nhân dân địa phương nhanh chóng ổn định tình hình trong thành phố vừa được giải phóng thì nhận được lệnh của Bộ giao các khu vực lại cho các lực lượng vũ trang địa phương chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới. Ngày 1 tháng 4 năm 1975, trên các vị trí đứng chân ở ngoại vi phía tây thành phố Đà Nẵng, cả quân đoàn được thắng lợi to lớn ở Huế - Đà Nẵng - Tây Nguyên cổ vũ tràn đầy sức xuân, lại háo hức chờ lệnh lên đường chiến đấu tiếp ...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #74 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2017, 08:20:40 am »


        II. GIẢI PHÓNG CÁC TỈNH CỰC NAM TRUNG BỘ

        Ngày 3 tháng 4 năm 1975, sau khi Quân đoàn 2 chúng tôi ra vị trí mới chờ lệnh chiến đấu tiếp, Bộ tư lệnh chiến dịch Đà Nẵng đã họp phiên đầu tiên, cũng là phiên cuối cùng để tổng kết chiến dịch. Cho đến nay, tôi cứ nghĩ: Nói phiên họp đầu tiên và là phiên cuối cùng để tổng kết một chiến dịch lớn tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn một quân khu với đủ các màu sắc lính kể cũng lạ. Nhưng sự thật thì hoàn toàn như vậy. Ngày 25 tháng 3 Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Bộ tư lệnh chiến dịch, nhưng do tình hình chiến sự lúc bấy giờ chuyển biến hết sức mau lẹ, các đơn vị lại đánh theo mệnh lệnh, đánh theo yêu cầu với thời gian hết sức gấp gáp, nên có Bộ tư lệnh chiến dịch đấy, mà tư lệnh ở một nơi, chính ủy ở một nẻo, chỉ thống nhất chỉ huy qua máy bộ đàm. Nay chiến dịch đã toàn thắng, các vị mới có dịp gặp nhau mở hội nghị tổng kết chiến dịch.

        Những nội dung tổng kết chiến dịch, chúng tôi sẽ trình bày vào một dịp khác. Cái chính sau cuộc họp của Bộ tư lệnh chiến dịch có một không hai này, chúng tôi muốn bàn đến là cuộc gặp gỡ của Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 với anh Lê Trọng Tấn, Phó tổng tham mưu trưởng để đề đạt một nguyện vọng đề nghị Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cho cả quân đoàn (chứ không phải chỉ có Sư đoàn 325 và Lữ đoàn thiết giáp 203 mà Bộ giao cách đây hai ngày) được tiến về phía Nam tham gia các chiến dịch kế tiếp. Vì hiện nay địch đã củng cố tuyến phòng thủ mạnh từ Phan Rang, Phan Thiết trở vào, Quân đoàn 4 đang gặp khó khăn chưa dứt điểm được Xuân Lộc, Quân đoàn 2 có khả năng cơ động cao, tại sao không đưa toàn bộ Quân đoàn 2 tiến theo đường 1 đánh phá sự phòng thủ của địch ở miền duyên hải “chia lửa” cho Quân đoàn 4 và nếu phá vỡ sự phòng thủ của địch ở phía duyên hải, địch sẽ cơ bản mất khả năng “tử thủ Sài Gòn” ... Nghe chúng tôi báo về đề đạt nguyện vọng, anh Tấn tươi cười đáp: “Ý kiến của các cậu rất đúng. Mình cũng nghĩ thế. Được, mình sẽ ra ngay Hà Nội làm việc. Chiều ngày 5 tháng 4 anh và đồng chí Lê Quang Hoà đã vào lại quân đoàn thay mặt Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ chính thức cho Quân đoàn 2. Hai anh cho biết Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh và Quân đoàn 2 được vào tham gia chiến dịch, tiến quân theo đường số 1, chỉ để lại một sư đoàn ở Trị - Thiên làm dự bị. Hai anh Lê Trọng Tấn và Lê Quang Hoà đều được trên bổ nhiệm Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ huy cánh Đông (tức cánh đường 1).

        Sau khi được Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ chiến đấu mới, nhất là được trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ toàn quân đoàn phấn chấn hẳn lên, lao ngay vào công việc chuẩn bị cho các trận đánh cuối cùng vào sào huyệt giặc, với tinh thần “một ngày làm việc bằng 10 năm, 20 năm”, “Tất cả cho chiến đấu, chiến thắng”. Suốt đêm 5 rạng ngày 6 tháng 4, cả Bộ tư lệnh Quân đoàn hầu như không ngủ, vừa lập kế hoạch tiến quân vừa phân công nhau kiểm tra đôn đốc các đơn vị chuẩn bị cho hành quân. Vấn đề nổi cộm nhất trong việc xác lập kế hoạch hành tiến thần tốc lần này là làm sao ngay bây giờ quân đoàn có đủ 1.000 xe vận tải để chuyên chở hàng chục nghìn quân với đầy đủ vật chất trang bị. Đồng thời làm sao trong vòng một đến hai ngày phải khắc phục được 4 đến 5 chiếc cầu lớn trên đường số 1 đã bị địch phá hỏng để phương tiện qua lại. Về xe cộ, sau khi kiểm tra các đơn vị và làm việc với cấp ủy đảng địa phương, quân đoàn đã nắm chắc 600 xe (200 xe thuộc biên chế, 200 xe vừa lấy được của địch, 200 xe còn lại do Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng huy động trong dân). Thấy đơn vị vẫn còn khó khăn về phương tiện cơ động Bộ đã tăng cường cho Quân đoàn 2 một sư đoàn ô tô gần 500 chiếc của Đoàn 559. Với số xe của Bộ tăng cường, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 đã yên tâm về phương tiện chuyên chở. Tuy nhiên, khi triển khai đội hình, một số xe ô tô của dân quá bé, vận chuyển không được bao nhiêu. Do vậy, gần một nửa Sư đoàn 304 lại phải dùng tàu của Bộ tư lệnh Hải quân chuyên chở theo đường biển.

        Về đảm bảo đường cơ động cũng khá phức tạp. Sau khi kiểm tra sơ bộ hơn 100km đường số 1 thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, chúng tôi phát hiện được 4 chiếc cầu lớn đã bị địch đánh phá hư hỏng nặng. Trong khi đó trong tay quân đoàn chỉ có một tiểu đoàn cầu phà, đủ bảo đảm được 4 phà và 100m cầu. Với một đội quân trang bị hùng hậu như hiện có, rõ ràng phương tiện cầu phà của quân đoàn không thể đảm bảo được. Để giải quyết vấn đề hóc búa này, Bộ tư lệnh Quân đoàn lại phải dựa vào ba giải pháp: Phương tiện của bản thân, của trên tăng cường và huy động địa phương (kể cả nguồn phương tiện lấy trong kho chiến lợi phẩm). Về phương tiện của Quân đoàn như đã nói ở trên. Riêng trung đoàn cầu phà của Quân khu 4 trên tăng cường cho quân đoàn thì hiện giờ vẫn ở bắc sông Gianh, khó vào kịp để giải quyết công việc kịp thời.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #75 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2017, 08:23:13 am »


        Giữa lúc chúng tôi đang tìm cách khắc phục khó khăn thì may mắn gặp được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Binh đoàn 559 vào thăm quân đoàn. Qua nghe chúng tôi trình bày và đề đạt nguyện vọng, anh Nguyên tỏ ý thông cảm và nói: “Việc khắc phục cầu phà đường 1 không chỉ trực tiếp giúp Quân đoàn 2 kịp thời tiến vào tham gia chiến dịch lớn, mà cần đảm bảo giao thông giữa hai miền Nam - Bắc” ... Với quyền hạn Tư lệnh binh đoàn vận tải chiến lược và với tác phong làm việc vừa cụ thể vừa cương quyết, trưa ngày 6 tháng 4, sau khi nhẩm tính một hồi, đồng chí hỏi tôi: “Trong căn cứ sư đoàn 3 địch có cầu Be-lây không?”. Tôi trả lời “Có”. Sau đó tôi sốt sắng đề nghị anh chiều nay cho người đến lấy “Không được?” Anh Nguyên cắt ngang lời tôi: “Bây giờ. Nếu tối về cho người đến lấy thì sẽ kéo dài thời gian ngay. Ông còn lạ gì cung cách làm việc của mình. Muốn vào quân đoàn phải qua bốt gác trình giấy tờ. Gặp được trực ban có thể được giải quyết hoặc phải chờ trên. Vào được Bộ tư lệnh có thể gặp ông, cũng có thể gặp người khác, nhanh nhất cuối ngày cũng mới lấy được lệnh xuất kho giao cho mình. Sau đó mình và ông vào kho xem có bao nhiêu nhịp cầu và lệnh luôn cho thủ kho và người khác đúng 15 giờ cho xe Đoàn 559 vào lấy cầu. Đêm nay bọn mình thi công để bảo đảm sáng mai các ông qua sông Thu Bồn bằng cầu ...”.

        Hai vấn đề khó khăn trong hành quân đã được giải quyết. Sáng ngày 7 tháng 4 đơn vị đi đầu của quân đoàn xuất phát. Tôi và anh Nguyễn Công Trang, Phó chính ủy quân đoàn phụ trách bộ phận đi đầu với nhiệm vụ: trong vùng giải phóng liên hệ với địa phương và các đơn vị bạn bổ sung lương thực, đạn dược, xăng dầu; trên khu vực có địch thì tổ chức đánh mở đường. Còn nhớ lúc đến thành phố Quy Nhơn, lượng dự trữ xăng dầu giảm, không đảm bảo cho chặng đường hành tiến tiếp, tôi vào gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xin bổ sung. Đồng chí hỏi: “Các đồng chí cần bao nhiêu tất cả?”. Tôi nói: “Chúng tôi có 1.500 xe kể cả xe vận tải, xe chiến đấu và xe công tác, đồng chí cho chúng tôi mỗi xe 200 lít, tất cả là 300 tấn”. Đồng chí Bí thư quyết luôn: “Cứ xuất hết cho các đồng chí bộ đội, địa phương mình dù sao cũng đã giải phóng rồi, cần tạo điều kiện cho các đồng chí ấy làm nhiệm vụ giải phóng những nơi còn lại ...”.

        Với tinh thần thần tốc, thời gian là sức mạnh, với sự giúp đỡ tận tình của địa phương, chúng tôi đến Nha Trang ngày 11 tháng 4 không những với đầy đủ sức mạnh ban đầu mà lại được tăng cường thêm. Không một đồng chí nào, một xe nào chịu nằm lại phía sau. Có nhiều xe hỏng hóc dọc đường nhưng bộ đội vẫn tìm cách sửa chữa để đi. Có một chiếc xe tăng khi chiến đấu ở Trị - Thiên đã bị bắn thủng nòng pháo, các đồng chí trong kíp xe lấy giẻ nút lại chỗ thủng và cho xe đi chiến đấu. Khi phát hiện, tôi cười nói với kíp xe: “Chữa nòng pháo theo kiểu này thì không bắn được đâu”. Kíp trưởng thưa: “Thủ trưởng nói đúng. Nhưng thủ trưởng biết đấy, xe tăng đâu chỉ đánh địch bằng pháo mà còn có cả súng máy, xích xe và lựu đạn. Chúng tôi hành quân vào không chỉ để có mặt mà tham gia chiến đấu thực sự”…

        Sáng ngày 12 tháng 4, chúng tôi được lệnh đến gặp đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Hoà - Tư lệnh và Chính ủy cánh Đông (tức cánh tiến quân theo đường 1) để nhận nhiệm vụ chiến đấu. Đồng chí HoàngMinh Thảo, đại diện Bộ tư lệnh Quân khu 5 cũng có mặt ở đây. Sau khi phổ biến nhiệm vụ của Sư đoàn 3 (Quân khu 5) đảm nhiệm tiến công chính vào Phan Rang chiều ngày 13 tháng 4, Bộ tư lệnh cánh Đông đã giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2: Trên đường tiến quân về phía nam, nếu tốc độ tiến công của Sư đoàn 3 chậm, quân đoàn sẽ tổ chức một mũi tiến công theo đường 1 đánh chiếm Phan Rang - bảo đảm kế hoạch chung của toàn chiến dịch.

        Trải qua hai đêm một ngày chiến đấu, sáng ngày 15 tháng 4 Sư đoàn 3 mới giải quyết được quận lỵ Du Long và phát triển đến cách thị xã Phan Rang 10km. Nếu so với trước đây, tốc độ phát triển chiến đấu như vậy là khá cao, nhưng nay yêu cầu mở đường gấp đúng theo bước phát triển toàn cục thì không thể chấp nhận được. Đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Hoà sau khi thống nhất với đồng chí Hoàng Minh Thảo đã lệnh cho chúng tôi dùng Sư đoàn 325 và 1 tiểu đoàn tăng thực hành tiến công theo trục đường 1, kết hợp với Sư đoàn 3 tiếp tục tiến công từ hướng tây và tây bắc.

        Sau khi nhận nhiệm vụ, Tư lệnh Lê Trọng Tấn giới thiệu đồng chí Nam Long, phái viên của Bộ sẽ đi cùng chúng tôi để giúp đỡ chỉ huy. Đồng chí Nam Long đã cùng tôi chiến đấu ở Điện Biên Phủ. Lúc đó anh là Đại đoàn phó Đại đoàn 304 đi tăng cường chỉ đạo cho Trung đoàn 57 mà tôi là trung đoàn phó. Nay tôi là tư lệnh phó quân đoàn, anh là tư lệnh phó quân khu kiêm đặc phái viên của Bộ lại một lần nữa “năng tương ngộ”. Hai chiến dịch kết thúc hai cuộc chiến tranh, hai chúng tôi cũng gặp nhau trong chặng đường chiến đấu. Sự đời có cái trùng lặp ngẫu nhiên khá thú vị.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #76 vào lúc: 30 Tháng Giêng, 2017, 08:25:34 am »


        Tôi và anh Nam Long cùng bộ phận sở chỉ huy tiền phương quân đoàn đến Sư đoàn 325 vào lúc 17 giờ ngày 15 tháng 4. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh Sư đoàn đang cùng cán bộ các trung đoàn bộ binh, pháo binh, cao xạ và tiểu đoàn xe tăng thảo luận và thống nhất hiệp đồng tác chiến lần cuối. Tôi hỏi đồng chí Tâm, Tư lệnh sư đoàn về giờ G (giờ bắt đầu tiến công). Đồng chí Tâm báo cáo: Chúng tôi ấn định giờ G là 4 giờ 30 phút sáng 16 tháng 4. Lý do? Theo chúng tôi, khi cơ động trên đường trời phải tối để hạn chế phi cơ địch đánh chặn. Ngược lại khi đánh trong thành phố lại phải trời sáng rõ để xe tăng cơ động và phát dương hoả lực, tránh được các loại súng chống tăng loại nhẹ. Hiện nay theo trinh sát báo cáo, Sư đoàn 3 Quân khu 5 còn cách trung tâm thành phố 3km. Dự kiến 4 giờ 30 phút bắt đầu tiến công tiêu diệt tiểu đoàn án ngữ vòng ngoài 1 giờ, 5 giờ 30 phút tiến hành thọc vào thành phố và tử 6 giờ chiến đấu trong thành phố là vừa. Chúng tôi cơ bản đồng ý với kế hoạch của sư đoàn, chỉ điều chỉnh giờ xuất phát đầu tiên (trạm điều chỉnh giao thông 1) là 3 giờ vì từ đây vào tuyến chiến đấu còn 30km.

        Tranh thủ chợp mắt cho lại sức, đúng 2 giờ 30 phút tôi và đồng chí Tâm ra trạm điều chỉnh giao thông để giám sát thời gian và thứ tự hành quân của các khối. Đi đầu là đại đội trinh sát cơ giới ngồi trên xe K63, tiếp theo là ban chỉ huy Trung đoàn 101 và các tiểu đoàn bộ binh, xe tăng và pháo binh. Sở chỉ huy tiền phương quân đoàn, sở chỉ huy cơ bản sư đoàn đi sau 3 tiểu đoàn này. Khóa đuôi đội hình hành quân là 2 tiểu đoàn bộ binh đi xen kẽ với 2 trung đoàn pháo binh và pháo cao xạ.

        Đúng 4 giờ 30 phút thê đội một bắt đầu tiến công vào tiểu đoàn dù án ngữ vòng ngoài. Chúng tôi dừng xe bên đường số 1 để theo dõi diễn biến và chỉ huy cuộc tiến công. Trận đánh phát triển thuận lợi, đúng 5 giờ 30 phút ta đã đánh tan tiểu đoàn dù. Để ngăn chặn cuộc tiến công của quân giải phóng vào thị xã, tảng sáng 16 tháng 4, trên bầu trời không một gợn mây của Phan Rang, từng tốp máy bay từ sân bay Thành Sơn bắt đầu cất cánh đánh vào đội hình hành quân của ta. Sở chỉ huy của sư đoàn và quân đoàn đi giữa đội hình, trong vòng 15 phút bị máy bay địch đánh phá hai lần. Chúng tôi phải cho bộ đội sơ tán sang hai bên đường để tránh bom đạn và điều động tiểu đoàn pháo cao xạ từ phía sau lên đánh trả.

        Ngớt tiếng máy bay đánh phá, tôi quan sát bầu trời phía thị xã bỗng thấy hiện tượng lạ. Hàng mấy chục chiếc máy bay đủ loại: vận tải có, máy bay chiến đấu và cả trực thăng nữa cùng lúc cất cánh bay thấp cao không theo đội hình. Tất cả bay về phía Nam. “Đúng là chúng nó chuồn rồi!”. Tôi nghĩ như vậy và lệnh cho bộ đội lên xe nhanh tiến vào thị xã. Đến gần sân bay gặp đồng chí Tài, Lữ trưởng xe tăng báo cáo tôi mới rõ, khi máy bay địch bay ra đánh vào đội hình phía sau, đồng chí không sơ tán mà vẫn tiếp tục cho bộ đội hành tiến. Vào trung tâm thị xã thấy máy bay địch ở sân bay Thành Sơn nằm phía tây thành phố đang bay ra đánh phá, đồng chí Tài lập tức cho tiểu đoàn tăng quặt phải tiến về sân bay. Đang mải mê chỉ huy quân lính đi đánh phá, bọn lính canh và bọn giặc lái bỗng thấy hàng chục chiếc xe tăng thiết giáp của ta gầm rú vội vàng nhảy lên máy bay giành nhau cất cánh chuồn về phía Nam. Nhưng hầu hết số máy bay còn lại ở sân bay bị hoả lực xe tăng ta kiềm chế đã không cất cánh nổi chịu bắt làm tù binh. Sau khi Sư đoàn 325 và Sư đoàn 3 Quân khu 5 làm chủ thị xã, tôi đã lệnh cho hai tiểu đoàn có 10 xe tăng yểm trợ truy kích bọn địch chạy ra bờ biển Cà Ná. Khoảng 13 giờ chiều, đồng chí Lê Quang Hoà, Chính ủy cánh quân phía Đông ở đường 1 cũng đã vào thị xã khi đây đó còn những vụ chạm súng lẻ tẻ.

        17 tháng 4, giữa lúc chúng tôi đang làm việc với Tỉnh ủy Phan Rang thì được tin anh em Sư đoàn 3 của ta đã bắt được trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, tư lệnh tiền phương quân khu 3 và chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn không quân 6. Sau này có đồng chí hỏi tôi, bọn Vĩnh Nghi có nhiều trực thăng như vậy sao chúng lại không chạy thoát. Tôi đã trả lời đúng như Nghi và Sang đã khai: “Khi các ông tấn công theo đường 1, chúng tôi đã cho máy bay ra đánh phá. Bọn phi công của chúng tôi thấy các ông tản ra ẩn nấp, tưởng là đã đánh tan đội hình. Và chúng tôi cũng tin như vậy. Đến lúc thấy xe tăng của các ông xuất hiện, tôi và chuẩn tướng Sang chạy ra máy bay, nhưng tất cả đều đã muộn, bọn lính lái máy bay của chúng tôi đã chạy hết. Không còn cách nào khác, tôi và Sang phải cải dạng chạy ra biển Cà Ná tìm thuyền vượt. Nhưng bộ đội giải phóng cũng đã tràn ngập ở đây. Thế là chúng tôi hết lối thoát…”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #77 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2017, 03:48:10 pm »


        Sau khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Phan Rang, chúng tôi tiếp tục được lệnh tiến về Phan Thiết. Trưa ngày 18 tháng 4, qua phái viên của Bộ tư lệnh Quân khu 5, ban chỉ huy Trung đoàn 812 đến gặp chúng tôi báo cáo lại toàn bộ tình hình ta, địch và địa hình Phan Thiết. Cân nhắc toàn bộ các mặt, chúng tôi quyết định tiến công Phan Thiết vào ban đêm để tránh không quân địch ở Sài Gòn bay ra đánh chặn. Lần này Trung đoàn 18 thay Trung đoàn 101 đảm nhiệm thê đội một, có một tiểu đoàn xe tăng và một tiểu đoàn pháo binh hỗ trợ.

        19 giờ đội hình tiến công xuất quân. Khi Trung đoàn 18 đến gần địch, cơ quan chỉ huy chúng tôi dừng lại và triển khai ngay cạnh đường để chỉ huy. Đúng 20 giờ, sau một đợt pháo bắn dồn dập, xe tăng và bộ binh ta vượt qua cầu đánh chiếm bờ nam. Sau đó một tiểu đoàn bộ binh ở lại đánh để mở rộng đầu cầu, lực lượng còn lại xông thẳng vào thị xã.

        Ở đây tôi cũng cần nói rõ là bắt đầu từ Phan Rang đến Sài Gòn, bộ binh chúng tôi tuy ngồi trên xe ô tô, nhưng cách chiến đấu giống như ngồi trên xe bọc thép, như bộ binh cơ giới. Thông thường bộ binh nếu có xe bọc thép thì ngồi trên xe chiến đấu, chỉ xuống đất khi địch chống cự mạnh, còn ô tô chỉ chở bộ binh đến khu tạm dừng, sau đó đi bộ để tiến vào khu triển khai chiến đấu. Ô tô chỉ là xe vận tải người, không phải là xe chiến đấu. Nhưng ở đây địch yếu nên chúng tôi dùng ô tô đi cùng xe tăng để tiến công, chỉ khi gặp địch chống cự mới xuống xe.

        Khoảng 21 giờ tại cơ quan sở chỉ huy, chúng tôi đã nghe rõ nhiều loạt đạn pháo xe tăng và các loại súng máy bắn nhiều trong thị xã. Đúng 22 giờ nhiều loạt đạn pháo hiệu xanh đỏ được bắn lên, báo hiệu ta đã cơ bản chiếm xong thị xã. Chúng ta lập tức lệnh cho một tiểu đoàn bộ binh và một tiểu đội tăng tiến ra chiếm cảng Ninh Chữ để chặn đường chạy của địch, các lực lượng khác triển khai chiếm giữ căn cứ và cảnh giới đề phòng địch tập kích, không tiến hành truy quét địch trong đêm. Chỉ huy sở của chúng tôi cũng ở lại tại chỗ không vào thị xã trong đêm.

        Sáng ra, sở chỉ huy tiền phương quân đoàn cùng sở chỉ huy Sư đoàn 325 di chuyển vào trung tâm thị xã. Trên đường đi gặp một số tù nhân của chế độ cũ được ta giải phóng. Một số anh em tù chính trị là cán bộ, quen biết các đồng chí đại diện của Quân khu 6 đi cùng quân đoàn. Anh em đó đề nghị chỉ nên giải phóng tù chính trị, còn giữ tù kinh tế lại để xét và thả sau. Nhưng chúng tôi đã thả hết. Sau này ta quản lý vùng giải phóng mới thấy rõ các đồng chí đề nghị đúng. Trong số tù kinh tế có một số là cướp và lưu manh chuyên nghiệp. Chúng được ta cho ra, nhưng một số lại tiếp tục hành nghề như cũ và đặc biệt đó là đất cho các loại gián điệp nước ngoài lợi dụng. Thậm chí trong số tù kinh tế đó một số là tay sai của bọn cai ngục, chuyên giúp bọn chúng đàn áp anh em chúng ta.

        Nghỉ lại Phan Thiết một ngày đêm, chiều ngày 21 chúng tôi lên đường đi vào rừng Lá phía bắc Xuân Lộc và tập kết ở đây để chờ lệnh mới. Ngày 22, đang nghỉ ngơi và cho người đi tìm đồng chí Lê Trọng Tấn thì đồng chí tham mưu trưởng Quân khu 6 đến gặp chúng tôi, mang theo thư của đồng chí Lê Trọng Tấn. Trong thư đồng chí Lê Trọng Tấn ra lệnh cho Quân đoàn 2 cho một lực lượng đánh Hàm Tân, tỉnh lỵ tỉnh Bình Tuy để hoàn thành việc giải phóng toàn bộ Quân khu 6.

        Khi nhận lệnh, lực lượng cơ bản của quân đoàn đã vượt qua ngã ba đường 1 đi Hàm Tân và vào tập kết ở rừng Lá. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho đơn vị đi sau cùng đội hình quân đoàn là Trung đoàn 66 Sư đoàn 304. Đồng chí Bùi Công Ái, Tham mưu trưởng quân đoàn được giao nhiệm vụ tăng cường chỉ huy cho Bộ tư lệnh Sư đoàn 304 để trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Các tiểu đoàn tăng đã đi quá đường rẽ xuống Hàm Tân, nếu cho quay lại thì sẽ tốn thêm giờ nổ máy, ảnh hưởng đến chiến dịch lớn về sau, nên chúng tôi chỉ sử dụng 1 tiểu đoàn thiết giáp còn đi phía sau để tăng cường cho Trung đoàn 66. Trước lúc đi, đồng chí Ái phân vân là thiết giáp ta chỉ có súng 12,7mm không đủ sức uy hiếp mạnh quân địch để giải quyết nhanh Hàm Tân. Tôi bàn với đồng chí Ái, tiến công Hàm Tân vào ban đêm, nên chúng ta cũng có thể kèm theo 1 xe thiết giáp 1 khẩu pháo 85. Khi gặp địch xe thiết giáp dừng lại, cho triển khai pháo 85 cạnh thiết giáp để bắn ngắm trực tiếp, như vậy vừa tăng thêm sức mạnh của thiết giáp khi cần phá huỷ các công sự kiên cố đồng thời uy hiếp tinh thần địch.

        Trong việc đánh Hàm Tân có chuyện buồn cười, là Việt Nam thông tấn xã lại “chiếm” trước chúng tôi. Nguyên nhân là trong đêm ngày 21, khi đoàn quân lớn của chúng tôi từ Phan Thiết tiến vào, bọn địch ở Hàm Tân hốt hoảng bỏ chạy. Sau không thấy bộ đội ta vào, ngày 23 chúng lại quay lại Hàm Tân. Sáng ngày 22, khi các đài phương Tây đưa tin địch mất Hàm Tân, đài ta cũng phát lại tin đó, thì Hàm Tân vẫn chưa được giải phóng.

        Đêm ngày 23 tháng 4 ta tiến công Hàm Tân. Lúc bộ đội ta tiếp cận sát thị xã cũng là lúc bọn chỉ huy địch ở Hàm Tân đang liên hoan mừng “chiến thắng”. Nguyên do có “chiến thắng” này là đêm ngày 21 lúc chúng bỏ chạy, chúng báo cáo bị ta tiến công mạnh, chúng phải trì hoãn chiến rút dần về Bà Rịa, tỉnh lỵ Phước Tuy và ngày 22 thấy ta không vào Hàm Tân chúng lại quay lại, và báo cáo, chúng đã phản kích chiếm lại được Hàm Tân. Với “thành tích” đó, một số tên được thưởng huân chương và một số tên được đề bạt lên cấp.

        Trong lúc bọn địch đang hoan hỉ với nhau, thì bọn trinh sát nghe thấy tiếng xe xích của ta, vội vàng vào báo cáo là có “địch” tiếp cận tiến công. Tên chủ nhiệm trinh sát chạy ra ngoài nghe và báo cáo lại là không phải tiếng xe tăng mà chỉ là tiếng xe thiết giáp thôi. Kể ra tên này cũng khá, đến lúc đó vẫn phân biệt được loại xe đang đến gần chúng. Nhưng người nào đấy trong bọn hốt hoảng quá kêu lên: “Đúng là xe tăng rồi, gần lắm rồi”, thế là không ai bảo ai, từ ngài đại tá tỉnh trưởng đến đại tá trung đoàn trưởng không thảo luận, không quyết tâm và không có mệnh lệnh chiến đấu cho ai hết, ba chân bốn cẳng chạy ra xe và phóng một mạch về Bà Rịa.

        Chủ tướng đã chạy, thì tất nhiên quân cũng không dại gì mà đánh nhau. Lúc pháo ta bắn và xe thiết giáp xông lên thì chúng bỏ chạy cả. Đồng chí Ái cũng không kịp áp dụng chiến thuật dùng xe thiết giáp với pháo 85 thay cho xe tăng. Quân ta nhanh chóng làm chủ thị xã.

        Giai đoạn vừa hành quân vừa chiến đấu của chúng tôi từ Đà Nẵng vào đến đây đã kết thúc. Thành phố Sài Gòn đã trước mắt và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đang đón chờ chúng tôi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #78 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2017, 04:41:31 pm »


        III. THAM GIA CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

        Chín giờ sáng ngày 22 tháng 4, sau khi giao nhiệm vụ cho đồng chí Ái đi đánh Hàm Tân, chúng tôi lên đường vào sở chỉ huy cánh Đông để gặp đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Hoà. Đến nơi, ngoài đồng chí Tấn và đồng chí Hoà, chúng tôi đã thấy đông đủ các đồng chí Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, các đồng chí đại diện các quân binh chủng và đồng chí Hai Nhã, phái viên của Bộ chỉ huy chiến dịch. Toàn là những đồng chí quen biết cũ, lâu ngày gặp nhau, nên phải mất một thời gian nói chuyện thăm hỏi rồi mới bắt tay vào công việc.

        Đồng chí Hai Nhã, phái viên của Bộ chỉ huy chiến dịch phổ biến cho chúng tôi ý định chung của chiến dịch mang tên Bác và nhiệm vụ của cánh Đông. Lực lượng chiến dịch rất lớn gồm 5 quân đoàn (các quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 – tương đương một quân đoàn) và đơn vị địa phương của Quân khu 7. Trong lúc theo dõi việc phổ biến ý định chiến dịch, tôi đặc biệt quan tâm về thời gian bắt đầu chiến dịch. Các đơn vị bạn đã tề tựu xung quanh Sài Gòn nhiều ngày trước, riêng Quân đoàn 2 chúng tôi thì đang quá trình tập kết lực lượng. Tôi hơi yên tâm là chiến dịch sẽ bắt đầu vào đêm ngày 26. Như vậy từ nay đến đó chúng tôi còn bốn ngày đêm. Bốn ngày đêm thì gấp thật, nhưng trong hoàn cảnh hiện nay cũng là quý hoá lắm rồi. Về nhiệm vụ, cánh Đông có vinh dự được phân công chiếm quận 1 trong đó có dinh Độc Lập và hầu hết các cơ quan chính quyền của chúng như nghị viện, bộ quốc phòng, v.v...

        Sau khi đồng chí Hai Nhã phổ biến xong, đồng chí Tấn mời đồng chí Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4, người đã ở lâu và quen thuộc mọi mặt ở đây, phát biểu ý kiến đầu tiên về quyết tâm tác chiến của cánh Đông. Đồng chí Hoàng Cầm đã mang theo cả một kế hoạch hoàn chỉnh của cánh Đông kèm theo cả bản đồ quyết tâm. Liếc nhìn bản đồ, chúng tôi hiểu ngay đồng chí làm kế hoạch theo tình hình mấy ngày trước, tức cánh Đông chỉ có quân đoàn của đồng chí là chủ yếu, còn lực lượng đang tiến quân trên đường 1 thì chỉ có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi báo cáo, đồng chí Hoàng Cầm vẫn báo cáo theo kế hoạch đã vạch sẵn của đồng chí. Chỉ khác là sau khi biết cánh quân đường 1 có đủ 3 sư đoàn, đồng chí đề nghị dùng 1 sư đoàn đánh Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 sư đoàn tăng cường cho quân đoàn đồng chí làm dự bị, còn 1 sư đoàn làm dự bị chung cho chiến dịch. Chúng tôi trong Bộ tư lệnh Quân đoàn tuy không ai nói với ai, nhưng đều thấy không ổn. Nếu như đồng chí Hoàng Cầm đề nghị, thì không còn danh nghĩa Quân đoàn 2 nữa, các sư đoàn đều xẻ ra dùng vào các nhiệm vụ khác nhau. Chúng ta đều biết sức mạnh quân đoàn không phải chỉ ở ba sư đoàn bộ binh mà còn các binh chủng chiến đấu và nhất là còn Bộ tư lệnh Quân đoàn với các phương tiện chỉ huy và bảo đảm của nó.

        Sau khi đồng chí Hoàng Cầm trình bày xong, đồng chí Lê Trọng Tấn và đồng chí Lê Quang Hoà đều thấy cần phải bàn thêm nhiều, nên đã chủ động cho nghỉ và chỉ thị cơ quan cũng như các đồng chí trong hai Bộ tư lệnh suy nghĩ thêm rồi chiều thảo luận. Cả buổi trưa chúng tôi phải tranh thủ làm hai việc. Một là thảo luận để thống nhất trong Bộ tư lệnh Quân đoàn phương án tác chiến và tranh thủ sự đồng tình của các đồng chí trong cơ quan của Bộ tư lệnh cánh Đông.

        Đúng 15 giờ chúng tôi họp lại. Đồng chí Nguyễn Hữu An thay mặt Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 trình bày phương án của quân đoàn. Chúng tôi đề nghị sử dụng cả hai quân đoàn ở thê đội 1. Quân đoàn 4 đột phá cánh phải vào Biên Hoà dọc theo đường 1 vào thẳng dinh Độc Lập. Quân đoàn 2 đột phá cánh trái vào Nước Trong, Long Bình theo xa lộ Biên Hoà - Sài Gòn vào khu vực bộ tư lệnh hải quân và cảng Sài Gòn. Quân đoàn tách 1 sư đoàn đánh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đánh theo cách này sẽ tạo ra sức mạnh đột phá ban đầu và sau đó hai mũi song song đột kích sẽ hỗ trợ cho nhau thuận lợi trong quá trình phát triển tiến công.

        Sau khi chúng tôi trình bày phương án, các đồng chí cơ quan chiến dịch đều ủng hộ. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 cũng đồng ý với chúng tôi. Đồng chí Hoàng Cầm cười nói: “Vì phương án đã chuẩn bị sẵn, các sư đoàn cũng đã chuẩn bị theo phương án đó. Hơn nữa cũng không rõ tình hình Quân đoàn 2 và nhất là Quân đoàn 2 mới vào chưa chuẩn bị kịp. Nay được biết Quân đoàn 2 có đủ 3 sư đoàn, các đơn vị pháo, tăng, vào đầy đủ, bản thân Bộ tư lệnh Quân đoàn thấy chuẩn bị kịp thì Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 cũng hoàn toàn ủng hộ phương án, dùng cả 2 quân đoàn ở thê đội một, song song đột kích”. Đồng chí Tấn và đồng chí Hoà trao đổi với nhau và nhanh chóng thông qua phương án tác chiến, dùng hai quân đoàn cùng đột kích một lúc.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #79 vào lúc: 31 Tháng Giêng, 2017, 04:44:07 pm »


        Bước sang phần tổ chức hiệp đồng, có một việc tế nhị là Quân đoàn 4 được phân công đánh chiếm dinh Độc Lập, nhưng quân số và trang bị của Quân đoàn 4 đều ít hơn Quân đoàn 2, hơn nữa Quân đoàn 2 đã có nhiều kinh nghiệm đột phá nhanh trong hành tiến qua các trận Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết; vì vậy, có nhiều khả năng Quân đoàn 2 sẽ vào trước. Lẽ dĩ nhiên Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 không nêu vấn đề này ra, vì lúc này ai cũng muốn đơn vị mình lập được nhiều thành tích lớn nhất. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 cùng cảm thấy khả năng Quân đoàn 2 vào trước có thể xảy ra, nhưng đơn vị nào cũng thấy bản thân mình phải phát huy nỗ lực cao nhất, nên cũng không nêu ra trường hợp Quân đoàn 2 vào trước thì có vào dinh Độc Lập không. Cuối cùng đồng chí Ngô Hùng, phụ trách cơ quan tham mưu của cánh Đông nêu lên vấn đề: Nếu Quân đoàn 4 tiến chậm thì Quân đoàn 2 vẫn tiến thẳng hay đánh vòng sang phải để chi viện cho Quân đoàn 4 tiến lên nhanh. Đồng chí Lê Trọng Tấn trả lời là, trong song song đột kích, cách chi viện cho nhau tốt nhất là cứ thọc sâu vào phía trong, không đánh quặt sang phải sang trái. Lý lẽ như vậy thì không ai có thể tranh cãi được rồi. Vì vậy vấn đề được thông qua. Sau hội nghị, đồng chí Ngô Hùng có nói riêng với đồng chí Lê Trọng Tấn, nếu từng đơn vị cứ thọc nhanh vào trong, thì Quân đoàn 2 sẽ vào trước. Đồng chí Tấn nói, ai vào cũng được, đơn vị nào cũng đều là Quân đội nhân dân Việt Nam cả, vấn đề là phải vào thật nhanh, phải đánh chiếm dinh Độc Lập càng sớm càng tốt, sớm được giờ phút nào thì đỡ xương máu cho bộ đội, đỡ tàn phá cho thành phố.

        Sau khi kết luận những điểm chính về hiệp đồng và chỉ thị thêm những điểm cần thiết về tổ chức bảo đảm, đồng chí Lê Trọng Tấn thông báo theo quyết định của Bộ chỉ huy chiến dịch trực tiếp nắm các quân đoàn. Đồng chí Lê Quang Hoà đi trong đội hình Bộ chỉ huy chiến dịch, còn đồng chí Lê Trọng Tấn và một số cán bộ vẫn ở lại hướng Đông để đôn đốc và tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4.

        19 giờ ngày 22 chúng tôi về đến cơ quan quân đoàn. Tính toán thời gian thì nhất thiết sáng ngày 23 phải họp với các sư đoàn, lữ đoàn phải giao nhiệm vụ và tổ chức hiệp đồng, bảo đảm cho các sư đoàn chiều ngày 23 về đến đơn vị. Như vậy bảo đảm cho họ có 2 ngày đêm để tổ chức chiến đấu từ sư đoàn đến đại đội, vì đêm ngày 25 tất cả các đơn vị đều phải vào vị trí chiến đấu để bảo đảm bắt đầu tiến công vào 18 giờ ngày 26 theo kế hoạch của Bộ chỉ huy chiến dịch. Đồng chí Ái đi vắng, tôi phải làm công tác của tham mưu trưởng. Cùng với cơ quan tác chiến, chúng tôi vạch ngay thời gian công tác thật chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc để bảo đảm 7 giờ sáng ngày 23 hoàn thành mọi công tác tổ chức tác chiến của cấp quân đoàn. Cơ quan tham mưu phải hoàn thành dự kiến quyết tâm trước 23 giờ. Từ 23 giờ ngày 22 đến 1 giờ ngày 23 họp Đảng ủy và từ sau họp Đảng ủy cho đến lúc trời sáng chúng tôi phải hoàn chỉnh lại quyết tâm, làm kế hoạch tác chiến, làm các kế hoạch và chỉ thị về công tác bảo đảm.

        Quyết tâm tác chiến của Quân đoàn 2 gồm các nội dung chính sau đây:

        - Hướng tiến công chủ yếu của quân đoàn là hướng Nước Trong, Long Bình, sau đó theo xa lộ Biên Hoà - Sài Gòn vào thẳng quận 1. Hướng thứ yếu là hướng Long Thành, Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ và vượt sông sang quận 9. Sư đoàn 3 được tăng cường 1 đại đội tăng, 1 tiểu đoàn pháo nòng dài đảm nhiệm đánh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành một hướng riêng, mang tính chất độc lập chiến đấu, nên không đưa vào kế hoạch tiến công của quân đoàn trên hướng Sài Gòn.

        - Nhiệm vụ trước mắt đánh chiếm toàn bộ căn cứ địch ở tả ngạn sông Đồng Nai, nhiệm vụ tiếp sau thọc nhanh vào Sài Gòn đánh chiếm một phần quận 1, quận 9 và quận 4. Trong quá trình chiến đấu triển khai pháo ở Nhơn Trạch để bắn sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng ngày 29 tháng 4 và chiếm được các cầu xa lộ bảo đảm không bị địch phá trong đêm ngày 28.

        - Nhiệm vụ các đơn vị: Sư đoàn 304 tiến công trên hướng chủ yếu; Sư đoàn 325 tiến công trên hướng thứ yếu; lữ đoàn tăng 203 được tăng cường 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 tiểu đoàn vượt sông, làm nhiệm vụ cơ động thọc sâu, tiến vào chiến đấu từ cầu Biên Hoà trên xa lộ. Trung đoàn đặc công phải chiếm được 2 cầu chính trên xa lộ và giữ vững các cầu đó để bảo đảm cho binh đoàn thọc sâu tiến công qua cầu (nếu cầu bị phá phải qua phà thì rõ ràng sẽ chậm hơn tất cả các hướng); lữ đoàn pháo binh ngoài việc tổ chức thành cụm pháo quân đoàn, phải chuẩn bị sẵn 1 tiểu đoàn đi theo sau ngay trung đoàn thê đội 1 của Sư đoàn 325 để chiếm lĩnh trận địa Nhơn Trạch, bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM