Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 09:59:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 36649 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #50 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 02:39:52 pm »


        Cũng như các trận đánh khác, chập tối chúng tôi hành quân, 10 giờ triển khai xong đội hình bắt đầu làm công sự. Vì đất ở vùng núi là đất sỏi, đá nên sau hai giờ mỗi người chỉ đào được một hố cá nhân sâu khoảng nửa mét đến một mét, không đào được giao thông hào. 12 giờ trận đánh bắt đầu. Mặc dầu hoả lực trong đồn bắn ra mãnh liệt và pháo địch ở các căn cứ gần đó bắn dồn dập, hai đại đội 59, 60 đều mở được cửa và xông vào cứ điểm. Sau 2 giờ chiến đấu, hai đại đội từ hai phía đã gặp nhau và làm chủ điểm cao. Cứ điểm còn lại một điểm cao ở phía nam, cao hơn điểm cao chúng tôi chiếm được khoảng 50m. Vì hai đại đội thương vong quá lớn, bốn cán bộ đại đội hy sinh, đồng chí Đượm bị thương nên không đủ sức đánh lên điểm cao. Tôi lệnh cho đồng chí Liêm, đại đội trưởng đại đội 54, đơn vị ở phía nam, điều đại đội vòng về phía đại đội 60 để vượt qua đội hình đại đội 60 tiến công lên điểm cao. Trên đường cơ động, bị pháo binh bắn sát hàng rào, đại đội thương vong lớn, vỡ đội hình. Đồng chí Liêm đến gặp tôi báo cáo đại đội không đủ mười người. Nhận thấy không có khả năng tiếp tục đánh dứt điểm, tôi bàn với đồng chí Kế cho lui quân. Trận này chúng tôi chiếm được 2/3 đồn, nhưng thương vong quá lớn, 250 đồng chí, trong đó có năm cán bộ đại đội hy sinh. Tiểu đoàn thời đó quân số khoảng 400, nay chỉ còn lại 150. Đặc biệt là hai đại đội đột phá, mỗi đại đội chỉ còn 20 đồng chí. Thông thường những trận đánh thương vong nặng như vậy, xốc đơn vị lên rất khó. Cũng may, chỉ còn 150 người, tiểu đoàn vẫn cơ động lên đường số 6 và đánh một trận phục kích thắng lợi lớn. Nhờ thắng lợi này mà chúng tôi vực được tiểu đoàn lên trong một thời gian ngắn.

        Trên đường số 6 địch vẫn thường cơ động lực lượng cả đi và về. Hai bên đường là rừng rậm. Trong hành quân địch cắm chốt canh gác, sục sạo nhưng cũng chỉ vào cách đường 50-70m. Vấn đề bố trí quân để phục kích không khó, cái chính là làm sao đánh thật nhanh, rút thật nhanh vì cứ điểm địch có đại đội, tiểu đoàn chỉ cách nhau 5-10km. Chúng tôi chọn đoạn cầu Cụt Tai là đoạn hai cứ điểm cách nhau gần 10km. Đoạn phục kích của ta từ đầu đến cuối dài khoảng 2km, như vậy mỗi hướng cũng còn cách đồn địch 3-4km. Về phục kích, tôi có nhiều kinh nghiệm. Chúng tôi bố trí đại đội 60 làm nhiệm vụ chặn đầu; đại đội 54 quân số đông nhất (khoảng 50 đồng chí) là lực lượng tiến công trên hướng chính kiêm việc khoá đuôi; đại đội 59 trên hướng đối diện, bố trí ở bắc đường số 6. Điều chính là biết đặt đài quan sát, nắm chắc đội hình hành quân của địch để xuất kích kịp thời và đánh được vào đội hình chính của chúng. Sáng sớm, địch xuất phát từ hướng Hoà Bình đi về hướng Hà Nội với lực lượng một tiểu đoàn, có 2 xe bọc thép loại AM, tức loại xe có đại bác 37mm. Chúng tôi quyết tâm đánh hai đại đội đi sau. Nếu bỏ hai đại đội đi sau, chúng rất dễ tiến lên để cứu viện. Trái lại, bỏ đại đội đi đầu do địa hình hiểm trở, chúng ít có khả năng quay lại cứu viện. Đúng lúc đại đội đi đầu của địch gần vượt đoạn chặn đầu, các đại đội nhận lệnh xuất kích. Khoảng 5 phút họ đã ra sát đường cái bắt đầu bắn mạnh vào địch, có bộ phận đã bắt đầu ném lựu đạn. Kèn tây của tiểu đoàn bắt đầu thổi mạnh, vừa để phát hiệu lệnh xung phong chung, vừa để thông báo cho bộ phận đối diện biết để vận động ra phối hợp. Thời đó, cấp tiểu đoàn không có vô tuyến điện, nếu dùng điện thoại, để giữ bí mật chúng tôi không mắc qua đường. Đại đội 59 chỉ hiệp đồng theo tiếng súng và hiệu lệnh của tiếng kèn tây Khi tôi ra bên đường thì thấy đại đội 59 cũng ra đường. Họ xuất kích chậm hơn hướng chủ yếu một ít, nhưng lại diệt được nhiều địch, vì khi hướng chủ yếu xung phong, một số địch bị diệt ngay trên đường, số còn lại lui về phía bắc để đánh trả, nên đại đội 59 thúc vào lưng chúng diệt gọn. Hai chiếc AM, chiếc đầu đi thoát, không dám quay lại chi viện, chỉ bắn vu vơ, chiếc sau bị đồng chí Viếng nhảy lên ném lựu đạn vào xe (theo cách đánh của đồng chí Cù Chính Lan trước đó) diệt địch và phá xe. Như vậy chỉ khoảng 20 phút, chúng tôi diệt gọn hai đại đội, bắt hơn hai chục tù binh trong đó có tên quan hai, đại đội trưởng, phá nhiều xe ô tô và một xe AM. Trận thắng này, như trên tôi đã nói, có tác dụng chủ yếu là làm cho toàn tiểu đoàn phấn khởi lên, khắc phục được tình trạng bi quan, có người dao động sau trận Đồi Mồi, mở đường cho tiểu đoàn tiến lên giành nhiều thắng lợi sau này.

        Cuối tháng, do sợ bị thiệt hại nặng, không nối được hành lang đông tây, bị ta đánh mạnh ở đồng bằng, Đờ Lát buộc phải rút quân khỏi Hoà Bình. Chúng tổ chức rút quân khá bài bản. Trong ngày rút quân, các cứ điểm trên trục đường đều đưa quân ra chiếm giữ các điểm cao. Bộ phận xa nhất (quân ở thị xã) rút trước. Sau đó lần lượt theo kiểu cuốn chiếu. Sau khi bảo đảm cho bộ phận phía sau rút hết, các đơn vị đóng chốt mới lần lượt rời khỏi điểm cao để rút quân. Địch rút quân có bài bản, ta lại chủ trương đánh đuổi, nên hầu hết lực lượng, cùng một lúc thọc mạnh ra đường, làm rối loạn đội hình của chúng và thu được thắng lợi lớn. Tuy vậy, chỉ trong một ngày, địch thực hiện được việc rút hết lực lượng từ Hoà Bình đến Xuân Mai.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #51 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 02:45:06 pm »


        VIII. VÀO ĐỊCH HẬU

        Kết thúc Chiến dịch Hoà Bình, toàn trung đoàn rút quân về vùng Nho Quan củng cố. Riêng tiểu đoàn tôi được lệnh về đồng bằng Nam Định, ở các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực, Hải Hậu là vùng vừa được giải phóng trong khi diễn ra chiến dịch Hoà Bình. Trước khi xuống đồng bằng, tiểu đoàn được bổ sung quân số. Đồng chí Kình về làm chính trị viên tiểu đoàn thay đồng chí Bùi Đình Kế. Đồng chí Trần Hậu Tưởng, một giáo viên ở Trường sĩ quan Lục quân về làm tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn ra quân phấn khởi. Lâu ngày ở rừng núi ăn uống kham khổ, nay về đồng bằng được hưởng gió biển trong lành, được nhân dân nuôi dưỡng đầy đủ, sức khỏe bộ đội hồi phục nhanh.

        Bộ đội về đồng bằng đâu phải để an dưỡng mà là để đánh giặc. Lúc này địch đang củng cố lực lượng sau thất bại lớn ở cả hai hướng, rừng núi và đồng bằng, nên chúng còn co lại, chưa có cuộc hành quân nào lớn. Chúng tôi chỉ còn cách là chủ động tiến công chúng. Như vậy lại phải công đồn. Sau khi nghiên cứu sơ bộ về địch, chúng tôi thấy tiến công đồn Lạc Quần là thuận lợi nhất, vì đồn Lạc Quần nằm đột xuất trong khu vực giải phóng của ta. Đồn Lạc Quần công sự khá vững chắc, nhưng lực lượng chỉ có một đại đội quân ngụy, vừa sức của tiểu đoàn.

        Kế hoạch cũng bài bản như các trận trước. Đại đội 60 của đồng chí Đượm tiến công hướng chủ yếu. Đại đội 54 của đồng chí Lũy tiến công hướng quan trọng (đồng chí Lũy về thay đồng chí Tặng hy sinh ngay sau trận Đồi Mồi). Đại đội 54 của đồng chí Liêm cùng một trung đội làm nhiệm vụ dương công, còn lại làm lực lượng dự bị tiểu đoàn. Đại đội 92 (đại đội trợ chiến) có hai súng cối 82mm và hai khẩu đại liên tập trung chi viện cho hướng chủ yếu. Trong quá trình chiếm lĩnh trận địa, địch bắn vu vơ, nhưng đồng chí Đượm trúng đạn súng cối, bị thương khá nặng. Sau khi băng bó xong, đồng chí vẫn xin tiếp tục chỉ huy. Trận đánh diễn ra thuận lợi. Chỉ sau một giờ, chúng tôi làm chủ trận địa. Địch không chạy thoát tên nào vì như trên đã nói, nằm đột xuất trong vùng giải phóng. Đây là trận công kiên đầu tiên thắng lợi hoàn toàn của tiểu đoàn và của cả đối với tôi.

        Sau trận thắng Lạc Quần, chờ mấy hôm theo dõi sự phản ứng của địch, chúng tôi nhận xét, chúng chưa sẵn sàng mở cuộc càn lớn. Vì vậy chúng tôi chuẩn bị đánh tiếp một đồn khác. Mục tiêu chọn là đồn Vọc ở Nam Trực, một vị trí đột xuất trong vùng giải phóng của ta. Kế hoạch định đêm sẽ đánh, nhưng buổi sáng một tiểu đoàn địch ra chiếm lại huyện lỵ Nam Trực. Tiền phương trung đoàn nhận định địch đã bắt đầu cuộc càn, lệnh cho chúng tôi chuẩn bị chống càn và rút hai khẩu sơn pháo tăng cường cho tiểu đoàn về phía sau. Sau trận Lạc Quần, trung đoàn cử đồng chí Hoàng Khắc Tiến, Trung đoàn phó cùng một số cán bộ tham mưu vào Nam Định để vừa chỉ huy tiểu đoàn tôi, vừa chuẩn bị để đưa thêm một tiểu đoàn khác vào địch hậu. Chúng tôi đặt kế hoạch chống càn và theo dõi sát tình hình địch ở Nam Trực.

        Khoảng 5 giờ chiều quân địch ở Nam Trực rút về phía sau. Đêm nay có đánh Vọc không. Cần trao đổi cẩn thận, vì hai khẩu pháo, vũ khí chính để diệt lô cốt địch trung đoàn đã rút đi. Sau một hồi cân nhắc, cả hai đại đội trưởng làm nhiệm vụ đột phá đều trả lời, không cần sơn pháo cũng đánh được. Các đồng chí cho rằng đồn Vọc chỉ có 3 lớp hàng rào với chiều dày 30m, bộ đội ta đã quen dùng đại liên, trung liên để kiềm chế hoả điểm địch bảo đảm cho mở cửa xung phong. Chúng tôi hạ quyết tâm không có sơn pháo cũng đánh. Trận đánh diễn ra khá thuận lợi. Chưa đầy 1 giờ chúng tôi đã chiếm được đồn, thương vong cũng ít.

        Trong trận này, tôi lại may mắn thoát chết. Các trận trước, khi đi theo đơn vị vào tiếp tục phát triển tôi mới vào đồn. Trước đó tôi vẫn ở tại vị trí chỉ huy ngoài đồn. Nói vị trí chỉ huy nhưng cũng chỉ là cái hố đứng quan sát trận đánh, có đồng chí điện thoại viên cùng máy bên cạnh. Trong trận này không hiểu vì sao, tôi lại xông vào đồn cùng đồng chí đại đội trưởng đại đội 60, đi sau trung đội xung kích đầu tiên. Sau khi trận đánh kết thúc, tôi ra lại vị trí chỉ huy, gọi đồng chí điện thoại viên, không thấy thưa. Dùng đèn pin soi xuống hầm và xung quanh, tôi phát hiện một quả pháo nổ ngay cạnh vị trí chỉ huy của tôi và đã cắt đứt đầu đồng chí điện thoại viên. Đồng chí vẫn có thói quen, dứt máy ngay để cùng tôi đứng quan sát. Nếu tôi không vào đồn sớm, ở lại chỗ cũ thì chắc tôi cũng hy sinh như đồng chí điện thoại viên.

        Bị mất thêm đồn Vọc, địch buộc phải tập trung lực lượng về Nam Định để càn quét đẩy ta ra xa. Vọc chỉ cách thành phố Nam Định khoảng 10km. Kế hoạch chống càn thường chọn trong các cánh quân địch, cánh nào ta phán đoán là yếu hơn thì tập trung lực lượng tiêu diệt. Khi địch phát hiện ta, chúng dồn quân lại bao vây để cất vó, trong đêm ta rút ra vòng ngoài, làm cho chúng cất vó hụt.

        Đánh càn lần này, chúng tôi bố trí tiểu đoàn thành hai bộ phận ở hai khu vực cách xa nhau khoảng 4-5km, đề phòng đơn vị này bị vây, đơn vị ở ngoài hỗ trợ. Tiểu đoàn (thiếu 1 đại đội) do tôi chỉ huy bố trí ở thôn Ngọc Giã, một đại đội khác do đồng chí Trần Hậu Tưởng, tiểu đoàn phó chỉ huy.

        Chúng tôi đã không đánh giá hết lực lượng địch. Ngay từ sáng cả GM 19 (binh đoàn cơ động 19) từ ba phía tiến thẳng đến bao vây và tiến công thẳng vào Ngọc Giã. Có thể chúng nắm được nơi đóng quân của ta. Với lực lượng thiếu, chúng tôi không có khả năng để diệt bất cứ cánh quân nào, vì mỗi cánh quân là một tiểu đoàn địch. Chúng tôi đánh theo lối cố thủ trong làng. Làng Ngọc Giã khá rộng, bề dài đến 1km, bề ngang khoảng 500m. Theo kinh nghiệm trước đây nhiều lần đụng độ với địch ở đồng bằng Quảng Trị, tôi cho rằng với hố cá nhân, dựa vào lũy tre, với tất cả hoả lực có trong tay, chúng ta đủ sức ngăn chặn địch trong một ngày. Diễn biến cũng đã xảy ra như vậy. Cả ba tiểu đoàn địch suốt ngày không vào được làng. Tất nhiên chúng cũng làm chúng tôi thương vong một số, nhưng chúng bị thiệt hại lớn hơn. Chúng chủ trương chia quân bao vây để ngày mai đánh tiếp. Khoảng 8 giờ tối, qua nắm tình hình chúng tôi biết rõ, chúng co vào ba cụm lớn, giữa các cụm rải chốt cỡ trung đội để ngăn chúng tôi vượt ra ngoài. Chúng tôi nghiên cứu đường rút cả ba hướng để hướng nào thuận lợi hơn thì rút theo hướng ấy. Khoảng 10 giờ đêm, đồng chí Tưởng dùng đại đội của mình ở vòng ngoài tiến công địch từ hướng tây. Lợi dụng lúc địch tập trung lực lượng đối phó với đồng chí Tưởng, chúng tôi bí mật rút về hướng nam, tức hướng có hậu phương rộng của ta. Cuộc rút lui an toàn. Chúng tôi mang được hết thương binh ra ngoài. Sáng hôm sau địch vào làng, không thấy bóng dáng bộ đội ta. Vồ hụt chúng tôi, chúng kết thúc luôn cuộc hành quân.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #52 vào lúc: 20 Tháng Giêng, 2017, 03:10:30 pm »


        IX. THU ĐÔNG NĂM 1952

        Chiến đấu liên tục từ chiến dịch Hoà Bình, tiểu đoàn tôi chưa có thời gian huấn luyện, trung đoàn cho tiểu đoàn về Nho Quan củng cố, đưa tiểu đoàn 346 vào thay. Trước mắt là mùa mưa, nhưng chúng tôi biết thu đông sắp tới chắc sẽ lạnh lắm. Nhưng việc quan trọng là tranh thủ thời gian huấn luyện cán bộ và huấn luyện tân binh.

        Thu đông năm 1952, Bộ mở chiến dịch lớn ở Tây Bắc. Đại đoàn 304 vẫn ở lại Ninh Bình đánh dịch ở vòng ngoài, phối hợp với Đại đoàn 320 đánh địch ở vòng trong. Đại đoàn phân công Trung đoàn 66 đánh địch dọc đường 10, nam thị xã Ninh Bình, Trung đoàn 57 đánh địch từ Yên Mô đến Phát Diệm. Trận đầu tiên đại đoàn quyết định diệt hai đồn: Trung đoàn 66 diệt đồn Chùa Cao, Trung đoàn 57 diệt Tuy Lộc để mở ra khả năng đánh viện lớn. Trung đoàn 57 cho tiểu đoàn tôi đánh Tuy Lộc. Trong hội nghị cán bộ toàn đại đoàn (cấp tiểu đoàn trở lên) đồng chí Đại đoàn trưởng Hoàng Minh Thảo tổ chức cho hai tiểu đoàn đánh trận đầu thi đua với nhau. Chùa Cao, Trung đoàn 66 cũng phân công cho tiểu đoàn chủ công của trung đoàn là tiểu đoàn Lê Lợi. Chỉ tiêu thi đua là diệt gọn, bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, ta ít thương vong. Sau trận đánh hai tiểu đoàn đều diệt gọn, bắt toàn bộ tù binh, thu toàn bộ vũ khí (đều của một đại đội địch). Theo chỉ tiêu ban đầu, tiểu đoàn tôi phải trội hơn vì chúng tôi không ai hy sinh, chỉ có ba đồng chí bị thương nhẹ, không phải đi bệnh viện. Nhưng đồng chí Lê Chưởng, Chính ủy đại đoàn kết luận thưởng cho tiểu đoàn Lê Lợi, vì theo đồng chí nói, đồn Chùa Cao quan trọng hơn, chiến dịch trước Trung đoàn 66 về, sau đó Trung đoàn 88 đánh nhưng đều không thành công. Chỉ tiêu này không thấy nêu ra trước trận đánh. Chúng tôi cũng đều vui vẻ cả, vì cái chính là mình đã thắng trận, bộ đội không thương vong.

        Đây là một trận chỉ có một lần trong đời tôi, là trận đánh duy nhất của sư đoàn tôi suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ, trận công đồn, tiểu đoàn diệt một đại đội địch mà không ai thương vong. Vì vậy tôi trình bày lại trận đánh cụ thể hơn để rút kinh nghiệm phần nào cho cán bộ sau này. Đồn Tuy Lộc cũng giống hầu hết các đồn thời đó ở đồng bằng, ngoài có 5-7 hàng rào dây thép gai với chiều sâu khoảng 80-100m, xung quanh ở các góc có các lô cốt xây vững chắc, trong đó đặt 2-3 súng máy bắn ra các hướng. Nối liền các lô cốt là tường hộp vừa là nơi chiến đấu vừa là nơi ngủ của lính. Ở giữa có một lô cốt mẹ, thường là 2-3 tầng để cố thủ. Hoả lực lúc bắn ra ngoài ở cự ly xa. Riêng đồn Tuy Lộc hai lô cốt là bức tường phía nam, nằm trên bờ đê, dùng hoả lực ở lô cốt, được xây dựng nhô ra phía ngoài để kiểm soát dọc đê theo mép bờ sông. Khi bàn cách đánh, chúng tôi cũng chỉ nghĩ làm cách nào đó giảm bớt thương vong, chứ không ai dám nghĩ không thương vong. Chúng tôi chủ trương mở cửa ở mép đê phía ngoài, vì nếu diệt được hai lô cốt trên đê thì địch không còn kiểm soát được mép ngoài của đê. Để diệt hai lô cốt này, chúng tôi lúc đặt hai khẩu sơn pháo ở bờ đê bên hữu ngạn cách lô cốt 70m (địch đóng ở bờ đê tả ngạn, sông chỉ rộng 50-60m). Với cự ly 70m, bắn thẳng, việc diệt lô cốt không có gì khó khăn với anh em pháo binh. Sau khi chiếm được lô cốt đầu cầu, ta đưa ngay hai khẩu SKZ bắn trực tiếp vào lô cốt mẹ, ở cự ly 50m, phá hủy và chiếm ngay lô cốt mẹ, để từ đó đánh toả ra các tường hộp, tức từ trong đánh ra. Đi nhanh chóng diệt địch trong tường hộp, trước hết dùng bộc phá khối lớn, cắt ngang tường hộp ra mấy đoạn. Từ các đoạn cắt đó, dùng lựu đạn ném vào cửa sau của tường hộp để diệt địch. Việc kiềm chế pháo địch ở Phát Diệm chi viện đã có đại đoàn lo. Việc diệt viện binh ở Phát Diệm lên trung đoàn đảm nhiệm.

        Sau ba đêm trinh sát nhiều lần, các đại đội đều vào chiếm lĩnh trận địa đúng vị trí quy định. Sau này khi làm giảng viên, học viên có hỏi tôi, trong đánh công kiên, lúc chiếm lĩnh trận địa, tiểu đoàn trưởng làm gì? Tôi đã trả lời thật mà như đùa: tiểu đoàn trưởng ngủ. Sự thật là trong trận này, lúc bộ đội chiếm lĩnh trận địa và đào công sự, tôi ngủ. Lý do: ba đêm đi trinh sát liền, hoàn toàn không được ngủ. Ban ngày phải họp cán bộ, kiểm tra các đơn vị nên cũng không được ngủ. Thèm ngủ là tất nhiên. Nhưng không phải như vậy. Cái chính là tôi tin tưởng ở ba đồng chí đại đội trưởng. Họ đã cùng tôi đánh thắng Lạc Quần, đánh thắng Vọc. Tôi biết họ đủ sức đưa đại đội mình vào đúng vị trí và triển khai lực lượng bí mật, an toàn. Việc kiểm tra trận địa hoả lực đã có đồng chí tiểu đoàn phó Trần Hậu Tưởng.
« Sửa lần cuối: 20 Tháng Giêng, 2017, 03:23:11 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #53 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 09:45:08 pm »


        Tôi xin nói mấy lời về đồng chí Tưởng. Đồng chí là công chức thời Pháp thuộc, nên được học hết cấp 2 (thời đó cũng được gọi là trí thức). Đồng chí học lục quân khoá 1, sau đó ở lại làm giáo viên nhiều năm. Kinh nghiệm chiến đấu lúc mới về tiểu đoàn có hạn, nhưng trình độ tổ chức chiến đấu thì ít cán bộ vượt được đồng chí. Ví dụ, chuẩn bị chiến đấu, đặc biệt phải kiểm tra kỹ việc chuẩn bị bộc phá của các trung đội làm nhiệm vụ mở cửa. Đồng chí đã kiểm tra thì trăm quả nổ cả trăm. Tôi đứng xem đồng chí kiểm tra mà lòng đầy khâm phục, tin tưởng. Đồng chí ra lệnh rải vải và đặt thuốc nổ lên. Kiểm tra đặt đúng vị trí và liều lượng, đồng chí cho lệnh gói. Gói xong kiểm tra từng gói một. Đến lượt cắt dây cháy chậm, đồng chí kiểm tra kỹ xem cắt đúng chưa và cho ghép vào kíp nổ từng dây một. Sau đó kiểm tra nụ xoè và cho ghép nụ xoè. Ghép xong cho đặt kíp nổ vào gói thuốc, cột chặt, ốp kỹ ni-lông che mưa.

        Quay lại trận đánh. Sau khi hoàn thành mọi công việc chuẩn bị, điện thoại thông với các đại đội và trận địa hoả lực, đồng chí tiểu đoàn phó gọi tôi dậy, thống nhất giờ nổ súng (12 giờ đêm). Sau đó tôi nói đồng chí Tưởng ở lại vị trí chỉ huy tiểu đoàn để chỉ huy chung, còn tôi đi lên ngồi cạnh đồng chí Đượm, đại đội trưởng đại đội chủ công, ở cùng trung đội mở cửa, cách hàng rào địch 20m. Sau mấy loạt đạn đại bác mở đầu trận đánh, hai lô cốt trên đê bị huỷ diệt hoàn toàn. Muốn bắn vào đội hình của ta, chỉ còn trông cậy vào hai khẩu súng cối 81mm. Nhưng hai khẩu cối 81mm của địch làm sao chịu nổi sức chế áp của hai súng cối 82mm của tiểu đoàn và sáu súng cối 60mm của ba đại đội. Việc mở cửa hoàn thành nhanh chóng. Xung kích dẫn đầu là tổ ba người: Hồ, Hùng, Sơn xông vào chiếm ngay lô cốt đầu cầu. Tôi và đồng chí Đượm đại đội trưởng cũng vào ngay. Sau mấy loạt đạn SKZ, lô cốt mẹ bị phá hủy. Vẫn dẫn đầu là tổ: Hồ, Hùng, Sơn vào chiếm lô cốt mẹ. Từ lô cốt đầu cầu và lô cốt mẹ, các tiểu đội toả ra đánh chiếm các tường hộp làm chủ hoàn toàn đồn địch, bắt tù binh, thu vũ khí. Đặc biệt không ai hy sinh. Ba đồng chí bị thương nhẹ khi lui quân do pháo địch bắn. Trận này, tổ ba người: Hồ, Hùng, Sơn nổi bật là đã chiếm hai lô cốt chính về một đoạn tường. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong trận này và nhiều trận sau này nữa, đồng chí Đặng Đình Hồ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội. Việc đồng chí Hồ được phong tặng anh hùng rất xứng đáng, được toàn thể cán bộ noi gương và học tập. Đến cuối thời kỳ đánh Mỹ, đồng chí Hồ trở thành sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Từ khi thành lập đại đoàn là chiến sĩ, hết hai cuộc chiến tranh là sư đoàn trưởng, cùng ở một sư đoàn.

        Cũng cần nói thêm, các đồng chí được phong anh hùng trong chiến tranh đều có thành tích xuất sắc, đều xứng đáng. Nhưng chúng ta hay gán ghép thêm nhiều thành tích mà các đồng chí không có, làm cho các đồng chí đó tưởng như mình là những người xuất chúng, không ai làm được. Sự tô vẽ thêm đó có mấy cái hại:

        - Những đồng chí cùng chiến đấu với các đồng chí anh hùng, biết rõ từng trận đánh của các đồng chí đó, nay đọc lại liệu thấy có chỗ nói không thật, tỏ ra nghi ngờ đồng chí và các cơ quan truyền thông.

        - Làm cho một số ít anh hùng tưởng rằng không ai bằng mình, sinh ra kiêu căng. Từ đó xa quần chúng.

        Tôi nói thế là vì ngay trong thành tích đồng chí Hồ, không cần thêm bớt gì cũng là lớn, cũng là xứng đáng anh hùng. Nhưng không biết vì sao một số nhà văn, nhà tuyên huấn lại cứ thêm thắt cho đồng chí Hồ những thành tích không phải của đồng chí. Có tài liệu viết là đồng chí Hồ có sáng kiến đánh tường hộp. Tôi khẳng định trong cuộc họp quân sự dân chủ bàn về cách đánh do tôi chủ trì, không có mặt đồng chí Hồ. Hội nghị chỉ triệu tập từ tiểu đội trưởng trở lên, lúc đó đồng chí Hồ còn là chiến sĩ. Hội nghị đã đề xuất nhiều ý kiến như tôi đã trình bày ở trên, trong đó có ý kiến và cách đánh tường hộp. Đồng chí Hồ là người thực hiện tốt cách đánh, không phải người đề xuất ra cách đánh.

        Sau hai trận đầu của đại đoàn, địch vẫn không hành quân giải toả, nên các đơn vị đánh viện vẫn chưa có cơ hội lập công. Lý do đơn giản là lúc này ta đánh lớn, thắng lớn trên chiến trường chính. Các binh đoàn cơ động của địch phải chuẩn bị để chi viện cho Tây Bắc. Thực tế, sau này chúng đã phải cho nhảy xuống Nà Sản, lập tập đoàn cứ điểm ở đây. Không có các binh đoàn cơ động đến tăng cường, địch ở Phát Diệm phải đối mặt với một đại đoàn của ta, nên phải giữ thế thủ, không dám phản công. Không nằm chờ địch viện và cũng nhận định địch ít khả năng viện, đại đoàn chủ trương đánh các đồn tiếp theo. Tiểu đoàn tôi được giao đánh đồn Bến Xanh do một đại đội Âu - Phi chiếm giữ, chỉ cách Phát Diệm 4-5km.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #54 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 09:57:28 pm »


        Sau một số lần trinh sát, chúng ta thấy đồn Bến Xanh về tổ chức phòng ngự cũng không khác gì Tuy Lộc. Lính Âu - Phi đóng trong đồn, chúng tôi cho rằng cũng không khác gì quân ngụy. Cũng chỉ dựa vào công sự để bắn. Sau khi đã đánh thắng gọn ba đồn: Lạc Quần, Vọc, Tuy Lộc, chúng tôi thấy có đủ khả năng diệt một đại đội Âu - Phi trong công sự. Trận đánh diễn ra thuận lợi. Chúng tôi làm chủ đồn sau gần hai giờ chiến đấu. Trận này nổi bật thành tích của đồng chí Lê Công Phê, trung đội trưởng trung đội bộc phá của đại đội 59. Đại đội 59 thường phải chiến đấu ở hướng quan trọng, là hướng có khó khăn hơn. Hướng thuận lợi bao giờ cũng dành cho hướng chủ yếu. Đại đội 59 phải mở cửa qua một dãy ao, phải lội dưới nước để đánh bộc phá. Bộc phá dưới nước không thể phá gọn vật cản như trên khô. Cửa mở hẹp vừa không sạch, vừa khó quan sát. Đồng chí Phê phải dẫn từng chiến sĩ lên đánh bộc phá và tự đồng chí đánh hai quả... Đồng chí Lê Công Phê cũng trưởng thành từ một chiến sĩ lên đến sư đoàn trưởng, nhưng khi thành lập đại đoàn, đồng chí đã là trung đội trưởng. Cũng như đồng chí Hồ, đồng chí Phê là một cán bộ đặc biệt dũng cảm, trong chiến đấu thường xuyên lên phía trước, cùng cấp dưới kịp thời giải quyết khó khăn. Đồng chí ở trung đoàn tôi suốt thời kỳ đánh Pháp. Ở Điện Biên đồng chí là đại đội trưởng. Sau hoà bình, đồng chí học ở Học viện Phờ-run-de cùng tôi. Về nước cùng về Học viện Quân sự cấp cao, tôi là trưởng khoa, đồng chí là giáo viên. Năm 1965 lại cùng nhau về Sư đoàn 304, xây dựng và chiến đấu trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1973 tôi lên làm tư lệnh phó Quân đoàn 1, đồng chí làm sư đoàn trưởng Sư đoàn 304 thay tôi. Anh em tưởng xa nhau. Nhưng đầu năm 1974 tôi lại vào làm tư lệnh phó Quân đoàn 2, trong đó có Sư đoàn 304 của đồng chí Phê. Chúng tôi cùng chiến đấu cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau này đồng chí về làm chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hoá, quê hương đồng chí. Hiện nay đồng chí là chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh.

        Sau trận Bến Xanh, tôi được cử đi học chính trị ở Việt Bắc. Đồng chí Trần Hậu Tưởng thay tôi chỉ huy tiểu đoàn. Tiểu đoàn đánh thêm một trận nữa, diệt gọn một đại đội Âu - Phi ở Văn Lai. Như vậy trong năm 1952, tiểu đoàn tôi diệt gọn 5 đồn, gồm 5 đại đội, trong đó có hai đại đội Âu – Phi.

        X. CHIẾN DỊCH THƯỢNG LÀO

        Tôi ra Việt Bắc chuẩn bị vào học chính trị khoá 7. Chưa bước vào học thì có lệnh về ngay đại đoàn đang đóng quân ở Thanh Hoá. Về đến đại đoàn, tôi mới biết mình được điều động về làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Lê Lợi, thay đồng chí Minh Vân vừa được bổ nhiệm trung đoàn phó để đi chiến dịch Thượng Lào. Chiến dịch Thượng Lào, không riêng Đại đoàn 304, tất cả các đại đoàn đều làm một cuộc truy kích lớn, giải phóng giúp bạn Lào một vùng rộng lớn, nhưng diệt không được bao nhiêu địch. Tiểu đoàn tôi cùng tiểu đoàn của bạn đánh đồn Noọng Hét. Theo trinh sát, trong đồn có một tiểu đoàn ngụy Lào. Khi chúng tôi đột phá vào, chúng đã rút ra phía sau gần hết, chỉ để lại trong đồn khoảng 1 trungđội. Chúng tôi làm chủ đồn. Sáng ra, bọn địch trên các núi cao quanh đồn dùng các loại súng bắn xuống khu vực có bộ đội ta. Cũng may bọn này không có tinh thần chiến đấu. Chúng tôi từ dưới thấp dùng súng cối bắn lên núi, chúng rút chạy hết. Sau khi địch rút hết về thành lập tập đoàn cứ điểm ở Cánh Đồng Chum, bộ đội một số đơn vị được giao bao vây Cánh Đồng Chum. Sau khi, giúp bạn Lào củng cố vùng mới giải phóng bao gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa và hầu hết tỉnh Xiêng Khoảng, bộ đội ta lần lượt rút về, chỉ để lại một bộ phận nhỏ giúp bạn Lào.

        XI. CHỈNH QUÂN CHÍNH TRỊ

        Trước khi Trung đoàn 66 rút về, tôi được lệnh lên Việt Bắc để kịp học chính trị khóa 8. Thời gian học chính trị là ba tháng. Lớp học này cũng như lớp trước, nằm trong đợt chỉnh quân chính trị. Nội dung của nó: phần lý thuyết học về cách mạng ruộng đất (chống phong kiến) là chính. Phần chống thực dân đế quốc, chỉ nói qua, xem như mọi người đã rõ. Phần kiểm điểm quan điểm chính trị phải làm rõ lý lịch cá nhân mới là phần chính. Nằm trong thành phần cơ bản (bần nông, công nhân) hoặc thành phần trung gian, nhưng là nông dân, việc kiểm điểm cũng nhẹ nhàng. Số thuộc thành phần bóc lột phú nông, địa chủ, tư sản thì thật gian nan. Các thành phần trung gian khác như là cựu binh sĩ hoặc công chức đã làm cho chế độ cũ, cũng khá vất vả. Tuy vậy, từ khoá 8 về trước cũng chưa có đấu tố nặng nề, chỉ có kiểm điểm trong tổ là chính. Khoá 8 có hai đồng chí phải báo cáo điển hình về những quan điểm và hành động của mình trái với lập trường giai cấp trước toàn trường. Chi bộ tôi gồm cán bộ Quân khu 4 và Đại đoàn 304 không ai phải báo cáo điển hình trước toàn trường. Ngày nay nghĩ lại các lớp học đó (tôi muốn nói khoá 8 về trước), tôi vẫn thấy thành công là chủ yếu. Những sai lầm tả khuynh không tránh khỏi, nhưng không nhiều. Tôi nghe nói các lớp sau này, kể cả các lớp của cấp quân khu, sư đoàn cùng thời gian với toàn miền Bắc mở rộng cải cách ruộng đất có nhiều sai lầm, những sai lầm đó cũng là những sai lầm trong cải cách ruộng đất phản ánh vào trong quân đội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tổng Quân ủy cùng với sự chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Chí Thanh... tổ chức quân đội vẫn được ổn định từ cơ sở lên trên. Một số đồng chí (không nhiều) bị gán ghép là phản động hay có nợ máu với nông dân sau này cũng được minh oan. Tôi lấy ví dụ: đồng chí tiểu đoàn trưởng Ngô Đại Hành, người cùng chúng tôi đánh trận Đông Hà năm 1948. Đồng chí phải kiểm điểm điển hình ở khoá 8 chúng tôi; đồng chí bị đình chỉ công tác và đi cải tạo một thời gian. Sau này đồng chí cũng được minh oan, chuyển ngành về Bộ Ngoại thương, trước khi về hưu là tổng cục trưởng một tổng cục trực thuộc Bộ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #55 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2017, 10:02:08 pm »

      
       XII. CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

        Sau chỉnh quân chính trị tôi về sư đoàn và được bổ nhiệm làm trung đoàn phó Trung đoàn 57. Đồng chí Đượm thay tôi làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 418. Đồng chí Trần Hậu Tưởng sang làm tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 346.

        Trước khi bước vào Đông Xuân 1953-1954, Bộ tổ chức tổng kết chiến dịch Tây Bắc và tập huấn chiến thuật để đánh địch sắp tới. Cuộc họp được Hồ Chủ tịch đến thăm. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm Đại đoàn 304 ra Việt Bắc nhận vũ khí, Bác Hồ có đến thăm đại đoàn. Nhưng lúc đó tôi còn là cán bộ tiểu đoàn nên không được gặp Bác. Cả đời tôi cũng chỉ được nghe Bác Hồ nói chuyện hai lần. Sau này đọc lại tác phẩm của Bác, bao gồm các bài nói chuyện, thư Bác viết cho các địa phương, các cơ quan, tôi thấy bài nào cũng ngắn gọn nhưng rõ ràng súc tích. Tại sao các cán bộ cao cấp chúng ta không học tập Bác. Nói cũng như viết đều dài. Ít người kiên tâm và tỉnh táo để nghe hết buổi nói chuyện. Cho đến những năm tháng tuổi già này, tôi vẫn phân vân. Ai cũng nói: “Sống, chiến đấu, học tập và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại”, chỉ riêng học nói ngắn, viết ngắn tuy có những người thực hiện được nhưng còn quá ít.

        Sau lớp học về, chúng tôi là cán bộ cấp trung đoàn, cũng không được phổ biến phương châm tác chiến trong Đông Xuân. Chỉ sau này nghiên cứu mới thấy hết cái hay của phương châm cũng như kế hoạch Đông Xuân 1953-1954. Kế hoạch ban đầu chủ trương lấy vùng rừng núi làm trọng điểm, kẻ địch lên vùng núi thuận lợi cho ta diệt chúng: Khu 5 đánh Tây Nguyên, Đại đoàn 325 và một trung đoàn của Đại đoàn 304 đánh Trung Lào, Đại đoàn 316 đánh Lai Châu. Đại đoàn 304 cùng Đại đoàn 312 phục kích chờ địch ở Phú Thọ (do dự kiến khi ta đánh Lai Châu, địch có thể tiến lên Phú Thọ). Đại đoàn 308 đứng cơ động ở giữa Tây Bắc và Trung Du. Đại đoàn 320 vẫn ở đồng bằng. Kế hoạch như vậy phù hợp với tình hình, thể hiện rất rõ phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.

        Theo kế hoạch trên, Đại đoàn 304 hành quân từ Thanh Hoá, bí mật ra giấu quân ở Phú Thọ, dọc đường số 2. Để giữ bí mật cuộc hành quân, chúng tôi không theo đường gần nhất ra Phú Thọ. Chúng tôi phải hành quân theo đường số 6 ngược lên Mộc Châu, sau đó mới vòng về Phú Thọ.

        Bắt đầu Thu Đông, khi ta đánh Lai Châu, địch lại nhảy dù lên chiếm đóng Điện Biên Phủ. Bộ ra quyết tâm, chiến trường chính là Điện Biên Phủ, quyết diệt địch ở Điện Biên Phủ. Thế là các đại đoàn chủ lực 316, 308, 312, 304 (thiếu Trung đoàn 66 đi Trung Lào) nối tiếp nhau kéo về Điện Biên. Theo kế hoạch, phương châm lúc đầu là đánh nhanh giải quyết nhanh, sau là đánh chắc tiến chắc, Trung đoàn 57 chúng tôi đều được giao nhiệm vụ chiến đấu với địch ở Phân khu Nam tức Phân khu Hồng Cúm. Địch ở đây có một trung đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo binh, một đại đội xe tăng và một sân bay. Đây là căn cứ đóng vòng ngoài để đánh vào sau lưng bộ đội ta, khi ta đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ. Trung đoàn 9, Đại đoàn 304 ở lại Sơn La bảo đảm an toàn cho hậu phương trực tiếp của chiến dịch. Như vậy Đại đoàn 304 hoàn toàn bị phân tán và Bộ tư lệnh đại đoàn cũng buộc phải phân tán: Đồng chí Hoàng Sâm, Đại đoàn trưởng đại đoàn đi Trung Lào cùng Trung đoàn 66; đồng chí Lâm Kính, Đại đoàn phó đi cùng Trung đoàn 9 ở Sơn La; đồng chí Lê Chưởng, Chính ủy đại đoàn và đồng chí Nam Long, Tham mưu trưởng đi cùng Trung đoàn 57.

        Nhiệm vụ Trung đoàn 57, thời kỳ đầu là ngăn chặn không cho bộ binh và xe tăng địch cơ động lên chi viện cho khu Trung tâm, đồng thời chế áp pháo binh địch, hạn chế hoả lực địch đánh vào đội hình các đại đoàn tiến công, đặc biệt đánh vào Đại đoàn 316 là đại đoàn tiến công A1, tương đối gần Hồng Cúm. Chúng tôi chưa hề đánh phòng ngự, cũng như chưa hề làm nhiệm vụ kiềm chế các căn cứ pháo binh. Tất cả đều do tự nghiên cứu, đánh cách này chưa tốt tìm cách đánh khác cho tốt. Trung đoàn giao nhiệm vụ cho tiểu đoàn 346 bao vây ngăn chặn ở hướng đông bắc, tiểu đoàn 418 làm dự bị và chuẩn bị tiến công căn cứ địch khi có lệnh. Mục tiêu trước mắt là cứ điểm ở phía đông sông Nậm Rốm.

        Để đánh địch tiến công lên hướng bắc, các tiểu đoàn đều đào ba chiến hào liên tiếp. Bố trí hai đại đội ở chiến hào 1 và 2, đại đội dự bị bố trí ở chiến hào 3, chiến hào các đại đội đều nối liền nhau. Chiến hào hai tiểu đoàn cũng nối nhau ở bờ sông Nậm Rốm... Mấy lần địch đánh ra, có khi chúng chiếm được một vài đoạn chiến hào ở hướng tiểu đoàn 265 tức hướng có đường cái, cuối cùng chúng đều bị đánh bại. Lúc đầu xe tăng địch cũng gây cho ta khó khăn. Về sau trung đoàn được trang bị hai khẩu ĐKZ 75, đồng thời chúng tôi đưa pháo 75 xuống bắn trực tiếp, nên xe tăng địch không dám lên xuống như trước đây. Sang đợt 2 chiến dịch, địch co lại, chúng tôi cho các tiểu đoàn đào trận địa tiến lên phía trước rất gần đồn địch để chuẩn bị tiến công. Đầu đợt 3, tức đợt cuối cùng, tiểu đoàn 418 dựa vào trận địa đã đào sẵn của tiểu đoàn 265 đánh chiếm cứ điểm C của căn cứ Hồng Cúm. Ta và địch giằng co nhau mấy ngày ở cứ điểm C.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #56 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 03:38:17 pm »


        Để kiềm chế pháo binh địch, chúng tôi dùng một đại đội lựu pháo 105mm và một đại đội sơn pháo 75 của mặt trận tăng cường cùng với đại đội cối 82 của trung đoàn bốn khẩu. Với số lượng trên, nếu đủ đạn thì có đủ khả năng kiềm chế được pháo binh địch. Vấn đề khó là đạn ta ít, các đơn vị, nhất là Đại đoàn 316 lại yêu cầu kiềm chế liên tục. Có khi các đại đoàn còn gọi chúng tôi la hét: làm ăn thế nào mà địch ở Hồng Cúm bắn được nhiều thế. Chúng tôi nghĩ ra cách, cho người chui vào trong hàng rào địch, quan sát và nghe ngóng. Hễ thấy chúng ra trận địa hô chuẩn bị bắn thì báo tín hiệu ra ngoài. Đúng lúc đó chúng tôi cho cả pháo và cối đánh chúng. Bị bắn trúng trận địa, chúng lại bỏ chạy vào hầm ẩn nấp. Sau này tù binh địch hỏi: “Làm sao các anh biết chúng tôi chuẩn bị bắn, để bắn trước?”, chúng tôi chỉ cười. Vì đạn ít nên đợt 1 các đơn vị phía trên kêu nhiều, văng tục cũng có. Về sau chúng tôi nắm chắc địch hơn. Hơn nữa chúng cũng thương vong một số và một số pháo bị bắn hỏng không thay thế được, nên kiềm chế kết quả hơn, nhấc điện thoại lên đã có thể cười được với nhau.

        Trưa ngày 7 tháng 5 năm 1954, tin ta tiến công thắng lợi dồn dập bay về. Đến chiều, khi chúng tôi được tin bọn địch ở khu Trung tâm ra hàng, cũng là lúc địch thọc ra mấy mũi để định chạy về phía Lào. Được một tiểu đoàn của Trung đoàn 9 xuống phối hợp (đợt 3, Trung đoàn 9 được điều vào Điện Biên để cùng Đại đoàn 316 diệt các mỏm ở khu C), chúng tôi đã đẩy lùi hầu hết địch quay lại căn cứ của chúng. Lúc này trời đã tối, cũng không được rõ có đơn vị nào của địch chạy thoát không. Trên trục đường chính sang Lào, trước đó chúng tôi đã cho một đại đội lên chốt chặn trước. Vì vậy không sợ chúng chạy. Trung đoàn lệnh cho đại đội 265 truy kích theo con đường mòn sang Lào cách đường cái chính khoảng 2-3km. Tôi đi cùng đại đội này. Địch cũng biết ta có trận địa chốt sẵn trên đường trục chính, nên chúng chạy theo con đường mòn này. Sau này qua tù binh, chúng tôi mới biết toán chạy thoát ra khỏi Hồng Cúm có số lượng khoảng một trăm tên do mấy tên lính người Thái thông thạo địa hình dẫn đường. Bị chúng tôi thúc mạnh theo trục đường, bọn địch tự động tản ra hai bên đường và tìm đường núi sang Lào. Theo kinh nghiệm một số lần truy kích trước đây, mặc chúng leo đâu thì leo, chúng tôi cứ theo đường mòn chọc thẳng sang Lào. Sáng ra tìm một địa điểm thuận lợi dừng lại rải quân ra chặn bắt bọn địch vượt núi sang. Khoảng 8 giờ sáng, lúc chúng tôi đương nghỉ ngơi, bất ngờ xuất hiện mấy tên địch. Trông thấy chúng tôi chặn, chúng xả súng bắn liền, chúng tôi hy sinh một chiến sĩ. Vì chúng tôi có cả một đại đội, chúng chỉ từng lớp năm, ba tên nên đều bị chúng tôi bắn uy hiếp, kêu gọi đầu hàng và bắt gọn. Sang ngày thứ hai, tức là ngày 9 tháng 5, chờ suốt ngày không thấy có tên nào xuất hiện, chúng tôi quyết định sáng ngày 10 tháng 5 thu quân trở về Điện Biên. Sau này chúng tôi được biết, tất cả địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chỉ có ba tên Pháp do một tên người Lào dẫn đường chạy về được Luông Pha-băng. Đại tướng Võ nguyên Giáp nói, đây là một trận đánh tiêu diệt gọn tập đoàn cứ điểm trong lịch sử chiến tranh. Chúng tôi từ hào đã góp một phần công lao nhỏ bé.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #57 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 03:38:41 pm »

         
        XIII. CƯỚI VỢ

        Kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng tôi ra Bộ dự tổng kết. Khi tổng kết gần kết thúc, cũng là lúc kết thúc Hội nghị Giơ-ne-vơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trong những ngày cuối của hội nghị, tất cả cán bộ hồi hộp lo bị Bộ “bắt lính”. Danh từ “bắt lính” chỉ việc ngày nào Cục Cán bộ cũng đến đọc danh sách những đồng chí không trở về đơn vị, mà ở lại Bộ để đi làm các công việc của bộ phận liên hiệp đình chiến. Đến ngày bế mạc hội nghị, tôi vẫn nằm trong số được trở về đơn vị. Lúc này tôi mới xin đồng chí Nam Long cho lên Lạng Sơn cưới vợ. Việc chúng tôi yêu nhau, chờ lúc thuận lợi sẽ cưới, trung đoàn, đại đoàn đều biết, nên đồng chí Nam Long viết giấy tay giới thiệu tôi lên Lạng Sơn cưới vợ. Hai chúng tôi chính thức đặt vấn đề với nhau làm vợ chồng từ năm 1953. Lúc tôi còn ở Ninh Bình, bố tôi qua thư đồng chí Nhĩ ở Quảng Trị gửi ra (vì cơ động luôn, tôi dặn đồng chí Nhĩ gửi thơ cho tôi qua địa chỉ gia đình), được biết cô Kiệm đã đi lấy chồng, nên đặt vấn đề tìm vợ cho tôi. Chị gái đầu của tôi giới thiệu cô Vinh, con ông chú ruột của chồng chị. Lý lẽ của chị xem ra cũng có lý nên cả nhà đồng ý. Bố mẹ cô Vinh đều là con cái nhà địa chủ lớn. Như vậy cô Vinh là dòng dõi nhà địa chủ. Bố cô là con út gia đình, bố ông mất lúc ông còn ít tuổi. Tuy cũng được chia ruộng, nhà, nhưng ông rượu chè, cờ bạc bán hết. Khi ông chết, gia đình cũng không còn gì, nên mẹ cô Vinh trở thành dân nghèo buôn bán lặt vặt nuôi ba người con. Mẹ cô Vinh phải cho cô sang ở làm con sen cho gia đình ông bác, tức bố mẹ của chồng chị tôi. Hoàn cảnh cô Vinh như vậy. Nếu cách mạng thành công, tôi quay về làm ăn thì cô Vinh cũng lao động tốt. Tuy chưa hỏi ý kiến tôi, nhưng gia đình tôi đã trao đổi với mẹ cô Vinh và cô Vinh, hỏi cô làm vợ cho tôi. Mẹ cô và cô đều đồng ý. Sau này tôi hay đùa vợ tôi là người ta chưa đi hỏi đã đồng ý. Bố tôi viết thư cho tôi, lúc nào có thời gian thì về để đặt vấn đề chính thức giữa hai gia đình và hai bên cô - cậu. Trước đây tôi hay đến nhà chị tôi chơi, đã nhiều lần gặp cô Vinh. Về hình thức, cô cũng vào loại trên trung bình. Vì vậy bố tôi cho rằng chắc tôi cũng đồng ý. Khi hành quân đi chiến dịch Thượng Lào, dừng lại Đô Lương, tôi tạt về nhà được hai giờ. Đã được báo trước nên hai gia đình đều có mặt ở nhà chị tôi. Mười một giờ đêm, tôi mới về đến nhà, một giờ sáng lại phải đi ngay để kịp ngày mai hành quân tiếp. Qua lần gặp đó, hai bên đều ngầm hiểu mọi việc thế là đã xong. Trong thời gian hai giờ, mọi người lo bữa ăn đêm và hỏi thăm tình hình của nhau, nên tôi không thấy hai gia đình trao đổi gì trước mặt chúng tôi cả. Hai chúng tôi cũng hỏi thăm nhau vài ba câu, chưa hề nói một câu nào gọi là thổ lộ tình yêu. Giữa đám đông người chúng tôi cũng chỉ nhìn nhau, chứ không được nắm tay nhau. Lễ ăn hỏi như ngày nay người ta thường gọi được coi như là xong. Ăn thì có ăn cháo gà. Hỏi thì không ai hỏi gì cả. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, khi rút quân về Thanh Hoá, trước khi đi dự tổng kết, tôi tranh thủ về nhà. Được biết cô Vinh đã ra Việt Bắc học chuyên môn. Cô Vinh trước cách mạng cũng đã mười hai, mười ba tuổi nhưng chưa được đi học ngày nào. Sau cách mạng, chị tôi đã là chủ gia đình, đồng thời cũng muốn giữ cô Vinh cho em mình nên cho đi học. Cô Vinh học hết tiểu học. Trên đường đến hội nghị, tôi tạt vào thị xã Thái Nguyên hỏi thăm, được biết cô Vinh học ngành thuế vụ của Bộ Tài chính, sau tốt nghiệp đã lên tỉnh Lạng Sơn nhận công tác. Sau tổng kết, tôi xin phép đi Lạng Sơn. Hơn một ngày đi xe đạp, tôi tìm được đến cơ quan thuế của thị xã. Ở đây cô Vinh cũng đã báo cáo cho cơ quan biết, cô có người yêu ở bộ đội, nên tôi được tiếp đón thân mật. Khi đặt vấn đề tổ chức cưới, các anh chị ở cơ quan nhiệt tình ủng hộ. Thời đó bộ đội chưa có lương, cán bộ cơ quan cũng chỉ có tiền ăn và một ít tiền tiêu vặt. Như vậy, tôi không có tiền, cô Vinh không có tiền, tổ chức đám cưới thế nào. Chị Cúc, bí thư chi bộ cơ quan đưa ra ý kiến: bữa ăn, sẽ lấy tiêu chuẩn của các anh chị em ngày quốc khánh 2-9 gấp đôi ngày thường. Áo quần quỹ phụ nữ cho đủ mua hai thước vải. Quần là quần đen, ban đêm quần mới cũng như quần cũ, nên không cần may. Giường ghép hai giường cá nhân lại là xong. Chăn chiếu, mùng màn, xin cô cậu dùng chung cái sẵn có của cô dâu. Thế là cũng xong một đám cưới. Vẫn trang trọng. Sau này vợ tôi thường nói, anh cưới vợ không một bát nước lã.

        XIV. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐẠI ĐOÀN 304 THỜI CHỐNG PHÁP

        Có một số dư luận trong quân đội, Đại đoàn 304 tuy thành lập sau Đại đoàn 308, nhưng thành tích không có gì xuất sắc. Trong cuộc hội nghị để bàn việc viết lịch sử sư đoàn, có đồng chí cũng nêu như trên, cho rằng thành tích không có gì nổi bật, rất khó viết hay. Đồng chí Lê Chưởng, Chính ủy đại đoàn nói: “Thế nào là thành tích? Trừ hai đợt hoạt động ngắn lúc mới thành lập, có chiến dịch nào đại đoàn không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nổi bật về thành tích của một đơn vị là hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Sở dĩ đại đoàn không nổi tiếng, cơ bản vì đại đoàn thường được giao nhiệm vụ tác chiến ở chiến trường phối hợp. Khi được tác chiến ở hướng chính lại thường ở hướng thứ yếu. Những đơn vị làm nhiệm vụ trên chiến trường phối hợp hay hướng thứ yếu, tuy tác chiến khó khăn vất vả hơn, nhưng ít nổi tiếng. Đồng chí Hoàng Minh Thảo đã dùng hình tượng: Đơn vị hướng thứ yếu, giống như người yếu nhưng phải ôm vòi voi, để cho đơn vị trên hướng chủ yếu, giống như người khoẻ cắt đuôi voi. Thực tế là như vậy. Các đơn vị trên hướng chủ yếu, thường được cấp trên tăng cường lực lượng, nhất là hoả lúc được đánh ở hướng thuận lợi nhất. Nguyên tắc chọn hướng chủ yếu thường chọn nơi địch yếu, ta có điều kiện thuận lợi để triển khai binh hoả lực, v.v... Đơn vị hoạt động trên hướng thứ yếu hướng ít được tăng cường lực lượng, có nhiệm vụ kìm giữ lực lượng địch ở nơi mạnh, bảo đảm cho hướng chủ yếu hoàn thành nhiệm vụ. Đến khi kết thúc một chiến cục hay một chiến dịch, người ta thường nói nhiều đến khó khăn về thành tích các đơn vị trên hướng chủ yếu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #58 vào lúc: 24 Tháng Giêng, 2017, 03:42:36 pm »

        
NHỮNG NĂM THÁNG HOÀ BÌNH

        I. LÀM GIÁO VIÊN QUÂN SỰ

        Sau khi kết thúc chiến tranh, trở về đơn vị, tôi được chỉ định làm trưởng ban tác chiến sư đoàn. Sau khi làm kế hoạch cho hai trung đoàn vào thành phố. Trung đoàn 57 vào Hà Nội cùng Đại đoàn 308, Trung đoàn 9 vào Hà Đông, công việc chính của cơ quan tác chiến là tìm địa điểm ổn định nơi ở của toàn đại đoàn. Cho đến hết năm 1954, nhiệm vụ của đại đoàn là xây dựng doanh trại, sân vận động, bãi tập... Bước sang năm 1955, năm đầu huấn luyện trong quân đội trong thời bình, tôi được lệnh về Trường trung cao quân sự (sau này là Học viện quân sự) làm giáo viên. Đại đa số được điều động về trường đều chưa từng làm giáo viên. Chủ trương của Bộ là điều về nhà trường những đồng chí có nhiều kinh nghiệm chiến đấu.

        Để học hết phần chiến thuật đối với cán bộ trung cấp và cao cấp, nhà trường tổ chức ba khoá: khoá đầu học trung đoàn tiến công, khoá thứ hai học trung đoàn phòng ngự, khoá thứ ba học cả sư đoàn tiến công và sư đoàn phòng ngự. Tài liệu học được dịch từ tài liệu Trung Quốc, thực chất là tài liệu của quân đội Liên Xô, vì Trung Quốc thời kỳ này cũng học theo đúng các tài liệu của quân đội Liên Xô. Bài tập hai khoá đầu do cố vấn Trung Quốc viết. Sang khoá 3, bài tập sư đoàn tiến công do đồng chí Hồ Tâm làm chủ biên và tài liệu sư đoàn phòng ngự do tôi chủ biên có sự giúp đỡ của cố vấn Trung Quốc. Để nắm được nội dung giảng dạy, chúng tôi được tập trung bồi dưỡng ba tháng với một nội dung: trung đoàn tiến công. Đối tượng học viên, chủ yếu là cán bộ trung đoàn. Cũng có một số cán bộ sư đoàn đến học tập các khoá này. Phần đông cán bộ sư đoàn và cán bộ các ngành chuyên môn như công binh, thông tin được cử sang học trực tiếp ở Trung Quốc và Liên Xô. Mỗi khoá mở liên tục ba lớp để hầu hết cán bộ trung đoàn được thay nhau đến học. Ba khoá học kéo dài trong 4 năm từ năm 1956 đến hết năm 1959.

        Từ những năm đó, và sau đó trong dạy và học, chúng tôi thường tranh luận: Tại sao quân đội ta đã đánh thắng đế quốc Pháp, có nghệ thuật tác chiến phù hợp với hoàn cảnh đất nước, hoàn cảnh quân đội, ta không tổng kết lại để học, lại đi học thứ tài liệu của quân đội Liên Xô một quân đội được trang bị hiện đại, phương pháp tác chiến khác rất nhiều. Theo giải thích thời đó: Quân đội Liên Xô có nền nghệ thuật quân sự hiện đại ưu việt. Ta cứ học, có học mới hiểu sâu, mới có khả năng tiếp thu được những tinh hoa có nền nghệ thuật quân sự Xô - viết. Ngày nay nhìn lại, theo ý tôi: Một số binh chủng được trang bị hiện đại, trước đây trong tác chiến ta chưa có tất nhiên lớp cán bộ đầu tiên, cần phải ra học ở nước ngoài. Việc vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam sẽ giải quyết sau. Đối với cán bộ chỉ huy bộ đội binh chủng hợp thành, trong đó bộ binh là binh chủng chủ yếu, chỉ nên cử một số cán bộ nhất định sang học nước bạn để hiểu sâu nghệ thuật quân sự của họ. Trên cơ sở đó chọn lọc được các tinh hoa của nghệ thuật quân sự nước ngoài để làm phong phú thêm cho nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nên kịp thời tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến chống pháp, làm cơ sở chính để biên soạn tài liệu giảng dạy cho số đông cán bộ. Dẫu sao những nội dung mà số đông cán bộ được học tập trong các năm 1955-1959 cũng đều có ích cho sau này. Cái chính là cán bộ chúng ta đã kinh qua tác chiến, họ ít giáo điều. Thực tế chiến trường dạy cho họ rất nhanh. Không phải chỉ lý luận quân sự nước ngoài, ngay những lý luận quân sự của ta, do các trường giảng dạy, nếu không phù hợp với chiến trường, họ cũng không tiếp thu và không thể áp dụng.

        Cuối năm 1959, có chỉ thị chính thức của trên đánh giá việc học tập như các năm trước là phạm khuyết điểm giáo điều. Nhà trường tạm nghỉ chiêu sinh một thời gian, để biên soạn tài liệu Việt Nam, học tập tài liệu của ta biên soạn. Học viện quân sự phối hợp với Trường sĩ quan Lục quân, các cơ quan của Bộ, đồng thời điều thêm một số cán bộ chỉ huy ở các đơn vị cơ sở về, có trách nhiệm biên soạn toàn bộ tài liệu chiến thuật. Đây có lẽ cũng là đợt tập trung cán bộ để biên soạn tài liệu quy mô lớn đầu tiên. Để giúp điều hành công tác biên soạn, đồng thời tổ chức một số cuộc diễn tập thực nghiệm, học viện tổ chức ra phòng khoa học quân sự. Tôi được chỉ định làm quyền trưởng phòng. Tôi làm quyền trưởng phòng mãi cho đến lúc đi học ở Liên Xô, cũng không có trưởng phòng đến. Ngoài tôi, phòng khoa học quân sự còn hai phó phòng là đồng chí Kim Hùng và đồng chí Dũng Mã, đều là những cán bộ lăn lộn ở chiến trường từ đầu cuộc chiến tranh và về làm giáo viên từ khi hoà bình lập lại. Thành phần của ban biên soạn như trên, nên các cuộc họp chung, thông qua đề cương cũng như thông qua tài liệu đã được dự thảo thật sôi nổi. Lý thuyết cũng như thực tế kinh nghiệm, từ cổ kim Âu - Á đều được dẫn ra hết. Để diễn đạt hết ý của tài liệu nước ngoài, nhiều đồng chí còn dùng văn bằng tiếng nước ngoài, Nga có, Pháp có, Anh có, Trung Quốc có. Những lúc như vậy, hồi tưởng lại trỗi dậy một số không hiểu đồng chí đang thuyết minh nói gì. Tuy từ năm 1960, dạy thử tài liệu của ta biên soạn, nhà trường vẫn có chuyên gia nước ngoài. Cuối năm 1954, các cố vấn Trung Quốc về hết. Năm 1961 ta lại mời chuyên gia Liên Xô. Việc có chuyên gia nước anh em, không phải chỉ để tăng thêm tình hữu nghị giữa hai nước anh em, hai quân đội anh em. Thực tế các chuyên gia của Trung Quốc lúc đầu và của Liên Xô về sau, cũng giúp chúng tôi nhiều ý kiến hay cả về nghệ thuật quân sự và phương pháp quản lý, giảng dạy ở nhà trường. Việc xây dựng quân đội ta, do ta làm là chính, nhưng hoàn toàn không nên và không thể phủ nhận sự giúp đỡ của nhân dân, nhà nước, quân đội của các nước bạn.
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2017, 09:44:09 am gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #59 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2017, 02:19:56 pm »


        II. ĐI HỌC Ở LIÊN XÔ

        Tháng 3 năm 1960, Bộ tiếp tục gửi học viên sang học quân sự ở cả Liên Xô và Trung Quốc, cả hai hệ trung cấp và cao cấp. Trường cử tôi đi học lớp trung cấp ở Liên Xô, tức học viện quân sự Phờ-run-de cùng 11 đồng chí khác. Tháng 5 năm 1960 chúng tôi được tập trung lên trường văn hoá quân đội ở Lạng Sơn để học tiếng Nga. Thời gian học chỉ 3 tháng, vì đầu tháng 8, chúng tôi được về nghỉ phép để cuối tháng 8 sang Liên Xô học. Các lớp học của quân đội Liên Xô đều bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 năm sau (10 tháng). Học tiếng Nga ba tháng, trình độ ngoại ngữ có hạn, tuy vậy cũng giúp chúng tôi đi đường và những ngày đầu ở Liên Xô có thể giao tiếp một ít trong sinh hoạt.

        Sang Liên Xô, năm đầu tiên là năm học tiếng Nga. Giáo viên tất cả đều là nữ. Họ đều tốt nghiệp đại học, một số ít có bằng phó tiến sĩ. Họ đã chuyên dạy người ngoại quốc học tiếng Nga, nên có nhiều kinh nghiệm. Lớp chúng tôi dẫu sao cũng đã học tiếng Nga ba tháng ở nhà, một số lại có trình độ tiếng Pháp (nhà trường có từ điển Pháp - Nga) nên việc học trực tiếp với giáo viên người Nga, hoàn toàn không biết tiếng Việt cũng không gặp khó khăn. Khác các lớp trước ta chỉ chọn số xuất thân thành phần công nông, không gặp nhau, không ai biết tiếng ai, nên học có khó khăn hơn. Thầy phải nói mà làm mẫu, mà chỉ trỏ. Thấy người trong lớp chỉ ra bầu trời, học viên bảo là cái cửa sổ. Mười hai học viên Việt Nam được chia thành hai tổ học tập. Tổ 1 gồm bảy đồng chí Việt Nam do đồng chí Hồ Quang Hoá làm tổ trưởng. Tổ 2 có năm đồng chí Việt Nam và ba đồng chí Bun-ga-ri do tôi làm tổ trưởng. Chỗ ở tuy gồm tất cả học sinh ngoại quốc, nhưng lớp cho ở từng buồng riêng, từng nước một. Mỗi buồng hai, ba đồng chí. Vì vậy ngoài giờ học tập, chúng tôi chủ yếu nói tiếng Việt với nhau. Các trường học đại học ở ngoài nhà trường trong lớp một buồng hai, ba người của hai, ba nước khác nhau. Vì vậy trình độ tiếng Nga, nhất là trình độ giao thiệp trong sinh hoạt, anh em sinh viên ở ngoài nhà trường hơn chúng tôi nhiều. Có thể nói học viên Việt Nam là những học viên chăm chỉ nhất. Tuy tiếng Việt so với tiếng Âu châu khác nhau nhiều, nhưng cuối năm thi tốt nghiệp tiếng Nga chúng tôi cũng không kém học viên các nước Âu châu như Bun-ga-ri, Ba Lan, Đức... Buổi sáng học 6 tiết (5 tiếng 30 phút) với giáo viên, chiều tự học. Chúng tôi thường tự học 6 tiếng. Có khi một ngày chúng tôi học thêm 12 đến 14 tiếng. Buổi sáng 7 giờ dậy, ăn uống xong độ 8 giờ vào học. Trước chúng tôi chỉ phải một tiếng học từ 13 giờ 30 phút đến 14 giờ 30 phút. Bắt đầu 14 giờ 30 phút lại tự học cho đến 12 giờ đêm. Bây giờ nghĩ lại, tại sao lúc đó chúng tôi có sức học như vậy, kéo dài bốn năm. Khi về nước làm giáo viên và về sau làm lãnh đạo học viện, tôi chưa bao giờ động viên được học viên trong nước học tập như vậy. Nguyên nhân có thể là do trước hết chúng tôi đều tuổi thanh niên, ăn uống đầy đủ hơn trong nước. Nhưng cái chính là tinh thần tự tôn dân tộc. Mang chuông đi đánh đất người, chúng tôi quyết không kém học viên bất kỳ nước nào, kể cả học viên Liên Xô. Họ học bằng tiếng mẹ đẻ, lại có quá trình học tập trước đó theo nội dung nghệ thuật và kỹ thuật của họ. Nói thế nhưng học viên Liên Xô, học cũng khiếp lắm. Tuy không tự học 12-14 tiếng như chúng tôi, nhưng họ cũng học mỗi ngày ít nhất 10 tiếng. Cách động viên của họ thật đơn giản nhưng cũng có hiệu lực lớn. Thời đó người Liên Xô được phục vụ trong quân đội là một vinh dự. Thu nhập cũng cao hơn ngoài nhiều. Học xong phổ thông, mới vào học đại học, ra trường lương là 80 rúp. Trái lại sĩ quan ra trường (thiếu úy) là 150 rúp. Cách động viên học tập của học trò là, tốt nghiệp loại ưu có huy chương vàng được đề bạt sớm một năm và được chọn nơi phục vụ. Tốt nghiệp loại ưu được đề bạt sớm một năm. Tốt nghiệp đạt loại khá (4/5 điểm) được đề bạt đúng niên hạn. Trái lại nếu đạt loại thường (3/5 điểm) thì đề bạt chậm một năm. Sĩ quan của họ chỉ đề bạt chậm một lần. Nếu bị đề bạt chậm lần thứ hai sẽ quá tuổi phục vụ sĩ quan, phải giải ngũ hoặc chuyển ra ngoài.

        Chương trình học tập về chiến thuật, năm thứ nhất học chiến thuật cấp trung đoàn, năm thứ hai học cấp sư đoàn và năm thứ ba học chiến dịch tập đoàn quân. Về công tác chỉ huy tham mưu học khá kỹ. Về xe tăng biết bắn, biết lái xe. Về thông tin sử dụng thành thạo các trang bị thông tin ở cấp trung đoàn và sư đoàn. Sử dụng các loại pháo cối đã học ở trường sĩ quan. Tên lửa thì ta không có, pháo binh thường thì lại không học. Tuy nói rằng chiến thuật ta và bạn không giống nhau, không phải học gì cũng dùng được, nhưng khối lượng tri thức học trong ba năm của họ hơn hẳn của chúng ta cùng thời gian. Sau này về công tác tại nhà trường, khoa chiến thuật của tôi cũng cố gắng vận dụng chiến thuật của họ, nhưng không làm sao nhét được khối lượng tri thức như vậy cho học viên của ta. Số lượng cũng rất cần thiết, nhưng trước hết là chất lượng. Theo tôi kinh tế ta hạn hẹp, chỉ nên học tương đối rộng cho cấp 1 và cấp 2 (tiểu học và trung học cơ sở). Còn từ cấp 3 (trung học phổ thông) và đại học nếu không có điều kiện mở rộng về số lượng thì trước hết hãy đi sâu vào chất lượng. Có số lượng đông cũng cần nhưng chất lượng thấp thì kết quả sẽ rất hạn chế. Chúng ta thấy thời Pháp, sinh viên về mỹ thuật, về nhạc ta có rất ít nhưng phần đông đều có cống hiến đáng kể. Ngày nay thì tốt nghiệp đại học về mỹ thuật, về nhạc hàng vạn, nhưng được bao nhiêu phần trăm tác phẩm có giá trị. Ba năm học của chúng tôi là lớp cuối cùng tốt nghiệp. Bắt đầu từ niên khoá 1964-1965 ta không tiếp tục gửi học viên sang Liên Xô.
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM