Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:51:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Những điều đọng lại qua hai cuộc chiến tranh  (Đọc 36452 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #30 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:19:14 pm »


        II. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

        Để các chiến lược thành công, công tác chuẩn bị nổi lên hai nội dung chính: chuẩn bị lực lượng và chuẩn bị thế trận.

        A. CHUẨN BỊ LỰC LƯỢNG

        Đường lối quân sự của ta là đường lối toàn dân đánh giặc dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, vì vậy lực lượng chung cho cuộc chiến tranh và riêng cho từng trận quyết chiến chiến lược là lực lượng của đông đảo quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang ba thứ quân.

        Chuẩn bị để có đông đảo nhân dân tham gia tác chiến.

        Trong chiến tranh nói chung và trong tác chiến nói riêng, nhân dân ngoài việc cung cấp những người con ưu tú của mình cho lực lượng vũ trang còn vừa phục vụ tác chiến vừa trực tiếp đấu tranh với địch.

        Trong tác chiến, đông đảo nhân dân đã tích cực chủ động tham gia hầu hết các công tác phục vụ tác chiến như đảm bảo “làm sạch” địa bàn tác chiến, cung cấp các loại vật chất, đảm bảo giao thông, tiến hành công tác thương binh, tử sĩ và nhiều công tác phục vụ khác. Nhân dân không chỉ phục vụ tác chiến mà còn trực tiếp đấu tranh với địch. Trong hầu hết các chiến dịch đều có lực lượng nhân dân tham gia làm công tác binh địch vận, phá tề trừ gian. Trong một số chiến dịch nhân dân còn tham gia trực tiếp đấu tranh với địch để ngăn chặn chúng giết người, cướp của, ngăn chặn chúng hành quân và đỉnh cao là nổi dậy cướp chính quyền ở cơ sở.

        Nhận rõ vai trò của đông đảo nhân dân trong chiến tranh nói chung và trong tác chiến nói riêng, Đảng ta, chính quyền ta và lực lượng vũ trang ta luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng phát huy sức mạnh của nhân dân trong kháng chiến.

        Với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, tinh thần quyết hy sinh hết thảy để giữ cho được nền độc lập vừa giành được đã dâng cao hơn bao giờ hết. Nhưng bước vào kháng chiến, do sự tàn bạo của địch đối với nhân dân (giết sạch, cướp sạch, tàn phá sạch) và cũng do một số tổn thất trong đánh địch của ta ở thời điểm nhất định trên một số địa phương nhất định, do một số đảng viên, cán bộ thoát ly khỏi quần chúng, tìm nơi yên thân để tránh địch, nên ở một số địa phương nhân dân hoang mang lo sợ, không biết làm gì để tham gia kháng chiến, tham gia đánh địch. Trước tình hình trên, đảng bộ các cấp (huyện, tỉnh, khu) đã đề ra chủ trương đưa đảng viên, cán bộ, lực lượng vũ trang bám dân. Đây là kinh nghiệm lớn nhất của ta trong việc xây dựng lực lượng quần chúng, tạo điều kiện để nhân dân đứng dậy trực tiếp tham gia kháng chiến. Tất nhiên, đi vào quần chúng để nắm quần chúng còn kết hợp với nhiều chủ trương chính sách cụ thể như chủ trương phá tề trừ gian, thực hiện tốt chính sách đối với các tầng lớp nhân dân như đối với đồng bào công giáo, đối với đồng bào các dân tộc ít người, chủ trương phát động tăng gia sản xuất để tự cấp, tự túc trong từng vùng, chủ trương đánh địch để bảo vệ dân, bảo vệ mùa màng...

        Nhờ có các chủ trương đúng đắn cùng với sự chịu đựng gian khổ, chịu đựng hy sinh của hàng vạn đảng viên, cán bộ, lực lượng vũ trang, chúng ta đã đưa được phong trào kháng chiến toàn dân, toàn diện ngày càng cao cả ở vùng sau lưng địch, trong các đô thị bị tạm chiếm.

        Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân.

        * Xây dựng dân quân tự vệ: Sau Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ và chính quyền các cấp đều xây dựng lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) rộng khắp ở tất cả các thôn, bản, khu phố. Bắt đầu kháng chiến, DQTV đã cùng bộ đội chiến đấu dũng cảm, góp thành tích lớn trong việc đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch.

        Tuy nhiên, do địch tàn sát đẫm máu nhằm chủ yếu vào đảng viên và DQTV nên ở một số địa phương lực lượng DQTV gặp nhiều khó khăn. Đảng ta đã tiến hành nhiều biện pháp để củng cố lực lượng DQTV, từng bước phát triển cả về số lượng cả về trình độ tác chiến. Một trong những biện pháp đặc biệt quan trọng là phân tán thành từng đại đội bộ đội chủ lực thâm nhập vào vùng sau lưng địch để cùng DQTV chiến đấu, giúp họ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong năm 1948 và một phần năm 1949, phần lớn các trung đoàn bộ đội chủ lực chỉ để lại một tiểu đoàn tập trung, hai tiểu đoàn khác đưa từng đại đội vào từng vùng địch tạm chiếm (thông thường một huyện) vừa để chiến đấu vừa xây dựng lực lượng DQTV trưởng thành.

        * Xây dựng lực lượng địa phương: Từ đầu kháng chiến cho hết năm 1948 ta chưa tổ chức bộ đội địa phương. Nhưng các huyện ủy, tỉnh ủy đều thấy cần phải có lực lượng cơ động của huyện, tỉnh, đồng thời cần có lực lượng để thường xuyên giúp đỡ xây dựng DQTV, nên đã tổ chức các đơn vị DQTV thường trực, thoát ly sản xuất trực thuộc tỉnh, huyện. Các đội DQTV thường trực thuộc huyện, tỉnh, Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thấy cần có thêm một tổ chức vũ trang bên cạnh bộ đội chủ lực và DQTV. Vì vậy, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh tổ chức lực lượng vũ trang địa phương ở cấp huyện một đại đội, ở cấp tỉnh một tiểu đoàn bộ đội địa phương. Trong kháng chiến chống Mỹ, có huyện có tiểu đoàn bộ đội địa phương, có tỉnh có trung đoàn bộ đội địa phương. Bộ đội địa phương trực tiếp cùng DQTV và nhân dân chiến đấu, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội chủ lực tập trung, cơ động, chuẩn bị và thực hành các chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #31 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:22:53 pm »


        * Bộ đội chủ lực: Một trong những bài học nổi lên là xây dựng bộ đội chủ lực phải phù hợp với khả năng và yêu cầu tác chiến. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, phần lớn các tỉnh đã xây dựng một chi đội (về sau chuyển thành trung đoàn). Ở Nam Bộ có tổ chức sư đoàn, nhưng đúng là hình thức này không thể duy trì để tác chiến được, một thời gian ngắn phải giải thể. Năm 1948 Bộ Tổng tư lệnh cũng đã có chủ trương thành lập đại đoàn, nhưng cũng chưa thực hiện vì trình độ của người chỉ huy, cùng với trang bị còn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong giai đoạn từ đầu kháng chiến đến hết năm 1949, ta chỉ có thể chiến đấu ở quy mô tiểu đoàn đến trung đoàn. Năm 1948 tác chiến của ta chủ yếu là ở quy mô tiểu đoàn nên phần lớn các trung đoàn cũng chỉ duy trì một tiểu đoàn tập trung, các tiểu đoàn khác phân tán thành từng đại đội độc lập trực tiếp cùng dân quân tự vệ chiến đấu.

        Từ cuối năm 1949 đến hết kháng chiến chống Pháp, ta cũng chỉ tổ chức 5 đại đoàn bộ binh và 1 đại đoàn công pháo (1 trung đoàn công binh và 2 trung đoàn pháo binh). Ở chiến trường chính, chiến trường miền Bắc (từ Trị - Thiên trở ra), tại Trung Trung Bộ (Khu 5) ta cũng chỉ tổ chức bộ đội chủ lực đến cấp trung đoàn. Riêng ở chiến trường Nam Bộ, ta chỉ tổ chức bộ đội chủ lực đến cấp tiểu đoàn.

        Như vậy, trong kháng chiến chống Pháp, từ giai đoạn đầu do chưa có kinh nghiệm nên ta muốn tổ chức đơn vị lớn (Đại đoàn) để đánh lớn, về sau ta đã tổ chức lực lượng trên từng chiến trường phù hợp với khả năng của đất nước (người và vật chất, vũ khí trang bị) và khả năng sử dụng lực lượng của cán bộ chỉ huy.

        Sau hoà bình (1954) và trong kháng chiến chống Mỹ, chúng ta cũng đã có trường hợp tổ chức chưa phù hợp nhưng đã được sửa chữa kịp thời.

        Ở miền Bắc, ta đã xây dựng nhiều sư đoàn bộ binh, một số trung đoàn binh chủng kỹ thuật đồng thời tổ chức xây dựng hai quân chủng mới là Phòng không - Không quân và Hải quân.

        Ở miền Nam, lúc đầu có ý kiến là có thể đánh du kích, đánh nhỏ, cũng có thể giành được thắng lợi như đã diễn ra ở An-giê-ri. Quan điểm này dẫn đến chậm tổ chức đơn vị chủ lực lớn. Sau một thời gian ngắn, quan niệm này đã được khắc phục, ta bắt đầu xây dựng các trung đoàn và các sư đoàn ở chiến trường miền Nam.

        Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, có chiến dịch ta đã sử dụng đến 5-6 sư đoàn, nhưng nếu ta vẫn giữ tổ chức sư đoàn là không phù hợp. Qua kinh nghiệm chiến dịch Trị - Thiên năm 1972, ta đã kịp thời tổ chức quân đoàn. Các quân đoàn của ta đã tạo điều kiện thuận lợi đánh lớn trong mùa Xuân năm 1975. Riêng chiến dịch Hồ Chí Minh ta đã sử dụng cùng một lúc 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và một đơn vị tương đương quân đoàn (Đoàn 232).

        Về tổ chức các trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn của các binh chủng kỹ thuật cũng cho ta một bài học lớn. Lúc đầu ta cho rằng địch mạnh hơn ta về binh chủng kỹ thuật, nhất là về không quân, ta có thể tổ chức lực lượng của nhiều binh chủng kỹ thuật ở quy mô hay không? Thực tế chiến tranh đã chứng minh hạn chế chính để không tổ chức được các đơn vị lớn của các binh chủng kỹ thuật là do khả năng về trang bị chứ không phải là khả năng về sử dụng.

        Lúc đầu ta suy nghĩ không biết có sử dụng hiệu quả được không quân hay không. Không quân muốn hoạt động nhất thiết phải dựa vào sân bay. Địch có nhiều khả năng vừa phá hoại sân bay vừa diệt máy bay ta đậu trên sân bay. Thực tế, ta đã sử dụng, không phải một trung đoàn không quân mà nhiều trung đoàn không quân. Về tên lửa, ta cũng đã xây dựng hơn mười trung đoàn và thấy nếu có nhiều hơn càng tốt. Về xe tăng và pháo binh, nếu nhiều phương tiện, lực lượng hơn ta vẫn có khả năng sử dụng tốt.

        Trong xây dựng lực lượng vũ trang về số lượng, điều kiện chủ yếu hạn chế của ta là khả năng trang bị và khả năng nuôi dưỡng, không phải do khả năng sử dụng trong tác chiến.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #32 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:23:23 pm »


        Xây dựng lực lượng vũ trang về tinh thần chiến đấu và nghệ thuật tác chiến.

        Để chiến thắng cần có số quân đủ lớn với trang bị càng hiện đại càng tốt, nhưng điều quan trọng hơn trong xây dựng lực lượng vũ trang là xây dựng về tinh thần chiến đấu và nghệ thuật tác chiến. Ta thắng địch chủ yếu không phải vì ta có lực lượng lớn mà cái chính là quân ta có tinh thần chiến đấu cao và nghệ thuật tác chiến ưu việt.

        Nhân dân ta vốn có truyền thống yêu nước, được sự giác ngộ, lãnh đạo của Đảng nên sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Nhân dân đã cử những người con ưu tú của mình vào lực lượng vũ trang, vì vậy các chiến binh ta từ chiến sĩ đến cán bộ đều mang trong mình tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc. Không chỉ dựa vào những gì đã có sẵn, Đảng ta đặc biệt chú trọng giáo dục rèn luyện từng chiến binh để tinh thần chiến đấu của họ ngày càng cao, chịu được quá trình tác chiến kéo dài vô cùng gian khổ, ác liệt và không ít thương vong.

        Chủ trương Đảng lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện lực lượng vũ trang, với chế độ chính ủy, chính trị viên, cùng các cơ quan chính trị được xây dựng mạnh ở tất cả các cấp là yếu tố cơ bản xây dựng cho lực lượng vũ trang ta vượt hẳn kẻ thù về mặt giác ngộ nhiệm vụ chính trị và tinh thần chiến đấu.

        Để xây dựng lực lượng vũ trang về nghệ thuật tác chiến, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh đã tiến hành hàng loạt biện pháp khác nhau:

        * Tổ chức cho cán bộ học tập tại các trường cả trong nước và ngoài nước. Phần lớn cán bộ trung cấp, cao cấp đều được cử đi học ở nước ngoài hoặc các trường quân sự trong nước.

        Dân tộc ta, lực lượng vũ trang ta qua nhiều thế hệ đã chiến thắng nhiều kẻ thù mạnh. Chúng ta đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm hết sức quý báu. Việc tổ chức cho tất cả cán bộ được học tập tại trường trong nước là cần thiết. Nhưng ta cũng phải thấy trong lịch sử các dân tộc đã diễn ra hàng nghìn vạn cuộc chiến tranh ở nhiều nước. Từng nước có kinh nghiệm riêng của họ, sự tích lũy tổng kết lý luận - thực tiễn chiến tranh nên nghệ thuật quân sự của nhiều nước cũng rất đa dạng, phong phú. Việc tìm hiểu nền nghệ thuật quân sự của nước ngoài sẽ làm cho nghệ thuật quân sự của ta càng phong phú thêm. Ta thường nói cần học tập kinh nghiệm nước ngoài một cách có chọn lọc. Muốn chọn lọc phải biết nước ngoài có gì. Không biết người ta có gì làm sao chọn lọc được. Xuất phát từ nhận thức như trên nên Bộ Tổng tư lệnh đã cử nhiều cán bộ ra nước ngoài học tập. Bản thân đồng chí Tổng tư lệnh và các đồng chí thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu cũng đều đã ra nước ngoài học tập. Việc đi nước ngoài học tập thực sự nâng cao thêm trình độ về nghệ thuật quân sự của các thế hệ cán bộ ta.

        * Để biến lý luận thành thực tiễn, ta đặc biệt chú trọng rèn luyện cán bộ ngoài chiến trường và kịp thời tổng kết các hoạt động tác chiến. Có thể nói tất cả cán bộ ở ta đều phải qua thực tiễn chiến đấu. Các cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh, của các cơ quan quân khu cũng thay phiên nhau ra chiến trường trực tiếp chiến đấu. Đồng chí Tổng tư lệnh và thủ trưởng cơ quan của Bộ Tổng tư lệnh đều đã ra chiến trường trực tiếp chỉ huy tác chiến.

        Kết hợp học tập tại trường và rèn luyện trực tiếp trong tác chiến là biện pháp quan trọng đã giúp cho trình độ tác chiến của cán bộ trong lực lượng vũ trang ta ngày càng được nâng cao, được hoàn thiện.

        Để giành thắng lợi trong tác chiến, việc chuẩn bị lực lượng ngày càng mạnh là một khâu then chốt ở tầm vĩ mô, ở quy mô chiến lược của ta. Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân mạnh để làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc là một trong các nội dung cơ bản trong đường lối quân sự của Đảng ta
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #33 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:24:18 pm »

   
        B. CHUẨN BỊ THẾ TRẬN

        Trong tác chiến, lực và thế đều là hai yếu tố quyết định thắng lợi. Trong hai cuộc kháng chiến, về lực, đối phương có nhiều mặt mạnh hơn ta như quân số đông, có trang bị mạnh; nhưng về thế thì ta luôn luôn mạnh hơn địch. Ta thường nói “thế ta là thế đứng trên đầu thù”.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một ví dụ rất hay nói lên sự quan trọng của thế. Người nói: “Quả cân chỉ nặng một ki-lô-gam, nhưng ở vào thế có lợi có sức mạnh làm bổng vật nặng hàng trăm ki-lô-gam”.

        Nguyễn Trãi cũng đã nói về sức mạnh của thời và thế: “Được thời có thế thì mất biến thành còn, nhỏ hoá ra lớn, mất thời không thế thì mạnh hoá ra yếu, lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”.

        Nhận thức được sự quan trọng của thế, trong lúc tạo lực mạnh, ta luôn tìm mọi biện pháp để phát huy thế mạnh của ta.

        1. Trên cơ sở đường lối toàn dân đánh giặc, thế quan trọng nhất mà ta đã tạo ra là thế “chiến tranh cài răng lược”. Thực vậy, nếu dàn thành trận tuyến quân đội hai bên đối địch nhau thì ta không thể đánh thắng địch. Thế “chiến tranh cài răng lược” được từng bước phát triển qua quá trình kháng chiến.

        Từ đầu cuộc kháng chiến, ta đã chủ trương để một bộ phận quan trọng lực lượng ở lại sau lưng địch khi chúng vượt qua để tiếp tục chiến đấu, đánh vào cạnh sườn sau lưng chúng. Nhờ vậy thế “cài răng lược” đã hình thành ngay từ đầu cuộc kháng chiến.

        Trên cơ sở có lực lượng ở lại vùng địch tạm chiếm, tiếp tục chiến đấu ngay trong quá trình kháng chiến chống Pháp, ta đã chủ trương biến hậu phương địch thành tiền phương ta. Thực hiện chủ trương trên ta từng bước đẩy mạnh cuộc chiến đấu ở nơi địch coi là hậu phương.

        - Để duy trì lực lượng chiến đấu của nhân dân, của lực lượng bán vũ trang, Trung ương Đảng cũng như các khu ủy, tỉnh ủy đề ra khẩu hiệu “Quân bám dân”. Thực hiện khẩu hiệu trên, hàng ngàn đảng viên, cán bộ đã không ngại hy sinh, bám sát địa bàn, tổ chức lại lực lượng để đẩy mạnh tác chiến. Bộ Tổng tư lệnh với chủ trương thực hiện đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung ở nhiều trung đoàn, đã đưa các đại đội bộ đội chủ lực vào vùng sau lưng địch để xây dựng và chiến đấu cùng dân quân tự vệ, tạo điều kiện để nhân dân và dân quân tác chiến ngày càng kết quả.

        - Không chỉ đẩy mạnh chiến tranh du kích để biến hậu phương địch thành tiền phương ta, Bộ Tổng tư lệnh còn đưa từng trung đoàn, đại đoàn vào vùng sau lưng địch chiến đấu. Từ đó chiến trường đã hình thành rõ rệt hai mặt trận, mặt trận ngoại tuyến và mặt trận nội tuyến phối hợp cùng nhau tác chiến.

        Bước sang cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ta đã phát triển thế chiến tranh cài răng lược với chủ trương biến hậu phương địch thành tiền phương ta ở vùng nông thôn đồng bằng, vùng đô thị. Thực hiện phương châm ba vùng chiến lược, ta đã làm cho chiến trường không đâu là tiền phương, không đâu là hậu phương của địch. Hầu hết địa bàn đều hình thành mặt trận đánh địch. Thế cài răng lược như cán bộ của chúng ta đã nói: “Cài răng lược đến đầu giường của địch”

        Thế cài răng lược ngày càng phát triển buộc địch phải rải quân để giữ khắp nơi, làm cho quân của chúng đông hoá ít. Suốt hai cuộc chiến tranh, chủ lực địch luôn đông hơn chủ lực ta, nhưng lực lượng cơ động chiến lược của ta lại luôn đông hơn địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #34 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:24:47 pm »


        2. Sau thế trận tác chiến, ta còn xây dựng thế trận hậu phương của ta, xây dựng căn cứ địa kháng chiến ở các quy mô khác nhau.

        Hậu phương vững chắc là một yếu tố không thể thiếu trong thế trận. Một hậu phương vững chắc, an toàn là đặc biệt cần thiết để đẩy mạnh tác chiến của tiền phương. Hậu phương là nơi đặt các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy tác chiến. Hậu phương là nơi các binh đoàn tác chiến được xây dựng, được huấn luyện để chuẩn bị tiến ra chiến trường. Hậu phương là nơi cung cấp sức người, sức của cho tiền phương.

        Việc phá được hậu phương của địch, xây dựng vững chắc hậu phương của ta là một nguyên nhân quan trọng đưa cuộc kháng chiến của ta đi đến thắng lợi.

        Trong kháng chiến chống Pháp ta có 3 vùng hậu phương vừa rộng lớn vừa vững chắc. Đó là căn cứ địa Việt Bắc, vùng tự do gồm 3 tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh của Liên khu 4, vùng tự do gồm 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên của Liên khu 5. Ngoài 3 căn cứ trên, từng liên khu, từng tỉnh đều có căn cứ hậu phương riêng của mình. Quân địch muốn xóa bỏ căn cứ nổi tiếng cả nước như Dương Minh Châu của Khu 7, Đồng Tháp của Khu 8, U Minh của Khu 9, nhưng chúng đều thất bại.

        Trong kháng chiến chống Mỹ, ta có hẳn một hậu phương rộng lớn là miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Có thể nói hậu phương miền Bắc có vai trò quyết định thắng lợi trong cuộc kháng chiến ở miền Nam. Đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng không quân, hải quân rất lớn để đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá để cô lập miền Nam, nhưng chúng hoàn toàn thất bại.

        Thành công của việc xây dựng thế trận hậu phương là một cuộc chiến đấu vô cùng gian khó và anh dũng, không kém gì cuộc chiến đấu ở tiền phương. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương của các khu ủy tỉnh ủy, nhân dân cùng lực lượng vũ trang đã vừa lao động hết sức mình, vừa chiến đấu quyết liệt với kẻ thù mới giữ vững được hậu phương.

        3. Chúng ta thường nói thiên thời, địa lợi, nhân hoà là ba yếu tố quan trọng tạo nên thắng lợi. Để có địa lợi trong chiến tranh không phải chỉ nhận rõ được tác dụng của từng loại địa hình đối với quá trình tác chiến mà còn phải đầu tư để xây dựng thế chiến lược của từng loại địa hình, xây dựng thế trận về địa hình.

        Hai phần ba địa hình nước ta là rừng núi. Địa hình rừng núi tạo thuận lợi để quân đội ta trang bị kém đánh thắng một quân đội có trang bị kỹ thuật hiện đại “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

        Rừng núi đất nước ta từ Việt Bắc, xuyên qua chiều dài đất nước, kéo dài đến tận miền Đông Nam Bộ. Làm chủ được vùng rừng núi thì vừa có các căn cứ hậu phương vững chắc, vừa có thể uy hiếp vùng đồng bằng đô thị. Vùng rừng núi cho phép ta “Lùi khả dĩ thủ, tiến khả dĩ công”. Vì vậy, trong thế trận địa hình ta đã đặc biệt chú trọng làm chủ vùng rừng núi. Để làm chủ vùng rừng núi ta có hàng loạt chủ trương, biện pháp cụ thể:

        - Để chiến đấu lâu dài với địch, các cấp từ Trung ương đến địa phương đều chọn vùng rừng núi để xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương. Bắt đầu toàn quốc kháng chiến (ngày 19 tháng 12 năm 1946), trong khi tranh thủ chủ động tiến công địch ở các đô thị, ta đồng thời tổ chức di chuyển tài sản, cơ sở vật chất lên vùng rừng núi, cử cán bộ làm công tác chuẩn bị cần thiết để di chuyển cơ quan lãnh đạo, cơ quan chỉ huy lên vùng rừng núi.

        - Vùng rừng núi là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số anh em. Vì vậy chúng ta đã đề ra các chính sách dân tộc phù hợp để vừa bồi dưỡng sức dân vừa phát động đồng bào các dân tộc đoàn kết đứng dậy chống kẻ thù chung.

        - Có kế hoạch tác chiến cụ thể đánh trả địch tiến công lên vùng rừng núi. Ta đã thành công trong đánh địch tiến công lên Việt Bắc và vào các chiến khu khác ở khắp Trung, Nam, Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, ta đã đánh bại hai cuộc hành quân lớn của Mỹ - ngụy để làm chủ rừng núi, là cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ty ở miền Đông Nam Bộ (1967) và cuộc hành quân “Lam Sơn - 719” ở Đường 9 - Nam Lào (1971). Cả hai cuộc hành quân địch đều sử dụng quy mô nhiều sư đoàn với số lượng lớn pháo binh, xe tăng, máy bay các loại.

        - Những nơi địch tạm thời chiếm đóng ta đều mở các chiến dịch lớn để tiêu diệt và quét địch khỏi vùng rừng núi, nơi nổi lên là chiến dịch tiến công Tây Bắc (1952) và một loạt chiến dịch trong Đông Xuân (1953-1954) trong kháng chiến chống Pháp, chiến dịch Tây Nguyên (1975) trong kháng chiến chống Mỹ.

        - Ta đã xây dựng một con đường chạy suốt từ vùng núi Bắc Bộ, xuyên suốt dãy Trường Sơn vào đến miền Đông Nam Bộ không chỉ để làm chủ rừng núi mà cái chính là dựa vào rừng núi để cơ động lực lượng, thiết lập các hệ thống kho tàng chiến lược để chi viện cho các chiến trường.

        Làm chủ vùng rừng núi là thế trận trong hai cuộc kháng chiến và có lẽ đó cũng là thế trận của tương lai nếu chiến tranh xảy ra.

        Để tiến hành tác chiến chiến lược bao gồm hàng loạt công việc khác nhau, nhưng tạo lực mạnh, tạo thế có lợi là hai công việc hàng đầu. Ta đã tập trung nỗ lực cao nên đã tạo được lực mạnh và thế có lợi để đánh thắng địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #35 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:29:50 pm »


        III. ĐIỀU HÀNH TÁC CHIẾN

        1. Giao nhiệm vụ cho các chiến trường binh đoàn cơ động trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh

        Công việc đầu tiên trong điều hành tác chiến là giao nhiệm vụ cho chiến trường, các binh đoàn cơ động trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh. Kế hoạch tác chiến chiến lược thường được xây dựng hằng mùa, hằng năm. Do thời gian dài nên tình huống có thể diễn biến phức tạp trong quá trình tác chiến. Để vừa nắm được chủ trương tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, vừa quán triệt được nhiệm vụ tác chiến của đơn vị trong các tình huống khác nhau, trong đó có tình huống mới là dữ kiện, vì vậy Bộ Tổng tư lệnh thường giao nhiệm vụ trực tiếp trong hội nghị quân sự. Đối với chiến trường xa như Khu 5, Nam Bộ, có trường hợp cử phái viên vào phổ biến nhiệm vụ. Trường hợp giao nhiệm vụ qua điện đài, để giữ bí mật, chỉ giao nhiệm vụ trước mắt, quá trình tác chiến sẽ giao nhiệm vụ bổ sung.

        Trong hội nghị quân sự, trước khi giao nhiệm vụ thường tiến hành tổng kết các hoạt động tác chiến trước đó, sau khi giao nhiệm vụ thường hướng dẫn phương pháp tác chiến cả về chiến thuật, chiến dịch và chiến lược.

        Kế hoạch từng năm, từng mùa có khi đề ra được cụ thể các bước, các đợt tác chiến, có khi mới dừng lại ở ý định tác chiến, còn kế hoạch tác chiến cụ thể mới chỉ là dự kiến. Vì vậy nhiệm vụ của các chiến trường có khi đề ra cụ thể, có khi chỉ đề ra yêu cầu. Các chiến trường căn cứ vào yêu cầu mà chủ động đề ra kế hoạch tác chiến của mình. Đông Xuân 1953-1954 Khu 5 được giao nhiệm vụ cụ thể mở chiến dịch tiến công vào Tây Nguyên. Xuân Hè năm 1972, Tây Nguyên được giao nhiệm vụ mở chiến dịch tiến công vào Bắc Tây Nguyên. Nam Bộ được giao nhiệm vụ mở chiến dịch tiến công ở miền Đông Nam Bộ. Trái lại một số mùa khác, năm khác, các chiến trường chỉ được giao nhiệm vụ đẩy mạnh tác chiến để phối hợp chiến trường, giam chân địch, không cho chúng điều tra chi viện cho chiến trường chính, đẩy mạnh chiến tranh du kích ... Các chiến trường căn cứ vào khả năng của mình để đặt kế hoạch tác chiến. Các binh đoàn cơ động chiến lược có thể được giao nhiệm vụ cụ thể, thường là tham gia hoạt động ở đâu, trong chiến dịch nào. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình, nếu Bộ tư lệnh đã xác định từ đầu các đòn tấn công chiến lược thì các binh đoàn cơ động chiến lược được giao nhiệm vụ cụ thể từ đầu. Cũng có mùa, có năm Bộ Tổng tư lệnh mở đầu tác chiến để thăm dò phản ứng của địch, sau đó căn cứ vào phản ứng của địch mới xác định được nhiệm vụ cụ thể sử dụng các binh đoàn vào chiến trường nào. Đông Xuân 1953-1954, lúc đầu Bộ Tổng tư lệnh chưa xác định nhiệm vụ cụ thể cho 3 đại đoàn chủ lực là 304, 308, 312. Với phương châm tác chiến: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, với chủ trương phân tán lực lượng cơ động của địch, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cụ thể cho Khu 5 và các đại đoàn 325, 316. Sau khi địch đánh chiếm Điện Biên Phủ với lực lượng lớn, Bộ Tổng tư lệnh mới quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và giao nhiệm vụ cho các đại đoàn 304, 308, 312, 316, Đại đoàn công - pháo 351 tham gia chiến dịch này.

        Kế hoạch tác chiến chiến lược thường được phổ biến trong hội nghị quân sự, khi cần có thể cử phái viên đến đơn vị trực tiếp phổ biến, rất ít khi truyền bằng điện đài.

        2. Mở đầu tác chiến

        Kết quả của mở đầu tác chiến ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tác chiến. Vì vậy trong điều hành tác chiến, cấp chiến lược rất xem trọng việc chỉ đạo mở đầu tác chiến. Trong hai cuộc kháng chiến đã có các tình huống mở đầu khác nhau:

        a) Tất cả các chiến trường mở đầu cùng một thời gian.

        Trường hợp này diễn ra khi thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược phụ thuộc nhiều vào yếu tố bất ngờ. Trong hai cuộc chiến đã có hai lần yêu cầu tất cả các chiến trường cùng tiến công vào một giờ, một ngày. Đó là cuộc tiến công mở đầu toàn quốc kháng chiến (19-12- 1946) trong đánh Pháp và cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân (1968) trong đánh Mỹ.

        Cuộc tiến công mở đầu toàn quốc kháng chiến, nhiều chiến trường bắt đầu tác chiến chậm hơn chiến trường chính, chiến trường Hà Nội. Việc này có thể hiểu được vì thời gian đó tư lệnh các chiến trường chưa có kinh nghiệm về tổ chức và chuẩn bị tác chiến, phương tiện thông tin từ Bộ xuống các chiến trường còn nhiều hạn chế.

        Cuộc tiến công Tết Mậu Thân lại diễn ra tình trạng chiến trường đánh trước, chiến trường đánh sau. Khu 5 bao gồm cả Tây Nguyên đánh vào đêm trước. Trị - Thiên và Nam Bộ đánh vào đêm sau. Việc không đánh vào cùng một đêm, gây khó khăn lớn cho các chiến trường đánh vào đêm sau, vì địch đã có đề phòng nhất định. Khuyết điểm này cần làm rõ, đó là trách nhiệm của Bộ Tổng tham mưu, trực tiếp là cơ quan tham mưu tác chiến chiến lược. Tết Mậu Thân, cơ quan làm lịch của ta xác định rằng Tết Việt Nam diễn ra trước tết truyền thống (dựa theo lịch Trung Quốc), Khu 5 theo lịch mới của ta, đánh trước một ngày. Trị - Thiên và Nam Bộ theo lịch truyền thống của các năm trước, nên đánh sau một ngày. Tôi cho rằng cơ quan tham mưu tác chiến chiến lược không thể không biết chủ trương thay đổi lịch, nhưng đã không có biện pháp để xử lý tình huống trên.

        b) Các chiến trường phối hợp mở đầu trước, chiến trường chính mở đầu sau.

        Các chiến trường phối hợp mở đầu trước nhằm mục đích:

        - Làm cho địch phán đoán đâu là chiến trường chính, đâu là chiến trường phối hợp.

        - Các chiến trường phối hợp đánh trước để có thời gian đẩy tác chiến lên trình độ cao nhằm kìm giữ địch tại chỗ, không cho chúng điều lực lượng để chi viện cho chiến trường chính.

        Phần lớn các cuộc tiến công chiến lược ta đều chủ trương để chiến trường phối hợp đánh trước, chiến trường chính đánh sau. Tết Mậu Thân, để bất ngờ tiến công vào các đô thị, ta cho chiến trường rừng núi đánh trước, trong đó trọng điểm là Đường 9 - Khe Sanh. Đáng tiếc chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh chỉ đánh trước 10 ngày, chưa đủ thời gian để điều được lực lượng của địch lên chiến trường này thì cuộc tiến công vào các đô thị đã bắt đầu. Tóm lại, mở đầu tác chiến sao cho có lợi là sự tính toán trên nhiều mặt. Thực hiện đúng thời gian mở đầu tác chiến của từng chiến trường theo quy định là một việc không đơn giản, trong điều kiện trình độ tác chiến và chuẩn bị tác chiến của cán bộ ta còn có hạn chế nhất định, nhất là khi phải tổ chức và chuẩn bị tác chiến trong thời gian ngắn. Một ảnh hưởng rất quan trọng nữa là bộ đội ta từ du kích từng bước tiến lên chính quy nên còn mang theo nhiều tác phong du kích. Xây dựng tác phong chính quy, xây dựng tính kỷ luật cao là một yêu cầu để các chiến trường thực hiện đúng thời gian mở đầu chiến dịch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #36 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:30:42 pm »


        3. Điều hành quá trình tác chiến

        a) Phán đoán hành động của địch.

        Khi tác chiến chiến lược đã bắt đầu, cấp chiến lược cần nắm vững tình hình diễn ra trên các chiến trường khác nhau để có những quyết sách phù hợp.

        Cấp chiến lược trước hết phải dự kiến được các biện pháp đối phó của địch để chủ động tiến hành các chủ trương các biện pháp đánh bại địch. Ta có thể dự đoán hai, ba khả năng đối phó của địch nhưng cần xác định khả năng nào nhiều nhất mới có điều kiện tập trung sự chỉ đạo, tập trung lực lượng, vạch kế hoạch tác chiến sát với tình hình để đánh bại địch.

        Dự đoán đúng tình huống chưa diễn ra là một điều khó. Do nắm chắc lực lượng địch, nắm được đặc điểm của người chỉ huy của chúng, nhất là nắm được các quy luật đối phó của chúng, ta thường phán đoán đúng, nhưng cũng không ít lần phán đoán không đúng.

        Đòn tiến công chiến lược vào chiến trường Biên Giới Thu Đông năm 1950, ta phán đoán nếu đánh Đông Khê, địch phải đưa viện binh từ Thất Khê lên chiếm lại Đông Khê nếu muốn duy trì việc chiếm đóng biên giới. Nếu rút bỏ biên giới cũng phải đưa quân lên Đông Khê để đón quân ở Cao Bằng rút về. Tình huống đã diễn ra như ta phán đoán, nhưng ta không dự kiến được địch không những chỉ bỏ khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn mà còn bỏ cả Lạng Sơn và Đình Lập chạy về Tiên Yên.

        Năm 1951, trong chiến dịch Đường 18, ta dự đoán địch sẽ đưa viện binh lên giải toả nhưng thực tế địch không lên, nên ta buộc phải kết thúc chiến dịch sớm. Đông Xuân 1953-1954, ta phán đoán đúng: nếu ta mở một số cuộc tiến công vào một số chiến trường khác nhau, ta sẽ phân tán được khối chủ lực cơ động của địch, tạo điều kiện thuận lợi để bao vây tiến công tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ.

        Qua một số tình huống đã diễn ra, ta thấy có thể phán đoán được hành động đối phó của địch khi bị ta tiến công. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể phán đoán đúng. Vì vậy, đây là một công tác đòi hỏi phải nghiên cứu tình hình địch trên nhiều mặt, đào sâu suy nghĩ, nghiên cứu nhiều lần mới có thể phán đoán đúng các hành động của địch sắp diễn ra.

        b) Chỉ đạo chỉ huy các chiến trưởng trong quá trình tác chiến.

        Chỉ đạo chỉ huy các chiến trường trong quá trình tác chiến đã diễn ra hai tình huống khác nhau với các yêu cầu khác nhau.

        - Trong tác chiến chiến lược, nếu đòn tiến công chiến lược chỉ tiến hành trên một chiến trường, thường là trên chiến trường chính, các chiến trường khác tiến hành tác chiến theo khả năng để cải thiện tình hình trên chiến trường mình và phối hợp tác chiến tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính.

        Trong trường hợp này, cấp chiến lược thường trực chỉ huy đòn tiến công chiến lược trên chiến trường chính. Có thể do đồng chí Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy hoặc ủy quyền cho thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu chỉ huy. Đối với các chiến trường khác, chủ yếu theo dõi tình hình diễn biến và có những chỉ thị cần thiết khi cần.

        - Trường hợp tác chiến chiến lược được thực hiện bằng nhiều đòn tấn công chiến lược khác nhau, trên các chiến trường khác nhau, thành một chiến cuộc.

        Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 được tiến hành bằng ba đòn tấn công chiến lược: đòn tấn công chiến lược ở Tây Nguyên, đòn tấn công ở Trung Hạ Lào, đòn tấn công chiến lược ở Tây Bắc và Thượng Lào.

        Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến cuộc mùa Xuân năm 1975 cũng gồm ba đòn tiến công chiến lược: đòn tiến công giải phóng địa bàn quân khu 2 của địch, đòn tiến công giải phóng địa bàn quân khu 1, đòn tiến công giải phóng địa bàn quân khu 3 và đặc khu Sài Gòn. Điểm nổi bật trong chiến cuộc mùa Xuân năm 1975 là các đòn tiến công chiến lược đều thực hiện bằng 2-3 chiến dịch đồng thời và kế tiếp.

        Trong trường hợp tác chiến chiến lược được thực hiện bằng nhiều đòn tiến công chiến lược, hình thành một chiến cuộc, đòi hỏi Bộ Tổng tư lệnh phải chỉ huy cụ thể quá trình tác chiến trên từng chiến trường với các quy định cụ thể: lực lượng sử dụng, thời gian bắt đầu tác chiến, cách đánh và yêu cầu đạt được từng đợt của chiến dịch, từng chiến dịch trong đòn tấn công chiến lược, thời cơ kết thúc tác chiến ...

        Trong chiến cuộc mùa Xuân năm 1975, khi chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi lớn, Bộ Tổng tư lệnh đã lệnh cho chiến trường Trị - Thiên chuyển sang kế hoạch thời cơ, tiến công giải phóng toàn bộ Trị - Thiên. Khi chiến trường Trị - Thiên thắng lợi trọn vẹn, Bộ Tổng tư lệnh đã lệnh cho Quân khu 5 và Quân đoàn 2 tiến công giải phóng Đà Nẵng, đồng thời nhanh chóng cơ động lực lượng để tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh đánh vào cơ quan đầu não của địch để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

        c) Chỉ đạo kết thúc tác chiến.

        Bộ Tổng tư lệnh căn cứ vào tình hình diễn ra trên các chiến trường khác nhau để chỉ đạo kết thúc tác chiến ho từng chiến trường.

        Một công tác lớn sau lúc kết thúc tác chiến là củng cố thắng lợi đã giành được để chuẩn bị tác chiến chiến lược cho mùa tiếp theo. Nói chung chúng ta đã tiến hành kịp thời các công tác củng cố thắng lợi nên đã tạo điều kiện thuận lợi để tác chiến chiến lược từng bước tiến lên. Nhưng khi thắng lợi diễn ra quá nhanh trong mùa Xuân năm 1975, ta không có kế hoạch cụ thể để quản lý vùng mới giải phóng, quản lý các thành phố lớn, vì vậy đã gây nhiều tổn thất về vật chất và về cả tinh thần.

        Tác chiến chiến lược muốn giành thắng lợi phải có chủ trương đúng và tổ chức chuẩn bị chu đáo. Nhưng việc điều hành tác chiến đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Chỉ có giành được thắng lợi trong tác chiến mới biến được chủ trương thành hiện thực, mới giành được thắng lợi về mặt chiến lược từng bước, để giành thắng lợi hoàn toàn, đánh bại kẻ địch.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #37 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:45:06 pm »

       
PHẦN THỨ HAI

NHỮNG TRANG HỒL ỨC VỀ CUỘC ĐỜI.
VỀ CHIẾN TRANH
VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI 50 NĂM TRONG QUÂN NGŨ


ĐÔI LỜI TÂM HUYẾT

        Trong lúc còn đi học, tôi có mong muốn lúc trưởng thành sẽ làm một nghề tự do nào đấy: sản xuất, buôn bán, thầy thuốc ... Tôi nghĩ mình là dân xứ Nghệ, lại sinh trưởng trong một dòng họ có nhiều người chống đối chính quyền thực dân phong kiến, khó thành đạt trên con đường công chức nhà nước.

        Cuộc đời không theo ý muốn ban đầu của nhiều người, trong đó có tôi. Tôi đã ở trong quân ngũ suốt 50 năm, ở trong một tổ chức chặt chẽ nhất, kỷ luật cao nhất so với tất cả tổ chức khác của một nhà nước.

        Bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, tôi muốn ghi lại cuộc đời mình. Trước hết để con cháu biết cha, ông đã sống như thế nào. Sau nữa, nếu có thể sẽ giúp ai đó muốn biết thêm trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân đội ta đã chiến đấu từ nhỏ đến lớn, từ ít kinh nghiệm ban đầu cho đến lúc dày dạn trận mạc, đọc những trang hồi ức này, tôi cũng thấy vui.

        Tôi mong con và cháu của tôi giữ lại những trang hồi ức này như một kỷ vật của gia đình. Tôi thành thật cảm ơn bất kỳ ai đọc những trang hồi ức của tôi, vì như vậy dẫu sao lao động của tôi cũng có ích.

        Tôi cũng rất mong được lượng thứ, vì tuổi đã cao, trí nhớ đã giảm, nên một số tên người trong những trang hồi ức được viết có thể không chính xác.


CON ĐƯỜNG VÀO QUÂN NGŨ

        I. THỜI THƠ ẤU VÀ ĐỜI HỌC SINH (1928-1943)

        Theo gia phả họ Hoàng ở Nghệ An, tôi là hậu duệ đời thứ 21 của Hoàng Tá Thốn, tục truyền là một danh tướng đời Trần, một chuyên gia về bơi lặn (như đặc công nước ngày nay) đã làm chìm thuyền chiến của địch... Do công lao góp phần quan trọng đánh bại thủy quân địch trên sông Bạch Đằng, ông được phong danh hiệu Sát Hải Đại Vương. Cũng không rõ đây là danh hiệu vua phong, hay là sự suy tôn của nhân dân. Hiện nay có đền thờ Sát Hải Đại Vương ở huyện Yên Thành.

        Có lẽ dòng họ, từ Sát Hải Đại Vương, có địa vị trong xã hội, nên các con cháu sau này được học hành nhiều và cũng có một số người thành đạt. Qua nho học, người nào đỗ đạt ra làm quan, ai không thi đậu, hoặc chỉ là cử nhân, tú tài, thường làm thầy thuốc, ít người làm thầy đồ. Ông tổ, sáu đời trên tôi, tức đời thứ hai từ Quỳnh Lưu vào định cư ở Nghi Lộc làm thầy thuốc đến ngự y (thầy thuốc của nhà vua). Các con cháu cụ nhiều người là thầy thuốc giỏi, trong đó có ông nội và bác ruột tôi.

        Ông tôi là thầy thuốc giỏi nên gia đình có điều kiện vật chất để các con được học hành. Bác tôi đi thi đã vào được tam trường nhưng đến phúc hạch thì bị hỏng, trở về làm thầy thuốc. Bố tôi trước cũng theo nho học. Sau đó nhà nước bỏ thi Hán văn, bố tôi quay sang học quốc ngữ. Ông cũng có hai bằng: thí sinh và khoá sinh. Tôi đã được xem hai bằng này. Có lẽ thi sinh tương đương bằng sơ học yếu lược và khoá sinh tương đương bằng tiểu học sau này. Tôi cũng không hỏi bố tôi và cũng không nghiên cứu các văn bằng đó, chỉ biết bố tôi, toán, thành thạo về phân số và chia học đại số.

        Bố tôi tên là Hoàng Văn Hệ, lấy vợ là Đặng Thị Ngung, cũng con nhà giàu (các cụ thời xưa lấy môn đăng hộ đối làm tiêu chuẩn hàng đầu để dựng vợ gả chồng). Bố mẹ tôi thừa kế cả nội ngoại được hai mẫu ruộng (mẫu Trung Bộ). Bố tôi do được học hành nên ông không làm ruộng mà đi kinh doanh đủ nghề: mở cửa hàng ăn ở Vinh, đi làm thầu khoán, mở trang trại... Đến khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 bố tôi trở về quê làm ăn. Ông cho rằng mình không gặp thời vận, nhưng ngày nay tôi hiểu là do ít vốn nên bị những người trường vốn đè bẹp. Cũng may, lúc cần vốn, ông tự lo liệu không bán ruộng làm vốn. Thời đó có nhiều người bán ruộng làm vốn kinh doanh, kinh doanh thất bại rơi vào cảnh cùng cực đói rét.

        Mẹ tôi, với hai mẫu ruộng cày cấy đủ nuôi các con và nuôi chồng lúc thất nghiệp. Một điều đặc biệt, mẹ tôi là một nông dân thuần tuý. Nông dân thường có tính tư lợi (cũng do hoàn cảnh, làm cho đủ ăn đã khó) nhưng mẹ tôi rất rộng rãi, từ việc tiếp đón bà con, khách khứa, cho đến đối xử với người làm công. Năm 1945 mẹ tôi đã giúp đỡ cho những người làm thuê thiếu thốn. Năm đó làng tôi chết đói 200 người, nhưng những người làm thuê cho gia đình tôi nhờ sự giúp đỡ của mẹ tôi mà vượt qua được. Các chị em tôi thường nói: nhờ bố mẹ ăn ở phúc đức nên để lại may mắn cho con cháu. Các con trải qua chiến tranh ác liệt, luôn có mặt ở chiến trường nhưng đều an toàn. Ngày nay con cháu đều làm ăn phát đạt. Tôi không xác định suy nghĩ đó đúng hay không. Nhưng có điều đúng là do kế thừa cách sống của bố mẹ nên các anh chị em tôi người nào cũng rộng rãi, đối xử tốt với mọi người, giúp đỡ nhau trong họ hàng cũng như giúp đỡ người ngoài một cách vô tư.

        Cha mẹ tôi sinh được bảy người con, hai trai năm gái. Trước Cách mạng chỉ một mình tôi được học từ trường xã lên trường tỉnh. Anh tôi học chữ Hán để kế nghiệp bác tôi làm thầy thuốc, nhưng từ năm 1941 anh tôi bị đi tù, sau khôi phục làm cán bộ địa phương rồi vào bộ đội nên bỏ luôn nghề thuốc. Hai chị gái tôi đều không được học hành gì, ở nhà cùng làm ruộng cho đến khi đi lấy chồng. Hai em gái cũng đều được đi học sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

        Tôi đi học từ bé, ba năm trường xã, ba năm trường huyện và sau đó lên thành phố tiếp tục học cao đẳng tiểu học (ngày nay gọi là trung học cơ sở). Tôi học chăm chỉ và thuộc loại giỏi trong lớp, các kỳ thi đều đậu, thi tốt nghiệp cũng như thi vào học ở hệ trên. Sau khi học hết tiểu học, tất cả bạn bè tôi cùng làng đều bỏ học. Thời đó lên thành phố học rất tốn kém, tầng lớp trung nông như gia đình tôi không đủ khả năng cho con học tiếp. Tôi có bác ruột, làm thuốc, thường chữa bệnh cho nhiều người giàu có nên bác tôi tìm được một gia đình cần gia sư và giới thiệu đến đó ở, vừa đi học vừa dạy kèm con chủ nhà học. Gia sư, danh nghĩa chỉ dạy kèm con chủ nhà học, nhưng thực tế phải làm đủ việc như một bảo mẫu: đưa con người ta đi chơi, tắm rửa cho chúng, trông chừng chúng không chơi nghịch, v.v ... Tôi lên thành phố học, nhưng phải học trường tư, trường Lễ Văn của ông Nguyễn Đức Bình. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, gia đình chưa có quyết tâm cho tôi lên thành phố học nên tôi không thi vào trường công. Đến khi tìm nơi ở làm gia sư thì kỳ thi vào trường cũng đã qua. Tôi đành phải học trường tư. Trường tư trình độ giáo viên cũng như học viên đều yếu hơn trường công. Khi đó thi tỷ lệ đậu cũng thấp hơn nhiều. Tuy vậy hết năm thứ nhất, thầy giáo Ước nói, những trò nào tiếng Pháp đạt điểm 12/20 và được xếp loại 10 trở lên thì có nhiều khả năng thi đậu. Tôi yên tâm học trường tư và quyết học giỏi để thi đậu. Đáng tiếc là tháng 11 năm 1943, Mỹ ném bom phá huỷ hoàn toàn nhà máy xe lửa Trường Thi, đánh phá nhiều nơi trong thành phố, nhà trường phải di chuyển ra khỏi thành phố, xa nơi tôi ở, nên tôi đành phải thôi học ở năm thứ ba.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #38 vào lúc: 15 Tháng Giêng, 2017, 09:49:28 pm »


        II. THAM GIA CÁCH MẠNG (1945-1946)

        Gia đình tôi, cả họ Hoàng của ông tôi và họ Trần của bà tôi đều có nhiều người tham gia cách mạng từ năm 1930. Chú họ tôi là Hoàng Văn Tâm, bí thư đầu tiên của huyện ủy huyện Nghi Lộc, bị địch bắn chết năm 1931. Trong thời gian hoạt động, chú tôi lấy nhà thờ họ Hoàng làm trụ sở bí mật của huyện ủy, nên hiện nay nhà thờ họ Hoàng được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Chú ruột tôi, ông Hoàng Văn Mỹ bị bắt năm 1930, đày đi Kon Tum, đến khi phong trào bình dân lên cầm quyền ở Pháp mới được tha về. Bác ruột tôi, anh ruột tôi cũng đều ở tù. Bên họ Trần của bà tôi cũng có ba người ở cạnh nhà tôi tham gia Xô - viết Nghệ Tĩnh, một người bị bắn ở quê, hai người bị đày đi Kon Tum nên hy sinh ở đấy.

        Năm 1930, tôi mới hai tuổi, chưa biết gì. Sau khi chú tôi ở tù về, anh tôi bắt đầu tham gia cách mạng. Những năm đó, tôi còn nhỏ, đang tuổi đi học, nên chỉ được đọc sách về cách mạng, chưa tham gia hoạt động gì. Từ năm 1940-1944 hầu hết những người tham gia cách mạng đều bị ở tù. Phong trào lắng xuống nên tôi cũng chỉ tiếp tục đi học.

        Tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, một số tù chính trị được thả ra, tiếp tục gây dựng lại tổ chức cách mạng ở địa phương. Cuối tháng 3, qua giới thiệu của chú tôi và anh tôi, đồng chí Hợp đến gặp tôi, đề nghị tôi tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Tôi đồng ý ngay. Những người bị áp bức bóc lột thường sớm giác ngộ đi theo cách mạng, ở trường hợp tôi thì không phải, mà chính là do truyền thống của gia đình. Mọi người tham gia cách mạng thì tôi cũng tham gia cách mạng. Theo triệu tập của đồng chí Hợp, tôi dự cuộc họp với các cán bộ Việt Minh huyện Nghi Lộc. Hội nghị nhằm mục đích bầu ra ban chấp hành lâm thời của Mặt trận Việt Minh huyện. Tôi và đồng chí Hoàng Niệm (sau này là tư lệnh bộ đội thông tin) là hai thành viên mới tham gia hoạt động, nhưng cũng được bầu làm ủy viên ủy ban chấp hành huyện. Theo giải thích của các đồng chí khác, Mặt trận Việt Minh sẽ thành lập các tổ chức quần chúng nên phải có người trong ban chấp hành đảm đương từng tổ chức một. Tôi sẽ lo vận động thanh niên, chủ yếu trong số học sinh, để tổ chức Đoàn thanh niên cứu quốc. Đồng chí Hoàng Niệm hoạt động trong công nhân về tổ chức cho Hội công nhân cứu quốc.

        Tháng 5 năm 1945, ông Phan Anh trong chính quyền Trần Trọng Kim lập ra đoàn thanh niên. Chúng ta chủ trương lợi dụng tổ chức của chúng làm nơi hoạt động công khai để tuyên truyền những người tâm huyết vào mặt trận Việt Minh. Bởi vậy tôi phải đưa người của Việt Minh vào trực tiếp nắm các vị trí chủ chốt trong tổ chức của chúng. Đồng chí Nguyễn Trường Bờn (sau này đi bộ đội lấy tên là Lữ Giang) cũng là ủy viên ban chấp hành Việt Minh huyện làm lãnh tụ thanh niên huyện của tổ chức thanh niên Phan Anh, các lãnh tụ thanh niên (đơn vị dưới huyện gồm các xã) cũng đều là cán bộ Việt Minh, trong đó có anh rể tôi là Nguyễn Đình Phượng làm lãnh tụ thanh niên tổng Đăng Xá. Anh Nguyễn Đình Phượng được giác ngộ, tham gia cách mạng từ trước tháng 8 năm 1945 nên tuy thành phần thuộc lớp trên, vẫn được cử làm công an huyện Nghi Lộc, về sau làm phó giám đốc công an tỉnh Nghệ An. Thời kỳ này hoạt động của tôi chủ yếu là dựa vào tổ chức thanh niên của chính quyềnTrần Trọng Kim để tuyên truyền họ vào Mặt trận Việt Minh. Cho đến trước khởi nghĩa, huyện Nghi Lộc chưa tổ chức được các đoàn thể riêng. Ngay Mặt trận Việt Minh ở tổng, ở xã cũng chưa có ban chấp hành. Cả tổng mới có năm tổ, ở một số ít xã có tổ Việt Minh.

        Khoảng tháng 6, các đồng chí tham gia cách mạng từ trước ở các nhà tù về đông nên cấp trên chỉ đạo bầu lại ban chấp hành Việt Minh ở một số địa phương. Tôi vì tuổi còn ít (17 tuổi), trình độ có hạn nên được cử về tổng Vân Trình phụ trách tổ Việt Minh của tổng và lo việc tổ chức các tổ Việt Minh ở các xã. Tháng 7 chúng tôi bắt đầu đi tuyên truyền về chính sách của Mặt trận Việt Minh, công việc tiến hành hầu như công khai. Chính quyền Pháp đã bị Nhật đảo chính, Nhật đang trong quá trình thua trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, chúng chỉ lo vơ vét vật tư để cung cấp cho nhu cầu chiến tranh. Chính quyền cấp huyện, cấp xã, những tên chống đối bị trừng trị, ngay cả tri huyện cũng bị giết, nên chúng chủ trương làm ngơ. Tháng 8, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh để chuẩn bị cho việc cướp chính quyền, tại các tổng đều tổ chức các cuộc mít tinh với đông đảo quần chúng tham gia. Tại tổng Vân Trình, chúng tôi cũng tổ chức một cuộc mít tinh với mấy nghìn người tham gia, kêu gọi quần chúng đứng lên khởi nghĩa và kêu gọi các tổng lý đi theo cách mạng, đóng góp tiền của cho Việt Minh. Ngày 21 tháng 8, ngày chính thức cướp chính quyền ở huyện, ban chấp hành Việt Minh huyện một mặt vào trụ sở của huyện để cướp trụ sở, tịch thu tất cả tài liệu của chúng, sau đó cho chúng được tự do trở về quê, mặt khác tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở núi Bửa (nay thuộc xã Nghi Hoa) để ra mắt chính quyền cách mạng, do đồng chí Lê Đình Vỹ làm chủ tịch. Tôi dẫn đầu đoàn quần chúng ở tổng Vân Trình về dự mít tinh. Sau khi có chính quyền ở huyện, ta bắt đầu tổ chức chính quyền ở các xã.

        Tháng 11 năm 1945, tôi được triệu tập về ban tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh để bổ sung vào đoàn tuyên truyền lưu động. Sau một tuần học tập, tổ của tôi gồm ba đồng chí được phân công đi tuyên truyền ở huyện Thanh Chương. Nhiệm vụ chính là tuyên truyền việc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được tổ chức vào ngày 6 tháng 1 năm 1946. Suốt tháng 12, chúng tôi lần lượt đi qua nhiều xã của huyện Thanh Chương để làm nhiệm vụ. Đợt công tác này, chúng tôi không được cấp một đồng kinh phí nào. Đi xe miễn phí với giấy giới thiệu của chính quyền cách mạng tỉnh. Ăn uống do chính quyền xã lo. Chính quyền địa phương thường giới thiệu chúng tôi đến các gia đình có chỗ ở rộng rãi. Sau khi trở về ban tuyên truyền Việt Minh tỉnh, tôi được cấp trên thông báo cho về nghỉ ít ngày để sau Tết đi học trường quân sự quân khu mới mở ở Nhượng Bạn thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #39 vào lúc: 18 Tháng Giêng, 2017, 04:18:52 pm »


        III. Ở TRƯỜNG QUÂN SỰ QUÂN KHU

        Gia nhập quân đội với giấy giới thiệu của cơ quan quân sự tỉnh Nghệ An, tôi và nhiều đồng chí khác đến trường quân sự quân khu. Đây là nơi nghỉ mát của thực dân Pháp trước đây. Trường do đồng chí Hồ Tùng Mậu là hiệu trưởng, giáo viên có hai đồng chí là giải phóng quân cũ, dạy về chiến thuật. Trong hai đồng chí tôi nhớ rõ có một đồng chí là Bế Kim Doanh, người Cao Bằng. Sau này làm tư lệnh phó Quân khu 1, tôi có ý hỏi thăm anh em ở Cao Bằng về gia đình đồng chí Bế Kim Doanh, được biết đồng chí chưa lập gia đình và sau này hy sinh ở Nam Bộ với chức vụ trung đoàn trưởng (quãng năm 1948 - 1949). Giảng viên kỹ thuật có một đồng chí người Đức và hai sĩ quan người Nhật. Thời gian học là ba tháng. Những năm đó, chúng tôi chỉ được học một tháng là phải rời nhà trường để ra đơn vị. Do nhu cầu thành lập đơn vị mới, trường quân sự có hai đối tượng. Một số là tiểu đội trưởng ở đơn vị, nay đi học để trở thành trung đội trưởng. Số này có trình độ quân sự nhất định vì đã được học tập đào tạo tiểu đội trưởng ở các trường quân sự của chi đội (chi đội sau này đổi thành trung đoàn). Số còn lại là cán bộ của Mặt trận Việt Minh, đều tham gia cách mạng trước tháng 4, tháng 5. Có trình độ chính trị nhất định nhưng về quân sự thì đây là lần đầu tiên họ cầm khẩu súng. Sau một tháng học tập, chúng tôi mới được học ba kỹ thuật lớn: bắn súng, đâm lê, ném lựu đạn và chiến thuật cá nhân: ẩn nấp, di chuyển, phát huy hoả lực xung phong. Đội ngũ và canh gác chỉ học ngoại khoá. Đội ngũ học vào giờ thể dục buổi sáng, canh gác học vào buổi tối, thời gian trong một tháng, nhưng với sự ham học của học viên, chúng tôi nắm vững các môn học. Ngày học với thầy hai buổi. Tự luyện vào buổi trưa và buổi tối.

        Sau khi ra trường, tôi và 17 anh em khác về nhận công tác ở tiểu đoàn tiếp phòng quân Đông Hà (thuộc tỉnh Quảng Trị). Trong chúng tôi nhiều người được phân công làm trung đội trưởng và trung đội phó. Cán bộ tiểu đoàn và đại đội đều là hạ sĩ quan cũ của quân đội Pháp. Tiểu đội trưởng thì chọn trong số chiến sĩ, những người tương đối khỏe mạnh và có trình độ văn hoá nhất định. Theo hiệp định ta ký với Pháp, phía ta có 10 nghìn, phía Pháp có 15 nghìn người làm nhiệm vụ tiếp phòng. Tiểu đoàn tiếp phòng quân Đông Hà thuộc trung đoàn tiếp phòng quân đóng ở ba tỉnh Bình - Trị - Thiên, do đồng chí Quốc Chủng làm trung đoàn trưởng. Trung đoàn thuộc Đại đoàn 2 quân tiếp phòng do đồng chí Hoàng Điền làm đại đoàn trưởng. Gọi là quân tiếp phòng, nhưng ở Quảng Trị không có quân Nhật, quân Pháp cũng không. Vì vậy ngoài hai bộ đồng phục ka-ki, chúng tôi cũng không khác gì các đơn vị quân sự khác, hàng ngày chỉ chăm lo tập luyện. Thời gian này Trung ương và Tổng chính ủy đặc biệt chăm lo củng cố bộ đội về mặt chính trị. Sau thời gian ngắn lên Đông Hà, đồng chí Đoàn La, tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Trị được cử đến làm chính trị viên tiểu đoàn. Đồng chí Đoàn La triệu tập tôi và đồng chí Hùng đến thông báo: Theo giới thiệu của đồng chí Trần Văn Quang (lúc này là chủ nhiệm chính trị quân tiếp phòng), tiểu đoàn tiếp phòng quân Đông Hà có hai đảng viên là tôi và đồng chí Hoàng. Chúng tôi báo cáo rõ: chúng tôi đều là cán bộ Việt Minh, nhưng chưa phải là đảng viên. Đồng chí Đoàn La nói nếu thế đồng chí sẽ đề nghị với Tỉnh ủy kết nạp hai chúng tôi vào Đảng. Sau một tuần, đồng chí cho biết Tỉnh ủy Quảng Trị đồng ý kết nạp hai chúng tôi và người giới thiệu vào Đảng cho cả hai người là đồng chí Đoàn La. Thời kỳ đó công tác tổ chức của Đảng còn lỏng lẻo và nhiều khi không đúng nguyên tắc cũng là chuyện thường tình. Chúng tôi vào Đảng, không phải làm đơn xin gia nhập Đảng, chỉ có một người giới thiệu. Cũng không tổ chức lễ kết nạp, không có lễ tuyên thệ trước cờ Đảng. Sau này, viết lý lịch tôi ghi người giới thiệu có tên đồng chí Đoàn La và đồng chí Trần Văn Quang vì thực tế đồng chí Trần Văn Quang đã viết giấy giới thiệu... Sau khi hai chúng tôi được kết nạp vào Đảng, đồng chí Đoàn La nói, chúng ta ba người là một chi bộ và thực hiện cuộc họp chi bộ đầu tiên. Cuộc họp phân công tôi phát triển đảng ở đại đội 1, đồng chí Hùng ở đại đội 3 và đồng chí Đoàn La phụ trách đại đội 2. Lại một lần sai nguyên tắc nữa. Chi bộ chỉ có một đảng viên chính thức, điều kiện để thành lập chi bộ chưa đủ, nhưng cũng làm nhiệm vụ kết nạp đảng viên. Hai chúng tôi là đảng viên dự bị cũng làm nhiệm vụ giới thiệu người vào Đảng!

        Đến tháng 10, khi chúng tôi được công nhận là đảng viên chính thức, đại đội đã phát triển thêm được ba, bốn đảng viên nên mỗi đại đội đều thành lập một chi bộ. Tôi và đồng chí Hùng nghiễm nhiên là liên chi ủy viên tiểu đoàn, trực tiếp làm bí thư chi bộ. Theo quyết định của trên, tôi đồng thời được chỉ định làm chính trị viên đại đội 2

        Về huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật và cá nhân chiến đấu. Chiến thuật từ cấp tiểu đội trở lên không có kết quả thiết thực trong chiến tranh. Như trên tôi đã nói, cán bộ tiểu đoàn và đại đội là hạ sĩ quan quân đội Pháp. Họ huấn luyện chiến thuật theo những gì đã học được ở quân đội Pháp. Nhưng biên chế tổ chức, trang bị vũ khí kỹ thuật của ta không chính quy như của quân đội Pháp. Bộ đội ta lúc đó làm gì một tiểu đội có một súng máy. Trong đại đội tôi, tiểu đội chỉ có bốn - năm súng trường, toàn đại đội chỉ có một trung liên và toàn tiểu đoàn chỉ có một đại liên
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM